Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Cuộc so găng sòng phẳng

Sau khi Hãng hãng không tư nhân Vietjet Air đề xuất nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga T1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tổng Cty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất mua nhà ga này.

Một sự kiện khá thú vị trong ngành hàng không Việt Nam.
Thú vị vì lần đầu tiên sau bao nhiêu năm ngủ mê man trong chiếc nôi bao cấp, nay ngành hàng không Việt Nam bắt đầu mở mắt nhìn bầu trời bao la và khác lạ.
Trên bầu trời bao la đó bỗng dưng có anh bạn “giá rẻ” mới sinh ra nhưng không nằm nôi và bú sữa của bà mẹ ngân sách.
Anh bạn “giá rẻ” sắm máy bay bằng tiền của mình mà không cần xin sự trợ giúp của Nhà nước. Anh bạn “giá rẻ” chở hành khách với giá vé phù hợp nên khách đi rất đông. Nay, anh bạn “giá rẻ” lại đầy cảm hứng đề xuất được mua lại và khai thác thương mại nhà ga T1 trong vòng 20 năm.
Thế là không chỉ phá thế độc quyền bay trên trời, cái thế độc quyền khai thác dịch vụ ở mặt đất cũng sắp sửa bị phá. Tổng Cty Cảng Hàng không VN bấy lâu “một mình một chợ” nay phải đối diện với một hiện thực, đó là ngành GTVT đã bật đèn xanh cho tư nhân vào sân chơi. Vietnam Airlines cũng sốt ruột vào theo, cuộc cạnh tranh sẽ thêm phần sôi nổi, ai có năng lực thực sự sẽ là người chiến thắng.
Và người cầm chắc chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này chính là hành khách. Cạnh tranh gay gắt bắt buộc các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ giá thành. Cái lợi quá rõ, làm gấp cho dân nhờ.
Không chỉ hai hãng máy bay trong nước, biết đâu có nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài sẽ nhảy vào sân chơi “hàng không mặt đất”. Lúc đó, cuộc cạnh tranh sẽ dữ dội hơn và đối thủ sẽ là những “võ sĩ” nặng ký. Các cảng hàng không dần dần được tư nhân hóa, ngành hàng không VN có một cuộc lột xác để trưởng thành trong một giai đoạn mới.
Cổ phần hóa các DN hàng không nhà nước, tạo cơ chế để các DN cạnh tranh công bằng, chắc chắn ngành hàng không VN sẽ phát triển nhanh chóng.
Trước tiên, cần công bằng trong việc mua bán nhà ga T1 cũng như các dịch vụ mặt đất khác, nếu như doanh nghiệp tư nhân tham gia thì đừng phân biệt con ruột với con nuôi như đã từng. Doanh nghiệp VN cần một sân chơi sòng phẳng, minh bạch và được sự hỗ trợ hiệu quả bằng các chính sách đúng đắn.
Lê Thanh Phong
(Theo báo Lao động)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bí mật của giác quan thứ 6


Đây là câu hỏi thực ra đã đặt ra bao lâu nay, từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác… Nhưng chưa bao giờ có một câu trả lời chính thống, nhất là trên cơ sở khoa học. Bởi người ta không lý giải được hiện tượng được coi là “năng lực siêu nhiên”, khả năng tiềm tàng ở một số người này bằng phương pháp khoa học mà chỉ có thể khái quát bằng sự việc, hiện tượng.
Ở Việt Nam cũng vậy!
Trước hết phải hiểu thế nào là giác quan thứ 6? Bên cạnh 5 giác quan mà người nào cũng có và được cụ thể hóa thành những bộ phận trên cơ thể con người là: mắt (thị giác), tai (thính giác), mũi (khướu giác), lưỡi (vị giác), bàn tay (cảm giác) thì giác quan thứ 6 ngược lại hoàn toàn không thể nhìn ra được theo kiểu “người trần mắt thịt”.
Nó hoàn toàn vô hình và rất hiếm người có. Nhưng khi người ta có giác quan thứ 6 thì những gì họ đoán thường không sai. Họ có thể dự đoán trên mọi lĩnh vực, song dễ nói ra nhất, “đời thường” nhất, đồng thời có thể coi là thế mạnh của họ là dự đoán cuộc đời của một người khác.
GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, người dày công tìm hiểu về vấn đề này cũng đồng tình như vậy và cho biết, ông đã gặp những người có khả năng đặc biệt ấy. Đó là một người quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, không quan tâm gì đến đời sống tâm linh, ngay cả việc thắp hương khấn vái ông bà tổ tiên, vợ ông ấy cũng là người chính.

Vậy mà, tự nhiên sau một trận ốm thập tử nhất sinh, bỗng nhiên ông ấy có khả năng “đọc” vanh vách về cuộc đời người khác, đặc biệt đối với những người sắp có “biến”, dù “biến” đó là tốt hay xấu. Khi gặp những người này, tự nhiên ông cứ nói ra miệng hay chính xác hơn là miệng ông cứ nói ra như thể ông không kiểm soát nổi những gì mình nói.
Người ta tìm mọi cách để lý giải giác quan thứ 6 của con người bằng khoa học

Có lần, có người sau khi nghe ông nói về chuyện không hay sắp xảy ra với gia đình mình đã văng tục với ông. Nhưng khi sự việc xảy ra lại đến gặp ông xin lỗi rối rít và nhờ ông đoán thêm tương lai. Tất nhiên, với những người có “biến”, nếu gặp, không nhờ ông cũng nói. Còn những người chủ định nhờ ông dự đoán họ có thể gặp những việc gì, ông cũng nói nhưng sẽ không nhiều. Bởi ông bảo, sau mỗi lần như vậy, người ông mệt lắm, cơ thể bã ra, đầu óc căng thẳng như thể vừa làm một việc gì “lao tâm khổ tứ”.

Trong một lần về địa phương này, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cùng một nhà văn nổi tiếng cũng đến gặp ông vừa là để tìm hiểu vừa để “thử nghiệm” xem thế nào. Không ngờ, vừa nhìn thấy nhà văn, ông đã nói những chuyện mà chỉ nhà văn mới biết, mới chiêm nghiệm được. Ông Thịnh bảo: “Cụ thể chuyện gì thì tôi không thể kể ra đây. Nhưng chỉ biết rằng, nhà văn đó phục ông này “sát đất” về giác quan thứ 6 của ông”.

Cũng về người có giác quan thứ 6, ông Ngô Đức Thịnh kể, chỉ mới đây thôi, ông biết một công chức của ngành kiểm toán hẳn hoi, còn rất trẻ tuổi, cũng là người hoàn toàn xa lạ với chuyện tâm linh nhưng khả năng phán đoán tương lai có thể nói khiến người trong cuộc sởn gai ốc. Người bạn của ông là một ví dụ.

Trong lần đầu tiên đến chơi nhà bạn của ông Thịnh, vị công chức của ngành kiểm toán, dù biết có thể làm chủ nhà không vui nhưng với giác quan thứ 6, anh lo lắng báo gia đình sắp có chuyện chẳng lành và cụ thể đó còn là chuyện “cháy nhà chết người”. Mới đầu nghe, bạn ông Thịnh cũng ậm ừ cho qua chuyện vì coi là chuyện “qua đường”, chuyện “âm lịch” không thể tin được. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau, lần lượt từng chuyện xảy ra với gia đình của bạn này khiến cả hai ông phải “lạnh gáy” vì không sai một lời so với sự báo trước kia.
Theo ông Thịnh, những chuyện được báo trước như vậy của những người có giác quan thứ 6 có rất nhiều và đó thực sự là giác quan thứ 6, là khả năng tiềm tàng của con người. Bởi với những gì được chứng kiến và chiêm nghiệm, ông Thịnh cho rằng, giác quan ấy mặc dù không thể “vật chất” hóa nhưng lại cụ thể hóa qua những câu chuyện, sự việc của những người có giác quan thứ 6 nói ra. Mà giác quan ấy không thể giải thích nổi nó từ đâu ra, vì sao lại có. Nếu giải thích thì cách duy nhất chỉ là “trời phú”.
GS Ngô Đức Thịnh
Trên thế giới, nhiều nhà khoa học cũng đã nghiên cứu về giác quan thứ 6. Tuy nhiên, không có kết quả cụ thể, ngay cả khi họ đã kiểm tra sự khác nhau giữa não bộ của những người có khả năng đặc biệt này và người thường. Và kết quả là không có gì khác biệt. Cũng chính bởi vậy, những người có giác quan thứ 6 rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn những người có giác quan “na ná” thứ 6 theo ông Thịnh lại nhiều không đếm xuể. “Như hàng loạt các thầy bói đang kiếm tiền đầu năm chẳng hạn”, ông Thịnh vừa cười vừa nói.

Nhưng hiểu như thế nào là “na ná” giác quan thứ 6 thì ông Thịnh nhận định: “Nói dựa trên những gì nghe thấy, nhìn thấy… thì được coi là giác quan “na ná” thứ 6. Tất nhiên, để nói được như vậy cũng phải có chút nhạy cảm, chịu quan sát thì mới nói được. Song như thế cũng không được coi là giác quan thứ 6”. Giác quan thứ 6 phải hình thành từ trong vô thức và những người có giác quan ấy khi nói gì, đoán gì cũng từ trong vô thức mà ra.

Để phân biệt giữa những người có giác quan thứ 6 và những người có giác quan “na ná” thế, ông Thịnh cho rằng, đó chính là sự trục lợi. Nếu như người có giác quan thứ 6 không bao giờ lấy khả năng đặc biệt của mình để làm ăn thì những người “na ná” họ ngược lại, lại trục lợi bằng mọi cách, mọi nơi và càng nhiều càng tốt đối với những người nghe họ “phán”.

Do sự trục lợi này, chính những người có giác quan “na ná” thứ 6 đã làm nhiễu loạn, khiến mọi người hiểu sai lệch về khả năng đặc biệt của con người. Đồng thời tạo ra một “nạn” trong xã hội, ấy là mê tín dị đoan và buôn thần bán thánh trong sinh hoạt tín ngưỡng…
Vậy tại sao với một “lực lượng hùng hậu” nói dựa như vậy trong xã hội, rất nhiều người muốn và thích nghe họ “bói”? Ông Thịnh cho rằng, vì bản chất của con người là muốn được nghe, được biết về tương lai của mình. “Ngay cả tôi cũng thích nghe”, ông Thịnh chia sẻ. Nhưng theo ông, quan trọng sau khi nghe điều ấy, phải biết xử lý những thông tin ấy như thế nào.
Ngay cả trước thông tin của người có giác quan thứ 6 “phát” ra. “Không nên “hiệu” ứng lập tức bằng cách xồn xồn hoặc quá lo lắng. Mà phải bình tĩnh, cân nhắc, suy xét để tìm ra giải pháp thích hợp nhất. Còn trong trường hợp không thể “cưỡng” lại được thì phải chấp nhận. Thế mới là người có bản lĩnh và hiểu biết”, ông khuyến cáo.

Những người có “giác quan thứ 6” nổi tiếng thế giới
Ingo Swann được biết đến với tư cách là người đặt nền móng cho việc khai thác năng lực nhìn từ xa (Remote Viewing). Swann có thể biết được một người đang ở đâu, miêu tả khá chính xác vị trí đó, hoặc nhìn xuyên qua một chiếc hộp đen từ bên ngoài một căn phòng đã niêm phong.
Tuy nhiên, bản thân Swann không coi mình là một người ngoại cảm, mà chỉ đơn thuần là một nhà khoa học nghiên cứu thế giới tinh thần của con người thông qua một lý thuyết mang tên là CRV (Coordinate Remote Viewing).
Jeffry R. Palmer ở Australia là chuyên gia trong việc xác định dấu vết của những người mất tích và đã giúp cảnh sát rất nhiều trong việc đi tìm lời giải cho các vụ án bí hiểm. Ông còn được mệnh danh là “thám tử ngoại cảm” (Psychic Detective).
Ông được báo chí thế giới đánh giá cao trong việc dự đoán chính xác hai thảm họa thiên nhiên là cơn bão Katrina ở Mỹ năm 2005, vụ sóng thần kinh hoàng năm 2004 ở Indonesia và một số quốc gia trong khu vực. Ông còn là cây bút nổi tiếng của các tạp chí hàng đầu như The New Age Journal, Current Living… về đề tài sử dụng sức mạnh tinh thần để chữa bệnh.

Xuân Bách
http://petrotimes.vn/news/vn/phong-su-dieu-tra/bi-mat-cua-giac-quan-thu-6.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dân nghèo sẽ bẩu: THẬT PHÍ CỦA GIỜI !

Gia đình tướng công an đã tháo dỡ biệt thự trái phép

Tác giả: Hữu Khá
Ngày 4-3, gia đình thiếu tướng Phan Như Thạch, nguyên giám đốc công an tỉnh Quảng Nam đã chấp hành tháo dỡ ngôi biệt thự xây trái phép.
Ngôi biệt thự sang trọng đang bắt đầu được tháo dỡ – Ảnh: Hữu Khá
Ngôi biệt thự này tọa lạc tại khu vực núi Hải Vân, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng. 
Theo quan sát, có khá nhiều nhân công tham gia tháo dỡ biệt thự, các cánh cửa gỗ của ngôi nhà đã được tháo ra hoàn toàn. Nhân công cũng đang dùng máy khoan để phá sàn nhà và đập bỏ các bức tường.
Theo người dân địa phương, sau khi có quyết định buộc tháo dỡ của UBND quận Liên Chiểu, gia đình ông Thạch đã nghiêm túc chấp hành và đến nay việc tháo dỡ đã bắt đầu.
Trước đó, trao đổi với báo chí, đại diện gia đình ông Thạch cho biết sau khi quận có quyết định buộc tháo dỡ, gia đình có làm đơn xin cứu xét nhưng đến nay chính quyền không chấp nhận nên gia đình chấp hành nghiêm theo quyết định của chính quyền.
Hiện gia đình ông Thạch và ông Ngô Văn Quang đã nộp số tiền tiền vi phạm hành chính về xây dựng nhà trái phép.
Riêng ngôi nhà của ông Quang hiện vẫn chưa có động tĩnh gì, trước đó ông Quang cũng có đơn xin xem xét cho tồn tại một phần nằm trong vùng phù hợp với qui hoạch phát triển du lịch của TP.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp báo ngày 26-2, ông Võ Văn Thương, chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết sẽ theo dõi tiến trình vụ việc và xử lý theo qui định của pháp luật, trách nhiệm xử lý thuộc thẩm quyền của UBND quận Liên Chiểu.
Ngày 4-2, chủ tịch UBND quận Liên Chiểu đã ra quyết định xử phạt ông Thạcvà ông Quang về hành vi xây dựng trái phép, nêu rõ hai cá nhân này đã tổ chức thi công công trình nhà ở trên phần đất không được phép xây dựng thuộc dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Làng Vân. Ông Thạch đã xây dựng nhà biệt thự ba tầng, công trình hiện đang hoàn thiện và chưa đưa vào sử dụng.
Vì lỗi này, ông Thạch bị xử phạt 22,5 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm. Thời hạn tháo dỡ biệt thự trái phép là trong vòng 35 ngày kể từ ngày nhận quyết định.
Còn đối với công trình biệt phủ của ông Ngô Văn Quang, UBND quận Liên Chiểu đã ra hai quyết định xử phạt. Cụ thể, ông Quang đã vi phạm hành chính tương tự gia đình ông Thạch và buộc nộp phạt số tiền 22,5 triệu đồng, quyết định buộc ông Quang tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng trái phép tại khu vực rừng Hải Vân. Thời hạn tháo dỡ cũng là trong vòng 35 ngày kể từ ngày nhận quyết định.
Ngoài ra, ông Quang còn bị xử lý về hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, tự ý xây dựng công trình trên đất rừng với diện tích 1.411mvới các công trình khác.
Ông Quang bị phạt tiền 15 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu trong vòng 35 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Thời hạn cuối tháo dỡ là ngày 10-3.
Các cánh cửa đã tháo hoàn toàn – Ảnh: Hữu Khá
Công nhân dùng máy khoan để đập bỏ các bức tường –  Ảnh: Hữu Khá———-

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông có bị nhầm không đấy?

Vương Trí Nhàn

Chứng rối loạn nhân cách

Những năm trước sau 1970, tôi mới học tiếng Nga và chưa tiếp xúc nhiều với văn học xô viết.
 Trong khi đó thì anh Phan Hồng Giang đã học Lomonosov từ đại học và biết rất nhiều chuyện dân nghiên cứu văn học ở Liên xô bàn tán, nó là những chuyện người ta nói với nhau  để xả hơi,  khi trong quá trình sống có những điều quan sát thấy mà không bao giờ được viết trên mặt giấy.
 Hồi đó trong giới nghiên cứu văn học Nga cũng như VN đang bị thống trị bởi quan niệm cho rằng văn học phải có nhiệm vụ xây dựng những nhân vật tích cực.
Một trong những mẩu chuyện anh PHGiang kể  có liên quan tới vấn đề trên. Tóm tắt như sau. 
Nhà nghiên cứu văn học nọ có một người bạn là một bác sĩ tâm lý. 
Khi anh kể lại những phẩm chất của các nhân vật tích cực mà cấp trên yêu cầu anh ta phải lý giải  để áp đặt cho các nhà văn, thì anh bạn bác sĩ kia liền nói: “Đây là  phẩm chất của những thằng điên”.

Tôi chợt nhớ lại mẩu chuyện trên khi đọc trên mạng một tài liệu của giới y học nói về sự rối loạn nhân cách. Sau đây là mấy thói quen tâm lý  mà người ta cho là người mắc loại bệnh này hay mắc phải:
1.    Tự cao tự đại về tầm quan trọng của mình (cường điệu các công việc và khả năng của mình, luôn muốn được xem là bề trên một cách không tương xứng với khả năng bản thân…)
2.    Cuốn hút bởi ảo tưởng về sự thành đạt, quyền lực…
3.    Tin tưởng rằng mình là người đặc biệt và duy nhất
4.    Thèm muốn mãnh liệt được ngưỡng mộ
5.    Ý nghĩ phải được phục vụ một cách đặc biệt và thỏa mãn một cách vô điều kiện các ước vọng
6.    Tận dụng những mối quan hệ để phục vụ các mục tiêu bản thân.
7.    Thiếu sự đồng cảm: không nhận thức và chia sẻ tình cảm, nguyện vọng của người khác.
8.    Luôn đố kỵ với người khác và tin rằng người khác cũng sẽ đố kỵ mình
9.    Có thái độ, hành vi kiêu căng.

Tôi không phải dân chuyên về tâm lý học và y học nên không dám nói rằng các tiêu chuẩn trở thành kẻ rối loạn tính cách như trên đã đầy đủ chưa, thậm chí “về căn bản” đã chính xác chưa.
Chỉ thấy nó đúng với nhiều người quanh mình.
Nó nằm trong tâm trí nhiều người từ chiến tranh trở về và lao vào cuộc tìm kiếm  một chỗ đứng vinh quang trong thời hậu chiến. Tức có nghĩa nó là quy tắc sống của các anh hùng thời đại.  
Nó bộc lộ qua các nhân vật của thứ văn hóa đại chúng tiêu biểu thời nay là các chương trình TV mà người mình hiện nay coi như một hiện thực còn thực hơn chính họ.
Và nó được người ta tin tưởng  tới mức thường có mặt trong những lời khuyên mà các bậc cha mẹ ngầm nói với con cái hàng ngày.

Trên tôi vừa nói đó là những phẩm chất mà con người từ chiến tranh trở về thường có, vì theo chỗ tôi nhớ, nhiều điều trong đó là những điều trong chiến tranh chúng tôi ở Hà Nội đã được dạy dỗ. 
Ví dụ với những bài thơ của Tố Hữu của Chế Lan Viên mà không chỉ học trò phải học, dễ thấy là chúng tôi luôn luôn được nhồi vào đầu những tư tưởng mà các điều 1, 3, 4 trên đây đã mô tả. Về tầm vóc vĩ đại của thời đại mình. Về sứ mệnh vinh quang nhân loại giao phó cho cộng đồng mình vv..
Còn các điều 2 và điều 6 ?  Bạn  hãy thử quan sát một vài nhân vật gọi là thành đạt trong thời hậu chiến. Đầy ảo tưởng. Tham lam dối trá điên loạn. Dám làm tất cả để phục vụ bản thân... Chắc bạn không phản đối nếu tôi bảo đó là những điều các anh hùng thời nay thường tự nhủ. Những cái đó làm cho họ trở nên mạnh mẽ, như rượu đã làm cho Chí Phèo trở nên mạnh mẽ.

“Có phải anh định nói rất nhiều người quanh ta đang trong tình trạng rối loạn nhân cách?”
“Thú thực đúng là tôi nghĩ thế. Tôi muốn dùng nó để giải thích tình trạng hỗn loạn hiện nay. 
Nhưng trước hết tôi muốn mọi người cùng ngẫm nghĩ về cái tâm lý hậu chiến chi phối con người 40 năm nay. Tôi cảm thấy chiến tranh đã làm sai lạc cả bản chất con người VN như chúng ta vốncó trước 1945. Ra khỏi chiến tranh chúng ta chưa tỉnh. Tức là đang có tình trạng người trong cuộc không nhìn ra bệnh của mình, cứ tưởng mình vẫn đang bình thường như những người khác.”

Khi một căn bệnh đã trở nên bệnh thời đại thì việc gì ta còn phải ngạc nhiên khi thấy những biểu hiện của nó kể cả những biểu hiện phi nhân bản nhân tính nhất. 
Cái ác hiện nay là tập đại thành của cái ác đã tích lũy trong lịch sử cộng đồng cả mấy trăm năm nay. Và nó trở nên phổ biến, được phát triển tới quy mô mà các tiền bối của nó trong lịch sử chưa bao giờ làm nổi.


Mấy ý lạc đề
 Muốn kiểm tra điều tôi nói, [rằng hiện tại chỉ là sự lặp lại quá khứ], hãy đọc lại lịch sử VN thế kỷ XVII- XVIII, cố nhiên  không phải là các bài sử đang được dạy ở các nhà trường kể cả trường đại học mà phải là các bộ sử khác. 
Chỉ cần nghiền ngẫm thật kỹ Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục -- và nhất là nhìn sử xưa bằng con mắt hiện đại --  là sẽ thấy hết. 
 Ví dụ, một chủ đề mà tôi tin là hấp dẫn và đã tính làm nhưng chưa kịp làm: chứng điên trong các đời vua chúa, và nói chung là bộ phận quan chức thống trị, suốt từ Đinh Lê Lý Trần trở đi.
Những tác phẩm kể trên viết bằng một thứ văn cổ, nên đọc hơi khó.
 Tìm được các bộ sách viết bằng tiếng Anh tiếng Pháp của các học giả phương Tây thì hay nhất. Dễ hơn, xin tìm đọc tài liệu của các giáo sĩ, các thương nhân nước ngoài đến với cả Đàng Trong và Đàng ngoài thời gian  trăm năm nội chiến, một số bản dịch mới được công bố vào dịp kỷ niêm ngàn năm Thăng Long. 
 Cuốn Hải ngoại kỷ sự của nhà sư Trung quốc Thích Đại Sán mà Viện đại học Huế đã dịch từ khoảng 1960, đi vào một khu vực mới, nay đang là tài liệu hiếm. 
 Mới đây hơn, là các tập Nghiên cứu Huế do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan chủ trương. Tôi thường rất tiếc là Nghiên cứu Huế ít được cả công chúng lẫn các nhà khoa học ở ta hiện nay biết tới, đến mức đang có ý định là làm các bản tóm tắt cho các tài liệu hay nhất trên tờ tập san đó, rồi đưa lại trên blog của tôi. 

Một đoạn lạc đề khác có liên quan tới định hướng suy nghĩ của tôi về sử:
-- muốn  hiểu được tình hình VN những ngày này, phải trở lại với thời vua Lê chúa Trịnh; 
-- mà muốn hiểu được những bế tắc của việc chúng ta ra với thế giới phải trở lại với thời kỳ đầu thế kỷ XX, nhất là các quá trình tư tưởng của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thú chơi Tết của vua chúa Việt


chuyen cu 2

Vua chúa Việt xưa rất coi trọng Tết Nguyên đán và có các nghi lễ và thú vui chơi Tết riêng biệt…
Trong sử cũ, vào dịp đón năm mới, thiên tử thường nhân việc này mà làm những việc ích nước, lợi dân, như vua Lê Đại Hành năm Đinh Hợi (987) “cày ruộng tịch điền ở núi Đọi… lại cày ở núi Bàn Hải” (theo Việt sử lược). Lại có vua nhân thời gian đó đổi niên hiệu như Lý Huệ Tông năm Tân Mùi (1211) đổi niên hiệu là Kiến Gia; vua Trần Thánh Tông ngày Một Tết năm Quý Dậu đổi niên hiệu là Bảo Phù; cũng ngày ấy năm Giáp Tý (1324), vua Trần Minh Tông đổi niên hiệu là Đại Bảo…
Ngoài những việc trên, có vua còn phong tước, tổ chức thi cử, ra luật lệnh, sai người đi sứ, thậm chí xuất quân tiễu trừ giặc giã… như vào nhà Trần năm Mậu Ngọ (1258) sau chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông ngày mùng Một Tết Nguyên đán đã thiết triều, cho trăm quan vào chầu, vỗ về dân chúng để yên nghiệp nước, định công ban thưởng cho các tướng lĩnh có công chống giặc ngoại xâm.
Thời vua Lê Thái Tông, thường vào dịp Tết, nhân ngày mùng Một tháng Giêng, vua cùng bá quan đến yết Thái miếu như cách ghi nhớ công ơn giành lại đất nước, sáng lập triều đại của tổ tông. Đồng thời không quên quan hệ ngoại giao hữu hảo, vua thân chinh đến gặp sứ thần nhà Minh. Công việc xong xuôi, vua về cung mặc áo trắng coi chầu, cho dàn nhạc nổi lên điệu Bình Ngô phá trận, các quan mặc cát phục (y phục tốt lành) dâng biểu mừng vua, chúc cho muôn họ no đủ, đất nước thái bình. Sau này vua Lê Nhân Tông vẫn duy trì lệ tốt đẹp đó, lại đến ngày mùng Ba tết ban đại yến cho quan lại. “Bính Tỵ (1456), mùa xuân, tháng Giêng, ngày mùng Ba ban đại yến cho các quan, Lạng Sơn vương là Nghi Dân cùng dự” (trích Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Hay như thời nhà Nguyễn, ngay từ mồng Một tháng Chạp âm lịch, vua Nguyễn đã cho tổ chức lễ Ban sóc, tức việc phân phát lịch của nhà vua cho bá quan và hoàng thân quốc thích. Tiếp đó là lễ Phất đức (quét dọn, lau chùi). Trong lễ này vua cho người lau chùi dọn dẹp các ấn ngọc, kinh sách trong điện Cần Chánh. Tới ngày 30 Tết, Khâm Thiên Giám chọn giờ lành để bộ Lễ dựng cây nêu. Cây nêu của vua được dựng lên rồi mới đến các dinh thự, chùa chiền.
Từ năm 1786, vua Tự Đức quy định cứ tới giờ Thìn (8-10 giờ sáng) ngày cuối năm, tất cả các cây nêu sẽ được dựng lên khắp kinh thành. Lễ tế Nam Giao là một trong những lễ tế quan trọng đầu xuân của các vua chúa Nguyễn. Sáng mồng Một Tết, tất cả bá quan văn võ tề tựu trước sân điện Thái Hòa mừng vua. Tại các miếu thờ trong vòng 4 ngày, vua đều cho cúng tế, thắp hương nghi ngút, thậm chí mỗi lần cúng phải có 32 món ăn riêng do sở Lý Thiện đích thân nấu. Ngoài những nghi lễ trong cung, mỗi dịp Tết đến, các vua thời nhà Nguyễn cũng ra phía Bắc ngoài Hoàng Thành làm lễ Tịch Điền. Trong lễ này, vua cùng các hoàng thân đích thân cày ruộng để làm gương khuyến khích người dân trong nước siêng năng việc đồng áng.
Sau khi đã hoàn thành các công việc trong vai trò thiên tử, vua chúa cũng bắt đầu thời gian nghỉ ngơi, thư giãn dịp Tết. Các vua chúa cũng rất thích thú với các trò chơi trong dịp lễ tết. Đầu tiên phải kể tới là trò chơi Đầu hồ. Đây là trò chơi xuất phát từ thời nhà Chu, Trung Quốc (1122 – 249 TCN) và được mệnh danh là trò chơi có nguồn gốc lâu đời, tồn tại dài nhất trong lịch sử Trung Hoa. Trong tiếng Hán, “đầu” có nghĩa là ném vào, còn “hồ” là cái bình. “Đầu hồ” phần lớn chỉ phổ biến ở tầng lớp vua chúa, quan lại và giới thượng lưu xưa. Để chơi được “Đầu hồ” cần chuẩn bị một bó 12 que (gọi là thẻ, tượng trưng cho 12 tháng trong năm) vót từ loại gỗ chắc nhưng dẻo, dài cỡ 0,68m. Thứ hai, đó là một chiếc bình không đáy có dáng như nậm đựng rượu, làm bằng đồng, sứ hoặc gỗ. Bình được đặt lên một đế nhỏ có trống nhỏ bên trong. Cuối cùng ở giữa chiếc bình và vị trí đứng người ta đặt một miếng gõ rộng 25cm, dài 40cm, cao khoảng 5cm, gọi là con ngựa hay con cóc.
Khi chơi, vua chúa và quan lại đứng ở vạch cách bình khoảng 2,5cm. Sau đó vua ném thẻ gỗ về phía trước sao cho thẻ gỗ đập vào con cóc rồi nảy lên rơi vào miệng bình. Nếu thẻ rơi trúng sẽ gõ vào trống nhỏ bên dưới, phát ra tiếng “binh, binh”. Tương truyền rằng thời nhà Nguyễn cứ sau buổi yến tiệc trong dịp Tết, vua và các quan thường chơi trò này. Trong số các triều vua, vua Tự Đức và vua Bảo Đại là hai vị vua chơi trò này giỏi nhất.
Trò chơi tiếp theo cũng được các vị vua chuộng chơi Tết, đó là “Họa ngự thi”. Hằng năm cứ tới gần Giao thừa, vua nhà Nguyễn lại chọn 4 vị quan trong triều để chơi trò này. Các quan phải đứng đợi trước cửa nhà mình, khi nghe có tiếng ngựa hí, lục lạc kêu của kỵ mã do vua phái tới thì lập tức mặc áo mão để tiếp lệnh vua. Kỵ mã dâng tráp lên cho quan, trong đó có một bài ngự thi (thơ của vua). Quan nhận thơ của vua xong phải ngay lập tức vào vẽ lại bằng giấy hoa tiên. Viên kỵ mã giao xong thơ cho người đầu tiên thì tiếp tục phi ngựa đi giao cho ba vị quan còn lại. Giao thơ cho quan cuối cùng xong, kỵ mã quay lại nhận bài họa của quan đầu tiên và cứ thế cho tới khi nhận hết 4 bức. Vua sẽ đợi trong cung để nhận 4 bài thi này, tự mình kiểm duyệt. Sau đó tới ngày đầu năm mới, vua Nguyễn cho cận thần công bố trước văn võ bá quan. Lúc ấy đích thân vua làm giám khảo, chấm bài và ban thưởng.
Bên cạnh những trò chơi truyền thống mang đậm tính phong kiến xưa, một số vị vua nhà Nguyễn, điển hình là vua Bảo Đại (1913-1997) lại có những thú chơi Tết “rất Tây”. Theo lời kể của bà Trần Thị Vui, một cung nữ thời đó, sáng mồng Một Tết, vua cùng Nam Phương hoàng hậu sẽ tới cung Diên Thọ thăm và chúc tết Hoàng Thái hậu Đức Từ Cung để tỏ lòng hiếu thảo. Tại đây, vua nghe nhạc trữ tình phương Tây, đánh cờ domino làm cho không khí thêm vui nhộn. Sau đó, chiều mùng Một và ngày mùng Hai Tết vua đi xe hơi xuống Dạ Lê để đánh golf cùng những người bạn nước ngoài. Ngoài ra, vua Bảo Đại còn chơi tennis trong sân được xây riêng tại Hoàng thành, biểu diễn Jet ski (chơi motor nước) trên sông Hương ngay những ngày Tết Nguyên đán. Ngay cả trong ngày Tết, vua Bảo Đại vẫn duy trì thói quen chơi thể thao.
Thu Lý (kienthuc.net)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cứ cho ăn chay và nhịn đói kiểu "cải tạo không giam giữ" là chữa khỏi bệnh này, có gì khó đâu chứ?!

Bệnh loạn dâm

Strauss-Kahn_2433745b
Nguyễn đạt Thịnh
Ngày thứ Ba mùng 10 tháng Hai 2015, mới 4 giờ sáng, chi nhánh Paris của hãng thông tấn AP đã đánh đi bản tin về việc tổ chức Femen biểu tình trước tòa án Paris, vì ông Dominique Strauss-Kahn bị truy tố về tội orgy.
Chữ “orgy” có nghĩa là sex hội đồng, một loại sex party có nhiều người tham dự, và mọi người đều tự do làm tình với nhau. Mặc dù bất hợp pháp, loại party -họp bạn- này khá thông dụng tại Pháp; từ thế kỷ thứ 19 họa sĩ Édouard-Henri Avril đã để lại cho xã hội một bức tranh vẽ cảnh orgies, hùng biện và đầy đủ hơn mọi lời giải thích.
Cũng như chữ “orgy”, chữ “Femen” cần được giải thích; Femen là một tổ chức phụ nữ chuyên xuống đường trong tình trạng hở ngực; họ chống chiến tranh, chống những tổ chức du lịch tình dục, chống tổ chức tôn giáo, và chống nhiều chủ trương xã hội khác.
Nguồn gốc địa dư của Femen là Ukraine; khởi đầu là những cuộc xuống đường rất chính nghĩa -đàn bà Ukraine cởi trần biểu tình chống cuộc chiến tranh do lãnh tụ Nga Vladimir Putin gây ra. Tháng Tám 2013, tổ chức này tại Kiev đóng cửa vì bị nhiều đe dọa an toàn, có thể nguy hiểm đến tính mạng; họ chuyển qua Paris, và biến thể thành một tổ chức chống tôn giáo, chống chính quyền.
Strauss-Kahn bị truy tố về tội tham dự cuộc vui sex cộng đồng, và Femen tổ chức biểu tình xỉ nhục ông về tội mua dâm.
Orgy là sex hội đồng, Femen chống orgy vì cho đó là một hình thức mua dâm, hạ thấp nhân phẩm của phụ nữ, và Strauss-Kahn -một bị cáo- phủ nhận việc mua dâm, ông trình bầy trước tòa ông tưởng những phụ nữ tham dự cuộc vui orgy với ông cũng là những người nghiện tình dục như ông.
Chứng nghiện tình dục (sexual addiction) còn được gọi là lệ thuộc tình dục (sexual dependence), là tình trạng bị thúc đẩy tham dự tình dục, dù biết trước những hậu quả tai hại sẽ đến.
Strauss-Kahn không chỉ biết trước những hậu quả, mà ông đã lãnh những hậu quả đó, và đã trả giá rất đắt cho bệnh nghiện tình dục.
Có thể nhiều người vẫn còn nhớ vụ ông bị truy tố về tội hiếp dâm hôm 14 tháng 5/2011 tại khách sạn Sofitel, Nữu Ước. Strauss-Kahn là một chính khách, một giáo sư, một kinh tế gia, và ngày xẩy ra vụ hiếp dâm ông đang là đương kim giám đốc quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund-IMF); ông giữ chức vụ này từ ngày 9/28/2007 và chỉ từ chức ngày 5/18/2011, sau vụ hiếp dâm cô bồi phòng.
Ngày xẩy ra vụ hiếp dâm (5/14/2011), Strauss-Kahn rời khách sạn ra phi trường quốc tế John F. Kennedy, tại đó ông mới nhận ra là trong lúc vội vã ông bỏ quên cái điện thoại cầm tay. Ông gọi điện thoại yêu cầu khách sạn cho người đem điện thoại ra phi trường cho ông; ông cho người tiếp viên khách sạn biết địa điểm ông chờ nhân viên khách sạn.
Theo lời chỉ dẫn của ông, cảnh sát đến điểm hẹn gặp ông, và bắt ông về 4 tội danh 2 tội dâm dục (bắt người bồi phòng phải bú dương vật ông), một tội toan tính hiếp dâm, và một tội lạm dụng tình dục. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ quyết định không cho ông hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.
Strauss-Kahn mướn văn phòng luật sư Benjamin Brafman -danh tiếng nhất Nữu Ước- bênh vực ông, văn phòng này mướn một hãng thám tử tư tìm tòi về dĩ vãng và đời tư của cô bồi phòng Nafissatou Diallo.
Cô này được 2 hãng Kenneth Thompson và Douglas Wigdor of Thompson Wigdor LLP đại diện; hai hãng này cũng mướn một luật sư tại Paris để tìm những phụ nữ nạn nhân của Strauss-Kahn. Giới luật xả láng hơn thua vì cả 2 bên cùng nhìn vào khả năng tài chánh lớn lao của ông Strauss-Kahn.
Ngày 5/16, Strauss-Kahn ra tòa hình sự của thành phố Nữu Ước, bà Melissa Jackson ngồi ghế chánh án. Phía công tố trình bầy Diallo là một người di dân đến từ Guinea; cô khai với cảnh sát sự việc xẩy ra với nhiều chi tiết rõ rệt, khúc chiết, cô còn nhận diện đúng hình của ông Strauss-Kahn lẫn lộn trong nhiều hình của những người khác; tang chứng DNA được thu nhận và thử nghiệm.
Strauss-Kahn không nhận tội, nhưng bà chánh án vẫn không cho ông đóng “beo” tại ngoại, vì cảnh sát đã bắt ông ngay tại phi trường, vài phút trước khi ông lên máy bay trốn đi.
Ngày 5/19, ông bị một bồi thẩm đoàn quận Manhattan luận tội, rồi truy tố về 7 tội danh, trong đó có 2 tội danh hình sự dâm dục cấp một, mỗi tội danh này có thể lãnh án tối đa 25 năm tù giam. Cũng trong ngày hôm đó, chánh án Tối Cao Pháp Viện Nữu Ước Michael J. Obus chấp nhận cho Strauss-Kahn đóng beo $1 triệu, với quy chế quản thúc tại gia 24 giờ, và phải đeo xiềng điện tử trên cổ chân.
Luật sư xin cho Strauss-Kahn đóng thêm 5 triệu tiền tại ngoại nữa, và nộp passport cho tòa, để được giam lỏng tại một tư gia vùng ngoại ô Manhattan.
Ngày 5/24, kết quả thử nghiệm DNA cho thấy tinh trùng trên áo cô Diallo đúng là tinh trùng của Strauss-Kahn.
Bị giải tòa ngày 6/6, Strauss-Kahn vẫn khai vô tội; bên ngoài phòng xử, luật sư 2 bên tuyên bố với truyền thông. Biện hộ cho Strauss-Kahn, luật sư Benjamin Brafman khẳng định, “Sau khi nghiên cứu mọi chứng cứ, chúng tôi tin rằng không hề có hành động cưỡng hiếp.”
Luật sư Kenneth Thompson, bênh vực cô Diallo, nói quyền lực, tiền bạc, và ảnh hưởng của ông Strauss-Kahn, dù to lớn, cũng không che giấu sự thật được.
Strauss-Kahn là người gốc Do Thái, và năm 2010 tờ The Jerusalem Post xếp ông vào hạng thứ 6 trong số những người gốc Do Thái tạo ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Ngày 7/1/2011, công tố viện trình bầy với tòa là lời khai của cô bồi phòng Diallo có nhiều điểm không vững; và cuối cùng ngày 8/23/2011, tòa chính thức miễn tố ông.
Luật sư Thompson đã lầm, vì cuối cùng Strauss-Kahn vẫn được miễn tố; cái giá ông phải trả nặng đến cỡ nào, mọi người chỉ có thể phỏng đoán; tuy nhiên, nghi vấn ‘đồng bạc đâm toạc tờ giấy’ -dù tờ giấy đó là quyển sách luật bệ vệ đến mức dễ nể của Hoa Kỳ- vẫn được truyền thông nêu lên.
Tuy nhiên, nếu quan niệm việc ông tốn tiền luật sư, việc mất chức giám đốc IMF, mất thiện cảm và sự kính trọng của xã hội như những hình thức trừng phạt, thì… một sự thật cũ kỹ lại lú ra là trừng phạt không trị được bệnh.
Cảnh sát đã chứng minh rõ rệt là họ không trị được bệnh nhậu của những người lái xe trong lúc say bằng cách phạt tiền, phạt tù, hay phạt rút bằng lái xe. Ngay khi ra khỏi tù, anh bợm cũng vẫn đi nhậu, và nhậu say rồi, anh vẫn leo lên xe lái bon bon, dù không có bằng lái.
Strauss-Kahn cũng là một người bệnh -bệnh loạn dâm, bệnh thích đàn bà. Thích không có nghĩa là muốn làm tình; khả năng làm tình của ông cũng giới hạn như khả năng của mọi người đàn ông khác, nhưng sau khi làm tình rồi, không còn khả năng làm tình được nữa, ông vẫn thích đàn bà; do đó ông và những người bạn cũng ham thích giống ông mới tổ chức những trò chơi tình dục orgies.
Là một viên chức chính trị, ông biết luật cấm bán và mua dục tình, nên khi ra tòa ông phủ nhận là ông không hề mua tình dục, không hề trả tiền cho người đàn bà nào trong tổng số 8 phụ nữ cùng bị bắt với ông và những người đàn ông khác trong trò chơi sex hội đồng.
Sau phiên tòa, một cô hooker bảo nhóm phóng viên hỏi cô về nhân vật Strauss-Kahn, “Tôi biết ổng là ai, dù ổng mặc quần hay không mặc quần.” Để nhóm phóng viên tíu tít hỏi xem cô biết Strauss-Kahn qua đặc điểm nào, cô hooker mới đủng đỉnh bảo họ, “ổng chi xộp lắm”.
Strauss-Kahn không nguy hiểm như những người mắc bệnh hiếp dâm, những người này nguy hiểm đến mức ở tù mãn hạn cũng không được trả tự do: ra khỏi tù những bệnh nhân hiếp dâm không được trở về sống với gia đình như mọi tù nhân mãn hạn khác.
Vì hiếp dâm cũng là một thứ bệnh như bệnh thích đàn bà nên người mắc bệnh hiếp dâm thích cưỡng bức, dù đôi khi việc cưỡng bức trở thành giết người, rồi tù tội và tử hình. Biết như vậy nhưng bệnh nhân hiếp dâm vẫn cứ hãm hiếp, vì họ lệ thuộc bệnh, họ mất tự chủ khi lên cơn bệnh, như người mắc bệnh ho, không thể nhịn ho.
Có thể luật pháp không thấy cần kiểm soát gắt gao những bệnh nhân thích đàn bà, như họ đang áp dụng quy chế cưỡng bách cư trú để kiểm soát những bệnh nhân thích hiếp dâm, vì dù phạm pháp và tái phạm, nhưng bệnh nhân Strauss-Kahn cũng chỉ gây rối trật tự xã hội chứ chưa gây nguy hiểm cho ai, ngoài cô bồi phòng Diallo.

Nguyễn đạt Thịnh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại vì ông họ Cao này không ở Việt Nam và những điều ông lấy làm lạ thật chẳng lạ chút nào, vì "ở đâu âu đấy". Hay là định "diễn biến" ..Thì bẩu?

Việt Nam và những điều kỳ lạ


tranghoang_tet

Đầu năm Ất Mùi, xin kính chúc các độc giả một năm mới thành công và thắng lợi. Vì là dịp đầu năm cho nên tôi cũng dành cho bài viết này những điều trăn trở nhất của mình về đất nước mà tôi sinh sống. Thời đại này là thời đại mở cửa ra thế giới, nhìn ra xung quanh và ngẫm nghĩ lại chính mình để thay đổi những điều đang cần thay đổi, điều chỉnh những cái chưa hay, bãi bỏ những cái trì trệ và phát huy những cái tốt đẹp. Ở xứ này, có nhiều điều rất kì lạ, kì lạ đến mức khó mà tìm thấy ở nơi nào trên thế giới. Vấn đề là những điều kì lạ này không phải tự nhiên mà có, mà tất cả đều xuất phát từ con người. Sau đây xin phép liệt kê những điều kì lạ đó.
1. Trên thế giới này chỉ có ba quốc gia áp dụng hình thức sổ hộ khẩu là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam. Chưa biết hình thức này có ích lợi gì không nhưng ba quốc gia này cũng là những quốc gia bị liệt vào hàng không có nhân quyền. Thử tưởng tượng, đem khẩu hiệu "nhà nước của dân, do dân và vì dân" ra so sánh với sổ hộ khẩu thì bỗng dưng cái khẩu hiệu đó mất hiệu lực từ khi nào. Mặc dù là công dân của nước Việt Nam nhưng lại không được phép tự do chuyển chỗ ở trong vòng lãnh thổ Việt Nam, đi đâu cũng phải trình phải báo, đăng ký tạm trú tạm vắng.
2. Thêm một vấn đề nữa cũng liên quan đến cái hộ khẩu. Đại loại là nếu như Hoa Ký cũng áp dụng hình thức hộ khẩu như Việt Nam thì khi một người đang sinh sống ở Hawaii nhưng có hộ khẩu ở Alaska, thì khi người đó mua một chiếc xe ở Hawaii, vẫn phải tìm cách đưa chiếc xe đó về Alaska mà đăng ký lưu hành. Thật là khó khăn, mất thời gian, công sức và lãng phí biết bao nhiêu thứ chỉ vì cái hình thức nhảm nhí này. Cũng chả biết mục đích của hình thức đăng ký lưu hành phương tiện giao thông này có ý nghĩa gì, chỉ biết là nó vô cùng phiền toái và vô nghĩa.
3. Chưa có quốc gia nào trong mỗi chương trình đại học hay cao đẳng đều phải có chứng chỉ về lý thuyết triết học Marx - Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Các quốc gia khác không tuyên truyền về những lý thuyết đó cho tầng lớp trí thức tương lai của mình. Với họ, làm người tốt và có ích cho xã hội là đủ rồi. Nếu hỏi thử các bạn sinh viên xem có thích học những lý thuyết đó không, chắc chắn đa số câu trả lời sẽ là không. Bản thân tôi cũng từng học qua, vấn đề là thời gian đi học những môn đó, tôi chỉ đến cho có mặt điểm danh rồi ngồi dưới làm việc riêng, những sinh viên khác cũng như vậy, chả ai muốn lắng nghe những lý thuyết suông như vậy. Đến khi thi cử, thật xấu hổ, nhưng tôi phần học vẹt phần chuẩn bị tài liệu quay cóp chứ thật tình chẳng thể nào thấm nổi những lý thuyết đó vào đầu để mà trả lời câu hỏi. Mỗi sinh viên trung bình tốn 3 học kỳ cho các lý thuyết đó, và cuối cùng cái nhận được là con số không và sự mơ màng về giá trị nền thể chế.
4. Luật lao động quy định phải cung cấp sơ yếu lý lịch khi tham gia lao động thậm chí ở những doanh nghiệp nước ngoài. Trong sơ yếu lý lịch cần nêu rõ thông tin bản thân và gia đình trước và sau năm 1975 đã và đang làm gì. Thật sự cần thiết thông tin đó sao? Năng lực làm việc của một người thứ nhất không liên quan đến gia đình họ và thứ hai cũng chẳng liên quan gì đến cái năm 1975 đó. Và thực tế đã chứng minh, năng suất làm việc của dân Việt Nam được xếp hàng lè tè ở thế giới và khu vực. Chắc là có liên quan đến năm 1975.
5. Luật Việt Nam quy định không cho phép một người nam mang quốc tịch nước ngoài và một người nữ mang quốc tịch Việt Nam ở chung một phòng khách sạn khi hai người không có giấy chứng minh đã kết hôn với nhau. Tuy nhiên, nếu một người nam mang quốc tịch Việt Nam và một người nữ mang quốc tịch nước ngoài ở chung một phòng khách sạn thì không sao. Cũng chẳng có vi phạm gì nếu đó là hai người nam hoặc hai người nữ. Vậy cuối cùng, mục đích của cái luật đó là gì ? Nếu luật đưa ra mà chẳng để có mục đích gì thì chẳng khác nào làm trò cười cho thiên hạ.
6. Mới đây Bộ Công thương ra nghị định mới về việc đóng thuế đối với hình thức kinh doanh qua mạng xã hội, mà phổ biến ở Việt Nam hiện là Facebook. Điều đáng nói là những quy định mới này rất mập mờ và khó áp dụng, ví như chuyện kinh doanh qua Facebook thì người bán hàng phải có nghĩa vụ đóng thuế thế nhưng khi được hỏi là hình thức quản lý và quy trình kiểm tra thuế như thế nào thì Bộ này lại đẩy trách nhiệm sang Bộ Tài chính. Sao các Bộ cứ thích làm khó nhau và làm khó người dân như vậy nhỉ ?
Thực sự có những điều ở Việt Nam rất khó hiểu nhưng đến giờ vẫn còn áp dụng. Trên đây chỉ là một cơ số nhỏ mà tôi cảm thấy băn khoăn và e ngại nhất cho tình hình xã hội ở Việt Nam nhất. Chắc là còn nhiều điều kì lạ khác nữa nhưng trong vốn kiến thức nông cạn của tôi chưa khám phá ra hết. Đầu năm Ất Mùi chỉ xin cầu cho những điều kì lạ ở Việt Nam sẽ dần thay đổi và biến thành những điều bình thường. Để cho quốc thái, dân an, và mùa xuân luôn ở lại với đất nước mà đáng lẽ ra đã là số một ở Châu Á như phát biểu của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Cao Huy Huân (VOA)

Phần nhận xét hiển thị trên trang