Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Cách mạng văn hóa là tội của ai?


1967_cultural_revolution
Hidematsu Hiyoshi[1]
(trao đổi với giáo sư Mao Vu Thức)
Trong thời đại Mao Trạch Đông, dân chúng không có quyền tự do ngôn luận, tự do theo đuổi nghề nghiệp, tự do cư trú và tự do đổi nơi cư trú. Điều mà người dân có thể làm chỉ là sự phục tùng. Bởi vì “kẻ không phục tùng không có cơm ăn”, ai không phục tùng thì phải “đói mà chết dần”. Tất cả bi kịch cũng như mọi chuyện hoang đường xuất hiện trong thời Cách mạng Văn hóa không phải là trách nhiệm và lỗi lầm  của nhân dân Trung Quốc (trong đó có giáo sư  Mao Vu Thức[2]). Tạp chí Minh Kính số tháng 8 đăng bài “Kỉ niệm một vị nữ thánh” của Ngô Giá Tường.[3] Trong bài  có nhắc đến chuyện kinh tế gia Mao Vu Thức phát biểu trong lễ kỉ niệm tròn 90 năm ngày sinh Vương Bối Anh[4] rằng “Bi kịch Cách mạng Văn hóa dù do lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông đích thân đạo diễn, cộng thêm nhóm tứ nhân bang cùng những kẻ tay sai trợ ác cùng lắm cũng chỉ mấy trăm người. Vậy mà cả nước sáu bảy trăm triệu người điên cuồng vào cuộc. Có một nửa trách nhiệm ở người dân.
Nếu Mao Trạch Đông và lũ bốn tên sang Hoa Kì làm việc đó thì khẳng định là làm không nổi”.[5] Giáo sư Mao có dũng khí phản tỉnh như vậy thực đáng ca ngợi. Vậy mà người viết bài này quả thật không dám đồng ý với phát biểu cho rằng nhân dân phải gánh một nửa tránh nhiệm về bi kịch Cách mạng Văn hóa và nếu như là ở Mĩ thì không thể tiến hành được cuộc cách mạng đó. Chúng tôi cho rằng quan điểm đó có  vấn đề về logic rất đáng được trao đổi thêm.
 “Kẻ không phục tùng không có cơm ăn”
Cách mạng Văn hóa sở dĩ có thể phát động và lôi cuốn dân chúng – việc này hoàn toàn có quan hệ với thể chế chính trị Trung Quốc. Dưới thời Mao, dân không chỉ mất quyền tự do ngôn luận. Đến quyền tự do chọn nghề nghiệp, tự do cư trú và di chuyển cũng chả có. Mỗi một người đều trở thành “chiếc đinh ốc” trong cỗ máy quốc gia. Còn Nhà nước thì trở thành người chủ nhân công duy nhất, người kinh doanh của tất cả các xí nghiệp. L.Trotsky nói từ 1937: “Trong những nước mà Nhà nước là người thuê nhân công duy nhất, phản kháng đồng nghĩa với việc “từ từ chết đói”. Nguyên tắc xưa cũ “kẻ không lao động không được ăn” đã bị thay thế bởi nguyên tắc mới “kẻ không phục tùng không được ăn”[6] (sách “Đường đến nô dịch”). Trong một xã hội như thế, việc mà dân chúng có thể làm chỉ có thể là phục tùng và phục tùng. Bởi vì “kẻ không phục tùng không được ăn”, kẻ không phục tùng thì sẽ đối diện với uy hiếp của cái chết phải “từ từ chết đói”. 
Ta hãy xem tình cảnh xã hội Trung Quốc thời Mao. Chính quyền mới được thành lập sau 1949. Trong thập niên những năm 50 hàng loạt các cuộc vận động chính trị và trấn áp phản cách mạng do Mao phát động đã tiêu diệt triệt để giai cấp trí thức thân hào trong xã hội Trung Quốc truyền thống.
Những chức năng có tính truyền thống của xã hội Trung Quốc theo đó cũng tiêu vong. Trên một cơ  sở như thế Mao đã sử dụng năm thủ đoạn kể sau để khống chế chặt chẽ xã hội dưới tay  mình.
Thủ đoạn thứ nhất – Chế độ hộ khẩu
Chế độ hộ khẩu kiểu Trung Quốc phân tách thành thị và nông thôn. Nông dân suốt đời bị cầm cố ở nông thôn, các hộ dân quê không có cách nào để dời lên thành phố. Không có hộ khẩu thành phố thì không có chỗ làm, không có hộ khẩu thành phố thì không có phân phối lương thực, không có hộ khẩu thành phố không những không làm được bất cứ việc gì mà chính ra là không thể sinh tồn. Dân thành phố cũng bị cầm cố tại chính nơi cư trú của mình.
Việc chuyển chỗ ở giữa các thành phố cũng vì chế độ hộ khẩu mà chịu sự khống chế hoàn toàn. Chế độ hộ khẩu đó dẫn đến vấn đề bất bình đẳng về mức sống, việc làm, đi học giữa nông thôn và thành phố. Vậy nhưng chỗ giống nhau về quyền lợi chính trị mà dân nông thôn và dân thành phố được hưởng đều là “không có gì”.
Chế độ hộ khẩu Trung Quốc còn có một công năng khác, đó là thông qua hộ khẩu cưỡng chế những ai không phục tùng hay có kiến giải độc lập về nông thôn tiếp thu giáo dục lao động cải tạo. Sự khác biệt giữa thành phố và nông thôn kiểu như thế hoàn toàn là do con người tạo nên. Những ai có hiểu biết về thời kì lịch sử đó đều thấy rõ như thế
Thủ đoạn thứ hai – Chế độ tem phiếu phân phối
Mao Trạch Đông dùng chế độ phân phối tem phiếu để nắm chặt trong tay mình nguồn nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân sinh. Bất cứ một số lượng tiêu dùng nhu yếu phẩm nào cần thiết cho sinh hoạt đều được phân phối, người dân không thể tự do có được các nhu yếu phẩm đó. Khi mua lương thực không những cần có sổ mà còn cần cả tem phiếu, có tiền cũng không mua được định mức quy định theo tháng. Điều cần phải chỉ rõ là, phiếu lương thực còn chia thành loại phiếu thông dụng toàn quốc, loại phiếu dùng ở địa phương các tỉnh và loại phiếu dùng cho các thành phố. Trừ loại phiếu lương thực thông dụng toàn quốc ra, hai loại sau chỉ có thể dùng trong phạm vi các tỉnh các thành phố.
Người ta không thể xoay trở được nếu như không có phiếu lương thực. Chỉ riêng với chế độ phiếu lương thực đã có thể khống chế được quyền tự do hành động của dân chúng. Nhưng chế độ phân phối của Mao gồm một nội dung hết sức rộng rãi. Tất cả đều được phân phối theo phiếu – có phiếu dầu ăn, phiếu vải, phiếu trứng, phiếu đường, phiếu thịt, phiếu máy khâu, phiếu xe đạp,… Đến tết có phiếu hàng tết.Đủ loại tem phiếu quán xuyến toàn bộ đời sống người dân Trung Quốc.
Thủ đoạn thứ ba – Chế độ hồ sơ lí lịch
Chế độ hồ sơ lí lịch không xa lạ đối với mỗi người dân Trung Quốc. Cho dù anh học ở trường, công tác ở các đơn vị cơ quan hay về hưu ở nhà (về hưu hồ sơ lí lịch được chuyển về khối phố hoặc công xã nơi đương sự sinh sống). Hồ sơ lí lịch theo liền với từng người cho đến hết đời. Chức năng của chế độ hồ sơ lí lịch không thua kém gì một sự theo dõi ngầm của cơ quan công an. Trường học và cơ quan sẽ ghi vào hồ sơ nếu đương sự bị kỉ luật.
Những nhận xét hay giới thiệu mà chính đương sự không được đọc thấy hay không được chính đương sự xác nhận cũng được phê viết vào hồ sơ lí lịch. Tính cách tiêu cực hay tích cực của những lời phê đó ảnh hưởng đến đến cuộc sống giữa xã hội của chủ nhân bộ hồ sơ. Những ai có dũng cảm phàn nàn, nêu ý kiến hay phát ngôn trái lạ đều bị ghi vào trong hồ sơ lí lịch. Còn như việc sẽ chịu xử lí như thế nào thì chỉ còn trông chờ vào may rủi. Chế độ hồ sơ lí lịch phi nhân tính đó trên thực tế đã tước đi quyền tự do ngôn luận. 
Thủ đoạn thứ tư – Chế độ giáo dục lao động cải tạo
Giáo dục lao động cải tạo được nói là một loại xử phạt hành chính nhưng trên thực tế rất gống với xử phạt hình sự. Chế độ giáo dục lao động có tính tùy tiện, nó có thể do một đơn vị cơ quan quyết định. Như thế chế độ giáo dục lao động khiến cho các cơ quan đơn vị trở nên rất gần với một cấp tư pháp nhưng tùy tiện và vô pháp luật. Mặc dù nói là  xử phạt hành chính và được gọi là “trị bệnh cứu người” nhưng những người bị bắt đi lao động không những mất quyền tự do nhân thân đồng thời họ cũng trở thành “tiện dân” của xã hội và chịu sự kì thị.
Nghiêm trọng hơn là khi mãn hạn lao-giáo rồi người ta vẫn có thể cưỡng chế người bị giáo dục bằng lao động đó ở làm việc tại chỗ. Trên thực tế đó là một thứ tù không kì hạn, suốt đời bị giam thân cảnh tù, mất hẳn tự do. Việc có thể tùy ý thực hiện chế độ lao-giáo đối với dân chúng là biểu hiện của sự khủng bố chính trị thời Mao.
Thủ đoạn thứ năm – Chế độ cơ quan đơn vị
Dưới thời Mao, “cơ quan/đơn vị” trên thực tế chính là chỗ để khống chế cá nhân. Quyền tự do theo đuổi nghề nghiệp bị tước bỏ, tất cả mọi người đều nhận công tác theo sự sắp xếp của nhà nước. Người ta không có quyền chọn công việc và cũng không có quyền từ chối công việc được phân công. Nhà nước không cho phép tùy ý từ chức hay đổi công tác. Mỗi một người suốt đời làm việc ở những vị trí công tác đã được phân công.
Tiền lương do nhà nước quy định. Tình trạng đi làm cả đời không có tăng lương là rất nổi bật. Một khi anh rời khỏi đơn vị hoặc bị đơn vị khai trừ đồng nghĩa với việc hoặc là anh đã ra khỏi cái xã hội mà Mao đang khống chế hoặc là anh bị cái xã hội đó khai trừ. Anh sẽ lâm cảnh đường cùng, mất hết nền tảng sinh hoạt. Trong cái chế độ cơ quan-đơn vị đó, để sinh tồn kiếm sống nuôi gia đình anh chỉ có thể phục tùng và phục tùng.
Nhân dân Trung Quốc không có tội và cũng không có trách nhiệm về Cách mạng Văn hóa.Thời đại Mao Trạch Đông chính là dùng những thủ đoạn như thế để khống chế toàn bộ xã hội Trung Quốc. Cộng thêm vào đó là hết cuộc vận động chính trị trị này đến cuộc vận động chính trị kia. Tất cả khiến cho nhân dân Trung Quốc thực không có lấy một cơ hội nào để thở lấy hơi nữa. Cách mạng Văn hóa trong suốt quá trình của nó xem ra rất là hỗn loạn nhưng cả xã hội vẫn được khống chế chặt trong tay Mao. Mà Cách mạng Văn hóa là một cuộc vận động chính trị nhằm giải quyết chuyện người thừa kế quyền lực.
Nói cách khác Mao phát động Cách mạng văn hóa là nhằm mục đích biến giang sơn của một  đảng thành giang sơn của một nhà, chuẩn bị cho Giang Thanh tiếp nối quyền hành[7] (Xem Lưu Thông, “Mục đích của Cách mạng Văn hóa – Xác lập người thừa kế quyền hành”). Trong Cách mạng Văn hóa, từ trên xuống dưới, từ trong đảng đến người ngoài đảng tất cả đều bị cuốn vào trong đó. Người bị cuốn vào không biết nguyên do sự việc nhưng kẻ phát động thì từng bước hướng cuộc vận động đi đến mục tiêu đã dự định trước.
Nhiều lãnh đạo cấp cao bị cuốn vào mà không sao hiểu được nguyên do, họ lại còn đứng đó hô hào học tập. Họ cảm thấy chuyện dường như là “cách mạng gặp phải vấn đề mới”. Nhiều lãnh đạo bị lôi ra phê đấu bắt đầu công việc tự kiểm thảo đi kiểm thảo lại. Mao Trạch Đông bày đặt mê hồn trận, khiến cho đám đông những là “đối tượng của cách mạng” từ to đến nhỏ không biết phải như thế nào cho phải, suốt này hoảng hốt giữa rầm trời tiếng hô khẩu hiệu và tiếng hô đả đảo. Trong một không khí khủng bố chính trị như thế, quần chúng dân đen không chút quyền hành sống khác gì chết. Họ đến nói năng cũng phải giữ mồm, không cẩn thận là bị hàng xóm thậm chí chính vợ (chồng) con cái mình phản ánh, tố giác.
Trong thời buổi Cách Văn hóa, ai cũng run sợ cho bản thân, ngay cả người thân cũng không được tin. Lúc bấy giờ, “tin tưởng” đã trở thành từ đồng nghĩa của từ “nguy hiểm”. Bạn bè tri âm trở thành người cáo giác, người dám nói thẳng chẳng khác gì đang đào huyệt cho mình. Cả nước từ trên xuống dưới chỉ mỗi Mao là người hưởng quyền “tự do ngôn luận” ghi trong hiến pháp. Mọi công dân của cộng hòa quốc này đều đã bị tước bỏ quyền phát ngôn. Mọi hành động đều chờ chỉ huy của Mao, vạn vật sinh trưởng cũng nhờ sự tưới tắm của “lời dạy của chủ tịch” (ngữ lục).
Trong những năm tháng gọi là “cách mạng” đó, mở miệng là “muôn năm”, kiểm thảo ngày nào cũng có, tự sát trở thành ước mơ. Tất cả là để làm gì? Vận động quần chúng là để chặn đánh tâm lí phản nghịch của quần chúng. Vận động lãnh đạo cao cấp là để chống lại “lửa bất bình” nơi họ, làm cho họ cụp tai cúi đầu cam nô lệ. Mao gây bao án oan, bức đồng chí không ngừng tự kiểm thảo. Mao muốn tinh thần “tội tổ tông” thấm sâu vào thần dân. Chỉ như thế thì mới có thể khiến cho dự trù chính trị của mình thực hiện thông suốt. Ham sống sợ chết là thiên tính của con người.
Trong một xã hội mà không khí khủng bố nhuốm mùi tanh của máu, dân chúng xô dạt theo dòng lớn là chuyện không khó hiểu cả về tình lẫn về lí. Hẵng xem một người tài năng tót vời như Quách Mạt Nhược đã phải sống một cuộc sống run rẩy kinh hãi ra sao là đủ biết quần chúng thường dân vì sao lại phải “ngây cuồng”. Hẵng xem biết bao nhà văn nổi tiếng bỗng chốc tất cả cùng im lặng tập thể, gác bút tập thể là đủ thấy Mao Trạch Đông đã không chế thành công xã hội Trung Quốc đến mức nào. Cũng đủ để thấy dân chúng vì sao phải “ba phải a dua”. Bởi vì họ chỉ mỗi việc phải phục tùng, “ngây cuồng” hay “ba phải vào hùa” là kết quả của việc phải phục tùng. Không thế thì sẽ “dần dần chết đói”.
Dám chắc giáo sư  Mao Vu Thức cũng ở trong đội ngũ đó. Đó quyết không phải là tội lỗi và trách nhiệm của nhân dân Trung Quốc (gồm cả giáo sư trong đó). Quả đúng như giáo sư đã nói: “Nếu Mao Trạch Đông và lũ bốn tên sang Hoa Kì làm Cách mạng Văn hóa thì khẳng định là làm không nổi”. Sở dĩ những việc tương tự Cách mạng Văn hóa không thể phát động nổi ở Mĩ là bởi vì chế độ chính trị quốc gia này không cho phép các nhà chính trị muốn làm gì thì làm. Điều còn quan trọng là, các nhân vật chính trị ở Mĩ là do dân chúng bỏ phiếu chọn ra.
Tất cả những người đó (bao gồm cả tổng thống) đều phải chịu trách nhiệm trước dân chúng. Thế nên chính trị gia tại Mĩ không thể hành động khinh suất hay tùy ý trái phản ý dân. Ai cũng biết chính trị Trung Quốc thời Mao và chính trị Hoa Kì không giống nhau. Vậy đương nhiên là ngón nghề của Mao làm sao mà thi hành được ở Hoa Kì! Bản thân Mao cũng biết rõ điều đó. Sau lúc Liên Xô hạ bệ Stalin, chính Mao từng nói nếu như ở các nước phương Tây thì đã không có chuyện kiểu Stalin.[8] 
Thế nhưng Mao hoàn toàn không rút ra bài học gì cả. Sau vụ Watergate, Richard Nixon bị điều trần. Bill Clinton vì chuyện quan hệ ngoài hôn nhân mà bị quốc hội điều tra và ông đã buộc phải xin lỗi dân Mĩ.
 Ngược lại Mao chưahề có một lời xin lỗi nào về những việc sai lầm của mình. Bành Đức Hoài[9] dũng cảm vì dân cuối cùng cũng chỉ là “Tôi không uống thuốc của Mao Trạch Đông” “Tôi không ăn cơm của Mao Trạch Đông”.[10] Một nguyên soái chiến công hiển hách cũng chỉ biết dùng cách đó để phản kháng thì còn yêu cầu được người dân phải làm thế nào?
Một chế độ tốt đẹp có thể khiến một người xấu không dám làm việc hư, một chế độ bất lương có thể khiến người tốt làm việc xấu.
Đây là lí do vì sao người ta yêu cầu phải cải cách thể chế. Giả sử, nếu xưa kia các bậc tiên hiền buổi đầu nước Mĩ kiến quốc không dựng nên chế độ dân chủ, nếu  G.Washington sau 8 năm làm tổng thống không sáng suốt và dứt khoát rút lui khỏi đời sống chính trị, nếu không có việc những người kế thừa Washington thể chế hóa hành động của ông, nếu Washington thực hiện triệt để chế độ chính trị kiểu Mao thì hoàn toàn có thể khẳng định – việc xuất hiện thảm cảnh Cách mạng Văn hóa hay việc nảy sinh bi kịch tương tự bi kịch của những Trương Chí Tân[11], Vương Bối Anh là hoàn toàn có thể.
Vì vậy, tất cả những bi kịch hay những chuyện hoang đường xuất hiện trong Cách mạng Văn hóa chỉ có thể là trách nhiệm của kẻ phát minh Mao Trạch Đông. Nếu không sẽ là không công bằng đối với lịch sử và cũng là một điều sỉ nhục đối với người dân Trung Quốc – những kẻ không có chút quyền kinh tế và quyền chính trị nào trong tay.
Lê Thời Tân dịch từ nguyên bản tiếng Trung 
(Nguồn: tạp chí Thế giới mới số 14-2013 (1031) ngày 22-4-2013)
đăng lại từ trang khoavanhoc-ngonngu.edu.vn 

[1]Học giả Nhật gốc Hoa. Bài đăng trên 《明鏡月刊》nhan đề “文革”究竟誰之罪:與茅于軾先生商榷” (xin xem city.mirrorbooks.com).
[2]茅于軾 (Mao Yushi 1929-  ), nhà kinh tế học Trung Quốc đương đại. Năm 1958 bị quy “phái hữu” đình chỉ công tác. Trong Cách mạng Văn hóa bị khám nhà và đấu tố rồi bắt đi lao động. Nhận Giải thưởng kinh tế học Milton FriedmanLiberty Prize của Mĩ năm 2012.
[3] 吳稼祥(Wu Jiaxiang 1955 -  ), nhà nghiên cứu kinh tế học, từng thỉnh giảng tại Đại học Harvard. Sau sự kiện mùa xuân Thiên An Môn bị bắt giam. Mãn hạn tù năm 1992. Ngô là một trong những học giả đề xuất sớm nhất ý hướng cải cách xí nghiệp quốc doanh và thực hiện chế độ cổ phần ở Trung Quốc.
[4] 王佩英(Wang Peiying 1915-1970), nguyên là một nữ nhân viên ngành  đường sắt, do phản đối Mao Trạch Đông mà bị bắt vào viện chữa bệnh tâm thần. Trong Cách mạng Văn hóa bị gán tội phản cách mạng, nhét gạch vụn vào mồm và giong phố đấu tố. Sau đó bị phán quyết “lập tức tử hình”. Cuộc xử bắn ngày 27/1/1970 được truyền hình làm gương. Năm 1980 sửa án sai,  kết luận bị bệnh nhân tâm thần không nên kết án hình sự. Năm 2011 kết luận lại Vương vô tội và rút lại lời kết luận Vương mắc bệnh tâm thần.
[5] Xem Ngô Giá Tường, 《雖億萬人,吾往矣 - 紀念一位聖女》đăng trên《明镜月刊》số tháng 8/2010 (kì 6), tr.78.
[6] Xem Vương Minh Nghị dịch, 《通向奴役之路》, Trung Quốc Xã hội Khoa học Xuất bản xã, 1997, tr.116 (The Road to Serfdom  của Friedrich August von Hayek có bản dịch tiếng Việt Đường về  lệ của Phạm Nguyên Trường, Hà Nội, Nxb Tri thức –ND).
[7]Xem劉松,《文化大革命的目的-確立繼承人》introng日本大學大學院國際關係研究科《大學院論集》, kì 11, 2001, tr.61~85. Hoặc xem 關心 dịch,《毛澤東最後的革命》, Thinker Publishing (HKLimited xuất bản, 2009, tr.328 (tức cuốn Mao’s Last Revolution của Mac Farquhar và Roderick – ND)                                                                                                                                        
[8] Xem《鄧小平文選》, quyển 2, tr.333
[9] Bành Đức Hoài (1898-1974), nguyên soái, từng là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chống lại chính sách Đại nhảy vọt của Mao từ Hội nghị Lư Sơn (1959). Bị quy tội phản đảng cách chức và kỉ luật. Trong Cách mạng Văn hóa bị đấu tố đánh đập rồi quy tội gián điệp. Bị thầm vấn hàng trăn lần. Mắc bệnh không được chạy chữa, chết ngày 29/11/1974. Trước lúc chết xin được gặp vợ đã li hôn đang lao động cải tạo ngoại ô Bắc Kinh nhưng bị vợ từ chối. Bình đựng tro cốt ghi thành họ tên khác. Được khôi phục danh dự năm 1978. Ghi chép trong tù xuất bản thành sách nhan đề “Bành Đức Hoài tự thuật” (ND).
[10] Xem 馬輅,佩璞,馬秦泉,《彭德懷廬山起禍》(Bành Đức Hoài – Tội khởi từ Hội nghị Lư Sơn), Nhã Lâm xuất bản xã, 1990, tr.36.
[11] Trương Chí Tân (1930-1975), đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc. Bị bắt tù từ 1969 cho đến 1975 vì dám phê phán sùng bái cá nhân và bệnh tả khuynh. Khác biệt giữa hai người phụ nữ Trương Chí Tân và Vương Bối Anh ở chỗ Trương trước sau không phủ nhận tư cách đảng viên của mình, trong lúc Vương sớm xin ra khỏi đảng. Trương trước lúc đem ra tử hình đã bị tra tấn đến phát điên nhưng vẫn bị cho là giả vờ trong lúc Vương khi đưa ra bắn bị xem là điên. Vương bị siết cổ khi đem ra pháp trường còn Trương bị cắt yết hầu trước khi xử tử. Năm 1978 Trương được khôi phục danh dự, năm 1979 công nhận liệt sĩ (ND).  

Phần nhận xét hiển thị trên trang

lần trỗi dậy đầy đe dọa của Trung Quốc

Cuộc xung đột ở biển Đông đánh thức dậy những nỗi lo sợ có gốc rễ sâu xa tại Đông Nam Á: một sự thống trị của Trung Quốc. Một chuyến viếng thăm Việt Nam cho thấy việc đối phó với cường quốc mới khó khăn cho tới đâu.

Sao vàng trên nền đỏ. Học viên sĩ quan chỉnh tề trong những bộ đồng phục trắng. Thêm vào đó là mặt trời lặn trên biển và những bài ca về quê hương. Trong truyền hình nhà nước Việt Nam, việc tạo khí thế yêu nước ngày càng đạt tới những đỉnh cao mới. Chính phủ ở Hà Nội dựa vào xúc cảm – và thông điệp là rất rõ ràng: Trường Sa và Hoàng Sa, như hai quần đảo ở biển Đông được Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền có tên trong tiếng Việt, là thuộc Việt Nam. Chấm hết.
Trung Quốc nhìn điều này có khác đi: Sau khi giàn khoa đầu tiên của Trung Quốc được neo lại trong vùng biển tranh chấp vào đầu tháng Năm thì giàn khoan kế đến đã tiếp theo đó vào giữa tháng Sáu. Trung Quốc tiến hành một hình thức mới của chính sách đối ngoại bành trướng ở biển Đông, cái không bao lâu nữa cũng có thể được áp dụng ở những vùng khác, điều này thì các chuyên gia châu Á thống nhất với nhau. Và qua đó, Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng từng bước một – khiến cho Đông Nam Á lo ngại, nhưng cũng cả Nhật Bản và Hoa Kỳ nữa. Và các quốc gia tương đối nhỏ ở xung quanh đối phó rất khó khăn với siêu cường quốc mới, mặc cho có sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ như trong trường hợp của Philippines. Cơn thịnh nộ về bước tiến đơn phương của láng giềng to lớn đã bùng phát thành những cuộc biểu tình bạo lực vào giữa tháng Năm trong nhiều tỉnh của Việt Nam. Trong đó đã có bốn người bị thiệt mạng. Chính phủ Việt Nam đã đối phó một cách cương quyết với những người biểu tình bạo lực. Hiện giờ tình hình đã kiểm soát được.
Cuộc xung đột đời đời
Khi nói chuyện với người Việt về tranh chấp lãnh thổ thì lịch sử đầy xung đột của hai nước sẽ được nhanh chóng đề cập tới. Người ta sẽ nói về Ngô Quyền, người năm 938 đã giành được nền độc lập cho Việt Nam từ Trung Quốc. Hay Lê Lợi và hai bà Trưng, những người đã đánh đuổi người Trung Quốc. Nghe giống như là những nhân vật của thời hiện tại.
“Từ 1000 năm nay, các hòn đảo đó thuộc Việt Nam. Những gì Trung Quốc đang làm là bất hợp pháp”, một người đàn ông cao tuổi nói, người đang ngồi nghỉ tại hồ Hoàn Kiếm trong trung tâm của thủ đô Hà Nội vào một ngày nóng nực. “Cuộc đấu tranh chống Trung Quốc”, trưởng phân tích về địa chính trị của thinhtank Mỹ Stratfor, Robert D. Kaplan, đã viết như vậy trong quyển sách mới nhất của ông về xung đột ở biển Đông, “là cốt lõi của lịch sử Việt Nam.”
Vì vậy mà người khách đến thăm nhìn thấy cuộc tranh chấp biển đảo ở khắp nơi trong nước. Ở lối vào của Bảo tàng Lịch sử thủ đô Hà Nội, ba tấm bản đồ có nhiệm vụ chứng minh cho quyền sở hữu các hòn đảo lâu đời hàng nhiều trăm năm. Cả tại các cảng hàng không, khách du lịch cũng được thông tin về việc này bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Những ngày này tại thành phố cảng Đà Nẵng ở trung phần Việt Nam, trong khuôn khổ của một hội nghị quốc tế, một cuộc triển lãm đã được khai mạc, sưu tập nhiều tài liệu và bản đồ qua nhiều thế kỷ như là những bằng chứng. Ngay cả trên những hòn đảo nhỏ ở biển Đông cũng có những cuộc triển lãm di động, có nhiệm vụ chứng minh cho các quyền lịch sử của Việt Nam.
Sở hữu lịch sử: Một cuôc triển lãm mới trưng bày những tấm bản đồ chứng minh cho quyền sở hữu của Việt Nam. Hình: DW/P. Ebbinghausen
Sở hữu lịch sử: Một cuôc triển lãm mới trưng bày những tấm bản đồ chứng minh cho quyền sở hữu của Việt Nam. Hình: DW/P. Ebbinghausen
Chiến đấu? Hay chấp nhận bị áp bức?
“Người Việt căm ghét những gì người Trung Quốc đang làm trước bờ biển Việt Nam”, người đàn ông già ở cạnh hồ nói tiếp. “Nhưng cũng cần phải bình tĩnh và tìm một giải pháp hòa bình.” Một người đàn ông khác thêm vào: “Tôi không thể nghĩ rằng sẽ có chiến tranh trong tương lai gần đây. Trung Quốc và Việt Nam có nhiều mối quan hệ chặt chẽ trên nhiều bình diện.” Và ở một nơi thuộc ngoại ô Hà Nội, một cựu chiến binh nhấn mạnh với Làn sóng Đức: “Không có ai muốn chiến tranh cả.”
Nhưng xung đột này có thể được giải quyết cụ thể như thế nào thì không ai biết. Những người đàn ông ở hồ Hoàn Kiếm nhất trí với nhau, rằng Việt Nam cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, vì so với Việt Nam thì Trung Quốc là một kẻ khổng lồ. “Nếu không thì chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhập sự đàn áp của Trung Quốc.”
Thư giãn tại hồ Hoàn Kiếm: người Việt hy vọng vào mọt giải pháp hòa bình. Hình: DW/P. Ebbinghausen
Thư giãn tại hồ Hoàn Kiếm: người Việt hy vọng vào mọt giải pháp hòa bình. Hình: DW/P. Ebbinghausen
Nhiều phương cách, không có giải pháp
Ở hội nghị kéo dài nhiều ngày tại Đà Nẵng, các chuyên gia từ mười nước cũng rất khó khăn trong việc tìm một phương cách cụ thể. Jerome Cohen từ New York Scholl of Law nói: “Trung Quốc sẽ ở lại đó. Không thể chấp nhận việc không làm gì cả. Và cũng không thể chấp nhập mạo hiểm một cuộc chiến.” Phải thúc đẩy Trung Quốc đi vào khuôn khổ của luật lệ quốc tế. Điều đó có thể tiến hành ra sao thì vẫn không rõ – vì cho tới nay thì Trung Quốc cự tuyệt điều nói chung là có một cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Leszek Buszynski, giáo sư về chính sách đối ngoại tại Đại học Quốc tế ở Nhật Bản, cho rằng điều chính là Đảng Cộng sản Việt Nam phải giải phóng mình khỏi đảng anh em Trung Quốc. Và Gregory Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington ủng hộ một cách tiếp cận khu vực: đặc biệt là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải tiếp tục phát triển một bộ quy tắc ứng xử.
MỘt gian phòng đầy người thông thái: thế nhưng các nhà phân tích cũng không tìm thấy một giải pháp tại hội nghị ở Đà Nẵng. Hình: DW/P. Ebbinghausen
MỘt gian phòng đầy người thông thái: thế nhưng các nhà phân tích cũng không tìm thấy một giải pháp tại hội nghị ở Đà Nẵng. Hình: DW/P. Ebbinghausen
Carl Thayer của đại học Úc không còn tin vào thành công của những quy tắc như vậy nữa, vì Trung Quốc ngay từ bây giờ không tuân thủ theo bản ghi nhớ do ASEAN và Trung Quốc đưa ra năm 2002, nhằm phát triển một bộ quy tắc ứng xử. Ông đề nghị đưa ra Liên Hiệp Quốc. Điều đó lại bị nhiều chuyên gia cho rằng ít có triển vọng, vì Trung Quốc có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an.
Sự pha trộn từ cảm xúc dân tộc mạnh mẽ và oán giận lâu đời nhiều thế kỷ khiến cho một giải chính trị trở nên rất khó khăn, Gerhard Will từ Viện Khoa học và Chính trị ở Berlin nói. Các chính phủ ở mọi bên đều hứa hẹn với người dân của họ nhiều cho tới mức hầu như không còn có không gian cho thương lượng nữa. Thay vào đó là chỗ cho xúc cảm, tuyên truyền và học viên sĩ quan chỉnh tề.
Làn sóng Đức

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THỜI GIAN VÀ NGHIỆP BÁO



Khi con chim còn sống, nó ăn kiến.
Khi chim chết, kiến ăn nó !
Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào,
Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này.
Bạn có thế đầy quyền lực ngày hôm nay,
Nhưng đừng quên rằng,
Thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn.
Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm,
Nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.
Hãy là người tốt và làm những điều tốt.
Thử nghĩ mà xem,
Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý,
Nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:
1-Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.
2-Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.
3-Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.
4-Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.
5-Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bình Nhưỡng kêu gọi thành lập liên bang?

NET. 
Bắc và Nam Triều Tiên không nên là nạn nhân của những nỗ lực bên ngoài mà bắt đầu từ Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã tuyên bố và kêu gọi Seoul thực hiện các bước theo hướng thống nhất thông qua một mô hình liên bang trong đó tồn tại các ý thức hệ khác nhau và hệ thống xã hội sẽ cùng tồn tại.


Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham dự một buổi lễ ra mắt của bức tượng của Kim Il Sung và Kim Jong Il trong buổi lễ khánh thành trại Quốc tế thiếu nhi Songdowon, trong bức ảnh không ghi ngày tháng phát hành bởi Trung tâm Thông tấn xã Hàn Quốc của Bắc Triều Tiên (KCNA) tại Bình Nhưỡng ngày 03 tháng 5 2014. (Reuters/ KCNA)
"Miền Bắc và miền Nam nên đưa ra các đề nghị thống nhất đất nước bằng mô hình liên bang và nỗ lực để hiện thực hóa chúng, tích cực thúc đẩy sự tồn tại cùng nhau, cùng thịnh vượng vì lợi ích chung", Bình Nhưỡng cho biết trong một tuyên bố.
CHDCND Triều Tiên nói rằng cả hai nước nên tìm kiếm "đề nghị thống nhất hợp lý" được hỗ trợ bởi cả hai "để đạt được sự thống nhất thông qua một công thức liên bang tại Hàn Quốc nơi mà hệ tư tưởng khác nhau và các hệ thống xã hội cùng tồn tại".
Hiện nay, một bức tường bê tông chạy dài 240 cây số dọc theo Giới tuyến phía Nam như một rào cản trên bán đảo Triều Tiên. Miền Bắc đang kêu gọi miền Nam cùng "chung tay" để giải quyết những bất đồng và theo đuổi "các vấn đề thống nhất của đất nước phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của dân tộc".
CHDCND Triều Tiên kêu gọi tập trung vào tuyên bố chung của ngày 15 tháng 6, theo một tài liệu đã được ký kết vào năm 2000 tại Bình Nhưỡng giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il.
Binh sĩ Hàn Quốc đứng gác tại ngôi làng đình chiến Panmunjom trong các khu phi quân sự (DMZ) giữa Bắc và Nam Triều Tiên (AFP Photo / Ed Jones)

CHDCND Triều Tiên đang đề xuất để "tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hòa giải và thống nhất" và kết thúc "vu khống và lăng mạ nhau" tạo ra sự hiểu lầm và nghi ngờ từ phía Hàn Quốc.
Các biện pháp pháp lý và thể chế ngăn chặn đoàn tụ gia đình nên được dỡ bỏ và một "đại lộ rộng rãi cho các địa chỉ liên lạc, thăm viếng, hợp tác và đối thoại được mở ra".
Trong khi đó, miền Bắc nói rằng cả hai nước nên "chấm dứt thái độ thù địch và đối đầu liều lĩnh" cho quá trình hòa giải và thống nhất.
Bình Nhưỡng kêu gọi nước láng giềng ngăn chặn tất cả các "cuộc tập trận nhằm vào mục tiêu là miền Bắc” và từ chối phụ thuộc vào "người ngoài" để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Phạm Hùng (t/h)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kissinger và Trung Quốc (2)



Sẽ không có gì quá lời khi cho rằng, Kissinger là nhân vật nổi bật nhất của trường phái ngoại giao “con thoi” thời chiến tranh lạnh. Ông ta thực hiện chính sách ngoại giao do chính mình vạch ra một cách tận tụy và khéo léo. Đột phá quan hệ với TQ, đàm phán với Liên Xô về hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược, thương lượng với VNDCCH nhằm tìm một con đường rút lui danh dự cho nước Mỹ, ông ta di chuyển như coi thoi giữa Washington – Pari – Moscow và Bắc Kinh.
Xem ra, Kissinger đàm phán với TQ dễ dàng hơn nhiều so với VNDCCH, vì Bắc VN không chịu thỏa hiệp. Kissinger khen những nhà thương lượng Bắc VN cứng rắn, nguyên tắc, kỷ luật và vô cùng kiên nhẫn, song “chê” họ là những nhà thương lượng tồi. Chừng nào mà họ chưa chịu thay từ “phải” bằng “sẽ là”, chừng đó cuộc hòa đàm Pari chưa thể tiến triển – Kissinger kết luận.
Và Kissinger cũng gặp không ít khó khăn khi thuyết phục VNCH.
Với bản dự thảo Hiệp định Pari đã thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và VNDCCH, ngày 18.10.1972, Kissinger tới Sài Gòn. Khi nghiên cứu bản dự thảo, Tổng thống Thiệu hết sức sửng sốt vì tất cả những đề nghị, phản đề nghị của Nam VN đã bị bỏ qua. Thiệu nói: “xin hỏi ngài ba nước Đông Dương được đề cập đến là những nước nào?”. Kissinger trả lời, không hề ấp úng: “à chắc đó là lỗi in sai” và mặc dù nó xuất hiện không chỉ một lần trong dự thảo hiệp định nhưng Kissinger cứ khăng khăng đó là lỗi in sai. Đối với Thiệu, có tất cả bốn nước, trong đó “hai nước VN” là VNDCCH và VNCH theo Hiệp định Giơnever năm 1954, chờ ngày thống nhất, dù chưa biết là ngày nào.
“Điều gì sẽ đến với quân đội Bắc VN khi hiệp định Pari ký kết?”. “Sẽ không có sự xâm nhập từ miền Bắc của quân cộng sản và quân đội VNCH hùng mạnh với 1,1 triệu quân chẳng có gì phải sợ hãi 140 ngàn quân Bắc VN”. Trả lời của Kissinger có nghĩa là quân Bắc VN được phép ở lại miền Nam. Thiệu dứt khoát yêu cầu Kissinger sửa đổi 69 điểm trong bản dự thảo Hiệp định. Dù sao, chẳng còn bao lâu nữa, cuộc hòa đàm Pari sẽ kết thúc.
Đi đêm với Bắc Kinh, Kissinger đe dọa Bắc VN qua đại sứ TQ:
“Đàm phán đã đến lúc có hậu quả nghiêm trọng: Bắc VN đòi Mỹ hoặc trở lại hiệp định cũ, hoặc nhận một hiệp định xấu hơn. Mỹ không thể chấp nhận cả hai điều kiện đó. Nếu Bắc VN cứ giữ lập trường đó thì đàm phán đứt quãng và Mỹ sẽ có mọi hành động bảo vệ nguyên tắc của mình”.
Cuộc ném bom Giáng sinh là nỗ lực cuối cùng của Hoa Kỳ trong cuộc chiến VN. Nixon và Kissinger tính toán, nước cờ này vừa làm hài lòng Nam VN, vừa gây sức ép tối đa lên Bắc VN. Dĩ nhiên, đàm phán bị cắt đứt.
Kissinger yêu cầu TQ khích lệ Bắc VN trở lại đàm phán để giúp giải quyết tình hình căng thẳng. TQ bèn lên tiếng chỉ trích cuộc ném bom Giáng sinh, nhưng Kissinger nhận thấy sự chỉ trích là “ôn hòa”. Ngày 6.1.1973, Lê Đức Thọ trở lại Pari và ba tuần sau đó, Hiệp định về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN được bốn bên chính thức ký kết tại Pari. Kissinger và Lê Đức Thọ cùng được giải Nobel về hòa bình.
Kissinger phát hiện, người chế ngự chính sách ngoại giao của TQ là Mao chứ không phải Chu Ân Lai. Chu vẫn là người thừa hành và về mặt này, phải nói ông ta tỏ ra rất xuất sắc.
Kissinger nói với các cố vấn của Chu: Thủ tướng của các ngài nói tôi là người duy nhất có thể phát biểu trong 30 phút chỉ toàn là những lời trống rỗng. Tôi không giận Thủ tướng, nhưng ông ấy đã tiết lộ bí mật về tôi !?
Tháng 10.1975, Kissinger đã có một cuộc nói chuyên dài với Mao tại Trung Nam Hải, có mặt Đặng Tiểu Bình.
Mao tán dương Kissinger:
- Ngài quá bận.
Kissinger:
- Ngài cho rằng hành trình của tôi dài quá hay sao?
Mao:
- Tôi nói ngài quá bận, nếu không bận như vậy, xem ra ngài không phát huy được tác dụng. Ngài không thể không bận. Khi mưa gió tới thì con chim én luôn bận rộn.
Kissinger thán phục Mao:
- Muốn hoàn toàn lĩnh hội hàm ý sâu sắc câu nói này của Chủ tịch, tôi phải mất vài ngày.
Mao tiếp:
- Thế giới này không yên tĩnh. Một cơn bão tố, mưa gió sẽ ập tới. Khi mưa gió tới thì con chim én luôn bận rộn.
Kissinger không vừa:
- Đúng vậy, song tôi hy vọng tác động của tôi đối với bão tố phải lớn hơn so với tác động của chim én đối với mưa gió.
Mao:
- Cho mưa gió đến chậm lại là có khả năng, nhưng muốn ngăn chặn nó là khó khăn.
Kissinger:
- Song khi bão ập đến, liệu có tìm được một tình thế tốt nhất để đối phó với bão hay không là điều rất quan trọng. Chúng tôi tán đồng quan điểm của ngài cho rằng mưa gió sắp tới hoặc có thể sẽ tới, chúng ta cố gắng điều chỉnh bản thân trong tình thế tốt nhất, song không phải né tránh mà là chiến thắng nó.
“Mưa gió” và “bão tố” đã tới – có thể thấy điều đó qua sự kiện HD-981 của TQ. Và không ai khác, chính các nhà lãnh đạo thế hệ thứ năm của TQ đem nó tới. Giờ đây, vấn đề quan trọng đối với VN – như Kissinger nói, “không phải né tránh mà là chiến thắng nó”.
Tại Bắc Kinh, Kissinger gặp những đối thủ đáng gờm như Mao, Chu, Đặng. Mao thường thăm dò Kissinger khả năng Liên Xô tấn công TQ. Mao nói, Liên Xô tập trung một triệu quân ở biên giới Trung – Xô là chưa đủ cho một cuộc tấn công, họ phải có thêm một triệu quân nữa. “Chúng tôi có thể điều họ đi đâu, đến đâu. Họ muốn vào lưu vực Hoàng Hà ư? Tốt, tốt lắm. Còn họ muốn vào sâu lưu vực Trường Giang? Cũng không tồi”. “Nhưng nếu họ chỉ cho máy bay đến ném bom thì sao” – Kissinger hỏi. “Làm gì ư? Có lẽ ngài phải lập một hội đồng để nghiên cứu vấn đề này. Chúng tôi là nước XHCN, Liên Xô cũng XHCN, thành ra CNXH đánh CNXH” – Mao nói.
Kissinger có khuynh hướng ưu ái TQ. Ông ta ca ngợi cả lãnh đạo TQ đương nhiệm: “Tôi mới chỉ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình một vài lần, nhưng tôi đã rất ấn tượng bởi quyết tâm và sự can đảm của ông ấy. Ban lãnh đạo mới đã bắt đầu tiến hành một loạt cải cách. Những cuộc cải cách này có thể không diễn ra một cách êm ả, nhưng tôi tin rằng ông ấy có ý chí và khả năng để vượt qua những vấn đề đó”.
Nhưng, chúng ta khó có thể tán thành đánh giá ấy của Kissinger về Tập – chắc rằng, vụ HD-981 và các sự kiện trong tương lai sẽ nhanh chóng trả lời. Thử hỏi, “quyết tâm” và “sự can đảm” của TQ gần đây – dưới sự lãnh đạo của Tập, có được thế giới tôn trọng hay không? Có nhận được sự ủng hộ của thế giới hay không?
Chơi con bài TQ là một trong những thành công ngoại giao lớn nhất của Kissinger. Nền ngoại giao mà ông ta tiến hành đầy ấn tượng. Kissinger sử dụng những mánh khóe ngoại giao lắt léo với ngôn ngữ hoa mỹ, tinh tế, trí tuệ, pha chút tự phụ nhưng làm đối phương vì nể. Cho dù có ưu ái TQ, nó vẫn khác xa nền ngoại giao “pháo hạm”, “đổi trắng thay đen”, “biến không thành có”, “trơ tráo” – dựa trên thứ chính trị cường quyền đang phơi ra trước thế giới của TQ. Có lẽ, một nhà ngoại giao xuất chúng, lừng danh như Kissinger cũng khó mà lý giải hiện tượng “quái gở”đó? Ta hãy chờ xem.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngoại trưởng cuối cùng của Liên Xô qua đời


Eduard Shevardnadze, ngoại trưởng cuối cùng của Liên Xô và là cựu tổng thống Georgia, qua đời ở tuổi 86.
Trợ lý của ông, Marina Davitashvili, nói ông qua đời hôm thứ Hai sau thời gian dài lâm bệnh.
Eduard Shevardnadze hầu như chẳng có mấy tiếng tăm ở bên ngoài Georgia vào thời điểm khi Mikhail Gorbachev đề cử làm ông vào chức ngoại trưởng Liên Xô vào năm 1985.
Nhưng việc ông thiếu kinh nghiệm trong công tác đối ngoại đã được bù đắp bằng mong muốn thúc đẩy cải cách.
Ông đã đóng một vai trò then chốt trong các hiệp định vũ khí theo đó giảm đáng kể nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Nhưng sau đó ông đã bị lật đổ trong cương vị nhà lãnh đạo của Georgia vì những cáo buộc tham nhũng.
Eduard Shevardnadze sinh ngày 25 tháng 1 năm 1928 tại thành phố Lanchkhuti tại Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết.
Xe hơi sang trọng
Khu vực này của Liên Xô cũ bao gồm cả Armenia, Azerbaijan và Georgia.
Cha ông là giáo viên và cũng là một cộng sản nhiệt thành nhưng mẹ ông không ủng hộ tư tưởng cộng sản. Mẹ ông từng cố gắng thuyết phục cha ông, và sau đó là con trai mình, từ bỏ các hoạt động chính trị của họ.
Ông tham gia phong trào thanh niên của Đảng Cộng sản vào năm 1946 và thăng tiến nhanh trong hàng ngũ để trở thành lãnh đạo đảng tại Georgia vào năm 1972.
Trong những năm 1970, ông đã đấu tranh với nạn quan liêu và đưa ra các biện pháp cải tổ kinh tế thị trường.
Ông đặc biệt quan tâm tới việc bài trừ tham nhũng trong Đảng Cộng sản, tước quyền dùng hàng trăm xe hơi sang trọng và biệt thự của quan chức của đảng và miễn nhiệm nhiều người khác.
Trên thực tế những cải cách của Shevardnadze qui mô tới mức một số người cho rằng các chính sách cải tổ - glasnost - đã được đưa ra không phải do Gorbachev trong những năm 1980 mà do Shevardnadze vào những năm 1970.
Trong cương vị ngoại trưởng của Liên Xô từ năm 1985 đến năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu tan băng, ông giám sát quá trình chuyển đổi trong chính sách đối ngoại của Liên Xô.
Từ chức
Cùng với Mikhail Gorbachev, ông Shevardnadze đã giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Là người hầu như không có kinh nghiệm về ngoại giao, ông đã trở thành một đại sứ cho các chính sách của nhà nước Xô Viết mới về cải tổ và tái cơ cấu.
Ông đã đàm phán một loạt các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng, gồm cả hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung theo đó loại trừ toàn bộ vũ khí nguyên tử.
Ông rút lính Liên Xô khỏi chiến dịch đẫm máu của họ tại Afghanistan và mở đường cho quá trình hình thành độc lập cho các nước từng là Bức Màn Sắt của Đông và Trung Âu, thông qua việc chấm dứt sự hiện diện quân sự của Liên Xô.
"Bạn biết đấy," ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, "chúng ta thật sự đã làm thay đổi thế giới vào thời điểm đó ... và công trạng chính lại thuộc về Gorbachev."
Là người thành công trong mối quan hệ ấm áp mới của Moscow với phương Tây và là một người bạn của Ngoại trưởng Mỹ, James Baker, quan điểm tự do của Shevardnadze khiến ông có nhiều kẻ thù, là những người theo đường lối cứng rắn ở trong nước.
Việc ông từ chức vào tháng 12 năm 1990 là cú sốc cho chính Tổng thống Gorbachev.
Trước những lo ngại rằng nhà lãnh đạo Xô Viết có thể xuống thang trước các phần tử bảo thủ, ông Shevardnadze cảnh báo rằng Liên Xô đối mặt với một chế độ độc tài đang ló rạng khi đó.
Tám tháng sau, vào tháng 8 năm 1991, khi những chiếc xe tăng tiến vào Moscow trong một nỗ lực đảo chính, dự đoán của ông Shevardnadze dường như đã trở thành sự thật.
Thiếu thốn
Ông đã cùng với Boris Yeltsin đối chọi với những người lên kế hoạch đảo chính
Ông đã cùng với Boris Yeltsin đối chọi với những người lên kế hoạch đảo chính.
Cuộc đảo chính thất bại chỉ trong vài ngày và Shevardnadze, chỉ trong một tháng, đã một lần nữa trở thàng ngoại trưởng của Liên bang Xô viết đang tan rã.
Chính Georgia quê hương ông cũng tan rã do bạo lực giữa các phe phái. Một cuộc nội chiến nổ ra và nền kinh tế sụp đổ kéo theo thực trạng thiếu lương thực và chất đốt.
Vào tháng Ba năm 1992, ông Shevardnadze trở lại thủ đô Tbilisi, sau khi Tổng thống Georgia đã bỏ trốn. Vì không bị chống đối trong cuộc bầu cử lãnh đạo, ông đã có thể đảm bảo được trật tự, thậm chí ngay trong quốc hội của ông.
Ông thành công trong việc dập tắt cuộc nội chiến đẫm máu, nhưng đất nước vẫn bất ổn.
Vào năm 1995, ngay sau khi thoát chết từ một âm mưu ám sát, ông được bầu làm Tổng thống Georgia.
Ngoài vấn đề ly khai nhà nước tiếp tục diễn ra, ông phải đối mặt với xung đột chính trị với các nhà nước láng giềng trong việc ấn định một đường ống dẫn dầu hết sức quan trọng về kinh tế từ các mỏ dầu Baku gần đó.
Nhưng, với nạn tham nhũng vẫn hoành hành, ông Shevardnadze đối diện các lời kêu gọi cải cách chính trị nhiều hơn nữa.
Và cao trào rốt cùng đã xảy ra vào tháng 11 năm 2003 khi, sau khi ông đã giành được một chiến thắng gây tranh cãi trong cuộc bầu cử tổng thống Georgia, ông bị lật đổ.
"Tôi nghĩ việc tôi từ chức là cách duy nhất để tránh đổ máu"
Giới chỉ trích ông, những người chiếm quốc hội Georgia, cáo buộc Shevardnadze cũng tham nhũng và chống dân chủ như những người mà ông đã thay thế. Ông không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải từ chức.
"Tôi nghĩ," ông nói, "việc tôi từ chức là cách duy nhất để tránh đổ máu."
Eduard Shevardnadze là người được xem là có tính cách dễ chịu, khác xa với người tiền nhiệm của ông là Ngoại trưởng Liên Xô, Andrei Gromyko.
Thế và tầm quốc tế của mình khiến ông trở thành nhà lãnh đạo cố nhiên cho Georgia nhưng ông cũng bị buộc phải đối mặt với thực tế chính trị mới.
Shevardnadze từng tuyên bố, với một số bằng chứng, rằng ông là người đã giúp ngưng Chiến tranh Lạnh, giải phóng Trung Âu, thống nhất Đức và dân chủ hóa Liên Xô.
Nhưng người đàn ông đã từng rao giảng về tầm quan trọng của việc đẩy mạnh dân chủ đã bị lật đổ bởi những người định nghĩa thuật ngữ này một cách hoàn toàn khác với định nghĩa của chính ông.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xe hơi không người lái : Giấc mơ viễn tưởng sắp thành hiện thực



Theo AFP, Google - nhà khổng lồ tin học Mỹ - sắp cho ra lò sản phẩm của khoa học viễn tưởng : Xe hơi không người lái. Hơn 160.000 cây số chạy thử nghiệm, chỉ với hai trục trặc. Với sáng chế này, tại Hoa Kỳ mỗi năm mạng sống của hàng ngàn người có thể sẽ không bị đe dọa.
Tại khu trung tâm của thung lũng Silicon, khách bộ hành dường như không để ý tới một chiếc Lexux trắng chạy từ tốn, dừng lại trước đèn xanh để đợi khách qua đường. Khác biệt duy nhất : Đây là chiếc xe tự động không người lái do Google thử nghiệm.

Xe hơi tự động của Google được trang bị trên trần một chiếc radar với các tia laser để thu nhận thông tin từ toàn bộ khu vực xung quanh. Một camera được đặt phía trước. Toàn bộ các dữ liệu này được các máy tính trên xe xử lý với tốc độ « siêu nhân » để đưa ra các quyết định hành động tương tự như một tài xế lão luyện.

Chiếc xe được nối mạng internet. Một thành viên của ê kíp thực nghiệm của Google bằng máy tính quan sát toàn bộ những gì mà chiếc « xe hơi » quan sát thấy. Một thành viên khác, ngồi ở ghế khách đi xe, sẵn sàng can thiệp, nếu cần thiết.

Dự án xe hơi tự động của Google đã bước sang năm thực nghiệm thứ sáu. Nhiều trở ngại lớn về kỹ thuật đã được vượt qua, cho phép xe tự động có thể chạy trên đường phố đông đúc. Hệ điều hành tin học của xe hơi được cải thiện cho phép xe dự đoán được cả các phản ứng của các tài xế xe khác.

Điều hiển nhiên là xe hơi tự động của Google chỉ có thể hoạt động tại những nơi mà Google được trang bị các bản đồ số hóa chi tiết, để dự báo mọi tình huống có thể xảy ra.

Trong tương lai, thay vì lái xe hơi, các khách hàng tương lai của Google có thể thuê chiếc xe họ cần, để đi bất cứ đâu mình muốn mà không cần đụng đến tay lái. Người điều khiển xe có thể gọi điện thoại thoải mái, hay làm việc riêng trên xe.

Theo một số nghiên cứu, sai lầm do tài xế chiếm đến khoảng 90% nguyên nhân tử vong do các tai nạn xe cộ. Sự ra đời của các ô tô tự động có độ tin cậy cao có thể mang lại hy vọng giảm đáng kể số tai nạn trên đường. Hoa Kỳ đã cho phép ô tô không người lái chạy thử tại bốn tiểu bang.

Đồng sáng lập Google, Sergey Brin, người chủ trì dự án này, hy vọng xe hơi không người lái sẽ được đưa ra thị trường trong chừng bốn năm nữa. Hiện tại giá của một chiếc xe hơi tự động của Google là khoảng 150.000 đô la. Dự án của Google sử dụng chủ yếu Toyota Prius trong các thực nghiệm.

Hiện tại, nhiều hãng xe như Ford, Nissan, Toyota hay Volvo đang chạy đua để thương mại hóa xe hơi tự động. Trong một tuyên bố cuối năm ngoái, Toyota hy vọng năm 2015 sản phẩm này sẽ được bán ra thị trường.

Pháp : Xe buýt nhỏ không người lái đầu tiên bán ra thị trường

Trong khi nhiều hãng đầu tư vào xe hơi không người lái, thì đầu năm nay, một công ty Pháp đã tung ra một xe buýt nhỏ không người lái. Theo l’Express, đây là xe tự động đầu tiên được bán ra thị trường.

Chiếc xe chạy điện mang tên Navia, chở được 8 người, với vận tốc tối đa 45 km/giờ, do công ty Induct sản xuất.

Induct là một doanh nghiệp có 38 nhân viên, được thành lập năm 2004, có trụ sở tại ngoại ô Paris.

Hiện tại Navia đã được bán cho các khách hàng Thụy Sĩ, Singapore, Anh Quốc, Hoa Kỳ… Navia không người lái nhận được giấy phép chạy thử trên khắp nước Pháp, với điều kiện được địa phương chấp nhận.


Phần nhận xét hiển thị trên trang