Ông Trần Văn Truyền lên tiếng vụ có nhiều biệt thự "khủng"
ÔNG TRẦN VĂN TRUYỀN (ẢNH: VIỆT ĐÔNG/VNE)
ÔNG TRẦN VĂN TRUYỀN NÓI: “TÔI CÓ THỂ KHẲNG ĐỊNH RẰNG PHẦN LỚN NỘI DUNG MÀ MỘT TỜ BÁO ĐÃ ĐƯA LÀ KHÔNG CHÍNH XÁC, KHÔNG ĐÚNG SỰ THẬT”.
Những thông tin và một số hình ảnh trên một tờ báo mô tả những dinh thự, biệt thự, nhà đất, một phần trong khối tài sản được cho là của ôngTrần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Theo nội dung mô tả của bài báo, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt.
Đáng chú ý hơn, bài báo đó cũng cho hay, theo nguồn tin từ một số cán bộ Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng. Và cũng xuất hiện tin đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông Truyền có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng…
Ngay sau khi những thông tin này được đăng tải, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Văn Truyền về những nội dung trên. Về những thông tin có trên báo chí, ông Truyền bức xúc: “Tôi đã đọc bài báo nói về tôi. Tôi xác định rất nhiều thông tin trong bài báo đó không chính xác. Không hiểu người viết có dụng ý gì đó mà đưa ra suy luận rất không tốt như vậy”.
Ông Trần Văn Truyền nói: “Thứ nhất, thông tin về căn "biệt thự" thì đúng là tôi có xây nhưng đó là căn nhà được dựng trên đất của con tôi mua từ lâu rồi. Tôi về nghỉ hưu thì định ở căn nhà dưới phường 1 (TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre) mà hồi đó tỉnh bán lại cho tôi theo Nghị định 61 (Nghị định số 61/CP ngày 5-7-1994 của Thủ tướng Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở, trong đó có việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê) sau khi tôi nghỉ hưu. Tôi là cán bộ thương binh, cha tôi và anh tôi là liệt sỹ, mẹ tôi là bà mẹ Việt Nam anh hùng cho nên gia đình tôi thuộc đối tượng được mua nhà theo Nghị định 61 nhưng vì con tôi mua mấy công đất ở trên này (tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre) nên tôi lên đây ở”
“Về căn nhà của tôi thì cũng bình thường, nếu có so với những người dân ở quanh đây thì đúng là có rộng rãi hơn chút. Tôi có thằng cháu ở ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh nó về thiết kế cho theo kiểu cũng mới mẻ nên trông bề ngoài có vẻ trang trọng. Còn bên trong, những người vào cũng bảo là bình thường chứ chẳng có vấn đề gì.
Còn đồ đạc trong nhà là do tôi tích cóp rất nhiều năm nay, cộng thêm các anh chị em mỗi người cho một chút, giờ làm nhà rồi thì tôi mang đồ đạc đến. Cái giường ngủ của vợ chồng tôi cũng bình thường chứ lấy đâu ra vài tỉ đồng”, ông Truyền nói tiếp.
Theo vị Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ này, diện tích đất nhà nhà ông chỉ khoảng hơn 1 hecta. Khu đất này do ngày trước người ta để hoang hóa, con trai ông mua được với giá rẻ. “Tôi về, tôi mới trồng cây, gây dựng thành một cái vườn như ngày nay. Vậy mà có thông tin là đất nhà tôi rộng 30.000m2 thì tôi không hiểu lấy ở đâu ra?
Hình ảnh được cho là dinh thự của ông Trần Văn Truyền (Ảnh: báo Người cao tuổi)
"Ngoài căn nhà như biệt thự này, tôi còn 4 căn nhà khác lợp ngói đỏ làm bằng gỗ. Gỗ ở đó là tôi mua từ những căn nhà cũ được dỡ ra ở Tây Ninh. Tôi mua mấy chục triệu một cái rồi mang về dựng lên, trong đó có một căn nhà là tôi dùng để làm nhà thờ. Mà nhà không lợp ngói đỏ thì lợp bằng gì?
Tôi làm cán bộ bao nhiều năm về dành dụm được ít tiền cùng với con tôi làm đại lý bán bia Sài Gòn và những người con khác góp tiền vào xây căn nhà chung cho gia đình sinh hoạt. Tôi không kinh doanh và cũng không xây dinh thự gì cả mà tờ báo đó lại nói như vậy.
Thêm nữa là nói tôi có rất nhiều nhà ở TP. Hồ Chí Minh mà tôi cũng chẳng hiểu những căn nhà đó là ở đâu hay từ trên trời rơi xuống?”, ông Truyền nói thêm.
Còn thông tin về ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP. Bến Tre gia đình ông Truyền vẫn cho thuê, theo ông Truyền, là không chính xác. Ông Truyền cho hay, trước khi giải quyết cho ông mua căn nhà ở phường 1 thì căn nhà này đã được lấy lại và Sở Tài chính của tỉnh đã cho thuê từ 14 năm nay rồi.
“Tôi có thể khẳng định rằng phần lớn nội dung mà tờ báo đó đã đưa là không chính xác, không đúng sự thật. Việc đưa những thông tin đó lên mặt báo có thể sẽ gây kích động và khiến người dân ở nơi đây mất niềm tin vào cán bộ nhất là một cán bộ như tôi đã từng làm Bí thư Tỉnh ủy tại đây. Người đưa những thông tin về tôi như vậy là không hiểu rõ, hiểu hết. Tôi không hiểu anh em (phóng viên đã đưa tin - PV) đưa tin cho hứng khởi hay có mục đích gì. Tuy nhiên, khi đưa những thông tin về tôi như vậy thì cũng phải thận trọng, phải nói chính xác. Chuyện không có mà nói là có thì tức là với dụng ý xấu” - Ông Truyền khẳng định lại.
(SOHA.VN) - GIỮA KHU DÂN CƯ THƯA THỚT LÀ CĂN BIỆT THỰ CỦA ÔNG TRẦN VĂN TRUYỀN ĐƯỢC THIẾT KẾ VỚI CỔNG SẮT, TƯỜNG RÀO BAO QUANH XEN HỌA TIẾT RỒNG BAY, MẶT TRỐNG ĐỒNG TINH XẢO...
Đó là căn biệt thự rộng trên mảnh đất hàng nghìn mét vuông được cho là một phần trong khối tài sản của ôngTrần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ tại ấp 3, xã Sơn Đông, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre đang thu hút sự chú ý của nhiều người.
Mặt tiền căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền.
Lối vào căn biệt thự của ông Trần Văn Truyền là chiếc cầu và cổng sắt được thiết kế độc đáo
Hai bên cổng vào biệt thự là bức vẽ rồng bay với họa tiết tinh xảo
Hàng rào phía trước biệt thự được thiết kế xen kẽ mặt trống đồng
Trong khuôn viên biệt thự của ông Trần Văn Truyền còn có hai ngôi nhà gỗ được lợp bằng ngói đỏ
Bộ bàn ghế được đặt trong khuôn viên bên cạnh chậu cảnh và hoa
Phần nhận xét hiển thị trên trang