Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

bạn văn

..Viết lách bao giờ cũng là một công việc cô đơn. Cực kỳ cô đơn. Có người còn cho đó là một việc làm cô đơn nhất. Giống như những người giữ hải đăng ngoài biển. Một mình. Hình ảnh tiêu biểu nhất của các nhà văn và nhà thơ, khi sáng tác, là hình ảnh, về không gian, một căn phòng khép kín hoặc một chiếc bàn trong góc khuất; về thời gian, thường là ban đêm, thậm chí, trong khuya khoắt. Một mình. Chung quanh hoàn toàn im ắng. Có người, dễ tính hơn, có thể viết ở chỗ làm, trong quán cà phê hay trên xe lửa, nhưng những lúc ấy, họ vẫn phải thu mình lại, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, lắng vào trong, chỉ chạy đuổi theo trí tưởng tượng và tư tưởng của mình, nghe ngóng từng xao động nho nhỏ, khẽ nhàng và tế vi trong chính tâm hồn của mình. Như vậy, ngay ở những chỗ đông người nhất, tập nập nhất, ồn ào nhất, họ cũng vẫn cô đơn.

Dĩ nhiên, trong đời sống hàng ngày, với tư cách một con người hoặc một công dân, người cầm bút vẫn phải giao tiếp với người khác, từ gia đình đến xã hội. Như mọi người khác. Nhưng với tư cách một người cầm bút, lúc sáng tác, hắn có một thế giới riêng, thế giới bên trong của hắn, ở đó, không có cửa ngõ nào thông ra bên ngoài. Thế giới bên ngoài cung cấp cho hắn những hiểu biết, kinh nghiệm, hình ảnh và nhân vật, nhưng chỉ ở thế giới bên trong, hắn mới bắt gặp tư tưởng, cảm xúc và giọng điệu, ba yếu tố làm cho hắn trở thành một nhà văn hay một nhà thơ. Thế giới bên ngoài có thể giúp hắn trở thành trí thức uyên bác hay lịch lãm, nhưng chỉ với thế giới bên trong, hắn mới có thể trở thành một nghệ sĩ sâu sắc và độc đáo. Hắn là kẻ gieo hạt bên ngoài nhưng lại gặt hái từ bên trong. Bên ngoài, hắn nhặt nhạnh và gom góp của cải; nhưng chỉ với những gì được tìm thấy từ bên trong, hắn mới trở thành giàu có. Ở cái cõi bên trong ấy, hắn hoàn toàn một mình. Cô đơn và cô độc.
image
Sự cô đơn ấy làm cho hắn khác người. Du hành, với người khác, là đi ra ngoài, đến những nơi xa lạ, ngắm nghía những kỳ quan của thiên nhiên hay của người khác; với người cầm bút, là đi ngược vào trong, đến tận đáy tâm hồn, để ngắm nghía những ngóc ngách bí hiểm của những gì ngỡ như rất quen thuộc, ở đó, bản thân hắn biến thành một kỳ quan cần được khám phá. Ở nhiều loại hình nghệ thuật khác, người ta có thể song tấu hay hợp tấu. Trong văn chương, chỉ có một trò chơi duy nhất: độc tấu. Lúc nào cũng độc tấu. Ngay cả với những tác phẩm viết chung, mỗi người vẫn sáng tác một mình. Và chỉ chơi cái trò chơi của mình. Một mình mơ mộng. Một mình nghĩ ngợi. Một mình nhớ nhung, dù phần lớn, nói theo Xuân Diệu, “nhớ xa xôi”, hay nói theo Quang Dũng, “nhớ ơ hờ”. Một mình lắng nghe những xôn xao trong lòng mình. Một mình tìm cho mình một giọng nói. Từ bỏ cái một mình ấy để lao vào giàn đồng ca của thời đại, do chế độ điều khiển, chỉ là một cách tự sát.....ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới, bao nhiêu tên tuổi thuộc loại lỗi lạc, đã tự giết mình bằng cách ấy.

Số phận của người cầm bút là số phận cô đơn. Trải qua mấy ngàn năm, điều kiện sáng tác và phổ biến tác phẩm có thể thay đổi, hơn nữa, với đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thay đổi thật nhanh, nhưng cái số phận cô đơn ấy, từ Homer và Khuất Nguyên đến tận ngày nay, không hề thay đổi. Ở đâu và thời nào, chọn cầm bút cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận cô đơn. Bàn về sáng tác, ý kiến mỗi người một khác, có người đứng (Hemingway, Virginia Woolf), có người ngồi (phần đông), có người nằm (Marcel Proust, James Joyce,Truman Capote); có người viết tay, có người thích gõ rào rào trên bàn máy đánh chữ hay bàn phím computer; có người viết nhanh (Alexandre Dumas cha, Jack London, William Golding, Anthony Trollope, Stephen King), có người viết chậm (James Joyce, Dorothy Parker); có người cần cà phê để tỉnh táo (Voltaire và Balzac – tương truyền mỗi người uống khoảng từ 40 đến 50 ly cà phê mỗi ngày!), có người uống rượu để tìm cảm hứng (Lý Bạch, William Faulkner, Raymond Carver, Charles Bukowski, Edgar Allan Poe, Jack Kerouac, F. Scott Fitzgerald),  nhưng hầu như ai cũng giống nhau ở một điểm: tất cả đều xem sự cô đơn như điều kiện, thậm chí, yếu tính của sáng tác. Sử gia Edward Gibbon có một câu nói nổi tiếng: “Sự đối thoại làm tăng hiểu biết nhưng chính sự đơn độc mới là ngôi trường của các thiên tài.”Johann Wolfgang von Goethe cũng có câu nói tương tự: “Người ta có thể được giáo dục trong xã hội, nhưng người ta chỉ được gợi hứng trong sự đơn độc.” Nói chung về nghệ thuật, Picasso nhận định: “Không có sự đơn độc lớn sẽ không có một tác phẩm nghiêm túc nào được ra đời”.

image
Nhưng các nhà văn và nhà thơ không phải chỉ cô đơn trong quá trình sáng tác. Họ còn cô đơn cả trong quá trình phổ biến tác phẩm. Viết, nói chung, bao giờ cũng để cho người khác đọc. Tác phẩm chỉ thực sự hiện hữu khi được đọc. Theo Roland Barthes, không phải tác giả mà chính độc giả mới là kẻ làm cho tác phẩm hiện hữu như một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất và có ý nghĩa. Nhưng, về phương diện xã hội, giữa tác giả và độc giả bao giờ cũng có một khoảng cách lớn lao. Một họa sĩ hoặc một điêu khắc gia có thể nhìn thấy phản ứng của những người thưởng ngoạn trong các cuộc triển lãm. Thấy được sự thích thú hay ngưỡng mộ của họ. Với một nhạc sĩ hay một ca sĩ, cái thấy ấy còn cụ thể hơn nữa. Phản ứng của con người, khi nghe nhạc, thường rất nồng nhiệt. Không ai cần giấu giếm. Sự nồng nhiệt toát ra từ những tràng pháo tay hay từ những ánh mắt đắm đuối. Còn các nhà văn và nhà thơ thì hầu như không bao giờ được nghe những tiếng vỗ tay. Không ai vỗ tay khi đọc một cuốn sách, dù là một cuốn sách tuyệt hay. Ngay cả khi cuốn sách khiến người ta xúc động đến độ chảy nước mắt thì tác giả cũng không bao giờ được nhìn thấy. Người đọc bao giờ cũng đọc một mình. Nếu viết là một công việc cô đơn; đọc cũng cô đơn không kém. Quan hệ giữa tác giả và độc giả, do đó, là một thứ quan hệ oái oăm giữa những kẻ cô đơn.

Ở trên, tôi có viết: nhà văn hay nhà thơ không nghe được tiếng vỗ tay. Dĩ nhiên, trong cuộc sống, ở những buổi nói chuyện hay đọc thơ, họ cũng có thể nhận được những tiếng vỗ tay cổ vũ của người nghe. Nhưng đó là một trường hợp khác: Họ được vỗ tay vì bài nói hay giọng đọc chứ không phải vì các bài viết vốn là nơi chứa đựng những tinh hoa sâu thẳm nhất của họ. Nói cách khác, họ được vỗ tay ở cái phần kém cỏi nhất của họ: Nói. Không có nhà văn hay nhà thơ tài hoa nào có thể nói hay hơn những gì họ viết. Cái được nói, dù mạch lạc, lưu loát hay dí dỏm đến mấy, cũng chỉ là một bãi quặng. Chỉ trong cái viết mới có vàng đã được tinh chế. Bởi vậy, trừ các nhà văn và nhà thơ bình dân, hầu như không có người cầm bút thực sự nào có thể thấy thỏa mãn với những tràng pháo tay của người nghe: Điều họ cần nhất là những phản hồi của người đọc.

Người đọc khác với người nghe.

image
Viết: cô đơn. Đọc: cũng cô đơn. Trong thế giới văn chương, sự gặp gỡ giữa người viết và người đọc là sự gặp gỡ giữa hai cái-một-mình. Trong thầm lặng. Gặp gỡ mà vẫn cô đơn.

May, quan hệ giữa những kẻ cô đơn ấy lại có thể là một thứ quan hệ sâu sắc và bền bỉ hiếm thấy, nếu không muốn nói là không bao giờ thấy, trong các loại hình nghệ thuật khác. Không có một bức tranh, một bức tượng hay một bản nhạc nào có thể làm thay đổi cách suy nghĩ hay cách sống của một con người. Nhưng với sách thì có. Đã có nhiều người nói, thậm chí, xuất bản những cuốn sách mang nhan đề “Những cuốn sách làm thay đổi thế giới”. Thánh Kinh, Coran, Những bài giảng của Đức Phật, Luận ngữ, Đạo đức kinh, những cuốn sách về dân chủ của Alexis de Tocqueville, về tự do của John Stuart Mill, về pháp chế của Montesquieu, về chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx, về độc tài của George Orwell, về chính trị của Niccolo Michiavelli, về phân tâm học của Sigmund Freud, về triết học của Nietzsche, v.v. đã làm thay đổi thế giới.

Thế giới còn thay đổi được, huống gì là từng cá nhân.

image
Có lẽ nhờ sự tác động mạnh mẽ và sâu sắc ấy, quan hệ giữa tác giả và độc giả, về bản chất, khác với quan hệ giữa các nghệ sĩ khác với các khán giả và thính giả của họ. Nhà văn Võ Phiến, trong bài “Viết lách” in trong tậpCuối cùng (2009), có một nhận xét tinh tế là trong tiếng Việt chỉ có chữ “bạn đọc” chứ không có chữ bạn nhìn, bạn xem và bạn nghe. Khán giả lúc nào cũng là khán giả; khi được Việt hóa, chúng ta có: người xem. Thính giả lúc nào cũng là thính giả; khi được Việt hóa, chúng ta có: người nghe. Nhưng độc giả, ngoài chữ người đọc chung chung và xa cách, chúng ta còn có: bạn đọc. Võ Phiến trầm trồ: “Nghề văn hay nghề viết quả kỳ cục. Cổ lai nghề đâu có nghề chỉ nhằm vào một loại khách hàng duy nhất là ‘bạn’.” (tr. 154)

Mà không phải chỉ trong quan hệ giữa tác giả với độc giả mới có tình bạn. Giữa các tác giả với nhau cũng có tình bạn. Chúng ta thường nói đến bạn văn hay bạn thơ, nhưng không ai nói đến bạn vẽ, bạn đàn hay bạn hát; bạn họa hay bạn nhạc. Trong các loại hình nghệ thuật, hầu như chỉ có trong văn chương là có những tình bạn khắng khít, sâu đậm và lâu dài. Rất nhiều tình bạn đã đi vào lịch sử và trở thành giai thoại. Trong lãnh vực hội họa hay âm nhạc, tình bạn giữa các văn nghệ sĩ với nhau, nếu có, cũng chỉ là họa hoằn. Nhà văn Gertrude Stein có lần nhận xét là Picasso có rất ít, cực ít, bạn bè trong giới họa sĩ. Bạn của ông toàn là các nhà văn và các nhà thơ. Nhìn vào giới văn nghệ sĩ Việt Nam, chúng ta cũng có thể thấy rõ điều ấy.

Chính tình bạn sâu đậm giữa các tác giả và độc giả cũng như giữa các tác giả với nhau đã làm cho công việc viết lách bớt đi chút cô đơn và hiu quạnh.

Cũng đỡ.


image

***
Chú thích:
Bài trên, tôi viết lại từ bài nói chuyện trong buổi ra mắt 3 cuốn sách mới của tôi (Phản tỉnh và Phản biện; Văn học Việt Nam tại Úc: Chính trị và thi pháp của lưu vong; và Thơ Lê Văn Tài) tại giảng đường Đại học Victoria ở Melbourne, Úc vào chiều Chủ nhật 16/2/2014. Hôm ấy, sách không đủ cung cấp cho những người tham dự. Với những người ấy, cũng như với bạn đọc ở xa, nếu muốn, có thể mua online tại  Người Việt Shop, hoặc trên www.amazon.com.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà tư vấn đặt bức bình phong chắn lăng Ngô Quyền nói gì?


GS Trần Lâm Biền khẳng định: "Rất nhiều trường hợp chúng tôi tư vấn một đằng thì thi công làm theo một nẻo. Tôi không thích con hổ này". 


Sau 6 tháng thi công, các hạng mục mới được tu bổ ở lăng Ngô Quyền, làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đã có nhiều chi tiết bị sai so với ban đầu, đặc biệt là việc xây mới một bức bình phong chắn lối vào của lăng khiến gia tộc họ Ngô bức xúc phản đối.

Bức bình phong có tạo hình là một con thú dữ tợn, thiếu thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi được hỏi thì dân làng và dòng họ Ngô cho biết “tác giả” của bức bình phong là giáo sư Trần Lâm Biền. Phóng viên  tìm đến hỏi, ông cũng tỏ ra rất ngỡ ngàng và bức xúc về câu chuyện này.

PV: Hiện nay bà con dòng họ Ngô đang kiến nghị dừng xây lăng vì có những bất đồng trong tu bổ đền và lăng Ngô Quyền. Trong đó có một hạng mục là xây hoàn toàn mới một bình phong trong lăng có hình một con thú xấu xí, dữ dằn. Người dân cho biết đây là ý tưởng của giáo sư, có phải không ạ?

GS Trần Lâm Biền: Văn hoá không chỉ đóng chết ở cái thời ấy, mỗi thời gian sau có đóng góp để phát triển hơn. Tôi không bảo làm hình này. Tôi chỉ khuyên nên làm bình phong. Vì trong tất cả những ngôi đền và lăng mộ thì bức bình phong giúp chống quỷ dữ tác động đến chỗ ngồi của thần. Chỉ có chùa không bao giờ có bình phong. Để giữ sự trong sáng cho thần thì đền, đình thì phải có bình phong. Tuỳ theo ông thần là ai.

Với cụ Ngô Quyền đánh quân Nam Hán thì phải nhìn quân Nam Hán như giặc như quỷ sẽ quấy rầy và bức bình phong đó chống quỷ quấy rầy.

Mình chỉ nêu như vậy trong buổi họp góp ý kiến tu bổ đền và lăng Ngô Quyền được tổ chức công khai trước dân làng là nên có bức bình phong vì trước đền có cái đầm thì dễ có thuỷ quái. Sau đó, người ta thực hiện như thế nào thì tôi không biết.

Sau khi được phóng viên VOV online cho xem bức hình chụp con thú trên bức bình phong gây tranh cãi, phải mất một lúc giáo sư mới nhận ra đó là con hổ. GS Trần Lâm Biên tỏ rõ sự thất vọng và nói:

Trước bình phong thường có con hổ. Con thú trong bình phong là sự sáng tác của người ta chứ tôi chưa nhìn thấy cái này. Hôm nay, bạn cho tôi nhìn tôi mới biết. Từ hôm góp ý kiến đến giờ tôi chưa lên kiểm tra lại xem họ làm thế nào.

Đây là sự sáng tác của thợ và nó chưa đạt được giá trị nghệ thuật. Giá trị nghệ thuật của nó là con hổ và nó là thần linh cai quản mặt đất có khả năng trừ tà sát quỷ cho nên nó ngồi chồm hỗm, mặt quay ra để chống quỷ. Còn đây là hiện tượng họ tưởng con hổ chỉ là con hổ nên họ làm như thế chứ nếu hỏi mình thì mình sẽ bắt làm hổ ngồi hoặc mình sẽ giới thiệu mẫu rõ ràng. Trong việc thực hiện chẳng ai hỏi cả nên mình không có cơ hội tư vấn. Nhìn xa nó như con chó. Tôi không thích con hổ này.

GS Trần Lâm Biền: "Tôi là dân mỹ thuật nên không chịu được cái con hổ xấu thế này...Làm lấy được để lấy tiền, làm theo chủ quan và thiếu hiểu biết là không được".

PV: Theo Luật Di sản thì không nên thêm bớt bất cứ vật gì. Sao giáo sư lại tư vấn xây thêm bình phong trong khi phía trước lăng Ngô Quyền đã có bức bình phong tự nhiên là dãy núi phía xa?

GS Trần Lâm Biền: Dãy núi ấy đến cái đầm rồi mới đến cái lăng. Nếu dãy núi ngăn cách cái lăng với cái đầm thì là chuyện khác. Nhưng dù sao cũng nên có bình phong để giữ yên như vậy. Cái lăng có niên đại muộn. Ở đấy có cái ngược. Thông thường người ta đến đền vào lăng thì thông thường sẽ vào đền trước rồi mới ra lăng.

Nhưng cái sái ở đó là để lăng trước rồi đền sau. Trước đây không có con đường đi ở giữa bởi người xưa cũng tránh cái đó nên họ đẩy cái lăng vào với nhiều cây như cái rừng. Tức là người ta vẫn vào đền trước rồi ra lăng sau, người ta đi vòng ra.

Mình yêu cầu bỏ con đường đó đi vì không ai đi từ cái chết đến cái sống. Bởi đi vào thế giới của người chết là phải đi từ đền sang lăng. Tôi khuyên nên bố cục lại. Tôi tư vấn thế thôi còn không biết người thực hiện ở địa phương sẽ thế nào chứ sau đó họ không gặp lại tôi để tư vấn khi có thiết kế.

PV: Vậy là giáo sư chỉ tư vấn đúng hôm góp ý xây dựng chứ không tư vấn mẫu thiết kế cho bình phong?

GS Trần Lâm Biền: Tôi chỉ có mặt đúng hôm họp mặt toàn dân và mọi người ở cuộc họp xin ý kiến xây dựng. Hôm nay mình mới nhìn thấy bạn cho xem con hổ đó. Tôi là dân mỹ thuật nên không chịu được cái con hổ xấu thế này. Bình phong để chống quỷ dữ tác dộng. Đây là mình nói về chuyện tâm linh còn từ khi nói xong chưa ai hỏi mình nên làm thế nào. Chứ nếu hỏi mình sẽ giới thiệu những mẫu đẹp.

Đây là câu chuyện giữa người thực hiện và người công đức. Thứ nhất chúng ta tu bổ di tích chứ không trùng tu. Từ trước đến nay không có chuyện trùng tu bởi chúng ta không làm được. Chúng ta có tu bổ tôn tạo, chúng ta không đem nhà hai tầng đặt vào đấy mà chúng ta tôn tạo để cho nó nghiêm chỉnh hơn, kính trọng hơn, có vậy thôi. Nguyên tắc đi vào một ngôi đền hay một lăng mộ là người ta không đi xộc thẳng vào giữa như thế. Nhiều khi phải có bức bình phong, nhiều khi thay bức bình phong bằng một hòn non bộ để tránh đi xộc thẳng và cũng để cho kính cẩn.

Việc làm đại khái là không kính cẩn, như thế là không được. Làm theo chủ quan và thiếu hiểu biết là không được. Rất nhiều trường hợp chúng tôi tư vấn một đằng thì thi công làm theo một nẻo.

PV: Xin cảm ơn giáo sư./.

Cuộc chơi của những nước lớn:

Liên Xô Và Chiến Tranh Triều Tiên 1950 – 1953


Liên Xô sau hậu trường chiến tranh Triều Tiên [1950 - 1953]

Khởi phát từ mâu thuẫn nội bộ giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên, chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) lập tức bị quốc tế hóa, lôi cuốn vào vòng xoáy sự can dự trực tiếp hoặc gián tiếp nhiều quốc gia trên thế giới. Là cuộc xung đột cục bộ đầu tiên của thời kỳ chiến tranh Lạnh, dù đã tạm khép lại, song đây vẫn là sự kiện lịch sử hết sức phức tạp, nhiều bí ẩn, hàm chứa những mâu thuẫn, tính toán trên nền lợi ích đan xen đa tầng. Có ảnh hưởng vượt phạm vi khu vực, chiến tranh Triều Tiên trở thành phép thử bất đắc dĩ trong quan hệ giữa hàng loạt quốc gia bất kể liên minh hay đối địch.
1- Liên Xô với bức tranh địa – chính trị Đông Bắc Á
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quan hệ đồng minh Xô- Mỹ nhanh chóng tan vỡ, hai nước chuyển sang cạnh tranh quyết liệtsức mạnh, ảnh hưởng ở cả vũ đài trung tâm (Châu Âu) lẫn ở vùng ngoại vi (Châu Phi, Châu Á và Trung Đông). Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nhìn nhận hoạt động củng cố vòng cung an ninh Châu Âu của Liên Xô như sự thống trị mang tính thù địch với thế giới tư bản, đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ; vì thế, tìm kiếm mọi phương thức bao vây, ngăn chặn Liên Xô. Mỹ nỗ lực khôi phục khả năng quân sự của Nhật Bản, biến Nhật Bản thành chỗ đứng chân, bàn đạp để kiềm chế và chống lại Liên Xô, Trung Quốc. Quan hệ Xô – Mỹ, về bản chất, như Brzezinskinhận xét, thể hiện “sựxung độtkinh điển mang tính lịch sử giữa hai cường quốc, song không đơn thuần là xung đột lợi ích quốc gia, mà là cuộc biểu dương sức mạnh giữa hai hệ tư tưởng với hai hệ thống chính trị – xã hội vì quyền thống trị thế giới”. Mỹ trở thành đối thủ hàng đầu, nguy hiểm đối với Liên Xô.
Trong bầu không khí chiến tranh Lạnh đang từng ngày nóng dần lên, việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với dân số lớn nhất thế giới và diện tích đứng thứ ba thế giới ra đời đã làm biến đổi mạnh mẽ bức tranh địa – chính trị toàn cầu. Sự kiện này lập tức được cả Liên Xô và Mỹ quan tâm. Đối với Mỹ, nước Trung Hoa mới trở thành nguy cơ trực tiếp cho sự hiện diện quân sự – chính trị tại Châu Á, thách thức mục tiêu mở rộng không gian chiến lược và đặt Mỹ trước yêu cầu kiểm soát liên minh Xô – Trung. Giải quyết những thách thức nêu trên, ngoài sự lựa chọn Nhật Bản, Mỹ không thể bỏ qua Nam Triều Tiên đang thù địch với Bắc Triều Tiên – vệ tinh quan trọng, tấm lá chắn, vùng đệm giúp Liên Xô kiểm soát, kiềm chế Nhật Bản – đồng minh quan trọng của Mỹ.
Về phía Liên Xô, tuy có chung nền tảng tư tưởng mácxit, song từ trước khi nước Trung Hoa mới ra đời, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô đã có dấu hiệu “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Tại Hội nghị Ianta (1945), I.V.Stalin thỏa hiệp với Tưởng Giới Thạch để đổi lấy việc công nhận độc lập của vùng Ngoại Mông và một số nhượng bộ khác… Trong cuộc nội chiến 1946-1949, nghi ngờ khả năng giành thắng lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Liên Xô chọn vị trí trung lập. Hành động này đã đánh mạnh vào niềm tin của Mao Trạch Đông và những người Cộng sản Trung Quốc. Đặc biệt, với tính cách lạnh lùng, luôn hoài nghi, đầy mâu thuẫn, I.V.Stalin chưa bao giờ tin tưởng ở Mao Trạch Đông – một người, như I.V.Stalin quan niệm, có quá nhiều tính toán và tham vọng mà I.V.Stalin là người biết rõ hơn ai hết trong thời gian lãnh đạo Quốc tế Cộng sản III, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc là một bộ phận trực thuộc. Những mâu thuẫn tích tụ, tuy chưa bùng phát, song cho thấy trên nền ý thức hệ, quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc nhiều nghi ngại hơn là tin cậy. Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, tuy khẳng định “thắng lợi của cách mạng Trung Quốc làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho cách mạng thế giới”, song thực tế, I.V.Stalin đã hình dung và lo lắng về một cuộc cạnh tranh không mấy dễ chịu. Khả năng hình thành một trung tâm cách mạng mới trên nền liên minh Trung Quốc – Bắc Triều Tiên trở thành nỗi ám ảnh đặc biệt “nhạy cảm” đối với I.V.Stalin, nhất là khi câu chuyện Nam Tư còn đang nóng hổi.
Như vậy, quan hệ của Liên Xô với Trung Quốc và Mỹ – một bên là đồng minh, một bên là đối thủ có chung một điểm tham chiếu với các cấp độ: Mức 1- kiềm chế, kiểm soát; mức 2 – làm suy yếu; mức 3 - phụ thuộc (đối với Trung Quốc) và mất khả năng cạnh tranh vị trí thống trị toàn cầu (đối với Mỹ). Tại thời điểm đó, Đông Bắc Á trở thành mảnh đất hội tụ lợi ích chiến lược của các cường quốc và là yếu tố quan trọng quyết định sự cân bằng hay nghiêng lệch địa – chính trị thế giới, nơi như Liên Xô xác định, thỏa mãn những yêu cầu, điều kiện cho việc giải quyết những nguy cơ, thách thức tiềm ẩn đối với lợi ích của Liên Xô.
2- Kế hoạch đưa Trung Quốc và Mỹ đụng độ
Từ cuối năm 1948, với sự ra đời của Đại hàn Dân quốc(8-1948) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (9-1948), bán đảo Triều Tiên nóng dần dưới sức ép, quyết tâm thu giang sơn về một mối của cả hai chính thể. Hai miền Bắc, Nam Triều Tiên đều tích cực chuẩn bị cho công cuộc thống nhất đất nước thông qua con đường vũ trang.
Với sự giúp đỡ của các cố vấn quân sự Liên Xô, từ tháng 1-1950, Kim Nhật Thành đã lên kế hoạch xóa đi vết cắt ngang bán đảo Triều Tiên mang tên vĩ tuyến 38 bằng “đòn tấn công quân sự bất ngờ, với hai cánh quân bộ binh bao gồm 9 sư đoàn, trên hai hướng Seoulvà Hunchhon, kết hợp với các cuộc tấn công của lực lượng du kích và các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân”. Trong điều kiện kinh tế, quân sự khó khăn và trong cục diện hai cực Đông – Tây, Kim Nhật Thành tích cực vận động, thuyết phục I.V. Stalin ủng hộ. Ngay từ đầu, I.V. Stalin tiếp nhận yêu cầu của Kim Nhật Thành với thái độ dè dặt, trả lời nước đôi: “Một việc lớn như vậy phải được tính toán hết sức cẩn thận. Cần chuẩn bị để không xảy ra bất kỳ một sơ suất nào”. Chuyến đi bí mật đến Moscowngày 8-4-1950 của Kim Nhật Thành với bản kế hoạch sơ bộ tấn công Nam Triều Tiên không nhận được câu trả lời dứt khoát. Tháng 4 và nửa đầu tháng 5-1950, Kim Nhật Thành liên tục hối thúc và chờ đợi tín hiệu từ Liên Xô. Trong điều kiện chiến tranh Lạnh, nếu từ chối ủng hộ mong muốn thống nhất đất nước của nhân dân Triều Tiên, Liên Xô có thể sẽ bị giảm uy tín trong phong trào giải phóng dân tộc, Bên cạnh đó, tháng 5-1950, Báo cáo của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) cho biết “quá trình quân sự hóa Nhật Bản dưới sự bảo trợ của Mỹ nhằm chống Liên Xô đang được đẩy mạnh”. Tình hình không cho phép I.V.Stalin chậm chễ hơn nữa.
Nhận thấy thời điểm thực hiện các kế hoạch đang đến gần, ngày 14-5-1950, I.V.Stalin gửi điện tín cho Đại sứ Liên Xô tại Bình Nhưỡng T.F.Shtyucov nói rõ quan điểm: “Vấn đề giải phóng Triều Tiên phải được bàn bạc kỹ giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc chưa đồng ý, kế hoạch được lùi lại, chờ thảo luận tiếp”. Ngày 15-4-1950, Đại sứ T.F.Shtyucov thông báo về Moscow: Kế hoạch của Kim Nhật Thành đã được Mao Trạch Đông chấp thuận và hứa sẵn sàng can thiệp quân sựtrong trường hợp cần thiết. Khi đã chắc chắn với cam kết tham dự chiến tranh của Trung Quốc, cuối tháng 5-1950, I.V.Stalin quyết định bật đèn xanh cho Kim Nhật Thành thực hiện kế hoạch thống nhất đất nước.Như vậy, ý định phát động chiến tranh xuất phát từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, song nó chỉ thành hiện thực sau cái gật đầu của I.V.Stalin – lãnh tụ “trung tâm cách mạng thế giới”, còn sự đồng ý của I.V.Stalin chỉ có khi và chỉ khi Mao Trạch Đông lãnh trách nhiệm tham gia và chi viện cho những người anh em Bắc Triều Tiên.
Về vấn đề Mỹ sẽ tham chiến, I.V.Stalin và Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chưa bao giờ hoài nghi. Tại cuộc họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 24-9-1949, khi bàn về vấn đề Triều Tiên, 100 % thành viên nhất trí rằng, khi chiến tranh bùng nổ, Mỹ sẽ thông qua Liên Hiệp Quốc gửi quân đội hỗ trợ Chính quyền Lý Thừa Văn. Từ tháng 4 đến tháng 6-1950, diễn ra một số sự kiện liên quan đến chiến lược của Mỹ và vấn đề Triều Tiên củng cố vững chắc thêm nhận thức của I.V.Stalin. Ngày 19-6-1950, phát biểu tại Quốc hội Hàn Quốc, Giám đốc Office of Strategic Services(OSS)Allen Dulles tuyên bố: “Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Hàn Quốc cả về tinh thần và vật chất trong cuộc chiến chống Bắc Triều Tiên”. Trước khi rời Hàn Quốc, AllenDulles viết cho Lý Thừa Văn: “Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào vai trò quan trọng của các bạn trong vở kịch lớn sắp diễn ra”. Ngày 14-4-1950, Ủy ban An ninh quốc gia Hoa Kỳ cho ra đời văn kiện NSC-68 cho phép “thực hiện những hoạt động ngăn chặn Kreml đẩy mạnh mở rộng ảnh hưởng”. Có thể khẳng định rằng, việc Mỹ can dự vào cuộc chiến là chắc chắn, vấn đề còn lại chỉ là thời điểm. Nhà chính trị dày dặn kinh nghiệm I.V.Stalin hiểu rằng cần thêm một động tác kích đẩy.
Ngày 25-6-1950, quân đội Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tấn công Hàn Quốc. Ngày 25-6 và ngày 27-6-1950, diễn ra hai cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề Triều Tiên. Nắm giữ quyền phủ quyết (vecto), Đại diện Liên Xô Y.A.Malik được lệnh tẩy chay cuộc họp, tự tước bỏ tấm bùa hộ mệnh đối với Bắc Triều Tiên trước sự trừng phạt của Liên quân Liên Hợp Quốc. Nhiều năm nay, giới nghiên cứu thường cho rằng đó là sai lầm đau đớn của nền ngoại giao Xô viết. Tuy nhiên,bức điện của I.V.Stalin gửi lãnh đạo Tiệp Khắc K.Gottwald (được giải mật năm 2000) lý giải việc Y.A.Malik rời khỏi Hội đồng Bảo an không chỉ bác bỏ hoàn toàn nhận định trên, mà còn làm rõ những tính toán sâu xa của Liên Xô đặt trong quan hệ “sinh tử” với Mỹ và Trung Quốc: “Tham gia vào chiến tranh Triều Tiên, Mỹ sẽ chôn vùi sức mạnh quân sự và uy tín quốc tế tại đó. Mỹ buộc phải chuyển trọng tâm chiến lược từ Châu Âu sang Đông Á, đối đầu trực tiếp với Trung Quốc (…) Trong một thời gian nhất định, Mỹ không thể gây chiến tranh thế giới thứ ba và điều đó hết sức có lợi cho việc củng cố hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu”.
Trong khung cảnh đối đầu, xung đột của chiến tranh Lạnh,kế hoạch thống nhất đất nước của Kim Nhật Thành, việc đá quả bóng sang chân Trung Quốc, tẩy chay có ý thức Hội đồng Bảo an, từ bỏ quyền phủ quyết vào thời điểm quyết định… chiến tranh Triều Tiên là một tính toán của Liên Xô kéo Bắc Kinh vào cuộc đối đầu với Washington, triệt tiêu khả năng Trung Quốc“nói chuyện” với Hoa Kỳ – điều nếu thành hiện thực sẽ là một thách thức không dễ vượt qua, nhất là đối với những kế hoạch củng cố vị thế và tăng cường sức mạnh toàn cầu mà Liên Xô đang ấp ủ. Quả thật, “Sói xám” I.V. Stalin già dặn trên đấu trường quốc tế đã bắn một mũi tên trúng hai đích.
3-Liên Xô đứng sau thế giằng co của cuộc chiến
72 giờ sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Mỹ quyết định trực tiếp can thiệp, lôi kéo liên quân 15 nước tham gia, cuộc nội chiến Triều Tiên trở thành cuộc khủng hoảng quốc tế.
Về phía Trung Quốc, nhận thức về lợi ích an ninh quốc gia trong bối cảnh xung độ Đông – Tây, khi”các vấn đề trung tâm trong thế giới sau Thế chiến thứ hai là cách mạng vô sản trên phạm vi toàn cầu”, lãnh đạo Trung Quốc tin chắc rằng cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với Mỹ là không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ là khi nào và ở đâu. Việc Mỹ gửi Hạm đội 7 đến eo biển Đài Loan càng củng cố quan điểm của Trung Quốc về “mối đe dọa Hoa Kỳ” với chiến lược mở rộng ảnh hưởng, tiêu diệt cách mạng Châu Á, bao vây Trung Quốc từ hướng Triều Tiên. Trên nền tảng lý luận Mác-Lênin về chiến tranh cách mạng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan niệm, “trong xung đột Triều Tiên, nếu Trung Quốc không can thiệp, phong trào cách mạng Châu Á và thế giới sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng”. Cốt lõi nhận thức của Trung Quốc về xung đột Triều Tiên và vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột đã vượt qua lợi ích quốc gia hạn hẹp, vượt qua mục tiêu bảo vệ an ninh biên giới thông thường, gắn chặt mục tiêu tái khẳng định vị trí trong trật tự quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai, gắn với quan điểm về tính tất yếu của cuộc cách mạng vô sản ở Châu Á và trên phạm vi toàn thế giới, ở đó, vai trò của Trung Quốc với tư cách “đầu tàu” cách mạng Phương Đông rất quan trọng. Vì thế, khi chiến tranh Triều Tiên bắt đầu, Đảng Cộng sản Trung Quốc lập tức quyết định hoãn kế hoạch giải phóng Đài Loan, tập trung cho vấn đề Triều Tiên.
Tháng 10-1950, khi tình thế chiến tranh hết sức bất lợi đối với Bắc Triều Tiên, I.V. Stalin hối thúc Mao Trạch Đông chuẩn bị 9 tiểu đoàn trong tư thế sẵn sàng, tập trung sát biên giới Trung – Hàn, hứa sẽ hỗ trợ không quân]. Ngày 2-10-1950, Mao Trạch Đông thông báo cho I.V. Stalinsẽ gửi quân đội sang giúp đỡ Bắc Triều Tiên, dự định “lúc đầu, khoảng 5-7 sư đoàn quân tình nguyện sẽ được đưa tới Triều Tiên” và vào khoảng trung tuần tháng 11-1950 sẽ có mặt; đồng thời, yêu cầu Liên Xô viện trợ thêm hàng hóa, bảo vệ biên giới, các khu công nghiệp và quân đội Trung Quốc bằng không quân. Ngày 19-10-1950, Chí nguyện quân Trung Quốc vượt biên giới, trực tiếp tham chiến đấu trên chiến trường Triều Tiên. Thực hiện thỏa thuận, ngày 1-11-1950, Không quân Liên Xô tham gia trận chiến đấu đầu tiên. Sau khi Chí nguyện quân Trung Quốc và Không quân Liên Xô nhập cuộc, cán cân quân sự bắt đầu cân bằng, cuộc chiến giằng co, rơi vào tình trạng bế tắc, việc kết thúc chiến tranh bằng giải pháp chính trị trở nên cấp thiết. Ngày 10-7-1951,tại Kaesong, đại diện của các bên bước vào đàm phán, tuy nhiên, diễn tiến đàm phán hết sức chậm chạp. Vào tháng 5-1952, các bên đã đạt được thỏa thuận trên hầu hết các điều kiện, ngoại trừ số phận của tù nhân chiến tranh, song phải mất hơn một năm, đến tháng 6-1953, mới thống nhất được quan điểm để ngày 27-7-1953ký kết thỏa thuận ngừng bắn.
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến có khoảng thời gian đàm phán tương đối kéo dài (hai năm) đặt trong so sánh với  toàn bộ chiều dài cuộc chiến (ba năm, hai tháng), bởi”cuộc chiến tranh giằng co sẽ hạn chế tiềm lực quân sự của Mỹ ở Châu Âu, tiêu hao các nguồn lực kinh tế và tạo ra những khó khăn chính trị cho Chính quyền H.S.Truman”. Cuộc chiến kéo dài “làm chảy máu nước Mỹ(…) Sau chiến tranh Triều Tiên, người Mỹ sẽ không còn khả năng tiến hành những cuộc chiến tranh lớn”, “làm tăng lên sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc,đồng nghĩa với sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moscow, làm giảm đáng kể sự nhòm ngó của Mỹ và các nước phương Tây đối với Châu Âu – nơi được mệnh danh là “trái táo bất hòa” giữa hai cường quốc thế giới Xô – Mỹ, tạo điều kiện để Liên Xô củng cố vững chắc vùng đệm Đông Âu. Bên cạnh đó, theo lý thuyết tiến hành cách mạng vô sản trên phạm vi toàn cầu, “chiến tranh Triều Tiên chính là một phần kế hoạch cách mạng thế giới của I.V Stalin; vì vậy, những cuộc thương lượng hòa bình chỉ là hình thức”.
4Lợi ích và hệ lụy từ chiến tranh Triều Tiên
Chính thức, Liên Xô không tham gia vào chiến tranh Triều Tiên, song cuộc chiến đã tác động đến Liên Xô trên nhiều phương diện.
Chiến tranh Triều Tiên là phép thử đối với quan hệ Trung – Xô. Đề nghị hỗ trợ không quân, bảo vệ Chí nguyện quân từ trên bầu trời của Trung Quốc bị Liên Xô trì hoãn: “Liên Xô không thể có ngay lực lượng không quân đủ để bảo vệ những nơi mà Trung Quốc yêu cầu. Liên Xô có thể bảo vệ một số cụm công nghiệp của Trung Quốc và bảo vệ vùng biên giới Trung Quốc giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, nhưng cần có thời gian chuẩn bị”. Câu trả lời khiến Trung Quốc phải đối diện với một sự thật tàn nhẫn: Quân đội Trung Quốc sẽ phải chiến đấu mà không có sự đảm bảo từ trên không, phải thu hẹp phạm vi hoạt động, hạn chế hiệu quả chiến đấu, có khả năng thương vong cao. Mao Trạch Đông “không còn sự lựa chọn nào khác ngoài cố gắng nuốt trôi trái đắng của sự phản bội”. Đó cũng là cơ sở để khẳng định “những mầm mống mâu thuẫn Trung – Xô trong tương lai đã được gieo từ những ngày đầu tiên hợp tác hai nước trong chiến tranh Triều Tiên”. Trái với mong đợi của Trung Quốc, Liên Xô không cung cấp viện trợ quân sự không hoàn lại. Sau chiến tranh, Trung Quốc nợ Liên Xô 650 triệu đô la- đó thực sự là gánh nặng đối với nền kinh tế Trung Quốc vốn lạc hậu, đang cần nguồn lực phát triển. Mặc dù Trung Quốc tham chiến chủ yếu bởi các tính toán chiến lược riêng, song các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn không thể gạt đi cảm giác bất mãn do hành động và thái độ của Liên Xô. Trung Quốc ra khỏi chiến tranh với nhận thức Liên Xô là một đồng minh không đáng tin cậy.
Liên Xô thành công trong việc biến Mỹ trở thành kẻ thù số 1 của Trung Quốc. Hai nước duy trì quan hệ thù địch trong gần 30 năm, đánh mất cơ hội đối thoại và ngoại giao. Sau chiến tranh, Liên Xô vẫn giữ nguyên ảnh hưởng ở Bắc Triều Tiên (song ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây cũng lớn dần); đồng thời, nâng cao đáng kể uy tín đối với các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc. Chiến tranh Triều Tiên tạo ra một lực cọ sát các mối quan hệ quốc tế của Liên Xô, khiến Liên Xô trở nên có nhiều đối thủ hơn (quan hệ Xô – Mỹ ngày càng thù địch, quan hệ Xô-Trung xấu đi trông thấy, Liên Xô và Nam Triều Tiên không thể xích lại gần nhau).
Chiến tranh Triều Tiên là cơ hội để Liên Xô thử nghiệm một số vũ khí mới, đặc biệt là máy bay chiến đấu MiG-15.Trên chiến trường Triều Tiên, Liên Xô thu lượm khí tài – chiến lợi phẩm, nghiên cứu chế tạo, phát triển vũ khí tối tân. Các chuyên gia, cố vấn và phi công Liên Xô tích lũy nhiều kinh nghiệm chiến đấu bổ ích.
Chiến tranh Triều Tiên phần nào thay đổi cách nhìn của Liên Xô đối với thế giới, Liên Xô cổ vũ cho chính sách “chung sống hòa bình” giữa các nước có chế độ chính trị – xã hội khác nhau. Tháng 4-1952, I.VStalin tuyên bố: “Cùng tồn tại hòa bình và hợp tác giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn có thể, nếu như hai bên đều có mong muốn và tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ mỗi bên”.
Cuộc chiến tranh “đã mang đi sinh mạng của 9.000.000 người Triều Tiên, gần 1.000.000 Chí nguyện quân, 54.246lính Mỹ, 299 sĩ quan Liên Xô, để lại thương tật cả đời cho hàng triệu người”, khiến mỗi người dân trên bán đảo Triều Tiên thêm khao khát và trân trọng giá trị của hòa bình. Song, hòa bìnhkhông đến dễ dàng từ hy vọng và nguyện vọng. Hòa bình chỉ được xây nên từ nỗ lực của mỗi người, của cả cộng đồng với sự tỉnh táo, quyết tâm loại trừ chiến tranh và trái tim biết tha thứ.
VHNST

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÁI ĐINH ỐC


Lời tác giả: Có lần tôi hỏi một ông chú: «Chú giàu thế rồi, tiền của ngồi không, ănđến đời chắt cũng chưa hết, làm sao chú cứ phải… ». Chú tôi bảo: «Chú chỉ là một cái đinh ốc trong một cỗ máy… »

CÁI ĐINH ỐC

Truyện ngắn PHẠM DŨNG
Năm sáu phóng viên đưa micrô vào trước miệng ông, khi ông vừa tuyên bố tặng toàn bộ số tiền năm trăm triệu mà ông vừa trúng số cho Quỹ vì người nghèo. Hình ảnh ông được Đài truyền hình ghi và phát trực tiếp trên toàn quốc.
Một phóng viên hỏi:
- Thưa ông, nghe nói ông đã sáu lần nhặt được của rơi và cả sáu lần ông đều trả lại cho người bị mất, và bây giờ ông lại hiến cả năm trăm triệu, điều gì đã khiến ông có hành động như vậy?
Ông đáp ngắc ngứ vì hồi hộp, và không quen nói trước đám đông:
- Tôi nghĩ là… là… Thực tình tôi… không… biết…
Một phóng viên gợi ý:
- Phải chăng ông thấy còn nhiều người đói nghèo và số tiền đó có thể góp phần giúp họ vượt qua khó khăn?
Ông đáp vội:
- Phải vậy. Nhiều người khác còn nghèo… Họ cần giúp đỡ.
Một phóng viên:
- Khi hiến tặng toàn bộ số tiền thưởng, ông có trao đổi với vợ không?
Ông đáp:
- Có, có chứ, vợ tôi cũng đồng ý. Chúng tôi làm việc gì cũng hỏi nhau.
Vợ ông ngồi ôm đứa con trước màn hình cùng mươi người hàng xóm, cảm động ứa nước mắt khi thấy ông trả lời như vậy.
Nhưng đấy là chuyện xảy ra cách đây một tuần, còn bây giờ ông đang cùng vợ và con ngồi trước một đống gạch đổ nát, hoang tàn. Nhà của ông bị cháy rụi cùng gần một trăm nóc nhà khác trong một vụ hỏa hoạn mà nguyên nhân chưa xác định rõ.
- Thế họ nói sao?
Vợ ông hỏi khi ông vừa bước vào dưới tấm nilông che tạm. Ông với lấy cái quạt nan quạt lấy quạt để, ngồi xệp xuống không trả lời vợ mà hỏi:
- Quạt ở đâu đấy?
- Bác Mười cho. Họ có đồng ý không?
- Không! – Ông đáp – Anh thấy họ cũng đúng.
Vợ ông nhăn nhó:
- Nhưng dù sao thì… Ai cũng biết là mới đây anh đã hiến tặng năm trăm triệu cơ mà.
Ông mệt mỏi:
- Số tiền đó đã được đem cho người nghèo hết rồi. Nhưng em yên tâm, họ bảo anh lên gặp ông Chủ tịch tỉnh, chắc ông ta sẽ đồng ý. Nhà mình là trường hợp đặc biệt.
- Thế thì anh đi đi!
- Có nước uống cho anh một miếng. Anh đi! Anh đi ngay đây! Anh không thể để con anh thất học được.
Ông chủ tịch tỉnh vừa bước từ ôtô xuống thì người đàn ông gặp rủi ro của chúng ta tiến lại gần:
- Thưa ông chủ tịch…
- Có việc gì…?
- Tôi là người đã hiến số tiền năm trăm triệu đồng trúng số cho Quỹ vì người nghèo, tôi muốn được thưa chuyện với ông…
Ông nói một hơi, mừng rỡ vì mình nói trôi chảy.
- À… Anh vào đây.
Trong nhà, người đàn ông trình bày. Chuyện cũng đơn giản. Nhà ông không may gặp hỏa hoạn. Ông muốn xin lại một phần tiền trong số tiền năm trăm triệu mà ông vừa hiến cho Quỹ vì người nghèo.
- Thế nhà anh đã nhận được tiền và đồ vật cứu trợ chưa? – Ông Chủ tịch hỏi.
- Dạ, rồi ạ. Mỗi nhà được hai trăm ngàn, một thùng mì tôm, nửa bao gạo và một ít chăn màn quần áo cũ. Ai nhận màn thì thôi chăn. Ai nhận chăn thì thôi màn.
Ông Chủ tịch tỏ vẻ hài lòng: Chính ông đã trực tiếp đôn đốc việc này và công việc đã có kết quả cụ thể.
Nhìn gương mặt chất phác của người đàn ông, ông Chủ tịch cảm thấy lòng mình trào lên một tình cảm thật xúc động: Chính nhờ những người như ông ta mà ngày xưa ông mới có thể hoạt động Cách mạng. Ông muốn ôm ghì ông ta như ôm một người bạn thân thiết, nhưng ông cố nén tình cảm. Ông có thể giúp gì được? Tiền ông ta hiến đã nhập vào công quỹ và đã chi phí hết, mà có còn đi nữa cũng không thể tùy tiện lấy ra được. Ông không muốn vờ vĩnh hứa hẹn để rồi người đàn ông này phải trông ngóng đi tới đi lui, hao tâm tổn sức. Bộ mặt lo âu của người đàn ông làm ông áy náy.
Ông nói bằng giọng cảm động:
- Thực tình tôi không thể ra lệnh lấy tiền công quỹ để chi cho anh được vì Nhà nước có những nguyên tắc của nó. Tôi chỉ có thể cho anh một triệu, đây là tiền của cá nhân tôi… Mong anh thông cảm.
Người đàn ông bất hạnh rưng rưng cảm động. Giá mà còn xoay sở được ông nhất định không nỡ lấy một triệu đồng của ông Chủ tịch. Được một người như ông Chủ tịch tiếp chuyện, được ông Chủ tịch coi như chỗ thân tình là ông mãn nguyện lắm rồi.
Khi nhận tiền, ông run run nói:
- Ông… Chủ… tịch… tốt… quá.
Ông vội bước khỏi ngôi nhà đó. Ông phải vội vì chỉ một tích tắc nữa thôi, nhìn gương mặt đầy cảm thông của ông Chủ tịch, ông sẽ không thể ngăn mình òa khóc.
Sau khi tiễn người đàn ông ấy ra về, ông Chủ tịch thoáng một chút thở dài. Ông ân hận vì trong số năm trăm triệu mà người đàn ông đã hiến tặng cho Quỹ vì người nghèo kia, các nhân viên của ông, bằng cách nào đó, đã đưa vào tài khoản cá nhân ông năm mươi triệu. Thực lòng ông không cần số tiền ấy bởi vì vợ ông đã chết, ông không có con, giàu có cũng chẳng để làm gì. Nhưng ông không thể làm khác. Ông chỉ là một cái đinh ốc trong một guồng máy. Guồng máy ấy đang quay tít. Nếu ông không bám chặt nó sẽ quăng ông đi. Biết đâu một ngày nào đó, chính ông lại chẳng rơi vào thảm cảnh bi đát giống như người đàn ông đáng kính nọ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trương Duy Nhất bị kết án 2 năm tù giam

VRNs (04.03.2014) Sài Gòn – Tòa án nhân dân Đà Nẵng đã tuyên án 2 năm tù giam cho nhà báo Trương Duy Nhất, lúc quá 12 giờ trưa hôm nay ngày 04.03.2014.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho VRNs biết qua điện thoại: “Nhà báo Trương Duy Nhất bị kết án 2 năm tù giam tính từ ngày bị bắt giam.” Tòa kết thúc vào khoảng 12 giờ 30. “Tôi cho rằng Trương Duy Nhất là vô tội những bài viết mà họ căn cứ Trương Duy Nhất thì hoàn toàn không phải là xuyên tạc, nói xấu hay vi phạm pháp luật của nhà nước VN. Luật sư và gia đình cho tôi biết, Trương Duy Nhất không được bào chữa cho mình tại tòa. Trương Duy Nhất nói [trước tòa] lẽ ra nhà nước phải tuyên dương và khen thưởng tôi chứ không phải phạt tù tôi. Họ [nhà cầm quyền] đã bắt thì họ phải kết tội, mặc dầu như tôi đã nói, những bài viết của Trương Duy Nhất là không có tội và đây là một việc làm ảnh hưởng đến quá trình Dân chủ hóa, đời sống xã hội ở VN. Hoặc, có thể nói, nó vi phạm nhân quyền, nó không có lợi cho chúng ta vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc”. Nhà văn Phạm Xuân Nguyên bình luận.

Nhà báo Trương Duy Nhất bị bắt giam vào ngày 26.05.2013, tại Đà Nẵng, sau đó bị chuyển ra giam để điều tra tại Hà Nội.

Nhà báo Lễ Diễn Đức nhận xét trên blog RFA về nhà báo Trương Duy Nhất: “Cần phải lưu ý rằng, Trương Duy Nhất không phải là một nhà tranh đấu dân chủ, đúng hơn, anh là một người cầm bút phê phán hiện thực xã hội. Là người sống và lớn lên trong chế độ, có ít nhiều sự ưu ái trong cuộc sống, Trương Duy Nhất không thuộc các đối tượng chống đối nhà nước CHXHCN Việt Nam, không bao giờ anh muốn phá hoại hay lật đổ hệ thống chính trị này mà chỉ muốn nó thay đổi, dẹp bỏ những tiêu cực, nạn cựa quyền, tham nhũng, bè phái, tự sửa chữa và hoàn thiện để tốt hơn lên”.

VRN

P/s:  Những hình ảnh trước cổng tòa án tại Đà Nẵng (nguồn blog Huỳnh Ngọc Chênh):













Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Chuyện Chu Lệ Vương

.. và bịt miệng

Chu Lệ vương (? - 828 TCN) bạo ngược kiêu ngạo, người trong nước đều chỉ trích vua. Thiệu công can gián nói: “Dân không chịu nổi chính lệnh nữa rồi”. Vua nổi giận, tìm được thầy mo nước Vệ, sai giám sát những kẻ chỉ trích, đem bẩm lại để giết. Người chỉ trích ít đi, chư hầu không tới chầu. Năm thứ ba mươi tư, vua ngày càng hà khắc, người trong nước không ai dám nói, đi đường chỉ dùng ánh mắt nhìn nhau. Lệ vương vui mừng, bảo Thiệu công rằng: “Ta có thể cấm tuyệt lời chỉ trích rồi, không ai dám nói nữa”. Thiệu công nói: “Ấy là bịt miệng vậy. Đề phòng miệng dân còn hơn phòng lũ. Đê ngăn mà vỡ, thương tổn ắt nhiều, dân cũng như vậy. Thế nên người trị thủy phải cho sông được khơi thông, người trị dân phải cho dân được bày tỏ. Vậy nên thiên tử xử lý chính sự, phải sai công khanh cho tới liệt sĩ dâng thơ, nhạc quan dâng khúc hát, sử quan dâng sách, thái sư dâng bài trâm, kẻ mù dâng bài phú, kẻ thong manh dâng bài tụng, trăm quan can gián, dân chúng truyền lời, cận thần khuyên nhủ, thân thích góp ý, nhạc – sử bảo ban, bô lão chỉnh sửa, rồi vua cân nhắc. Vậy nên chính sự thi hành mới không trái đạo. Dân có miệng cũng như đất có núi sông vậy, của cải từ ấy mà ra; cũng như đất có chỗ phẳng trũng cao thấp, cái ăn cái mặc từ ấy mà ra. Qua lời truyền miệng, thành bại từ ấy rõ rệt. Làm việc tốt, ngừa việc xấu, ấy là cách tạo ra của cải, ăn mặc vậy. Dân suy nghĩ trong lòng mà phát lời ở miệng, chín chắn rồi làm. Nếu bịt miệng họ, liệu được bao lâu?” Vua không nghe. Thế rồi cả nước chẳng ai dám nói lời nào, ba năm sau theo nhau tạo phản, tấn công Lệ vương. Lệ vương bỏ chạy đến đất Trệ.
(Sử ký của Tư Mã Thiên, Trần Quang Đức dịch)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện từ năm ngoái, bây giừ còn gay:

Nếu họ "nổi giận" thì sẽ thế nào

Vũ Khoan
TT 10/3 - Dạo này trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy mọi người bàn nhiều về việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, và tôi cũng quan tâm theo dõi. Nhiều lập luận trái chiều được đưa ra, nhưng hơi ít tiếng nói của tuổi trẻ hoặc nói hộ họ. Với tư cách chủ tịch Hội đồng bảo trợ tài năng trẻ, tôi thấy một số khía cạnh cần được cân nhắc rất kỹ.


Tôi có rất nhiều dịp giao lưu, tiếp xúc với sinh viên, thanh niên và câu hỏi thường trực của các bạn ấy là cồng ăn việc làm. Nếu kéo dài tuổi hưu của các bậc sinh thành, của các bác, các cô, các chú, các dì…thì không hiểu các cháu sẽ tìm đâu ra cơ hội kiếm ăn chứ chưa nói tới chuyện cống hiến? Có người kêu “chưa kịp cất cánh đã phải hạ cánh”, thế nhưng thanh niên lại trăn trở: việc làm còn chưa có nói gì tới chuyện cất cánh! Mà tuổi trẻ không có việc làm thì tài năng sẽ thui chột, nhiệt huyết sẽ nguội lạnh và tâm trạng sẽ nặng nề. Thức tế cuộc sống cho thấy, tuổi trẻ không có việc làm dễ phát sinh những tiêu cực xã hội, nói dại nếu họ “nổi giận” thì sẽ thế nào chắc mọi người đều có thể tưởng tượng được.


Xã hội nào muốn phát triển cũng phải từng bước  “thay máu”, ngược lại sẽ trì trệ, già cỗi. Hơn nữa chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, công tháy đổi từng tuần, từng ngày và tuổi trẻ là nguời nắm bắt cái mới nhanh nhạy nhất vì so với thế hệ cũ, họ được đào tạo tốt hơn nhiều. Nhiều việc tôi cứ phải cầu cứu cháu nội, cháu ngoại mình, cháu nhỏ học lớp 5 đã thành thạo công nghệ thông tin lắm rồi.. Chúng ta đang hướng tới xã hội công nghiệp hiện đại, chẳng lẽ cứ giữ lại những người dùng điện thoại di động cũng không thạo hay sao, nhất là ta đang tiến tới chính phủ điện tử. Chẳng thế mà doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn ở ta một phần quan trọng là để tận dụng “thế hệ vàng” của Việt Nam.
Lâu nay ta luôn hô hào “trẻ hoá đội ngũ” nhưng cứ đến dịp bầu bán lại luôn luôn lúng túng, chỉ tiêu hạ thấp độ tuổi không bao giờ đạt được; ngay tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn cũng vậy. Các tổ chức khoa học thì khan hiếm đầu đàn, nhiều vị đầu đàn đáng kính đã quá già yếu nhưng không có lực lượng kế cận thay thế. Nếu xử lý chuyện kéo dài tuổi nghỉ hưu thế nào đó lại làm trầm trọng thêm tình trạng này thì nguy hại lắm.
Liên quan tới chuyện này, hồi cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước cơ quan tôi làm việc lâu năm là Bộ Ngoại giao một thời đã ngừng tuyển dụng do chủ trương tinh giản biên chế; điều đó đã gây ra sự hụt hẫng thế hệ đến nay, sau hơn hai chục năm, vẫn còn bị ảnh hưởng. Kéo dài “đầu ra”, bịt “đầu vào” rất có thể sẽ gây ra tình trạng tương tự.
Nói tới những người được kéo dài tuổi nghỉ hưu, người ta nhấn mạnh “quyền” được cống hiến. Khái niệm “quyền” cũng nhiều chiều lắm. Ngay chị em phụ nữ bên cạnh quyền cống hiến còn có quyền làm việc phù hợp với giới tính của mình, trong đó có quyền được nghỉ để chăm lo cho gia đình, trông nom con cháu chứ? Cón gái tôi đã tận hưởng cái quyền này trước tuổi nghỉ hưu theo chế độ đến 5 năm và rất hài lòng với chuyện đó. Ngoài ra từ lâu tôi cứ trăn trở một điều: nhiều khi các cháu không ngoan có lẽ một phần vì các mẹ quá bận công việc xã hội, không có điều kiện giậy giỗ. Chuyện trò với chị em lao động, nhất là lao động nặng nhọc tôi thấy họ có tâm lý khác hẳn những người “có ghế”. Thú thật quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu cho những người “từ cấp vụ phó trở lên” nghe kỳ kỳ thế nào ấy. Ngay trong thời gian đương chức cũng phải bổ nhiệm có thời hạn nữa là. Mà về hưu trên danh nghĩa đâu đã phải là hết đường cống hiến? Hoàn toàn có thể làm theo hợp đồng và sẽ cống hiến được nhiều hơn vì không phải bận bịu chuyện hành chính. Chỉ sợ không biết làm việc gì khác ngoài việc “chỉ tay năm ngón”,”cho ý kiến chỉ đạo” mà thôi.
Có người nói luật đã thông qua thì phải thi hành. Điều đó có phần đúng nhưng luật cũng do ta thảo ra, nhiều khi chưa tính được hết và chưa thật khớp với cuộc sống, nếu phát hiện thì có thể kiến nghị chỉnh sửa chứ? Vả lại đây là nghị định thực hiện luật thì hoàn toàn có thể thiết kế sao cho không trái luật, đồng thời cũng không để lại những hậu quả lâu dài cho xã hội. Lúc này xuất hiện qua nhiều quy định pháp quy nói nhẹ ra là “là lạ”, gây bức xúc trong xã hội vốn đang có không ít chuyện bất ổn. Vậy nên khi soạn thảo văn bản về vấn đề này cũng nên tính toán sao để giảm bớt chứ không gia tăng tình trạng đó.
Cuối cùng xin chia xẻ rằng, “ai bảo về hưu là khổ, không về hưu sướng lắm chứ…” vì có điều kiện vắt vẻo ghế đá suy ngẫm sự đời và ở tư thế ấy xin nêu lên mấy ý trên để rộng bề xem
  

Phần nhận xét hiển thị trên trang