Nghe rõ giả nhời:
Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014
Việt Nam: Quốc gia ủng hộ Mỹ nhiều nhất ở Châu Á
Câu trả lời: Việt Nam. Ít nhất là nếu bạn đánh giá từ quan điểm của người dân.
...Hãy xem cuộc di cư ồ ạt của người Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Thật khó mà tìm ra được một gia đình Việt Nam nào, đặc biệt là ở Miền Nam, mà không có người thân sống ở Mỹ. Trong năm 1975 và những năm sau đó, hơn 1 triệu người Việt Nam đã vượt biên bằng đường biển, nhiều người đi bằng thuyền, và phần lớn trong số đó đã tìm đến Mỹ. Nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở Miền Nam, phụ thuộc vào cộng đồng người Việt Nam hải ngoại, với hàng tỷ dollars được gửi về hàng năm cho thân nhân ở Việt Nam. Mối liên hệ giữa con người với con người đã khiến cho chính sách quốc gia trở nên mờ nhạt...Câu trả lời: Việt Nam. Ít nhất là nếu bạn đánh giá từ quan điểm của người dân.
Việt Nam ư? Chẳng phải đấy là nơi mà khoảng 2 triệu người Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc xung đột với người Mỹ hay sao? Chẳng phải đấy là nơi mà 58.000 lính Mỹ đã chết trận hay sao? Chẳng phải đấy là nơi mà viên tướng không quân Hoa Kỳ Curtis Lemay đã nói rằng chúng ta cần “ném bom để đưa họ trở về thời kỳ đồ đá” (bằng cách phá huỷ các nhà máy, bến cảng và cầu cống “cho đến khi chúng ta tiêu huỷ mọi công trình nhân tạo ở Bắc Việt Nam”) hay sao?
Tôi từng sống ở Việt Nam 5 năm, từ 1966 đến 1972, đầu tiên là một tình nguyện viên làm việc với người tỵ nạn, và sau đó là một nhà báo. Tôi học Tiếng Việt, cưới một cô vợ người Việt, và đã quay lại đây hàng chục lần trong những năm qua. Tôi theo dõi sát sao tình hình Việt Nam như một số ít người khác. Tôi đã thăm Việt Nam gần đây, dành 7 tuần đi từ bắc chí nam. Tôi tin rằng Việt Nam và người Việt Nam có nhiều thứ để dạy chúng ta.
Bây giờ tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ liên quan đến cái cách mà chúng ta, với tư cách một quốc gia, vẫn nhìn nhận các quốc gia và dân tộc khác.
Phần lớn người Mỹ không còn nghĩ nhiều về Việt Nam sau khi những người Mỹ cuối cùng rời khỏi đây năm 1975. Đó là khi cuộc chiến tranh chính thức chấm dứt và Miền Bắc cộng sản tiếp quản Miền Nam.
Thoáng chốc gần 40 năm sau
Một trong những điều thú vị nhất mà một du khách tới Việt Nam nhận ra là mức độ thân thiện mà người Việt Nam dành cho người Mỹ. Đây là một vài lý do – văn hoá, lịch sử, địa chính trị, và những lý do khó cắt nghĩa khác – giải thích cho điều đó. Hy vọng là các nhà hoạch định chính sách ở Washington có thể lắng nghe.
1. Người Việt Nam đã giành chiến thắng. Niềm tự hào của người Việt Nam vẫn y nguyên. Người dân, kể cả các quan chức chính quyền, có thể tỏ ra vị tha. Suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam luôn cho rằng họ đã đánh bại những kẻ xâm lược ngoại bang, trong đó có Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Họ mang theo mình hình ảnh cao đẹp về bản thân. Cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ càng khẳng định thêm hình ảnh đó.
2. Việt Nam là một đất nước tương đối nhỏ, tiếp giáp với Trung Quốc, một kẻ thù lịch sử. Quân đội Việt Nam chiến đấu với quân Trung Quốc trên biên giới Việt-Trung gần đây nhất là vào năm 1979. Với việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với các đảo của Việt Nam trên Biển Đông, mức độ căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam gia tăng hàng ngày. Nhiều người Việt Nam tẩy chay hàng hoá Trung Quốc. Người Việt Nam (nếu không muốn nói là toàn bộ chính quyền Việt Nam) coi Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất đủ sức kiềm chế Trung Quốc.
3. Các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam thừa biết quốc gia nào có nền giáo dục bậc cao tiên tiến, ở đâu trẻ em có thể được tiếp cận với lối tư duy, công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhất. Họ gửi con cái của mình sang Mỹ – chứ không phải là Trung Quốc hay Nga – để du học.
4. Hãy xem cuộc di cư ồ ạt của người Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Thật khó mà tìm ra được một gia đình Việt Nam nào, đặc biệt là ở Miền Nam, mà không có người thân sống ở Mỹ. Trong năm 1975 và những năm sau đó, hơn 1 triệu người Việt Nam đã vượt biên bằng đường biển, nhiều người đi bằng thuyền, và phần lớn trong số đó đã tìm đến Mỹ. Nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở Miền Nam, phụ thuộc vào cộng đồng người Việt Nam hải ngoại, với hàng tỷ dollar được gửi về hàng năm cho thân nhân ở Việt Nam. Mối liên hệ giữa con người với con người đã khiến cho chính sách quốc gia trở nên mờ nhạt.
5. Ngày nay, chỉ còn một bộ phận nhỏ người Việt Nam còn lưu giữ ký ức về cuộc chiến tranh. Thập niên 1960, hai miền Nam Bắc Việt Nam đều có số dân chỉ hơn 15 triệu người. Hiện nay, dân số Việt Nam lớn gấp 3 lần con số đó, với khoảng trên 90 triệu. Đây là một quốc gia với dân số trẻ. Nếu xét đến thực tế một người ít nhất phải trên 55 tuổi mới có ký ức đáng kể về cuộc chiến thì tỷ trọng dân số đó là tương đối nhỏ. Có lẽ chỉ khoảng 15% dân số có thể lưu giữ một ký ức sống động.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định là họ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng chính sách của họ lại tạo thuận lợi cho đầu tư tư bản từ nước ngoài. Chỉ tính riêng năm 2013, các công ty Việt Nam đã ký kết những hợp đồng lên đến 2,6 tỷ USD để mua động cơ máy bay và tua-bin gió do Hoa Kỳ sản xuất, góp phần tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động Mỹ trong lĩnh vực chế tạo.
7. Ảnh hưởng của phương Tây hiện diện khắp mọi nơi ở Việt Nam. Những cư dân đô thị trẻ tuổi, con trai và con gái của tầng lớp tinh hoa, ngồi chật các các tiệm cà phê và cửa hiệu bán kem, mang theo bên mình những iPhone và iPad, mặc quần bò và áo phông với những dòng chữ Tiếng Anh.
8. Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam, được dạy ngay từ bậc tiểu học. Người Việt Nam thích luyện Tiếng Anh với người Mỹ.
Và vì thế, sau bấy nhiêu năm, sau bao bom đạn và chết chóc, sau bao nỗi kinh hoàng, đôi khi tôi lại tự vấn: “Vậy thì cuộc chiến kia liên quan đến cái gì nhỉ?” Vâng, nó liên quan đến chủ nghĩa dân tộc và nền độc lập của người Việt Nam. Vâng, đất nước Mỹ chúng ta đã từng lo sợ trước “hiểm hoạ cộng sản lan rộng”, trước “hiệu ứng domino”. Việt Nam ngày nay có những vấn đề của mình. Nhưng ít nhất thì người Việt Nam cũng tự đưa ra quyết định cho mình.
Tôi cứ nghĩ mãi là giá như chúng ta có thể thua sớm hơn trong cuộc chiến đó. Nếu vậy thì bao nhiêu con người đã có thể tránh khỏi chết chóc?
Thomas C. Fox
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Khởi từ phát!
ÔNG NGUYỄN BÁ THANH: BÁC HỒ TỪNG LÔI XỀNH XỆCH MAO TRẠCH ĐÔNG QUA MÁT-XCƠ-VA GẶP XÍT-TA-LIN !
Đây là một phần bài nói của ông Nguyễn Bá Thanh trước 4.500 cán bộ các cấp của Đà nẵng (Nguồn: YOUTUBE ). Mời bà con đọc qua chút xả xì-trét cho đỡ … tức !
…
30-4-1975 ta giải phóng hoàn toàn miền Nam , thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối. Như vậy sau 117 năm kể từ ngày Pháp nổ phát súng xâm lược vào Đà nẵng 1858 mở đầu cho cuộc xâm lược. Như các đ/c biết trong kháng chiến đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ tham mưu tối cao có đức có tài, những tên tuổi như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh…, góp phần vào trong chiến thắng chống Mỹ. Phải nói uy tín của Đảng đối với dân gần như tuyệt đối. Đảng gắn bó máu thịt với dân, dân rất tin Đảng.
Nhà tan cửa nát cũng ừ,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ được chừ, sứớng sao !
Có những gia đình như gia đình mẹ Thứ, chồng và con gần cả chục người hy sinh. Có những người mẹ lần lượt tiễn những người con cuối cùng mình rứt ruột đẻ ra để tham gia chiến đấu chiến thắng Mỹ.
Nhưng sau giải phóng miền Nam 1975, phải nói rằng những người cộng sản Việt Nam quá say sưa với chiến thắng, cứ tưởng mình thắng Mỹ là nhất rồi. Không có gì khó hơn thắng Mỹ mà còn làm được thì các thứ khác cũng làm được. Bắt đầu chủ quan, bắt đầu duy ý chí. Các đ/c nhớ lại Quỳnh lưu Nghệ an không? Thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn. Mo cơm cùng với mắm cà quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mắm cà với mo cơm mà xây dựng cái gì?
Rồi bắt đầu nhập các tỉnh lại. Úi chu choa! Nhập các tỉnh Bình Trị Thiên. Dân mà đi ở dưới lên tỉnh phải đi hai ngày đường. À, Bình Trị Thiên hay là Thiên Trị Bình? Rồi các tỉnh trong này, Nghĩa Bình, Phú Khánh… rồi nhập hết. Người ta có câu ca:
Tỉnh dài huyện rộng xã to
Tỉnh lo phần tỉnh, dân lo phần mình.
Rứa cũng không nghe, cứ nhập dzô. Sau này phải chia tách ra như các đ/c biết. Mơ mơ màng màng !
Hồi nớ còn nhớ đ/c Phạm Tuân đi tàu vũ trụ với Go-rơ-bát-cô đó. Tất nhiên mình cũng vinh dự là người Việt Nam đầu tiên lên vũ trụ. Thế nhưng ở Hà nội lập tức xuất hiện câu ca liền:
Nước này còn lắm gian truant,
Việc gì phải phóng Phạm Tuân lên trời?
Vậy là có thơ liền!
Và do say sưa chiến thắng, Đảng bắt đầu buông lỏng sự lãnh đạo, chính quyền bắt đầu buông lỏng sự quản lý nhà nước và cán bộ đảng viên bắt đầu thoái hóa biến chất. Những điều trước kia không bình thường thì dần dần bắt đầu bình thường.
Phải nói cái đường lối ngoại giao của chúng ta chưa thật khéo cho nên ta phải vướng vào hai cuộc chiến tranh : Biên giới phía Bắc, Biên giới Tây Nam. Chúng ta phải đụng độ với ông bạn khổng lồ phương Bắc. Trung Quốc xua hàng mấy chục sư đoàn kể cả xe tăng tràn sang 6 tỉnh phía Bắc, hướng Hà nội mà tiến. Lúc đó những lời hịch của cha ông ngày xưa, của Lý Thường Kiệt lại vang lên. Mở đài phát thanh ra là nghe :
Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư !
Rồi những lời hịch của Quang Trung lại vang lên :
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam Quốc sơn hà chi hữu chủ !
Liên tục trên đài phát thanh ! Và những con em chúng ta lại lên đường ra trận bảo vệ biên cương. Cùng một lúc trị cái đám Pôn Pốt – Iêng Sary, cứu họa diệt chủng Cam-pu-chia , đồng thời bảo vệ nhân dân mình. Cứ tối tối tràn sang giết hàng chục người vứt xuống sông. Đám Pôn Pốt tàn ác như thế nào các đ/c biết rồi. Một mặt phải đối phó với phương Bắc vô cùng vất vả.
Các đ/c nhớ rằng,tất nhiên tôi xét lại lịch sử theo quan điểm cá nhân tôi là như thế. Nếu Bác Hồ còn sống thì chưa chắc xảy ra hai cuộc chiến tranh này đâu. Với cái đường lối ngoại giao khéo léo tài tình, Bác Hồ sẽ tránh được hết !
Có những chi tiết báo chí không nêu đó thôi. Chứ thực chất năm 1951, Bác Hồ từ Việt Nam qua Trung quốc. Ổng nói làm sao, ổng rủ rê làm sao mà Mao Trạch Đông đi cùng Bác Hồ qua tít Mát-xcơ-va để gặp Xít-ta-lin. Gặp Xít-ta-lin rồi, Xít-ta-lin thì có biết Mao Trạch Đông của cách mạng Trung Quốc, nhưng Việt Nam hồi đó chưa có tên tuổi chi hết. Bác Hồ mới bảo là : ông chưa biết tui, ông này thì ổng biết tui, thôi thì ông viện trợ qua cho ông này rồi giúp cho tui để tui về chiến đấu với thực dân Pháp, tui giành độc lập. Xít-ta-lin đồng ý.
Cho nên giai đoạn một số vũ khí của Liên Xô cộng một số vũ khí Trung Quốc đã giúp ta trong kháng chiến chống Pháp là bắt đầu từ cuộc đi đó. Một nước lớn như thế, Trung Quốc là nước lớn chứ không phải nhỏ. Nhưng mà Bác Hồ qua, ổng thuyết phục sao đó mà ảnh (tức là Mao Trạch Đông) xách cặp đi cùng với Bác. Lôi xềnh xệch nó đi qua tới Mát-xcơ-va ! Giỏi như thế đó !
Còn mình chừ mình nói loạng quạng, loạng quạng...
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Ai đã đủ buồn xin đừng đọc:
Những câu thơ (như) bụi đời
Đào Dục Tú
.
Cách đây tròn mười năm, cũng vào một ngày đầu tháng tư âm lịch như thế này, khi mà ánh bình minh đầu tiên vừa ló rạng phía núi Chè vùng Kinh Bắc xưa, tôi cùng một nhóm các ông trong khung tuổi 60- 70 bắt đầu đi bộ ra cánh đồng làng, vừa tập thể dục vừa giao lưu trò chuyện. Ông Tề cán bộ quân đội về hưu có vẻ khật khừ, không thấy linh hoạt như mọi bữa.
Tôi hỏi “ông anh sao thế ?” . Ông cười cười mà nét mặt rầu rầu “thời tiết giao mùa, người cứ mệt mỏi thế nào” . Tưởng chuyện vãn thế thôi. Một thoáng sau, ông đọc tiếp câu thơ như. . . “ca dao làng” tôi chưa từng nghe: “Tháng ba cau chửa ra buồng- Tháng tư cau đẻ người còn ngẩn ngơ”. Rồi ông . . . bâng quơ thêm “ngẩn ngơ, buồn buồn, bà ấy hỏi chả nuốn nói; cháu gọi cũng chả muốn chuyện…”
Một câu lục bát không “hoa lá cành”, với tôi, đáng nhớ không chỉ bởi “nói chuẩn” thời tiết giao mùa. Mùa xuân vừa qua nhưng . . . chưa qua hẳn, sáng tinh mơ vẫn thấy lành lạnh. Mùa hè đã sang nhưng . . . chưa sang hẳn. Đi mấy trăm bước người vẫn ráo hoảnh mồ hôi. Tiết trời này người cao tuổi sau một đêm thường ngủ chập chờn, thường nhiều mộng mị, sáng dậy ” tự cảm” thấy mệt mệt như người . . . muốn ốm dở. Người rơi vào trạng thái thẫn thờ “ngẩn ngơ”.
Câu ca “đèo” thêm “phương ngữ quê” , “chửa” vừa là “chửa đẻ” vừa là “chưa” biến âm. Cảm câu ca dao làng thế nào cũng được. Tháng ba cau “ôm buồng” dưới tán lá trên cao, cau chửa; hay tháng ba chưa thấy cau “chửa” mà tháng tư đột ngột thấy cau đẻ rồi, một buồng cau non treo lơ lửng hứng ánh bình minh.
Có thể người làng tôi còn quá vất vả cực nhọc với đồng đất mùa vụ, với đủ chuyện “hai nhà” nhà nông, nhà quê thời nào cũng nan giải “đau đầu”, mấy ai còn bụng dạ thảnh thơi mà ngắm buồng hoa cau sắc vàng tươi, tỏa hương thơm thanh khiết cả một khung trời. . . mộng mị !. Thêm lý do phụ, nhà tôi trước cửa cũng có hai cây cau cao đều nhau “như đôi đũa không lệch không cần so” chừng bẩy, tám mét. Bức tranh quê “hoa cau rụng trắng sân nhà. . .tôi’ cũng thân thuộc lắm, nên tôi thích câu ca dao làng vừa dẫn!
Thời còn ngồi trên ghế khoa văn đại học nơi sơ tán “đói ăn thường trực” mà vui đời vùng Đại Từ “quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa” (Tố Hữu). Nơi đây lúc bấy giờ tuy không còn là “lam sơn chướng khí” như thời xưa nhưng vẫn còn đấy những cảnh “rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” hay “ve kêu rừng phách đổ vàng” như thơ Việt Bắc của Tố Hữu tả.
Ông thầy hướng dẫn khóa luận tôi tự đề xuất “Thiên nhiên trong truyện Kiều”, thời đó chúng tôi chỉ thân kính gọi là thầy, không ai gọi giáo sư. . .trịnh trọng như thời bây giờ, đã cho tôi một câu ca dao cũng tuyệt hay về ý nghĩa nhân sinh:”Sự đời nước mắt soi gương- Nghìn năm chỉ một mình thương lấy mình”. Thời bom đạn chiến tranh, một buổi trưa đạp xe ngược dốc Thị Cầu thị xã Bắc Ninh đổ nát, thầy giáo của tôi đã nghe được câu ca ấy qua tiếng ru ru con bên ven đường cái quan.
Hơn 40 năm qua rồi không gặp lại người thầy khả kính chuyên nghiên cứu và giảng dạy văn học cổ Việt Nam; nhưng câu ca dao ru trẻ nhỏ thời đạn bom xa xưa ấy thầy kể tôi nghe trong câu chuyện thầy trò, giản dị bên quầng sáng ngọn đèn dầu đêm sâu khu sơ tán, tôi vẫn nhớ như một ám ảnh. . . vượt thời gian! Cũng phải thôi thầy ơi, có ai “sống thay” được mình mà “thương mình” như . . .mình!
Tuổi trời càng cao, chả biết nên vui hay nên buồn đây, nghiệm thấy câu của các cụ nhà mình đúng quá đi mất “Cha sinh con giời sinh tính”. Cha mẹ cho ta xương cốt hình hài làm người; còn xương cốt tinh thần của ta là bởi “ông xanh” tạo dựng. Ngày xưa cụ Nguyễn Gia Thiều tài hoa bậc nhất gọi “ông xanh” là con tạo, hay cái quay định mệnh: ” Cái quay búng sẵn trên trời- Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Cung oán ngâm).
“Ông hoàng thơ tình” của Việt Nam- Xuân Diệu- thì khẳng định trong một câu thơ lãng mạn đệ nhất “ta là một, là riêng, là thứ nhất”. Từ bậc vĩ nhân đến người bình thường, mỗi người quả là một thế giới riêng không lắp lại, dù nhìn từ góc độ phổ quát khoa học duy lý phương Tây hay duy cảm tâm linh phương Đông. Chuyện đó xưa như trái đất.
Mọi bản sao. . . .kiểu nhân bản vô tính về mặt tinh thần trước sau đều dẫn tới thất bại, đổ vỡ, tàn lụi. Chuyện tưởng giản đơn thế mà có một thời kéo dài đến mấy thế kỷ, người ta cố tình hay vô ý, không ý thức được điều đó. Người ta đã tìm đủ mọi cách, dùng đủ mọi áp lực, mánh khóe, thủ đoạn những mong “trúng khẩu đồng từ” nặn người thành bi đất, muôn người như một, sống, nghĩ và nói giống hệt nhau, chỉ khác tên cha sinh mẹ đẻ đặt.
Người ta quên mất một điều quá tối giản, chỉ có thể mặc đồng phục cho thể xác, không cách nào mặc đồng phục cho tinh thần, dù cho có là đồng phục vua ban chúa cấp! Đã có lãnh tụ xem mình vĩ đại. . . như mặt trời, “đông phương hồng mặt trời lên”, xếp trí thức văn nghệ sĩ xuống hàng thứ chín, định danh mai mỉa là “chú chín thối” ,dưới cả gái mãi dâm tức… con đĩ!
Cuộc cách mạng mang tên Văn Hóa ở xứ sở cửa Khổng sân Trình biến thành hiểm họa phi nhân bản tầm . . . nhân loại như thế nào, là một hệ lụy kinh hoàng, vô tiền khoáng hậu, chôn sống chôn chết biết bao nhiêu trí thức văn nghệ sĩ tài năng xuất chúng!
Sự đời nước mắt soi gương- người Việt mình sau mấy thế kỷ chiến tranh vì “lịch sử chọn làm điểm tựa” buộc phải “gồng gánh lịch sử” trả giá đắt bằng núi xương sông máu, trả giá đắt cho thời hậu chiến bao cấp kinh tế, bao cấp tư tưởng quẩn quanh mấy chục năm “đi đường vòng thúng” phí công vô ích, đã mấy ai quên.
Chả cứ người Việt; “trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu” (thơ Tố Hữu) cho đến tận thế kỷ 21 vẫn là “sự đời nước mắt soi gương”. Còn “nghìn năm chỉ một mình thương lấy mình”, có gì đáng bình giải nữa ngoài chuyện “nghìn năm” chỉ là cách nói thậm xưng, một thủ pháp nghệ thuật nhấn mạnh, gây ấn tượng quen thuộc của một tộc người kéo cầy nền văn minh lúa nước “quen tư duy trực cảm, hình tượng”
Đến một giới được người đời gọi là hàn thử biểu tinh thần ,”cây đàn muôn điệu “(Thế Lữ) mà có thời vừa tự trói, vừa bị trói đến mức một tác giả tài danh lẫy lừng bậc nhất cũng chỉ còn biết thở than mình sống được là nhờ biết sợ; nói mà nước mắt rơi lã chã “chảy ngược vào trong”! Và người đứng đầu chính thể “thời cởi trói” phải kêu gọi họ tự cứu mình trước khi trời cứu!
Trước khi chấm hết bài tạp cảm phiếm đàm dài dòng văn tự, người viết xin được nói thêm: Hai câu ca dao dẫn ra trong bài này chẳng có gì liên đới liên tưởng với nhau. Một của làng tôi, một của làng người, một của người làng cho tôi, một của thầy giáo dạy văn đại học cho tôi, ngữ cảnh hoàn toàn khác biệt.
Tôi xem như hai câu thơ lục bát dân gian. Mượn cách nói của một nhà văn- nhà thơ tài hoa bậc nhất văn đàn Việt hiện đại ví von văn nghệ sĩ là hạt bụi mang ánh sáng tư tưởng, tôi ví hai câu đó nói riêng, ca dao nói chung như hạt bụi đời mang ánh dương quang mùa xuân- dù mùa xuân đã cạn ngày thật rồi! . / .
Phần nhận xét hiển thị trên trang
QUA và QUÊN
Nhân một stt bên nhà một ông anh về QUA VÀ QUÊN, mình còm vài câu. Mang về đây viết lại, để NHỚ
Quá khứ với nhiều người, giống như nhiều người đờn bà, có thể cho qua chuyện chồng ngoại tình nhưng không bao giờ quên. QUA và QUÊN hoàn toàn khác nhau.
Những chuyện đã qua chỉ nằm im trong đầu mình thôi. Chỉ cần chút gì đấy chạm vào là hiển hiện rõ ràng, không chỉ từng chi tiết mà cả cảm xúc nữa. Có điều là mình có nhắc/nói ra hay không. Không nói gì chưa chắc đã là quên, mà nói nhiều quá có khi cũng không phải là nhớ.
Bệnh mất trí nhớ thật là kinh khủng. Nhưng không chừng những người mắc bệnh đó lại đang gõ cửa thiên đang, vì mang gánh nặng quá khứ nào cũng rất mệt mỏi.
Mình nghĩ, quá khứ trì kéo nặng quá... khó đi xa đừng nói lên tới Thiên đàng. Gánh nặng quá khứ không phải như cục bứu trên lưng gắn liền với ta suốt đời, cũng không phải chỉ một mình ta cõng hay mang vác nó mà có thể dễ dàng vứt đi, mà quá khứ với ta giống như bức tranh “Những người kéo thuyền trên sông Volga” của danh hoạ Nga Repin. Càng coi quá khứ to lớn đẹp đẽ bao nhiêu, thì như chiếc thuyền kia... khi phải kéo nó trên một đoạn đường quá dài, nó chỉ còn là sức nặng.
Trên đường thiên lý đi đến tương lai, dù chiếc thuyền từng có lúc sang trọng nhưng không còn phù hợp với một dòng sông khác, cần biết để nó dừng tại một bến bờ thì mới có thể cùng chiếc tàu mới tiếp tục cuộc hành trình.
Với một người cũng vậy, mà với một dân tộc hình như cũng vậy.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Ai xứng đáng với tự do?
Bà mẹ cùng các con ở Quy Nhơn (Bình Định) vượt sông để tránh bom của máy bay Mỹ. Bức ảnh đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1966 - Ảnh: Kyoichi Sawada
Không có bom, không có ấp chiến lược, không có cả những cuộc hành quân rùng mình với hàng triệu tuổi xuân ra đi. Chúng tôi tuyệt nhiên không nếm những nỗi khốn khổ của quá khứ.
Trong nhiều cuộc gặp gỡ, có bà lão ở Sài Gòn nhìn vào mắt tôi và nói: “Tôi quá buồn”. Bà nói bà không thể chịu được cảm giác một ngày nọ cả nhà bà phải đi ra đường, để nhường chỗ cho người xa lạ vào ở trong ngôi nhà, đứa con nhỏ của bà chết bệnh trên vùng kinh tế mới.
Một lần, ở Dương Minh Châu (Tây Ninh), tôi nghe một bác già chậm nước mắt lưng tròng, nói con bác hi sinh cả 2 đứa. Một ông bác rất già đang hùng hồn kể chuyện đi đánh giặc ở Tây Bắc, bỗng nhiên lặng đi, nấc lên và nói: “Bác ân hận mãi, bạn của bác chết vì mìn cóc, anh em chưa kịp chạy ra khiêng xác nó, thì bom rơi, xác nó tan tành”.
Những người già ấy khóc trước mắt tôi. Họ giống những người kể chuyện trong các bộ tộc ngày xưa, rầm rì bên đống lửa, truyền lại thứ tinh thần mà họ đã sống với bạn bè, anh em, đồng đội, giữa cay đắng, khổ sở, giữa vinh quang, mất mát. Họ có một điểm giống nhau đến lạ lùng, dù ở phe bên này hay bên kia, là không bao giờ chỉ vẽ những đứa trẻ như tôi phải đứng lên để đánh đập một cái gì. Có ông kể xong còn kết luận: “Kể vậy để tụi bây hiểu chuyện gì cực chứ mình cố gắng làm cũng được, đừng có sợ”. Triết lý cuộc đời của những người đã mất con, mất chồng, mất nhà, mất đồng đội trong cuộc chiến đơn giản lắm. Họ muốn những người nhỏ tiếp tục sống một cuộc đời hiền hòa và thanh thản bởi vì họ đã gồng mình lên, đi ra khỏi mất mát để nuôi lũ con cháu này lớn lên, và để cho chúng hưởng sự hòa bình hiếm hoi này.
Nhưng tự do hay hòa bình là cái gì, mà sau 39 năm rồi, vẫn có những thầy cô đứng thao thao giảng trên lớp học: “Quân ta tiêu diệt địch”, vẫn có những người lớn đập bàn nói về “kẻ địch”, “ngụy quyền”, “Việt cộng” cả ở Việt Nam và những cộng đồng ở nước ngoài.
Tôi không dám chắc những người lớn ấy đã sống bao nhiêu phần trong chiến tranh, giống như những người già đã kể chuyện cho tôi nghe. Không biết có ai trong số họ đã ở trong tận cùng của địa ngục xung đột, nơi người yêu thương mất nhau, gia đình chia lìa, tan vỡ, nơi bà mẹ mất con cái mình... Hay có thể bởi vì họ không ở trong trung tâm của nỗi đau thương, họ mới hùng hồn mạnh miệng vẽ lên trong đầu óc người trẻ chúng tôi những khái niệm đầy ác cảm và chia cắt, cả ở đây và ở nơi họ gọi là “phía bên kia”? Những bài học lịch sử, những câu chuyện kích động không còn chút đáng tin nào nữa, nó giáng vào tim của những người trẻ một sự nặng nề đầy ác cảm và khiến họ không nhìn thẳng vào mắt nhau và tự chia cắt bằng một lằn ranh vô hình.
Vậy ai mới xứng đáng với tự do? Người Việt Nam mình dễ dàng tha thứ cho người ngoại quốc bao nhiêu, dễ dàng tay bắt mặt mừng với “bè bạn quốc tế” Pháp, Mỹ nhanh chóng bao nhiêu, mà không thể thở một hơi nhẹ nhàng và nhìn vào mắt của những người cùng một tiếng nói, cùng một vùng đất mà mình đã từng chĩa súng vào đầu nhau. Họ quên quá nhanh những đau thương cũ và thù giận quá lâu cho một quá khứ không thể nào cải biên (cho đẹp hơn) được.
Nhiều người lớn lên trong hòa bình và vẫn lớn tiếng chửi đổng người đã chết trong chiến tranh, gọi họ là thằng này con kia, phe này phe nọ. Họ đâu có ở bên ngoài cuộc chiến đó như những người già mất con, mất chồng kia, sao không biết trân trọng hòa bình? Sao cứ phải thì thầm vào tai con trẻ những cụm từ đầy chia cắt và ác cảm?
Và những người đã đến tận châu Âu, châu Mỹ, đã tận hưởng và uống bầu không khí của bình an, sao không để những chuyện buồn cũ lại và giúp con cái mình lớn lên với cảm xúc hòa nhã và bớt đau khổ hơn?
Những người lớn giận dữ ấy không chịu hiểu rằng, nếu cuộc sống quá khứ của họ tràn đầy thiếu thốn, căm giận, là mất quê hương, nơi ở, thì lẽ ra giờ đây, con cái họ có thể và xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp hơn, và không cần phải thở trong bầu không khí giận dỗi đầy ngột ngạt ấy nữa. Chỉ vừa rời khỏi cuộc chiến tranh, người ta đã mờ mắt không chịu hiểu về sự quý giá của cuộc sống yên bình. Họ không chịu gieo những hạt mầm an lành mới vào trái tim con cái mình.
Trẻ con không xứng đáng phải sống với di sản của chiến tranh và chết chóc. Sẽ đến một lúc khi đủ bình tĩnh, những đứa trẻ sẽ đi tìm gương mặt của lịch sử mà chúng muốn hiểu biết, chứ không phải là lớn lên trong những câu chuyện kể của những người lớn đầy chia cắt và phẫn nộ.
Ngày hòa bình, xin đừng gieo thêm nỗi giận buồn nữa...
Nụ cười của kiều bào trong đợt về Việt Nam ăn Tết đầu tháng 1.2014, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: Độc Lập
Khải Đơn (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người làm báo đang sống và làm việc tại TP.HCM
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140502/ai-xung-dang-voi-tu-do.aspx
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Chuyến đi của Việt Kiều ra Trường Sa
Hải trình 3 đưa khách Việt Kiều ra cả một số nhà giàn ở Biển Đông
Trả lời BBC hôm 2/5/2014, sau chuyến đi với gần 200 khách gồm có cả nhiều Việt Kiều từ Hoa Kỳ và một số nước khác ra Trường Sa, ông nói: “Họ muốn tạo ra Hải trình 3 này là để muốn gióng lên một tiếng chuông mới, mở ra một trang sử mới, khép lại một trang sử đau buồn của VN cũ, đánh dấu một giai đoạn hòa hợp hòa giải dân tộc.”Ông Lý Kiến Trúc, người phụ trách Câu lạc bộ Văn hóa và Truyền thông tại quận Cam, Nam California mô tả:
"Phái đoàn đã đi khoảng 10 hòn đảo khác nhau, xa nhất là đảo Song Tử Tây, cách bờ 800 km,
Trên đường vòng về đất liền chúng tôi đã thăm chừng 10 hòn đảo nữa, gồm cả các đảo đá chìm nhưng đã được đổ bê-tông cốt sắt thành các cứ điểm,
Duy nhất chỉ đảo Trường Sa Lớn có vài hộ dân, có cả trẻ em, rất dễ thương, còn các đảo khác chỉ là những cứ điểm quân sự."
""Lữ đoàn 146 và Chiến hạm HQ571 lo lắng tận tình cho khách trên tàu, không có điều gì đáng phàn này cả. - Ông Lý Kiến TrúcNói về chuyến đi, ông cho hay hải trình lần này "êm ả, từ Cát Lái ra Vũng Tàu rồi ra Trường Sa, biển êm, có lúc phẳng lỳ".
Trước câu hỏi về sinh hoạt của dân và các lực lượng quân sự Việt Nam trên các hòn đảo, nhà giàn ngoài Biển Đông mà ông chứng kiến trong chuyến ra biển, ông Lý Kiến Trúc nói:
"Thực ra, sinh hoạt không vất vả, chế độ ăn uống, thực phẩm của họ đầy đủ, không vất vả lắm. Binh lính nuôi gà, nuôi vịt, trồng rau nữa,
"Sự kham khổ là sự hy sinh lâu dài. Có thủy thủ, binh lính đóng một năm mới được về thăm nhà,
Ông Lý Kiến Trúc (trái), và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn
"Họ rất trẻ nhưng có thái độ rất rõ ràng, dứt khoát để bảo vệ tổ quốc."
Trước câu hỏi ông có biết về các vụ 'tàu lạ xâm nhập' vào vùng biển Việt Nam hay không, ông Lý Kiến Trúc nói ông chỉ có thể mô tả những gì ông thấy về việc phòng thủ:
"Phòng thủ rất mạnh, có giao thông hào chằng chịt ngoài bờ biển, súng lớn cũng có,
"Ngoài ra, ven bờ các đảo có cột chống xâm nhập, như cọc Bạch Đằng để bảo vệ đảo."
Trước những lời phê phán có phải ông tham gia một chiến dịch tuyên truyền cho chính quyền Việt Nam, ông Lý Kiến Trúc giải thích:
"Tôi khá bất ngờ khi nhận được lời mời từ ông Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn về chuyến đi thăm Trường Sa,
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
"Nhưng tôi không phổ biến tin này để tránh hiểu lầm."
Ông nói ông đã bay về Việt Nam vào phút chót và đã giao kết với ban tổ chức rằng ông đi với tư cách một nhà báo độc lập, một nhà nghiên cứu về Biển Đông.
Trong một thông cáo báo chí đã công bố, ông Lý Kiến Trúc viết: "Trong vai trò đó, tôi không đồng hành về tư tưởng, quan điểm chính trị, hoặc những phát biểu của một vài người ở nam Cali đi trong phái đoàn."
"Tôi muốn được nhìn tận mắt an ninh, tiềm năng kinh tế, yếu tố chủ quyền trên các hòn đảo đó", ông nói với BBC qua điện thoại từ Sài Gòn.
Tuy thế, ông Lý Kiến Trúc cũng thừa nhận rằng:
"Ở Nam Cali có những sự ồn ào về chuyến đi, có những người bạn của tôi nói họ sững sờ về chuyến đi của tôi."
"Cuối tháng Năm tôi sẽ mở cuộc họp báo để tường trình với quý vị về chuyến đi."
Trực thăng của Việt Nam đáp xuống một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa
Trước câu hỏi về chủ đề 'hòa hợp hòa giải dân tộc" ông nói, "Hải trình 3 là một cái mốc tiến tới hòa hợp hòa giải dân tộc là điều tốt. Tuy nhiên, vấn đề còn là thời gian".
Được biết đây là chuyến thăm thứ ba Nhà nước Việt Nam tổ chức cho người Việt ở nước ngoài ra Trường Sa từ 16/4 tới 28/4.
Trong khuôn khổ chuyến đi, đã có một lễ cầu siêu cho các liệt sỹ của cả miền Bắc lẫn Việt Nam Cộng hòa đã tử trận để bảo vệ Trường Sa - Hoàng Sa.
(BBC)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)