Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Tin về Nhà văn Nguyễn Quang Lập:


Nhà văn Nguyễn Quang Lập (anh trai tôi), chủ trang Blog Quê Choa bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt lúc 14g hôm nay, thứ 7. Lý do bắt quả tang đang tải bài vở đăng những nội dung xuyên tạc,chống nhà nước.
Quả tang lên mạng? He he.
Những thông tin khác thông báo sau
Nhà văn Nguyễn Quang Lập (anh trai tôi), chủ trang Blog Quê Choa bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt lúc 14g hôm nay, thứ 7, theo điều 258 Bộ luật hình sự.

Những thông tin khác thông báo sau


 

TIN MỚI NHẬN:
Được biết vào hồi 14h ngày hôm nay 6/12/2014, nhà văn Nguyễn Quang Lập tức Blogger Quê Choa vừa bị cơ quan ANĐT bắt đưa đi và bị khám xét nhà riêng trước đó... Lý do, rồi sẽ biết, hiện nay trang bolapquechoa.blogspot.com vẫn vào được với bài viết mới nhất: "Vì sao cần cảnh giác với Viện Khổng tử?"!

Theo Osin Huy Đức, vợ nhà văn là chị Hồ Thị Hồng nói: "Anh Nguyễn Quang Lập dặn, yên tâm, nếu sau 9 ngày không thấy về thì chắc khoảng 3 năm".


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vài ngày trên đất nước của Thành Cát Tư Hãn



Thành Cát Tư Hãn. Ảnh: HM
Thành Cát Tư Hãn. Ảnh: HM
Chỉ sau gần 2 tiếng,  máy bay của China Air đã hạ cánh xuống phi trường Genghis (Chingis) Khan của Ulaanbaatar. Cao tốc nối liền trung tâm thủ đô Monglia và sân bay có 6 làn xe, đèn đường sáng trưng, đôi chỗ có đèn đỏ cho người đi bộ qua đường.

Xa xa là những khu nhà cao tầng mọc lên cao vút, sơn đủ mầu xanh đỏ tím vàng. Chiều tà trên bình nguyên sa mạc Gobi toàn cát và đồi núi trơ trọi, trời trong xanh không một gợn mây, nắng chói trang.
Không ai nghĩ rằng bên ngoài nhiệt độ là -15oC, lạnh kinh người.  Và ít ai nghĩ rằng, nơi đây từng là cái nôi của một đế chế Nguyên Mông từng chinh phục từ Á sang Âu dưới vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn.
Ở khách sạn Blue Sky nằm đối diện với quảng trường lớn, tôi nhìn thấy một bức tượng rất lớn, choán hết cửa ra vào. Hỏi ra mới biết đó là Genghis Khan – hay còn gọi là Thành Cát Tư Hãn.
Sinh khoảng năm 1162 và mất ngày 18-8-1227, thọ 65 tuổi, Thành Cát Tư Hãn được coi là người sáng lập ra đế chế Đại Hãn (Great Khan) và cũng là một vương quốc lớn nhất mọi thời đại, biên giới kéo dài suốt từ Triều Tiên sang tới Châu Âu.
Đế chế Nguyên Mông trong hai thế kỷ 12-13.
Những năm 1200, kỵ sỹ châu Âu thời đó với kiếm, bộ quần áo bằng thép, kiếm và đao, ngồi trên lưng ngữa, cho rằng, họ là những chiến binh tốt nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, kỵ sỹ Mông Cổ nhỏ con hơn, trên những chú ngựa bé hơn, nhưng tốc độ di chuyển thì kinh hoàng. Vũ khí là cung tên, lớn lên ở miền quê khắc nghiệt, nhiệt độ âm 50oC là thường, biết săn bắn kiếm ăn, kỵ sỹ Mông Cổ thế kỷ 13 là những chiến binh dày dạn, kỷ luật và biết cách hợp đồng tác chiến một cách thuần thục, thắng các kỵ sỹ châu Âu to cao.
Thời đó Mông Cổ có dân số khoảng 700.000 người, mù chữ và tin vào pháp sư (saman giáo). Các bộ tộc mất đoàn kết, chiến tranh liên miên. Trong bối cảnh đó, một cậu bé tên là Temujin được nuôi nấng như một Khan (Hãn) qua nhiều gia đình.
Có một Ong Khan (vua bộ tộc) rất quí chàng trai trẻ này và trong một lần chiến đấu với người Tartar, họ đã chiến thắng oanh liệt. Ong Khan này đã nhận Temujin làm con nuôi và trở thành người nối ngôi. Có một người con trai đẻ của Ong Khan tìm cách hãm hại, nhưng Temujin đã tiêu diệt mầm mống bạo loạn.
Temujin tuyên bố trở thành Genghis Khan – Thành Cát Tư Hãn vào năm 1206 khi ông 42 tuổi. Người Mông Cổ cho rằng, trời đã mang vị thần này cho họ, nên đã tôn vinh ông như một vị Khan của quốc gia. Thành Cát Tư Hãn đã lần lượt chinh phục các bộ tộc khác bằng sức mạnh quân sự và ngoại giao.
Thành Cát Tư Hãn đã đưa ra những bộ luật quan trọng như cấm bắt cóc phụ nữ, bởi ông từng bị mất một người vợ trẻ do bị bắt cóc. Mọi đứa trẻ sinh ra đều hợp pháp, cấm bán phụ nữ để cưới xin, ăn cắp gia súc là phạm pháp…
Do thiếu ăn và đói kém, ông khuyên bảo dân chúng tập đi săn bắn để dành cho mùa Đông giá lạnh, rồi đưa chữ viết vào trường học. Ông cũng là người đầu tiên tạo ra con dấu, có tòa án tối cao, và giao quyền phán xét cho chánh án trong các vụ xử, thậm chí có thể ra án tử hình. Mầm mống luật pháp thượng tôn có từ cách đây 800 năm.
Tất cả những luật lệ đó đã giúp Mông Cổ đoàn kết thành sức mạnh và Thành Cát Tư Hãn bắt đầu chinh phục các nước láng giềng. Trong mấy chục năm cầm quyền, vị Hãn vĩ đại này đã chinh phục một diện tích gấp 3 lần diện tích mà Alexander the Great đã chiếm của các nước khác. Cho đến thời điểm hiện tại, đây là vị vua duy nhất có thể chinh phục một diện tích lớn nhất trong mọi thời đại. Người Mông Cổ tin rằng, các chiến binh Nguyên Mông được trời phái xuống để giúp yên bình.

Đế chế Nguyên Mông thế kỷ 12-13. Ảnh: Wiki
Đế chế Nguyên Mông thế kỷ 12-13. Số năm thể hiện nơi đặt chân của Thành Cát Tư Hãn và đế chế. Ảnh: Wiki
Trên bản đồ có đánh dâu những nơi nghỉ chân của Thành Cát Tư Hãn và đế chế Nguyên Mông suốt từ lúc ông sinh ra (1162 – vùng Siberia Nga) cho tới 1280.  Toàn bộ Trung Quốc, một nửa nước Nga, bao gồm Moscow và Kiev, vùng Trung Đông tới Iran, Iraq, Armenia. Quân Mông Cổ từng tiến vào Hungary (1241). Người ta cho rằng, dân Hungari có nòi giống từ Mông Cổ.
Trong chiến tranh, ông dùng chiến thuật vừa đánh vừa đàm. Nếu ai chống cự sẽ bị tàn sát không thương tiếc, nhưng để dọa đối phương trên đường chinh phục, ông đã để thoát vài người. Những người này trở thành kẻ đưa tin thất trận và gieo rắc nỗi sợ hãi. Ai đầu hàng được giữ nguyên chức vị và vì thế yên lòng dân nơi chiếm đóng.
Tổ chức quân theo biên đội 10, 100, 1.000 và 10.000 lính. Đội quân từ 100.000 đến 125.000 và thêm hậu cần lên tới 200.000 người. Lính trên lưng ngựa một ngày có thể đi tới hàng trăm km là thường.
Đầu tiên là chinh phục Afghanistan, Ba Tư. Đi tới đâu, nếu quân đội được tiếp tế lương thực, thì quân Mông Cổ bảo vệ. Nhiều thành phố đầu hàng vô điều kiện. Những thành phố phải chiến mới chiếm được, Thành Cát Tư Hãn phân loại dân. Nếu người biết chữ thì ông dùng cho phiên dịch. Người giầu có và thương gia thì ông không mất thời gian để giết vì nghĩ rằng, chính những người này sẽ giúp cho thành phố tiếp tục hoạt động.
Với 40 ngàn quân, vó ngựa Nguyên Mông tiếp tục đi vào Azerbaijan, Armenia, Đông Âu, đánh bại tất cả các vương quốc trên đường đi. Năm 1223, đội quân này gặp 80 ngàn quân của Hoàng tử Mstitslav của thành Kiev. Dù ít quân hơn, nhưng cung tên thiện xạ, quân đội Mông Cổ đã đánh bại quân Kiev chỉ quen dùng kiếm.
Năm 1225, trở về từ châu Âu, vương quốc này đã làm bá chủ từ biển Caspian đến Bắc Kinh.  Sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn (1227), Ogedei Khan , người con trai nối ngôi tiếp tục chinh phục các quốc gia khác.  Trong các trận chiến với Hungary và Ba Lan, quân Mông Cổ đã thắng dù số quân ít hơn nhiều. Trận chiến thành Lenika ở Ba Lan (4-1241), họ đã thắng cả đội chiến binh Ba Lan vũ khí hùng mạnh. Henryk II đã chết trong trận chiến đó.
Quân Mông Cổ vượt sông Danube và đứng trước cửa ngõ thành Vienna, nhưng như một sự kỳ lạ, họ bỗng rút lui. Nhiều người châu Âu cho rằng, do quân Áo mạnh nên Mông Cổ đã thoái. Nhưng trong thực chất, Ogedei Khan đã mất sau 12 năm trị vì, họ phải quay về cố hương để chọn vị vua mới.
Cũng như mọi đế chế hùng mạnh khác, sau một thời gian dài chiến thắng lẫy lừng, Mông Cổ bắt đầu có mầm mống bạo loạn, tranh giành quyền lực. Người vợ của Ogedei Khan tìm cách đưa con trai, Guyuk, lên nối ngôi. Bà bỏ rất nhiều tiền của để mua chuộc và cuối cùng có then Guyuk Khan.
Năm 1246, Guyuk Khan nhận được tối hậu thư của Pope Innocent IV, ra lệnh cho Mông Cổ không được tấn công châu Âu, và Pope nói ông làm điều này là vì ý Chúa Trời. Tuy nhiên, Guyuk Khan cũng cho rằng, chính ông ta mới là người do trời cử xuống.
Tuy nhiên chỉ trị vì được 2 năm, Guyuk chết một cách bí ẩn, được cho rằng trong gia đình mâu thuẫn. Mongke được lựa chọn tiếp theo nối ngôi. Đế chế này tiếp tục xâm lược Ba tư và tiến vào thành Baghdad năm 1258, phá tan thành phố này. Họ tiến về Damascus nhưng bị quân đội Ai Cập chặn đứng. Và từ đó là sự suy thoái của quân Nguyên Mông.
Chiếm Trung Quốc sau đó, họ còn tiến sang Triều tiên và Nhật bản. Năm 1274, từ nam Triều Tiên, khoảng từ 600 đến 900 chiến thuyền đã tấn công Nhật Bản với 23000 quân lính. Tuy nhiên, thời tiết đã không phù, họ phải rút lui.
Năm 1281, họ thử một lần nữa với 4000 thuyền chiến nhưng cơn bão đã phá cuộc tấn công này. Người Nhật cho rằng, đây là cơn bão do trời phái đến giúp họ phá tan quân Nguyên. Trong tiếng Nhật gọi là kami-kaze. Từ này được nhắc lại khi phi công cảm tử Nhật tấn công chiến hạm Mỹ trong một cuộc phản công tuyệt vọng nhằm cứu nguy cho Nhật Hoàng. Nhưng lần này, cơn gió trời đã không giúp họ.
Câu chuyện Việt Nam ba lần thắng quân Nguyên Mông khỏi phải kể lại đây. Có lẽ đây là quốc gia duy nhất đã thắng đội quân của Thành Cát Tư Hãn.

Miền đất khắc nghiệt. Ảnh: HM
Miền đất khắc nghiệt. Ảnh: HM
Suốt thế kỷ 13, đế chế Mông Cố kéo dài suốt từ châu Á sang Châu Âu, một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và diện tích lớn nhất trong mọi thời đại. Sau nhà Nguyên (Yuan) sụp đổ, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ Mông Cổ và chịu sự đô hộ của nhà Thanh.
Sau khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, Mông Cổ tuyên bố độc lập. Năm 1921 dưới sự bảo trợ của Liên Xô, Mông Cổ chính thức tách khỏi Trung Quốc, tiến hành xây dựng nhà nước theo mô hình Xã hội Chủ nghĩa, được quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập từ năm 1945.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu vào cuối năm 1989, chế độ cộng sản ở Mông Cổ cũng biến mất sau cuộc Cách mạng Dân chủ Mông Cổ 1990. Chế độ dân chủ nghị việnđược thành lập. Bản hiến pháp mới ra đời vào năm 1992 đưa nước này chuyển sang thể chế cộng hòa nghị viện và kinh tế thị trường.
Quảng trường Sükhbaatar
Mấy ngày ở đây (26-28, 11, 2014), tôi ở  trong khách sạn Blue Sky cao 105m, cao nhất Mông Cổ, toàn kính nhôm. Trước mặt là quảng trường Sükhbaatar, mang tên một vị lãnh đạo cách mạng Mông Cổ năm 1921, Damdin Sükhbaatar, tương tự như Lê Nin của Liên Xô, Mao Trạch Đông của Trung Quốc, hay Hồ Chí Minh của Việt Nam. Khi các vị chết hay được tôn vinh, xây lăng và đặt tên những nơi trang trọng.
Thủ đô Mông Cổ cũng trải qua nhiều tên khác nhau như Urga, Kuren, Da Kuren, Kulun, Khuree. Ulaanbaatar trong tiếng Mông Cổ là “Anh hùng đỏ”, được chính quyền cách mạng đặt tên năm 1924 để tỏ lòng kính trọng đối với Sükhbaatar, vì đã cùng với Hồng quân Liên xô chống lại xâm lược Trung Quốc và Đức. Do ảnh hưởng nặng nề của Liên Xô và tiếng Nga, Ulaanbaatar được đổi thành Ulan Bator cho dễ đọc.

Quảng trường. Ảnh: HM
Quảng trường Sukhabaatar.  Ảnh: HM
Tượng của Damdi Sükhbaatar trên lưng ngựa vẫn đứng giữa quảng trường mang tên ông. Trước đó, trong khu vực này còn có lăng của ông và một vị lãnh đạo khác tên là Khorloogiin Choibalsan, một bản sao giống hệt lăng Lê Nin ở Moscow. Nơi đây diễn ra các sự kiện quan trọng như mít tinh, biểu tình ủng hộ cách mạng, duyệt binh những ngày lễ lớn trong đó có dịp cách mạng tháng 10.
Những năm đầu 1990 cũng chứng kiến những cuộc cách mạng dân chủ nổi dậy và lật đổ chính thể cộng sản cầm quyền. Khu lăng của hai vị lãnh đạo cộng sản đã bị phá đi, thay vào đó là khu nhà tưởng niệm Thành Cát Tư Hãn, hai bên có tượng của Ögedei Khan (con trai), and Kublai Khan (cháu) thuộc gia đình ông, được xây vào năm 2006, nhân dịp 800 năm ngày Thành Cát Tư Hãn lên ngôi.
Trong khu nhà có rất nhiều kỷ vật liên quan đến Thành Cát Tư Hãn, du mục Gobi, kể cả Mông Cổ sau này. Những hình ảnh XHCN vẫn được một chỗ đứng trang trọng trong khu tưởng niệm rất đẹp và hiện đại. Cho dù thời thế đã thay đổi, và nhiều chuyện về thời cộng sản đã được khơi ra, tượng Lê Nin đã bị hạ xuống, nhưng tượng  Sükhbaatar vẫn còn đứng giữa Quảng trường, khách thăm của vẫn dành cho ông sự kính trọng nhất định.
Thời tiết Ulaanbaatar rất lạnh nên tôi chỉ đi quanh khu phố trung tâm, khoảng 1 tiếng lại phải về khách sạn để uống nước và sưởi ấm. Chim bồ câu béo quay vẫn sống thản nhiên trong nhiệt độ âm 20 đến 30oC. Chó thả rông toàn chạy trên đường vì lạnh, mùa đông họ phải giết vì chó rét quá, không có gì ăn, quay sang cắn người. Thỉnh thoảng gặp một kiosk bán hàng vặt như thời Liên Xô. Trolleybus (xe khách điện) vẫn chạy trên phố. Xe hơi quá nhiều nên giao thông có chiều hướng tắc nghẽn. Phố khá sạch, dân không xả rác ra đường, trai gái ăn mặc mốt hơn.
Ulaanbaatar đang thay đổi từng ngày.  Các khu nhà được thiết kế tổng thế hợp với kiến trúc thành phố, hè rộng, có cây xanh dù trồng cây ở đây đắt gấp chục lần nơi khác do thời tiết.  Một thủ tướng trẻ 48 tuổi vừa được bầu và nội các của ông toàn người năng động. Tất cả nói lên sự chuyển mình của quốc gia từng thống trị thế giới.
Các bạn trẻ Mông Cổ đều có một nhận xét, nếu không có Lê Nin và Liên Xô, có lẽ tiếng vang của quốc gia cũng đã ngang tiếng ngựa hý thời Thành Cát Tư Hãn vượt từ Á sang Âu. Nay họ đang hướng về dân chủ kiểu phương Tây, chính phủ thay đổi liên tục, nhưng đó là sự thay đổi cho tốt hơn là sự ổn định giả tạo, kéo lùi đất nước.

Thế hệ trẻ Mongolia. Ảnh: HM
Thế hệ trẻ Mongolia. Ảnh: HM
Viết những dòng này, tôi nhớ thầy Nghị dạy sử trường cấp 3 Lương Văn Tụy (Ninh Bình) khóa 1968-1970. Thầy thuộc lòng lịch sử thế giới, và thường nhắc đến Thành Cát Tư Hãn với một sự ngưỡng mộ. Lũ học trò quê mùa mắt sáng lên và mong ngày nào đó được đến tận nước này để chiêm ngưỡng. Thế mà giấc mơ thành sự thật.
Rời Ulaanbaatar, nơi tôi dừng chân vài lần ở bến ga tầu khi du học Đông Âu cách đây hơn 40 năm, và mấy năm trước qua công tác ngắn hạn, nay trở lại, không hiểu sao dự cảm lại tốt đẹp về Mongolia toàn sa mạc và lạnh cóng này.
HM. Ulaanbaatar 11-2014.
Tham khảo: Truyền thuyết về cái chết của Thành Cát Tư Hãn
Những bức ảnh được chụp qua kính máy bay, xe hơi, khách sạn, hoặc trong giá lạnh từ -15oC đến -25oC (Cảm giác).

Ulaanbaatar nhìn từ trên cao. Ảnh: HM
Ulaanbaatar nhìn từ trên cao. Ảnh: HM
Xây dựng hối hả. Ảnh: HM
Xây dựng hối hả. Ảnh: HM
Cao tốc nối sân bay và thủ đô. Ảnh: HM
Cao tốc nối sân bay và thủ đô. Ảnh: HM
Nhiệt điện là nguồn chính cho tp. Ảnh: HM
Nhiệt điện là nguồn chính cho tp. Ảnh: HM
Nhìn từ Blue Sky. Ảnh; HM
Nhìn từ VP WB – trước mặt là phủ Tổng thống. Ảnh; HM
Đang xây dựng cao tầng. Ảnh: HM
Đang xây dựng cao tầng. Ảnh: HM
Lăng của Sukhbaatar truớc kia. Ảnh: Wiki
Lăng của Sukhbaatar truớc kia. Ảnh: Wiki
Quảng trường. Ảnh: HM
Nay thành quảng trường tưởng niệm Thành Cát Tư Hãn. Ảnh: HM
Đội danh dự. Ảnh: HM
Đội danh dự. Ảnh: HM
Chiến binh Mông Cổ. Ảnh: HM
Chiến binh Mông Cổ – Lính gác nhắm mắt. Ảnh: HM
Tượng . Ảnh: HM
Tượng Damdi Sukhbaatar  . Ảnh: HM
Vó ngựa chiến binh xưa. Ảnh: HM
Vó ngựa chiến binh xưa. Ảnh: HM
Thế hệ tương lai. Ảnh; HM
Thế hệ tương lai. Ảnh; HM
Góc phố. Ảnh: HM
Góc phố. Ảnh: HM
Sắc mầu sa mạc. Ảnh: HM
Sắc mầu sa mạc. Ảnh: HM
Ulaanbaatar by night. Ảnh: HM
Ulaanbaatar by night. Ảnh: HM



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dựng Bia tưởng niệm nhà văn hóa Phạm Quỳnh

Vũ Thế Khôi/ Đại Đoàn Kết 
 Ảnh bên:Bia tưởng niệm nhà văn hóa Phạm Quỳnh ở nguyên quán Lương Ngọc, Bình Giang, Hải Dương
 Ngày 22-11, nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng đông đủ các con trai gái, dâu rể, cháu chắt đã về Làng văn hóa Lương Ngọc, xã Thúc Kháng huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương để khánh thành Bia tưởng niệm thân phụ của ông là cụ Phạm Quỳnh.

 Tham dự buổi lễ, TS sử học Nguyễn Văn Khoan, tác giả sách "Phạm Quỳnh, một góc nhìn”, dẫn lời Hồ Chủ tịch đánh giá: "Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này”. GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, người từ năm 1975 đã có những đánh giá xác đáng về cụ Phạm Quỳnh rằng: "Có công minh lịch sử mới có công bằng xã hội”. 
Theo sử sách, cụ Phạm Quỳnh lâm nạn trong những ngày Cách mạng Tháng Tám 1945, di hài được tìm thấy năm 1956, đem về an táng ở chùa Vạn Phước xứ Huế trên đường Nam Giao xưa (nay đổi tên thành Điện Biên Phủ). Theo lời nhạc sĩ Phạm Tuyên, sau ngày đất nước thống nhất, gia đình có ý đưa về quê gốc, để thỏa nỗi nhớ nhung đau đáu của cụ về Hoa Đường – đất tổ quê cha. Nói đất Tổ là vì tiên tổ là Giáo thụ phủ Anh Sơn (Nghệ An) Hương cống Dưỡng Am Phạm Hội còn mộ phần nơi đây. Nói quê cha, là vì tại đây, trải qua mọi biến thiên của thời cuộc, dân làng vẫn gìn giữ được lăng mộ của Tú tài Phạm Điển, mà chính người con nổi tiếng hiếu thảo với cha đã xây dựng dưới triều vua Bảo Đại, và hiếu thảo cả với quê hương – cho đặt tại Lương Ngọc trường Tổng sư của toàn tổng Ngọc Cục.
Trước đó, UBND thành phố Huế dự định bảo tồn nguyên trạng phần mộ của Thượng Chi Phạm Quỳnh như một bộ phận của di tích lịch sử văn hóa xứ Huế. Song, cảm thông với nỗi niềm canh cánh của nhạc sĩ Phạm Tuyên, lãnh đạo và nhân dân Lương Ngọc đã tạo điều kiện mở rộng khu lăng cụ Tú Điển và chủ động đề nghị ông dựng Bia tưởng niệm nhà văn hóa Thượng Chi Phạm Quỳnh ngay tại đây, nguyên quán của Cụ.
Nhà bia do cháu ngoại của cụ Thượng Chi là kiến trúc sư, PGS TS Tôn Thất Đại thiết kế, phong cách hiện đại, đơn giản và thanh thoát, trang nghiêm. Trên hai trụ trước khắc câu nói nổi tiếng của Thượng Chi bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ (đọc từ phải sang trái như câu đối truyền thống): Truyện Kiều còn, tiếng ta còn – Tiếng ta còn, nước ta còn
Trong nhà bia dựng tấm bia đá đen, ốp ảnh cụ Phạm Quỳnh mặc y phục dân tộc, áo the khăn xếp  và khắc mấy hàng chữ trắng khiêm nhường thâu tóm toàn bộ một sự nghiệp vĩnh hằng: 
Nhà văn hóa PHẠM QUỲNH (1892-1945); 
Chủ bút báo Nam Phong hiệu Thượng Chi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

QUÁ TRỄ ĐỂ KHÉP TỘI Vụ Hồ Duy Hải: CÒN QUÁ SỚM ĐỂ NÓI HỒ DUY HẢI VÔ TỘI

 Vu Hoang Son 

Cuteo@

Chúng ta sẽ vật vã đau đớn nếu như chứng kiến cả một nền tư pháp cùng báo chí, luật sư để một người vô tội chết oan.

Trong thâm tâm, tôi mong rằng Hồ Duy Hải vô tội, kẻ thủ ác thực sự sẽ bị bắt và những người làm oan sai (nếu có) cũng sẽ phải trả giá.

Tin Hồ Duy Hải được hoãn thi hành án tử hình vào phút cuối làm nhiều người vui. Nhiều người vui vì tin rằng Hồ Duy Hải vô tội và thoát được cái chết "oan uổng". Không ít kẻ vui vì qua đó làm dầy thêm thành tích chống nhà nước bằng những chứng cứ thuyết phục.

Theo quyết định thi hành án (THA) tử hình do chánh án TAND tỉnh Long An đã ký trước đó thì ngày 5/12/14, Hội đồng THA tử hình tỉnh Long An sẽ THA đối với tử tội Hồ Duy Hải, 29 tuổi, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An. Nhưng vào “phút 89”, Phó Chánh án TAND tỉnh này – Thẩm phán Lê Quang Hùng đã thay mặt chánh án ký quyết định hoãn THA tử hình đối với Hải. Theo nguồn tin chính thức, quyết định này được thực hiện theo đề nghị của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.



Giải thích về "văn bản lạ" chứa đựng 39 từ, kèm chữ ký có đóng dấu đỏ có giá trị tạm thời hoãn thi hành án tử đối với Hồ Duy Hải, ông Lê Quang Hùng kể lại buổi gặp với gia đình Hồ Văn Hải vào ngày 4/12/14, ông Hùng nói: Khi đó người thân Hải tập trung trước tòa án, để tránh xảy ra các tình huống pháp lý Tòa án đã mời một người đại diện vào trong. Người này đã đưa ra 3 yêu cầu: (1) Hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải; (2) Trả tự do cho Hải; (3) Tòa án phải cung cấp chứng cứ theo 4 nghi ngờ mà luật sư đã đề ra. Tuy nhiên Tòa án chỉ có thể giải quyết đề nghị thứ nhất, vì 2 đề nghị còn lại không thuộc thẩm quyền. Nghe vậy gia đình Hải đã đề nghị phải viết vào phía sau lá đơn. Sau khi viết xong gia đình nói cảm ơn và nhẹ nhàng ra về. Ông Hùng không nói rõ tình huống pháp lý có thể xảy ra là tình huống nào, nhưng chúng ta đều hiểu đó là áp lực từ phía gia đình nhà Hồ Duy Hải. (Xem hình trên: Mặt trước và mặt sau lá đơn của gia đình Hồ Duy Hải. Đáng tiếc, báo chí chỉ đưa mặt sau).

Sau sự kiện này, nhiều người đã nghĩ, Hồ Duy Hải đã thoát án tử hình, và cho rằng, Hải vô tội.

Theo tôi, còn quá sớm để tin rằng, Hồ Duy Hải vô tội.

Phải nói rằng, còn rất nhiều mâu thuẫn trong vụ án không được trả lời, và còn nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ. Vì thế, hoãn thi hành án để có thời gian xem xét lại là đúng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có tình tiết có khả năng lật ngược được tình thế minh oan được cho Hồ Duy Hải. Mặc dù báo chí vẫn cố gắng chứng minh bằng cách chỉ ra những thứ được gọi là "sai sót" trong quá trình điều tra.

Thực tế là, báo chí mới chỉ tập trung vào những chi tiết có lợi cho Hồ Duy Hải (không đưa được chứng cứ gỡ tội), nhưng báo chí lại lờ đi những chi tiết bất lợi chứng minh Hải phạm tội như "lời khai về mua bán vàng"; kết quả "thực nghiệm điều tra" là hoàn toàn khớp với lời khai nhận của anh ta. Những gì diễn ra tại buổi "thực nghiệm hiện trường" là phù hợp với diễn biễn của vụ án, và luật sư bào chữa được chứng kiến cũng đã phải công nhận điều này.

Từ một góc nhìn khác, các bạn cũng nên nhớ, chính Hồ Duy Hải đã nhận mình là người giết hai cô gái ở Bưu điện Cầu Voi, quá trình thực nghiệm, có sự chứng kiến của luật sư bào chữa, mọi hành động của Hải là hoàn toàn phù hợp với diễn biến của vụ án. Cũng cần nói thêm, bản thân Hải có một quá khứ bất hảo đến mức, mọi người có quyền tin vào những gì mà Hải đã khai.

Một diễn biến khác là, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, Hồ Duy Hải đã gửi đơn đến Chủ tịch nước xin ân xá, nội dung đơn của Hải thể hiện rằng, anh ta lớn lên trong gia đình không có cha, thiếu sự quản lý giáo dục, ăn chơi nợ nần và giết cùng lúc hai mạng người. Hải cũng trình bày rằng bên ngoại nhà Hải là gia đình có công với cách mạng nên mong Chủ tịch nước tha cho tội chết. Tuy nhiên, sau đó Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân xá của Hải.

Thử hỏi rằng, một người không có tội, vậy sao phải viết đơn xin ân xá?

Ngay sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá của Hải, Viện KSND tối cao cũng đã rất thận trọng cử một kiểm sát viên cao cấp gặp Hồ Duy Hải ở trại giam để hỏi về vụ án. Tại cuộc gặp gỡ này, Hải thừa nhận mình giết người, hiện nay rất ân hận với việc đó và có nguyện vọng mong Chủ tịch nước tha cho tội chết để có cơ hội làm lại từ đầu.

Cáo trạng trước đó cho biết tối ngày 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, Long An). Sau đó Hải đưa tiền cho chị Nguyễn Thị Thu Vân (nhân viên bưu điện) nhờ đi mua trái cây, còn Hải ngồi nói chuyện với chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (nhân viên bưu điện).

Trong lúc chị Vân đi mua trái cây Hải nảy sinh ý định quan hệ với chị Hồng, bị chị này chống cự Hải đã bóp cổ, lấy thớt đập vào đầu, mặt rồi lấy dao cắt cổ nạn nhân. Khi chị Vân trở về, Hải tiếp tục dùng ghế inox đánh vào đầu và cũng dùng dao cắt cổ chị này.

Gây án xong, Hải rửa tay, rửa dao rồi mở tủ lấy 1.400.000 đồng, một số điện thoại, sim card và nữ trang lột trên người hai nạn nhân rồi trèo qua tường về nhà cất nữ trang rồi đi ngủ.

Phát hiện vụ việc, Cơ quan điều tra vào cuộc khám nghiệm hiện trường, khởi tố vụ án nhưng sau hai tháng vẫn không tìm ra hung thủ. Tuy nhiên trong một lần Hải bị công an triệu tập lấy lời khai vì cá độ đá banh và đánh đề, Hải khai nhận giết hai cô gái.

Tại 2 phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm Hồ Duy Hải đều bị tuyên án “tử hình” về hai tội giết người và cướp tài sản.

Việc điều tra vẫn đang được tiến hành. Chúng ta mong rằng, những phán xét công minh sẽ được đưa ra

P/s: Có nhiều người nhận xét rằng, cách đưa tin của báo chí về vụ việc chưa thật khách quan. Mới chỉ đưa một chiều, và hậu quạ là "đẩy dư luận vào một thế đối đầu, hoài nghi với nên tư pháp, hành pháp của Việt Nam". 

_____________

Vụ Hồ Duy Hải: QUÁ TRỄ ĐỂ KHÉP TỘI

Thợ Cạo@ 
Đồng lòng với Cuteo@: "mong rằng Hồ Duy Hải vô tội, kẻ thủ ác thực sự sẽ bị bắt và những người làm oan sai (nếu có) cũng sẽ phải trả giá."

Nhưng không nghĩ rằng: Người ký lệnh hõan thi hành án là do áp lực từ phía gia đình nhà Hồ Duy Hải và Báo chí đẩy dư luận vào một thế đối đầu, hoài nghi với nên tư pháp, hành pháp của Việt Nam.

Lão không chắc là HDH oan ức vô tội. Báo chí dư luận, gia đình đương sự gào khóc chẳng là cái đinh gì nếu cơ quan tố tụng thực thi đúng theo luật định và tất nhiên họ không bao giờ chùn tay. Chứng cứ là cái không thể thiếu để kết tội ai đó, nếu nó mơ hồ thì buột anh phải trả tự do cho đương sự dù rằng thâm tâm anh nghĩ chính nó là tội phạm.

Khả năng trả tự do cho HDH, theo Thợ Cạo là rất cao vì nếu người ta củng cố chứng cứ được thì họ đã làm từ nhiều năm trước rồi, bây giờ bới lại thì càng mù mịt hơn và... không ai điên đi chứng minh mình đã làm sai!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

TRIẾT LÝ VĂN CHƯƠNG TRÊN TRANG VIẾT NGUYỄN HUY THIỆP

Võ Thị Thu Hằng



Một cuộc giao lưu, chuyện trò về văn chương của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do Heritage Space tổ chức vào 15h ngày 6 tháng 12 năm 2014 tại Tòa nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình (Tầng hai Café Paris Deli, Tòa nhà Dolphin gần bến xe Mỹ Đình). Chủ đề “ Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn xuôi Việt nam sau 1975”. Diễn giả: Nhà nghiên cứu văn học, Giáo sư Lã Khắc Hòa. Khách mời: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. 




Cơn bão táp mang tên Nguyễn Huy Thiệp, giờ đây đã tạm yên ả. Và tôi lại lên đường đi tìm Nguyễn Huy Thiệp với một niềm tin, qua bão táp, cái gì là giá trị sẽ tự khẳng định được mình!

“Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” [1]…
Cuộc hành trình ấy đã chi chít những dấu chân…

Trên con đường đã chi chít dấu chân đó, người ta đã tìm thấy ông? Không hiểu sao tôi cứ mường tượng cuộc hành trình này tựa như câu chuyện các thày bói đi xem voi – mỗi người sờ một bộ phận của con voi rồi ra sức khẳng định con voi là bộ phận đó, thành ra một cuộc cãi nhau ỏm tỏi. Nói như vậy, tôi không có ý và cũng không dám phủ nhận những bậc tiền bối đi trước, họ đã có những phát hiện và cả những linh cảm rất đúng, rất sâu sắc về Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng sao người ta cứ lấy vài ba nhân vật, vài ba hình tượng trong truyện của ông mà quy kết cho cả tư tưởng, cả quan niệm về văn chương, thậm chí, cả đạo đức của ông. Sao chưa ai đi tìm ông từ chính những quan niệm về văn chương mà ông trực tiếp hay gián tiếp phát biểu trong các truyện ngắn?

Cơn bão táp mang tên Nguyễn Huy Thiệp, giờ đây đã tạm yên ả. Và tôi lại lên đường đi tìm Nguyễn Huy Thiệp với một niềm tin, qua bão táp, cái gì là giá trị sẽ tự khẳng định được mình!

Có thể thấy, hầu hết những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đều chứa đựng một hoặc vài lời triết lý của ông về văn chương. Điều đó chứng tỏ, Nguyễn Huy Thiệp là người hay trăn trở về văn chương và ý nghĩa của nó. Những triết lý đó, được phát biểu gián tiếp qua các nhân vật, qua tình huống truyện hoặc đôi khi phát biểu một cách trực tiếp. Trước đây, Nam Cao cũng thường thể hiện những quan niệm của mình trên trang viết của mình. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương không đơn giản và rành mạch như Nam Cao. Cái nhìn của ông về văn chương có gì đó rất phức tạp – phức tạp như chính cuộc đời, khi thì “văn chương là thứ bỉ ổi nhất” (Chút thoáng Xuân Hương), khi thì “văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải” (Giọt máu), khi thì: “văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống, có thứ văn chương sửa mình, có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” (Giọt máu).

Với Thiệp, văn chương là một thế giới đầy bí ẩn, như “con gái thuỷ thần” chợt ẩn, chợt hiện: “Nàng ở đâu? Nàng ở chỗ nào? Vì cái gì?Bởi lẽ gì? Cho tôi mượn màu son phấn ra đi”. Và Nguyễn Huy Thiệp đã ra đi gần hết nữa cuộc đời mình. Ra đi trong cô đơn, tìm kiếm trong cô đơn và trở về trong cô đơn… Bởi không như Nam Cao, cuối cuộc hành trình đó, Nguyễn Huy Thiệp không đưa ra bất kỳ một chân lý nào. Cái ông đem đến cho người đọc lại là một sự hoài nghi về chân lý. Và với những người đọc đã quen cái tâm thế đón chờ chân lý, người ta lạ lẫm trước trang văn của ông. Người ta thấy nó xa lạ với truyền thống, xa lạ với chuẩn mực. Và người ta ghẻ lạnh ông, vội vàng kết tội ông là giũ bỏ quá khứ, mắng ông là không có tâm, không nhân văn… Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp thừa sức viết ra những triết lý văn chương “chuẩn mực” cả nội dung và hình thức. Nhưng, Thiệp đã chọn cho mình một con đường khác, xây nên một thế giới khác. Để giải mã cái thế giới bí ẩn ấy, ta hãy thử làm một cuộc hành trình đến với các triết lý văn chương trên trang viết của ông.

1. Quan niệm về văn chương qua cái nhìn của những nhà chính trị

Khi thống kê các quan niệm về văn chương trên trang viết của Nguyễn Huy Thiệp, có một điều rất bất ngờ mà ít ai để ý đến, đó là hầu hết những quan niệm văn chương của ông đều được thể hiện qua cái nhìn của những nhà chính trị. Đó là văn chương qua con mắt của Nguyễn Phúc Ánh (Kiếm sắc), của Thặng (Chút thoáng Xuân Hương), của viên quan trưởng (Trương Chi), của anh Lai (Quan Âm chỉ lộ)… Vì sao Nguyễn Huy Thiệp lại để văn chương hiện lên qua đôi mắt của những nhà chính trị? Văn chương và chính trị là một mối quan hệ hết sức nhạy cảm – một vấn đề mà mọi người đều tránh né. Vậy mà Nguyễn Huy Thiệp lại cứ xông thẳng vào mảnh đất đó. Nhiều người bảo ông quá liều lĩnh – liều lĩnh đến tuỳ tiện. Cái chỗ người ta tránh, người ta né thì ông lại tự chui cổ vào. Tuy nhiên, lẽ phải có thể tạm thời bị vùi lấp chứ không bao giờ đánh lừa con người. Người ta biết đâu là sự thật, đâu là giả dối. Người ta tìm thấy ở văn ông cái thật của cuộc đời. Dẫu nó đê hèn, trần trụi, đôi khi còn ghê rợn. Lâu nay, chúng ta đã quá nặng tình với lịch sử. Nhưng lịch sử không tiến lên bằng lòng tốt. Nó cần sự thật. Văn học đã mắc nợ cuộc đời về sự thật. Và Nguyễn Huy Thiệp đã “nộp mình” để trả nợ cuộc đời!

1.1 Quan niệm văn chương qua cái nhìn của những nhà chính trị được thể hiện gián tiếp qua những hình tượng nhân vật.

Ở truyện Trương Chi, Mị Nương không hiện lên như trong truyện cổ. Mị Nương và đám tuỳ tùng quan lại của nàng lại chính là biểu tượng của tiếng nói chính trị. Ba lần viên quan trưởng bảo Trương Chi hát:

Lần thứ nhất: “Viên quan trưởng bảo:

– Hát ca ngợi công danh đi!”

Lần thứ hai: “Viên quan trưởng bảo:

– Nên hát về sự nhẫn nhục”

Lần thứ ba: “Viên quan trưởng bảo:

– Hát ca ngợi tiền bạc đi!”

Ca ngợi. Nhẫn nhục. Nhẫn nhục để ca ngợi. Để ca ngợi, văn chương một thời phải “nấu mình” trong những tiếng hô vang. Với Thiệp đó là một thứ văn chương “thô bỉ”, như một sự “nhẫn nhục đê hèn”: “Chưa bao giờ chàng hát một bài hát thô bỉ như thế. Bài hát chỉ toàn “ấy a” với lại “huầy dô”… Có chỗ còn bắt chước tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác, tiếng dê kêu nữa. Bài hát đông người”. “Đông người” thường ồn ào và náo nhiệt. “Đông người” thường là phong trào, là bắt chước. Văn chương đánh mất mình trong đám đông. Với văn chương, đánh mất mình còn đáng sợ hơn cả cái chết. “Chàng chỉ sợ chính bản thân chàng lâm vào tình thế phải tự hạ nhục bản tính của mình, thế là mất hết, không còn tiếng hát, không còn Trương Chi”.

Nguyễn Huy Thiệp lại đề cập đến cái vấn đề muôn thưở của văn chương: Bản tính. Nhưng xã hội không ngừng đặt ra những yêu cầu, những nhiệm vụ quá khắt khe với văn chương. Còn khoảng trống nào cho văn chương được là mình, được thể hiện bản tính của mình? Khi Trương Chi hát ca ngợi công danh, tiền bạc – những khúc hát nhẫn nhục, lời chàng chỉ như những tiếng hô, tiếng chó sủa, dê kêu…Chỉ khi hát về tình yêu, chàng mới thực sự là mình, là Trương Chi thưở nào: “Đến lúc này, chàng biết chàng phải cất tiếng tự hát cho mình, bởi không chàng sẽ mất hết, mất cả cuộc đời. Chỉ bằng tình yêu của chàng, tình yêu chân thực và nồng cháy của chàng mới hòng cứu vớt được. Không phải Mị Nương, không chỉ là Mị Nương”.

Hát về tình yêu – là hát về cái phần cá nhân, riêng tư nhất của của mỗi người – điều mà văn học trước đây gọi là cá nhân chủ nghĩa. Nhưng chính ở cái phần cá nhân chủ nghĩa này, văn học mới thực sự có ý nghĩa đối với con người. Văn chương cảm hoá được tất cả – cảm hoá cả chính trị, bằng tình yêu: “Những giọt nước mắt long lanh trên mắt Mị Nương. Nàng chưa từng được nghe ai hát như thế này. Bọn hoạn quan, những gã đồng cô, những tên hề lùn, bọn bói toán, tướng số, lang băm… đứng dạt cả ra”. Những giọt nước mắt ấy chính là ý nghĩa đích thực của văn chương. Văn chương không còn là những lời thuyết giáo về đạo đức. Những lời thuyết giáo chỉ làm cho người ta sợ chứ không làm cho người ta phục. Văn chương là sự ăn năn về đạo đức. Văn chương là nơi để người ta sám hối, để người ta xưng tội với chính mình. Đó cũng là thứ văn chương mà Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn và theo đuổi. Nguyễn Huy Thiệp ghét cái kết thúc truyền thống của truyện cổ. Cũng phải. Nó nhân văn quá, đẹp quá mà thành ra dối đời. Sự nhân văn phải đạo ấy, loài người thưở sơ khai có thể chấp nhận được. Nhưng loài người bây giờ thì không!

“Mị Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc
Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lý
Lẽ đời là thế”

Và văn chương phải dám đối mặt, dám nhìn thẳng với cái lẽ đời – vừa tàn nhẫn, vừa phi lý ấy.

1.2. Các nhà chính trị trực tiếp phát biểu về văn chương

Trương Chi chỉ là cách thể hiện gián tiếp quan niệm của chính trị về văn chương. Có lúc Nguyễn Huy Thiệp đã để cho chính các nhà chính trị phát biểu quan niệm của mình một cách rất thẳng thắn.

Trước hết là lời của tri huyện Thặng trong Chút thoáng Xuân Hương: “Hách chứ, Thặng giơ ngón tay như quả chuối nắm ra trước Ấm Huy. Không hách để văn chương các chú làm loạn à? Văn chương là miếng đất nghịch”.

“Văn chương làm loạn” – Nó làm loạn trong tiềm thức của con người – một cuộc nổi loạn mà không có một thế lực nào có thể dập tắt được. Chính Thặng đã khẳng định: “Dân quen nô lệ, luật cứ ngặt nghèo, nghiêm khắc là xong. Không có bàn bạc gì cả”. Nhưng Thặng lại phải “hách” với văn chương – tức là Thặng sợ!

Đó cũng là tâm sự của Nguyễn Phúc Ánh trong Kiếm sắc: “Ta ghét bọn chữ nghĩa thôi. Chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện, xảo trá, tinh vi… Hành tung chúng ta chẳng lo. Toàn lũ ấm o như dòi chò, hèn mọn cả. Chúng nó quen tỉ tê với chữ nghĩa sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa đầu óc chúng nó, ta mệt lắm”.

Nói là “ta chẳng lo” nhưng lại muốn “rửa đầu óc chúng nó”, tức là Ánh cũng sợ. Song dẫu Ánh muốn cũng không thể nào làm được. Ánh đã sai Lân đi chiêu mộ các danh sĩ Bắc Hà. Nhưng trớ trêu thay, chính Lân lại được văn chương “chiêu mộ”: “Thâm tâm Lân cũng không biết nên vui hay buồn, chỉ thấy trong lòng cảm động”. Đó cũng là sức mạnh phi thường của văn chương. Lân đã phải chịu tội, chết dưới lưỡi gươm gia truyền. Hay là văn chương đã hoá kiếp cho Lân?… Để từ đây và mãi mãi bàn tay của Lân sẽ không hề dính máu. Lân chết khi trong lòng đang cảm động – cái chết ấy có ý nghĩa hơn vạn lần kiếp sống vô tâm. Có thể, đó là ý nghĩa mà Nguyễn Huy Thiệp gởi gắm trong hình thức một câu chuyện lịch sử. Vậy mà khi đọc Kiếm sắc (cùng với Vàng lửa và Phẩm tiết) người ta mặc sức gán cho Nguyễn Huy Thiệp biết bao nhiêu là tội danh. Tôi thì lại mừng cho Nguyễn Huy Thiệp, mừng vì ông đã đi đúng con đường của văn chương!

Thể hiện những quan niệm văn chương qua con mắt của những nhà chính trị, Nguyễn Huy Thiệp không hề có ý muốn đối lập chính trị với văn chương. Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp luôn ý thức văn học phục vụ chính trị. Nhưng phục vụ chính trị không đơn thuần là là truyền bá những tư tưởng chính trị. Với Nguyễn Huy Thiệp, ý nghĩa cao nhất của văn học đối với chính trị là ở chỗ: Văn học giữ gìn lương tri cho chính trị. Ý nghĩa này thể hiện rõ qua một truyện ngắn gần đây của ông: Quan âm chỉ lộ. Câu truyện khơi nguồn từ mối quan hệ giữa nhà văn và anh Lai – vụ trưởng một vụ. Ở đó thông qua suy nghĩ của anh Lai về anh bạn nhà văn của mình (nhân vật xưng “tôi”), Nguyễn Huy Thiệp đã để cho chính trị lên tiếng về văn chương.

Anh Lai nói: “Chú là ai? Tại sao chú lại viết ra những thứ làm cho người ta dằn vặt lòng mình? Chú có quyền gì? Ai cho chú cái quyền năng ấy? Tư cách chú tôi gạt sang một bên. Tôi không hiểu vì sao mọi người lại vị nể một người như chú? Ở chú có phẩm chất gì? Cao thượng ư? Không phải! Nghiêm cẩn ư? Cũng không phải nốt. Tôi chỉ nhận ra chú dục vọng hão huyền và cái khả năng đánh thức cái dục vọng ghê gớm ấy ở mỗi người. Điều đó là tốt ư? Không phải? Xấu ư? Không phải! Từ bản chất tôi vừa căm ghét vừa sợ hãi, cảm phục những người như chú”.

Một câu trong mạch đối thoại mà ngỡ như một lời độc thoại – đúng hơn là đối thoại với chính mình. Hầu như tất cả đều tồn tại ở dạng câu hỏi. Hỏi nhà văn, nhưng chính anh Lai lại trả lời. Anh Lai nói là “không thể hiểu”. Nhưng thật ra, anh đã hiểu và hiểu rất rõ. Văn chương chính là như thế, như chính những lời anh Lai nói: làm ta dằn vặt, có khả năng đánh thức cái dục vọng ghê gớm ở mỗi người”… Điều đó là tốt hay xấu? Chính anh Lai cũng đã nói – không tốt – nhưng cũng không xấu. Văn chương đang đứng ở một độ chênh rất mỏng manh giữa nhân văn và giả dối, giữa nói lên sự thật và thóa mạ con người. Chỉ cần nhà văn chệch chân một chút thôi, sẽ rơi vào hố sâu thăm thẳm. Và Nguyễn Huy Thiệp đã giữ văn chương ở cái độ chênh ấy. Chính tại đây, văn chương thể hiện ý nghĩa của nó đối với chính trị. Văn chương giữ gìn lương tri cho chính trị – giữ gìn bằng chính những điều anh Lai nói: sự tự dằn vặt. Tại sao chị Hỷ lại mang trả bức tượng Quan Âm chỉ lộ? Phải chăng vì những giọt nước mắt trên tượng Quan Thế Âm Bồ Tát? Bồ Tát nhân từ cũng đâu thể cứu rỗi con người. Vậy thì văn học cũng đâu có tham vọng làm được điều đó. Với Thiệp, văn chương chỉ giữ cho con người không bị rơi xuống thẳm sâu của cái ác, và đánh thức ở họ cái ý thức tự cứu rỗi chính mình.

2. Nguyễn Huy Thiệp tự phát biểu những triết lý của mình về văn chương

Xen lẫn với những lời phát biểu của những nhà chính trị về văn chương là những trăn trở của chính Nguyễn Huy Thiệp.

Cuối truyện Kiếm sắc, Nguyễn Huy Thiệp đã khái quát về công việc viết văn của mình:“Công việc viết văn vốn rất nhọc nhằn, phức tạp, lại buồn tẻ nữa”. Nhọc nhằn, phức tạp vì văn Nguyễn Huy Thiệp không phải là thứ văn dễ dãi. Người ta viết văn như một sự giải thoát. Nguyễn Huy Thiệp viết như một sự chất vấn chính mình – chất vấn về nghĩa lý của văn chương, về ý nghĩa của cuộc đời cầm bút.

Vì thế, trang viết của ông như một sự trăn đi trở lại, như một sự dằn vặt, cào xé chính mình: “Ở trường Đại học, tôi đã thuyết giảng về sự vô minh của con người và thế giới, lòng khao khát của cá nhân tôi với cuộc sống mà thượng đế đã ban cho. Giờ nhớ lại những điều tôi nói hôm ấy thật xa xỉ và phù phiếm, thậm chí dối trá” (Quan Âm chỉ lộ). Nguyễn Huy Thiệp sợ mình trở thành một thằng lừa đảo. Với Thiệp, những kẻ lừa đảo trong văn chương còn đáng sợ hơn nhiều những kẻ lừa đảo tiền bạc, tài sản. Nhưng thật trớ trêu, vì sự thật bao giờ mà chẳng đắng và khó nghe. Ông đau đớn nhận ra thứ văn chương sự thật của mình đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho người đời: “Văn chương là thứ bỉ ổi nhất. Nó gây ra sự nổi lọan trong đời thường. Cuộc đời trôi đi đơn giản. Day đi dứt lại để làm gì? (Chút thoáng Xuân Hương). Nhưng rồi, ông không thể làm khác được. Ông không thể viết ra thứ văn chương dễ dãi, sẵn sàng ca ngợi, tung hô, sẵn sàng dối trá. Ông thà để người ta đau đớn trong đời thật còn hơn chìm đắm trong thứ hạnh phúc giả tạo. Thật ra mà nói, đó cũng là một sự lựa chọn đầy khó khăn của Nguyễn Huy Thiệp.

Như trên đã nói, Nguyễn Huy Thiệp suốt đời kiếm tìm nghĩa lý của văn chương, nhưng ít khi nào ông phát biểu một ý nghĩa rõ ràng về văn chương. Và đây là một trong số những định nghĩa hiếm hoi của Nguyễn Huy Thiệp – hiếm hoi và khác thường: “Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành bướm và hoa. Đó là chí thành” (Giọt máu). Chính tại đây, nhiều người đã phê phán Nguyễn Huy Thiệp. Văn chương vốn cao quý sao Thiệp lại nỡ nhấn nó xuống bùn? Thật ra lâu nay, văn học của chúng ta đã quen đứng trên bùn mà chỉ trỏ, mà phê phán: bùn đó, ghê lắm, tránh đi! Và chỉ thế thôi. Nguyễn Huy Thiệp thì khác, bất chấp hết, ngập trong bùn rồi còn sục tung lên. Từ “bùn” chuyển sang “bướm và hoa” là một sự lột xác đầy phiêu lưu, mạo hiểm. Vì nếu không khéo sẽ dễ dàng ngập sâu trong vũng bùn. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã chấp nhận cuộc phiêu lưu này. Đúng lý ra, chúng ta phải mang ơn Nguyễn Huy Thiệp. Bởi nếu không có sự “liều lĩnh đến tùy tiện” kia thì văn chương sẽ chỉ là thứ để người ta chiêm ngưỡng về sự đạo mạo, thanh khiết của nó. Và chính con người sẽ ngập sâu xuống vũng bùn đen tối!

Như vậy, những triết lý văn chương trên trang văn Nguyễn Huy Thiệp dẫu có được nhìn qua đôi mắt của các nhà chính trị hay là những trăn trở của chính nhà văn thì vẫn có sự thống nhất. Văn chương mà Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn là thứ văn chương dấn thân. Dấn thân cả hai chiều – nhà văn dấn thân và chính người đọc cũng phải dấn thân.

Từng mang khuôn mặt của một kẻ kiêu ngạo cô đơn, Nguyễn Huy Thiệp đã ý thức được nỗi cô đơn tột cùng trong sáng tạo. Trong Giọt máu, ông đã từng thốt lên đau đớn: “Thằng bé mơ hồ hiểu rằng học đòi văn chương là nó bước vào một cõi mà ở đấy, nó không thể nương tựa vào bất cứ thứ gì, ngoài bản thân nó”… Nguyễn Huy Thiệp cô đơn trong sáng tạo, hay cô đơn để sáng tạo? Ông chấp nhận sự cô đơn để được là mình. Để viết đúng mình. Tức là viết khác người. “Người đời bao giờ chẳng bạc bẽo” – ông từng than vãn. Người ta bảo ông có tài nhưng không có tâm, người ta bảo ông bán rẻ quá khứ, người ta bảo…

Người ta còn bảo nhiều lắm. Còn ông, ông đã tự bảo mình không trông chờ vào lòng hào hiệp của người đời. Mà văn chương cũng chẳng cần đến lòng thương hại. Ông cứ ung dung mà đi tiếp con đường của mình, đúng hơn đi tiếp trên một sợi dây mảnh, như thể một nghệ sĩ xiếc trong một pha mạo hiểm… Và ông biết, chỉ cần ông chệch chân ra khỏi sợi dây, người ta sẽ phỉ báng ông, vùi lấp ông như thể vùi lấp một ngôi mộ. Đời vốn nghiệt ngã! Đời người sáng tạo còn nghiệt ngã hơn!

Khuôn mặt “nhàu nát” ấy hình như vẫn đang mỉm cười – một nụ cười nhân ái, thiết tha với đời, với người…

[1] Tên của cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu về Nguyễn Huy Thiệp do Phạm Xuân Nguyên chủ biên.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

KHÔNG UỐNG VỚI PHẢN ĐỘNG



Hôm nay đi ăn giỗ bố một người bạn lính (đám lính trận chơi với nhau hơn 40 năm đều coi bố mẹ bạn là bố mẹ của mình, chết để tang) gặp nhà giáo Phạm Toàn. Ông là em ruột luật sư Phạm Khang, mẹ nuôi của mình. Ở nhà Phạm Toàn xưng cậu. Nhưng ra ngoài đường thì lại bắt mình gọi bằng anh xưng em. Lý do rất văn, tao là nhà văn Châu Diên nhé, nhà văn hiểu chưa, không cậu cháu gì hết. Mình đã từng viết lời bạt tập truyện ngắn "Bảy mươi ba chiếc cối đá" của ô
ng. Nhìn nhà văn bát tuần người đồng sáng lập ra trang bô xít quyết liệt ngăn cản dự án bô xít Tây Nguyên và những nhức nhối xã hội, sức khỏe đã giảm sút, tai kém, rượu không uống được chỉ nhấm nháp chút đỉnh nhưng vẫn đầy nhiệt huyết với vận nước với cuộc đời với văn chương thấy cảm phục. Mình đùa bảo cháu cụng ly gia đình thôi chứ không uống với phản động. Ông cười sảng khoái, gọi tao phản động thì ok quá, chỉ mong cả nước này thành phản động. Rồi ông khoe vừa dịch 10 cuốn sách. Thấy chụp ảnh ông bảo lại facebook chứ gì, tốn nhiều thời gian lắm, cuộc đời ngắn, viết đi, văn veo phim ảnh gì cũng được nhưng phải viết. Rưng rưng nhìn ông, một thế hệ tinh hoa của nước Việt sắp sửa khuất tàn chợt thấy hổ thẹn. Hổ thẹn đúng thế.
Thích ·  · 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Hỏa Bốc Lên Đầu Khi Dầu Sụt Giá (Ng. X. N)




Khi dầu tăng giá, chiến tranh dễ tàn phá. Ngược lại cũng thế, hãy hỏi Gorbachev!
Khi dân Mỹ đang nhồi thịt gà cho bữa tiệc Tạ Ơn vào buổi tối thì mặt trời thức giấc sớm hơn ở bên kia bán cầu: tổ chức OPEC của các nước xuất cảng dầu thô vừa kết thúc hội nghị tại Vienna trong cùng ngày Thứ Năm – với tiếng thở dài. Không thể giảm số cung để giữ giá được. Tin loan ra là giá dầu lại sụt trên các thị trường, lần đầu tiên tụt đáy bảy chục một thùng kể từ ba năm nay.
Và sẽ còn tụt nữa trong nhiều năm tới.   
Cùng với tin đó về hội nghị của OPEC, người ta biết thêm rằng ông trùm Igor Sechin, một thủ lãnh có ảnh hưởng trong đám cận thần của Tổng thống Vladimir Putin, đã thất bại trong chuyến du thuyết trước khi có hội nghị OPEC. Là Tổng quản trị của tập đoàn năng lượng quốc doanh Rosnef, Sechin đi vận động các thành viên OPEC cùng nhau tiết giảm số cung để nâng giá dầu mà chuyện không thành. Buồn ơi chào mi.
Hãy nói về nguyên do sụt giá đã.
Đầu tiên là chuyện cung cầu. Số dầu cung cấp trên thế giới hiện cao hơn số cầu đến triệu thùng một ngày. Nói về dầu thô, người ta dùng khái niệm “nhật lượng” là sản lượng trong một ngày. Số tiêu thụ của toàn cầu hiện ở mức 92 triệu thùng mà nhật lượng của các nước sản xuất lại cao hơn một triệu thùng, và giá dầu lại có mức đàn hồi (co giãn) rất cao nên giá sụt mạnh hơn sự chênh lệch cung cầu.
Cũng về mặt cung, nhật lượng của Mỹ là gần chín triệu thùng (tính đến cuối Tháng 10) nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật mới, là gạn đá phiến ra dầu (shale-oil). Ngoài ra, dù Libya có loạn cũng đã bơm thêm dầu, từ 200 ngàn thùng nay đã 900 ngàn. Xứ Iraq chưa êm thì cũng ráo riết bơm dầu để đạt nhật lượng kỷ lục là ba triệu 300 ngàn thùng. Cả thế giới cứ nói đến nguy cơ khủng hoảng vì tổ chức khủng bố ISIL tại Syria và Iraq, nhưng quân khủng bố cũng cần bơm dầu để bán.
Trong khi đó, số cầu trên thế giới lại giảm. Từ nhiều năm rồi, các nền kinh tế Bắc Mỹ đều đã cải tiến hiệu suất – là tiêu thụ ít hơn cho cùng một sản lượng. Mà kinh tế Trung Quốc và Âu Châu lại có dấu hiệu trì trệ. Lần thứ ba trong năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đánh sụt dự báo tăng trưởng toàn cầu, và qua năm tới thì tình hình chưa mấy khả quan.
Người ta có thể nghĩ rằng yếu tố cung cầu ấy chỉ có tính cách ngắn hạn và giá dầu lại vượt trần là trăm đô la một thùng sau khi sụt mất ba chục bạc. Trên lý thuyết, khi giá dầu hạ là người tiêu thụ tiết kiệm được tiền và xài vào việc khác nên sẽ kích thích kinh tế và làm tăng số cầu. Và cũng trên lý thuyết thì khi giá hạ, các doang nghiệp sản xuất bị mất lời nên sẽ điều chỉnh sản lượng và làm giảm số cung. Nhưng đấy là lý thuyết.
Về thực tế, số cầu tại Bắc Mỹ tiếp tục giảm và sẽ giảm nữa nhờ hiệu suất tiêu thụ và các loại năng lượng điền thế. Kinh tế Âu Châu chưa ra khỏi suy trầm mà cũng có chiều hướng cải tiến hiệu suất tiêu thụ. Còn Trung Quốc thì sẽ đi vào chu kỳ suy thoái, có khi còn bị khủng hoảng.
Trong lúc đó, các nước dầu hỏa Trung Đông như Libya, Iraq hay Iran đều cần tiền và ra sức bơm dầu. Riêng có Saudi Arabia thì đã trường vốn, có tiền, lại mưu toan giữ giá dầu thật thấp để chi phối sản lượng của các doanh nghiệp Mỹ đã tốn tiền đầu tư vào kỹ thuật đá phiến.
Vì vậy mà cung vẫn cao hơn cầu trong nhiều năm tới và giá dầu khó trở lại trăm bạc một thùng. Lại còn có thể sụt dưới mức sáu chục là ít.
Khi một sản phẩm sụt giá thì xứ nào tiêu thụ sẽ có lời và các nước sản xuất sẽ lỗ. Kinh tế học gọi đó là “tái phân lợi tức”, từ người bán sang người mua. Nhưng dầu thô là sản phẩm có tính chất chiến lược cho nên ảnh hưởng về giá cả cũng có kích thước chính trị.
Trước hết, các quốc gia chỉ sống bằng khu vực năng lượng chứ không có sản phẩm nào khác thì sẽ vất vả. Đó là trường hợp của Liên bang Nga, một xứ lạc hậu về kinh tế với sản lượng Vodka và võ khí rất khó bù lỗ cho ngành dầu khí. Nếu dầu thô mà sụt dưới 90 bạc là ngân sách sẽ lủng và chính trường chung quanh Putin sẽ lủng củng. Putin có thể ngang nhiên làm thịt Ukraine trước sự bất lực và hậm hực của các nước Tây phương, nhưng lại bị thị trường trừng phạt còn nặng hơn chính trường Âu Mỹ!
Cũng vì vậy mà Putin đã cố tình quậy nát Trung Đông, cho cậu bé Barack Obama cầm lon nước đi chữa lửa, để giữ giá dầu trên cái ngưỡng trăm bạc. Dù nước Nga chẳng là thành viên của OPEC, Putin vẫn cố gửi Sechin qua Vienna tiếp xúc với Saudi Arabia, Venezuela và Mexico để kêu gọi các nước xuất cảng hãm vòi sản xuất, mà không xong. Lý do là nhiều nước OPEC cùng thấy rằng chính Putin cũng chẳng thể hãm vòi của các giếng dầu ở Tây Bá Lợi Á.
Nhìn trong trường kỳ, người ta không quên là trong một phần tư thế kỷ, từ 1975 đến năm 2000, là giá dầu thô chỉ ở mức 12 tới 40 đô la một thùng mà thôi. Trong khoảng thời gian đó, sau khi Michael Gorbachev lên lãnh đạo Liên bang Xô viết, giá dầu còn sụt mạnh vào cuối năm 1985 khi Saudi Arabia mở vòi bơm…
Hai năm sau là Liên Xô cạn vốn. Hai năm suy sụp kinh tế sau đó mới góp phần làm cho chế độ tan tành.
Người ta cứ nghĩ rằng khi dầu thô lên giá, xứ nào cũng cố gắng bảo đảm nguồn cung cấp và vì vậy mà chiến tranh càng dễ bùng nổ. Nhưng khi dầu thô sụt giá trong nhiều năm liền, là trường hợp ngày nay, thế giới cũng rất dễ bị khủng hoảng. Gorbachev đã thấy điều đó.
Xin hãy ngồi xem.
Nhưng chính là trong kịch bản ấy ta mới nhớ đến kế hoạch của Putin khi chạy qua bán năng lượng cho Trung Quốc. Putin đã tưởng rằng khôn và độc khi nhận tiền dầu bằng đồng bạc của Tầu thay vì đô la Mỹ. Nào ngờ dầu thô sụt giá và đồng Nguyên sẽ mất giá nữa trong trận chiến hối đoái sắp tới. Trong khi đô la cứ lặng lẽ lên giá một cách đáng ghét. Kết quả là Nga thu về một đồng tiền mất giá trong khi vẫn phải trang trải các khoản nhập cảng khác bằng tiền Mỹ.
Rõ là hỏa bốc lên đầu khi dầu thô sụt giá!

Phần nhận xét hiển thị trên trang