Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Hơi Thở Của Vũ Trụ: Cánh đồng Kỳ Diệu ở xứ Ngu Si

Hơi Thở Của Vũ Trụ: Cánh đồng Kỳ Diệu ở xứ Ngu Si: (Bài đăng đồng thời trên Blog Việt và Blogspot)        Thưa quý vị và các bạn!        Thời gian qua tôi bận thích nghi với môi trườn... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngó Đông, trông Đoài:

Vương Nhán Trì:

Kinh nghiệm khai thác những dòng chảy ngầm trong văn học Nga thời kỳ xô viết

Các nhà nghiên cứu văn học  Nga - xô viết mà tôi có quen đều đến với nghề này do đi học ở các trường đại học Liên xô về. Họ sẽ viết ra những điều họ từng được nhà trường Liên xô dạy và cấp cho họ các loại học vị.
Tôi thì đến với văn học Nga thời kỳ này vì một lý do khác.
Khoảng 1968, tôi chính thức về làm việc ở một trong hai tờ báo chủ yếu của văn học Hà Nội những năm chiến tranh, tờ Văn Nghệ Quân Đội. 
Do muốn làm tốt phần việc của mình mà tôi thấy cần phải học. Nói đúng ra, tôi muốn tìm hiểu thế nào là văn học, đâu mới là cái mà văn học hiện đại hòa nhập vào dòng chung của văn học mọi thời đại.
Sở dĩ những người như tôi có thể kiên trì trong việc tìm ra những dòng nước ngược trong văn học xô viết, lý do là vì trong mỗi người vốn có sẵn một niềm tin: Người ta không thể giết chết một nền văn học bằng cách quàng cho nó một hệ tư tưởng duy nhất và bắt nó trở thành một bánh xe nhỏ phục vụ mọi phong trào đang rầm rộ trong xã hội.
Văn học phải hướng về những cái lâu dài, những cái nhân bản.
 Luôn luôn còn có những dòng chảy ngầm.
 Văn học ở Liên xô cũng thế, ở các nước Đông Âu cũng thế mà ở Trung Quốc cũng thế.

***
Trước tiên tôi lo đọc báo. Báo chí ở đây cũng nhiều loại. Thuộc về Hội nhà văn Liên xô thôi, ngoài tờ báo Văn học đâu khoảng 20 chục trang khổ lớn, còn hàng loạt tạp chí Thế giới mới, Ngôi sao, Lá cờ, Tình hữu nghị giữa các dân tộc, Moskva…
Báo chí văn nghệ VN hồi tôi vào nghề chủ yếu chỉ đăng sáng tác.
 Ngược lại, ở Liên xô, cái phần làm nên nội dung chủ yếu của báo chí là đời sống văn học. Tờ nào cũng được lấp đầy bởi những sổ tay ghi chép bình luận mà ở trên tôi vừa nói.
Chỉ đời sống sinh động trên mặt báo mới cho ta thấy mọi dòng chảy khác nhau của đời sống, cả xuôi cả ngược. Còn khi vào đến nhà trường nó chỉ còn là một xác ép, minh họa cho những tư tưởng đang thống trị xã hội.
Cái gì mà người ta muốn giấu lớp trẻ, tôi lại muốn biết.

Trong việc mò mẫm vào hậu trường của giới văn học Liên xô, quyển sách ảnh hưởng nhiều đến tôi là Con người năm tháng cuộc đời của Ilya Ehrenburg.
Ở đó tôi tìm thấy nhiều thứ.
Những sự kiện xã hội liên quan đến xã hội như chiến tranh, thời hậu chiến mà người ta vẫn mệnh danh là một thứ chiến tranh lạnh… tác động của nó đến văn học được một người  như Ehrenburg miêu tả khá rành mạch.
Thú vị nhất -- một khối lượng đáng kể trong hồi ký của ông -- là phần chân dung các nhà văn, nhất là những người đóng vai trò chủ chốt trong Ban lãnh đạo Hội nhà văn Liên xô những thời điểm khác nhau.
Sau này, tôi được biết ở phương Tây có nhiều người không ưa Ehrenburg, họ bảo ông là một thứ tay sai của nhà nước, một thứ cơ hội chủ nghĩa hưởng lợi từ cả hai bên.
 Nhưng có hề gì, những gì được viết trong Con người năm tháng cuộc đời chỉ là một cách nghĩ mà tôi có thể tham khảo. 
Sau khi đọc ông, tôi còn tìm được hàng loạt hồi ký xuất sắc khác, kể cả những cuốn xuất bản ở nước ngoài, sau 1991 mới được in lại ở Nga, như cuốn Tôi nhấn mạnh ( Kursiv moi) của N.Berberova. 
Theo cái mạch Ehrenburg gợi ra, tôi phác họa cho mình cả một loạt những cách tồn tại của các nhà văn Nga trong thời xô viết: loại cán bộ trung thành, loại quan chức mới phất, loại có chân tài, loại sống bám vào nghề văn để kiếm chác, giá chuyển sang các nghề khác chỉ có chết đói.  Mỗi người mỗi số phận, nhưng người nào cũng cung cấp cho các lớp hậu sinh những bài học cần thiết.
 Điều này rất có ích cho tôi trong việc tìm hiểu các nhà văn Việt Nam đương thời.

  ***
 Nghề chính của tôi không phải là sáng tác mà là nghiên cứu. Bởi vậy việc tìm  hiểu giới nghiên cứu văn học Liên xô với tôi là một nhiệm vụ thiết cốt.
Trên nét lớn, tôi sớm biết rằng, trong những đồng nghiệp người Nga, kể cả những người đang giảng dạy ở các nhà trường, có sự định hướng rõ rệt.
-- Những người giỏi nhất thường đi vào nghiên cứu văn học Nga, chỉ những người kém cỏi mới đi vào văn học xô viết.
-- Những người trường lực và có tham vọng lớn thường muốn bao quát không chỉ văn học mà còn cả các ngành nghệ thuật khác; nói chung họ không chịu dừng lại ở bình diện tư tưởng mà muốn đặt văn học trên cái nền rộng lớn của các vấn đề văn hóa.
Dù vất vả đến mấy tôi cũng phải cố đọc họ.

Còn về lý luận,-- thực ra là quan niệm về văn học nói chung – con đường riêng của tôi bắt nguồn từ những ngán ngẩm mà tôi phải chịu đựng khi học bộ môn này trong trường đại học.
 Tôi muốn đi tìm thứ lý luận phi chính thống, thường được che giấu, nhưng là thứ quan niệm văn học đập cùng một nhịp với nghiên cứu văn hóa Âu Mỹ.
Thuộc loại lý luận này  có hai cuốn để lại ảnh hưởng  trong tôi nhiều nhất:  Những vấn đề thi pháp Dostoievsky của M. Bakhtin, và Những phạm trù văn hóa trung thế kỷ của Ju. Gurevich.

***
Bên cạnh văn học cổ điển Nga, một khu vực nữa thu hút các nhà nghiên cứu ưu tú ở Moskva Léningrad lúc đó là lĩnh vực nghiên cứu văn học Âu Mỹ, bao gồm cả văn học cổ điển từ XIX về trước lẫn văn học đương đại. Các nhà nghiên cứu xô viết ở đây không dừng lại ở đối tượng trong nước.
  Họ biết rằng cả các đồng nghiệp bên Paris London cũng sẽ đọc họ và sẽ cười vào mũi họ nếu họ nói những điều ngớ ngẩn. 
Vì thế họ có sự vươn lên vượt bậc. 
May quá, nhờ sớm tìm thấy thích thú khi đọc các tác giả này, tôi cũng biết sơ sơ về văn học phương Tây hiện đại.
Nhất là tôi không chỉ dừng lại trong biên giới của nước Nga mà còn có khả năng đặt tư tưởng văn học nẩy sinh trên đất Nga vào những hệ quy chiếu khác.
Từ sau 1991, có một số giáo sư người Nga dạy văn học phương Tây được mời sang giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới, điều không hề xảy ra với giới nghiên cứu văn học xô viết.

***
Trong nhưng năm chiến tranh, ở Hà Nội thứ ngoại ngữ mà các nhà văn Việt Nam lớp trước sử dụng thành thạo là tiếng Pháp, sách báo nhập vào và được các nhà văn truyền tay,  bên cạnh mấy tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp, là sách báo bên Moskva dịch ra tiếng Pháp.
Việc này ngẫu nhiên có một cái lợi. Trong việc đánh giá văn học xô viết đương thời, người ta vẫn chịu sự hướng dẫn của giới văn học Pháp.
 Nói nôm na là mặc sự tung hô của Moskva thế nào, chỉ những cuốn sách được bên Paris tiếp nhận và giới thiệu mới được các nhà văn Việt Nam lúc ấy thừa nhận.

Việc này cũng mở ra cho tôi một phương hướng.  Công việc của tôi, gồm mấy công đoạn. Thoạt đầu là nghe những bậc đàn anh như Nguyễn Thành Long, Nguyễn Khải, Huy Phương kể rằng bên Pháp người ta đang đề cao các nhà văn này nhà văn kia. Sau đó ra thư viện mở mấy cuốn từ điển của phương Tây kiểm tra lại. Gọi là kiểm tra cho oai thực tế là tôi chỉ cần tra sơ sơ, để biết chính xác tên tuổi các nhà văn nhà lý luận xô viết  mà sách báo phương Tây đề cao, thế là tôi sẽ quay về mầy mò các văn bản tiếng Nga  có liên quan tới tác phẩm của họ và cách đánh giá họ của xã hội xô viết.

Trong số các nhà văn Nga- xô viết viết sau 1945, J. Trifonov là người tôi cảm thấy đặc biệt gần gũi. Ông không phải loại tài năng sáng chói, nhưng nhờ kiên trì làm việc, trung thực với mình và với nền văn hóa Nga kỳ vĩ mà ông tiếp thu được, Trifonov đã có sự chuyển biến tư tưởng đáng kể, như một bước rẽ ngang thầm lặng. 
Sau tác phẩm đầu tay Những sinh viên, được giải thưởng Stalin 1951, ông đã trầm trầm lặng lẽ từ bỏ con đường phải đạo để làm lại mình. Những mảng mầu xám của đời sống xô viết mà ông vẽ ra dần dần dành được sự  tán thưởng thầm lặng của công chúng. 
Từ bên ngoài, chính là các nhà nghiên cứu Âu Mỹ cũng góp phần vào việc phát hiện ra ông và tôi đã bằng vào sự mách bảo của họ mà tìm được và yêu J.Trifonov, nhờ đó thêm gần gũi với văn học xô viết, -- cố nhiên là ở cái phần dòng ngầm của nó. 

 Trước 1975, ở Sài Gòn, các tạp chí văn học chủ yếu như Bách Khoahoặc bán nguyệt san Văn cũng thường dựa vào các tài liệu bên phương Tây để giới thiệu các nền văn học khác ngoài phương Tây, trong đó có văn học Nga xô viết. 
Trên đường tìm hiểu những dòng chảy ngầm của văn học xô viết, đây  cũng là một nguồn tài liệu mà tôi có may mắn phát hiện cho mình và liên tục tìm đọc.
Trước tháng sáu 1972, lang thang trong các căn nhà đổ nát ở Quảng Trị sau khi các sư đoàn miền Bắc đánh vào thị xã, tôi tìm thấy một chồng lớn các số Văn, trước sau 1970, trong đó có một số dành đăng trọn vẹn bàiTự truyện viết sớm của Evtouchenko. Bài báo được viết khi ông nhà thơ nghịch tử này qua thăm Pháp. Bản dịch là của Vũ Đình Lưu, một dịch giả  tới sau 1975 thì qua đời khi vượt biên.
Tôi đã xé bài viết  trong số tạp chí Văn đó, đặt vào giữa đám quần áo trong ba lô cóc. Mang về Hà Nội tôi cho đánh máy lại và đưa các bạn thân truyền tay nhau.
Các nhà văn trẻ ở ta mới xuất hiện gần đây hầu như không biết gì về văn học xô viết, các bạn coi là không cần, không đáng đọc. 
Riêng tôi lại thấy rất biết ơn những các thế hệ những kẻ nghịch tử trong văn học xô viết mà tôi đã tiếp xúc qua sách báo. Nhờ họ mà tôi mới tìm ra con đường đi của mình.
Trên nguyên tắc tôi cho rằng, do quá khứ nặng nề của mình, chúng ta hôm nay muốn đến với văn học Anh Mỹ đi nữa, phải qua những trung gian như văn học Nga, văn học Trung quốc.
 Tối thiểu là phải biết nhìn vào họ, soi mình vào họ, rồi có làm gì hãy làm.
 Nhưng tôi biết chẳng ai chấp nhận con đường vòng đó.
 Đã mấy lần tôi định đưa lại Tự truyện viết sớm lên mạng, nhưng nghĩ rằng lúc này, hóa ra một việc lạc lõng, nên lại thôi.
                 
Phụ lục      Một truyện tiếu lâm xô viết
Trên mấy báo mạng, trong đó có tờ Văn hóa Nghệ An, tháng 10 -11/2014, anh Lã Khắc Hòa vừa cho in một số giai thoại có tính cách tiếu lâm về Stalin và sự chỉ đạo của Stalin với văn học. 
Tôi nhớ một chuyện cũng liên quan đến đề tài này.

Một lần Stalin tổ chức một cuộc gặp mặt với các nhà văn mới nổi, và đang được xem là có triển vọng nên cần giúp đỡ.
 Người thứ nhất than phiền vì căn hộ chật hẹp.
 Người thứ hai báo cáo ông ta cần một chiếc ô-tô đi lạị giữa tờ báo  trong thành phố ông ta làm việc, và cơ sở nông trang ông ta đang bám trụ, để theo đuổi những biến đổi của nông thôn mới. 
 Người thứ ba ngần ngừ một lúc rồi đề đạt nguyện vọng là muốn có một chuyến tham quan học tập ở nước ngoài.
 Người thứ tư lại càng ngần ngừ hơn. Hỏi tại sao, ông ta trả lời trong thổn thức:
    -- Thưa đồng chí Stalin, tôi có một nguyện vọng quá lớn đến mức  không đủ dũng cảm để trình bày với đồng chí.
     -- Nguyện vọng gì vậy?
    --- Cả đời tôi  chỉ mong có một cuốn Những vấn đề chủ nghĩa Lénincó chữ ký của tác giả. Tôi sẽ đặt nó bên bàn viết. Tác phẩm sẽ soi sáng tư tưởng của tôi khi viết.
    Bốn người ra về. Nguyện vọng của hai người đầu được đáp ứng lập tức. Người thứ ba—xin đi nước ngoài—sau một số kiểm tra, cũng được thỏa mãn.

   Riêng người thứ tư thì -- đúng như nguyện vọng mà ông đã khó nói nên lời -- được tặng một bản Những vấn đề chủ nghĩa Lénin, loại đặc biệt có kèm thêm chữ ký của tác giả, tức là đồng chí J.Stalin kính mến.
   Ngoài ra, nhà văn thứ tư này còn được tặng thưởng kèm theo một chiếc ô-tô, một căn hộ và một chuyến đi nước ngoài, nghĩa là bằng ba người trước cộng lại.

Trích Hồi ký đang soạn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Và hai bài nữa của Ngô Minh & ĐÔNG LA ( Thực tình mình chả biết ông này là ông nào ):

Trước hết nên đọc Bài Ngô Minh 2009:
Ua chầu chầu Nguyễn Quang Lập


(TNTS) Nguyễn Quang Lập bắt đầu được bạn đọc chú ý từ những truyện ngắn đầu tiên xuất hiện trên Sông Hương nhưNgười lính hay nói trạng, Đò ơi,  Cây sến lửa… Lúc đó Lập 30 tuổi, chưa vợ, chuyển từ bộ đội điều khiển tên lửa ở Đà Nẵng về Huế. Mọi người xôn xao tìm đọc.

Còn Lập thì suốt ngày đi uống rượu và nói trạng ngất ngư. Lập thông minh, hóm hỉnh, nói năng tếu táo, có khi bốc đồng, nhưng rất thật bụng. Hắn đặc biệt giỏi kể chuyện tiếu lâm. Sau Đại hội Nhà văn trẻ lần 3 (1987) ở Hà Nội, các nhà văn được tham quan Nhà máy thủy điện Hòa Bình đang xây dựng. Trên xe, Lập kể chuyện  tếu làm mọi người cười nghiêng ngả.
Đại loại những chuyện như nhà văn Huế ngu ngơ lặn lội vô Sài Gòn mua thuốc bổ cho vợ  uống để vợ “múp” rờ cho mát tay, lại mua phải thuốc tăng trọng lợn, nên cô cũng mập thù lù như thùng phi, chuyện xây nhà lầu cho văn nghệ sĩ không cần xây hố xí... Tay tài xế cười ngất ngư, đít cứ nhấp nhổm. Không nhịn được cười, nó kêu lên: “Đừng tếu nữa các bác ơi, đường đèo núi, em mà lạng tay lái là xe xuống vực đấy!”.
Lập hút thuốc đen bóng cả năm đầu ngón tay. Chưa vợ mà sáng nào cũng dậy lúc 5 giờ, đun nước, súc ấm, pha chè Thái thật đặc, rồi ngồi hút thuốc phả khói xanh um, mắt nhìn ra đường lim dim như một triết gia. Lúc ấy tôi cũng không mấy khi tỉnh rượu để xem xem tại sao văn chương Lập lại hấp dẫn và xúc động đến vậy. Cho đến khi cuốn tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng (1989) của Lập ra đời với bao lời khen, cùng với búa rìu dư luận, rằng nhà văn đang “phủ nhận, bôi đen, cười cợt đối với lịch sử”, thì tôi giật mình, mới chú tâm đọc lại văn Lập.
Và tôi nhận ra cái hay ấy, cái mà  có nhà phê bình  gọi là  phủ nhận, cười cợt ấy chính là cái chất người thật - con - người - nhân - loại trong từng nhân vật mà Lập đã phát hiện ra. Chẳng hạn, trong kịch Mùa hạ cay đắng, có nhân vật là chủ tịch thị trấn, nhưng lại nhát, sợ máy bay Mỹ đến đái ra quần. Mỗi khi máy bay đến, hắn lại run rẩy chui xuống gầm giường rên: “Trời ơi, sao họ lại bắt mình làm chủ tịch làm gì…”.
Những cái thật, cách nhìn mới trái chiều ấy làm cho văn chương viết về chiến tranh của Lập đáng tin cậy hơn, và cuộc chiến đấu ấy có giá cao hơn. Và Lập vẫn trung thành với cái thật ấy trong suốt mấy chục năm cầm bút ở nhiều thể loại khác như sân khấu, phim. Nhờ vậy mà ở các vở kịch hay phim như Trên mảnh đất người đời, Đời cát, Thung lũng hoang vắng… của Lập đều làm cho người xem rơi nước mắt vì số phận bi thương, vì tấm lòng bao dung nhân hậu của các nhân vật. Phim, kịch của Lập ăn khách vì cái chất người rất thật ấy.
Lập trực tính, bộc tuệch, khi công tác tại Sở Văn hóa thông tin tỉnh, có người hỏi: “Làm ở đó thế nào?”. Lập ứng tác, hát nhại theo điệu các bài hát cổ động lúc bấy giờ: “Ngành văn hóa thông tin vinh quang. A… điều ấy đã rõ ràng. Nói năng thì cao sang. Công việc thì làng nhàng. A… em đã hiểu rồi... cái ngành trời ơi đất hỡi!”. Lập hát thế mà ở Sở ấy ai cũng cười tán thưởng.
Hoạt ngôn, bỗ bã là thế, nhưng Lập lại nhát gái. Tôi thấy thế. Có lần  tôi chủ động tạo ra một cuộc vui rượu - thơ ở làng cổ La Chữ. Tôi làm ông mối rủ một cô gái đẹp long lanh, lại hát hay, mới 20 tuổi đi để cho Lập làm quen. Nhưng suốt buổi tối ngồi bên người đẹp, tôi thấy Lập mặt như ngỗng  ỉa. Đêm đó đi về xe đạp của tôi bị hỏng xăm, Lập phải chở tôi giàng xe phía trước, chở người đẹp phía sau, rồi một tay vác xe đạp hỏng của tôi, tay kia lái xe đi 9 cây số từ La Chữ về Huế. Những năm 1986 - 1988, Lập sống trong một gian phòng  bốn mét vuông vừa kê đủ cái giường ngủ ở 22 Lê Lợi, Huế.
Chủ, khách vào nhà nghĩa là phải lên giường. Gay go hơn là phòng bên có một cô gái trẻ xinh đẹp tên Thu, trắng trẻo, múp máp, răng khểnh. Hai phòng cách nhau bằng tấm cót nứa, có thể ghé mắt nhìn. May sao, giữa lúc đó, xuất hiện cô gái Ba Đồn Nguyễn Thị Hồng vừa đi lao động ở Liên Xô về. Hồng cũng trắng trẻo, có gương mặt lúm đồng tiền phúc hậu, lại cùng quê. Lập bị hớp hồn ngay. Lập nghèo trên răng dưới ca-tút, Hồng “đi Tây” có được ít  hàng Liên Xô mang về, hai đứa mang ra chợ Đông Ba bán sạch mới đủ tiền để sắm sửa, tổ chức đám cưới. Bởi thế mà ba đứa con đều có tên tục  là  bi - líp - mayo, những thứ phụ tùng xe đạp. Vì có bi, líp, may-ơ mới có đám cưới, mới  sinh ra chúng nó.
Hơn năm nay, một lần nữa Nguyễn Quang Lập lại danh nổi như cồn trên Quê choa blog. Với tài kể chuyện tếu, tài dựng truyện của tay nghề kịch phim lão luyện, đặc biệt là giọng văn khẩu ngữ gần gũi, Lập đã làm sôi văn chương mạng. Rồi in thành sách Ký ức vụn bán chạy như tôm tươi. Đã có nhiều người bàn luận. Riêng  tôi cứ nghĩ sức hút cũng vẫn là cái thật ấy của Lập.
Cái thật ẩn đằng sau gương mặt “nhà văn công chức” ấy đều rất người, rất đời. Những “bạn văn” như Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Sách, Trần Vàng Sao… đều là những chuyện bên lề cuộc đời, có khi họ đã quên mất, nhưng Lập thì nhớ vì Lập quá yêu. Cũng vì yêu mà có “bạn văn” anh đã chạm đến những cái thật “khó nói”, “không tiện nói”, nên bị phản ứng quyết liệt. Ngay những cái đó cũng là vì tình yêu bạn bè mà viết. Sau khi Bạn văn 3 xuất hiện trên  blog Quê choa, anh Vỹ bức xúc lắm. 
Anh hỏi tôi: “Ông đọc cái đó, nghĩ răng? Thằng Lập là đứa em thân thiết, mình rất thương nó, răng nó lại viết về mình rứa hè?” Tôi an ủi: “Bác ơi, thằng ấy nó tếu táo cà rửng thế, nhưng nó yêu bác lắm mới nhớ những chuyện như thế”. Hôm vào Huế, Lập gọi tôi đến uống, tôi đã mời anh Vỹ cùng đến để hai người giảng hòa. Lập định thanh minh về cái Bạn văn 3 ấy, thì anh Vỹ xua tay. Thế là chạm cốc vui vẻ… Mới hay có những sự thật đằng sau mỗi con người cũng là vùng “cấm kỵ” cho đến khi xuống mồ. Con người quá quắt lắm, con người ơi!      
Lập là đứa mau nước mắt. Có lần tôi, Lập, Nguyễn Quang Vinh, Mai Văn Hoan, Huy Tập, Lê Thị Mây… uống ở phòng của Vinh ở Huế. Mai Văn Hoan say và khóc: “Tao thương mạ tau lắm, tau thương nàng lắm…”. Hồi đó Hoan và Mây đang yêu nhau. Lập cũng khóc theo. Vừa khuân Hoan say như xác chết lên xích lô vừa khóc hu hu như trẻ con. Ra Tết Sửu rồi, Lập vào Huế thăm Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hôm đó Lập đã vào toilet khóc vì ngồi hàng giờ, lắng tai chăm chú mà không nghe được anh Tường đang nói với mình cái gì. Anh em lâu ngày về ngồi bên nhau, lại nói với nhau bằng tiếng Việt, giọng “bọ” cả, thế mà lại không nghe nhau được vì anh Tường bị tai biến nên nói ngọng, thật oan nghiệt, đau đớn. Không khóc răng được.
Sau vụ Lập bị ngã xe, tôi ra thăm khi Lập đã đi lại được. Lập đi lại tập tễnh cho tôi xem rồi bảo: “Anh Ngô Minh xem bây giờ đi kiểu em hề Xuân Hinh cũng không học được !”. Tôi ứa nước mắt, nhưng cố ghìm. Sau đó tôi mời mọi người về quán của Hồng (vợ Lập) ở tầng trệt khu Linh Đàm, cụng ly. Xong, cô bạn đi cùng tôi giành trả tiền. Lập đã mắng tôi rồi khóc. Tôi hiểu rằng, Lập buồn vì nghĩ rằng bạn bè đang “thương hại”… Những tính cách ấy đã làm nên một Nguyễn Quang Lập trong Ký ức vụn chân thành mà xa xót. Chắc chắn Lập sẽ được ghi danh là người đầu tiên khởi xướng dòng văn học khẩu văn, tạo ra một loại ngôn ngữ văn xuôi mới, thời hiện đại.
Khẩu văn, phương ngữ, nói tục cũng là một cái thật làm nên phong cách văn Lập trong Ký ức vụn. Thứ “văn chương vô trùng” (chữ của PGS.TS Trần Ngọc Vương) sạch sẽ làm mất đi sự thân mật, thù tạc dân dã, đời thường nơi chiếu rượu. Những chữ tục như ẻ vô, cứt đái… tạo ra ngôn ngữ nhân vật rất khu biệt, gây bất ngờ.
Cái hay là Lập biết sử dụng nói tục, phương ngữ ở mức độ nào để câu chuyện cuốn hút, mà không gây phản cảm. Bây giờ ngôn ngữ Nguyễn Quang Lập trong Ký ức vụn đã bắt đầu xâm nhập vào đời sống. Ra Đồng Hới cuối tháng 7 rồi, khi công bố danh sách Ban chấp hành Hội văn nghệ mới, có người thốt lên: “Ua chầu chầu, chấp hành bữa ni trẻ hè”. Ua chầu chầu là chữ của Lập. Những chữ như hay hè, hay hè, thất kinh, thế a, thế a… trong Ký ức vụn hay Blog Quê choa cũng đã được nhiều người sử dụng. Nghĩa là Lập đã tạo thêm chút vốn từ vựng cho cuộc sống dân gian thêm phong phú. Đó là lập ngôn đó, Lập nờ…
Huế, 8.2009
 Ngô Minh


ĐÔNG LA: VỀ CHUYỆN NGUYỄN QUANG LẬP BỊ BẮT

Khoai@

Một bài viết cực chất của nhà văn Đông La về Nguyễn Quang Lập, tức Bọ Lập (Quê Choa Blogger). Xin giới thiệu với bạn đọc.

****************
Ngay khi Nguyễn Quang Lập bị bắt, trên chat fb có người hỏi tôi: “Hôm nay bọ Lập bị bắt. A nghĩ sao?”; trên email có người viết: “Chao anh! Mang den cho anh mot tin vui day... thang cha Lap (que choa ) Bi bat roi ... Như là lời phán của anh đó ...”

Với Nguyễn Quang Lập tôi có lần gặp duy nhất lâu lắm rồi trước cửa Viện Văn học. Hồi ấy tôi mới viết một số bài buộc giới văn chương Bắc Hà vốn khụng khiệng phải chú ý nên Lập nói với tôi: “Ngoài này tên anh còn lạ nên khi đọc bài của anh có người cứ nghĩ là tôi viết với bút danh khác”. Vừa khen người lại khen được mình, quả là khéo!

Vì có chút quen biết giống như Huy Đức, tôi không để ý hai người đó viết gì, tôi chỉ chú ý Huy Đức từ khi Huy Đức viết Bên thắng cuộc, và đúng là duyên số, tôi cũng chỉ chú ý Nguyễn Quang Lập khi vào đọc trang của bạn Hòa Bình thấy bài Hòa Bình chửi tục Nguyễn Quang Lập khi Lập, để bênh Huy Đức, đã cho việc “tra tấn bằng vôi bột, bị đóng đinh, gí điện, bị đánh đến tàn phế… như những gì mà nhiều người trong số họ từng đối xử với đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc, Chuồng cọp Sở thú và hàng trăm nhà tù khác khắp miền Nam” không phải là tội ác mà chỉ là “đấu tranh để khai thác thông tin từ các tù binh trong cuộc chiến”.

Tôi đã quá bất ngờ khi Nguyễn Quang Lập, một nhà văn của “Bên thắng cuộc”, từng đi bộ đội, lại có cái nhìn phản bội lại đồng đội mình như vậy!

Chơi với giới văn chương tôi thấy vì cuộc sống luôn gắn với cái danh nên họ sĩ diện hơn, cái tôi cao hơn. Họ cũng nhạy cảm nên gặp chuyện không thích từ gia đình cho đến xã hội họ bị ấn tượng mạnh hơn và họ cũng phản ứng mạnh hơn. Chính vì vậy sự bất bình trong giới văn chương tỷ lệ cao hơn, có những nhà văn tên tuổi hiện đang trên tuyến đầu chống chế độ. Họ tự cho mình là tầng lớp tinh hoa, cấp tiến, phải đấu tranh cho dân chủ tiến bộ. Việc chống đối trong giới văn chương còn được coi là “mốt”, là bản lĩnh. Có điều tôi cũng thấy giới văn chương tất có năng khiếu, có người rất tài, nhưng như thế không có nghĩa là giỏi. Rất nhiều người chỉ thạo chuyện viết lách còn những lĩnh vực tri thức khác họ rất dốt. Trong ứng xử họ lại nặng cảm tính chủ quan mà không coi trọng sự đúng sai. Vì vậy những người máu “đấu tranh” cho tiến bộ thường sai phạm rất nhiều.

Nguyễn Quang Lập là một nhà văn, từng thi đậu vào học Bách khoa nên không phải loại người dốt. Lập đã có danh nên không phải vì danh. Vậy vì cái gì đến nỗi hôm nay bị bắt?

Nhớ lại hồi bắt hai chủ blog “Nhất Lác” và “Viết Bừa” (Phạm Viết Đào),Huỳnh Ngọc Chênh viết:

“Dạo rày tự dưng bọn thế lực thù địch tung tin đồn nói xấu chế độ tốt đẹp của ta hơi bị nhiều.

Chúng liên tục tung tin sắp tới sẽ cho người nầy nhập kho, cho người kia đi giáo dục làm như chế độ ta được dựng lên là để chuyên đi bắt dân không bằng. Chúng đưa ra danh sách 4 người, rồi danh sách 5 người, rồi danh sách 10 người...và mới đây nhất, theo nhà văn đáng kính Nguyễn Trọng Tạo, từ Bắc Kinh gởi về danh sách đến 20 người. Nghe cái danh sách nầy, Nguyễn Trọng Tạo phải thốt lên: Bắt hết nhân dân thì sống với ai.

Lúc đầu nghe bọn xấu tung ra danh sách 4 người gồm Nhất, Đào, Chênh, Lập mà trong đó đã có 2 người đi theo 258 rồi, tôi run quá”.

Cho một dúm những kẻ viết bậy, nói bậy, quấy rối, làm càn là “nhân dân” như cách gọi của “Tao là Tạo” và Chênh “Dái lệch” là cách nhìn lộn ngược. Cần phải thấy chuyện viết bậy, nói bậy, quấy rối, làm càn là hành động gieo mầm bất ổn, xúc phạm nghiêm trọng đến an ninh và cuộc sống bình yên của mọi người.

Vậy mà ông Nguyễn Quang A, cho nhà nước với chuyện bắt Lập hôm nay là: "họ nhổ toẹt vào cái mà họ nói là nhân quyền của họ”. Cái quyền mà Nguyễn Quang A nói ở đây chính là “quyền” phạm pháp. Bắt Nguyễn Quang Lập chính là ngăn chặn “quyền” phạm pháp, bảo vệ quyền sống yên bình của nhân dân. Bởi Nguyễn Quang Lập ngoài việc có cái nhìn phản bội khi bênh Huy Đức nói trên, trên blog Quê Choa, Nguyễn Quang Lập từng nhạo báng cả TBT Nguyễn Phú Trọng: “Đánh chuột phải giữ lấy bình, hay phải giữ lấy mình”? “Ném chuột sợ vỡ bình – Buồn thay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Là người hiểu biết phải thấy việc nhạo báng một ông TBT thực thi trọng trách hoàn toàn không phải là chuyện nhạo báng cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng mà là đánh vào quyền lực tối cao của thể chế chính trị, làm mất ổn định xã hội.

Đặc biệt, Nguyễn Quang Lập thường dùng tài văn của mình xỏ xiên, bôi bác những gì mà xã hội coi trọng. Về ngày 30-4, Lập viết:

Tôi làm tình cô giáo tôi trong niềm hân hoan không phải lần đầu trong đời biết thế nào là làm tình khiến tôi cứ chọc lung tung, sốt ruột cô phải cầm lấy nhét thẳng vào cái hõm xác suất luôn bằng một, mà vì vui sướng vô biên đón nhận tin chiến thắng... Ngày 30-4 quả là ngày trọng đại”.

Về gương anh hùng của Tô Vĩnh Diện, Lập viết bài “Nhớ Trần Dần” kể chuyện Phùng Quán nói chuyện với Trần Dần nói mình (Nguyễn Quang Lập) bảo “pháo chèn Tô Vĩnh Diện chứ không không phải Tô Vĩnh Diện chèn pháo... Trần Dần vỗ tay đánh bốp kêu to: Hay! Giỏi! Thông minh”. Trên Blog Quê choa Lập nhắc lại: “khi kéo pháo lên dốc, đã đứt dây, anh Diện chạy không kịp thì bị chèn thôi”.

Khi thấy Nguyễn Quang Lập bị bắt, có người viết “Dù anh Lập bị bắt nhưng di sản tinh thần của người cầm bút chân chính sẽ còn mãi với thời gian. Thân thể nhà văn ở trong lao nhưng tinh thần của anh vẫn ngoài lao, đồng hành tự do cùng hàng triệu bạn đọc”.

Tôi đã viết về văn tài của NQL, dường như Lập cố bắt chước cho giống đàn anh Nguyễn Huy Thiệp- “thành tựu đổi mới văn chương” của Nguyên Ngọc. Lập viết về kỷ niệm tuổi học trò, đã kể chuyện từng cùng lũ bạn “trẻ con bảy, tám tuổi góp tiền lại xử sờ bướm bạn gái”; rồi chuyện “đít thằng Thanh đang nhoáy trên bụng thím L”; về tâm không kẻ nào bất nhân hơn khi Lập cho rằng anh Võ Điện Biên dùng xác cha mình là cố ĐT Võ Nguyên Giáp để kinh doanh, chọn chỗ chôn như vậy là để phục vụ dự án du lịch!!! Còn khi Lập cho việc đóng đinh vào đầu, đục răng, đục đầu gối các chiến sĩ bị tù ở các “Địa ngục trần gian” dười thời VNCH không phải là ác mà chỉ là “khai thác thông tin” thì về nhân, Lập đã mất nhân tính.

Một nhân cách như vậy thì để lại di sản gì?

Với lối viết của Nguyễn Quang Lập cũng không phải là phản biện như ông Nguyễn Trọng Tạo nói: "Tôi nghĩ rằng nhiều khi cũng phải có những tiếng nói phản biện và tiếng nói phản biện không phải là để lật đổ nhà nước. Mà đấy là những tiếng nói để một đất nước phải suy nghĩ”.

Tôi đã viết nhiều lần. Xã hội Việt Nam hiện tại quả thật còn rất nhiều yếu kém. Triết học Mác chỉ ra, xã hội XHCN chỉ được xây dựng trên nền tảng của XHTB cực phát triển, trong khi nước ta xuất phát từ một chế độ phong kiến nô lệ với cơ sở hạ tầng là nền sản xuất tiểu nông. Chúng ta đi theo mô hình “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” vừa phát huy được sự năng động của nền sản xuất tư bản vừa vẫn giữ được lý tưởng XHCN vì số đông người lao động. Có điều vì là một mô hình mới, giống như một cỗ xe chạy mà các bộ phận phanh và tay lái làm chưa chuẩn nên còn va quẹt lung tung. Đó chính là những yếu kém và tệ nạn của xã hội chúng ta hôm nay. Chế độ kinh tế tập thể ở ta cũng như Trung Quốc vì công tư nhập nhằng nên đã dẫn đến quốc nạn tham nhũng. Đây là thực trạng không chỉ những người chống phá mà tất cả mọi người có lương tri đều thấy và cả những nhà lãnh đạo cao nhất cũng thấy. Vì thế đất nước chúng ta đang như một con bệnh. Cái cần nhất bây giờ là có một toa thuốc đúng để trị hết bệnh. Một con bệnh không thể khỏi với những toa thuốc độc của những người chống phá như Nguyễn Quang Lập, cũng không thể chỉ chữa bằng nước đường, cứ tuyên truyền một chiều về tính ưu việt của chế độ. Chính tư duy phản biện chân chính, có tâm, có tầm, đúng đắn sẽ là toa thuốc cho xã hội.

Chính tôi đây đã viết không ít bài phản biện. Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu lên nắm quyền đối thoại trực tuyến, tôi đã viết bài đăng trên Talawas, bài mà có ông Phong Uyên ở Pháp bảo ông đọc tôi viết mà thấy như được uống rượu vang của Pháp được định niên hạn con heo vàng. Tôi cũng viết về giáo dục mà cũng có nhiều người thích, v.v… Hiện tại, tôi cũng viết khá nhiều về sự sai trái của VTV. Như vậy tôi đã viết phản biện trước Nguyễn Quang Lập rất lâu, tôi hoàn toàn tự do viết mà không sao cả. Như vậy việc công an bắt Lập hôm nay vì Lập phạm pháp chứ không phải phản biện.

Bài Huỳnh Ngọc Chênh viết sau khi Nhất và Đào bị bắt cũng có đoạn:

Rượu vào rồi thì chuyện tới trời cũng xem như chuyện đùa bỡn. Những bạn bè ngồi trong bàn mà không có tên trong danh sách tự dưng thấy thiệt thòi. Nhưng các bạn ấy cũng không ganh tị và tự nguyện phân công nhau lo thăm nuôi những người được xem là có tên. Nguyện vọng thăm nuôi của nhà văn Nguyễn Quang Lập là một cái laptop, nếu có ba gờ nữa thì càng tốt để anh tiếp tục viết blog và liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhà thơ kiêm họa sĩ Đỗ Trung Quân thì cần giá vẽ với màu xịn để vẽ và một chút ánh trăng qua cửa sổ...để làm thơ. Còn nguyện vọng của tôi: Cứ gởi đều đặn viagra vào. Các bạn hỏi: Để làm gì trong đó? Tôi nói: Buồn quá để đục vô tường chơi cho vui. he he”.

Như vậy bọn họ biết rõ mình vi phạm pháp luật, không chỉ bất chấp mà còn ngông nghênh diễu cợt, như thách thức việc thực thi pháp luật. Đợt bắt Nguyễn Quang Lập lần này cũng có một chi tiết: khi công an bắt Nguyễn Quang Lập, vợ Lập cho biết Lập đã bảo sau 9 ngày không về thì sẽ 9 năm. Nghĩa là Lập cũng biết trước mình phạm pháp chứ hoàn toàn không phải điếc không sợ súng. Vậy tại sao Lập cứ bất chấp? Có thể Lập cho công an sợ Lập nổi tiếng không dám bắt, Việt Nam sợ Mỹ không dám bắt, ỉ vào mình bị tai nạn tật nguyền công an sợ mang tiếng nên không bắt…?

Nhưng sự thật đã không như Lập nghĩ.

Còn chuyện có người viết email “gởi một tin vui” đến tôi và người hỏi tôi nghĩ sao? Tôi hoàn toàn không vui chuyện Lập bị bắt nhưng quả thật có thấy nhẹ lòng. Bởi thật e ngại nếu pháp luật cứ để rắn rết nghênh ngang tự do thì xã hội sẽ dẫn tới đâu? Lòng cũng cảm thấy chút bình an vì kỷ cương phép nước đã được thực hiện. Ngược lại, những người cùng băng nhóm Nguyễn Quang Lập tất sẽ có tật giật mình, như ông Nguyễn Trọng Tạo, theo BBC:

nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng việc bắt bớ đang gây ra tâm trạng 'bất an'… Ông nói với BBC: "Nó bất an lắm. Nếu mà cứ bắt bớ như thế thì quả bất an”.

8-12-2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

VĂN ĐÀN BNN: Rò rỉ 19 bức hình bị NASA giấu 60 năm qua

VĂN ĐÀN BNN: Rò rỉ 19 bức hình bị NASA giấu 60 năm qua: Rò rỉ 19 bức hình bị NASA giấu 60 năm qua Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vợ nhà văn Nguyễn Quang Lập GỬI ĐƠN XIN TẠI NGOẠI CHO CHỒNG. Chưa rõ lá đơn này có được chấp thuận hay không?

ĐƠN XIN TẠI NGOẠI


Kính gửi: Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh

Tôi là Hồ Thị Hồng, vợ của nhà văn Nguyễn Quang Lập: người - bị cơ quan An ninh điều tra, Công an TP HCM, đưa ra khỏi nhà và bị giam giữ từ lúc 14:00 ngày 6-12-2014.

Chồng tôi, như cơ quan điều tra chứng kiến, là một người tàn tật, bị liệt nửa người lại còn chịu nhiều di chứng và bệnh tật khác, sống trong điều kiện bình thường đã hết sức khó khăn, huống chi chịu cảnh tù đày, giam giữ. Vì vậy, tôi viết đơn này, xin cho chồng tôi - nhà văn Nguyễn Quang Lập - được tại ngoại trong thời gian điều tra. 

Thưa cơ quan An ninh điều tra:

Tháng 5-2001, chồng tôi - nhà văn Nguyễn Quang Lập - trong một tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não, liệt nửa người bên trái, hôn mê sâu trong ba tháng, sau đó nằm bất động. Sau nhiều năm tập luyện, anh Lập mới có thể tự đứng và đi lại được, trong điều kiện vẫn phải chống gậy, chập chững một chân với chân còn lại và nửa người bên trái bị liệt hoàn toàn.

Nhiều năm đi lại trong tình trạng như vậy, khớp gối bên phải của anh bị thoái hóa; phần móng chân cái, do áp lực của những bước đi không bình thường, móng quặp vào thịt, việc di chuyển của anh ngày một khó khăn; và, ngay trong điều kiện bình thường cũng phải chịu nhiều đau đớn. Chồng tôi còn bị áp-xe gan, áp huyết cao và đục thủy tinh thể, cuộc sống hàng ngày phải sử dụng nhiều loại thuốc.

Với cơ thể tàn tật và nhiều bệnh như vậy, mọi sinh hoạt cá nhân của anh Lập đều phụ thuộc vào gia đình. Việc vệ sinh thân thể, tắm rửa, mặc áo quần đều phải có người làm giúp. Anh Lập không thể ngồi xổm được nên phải dùng hố xí bệt. Chồng tôi còn bị huyết áp cao nên hằng ngày đều phải sinh hoạt theo thời khóa biểu đặc biệt.

Khi cơ quan điều tra bắt và tạm giữ chồng tôi thì anh đang trong tình trạng cơ thể suy nhược, da bị lở loét. Lúc chuẩn bị hành lý cho anh, do không được phép mang nhiều, nên hơn nửa ba lô là đựng các loại thuốc khác nhau. 

Với những lý do trên, tôi và các con làm đơn này, xin được bảo lãnh chồng tôi - nhà văn Nguyễn Quang Lập - được tại ngoại hầu tra.

Tôi xin cam đoan, nếu chồng tôi được tại ngoại, anh ấy sẽ thường xuyên cư trú tại căn hộ B 505-B2- Chung cư Hoàng Anh Gia Lai - 37 Nguyễn Văn Hưởng - Phường Thảo Điền - Quận 2 - Thành Phố Hồ Chí Minh và sẽ có mặt khi có yêu cầu của cơ quan An ninh điều tra. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam đoan này.


clip_image001 
.
clip_image002

TIN ANH LẬP
Sáng nay chị Hồng vào thăm nuôi anh Lập, đưa thêm những vật dụng cần thiết và thuốc bệnh, cơ quan công an tạo thuận lợi, nhận từ tay chị Hồng đơn xin tại ngoại cho anh Lập do bệnh tật hiểm nghèo theo quy định của pháp luật về những điều kiện có thể "thay đổi biện pháp ngăn chặn".
Tất nhiên không gặp được anh Lập.
Khi bị tạm giữ, anh Lập vẫn mang theo cây gậy chống- rất cảm động vì nhiều anh em bạn bè lo lắng sợ không được mang theo gậy chống thì anh Lập sẽ không đi lại được.
Anh Lập cũng đã bỏ thuốc lá. 

Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đêm dài sẽ đỡ lạnh, nếu NV biết được những lời này:


 

" Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"
Bạn bè văn nhân buồn ngơ ngác ... cầu cho Bọ Lập hai chữ BẰNG AN.
Mình và anh Lập không thân lắm nhưng hay giúp anh vài việc lặt vặt ví như tạo cho anh cái blog yahoo plus, đôi tháng trước anh còn bảo mình design cho anh cái banner Welcome to đất Ô châu giống như cái banner Wellcome to Que Choa blog ngày xưa. Nhưng cái ảnh gốc mình không lưu và cũng không nhớ font chữ cũ nên không khôi phục được.
Anh Lập là người quá nổi tiếng ...nên mình ngại kết thân, dù quan điểm của mình không giống anh nhưng vẫn quý anh Lập. Trong tâm thức mình anh Lập là một tao nhân. Văn anh viết thì tục thế nhưng mình chưa thấy anh nói tục trước mặt phụ nữ bao giờ. Có lần mình nói chuyện với Tuyết Nga, Nga cũng nói vậy. Anh nói chuyện nhẹ nhàng dí dỏm và lịch thiệp kiểu Pháp. Anh Lập rất thông minh, các kỹ năng làm blog hầu như chỉ nói một lần là anh làm được ngay dù chỉ hướng dẫn qua điện thoại hoặc tin nhắn. Mình khâm phục nghị lực phi thường của anh Lập sau khi bị tai nạn chấn thương sọ não bị liệt anh vẫn tập luyện để đi được và viết...
Nghe nói anh bị bắt trong lúc đang bị liệt mình ứa nước mắt. Gọi điện cho mấy người bạn ai cũng buồn...
Đêm qua chắc anh Lập không ngủ, bạn bè anh cùng cái lạnh Hà nội cũng không ngủ...
Văn nhân cả nước chắc cũng trăn trở ... chờ trời sáng. Lướt một loạt bài trên mạng mới thấy vị thế của anh Lập trong lòng bạn bè thương và lo...
.

  •  Rong ruổi bể nam trời bắc
    Quê hương cát trắng gió lào
    Có đi đò trên Thạch Hãn...

    Mới hiểu đời cớ làm sao ?
    Nghiệp văn chương như con tốt
    Bí cờ thì tốt...Sang sông
    Nên nhớ , tốt đi nước một...
    Đừng mơ lấy nước pháo lồng....

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà văn chạy trốn hiện thực

Lam Điền

clip_image002
Một góc buổi cà phê văn học sáng 13-9-2014. Ảnh: L.Điền
Như thế nào là văn lạc hậu? Vấn đề này dễ trả lời nhưng lại không dễ thuyết phục. Bởi không dễ thuyết phục nên nhà văn Inrasara tổ chức chương trình Cà phê văn học (trong khuôn khổ Cà phê thứ bảy tại TPHCM, sáng 13-9 vừa qua) với chủ đề Hiện thực cuộc sống trong văn chương Việt Nam hiện naynhư một cách đi vòng để đến với một hiện tình: giữa thực tại cuộc sống và văn chương nước ta có khoảng cách thế nào.
Cùng với nhạc sĩ Dương Thụ trong vai trò điều phối Cà phê thứ bảy, chương trình hôm 13-9 có nhà văn Dạ Ngân trong vai trò diễn giả, bên cạnh nhà văn Inrasara cùng dẫn dắt câu chuyện. Xoay quanh vấn đề hiện thực cuộc sống và công việc của nhà văn, ngoài ý kiến cho rằng “Hiện thực của nghệ thuật là hiện thực chưng cất do tài năng của tác giả” được nhiều người đồng tình, nhà văn Dạ Ngân đã cuốn cử tọa của buổi “Cà phê văn học” vào một cuộc theo dõi, tranh luận, chia sẻ sôi nổi do cách nhìn và cách đặt vấn đề. Chẳng hạn như bà cho rằng ngoài tài năng, thì không khí sáng tác cũng ảnh hưởng đến hiện thực cuộc sống được đưa vào văn chương. Nhà văn Dạ Ngân cho rằng những người viết có tâm lý viết vì cuộc sống ngày mai, có người chỉ viết nếu được đăng, được in, và cái gì không được in thì không viết. Có một thời, người ta tự gác lại những gì định viết, tự hẹn rồi sẽ viết, “và rồi tất cả trở thành rục đi mất trong mỗi nhà văn”, Dạ Ngân nhấn mạnh. Và từ phía người đọc, bà cho rằng độc giả Việt Nam thật bất hạnh, bởi những hiện thực họ kỳ vọng tìm thấy trong văn chương thì hãy còn xa, bởi vì văn chương chỉ mới phản ánh có một chút xíu hiện thực cuộc sống. Ngay cả ba cuộc chiến tranh, tính luôn cả cuộc chiến biên giới Tây nam và biên giới phía bắc, thì ta vẫn chưa có được mấy tác phẩm xuất sắc, vẫn chỉ thấy Nỗi buồn chiến tranh là trội lên thôi. Rồi đến thời hậu chiến, có rất nhiều chuyện để viết, các đề tài về văn chương hải ngoại, đề tài vượt biên, đề tài học tập cải tạo… chúng ta không được thông tin. Hiện thực quá ngổn ngang và nhà văn quá ngao ngán. Đặc biệt, Dạ Ngân cũng phân tích những trường hợp bà cho là không phải nhà văn hèn, thiếu dũng cảm, mà chẳng qua là họ cân nhắc các bên, rằng viết như vậy thì được chưa, viết vậy có in ra được không, và rồi họ mang nợ với dân tộc, với chính mình.
Đó chính là thực tế “tự kiểm duyệt” của các nhà văn Việt Nam, và Inrasara gọi đây là “thời đại hoàng kim của tự kiểm duyệt”.
Thế nhưng nhạc sĩ Dương Thụ lại đề xuất một cách tiếp cận khác, rằng mỗi nhà văn đã sẵn có phần tự do của mình, đó là thứ tự do nội sinh. “Tự do không phải cần có những điều kiện gì đó hợp thành rồi mới có tự do. Và nhà văn thì cũng không phải viết để in, mà viết vì cần phải viết”. Trần trụi hơn, Dương Thụ kêu gọi chúng ta nên suy nghĩ như một nhà văn, một người sáng tạo chứ không nên suy nghĩ như một hội viên của một hội nhà văn. Và quan trọng hơn, chúng ta không có một tiêu chuẩn có trước về hiện thực. Chỗ này mới chính là mảnh đất dành cho tài năng của nhà văn.
Nhưng hiện thực cuộc sống thì vẫn cần nhà văn, một sinh viên từ hàng ghế khán giả đứng lên trình bày thảm trạng mà em gọi là “sống mòn” trong giới sinh viên, từ chuyện học hành đến nguy cơ gia nhập đội ngũ hàng nghìn cử nhân thất nghiệp… Em nhắc đến Nam Cao, và muốn đọc văn chương ngày nay viết về hiện thực ấy. Thế nhưng câu trả lời từ Dạ Ngân là “Em hãy viết về những năm tháng sinh viên của mình”. Nghe câu này, mình mới tin rằng quả có lúc chính nhà văn là người làm tốt nhất cái việc chứng minh nhà văn không cần thiết cho cuộc đời. hehe
Nhưng thầy giáo Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học đáng kính thì có cách khai thác vấn đề rất hay. Ông kể rằng trong một lần đi nước ngoài, đâu như là Mỹ thì phải, vì cứ mang trong đầu suy nghĩ về hiện thực Việt Nam, nên đã hỏi các giáo viên trường người ta khi đi thăm phòng máy thực tập của sinh viên, rằng: Máy móc trong trường này có khoảng cách như thế nào với máy móc đang làm việc tại các xí nghiệp? Các giáo viên bên ấy cười rần, bảo là khoảng cách bằng 0. Vì rằng nếu dạy sinh viên với loại máy móc lạc hậu, khi ra trường các em không làm việc được, thì trường chúng tôi mất uy tín. Vả lại nếu vậy thì các công ty xí nghiệp khi nhận sinh viên ra trường phải đào tạo lại, thì xã hội lại tổn phí thêm một lần nữa. Như vậy là không được. Và ông Hoàng Dũng ví von: Hiện thực cuộc sống chính là cái nền sinh ra văn chương, mà văn chương xa rời hiện thực thì cũng như dạy học để đi làm mà dạy bằng loại máy lạc hậu không thể làm việc được vậy. Còn nguyên nhân sâu xa cho hiện tình văn chương xa rời hiện thực như lâu nay, ông Hoàng Dũng lại kể một câu chuyện, đó là câu chuyện cụ Từ Chi đọc Những thiên đường mù của Dương Thu Hương. Đọc xong, cụ Từ Chi bảo với ông Dũng: Dương Thu Hương nó viết về cải cách ruộng đất bình thường quá, chỉ là một cuộc cách mạng đầu rơi máu chảy. Mà có cuộc cách mạng nào không đầu rơi máu chảy, cách mạng 1789 ở Pháp cũng giết mất nhiều người, trong đó có nhiều trí thức, có cả ông tổ ngành hóa học là Antoine Laurent Lavoisier cũng bị xử chém chứ. Thế thì cải cách ruộng đất mà đầu rơi máu chảy thì bình thường thôi. Cái không bình thường là thế này: Tôi, đội viên đội cải cách ruộng đất, và đội trưởng của tôi là một bà chỉ học tới lớp 3. Vấn đề là tôi, một tú tài Tây, tôi luôn thấy hổ thẹn vì mình học tú tài Tây, hổ thẹn vì mình nói giỏi tiếng Tây. Và tôi đã giơ tay biểu quyết xử tử hình một ông địa chủ chỉ vì ông ấy có một mẫu ruộng. Tại sao tôi lại làm thế? Ấy là vì khi đó tôi nghĩ rằng con đường đi lên thế giới đại đồng thì phải qua những khúc quanh như vậy, rằng bao nhiêu tinh hoa của đất nước đã nghĩ vậy, chẳng lẽ lại sai hay sao?
Đó, cái chết người nằm ngay chỗ ấy. Cái chỗ mà thầy Hoàng Dũng gọi là người trí thức ở ta đã rời bỏ chức năng phản biện, đã đánh mất phản xạ hoài nghi về cái sai trước cuộc sống. “Đây chính là lý do đề người ta tự nguyện không viết, người ta tự nguyện thiến mình đi. Dân ta khốn khổ khốn nạn vì lâu nay chúng ta không xiển dương sự phản biện, cứ thấy nó gần giống với phản động”, ông Dũng nói thẳng như vậy.
Và tất nhiên, công chúng vẫn cần tìm hiểu để biết từ đâu lại dẫn đến việc các trí thức ở ta lại như vậy. Và đây là vấn đề liên quan đến sức mạnh tự do nội sinh, nó không thể hình thành sau một đêm ngủ dậy, ông Hoàng Dũng ví von như thế.
Đến đây thì mình thấy rằng: Những nhà văn có sở trường trốn chạy trước hiện thực kiểu như Dạ Ngân nói đến, thì làm sao có khả năng tìm biết nguyên nhân của hiện thực. Đặc biệt là những hiện thực kiểu nhà văn trốn chạy hiện thực, thì phải những trí thức như ông Hoàng Dũng mới chỉ ra thấu đáo được. Không đùa đâu.
Lam Điền

Phần nhận xét hiển thị trên trang