Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Những kẻ khốn nạn, trời người không dung!

Số phận Lê Chiêu Thống và đoàn tòng vong trên đất TQ
ĐÀO TIẾN THI: Bất cứ ai, chỉ cần qua ghế nhà trường cấp 2, cũng đều biết chi tiết trưa ngày mùng năm Tết Kỷ Dậu (1789), Quang Trung cưỡi voi, áo bào xạm đen khói súng, tiến vào Thăng Long, kết thúc cuộc đại phá 29 vạn quân Thanh chỉ có 5 ngày, sớm hơn 2 ngày so với dự định (lúc khao quân ở Nghệ An ngày 30 Tết, Quang Trung hẹn ngày mùng 7 Tết vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng).
Nhưng có lẽ ít ai biết về số phận của ông vua phản bội Tổ quốc Lê Chiêu Thống và đoàn tòng vong của ông ta sau cuộc thua tan tác này. Chúng tôi xin lược qua 15 năm sống (và chết) nhục nhã (và phần nào đáng thương) trên đất Trung Quốc của họ.


Bài viết dưới đây tổng hợp từ Hoàng Lê nhất thống chí [i] (HLNTC), Bắc hành tùng ký (BHTK), có tham khảo thêm các giáo trình lịch sử Việt nam và từ điển mở Wikipedia. Trong số này đặc biệt chú ý là Bắc hành tùng ký, bởi nó là cuốn nhật ký của Lê Quýnh, nhân vật quan trọng nhất trong đoàn tùy tùng của Lê Chiêu Thống, ghi lại những ngày ông bị giam cầm trên đất Trung Quốc.

Cầu cứu nhà Thanh

Với khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh, sau khi lật đổ họ Trịnh, anh em Tây Sơn giao lại Bắc Hà cho vua Lê (1786), rồi rút quân về Nam. Vua Lê lúc ban đầu là Lê Hiển Tông, sau khi qua đời, Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) được kế vị, hiệu là Chiêu Thống, năm ấy 21 tuổi. 

Nhưng Chiêu Thống không đủ uy tín và tài năng để cai quản đất nước. Bắc Hà rơi vào loạn lạc, Lê Chiêu Thống phải hết dựa vào thế lực này đến thế lực khác, từ Đinh Tích Nhưỡng đến Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi Chỉnh bị Võ Văn Nhậm diệt, Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Quảng Tây, Trung Quốc, cầu cứu nhà Thanh.

Nhân cơ hội ấy, quân Thanh do Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sỹ Nghị cầm đầu kéo sang. Ngay khi vào Thăng Long, chúng đã chẳng coi Lê Chiêu Thống ra gì. Vua ta phải hằng ngày vào chầu chực ở bản doanh của Tôn Sỹ Nghị để nghe lời sai bảo. Tuy vua Lê đã được phong Vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long. “Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân, việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua. Hoặc có người biết, thì họ nói riêng với nhau rằng:

“Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?”. Lại có hôm, vua tới yết kiến, Nghị không buồn tiếp, chỉ cho người đứng ở dưới linh các truyền bảo: “Hôm nay không có việc quân, việc nước gì. Hãy về cung yên nghỉ!” (HLNTC). Đối với quân lính và bọn người Hoa ở Việt Nam, thì y lại dung túng cho chúng mặc sức làm điều phi pháp. Vua Lê tuy biết sự tệ hại ấy, nhưng đã trót mời quân Thanh sang, chỉ sợ vì việc đó mà làm mếch lòng chúng, nên không dám nói gì.


Chạy theo tàn quân Thanh


Sau khi quân Thanh đại bại, Lê Chiêu Thống cùng gia quyến và các bề tôi trung thành lại chạy theo sang Trung Quốc, hy vọng cầu viện nhà Thanh một lần nữa.


Nhưng lúc này, tình hình đã khác. Quân Thanh, mà thực chất là quân 4 tỉnh gần Việt Nam (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu), sau những trận Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa,… đã trở nên khiếp sợ vua Quang Trung và quân Tây Sơn. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, khi quân ta đuổi chúng đến Lạng Sơn, đã nói phao lên rằng: “Sẽ giết hết rợ Hung Nô”. Do đó, ở đất Trung Quốc, “dân chúng lại càng nhốn nháo. Từ cửa ải Nam Quan trở về bắc, trai gái già trẻ, bồng bế dắt díu nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm, lặng ngắt không còn bóng người” (HLNTC). Tôn Sỹ Nghị bị cách chức, vua Càn Long cử Phúc Khang An là một người thuộc đội “cờ viền vàng”, được vua rất tin dùng, làm tổng đốc Lưỡng Quảng, thay mặt triều đình lo việc kinh lý với An Nam. Ở triều đình thì việc này giao cho Hòa Khôn (tức Hòa Thân, viên quan nổi tiếng tham nhũng nhưng lại được vua Càn Long tin dùng) trực tiếp phụ trách. Cả hai tên này đều không thích gì việc đánh Việt Nam.


Mặt khác, sau đại thắng, Quang Trung tìm cách hòa hiếu. Ông sai Ngô Thì Nhậm thảo thư gửi Phúc Khang An, nói rõ ta không có ý đánh nhau mà thực ra lỗi thuộc về Tôn Sỹ Nghị. An bày cho ta đưa vàng bạc đút lót cho Hoà Khôn. Khôn liền tâu với vua Thanh xin bãi việc binh, phong vương cho Quang Trung. Khôn nói: “Từ xưa đến nay, chưa có đời nào làm nên công trạng ở cõi Nam. Nhà Tống rồi nhà Nguyên, nhà Minh, rốt cuộc đều bị thua trận, gương ấy hãy còn rành rành”. (HLNTC)


Ngô Thì Nhậm cho Nguyễn Quang Thực, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu, giả làm Quang Trung, sang yết kiến vua Thanh, dâng thêm hai thớt voi đực. Dọc đường, người Thanh phải phục dịch chuyển vận rất khó nhọc. Trong ngoài ai cũng biết là giả dối, mà không ai dám nói.


Đến Yên Kinh, “vua” Quang Trung (giả) được đón tiếp rất chu đáo (Càn Long không biết hay biết nhưng cố tình lờ đi?), được phong vương. Và như vậy số phận Lê Chiêu Thống đã sắp được định đoạt mà y không biết.


Bị ép gọt đầu gióc tóc


Trong khi ấy, Phúc Khang An giả vờ bảo Lê Chiêu Thống: “Ngày xuất quân không còn xa, vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước. Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc, thay đổi quần áo giống như người Trung Quốc, để khi về Nam quân giặc không thể phân biệt được, thì công lớn mới có thể thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. “Việc binh không ngại dùng cách xảo trá”. Vương nên nghĩ tới chỗ đó.


Lê Chiêu Thống tưởng thật, vâng lệnh ngay, lại còn nói:
“Chúng tôi không giữ được nước nhà, may nhờ thiên triều cứu viện, dù cả nước phải ăn mặc như người Trung Quốc, cũng xin vâng lệnh. Việc ấy còn có tiếc gì?” (HLNTC)


Thế là Khang An bèn làm một tờ biểu kín tâu với vua Thanh, nói rằng vua An Nam không còn có ý xin cứu viện nữa, vua tôi đều đã gióc tóc đổi đồ mặc, xin ở lại yên ổn trong đất Trung Quốc. Vậy xin bãi bỏ các đạo quân định đưa sang đánh dẹp phương Nam.


Lừa được Chiêu Thống rồi, Khang An còn chơi trò làm nhục ông vua lưu vong bằng cách bố trí cho Chiêu Thống chạm trán phái đoàn sứ bộ của Quang Trung, làm cho Chiêu Thống rất tức tối.


Sau đó Khang An lại tìm cách ly gián Lê Chiêu Thống với các bề tôi còn chút tinh thần dân tộc. Trong số bề tôi này, đáng chú ý nhất là Lê Quýnh.


Nguyên Quýnh đã từng theo Lê Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh năm 1788. Lúc quân Thanh kéo vào nước ta, Quýnh được dịp thả sức say mê tửu sắc, “ân oán riêng dù bằng cái tơ, sợi tóc cũng đều đền báo không hề sót” (HLNTC).
Khi vua chạy theo tàn quân Tôn Sỹ Nghị, Quýnh được giao ở lại để chiêu mộ lực lượng trong nước.


Tháng 5-1789, Khang An cho trát đòi bọn Quýnh sang “bàn việc nước”. An cho giải Quýnh loanh quanh, mãi tháng 9 mới cho gặp, nhưng rồi “việc nước” chỉ là ép Quýnh gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc như người Thanh mà thôi. Quýnh cùng hiệp trấn Nguyễn Mậu Nễ, tri phủ Nguyễn Đồng, Trịnh Hiến, chỉ huy Lê (Doãn) Trị, hàn lâm viện cung phụng Lý Bỉnh Đạo, cả bọn thà chết chứ không chịu gọt đầu gióc tóc.


Quýnh và nhiều đồng chí của mình bị đi đày. Trong số này, Nguyễn Đồng bị bệnh chết ở châu Nam Ninh, Nguyễn Mẫu Nễ chết ở Liễu Châu.


Cuối cùng, Khang An cũng nói trắng với bọn Quýnh là thiên triều đã phong vương cho Quang Trung rồi, nay chẳng những nhà Thanh không kéo quân sang giúp nhà Lê mà bọn Quýnh cũng không thể nào về nước được nữa. Tốt nhất là ở lại Trung Quốc, An sẽ xin vua Thanh bổ dụng.


Nhưng Quýnh chối từ: “Lưu lại nội địa, không phải sở nguyện của chúng tôi. Vì lưu lại đây, thì bỏ việc nước không hỏi đến, ấy là bất trung. Bỏ cha mẹ không đoái đến, ấy là bất hiếu. Phụ những kẻ đồng tâm chết với nước, ấy là bất nghĩa. Lỡ lòng mong cứu khỏi đắm, chữa khỏi cháy, ấy là bất nhân. Vì nước mà đổi thành bán nước, ấy là bất trị. Liều mình mà trái lại giấu mình, ấy là bất dũng, mang đủ sáu điều đó, sao xứng được làm người? Trung Hoa tuy rộng, cũng không đất dung những đồ chó lợn ấy” (BHTK).


Quýnh bị đày đi Quảng Đông (có sách nói là Sơn Đông). Tháng 3-1790, nhân xa giá vua Thanh đi Đông tuần, Quýnh được gặp Càn Long. Càn Long bảo: “Chúng bay không vì sự thịnh suy mà tiến thoái, khá khen lòng thành giữ trung nghĩa. Trẫm không nỡ khép tội”. Nhưng lại vẫn ép: “Chủ các ngươi đã xin yên ổn ở lại Trung Quốc, lũ các ngươi giốc lòng cùng theo, thì nên lập tức gọt đầu gióc tóc, đổi đồ mặc để chờ mệnh lệnh” (BHTK).


Nhà Thanh đưa Quýnh lên Yên Kinh. Tại đây chúng vẫn tiếp tục ép Quýnh gọt đầu gióc tóc. Quýnh vẫn chống lại. Quýnh thuyết phục bọn quan lại nhà Thanh rằng chữ trung mình đã không giữ được thì xin cho về phụng dưỡng mẹ già để vẹn chữ hiếu. Bọn chúng bảo: “Chúa các anh ở đây, mà các anh không theo, thế thì trung được sao?”. Và bố trí cho vua tôi gặp nhau.


Tại cuộc gặp, các quan nhà Thanh cố lấy lời khéo dỗ vua Lê bảo bọn Quýnh cắt tóc. Bọn Quýnh khóc, lạy mà nói rằng: “Bọn Quýnh sống làm tôi nhà Lê, chết làm ma nhà Lê. Ngoài ra thì không phải sở nguyện” (BHTK).


Các quan nhà Thanh mắng: “Mệnh chúa anh, anh cũng không theo. Ấy há là đạo của kẻ làm tôi sao?” (BHTK). Quýnh trả lời: “Bổn phận kẻ làm tôi thờ vua vốn phải theo mệnh, nhưng cũng phải theo lẽ buộc đừng theo. Nếu có thể nhờ vậy mà không phục mệnh vua, thì ấy cũng là theo mệnh vua đó. Nay, cái mệnh bảo cắt tóc, ở miệng thì là mệnh, nhưng trong tâm thì không phải là mệnh. Bọn Quýnh nguyện theo cái mệnh trong tâm của chúa mình, kẻo chúa cũng bất đắc dĩ mới phải làm cái sự (các ngài) yêu cầu đó mà thôi” (BHTK).


Bọn quan nhà Thanh tiếp tục giam lỏng Quýnh. Cuối năm đó lại dụ Quýnh: “Cạo đầu thì vua tôi cha con sẽ đoàn tụ vui vẻ cùng nhau. Sao mà cứ một mực ngây ngốc, không chịu theo gần nhân tình đến thế?”. Quan bộ đường đề thẩm, chức thượng thư là Hồ Quý Đường, bảo rằng: “Các anh nếu không cạo tóc thì sẽ chết già trong ngục, chôn thây theo sở nhà tù. Cắn rốn (hối hận) sao kịp?” (BHTK).


Quýnh và ba người nữa tiếp tục bị giam. Đầu năm 1799, Quýnh lại làm tờ tâu:
“Chúa cũ là tôi con thiên triều. Quýnh là dân của chúa cũ, thì không những nghĩa và lý đáng phải tránh làm dân Nguyễn Huệ, mà tấc lòng tôi cũng không thẹn. Cúi xin trời che, đất chở, khí xuân nuôi, lòng bể chứa, bằng lòng cho bọn Quýnh về làm tên dân ở biên giới Lưỡng Quảng, được qua lại (đường ranh) buôn bán gần chỗ an trí. May chi được thăm viếng mẹ già và nuôi nấng, thì không còn điều gì oán tiếc. Nếu sức có thể đem gia quyến tới ở nội địa, thì cũng xin được tuỳ tiện mà làm…” Quan tả thị lang họ Hùng bảo: “Phải xin cắt tóc và xin cho ở cạnh doanh An Nam. Nếu không như thế, thì sẽ bị đưa an trí ở Nhiệt Hà. Các anh xin điều nào?”.


Bọn Quýnh lại trả lời như trước rằng:
“Xin thả ra để đem thân xác về. Được thế thì nguyện cắt tóc để tạ ơn trời. Nếu không được thế, thì xin giữ tóc để hợp lẽ trời” (BHTK).


Tuyệt vọng


Lại nói về Lê Chiêu Thống, trong thời gian ở Yên Kinh vẫn tiếp tục dâng biểu xin nhà Thanh cho viện binh về nước khôi phục nhà Lê. Nếu không được thì cũng cho mượn 2 châu Tuyên Quang, Hưng Hóa để xây dựng lực lượng, hoặc lẻn vào Gia Định cầu viện Nguyễn Ánh. Bọn quan nhà Thanh thì luôn tìm cách dối quanh để khất lần. Có lúc chúng bảo cho mượn đất Khâm Châu (Quảng Đông), có lúc bảo cho về Tuyên Quang. Có lần, bực quá, một tên dắt ngựa của vua Lê là Nguyễn Văn Quyên, phải chửi: “Bọn chó Ngô vô lễ, dám làm nhục vua ta”, rồi lấy gạch ở sân ném bừa vào bọn chúng. Đám quân lính giữ vườn nổi giận, xúm lại đánh Văn Quyên gần chết, đoạn bắt giam một tháng, Văn Quyên nhân thế bị bệnh mà chết.


Một người con của Càn Long biết sự tình của vua tôi Lê Chiêu Thống, có ý thương xót, liền khuyên Hòa Khôn lời lẽ phải chăng. Khôn tâu lại với vua, anh này liền bị đánh đòn, sau sinh bệnh chết. Từ đấy, vua Lê không còn dám nói đến việc xin quân cứu viện nữa, nhưng trong lòng uất ức khôn nguôi.


Mùa hè năm Nhâm Tý (1792), con đầu của Lê Chiêu Thống lên đậu rồi mất. Vua lo buồn sinh bệnh, thoi thóp nằm liệt không dậy được. Năm sau, bệnh nhà vua càng nguy kịch, rồi mất (Càn Long thứ 58, 1792), thọ 28 tuổi.


Ngày 11-10, niên hiệu Gia Khánh nhà Thanh (1799), Thái hậu (mẹ Lê Chiêu Thống) cũng mất ở “Tây An Nam doanh”. Vua Thanh cho chôn cạnh lăng Lê Chiêu Thống.


Ngày mồng 4-4 năm Gia Khánh thứ 5 (Canh Thân, 1800), bọn Quýnh được thả ra khỏi ngục, dời đi ở cách phía tây kinh thành mười hai dặm, tại Lam Xưởng, an trí ở doanh Hoả Khí ngoài. Đầu tóc, ăn mặc được phép tự do. Phần mộ chúa cũ, được phép thăm viếng. Quýnh liền làm một bài thơ, trình quan bộ Hình và quan coi ngục. Bài thơ có câu rằng:
Kéo tóc khôn đền mưa móc mới,
Ngoảnh đầu sợ phụ núi sông xưa.


Tuy nhiên khoảng tháng 7-1883 lại bị bắt lại.


Trở về cố quốc


Năm Giáp Tý (1804), lúc này triều Tây Sơn đã mất, Nguyễn Ánh lên ngôi vua. Nhà Thanh cho Lê Quýnh cùng các quan tòng vong được đưa di hài Chiêu Thống về táng ở quê nhà và cho tất cả các người bề tôi trốn theo đều được về nước. Các bề tôi mở quan tài vua Lê Chiêu Thống (đã quàn 12 năm) thì thấy da thịt đã nát hết, chỉ có trái tim không nát, mà sắc máu hầu như vẫn còn đỏ tươi! (chi tiết này ghi trong HLNTC, không rõ thực hư thế nào).


Khi di hài vua Lê đưa về đến cửa ải, có bà hoàng phi của vua là Nguyễn Thị Kim nghe tin, liền từ Kinh Bắc lên cửa ải để đón linh cữu. Ngay từ hôm ấy, hoàng phi tuyệt thực, hằng ngày vật vã bên linh cữu mà khóc lóc. Ngày 23-8-1804, di hài đưa về đến Thăng Long, các quan thay hài cốt vua Lê sang một chiếc tiểu khác, thấy trái tim vẫn còn y nguyên.
Tế xong, hoàng phi đến trước hương án khóc lóc thảm thiết, rồi sau đó, uống thuốc độc tự tử. Người khắp nước ta và người Trung Quốc đều khen là bậc “tiết nghĩa”.


Các bề tôi trốn theo vua Lê, về sau, vào năm Tự Đức thứ 14 (1860), được nhà vua cho lập đền thờ ở phía tây thành Thăng Long, tại phường Thuỵ Chương, thuộc huyện Vĩnh Thuận. (Có tài liệu cho là ngõ 124, đường Thụy Khê, Hà Nội ngày nay). Chính giữa thờ Lê Quýnh (thuỵ là Trung Nghị), bên tả thờ 11 vị, bên trái thờ 11 vị, phía đông thờ 5, phía tây thờ 5. Như vậy tất cả gồm 33 người, đều được gọi là “Cố Lê tiết nghĩa thần” (các bầy tôi tiết nghĩa đời Lê) và ngôi đền cũng đề là “Cố Lê tiết nghĩa từ” (đền thờ các bậc tiết nghĩa đời Lê).


Theo chúng tôi, Lê Quýnh và một số “tiết nghĩa” nói trên chỉ đáng khen mỗi việc kiên quyết không gọt đầu gióc tóc như người Thanh, dù bị tù đày, đe dọa, mua chuộc thế nào, chứ hành động bán nước là không thể tha thứ. Mặt khác, tình cảnh của họ cũng như vua Lê những ngày sống lưu vong và bị giam cầm trên đất Trung Quốc cũng có phần đáng thương. 


Nhận định về Bắc hành tùng ký, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na viết: “Tác giả đã ghi lại tâm trạng đau khổ, uất ức, tủi nhục của mình nói riêng, của vua tôi nhà Lê nói chung trong những ngày sống trên đất Trung Hoa. Tác phẩm như một tấm gương phản tỉnh những ai có ảo tưởng “phục quốc” bằng con đường dựa vào người nước ngoài”[ii].


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một người Trung Quốc tử tế, đáng trân trọng:

1 người TQ 10 năm kiên trì vạch mặt "trò hề" Bắc Kinh ở Biển Đông


(Soha.vn) - Từ năm 2005, ông đã cho rằng những chứng cứ lịch sử của Trung Quốc tại vùng biển Nam Hải (biển Đông) không rõ ràng, thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục.

Học giả Lý Lệnh Hoa, một nhà nghiên cứu về Luật Biển của Trung Quốc, cựu thành viên Trung tâm Tin tức hải dương quốc gia Trung Quốc đã có hàng loạt lập luận thẳng thắn phản bác lại quan điểm của chính những quan chức nước này. Những điều này đã được ông lên tiếng trong nhiều năm liên tục.

Năm 2014: Trung Quốc bóp méo sự thật lịch sử

Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và liên tục gây rối tại khu vực này, học giả Lý Lệnh Hoa đã lên tiếng phản bác mạnh mẽ.

Ở một bài viết trên trang blog cá nhân ngày 21/5/2014, ông Lý Lệnh Hoa viết:

“Truyền thông Trung Quốc đã đăng tải quá nhiều phát biểu vô trách nhiệm về những vấn đề về liên quan đến biển Đông. Họ chẳng hiểu gì Công ước 1982 hay Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), họ bỏ qua lý lẽ và thậm chí coi thường Công ước đã ký. Những gì họ nói, họ biết về “đường lưỡi bò” là vô cùng cẩu thả. Tất cả các đường ranh giới trên đất liền và hải phận trên thế giới đều là những đường liền mạch, rõ ràng, còn “đường lưỡi bò” chỉ là một vệt 9 đoạn đứt quãng quá mơ hồ…

Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Từ xa xưa cho đến tận đời nhà Minh, nhà Thanh, Trung Quốc vốn không quan tâm nhiều đến biển. Làm sao lại có thể dám nói rằng, người Trung Quốc từ xa xưa đã vươn ra hoạt động trên một vùng biển rộng đến hơn 200 vạn km2 mà Trung Quốc đang đòi hỏi hiện nay? Đấy là một sự ngụy tạo, bóp méo sự thật lịch sử". Theo thông tin trên báo điện tử Infonet.

Báo Tiền Phong đưa tin, trong bài đăng tải trên các trang mạng http://blog.163.com và http://blog.sina.com.cn lúc 15h01’ ngày 15/5/2014, ông Lý Lệnh Hoa viết: “Ngày 15/5/1996, chính phủ Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước LHQ về luật biển năm 1982, vì vậy chúng ta cần phải hành xử theo khuôn phép của các điều khoản cơ bản và tinh thần của Công ước”. Theo đó, ông cho rằng, một số quan chức và chuyên gia, học giả Trung Quốc từ lâu nay vẫn phiến diện kiên trì quan điểm về thềm lục địa kéo dài tự nhiên và chủ trương về “đường 9 đoạn”, một mình một chợ, không đếm xỉa người khác.

Vị này đồng thời khẳng định: “Trung Quốc muốn phát triển kinh tế và nâng cao uy tín thì cần phải tích cực và chủ động giải quyết vấn đề Nam Hải (biển Đông), phải xác lập được cơ chế đàm phán, thương lượng song phương và đa phương hữu hiệu, được các nước liên quan cùng chấp nhận, thiết thực sớm chấm dứt cục diện xung đột dài ngày ở Nam Hải (biển Đông)”.

Trong một bài viết trên blog cá nhân tối 6/5 (đăng trên mạng sina.com), học giả Lý Lệnh Hoa cũng nhấn mạnh, Trung Quốc nên tuân theo điều thứ 74 và 83 của UNCLOS), phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển xung quanh.

Năm 2013: Cái gọi là “đường lưỡi bò” hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế VN

Tờ Công an nhân dân viện dẫn: Ngày 13/8/2013, ông Lý Lệnh Hoa cảnh báo, Trung Quốc có nguy cơ thành kẻ thù chung của thế giới nếu tiếp tục những hành vi sai trái, ngang ngược, vô lý trong lập trường, chủ trương, yêu sách về biển Đông.
Ngày 3/8/2013, học giả này khuyến cáo, không thể trì hoãn mãi việc giải quyết vấn đề biển Đông và Trung Quốc cần giải quyết việc này với thái độ tích cực.

Ngày 3/7/2013, ông công bố một bản đồ phân định Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) liên quan đến các nước xung quanh Biển Đông thể hiện rõ các khu vực mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền theo cái gọi là “đường lưỡi bò” hoàn toàn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Năm 2012: Phải hủy bỏ đường 9 đoạn

Tại buổi hội thảo mang tên “Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) và việc phân chia biên giới biển Trung Quốc” do Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc thuộc báo điện tử Sina.com tổ chức và công bố hôm 27/8/2012, ông Lý Lệnh Hoa tuyên bố, Trung Quốc cần phải hủy bỏ “đường 9 đoạn” nếu không muốn tự biến mình thành “kẻ thù của nhiều nước”.

Ngày 24/11/2012, vị này đăng bài viết “Công ước quốc tế về Luật Biển 1982” trên blog cá nhân. Trong đó có đoạn: “Trung Quốc là nước đã ký và phê chuẩn Công ước, đến nay đã được 30 năm… Vậy mà cho đến hôm nay vẫn cố giữ “đường lưỡi bò” không có kinh độ, vĩ độ cụ thể ở Biển Đông”.

Ngày 20/8/2012, cũng trên blog cá nhân, ông Lý Lệnh Hoa đăng bài “Nhận thức mơ hồ và sai lệch về biên giới biển”, trong đó có viết: “”Đường 9 đoạn” chỉ là đường ảo, trong khi đường biên giới trên biển phải được quốc tế thừa nhận là có thực”.

Báo Công an nhân dân cũng đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng, tranh luận của vị này. Cụ thể, ngày 17/7/2012, Lý Lệnh Hoa cho đăng tải bài viết mới về thành phố Tam Sa với nhận xét "làm trò cười cho quốc tế", đồng thời kêu gọi từ bỏ ý tưởng này ngay lập tức.

Ông cho rằng, ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra "thành phố Tam Sa" là cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc.
Ngày 3/7/2012, ông Lý Lệnh Hoa cho đăng tải một bức bản đồ phân định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước trên biển Đông. Trong đó, ông chỉ rõ sai phạm nghiêm trọng của Trung Quốc khi đòi chủ quyền "đường lưỡi bò" từ phần lãnh hải của Việt Nam.

Theo ông, tấm bản đồ này hoàn toàn đáng tin vì nó được vẽ dựa trên tinh thần của Công ước 1982, khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cách nói của Chính phủ Trung Quốc "quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển phụ cận" quá mập mờ, ngay chuyện phụ cận bao nhiêu hải lý đều không thể nói rõ.

Năm 2011: Quan điểm thủ cựu và nhận thức sai lầm về “đường lưỡi bò”

Trên Thời báo Hoàn cầu, tháng 6/2011, học giả này có bài viết: "Lập hàng rào rõ, để có quan hệ tốt với láng giềng". Ông cho rằng, việc coi "đường lưỡi bò" do chính quyền Trung Hoa dân quốc đơn phương vẽ ra năm 1947 là ranh giới phân định vùng biển của Trung Quốc là quan điểm thủ cựu và nhận thức sai lầm. Chủ trương đơn phương này không thể phát huy tác dụng trong việc giải quyết các vấn đề trên biển Đông.

Năm 2005: Chứng cứ lịch sử tại biển Đông thiếu căn cứ

Báo giới trong nước cũng đưa tin, tháng 12/2005, trên báo Tin tức Ngư nghiệp của Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa công bố bài viết mang tựa đề: "Xung quanh vấn đề “đường lưỡi bò” và quy định về biên giới trên biển quốc tế". Trong đó, ông cho rằng những chứng cứ lịch sử của Trung Quốc tại vùng biển Nam Hải (biển Đông) không rõ ràng, thiếu căn cứ và không có tính thuyết phục.

Việc vẽ ranh giới như vậy không chỉ trùng lặp với vùng đặc quyền 200 hải lý của các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, mà thậm chí còn bao gồm luôn cả vùng biển Kepulauan Natuna của Indonesia. Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày một nóng, Trung Quốc không nên lẩn tránh và cũng không thể lẩn tránh câu hỏi của quốc tế về tính hợp pháp của "đường lưỡi bò".


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có nhiều thứ để làm đĩ lắm, không cứ Thơ


TRUYỆN NGẮN
LÀM ĐĨ
Do chịu không nổi tiếng thị phi người đời nên bà Xinh quyết định nói "toạc móng heo" cho con gái hiểu. Còn nó không hiểu, không nghe lời bà là việc của nó. Xem như lần nầy trách nhiệm làm mẹ của bà kết thúc tại đây, trong căn nhà mấy chục năm qua không hề có tiếng đàn ông.
- Bà Xinh: Mẹ hỏi con lần nữa, bây giờ con ưng làm đĩ hay làm thơ ?
- Con gái: Làm đĩ !
Bà Xinh hứ một tiếng rõ ta rồi quay mặt đi nơi khác nhưng bụng bà, tâm bà lại dán chặt vào con bé vừa bước sang tuổi hai mươi. Độ tuổi dạt dào yêu thương, cháy bỏng ước mơ nếu như không có thơ. Đúng rồi, chính những vần thơ lãng mạng, ướt át kia đã huỷ hại đời nó. Xúi nó đi làm đĩ. Khốn nạn!
- Bà Xinh: Nhưng tại sao con lại chọn nghề làm đĩ thay vì các nghề khác cũng có tiền chẳng hạn như bán hàng, làm tạp vụ, thậm chí ở đợ cũng sạch sẽ thơm tho hơn.
- Con gái: Làm đĩ để lấy tiền làm thơ mẹ a, bởi vì hai nghề nầy liên quan mật thiết với nhau. Vả lại thơ càng ngày càng ế, còn đĩ thì luôn đắc như tơm tươi!
- Bà Xinh không nhịn được: Tổ cha mi, làm đĩ là một cái nghề dơ dáy, bẩn thỉu, nằm dưới đáy xã hội cớ gì so sánh với làm thơ thanh tao trong sạch chứ. Nó chả liên quan gì với nhau thậm chí đối nghịch nhau nữa.
- Con gái: Thưa mẹ, làm thơ là làm cho người đọc sung sướng tâm hồn, thăng hoa cảm xúc. Còn làm đĩ là làm cho khách làng chơi sung sướng về thể xác, bay bổng lên chín tầng mây. Cả hai nghề con chọn đều đem lại sự sung sướng cho con người vốn đã ngập chìm trong bể khổ mấy ngàn năm nay rồi. Thế không tốt hơn sao!
Bà Xinh đuối lý nằm vật xuống giường. Trong cơn mê loạn bà thấy một người đàn ông lạ hoắc sờ soạng khắp người bà như đang lần tìm châu báu. Bất giác bà run lên bần bật, toàn thân nóng ran. Vâng, hắn - chính hắn, chính đôi tay ma quái nầy cách đây ba mươi mấy năm là tác giả của bài thơ. À không, tác giả của ... "nhà thơ" vừa mới cải lộn với bà đây. Bà thét lên như bị ai véo chỗ bắp đùi non nõn nuột vậy.
- Đồ đĩ!
Sài Gòn, 6.2014
Bình Địa Mộc
(ảnh minh hoạ)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mỹ muốn lắp tên lửa tại Hàn Quốc chống Triều Tiên, Trung Quốc


Mỹ đang cân nhắc việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân ở Hàn Quốc để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, đối trọng với Trung Quốc.


Yonhap dẫn lời người đứng đầu Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc cho hay Mỹ đang cân nhắc việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân ở Hàn Quốc để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên, đối trọng với Trung Quốc.
THAAD, tên lửa đạn đạo, Triều Tiên
Hệ thống THAAD phóng tên lửa

Báo chí Hàn Quốc đưa tin Mỹ đã tiến hành khảo sát khu vực nơi khả thi để lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), dù chưa có quyết định cuối cùng được đưa ra. 

"Việc triển khai THAAD có được cân nhắc tại Hàn Quốc. Đây là sáng kiến của Mỹ mà tôi đưa ra với tư cách là chỉ huy (quân đội Mỹ tại Hàn Quốc)" - Tướng Curtis Scaparrotti nói tại Seoul. 

THAAD là hệ thống được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa ở độ cao lớn hơn trong chặng bay cuối. 

Ông Scaparrotti nói rằng trước các 'mối đe dọa' từ Triều Tiên, Mỹ tiếp tục đưa ra các phương án để bảo vệHàn Quốc hơn nữa, và hệ thống THAAD sẽ mang lại cảm giác an toàn hơn và thúc đẩy khả năng tương hỗ. 

Nhấn mạnh vào việc coi triển khai THAAD giờ 'đang ở giai đoạn ban đầu', ông nói rằng quyết định cuối cùng sẽ đưa ra khi nào thảo luận xong với Hàn Quốc. 

Những tuần gần đây, Washington dường như đang thúc đẩy Seoul tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa. Đây là phương án mà Seoul vẫn lưỡng lự khi Nhật cũng tham gia, nhằm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. 

"Điều này chỉ có tính chất phòng vệ, và nhằm bảo vệ Hàn Quốc" - chỉ huy Mỹ trả lời khi được hỏi liệu rằng việc triển khai hệ thống này tại Hàn Quốc có thể là mối lo ngại trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc. 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc là Kim Min-seok cho biết Mỹ vẫn chưa có yêu cầu chính thức nào đối với việc triển khai THAAD trên đất Hàn Quốc, và chính quyền Seoul 'đang có kế hoạch xem xét lại việc này nếu như phía Mỹ đưa ra yêu cầu chính thức để hợp tác'. 

"Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ cân nhắc việc triển khai. Theo như tôi biết thì một sự khuyến nghị như vậy từng được người tiền nhiệm của ông Scaparrotti đưa ra" - một nguồn tin từ Seoul cho biết. 

Trong khi đó, nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho hay Seoul đã quyết định triển khai các tên lửa đất đối không tầm xa (L-SAM) với công nghệ trong nước. 

Lê Thu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hình như lịch sử có vấn đề?

Nữ sinh Hà Nội tự tin một mình thi môn Sử

Chiều 2/6, Khánh Linh là thí sinh duy nhất dự thi môn Sử tại hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) với 18 thành viên Hội đồng coi thi.
Học sinh này rất bản lĩnh và chắc chắn, Phó Chủ tịch hội đồng thi và là Hiệu phó Trường THPT Quang Trung Đoàn Đức Hạnh nói.
"Học sinh này rất bản lĩnh và chắc chắn", Phó Chủ tịch hội đồng thi và là Hiệu phó Trường THPT Quang Trung Đoàn Đức Hạnh nói.
Hơn 15h30, Linh được bố đưa tới trường và nhận được nhiều sự quan tâm từ Hội đồng thi. "Dù thi một mình nhưng em rất tự tin vì đã chuẩn bị tốt kiến thức, không có gì phải lo lắng cả", cô gái chia sẻ trước khi giờ làm bài.
Theo hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung Đỗ Đức Hòa, lúc đầu có khoảng 7-8 em đăng ký thi tốt nghiệp môn Sử. Sau đó thấy ít người quá, phần lớn các em chuyển môn tự chọn khác. Riêng Linh vẫn quyết tâm chọn môn này.
Phó Chủ tịch hội đồng thi và là hiệu phó Trường THPT Quang Trung Đoàn Đức Hạnh cho biết, khi biết cả trường chỉ có mình Linh chọn thi tốt nghiệp môn Sử, gia đình em đã đến gặp giáo viên bày tỏ băn khoăn. Sau khi được động viên, giải thích, phụ huynh của Linh đã yên tâm và không tạo áp lực trong việc lựa chọn môn thi của con.
"Linh rất bản lĩnh và chắc chắn. Kết quả trung bình môn Sử năm lớp 12 của em là trên 9, thi thử môn Sử đạt loại giỏi. Em cũng chọn khối C để thi đại học", cô Hạnh cho biết thêm.
Đón học sinh từ cổng, cô Hạnh rồi sau đó là đích thân Chủ tịch hội đồng thi Lê Thị Quyên đã có lời hỏi thăm, động viên Linh yên tâm làm bài. Bà Quyên cho biết dù là một hay bao nhiêu thí sinh dự thi thì Hội đồng thi vẫn đảm bảo đủ số lượng cán bộ cần thiết để đảm bảo cho môn thi diễn ra an toàn nghiêm túc. “Chúng tôi cũng đặc biệt lưu ý để tạo tâm lý thoải mái nhất cho thí sinh khi bước vào làm bài thi”, bà Quyên nói.
Khánh Linh cũng là thí sinh duy nhất của Hà Nội một mình một Hội đồng thi.
Đức Hiệp

























































































Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Trong chính trị không có từ tức giận - Vì tức giận làm người ta ngu xuẩn"

Lê Phan

Hồi năm 1997, tôi đã đến Nam Phi để làm một loạt phóng sự truyền thanh cho ban Việt ngữ đài BBC. Tôi đến Nam Phi, như dự án tôi viết ra để xin ngân khoản cho chuyến đi làm phóng sự ghi nhận, với một câu hỏi: Tại sao Nam Phi, một quốc gia đã trải qua một lịch sử đoạn trường của nửa thế kỷ cai trị bởi một thiểu số, đã đạt được đồng thuận để tạo một chính quyền dân chủ đa sắc tộc trong khi đất nước tôi, sau nửa thế kỷ nội chiến giữa những người cùng sắc tộc, cùng ngôn ngữ, lại kết thúc với hận thù để mấy triệu người phải bỏ nước ra đi?

Trong khi chuẩn bị, tôi gặp rất nhiều đồng nghiệp trong khu vực Phi Châu của Thế Giới Vụ. Họ đều thích thú vì lần đầu tiên có một người bên khu vực Á Châu muốn tìm hiểu Phi Châu. Họ còn lý thú hơn nữa khi biết tôi muốn tới miền Nam Phi Châu để tìm hiểu về tiến trình hòa giải của hai quốc gia mới trải qua nội chiến, Nam Phi và Mozambique. Và đều giải thích cho tôi nghe sự phức tạp và vấn đề mà Nam Phi và Mozambique phải đối diện.

Riêng Nam Phi, ai cũng bảo tôi, còn nhiều vấn đề lắm.

Mà quả thực vậy. Trước khi lên đường, ông bạn của công ty du lịch mà đài BBC thường sử dụng thuê cho tôi một khách sạn năm sao ở Johannesburg. Ngạc nhiên tôi hỏi như vậy có quá “tiêu chuẩn” không vì phóng viên có giới hạn tài chánh. Ông ta cười bảo đó là khách sạn rẻ tiền nhất mà bà không phải mặc áo giáp khi xuống phòng ăn!

Vừa đến Johannesburg, trên xe từ phi trường về khách sạn, chuyến xe ca nhỏ của khách sạn đón khách đang đi an lành tự nhiên ông tài xế khóa cửa tự động. Thấy một số chúng tôi có vẻ ngơ ngác, ông giải thích “car jack - ăn cướp xe hơi.” Sau đó tôi mới biết quanh những trục lộ chính của thành phố Johannesburg có những nơi xe hơi đi qua mà nơm nớp sợ vì không biết bị đánh cướp lúc nào.

Thành phố Johannesburg đẹp đẽ, được xây dựng trên tài nguyên khoáng sản của Nam Phi lúc đó đã điêu tàn sau nhiều năm cấm vận. Trụ sở của đảng African National Congress-ANC nằm ở trung tâm thành phố, vốn là trụ sở cũ của công ty dầu khí Shell. Thực ra đây là trụ sở mới của đảng, mua lại của Shell hồi năm 1991. Tòa nhà hẳn có thời sáng loáng đồ sộ nay trông tiêu điều. Và ở cái thời tiền 9-11 khi không mấy nơi có các máy dò kim loại, việc đầu tiên phải đi qua ở trụ sở của ANC là máy dò kim loại. Trong tòa nhà cao ốc rộng mênh mông, các văn phòng của ANC trông thật thô sơ.

Tôi đến gặp tổng thư ký của ANC người da trắng gốc Anh. Như những người bạn ở Ban Phi Châu Vụ đài BBC đã giải thích cho tôi, đa số những thành phần da trắng ủng hộ nồng nhiệt và chiến đấu sát cánh cạnh người da đen là những người gốc Anh. Lịch sử Nam Phi thời thuộc địa là một cuộc tranh quyền giữa người Anh và người gốc Hòa Lan, cho đến khi người gốc Hòa Lan đẩy lui dần ảnh hưởng người Anh để thành lập một quốc gia độc lập, từ bỏ nữ hoàng và thành lập một nước cộng hòa năm 1961 trong một cuộc trưng cầu dân ý chỉ người da trắng được bỏ phiếu. Những người gốc Hòa Lan này có thời gọi là Boer nhưng sau này tự nhận mình là Afrikaan.

Ông tổng thư ký của ANC quả là một người vô cùng hấp dẫn. Ông nói say mê về một tương lai xán lạn của một quốc gia cầu vồng. Ông nói đến những thành quả đã đạt được của ANC từ việc nới rộng mạng lưới an sinh xã hội đến giáo dục. Ông khoe việc cung cấp y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và các sản phụ. Ông khoe Luật Hoàn Trả Ruộng Ðất năm 1994 giúp hoàn trả đất đai cho nhiều chục ngàn người, và Luật Cải Tổ Ruộng Ðất năm 1996 giúp bảo vệ quyền lợi của nông dân làm thuê. Ông công nhận là an ninh và trật tự công cộng là vấn đề nhưng ông cũng nhắc nhở là chính phủ mới lên cầm quyền có ba năm.

Rời văn phòng ANC, tôi đến thăm văn phòng của một trong những đảng da đen quá khích lúc đó đang ồn ào chỉ trích ANC là đảng Azanian People's Organisation-AZAPO. Gặp tôi là phó chủ tịch của AZAPO, một người vừa ngoài 30, học thức, uyên bác và hùng hồn. Tự giới thiệu mình tốt nghiệp từ trường London School of Economics, ông ta bắt đầu chỉ trích chính sách của ANC nói là Mandela và ANC đã không có một sáng kiến nào cả, cắm đầu theo con đường cũ của đảng National, tiếp tục những chính sách chiều chuộng tư bản khiến người nghèo ngày càng nghèo thêm, người giàu ngày càng giàu hơn. Quay sang chính trị, ông chỉ trích ông Mandela là quá quỵ lụy đám người da trắng vì sợ họ bỏ đi khiến cho quyền lợi của đa số bị tước đoạt.

Ngày hôm sau tôi được một phó đảng trưởng của đảng National, đảng cầm quyền cũ thời còn chế độ Apartheid, mời đến nhà uống trà. Như những người Afrikaan khác, giọng nói tiếng Anh nhẹ nhàng, ông giữ đúng lễ độ, mời dùng trà, nói chuyện thời tiết, du lịch, khí hậu. Mãi đến khi trà bánh xong, ông mới bắt đầu quay sang chính trị. Ông chỉ trích bản Hiến Pháp năm 1996 mà ông F.W. De Klerk đã từ chức phó tổng thống trong chính phủ liên hiệp để phản đối. Ông chỉ trích chính sách ruộng đất của ANC gây thiệt hại cho các chủ điền da trắng. Ông chỉ ra là cả chục ngàn người da trắng đã bỏ đi vì tội phạm quá nhiều, tham nhũng tràn lan, và cảnh sát không còn tin cậy được nữa. Ông chỉ ra là mỗi người như vậy ra đi là Nam Phi mất đi một trong những người có đủ khả năng để giúp nền kinh tế hồi sinh, một việc mà chính Tổng Thống Mandela vốn rất e ngại.

Sau khi lấy taxi đi sang thủ đô Pretoria, một thành phố hành chánh nằm không xa đại đô thị Johannesburg. Vì gấp gáp tôi không kịp xin gặp Tổng Thống Nelson Mandela, mặc dầu các bạn trong văn phòng ở Johannesburg cả quyết là nếu biết trước được một tháng thì họ có thể thu xếp dễ dàng.

Nhưng họ bảo tôi cứ lên Pretoria, ngày nào “ổng” ấy cũng ra trước cửa dinh gặp gỡ mọi người. Mà quả vậy, tôi đã được bắt tay vị lãnh tụ đáng kính nể của Nam Phi ở ngay bậc thềm của dinh tổng thống. Ông niềm nở hỏi han khi tôi nói tôi là thuộc Ban Tiếng Việt của đài BBC. Ông bảo ông vẫn “thèm” được đi Việt Nam. Sau tôi, ông vui vẻ bắt tay chào một cặp người da trắng từ Cape Town lên thăm thủ đô. Ông chuyện trò với họ thật vui, hỏi thăm về một vùng mà ông đã sống ở đó trong hơn hai thập niên tuy rằng trong một nhà tù. Nghe ông nói chuyện, không ai nghĩ là cảm tưởng của ông về Cape Town là của một người cựu tù đã bị nhốt ở một trong những nhà tù hắc ám nhất của Nam Phi.

Trở về Johannesburg, tôi gặp đại diện của đảng Inkatha Freedom vốn thường được gọi tắt là Inkatha. Ðây là đảng của người Zulu, một “quốc gia” trong một quốc gia. Ðã có thời những vụ đổ máu thường nhật xảy ra giữa Inkatha và ANC. Giáng to lớn vạm vỡ, ông tiếp tôi ở nhà riêng vì văn phòng chính của Inkatha nằm ở Zululand cách năm sáu tiếng đồng hồ máy bay. Lúc tôi gặp thì mối hiềm khích và cuộc chiến “đen chống đen” giữa Inkatha và ANC đã lắng dịu nhờ tài khôn khéo của lãnh tụ Mandela. Nhưng Inkatha vẫn còn bất mãn. Ông đại diện chê là chính sách của chính phủ thiên bộ tộc của tổng thống. Ông chỉ trích chính sách của tổng thống đối với Zululand. Và nói chung ông không hài lòng vì ông nghĩ là ông Mandela, khi không còn cầm quyền nữa, phải trao quyền cho Chief Buthelezi chứ không phải cho bất cứ một ai trong ANC.

Rời Johannesburg tôi bay tới Cape Town, thành phố xinh đẹp nằm gần giữa lằn ranh của hai đại dương và là nơi mà trong cái tổ chức kỳ lạ của Nam Phi nơi Quốc Hội nhóm họp. Tôi đến Cape để tìm gặp Ðức Tổng Giám Mục Desmond Tutu, người đã được trao cho Ủy Ban Sự Thật và Hòa Giải. Ðức tổng giám mục, trông phúc hậu như một ông Bụt, lúc nào cũng cười, vui vẻ trò chuyện với tôi về King's College của Viện Ðại Học Luân Ðôn, trường cũ của ông. Nghiêm chỉnh lại ông giải thích nguyên tắc của ủy hội rất đơn giản: “Sự thật cần phải được công khai. Sự công khai của sự thật sẽ giúp nạn nhân nguôi ngoai. Nó cũng sẽ giúp kẻ gây nên tội ác một cơ hội hối cải và ủy hội có quyền ân xá.” Vị phó chủ tịch, Tiến Sĩ Alex Boraine, một luật sư lão thành, đã giải thích thêm về khía cạnh pháp lý.

Sau cùng tôi đặt câu hỏi cho hai ông: “Tại sao bao nhiêu hận thù, bao nhiêu máu đổ mà có thể có được hòa giải và hòa hợp?” Hai ông nhìn nhau rồi đức tổng giám mục trả lời “Tổng Thống Mandela coi sự nghiệp chính của ông trong mấy năm còn lại của cuộc đời là làm sao giúp tạo nên hòa giải dân tộc. Ông hiểu rằng trả thù sẽ chỉ tạo nên hận thù. Ông hiểu rằng trả thù sẽ đuổi hết người da trắng ra khỏi Nam Phi, nhưng Nam Phi cần người da trắng vì nền kinh tế sẽ sụp đổ nếu không có người da trắng. Ông hiểu rằng phải giải hòa giữa ANC và Inkatha vì nếu không thì đen sẽ đánh đen.” Ngừng lại một chút, đức tổng giám mục nói tiếp, “Ðã có lần tôi hỏi Madiba bộ anh không tức giận với đám đã bỏ tù anh bao nhiêu năm sao? Anh ta trả lời ‘Tôi không tức giận. Trong chính trị tức giận làm người ta ngu xuẩn.’ Ðó là con người đã giúp Nam Phi thoát được thù hận của quá khứ.”


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vẫn có người nể?

"Kiên béo" - một người keo kiệt!


Nguồn: Vitalk

Chia sẻ xúc động của một người từng là "lính" của "bầu Kiên" để thấy được phần nào con người thật của ông.
Không phải đa số, nhưng phần lớn những người tôi biết, trong gần 20.000 quân dưới trướng đều lưu tên ông ấy trong điện thoại là thế, vậy nên, tôi cũng lưu y hệt.

Nhiều ngày qua, người ta có dịp biết thêm về ông ấy, nên, để góp vui, tôi cũng kể một ít trải nghiệm cũng chính tôi, khi dưới trướng.

Kiên béo, chính xác là một gã keo kiệt, ai ở gần cũng biết, tiện lúc say tôi liệt kê ra luôn...

1. Keo kiệt lời nói.

Làm lính. Lúc được cất nhắc một tí, tôi hay loay hoay xin "ý kiến chỉ đạo", ông ấy thường lừ một cái rồi bỏ đi, làm tôi vài đêm suy nghĩ xem liệu mình hỏi sai chỗ nào... và bực!

2. Keo kiệt kiến thức.

Lần đó, gặp việc khó lắm, tôi hỏi ông ấy: Anh ơi vướng chỗ này thì phải làm thế nào hả anh? - "Ơ, thế tao lại phải cầm chim cho mày đái à?" - Đó là nguyên văn câu trả lời. Nghe xong ông ấy nói, tôi tức điên máu....Và kèm sau đó là tôi phải cắm đầu vào nghiên cứu, học, hỏi và tìm hiểu, để giải cái việc mà lẽ ra ông ấy nói một từ là xong...

3. Keo kiệt tiền bạc.

Đi làm việc cửa quan, mọi người luôn nghĩ có tí "bôi trơn" sẽ là nhanh. Tôi cũng từng thế. Nhưng tôi chỉ có được 2 cơ hội hỏi về việc đó trước ông ấy, kết quả y hệt nhau - bằng một chữ từ thoát ra từ cái cổ họng được gằn lại, trong phong thái không thoải mái lắm "Biến!". Các lần sau tôi sợ, đọc luật, thủ tục, thông tư hướng dẫn cho lành... Nhưng khó chịu.

4. Keo kiệt quan hệ.

Ông ấy giao tôi đi đăng ký thành lập Công ty VPF, nơi mấy chục cổ đông là những doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu Việt Nam, với những người đại diện là những đại gia lớn nhất Việt Nam. Thời gian ông ấy cho đúng 7 ngày (bao gồm 2 ngày chuẩn bị và 5 ngày làm việc theo đúng thủ tục đăng ký kinh doanh). Điên cuồng, điên rồ, cuối cùng cũng xong, cùng một cái thở dài của bộ phận một cửa : "Sao không bảo ở chỗ anh Kiên?" … Chán.

5. Keo kiệt cả nụ cười.

Đội Vô địch. Ai cũng vui. Nhìn sang ông ấy để tìm sự chia sẻ. Mặt ông ấy như không, kiểu như ông ấy đã cười một lần rồi và sẽ không cười nữa. Chắc ông ấy nghĩ "Chẳng bao giờ những người đưa thư ăn mừng khi họ gửi đúng địa chỉ". Cũng cay nghiệt thật... Hóa ra mình được hưởng lương để làm tốt chứ không phải để ăn mừng… Có tí tủi.

... Kể ra khi ông ấy gặp tai nạn, trong cái "nghiệp kinh doanh" của mình, tôi nói lại những điều này là không nên, tuy nhiên, từ khi bước ra khỏi cái bóng của ông ấy, thành lập doanh nghiệp xã hội chuyên về bóng đá, gọi là "không lớn" thì đúng, nhưng bảo là "nhỏ bé" thì sai hoàn toàn... với tất cả bài học từ ông ấy, những kỹ năng buộc phải có khi không nhận được từ sự keo kiệt của ông ấy... mới biết được đó là những bài học vĩ đại.

Xin được trân trọng Ông, theo cách thân mật và kính nể nhất, Anh "Kiên béo"!

Theo facebook


Phần nhận xét hiển thị trên trang