Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

CHXHCN Việt Nam có bị ràng buộc bởi công thư 1958?




(TNO) Những ngày vừa qua, trên báo chí nổi lên cuộc tranh luận về Công thư năm 1958 của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng cũng như về một vài tư liệu khác (bản đồ, sách giáo khoa…) mà ngày 9.6.2014 Trung Quốc đề nghị cho lưu hành tại Liên Hiệp Quốc. Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam bị cộng đồng quốc tế lên án - Ảnh: Độc Lập

Sau khi đọc những tài liệu trên và một số bài của các học giả Trung Quốc, tôi thấy cần phải trao đổi đôi điều về vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam - một trong những luận cứ chính mà phía Trung Quốc muốn dùng để bào chữa cho hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Một số khái niệm cơ bản về thừa kế quốc gia
1. Thừa kế quốc gia là một chế định luật pháp quốc tế khá phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn. Cho đến khi ra đời 2 Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ): Công ước về thừa kế quốc gia đối với điều ước quốc tế năm 1978; Công ước về thừa kế quốc gia đối với tài sản, lưu trữ và nợ quốc gia năm 1983, các luật gia trên thế giới đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này.

Căn cứ vào hai Công ước nói trên, có 3 trường hơp làm phát sinh thừa kế quốc gia, đó là: Thừa kế khi thuộc địa trở thành quốc gia mới độc lập; Thừa kế khi có sự sáp nhập hoặc tách rời quốc gia; Thừa kế khi chuyển giao một bộ phận lãnh thổ từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Nhiều luật gia còn nêu ra trường hợp thừa kế quốc gia sau cách mạng xã hội, nhưng hai Công ước 1978 và 1983 đã không coi cách mạng xã hội là một trường hợp dẫn đến thừa kế quốc gia. Như vậy, luật pháp quốc tế coi cách mạng xã hội chỉ làm thay đổi chế độ chính trị (chính phủ) trong một quốc gia chứ không hình thành nên một quốc gia - chủ thể mới của luật pháp quốc tế. Trong 3 trường hợp trên, về khách quan chúng ta đều thấy có sự hiện diện của hai quốc gia là quốc gia tiền bối (predecessor state) và quốc gia thừa kế (successor state) khác nhau (với đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia theo Công ước Montevideo, bao gồm: dân cư, lãnh thổ và một chính quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại), còn trong trường hợp cách mạng xã hội thì tương đối khó chứng minh điều này.

2. Hai Công ước của LHQ đều định nghĩa: “Thừa kế quốc gia” là sự thay đổi đối với trách nhiệm về quan hệ quốc tế của lãnh thổ từ một quốc gia này sang một quốc gia khác. (Succession of states” means the replacement of one state by another in the responsibility for the international relations of territory).

Đồng thời với việc xác định ba trường hợp thừa kế quốc gia, hai Công ước cũng quy định những nguyên tắc pháp lý áp dụng cho từng trường hợp thừa kế nói trên. Khác với nguyên tắc “thừa kế đương nhiên và toàn bộ” trong trường hợp sáp nhập hoặc tách rời quốc gia, trường hợp các quốc gia mới độc lập, nguyên tắc thừa kế quốc gia đối với điều ước quốc tế cũng như nợ quốc gia được áp dụng trong hai Công ước về cơ bản là nguyên tắc “xóa sạch” (tabula rasa) hay còn gọi là thừa kế có chọn lọc.

Việt Nam là quốc gia mới độc lập đã áp dụng nguyên tắc này trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945: “Chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn khỏi quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những Hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.

Tàu Cảnh sát biển VN đang thực thi pháp luật tại khu vực giàn khoan
Hải Dương-981 (Trung Quốc) hạ đặt trái phép - Ảnh: M.T.Hải

3. Mặc dù vậy, vẫn có một nguyên tắc được áp dụng chung cho tất cả mọi trường hợp thừa kế quốc gia - đó là khi thừa kế quốc gia liên quan đến biên giới và lãnh thổ. Đ.11 và 12 của Công ước 1978 về thừa kế quốc gia quy định: thừa kế quốc gia không làm ảnh hưởng đến đường biên giới, chế độ biên giới hoặc quy chế các vùng lãnh thổ được quy đinh trong các điều ước quốc tế. Nói cách khác tức là các quốc gia thừa kế (ngay cả trường hợp quốc gia mới độc lập), đều không thể đơn phương hủy bỏ, thay đổi các điều ước về biên giới, về chế độ biên giới hoặc về quy chế một vùng lãnh thổ nào đó. Nếu điều ước đó là bất hợp lý thì quốc gia mới được thành lập (quốc gia thừa kế), trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải đàm phán với các quốc gia liên quan để sửa đổi.

Đ.11 và 12 làm rõ thêm quy định của luật pháp quốc tế: tranh chấp về biên giới lãnh thổ không thể giải quyết bằng các hành động đơn phương, đặc biệt là bằng vũ lực. Điều này vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: nguyên tắc cấm sử dụng vũ lưc và đe dọa sử dụng vũ lưc, nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình…

Thừa kế quốc gia của Nhà nước Việt Nam


1. Trước khi bị Pháp xâm lược, nước Việt Nam, mà người đại diện là Triều đình của các Hoàng đế nhà Nguyễn, đã là một quốc gia - chủ thể của luật pháp quốc tế. Các vua chúa nhà Nguyễn là người đã xác lập và thực thi chủ quyền của quốc gia Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thông qua việc ký Hiệp ước 1884 với Triều đình Huế, về phương diện pháp lý quốc tế, Pháp đã hoàn tất quá trình biến Việt Nam thành thuộc địa của mình. Từ thời điểm này, Việt Nam mất độc lập chủ quyền, không có quan hệ đối ngoại, không phải là chủ thể luật pháp quốc tế.

Theo luật pháp quốc tế thời bấy giờ thì Pháp là quốc gia thừa kế của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Với tư cách đó, Pháp đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới trên bộ với Triều đình nhà Thanh và khi phân chia các đơn vị hành chính Việt Nam, Pháp đã đưa Hoàng Sa vào quản lý hành chính của tỉnh Quảng Nam, Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Cũng với tư cách là quốc gia thừa kế của Việt Nam, chính phủ Pháp đã cho xây dựng trạm khí tượng trên Hoàng Sa và cấp phép cho các công ty khai thác phân dơi trên quần đảo này…

Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm độc quyền cai trị Việt Nam dẫn đến sự kiện Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố xóa bỏ các điều ước bất bình đẳng 1862, 1874, 1884 giữa Việt Nam và Pháp, xóa bỏ quy chế thuộc địa và việc chia cắt Việt Nam thành ba Kỳ. Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng với sự kiện này Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền. Tuyên cáo của Bảo Đại ngày 11.3.1945 nói “nước Việt Nam khôi phục quyền độc lập” không thể coi là văn kiện làm phát sinh thừa kế quốc gia, nếu có chăng chỉ là việc Nhật thừa kế các quyền lợi của Pháp tại Việt Nam. Nhật đã thay thế Pháp quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

2. Với Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền, chủ thể của luật pháp quốc tế. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Tuyên ngôn Độc lập: “Pháp chạy, Nhật hàng, Vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ để lập nên chế độ dân chủ công hòa… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.

Câu nói trên đã khái quát một cách hết sức cô đọng vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) xuất hiện như một quốc gia mới độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế, nhưng không phải tách ra từ thuộc địa của Pháp, vì “Pháp đã chạy”, những điều ước của Pháp đã bị xóa bỏ. Nước Việt Nam cũng không phải là quốc gia thừa kế trực tiếp của Nhật, vì lúc đó Nhật đã đầu hàng Đồng minh. VNDCCH lại càng không phải là quốc gia thừa kế của Triều đình Huế, bởi vì không thể có thừa kế quốc gia đối với triều đình bù nhìn.

Việc ngày 23.9.1945, Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam và trong thời gian đầu chiếm được phần lớn lãnh thổ Việt Nam không đem lại địa vị pháp lý quốc tế mà Pháp đã có ở Việt Nam trước năm 1945. Đó chỉ là hành động xâm lược đối với một quốc gia đã có độc lập chủ quyền là VNDCCH. Với sách lược hòa hoãn, VNDCCH đã ký Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 cho nên, về khách quan, giữa VNDCCH và Pháp chưa thể diễn ra việc chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế cụ thể theo thừa kế quốc gia.

3. Để đối phó với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ngày 8.3.1949 Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Élysée, công nhận “nền độc lập của Việt Nam”, trên cơ sở đó Bảo Đại về nước thành lập Quốc gia Việt Nam (từ 1956 đổi thành Việt Nam Cộng hòa - dưới dây gọi chung là VNCH). Hiệp định Élysée 1949 cùng với Hiệp ước trao trao trả độc lập cho Việt Nam ngày 4.6.1954 được nhiều luật gia miền Nam trước đây coi là hai văn kiện pháp lý quốc tế đánh dấu sự ra đời của môt quốc gia Việt Nam độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế và là văn kiện quy định về thừa kế quốc gia của Việt Nam sau khi chấm dứt ách thống trị thực dân của Pháp. Về khoa học pháp lý quốc tế, những khẳng định này là không đúng.

Từ thời điểm này trên lãnh thổ Việt Nam song song tồn tại hai chính phủ là VNDCCH và VNCH, cả hai chính phủ này đều coi toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau thuộc quyền quản lý của mình và chỉ có mình là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của Việt Nam.

Trên thực tế, Pháp đã sử dụng khá thành công hai văn kiện 1949 và 1954 nói trên để từ chối quan hệ với VNDCCH và chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam cho VNCH với tư cách là quốc gia thừa kế của Pháp. Với sự vận động của Pháp, VNCH đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế thuộc hệ thống của LHQ như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO - tháng 6.1950), Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO - tháng 11.1950), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO - tháng 6.1951), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA - tháng 9.1961)… Phần lớn các nước phương Tây, trong khi không công nhận VNDCCH, đã thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi Đại sứ với VNCH. Họ coi VNCH như là người đại diện cho quốc gia Việt Nam.

VNCH tham dự Hội nghi San Francisco 1951, tại đây đã chính thức khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và sau đó đã tiếp quản và quản lý hai quần đảo này từ tay Pháp với tư cách quốc gia thừa kế.

Đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ VNDCCH, bắt đầu từ tháng 1.1950 Trung Quốc, Liên Xô rồi sau đó là một loạt các nước Xã hội chủ nghĩa (XHCN) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH. Các nước XHCN công nhận VNDCCH như là người đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất của Việt Nam, từ chối quan hệ chính thức với VNCH.

4. Hiệp định Genève 1954 là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương quan trọng đầu tiên công nhận “chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Bên cạnh Pháp và VNDCCH, tham dự Hội nghị Genève cùng với các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh và Campuchia, Lào còn có đại diện của Quốc gia Việt Nam. Đại diện của Chính phủ Bảo Đại đã từ chối ký Hiệp định Genève với lý do chính đưa ra là phản đối việc Hiệp định này chia cắt Việt Nam thành hai miền.

Theo Hiệp định Genève, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết (chính quyền và quân đội VNDCCH tập trung về miền Bắc; chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam). Mặc dù “Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ”. (Đ.6 Tuyên bố chung), nhưng Đ.14 (k.a) lại quy định "Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy (TG nhấn mạnh)".

5. Sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng đưa đến việc thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) vào ngày 8 tháng 6 năm 1969. Từ tháng 6.1969 đến cuối năm 1975, CHMNVN đã được hơn 50 nước trên thế giới công nhận và lập quan hệ ngoại giao.

Trên lãnh thổ Việt Nam xuất hiện thêm một chính phủ, nhưng khác với VNDCCH và VNCH, CHMNVN chỉ khẳng định chủ quyền của mình đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam (tức là từ phía Nam vĩ tuyến 17) và coi mình là “đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất cho nhân dân miền Nam Việt Nam”. CHMNVN được VNDCCH công nhận là chính quyền hợp pháp ở miền Nam Việt Nam và thiết lập Văn phòng Đại diện có quy chế ngoại giao tại Hà Nội.

Cho đến ngày 30.4.1975, bên cạnh việc tham dự Hội nghi Paris bốn bên về Việt Nam, CHMNVN vận động để được tham gia các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Đầu tiên là việc gia nhập Phong trào Không Liên kết tại Hội nghị cấp cao Alger 1973; sau đó là cuộc vận động để tham dự Hội nghị Ngoại giao về Luật quốc tế Nhân đạo tai Genève năm 1974; CHMNVN đã gửi Công thư cho Tổng thư ký LHQ yêu cầu được hưởng quy chế Quan sát viên tại tổ chức này (sau ngày 30.4.1975 CHMNVN tiếp quản quy chế Quan sát viên của VNCH tại LHQ)…

Đầu năm 1974, khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, CHMNVN đã có Tuyên bố chính thức phản đối hành động này vì coi mình là người quản lý lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

6. Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam 30.4.1975, CHMNVN đã có một loạt Tuyên bố khẳng định quyền thừa kế đối với tài sản quốc gia của miền Nam Việt Nam ở nước ngoài. Ví du như: Tuyên bố ngày 1.5.1975 của Bộ Ngoại giao CHMNVN khẳng định mọi tài sản, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ lưu trữ, tài khoản ngân hàng, trụ sở, phương tiện giao thông và tất cả những tài sản khác của các cơ quan đại diện của VNCH ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Cơ quan đại diện bên cạnh các tổ chức quốc tế…) là tài sản của nhân dân miền Nam Việt Nam và phải do CHMNVN quản lý…

Cũng với cách tiếp cận tương tự, CHMNVN đã đòi quyền đại diện tại hầu như tất cả các tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống LHQ mà trước đó VNCH đã tham gia (WHO, ILO, UNESCO, ICAO, IAEA, IMF, WB…).

Việc CHMNVN tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ VNCH cũng như quy chế hội viên tại các TCQT diễn ra thuận lợi, không gặp một trở ngại nào về pháp lý vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới luật pháp quốc tế. Theo họ đây là thừa kế chính phủ chứ không phải thừa kế quốc gia. Việc tuyệt đại đa số thành viên Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng LHQ khóa XXX (1975) biểu quyết ủng hộ kết nạp CHMNVN cùng với VNDCCH làm thành viên LHQ càng chứng minh rõ việc này (năm 1975 không được kết nạp là do phiếu phủ quyết của Mỹ).

Về đối nội, các văn kiện Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất tổ quốc diễn ra tại TP.HCM ngày 21.11.1975 đã khẳng định CHMNVN thi hành quyền lực pháp lý ở miền Nam, còn VNDCCH thi hành quyền lực ở miền Bắc. Chính quyền CHMNVN đã tổ chức các cuộc bầu cử ở cấp địa phương, và ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền.

Trên biển, quân giải phóng MNVN đã tiếp thu tất cả các đảo trên biển Đông phía Nam vĩ tuyến 17 do quân đội VNCH đồn trú mà không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào trong cũng như ngoài khu vực.

7. Tổng tuyển cử bầu quốc hội của nước Việt Nam thống nhất diễn ra trên toàn lãnh thổ VNDCCH và CHMNVN vào ngày 25.4.1976. Ngày 24.6.1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên quyết định đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) với Thủ đô là Hà Nội.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao CHXHCNVN có Công thư gửi cho các quốc gia và tổ chức quốc tế thông báo về những quyết định của Quốc hôi nước Việt Nam thống nhất và về việc hợp nhất cơ quan đại diện đối ngoại của VNDCCH và CHMNVN ở nước ngoài thành cơ quan đại diện của CHXHCNVN.

Tuy vậy, vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam lúc này diễn ra không hoàn toàn thuận lợi như trước đây. Quan điểm của CHXHCNVN không công nhận sự ràng buộc đối với những Hiệp định vay nợ mà VNCH đã ký trước ngày 30.4.1975 đã không được các quốc gia và tổ chức quốc tế chấp nhận. Quan điểm của các luật gia Việt Nam đấu tranh đòi áp dụng nguyên tắc thừa kế quốc gia đối với quốc gia mới độc lập cũng không thuyết phục được đối tác trong các cuộc đàm phán. Các quốc gia và tổ chức quốc tế nhất quán quan điểm coi CHXHCNVN là chủ thể mới của luật pháp quốc tế, hình thành trên cơ sở sát nhập VNDCCH và CHMNVN. Ba trường hợp sau sẽ cho thấy thực tiễn giải quyết vấn đề thừa kế quốc gia của CHXHCNVN.

- VNCH là hội viện sáng lập của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từ 1966. Trong gần 10 năm, ADB đã dành cho VNCH 11 khoản vay để thực hiện 9 dự án phát triển. Cho đến 30.4.1975, VNCH còn nợ ADB 5.580.000 USD (gần như tương đương với 5.360.000 USD là khoản đóng góp mà VNCH đang có tại ADB). Sau khi giải phóng miền Nam, ADB đương nhiên coi CHMNVN là hội viên thay thế cho VNCH. Nhưng sau khi thống nhất đất nước, để có thể thừa kế quyền hội viên của CHMNVN thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải có Công thư ngày 30.8.1976 gửi cho Chủ tịch ADB tuyên bố thay mặt Chính phủ CHXHCNVN nhận tất cả những nghĩa vụ đối với các khoản tín dụng mà ADB dành cho miền Nam Việt Nam trước ngày 24.6.1976.

- Đối với các Hiệp định tín dụng mà Chính phủ Nhật cho VNCH vay trước 1975, cách giải quyết có khác hơn, nhưng về nguyên tắc vẫn không thay đổi. Sau những cuộc đàm phán khó khăn và kéo dài, đầu năm 1978 hai bên đã đi đến thỏa thuận: CHXHCNVN đồng ý trả khoản nợ của VNCH trong thời hạn 25 năm, để đổi lại, trong vòng 3 năm Nhật viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam một khoản tiền tương đương với khoản nợ của VNCH, đồng thời trong 2 năm tài khóa 1978 - 1979 Nhật sẽ cung cấp cho CHXHCNVN một khoản tín dụng 20 tỉ Yên với lãi xuất ưu đãi là 2,78% và thời gian trả nợ là 30 năm.

- Cuộc đàm phán đi đến bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào những năm 90 của thế kỷ trước cũng không phải là ngọai lệ, cuối cùng CHXHCNVN cũng đồng ý trả, tuy không phải là tất cả, những khoản tín dụng hợp lý mà Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết với VNCH.

Công thư 1958 có ràng buộc CHXHCNVN hay không ?

1. Từ những dẫn chứng trên có thể kết luận: VNCH là một quốc gia chủ thể của luật pháp quốc tế và những hành động với tư cách quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế của VNCH cần phải được tôn trọng. Thực tế lịch sử cho thấy, tất cả những quốc gia bị chia cắt sau Chiến tranh Thế giới II, đều trở thành các quốc gia độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế (CHLB Đức, CHDC Đức, Triều Tiên, Hàn Quốc…). Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chẳng phải trước kia nhiều quốc gia cũng đã từng không công nhận Hàn Quốc hoặc Triều Tiên nhưng nay đã có quan hệ ngoại giao với hai quốc gia này. Thực tế này không cản trở việc thống nhất Hàn Quốc và Triều Tiên trong tương lai (như trường hợp Việt Nam và Đức).

Tàu Trung Quốc nhiều lần hung hăng áp sát, đâm va tàu 
Việt Nam đang thực thi pháp luật tại Hoàng Sa - Ảnh: M.T.Hải

Chính phủ và các học giả Trung Quốc đang tìm cách không công nhận thực tế này với ý đồ tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa liệu có thể chối cãi được việc họ đã công nhận trên lãnh thổ Việt Nam giai đoạn 1954 - 6.1976 tồn tại hai quốc gia chủ thể luật pháp quốc tế thông qua việc bỏ phiếu ủng hộ VNDCCH và CHMNVN cùng gia nhập LHQ với tư cách là quốc gia hội viên? Và còn nhiều bằng chứng không thể bác bỏ khác.

2. Với tư cách là quốc gia chủ thể luật pháp quốc tế, VNCH đã tiếp quản và quản lý Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mặc dù năm 1974 Trung Quốc chiếm được Hoàng Sa, nhưng luật pháp quốc tế đã khẳng định rõ ràng, xâm chiếm bằng vũ lực vĩnh viễn không đem lai danh nghĩa chủ quyền cho quốc gia đã tiến hành những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

3. Công thư năm 1958 của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng không nói đến hai quần đảo, không thể dùng Công thư này để khẳng định VNDCCH công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy vậy, nếu không có Công thư này thì sẽ tránh được những sự lợi dụng ác ý.

Cho dù những suy diễn về ý nghĩa của Công thư 1958 có đi xa như thế nào, cũng như phía Trung Quốc có đưa thêm bất kỳ bằng chứng gì để vu cáo Việt Nam, thì những gì liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa xảy ra ngoài lãnh thổ miền Nam Việt Nam trước 24.6.1976 không hề ràng buộc CHXHCNVN. Với tư cách là quốc gia thừa kế của VNDCCH và CHMNVN, những gì liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa nếu có sự mâu thuẩn giữa hai quốc gia tiền bối thì những hành động (hơn nữa, đó là những hành động rõ ràng, kiên quyết và phù hợp với luật pháp quốc tế) của CHMNVN và Chính phủ tiền nhiệm của nó là VNCH, người thực sự quản lý hai quần đảo này một cách hợp pháp, sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với CHXHCNVN. Điều này được luật pháp quốc tế quy định rõ ràng. Xương máu bao đời của cả dân tộc Việt nam đã đổ ra để bảo vệ chủ quyền hai quần đảo sẽ không bao giờ trở thành vô ích.

4. Nếu có ai còn có những định kiến về học thuật (và cả chính trị, nếu có) thì cũng cần phải nhìn nhận thực tế khách quan được cả thế giới công nhận trên để đi đến những kết luận đúng đắn về thừa kế quốc gia của Việt Nam. Như G.V.Goethe, thi hào vĩ đại và là nhà tư tưởng của nước Đức đã từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Quốc Pháp
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140620/chxhcn-viet-nam-co-bi-rang-buoc-boi-cong-thu-1958.aspx

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kẻ cướp khôn ranh, người ngay khôn khéo

Khôn là một tính cách chưa hẳn là tốt cũng không là xấu. Cần thêm vào một từ đuôi (tiếp vĩ ngữ) sẽ rõ bản chất của tính khôn. Chẳng hạn bậc chính nhân lấy sự khôn ngoan, khôn khéo làm điều lợi lạc quần sinh, vạn sự thành; kẻ tiểu nhân lấy mẹo khôn ranh, khôn lỏi mưu lợi vặt hại người, chẳng thể bền. Chuyện cổ tích “cái chuông báo trộm” ở bên Tàu là bài học minh chứng về cái sự khôn.

Chuyện rằng vào thời nhà Tống, ở tỉnh nọ xảy ra vụ trộm, khổ chủ mất một báu vật gia truyền rất quý, chấn động dân tình. Quan trị nhậm cho sai nha bắt giữ hết thảy cả chục nghi can. Qua khâu xét hỏi không ai nhận là thủ phạm và quá trình điều tra cũng không tìm ra manh mối. Mặc dầu khổ chủ và quan hứa sẽ trọng thưởng cho ai cung cấp tin tức khả dĩ lần dò ra tung tích. Nhưng vụ án vẫn nằm trên án thư quan trấn nhậm bởi chẳng ai ham món lợi nhỏ để chịu họa to!


Nghe trình dân chúng đồn đại rằng tại ngôi chùa nọ có một cái chuông đồng cổ tối thiêng, khi có kẻ trộm sờ vào sẽ phát lên tiếng vang rất lạ. Quan nghĩ rằng kẻ trộm thật chẳng dại gì sờ vào chuông để tự chuốc vạ vào thân. Đau đầu nhức óc, bán tín bán nghi, quan suy tính mãi rồi quyết thử xem sao. Sai nha mang kiệu đến thỉnh nhà chùa xin rước chuông về cầu thần linh phán xét. Tất cả nghi can được giải tới trước công đường. Với nghi thức rất trang trọng, quan cho kéo tấm bình phong để mọi người nhìn rõ chuông thần rồi quan cung kính dâng hương khấu đầu bái trước là hoàng thiên hậu thổ sau là chuông thần linh ứng minh xét chỉ đúng kẻ gian. Quan oai vệ ngồi trước án ra lệnh tắt đèn. Trong cảnh tối om, quan xướng tên từng nghi can tiến lên trước tấm bình phong đưa hai bàn tay áp vào chuông thần. Từng tên chuẩn lệnh. Trong sự im lặng nặng nề lần lượt tất cả nghi phạm thực hiện đúng nghiêm lệnh của quan. Hết lượt rồi mà chuông chẳng hề vang lên một tiếng! Khi các nghi phạm trở về đúng vị trí lúc đầu, quan lệnh thắp sáng đèn lên. Mọi người đều thất vọng thở dài. Đến nước này vẫn không tìm ra thủ phạm thì coi như là báu vật một đi không trở lại!

Quan bật đứng lên nghiêm sắc mặt, lệnh cho tất cả nghi phạm xòe đôi bàn tay đưa ra để mọi người nhìn rõ. Giữa số người có đôi bàn tay bẩn đen lem lúa chỉ duy nhất một người có đôi bàn tay sạch nguyên. Quan đập bàn án chỉ mặt hắn chính là tên ăn trộm, lệnh bắt trói ngay giữa công đường! Người lương thiện như vàng không sợ lửa. Kẻ gian manh nào cũng có mưu kế ranh ma tránh lộ mặt ra. Trong bóng tối đen, chạm hay không chạm tay vào chuông, ai biết được? Nhưng tính khôn ranh của quân gian không qua mặt được vị quan khôn khéo. Bởi quan đã kín đáo cho thoa lớp bồ hóng mỏng lên tấm bình phong.

Việc làm tâm phục khẩu phục ấy lưu truyền, nhiều người biết. Tuy nhiên ở đời chẳng cái dại nào giống cái dại nào thì cũng có năm bảy đường khôn khéo. Đời nay chẳng ai dễ tin có cái chuông thần thiêng đến thế nhưng thiếu gì thứ khác thay chuông. Chẳng hạn trong vụ biển Đông đang rầm rập dậy sóng hôm nay, Trung Quốc bịa ra “đường lưỡi bò” mưu toan cướp không 80% diện tích biển Đông. Họ dùng quốc sách “lấy thịt đè người” lần lượt làm cho các nước như Việt Nam, Philippine, Malaxia, Brunei, Indonêsia điêu đứng hoang mang. Tuy nhiên thời đại ngày nay không hỗn mang như hàng ngàn năm trước. Loài người đã văn minh tiến bộ hơn nhiều. Để giữ gìn thế giới trong kỷ cương trật tự, nhân loại đã thông qua tổ chức Liên Hiệp Quốc đồng thuận đặt ra những điều ước, công ước lấy đó làm chuẩn mực xây dựng các mối quan hệ công bằng giữa các quốc gia lớn nhỏ. Để đảm bảo cho những thỏa ước được tôn trọng lại có những Tòa án quốc tế về từng lĩnh vực để khi cần sẽ đưa ra xét sử đặng có những phán quyết công minh. Cụ thể lĩnh vực biển đã có Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà CHND Trung Hoa với tư cách là một trong năm thành viên thường trực của HĐBALHQ đã đặt bút ký vào. Công ước quy định rõ ràng các điều căn bản để mỗi quốc gia xác định thế nào là: Đường cơ sở, Vùng nội thủy, Lãnh hải, Vùng tiếp giáp lãnh hải, Vùng đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa, Đảo và quần đảo… rất chi là cụ thể.

Thế nhưng lòng tham làm tối con mắt, Trung Quốc càn rỡ chiếm bãi cạn Scarborough, xâm chiếm hải phận, ngư trường của Philippines đang bị khổ chủ kiện lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc. Mới đây để thực thi trách nhiệm của mình, Tòa La Haye yêu cầu Trung Quốc hạn tháng 12 năm nay phải hiện diện trước tòa trả lời khổ chủ về việc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền tại biển nhà của họ. Ra chỗ công đường giãi bày chính lý để chứng tỏ việc làm chính đại quang minh người ngay không ai từ chối. Nhưng bởi đuối lý, thầy trò “thiên triều” quen thói dùng “mẹo vặt” lừa người, ngang ngạnh tuyên bố không chấp nhận phiên tòa, nghĩa là chẳng cần phải ra đối chứng, giống như chuyện kẻ gian đời Tống không chịu đưa tay sờ vào chuông thần vậy! Giữ được bàn tay sạch thì lộ rõ tâm đen! Thế là cái mặt chuột lòi ra trước bàn dân thiên hạ! Ô hô!

Với người “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” Việt Nam, giới cầm quyền Trung Hoa trọng tình “lý tưởng tương đồng” đã “không ngừng tăng cường tin cậy chiến lược” bằng cách nghênh ngang đưa giàn khoan khổng lồ vào giữa biển nhà người ta thăm dò tài nguyên, kéo theo hàng trăm tàu thuyền đủ loại, dở thói côn đồ khiêu khích, hung hăng hăm dọa, giết người cướp của như lũ lâu la thảo khấu vùng sông nước lãng bạc thuở hồng hoang! Không người Việt Nam nào muốn chiến tranh nên bảo nhau hãy học ông cha mình dằn lòng nín nhịn. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nhà nước Việt Nam bằng nhiều hình thức khiêm nhường trước hết là dùng tàu thuyền chấp pháp nhắc nhở lũ đầu trâu mặt ngựa nách thước tay dao cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế và kết hợp với các kênh quan hệ khác nhau kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc phải tôn trọng những điều mà lãnh đạo hai bên đã thỏa thuận theo tinh thần 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị - Hợp tác toàn diện - Ổn định lâu dài - Hướng đến tương lai”. Thế nhưng Trung Quốc đã lộ rõ ra là kẻ láng giềng “bất hảo”, vừa ăn cướp vừa la làng! Một mặt tại hiện trường vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, hàng trăm tàu thuyền quân sự, cảnh sát và dân sự của Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hãn ngang nhiên khui dò tài nguyên, vơ vét sản vật, manh động tấn công trực diện tàu thuyền, gây thương tích cho cán bộ chấp pháp và ngư dân Việt Nam. Trong khi người đứng đầu nhà nước ở Bắc Kinh lại giả đui giả điếc cười mím chi trơ tráo nói rằng chẳng có chuyện gì xảy ra cả, biển Đông vẫn ổn định, Trung Quốc luôn kiên định chủ trương “trỗi dậy hòa bình”, cùng lúc tung ra những lời vu vạ điêu toa, biến sân nhà người thành nơi tranh chấp, biến công lộ thành lối ngõ nhà mình! Các nhà chính trị “thiên triều” luôn thủ sẵn bài võ gia truyền “tọa sơn quan hổ đấu”, như tên kẻ cắp khôn ranh chớp đúng thời cơ hành sự. Nhân lúc các đối thủ lớn Mỹ-Nga-EU đang giữ miếng nhau ở vùng độn Đông-Tây nhạy cảm Ucraine bên bờ biển Đen là dịp để con cháu Tần Doanh Chính ra oai tác quái khoa đao ở khu vực Thái Bình Dương xa xôi này. Những việc làm tàn độc phi nhân bất nghĩa ấy người Việt Nam nhiều đời từng thấm trải nên đâu có sợ. Sự kiện diễn ra ở biển Đông nhân dân thế giới đều cảm phục cách ứng xử kiên trì khôn khéo của nhân dân Việt Nam đang lâm nạn. Tuy nhiên như chiếc lò so, vật nén càng nặng thì sức bật càng cao!

Có là điều trớ trêu chăng, tại một quốc gia đã sản sinh ra những bậc thánh nhân như Khổng Tử, Lão Tử lại cũng sản sinh ra một lũ quái vật mặt người dạ thú từng làm cho nhân dân Trung Quốc và nhân dân các nước lân bang nhiều phen khốn khổ! Khổng Tử dạy rằng: “Bậc quân tử biết điều gì đúng và điều gì sai. Kẻ tiểu nhân chỉ biết điều gì có lợi”. Một quốc gia mà kẻ tiểu nhân nắm quyền hành tối thượng thật tệ hại biết bao! “Thầy viết sách, con đốt sách” điều gì sẽ đến? Chính lịch sử Trung Quốc đã chứng minh rồi!


Nguyễn Văn Thịnh 
(Tác giả gửi bài cho Doi-Mat.vn. Bài viết đã
đăng trên Tuần báo Văn nghệ TPHCM 
Số 306 Thứ năm ngày 19 tháng 6 năm 2014)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tiết lộ chương trình huấn luyện của phiến quân Hồi giáo ISIS tại Iraq

Tiết lộ chương trình huấn luyện của phiến quân Hồi giáo ISIS tại Iraq

Đoạn clip tiết lộ chương trình luyện tập hà khắc của nhóm phiến quân Hồi giáo tự xưng "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" (ISIS) cho thấy những bài tập hoàn toàn khác với chương trình huấn luyện của quân đội chính phủ. Điều đó đã lý giải vì sao quân đội Iraq nhanh chóng thất thủ trước ISIS.


    Một đoạn clip xuất hiện trên internet trong tuần đã tiết lộ chương trình huấn luyện vô cùng hà khắc, có phần tàn bạo được cho là của lực lượng phiến quân Hồi giáo ISIS.

    Nó khác xa hoàn toàn so với chương trình huấn luyện của quân đội Chính phủ Iraq. Và nó cũng không giống với một đoạn clip được chính lực lượng ISIS đăng tải lên mạng trước đó.

    Tiết lộ chương trình huấn luyện của phiến quân Hồi giáo ISIS tại Iraq 1
    Lực lượng ISIS đi bước nhỏ trong một buổi tập luyện. (Hình: clip)

    Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip trên đã được gỡ khỏi Youtube. Tuy nhiên, nhiều trang mạng vẫn còn lưu giữ đoạn clip này.

    Đoạn clip trước do ISIS đưa lên internet bao gồm các bài huấn luyện có phần khôi hài và mang tính thư giãn nhiều hơn là một chương trình luyện tập chiến đấu thực sự. Điều đó, cho thấy lực lượng này cố gắng đánh lừa quân đội chính phủ và cũng cho thấy họ hiểu được tầm quan trọng của lĩnh vực truyền thông.

    Tiết lộ chương trình huấn luyện của phiến quân Hồi giáo ISIS tại Iraq 2
    Chương trình huấn luyện diễn ra tại các căn cứ bí mật trên sa mạc. (Hình: clip)
     
    Hình ảnh từ clip vừa đăng tải cho thấy, chương trình huấn luyện của lực lượng ISIS vô cùng hà khắc bao gồm các bài tập chống đẩy, bò, trườn, nâng vật nặng, nhảy qua vòng lửa… tại các căn cứ bí mật trên sa mạc.

    Chương trình luyện tập của ISIS khác xa so với các chương trình huấn luyện của quân đội chính phủ. Điều đó lý giải một phần lý do vì sao quân đội Chính phủ Iraq đã nhanh chóng thất thủ trước lực lượng ISIS.
     
    Quốc Hiệp - Theo News

    Phần nhận xét hiển thị trên trang

    TRUYỀN THÔNG TQ. NÓI LẤY ĐƯỢC - NGẠO NGƯỢC VÀ BẤT CHẤP LẼ PHẢI, SỰ THẬT:

    Truyền thông Trung Quốc mô tả chuyến công du của Dương Khiết Trì tới Việt Nam là một thắng lợi ngoại giao và tinh thần đối với Trung Quốc.

    Shannon Tiezzi | The Diplomat | 20.6.2014
     Anh Hùng dịch




    Các cơ quan truyền thông nước ngoài (trong đó có The Diplomat) đã không nhìn thấy nhiều hy vọng cho một bước đột phá trong quan hệ Trung–Việt khi Uỷ viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì tới Hà Nội tuần này. “Căng thẳng Việt-Trung không giảm nhiệt”, tờ The New York Times cho hay. BBC chạy hàng tít nổi bật “Hội đàm Việt-Trung bế tắc”, còn Reuters thì đưa tin “Trung Quốc trách mắng Việt Nam vì ‘thổi phổng’ vụ giàn khoan HD981”.
    Truyền thông Trung Quốc thì lại có cách tiếp cận hoàn toàn khác, với vẻ lạc quan lớn hơn nhiều. “Trung Quốc và Việt Nam nhất trí xử lý thoả đáng các vấn đề song phương nhạy cảm”, Tân Hoa Xã đưa tin trong ấn bản Tiếng Anh. “Bắc Kinh và Hà Nội cam kết xử lý bất đồng”, Nhân Dân Nhật Báo nhấn mạnh. Một đoạn video về chuyến công du của Dương Khiết Trì do CCTV thực hiện lại hướng sự chú ý vào tuyên bố của ông ta rằng ngay cả khi quan hệ Trung-Việt tồi tệ hơn rất nhiều so với hiện tại thì hai bên cũng phải nghĩ cách để sớm giải quyết vấn đề. Dựa trên báo chí Trung Quốc thì các cuộc gặp gỡ của Dương Khiết Trì với các nhà lãnh đạo Việt Nam là một bước đi quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu.
    Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẵn sàng thoả hiệp. Trái lại, mỗi bài viết đều chứa đựng những tuyên bố quen thuộc của Trung Quốc rằng giàn khoan dầu là chuyện riêng của Trung Quốc, và Việt Nam cần chấm dứt việc quấy nhiễu bất hợp pháp hoạt động của giàn khoan. Thay vào đó, báo chí Trung Quốc lại hàm ý rằng Hà Nội đã thay đổi lập trường. Khác với truyền thông Việt Nam và phương Tây, báo chí Trung Quốc không đưa tin về việc Việt Nam tiếp tục yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Thay vì thế, các bài báo của Tân Hoa Xã lại nhấn mạnh rằng Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí “giải quyết thoả đáng các vấn đề song phương”, không quốc tế hoá tranh chấp trên Biển Đông, và không để căng thẳng trên biển ảnh hưởng đến các mối quan hệ song phương lớn hơn.
    Dĩ nhiên, nếu Việt Nam thực sự đồng ý “xử lý thoả đáng các vấn đề song phương” theo như định nghĩa của Trung Quốc thì cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu coi như đã qua. Thay vì thế, Hà Nội lại có ý tưởng rất khác về khái niệm “xử lý thoả đáng” – theo cách hiểu của họ, Trung Quốc chính là bên đã hành xử “không thoả đáng” khi xâm phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam. Bằng cách phớt lờ việc đề cập đến cách hiểu chung của hai bên trong các bài viết, báo chí Trung Quốc đã tự đặt mình vào thế phải kêu ca khi Việt Nam tiếp tục phản đối giàn khoan.
    Báo chí Trung Quốc còn mô tả chuyến công du của Dương Khiết Trì không chỉ là một thắng lợi về mặt ngoại giao mà cả về mặt tinh thần. Tân Hoa Xã nhấn mạnh rằng chuyến đi của Dương Khiết Trì tới Hà Nội bản thân nó đã là một bằng chứng cho thấy Trung Quốc chủ động tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Theo Tân Hoa Xã, chuyến thăm của Dương Khiết Trì là một bằng chứng về “sự chân thành muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại cũng như sự cao thượng vĩ đại” của Trung Quốc. CCTV nói rằng Dương Khiết Trì đến Hà Nội để giúp “đưa quan hệ Trung-Việt sớm trở lại lộ trình đúng đắn”.
    Giọng điệu của những bài viết trên báo chí Trung Quốc mô tả Dương Khiết Trì như thể một thầy giáo kiên nhẫn được phái đến để xử lý một sinh viên đặc biệt ngang bướng. Thái độ này thể hiện rõ nhất ở Hoàn Cầu, một tờ báo mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Hoàn Cầu mô tả chuyến thăm của Dương Khiết Trì như một món quà từ Trung Quốc, đem tới cho Việt Nam thêm một cơ hội nữa để “tự kiềm chế mình trước khi quá muộn”. Chức trách của Dương Khiết Trì ở Hà Nội là nhằm “làm rõ vấn đề mấu chốt và những quan điểm khác nhau” về tình hình. Khi nói chuyện với Việt Nam, Hoàn Cầu viết, Trung Quốc đã “thúc giục ‘đứa con hoang đàng trở về nhà’”. Theo lối diễn giải này thì dường như Dương Khiết Trì không phải đến Hà Nội để thực sự đối thoại, mà chỉ đơn giản là thuyết giảng.
    Các bài viết trên báo chí Trung Quốc, bất chấp tính tích cực của chúng, nhằm mục đích chuẩn bị tốt cho Trung Quốc trong trường hợp căng thẳng tiếp tục diễn ra âm ỷ. Mỗi câu chuyện đều nhấn mạnh việc Việt Nam quấy nhiễu giàn khoan của Trung Quốc, cũng như thái độ kiên nhẫn và đại lượng của Trung Quốc trong việc xử lý những hành động khiêu khích đó bằng cách cử Dương Khiết Trì sang Việt Nam để hội đàm. Các bài viết còn nhấn mạnh sự đồng thuận mà hai bên đạt được trong các cuộc gặp; những lời lẽ này sẽ được sử dụng để nhằm vào Hà Nội nếu cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay. Truyền thông Trung Quốc đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng giờ đây trách nhiệm của Việt Nam là phản ứng đúng đắn trước màn dạo đầu của Trung Quốc, bằng cách chấm dứt những hành động can thiệp và phản đối giàn khoan của Trung Quốc. Chẳng hạn, bài viết trên tờ Hoàn Cầu kết thúc với lời cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế sẽ quan sát xem liệu Việt Nam có “nói đi đôi với làm” sau cuộc gặp với Dương Khiết Trì hay không.
    Nguồn: The Diplomat


    Phần nhận xét hiển thị trên trang

    Giáo sư TQ nói về "Thắt cổ chai" hay THẮT ỐNG DẪN TINH CỦA BÁO CHÍ TR.Q:

    Thảo phạt Ban Tuyên huấn Trung Ương

                                         Tiêu Quốc Tiêu
                                    Nguyễn Thành Tiến dịch

    (Bài này Talawas.org đã đăng ngày 15/9/2004 và cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhân đây, xin gửi lời cảm ơn Nhà văn Phạm Thị Hoài cùng các cộng sự của chị ở  Talawas trước đây, trên Pro& Contra hiện nay, với một tinh thần bền bỉ và  hoàn toàn phi vụ lợi,  đã luôn nỗ lực đưa đến cho bạn đọc  nhiều bài viết  mang tính trí tuệ, tính nhân bản cao, đem lại lợi ích cho người VN).


                        

    Ban Tuyên huấn TW là cơ quan của TW ĐCS Trung Quốcchuyên lãnh đạo công tác văn hoá, tuyên truyền, dư luận, báo chí… (được mệnh danh là “Thái thượng hoàng” của báo chí). trong thời kỳ trước và sau Cách mạng Văn hoá, Mao Trạch-đông (Mao) đã từng gọi Ban Tuyên huấn TW do Lục Định-nhất, Chu Dương… lãnh đạo là “Điện Diêm vương” bởi nó chuyên bảo vệ phái hữu để chống lại phái tả. ..
    Ông Tiêu Quốc-tiêu, Giáo sư khoa Báo chí Đại học Bắc-kinh, đã đứng trên lập trường của ĐCS Trung Quốc phê phán Ban Tuyên huấn TW bằng một bài viết khoảng 14 ngàn từ. Sau đây là phần nội dung cốt lõi nhất.

    Chỗ “thắt cổ chai” trên con đường phát triển văn minh của xã hội Trung Quốc là gì? – Là Ban Tuyên Huấn TƯ (đại diện cho cả hệ thống tuyên huấn).

    Kẻ vác đá ghè chân mình là ai? Là Ban Tuyên Huấn TƯ.

    Ai đã dung dưỡng bao che cho những phần tử hủ bại? Là Ban Tuyên Huấn TƯ.

    Vậy nó nói lên điều gì? Tất cả mọi người đều biết ở Trung Quốc không có nhiều tự do báo chí, thậm chí là rất ít. Thử hỏi ai đã cân đong bớt xén quyền tự do vốn rất ít ỏi ấy của báo chí Trung Quốc? Chính Ban Tuyên Huấn TƯ.

    Mức độ tự do báo chí là thước đo của văn minh xã hội. Các nhà triết học tiền bối phương Tây đã nói: “Có thể không có chính phủ nhưng không thể không có tự do báo chí”. Ban Tuyên Huấn TƯ đã coi báo chí như kẻ thù, ngay cả 4 chữ “tự do báo chí” cũng không được phép dùng tùy tiện. Điều đó chứng tỏ là họ đã chà đạp lên những chuẩn mực tối thiểu nhất của văn minh. Ban Tuyên Huấn TƯ đã rơi vào “cái lô-cốt” ngu muội và lạc hậu nhất. Những niềm tin, nỗi buồn đạt được bằng sự lãnh đạo của Ban Tuyên Huấn TƯ đồng thời cũng làm cho hình tượng của Đảng và Chính phủ cùng những văn minh tiến bộ của đất nước phải trả giá đắt.

    Nếu như cứ chấp nhận sự hoành hành vô lối của Ban Tuyên Huấn TƯ, tiếp tục gây tai họa cho đất nước, thì không chỉ riêng nó vĩnh viễn rơi xuống địa ngục, mà sự nghiệp cải cách vĩ đại của Trung Quốc sẽ tan thành mây khói, hàng triệu trí thức nhân văn cũng sẽ không ngẩng cao đầu lên được. Do đó, chúng ta phải “xả thân phấn đấu để thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ”.


    14 chứng nan y của Ban Tuyên Huấn TƯ
    Thứ nhất: Dùng phép phù thủy làm phương pháp công tác

    Hôm nay không được nêu vụ Tưởng Ngạn Vĩnh, ngày mai không được nhắc lại vụ dịch SARS, ngày kia cấm đăng việc này việc nọ, không được nói báo chí là “công cụ xã hội”... đại loại như vậy. Thử hỏi những lệnh cấm ấy của Ban Tuyên Huấn TƯ là từ đâu và do đâu? những cái “không được” của họ là vô căn cứ, hoàn toàn ngẫu nhiên, mang tính áp đặt, chúng không dựa theo một chuẩn mực cơ bản nào của văn minh nhân loại cả, mà trái với những kiến thức khoa học cơ bản.
    Thứ hai: Vận dụng uy quyền của giáo hội La Mã

    Nói đúng ra thì Ban Tuyên Huấn TƯ hiện tại chẳng khác gì Giáo hội La Mã hồi Trung cổ: Quyền lực đầy mình, độc ác và đẫm máu; kẻ nào chống lại thì ít nhất cũng phải chịu “sứt đầu mẻ trán”, nếu như không bị voi giày cọp xé. Báo chí giám sát chỗ này chỗ nọ nhưng đâu dám giám sát Ban Tuyên Huấn TƯ. Họ đã xử lí biết bao phóng viên, tổng biên tập nhưng nào có mấy ai dám ho he? Lẽ nào họ xử đúng cả? Hiện nay các Bộ và Ban Ngành của Chính phủ đều hoạt động đúng luật, tuy mức độ chấp hành pháp luật có khác nhau nhưng dù sao thì cũng có luật để mà theo; còn Ban Tuyên Huấn TƯ ra lệnh thì chẳng theo luật nào cả. Như vậy ở Trung Quốc duy nhất chỉ có Ban Tuyên Huấn TƯ là hoạt động không theo luật, họ là “vương quốc tối tăm” mà ánh sáng của “mặt trời pháp luật” không chiếu tới.

    Thứ ba: Đơn giản chữ viết theo kiểu Nhật

    Trong lịch sử, việc đơn giản chữ viết ở Nhật Bản đã từng xâm nhập vào Trung Quốc, biến “xâm nhập” thành “tiến xuất”. Ban Tuyên Huấn TƯ không coi đó là điều bất cập, mà bảo không nên nhắc lại cái sai của lịch sử. Những cụm từ gợi lại nỗi đau của đất nước như: “cuộc đấu tranh chống hữu khuynh”, “cách mạng văn hoá”, “sự kiện Thiên An Môn (1989)”, “hàng chục triệu nông dân chết đói”… đều là những cụm từ nên tránh sử dụng. Tất cả những cái đó khiến cho báo giới và các nhà học thuật không thể nào chấp nhận được còn dân chúng thì cảm thấy đau lòng, tuyệt vọng.

    Thứ tư: Sát thủ của Hiến pháp

    Tự do ngôn luận (báo chí-xuất bản) là quyền được Hiến pháp nước CHND Trung Hoa bảo hộ. Theo đạo lý thì Ban Tuyên Huấn TƯ đã là cơ quan tuyên truyền của ĐCS Trung Quốc thì phải là người bảo vệ quyền tự do ngôn luận ấy. Nhưng trên thực tế họ lại là kẻ xâm hại nặng nề nhất quyền tự do ngôn luận. Họ đã dùng trăm phương ngàn kế chà đạp lên quyền tự do ấy. Cho nên, muốn bảo vệ Hiến pháp thì không thể không “thảo phạt” Ban Tuyên Huấn TƯ.

    Thứ năm: Phản bội lý tưởng cao cả của ĐCS Trung Quốc

    Những năm 40 của thế kỷ XX, thời kỳ đấu tranh chống chế độ chuyên chế Quốc dân đảng là thời kỳ vẻ vang huy hoàng nhất của ĐCS Trung Quốc. Vậy mà học giả Tiếu Tú tập hợp lại những bài xã luận đã đăng trên “Tân Hoa nhật báo” Trùng Khánh, “Giải phóng nhật báo” Diên An… phát hành trong thời kỳ đó để in thành sách “Những tiếng nói đầu tiên của lịch sử” thì lại bị Ban Tuyên Huấn TƯ cấm đoán. Những tiếng nói tự do dân chủ trong thời kỳ đó đối với Trung Quốc là rất có ý nghĩa, chúng đại biểu cho những bài viết có phương hướng văn hoá tiến bộ, vậy mà nay lại bị Ban Tuyên Huấn TƯ cấm xuất bản, thì cũng đủ chứng tỏ họ là kẻ thù của lý tưởng ban đầu của ĐCS Trung Quốc rồi.

    Thứ sáu: Truyền bá tư duy chiến tranh Lạnh

    Câu nói bất hủ của Mao: “Phàm là những gì kẻ thù phản đối thì ta ủng hộ, phàm là những gì kẻ thù ủng hộ thì ta phản đối” đến nay vẫn là phương châm được Ban Tuyên Huấn TƯ vận dụng để chỉ đạo báo chí tuyên truyền và coi đó là “kim chỉ nam” cho hành động.

    Thứ bảy: Cắt xén, cản trở thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương chứ không phải quán triệt tinh thần ấy
    Có một số đồng chí nhà báo thường lên Ban Tuyên Huấn TƯ để “lãnh chỉ” hoặc nghe huấn thị đã phát biểu: Một khi anh đã lên Ban Tuyên Huấn TƯ nghe huấn thị thì anh sẽ cảm thấy tình hình Trung Quốc rối tung rối mù, rất nghiêm trọng, trái hẳn với tinh thần của Trung ương; anh sẽ biến thành kẻ đầu têu cắt xén, cản trở, phủ định, thậm chí chống lại tinh thần của Trung ương. Những người gây ra chuyện đó không phải là Đài Loan, Hồng Kông; không phải là bọn tham nhũng hay phần tử hải ngoại “vận động dân chủ” và thân nhân của những người tử nạn trong “sự kiện Thiên An Môn” mà chính là Ban Tuyên Huấn TƯ của ĐCS Trung Quốc.

    Thứ tám: Bệnh “Máu lạnh và nhược trí”

    Ban Tuyên Huấn TƯ thậm chí đã chỉ trích báo chí thông tin về nỗi oan khuất của quần chúng. Phản ảnh việc nhân dân gửi đơn hoặc đi khiếu nại tố cáo thì sao có thể coi là gây mất ổn định xã hội cơ chứ? Không phản ảnh, để tích tụ lâu ngày mới là nguyên nhân gây mất ổn định xã hội. Hàng ngày, phải đối mặt với những nỗi oan chồng chất của nhân dân, họ không những không động lòng mà còn trách báo chí phản ảnh thái quá thì quả là hạng người có trái tim đá và dòng máu lạnh! So với 1,3 tỷ nhân dân Trung Quốc, những người đi khiếu nại tố cáo chỉ là thiểu số thì làm sao có thể gây mất ổn định xã hội kia chứ? Huống hồ, 80-90% trong số đó đều là những người hiền lành, chứ những kẻ cơ hội quá khích thì căn bản không làm như vậy. Những lời chỉ trích của Ban Tuyên Huấn TƯ sẽ chẳng bao giờ giải quyết được tận gốc nạn khiếu kiện.

    Thứ chín: Chỗ dựa cho kẻ bạo tàn, hư hỏng
    Năm ngoái, giới báo chí đều nhận được 25 điều chỉ thị “không được đăng báo” do Ban Tuyên Huấn TƯ “phùng mang trợn mắt” phun ra. Trong đó có “không được đăng” vụ Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh ủy Vân Nam bị “song quy” (theo chỉ thị của Trung ương, những cán bộ “có vấn đề” đều phải được làm rõ trong một thời hạn và tại một địa điểm quy định). Tại sao không được đăng báo? Điều “không được đăng” này làm cho báo giới cả nước lấy làm tiếc, còn kẻ hư hỏng thở phào nhẹ nhõm. Đúng là “Hoà thượng che ô, vô pháp vô thiên!” Thử hỏi tất cả những người coi trọng chính nghĩa rằng như vậy có chịu nổi không?

    Thứ mười: “Ăn quả quên người trồng cây”
    Báo giới được Ban Tuyên Huấn TƯ quản lý chặt như bó giò, cứ tưởng họ sẽ bảo vệ mình nhưng không ít nhà báo bị trù dập mà không thấy họ nâng đỡ hoặc lên tiếng. Họ có vô số biện pháp để quản lý, uốn nắn nhà báo nhưng khi nhà báo bị hàm oan, muốn được họ giúp đỡ, minh oan thì họ rụt đầu lại chẳng khác gì một con rùa!

    Thứ mười một: Ra vẻ quý tộc nhưng là nô lệ của đồng tiền.

    Họ luôn tùy tiện ngăn cản báo chí thực hiện chức năng giám sát bằng dư luận bởi một tiếng “ngừng” với một lý do đàng hoàng là “tránh gây mất ổn định xã hội”. Nhưng trong nhiều trường hợp, đó là cuộc trao đổi giữa quyền và tiền, là dùng quyền lực để thu “tô”, là được kẻ xấu nhờ vả. Họ mượn quyền quản lý báo chí được Đảng và Nhà nước giao phó nhằm làm giảm bớt tai họa để trục lợi cá nhân. Như vậy, mỗi lần ngăn cản báo chí đưa tin là một lần họ dung túng cho một hoặc nhiều kẻ xấu, một lần duy trì tai họa. Họ bán rẻ hình tượng của Đảng và Nhà nước để đổi lấy những lợi ích phi pháp.

    Thứ mười hai: Kẻ thù ghét những người tài đức, ai tỏ ra vượt trội thì “diệt”, ai ủng hộ chính nghĩa thì “chôn sống”

    Hiện nay ở Trung Quốc không có loại sách bán chạy, nếu có cuốn nào bán chạy thì lập tức bị Ban Tuyên Huấn TƯ “đốt” ngay. Họ luôn có lý do đàng hoàng mà lòng dạ thì vô cùng đen tối. Cấm một cuốn sách hay, bán chạy là bóp ngẹt sức sáng tạo của dân tộc Trung Hoa. “Bịt miệng” được một nhà báo, một học giả hay một tờ báo tâm huyết với chính nghĩa là làm nhụt chí khí của xã hội Trung Quốc. Sở dĩ hiện tại ở Trung Quốc tinh thần sáng tạo cạn kiệt, đạo đức suy đồi, chính nghĩa co cụm, ác bá hoành hành, chính khí lụn bại… thì 99% là trách nhiệm của Ban Tuyên Huấn TƯ.

    Thứ mười ba: Nhân vật thứ 2 tạo ra hiểm họa khiến quần thể suy yếu
    Tại sao người lao động bị nợ lương triền miên mà chỉ có Thủ tướng Ôn Gia Bảo ra tay thì mới được giải quyết? Ban Tuyên Huấn TƯ cấm đoán báo chí thông tin, việc nợ lương không lọt vào tầm mắt quốc dân thì giải quyết sao được? Tại sao việc dân khiếu kiện kéo dài hàng chục năm không dứt? Tại Ban Tuyên Huấn TƯ che đậy tội ác. Những điều bất cập trong công tác kế hoạch hoá dân số vẫn tiếp tục tái diễn do báo chí không được phép thông tin. Kẻ xấu không sợ quan chức mà chỉ sợ đạo đức chính trị và đạo đức xã hội. Báo chí Trung Quốc vốn có thể làm một vạn điều tốt cho dân, hạn chế đều là tai họa; chỉ tại Ban Tuyên Huấn TƯ ngu muội, lạc hậu trong phương thức tư duy và bá đạo, võ đoán trong cách làm việc nên đã cấm đoán hết 9999 điều.

    Thứ mười bốn: Ban Tuyên Huấn TƯ biến Tổng biên tập các cơ quan báo chí thành những người vô cảm, phi chính nghĩa và thiếu văn hoá
    Mỗi lần nghe họ giáo huấn xong, người ta thấy mình như vừa thoát nạn, bởi dường như họ đang lội ngược dòng thời đại. Nhìn bề ngoài, các Tổng biên tập thấy mình vẫn còn nguyên vẹn nhưng nội tâm đã bị tổn thương rất nhiều. Những lời giáo huấn của các Tổng biên tập đã làm tổn thương hoàn toàn khả năng chống vô cảm, sự đồng cảm với chính nghĩa và văn minh của họ. Gây ra sự vô cảm là tai họa lớn nhất thế giới; chà đạp lên sự đồng cảm với chính nghĩa là sự chà đạp tàn bạo nhất thế giới.


    Thượng sách và hạ sách cứu Ban Tuyên Huấn TƯ
    Thượng sách là triệt tiêu Ban Tuyên huấn các cấp. Nước Mỹ có Ban Tuyên huấn không? Nước Anh có không? Châu Âu có không? – Tất cả đều không có. Vậy ai có Ban Tuyên huấn? Đức Quốc Xã có và đã từng xuất hiện một vị Trưởng ban lừng danh là Tiến sĩ Goebbels với câu nói bất hủ của ngài: “Lặp lại một ngàn lần nói dối sẽ biến thành lời nói thật!”. Trong thời kỳ Tưởng GiớI Thạch thống trị Trung Quốc cũng có Ban Tuyên huấn. Trọng tâm tuyên truyền của thời kỳ đó chỉ gói gọn trong câu: “Cộng sản nghĩa là dùng chung tài sản và vợ”. Chúng còn gọi đội quân của Mao-Chu (Ân Lai) là “Cộng phỉ”. Về bản chất, Ban Tuyên Huấn TƯ luôn chống lại lý luận duy vật cuả chủ nghĩa Mác. Phương châm hành động của họ là “Việc tốt tự nó phát sinh; việc xấu tự nó mất đi; việc tốt, bé sẽ thành lớn; việc xấu, lớn sẽ hóa bé…” Họ lẫn lộn trắng đen, chẳng hiểu khách quan là gì và luôn đi ngược lại tinh thần thực sự cầu thị. Nếu không nhận thức được bản chất công việc của Ban Tuyên Huấn TƯ sẽ là tội ác, là tai họa, là biểu hiện của Đảng và Chính phủ đang tự xa rời dân chúng. Nếu chính phủ Trung Quốc thấy hình ảnh của mình không mấy đẹp đẽ trên chính trường thế giới thì trước hết hãy hỏi tội Ban Tuyên Huấn TƯ. Tính chất và phương thức làm việc của họ đều không hội nhập được với nền văn minh hiện đại. 
    Hạ sách là phải soạn thảo một “Bộ luật về công tác Tuyên huấn” để họ cứ theo đó mà làm, khỏi phải vận dụng phép thuật phù thủy. Cũng có thể cho phép họ làm việc theo mô thức công tác hiện hành, nhưng phải có quy chế giám sát chặt chẽ để họ không làm việc máy móc như Giáo hội La Mã.<p> </p>

    4 biện pháp cụ thể
    Biện pháp I: Thiết lập một hạng mục chuyên nghiên cứu học thuật để tính công-tội cho Ban Tuyên Huấn TƯ

    Thử xem trong giai đoạn lịch sử vừa qua, hệ thống tuyên huấn trong cả nước đã làm được những gì, những vị Trưởng ban nào là công thần của dân tộc Trung Hoa, những vị nào là tội phạm; công thần thì đưa lên bàn thờ, tội phạm thì cho xuống địa ngục. Có thể gạt bàn tính để tính ngược từ vị Trưởng ban đương nhiệm là Lưu Vân Sơn và Cát Bỉnh Cán rồi Đinh Quang Căn, Vương Nhẫn Chi, Từ Duy Thành…

    Biện pháp II: Yêu cầu Ban Tuyên Huấn TƯ lập sổ nhật ký công tác
    Ban Tuyên Huấn TƯ nhất thiết phải có sổ nhật ký để ghi rõ toàn bộ công việc hàng ngày. Hôm nay đã ra lệnh phong toả nào, ngày mai sẽ tung “con chủ bài” nào, tất cả đều phải ghi cụ thể vào sổ để giám sát và sau này còn đối chiếu, truy cứu trách nhiệm, để lịch sử phán xét có công hay có tội, nên thưởng hay nên phạt. Hiện đang có một tình trạng khá phổ biến là để khỏi phải chịu trách nhiệm, khỏi bị lịch sử phán xét, người ta thường ra “lệnh cấm” bằng điện thoại. Cần phải kiên quyết ngăn cái trò quỷ không lưu lại bút tích này. Đứng trước một việc xấu, báo chí chuẩn bị đưa ra ánh sáng thì Ban Tuyên Huấn TƯ liền gào lên trong điện thoại: “Phải cứu người, không được đăng báo!”. Các nhà nghiên cứu phải hết sức quan tâm tới việc này, ngoài những lý do đàng hoàng “cần phải giữ ổn định” ra thì để ý quan sát kỹ xem có “sự trao đổi quyền-tiền” không?

    Phải truy vấn xem tại sao anh ta lại hăng hái bao che cho người xấu? Văn hào Lỗ Tấn đã từng nói: “Tôi không bao giờ đem những ác ý tồi tệ đổ lên đầu người Trung Quốc cả”. Nhưng chúng ta có lý do để làm điều này đối với Ban Tuyên Huấn TƯ bởi những cú điện thoại bảo dừng của họ. Mỗi cú điện thoại ấy, họ nhận được bao nhiêu tiền của kẻ xấu? “Thành thật thì khoan hồng, kháng cự thì nghiêm trị”, thực tiễn đã dạy, chúng ta cần ghi nhớ!

    Biện pháp III: Xây dựng chế độ truy phạt những việc làm sai của Ban Tuyên Huấn TƯ
    Đã có chế độ truy cứu trách nhiệm đối với những công trình xây dựng bị “rút ruột”, thì những việc làm sai của Ban Tuyên Huấn TƯ còn tai hại hơn nhiều; do đó cũng cần phải áp dụng chế độ truy cứu trách nhiệm. Nói cách khác, công trình siêu cấp về hình thái ý thức mà bị “rút ruột” thì hậu quả khủng khiếp biết chừng nào, vì vậy, không thể cho qua. Từ trước đến nay, Ban Tuyên Huấn TƯ đã phát động biết bao chương trình hành động phản cái này, chống cái nọ. Bây giờ nhìn lại thấy tức cười, rõ là trò ma! Vậy mà chẳng thấy ai dám đứng lên chịu trách nhiệm về những trò ma ấy cả.

    Biện pháp IV: Công khai hoá hoạt động của Ban Tuyên Huấn TƯ
    Việc này khiến báo chí có thể đăng kịp thời những chỉ thị của Ban “yêu cầu không được đăng báo”, hoặc phát chúng lên mạng. Ban Tuyên Huấn TƯ cũng nên có nghĩa vụ pháp định như thế để nhân dân cả nước có thể đánh giá lệnh nào của Ban là chính xác, là công đức; lệnh nào là tội ác, là phản văn minh, là hại dân hại nước. Các Tổng biên tập báo chí sau khi nghe những lời răn dạy của Ban Tuyên Huấn TƯ, nếu thấy có những điểm nào trái với kiến thức thông thường của xã hội văn minh, thì hãy tự giác đưa nó lên mạng. Ác quỷ luôn sợ ánh sáng. Các vị sợ gì mà không phơi bày tính kiêu ngạo lộng hành, luôn cho mình là đúng của Ban Tuyên Huấn TƯ. Các vị cứ việc nói những điều mà sau khi nghe họ giáo huấn các vị cảm thấy chưa thoả đáng, không chính xác, thậm chí là phản động, dù đó là “vấn đề bí mật, cấm không được nói”.

    Theo một số Tổng biên tập kể lại, về cơ bản thì những lời răn dạy của Ban Tuyên Huấn TƯ thường không theo lý tính, không phù hợp với thường thức văn minh, cũng không liên quan gì đến trách nhiệm của báo chí; thậm chí, cũng có trường hợp gần như lưu manh, vô lại, theo giọng điệu của anh hàng thịt; nó thể hiện tính hách dịch, bá quyền.

    Hệ thống báo chí Trung Quốc lớn đến thế mà cống hiến chẳng được bao nhiêu cho dân mình. Nguồn gốc của tai họa ấy thuộc về ngành Tuyên huấn. Họ đã làm suy giảm chức nang giám sát của báo chí, vì chức quyền mà quay ngược bánh xe lịch sử.


    Hãy đánh bật gốc rễ cực tả
    Những năm qua trên báo chí thường có câu: “Với lý do như mọi người đã biết, tin này bị cắt bỏ”. Thế nào là “lý do như mọi người đã biết”? – Đó là sự can thiệp của Ban Tuyên Huấn TƯ. Vì “lý do như mọi người đã biết” mà tin không được đăng báo, trên thực tế mặc dù đó là hoang đường, ngu muội, thậm chí là phản động, nhưng buộc phải nghe theo. Điều này chứng tỏ Ban Tuyên Huấn TƯ có đặc quyền đổi trắng thay đen, cưỡng bức thông tin, biến hươu thành ngựa, bất chấp đạo lý, chà đạp văn minh. Cái hoang đường như mọi người đều biết ấy có quyền lực rất lớn, thần thánh cũng không thể xâm phạm, không thể đảo ngược; hàng chục vạn nhà báo, hàng trăm vạn trí thức, chẳng ai dám ra mặt phản đối, dù chỉ nửa lời. Quả là điều sỉ nhục về nhân cách đạo đức của người Trung Quốc.

    Ban Tuyên Huấn TƯ tại sao lại ngược ngạo đến thế? Đó là di sản lịch sử mà lịch sử cực tả đã giao cho họ. Từ thời Vương Minh, Khang Sinh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kều đến nay, Ban Tuyên Huấn TƯ luôn được hưởng quyền miễn trách cứ về đạo đức và chính trị. Họ chẳng phải chịu trách nhiệm gì cả, chẳng phải chịu phản tỉnh, chẳng việc gì phải sám hối, cũng chẳng tự vấn lương tâm. Đường lối chính trị thay đổi, nhân sự thay đổi, nhưng Ban Tuyên Huấn TƯ là một bộ máy “hồng và độc ác” thì vẫn được giữ nguyên. Xưa nay nó chưa hề được “thanh toán”, vai trò của nó luôn bất biến, phương thức tư duy và phương thức làm việc chưa ai đụng đến, tính cực tả và loạn nghịch của nó vẫn còn nguyên. Cần phải thanh toán mọi tội lỗi của Ban Tuyên Huấn TƯ trong các thời kỳ lịch sử như đã thanh toán Vương Minh, Khang Sinh, Diêu Văn Nguyên, Trương Xuân Kiều! Cần phải hiểu rằng Trung Quốc là của mỗi người dân Trung Quốc, là mảnh đất sống của con cháu muôn đời, ai cũng có quyền sổng tự do, diễn đạt tự do, ăn nói tự do.


    14 lý do thảo phạt
    Lý do thứ nhất: Chủ tịch Mao đã nói: “Tất cả bọn phản động đều là hổ giấy. Thoạt nhìn thì chúng rất đáng sợ nhưng trên thực tế thì chẳng có gì ghê gớm. Về lâu dài có thể thấy sức mạnh thật sự không thuộc về bọn phản động, mà thuộc về nhân dân”. Báo chí cũng đã có lần gọi Ban Tuyên Huấn TƯ là “phái phản động” rồi. Họ phản động ra sao thì ai cũng biết; họ phản động một cách trắng trợn, lộ liễu, không cần phải giấu diếm.

    Lý do thứ hai: Đó là quyền lợi Hiến pháp của chúng ta. Nước cộng hoà không cần có hổ, Nước cộng hoà không cần có thánh vật, nước cộng hoà cũng không cần có thánh nhân như Hồng y giáo chủ.

    Lý do thứ ba: Tôi văn minh, cao thượng hơn Ban Tuyên Huấn TƯ. Họ đã xô đẩy Đảng và Chính phủ vào chỗ bất nghĩa. Mỗi chỉ thị “không được” do họ đưa ra đều là kết tinh của sự ngu muội, đều trái với sự nghiệp của Đảng và Chính phủ.

    Lý do thứ tư: Tôi không thể chịu nổi việc họ chà đạp lên những thường thức văn minh nhân loại. Họ không cho phép báo chí dùng từ “công dân” mà phải dùng từ “bà con”; không muốn các từ “tự do dân chủ” xuất hiện nhiều trên mặt báo; trong Hiến pháp có thể dùng, trong Báo cáo chính trị của Đại hội XVI (ĐCS Trung Quốc) có thể dùng, còn những người bình thường thì chớ. Điều này chứng tỏ những từ “tự do dân chủ” chỉ được dùng để trang trí. Vấn đề đó có ý nghĩa gì? – Đó là kẻ thù của nhân loại, kẻ thù của văn minh, kẻ thù của dân chủ và kẻ thù của tự do! Đó là “mâu thuẫn giữa địch và ta”. Ban Tuyên Huấn TƯ không phải là người quán triệt tư tưởng “Ba đại diện”, mà là đại biểu cho sự ngu muội, lạc hậu, đại biểu cho khuynh hướng văn hoá tù đọng, trầm luân của loài người.

    Lý do thứ năm: Tôi có cái đức ham sống. Tôi không chịu nổi khi nhìn thấy bộ máy Ban Tuyên Huấn TƯ tự hủy diệt mình, càng không chịu nổi việc phải nghe lời các vị để tiếp tục hủy diệt những tinh hoa của đất nước.

    Lý do thứ sáu: Trưởng các Ban Ngành khác cùng với đơn vị mình có thể trở thành đối tượng “mổ xẻ” của báo chí. Công việc của Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ có thể bị “phê phán”, vậy dựa vào đâu mà Ban Tuyên Huấn TƯ không bị “chất vấn nọ kia”? Các ngành tư pháp, công an, đường sắt, lao động và bảo hiểm xã hội… cùng các vị Bộ trưởng đều đã từng bị báo chí chất vấn, trách cứ. Nhất là ngành đường sắt, năm nào cũng bị bàn dân thiên hạ la ó, bủa vây như phường săn vây sói.

    Lý do thứ bảy: Phó Ban Tuyên Huấn TƯ là ông Cát Bỉnh Cán, người Hà Nam. Cuối năm 2003, ông này liên tục phát ra 23 chỉ thị “không được”… Người Hà Nam mà nắm hình thái ý thức khiến nhân dân không an tâm. Xưa nay Hà Nam là tỉnh bị thiên tai nhiều nhất Trung Quốc. Sở dĩ Hà Nam bị nhiều thiên tai căn bản là do các quan chức địa phương quá nhạy cảm với hình thái ý thức. Chúng ta không thể để cho môi trường dư luận cả nước bị “Hà Nam hoá”.

    Lý do thứ tám: Đây là một cảm nhận văn chương của tôi. Lương Khải-siêu đã phát triển đời sống văn hoá đến đỉnh điểm; Hồ Thích phát triển Bạch thoại đến tầm cao; Từ Chí Quyền phát triển Thơ mới đến thượng tầng; Lỗ Tấn đưa Tạp văn lên chót vót. Lý Ngao, Bá Dương, Vương Nê, Khổng tử, Mạnh tử, Tào Tuyết Cần… Đường-Tống bát đại gia đều đã quy tiên, nhưng những đỉnh cao của họ đều là những cống hiến lớn lao cho ngữ văn Hán và dân tộc Hán. Tôi cũng muốn đem cảm nhận văn chương của mình về những thứ không phải là vùng cấm mà bị lãng quên ấy lên đỉnh cao hơn để khắc họa thêm một vài đường nét về sự phát triển của ngữ văn Hán và dân tộc Hán. “Thư sinh báo quốc vô trường vật, Duy hữu thủ trung bút như đao [1] ”.

    Lý do thứ chín: Sự cổ vũ của các bậc tiền bối. 360 năm trước, ông John Milton có tác phẩm “Bàn về quyền tự do xuất bản”; 150 năm trước, K. Marx có tác phẩm “Nhận xét về lệnh kiểm duyệt sách báo của nước Phổ”; 1.500 năm trước, Robin Hood có “Hịch dấy binh”… tất cả, lời lẽ đều ngắn gọn nhưng đanh thép. Lương Khải Siêu đã từng chửi vọng Viên Thế Khải về cái gọi là Quốc thể; các nhà lãnh đạo phong trào “Ngũ Tứ” thì kêu gọi “đánh đổ Khổng gia điếm!”; Trương Lý Loan thì khái quát về “nhân sinh quan của Tưởng Giới Thạch”, còn Quách Mạt Nhược lại kêu gọi “hãy thử nhận xét Tưởng Giới Thạch trong hiện tại”; Chuyên Tư Niên có bài “Tống Tử Văn coi bộ không ra đi không ổn”,… Việc đánh đổ “Hoàng thân quốc thích” sách thời nào cũng có, tôi chỉ muốn nói thêm một câu là “Cát Bỉnh Căn không ra đi không ổn” hoặc gào lên một tiếng là hãy “thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ”. So với các bậc tiền bối thì điều đó có kém chi? Nhưng trên thực tế chỉ là chuyện nhỏ. Hơn nữa, báo chí nước ngoài đang suốt ngày la hét: “Tổng thống không xứng đáng, mau cút về vườn đi!” hoặc “Bộ trưởng tệ quá, hãy xéo cho khuất mắt!” Tôi không tin rằng nhân dân Trung Quốc cũng hô to “thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ” vì như thế là nghịch đạo, đáng tội chết. Người lính không muốn trở thành tướng là người lính tồi; người trí thức không muốn trở thành John Milton không phải là người trí thức giỏi. Tôi muốn bài “Thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ” nảy trở thành văn kiện lịch sử trong sử sách Bưu Bỉnh giống như “Bàn về quyền tự do xuất bản”, “Nhận xét về lệnh kiểm duyệt sách báo của nước Phổ”…

    Lý do thứ mười: Ao ước để phúc cho con cháu. Cứu Ban Tuyên Huấn TƯ là khởi nguồn Tự do, hạnh phúc cho đời sau. “Cộng sản”, “Dân chủ” phải chăng đã trở thành sự bưng bít, tai họa nặng nề? Chừng nào mới kết thúc?

    Lý do thứ mười một: Người sơ trở thành thân. Anh làm báo chí, tôi nghiên cứu công tác báo chí, công việc của anh là đối tượng nghiên cứu của tôi. Chúng ta vốn cùng một nhà, cùng chịu trách nhiệm trước sự hưng thịnh của một “ông chủ” – đó là dân tộc Trung Hoa. vậy chúng ta hãy cùng chung một chí hướng, coi Tổ quốc là cha mẹ, đồng bào là anh em!

    Lý do thứ mười hai: Căn cứ vào sinh thái học. Bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ đứng phía sau, tiếp theo là ruồi nhặng. Quyền lực sinh ra tiêu cực, quyền lực tuyệt đối sinh ra tiêu cực tuyệt đối. Ban Tuyên Huấn TƯ đang có thứ tiêu cực đó nhưng tại sao không bị giám sát? Ai dám bảo đảm họ không tiêu cực? Sinh thái học thường thức không thể nào giải thích nổi điều này.

    Lý do thứ mười ba: Ai rồi cũng phải chết, vậy mà tôi không muốn sống. Tôi muốn thay đổi Hiến pháp, Luật Hình và các bộ luật khác của nước CHND Trung Hoa, muốn thảo phạt cả Ban Tuyên Huấn TƯ, điều đó chưa đáng là tội chết. Là “tội sống” thì chẳng có gì đáng sợ, chỉ phải ngồi tù thôi, phải không? Ngồi tù thì khác với kiểu “đãi ngộ Tân thành”. “Ngồi Tân thành” là gửi thân xác vào ngân hàng, có lãi và không bị mất giá. Bây giờ trong số những nhân vật cũ có tên tuổi, ai mà đã không từng “ngồi Tân thành”?... Thảo phạt Ban Tuyên Huấn TƯ thúc đẩy văn minh xã hội đương đại của Trung Quốc là công lao vô cùng to lớn, xứng mặt anh hùng, cũng giống như các bậc tiền bối đã nêu trên, đáng được lưu danh sử sách.

    Lý do thứ mười bốn: Tôi rất nhạy cảm với nỗi khổ, nhưng lại khá thờ ơ với lẽ phải. Hai việc khiếu kiện với nợ lương, ai bảo điều đó gây mất ổn định xã hội, báo chí không được phản ánh, thì tôi rất ghét. Hôm Tết tôi nằm mơ đi chơi Di Hoà Viên, thấy có người chết đuối, để lại đôi giày, hoá ra đó là đôi giày của tôi. Tôi đã nhảy xuống hồ Côn Minh tự vẫn.

    Trong đôi giày của tôi có bức thư gửi chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo. Đại ý như sau: Tại sao các vị không ra lệnh giải quyết tình trạng nợ lương công nhân? Tại sao các vị không gồng mình lên giải quyết vấn đề khiếu kiện? Hôm nay tôi sẽ chết cho các vị xem! Năm tới mà còn nợ lương với khiếu kiện thì ở dưới âm phủ tôi vẫn không nguôi giận các vị đâu! Xem kìa, tôi đang “thử chết” trong giấc mơ để phản đối chính phủ thờ ơ với tình trạng khiếu kiện và nợ lương!

    Xem thêm về Tiêu Quốc Tiêu (Jiao Guobiao) và bài “Thảo phạt…”



    Nguồn: theo Á châu tuần san

    Phần nhận xét hiển thị trên trang