Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Sở hữu toàn dân là của ai?


[Bài đã đăng trên báo Đại Đoàn Kết (xem ở đây) nhưng bị biên tập cắt xén không còn đầy đủ, bản dưới đây mới là nguyên văn của tác giả]

Có thể xem là vi hiến không khi người được giao đại diện chủ sở hữu và quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân lại có hành vi tước bỏ quyền thẩm định của chủ sở hữu tài sản đích thực, chính là người dân. Cụ thể như trong trường hợp chính quyền Hà Nội chặt hạ, thay thế cây xanh; chính quyền tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp tư nhân lấp sông xây đô thị để kinh doanh, và cho rằng không cần thiết phải tham khảo ý kiến của người dân?

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định về chế độ sở hữu toàn dân tại điều 53 như sau: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý”. Dự thảo mới nhất của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng quy định chế độ sở hữu toàn dân với nội dung “nguyên xi” như trong Hiến Pháp. Cũng theo dự luật, Nhà nước sẽ đại diện thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Khi tài sản toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó. Còn khi tài sản toàn dân được giao cho các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang thì các cơ quan, đơn vị này có quyền quản lý, sử dụng. Trong trường hợp luật định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì tổ chức, cá nhân được sử dụng đất, khai thác nguồn lợi thủy sản và tài nguyên khác thuộc sở hữu toàn dân.

Những quy định như trên cho thấy một điều hết sức nghịch lý là tài sản thuộc sở hữu toàn dân nhưng người dân lại không thể trực tiếp “được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản” như nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu được luật pháp quy định mà phải thông qua “trung gian” là Nhà nước. Cơ chế này muốn được thực hiện nghiêm túc, đúng ý chí thực sự của người chủ sở hữu – người dân – cần phải có hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dân chủ và hiệu quả của người dân. Nếu không thiết lập được hệ thống này sẽ dễ dẫn tới việc lạm quyền và coi thường ý chí, nguyện vọng của dân để thỏa mãn các mục tiêu lợi ích nhóm, hay lợi ích cá nhân. Tham nhũng, lãng phí sẽ là chuyện không thể tránh khỏi và có nguy cơ trầm trọng khi việc ủy quyền của người dân cho đại diện chủ sở hữu là Nhà nước không được giám sát, kiểm soát hiệu quả. Người dân sẽ không có cơ chế và quyền lực để bảo vệ tài sản công cộng mà họ là chủ sở hữu khi chúng  bị những cá nhân, nhóm lợi ích có quyền lực xâm phạm trong xu hướng chuyển tài sản từ công sang tư một cách tất yếu.

Sự mù mờ của khái niệm “sở hữu toàn dân” trong quá khứ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho quá trình phát triển, là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực và tham nhũng hoành hành trở thành “quốc nạn” trong quản lý, sử dụng tài sản quốc gia. Theo các chuyên gia, từ trước tới nay các nhà lập pháp Việt Nam chưa từng bao giờ đi tới cùng trong việc mổ xẻ bản chất và ý nghĩa của khái niệm “sở hữu toàn dân”.  Do vậy, để có thể luật hóa khái niệm này cần phải xem xét nghiêm túc để có sự minh định rõ ràng chế định pháp lý của nó. Trước hết, về khoa học pháp lý khái niệm “toàn dân” không phải là một pháp nhân. Cho nên, cần phải cụ thể hóa người chủ sở hữu thật sự có tư cách pháp nhân là ai, có trách nhiệm giải trình như thế nào và ai giám sát việc thực thi quyền sở hữu đó?

Từ trước tới nay hầu như các văn bản pháp luật đều ghi nhận một cách đơn giản rằng “Nhà nước là đại diện của chủ sở hữu toàn dân”. Tuy nhiên, khái niệm “nhà nước” quá rộng, trong thực tế nhà nước là một hệ thống tổ chức có rất nhiều thiết chế, nhiều cơ quan và nhiều cấp khác nhau từ Thủ tướng Chính phủ tới Chủ tịch xã. Do không làm rõ quyền đại diện chủ sở hữu mà trong thời gian qua bất kỳ chủ tịch xã nào hầu như cũng có quyền bán đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Có một thực tế là không ít người làm trong bộ máy chính quyền đều có thể xưng là người nhà nước và khi thực thi quyền lực nhà nước họ sẵn sàng xâm phạm tài sản, quyền tài sản của dân (sở hữu cá nhân hay toàn  dân) một cách “vô tư”. Điều này có thể thấy trong vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, khi vấp phải sự phản đối của người dân thì một quan chức của thành phố đã phát ngôn cho rằng chính quyền sau khi đã được dân bầu rồi thì “không cần phải hỏi ý kiến dân nữa”.  Trong khi, nếu xem xét ở khía cạnh sở hữu, thì những cây xanh bị chặt ở Hà Nội thuộc sở hữu toàn dân. Do đó, khi người dân là chủ sở hữu thì họ có quyền bảo vệ tài sản của mình chưa nói đến các quyền khác liên quan tới môi trường sống.

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành thì Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp mới là đại diện cho quyền lực của nhân dân, đồng thời có tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân. Do vậy, các vấn đề liên quan tới việc định đoạt, sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân cần thiết phải có luật định hoặc nghị quyết của cơ quan dân cử cùng cấp. Việc bảo vệ sở hữu toàn dân cũng cần phải được luật hóa và có cơ chế tổ chức, bộ máy thực hiện đầy đủ đi cùng. Bầu cử chỉ mới là giai đoạn hoàn tất việc thiết lập nên bộ máy chính quyền và người đại diện. Còn quyền giám sát và chất vấn của người chủ sở hữu đi kèm với trách nhiệm giải trình của người được ủy quyền đại diện trong quan hệ giữa người dân và chính quyền sẽ tiếp tục tồn tại sau đó.

Sự minh định khái niệm sở hữu toàn dân như là một định chế pháp lý là một yêu cầu hết sức quan trọng để ngăn chận các khe hở mà không ít cá nhân và nhóm lợi ích đã lợi dụng triệt để trong suốt thời gian qua, biến tài sản công thành của cá nhân. Đồng thời cần có các quy định, luật hóa cơ chế minh bạch thông tin liên quan tới tài sản thuộc về sở hữu toàn dân để người chủ đích thực có thể giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng của cá nhân và tổ chức được ủy quyền đại diện cho chủ sở hữu một cách dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cốt lõi của vấn đề là người chủ sở hữu đích thực phải có quyền quyết định ai sẽ là người đại diện đáng tin cậy cho họ bằng lá phiếu tín nhiệm theo định kỳ một cách công khai, minh bạch.

Hữu Nguyên


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHUYỆN RÙNG RỢN SẮP XẢY RA: - BÁC SĨ PHẨU THUẬT Ý SẼ CẮT ĐẦU KỸ SƯ NGA ĐỂ GHÉP LÊN THÂN THỂ MỘT NGƯỜI KHÁC BỊ HƯ NÃO.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

“CÕI BỒNG LAI”



Truyện ngắn HG.

Tôi không tin ở thế kỷ này, thế kỷ của công nghệ tiến nhanh như vũ bão về mức độ phát triển, lại có một nơi nào đó như thế?
Một nơi cách biệt với xã hội bên ngoài, một “ốc đảo” riêng tư.
Thế giới phẳng ngày nay chẳng nơi nào khuất lấp, chẳng thể có nơi nào như thế mà người ta không biết.
Xu thế hòa nhập, cộng đồng khăng khít, không chừa một ai đó sống cách biệt, khác hẳn mọi người về lối sống, tập quán sinh hoạt. Bởi đó là một thử thách quá lớn đối với thói quen tiện nghi của cộng đồng người thời buổi quá chuộng và đề cao vật chất này.
Chuyện đó chỉ có trong dĩ vãng xa vời, của những câu chuyện lãng mạn  đường rừng thủa cụ Lan Khai. Khi trên mảnh đất quê hương tôi, thậm chí có nơi chưa có bước chân người..
Những truyền thuyết không mấy khả tín về những dị nhân ẩn dật. Những số phận người đặc biệt, éo le. Những đạo sĩ luyện đan, người tu hành, hay người muốn xa lánh thế gian, chẳng muốn gặp gỡ hoặc va chạm cùng ai.
Những chuyện phần nhiều do trí tưởng tượng, xuất xứ từ những ẩn ức, khát khao nào đó. Đại loại là những chuyện nói cho vui khi trà dư tửu hậu, hoặc muốn an ủi tâm tư của ai đó lúc phẫn trí, gặp cảnh đời trái ngang, muốn có một cảnh ngộ huyễn hoặc mình để tự an ủi rằng: Dù sao, cuộc sống có thế nào chăng nữa vẫn luôn có lối rẽ ở cuối con đường..
Bởi thế nghe người ta kể, tôi sắp xếp để đến xem thử hư thực ra sao, cũng vì  chút việc của riêng tôi nữa
Và bây giờ tôi kể lại chuyện này, còn bạn tin hay không là chuyện của bạn. Không ai có quyền bắt người ta phải tin những điều không có thực. Việc ấy giả dối đã đành, còn vô nhân tính, “phản động”, đối lập với thế giới văn minh và cả phản tự nhiên nữa!
**
Thực ra thì tên gọi đúng của dãy núi này là Khau đăm, gọi theo tiếng Thổ trong vùng chứ chả có Bồng Lai, Tiên Cảnh, hay Thiên Đường nào cả.
Giữa hai bên vách đá  nhẵn lì như được mài sẵn, tạo thành  một khe sâu dọc theo con suối cạn là đường đi vào một thung lũng nhỏ, nhiều năm hoang sơ, không có người đến đây.
Trước khi xảy ra câu chuyện này lòng khe chằng chịt cây mây, cây móc. Một loài cây thân dẻo, khi khô rất cứng, vươn rất dài, có gai sắc từ gốc lên ngọn. Thứ cây mà ngay từ thời đó người ta đã dùng làm dây cốn bè, hoặc mang về xuôi bán cho người làm ghế bàn các làng có nghề song mây.
Gần hai trăm năm trước trong thung lũng này có mỏ kim loại quý. Người Pháp đã lên đây mở đường khai thác. Người ta đã đặt đường xe gòng để chở quặng từ thung lũng xuống bờ sông Nho Quế, chở về xuôi.
Một đêm xảy ra trân mưa kỳ quái trút xuống thung lũng. Mùi hăng nồng, tanh lộn mửa khiến mấy trăm con người cả cai lẫn thợ không ai chịu được. Người ta vội vàng thắp đèn đuốc trốn chạy nhưng lửa không sao cháy nổi.
Trong ánh sáng chập choạng lóe lên từ sấm chớp,  nhìn thấy cảnh tượng thật hãi hùng. Khắp thung lũng, nước một màu đỏ xậm như màu máu  khô đang cuộn chảy. Không ai bảo ai, mạnh ai nấy chạy.
Tiếng la hét vang động một vùng. Những người không chạy kịp chết ngay trong đêm đó. Người nào người nấy  người tím đen như bị sét đánh, chân tay co quắp như thể trước khi chết đã phải chịu đựng sự đau đớn, quằn quại đến cạn sức và khả năng chịu đựng của con người.
Ai còn xót lại sau thiên nạn ấy, tự dưng mất hẳn tiếng nói, không còn cảm xúc . Họ khi khóc khi cười, không ăn không uống vật vã cho đến chết.
Cư dân quanh vùng sợ hãi bỏ hết đi nơi khác. Chủ mỏ không biết chết trong đêm đó hay chạy đi đâu, về sau cũng không ai gặp.
Một vùng xôn xao tiếng quạ kêu, chúng bay rợp trời, đậu đen các ngọn cây đến nỗi cây gãy cành, xơ xác lá từng đám rơi lả tả.
Người ta đồn rằng đám phu trong lúc khai thác đã làm điều gì đó bậy bạ, phạm vào lời nguyền của núi.
Người bảo có vỉa quặng rất độc, khí mê tan, khí chì bị chạm phải, khi trời mưa phát tán, bung tràn ra thung lũng.
Người nói thời quân Cờ Đen giấu của, có yểm bùa...
Những năm dài chiến tranh, người Pháp không  quay trở lại. Người Việt  chưa đủ trình độ và phương tiện khai thác hay vì lý do gì khác, khu mỏ vẫn bỏ hoang cho thú rừng và đủ loại cây dại. có nhiều cây sau này dùng làm thuốc chữa khỏi được những căn bệnh hiểm nghèo.
Rất nhiều chuyện thêu dệt xung quanh câu chuyện này. ( Kể cả chuyện Cao Biền thời lâu thật là lâu đến đây chặn long mạch, dù không ai biết Cao Biền là ai, tên quái quỷ, mặt ngang mũi dọc như thế nào? ).
Hư hư thực thực, mơ hồ, chả thiếu chuyện gì cho đến tận bây giờ..

Khi tôi đến khung cảnh núi Khâu Đăm không còn như cũ. Con đường vào thung khi xưa đã có bức tường đá xây cao, có một cánh cổng  sắt  có mái ngăn cách với bên ngoài. Hồi lâu còn có tấm biển gỗ đề mấy chữ cả Hoa lẫn Việt: “Trại Bồng Lai”!
Xung quanh thật yên tĩnh, chỉ có tiếng nước chảy róc rách của con suối nhỏ từ trong thung lũng  đổ ra ngoài, qua một máng nhỏ có lắp củ điện, đường dây xanh đỏ dẫn vào sâu phía bên trong. Lối đó cũng có lớp rào bằng chấn song sắt, chỉ có thú nhỏ mới có thể lọt qua.

Tôi đành dựng xe đứng chờ vì không có lối vào thung lũng.  Đang lưỡng lự có nên đợi thêm một lúc hay quay về thì có người chạy xe máy qua dừng lại. Ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân, ánh mắt nghi hoặc làm tôi khó chịu. Tôi quay mặt đi, châm điếu thuốc hút. Cứ ngỡ cử chỉ này sẽ làm cho ông ta tiếp tục chạy xe, kiểu người này có hỏi thăm chưa chắc đã nghe được câu trả lời thành  thực, có ích.
Hình như ông ta không chú ý đến cử chỉ thiếu thiện chí này của tôi, hắng giọng:
- Chắc cậu muốn tìm ông Tuyền hâm phỏng?
Thấy ông ta chủ động như thế, tôi gật đầu. Có nhẽ nhà ông này cũng là chỗ thân tình, hay ít ra cũng là chỗ quen biết  nhân vật tôi đang đi “tìm” này.
- Ông ấy về Hạc Trì rồi, đến tối may ra mới lên kịp. Nếu cậu có việc cần gặp hãy chờ đến lúc đó – Nói xong người này chả để ý đến thái độ của tôi lúc ấy  thế nào nữa, nổ máy xe chạy đi luôn.
Tôi đứng một mình, phân vân.
Mình mất công từ xa đến đây chả lẽ lại quay về ngay.? Công việc thì nhiều, đang mùa bận rộn, mình đi tranh thủ bây giờ về thì đến hôm nào mới lại đi được? Mà giống cây bồ công anh, ngoài chỗ này ra, trong vùng chả đâu có. Bài thuốc của mình lại không thể thiếu nó. Thôi được, đành, chờ thì chờ..
Từ giờ đến chiều còn mấy tiếng đồng hồ mà ở cái xã Na Mèo này mình lại chẳng quen biết ai. Không lẽ ngồi tựa gốc cây, ngủ một giấc chờ  từ giờ tới chiều?
Có muốn trò chuyện giết thời giờ, hay một chỗ nghỉ chân trong lúc đợi người cũng khó. Tốt nhất là nên ra chợ, nơi trung tâm xã.
Ở đâu bây giờ cũng vậy, cho dù là nơi heo hút, vùng sâu chốn đồng rừng,  xã nào cũng có một cái chợ con con.
Ở đó có hàng ăn, hàng giải khát.Tuy quy mô không được bề thế, tươm tất như phố thị, hàng hóa không nhiều, chủ yếu hàng nhái, hàng giá rẻ, món ăn sơ sài, dân dã ở chợ cũng có cái lót dạ qua bữa trưa.
Tôi ghé một quán ăn khi ấy chưa đông khách.  Trước cửa quầy treo vài món thịt trâu khô, nửa cái đùi chó, mấy túm hành. Chưa kịp bảo ông chủ quán làm cho mình món gì, thì phía sau có người vỗ vai:
- Lại vẫn nhà cậu à. Tưởng cậu quay về luôn, hóa ra vẫn đợi.. Có việc gì quan trọng hay sao vẫn muốn gặp thằng hâm, sống lập dị chẳng giống ai ấy? Mà trông cậu quen quen thì phải? Hình như cậu làm ở nhà đài, nom giống lắm?  Nhà tôi ngay cạnh bên đây, mời cậu sang uống nước, nghỉ chân. Đằng nào cậu cũng phải chờ đến chiều mà?
Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh!
 Nhưng nhìn người đàn ông này, có cái gì đấy khiến tôi ngài ngại. Ông ta chính là người lúc tôi gặp khi nãy.
Bề ngoài ông ta không có nét gì đặc biệt, giống hầu hết những đàn ông thường gặp nơi miền sơn cước này, tóc cắt ngắn, mặt  bầu bầu, da mặt dày, dầu dãi nương  đồi. Đặc biệt bàn chân to bè, kiểu  bàn chân của người Giao Chỉ, đôi lông mày rậm mọc sát nhau phía trên sống mũi. Chỉ có đôi mắt của ông ta là khang khác, hay bất chợt nhìn ngang.. Một kiểu nhìn giá tôi có muốn bắt chước, cũng rất khó.
Mà thôi. “Thiên hạ nhân..”, người ta có ai giống ai. Đã mời thì mình cứ đến. Biết đâu lại có thêm câu chuyện kể cho mai này?..
- Tên tôi là Quang, người ta hay gọi “Quang xù”. Bố tôi ngày trước hết làm chủ tịch lại làm bí thư, trưởng công an xã. Tôi lại dị ứng mấy thứ đó, rách việc mà lại đau đầu lắm – Lão quang tự giới thiệu – Tôi hợp với kinh doanh hơn, tự do thoải mái không gò bó.
Tôi hơi ngạc nhiên vì cử chỉ khác thường với người vùng này của ông ta. Người ta ít khi thổ lộ với người lạ khi gặp lần đầu. Chính cái cách thể hiện có vẻ cởi mở này làm mất đi chút e ngại cố hữu, tôi dắt xe theo lão.
Đúng là nhà ông ta gần ngay đây thật. Một cửa hàng bán cám chăn nuôi khá rộng. Từ lâu tôi không mấy thiện cảm với các dịch vụ kiểu này. Thịt lợn tăng trọng, thịt gà công nghiệp bở bùng bục có nguyên nhân từ thứ cám này thời bây giờ khiến nhiều người không thiện cảm, chẳng riêng gì tôi. ( Mặc dù người nuôi vẫn cứ sử dụng cám tăng trọng vì lợi nhuận, mặc dù đôi khi họ cũng phải ăn các thực phẩm nói trên, bán hầu hết các quầy hàng mọi nơi)
Một người phụ nữ trạc tuổi ông ta ngồi quầy, thấy tôi rới ngõ khách hàng, cười tươi đon đả. Bà ta có dáng dấp của một thời nhan sắc chưa tàn phai hết, Tôi đoán bà ta đi lại khó khăn vì thấy để ngay bên cạnh sau lưng đôi nạng gỗ.
Quang xù thay trà,pha nước. Ông ta nhắc lại câu hỏi lúc gặp tôi trước ngả vào nhà Tuyền. Rồi ra vẻ bí hiểm:
- Cậu là thế nào với thằng cha này? Nó là thằng bí hiểm, khó chơi lắm. Tôi với nó một thời không đội trời chung..Nhưng bây giờ chuyện ấy xưa rồi..
Ông ta nào đã biết tôi là ai? Tại sao tự dưng lại nói ra câu chuyện này với mục đích gì? Tôi lấy làm lạ và có ý dè dặt:
- Cũng chỉ là chỗ quen biết, tôi có việc cần gặp ông ấy mới phải đợi thôi.
- Chắc cậu  cũng “bị” hay sao mà phải tìm thuốc giải? Đừng mất công tới đó làm gì. Tôi có đứa em chuyên trị loại này, nếu cần tôi mách cho?
Tôi nói tôi không có bị gì cả. Ông bảo: “Không bị thì thôi. Cậu đến vùng này ăn uống phải cẩn thận, không là “bị” như bỡn, mất mạng như chơi.
Tôi có nghe phonh thanh chuyện người ta nói về một loại “cây ma” gì đó chứ chưa thực sự tận mắt nhìn bao giờ. Có lẽ người ta hay “nhát ma” chứ làm quái gì có loại cây ghê gớm ấy. Hoặc cũng chỉ là cách bịp bợm của hạng người độc ác xấu xa nào đó dùng chiêu này lừa phỉnh kiếm tiền. Giờ nghe nói, chả nhẽ nó lại có thật hay sao? Thiển nghĩ mình đâu có thù oán gì với ai mà sợ người ta hạ độc?
Khi ông ta tỏ ra vẻ thành thạo, bày cách phòng tránh thứ thuốc bí hiểm này tôi cũng không chú ý lắm.  Có lẽ người tôi muốn gặp lại có liên quan gì đến loại “cây ma” này. Tôi đoán có lẽ vì thế mà lão Quang này cố ý quan tâm đến mình và mời bằng được mình đến chơi nhà lão. Một kiểu tranh mối bán hàng thứ thuốc kỳ lạ?
Tôi biết đâu trong câu nói vẻ như vô tình, ông ta có một dụng ý. Điều này hình như đã nói với nhiều người?
- Thằng đó từ ngày đi tù về, nó chẳng chơi với ai ở làng này, vì ai cũng sợ chả dám đến chơi nhà nó. Vô phúc nó thả cho tý độc, có chữa khỏi cũng sạt nghiệp..
Bà vợ từ nãy ngồi gần đó không tham gia câu chuyện, thấy chồng nói thế, vội lên tiếng:
- Cậu ấy từ xa đến chơi, việc ai mặc kệ người ta, ông nói ra làm gì?
- Tôi có mồm tôi nói, mà tôi có đặt chuyện ra đâu? Cho đến giờ bà vẫn bênh nó chằm chằm là sao? Cứ động đến nó là bà cứ như đỉa phải vôi..
Quay sang tôi ông ta nói như thể phân trần:
- Bà này ngày xưa chút nữa theo thằng ấy đấy. Số nó may, không như tôi.. Gần chục năm nay  tôi khốn khổ về bà ấy không đi lại được. Có lúc cơm bưng vào, cứt bưng ra, hơn cả hầu mẹ già mà đầu óc bà ấy vẫn không quên tình cũ thế mới đau chứ!
Bà chủ rơm rớm nước mắt, xịt mũi, quay mặt đi.
Tôi thấy sự có mặt vô tình của mình ở đây thật vô lý quá. Tự nhiên tự lành làm không khí trong gia đình họ xấu đi.
Ngồi nán lại lúc nữa là chuyện chả nên, dù không vội gì tôi vội kiếm cớ rút lui, không kịp cả uống chén nước.
Vừa đi tôi vừa nghĩ chắc ông chủ nhà đây với người tôi định gặp có khúc mắc với nhau. Nếu không lão chủ nhà này chả rỗi hơi mời một người không quen biết như tôi đến nhà để thêm bớt, đàm tiếu. Cũng chẳng có chuyện kể cho tôi nghe mấy câu chuyện vừa rồi.
Đã có thời tôi nghĩ, chỉ nơi phố phường người ta thường hay lạnh nhạt, ác cảm, sống bất cần, dèm pha đối với nhau. Sự chen chúc, chật chội của môi trường sống hàng ngày dễ tạo nên cách ứng xử như vậy.
Nơi non cao, núi rộng con người sống trân quý, thân thiết với nhau hơn. Ít có chuyện ghét bỏ, thâm thù, ganh ghét. Con người một đời sống nhiều định kiến vừa sai lầm, vừa chủ quan là mình dễ mắc phải. Biết đâu lời lão Quang nói khi mới gặp đã đúng?  Có khi vợ chồng Tuyền không phải về xuôi như lão nói? Nghĩ thế, tôi liền quay xe  trở lạị..
**
Đúng như dự đoán của tôi, Tuyền không đi xa như Quang xù nói. Nghe tôi kể, anh bảo:
- Cậu tìm sai người rồi. Tôi với lão như là khắc tinh của nhau, đời nào lão nói thật? Nhưng mất công tìm mình lên tận đây có chuyện gì không?
- Đương nhiên là có, chuyện nhỏ nhặt thôi. Cái chính là muốn mục sở thị cơ ngơi của anh, nghe người ta đồn hoành tráng lắm..
- Có gì đâu mà hoành. Có mà hoành tá tràng, có sự ngăn trở ngày  trước thì có..

Thì ra miệng dân sóng bể, chả thiếu lời thị phi. Trước mặt tôi là người trung niên nom bề ngoài dạn dĩ phong trần, từng trải, nhưng đó là con người cởi mở, thân thiện ngay từ phút đầu mới gặp. Đâu phải thành phần “phức tạp”, khó ưa vì tính cách khinh bạc, coi thường mọi người, ưa khép kín? Thật không thể tưởng tượng được trên đời tại sao thời nào cũng có kẻ những kẻ hẹp hòi, thiển cận lấy sự bôi bác ghét bỏ người này người kia làm sự khoái trá, sung sướng của mình. Thậm chí thấy cái đau đớn thiệt thòi, cái hạn chế của ai đó làm sự hân hoan, như là cách để đề  cao mình?
- Chuyện tôi đi tù là có thật chứ không ai ghét bỏ đặt ra đâu. Cậu từ ngoài lão Quang về chắc lão đã nói với cậu rồi. Chả cứ cậu, ai gặp lão ngoài chuyện này nọ, không bao giờ thiếu câu chuyện của tôi. Nhất là gần đây lão đang cạnh tranh với tôi về mấy vị thuốc Nam.. Tôi với lão sinh ra như để làm khổ nhau. Lão vu án, gán vạ, tranh người tôi yêu..Rút cục đến giờ lại không bằng tôi lão càng ức, càng thâm thù. Cái bà bị liệt vợ lão cậu thấy đấy, xưa là người tôi yêu. Đó là hoa khôi của vùng này, biết bao người ao ước.. Nhưng người ấy chẳng ưng ai. Nếu tôi không đi tù, chắc không lấy ai khác ngoài tôi.
Tôi phụ họa:
- Chắc hồi ấy bác có giá lắm nhỉ?
- Chuyện  – Ông chủ nhà cười – Đương nhiên là thế rồi.. Tiếng tiêu của tôi phải nói là hay nhất vùng này. Đàn tính, đàn bầu tôi chơi khỏi phải nói..Cô nào nghe một lần là mê mẩn, nhớ đời, khó lòng quên được. Có người còn bảo nó mê hoặc hơn cả “ma chài”!
Ông Tuyền vừa nói vừa chỉ cho tôi  hai cây đàn được đặt cẩn thận trong tủ chè lồng cửa  kính, kê giữa nhà, nơi vừa làm ban thờ, vừa để những đồ quý giá. Ông nói từ ngày về tù, ông chỉ giữ cây đàn làm kỷ niệm, tuyệt đối không bao giờ chơi nữa. Rồi nói thêm:
- Hồi đó gia đình tôi cũng khá. Bố tôi với bố Quang xù đều làm việc ngoài xã. Tuy là đồng chí với nhau, nhưng chỉ bằng mặt bề ngoài. Ông bố Quang xù ngấm ngầm đố kị với ông cụ nhà tôi. Mấy lần vận động người này người kia , kiện cáo định cho ông già tôi mất chức. Lần vận động nào ông ấy cũng thất bại. Người dân người ta tinh lắm. Ở đâu không nói, chứ ở cơ sở, gần gũi hàng ngày, người nào vì việc công, người nào tư lợi người ta biết ngay.. Tôi hồi ấy trẻ tuổi, xích mích với Quang tôi chỉ cho là chuyện xảy ra giữa thanh niên với nhau. Mình được người đẹp để mắt đến, anh nào con trai mà chả ghen tức? Còn ông già tôi lại là người bao dung. Cụ chả mất lòng ai và chưa hề nghĩ xấu về ai bao giờ. Có ai ác ý với mình, có biết xong thì thôi cụ không để bụng..
Không ai ngờ chuyện xảy ra khốn nạ đến vậy. Lần ấy gần kỳ đại hội, chuẩn bị bầu cử hội đồng nhân dân các cấp thì xảy ra chuyện.
Tuyên Hóa bấy giờ chưa lên thành phố, còn là thị xã. Dù thị xã nghèo của tỉnh miền núi sau chiến tranh vẫn có bán những thứ sắm sửa để làm đám cưới. Sáng hôm đó tôi mượn cái xe đạp của ông già tôi về thị xã.
Việc trọng đại của cả đời người, cô dâu chú dể không lẽ không sắm bộ quần áo mới? Chưa có com lê, cà vạt, váy cưới như bây giờ, nhưng cũng phải có bộ cánh trưng diện ngày ra mắt hai họ. Cần vài tút thốc, cân chè, vài bánh pháo.. Lúc bấy giờ chưa cấm pháo như bây giờ. Chả cứ ngày tết, ngày cất nóc dựng nhà cũng đều có bánh pháo để mừng, để xua đuổi ma tà theo tập quán. Cỗ bàn to đến đâu mà không có tiếng pháo người làng vẫn chê. Đám cưới càng không thể thiếu. Các thứ khác của nhà sẵn hoặc mượn của người trong nhà, các thứ tôi kể vừa rồi, không về thị xã không thể mua được. Làm gì có nhiều hàng quán, thứ gì cũng có như bây giờ? Hồi ấy cậu chưa lên đây chắc cậu không biết, cả vùng này không có lấy một cái chợ. Chỉ có một cửa hàng hợp tác xã mua bán chủ yếu bán dầu bán muối.. Các thứ khác, là mặt hàng xa xỉ đâu có bán ở vùng này?
Ông Tuyền ngừng kể, ánh mắt u ám nhìn ra ngoài.. Vách núi đá sừng sững phía trước nhà ông như gợi lại một thời gian nan trắc trở. Tôi biết ông cố nén một tiếng thở dài..
- Chiều hôm đó, gần tối tôi mới về đến nhà. Đi chợ thời đó là mất cả ngày, đó là đi xe đạp, trời không gió mưa. Nếu đi bộ, hay gặp trời mưa có khi phải đến chiều hôm sau mới qua buổi chợ.
Tôi về nhà đã lên đèn. Trong nhà ánh đèn pin lấp lóe, có rất đông người. Tôi nghĩ chắc xã lại mượn nhà mình hội họp như mọi lần, nên không để ý. Vừa bước chân khỏi cầu thang vào nhà thì có tiếng ai đó nói vẻ mừng rỡ:
- À về đây rồi, tưởng phải cho người đi kiếm!
- Các bác có chuyện gì mà định tìm cháu?
- Vào đây rồi khác biết!
Ông trưởng công an xã bảo người đem ra cái bao tải tạ, thứ bao hồi đó vùng này rất hiếm. Người kia đổ trong bao ra hai cái sừng trâu, một đoạn dây cao su, một con dao và cái búa còn dính bê bết máu. Ông Trưởng công an hỏi :
- Thế này Tuyền nhé. Các bác các chú đây đều là bạn công tác cùng với bố cháu nên đối với cháu các chú các bác không muốn xử nặng tay như đối tượng khác.Nhưng yêu cầu cháu phải thật thành khẩn. Cháu thành khẩn bao nhiêu, sẽ có lợi cho cháu bấy nhiêu. Cháu cứ thành thật khai báo.. Nhà nước ta đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Thái độ ăn năn thành khẩn của cháu sẽ được xem xét..
Tôi chưa hiểu người ta đang nói với mình chuyện gì, vội hỏi:
- Các bác mang thứ này đến đây làm gì ạ? Cháu có chuyện gì mà phải thành khẩn, cháu chưa hiểu?
- Có thật anh không biết chuyện gì không?
- Dạ vâng!
- Thế đêm qua anh đi đâu? Từ sáng sớm hôm nay đi cùng ai, bây giờ mới về?
Đêm qua tôi đi cùng  Én ( vợ Quang xù bây giờ ). Chúng tôi ngồi với nhau bên gốc cây dâu da bên bờ suối. Chuyện trai gái gần đến ngày cưới, ngồi chuyện với nhau chuyện gì, có cần phải nói ra bây giờ ở đây không? Nghĩ thế tôi bảo:
- Đêm qua cháu ở nhà, sáng sớm hôm nay mới xuống thị xã mua đồ. Đây các thứ này cháu mua dưới đó về, các bác cần xem cứ xem
Ông ta gạt đi:
- Chúng tôi không cần xem mấy thứ đó – Rồi ông ta chỉ  cặp sừng trâu, cái bao đựng mấy thứ đang bày trên mặt sàn hỏi:
- Anh có biết những thứ này của ai không?
Linh tính báo cho tôi việc chẳng lành. Rõ ràng mình là người ngay, sao lúc bấy giờ lại run như thế chứ?
Phải chăng người lương thiện, chưa gặp sự éo le, thần thức như biết trước tai vạ chẳng lành hoảng loạn mà có biểu lộ sai cách bình thường? Phải một lúc tôi mới lấy được bình tĩnh:
- Cháu không biết của ai đâu ạ!
Có tiếng cười gằn, nhếch mép lành lùng:
- Đúng là gian nó giàn ra mặt.. Trông nó kìa.. Bây giờ có hỏi nó cũng không nhận đâu. Thôi đưa nó ra ủy ban.. Xin lỗi đồng chí Quỳnh ( bố tôi ) và gia đình, chúng tôi tạm thời đưa cháu ra ngoài xã giải quyết. Nếu cháu nó không làm nó sẽ về ngay. Ở đây lâu không tiện. Ta đi thôi các đồng chí..
Mẹ tôi òa lên khóc. Bà ôm vai tôi:
- Có thật con làm không? Sao dại thế, con ơi là con!
Tôi thấy tắc nghẹn ở cổ, muốn nói mà không thốt ra lời. Bố tôi ngồi hai tay ôm đầu. Ông không nói gì. Bản tính của ông ngay thẳng, chưa bao giờ vấp chuyện này. Cú vấp này làm ông choáng váng. Có thể ông còn cảm thấy xấu hổ vì việc làm xấu xa nông nổi của con mình. Ông không dám nhìn, thậm chí không dám mở lời xin, dù chỉ một câu với những người bao năm nay cùng công tác với mình. Mới đây thôi, buổi chiều hôm nay họ vừa bàn chuyện nhân sự cho cuộc bầu cử sắp tới.
Tôi cũng không ngờ đấy là lần cuối tôi nhìn thấy bố tôi. Ông uất ức, buồn tủi, xấu hổ vì con xin ra khỏi đảng. Suốt mấy năm tôi ở trại, chỉ có mẹ tôi và em gái lên thăm. Bố tôi sinh bệnh và mất sau đó ít lâu.
- Còn bà Én hồi ấy có lên thăm bác lần nào không?
- Không – Ông Tuyền buồn bã trả lời – Trại ở xa quá, cô ấy có muốn cũng không đi được. Mà có ở gần chưa chắc cô ấy đã dám đi. Miệng tiếng xã hội thời đó kinh khủng lắm, nó cao hơn và hiểm trở hơn cả vách núi đá bao quanh thung lũng này.
Làm gì có chuyện bí thư đoàn thanh niên đi thăm nuôi một kẻ trộm trâu bao giờ?
Năm sau cô ấy lấy chồng, lấy lão Quang mà cậu gặp hồi sáng đấy!

Tôi nhìn ra dãy núi kì dị chạy vòng ôm lấy khu vườn rừng của ông mà kinh hãi. Phải những nhà leo núi kì tài mới có thể leo nổi qua đây. Vách đá không hiểu tại sao thẳng đứng, có những tảng đá rời nằm chênh vênh như một cái bẫy, có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Cái tên “Bồng lai” với nó chẳng hợp chút nào. Mới biết cảnh tùy chủ, khi chủ nhân yêu mến nó, ông ta có quyền đặt bất cứ cái tên nào. Đẹp hay xấu, lành hay dữ có khi còn tùy duyên, theo cách nhìn nhận và quan trọng hơn ở quyết tâm, nghị lực của mỗi người..

***
Khu “Bồng Lai” bây giờ như một khu bảo tồn thiên nhiên quy mô nhỏ. Từ trên vách đá cao, dòng thác như dải lụa  buông thẳng xuống phía sau  khu nhà ở, trại chăn nuôi.  Nguồn năng lượng tự nhiên này được ông Tuyền khai thác tối đa. Từ nước ăn, nước tưới cây đều được dẫn từ chân thác về. Người thành phố vốn luôn bị nạn thiếu nước sạch đe dọa,  sẽ mê mệt, thèm thuồng nguồn nước trời miễn phí, chất lượng cao lại như vô tận này. 
Nó còn được tận dụng chạy một dãy  củ điện cỡ lớn, thừa sức cung cấp điện cả ngày lẫn đêm khu đất rộng gần năm héc ta.
Những củ điện này trước đây người trong vùng mua về thời chưa có điện lưới. Ông Tuyền tiếc rẻ mua về đặt thành cả dãy dài.
Có lẽ ngoài muối ăn, xăng dầu và một số nhu yếu khác, cuộc sống nơi đây có thể tự cung, tự cấp, không viện đến bên ngoài.
 Những lối đi trong khu vực cũng được lát đá, đá xẻ hẳn hoi chứ không phải đá tảng, đá cục thô thiển, xù xì.
Tôi như lạc vào một tiểu  khu bảo tồn sinh thái tự nhiên. Gần như có đủ loại giống cây gỗ quý đã tuyệt chủng. Dọc theo vách đá ngăn cách với bên ngoài là những hàng trò chỉ, lát hoa, lim vang, sâng, kè đá. Kề bên hồ nước nhỏ là vườn thuốc nam được chia nhỏ từng ô, đủ loại.
Chủ nhân nói “Riêng tiền bán cây thuốc nam, mỗi năm  anh thu không dưới một trăm triệu đồng”.
Tôi nghĩ ông Tuyền nói thực. Bây giờ cây thuốc tự nhiên trên rừng  không đâu có. Từng quãng dọc dòng nước chảy tự nhiên lại gặp một cái cọn nước. Hệ thống tưới tự nhiên, tự động này bây giờ ở nơi khác gần như không còn. Những cối nước giã gạo tự nhiên thường cặp đôi với cọn nước ngay gần bờ. Ông Tuyền bảo thực ra ông làm cho vui mắt, chứ cần để giã gạo ăn một hai cái là đủ. Khung cảnh sinh động giúp người ta đỡ mệt mỏi, tạo được hưng phấn trong lao động.
Khu chăn nuôi để riêng một góc. Có lẽ không nên kể thêm về các giống vật có nguồn gốc tự nhiên ở đây như lợn “tên lửa”, gà lôi, gà tre. Vì không phải ý chính của câu chuyện này.
 

Ở đâu đó, cần phải có nhiều tiền, nhiều công sức mới có thể tu tạo thành. Ở đây ông Tuyền bảo “ lấy mỡ nó dán nó”, mỗi năm một ít, dần dần hình thành khu vực có được diện mạo như bây giờ..
****
“..Vậy mà đã có lúc chán đời, tôi đã bỏ đi hoang.  Ra khỏi trại tôi không về nhà ngay.  Tôi gặp cô ấy ở ga Việt Trì, đầu quấn khăn len tùm hụp. (Về sau tôi biết  những ngày ở trại giam vì nhiều chấy rận, mái tóc dài của cô đã cắt ngắn để dễ gội đầu, ở với tôi đến nửa năm tóc cô mới mọc lại ngang vai. Thực là mái tóc dày và đẹp không thể chê được ).  Nhiều chuyến tàu xuôi ngược, không thấy cô ấy lên chuyến nào. Không biết cô ta chờ ai hay đợi chuyện gì ở đây?
Tôi gặp cô buổi trưa hôm đó ở một quán ăn phía sau nhà ga. Thấy cô mua mỗi xuất canh rau muống, ngoài ra chẳng thấy mua gì thêm. Thời đó tiệm ăn nào bày biện cũng tồi tàn, sơ sài chưa có món ăn ngon như thời bây giờ. Người ta bán cơm, canh theo xuất. Không mua cơm, chỉ một bát canh, người ta cũng bán. Cô lôi trong túi xách nhỏ khâu bằng bao dứa ra mẩu bánh mì, bẻ từng mẩu vào bát canh, ăn có vẻ ngon lành.
Mối liên cảm cho tôi biết cô đang đồng cảnh với mình. Trong cái khăn mù xoa cũ của cô gói chỉ mấy đồng tiền lẻ. Đấy là số tiền còn lại khi cô bán số tem phiếu lương thực người ta cấp cho kẻ mới ra trại như cô.
Tình cảnh của tôi lúc đó cũng chẳng hơn gì. Tôi theo nhóm cửu vạn bốc vác hàng lên xuống tàu. Gặp cơ hội tốt kể cả “đánh quả” bọn tôi cũng không ngần ngại. Nhưng so với cô lúc này, tình cảnh của tôi cũng còn khá hơn.
Người ta hay nói cảnh khổ của “Bốn bể không nhà”. Hơn ai hết, tôi thấm thía nó như thế nào chứ không chỉ nghe nói.
Mùa đông miền bắc thường là mùa đông rất dài và rất sâu, lại mưa phùn gió bấc. Những ngày như thế thật kinh khủng. Cơm ăn thiếu đã không nói, chỗ nghỉ qua đêm càng gay go. Một độ đêm về tôi thường len lên một chuyến tàu, bất kể nó đi đâu. Từ Việt Trì đi Hà Nội, không ra ga, đi tiếp lên Lạng sơn. Hết đêm có mặt ở một nơi mình chả có việc gì và không quen ai. Về sau người ta xét vé hành khách đi tàu kỹ quá, cách giải quyết này không ổn. “Những đứa con của gió” bọn tôi phải kiếm cái áo đi mưa, nằm vạ vật đâu đó chờ cho ngày mai trời lại sáng!
Đêm đó cũng như mọi đêm đã từng xảy ra. Tôi đang chập chờn cơn mộng mị, chợt thấy tấm ni lông của mình có người động chạm tới. Tôi choàng tỉnh. Những đợt kiểm tra đột xuất an ninh thường xảy ra vào những lúc như thế này.. Hóa ra không phải..
Chính cô gái trọc đầu đang đặt đôi chân lạnh như nước đá của cô vào tấm áo mưa tôi đang đắp trên người. Cô làm rất khẽ như không muốn chủ”cơ sở” chiết tiệt là tôi biết. Phản xạ theo bản năng sinh tồn của hạng người như tôi rất nhanh và nhạy. Tôi thấy chả có lý do gì để phàn nàn cô về chuyện này. Còn bảo:
- Rét thế này, cô cứ kéo hẳn nilon lên, chui vào đây cho đỡ lạnh!
Cô ngoan ngoãn làm theo như một em bé, không nói câu nào..
Chúng tôi quen và sau đó gắn bó với nhau tới bây giờ, toàn bộ câu chuyện chỉ như thế. Hoàn toàn chả có gì thi vị hay lãng mạn cả..
Bấy lâu, sống một mình, tôi vạ vật sao cũng được. Giờ có hai mình rồi, làm sao đây? Không thể kéo dài tình trạng tạm bợ, bấp bênh và đầy trắc trở này mãi được. Hay là mình đánh bạo đưa cô ấy về quê? “

Không ai nghĩ có những thứ vất đi từ trăm năm trước, lại là cứu cánh của cuộc đời mình?
Tôi đưa Trầm về lúc đầu cũng không nghĩ là như vậy. Những thanh sắt cong queo, bỏ gỉ đường gòng  của khu mỏ cũ đã cứu giúp tôi với Trầm. Là bước khởi đầu đầy khó khăn để có cuộc sống ngày hôm nay. Nó là thứ của giời ơi, lúc đó không ai quản lý bị vùi lấp dưới lớp đất đá cỏ mọc um xùm phủ lấp lên.
Tôi chấm dứt cuộc sống của người “gió bốn Phương”, “toa tàu hỏng bỏ không” ngoài sân ga trở về làng với hai bàn tay trắng.

Từ ngày bố tôi mất, mẹ tôi cũng quặt quẹo đau ốm. Cuộc sống tự sản tự tiêu của người vùng núi vốn đã gieo neo với hầu hết mọi người, với nhà tôi lại càng cơ cực. Giấy ra trại của tôi đã hết hạn từ lâu, Trầm cũng chẳng có hộ khẩu nơi này, không ai cấp cho ruộng nương để sống.
Tôi vào khu này, khi đó gọi là khu mả hủi dựng căn lều vì không thể sống ngoài làng. Khi đó em trai tôi đã lấy vợ. Nó đã phải làm ma cho bố, nuôi dưỡng mẹ già, tôi đâu có quyền để tranh giành cơ ngơi, tài sản vốn đã không có gì đáng kể của cha mẹ?
Công nhận Trầm là con người sáng dạ. Cô ấy nghĩ ngay đến đoạn sắt đường làm gòng khi xưa mà tôi vừa mới nói.
Chúng tôi đóng một cái mảng chở dần từng chút đám sắt ghỉ ấy về Việt Trì bán cho người thu mua sắt vụn.
 Nên nhớ sau thời Nam Bắc có chiến tranh, hòa bình rồi, nghề mua ve chai, sắt vụn đồng loạt có ở mặt ở nhiều nơi.
Có tiền. Tôi mua trâu, mua hạt giống.. Từ bỏ nghề kiếm củi nuôi thân.. Và bây giờ cuộc sống của chúng tôi như cậu thấy đấy..”

Duy có điều.. cho đến tận bây giờ hai người vẫn chưa có con. Điều này sau đêm ngủ chốn “Bồng Lai” không cần hỏi, tôi cũng biết.
Nhưng cái tên gọi khuôn viên này tôi vẫn thấy thắc mắc. Dù nó khác lạ, xinh đẹp như một khu du lịch sinh thái, gọi vậy nó vẫn cứ sao sao.. không hợp lý. Người ta chỉ dùng phiếm danh này cho một hòn đảo giữa trùng khơi, có quanh cảnh cực kỳ sinh đẹp. Đó là cõi xa cách đời sống và lối sống con người, là nơi tiên ở.
Chỗ này gọi chốn “Bồng lai” e không hợp! Nó chỉ là mảng khác biệt với xung quang tý chút, đâu có “thần tiên” gì?
Ông chủ trang Trại người Tày đen này nói với tôi:
- Gọi thế nào là do cảm nhận, tâm trạng của mỗi người. Cái tên đó đâu có phải do tôi đặt? Một ông nghiên cứu văn học dân gian tới đây đặt như vậy, từ đó thành tên. Ông ta còn lấy một tấm bảng gỗ treo ngoài cổng trại. Trên đó viết “Bồng Lai trại” bằng sơn đỏ. Ai đi qua cũng nhìn, bình phẩm lôi thôi quá.
Khi ông ta về xuôi, tôi mới gỡ bỏ đi. Chẳng qua cũng chỉ là cái tên. Người ta có thực sự hạnh phúc, quá khứ không tì vết, mới gọi như thế được.
Không cứ ngoài đảo hay trên đất liền. Nơi nào con người sống hạnh  phúc, không khổ đau, không ân hận, không quá khứ nặng nề..Chỉ có tương lai tương sáng mới gọi là chốn thiên đường, chốn “Bồng Lai”. Chứ chúng tôi thì Bồng lai cái nỗi gì?

Phần tôi cũng bõ công một chuyến đi. Mấy giống cây thuốc tôi tìm chỗ ông có cả. Nó sẵn, hẳn một vườn.
Bây giờ cây thuốc tự nhiên đâu có chỗ nào còn với hiện trạng môi sinh chỗ nào cũng vậy. Thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu đã làm cho đất rừng chết dần dần. Cây thuốc là giống cây nhạy cảm với môi trường, đâu có thể mọc lên và tồn tại được.
Tôi còn thêm câu chuyện về một con người có hoàn cảnh khá đặc biệt ở “cõi Bồng Lai” này.  Một cõi như thể tách riêng ra khỏi thế giới ồn ào, nhiều trắc ẩn, nhiều ưu tư mà tôi cũng như rất nhiều đồng bào tôi đang chấp nhận.
Ước gì mình có một khoảng không gian, một khoảng đất, một cơ ngơi như thế?

Như bạn thấy đấy, đối với tôi, điều ấy thật xa vời.. Còn như tên gọi của nơi như thế, “Bồng lai” hay “Bồng bềnh” cũng chỉ là cái tên, đâu có gì đáng quan trọng?


============================











Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐI TÌM TRÁI TIM ĐÃ MẤT





Ở núi, mọi người, trong đó có tôi, thường ngủ dậy rất muộn. Những ngày cuối đông, núi Chư Mang quàng thêm một tấm khăn màu sương ẩm ướt. Tôi trùm thêm một lớp chăn nữa, luồn cả hai cánh tay vào dưới đầu, tôi ngủ nướng, nằm cong cong. Tôi đã định không kể tiếp chuyện này, đã định khăn gói ra đi, như một chiếc lá, như một câu thơ, hay như một cơn gió thoảng. Tôi đến đây đã lâu, đã thấy nôn nao. Có những buổi sáng mùa đông, hé mắt nhìn lên núi, thấy mây giăng lạnh buốt, lòng buồn rũ rượi. Con ngựa bị giam cầm đang bồn chồn gõ móng trong tim. À mà không, nó gõ móng trong ngực buốt, bởi tôi không còn tim nữa. Tim mất rồi, thật đấy!
Đã có người vào đây đánh cắp trái tim tôi, vào một ngày xa xôi nào đó không còn nhớ nữa. Sau một lần ngủ dậy, đưa tay lên ngực trái, thấy trống rỗng hoang liêu, tôi biết ngay... Biết, nhưng đành bất lực. Nhỏ nhoi lắm, cuộc sống của con người dưới bàn tay sắp đặt của Thượng Đế, của những đấng quyền năng sáng suốt hoặc mù loà. Tôi cố gắng thở nhanh gấp đôi người thường, để đủ hơi sức lấp đầy khoảng trống ấy, nếu không, làm sao mà sống tiếp?
Bạn đã từng sống với một khoảng trống trong ngực chưa? Sống như thế cũng không phải hoàn toàn là nhức nhối, mà có khi cũng dịu ngọt, có khi cũng đê mê. Tôi ngửa cổ uống một hơi đánh ực ly rượu thật ngon, nghe vị nồng nàn chảy trong khoảng trống vô biên nơi ngực trái, như dòng sông cuộn xoáy yêu thương. Khà!
Trên những con đường đã quen, không cần phải nhìn trước ngó sau, tôi vẫn có thể bước đều. Nhưng kể từ khi tim mải miết đi xa, tôi không còn giữ được thăng bằng, dáng tôi đi như cổ thụ nghiêng trong gió lốc, trong bão tố chênh vênh. Rồi trong những giấc mơ không đầu không cuối, tôi thấy tim mình đang đập ở một nơi xa xôi đầy băng giá. Bên cạnh tim là một đôi mắt biếc, xanh như một giấc mơ. Tôi nói: “Xa vạn dặm, có lạnh không?” Cả hai không trả lời. Tôi đứng nhìn, như vợ nhìn chồng, như mẹ nhìn con, như hi vọng đứng nhìn hi vọng, bất lực tựa hồ ta nhìn thấy một giấc chiêm bao hay một cơn ác mộng. Rồi tôi đưa tay ra, định níu lấy, nhưng không tài nào chạm vào được trái tim của mình, đôi mắt của mình. Trong giấc mơ, tôi nghe tiếng gió gào, tuyết lở, mà thương. Tôi im lặng, nghiêng nghiêng đi ngược chiều gió thổi, về với vỉa hè, với bóng đêm, với hơi rượu nồng nàn.
? thì mất trái tim, làm sao mà đòi lại được? Chỉ còn một cách thôi, chính tôi phải đi tìm. Không còn có tim, tôi đi như một gã hành khất mù loà nơi chân trời góc bể, con đường nào cũng dẫn đến chơi vơi. Có những buổi chiều, trong lồng ngực âm vang những nhịp đập của ký ức, có nắng tinh khôi, có lá hoa mơn mởn. Có những nửa đêm, nghe cơ thể mình vắng lặng tiếng cười, xung quanh lạnh cóng như nằm trong căn hầm ướp xác. Có những ban mai, dõi mắt nhìn theo một dáng hình thân thuộc, chờ một cánh chim chở mắt biếc quay về...
Trên những chặng đường lang thang tìm lại chính mình, tôi có gặp một người cùng cảnh ngộ. Tôi hỏi: “Này, với lồng ngực trống rỗng, sao ngươi vẫn vui cười được, tài thế?” Người ấy nằm ngửa, cười như đắc đạo từ kiếp trước, không nói không rằng. Nụ cười nằm nguyên trên gương mặt trơn nhẫy, bóng láng như nặn bằng sáp ong. Xung quanh, mọi người đứng xem, ngưỡng mộ, kính cẩn. Tôi gào lên: “Có gì hay ho đâu mà các người bu lại xem? Ông ta không có tim, thật đấy, mở mắt mà nhìn đi!”
Tất nhiên là không ai tin tôi hết. Đêm xuống, tôi lại lang thang...
Khuya khoắt, tôi trèo lên một cành cây ngủ tạm, như một chú chim đại bàng mình đầy thương tích. Lũ rắn rết bò qua, lũ chó sói đi qua cười khành khạch, hỏi, giọng chứa chan thương hại, nhạo báng: “Ngủ như thế mà cũng gọi là ngủ ư!” Tôi im, giả vờ không nghe không biết. Từ bữa mất tim đến giờ, tôi chưa có đêm nào ngon giấc. Những giấc mơ chao đảo lắc lư trong gió, trong sương.
Những buổi sớm mai nắng loà đầu ngọn thác, tôi mệt mỏi ngồi nhìn lũ cá rong chơi. Thác đang cuộn trào, thấy tôi, liền dừng lại hỏi: “Này, hay là để ta cho mượn tạm một trái tim?” Ừ, thì thử xem sao! Thác cúi xuống lượm dưới chân một hòn đá cuội trắng phau, hình dáng tương tự một trái tim dâu bể. Tôi đặt nó vào lồng ngực và đi. Thác gọi với theo: “Nếu cần, hãy giữ lấy, không cần trả lại.” Tiếng cười hào phóng cất lên tiễn bước.
Bây giờ, trong lồng ngực này là đá, nặng trĩu, câm nín, lạnh băng hoặc phừng phừng lửa cháy, tôi sẽ không kể nữa. Bây giờ, tôi vẫn đi, từng bước một, cho đến hết cuộc đời...


-------------



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Trời còn không bắt như vậy. Dân BTT liệt cụ nó rùi..Kiểu "Buôn lậu trung quốc, hay nôm na kiểu bãi cứt trâu của Việt Nam" thì có gì hay mà bắt khùng như vậy?

Đàn ông Triều Tiên buộc phải để tóc giống Kim Jong-un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa ban hành sắc lệnh buộc 12 triệu nam giới nước này phải cắt kiểu tóc giống như ông.

Sắc lệnh này được ban hành cách đây 2 tuần, theo đó nam giới Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác ngoài kiểu tóc giống nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Đây cũng là kiểu tóc cổ điển đã từng được các nhóm nhạc nam ưa chuộng vào những năm 1990 và nay được gọi với cái tên mới là kiểu tóc “lãnh đạo Kim Jong-un đáng kính”. Đặc trưng của kiểu tóc này là cắt cao ở phía sau, phần tóc trên đỉnh thật ngắn và tóc hai bên tai phải được cạo sạch.
Không ít người dân Triều Tiên phàn nàn về yêu cầu trên vì cho rằng không phải ai để kiểu tóc "lãnh đạo Kim Jong-un" cũng hợp.
Đàn ông Triều Tiên buộc phải để tóc giống nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP
Đàn ông Triều Tiên buộc phải để tóc giống nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: AP
 
Một người dân cho biết: “Kiểu tóc nhà lãnh đạo của chúng tôi rất đặt biệt nhưng không phải hợp với mọi người vì mỗi người có khuôn mặt và kiểu đầu khác nhau”. Một người Triều Tiên giờ đang sinh sống tại Trung Quốc cho biết kiểu tóc giống như ông Kim Jong-un không thịnh hành bởi nó gợi nhớ tới những người buôn lậu Trung Quốc. Người này khẳng định: “Cho tới giữa thập niên 2000, chúng tôi gọi đây là kiểu tóc của dân buôn lậu Trung Quốc”.
Igor Iskiyev, chủ sở hữu một tiệm cắt tóc tại thành phố New York - Mỹ, cho biết: “Đây là một kiểu tóc cổ điển và nó chỉ hợp với gương mặt hơi to của ông Kim Jong-un”. Ông cho biết mình có thể thực hiện kiểu tóc này trong 10 phút với giá khoảng 15 USD. Ông nói thêm: “ Các khách hàng thường không yêu cầu cắt kiểu giống ông Kim Jong-un nhưng nếu họ muốn thế thì tôi cũng không cảm thấy thú vị”.
Trong quá khứ, mọi công dân Triều Tiên có quyền lựa chọn kiểu tóc của mình theo danh sách những kiểu đầu đã được nhà nước chấp thuận. Phụ nữ có tổng cộng 14 lựa chọn, trong đó tóc ngắn được dành cho những người lập gia đình còn những phụ nữ độc thân được phép thoải mái hơn với tóc dài và có thể để xoăn
Theo Xuân Mai
Người lao động/New York Daily News

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà báo Trần Đình Bá và cuộc “đụng đầu” với một VIP


Năm 1987, trên báo Quân đội nhân dân xuất hiện bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” đã gây chấn động dư luận. Ông Tô Duy là Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước, hàm ngang Bộ trưởng. Động đến một vị lãnh đạo, hàm Bộ trưởng là một chuyện “động trời” vào thời kỳ đó.

Người viết loạt bài này là nhà báo, Thượng tá Trần Đình Bá. Và với ông, vụ việc sẽ mãi không thể quên được... Chúng tôi kể lại vụ việc này không nhằm chỉ trích cá nhân được nêu trong bài mà chỉ muốn qua lời kể của Trần Đình Bá để bạn đọc phần nào hiểu được cuộc đấu tranh của báo chí trong giai đoạn này khó khăn như thế nào.

Động vào vùng “cấm”

Theo bài báo nêu thì ông Tô Duy với cương vị là Chủ tịch trọng tài kinh tế Nhà nước đã lạm dụng chức quyền và ảnh hưởng của mình để chiếm dụng quá tiêu chuẩn diện tích nhà ở nên đã gây tình trạng mất đoàn kết nghiêm trọng ở cơ quan Trọng tài Kinh tế nhà nước. Đơn thư gửi đến nhiều cơ quan, trong đó có báo Quân đội nhân dân (QĐND).

Theo đánh giá của dư luận lúc ấy thì bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” là một sự kiện chưa từng có của báo Quân đội Nhân dân. Hội Nhà báo đã xếp giải A, trao phần thưởng và bằng khen về tác phẩm chống tiêu cực đạt hiệu quả cao.

Nhà báo Trần Đình Bá kể: "Nhận được thư của bạn đọc, tôi hiểu rằng nếu có làm vụ này sẽ động đến vùng cấm. Những cán bộ cao cấp như ông Tô Duy đều thuộc quyền quản lý của Ban Bí thư, Bộ Chính trị.

Ngày 15/1/1987, tôi nộp bài cho Tổng biên tập (TBT), nhưng bài báo nằm im trên bàn thủ trưởng suốt mấy tháng liền. TBT của báo QĐND lúc đó là Thiếu tướng Trần Công Mân, một người mà tôi rất kính trọng. Trước mỗi sự việc, nhất là đấu tranh chống tiêu cực, ông rất kiên quyết nhưng cũng rất thận trọng. Cuối cùng qua rất nhiều trăn trở, đến ngày 9/4/1987 trên báo QĐND cũng xuất hiện được dòng nhắn tin về “Một số vụ việc ở cơ quan Trọng tài Kinh tế Nhà nước”. Dòng nhắn tin này nếu đăng vào thời bây giờ thì chẳng có tí tác dụng gì nhưng ở vào thời điểm đó, nó lập tức gây được sự chú ý của dư luận.

Ông Tô Duy còn là ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khoá VIII. Dòng tin nhắn nhỏ này như một “quả bom” tạo những hiệu ứng rất mạnh. Ban Nội chính T.Ư và Uỷ ban kiểm tra T.Ư được triệu tập để báo cáo với Ban Bí thư về kết quả kiểm tra đơn thư tố cáo về ông Tô Duy. Các báo cáo này đều khẳng định việc ông Tô Duy sử dụng quá nhiều diện tích nhà ở và quỹ công sai tiêu chuẩn là có thật. Ngay sau đó ông Tô Duy được gợi ý rút ra khỏi danh sách ứng cử viên QH khoá VIII. Hội đồng bầu cử QH số 5 của tỉnh Hải Hưng (nơi ông Tô Duy ứng cử) nhận được thông báo quyết định xoá tên ông Tô Duy khỏi danh sách ứng cử viên.

Tôi cảm thấy như mình vừa làm được một việc đúng, nhưng tôi cũng hiểu tất cả chỉ mới bắt đầu. Tôi và cả TBT Trần Công Mân đều sẽ phải chuẩn bị đối phó với những đòn phản công của ông Tô Duy. Điều nguy hiểm là tất cả những thư, báo cáo của tôi và TBT gửi Hội đồng bầu cử, gửi 5 vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước lúc đó thì ông Tô Duy cũng đều có được.

Ông Tô Duy hiểu rằng báo đang bị “đèn đỏ” và sự phản ứng của ông càng quyết liệt. Tôi hiểu rằng, báo chí chỉ có một vũ khí duy nhất là ngòi bút và thêm nữa là lòng dũng cảm. Nhưng vũ khí lợi hại là các bài báo thì đã bị “niêm cất” (ông Đào Duy Tùng lúc bấy giờ là Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn T.Ư và ông Trần Quốc Hương, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư đều có ý kiến chỉ đạo với báo QĐND là tạm dừng không đăng về vụ ông Tô Duy). Tình thế của tôi chẳng khác nào ngồi lên lưng hổ, nhưng dây xích hổ lại nằm trong tay người khác.

Chỉ có thể đi tiếp

Đã có lúc tôi nao núng vì cảm thấy cuộc chiến đấu mà mình đang theo đuổi thật khủng khiếp, nhưng rồi tôi đọc lại nghị quyết VI của Đảng, đọc lại “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L (bút danh của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) và tất cả lại cho tôi niềm tin. Tôi quyết định viết thư cho 3 vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội Đồng Nhà nước Trường Chinh và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng. Tôi cố gắng tìm con đường ngắn nhất và nhanh nhất để những bức thư tay này đến các đồng chí ấy một cách nhanh nhất và chờ đợi...

Ngày 2/7/1987, vừa bước chân vào toà soạn tôi nhận được thư. Một phong bì mà với tôi thấm đẫm nước mắt. Thư từ Văn phòng Tổng Bí thư. Trong bức thư có ý kiến của đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Nếu bài viết có nội dung tốt, chính xác, chân thực, có tác dụng xây dựng thì đồng chí TBT quyết định cho đăng và báo chịu trách nhiệm với bạn đọc”. Tôi mừng khôn xiết. Tưởng chừng vụ việc đi vào chỗ bế tắc thì đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng lại rất quan tâm. Ngày 22/7/1987 là một ngày thực sự đáng ghi nhớ trong cuộc đời làm báo của tôi. Suốt đêm hôm trước tôi không thể ngủ được bởi bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” đã được BBT đồng ý cho đăng. Tôi đi qua các quầy báo, thấy nhiều người mua báo QĐND. Ai cũng chăm chú đọc bài báo ở trang 2. Đó là một phần thưởng vô giá đối với tôi.

“Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” lập tức gây chấn động dư luận hàng triệu độc giả trong cả nước. Nhiều báo đã trích đăng lại kèm theo lời bình luận. Riêng báo Đồng Nai đăng lại nguyên văn. Hàng ngàn bạn đọc đã gửi thư, gọi điện hoặc trực tiếp đến toà soạn để bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ.

Nhưng sau bài báo được đăng, tôi mới hiểu, thực ra cuộc đấu mới chỉ mở màn.

Cuộc họp quan trọng của Ban Bí thư

Tối ngày 24/7/1987, tôi vừa tắt đèn lên giường thì có người gọi vẻ hốt hoảng. Thì ra là Nguyễn Kinh Quốc, phóng viên nhiếp ảnh của báo (bây giờ thì Quốc đã là một cán bộ có cỡ rồi). Tôi vừa mở cửa Quốc đã nói ngay: Anh xuống ngay, “cụ” Thuỳ đang đứng chờ dưới sân. “Cụ” Thùy là cách chúng tôi gọi thân mật Phó TBT báo QĐND Bùi Biên Thuỳ. Việc “cụ” đến tận nhà tôi giữa lúc khuya khoắt thế này chắc là nghiêm trọng lắm. Vừa gặp “cụ” đã nói ngay: Ban Bí thư triệu tập vào Sài Gòn ngày 28 để họp về vụ Tô Duy. Tôi hiểu không phải cứ có bài báo ra là có thể gặt hái được chiến thắng. Chân lý bao giờ cũng phải trải qua rất nhiều gian khó.

Sáng ngày 27/7, chúng tôi có mặt ở TPHCM để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng này.

Có lẽ chưa bao giờ có một cuộc họp vì một bài báo lại có thể phải triệu tập nhiều các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng đến thế. Sau này, trong cuộc đời làm báo, chứng kiến rất nhiều cuộc họp lớn nhỏ tôi cũng chưa từng thấy. Chủ trì cuộc họp là đồng chí Đỗ Mười, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng (đồng thời là Thường trực Ban Bí thư). Thành phần dự họp gần như có đủ các đồng chí trong Ban Bí thư (6 đồng chí). Về phía báo QĐND có TBT Trần Công Mân, Phó TBT Bùi Biên Thuỳ và tôi. Tất nhiên về phía trọng tài kinh tế nhà nước có đồng chí Tô Duy.

Phần lớn các ý kiến của Ban Bí thư đều xoay quanh vấn đề diện tích nhà ở của đồng chí Tô Duy. Đến lượt mình, ông Tô Duy thủng thẳng mở cặp lấy ra một tập tài liệu đã xếp sẵn trao cho các đồng chí trong Ban Bí thư rồi đọc một bản giải trình dài thỉnh thoảng kéo thêm lời giải thích. Mất hơn 2 giờ đồng hồ. Tóm lại giải trình của ông Tô Duy tập trung ở mấy điểm: Báo QĐND đã đưa sai lệch các thông tin về cá nhân ông Tô Duy, thiếu tình người. Theo luật hình sự phải truy tố”. Ông Tô Duy phát biểu xong thì chủ toạ (đồng chí Đỗ Mười) tuyên bố nghỉ trưa, để đến buổi chiều báo QĐND phát biểu.

Buổi chiều hôm đó cũng là một trong những buổi chiều mà suốt đời làm báo tôi cũng không thể nào quên được. Chưa bao giờ tôi phát biểu dài như thế và cũng không biết tôi lấy đâu ra sức mạnh của sự hùng hồn để có thể diễn giải rất nhiều chứng cứ đúc kết lên bài viết."

Hé mở tấm màn bí mật

Cuộc đối chất lịch sử

"Khi tôi phát biểu xong thì nhà báo Trần Công Mân (TBT báo Quân đội Nhân dân) đứng lên phát biểu tiếp (tôi không kể lại những đoạn phát biểu này vì sẽ quá dài và làm mất thì giờ của bạn đọc mặc dù ông Mân phát biểu rất hay). Sau đó, đồng chí Đỗ Mười tuyên bố nghỉ giải lao. Hết giờ giải lao, Ban Bí thư hội ý riêng khoảng 30 phút rồi cuộc họp tiếp tục.

Lúc này phát biểu trước tiên là đồng chí Trần Quốc Hương (Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư). Ý kiến của đồng chí Trần Quốc Hương đại ý như sau: “Nội bộ của cơ quan Trọng tài Kinh tế Nhà nước có mâu thuẫn từ lâu. Cả 5 căn hộ đều cấp cho anh Tô Duy đề nghị anh Tô Duy kiểm điểm sâu sắc”.

Tiếp đến đồng chí Nguyễn Đức Tâm (Uỷ viên Bộ Chính Trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban tổ chức T.Ư) phát biểu. Ý kiến của đồng chí Nguyễn Đức Tâm cũng xoay quanh việc phê bình đồng chí Tô Duy về việc nhà ở. Tiếp đến là ý kiến của đồng chí Đào Duy Tùng (Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng). Cuối cùng thì đồng chí Đỗ Mười (Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Thường trực Ban Bí thư) kết luận, một kết luận mà trong đời làm báo tôi luôn nhớ. Ít nhất thì kết luận của đồng chí lãnh đạo cao cấp lúc đó cũng rất rõ ràng: “Anh Tô Duy phải bình tĩnh tự kiểm điểm, phê và tự phê sâu sắc trước Đảng bộ cơ sở, trước quần chúng để giải quyết nội bộ”.

17h30 phút ngày 30/7/1987, cuộc họp kết thúc.

Mọi người lần lượt ra về. Tôi soạn tài liệu cho vào cặp. Nhìn sang thấy ông Tô Duy vẫn ngồi yên chỗ cũ. Tôi bước ra khỏi phòng họp. Được mươi bước, tôi đột ngột quay lại nhìn, thấy ông Tô Duy đang nhoài người nói chuyện với một đồng chí cán bộ cao cấp đứng trước mặt. Có thể ông ấy đang muốn thanh minh thêm điều gì chăng?

Chưa bao giờ, một vụ việc chống tiêu cực của báo chí lúc ấy lại được sự quan tâm của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như vụ Tô Duy. Âm vang của “cuộc đối chất lịch sử” ngày 30/7/1987 được truyền đến tai bạn đọc như một tín hiệu cho thấy thái độ kiên quyết của cấp trên về một vụ tiêu cực gây xôn xao dư luận.

Nhiều người tin chắc rằng trước các kết luận của các vị lãnh đạo trong cuộc đối chất này sự việc sẽ được giải quyết nhanh chóng. Bạn đọc nóng lòng được đọc những thông báo kết luận về vụ Tô Duy. Chúng tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi cũng lờ mờ hiểu được tính chất của sự việc lại gay go, phức tạp hơn nhiều.

Kết luận của Ban Bí thư

Đầu tháng 8, Báo QĐND nhận được thông báo của Ban Bí thư kết luận về “vụ Tô Duy”. Nhà báo Trần Đình Bá kể lại: “Khi nhận được thông báo này, chúng tôi mừng húm. Trung ương đã giải quyết vụ việc rất nhanh, nhưng thật bất ngờ. Trong thông báo này lại ghi một câu rất khó hiểu là “Kết luận của Ban Bí thư về dư luận đồng chí Tô Duy...” Tại sao lại là kết luận về dư luận? Tôi thẳng thắn trình bày quan điểm với TBT Trần Công Mân: Tôi thấy kết luận này không phản ánh đủ tinh thần cơ bản của cuộc họp ngày 30/7. Bởi việc chiếm dụng diện tích nhà là thực tế quá rõ ràng, không còn là “dư luận” nữa. Nếu vẫn là “dư luận” thì làm sao có “kết luận” được.

TBT Trần Công Mân đắn đo suy nghĩ một lúc rồi nói: “Thôi cậu về viết công văn báo cáo Ban Bí thư. Chú ý chỉ nói mấy điểm kết luận thôi”. Hôm sau tôi soạn xong công văn, mang đánh máy và được TBT sửa rất kỹ trước khi gửi đi. Một tuần sau, rồi một tháng sau, sự việc như chìm vào im lặng đáng sợ.

Mặc dù kết luận của Ban Bí thư ghi rõ: “Giao cho Đảng uỷ khối Nội chính, Uỷ ban kiểm tra T.Ư chỉ đạo chi bộ của đồng chí Tô Duy, Đảng uỷ cơ quan Trọng tài kinh tế Nhà nước tiến hành kiểm điểm đồng chí Tô Duy. Việc kiểm điểm phải được tiến hành nghiêm túc”, nhưng trên thực tế đã có những thế lực khác đã đẩy chệch sự việc đi theo hướng khác.

Ông Tô Duy đã được “minh oan” như thế nào?

Chiếc “gậy thần” được đưa ra thật đúng lúc để cứu ông Tô Duy khỏi bị kiểm điểm chính là kết luận của Bộ Xây dựng. Bằng công văn số 740 ngày 7/9/1987 do Bộ trưởng Phan Ngọc Tường ký gửi Ban Bí thư và đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Công văn này kết luận: Theo tiêu chuẩn tối thiểu của NĐ 150/CP thì diện tích nhà ở của đồng chí Tô Duy thừa khoảng... 5m2. Diện tích này so với đất đai tham nhũng của các quan chức bây giờ thì đúng là nực cười. Với diện tích như vậy đâu đáng để đưa sự việc của đồng chí Tô Duy lên báo chí và đâu đáng để bị phải... kiểm điểm?

Báo QĐND ngay lập tức có công văn gửi Bộ Xây dựng. Ngày 22/9/1987, tôi mang công văn của TBT đến Văn phòng Bộ Xây dựng xin được gặp Bộ trưởng đề nghị ông trả lời 6 câu hỏi. Tất nhiên, ông Phan Ngọc Tường lấy rất nhiều lý do để né tránh phải đối đầu trực diện với báo chí (như khá nhiều vị lãnh đạo các bộ, ngành sau này cũng vậy. Họ thường chọn giải pháp “bận” để né tránh báo chí, nhưng thực tế là sự thiếu dũng cảm của họ).

Sau một thời gian, chúng tôi nhận được bản trả lời đánh máy sẵn của Bộ trưởng Phan Ngọc Tường do Văn phòng bộ chuyển. Đọc kỹ bài trả lời, chúng tôi thấy đồng chí Bộ trưởng chỉ loanh quanh. Toàn bộ bài trả lời này cũng như bài trả lời của ông Phùng Minh - Giám đốc Sở Nhà đất Hà Nội về diện tích nhà ở của ông Tô Duy  được báo QĐND đăng ngày 19/10/1987. Đó là đòn “chặn viện” mà chúng tôi buộc phải sử dụng. Sau bài báo này, ông Tô Duy đã phải tiến hành kiểm điểm trước toàn thể cán bộ, công nhân viên cơ quan Thanh tra Kinh tế Nhà nước.

Ngày tháng cứ thế trôi đi trước sự thúc giục gay gắt của dư luận đòi hỏi phải kết luận công khai vấn đề nhà ở của ông Tô Duy. Có rất nhiều thư bạn đọc gửi đến toà soạn yêu cầu vụ việc phải được làm sáng tỏ. Có những bạn đọc đến tận toà soạn hỏi rồi ngẩn ngơ ra về. Chúng tôi, những người làm báo, cũng đành phải chờ. Vì vũ khí của chúng tôi chỉ có ngòi bút, lòng dũng cảm và những bài báo, và vẫn có những “vùng cấm” mà chúng tôi không thể vượt qua.

Hai tháng cuối cùng của năm 1987, vụ “Tô Duy” tiếp tục chìm trong “sự im lặng đáng sợ”. Đến tháng 3/1988, Ban Bí thư lại phải có công văn thứ hai chỉ thị cho các cơ quan phải giải quyết dứt điểm vụ việc này. Gần 1 tháng sau, Bộ Xây dựng lại có văn bản kết luận khác khá bất ngờ, lần này do Thứ trưởng Phạm Sĩ Liêm ký.

Văn bản 517, ngày 1/4/1988 kết luận: Nhà ở của đồng chí Tô Duy thừa 5,2m2. Quả thật là nực cười, khi sau bao lâu tính đi tính lại, với rất nhiều ý kiến chỉ đạo, thúc giục, cuối cùng Bộ Xây dựng tính thêm diện tích thừa của ông Tô Duy thêm được 0,2 m2 nữa so với kết luận cũ.

Cuối cùng cả 5 chỗ ở của ông Tô Duy vẫn được giữ nguyên. Sau mấy ngày kiểm điểm trước chi bộ, khi đến tuổi nghỉ hưu, ông Chủ tịch TTKTNN cũng được nghỉ hưu như bao người đến tuổi nghỉ hưu khác.

Tôi cảm thấy ngậm ngùi và cay đắng suốt bao ngày sau đó. Bài báo “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” được dư luận đồng tình ủng hộ, nhưng rồi cuối cùng nó cũng như hòn đá ném xuống ao bèo. Bèo có dạt ra, nước có chao động nhưng sau đó lá bèo lại phủ kín mặt ao."

Nhà báo Trần Đình Bá sinh năm 1947. Năm 1999, ông viết đơn xin nghỉ hưu lúc mới 52 tuổi, cái tuổi đang rất chín về nghề và vẫn còn rất sung sức. Trong đơn xin nghỉ hưu sớm ông viết: “Mấy năm qua, cơ chế thị trường đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống. Tôi trở thành một loại cán bộ không còn thích hợp với cơ chế thị trường, vì vậy tôi viết đơn này xin nghỉ”. Sau này đôi khi trong lúc trà dư tửu hậu, ông tâm sự: Có quá nhiều tham nhũng, nhiều cán bộ sâu mọt đang hoành hoành đất nước. Ông có cảm giác mình chỉ như hạt cát, quá nhỏ bé trước những tiêu cực của xã hội. Nghỉ, ông cảm thấy thanh thản hơn.

NMT
(Dân Trí)

Phần nhận xét hiển thị trên trang