Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Đài Loan: Một quan chức cấp cao quân đội ngồi tù 20 năm vì làm gián điệp cho Trung Quốc



 -

E-2K, một phiên bản cải tiến của chiếc máy bay cảnh báo sớm Grumman Hawkeye
E-2K, một phiên bản cải tiến của chiếc máy bay cảnh báo sớm Grumman Hawkeye
Một quan chức cấp cao thuộc Lực lượng không quân Đài Loan đã bị kết án tù 20 năm vào ngày 29.4 vì tội tiết lộ bí mật quân sự cho Trung Quốc.
Hau Chih-hsiung, người từng phục vụ tại một căn cứ không quân ở quận Bình Đông, đã bị tòa án tối cao ở thành phố Cao Hùng buộc tội vì đã tiết lộ thông tin mật liên quan đến E-2K, một phiên bản cải tiến của chiếc máy bay cảnh báo sớm Grumman Hawkeye.
Tòa án cũng kết án 15 năm tù đối với Wan Tsung-lin, người trung gian trong các giao dịch với Trung Quốc.
Wan đã điều hành một câu lạc bộ karaoke ở gần căn cứ không quân. Theo hãng thông tấn Trung ương, cặp đôi này đã bỏ túi tổng cộng 1.000.000 Đài tệ (33.300 USD) cho các hoạt động của họ.
Sau khi bị kết án, Hậu đã ngay lập tức bị tước quân tịch.
Đài Loan và Trung Quốc đã do thám lẫn nhau kể từ khi cả hai bị chia cắt vào cuối của một cuộc nội chiến năm 1949. Bắc Kinh vẫn coi hòn đảo tự trị này như một phần của lãnh thổ và đang chờ thống nhất đất nước, thậm chí sử dụng đến vũ lực nếu cần thiết.
Đài Loan bị rung chuyển bởi một loạt các vụ bê bối gián điệp trong những năm gần đây, mặc dù mối quan hệ ấm lên với Trung Quốc dưới thời lãn đạo Mã Anh Cửu.
Trong tháng 9.2013, Phó đô đốc về hưu của Đài Loan đã phải ngồi tù 14 tháng vì tội thu thập thông tin quân sự bí mật cho Trung Quốc, chỉ vài tháng sau khi một cựu Trung tướng bị buộc tội tiết lộ bí mật cho Bắc Kinh.
Năm 2011, một vị tướng quân đội và giám đốc một đơn vị tình báo đã bị kết án tù chung thân vì làm gián điệp cho Trung Quốc, một trong những vụ bê bối gián điệp tồi tệ nhất Đài Loan.
Vũ Kiều 

(Tranh cổ động tại Sài Gòn tháng 4 năm 2014)




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Gì mà ảo diệu với không ảo diệu?

Truyện ngắn của Kinh Bắc

Tôi phục các ông nhà văn quá, họ viết quanh năm suốtháng, bao nhiêu là chữ. Còn tôi chỉ động
suy nghĩ một tí, là lại cứ đau đầ
u và buồn ngủ!
(Câu nói của bố tôi trước lúc được Chúa gọi về.)

10294308_668196333245769_7030390294527617278_n1. Hôm rồi, có anh bạn nhà báo thân thiết đến bảo ông viết cho tôi cái truyện ngắn. Mình than trời từ hồi bị cái bệnh đau cột sống phải nghỉ việc đến nay, gần như không cầm bút nữa. Giờ biết viết gì?!… Hơn nữa viết lách là một phản xạ. Ngày nào cũng viết như người làm báo, thì chữ ra đều lắm, ý tứ tuôn trào. Nhưng một thời gian dài buông bút, thậm chí còn ít nghĩ, ít nghe ít đọc, thì có muốn “quay đầu”, cũng khó “đến bờ” được. Lâu không viết, ngọn bút nó trơ đi, hay cái đầu – chỗ tư duy sáng tạo ấy – nó cùn nhụt  mất rồi.
Mình nhớ cái năm nào, sau tháng Tư bảy lăm, hay ngồi cà phê hè đường chỗ góc Pasteur – Nguyễn Du với mấy anh em văn nghệ đủ loại cũ, mới. Trong đám có thằng Long “cận”, chuyên viết truyện ngắn. Thằng này một vợ hai con, mà chẳng có nghề nghiệp gì, nên nó bảo chỉ còn cách là viết truyện gửi các báo kiếm tiền cho vợ đong gạo. Song bọn mình biết thừa là nó buồn vì chẳng làm gì ra tiền, nên phải viết, và lấy sự viết nháo nhào ấy để chữa cả cái sự buồn. Cứ xong một truyện, gửi báo, có khi chờ hàng tháng mới có kết quả, được vài đồng còm. Đó là chưa kể, trường hợp truyện không được đăng mà toà soạn chẳng thèm có vài chữ trong cái mục “hộp thư bạn đọc”, gọi là để phúc đáp cho tác giả biết rằng “kế hoạch làm kinh tế gia đình” của y đã bị phá sản.
Long cận viết nhanh lắm. Mà lạ! Anh em ngồi đông thế, la nói tùm lum chuyện, ồn ào như chợ vỡ; mà nó vẫn bình thản viết. Cứ nhoay nhoáy chữ. Thỉnh thoảng nó nhấp ngụm cà phê, rít hơi thuốc hay góp một đôi câu với bạn bè. Xong lại thì thụp viết, đều đều chữ, không bị đứt mạch.
Có lần mình hỏi thằng Long, mày viết những gì mà liên tù tì thế. Trong lúc bọn thằng Hà “thối”, thằng Thương “còm” thì cứ luôn mồm kêu là không có gì để viết. Lại nữa, ngồi hè đường giữa tiếng ầm ào xe cộ, huyên thiên đủ chuyện sao mày vẫn ung dung viết, không bị chia trí à? Nó đáp, viết truyện là kể chuyện bằng cây bút thay vì bằng mồm. Mà chuyện thì đâu chả có, cứ nhặt hết, rồi chọn ra. Như mày đang nói đang hỏi tao này nọ, đấy là chuyện. Cứ tường thuật lại thôi. Nhưng cái “bí kíp” của nó là phải tìm kiếm trong đó những chi tiết, tình tiết hay ho, vui vui hoặc gay cấn, lãng mạn – như tình yêu chẳng hạn… để “chêm” vào, tạo kịch tính, có gút có mở vân vân. Thế là thành cái truyện ngắn. Còn như muốn dài, thì… kéo nó ra!
Nghe nó nói như đùa, mình chả hiểu gì. Nhưng cái thằng hay quá! Trong hai ba năm nó viết cả truyện người lớn lẫn trẻ con, được đâu hơn hai chục cái, và đã có chút tiếng tăm. Trong giới văn nghệ anh em bắt đầu kêu nó là nhà văn. Sự cầm bút giải buồn hay đỡ đần một chút cho vợ của Long cận, có vẻ như đang dần mở ra con đường đi vào “văn học sử”, thì bỗng dưng nó biến mất, không ai còn thấy tăm hơi đâu cả. Mãi sau này mới nghe phong thanh rằng Long cận sống cực quá, gia đình thiếu thốn mọi bề nên nó đưa vợ con với bà mẹ già trên bảy mươi tuổi đi kinh tế mới ở Lộc Ninh. Mình cứ nhớ nó mãi. Nhưng nhớ hơn cả là một hôm ngồi nhậu ở cái nhà hàng gì hồi xưa tên Continental trên đường Đồng Khởi với mấy người bạn. Mình hơi say, bíu vai hoạ sĩ Đức hỏi ông này sao thằng Long cận nó viết nhanh quá, chữ nghĩa cứ tuôn ra ào ào, còn thằng Thuần mỗi lần viết một bài báo mất cả ngày. Ông Đức bảo tại vì cái ruột thằng Long nó đầy chữ, còn ruột thằng Thuần toàn cứt. Câu chửi này thâm quá, lại đểu! Dân Quảng Nam không nói bụng, mà kêu là ruột; nghe rất buồn cười.
Cái bài học sáng tác đầu đời ấy là của Long cận, để rồi sau này mình cũng theo đó mon men lẻn vào lĩnh vực truyện ngắn. Nhưng quả thực, không biết có phải còn do năng khiếu, hay thiên bẩm thế nào, chứ viết khó quá. Mà lại còn viết nhanh nữa, thì chịu. Mình viết cứ như đánh vật, khổ sở lắm. Thành thử cứ mỗi khi cầm bút, lại nhớ thằng Long.
Như bây giờ đây, đang ôm đầu ngẫm nghĩ xem sẽ viết cái gì. Thế là hình ảnh thằng bạn cố tri ngày nảo ngày nao lại hiện về. Nhưng không phải cái thằng ốm o thê thảm hồi xưa, suốt ngày lom khom hí hoáy viết truyện kiếm cơm. Nó giờ to béo, trắng trẻo và về tư tưởng thì vô cùng yêu nước – bởi nó là Việt kiều. Mà “thuộc tính” của người Việt định cư ở nước ngoài, theo “quy định”, hết thảy là yêu nước.
Năm tám mấy, nó kể nhưng mình quên mất, sau khi mẹ nó chết chôn ở đồi K. 57 xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, nó đưa vợ con vượt biên. Chuyến đi thành công đã giúp làm thay đổi không chỉ cuộc sống vợ chồng nó, mà còn đổi đời cho cả hai đứa con để chúng có một tương lai dễ chịu. Năm hai nghìn lẻ năm, lần đầu vợ chồng Long cận về Việt Nam. Nó tìm mình dẫn đi nhậu và nói cho mày năm trăm đô xài chơi, chứ tao biết mày chẳng làm ăn mẹ gì và số tiền mọn này cũng không đủ cho mày làm vốn. Nó còn thăm mẹ già mình, cho bà hai trăm nhưng lúc này cụ lẫn quá, có còn biết đô điếc là gì. Có lần không biết mê mẩn thế nào mà cụ hỏi thằng con mình rằng thế thằng Tây có còn hay đi càn không. Rồi thì ông Lý Tựu – là ông Lý trưởng của cái làng quê nghèo khó quanh năm của mình ở tận ngoài Bắc – có còn hay đánh bà Ba (bà vợ thứ ba của ông ấy) không. Chao ơi là buồn, thương cho một kiếp người! Mẹ già mình thời son trẻ là cô gái đẹp nhất nhì của phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đấy chứ. Thế mà trăm tuổi rồi, tàn phai, lẩn thẩn, sống như cái bóng hiu hắt của ngọn đèn chỉ còn chút dầu cạn.
Mình hỏi Long cận về cái đoạn bỏ viết ngày xưa, lên Lộc Ninh làm rẫy. Có phải do nghèo, khổ quá mà đi. Nó trả lời cũng đúng một phần là cái nghèo. Còn chính thì do nó dần cảm nhận được rằng có sự không ổn trong cuộc viết lách, văn nghệ văn gừng. Nó bảo mình, mày nhớ thằng Thành học với tao ở Chu Văn An thời ông Quế “gù” làm hiệu trưởng không. Thành là thiếu uý Hải quân, đang đưa tàu sang Phi Luật Tân sửa chữa thì Giải phóng. Vài tuần sau ngày ba mươi tháng tư, nó cùng nhiều người khác đấu tranh đòi về nước và được thoả mãn. Tụi nó về Việt Nam bằng chuyến tàu “Việt Nam Thương Tín” nổi tiếng lúc đó, với khoảng ba ngàn người “tự nguyện hồi hương”. Vừa vào đến cảng Cam Ranh thằng Thành bị đưa thẳng lên trại cải tạo Xuân Phước, Nha Trang đúc gạch sáu năm bảy tháng liền. Những cục gạch nó làm ra có số phận như những cái truyện ngắn của tao vậy. Vuông chằn chặn, láng lẫy song chẳng có hồn vía chi hết, mà thậm chí, còn rất buồn nữa!
Thằng Long ở chơi hơn tháng, đi đây đi đó thăm thú gần khắp các tỉnh miền Nam, nhưng tuyệt nhiên không ra Bắc, không về thăm Hà Nội là quê gốc của dòng tộc nhà nó. Nó nói ra đấy làm gì, chỉ thêm tủi. (Tại sao?…). Nhưng mình chẳng hỏi. Ai chả có tâm sự riêng.
2. Lấy chai rượu Làng Vân của anh bạn ngoài Hà Nội gửi vào hôm tết ra, rót một chung lấy hứng tìm… đề tài.
Vậy mà cũng phải cạn đến nửa cút, mới sực nhớ ra câu chuyện hồi còn đi học, với nhân vật là thằng Minh “ngủ”. Hay viết chuyện này chăng? Có một tí tuổi thơ, một chút tình nghĩa thầy trò, bè bạn cùng cái cung cách giáo dục, học hành ngày xưa. Những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỉ hai mươi. Chưa phải là cổ xưa, song cũng đã lâu lắm rồi, để thành kỷ niệm khó quên trong đời. Như câu văn đề ở tấm bia trước mộ vua Hàm Nghi, bên Pháp: “Le temps efface tout n’efface pas le souvenir” (thời gian xoá bỏ tất cả nhưng không xoá bỏ được kỷ niệm. Đại khái. )
Năm đệ lục (tức lớp bảy bây giờ), mình mới bắt đầu để ý tới thằng Minh ngủ vì nó là đứa hầu như không bao giờ thuộc bài, không bao giờ làm bài cho về nhà và rất hay ngủ trong lớp. Không phải là ngủ gật, mà nó ngủ đàng hoàng một giấc say sưa cứ như đang nằm ở nhà hay chỗ nào khác, chứ không phải đang giờ học, ngồi trong lớp học. Thế mới lạ!
Thầy Vũ giáo sư Anh văn, đã mấy lần phải nắm chặt hai bàn tay thành quả đấm, rồi phùng mang trợn mắt lên bảo nó Minh ơi là Minh, thế này thì mày không học hành gì được đâu, hỏng cả đời đấy con ạ. Nhưng thây kệ. Nó vẫn cứ không làm bài, không thuộc bài và vẫn…ngủ! Thầy Lê dạy toán thì có lần cho nó hai cái tát rất đau bởi cái kiểu chứng minh hai tam giác bằng nhau, của nó: Ta lấy hai tờ giấy cắt hai tam giác ABC và DEF, xong ta xếp chồng chúng lên nhau, nếu thấy chúng vừa khít nhau tức là hai tam giác ấy bằng nhau vậy. Thật đến mấy ông Fields cũng phải cười đến nẻ ruột ra mà chết!
Ngoài cái tội lười và dốt, Minh ngủ còn là đứa ở bẩn. Người nó luôn toát ra cái mùi khăm khẳm, không ai biết là mùi gì. Khi nó ngủ đầu nằm nghiêng trên bàn, môi miệng toè loe, rớt dãi ứa ra hai bên mép, trông rất sợ. Cô An dạy môn Công dân – giáo dục, là một phụ nữ đẹp, dáng vẻ sang trọng, quí phái; đặc biệt cô rất sạch sẽ. Trước khi vào lớp, cô đứng trước cửa ngửi ngửi, hít hít nếu nghe mùi gì lạ, khó chịu là cô bắt cả lớp làm vệ sinh xong mới học. Thế nên cô rất hãi thằng Minh ngủ. Mỗi lần kêu lên trả bài, cô đều bắt nó đứng dang xa. Cô nói cái cậu này sao mà hôi hám quá. Thế trước khi đi học không tắm rửa gì à. Có lần chắc mùi nó kinh khiếp hơn mọi ngày, nên cô phải vừa đuổi nó ra xa, vừa bịt mũi nghe nó sụt sịt trả bài.
Ấy vậy mà cũng chính do cô, mà cả lớp mình mới biết được hoàn cảnh của cái thằng bạn vô cùng đáng thương ấy. Số là một hôm cuối buổi học, cô An nói trưởng lớp rằng ban đại diện phải tổ chức đi thăm nhà cậu Minh này xem thế nào, chứ sao lại có một học trò lười biếng và ở bẩn như vậy. Đến tìm hiểu rồi về nói với tôi, tôi sẽ có cách giải quyết.
Bọn mình theo lời cô tìm tới nhà Minh ngủ. Mẹ nó, một người đàn bà ốm o, trông cũng luộm thuộm và bẩn thỉu như thằng con hay ngủ của mình, mếu máo than thở nào là em nó mồ côi cha, tôi một mình đầu tắt mặt tối lam lũ nuôi các con… Ấy, thằng Minh mới mười ba tuổi đầu nhưng sau nó còn ba đứa nữa, vân vân…
Nghèo quá, mẹ con thằng Minh thuê cái nhà bé tẹo nền xi măng, vách gỗ tạp, mái lợp lá dừa nước trầm đơn ở cuối một con hẻm lầy lội bùn đất. Hình như cái khu vực tăm tối, vô cùng nhớp nhúa mất vệ sinh này là một phần của xóm gà, vùng Gia Định.
Chuyến đi này bọn mình có đứa nào hỏi han gì đâu, mẹ thằng Minh cứ ồn ào bỗ bã kể tuốt tuồn tuột mọi điều. Và rồi, cái nguyên nhân của sự hay ngủ trong lớp cùng mùi hôi hám ớ lợ của Minh ngủ được sáng tỏ từ lời “khai” của mẹ nó. Hằng ngày cứ trong khoảng từ hai ba đến bốn năm giờ sáng là thằng Minh đi giã giò thuê (giã thịt heo làm giò lụa, hay còn gọi chả lụa). Tuy phải thức khuya dậy sớm như vậy, lại lao động vất vả, nhưng Minh ngủ lại không ngủ bù được bởi tình trạng chật chội, nóng bức trong cái căn “chòi đạp” của mình, cùng với nếp sinh hoạt “dậy giặc” của hàng trăm cư dân lao động nghèo, thất học xung quanh khiến nó luôn chìm trong trạng thái dật dờ, nửa tỉnh nửa mê cho đến khi vác cặp đi học. Minh ngủ cứ ngủ hoài trong lớp là vì thế!
Cái trường mình là trường xưa, hình như xây từ thời Pháp. Phòng học nào ở tầng một cũng có hai cửa sổ lớn và hai cửa ra vào to rộng, luôn lộng gió. Sân trường đầy cây phượng vĩ và điệp. Các dãy nhà học đều lợp ngói đỏ, tường quét vôi vàng, đẹp cổ kính. Chính vì vậy, trường lớp đã là nơi chốn cực kì tĩnh lặng, lý tưởng để thằng Minh ngủ mỗi ngày, khi vào học.
Tất cả những gì tai nghe mắt thấy về gia đình thằng Minh, được Ban đại diện lớp tường trình đầy đủ với cô An. Song lúc này lại rơi vào thời điểm cuối niên học, nên mọi việc lỡ dở cả. Còn bước sang năm học mới thì không thấy thằng Minh đâu nữa. Thầy Hậu giám thị bảo mẹ cậu Minh xin cho cậu ấy nghỉ để đi làm nuôi các em. Nghe thế mọi người hơi buồn một chút, rồi lại quên ngay. Dẫu sao những năm tháng ấy bọn mình vẫn còn là những đứa trẻ ham chơi hơn ham học, phá làng phá xóm chứ đã biết thế nào là cái tình cảm sâu sắc, vui buồn của anh em bè bạn chung trường, chung lớp.
Thằng Minh nghỉ học, nhưng câu chuyện về nó thì chẳng những chưa chấm dứt, mà còn nảy ra một cái “hậu kỳ” rất lạ lùng, ngạc nhiên và đáng kể…
…Khoảng vài ba năm trước, chắc hai nghìn lẻ tám thì phải, mấy tay bạn cũ trường xưa tìm mình bàn việc thành lập nhóm cựu học sinh lớp đệ thất hai, niên khoá sáu hai sáu ba. Bọn nó ngại không dám làm cái hội ái hữu cựu học sinh trường, vì cái trường mình học mang tên một ông cố đạo lừng danh, sợ có khi gây dị ứng chăng? Trong câu chuyện nhắc kỷ niệm về trường, về thầy cô giáo như thầy Sáu “lùn”, thầy Tiến “sói”, thầy Giám có người anh em song sinh giống thầy in hệt; rồi cô Dung cô Oanh, và cô Thanh Dân quanh năm lúc nào cũng thấy mang bụng bầu… Về phía học trò, hai nhân vật được nêu danh đầu tiên là thằng Minh ngủ và thằng Tốt xóm Chùa. Cái thằng Tốt này cũng học hết năm đệ lục thì bỏ, đi làm thợ sửa xe lề đường. Có lần mình bị xì lốp xe đạp ở dưới dốc cầu Trương Minh Giảng, định dắt tìm chỗ vá thì gặp đúng ngay nó. Hồi này nó đen đủi gầy còm, và trông già quá. Vá xong thằng Tốt không lấy tiền. Lúc mình sắp đi nó nói thiệt ngộ, mày sao tới đúng lúc quá, ít bữa tao nghỉ rồi. Đi đăng lính biệt động quân. Đù mẹ, làm cực thấy mồ tổ, mà tiền không bao nhiêu. Đi lính cho nó khoẻ, được bay nhảy (?!… ). Từ đó tới nay, bặt tin thằng Tốt xóm Chùa. Mình lâu lâu lại nhớ nó, thắc mắc không biết nó còn sống hay chết rồi. Mà nếu còn sống thì giờ này ở đâu, làm gì? Có khá không, hay… vẫn sửa xe!
Còn thằng Minh ngủ; lúc nhắc tới nó thằng Thịnh “béo” vỗ bàn nói mẹ kiếp, cái thằng học hành đếch ra gì ấy mà giờ ngon lắm. Anh em hỏi sao, Thịnh kể chỗ xóm nhà lá thằng Minh ở có một tay Việt cộng nằm vùng, hành nghề chạy xích lô máy. Sau bảy lăm y xuất tướng, ra nắm chánh quyền. Vì ở kế nhà, biết thằng Minh dân lao động nghèo, làm mướn, trốn lính… là thành phần “cơ bản”, nên lão ấy “xây dựng” nó thành cốt cán ở phường, làm bí thư đoàn thanh niên. Công tác phường gần mười năm, chắc nó chán, nên trong một đợt đưa dân đi kinh tế mới nó xin ở lại lâu dài, bám trụ với bà con. Rồi cái địa phương nơi thằng Minh đưa dân tới, vốn rất thiếu cán bộ nên họ đề nghị nó nhập cư luôn để vừa được thêm “cán bộ có trình độ” (?!), vừa giao nó trông coi cái làng kinh tế mới đó.
Là đảng viên, lại xung kích vào nơi “vô vàn khó khăn”, sống “hoà đồng với quần chúng nhân dân” nên Minh ngủ được lãnh đạo đánh giá cao, đưa vào diện “cán bộ quy hoạch”, nghĩa là thuộc loại “cán bộ nguồn, kế thừa vân vân. ” (nhưng đồng thời một yếu tố rất quyết định cho cái sự thăng quan tiến chức nhanh chóng của Minh ngủ là thầy ruột của nó, ông cán bộ chạy xích lô máy ngày xưa, giờ làm bí thư quận; mà cái quận này lại kết nghĩa với cái huyện chỗ thằng Minh đang đứng chân, do vậy nó vẫn được đàn anh “quan tâm” nâng đỡ, đẩy lên vù vù).
Thịnh béo kể tiếp, tao là dân phá sơn lâm. Năm đó “phá” tới cái huyện của thằng Minh ngủ, nơi nó đương kiêm chức Phó Chủ tịch phụ trách tài mậu. Hai thằng gặp nhau thiệt hết sức bất ngờ, mừng quá. Sau thời gian dài “làm việc” đôi bên và tâm sự, lần hồi Minh ngủ thổ lộ tâm can. Nó nói mày biết rồi đấy, tao con nhà nghèo, nghèo tận mạng và cũng bởi nghèo nên học dốt, bị bọn bây chế nhạo hoài. Còn cái nghề giã giò của tao nữa, ai cũng khi dễ. Nhưng tao đâu có bất mãn hay uất ức, phẫn nộ gì. Cuộc sống thì phải có người này người kia, nhiều hoàn cảnh mới thành xã hội chớ. Bởi vậy tao yên phận, nghỉ học làm lụng phụ má tao nuôi mấy đứa em. Ai dè tới cuộc Giải phóng, rồi thằng cha Sáu Minh (chả cũng tên Minh như tao) tới nhà kêu tao ra “công tác”, chả nói là “thoát ly”. Làm năm bảy tháng được vô đoàn. Sáu Minh nói biết rành tao từ hồi nhỏ, thương tao cực khổ, gia đình thuộc thành phần “giai cấp vô sản” vân vân, rồi chả biểu tao khai lý lịch tham gia cách mạng trước bảy lăm, là cơ sở của chả, cho dễ “cơ cấu” sau này. Chắc do cái vụ “khai man” đó, nên mới công tác đâu chừng hai năm mà tao nắm bí thư phường đoàn, vô đảng, kế có chân trong chi uỷ nữa… Từ thằng làm mướn giã giò, dốt học không nổi phải nghỉ ngang, giờ người ta gọi tao là anh Bảy (tao thứ hai trong nhà, nhưng kết nghĩa huynh đệ với Sáu Minh nên tao lấy thứ bảy), kêu đồng chí Bảy, đồng chí bí thư (đoàn) này nọ. Có khi họp hành tao còn chỉ đạo lũ đoàn viên – thanh niên, la mắng phê bình tới lui, cũng ngon lành! Còn dân trong phường, bất kể ai, hễ không là cán bộ đảng hay cán bộ nhà nước là tao đều phải có trách nhiệm “giáo dục”, giác ngộ cách mạng cho họ… Đó, mày thấy có phải tao được đổi đời không? Đổi tới cả tỉ lần chớ không chỉ “chăm phần chăm” đâu. Vậy rồi lần lần tao mới khôn ra, có ý thức kiểu như học hành khó khăn quá không kham nổi, lao động thì cực nhọc mà tới chừng nào mới ngoi đầu lên được (mày coi mấy thằng công nhân hãng xưởng giờ, thì biết tụi nó khổ cỡ nào). Chỉ có con đường làm chánh trị là mau “có ăn” nhứt! Mà hễ làm chính trị thời phải “khéo léo”. Tổ chức là không thể giỡn mặt được. Lãnh đạo còn hơn cha mẹ. Phải phục tùng tuyệt đối, không khi nào trái lệnh. Đại khái gọi dạ – bảo vâng…
Thịnh béo lắc lắc cái đầu, nói cái thằng lành như đất, dốt như bò, không học hành chi cả mà làm tới Phó Chủ tịch một huyện (còn bây giờ, nó là Tổng giám đốc một công ty kinh doanh cấp tỉnh, nhưng hoạt động đủ thứ ngành nghề khắp cả nước); vợ nó không đẹp, nhưng có hai đứa con du học Úc. Còn cái nhà nó, tụi bây chưa thấy đâu. Một cái “huyla” trên khuôn viên hơn một công đất, có hồ bơi… Tao hỏi nó, anh em mày nói thiệt tao nghe, mày mới học lớp bảy – mà vô lớp cũng chỉ ngủ, chứ biết gì – thì làm sao làm việc, quan hệ giao tiếp, chỉ đạo này kia. Nó cười hệch, nói đã có nghị quyết. Cái chi cũng từ nghị quyết mà ra. Có điều phải học cho thuộc, đặng nói lại…
Trong lúc thằng Thịnh béo phun mấy câu kết rằng tao cũng sợ nó luôn, và đúng là đời người có số cả, thì mình nghe như có tiếng nấc nghẹn của ai đó. Ngó lại, té ra thằng Sơn. Thằng này học giỏi, có mấy cái bằng đại học song vẫn cứ nghèo thê thảm, bị vợ con móc máy, chê lên chê xuống. Chắc nó buồn vì thân phận của nó so với thằng Minh ngủ, mà hồi còn đi học, ngồi chung lớp chắc chắn nó không coi thằng này ra gì (trong chuyện học hành). Thằng Sơn rầu rĩ nói Thịnh à, hình như Minh ngủ vẫn là đứa dễ thương. Nghe mày kể tao thấy nó có vẻ là thằng sống trung thực. Thịnh béo cười khì; ừ, nhưng chắc chỉ với lũ đồng môn tình xưa nghĩa cũ như bọn mình thôi, chớ với thiên hạ, thằng này “khéo” lắm. Tao đồ rằng, có khi chỉ ít năm nữa, nó sẽ vô trung ương cho mà coi!
3. Nếu nói mỗi con người đều có số mệnh, thì tử vi thằng Minh ngủ ắt có hai sao Tuần, Triệt chặn đầu (?), làm ra một cái đại hạn trong thời niên thiếu của nó. Tuần, Triệt đương đầu, thiếu niên tân khổ. Tới năm một chín bảy lăm giải phóng miền Nam, thì có lẽ đồng thời cũng chấm dứt đại hạn mười năm, tức vào quãng ngoài hai mươi tuổi. Do vậy nó phất chăng?
Trong sĩ số lớp thất hai (rồi lục hai, v. v. ) năm xưa đó, giờ trừ bọn lưu lạc xa xứ hoặc chết chóc mất tích ra thì tổng còn lại hơn ba mươi đứa. Bọn mình họp bầu ra một ban đại diện để điều phối sinh hoạt như thu nguyệt liễm, niên liễm, hỗ trợ quan hôn tang tế, tổ chức tiệc tùng gặp gỡ hàng năm… Nhưng trên cả cái ban đại diện ấy, về danh nghĩa, là thằng Minh ngủ với chức “Chủ tịch danh dự”. Tuy phong chơi vậy chứ đâu phải hội hè chính thức hay tổ chức xã hội gì, nhưng vẫn cho thấy một thực tế là thằng Minh “có giá” và nó đứng trên hết cả bọn. Mà cũng đúng thôi, bởi mấy thằng vẫn mang tiếng là khấm khá hơn cả trong anh em như thằng bác sĩ Bách, thằng kỹ sư Chương, thằng Mạnh giáo sư nếu đem so với Minh ngủ, thì chỉ đáng xách dép cho nó. Họp mặt lần nào ngoài các khoản đóng góp theo quy định như người khác, nó còn tự nguyện lãnh thầu món “thức uống”. Mà đây mới là phần nặng đô nhất, toàn rượu Tây bia Đức cả. Đứa nào xây sửa nhà hay cưới gả cho con cái nó đều mừng cái phong bì dày cộp. Như lần thằng Dũng (đóng) “giày” đi nhậu té xe gẫy mất nửa hàm răng, mồm sưng vếu không nhai không nói được, ai hỏi chỉ ú ớ. Thế mà Minh ngủ đến rút bóp cho năm triệu gọi là để “thuốc thang”, thằng Dũng bật ngay dậy, nói cảm ơn. Thật còn hơn thuốc thánh chữa bệnh tử. Cổ nhân nói không sai. Có tiền là có lễ nghĩa, đạo lý và được thiên hạ kính trọng. Nghèo quá làm sao thi hành được chữ lễ, chẳng hoá ra tiểu nhân! Phải chăng “Lễ không xuống đến thứ dân”, là muốn nói người dân thường, do nghèo mà không giữ được lễ?
Minh được anh em quý trọng lắm. Quý thực lòng. Chả biết nó hợm hĩnh, bố láo ở đâu chứ với anh em, như thằng Thịnh béo vẫn khẳng định, là thằng ấy nó ngoan, biết xử với bạn bè.
Chỉ chết cười là thầy Vũ. Hồi năm bốn lăm bốn sáu gì đấy thầy hăng hái tham gia kháng chiến, được tổ chức giao nhiệm vụ ném lựu đạn khách sạn Majestic ở Sài Gòn (chẳng biết để ám sát ai, hay chỉ nhằm gây tiếng vang?). Thầy thực hiện đúng phương án tác chiến, nhưng không biết quả lựu đạn nội hoá của công binh xưởng sản xuất thế nào mà thầy vừa vung tay, thì nó phát nổ, khiến thầy bị hỏng mất một mắt. Từ đó thầy thôi làm cách mạng, đi Tây học rồi trở về làm giáo sư dạy tiếng Anh kiêm dịch giả sách báo. Năm kỉa năm kia, lúc thầy chưa mất mình gặp thầy, nhân nhắc chuyện lớp lang trò choẹt cũ, đến Nguyễn Minh, đứa học trò hay ngủ, thầy nhăn nhó xua tay nói tôi nhớ, tôi nhớ lắm. Ai chứ cái cậu ấy thì tôi không quên được. Khổ quá, học hành thế làm sao nên người. Thì đấy; mới hết năm đệ lục đã nghỉ rồi…
Trời ạ! Giá mà thầy Vũ còn sống đến hôm nay, để mình đưa thằng Minh ngủ đến thăm thầy. Nó sẽ chất thầy lên ô tô con của nó đi dạo, đi ăn và mua biếu thầy ít quà… thì chắc chắn là thầy sẽ ngỡ ngàng, sẽ phải nghĩ lại sự nhận định của mình về chuyện nên người hay không của cái thằng học trò tệ nhất ngày xưa ấy. Vâng; thầy, và cả bọn chúng em nữa, đều không tưởng đến một điều là cách mạng đã “đổi đời” cho nó!
4. Mấy bữa nay chẳng làm được việc gì, cứ đi ra đi vào. Có nằm, thì cũng gác tay lên trán thở dài thườn thượt. Làm mấy cái đề cương, cái nào thoáng đọc cũng hay ho nhưng coi đi coi lại thấy nhạt thếch và vô duyên. Đã thế, hôm thằng Thịnh béo tới nhà bàn vụ đi Cà Mau thăm Bãi Bồi, Đất Mũi cho biết cái “cù ngoéo” cực Nam của Tổ quốc giờ đã ngon lành thực như báo bổ viết chưa, hay vẫn còn lần khân từng bước… Sắp xếp chương trình đi xong, nó nói tao nghe mày định viết truyện mà có nêu vụ học hành thời cố hỉ của thằng Minh, tao e không nên. Mình hỏi tại sao, nó kêu viết làm chi, đọc được nó buồn. Còn nữa, giờ nó đảng viên, làm lớn mà khêu lại vụ nó học dốt học dở này nọ coi chừng người ta nói mày kiếm cớ bươi xấu cán bộ, là sanh chuyện.
Nhiều ý kiến lắm!
Truyện thì chưa có chữ nào, mà hết người này tới người kia nói. Chẳng qua cũng là do mình tìm hỏi tụi nó mấy chi tiết liên quan trường lớp hồi nhỏ, nên bị đồn um. Thằng Thông (nuôi) “vịt” gặp mình giữa đường, chỉ mặt nói lóng rày trông mày giống con thạch sùng quá. Ốm nhom. Tái mét. Bộ “thao thức” dữ lắm hả? Rồi mấy đứa khác nữa. Nào là, ngó (mình) in hệt thằng cha “thai đề” tụi chệt nuôi để hô số; và, ráng viết như… Vũ Trọng Phụng (?!) nghen “em”. Thời buổi này nhiều bọn “Xuân tóc đỏ”, lưu manh cặn bã lắm; chửi cho chết mẹ chúng đi!…
Mình định viết cái truyện về thằng bạn học thời thơ ấu, chứ có “ý đồ” chính trị, xã hội gì đâu mà phê phán, chửi bới ai. Tuy rằng lâu lâu chợt nghĩ tới, hoặc có người nhắc, cũng muốn chửi thề lắm. Thiệt vậy! Chừ đám con hoang ngạo ngược lên đời, quậy tá lả bùng binh thì cái xã hội này rút cục sẽ đi về đâu (?!). Chấm cái dấu hỏi “đâm hơi” vậy thôi, chớ làm sao giải quyết? Đạo đức xuống cấp. Cuộc sống bấp bênh, mệt mỏi. Cầm cây bút còn cảm thấy nặng nề, hơi sức đâu mà bao biện!
…Nghe đủ thứ lời này tiếng nọ riết đâm tức, nói ngang: Đứa mô chót chét chi, kệ nó. Mình viết; cứ viết!
Nhưng đâu được. Vợ mình nghe nói đang tìm đề tài viết truyện, bả nổi điên lên cự nự kêu viết mà ra cơm ra cháo bỏ vô mồm được, hẵng viết. Không thì thôi. Xăng lên giá, cuốn bao nhiêu thứ tăng theo ào ào mà chỉ mình tôi lo toan chạy vạy. Sắp chết đói cả lũ rồi đấy! Cái sự “cảnh báo” đó mới chỉ là “hồi chuông nhắc nhở”, và dĩ nhiên là chưa có ai chết; song nghe sao mất hứng quá. Hết muốn làm việc!
Lại nhớ chuyện ông chú Ba mình, chết mấy chục năm rồi, hy sinh thời chống Pháp. Hồi còn “21 năm xã hội chủ nghĩa miền Bắc”, gia đình lo “chạy công điểm” hợp tác xã đâu có thời gian ra khỏi cổng làng, nói chi chuyện đi tìm mộ. Tới cái năm chín mươi chín mấy, rộ lên vụ “ngoại cảm”, cả họ nhà mình đổ xô chạy chọt thầy thím nhờ vả. Nhiều trận tìm kiếm xa xôi tận miền đồng rừng Đồi Thông – Lang Tạ, Thái Nguyên rồi Tuyên Quang, Bắc Cạn… hao tốn biết bao nhiêu mà kể, nhưng không kết quả gì. Kỳ đó, đâu năm hai nghìn lẻ sáu, cụ trưởng họ nhắn mình về quê gấp vì lần này đón được một nhà ngoại cảm lừng danh, từng tìm đúng hàng vạn mộ, trong đó có hàng trăm mộ thân nhân “các đồng chí lãnh đạo”, nên chắc chắn cuộc truy tìm sẽ… thành công tốt đẹp!
Mà không “tốt đẹp” sao được, khi nhà nữ ngoại cảm hùng hổ dẫn mấy ông già làng họ tộc mình tới một cụm cao ốc gồm hai, ba khối vuông mười mấy tầng ở thị xã X, rồi chỉ vô trong biểu hài cốt ông Ba nhà ta nằm ngay dưới cái nền đất đó… Vậy phải làm sao? Ai nấy ngơ ngác! Chập sau cụ trưởng họ nghiêm chỉnh phát biểu “Ta phải quyết tâm”; ý cụ ấy là đi vận động đào nhà người ta lên! Mình nói đây là chú ruột tôi, có thương nhớ thì tôi để trong lòng, chứ không thể làm như thế được. Dù sao cũng nửa thế kỉ rồi, có khi đào lên chẳng có gì, ngoài đất, lại thêm rách việc.
Ấy vậy mà tới giờ, các vị trong “thường vụ gia tộc họ Nguyễn” của mình vẫn không bỏ ý định tìm hài cốt chú Ba. Bởi vì, cả họ có mỗi mình ông ấy hoạt động cộng sản và là liệt sĩ cách mạng. Còn ông anh cả của ông Ba tuy có công với nước nhưng chẳng được ai quan tâm, bởi lẽ ông là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, bạn thân ông Nguyễn Thái Học. Năm ba mươi ông Học bị chém, thì ông Cả Đoàn thọ án chung thân, đày Côn Đảo.
Một đàng muốn tìm cho ra bộ xương khô để đem về quê lập mộ cho to, làm sự vẻ vang. Còn mình, không viết được cái truyện ngắn, cũng chả sao. Mai mốt xin lỗi, và khất ông bạn nhà báo thân thiết vào một dịp thuận tiện khác. Còn bây giờ, anh em bè bạn đứa cản, đứa chọc, đứa phê bình góp ý… Mệt quá! Song chủ yếu là vợ. Kinh tế gia đình đang lúc khó khăn rệu rã thì cũng chả yên tâm mà ngồi viết.
Không lẽ để mình bả lo?!…
 Thân thiết gửi bạn chung lớp thất 2 Phan Tấn Hải

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tổng thống Obama: Mỹ bảo vệ Nhật trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc

(TNO) Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đảm bảo với Nhật Bản rằng vấn đề quần đảo tranh chấp Nhật - Trung Senkaku/Điếu Ngư nằm trong khuôn khổ hiệp ước an ninh song phương giữa Tokyo và Washington.


Một phần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters
Phát ngôn trên của ông Obama được đăng tải trên tờ báo Nhật Yomiuri vào ngày 23.4, vài giờ trước khi ông Obama đến thủ đô Tokyo nhằm tái khẳng định quan hệ vững mạnh giữa Mỹ và Nhật, vốn đang đối mặt với căng thẳng leo thang liên quan đến Trung Quốc.
“Chính sách của Mỹ rất rõ ràng, quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, vì thế nó nằm trong khuôn khổ Hiệp ước Hợp tác và An ninh giữa Mỹ và Nhật Bản”, Reuters dẫn lời phát biểu của ông Obama trả lời phỏng vấn với tờ Yomiuri.
“Và chúng tôi phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm chống lại việc Nhật Bản kiểm soát quần đảo này”, cũng theo phát biểu của ông Obama.
Nhật Bản là điểm dừng chân đầu tiên của ông Obama trong chuyến công du 4 nước châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Malaysia.
Chuyến công du này của ông Obama nhằm mục đích đảm bảo khối đồng minh then chốt, Hàn Quốc và Nhật Bản, sẽ vững mạnh hơn bao giờ hết, trong khi không muốn ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc.
Ông Obama cũng cho biết đã từng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng tất cả các quốc gia đều quan tâm đến một giải pháp hòa bình trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông.
Căng thẳng Nhật Bản - Trung Quốc leo thang kể từ năm 2012 sau khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tàu chiến hải quân và tàu tuần duyên Nhật - Trung thường xuyên đụng độ, chơi trò “mèo vờn chuột” ở vùng biển quanh quần đảo này.
Tổng thống Obama cho rằng bất kỳ tranh chấp biển đảo nào cũng nên được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao và đối thoại chứ không phải gây hấn.
Ông Obama cũng tái khẳng định cam kết của Washington nhằm đảm bảo an ninh cho đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, nhấn mạnh chương trình hạt nhân của Triều Tiên là không thể chấp nhận được.
“Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đoàn kết vì mục tiêu chung là hoàn tất việc giải trừ vũ khí hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên”, ông Obama cho hay.
Hôm 22.4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư, trước thềm chuyến công du châu Á của ông Obama.
Hôm 21.4, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp tới là “nguy hiểm và phản động”, chỉ nhằm mục đích làm gia tăng căng thẳng và “mang đến đám mây mù trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân” tại bán đảo Triều Tiên.
Phúc Duy

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Obama cảnh báo Trung Quốc không nên dùng vũ lực trong tranh chấp biển đảo



Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước các binh sĩ Mỹ và Philippines tại nhà thi đấu thể thao Fort Bonifacio ở thủ đô Manila của Philippines vào ngày 29.4 - Ảnh: Reuters 
Trong một bài phát biểu trước các binh sĩ Mỹ và Philippines tại Philippines ngày 29.4, ông Obama nêu lên quan ngại về căng thẳng leo thang trong tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ ở châu Á, theo AFP.
“Chúng tôi tin rằng các quốc gia và dân tộc có quyền sống trong an ninh và hòa bình, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ phải được tôn trọng”, ông Obama nói.
“Chúng tôi tin rằng luật quốc tế phải được tuân thủ, tự do hàng hải phải được đảm bảo và thương mại không bị cản trở. Chúng tôi tin rằng tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết một cách hòa bình chứ không phải sử dụng vũ lực”, Tổng thống Obama cảnh báo.
Philippines có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở biển Đông, trong đó có bãi cạn Scarborough. Manila cũng đã gửi đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc bao trùm gần hết biển Đông.
Theo AFP, Philippines, có quân đội thuộc hàng yếu ớt nhất trong khu vực, thường xuyên kêu gọi đồng minh Mỹ giúp đỡ giữa lúc Trung Quốc tăng cường các hoạt động ngoại giao và quân sự nhằm kiểm soát các khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc-Philippines trên biển Đông.
Tổng thống Obama tái khẳng định với Philippines rằng Mỹ sẽ hỗ trợ các đồng minh nếu họ bị tấn công, đồng thời nhắc lại hiệp ước quốc phòng Mỹ-Philippines ký kết hồi 1951.
Nhưng ông Obama không nói rõ cụ thể liệu rằng Mỹ có bảo vệ Philippines hay không nếu có xung đột xảy ra giữa Trung Quốc-Philippines trên biển Đông.
Trước đó, khi đến thăm Nhật Bản trong khuôn khổ chuyến công du 4 nước châu Á, ông Obama lại cam kết bảo vệ Nhật Bản nếu bị Trung Quốc tấn công liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Mặc dù lên tiếng cam kết bảo vệ các đồng minh, Tổng thống Obama khẳng mục tiêu của Mỹ ở châu Á không phải là chống lại hoặc kìm hãm Trung Quốc. “Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Chúng tôi có mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc”, ông Obama nói.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc tỏ vẻ hoài nghi trước câu phát biểu này của ông Obama.
“Ngày càng rõ ràng rằng Washington xem Bắc Kinh là đối thủ. Việc ông Obama tái khẳng định bảo vệ các đồng minh trong xung đột với Trung Quốc cho thấy Washington đang che đậy nỗ lực kìm hãm sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”, AFP dẫn một bài xã luận đăng trên tờ China Daily (Trung Quốc) ngày 29.4.
Bài xã luận này cũng cảnh báo mọi người không nên tin vào “những lời hứa hẹn ngọt ngào” của ông Obama về một mối quan hệ “mang tính xây dựng” giữa Trung Quốc và Mỹ.
“Mỹ rõ ràng là một mối đe dọa an ninh đối với Trung Quốc”, cũng theo bài xã luận trên China Daily.
Không chỉ truyền thông Trung Quốc, truyền thông Philippines cũng bày tỏ sự hoài nghi liệu rằng ông Obama có bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trên biển Đông hay không.
“Mỹ không hề có một cam kết chắc chắn về việc bảo vệ Philippines” là tựa của một bài viết xuất hiện trên trang chính của tờPhilippine Daily Inquirer, được biết đến với cái tên Inquirer, vào ngày 29.4.
Trước thềm ông Obama đến Philippines vào ngày 28.4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ tại nước này Philip Goldberg đã ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng có thời hạn 10 năm, cho phép Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn ở Philippines, theo Reuters.
Ông Obama đến thăm Philippines trong hai ngày 28-29.4. Philippines là điểm dừng chân cuối cùng, kết thúc chuyến công du 4 nước châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.
Phúc Duy

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải

Tôi biết rằng nhiều người có cách nghĩ tương tự như Dương Tường khi đọc Đi tìm cái Tôi đã mất - Tùy bút chính trị của Nguyễn Khải (xem bài phỏng vấn trên talawas số ra 11-6-08). Và tôi tin chắc ở dưới suối vàng, tác giả Xung đột cũng muốn người đọc và đồng nghiệp nghĩ về mình như vậy. Nhưng với tôi, tác phẩm này gợi ra những suy nghĩ khác, xin sơ bộ trình bày như sau.



1. Gọi là Đi tìm cái Tôi đã mất cho sang. Ở đây tác giả không định đi tìm cái gì cả. Ông chỉ có nhu cầu trình bày một số ý tưởng. Những ý tưởng này đã sẵn có từ khi viếtThượng đế thì cười. Nhưng lúc đó tính rằng viết ra không tiện. Mà để không dùng làm gì thì cứ tiếc mãi. Nên nảy ra một hình thức tận dụng gọi là bổ sung hay phụ lục như vừa thấy. Có thể ông cũng biết rằng đời mình có những thứ bị đánh mất. Nhưng như chúng ta đều biết, việc đi tìm những cái đó bao hàm một nguy hiểm: Nó sẽ dẫn tới xu thế phủ nhận những gì ông đã có. Một người khôn ngoan và thực dụng như Nguyễn Khải chẳng đời nào bỏ công cho việc đó làm gì. Rút lại, định hướng chủ yếu của tác giả trong cả hai trường hợp chỉ là kể lại sự khôn ngoan tài ba “biết lui biết tới” của mình trong đường đời, bao gồm suốt quá trình lập nghiệp. Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết Đi tìm cái Tôi đã mất?Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết Di cảo thơ, và Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông “cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình” như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng). 

2. Dương Tường rất thích cái câu Nguyễn Khải nói về giải thưởng, ấy là khi nhà văn “nhận ra ngay đây là cái bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc.” Nhưng như mấy anh em làm báo kể với tôi, những năm cuối đời, thấy ai khi nhắc tới mình mà quên nói thứ bậc giải mình đã được nhận là Nguyễn Khải đã không bằng lòng. Tôi tin điều đó vì còn nhớ một đầu việc hồi 1986-88. Đó là khi Nguyễn Khải có làm vài điều khiến anh em đồng nghiệp, nhất là lớp trẻ, thấy không phải. Trong tinh thần đổi mới, họ đối xử với ông thế nào đó khiến ông cảm thấy cũng chỉ cá mè một lứa như anh em chứ chẳng thuộc loại đấng bậc như mọi khi. Thế là ông kêu ầm lên, rằng người ta không được nói hỗn với tôi như vậy, rằng chẳng gì tôi cũng là cỡ Thường vụ Hội (một thứ quan chức chủ chốt, cái lõi của Ban chấp hành thuở còn thịnh trị; người có chân trong Thường vụ đứng còn cao hơn người chỉ là thành viên Ban chấp hành một bậc). Lại như khi Nguyễn Khải nói về toàn bộ sự nghiệp ông. “Cái tài sản tinh thần thâu góp một đời” ấy “về già nhìn lại”, ông nhận ra “chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì.” Mấy chục năm trước ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi cũng thường được nghe Nguyễn Khải nói bằng cái giọng tương tự và cũng đã tin thật, tin hết mình. Nhưng càng ngày, tôi càng thấy đó chỉ là một nửa cái bánh mì. Và nửa kia của cái bánh chính là những lời đường mật người ta thường rót vào tai khi đối diện với chính mình “Ồ, mình chẳng kém ai!” “Liệu có ai sánh ngang mình? Không và không!” Câu nói đánh dấu phút tự bằng lòng của L. Tolstoi “Lão già ghê thật!” có thể dùng làm đề từ cho cuốn Thượng đế thì cười. Bên cạnh lời tự thú nhũn nhặn mà Dương Tường tin và dẫn ra, lúc nào cũng còn một Nguyễn Khải tự mê mình như vậy. Cả hai hợp lại mới làm nên thái độ của Nguyễn Khải với sự nghiệp của bản thân.

3. Đúng như Dương Tường nói, trong Nguyễn Khải có hai con người. “Một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia. Và sự tranh chấp giữa hai con người ấy không bao giờ ngã ngũ.” Tôi chỉ muốn bổ sung: Sự tranh chấp ở đây thực ra chỉ là bề ngoài, trên sàn diễn, trước mặt bàn dân thiên hạ. Chứ ở hậu trường Nguyễn Khải yêu cả hai con người đó ở mình. Ông sống hòa hợp với cả hai. Tùy trường hợp mà ông đưa con người này hay con người kia ra để làm hàng. Lối nghĩ này đã giúp ông thành công chói lọi trong suốt đường đời, và cho đến giai đoạn chung cục của đời sống, ông vẫn giữ, không tự khác mình đi đến một mi-li -mét! 

4. Nếu được phép thành thực, tôi muốn nói rằng những nhận xét về xã hội và đời sống mà Nguyễn Khải viết trong tùy bút chính trị này không mấy đặc sắc, không phải là cỡ Nguyễn Khải mới nghĩ được, người ta vẫn nói giăng giăng với nhau ngoài quán nước. Điều kiện để một nhà văn khi trình bày những ý nghĩ loại này không trở thành chung chung mà có sức thuyết phục là tác giả phải sống với nó một cách sâu sắc. Tức là nó phải được viết nên như vừa được tác giả tìm ra, chỉ có nó duy nhất đúng, nhà văn đã lấy cả đời mình ra bảo đảm cho nó, tất cả những gì ngược với nó phải bị xem như đáng xấu hổ, đáng băm vằm hủy bỏ. Đến chỗ này phải nói Nguyễn Khải – cũng như số đông chúng ta – đã dừng lại, dù không cố ý, thì sự thực đã dừng. Thời Xôviết, ở Nga có nhà văn J. Trifonov (1925-1981). Năm mới 26 tuổi (1951), ông được Giải thưởng Stalin với cuốn Những sinh viên. Sau này ông viết những truyện vừa hoặc tiểu thuyết như Đổi trao, Giã từ, Ông già, Ngôi nhà khu bờ sông… với cảm hứng hoàn toàn “phi chính thống”, nên được bạn đọc trong ngoài nước đặt nhiều kỳ vọng và nhiều nhà xuất bản lớn ở Anh, Pháp, Đức cho dịch. Có người bảo rằng họ thích ông cả hai, tức cả thời Những sinh viên lẫn thời sau. Trifonov bảo như thế là vô liêm sỉ. Và trong các tuyển tập có sự đồng ý của ông, cuốn tiểu thuyết đầu tay không bao giờ được phép xuất hiện. Ở Việt Nam gần như không thể tìm thấy một nhà văn nào có cách cư xử tương tự. Cùng lắm, khi làm các tuyển tập, người ta có thể bỏ một số bài thơ trang truyện quá “chối”, quá “lộ diện”. Chứ còn toàn bộ tư tưởng thời trẻ thì người ta xin cứ được giữ, không ai là không muốn giữ. 

5. Khi viết về tiểu thuyết Thượng đế thì cười, tôi đã nói rằng hồi ký không phải là những cuốn sách ở đó người viết ca công tụng đức mình. Mà yêu cầu chính đặt ra với các cuốn hồi ký theo nghĩa hiện đại là nhà văn phải lấy toàn bộ con người mình ra làm đối tượng khảo sát, sẵn sàng “lật tẩy”, “xét lại” chính mình, “lật lại cả vụ án” là chính cuộc đời mình. Chỉ có làm như thế người ta mới thực sự làm cuộc phiêu lưu mới và viết được những trang cần cho nhân quần thế sự. Đến nay tôi vẫn có ý nghĩ đó. Tùy bút Đi tìm cái Tôi đã mấtcũng như tiểu thuyết Thượng đế thì cười đều có dáng dấp hồi ký nhưng vẫn không phải thực là hồi ký theo nghĩa tôi đề nghị. Hầu như người viết hồi ký nào cũng hứa hẹn rằng ông ta sẽ viết rất thật. Nhưng tôi cho rằng cần có một sự phân biệt rạch ròi giữa kỳ vọng và hiệu quả mà tác phẩm mang lại. Trong nghệ thuật thành thực không hề là chuyện dễ mà là việc khó, không phải chuyện tối thiểu mà là việc tối đa. Không phải người ta cứ muốn rồi là thành thực ngay được đâu, phải có tài năng và bản lĩnh thế nào mới thực sự đạt tới cái hiệu quả tuyệt vời kia. 

6. Một lần nữa trở lại với cái tên Đi tìm cái Tôi đã mất. Chắc không chỉ riêng tôi mà nhiều người cảm thấy nó là tiếng vọng từ Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Hồi trẻ, giá thấy ai làm thế, hẳn Nguyễn Khải sẽ gọi tên chỉ mặt ra mà giễu cợt, hoặc nếu không cũng tự mình cười thầm. Nay thì Nguyễn Khải cũng hồn nhiên mà làm cái việc nương tựa vào ánh vinh quang xa lạ kia. Thế mới biết sức mạnh của thời gian. “Ôi khủng khiếp thời gian ăn cuộc sống.” Đâu có một lần Xuân Diệu đã dẫn ra một câu thơ Pháp như vậy và ông bảo là của C. Beaudelaire. Còn mới hôm nọ thôi, đọc báo Văn Nghệ trẻ 18-5-08, thấy có bài viết riêng về tác giả Người Trung Quốc xấu xí nhân việc nhà văn này qua đời. Đây là một câu của Bá Dương được người ta nhắc tới: “Lòng tham lam gặm nhấm nhân tính.” 

7. Bài viết này chủ yếu là viết về Nguyễn Khải, nhưng nó được gợi ý từ những câu trả lời của Dương Tường. Ở cuối bài, Dương Tường kể là dạo này ông thường đi lại chơi bời cùng lớp trẻ. Và khi được hỏi Văn chương hôm nay, điều gì đang làm cho ông quan tâm nhất?, ông bảo đó là "Sự khao khát vạch những con đường mới của lớp trẻ, rũ bỏ mặc cảm và phá vỡ những khuôn khổ kìm hãm sáng tạo". Đọc giữa hai hàng chữ, tôi hiểu có một điều Dương Tường chưa tiện nói ra, đó là với lớp trẻ, ông đang đóng vai một thứ sếp sòng, một người cổ võ nồng nhiệt, người hướng đạo. Hẳn nhiều cây bút trong lớp đi trước cũng cảm thấy thơm lây vì có một Dương Tường như vậy. Nhưng từ trường hợp của Nguyễn Khải nói ở đây, có thể thấy còn một cách làm nữa mà tôi muốn ngày càng có thêm người thử bắt tay làm. Đó là chúng ta hãy mang mình ra phân tích. Hãy thật sự tỉnh táo trong việc nhìn lại mình. Hãy đối chiếu mình với yêu cầu của cộng đồng và tự vạch ra cho chung quanh thấy hết những lầm lỡ và cả những cơ hội hèn hạ kiếm chác ngu muội man trá của thế hệ mình Có nghĩa làm chính những việc Nguyễn Khải làm, chỉ có điều với nhiệt tình khác hẳn, hoặc có thể nói với tinh thần quyết liệt hơn, sòng phẳng hơn và cũng vô tư hơn. Khi ấy những ê chề đau đớn mà chúng ta trải nghiệm không biết chừng sẽ đóng vai một bài học cho lớp trẻ. Họ sẽ tránh được những vết xe đổ. 

Hà Nội 15-6-08

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Làm chủ hay làm thuê? Tiếng nói của một công dân 7X


Gần đây, ông Trần Xuân Giá - cựu ủy viên trung ương đảng, cựu bộ trưởng có tâm sự với báo giới về những điều ông khuyên con cháu trong đó có lời khuyên: “Không làm ông chủ. Hãy làm thuê mà sống. Nhưng muốn sống tốt thì phải giỏi chuyên môn để là người làm thuê giỏi, để được tôn trọng”.
Ở góc độ cá nhân, tôi hiểu có thể là ông đang chán chường, mệt mỏi vì mọi sự, ông thấy mình đang phải trả giá cho việc trót một lần làm “ông chủ” để rồi bị liên quan đến tụng đình, nên muốn khuyên con cháu không đi lại “con đường mòn đau khổ” mà ông (vô tình hay hữu ý) đã đi qua.

Thực ra đó là việc riêng của ông, nhưng ông lại chia sẻ những điều riêng tư đó với báo chí trong khi ông từng là một nhà lãnh đạo cao cấp, từng là người của công chúng nên ông buộc phải đứng trước phán xét của dư luận, của công luận, e đó cũng là chuyện thường tình.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là tuổi trẻ nước nhà nên có tâm thế làm chủ hay làm thuê?

Tôi ủng hộ diễn đàn này của báo Một Thế Giới vì rõ ràng đây là vấn đề vô cùng cấp thiết nhưng cũng mang tính lâu dài không những cho mỗi bạn trẻ mà cho cả tương lai của dân tộc.

Thế hệ 7X của chúng tôi đang được coi là nòng cốt của đất nước. Và chúng tôi luôn nhìn lên phía trước là thế hệ đi trước như những tấm gương lớn để noi theo với nhiều hoài bão và hy vọng.


Đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà tại Nghĩa trang Bát Xát, Lào Cai - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhưng có 1 thực tế đáng buồn là mỗi ngày khi ánh bình minh đánh thức tôi dậy, tôi nhìn quanh nhà và nhiều lần giật mình chợt hỏi: Tôi đi xe máy và ô tô của người Nhật, tôi dùng đồ gia dụng như tủ lạnh, ti vi, máy giặt, máy lạnh, nồi cơm điện, lò nướng, điện thoại di động… của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan... Tôi dùng máy tính của Mỹ, tôi uống nước ngọt và ăn đồ ăn nhanh của các nước phương Tây, rồi một đất nước đất đai trù phú, khí hậu ôn hòa tôi phải ăn cả thực phẩm thậm chí không an toàn của Trung Quốc.
Một con người không thích và không biết làm chủ (suy nghĩ và hành động của mình) thì cần phải xem tồn tại để làm gì? 

Một quốc gia không biết tự trọng và không biết làm chủ vận mệnh của mình thì phải xem lại tồn tại để làm gì?

Nhìn rộng ra một chút, tôi thấy gần như tất cả đồng bào của mình cũng như vậy và tôi buồn bã hiểu rằng, với một nền kinh tế chủ yếu là gia công đã biến hàng chục triệu người Việt chúng ta thành những kẻ làm thuê, dẫn đến điều tất yếu phần lớn mồ hôi công sức của người Việt bỏ ra lao động từ sáng tới đêm để cuối cùng không ít những đồng tiền chân chính và khó khăn đó lại “khăn gói quả mướp” xếp hàng lũ lượt chui tọt vào túi các ông chủ ngoại quốc hoặc túi của bọn sâu mọt bầy đàn tham nhũng, ăn chặn, ăn cướp.



Thân phận làm thuê bị chà đạp, hàng ngàn công nhân ở các xí nghiệp phải đình công

Nước Việt đang trở thành một hình thức thuộc địa kiểu mới của các tập đoàn nước ngoài cấu kết với những “nhóm lợi ích” trong nước. Tức là chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị mất chủ quyền về kinh tế, tức là mất vai trò làm chủ cuộc sống của mình, sâu xa hơn mất chủ quyền quốc gia.

Tôi nghĩ câu hỏi "Làm chủ hay làm thuê?" trong bối cảnh thực tiễn lúc này của đất nước phải được mở biên tầm nhìn như thế.

Khi đặt câu hỏi trong toàn cảnh quốc gia, mỗi người trẻ tuổi tùy theo năng lực và khát vọng của mình sẽ nhận thức đầy đủ hơn những bước đi và đích đến của mình khi đứng trước câu hỏi: Làm chủ hay làm thuê? 

Và tôi tin với một người trẻ tuổi có học hành tử tế, có năng lực thực sự, có nhiệt huyết với đất nước sẽ thấy xấu hổ khi mình chọn lựa con đường tầm thường nhất là làm thuê để đủ ăn mà chẳng rủi ro, chẳng phải mệt óc, chẳng phải chịu trách nhiệm gì hết. 

Tức là chỉ lo lợi ích cho riêng mình và cho gia đình riêng của mình còn nhân dân đói nghèo, dân tộc bị khinh rẻ, quốc gia bị tụt hậu, bị phụ thuộc thì đó không phải là việc của mình.

Một con người không thích và không biết làm chủ (suy nghĩ và hành động của mình) thì cần phải xem tồn tại để làm gì? 

Một quốc gia không biết tự trọng và không biết làm chủ vận mệnh của mình thì phải xem lại tồn tại để làm gì?

Phần nhận xét hiển thị trên trang