Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

VIẾT HAY KHÔNG VIẾT?



Thằng Chuếch cháu nội lão Đợi gọi tôi bằng ông trẻ, là chỗ họ hàng xa. Nó tướng xà, mình
uốn éo, mắt một mí, con ngươi nhỏ nhưng linh hoạt như mắt rắn. Một tý tuổi nhưng gặp may hết cỡ.
Tuy không phải con ông cháu cha, chả có ai làm quan lớn, quan nhỏ, nhưng nhà nó là đại gia đứng đầu tỉnh. Vừa ra trường xong là đã có việc làm, xế hộp hơn bốn tỷ. Được cái giọng nói dễ nghe, ra dáng con nhà danh gia vọng tộc.
Dưng mờ tôi e, tuổi Tân Mùi của nó về sau sẽ chẳng ra gì. Tuổi ấy thiếu thời còn được, càng về sau chắc khó bề may mắn, sung sướng mãi, ấy là theo tử vi và kinh nghiệm qua một số người lớp trước có tuổi ấy, theo nhận xét của ông nội nó. Điều này Lão Đợi nói nhỏ với tôi hôm ăn mừng nó nhận công tác. Một công việc cử nhân, tiến sĩ con nhà nghèo túng nào đó có nằm mơ cũng không được!
Họ lấy đâu ra năm “củ”? Nửa tỷ chứ phải ít đâu? Chính vì lo lắng cho nó như thế, lão Đợi dặn nó rất kỹ lưỡng. Lão bảo “hiếm có nhà nào phúc hưởng đến ba đời. Đến lượt nó, họ Hoàng đã hưởng đại phú, đại lộc đến lượt thứ ba rồi. Thịnh mãi phải đến lúc suy. Phải lấy chữ đức làm đầu mới mong có được bền vững, trường tồn”.
Chả biết ra ngoài đời nó cư xử với người khác thế nào? Mỗi lần gặp tôi nó vẫn ngoan, ý tứ lắm.

Dự định đến cuối tháng chúng tôi mới về dự lễ khánh thành một công trình nho nhỏ ở đất Tục Lâm, nơi có huyệt đất tốt từ ngàn xưa. Nơi Vua Hùng chả nhớ đời thứ mấy mấy.. đã từng đến thưởng ngoạn cảnh non nước tang bồng. Cả ngay khi hai Vua Bà dấy binh tụ nghĩa cứu nước cũng từng đến đây thành kính dâng hương ở cái am nhỏ, sau này được dựng miếu thờ. Dấu tích còn đến tận thời bây giờ. Huyệt đất ấy xưa kia mấy lần Cao Biền định trấn yểm nhưng không thành vì trong vùng có thầy phù thủy cao tay vốn là con dân đất này hóa giải.

Lão Đợi là nhà tài trợ, góp thêm chút tiền kha khá vào số vốn từ thượng tầng cấp xuống cho địa phương. Người ta đã báo trước lên, mời lão về dự và lão hẹn với tôi hôm ấy, tháng ấy..cùng nhau về, nhớ mang máy ảnh tôn tốt chụp cho lão vài pô kỷ niệm. ( Đương nhiên ở địa phương thợ ảnh không thiếu, nhưng chuẩn bị trước, chủ động từ nhà vẫn hơn, lão bảo vậy).
Ờ đi thì đi, mấy khi được đại gia mời?
Đột nhiên, mới sáng sớm lão gọi điện báo thay đổi là chuyến đi về Tục khởi hành ngay từ ngày hôm nay.
      Khi tôi đến lão Đợi đã đứng ngoài cửa. Thằng Chuếch cháu lão đang vòng xe quay đầu. Xế hộp của nó cỡ nhỏ, đổi hướng không đến nỗi khó, muốn quay đầu chả cần lùi, ra vào chỗ nào cũng dễ, kể cả đường hẹp, lối ngõ quanh co.
Không hiểu tại sao đường ở quê lão tiếng là dưới đồng bằng vẫn nhiều dốc ngoắt ngéo khó đi như thế? Đi rồi mới biết vì sao lão bảo Thằng Chuyếch lấy xe của nó chứ không bảo người khác. Nhà lão đâu có thiếu loại xe gì? Chọn xe nhỏ là có lý của nó. Sau này tôi có hỏi và được lão giải thích: Quê lão có một quy định thành nếp, bất thành văn là giữ truyền thống cũ. Đường xá, bờ tre lối xóm ngày xưa thế nào cứ giữ nguyên như thế. Nhà cửa có anh xây lầu bốn năm tầng, đường vẫn vòng vèo, quanh co vừa dốc vừa hẹp như thời bao cấp. Tôi chả dám bàn gì về chuyện này. Chắc là nó có cái lý của nó. Mình ở xa đến biết gì mà tham gia, ý kiến ý cò?
Lúc chuẩn bị đi lão có vẻ vội. Thậm chí không cả mời tôi vào nhà uống miếng nước. Chưa kịp hỏi lão mục đích, hành trình chuyến đi này? Điều này làm tôi thấy mình bị động và không khỏi băn khoăn.
Chợt hiểu: Người giàu cần phải sang, cần tăm tiếng như thế nào?
     Người ta cần giàu, có thể một đời, có khi gặp nước, chưa đến nửa đời đã giàu. Nhưng để thành sang có khi tốn đến mấy đời mà vẫn chưa được sang. Điều này cả lão và tôi cùng biết, nên lão mới có chuyến đi này.
Tôi chả là cái gì để làm sang cho lão. Một kẻ nghèo, gàn gàn dở dở nếu không có tiết mục hồi ký, hồi kiếc, chưa chắc lão đã để ý, quan tâm. Lão đưa tôi mấy lần về quê là có dụng ý riêng.
     Lão bảo: “ Phần đầu chú viết tương đối được. Nhưng có vài chi tiết chưa chính xác. Thí dụ có mấy chỗ chú nhầm, “Lốm” viết ra “Khốm”, sai tên địa danh, hướng đình quay sang phía đông chú lại xoay sang hướng bắc.. Anh muốn đưa chú về để chú tham khảo thêm, viết cho thật chính xác. Kẻo mai ngày người ta đọc nghĩ là không phải viết về anh, mà là một người khác..”
Thực ra việc này tôi có chủ ý riêng của mình. Tôi đâu có phải viết thuê, chuyên đi bợ đỡ quan trên, nhà giàu?  Bất chấp tất cả để tô vẽ cho cái cuộc đời đôi khi nhem nhuốc này? Chỉ là cuộc trải nghiệm, trinh sát cuộc sống và học hỏi đôi điều chỗ này chỗ kia, những gì mắt thấy tai nghe. Vì sao nó lại như thế này mà không như thế kia”? Có viết gì chăng nữa là do cái tâm, cái muốn của mình, đâu phải vì chút lợi lộc lão hứa hẹn. Lời hứa của lão, nhiều năm rồi tôi biết, nếu muốn tin cũng chỉ có thể tin phần nào, từ từ mà tin, không vội!
“Vốn sống” dù đúng sai hay dở thế nào mới là cái tôi cần. Không có chuyện hồi ký hồi cót nào ở đây cả.
Chỉ là câu chuyện về một con người, một số phận điển hình của cái thời người ta hay gọi vui là “lá diêu bông” này.
Để khỏi rắc rối và đỡ trình bày, tôi ầm ự cho qua chuyện. Tôi là người viết tự do. Không ai có quyền bắt buộc tôi phải như này, như khác, kể cả lão.
Mà tôi với lão đâu có ràng buộc gì? Không có hợp đồng hợp tác gì trong việc này. Mặc dù lão có hứa “ Khi nào sách in ra, được nhà nước giải thưởng, anh sẽ thưởng gấp đôi, gấp ba cho chú”. Điều này lão thật vớ vẩn. Tôi đâu phải con trẻ để không hiểu ý tứ của lão? Tôi thừa biết lão rộng rãi như thể nào. Lão đâu phải như người ta “Ăn chơi không sợ mưa rơi”. Dẫu lão có trăm ngàn tỉ thì tất cả những con voi còn sống sót trên hành tinh này vẫn cứ không chui qua được lỗ kim, điều này tôi không lạ!

Nhưng thôi. Khỏi nói ra điều này. Vừa không cần thiết, lại mất vui mỗi khi gặp nhau. Xét cho cùng điều này cũng chẳng hại gì, còn có cái lợi cho tôi trong công việc. Lão cứ nghĩ theo cách của lão và tôi cứ ngẫm cái sự của tôi cùng một việc, như hai mặt của một vấn đề, thì đã chết ai?

Tất nhiên là thằng Chuêch không biết chuyện này. Nó có vẻ băn khoăn. Loáng thoáng nó biết có chuyện viết lách gì về gia đình nó. Bố nó bảo: “Ông già nhiễu sự. Tự nhiên tự lành muốn thiên hạ chú ý chả có lợi gì cho việc làm ăn của cả nhà..” Tập đoàn lâm, khoáng sản bao lâu nay kinh doanh êm ả, thái bình không ai để ý. Không khéo cái danh hão gây trở ngại lớnsau này cũng nên.
Đã là kinh doanh không mấy ai tránh khỏi có điều khuất tất. Lời lãi thịnh vượng cũng từ đấy mà ra. Ngay thẳng minh bạch được mấy người? Có mà hát chẳng đủ nghe, trò vè không đủ xem! Không  gian lận, lậu thuế, thời buổi này có mà ăn cám! Thương trường là chiến trường. Có chiến trường nào không cần giữ bí mật, yếu tố quyết định thành công hay thất bại, đâu phải chuyện đùa?
Các chú nó cũng đồng ý kiến, không ai muốn vạch áo cho người xem lưng, để thiên hạ nhòm ngó vào cái sâu kín của mình cho thêm rắc rối.
Một người sâu sắc, kín đáo như ông nội nó, bỗng dưng giở chứng. Thích được người ta chú ý, đến chỗ nào cũng thích người ta gọi là “đại gia”.
     Hình như con người ta trở về già rất sợ đời sau quên mất công lơn của mình, thích đề cao, tô phóng thành quả, thi vị nó theo khuynh hướng riêng cố hữu, thường quá mức của mình.  Con cái khuyên nhủ thế nào cũng không nghe. Chỉ là bằng mặt mà không bằng lòng, đành phải chiều theo ý kiến ông nội nó, đó là thái độ chung của cả nhà.
Chú nó mặc cả trước với tôi: “ Ông viết gì thì viết, mà tốt nhất là không viết. Đừng để ảnh hưởng đến công việc làm ăn của bọn này. Khi ấy đừng có trách..”
 Ái dà, ra cái vẻ đe dọa đây.
Thực ra ban đầu lão Đợi đề nghị, tôi cũng không mặn mà cho lắm với chuyện này. Chuyện nhà lão có gì hay ho để mà viết cơ chứ? Chỉ là kiểu người cơ hội, khéo luồn lách và chút mưu mẹo, mánh khóe vặt, một chút ích kỷ, hà tiện gặp thời, câu kết được với kẻ cần câu kết, gặp may chứ giỏi giang gì?
Các đại gia, tỷ phú nước ngoài không nói. Đa phần nước ta đâu có mấy người giàu lên bằng phát minh, sáng tạo, dành dụm nhiều đời? Mấy người đóng góp gì cho đất nước ngoài việc xâm hại tài nguyên môi trường, đục khoét công quỹ mà nên có, nên giàu?
Biểu dương mấy thứ đó chả hóa ra mình khuyến khích đề cao tệ nạn, tiêu cực xã hội mà cả nước đang có phong trào đẩy lui và triệt tiêu nó hay sao?
Định là bỏ qua, chả muốn mất công vào cái việc mình không có hứng. Nhưng một khi đã đe nẹt, lại là chuyện khác. Cái nghề liên quan đến con chữ có cái lợi hại của nó. Kẻ khác muốn trấn áp, đe dọa cũng khó lòng.
Là chuyện hư cấu, tên khác việc khác, có muốn kiện cũng không căn cứ vào đâu để kiện. Còn như dùng bạo lực, xã hội đen chưa hẳn đã rung dọa được ai. Có lắm tiền nhiều của, cũng không dễ lấy của đè người.
Xã hội dù có điên đảo đến đâu vẫn phải có lề có nếp của nó, không thể lấy thúng úp voi, đảo lộn trắng đen, phải trái. Vậy thì sợ gì cơ chứ? Tôi sẽ viết về gia đình đại gia của lão theo cách của tôi, dù lão nghĩ và nói như thế nào.

Như đã nói ở trên rồi, chả có ràng buộc cóc khô gì ở đây cả. Biết đâu chả thêm một câu chuyện để mỗi khi rỗi rãi đọc cho bè bạn nghe chơi?
 Điên lên, phải viết bằng được. Cầm bút mà hèn, cầu lợi thiếu gì cách kiếm lợi, cần đến viết vung làm gì?
      Tâm tính, thói quen, cách hành xử của cha con lão Đợi mấy chục năm qua lại, tôi không lạ. Điều mà tôi chưa rõ là thế hệ thứ ba, như thằng Chuếch này có ý nghĩ gì trong đầu? Ham muốn tới đâu?
Không thể hỏi trực tiếp như cánh nhà báo phỏng vấn nhân vật được. Chỉ có thể quan sát, ngẫm nghĩ mới có thể tìm ra lời giải câu hỏi này.
Thằng Chuếch không biết cha mẹ ông bà nó có dặn dò nhắc nhở gì không, có vẻ kín lắm.

Xe chạy được mấy chục cây số nó vẫn chả nói câu nào. Đường về quê nó không lạ mà mắt luôn đảo, dán vào màn hình định vị vệ tinh gắn ngay trước mặt. Đường đi tới đâu, hiện rõ đoạn đường tới đó. Khoảng cách từ x đến y, tốc độ..hành trình hướng dẫn.. Kể cả người không biết đường, cũng không cần, không phải hỏi đường. Xe đang chạy quãng song song với một con sông. Màn hình hiện rõ dòng sông xanh uốn khúc như được nhìn thấy từ trên máy bay. Cả ba ngồi trên xe im lặng, không ai nói câu nào. Tôi muốn phá tan sự im lặng:
- Hình như hôm nay đường vắng xe. Thứ bảy mà ít xe đi lại thế này kể cũng lạ?
- Vậy chú không biết à? Nghe nói xăng tăng giá, đám lái xe phản ứng thì phải – Lão Đợi lên tiếng.
 - Không phải đâu ông nội ạ - Thằng Chuếch góp lời – Hai hôm nay có đám tang mẹ bà H. Nên đường mới vắng để nhường đường ưu tiên cho các đoàn thăm viếng. Cơ quan cháu hôm qua cũng vừa mới đi. Cháu chưa bao giờ thấy có đám tang nào lớn như đám tang này. Riêng tiền phúng viếng..
Nghe đến đây, lão Đợi vội cắt lời thằng cháu:
- Chuyện. Người ta là nhân vật lớn, đám làm to là lẽ đương nhiên. Cháu nói với hai ông ở đây thì được, chỗ khác không nên. Đấy là chuyện rất nhạy cảm, không phải lúc nào, ở đâu cũng nhắc đến được, cháu nhớ chưa?
-  Dạ cháu nhớ!

Tôi đỡ lời lão. Rằng thì là ba cái chuyện lẻ tẻ ấy đâu có gì quan trọng. Đám hiếu, đám hỉ thời bây giờ chả ai lạ người “ Có điều kiện” tổ chức linh đình như thế nào. Người ta phúng viếng toàn tiền đô chứ không phải hoa quả, bánh trái với cái phong bì lép như nhà dân thường. Chỉ có điều trong hoàn cảnh chung khó khăn hiện nay, nếu có cũng chẳng nên bày vẽ rênh ranh như thế. Khó vào mắt thiên hạ đã đành, về lâu về dài thực chẳng nên. Nói thực với bác nói gì thì nói, đại gia ở xứ ta nặng về phô phang bề ngoài mà thiếu hẳn cái đầu tư chiều sâu..
- Biết thì biết thế, đâu phải cái “biết” nào cũng đem ra cùng biết? Chú là .. mà không hiểu chuyện này ư?
Tôi ngớ người trước câu nói này của lão. Mặc dù vẫn có ý giữ gìn, vậy mà mình lại sơ hở chuyện chả liên quan gì tới mình. Mình chủ quan cho rằng thời buổi công nghệ thông tin chẳng ai giấu được điều gì. Với lại ngày nay xã hội cởi mở hơn, những chuyện đại loại như trên đâu còn là đề tài cấm kỵ?  Chỉ còn vài nước khắc nhược, chuyện đời tư của những nhân vật lớn mới thuộc “bí mật cuốc gia”. Ở nước ta đâu có tồn tại điều này. Miễn là đừng vu khống, bôi nhọ hay xúc phạm đến các vị ấy, còn thông tin về dững cái khác cứ việc vô tư đi. Nhưng mà thôi. Lại thôi, chả nên tranh luận. Mất vui.
Lão Đợi hình như cũng muốn thế, chuyển sang chuyện khác:
- Hôm nay anh sẽ dẫn chú đến thăm hai người trong số những bạn học thời niên thiếu của anh. Toàn những nhân vật lớn cả. Đúng là đất Tục Lâm không hiếm hiền tài. Hiềm nỗi kết cục cuộc đời chẳng ai giống ai..
Điều này là đương nhiên. Người ta mỗi người một phận. Đến như anh em sinh đôi cuộc sống còn còn chả giống nhau, huống chi người đời? Tôi tò mò muốn hỏi thêm, nhưng lão Đại lại lảng sang chuyện khác.
Có thể lão không muốn nói trước, làm cuộc gặp kém hấp dẫn, hoặc muốn dành cho tôi sự bất ngờ chăng?
Trước khi thăm viếng hai nhân vật lớn, chủ đích của chuyến đi, lão bảo thằng cháu lặp lại hành trình hệt như các bận trước. Thoạt tiên là đến ủy ban xã, thăm chủ tịch bí thư. Mặc dù người ta rất bận nhưng các đồng chí ấy đón tiếp niềm nở vồn vã hơn cả mức bình thường. Không hẳn vì lão là cựu công dân của địa phương này, hay cựu giáo chức từng có năm tháng dạy học ở đây.
Cái mà cả đôi bên không hề nói ra nhưng đều ngầm hiểu. Ngay cả những đại gia còn đang sống, đang cư trú ở đây chưa ai hành xử được như lão. Duy nhất có ông Việt kiều ở Mỹ năm ngoái về thăm quê là đóng góp cho quê nhà số tiền gấp đôi số tiền của lão để tu bổ lại đình làng vừa được nhà nước xếp hạng.
Người định cư trong nước thì chưa hề có ai. Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, ai cũng hiểu làm được như thế là một cử chỉ hết sức không bình thường và đáng được ghi nhận với lòng biết ơn. Với tôi tôi nể trọng lão hơn vì một lý do khác. Nửa thế kỷ trước lão là con địa chủ đã từng bị tịch biên hết cửa nhà, của nả, bỏ đất này mà đi. Ở đời lấy ơn trả oán không phải ai cũng làm được. Có thể các đồng chí kia thuộc lớp hậu sinh không biết việc này, nhưng tôi biết.
Có đến chục bận lão nhắc đến điều đó khi có ai đó nói chuyện có liên quan về cái thời thống khổ ấy của gia đình lão.
Lần nào cũng vậy, nhắc câu chuyện đó xong, lão kết một câu nôm na theo kiểu quê kiểng rất đặc trưng:” Hòn đất to bao giờ cũng nổi lên trên, bất kể người ta có cày đi, bừa lại thế nào”. Ở trung tâm xã trở ra bất chợt tôi nhớ lại câu nói này của lão. Nó chính xác một cách kinh khủng khiến tôi lặng người một lúc lâu. Thầm phục con người trí lự, hành sự thật cao tay. Nghĩ đến vận hội vần xoay của đời người, của số kiếp. Nghĩ đến một cái gì đó như một trật tự tự nhiên khó thay đổi. Vẫn là chuyện giàu nghèo, bất bình đẳng giai cấp.. Phải chăng qua một hội sáu mươi năm đồng hồ, bánh xe lịch sử lại lăn qua chỗ nó từng qua? Chỉ có điều tên gọi sự vật đã khác và tâm thế con người cũng khác?
Thực ra năm mươi triệu đóng góp xây dựng cho trường mầm non của xã so với tài sản kếch xù của lão chả thấm vào đâu. Chỉ như cái rơi cái vãi. Nhưng ở đời thiếu gì anh giàu có hơn chả bao giờ làm được việc này? Thậm chí có anh đã nứt đố đổ vách còn tham thêm chút của, tiếc rẻ ngoài đời không cần phân vân vun thêm vào cho mình. So với “Đại gia giường bạc tỷ”, “Đại gia gà mạ vàng” Lão xứng đáng được tôn trọng hơn nhiều. Được đi cùng với lão là vinh hạnh bản thân.
Đột nhiên thằng Chuếch cháu lão hỏi:
- Hai ông có muốn lên Tam Đảo một chuyến nhân thể ngày nghỉ cháu đưa đi?
Lão cười hờ hờ, có ý muốn hỏi tôi. Tôi nghĩ ông cháu lão nói thực chứ không phải có ý muốn thử mình về tư cách qua vụ này. Thời bây giờ nhà nghỉ, khách sạn với thành kiến xã hội không còn như các năm trước. Có nhiều người lắm tiền thì cũng phải có chỗ tiêu tiền chẳng có gì khó hiểu. Tôi bảo thôi. Không phải tôi khách sáo hay sợ chịu ơn lão cho việc vui chơi này. Chỉ là tôi không thích, thế thôi. Tự nhiên tự lành đến cái nơi mình đã đến vài ba bận rồi thực chả có gì hứng thú. Cũng lại toàn người với ngưới, với giá cả cực kỳ đắt đỏ. Mất công ngồi xe..
- Chú chả thích thì ta ra đình, rồi tôi ra mộ viếng các cụ..
Ngoài đình đã có lần tôi kể khá chi tiết chả có gì để nói thêm. Nhưng khi đi thăm khu mộ của gia đình lão, tôi đặc biệt chú ý nhưng chịu không phát hiện được chi tiết gì đáng giá. Cũng như các khu mộ khác trong vùng. Khác chăng mỗi dòng họ có khu vực riêng xây tường bao xung quanh. Năm xưa lão về có tu bổ thêm, xây thêm cây hương ở giữa và cái cổng có hai cánh, khóa đóng mở hẳn hoi. Nếu có gì đặc biệt thì là chỗ ổ khóa này. Cả khu nghĩa trang của làng người ta không đóng không khóa. Muốn ra vào chỗ nào cũng được, duy nhất khu mộ nhà lão cẩn thận như thế. Tìm mãi không thấy chìa khóa theo sự chỉ dẫn bằng điện thoại của ông em, lão lẩm nhẩm xin phép các cụ bước qua tường rào xây theo kiểu tượng trưng. Hình như việc này làm lão áy náy. Dọc đường đến nhà đại gia thứ nhất lão có vẻ trầm ngâm, không nói câu nào.
****


( Còn nữa..)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

BẦY SÂU XIN LỖI RỪNG CÂY!



Thanh Sơn

Bấy nay Ta cứ quen mồm
Thấy Mình mơn mởn Ta bồn chồn răng…
Ăn một lại muốn ăn năm
Ăn hết lá nõn lại “măm” lá già!

Mặc Mình đau đớn rên la
Nhựa Mình – máu ứa trào ra dòng dòng…
Vừa ngoạm xong đã đói lòng
Ta lại ngoạm nữa…
Vỏ không chẳng còn…
Gặm cả những rễ cỏn con
Đến nay rễ hết trơ còn gốc thôi!

Ta xin lỗi nhé, Mình ơi!
Mình đừng đổ hết…để rồi năm sau
Mình lại xanh ngát một màu
Lũ Ta lại nối đuôi nhau: Gặm nào….

Ngày 1/5 /2014

Thanh Sơn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thế kỷ 21: Con vua sẽ lại làm vua?

Trong một xã hội dân chủ và thượng tôn pháp luật, có ba hình thức làm giầu, từ loại kém nhất đến loại cao cấp nhất: Làm ra tiền bằng sức lao động, làm ra tiền bằng tiền (bỏ vốn tư bản ra đầu tư kiếm thêm tiền) và làm ra tiền bằng trí tuệ. Chỉ ở các nước tư bản người ta mới thực sự kính trọng những người làm ra tiền từ trí tuệ. Trong khi chỉ riêng ở những nước thiếu dân chủ và thiếu thượng tôn pháp luật như ở các nước phong kiến hay độc tài mới có hình thức thứ 4: Làm ra tiền bằng quyền lực; cứ chiếm được quyền, có quyền là có tiền và có tất cả. Tuy nhiên cách làm ra tiền bằng con đường phi đạo đức này là kém bền nhất và loại tiền này dễ bị "của thiên trả địa" nhất.

Thế kỷ 21: Con vua sẽ lại làm vua?
Những người chỉ đơn thuần kiếm sống bằng sức lao động, có nguy cơ sẽ bị phần còn lại ngày càng bỏ xa trên bảng so sánh thu nhập.
Ông sếp đi xe gì?
Có bao giờ bạn tự đặt câu hỏi thế này: vì sao ông sếp của bạn có thể đi chiếc xe hơi mà với thu nhập suốt đời của mình, bạn sẽ chẳng thể nào mua được? Nếu người khác nói với bạn, sếp là người giàu có còn bạn thì không là bởi ông ấy tài giỏi hơn, ở vị trí cấp cao hơn và năng suất lao động cao hơn. Điều đó có thể đúng, nhưng trên thực tế nhiều ông sếp còn không tài giỏi bằng chính nhân viên của mình.

Vì vậy, có lẽ câu trả lời trên sẽ khó thuyết phục được bạn. Nhưng giả sử, một đồng nghiệp lâu năm nói cho nhân viên mới như bạn một sự thật rằng: ông sếp của bạn chính là con trai của Tổng Giám đốc, vợ của ông ta là Giám đốc của một chi nhánh khác thuộc công ty và còn chi chít những mối quan hệ khác nữa. Giờ thì bạn đã tự tìm được ra câu trả lời cho mình nhưng có lẽ, đó là một cách hiểu cảm tính, như người nghèo vốn thường không thích kẻ giàu có.

"Tư bản trong thế kỷ 21" - một góc nhìn sâu sắc về bất bình đẳng thu nhập

Vượt lên cái cảm tính thông thường để nói cho thuyết phục về chuyện giàu-nghèo, về bất bình đẳng thu nhập trong xã hội, xưa nay giới nghiên cứu vẫn luôn cố gắng giải thích những bất mãn ấy của con người một cách khoa học nhất, mà chỉ số Gini hay đường cong Lorenz là những công trình tiêu biểu.

Nhưng cuốn sách mới nổi gần đây "Tư bản trong thế kỷ 21" đã tìm cách tìm câu trả lời cho vẫn đề bất bình đẳng trong thu nhập một cách tỉ mỉ nhất.

Tác giả của nó - Thomas Piketty không nói về mức lương "trên trời" của các CEO hàng đầu thế giới, trong khi những nhân viên phục vụ tại các cửa hàng ăn nhanh tại Mỹ đang còn vất vả đấu tranh cho một mức lương tối thiểu cao hơn. Piketty đã đi sâu hơn vào bất bình đẳng thu nhập - một vấn đề lớn mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải đối mặt và câu chuyện "ông sếp đi xe gì" vừa nói ở trên có lẽ chỉ đủ như một lớp vỏ bên ngoài.


Bằng công trình với những mô hình và số liệu được thu thập kỳ công, tác giả của "Tư bản trong thế kỷ 21" giáo sư người Pháp Thomas Piketty đã chứng minh được rằng, thu nhập từ tư bản tăng nhanh hơn nhiều so với thu nhập từ sức lao động đơn thuần. Cũng vì vậy, vai trò của tích lũy tư bản, chẳng hạn thông qua việc cho nhận lượng tài sản thừa kế khổng lồ có thể làm trầm trọng hơn bất bình đẳng trong xã hội.

Đó từng là vấn đề đã xảy ra trong quá khứ và trở thành bài học. Còn trong hiện tại thế kỷ 21, nếu không được cải thiện, bất bình đẳng sẽ làm cho thế giới không còn hòa bình như giống như thế kỷ 20 với những cuộc Thế chiến.

Theo Piketty, kể từ năm 1987, khối tài sản trên 100 triệu, 500 triệu và 1 tỷ euro trong nền kinh tế toàn cầu có tỷ suất sinh lợi khoảng 6-8%/năm, trong khi thu nhập quốc dân chỉ tăng trung bình 1,4%/năm (tỷ lệ tăng trong thu nhập từ lao động thường thấp hơn tăng trưởng kinh tế nói chung).

Có nghĩa, tỷ lệ tăng lợi nhuận từ tư bản cao gấp khoảng 5 lần tỷ lệ tăng trưởng thu nhập nói chung và như vậy, bất bình đẳng thu nhập sẽ ngày càng giãn rộng mà không có bất kỳ một hệ thống bảo hiểm, trợ cấp xã hội nào có thể khỏa lấp nổi.

Trong khi những bài học lịch sử của những cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 là hệ quả không thể tránh khỏi từ bất bình đẳng nghiêm trọng trong thế kỷ 19 thì nhiều khả năng, thế kỷ 21 này đang lặp lại những gì đã xảy ra trong thế kỷ 19. Cụ thể, về thời điểm bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng trong thế kỷ này, Piketty cho rằng, nếu tình trạng bất bình đẳng hiện nay tiếp diễn thì đến những năm 2040 hoặc 2050, bất bình đẳng thu nhập sẽ lên đến mức không thể chấp nhận được.

Nếu dự báo của Piketty đúng, thì chúng ta còn khoảng 26-36 năm nữa bất bình đẳng trong thế kỷ này sẽ lên đến đỉnh điểm. Còn sau đó, chắc chắn sẽ là thời kỳ đen tối nhất mà xã hội phương Tây đã từng trải như những gì được miêu tả trong cuốn "Le Père Goriot'' (được chuyển thể sang tiếng Việt với nhan đề "Lão Goriot" - NXB Hội Nhà Văn) của đại văn hào người Pháp - Balzac. Đó là thời kỳ mà "có người cố gắng, có người đánh đổi, có người còn chà đạp lên người khác và lên chính bản ngã của mình để hy vọng trở thành người thượng lưu". Đó là hiện thực tối tăm, giả dối và bị chi phối mạnh mẽ bởi đồng tiền.

Không riêng gì tiểu thuyết của Balzac, những câu chuyện xưa được kể bởi những Jane Austen, Henry James cũng được đưa vào trong "Tư bản trong thế kỷ 21", để kể về những bức bách của con người trong một xã hội bất bình đẳng cao độ và cũng để khéo léo khỏa lấp những thiếu sót về số liệu khó thu thập trong thế kỷ 19.

Nhưng vấn đề nào đi chăng nữa, con người đều phải tìm cách vượt qua. Trong rất nhiều lần bàn về bất bình đẳng, Piketty thường không quên viện dẫn những cuộc chiến - từ Cách mạng Pháp 1789 cho đến Thế chiến thứ nhất, Thế chiến thứ hai,... Nhưng Piketty không coi chiến tranh là giải pháp, mà đó là hệ quả. Đúng là sau những cuộc chiến, đã xuất hiện những thời kỳ "dị biệt" khi tích lũy tư bản giảm xuống do làn sóng quốc hữu hóa.

Giải pháp tối ưu: Đánh thuế tư bản trên quy mô toàn cầu?

Dĩ nhiên, chẳng ai muốn ngồi đợi một kịch bản tồi tệ xảy ra trong thế kỷ 21 này. Để chống lại xu hướng bất bình đẳng đang ngày càng nghiêm trọng, Piketty đã đề xuất một giải pháp chính là đánh thuế thật cao đối với tư bản và trên quy mô toàn cầu. Và tư bản được định nghĩa rộng dưới cả hai dạng vật chất và phi vật chất bao gồm: bất động sản, vốn kinh doanh, nhà xưởng, máy móc và quyền sở hữu trí tuệ.

Giải pháp đánh thuế tư bản được Paul Krugman - chủ nhân Nobel Kinh tế năm 2008 nhiệt liệt ủng hộ, trong khi nhiều ý kiến phê phán đề xuất này "ngây thơ" về mặt hoạch định chính sách, bởi chẳng dại gì một quốc gia đơn phương áp dụng để tài sản "chạy" sang các quốc gia khác, hay áp dụng biện pháp trên quy mô toàn cầu có vẻ là một nhiệm vụ bất khả thi.

Tuy nhiên, xu hướng giảm thuế khóa đang diễn ra trên diện rộng, đã làm suy yếu hệ thống thuế lũy tiến đã được kiên nhẫn xây dựng trong thế kỷ 20. Hệ thống thuế có nguy cơ sẽ suy giảm bằng cách đơn giản là bãi bỏ mọi hình thức đánh thuế lên tư bản và thu nhập. Và như vậy, sẽ chẳng còn điều gì có thể ngăn cản chủ nghĩa tư bản quay lại thời kỳ đỉnh điểm của bất bình đẳng như trong thế kỷ 19 với một số gia đình quyền lực thâu tóm của cải.

Nếu không hành động một cách quyết liệt, xu hướng gia đình dòng tộc như thế kỷ 19 tại châu Âu sẽ quay trở lại và "Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa". Người nông dân cứ vất vả làm việc còn giới địa chủ - theo cách nói của Piketty - cứ ngồi ôm "bụng phệ" và chẳng phải làm gì cả.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cận cảnh 6 con gà vàng bạc tỉ trên lâu đài của đại gia Hà Nội


Đặt trên nóc “tòa lâu đài” là 6 con gà đúc đồng nguyên khối, dát vàng bên ngoài được đồn đại trị giá tới hàng chục tỉ đồng.
6 con gà được đúc bằng đồng sau đó dát một lớp bằng vàng ròng
Thời gian gần đây, những người dân sinh sống quanh ngõ 61 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội đều ngạc nhiên trước sự xuất hiện của một tòa nhà được thiết kết như những lâu đài cổ ở nước ngoài.

Tòa nhà có diện tích khoảng 400m2, xây cao 5 tầng và một mái vòm có thiết kế cổ điển phía trên. Các mặt tường của tòa nhà đều được trang trí họa tiết hết sức công phu.

Điều đặc biệt của “tòa lâu đài” đó là chủ nhân của nó đã “chịu chơi” đến mức đúc tới 6 con gà vàng cỡ lớn đặt lên trên nóc. Một con gà trống vàng to nhất được đặt ở chính giữa đang trong tư thế cất tiếng gáy, 5 con gà vàng cỡ bé hơn được đặt vòng quanh.

Theo những công nhân làm việc tại chính tòa nhà này, 6 con gà vàng trên được đúc đồng đặc nguyên khối, sau đó dát một lớp dày bằng vàng đạt chuẩn chất lượng phía bên ngoài để không sợ bị thời tiết bào mòn, tàn phá.

Ở trên cùng là con gà trống vàng có kích cỡ to nhất

Nhiều người cho rằng, sở dĩ có sự xuất hiện của 6 con gà vàng vì chủ nhân của tòa nhà cầm tinh con gà hoặc để phù hợp với phong thủy, thuận lợi cho việc kinh doanh.

Chủ nhân của “tòa lâu đài” trên là một đại gia buôn bát sắt thép và vật liệu xây dựng. Trước khi khởi công xây dựng công trình trên, vị đại gia đã bỏ một số tiền lớn để mua đất của hàng chục hộ dân xung quanh.

Một số người dân may mắn được vào bên trong tòa nhà cho hay, ngoài việc tiêu tốn tiền tỉ vào 6 con gà vàng, “tòa lâu đài” của Đại gia còn dát vàng ở gian phòng được xây để thờ cúng.

Phía bên trong nhà các phòng được thiết kế hết sức tinh vi khiến người mới đi vào có cảm giác bị “lạc” vì không thể nhớ được hết.

Việc dát vàng nhà cửa, đồ đạc hiện nay đang trở thành một xu hướng của nhiều người giàu có. Tuy nhiên, việc dùng vàng chất lượng chuẩn như vị đại gia sắt trên cũng làm một chuyện hiếm có vì phần lớn thường dát vàng công nghiệp có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tại Hải Dương cũng có một đại gia dát 60 cây vàng lên 5.000 m2 nhà vườn. Chủ căn nhà là chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc một công ty phát triển nhà.

Ở thời điểm vàng tăng giá đỉnh điểm năm 2012, ông đã khiến dư luận choáng váng khi dát tới 60 cây vàng cho ngôi nhà vườn tại xã Tân Dân, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương với khuôn viên chính rộng hàng nghìn mét vuông.

Một số hình ảnh về 6 chú gà vàng của ông chủ "đại gia" Hà thành:


Các chú gà trống vàng đều được thiết kế trong tư thế đang cất tiếng gáy

Trị giá của mỗi con gà vàng được những người thợ cho biết lên đến hàng tỉ đồng

Nhiều người cho rằng chủ nhân của “tòa lâu đài” cầm tinh con gà nên đã cho làm 6 con gà vàng để đặt lên nóc

6 con gà vàng ở mặt trước tòa lâu đài

Chỉ tính riêng số gà vàng đã tiêu tốn hàng chục tỉ đồng của vị đại gia buôn sắt

Ngọc Tú

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Lời từ chối nhà tuyển dụng của cô gái trẻ gây xôn xao

Khi bạn cần một công việc nào đó, đừng để nhà tuyển dụng nhìn nhận rằng họ đang “bố thí” cho bạn. Hãy để họ biết rằng bạn ở đây để giúp họ. Điều đó chỉ có được khi bạn được tôn trọng, và sự tôn trọng chỉ đến khi bạn biết cái gì đúng cái gì sai để đấu tranh cho nó.

“Tôi đang là một phóng viên. Công việc hàng ngày của tôi là phỏng vấn, thu thập tài liệu, chạy deadline, viết bài chỉnh chu nộp biên tập viên.
Đến nay cũng đã hơn 4 năm tôi “ăn dầm nằm dề” với nghiệp viết.
Giống như mắc bệnh nghề nghiệp, mỗi khi thấy bất cứ cơ hội nào có thể giúp tôi viết cứng tay hơn hoặc hứa hẹn học hỏi nhiều điều, tôi đều tìm đến để cộng tác thêm.
tuyển dụng, truyền thông, bức xúc, sự cẩu thả
Ảnh minh hoạ
Cách đây một tuần, tôi đọc được một tin tuyển dụng của một công ty truyền thông cho vị trí liên quan đến mảng phóng sự.
Tôi hứng thú, tôi cảm thấy vui, tôi chủ động liên hệ với suy nghĩ: “À, mảng phóng sự, mình có thể học hỏi được nhiều đây!.
Sau đó, tôi đã gửi một email khá nhã nhặn nhưng cũng không kém phần rõ ràng bởi nghề báo không cho phép tôi cẩu thả, viết một câu không đơn thuần như văn nói và ngay cả khi bạn viết một email bạn cũng cần phải tôn trọng người đọc.
Nguyên văn tôi viết như sau:
"Dear anh/chị công ty truyền thông...
Mình tên Thảo N, hiện là phóng viên của báo….
Vô tình mình đọc được thông tin tuyển dụng nhân viên truyền thông của công ty trên mạng xã hội, mảng công việc liên quan mật thiết đến báo chí, mình quyết định gửi CV ứng tuyển.
Mình đã làm trong ngành báo tính đến nay hơn 4 năm kinh nghiệm và xác định chỉ làm báo mà thôi. Khi đọc được mẩu tin tuyển người của quý công ty, nhận thấy đây có thể là cơ hội để phát triển công việc ở mảng phóng sự, mình vô cùng hứng thú.
Đính kèm email là CV bằng tiếng Việt của mình, anh/chị vui lòng tham khảo thêm nhé. Xin cảm ơn và hy vọng được hợp tác."
Nhưng sau khi khi tôi nhận được phản hồi từ nhà tuyển dung thì cảm hứng làm việc của tôi bỗng tắt ngúm.
Bức thư của nhà tuyển dụng trả lời như sau:
"Chào bạn thảo công ty mình ở Hà Nội, Bạn ở Sài Gòn có thể ứng tuyển vị trí cộng tác viên trong đó mình đang cần xây dựng 1 đội ngủ tại sài gòn
Mình sẻ có 1 cuộc điện thoại trao đổi phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại
Thân!"
Dĩ nhiên, dưới con mắt của một người xem trọng câu chữ, tôi nhìn nhận bức mail trên là sự cẩu thả và xem thường người khác. Lỗi chính tả, câu cú loạn xạ, viết hoa viết thường tứ tung và kêu sai tên người gửi.
Bạn có thể bận, nhưng 5 phút để viết một email lịch sự không khó. Và nếu bạn không làm được điều đó, tôi cũng có quyền đòi lại sự tôn trọng của mình.
Tôi lịch sự viết lại với nội dung từ chối cuộc phỏng vấn cũng như cơ hội cộng tác, đồng thời cho biết mình cảm thấy không được tôn trọng đúng mực nên sau này người viết hãy chú trọng lỗi chính tả và danh xưng hơn. Tôi bị “quật” lại bởi email dài hai dòng với nội dung là “chúng tôi không thiếu người để tuyển dụng, nên đối với người như bạn sẽ không có lần sau đâu”.
Đọc tới đây, tôi chỉ cảm thấy phì cười. Cười vì sự đòi hỏi của tôi cho sự tôn trọng tối thiểu đang quá khó, cười vì may quá tôi không phải kiểu thất nghiệp đi xin việc mà chỉ đang kiếm cơ hội học hỏi thêm và cười vì nhà tuyển dụng xem những người tìm đến họ là hàng lô hàng tá, “không người này thì kẻ khác”.
Trước cười, sau tôi lại buồn. Tôi nghĩ đến những bạn cộng tác viên yêu thích nghề báo, yêu viết lách đang phải cật lực tìm kiếm công việc cho mình.
Tôi tự hỏi bao nhiêu trong số đó sẽ phản ứng đòi cho mình cái quyền được tôn trọng và bao nhiêu trong số đó chấp nhận cho qua?.
Tôi cho rằng khi cần một công việc đi chăng nữa, đừng để nhà tuyển dụng nhìn nhận rằng họ đang “bố thí” cho bạn. Hãy để họ biết rằng bạn ở đây để giúp họ. Điều đó chỉ có được khi bạn được tôn trọng, và sự tôn trọng chỉ đến khi bạn biết cái gì đúng cái gì sai để đấu tranh cho nó.
Chuyện tôi kể cũng tới đây thôi, nhưng nó gợi trong tôi một góc nhìn khá mới về cách giao tiếp. Chỉ vài dòng chữ cũng khiến người khác cảm thấy ra sao, chỉ vài dòng chữ thôi cũng là cách bạn đang truyền đi thông điệp của mình. Và trớ trêu thay, dân báo chí nhạy với dòng chữ gấp bội phần”.
Ngay khi câu chuyện bức xúc trên được chia sẻ, rất nhiều người đã tỏ ra khá đồng tình với ý kiến của người viết. Đa số họ cho rằng: Khi nhà tuyển muốn tuyển được người tài thì trước hết họ cần thể hiện được cái tầm và sự chín chắn trong giao tiếp của mình trước đã.
Hạnh Thuý ghi


Phần nhận xét hiển thị trên trang

THÔNG TIN MỘT NGÀY

Hải Thanh là nhà thơ, hiện đang giữ chức Tổng biên tập tờ Văn nghệ Vĩnh Phúc. Tôi mới đi Ấn Độ với anh và vì thế mà không nhầm anh với Lãng Thanh, cũng ở Vĩnh Phú, một tài thơ mệnh yểu. Hải Thanh này thì không cường tráng nhưng dẻo dai.  Trông loẻo khoẻo nhưng té ra trên cái đầu có cặp kính cận ngơ ngơ ngác ấy căng chứa những suy nghĩ, mà cái bài anh vừa gửi tôi tối qua là một ví dụ. Trong một ngày, anh nhận ra biết bao thông tin, đọc cứ mang mang...





Ngày rất dài

                          - “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”
                             - “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”
                                                                                   (Nguyễn Du)
… Lại nghe một hồi chuông báo động của nhà truyền thông. Rằng: Một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên suy thoái/ xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Bây giờ xuất hiện lắm “nhà”, nhà nào cũng có chuông, và hình như những tiếng chuông kia đều cùng hãng sản xuất. Trên đường đến cơ quan làm việc, một ý nghĩ thoảng qua: Nghĩ ngợi làm gì thêm mệt óc!

Một buổi sáng râm ran, tự nhủ “nghĩ ngợi làm gì thêm mệt óc”. Nhưng như người tu chưa đến đạo, cố không nói câu gì, không nhìn thấy gì, nhưng những âm thanh khêu gợi vẫn cứ lọt vào tai. Này đây: Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won tuyên bố đệ đơn xin từ chức vì vụ chìm phà Sewol khiến cho hơn 300 người chết và mất tích. Tuyên bố của ông Chung làm cho nhiều người ngạc nhiên vì sự việc chìm phà đâu nằm trong tầm kiểm soát của ông, nhưng ông tự nhận đó là trách nhiệm của mình và sẵn sàng hy sinh sự nghiệp chính trị để chứng tỏ: Chính phủ Hàn Quốc là một chính phủ có trách nhiệm về sự an sinh của người dân. 

Anh bạn cùng phòng đưa ra một lời bình sắc lẹm: Theo như phản ánh của truyền thông xứ ta, hầu như ngày nào cũng xảy ra sự cố ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nào là tai nạn giao thông, tai biến y khoa, nào gẫy cầu, cháy chợ… Nhưng hình như chẳng ai đứng ra nhận trách nhiệm hay giải trình trước công chúng. Sự im lặng đáng sợ ấy đã làm cho cảm xúc của người Việt bị chai lỳ hay xã hội đang trong hội chứng mệt mỏi cảm xúc...

Sao không? Một cuộc tranh cãi xảy ra - Ngay sau sự kiện ông Chung, đâu chỉ riêng xứ Hàn mới nhiều trách nhiệm; mà ở Việt Nam, Thủ tướng cũng “xin lỗi nhân dân” tại hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp ngày 28-4-2014. Có người còn cho rằng, lời xin lỗi chân thành của Thủ tướng giống như một thông điệp gửi đến tất cả cán bộ, công chức của hệ thống hành chính nhà nước, bởi vì chân lý giản dị - biết nói lời cám ơn và xin lỗi - lại không hề đơn giản trong nền hành chính nước nhà. Đó là điều đáng buồn cho nền công vụ Việt Nam.

Trước khi có lời xin lỗi này, Thủ tướng quyết định rút đăng cai Asiad 18. Đó thực sự là trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Chính phủ với đất nước, với nhân dân, bỏ qua tất cả những lời mật ngọt, biện hộ cho sự háo danh, những bệnh thành tích, những cay cú ăn thua, trục lợi… của một số ít người.

Còn nữa: Quyết tâm dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng trước những diễn biến phức tạp của dịch sởi. Chuyện thực ra cũng không có gì phải ầm ĩ, nhưng ai đó không những đã cố tình quên mà còn đi ngược lại những sự cố y tế trước đó. Những vụ việc về y đức, những nhầm lẫn chết người, … và cách xử sự, điều hành, phát ngôn của lãnh đạo ngành y để lòng dân càng thêm ngờ vực. Ngay trong Chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012 - 2015, do Bộ Y tế tham mưu, có nội dung: Năm 2012 chấm dứt bệnh sởi ở nước ta (!). Nhưng ra thực tế chỉ trong vòng 1 tháng dịch xảy ra đầu năm 2014 này thôi, cả trăm mạng người phải ra đi và cũng chưa biết khi nào thì chấm dứt thực sự.

Nhưng chuyện không dừng lại ở nỗi lo chuyên nghiệp đó. Trong thời gian chống dịch sởi, một trong những phương cách có thể cứu sống bệnh nhân bị sởi biến chứng là máy thở. Các bệnh viện đều kêu thiếu máy thở, và để khắc phục tình trạng này, 10 máy thở được xuất kho, nhưng thật là lạ, cả 10 máy đều không sử dụng được. Người có trách nhiệm giải thích nguyên nhân do máy cất kho lâu ngày nên hỏng một số bộ phận, nên phải có thời gian sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng (!).

Trong cơn nước sôi lửa bỏng của những mạng người, lại nghĩ tới nhiều chuyện khác - về cái chết không chết ngay mà chết từ từ.

Người ta thường vẫn nói, chữa bệnh cứu người, dạy dỗ nên người là hai cái nghề cao quý, hướng thiện, rất đáng trân trọng. Nhưng chính ở đấy lại ẩn chứa nhiều yếu tố xa đạo đức nhất. Có thể đấy chỉ là nỗi ám ảnh về một dấu chấm đen trên tờ giấy trắng, nhưng không thể bắt con người không nghĩ suy.

Đấy là thông tin đề án 34 nghìn tỷ đồng đổi mới chương trình - SGK. Có nghĩa là ngành giáo dục lại tiếp tục một “trận đánh lớn”, chỉ tiếc rằng chưa đánh đã loạn, đến nỗi tư lệnh ngành phải nhận lỗi “sơ suất”,  để sau đó tự rút lui, gửi lại đằng sau dư âm “sống chết mặc bay, thầy không biết”.

Thực ra, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục kia đã được trình Quốc hội vào tháng 5 - 2011, với mức kinh phí đề xuất 70 nghìn tỷ đồng. Vẫn Đề án đó, lần này quý Bộ giảm bớt 35 nghìn tỷ so với đề xuất trước. Thực chất cái gọi là đổi mới chỉ là bình mới rượu cũ. Xin dẫn ra đây một ví dụ về “sản phẩm”. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục - Đào tạo, tính đến năm 2013, cả nước có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học. Nhưng theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ, cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996, đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm. Chưa hết, để minh họa cho tiến trình này, cách đây không lâu, trong “chiến lược cán bộ công chức” được công bố, Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.

Vâng, cũng biết là phải biết như thế. Trước mắt thì tạm chia sẻ với 15.000 tiến sĩ còn đang “lang thang cơ nhỡ” ở nơi nao, và cũng chẳng nên nói thêm làm gì khi Việt Nam đã được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ trong khu vực, chỉ có chút thắc mắc là nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á mà thôi... 

Đến đây, tự nhiên có tiếng người văng vẳng: Không nên nhiều than phiền, hãy biết tìm niềm vui trong cuộc sống. Ai nói nghe quen quá. Ờ nhỉ, cuộc sống thiếu gì vui mà cứ ngơ ngẩn mãi với đồng chiều, cuống rạ…

Trước mặt sẵn cái máy tính, tin vẫn còn hôi hổi: Festival Huế lần thứ 8 đã thành công. Với hàng trăm chương trình biểu diễn, trình diễn suốt cả tuần lễ không hết; nhưng không hẳn thế, sự thành công phải kể đến việc đầu tư lớn hơn cho sự hoành tráng hơn, hiện đại hơn, và điều quan trọng là thu hút được lượng khách du lịch nhiều hơn các kỳ trước, bỏ lại đằng sau Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…” (Thu Bồn).

Mới hết nửa ngày thôi. Vẫn buồn, nhưng không thể buồn hơn thế. Dắt xe máy ra về, lòng mang mang khó tả. Dừng lại trước cây xăng, lại bỗng giật mình.Bộ Tài chính quyết định cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được tăng giá bán theo phương án ngưng sử dụng trích Quỹ bình ổn xăng dầu... Nhìn biểu đồ giá xăng dầu, nhiên liệu từ đầu năm đến thời điểm này, thấy sự trồi sụt khó hiểu. Nhưng điều dễ nhận thấy là khả năng lỗ thực của xăng dầu gần như không có. Bởi vì khi giảm giá thì doanh nghiệp xăng dầu được hưởng Quỹ bình ổn, tăng giá sẽ không được sử dụng phần trích. Doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn có thể yên tâm vì giá chỉ có tăng mà không mấy khi có giảm. Trong khi xăng dầu mang lại lợi nhuận không tính đếm được cho bất cứ cá nhân, đơn vị kinh doanh nào khéo léo… “lựa” luật, thì rất nhiều doanh nghiệp khác hoặc ngày càng thêm thua lỗ, hoặc bị phá sản, vì giá xăng đi ngược chiều với giá thế giới.

Xem ra điều ấy cũng chẳng sao, vì người tiêu dùng khổ mãi thành quen, nếu có sướng, chắc gì đã chịu nổi. Người ta kỳ vọng vào những điều lớn lao hơn. Ấy là lần đầu tiên Việt Nam góp mặt trong bản đồ cung ứng linh kiện của nhà sản xuất máy bay Airbus.

Theo thông tin được Tập đoàn Airbus công bố, nguyên nhân khiến Airbus lần đầu tiên chọn một công ty ở Việt Nam sản xuất linh kiện là chi phí rẻ, tác động tích cực đến giá thành. Linh kiện được sản xuất ở Việt Nam là những thanh xà dọc nằm bên trong và tấm che bên ngoài làm từ composite của thiết bị có tên Sharklet. Đây cũng là lần đầu tiên một linh kiện mang tính kỹ thuật quan trọng của máy bay được sản xuất tại Việt Nam. Tập đoàn còn cho biết: Với hơn 4.280 máy bay A320 chờ giao cho khách hàng trên toàn thế giới, gói sản xuất mới này sẽ đảm bảo nguồn công việc lâu dài cho (công ty Nikkiso) Việt Nam; đồng thời góp phần làm tăng trưởng thị trường hàng không và tạo điều kiện để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.

Chuyện động giời như thế mà sao cái đầu cứ mông lung trước những thông tin: Năm 2002, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Theo đó, đến 2010, ngành phải đáp ứng 40% -50% nhu cầu cơ khí cả nước, xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng... Tuy nhiên, sau 10 năm, phần lớn các mục tiêu đề ra đều không đạt được. Theo Hội Cơ khí Việt Nam, đến 2012, khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của ngành cơ khí mới đạt 32,58%, xuất khẩu chưa nói đến. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu của ngành này năm 2103 lên đến 24,8 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với mức nhập khẩu năm 2006 (8,7 tỷ USD). Tính bình quân, mức nhập siêu của ngành cơ khí khoảng hơn 10 tỷ USD/năm. Giờ, nói đến công nghiệp không hàng, dạ thưa - không dám nữa đâu.

Cuối ngày. Mệt mỏi về quê. Chẳng nhẽ không nghĩ được cái gì nuôi thân xác. Vừa sờ đến cái tủ lạnh, lại tiếng Đài truyền thanh xóm khuyến cáo không nên cho trẻ uống sữa vì trên thị trường có nhiều loại sữa bị nhiễm khuẩn. Nghe thế, mấy bà già ôi dào: “Nhất cơm tẻ, nhì khẽ đi, tiền đâu mà vẽ chõ”.

Mấy bà mẹ trẻ lại nghĩ khác: “Sữa là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho trẻ”. Nhưng...

Theo công thức, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có nồng độ đạm trong khoảng 10-17%, nhưng quy định mới của Bộ Y tế lại yêu cầu nồng độ đạm phải đạt 34%. Bởi vậy, hàng loạt sữa công thức bỗng dưng thành “thực phẩm dinh dưỡng bổ sung” và thoát khỏi danh sách phải kiểm soát giá. Lạ lùng thay, Bộ Tài chính đổ lỗi cho Bộ Y tế, còn đại diện Bộ Y tế thì vẫn quả quyết rằng mọi sự phải theo “quy chuẩn”. Sự việc đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu hai Bộ báo cáo về thông tin mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung làm cho giá sữa tăng cao (!).

Lạ một điều là, chính sách thuế nhập khẩu ổn định, mà giá sữa có năm tăng 5-7 lần. Và sau mỗi đợt kiểm tra, kết quả cho thấy như một lẽ hiển nhiên: Giá sữa tăng là hợp lý.

Mặc dù trên thế giới, nhiều quốc gia sau những mất mát về thể lực giống nòi đã xây dựng và thực thi “quyền uống sữa” cho trẻ em, trong khi đó, 25% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (Theo công bố của Unicef) thì nhất định không. Và khi cuộc tranh luận vì sao giá sữa tăng vẫn chưa có hồi kết, sự thiệt thòi luôn thuộc về các bà mẹ và em bé - và hơn thế, nó còn liên can đến tương lai của giống nòi. 

Ấy vậy mà, mới đây, theo lời Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), từ nhà máy sản xuất sữa bột tại New Zealand, dự kiến đến tháng 6 - 2014, Vinamilk sẽ đưa dây chuyền sản xuất sữa nước tại đây vào hoạt động. Kế hoạch những năm tới không chỉ ở Mỹ, mà Vinamilk sẽ còn phát triển ra một số thị trường châu Âu, đặc biệt là những nơi chuyên nghiệp về chăn nuôi bò sữa (!).

Không có uống thì nghĩ đến cái ăn. Không chỉ tính 6,7 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2013 mà từ lâu, Việt Nam đã thực sự trở thành vương quốc lúa gạo. Chỉ có điều, gạo xuất khẩu hàng năm đứng nhất nhì thế giới mà nhà nông vẫn cứ nghèo. Chủ trương để người làm ra hạt gạo có lãi 30% bao năm vẫn cứ xa vời. Đấy là chưa kể không ít miền quê vẫn thiếu gạo, đói cơm mỗi khi giáp hạt…

Đó là câu chuyện “cái bẫy trung bình” mà nước Việt, hoặc thoát khỏi, hoặc sẽ mãi rơi vào không lối thoát, trước cơ hội và thách thức hội nhập kinh tế thế giới. Cho tới nay, với mức thu nhập trung bình 1.960 USD (2013), Việt Nam đang đứng ở đâu, khi mà “luật chơi” của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng lúc đưa ra cho chúng ta những viễn cảnh chói mắt, nhưng cũng đầy khắc nghiệt? Không thể viển vông - Câu trả lời ở chính sự nỗ lực và bản lĩnh vươn lên bằng trí tuệ, tài năng sáng tạo và năng suất lao động toàn xã hội, để trở thành quốc gia phát triển bền vững!

Đấy là thông tin của một ngày. Một ngày sao dài thế. Một năm thì lại ngắn không ngờ. Vẫn còn rượu Tết mà đã hết tháng Tư. Rờ lại mình, tự nhớ câu thơ của Thiền sư Mãn Giác: “Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tùng đầu thượng lai - Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già đến rồi”. Tôi, chính là tôi “nửa ngày đi” không nuôi đủ “nửa ngày nằm” nên vẫn đói. Đói, nên không thể nào ngủ yên được trước miên man thao thiết của một ngày.

                                                            Ngày 1.5.2014
                                                             HẢI THANH

Hải Thanh đang "Phụ" Dili mua trái cây tại chợ Ấn Độ
Blogger Văn Công Hùng
Phần nhận xét hiển thị trên trang

DẠY LÀM NGƯỜI Ở NHẬT BẢN

Trẻ con Nhật được dạy cảm ơn cha mẹ, thầy cô... những người đã phải lao động để mang đến cho mình một bữa ăn ngon miệng.

Sở dĩ nước Nhật được cả thế giới khâm phục vì sự phát triển kinh tế thần kỳ chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng với những ai đã từng sống hay nghiên cứu về Nhật Bản đều nhận ra rằng, sự khâm phục đó phải xuất phát từ cách người Nhật giáo dục đạo đức con người.
Trẻ em Nhật được giáo dục về đạo đức không chỉ từ nhà trường mà còn bởi xã hội. Tất cả các môn học đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức chứ không chỉ có những môn tương tự như môn Giáo dục công dân. Học sinh từ khi học mẫu giáo đã được rèn luyện thực hành đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày như cách nói cảm ơn cha mẹ, tự nguyện giúp đỡ và phục vụ các bạn xung quanh, vệ sinh trường lớp…
Khi trẻ lớn hơn bắt đầu bước vào hệ thống giáo dục phổ cập từ lớp 1 đến lớp 9, các em sẽ được học và thực hành các bài học đạo đức với một chương trình được phân ra làm 4 nhóm liên hệ từ gần đến xa, từ dễ đến khó. Nhóm 1 là liên quan đến bản thân, nhóm 2 là liên quan đến người khác, nhóm 3 liên quan đến tập thể, xã hội và nhóm 4 là liên hệ với thế giới tự nhiên. Học sinh ở các độ tuổi khác nhau sẽ học đủ cả 4 nhóm này nhưng với mức độ khác nhau. Ví dụ như với nhóm liên quan đến bản thân, học sinh lớp 1- 2 sẽ được học về “sự cần cù, chăm chỉ” thì học sinh lớp 7-9 sẽ được học về “yêu quý sự thật”.
Trẻ con Nhật được làm quen với môi trường và học cách chăm sóc vật nuôi từ khi còn còn học tiểu học.
Việc rèn luyện đạo đức cho trẻ tại Nhật Bản sẽ diễn ra ngay trong các hoạt động hàng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở. Tất cả các trường từ thành thị đến nông thôn, (từ cấp I đến cấp III) đều bắt buộc học sinh phải làm vệ sinh lớp học và những nơi công cộng trong trường. Việc làm này không những tạo ra một môi trường và bầu không khí học tập tốt mà còn giáo dục nhiều mặt như giá trị lao động, kỹ năng lao động, tinh thần hợp tác, đoàn kết trong lao động, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật …
Từ khi là học sinh tiểu học, trẻ đã được nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi, cây trồng hàng ngày, quanh năm, ngay cả ngày hè nhằm gắn chặt với môn khoa học, làm quen với thiên nhiên, sinh vật quanh môi trường sống, dần dần hình thành lòng yêu sinh vật, yêu thiên nhiên, yêu quý cuộc sống.
Ngoài ra, những hoạt động trong nhà trường cũng được đặc biệt chú trọng để hoàn thiện chương trình giáo dục đạo đức cho trẻ. Trẻ bắt buộc phải tham gia vào các câu lạc bộ từ cấp II để học cách hoạt động nhóm, thông quá đó rèn cho trẻ tinh thần tập thể, thúc đẩy trẻ phát triển, khám phá bản thân và khám phá cuộc sống. Những hoạt động này còn giúp trẻ tạo được mối quan hệ gắn bó với bạn bè và thầy cô, rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, ứng xử… Trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh nhiều tình huống để trẻ thực hành ngay trong nhà trường, thầy cô qua đó sẽ nắm được tính cách của trẻ để kịp thời động viên hoặc uốn nắn.
Trẻ bắt buộc phải tham gia vào các câu lạc bộ từ cấp II để học cách hoạt động nhóm, thông quá đó rèn cho trẻ tinh thần tập thể.
Chương trình giáo dục đạo đức của Nhật xác định đúng mục đích là rèn luyện cho học sinh chứ không phải để lấy điểm lên lớp. Người Nhật cũng không tham lam ôm đồm nhiều kiến thức mà chỉ chọn ra những điều cơ bản thiết thực nhất để dạy cho con trẻ, để trẻ có được căn bản vững chắc mà phát triển còn hơn dạy cho chúng những điều to lớn viển vông.
Hệ quả của phương pháp giáo dục toàn diện này đã được chứng minh bằng ý thức của cả một cộng đồng người Nhật và ngay cả trên văn bản. Chỉ tại Nhật người ta mới tìm thấy cuốn “Cẩm nang hành động cho toàn dân”, gồm hơn 200 điều, ghi rõ việc cần làm, việc cấm làm, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Ví dụ: "Thấy bất kỳ nơi nào vòi nước chảy không người dùng, đóng vòi ngay; gặp quạt, gặp ánh sáng điện không người dùng, phải tắt điện ngay".
Giáo dục đạo đức ở Nhật Bản đạt hiệu quả cao vì đã kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, trường học và xã hội. Vì dụ đề tài "Bảo vệ môi trường sống xung quanh" được gia đình giáo dục con em rất chi tiết, thực hành đầy đủ. Đến trường, học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 hằng ngày đều phải làm vệ sinh sạch sẽ trường lớp và những nơi công cộng trong trường suốt hơn 10 năm. Ngoài xã hội, đường xá, chợ búa luôn sạch đẹp, có nhiều thùng rác để gần nhau, dân chúng tự phân loại rác khi bỏ vào thùng.
Được giáo dục kỹ như thế nên mỗi người Nhật có thói quen hành vi đạo đức rất tốt. Ví dụ: Anh Oshima Mituteru, 34 tuổi sang Việt Nam làm việc ở Khu phố 6, quận 3, Tp.HCM, sáng nào anh cũng đi nhặt rác quanh những con đường nơi anh làm việc. Có người hỏi "Tại sao anh làm thế?', anh trả lời với lòng chân thành: "Thay đổi nhỏ môi trường cũng đem đến cho tôi cảm giác hạnh phúc".

(Theo Trí Thức Trẻ)

Phần nhận xét hiển thị trên trang