|
K
|
hi bị vấp ngã
không phải người ta lúc nào và ở đâu cũng có thể đứng thẳng lên ngay được. Phải
thêm mấy bước loạng choạng mới lấy được tự chủ của đôi chân, đôi mắt mới rõ dần
phương hướng.
Đấy
là không kể đến có kẻ ác ý, thích vùi dập người khác vì một lý do nào đó, xô đẩy
cho ngã thêm. Tệ hơn nữa làm người ta sụp đổ hoàn toàn ý chí, nghị lực, mất hẳn
phương hướng rồi chìm ngập xuống bùn.
Khải
hoang mang, mất hết lòng tin tưởng sau một tai vạ bất ngờ tiếp sau một vụ việc
xảy ra trên bãi vàng. Đến nỗi anh chẳng còn thiết tha gì nữa. Mặc dù hoàn cảnh
éo le của gia đình, Khải vẫn quyết ra đi. Đi đâu cũng được. Miễn là xa hẳn xứ
này, nơi anh đã cố công, đã nhẫn nhịn, chịu đựng, mong gặp được điều tốt đẹp.
Chớ trêu thay, Khải đã không gặp, cũng không chút hy vọng rồi mai đây một ngày
tốt đẹp đến với mình. Có lẽ ông thầy một bữa tình cờ lấy lá số tử vi cho Khải
đã đúng. Thân mệnh anh đóng ở cung Thiên di, nếu ở mãi một chỗ ít gặp may mắn,
chỉ nhiều rủi ro.
Có
lẽ Khải sẽ nhớ rất lâu thái độ hai bố con ông Chỉ hôm gặp bố con ông ở cửa hàng
ăn số một. Anh và lão Quảng đến sau bố con ông nửa tiếng đồng hồ. Cả bốn người
được ra khỏi công an huyện. Ông và thằng chột con trai ông nhờ được chiếc xe tải
đi trước, nên đến bến tàu sớm hơn. Khải và lão Quảng vô mao đi nhờ một chiếc xe
công nông chở gạch nên đến muộn hơn. Cửa hàng ăn số một vẫn không có gì thay đổi
nhiều, vẫn những dãy bàn lem nhem đóng bằng gỗ, những chiếc ghế gỗ cao lêu đêu
không có lưng tựa, nhưng các món ăn có phần phong phú hơn. Cung cách phục vụ vẫn
như hồi còn chiến tranh, nhưng lối kinh doanh tập thể có vẻ mềm mỏng, linh hoạt
hơn. Không còn những câu bắt bẻ, hạnh hoẹ khách hàng. Các cô nhân viên bắt đầu
nhận ra một điều đáng lẽ là chân lý: “Khách hàng là thượng đế”.
Bên
ngoài đã có những hàng ăn tư nhân mở. Chính sách quản lý thị trường đã phần nào
nới lỏng. Hàng ăn ngoài quốc doanh thường bán nhiều món ngon với giá rẻ hơn. Nhưng
vì mới nới rộng cơ chế, nên chưa kịp mở mang cửa hàng rộng rãi. Vì thế các cửa
hàng quốc doanh còn cơ hội tồn tại thêm một thời gian nữa, nhờ vào cơ sở sẵn có
đàng hoàng hơn.
Không hẹn nhau mà cả bố con ông Chỉ và Khải với
lão Quảng cũng tới đây. Cũng có lẽ vì nó thoáng đãng – vừa ăn vừa nhìn ngắm ra
ngoài bến. Mùa này nhìn sang bờ bên nhà máy giấy thấy từng đống mía to như những
quả gò. Thực ra tên gọi hành chính của nhà máy là nhà máy Đường – Giấy. Vì lúc
đầu thiết kế xây dựng nhà máy sản xuất đường là chính - làm giấy là phụ, chủ yếu
tận dụng bã mía thải ra. Về sau mía nguyên liệu không đủ, làm đường cũng chỉ là
trợ thời, nhà máy điều chỉnh lại sản xuất, giấy
lại là mặt hàng chủ yếu. ít năm sau bờ phía bên này lại cũng mọc lên một nhà
máy nữa. Tuy quy mô lớn hơn nhiều nhưng cũng không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn:
Chủ quan – lúng túng- sai lầm. Lại lấy sai lầm này để sửa chữa cho sai lầm
khác, đặc trưng của cơ chế quan liêu.
Kế
hoạch ban đầu nghe rất to tát, khởi hành rầm rộ. Một phương án di dân hàng ngàn
người lên xây dựng vùng nguyên liệu. ở bên kia sông, từ nhà Khải trông sang là
khu định cư khai hoang ấy. Nhà máy thì chìm nổi, số phận cây mía cũng rất bấp
bênh. Nghe nói người ta đang thử nghiệm để sản xuất thức ăn gia súc! Nghe đến
buồn cười. Nên khi cán bộ sang bên này sông vận động trồng mía không mấy người
hưởng ứng. Nhưng dù sao, cái nhà máy Đường – Giấy, Giấy- Đường ấy vẫn sống dai
hơn công trình Bách hoá Tổng hợp, Cửa hàng ăn quốc doanh phía bờ bên này. Các dịch
vụ ấy ngắc ngoải, sống thêm thời gian nữa, rồi chết hẳn thời kinh tế thị trường…
Vừa
đến cửa hàng ăn số I, lão Quảng nói làm Khải trong lúc chán nản cũng phải bật
cười:
-
Người ta sắp phá bỏ cái nhà ăn này để xây khách sạn. Khách sạn to nhất tỉnh
này, những năm tầng kia, có cả phòng mát xa chú mày ạ. Có khi chú mày còn chưa
biết mát xa là thế nào đâu, nó là kiểu đấm bóp, tẩm quất ấy. Khi nào khách sạn
xây xong, tao ra xin một chân. Đảm bảo tay nghề tẩm quất của anh mày đứng đầu tỉnh
hi . hí…
Chẳng
biết lão có đứng đầu tỉnh về cái nghề ấy thật không? Khải công nhận môn đó lão
biết làm. Không biết lão học ai, tự bao giờ hay là năng khiếu bẩm sinh? Mỗi khi
bí tiền mua rượu là lão lân la sang nhà lão Chỉ Đen hay nhà Sinh Béo. Bài tẩm
quất của lão hay đến nỗi hai lão vắt cổ chày ra nước ấy không xót đồng tiền,
cho lão tiền mua rượu uống cả ngày. Giận ai thì giận, không bao giờ hai người
này giận Quảng vô mao. Hễ thấy cái mặt nhăn nhúm không sợi râu nào của lão y
như rằng họ nhếc mép cười.
Nhưng
hôm nay không hiểu sao lão Chỉ không cười khi gặp Quảng. Cả với Khải lão cũng
giữ bộ mặt đâm lê, hằm hằm như người tát ao.
Vụ
cháy cửa hàng Bách hoá của Sinh béo vẫn trong quá trình điều tra, chưa tìm ra
manh mối. Tất cả vẫn nằm trong vòng nghi vấn. Nếu theo chiến thuật “Be bờ, bắt
cá”, khoanh vùng đối tượng như từ trước tới nay thì người ta đã đúng. Những kẻ
trong diện nghi vấn nếu không chịu khai báo, cứ tống đi tập chung cải tạo. Ba
năm này không chịu giác ngộ, thú nhận tội lỗi thì ba năm nữa bằng cho tiến bộ
nhận rõ lỗi lầm, tích cực cải tạo thì thôi. Nhưng sự ra đời của “Bộ luật hình sự”
đã không cho phép làm như thế nữa. Bắt người phải có căn cứ, tang chứng rõ
ràng. Không ai phải đi tù mà chưa được toà án xét xử. Dù rằng người ta vẫn trọng
chứng hơn trọng cung, nhưng tình trạng oan sai giảm đi rất nhiều.
Ai
cũng nghĩ trong vụ hoả hoạn đó có bàn tay lão Chỉ. Đồng loã với lão còn có cả
Quảng vô mao nữa kia. Tay Quảng là kẻ táo gan , việc gì cũng dám làm. Năm kia vợ
lão bẻ trộm ngô của nhà Thìn điếc. Vợ Thìn điếc vốn ngoa ngoắt, dẩu mồm lên chửi.
Đêm hôm sau Quảng mài dao thật sắc, cứ ngang cây ngô lão phát sạch, cả một đêm
không còn sót cây nào. Gọi lão lên xã, lão vặn lại: “ Có bắt được tay tôi
không? Đừng có gắp lửa bỏ tay người ”, không ai làm gì được lão. Mà ngô mới vừa
vào hạt, luộc thì được, thu thì còn non quá, hạt còn đang sữa phơi làm sao được?
Lão
Sinh xâu chuỗi mọi hiện tượng, đinh ninh rằng mình đã xác định đúng đối tượng.
Lão Sinh không lạ thái độ hai mặt của ông Chỉ đen. Trước mặt cười cười, nói
nói. Trong dạ muốn hót đất đổ đi. Cũng chỉ cạnh tranh nguồn lợi từ lâm sản
trong vùng. Kể ra lập luận của lão Sinh rất có lý. Nhưng đây là trên lý thuyết.
Còn công việc điều tra phải căn cứ vào nhân chứng vật chứng cụ thể. Nhân chứng
không ai nhìn thấy thủ phạm. Vật chứng thì duy nhất có chiếc bật lửa rơi gần hiện
trường. Ngay khi nhặt được không có chó nghiệp vụ để giám định ngay. Không có
điều kiện để xác định vân tay từ lúc đầu, lại qua tay nhiều người.
Vụ
án đi vào bế tắc một phần vì sự ngoan cố của Quảng vô mao, không day vào trán,
có đánh chết lão cũng không chịu nhận. Khích lệ, động viên, đe nẹt, khơi gợi với
lão đều không kết quả.
Thằng
Thành ngoài việc nhận cái bật lửa của mình, hắn không khai thêm việc gì khác. Hắn
lại có căn cứ ngoại phạm là đêm hôm đó hắn đi chơi với thằng Mai ở xóm trên. Bị
hỏng xe hai đứa đẩy đến khuya mới về. Đến nơi đám cháy đã gần tàn, có thằng Mai
làm chứng, hắn vô can trong vụ này. Hắn bị giữ lại chỉ riêng về việc xảy ra ở
bãi vàng thôi.
Vậy
cớ sao lão Chỉ lại xưng xỉa với hai người?
Lão
Chỉ ngồi chờ đứa con nhận xuất ăn từ quầy giao hàng. Khi thằng con chột mắt của
lão vừa bê xoong cơm canh và một đĩa thịt kho đến, lão đùng đùng đứng lên. Thằng
Tồ chưa hiểu ý bố ra sao thì lão lừ mắt ra hiệu cho nó. Nó đứng nguyên chỗ,
chưa ngồi xuống chờ xem bố nó bảo gì. Lão ra chỗ quầy mua vé đang còn người xếp
hàng rất dài. Một người mặc quân phục cũ đi theo lão, anh ta đang cần mua hai
xuất ăn, có sẵn khỏi phải xếp hàng. Lão Chỉ nhận tiền từ người này rồi kéo con
đi ra cửa. Nó không hiểu vì sao miếng ăn đến miệng rồi còn bỏ đi, mất cả công
mua vé chờ đợi xếp hàng. Nhưng nhìn thấy hai người cùng làng thì nó hiểu. Bố nó
là con người cực đoan đã ghét ai không muốn nhìn mặt. Nó đành ra theo, không
quên ném ánh mắt còn lại hằn học sang hai người kia.
Lão
Quảng không hiểu ý tứ của hai bố con lão Chỉ cũng bực tức không kém, lão lầu bầu:
-
Ông mà đểu, bố con mày tù rũ xương! Chắc nó nghĩ mình đến ăn ké nên mới xưng mặt
lên như thế. Ăn có mời, làm có khiến, ai đã thèm.
Lão
Quảng nói mạnh mồm như thế, thực ra trong túi lão nhẵn thín, làm gì có đồng
nào? Đồng tiền trong túi lão luôn là hòn than bỏng, chẳng bao giờ ở được lâu.
Lúc nào cũng như là đào củ gãy luôn phải tiêu đến đồng cuối cùng. Buổi tối người
ta đến đưa lão xuống huyện trong nhà không có đồng nào. Nếu hôm nay không về
cùng Khải có lẽ lão đã nhịn đói mà về. Nói mạnh như thế, thử xem lão Chỉ mời
rơi một tiếng, lão sẽ ngồi vào ngay.
Quảng
không biết lão Chỉ có thái độ ấy là có lý do của lão. Điều này Khải cũng không
hiểu, anh chỉ ngờ ngợ, sau này mới được biết.
Mấy
lần người ta lấy khẩu cung lão Chỉ, người ta đều nhấn mạnh một câu:
-
Sự việc chúng tôi đã nắm được rất kỹ. Nếu ông không thành thực khai báo thì đừng
trách. Nói để ông biết, đồng vụ người ta đã khai hết cả rồi. Người ta ở gần,
ông làm gì người ta nắm được cả. Chắc chắn người ta không nói sai, nói bớt cho
ông.
Lão
Chỉ tin đó là thực, lão không biết đấy là kiểu đòn phép tâm lý của cán bộ hỏi
cung. Nếu không có kẻ tố giác thì làm sao lão lại bị bắt trong khi lão không trực
tiếp mó tay vào? Mà người ta cũng nói rõ khi lão hỏi mình bị bắt vì tội gì? Đã
có người làm đơn tố cáo và có kẻ khai ra lão. Về nguyên tắc cán bộ điều tra
không thể nói người đó là ai. Quy định của luật là thế. Nhưng không cần suy
đoán gì nhiều, lão cũng biết kẻ đó là ai theo ý chủ quan của lão. Việc này chỉ
rất ít người biết: Quảng vô mao không dại gì khai ra rồi… Nếu hắn làm việc đó
có khác nào tự tròng cái gông vào cổ? Hơn nữa con người không ra gì này quá dày
dạn với những việc tăm tối và biết cách đối phó. Lão không ngu xuẩn đến nỗi:
“Thà chết không khai hai đồng chí nằm trong đống rơm”. Lúc nào lão cũng vỗ ngực
“Quân tử”. Một kiểu “Quân tử Tàu” đầu ngô mình sở, khái niệm mù mờ không có chủ
thuyết rõ ràng.
Còn
thằng Thành cò nó cũng mang máng biết việc này nhưng nó cũng không nói. Dù sao
nó cũng dòng dõi họ Bùi, gọi lão bằng bác họ. Nó bơ vơ tay trắng lên đây, chính
lão đã cưu mang nó. “ Đến con lợn ăn song cũng không ỉa vào máng của mình ”, có
lần lão nghe người ta nói câu này ở đâu đó.
Vậy
thì còn ai vào đây nữa, nếu không phải là cái thằng Khải mới về? Từ đời bà mẹ
nó, lão còn mối hận không quên trong đợt giáo dục ngụy quân, ngụy quyền sau hoà
bình 1954. Lão bị ép vào lính nhảy dù, vừa huấn luyện xong đợt ném xuống lòng
chảo Điện Biên Phủ. Chưa kịp bắn phát súng nào, chưa kịp tháo xong dù đã bị bắt
làm tù binh. Lão đã khai rõ như thế mà bà ta vẫn lập danh sách đưa lão đi học tập.
Trong lúc vợ lão vừa mới đẻ được hai ngày. Đến đợt vận động vào Hợp Tác Xã, gia
đình lão luôn là đối tượng bị nhắc nhở vì lão chưa muốn vào ngay. Chỉ còn thiếu
nước chưa bị đấu như đấu địa chủ. Ngày ấy lão căm lắm, nhưng cố nén trong lòng.
Cũng
là người dân làng này bỗng dưng phân tầng, phân cấp xào xáo lẫn nhau. Sinh oán,
sinh thù. Sống ở thời nào phải theo thời ấy. Có ai muốn chớ trêu?
Nhưng
lúc bà ta thất thế lên đây, lão đã không để bụng. Lão không giúp gì nhưng cũng
không gây trở ngại. Xứ mù thằng chột làm vua. ở quê cũ lão là thành phần “có vấn
đề” nhưng ở đây lão đang làm đội trưởng một đội của Hợp tác xã. Chỉ cần lão từ
chối không ai dám nhận gia đình bà. Không nhập được khẩu tức là không nơi ăn,
chốn ở, không ruộng đất để sống. Một thời gian dài đi đâu lão cũng rêu rao cử
chỉ cao thượng của mình. Cả đến khi nghe Khải về đất này lão cũng nhắc lại chuyện
đấy.
Nghe
chuyện, lão Quảng xì mũi:
-
Láo toét hết. Chẳng qua thằng em mày biếu lão đôi dày Côsơgin với năm cân cá mắm.
Bao giờ bánh đúc có xương hãy nói đến đức nghĩa nhân của lão.
Khải
nghe xong cũng không để tâm. Chuyện đời để ý kỹ quá, chẻ sợi tóc làm tư, ai còn
sống nổi? Cần đơn giản những rắc rối, lôi thôi, mù mờ trong quá khứ để sống.
Vậy
mà trên đường từ huyện công an ra, lão Chỉ bảo con:
-
Chỉ có thằng ấy chứ còn ai nữa. Nó như con chim phải tên, hễ thấy cây cong là sợ.
Nó vẩy mình ra để khỏi khốn đến thân đấy.
Lão
đâu biết Khải không có một lời nào về lão. Anh không phải vì sợ sệt điều gì, mà
chỉ nghĩ xóm giềng là phên dậu, ngu dại gì rải chông gai quanh mình?
Thái
độ vừa rồi của hai bố con lão Chỉ làm Khải khó hiểu và hơi bực mình. Nhưng rồi
anh không quan tâm đến chuyện ấy. Dù sao hôm nay cũng là một ngày may mắn. Mặc dù
trước khi tha người cán bộ vẫn nói:
-
Tạm thời các anh cứ về. Quá trình điều tra sau này có gì chúng tôi sẽ gọi.
Họ
nói vậy, chứ nói sao nữa. Không lẽ nói bắt nhầm bây giờ thả?
Nhưng
rồi cái kim trong bọc thế nào cũng có lúc lòi ra. Một vụ như thế không khi nào
họ bỏ qua. Trước sau người ta cũng tìm ra thủ phạm. Khải cũng mong là như thế,
tội mất không bằng tội ngờ. Cháy thành vạ lây không phải là chuyện hiếm và đã từng
xảy ra.
Quảng
vô mao bảo:
Phải
có cái gì ăn mừng chú mày ạ! Nhân đây anh em mình kết nghĩa anh em. Tao thấy
mày cũng là thằng tù được trở lên đấy! Thôi bây giờ vào làm đĩa thịt trâu xào,
không cơm cũng được, nhưng nhớ cho anh chai rượu. Coi như chú tạm ứng về nhà
anh sẽ trả. Dù miệng nói như vậy, nhưng dù sao lúc này lão cũng là bạn đường, một
kiểu bạn đường bất đắc dĩ. Khải mua hai xuất cơm, thêm đĩa thịt trâu và chai rượu
theo yêu cầu của Quảng vô mao.
Trước
khi rót rượu ra lão hí hởn:
-
Dân vùng này không biết ăn thịt trâu nên nó mới rẻ. ở dưới xuôi nó đã là đặc sản
từ lâu rồi. ở đây bây giờ rượu mới được bán. Mấy tháng trước còn cấm bán rượu nữa
kia. Nghe đâu biện pháp này từ ông Goóc Ba Chốp ở bên Nga kia. Thế quái nào nó
lại lây sang tận Việt Nam? May mà không kéo dài lâu, nếu không bọn sâu rượu như
bọn anh đến ốm mà chết mất.
Thì
ra lão Quảng không phải là kẻ ngu dốt, vô tích sự như dân làng vẫn nói. Lão biết
nhiều chuyện tinh quái nữa kia. Nhưng làm sao một con người khôn ngoan mà lại
chọn cách sống chẳng ra gì, trống rỗng, bừa phứa nhiều tai tiếng? Ma dẫn lối,
quỷ đưa đường hay tự lão bất mãn với bản thân, chán đời sống kiểu vô chính phủ?
Lão
rủ Khải ở lại Thị xã đêm nay. Lão sẽ đưa anh đến những chỗ anh chưa từng biết,
cho Khải “nếm” mùi đời. Nhưng sau khi cơm rượu song Khải rủ lão về, nhắc đến vợ
con lão đang ở nhà, lão cũng không phản đối. Về ngay bây giờ là phải đi bộ mấy
chục cây số. Nếu không phải đợi đến mai mới có tàu ngược. Lão sắn quần chân thấp,
chân cao, giọng lão đã run:
-
Nhắc đến chúng nó, tao vừa thương lại vừa căm lắm chú mày ạ. Lũ của nợ ấy làm
tao thân tàn ma dại thế này đây! Rồi lão rơm rớm nước mắt. Khải thật không hiểu
vì sao lão lại nói về vợ con mình như vậy? Nhưng anh không hỏi. Đường còn xa,
Khải chỉ mong sao chóng về đến nhà.
ó
ó ó
Cái
khe núi mọc đầy lá Han có cái mả hủi bao nhiêu năm nay không người qua lại. Cái
mả là của một bà lão thân binh Quốc Dân Đảng từ Trung Quốc sang, lưu lạc ở đất
này sau năm 1949. Bố lão Sinh Béo bấy giờ hãy còn nghèo. Ông cụ chỉ có hai gian
nhà tre lợp lá cọ cho bà người Tàu này tá túc một thời gian. Về sau bà phát bệnh,
ông làm cái lán nứa ở trong khe núi này đưa bà vào ở, khi bà chết dân làng đốt
cái lán rồi chôn bà ở đó. Người ta đồn bà lão ăn mặc rách rưới ấy còn có cái
tay nải, trong tay nải toàn là bạc trắng, vòng vàng. Không phải bỗng dưng mà
ông cụ bố lão Sinh chăm nom như ruột thịt. Khi bà lão người Tàu chết, bà để lại
cho ông cái tay nải ấy. Tiền của nhà lão Sinh có từ số vốn ấy mà ra… Sau này
lão Sinh Béo nói chuyện đồn đại ấy là láo toét cả. Chẳng qua bố mẹ lão ăn ở
phúc đức, cứu khốn phò nguy nên đến đời lão được hưởng phúc. Cũng như câu chuyện
sau này lão phụ trách cửa hàng, lập điểm thu mua lâm sản bớt xén, gian giảo mà
có đều là những chuyện mờ mờ tỏ tỏ, phần nhiều là những câu chuyện ấy qua miệng
lưỡi thế gian thêu dệt lên chẳng qua do ác ý, trâu buộc gét trâu ăn mà thành.
Khải
không quan tâm lắm đến những chuyện ấy, đó là huyền thoại hay đồn thổi, tính
chính xác lịch sử không được bao nhiêu phần trăm. Cái anh lưu ý đấy là đám đất
tốt. Sau gần một tuần phát dọn, một đám đất đen lộ ra. Cũng không thấy cái mả hủi
đâu cả. Có thể lâu ngày mưa gió phong sương đã làm nó không còn dấu vết. Cũng
có thể xương cốt bà lão đã cháy ra than bụi trong cái lán nứa hồi ấy. Nói là
dân làng hồi ấy mai táng cho bà, liệu có đúng không? Thời ấy bệnh hủi là căn bệnh
khủng khiếp liệu có ai dám mó tay vào?
Mẹ
anh từ hồi xin thôi sinh hoạt Đảng, bỗng dưng sinh sính lễ bái. Bà bảo Khải: “
Có thờ có thiêng, có kiêng có lành ”. Hôm Khải đốt dọn bà sắm nải quả, vàng
hương mang vào sì sụp khấn vái. Khải không nói gì. Anh chỉ hơi lạ sự thay đổi của
mẹ. Trước ngày bà không tin lắm vào chuyện cúng bái dị đoan. Không những không
tin, bà còn cho người dẹp Cô đồng, Bà cốt, thày bà cúng bái ở dưới quê nhà.
Hay
là người già, đến một ngưỡng nào đó thay đổi tính nết? Khải đã trồng một vụ đậu
xanh. Cây đậu cao quá gối, lá như bàn tay, lúc ra hoa quả đậu lúc lỉu. Đất để
lâu ngày đậu rất tốt mà lại sạch cỏ.
Chỉ
khổ khi phát, lá han châm vào chân anh mẩn ngứa, có chỗ như bị ong châm. Khải
phát sốt, phát rét đến cả tuần. Anh đã nghĩ đến chuyện trồng một vườn cây lâu
năm. Chỗ này gần nhà trông coi được. Làm màu chỉ nhất thời, vì nếu làm lâu nó sẽ
bạc màu vì đất dốc. Cứ cuốc lâu mãi sẽ trôi hết lớp màu mỡ bên trên để trơ ra đất
củ lúc bấy giờ không cây gì lên được. Trước mắt hãy trồng vườn chuối, khi nào
chọn được cây giống, thay dần.
Bao
nhiêu công anh đi xin chuối con về trồng. Không nhà nào có nhiều. Khải phải xuống
tận xã dưới thồ xe đạp về.
Hôm
ở dưới Huyện về, chuối đã lên xanh, cây bắt đầu bén rễ. Không ngờ ngay tối hôm ấy
lão Chỉ sang chơi. Nét mặt lão khác hẳn mọi khi. Khải rót nước mời nhưng lão
không uống. Lão bảo anh mời bà mẹ lên để lão nói chuyện - Chuyện gì nghiêm trọng
thế nhỉ? Mọi khi bàn bạc việc gì lão đều nói với anh cả - Sao hôm nay cứ phải
có mặt mẹ anh?
Lão
hựm hưm mấy cái rồi mới vào đề:
-
Thế này bà ạ, cái đám đất hôm anh Khải làm tôi đã định không giữ. Nhưng vợ con
tôi không nghe. Bà nhà tôi muốn lấy lại làm. Anh Khải chót trồng chuối rồi thì
bấng về tìm chỗ khác trồng, sắp tới tôi trồng tre.
Mẹ
Khải ngớ người ra một lúc mới nói được, giọng bà vẫn từ tốn nhường nhịn:
-
Đám ấy xưa bỏ hoang có ai làm đâu? Toàn dây móc hùm với đùm đùm, lá han. Cháu
nó phải mất bao nhiêu công mới dọn được, cháu đã trồng xin ông để yên cho nó…
Bà
chưa dứt lời lão đã vằn mắt cắt ngang:
-
Bà nói hay chửa, làm gì có đất hoang! Đám ấy trong bản đồ thuộc đất hợp tác xã
chia cho tôi. Bà không tin lên ủy ban mà hỏi.
Khải
đã thấy nóng mặt, anh cố bình tĩnh:
-
Chính hôm cháu hỏi ông, ông còn bảo là không của ai cả, làm được thì làm. Bây
giờ ông lại nói thế?
Lão
cười gằn:
-
Trước khác, bây giờ khác. Tốt với nhau thế nào cũng được. Nếu cần cởi áo cho mặc
không tiếc. Đểu cáng thì bát nước chỉ còn cặn cũng hắt đổ đi cũng không cho!
Mẹ
Khải cũng ngạc nhiên:
-
Vậy cháu có gì không phải với ông bà bên ấy? Gần gựa đây có gì ông cứ nói thẳng
vào mặt cháu. Nó sai ông chửi nó cũng chịu.
-
Nó làm gì, nói gì bà hỏi con bà thì biết, tôi cũng không có thời gian nói nhiều.
Nói qua thế thôi kẻo bà lại bảo tôi ở ác.
Lão đứng lên ngay, nước cũng không đụng
đến.
Mẹ anh hỏi:
- Anh làm gì để ông ấy giận đấy? Ông
này có tính thù vặt, giận giai lắm, không hay đâu!
Khải cũng không biết nói với mẹ thế
nào. Nghe lão Chỉ nói bâng quơ ngoài ngõ: “ Quân đểu, trước mặt chú khách, sau
lưng thằnh ngô. Để xem phen này mèo nào cắn mỉu nào? ”.
Cứ tưởng khi giận, lão nói thế. Ai
ngờ sớm hôm sau anh vào thăm đám chuối, bố con lão đã nhổ hết lên xếp vào một đống.
Khải giận run người. ở bước đường cùng anh đã muốn được yên phận, bới đất lật cỏ
để sống mà không được yên. Suýt nữa thì anh đã rút cái cọc rào phang cho bố con
lão một trận, muốn ra sao thì ra! Nhưng rồi anh trẫm tĩnh lại được. Đã bao lần
giận mất khôn không biết đến chữ “Nhẫn” làm đầu, anh đã chuốc vạ vào thân để rồi
đến nông nỗi này?
Bắt đầu từ việc túm gáy tên phó
phòng ở cơ quan anh khi gã quá xúc phạm. Khải đã đổ cả một phích nước sôi lên đầu
khiến gã phải nhập viện, khi trong cuộc họp gã mạt sát anh là “thành phần cặn
bã, tác phong tiểu tư sản, sâu bọ trà chộn vào hàng ngũ cán bộ”. Mà tội của anh
chỉ là có quan hệ với Nhóm “Toán xồm” một dạo xôn xao Hà Nội vì ca hát nhạc
vàng. Khi biết hối hận thì thôi, việc đã muộn rồi.
Khải giận tím mặt, không nói câu gì
lững thững bỏ về.
Mẹ anh bảo:
Thôi bỏ con ạ, cố tranh với lão cũng
không được đâu. Ma cũ bắt nạt ma mới. Không ai bênh mình đâu con ạ. Một điều nhịn,
chín điều lành.
Mẹ anh xưa nay vẫn thế, luôn nhận
thua thiệt về mình. Nhưng trong việc này anh cũng không có giải pháp nào hơn.
Nhưng cây muốn lặng, gió chẳng đừng.
Hai ngày sau, lão chặt tre gai kéo đầy
ra đường. Lối xuống sông cũng là lối lên xuống bến tàu xưa nay là lối đi chung
của cả làng. Nó không nằm trong phần đất của ai cả. Giờ thì lão nhận là bến của
nhà lão vì lão là người đầu tiên đánh cái dốc lên xuống. Mặc dù nhiều năm sau
đó hợp tác xã bỏ nhiều công làm cái bến này.
Cái quán mẹ Khải bán hàng nằm kề con
đường xuống bến. Lão Chỉ chôn cọc buộc tre gai thật dày, bịt kín con đường vào
quán. Cái quán của bà cụ bỗng nhiên bị bao vây, không ai ra vào được. Cái Hà hớt
hải chạy về mếu máo gọi bố. Khải bảo con đừng sợ. Anh đi luôn cùng nó ra bến.
Những dóng tre gai ngọn còn tươi ngang ngửa chặn đường, Khải vừa đi vừa gỡ. Anh
vẫn từ tốn:
- Ông nghỉ tay, mời ông vào quán uống
nước, tôi muốn nói câu chuyện.
Nghe cách anh đổi lối xưng hô, lão
Chỉ lườm anh một cái rất nhanh. Lão làm như không nghe thấy gì. Ngoài cái tên
Chỉ đen, lão còn cái tên là Chỉ điếc. Điều gì lão không muốn nghe, hay cảm thấy không có lợi lão đều “bỏ” đi như
điếc. Thực ra lão rất thính tai, không bỏ qua câu gì. Nhất là những cái nhạy cảm
động chạm đến quyền lợi của mình.
Khải biết lão vờ như không nghe thấy,
anh nhắc lại lần nữa. Lần này lão bất ngờ vung tay đẩy anh ra, làm Khải loạng
choạng suýt ngã. Đến lúc này Khải không chịu nữa, anh giật con dao lão đang cầm
ở tay vứt vào đám cọc rào. Công nhận là lão Chỉ khoẻ, người lão như tạc bằng thứ
gỗ Tứ thiết, Lão giật một cái tụt hẳn bàn tay của Khải, rồi nhanh như chớp lão
vớ luôn cái thuổng đào hố nhằm thẳng Khải vụt túi bụi. Nếu như Khải không trải
qua mấy năm đày ải trong tù, quá quen với những cuộc đâm chém giành giật, có lẽ
anh đã bị lão đập vỡ đầu. Bị đánh hụt, lão Chỉ thoáng một chút do dự, rồi lão
la lên:
- ối làng nước ơi, có kẻ giết người
… có ó kẻ ẻ …gi ê ết…
Đám vợ con lão trong nhà hộc tốc chạy
ra, tay dao, tay gậy… Thấy tình thế bất lợi Khải đã định quay về, nhưng không kịp.
Một đám năm sáu người vây tròn lấy anh. Trong tay Khải chỉ có một khúc nứa ngắn
vớ được trong lúc hỗn độn. Khúc nứa đã bị gãy, thuổng của bố con lão đập giập.
Bỗng thằng Chột, con trai lão kêu ối
lên một tiếng máu nó đỏ nhoà cả mặt. Chính cái lưỡi thuổng bố nó đánh Khải văng
vào. Có tiếng súng nổ, mấy dân quân xã chạy đến. Thằng An xóm trưởng, con rể
lão hô hoán bắt trói Khải đưa lên xã. Theo An thì gia đình lão chỉ là người bị
hại. Lão Chỉ sai hai đứa con gái đưa anh trai nó lên trạm xá băng bó. Còn lão
nhặt lại con dao chạy đến quán của mẹ Khải. Hai bà cháu sợ hãi bỏ chạy. Lão Chỉ
chặt đổ quán, hàng họ lão lấy chân xéo nát. Cũng chỉ là vài cái bánh chưng, lọ
kẹo, mấy bao thuốc. Nhưng nom nó còn rất thảm thương.
May mà hôm đó khi giám định vết
thương, ông bác sĩ kết luận vết rách trên mặt thằng Tồ là do lưỡi thuổng văng
vào. Một vết rách hình chữ U của lưỡi thuổng ngay trên con mắt chột của nó.
Không phải vết đâm của mảnh nửa theo lời khai của lão Chỉ và thằng con lão.
Khải bị phạt mấy trăm đồng vì tội
gây rối an ninh trật tự. Khi anh về đến nhà, mẹ vẫn nằm trên nhà khóc tấm tức.
Con bé Hà ngơ ngác đi quanh giường bà. Có lẽ mẹ anh nghĩ rằng lần này nữa, người
ta lại đưa anh đi. Thấy Khải về bà mừng rỡ ngồi dậy. Mấy mẹ con bà cháu nhìn
nhau, không nói câu nào.
Lát sau ông cụ Mậu chạy tới, tay
sách cái túi bằng vải chàm. Ông cụ đặt cái túi lên bàn nói với Khải:
- Đây là những thứ còn dùng được, thứ
nào lão ấy phá nát thì tôi bỏ. Nhặt vào đây cho bà lão bán thêm được đồng nào
trọng đồng ấy. Tôi vẫn biết con người ấy tâm địa xưa nay như thế nào. Nhưng đến
nước này thì không ngờ tới. Đúng là vừa đánh trống vừa ăn cướp.
Mẹ Khải rót cho cụ chén nước, nói lời
cảm ơn. Ông cụ gạt đi:
- Ơn huệ gì, nghĩa làng xóm xưa nay
với nhau là phải thế. Tắt lửa tối đèn phải có lúc cần đến nhau. Việc này bà cứ
để tôi, hôm nào họp Ban quản trị tôi sẽ đưa ra xem các ông ấy nói thế nào? Từ
nay về sau bà với anh cứ phải cảnh giác, lão chưa chịu thôi đâu.
Ông cụ ngồi chơi một lát rồi về. Một
vài người trong làng đến hỏi thăm. Có người vác cả tre đến cho mẹ anh sửa lại
quán. Khải rất cảm động, không biết nói gì với họ. Thì ra ở đời người tốt, người
tử tế bao giờ và ở đâu cũng có. Nếu không có những con người như vậy, Khải sẽ
thấy lẻ loi đơn độc vô cùng.
Chỗ nền quán cũ của mẹ Khải, lão Chỉ
cũng dựng lên cái quán cho đứa con gái bán hàng. Lão nhận chỗ đất ấy ngày xưa
lão đã trồng rau lang, đương nhiên là của lão rồi.
Khải đã định thôi không để cho mẹ ngồi
bán nữa. Bà cũng đã già, cần được nghỉ ngơi. Nhưng theo ý ông cụ Mận như thế
không được. “ở đâu chứ ở làng này mềm thì nắn, rắn thì buông. Được đằng chân,
lân đằng đầu. ít nữa lão Chỉ lại nhận chỗ vườn anh đang ở nói rằng ngày trước
là của lão thì anh tính sao? Không lẽ anh lại chạy chỗ khác?”. Anh thấy ông cụ
nói có lý, anh bảo:
- Con cứ nghĩ ông hiền thế thì thế
nào cũng xong!
Ông cụ vằn mắt, lần đầu Khải thấy cụ
Mận như thế:
- Lành với bụt, ai lành với ma, cái
cậu này rõ thật là…
Hôm sau ông cụ làm bộ cột mới, xếp
lên xe trâu kéo ra, Cụ dựng cái quán đối diện với nhà lão Chỉ. Lão lảng vảng ra
dò la ý tứ. Ông cụ nói:
- Chỗ này chắc không phải đất của
ông nhỉ?
Lão
Chỉ đỏ mặt:
-
Vâng, đất của cụ, tôi không có ý kiến gì. Nhưng không lẽ cụ ở mãi trong làng lại
ra đây bán hàng?
-
Tôi không bán, tôi thuê mẹ con anh Khải trông nom hộ, lời lãi chia đôi.
Lão
Chỉ nín thinh không nói gì. Lão biết cụ nói thế có ý bênh che cho nhà kia thôi,
cụ đâu có cần sống nhờ vào quán này. Nhưng đụng đến ông cụ Mận lão biết là
không được. Cụ là bậc lão thành ở đây. Cán bộ tỉnh huyện hàng năm còn phải về
đi tết cụ. Cụ đã được các vị như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng mời về Hà Nội
chơi. Các vị hỏi cụ có nguyện vọng gì, trên sẽ xem xét. Cụ chỉ bảo cụ chỉ có
nguyện vọng làm người dân tốt. Nước nguy thì đóng góp cứu nước. Thời bình thì
lo làm ăn. Học câu từ ngàn đời “Dân là vạn đại” không ham hố gì. Quà Trung ương
cho cụ chỉ nhận bộ quần áo nâu và cái đèn pin làm kỷ niệm, không lấy thứ gì
khác. Cụ là kiểu mẫu tiêu chỉ mới của làng. Chủ tịch, Bí thư còn phải hỏi ý kiến
cụ nhiều việc.
Vợ
chồng Hai Nối ở trong động cũng vác phên ra làm vách quán. Không ai chào hỏi
lão một câu, khiến lão xấu hổ, bỏ về.
Nhưng
một kẻ đã có gan từ trên trời nhảy xuống như lão Chỉ quyết không chịu. Nhưng
lão chỉ thực sự nguy hiểm sau hôm Sinh béo đến nhà có cuộc trao đổi riêng với
lão.
Sinh
béo lúc này đã kiêm nhiệm thêm chức trưởng công an xã. Người phụ trách công việc
này đã bị bãi nhiệm. Anh ta đã nhận hối lộ để hợp thức hoá cho kẻ chốn trại có
đủ giấy tờ, hộ khẩu, lấy vợ cư trú trong xã cả mấy năm trời. Đến khi bị bắt, Khắc
Điều đã khai ra tất cả. Nếu như trước ngày có bộ luật hình sự, người ta không
rà soát lại, thì không ai biết được việc này. Ngay cả cán bộ công an huyện phụ
trách địa bàn cũng không nắm được vì công an xã không báo cáo lên. Người ta chỉ
tìm ra hắn khi đội công tác đặc biệt của tỉnh được phái về, do có được kinh
nghiệm từ địa phương khác.
Sinh
đã thay đổi một loạt thông tin viên ở các thôn trong xã, đồng thời thay đổi một
số quan hệ vốn có từ trước tới nay. Ông vẫn nắm bãi thu mua lâm sản. Cửa hàng mới
được dựng lại nhưng lượng hàng mua vào bán ra giảm đi rất nhiều. Số nhân viên từ
năm người rút xuống chỉ còn hai. Tư thương bên ngoài theo chủ trương mới đã lác
đác xuất hiện, cạnh tranh với cửa hàng mua bán xã. Hình như mọi sự đều có sự
thay đổi, không bình thường như mấy chục năm qua. Sinh là con người nhạy bén.
Theo ông thì thích nghi với với hoàn cảnh là cách tồn tại tốt nhất như cổ nhân
có câu: “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Lúc nào cũng vuông thành sắc cạnh là rất
dễ bị sứt mẻ.
Tuy
vụ hoả hoạn đến giờ người ta vẫn chưa có kết luận. Vụ chém trâu nhà lão Chỉ
cũng không chỉ đích danh thủ phạm, Sinh béo có một phương án khác. Trong việc
giữ gìn trị an theo ông những người lo việc này phải có con mắt nhìn xa trông rộng,
tiên liệu trước mọi vấn đề. Không phải để đến khi nước đến chân mới nhảy. Bây
giờ phòng hoả vẫn hơn cứu hoả. Đôi khi xác định nhầm còn hơn bỏ lỡ đối tượng.
Kinh nghiệm trong thời gian qua ở địa bàn khiến ông nghĩ như vậy. Rất nhiều vụ
việc nổi cộm lên mà chưa được tháo gỡ. Nguyên nhân từ sự yếu kém của cán bộ cơ
sở. Cờ đến tay ông, việc sẽ khác.
Sinh
đã chủ động cải thiện quan hệ với lão Chỉ. Trong mắt ông, lão cũng chỉ là tên
lính tẩy hết thời. Gặp lúc sơ hở ngoi lên một tý, mạnh tay là lão xẹp ngay. Đối
tượng tiềm năng gây trở ngại lâu dài cho công việc giữ gìn trị an không phải là
lão mà là kẻ khác, là kẻ dày dạn đối phó với chính quyền, mồm ăn, mồm nói và có
gan ở đất này. Chính vì nó mà chuyện vợ con của con trai ông không thành. Không
hiểu con bé mê cái gì ở cái thằng đi tù
về, nghèo rách tả tơi, không có lấy một đồng cắn chắt mà say nó như bị bỏ bùa?
Phải như ông thì đã cắt phăng đi rồi. Thiếu gì
đâu đàn bà con gái, Chẳng lẽ chỉ có nó mới có cái của nợ đó hay sao? ông
đã nói như băm như bổ mà nó không chịu. Nó còn đe nếu không lấy được con ấy nó
sẽ bỏ nhà ra đi. Mà ông có mỗi mình nó là con trai. Cứ nghĩ là sắm cho nó cái
xe máy là con kia chuyển ý. Không ngờ chẳng ăn thua gì. Chỉ chết tiền mua xăng
và chữa xe vì đường xá vùng này không phải đã thích hợp cho xe máy. Vẫn là con
đường sống trâu, có chỗ bùn thụt đến gối. Đúng là mọi việc dù khó đến đâu, chịu
khó tìm tòi cũng có cách giải quyết. Sinh thấy hài lòng về kế sách của mình. Vừa
là biện pháp trị an giữ trật tự chung, vừa hiệu quả với việc nhà. Chỉ cần Sinh
xa gần gợi ý, lão Chỉ hiểu ngay. Lão nói:
-
Tôi cứ nghĩ bên ông không thông cảm với bên này, để ý thành kiến với tôi. Nếu
không tôi đã trao đổi với ông, trị thằng này đến nơi đến chốn. Mầm hoạ là phải
dọn sạch từ ban đầu. Để lâu nó sâu rễ bền gốc rất khó trị.
Sinh
béo cười nhạt, ông nghĩ trong đầu: “Không có kẻ thù lâu dài, cũng không có bạn
bè lâu dài. Mọi sự phải tuỳ cơ ứng biến. Không có gì hay bằng lấy độc trị độc.
Đến như chữa bệnh người ta cũng còn phải dùng cách này. Mình sao lại không?”
Sinh thì thầm:
-
Ông bị bắt lên huyện ai khai ra ông thì ông biết đấy, nếu tôi không công tác,
tôi cũng không giấu làm gì. Nó thuộc về nguyên tắc. Đã là nguyên tắc thì bất di
bất dịch, ông thông cảm cho. Nếu ông dùng sức với thằng này thì ông nhầm. Nó lì
lì thế nhưng không đơn giản đâu. Phải có cách. Trước mắt nếu thấy gì khả nghi
ông cho tôi biết ngay.
Lão
chỉ chớp chớp mắt:
- Vâng, cái ấy thì có
gì khó? Nhưng ông bảo cách làm sao?
Sinh
béo ghé tai: Như thế… Như thế.
Lão
chỉ toét miệng cười, điều chưa thấy bao giờ ở lão:
-
Vậy thì được rồi. Ông ở đây uống với tôi chén rượu, lâu lắm từ hồi xuôi ngược với
nhau ông không ngồi với tôi rồi.
Sinh béo xua tay:
-
Lúc trước khác, bây giờ khác. Bây giờ tôi ngồi với ông, bên ngoài khó coi. Gần
gũi với nhau thiếu gì lúc.
ó
ó ó
Nhà Hai Nối trúng liền mấy vụ lúa
nương, hai vợ chồng bàn nhau cất nhà mới. Người Dao xưa nay vẫn ở nhà sàn. Nhà
sàn người Dao thường đơn sơ hơn nhà sàn người Tày. Nhà người Tày thường làm rất
to, cột nhà cả vòng tay mới hết. Họ thường xẻ ván bưng kín xung quanh nhà. Sàn
nhà cũng lát ván bào nhẵn bóng, kín bưng. Hạt lúa cũng không lọt được qua khe
sàn chỗ nối hai tấm ván. Nhà người Dao ngược lại rất sơ sài. Cột có khi còn cả
vỏ cây không bào. Cây nóc, cây xà cũng không chạm trổ hoa mỹ như người Tày, người
Kinh. Sàn nhà rải bằng giát tre băm để cả cây. Mỗi khi bước đi kêu rào rào. Có
lẽ vì tập quán du canh, du cư, chỉ ở mỗi chỗ một thời gian, nhà cửa người ta
không làm cầu kỳ quá. Tập quán làm lúa nương không làm ruộng nước nên không chú
ý lắm đến nơi ăn, chốn ở. Vì thường thì từ sáng đến chiều cả nhà ở cả trên
nương đến tối mới về. Hai Nối gần đây cùng một số người thay đổi lối canh tác mới.
Anh đã phá được một số ít ruộng nước và đang dự định thay đổi cách làm ăn. Anh
phá bỏ ngôi nhà sàn của mình và thay vào đó làm nhà đất như người Kinh.
Thường là những người khá giả trong
vùng mới đón thợ mộc dưới xuôi về làm. Đó là những ngôi nhà trong vùng gọi là
nhà “Đại Khoa” có tới sáu hàng chân, câu truyền, kẻ bảy có chạm trổ thượng
lương và hai đầu hồi. Đa phần làm nhà đất đơn giản, cũng cột, kèo bằng gỗ nhưng
chỉ có bốn hàng chân, đục mộng thẳng, chỉ bào suông không tô vẽ, chạm hình
chim, cá. Hai Nối cũng làm một ngôi nhà như thế. Thợ là nhờ anh em biết võ vẽ
nghề mộc cùng làm. Như một hình thức đổi công, kẻ trước người sau. Chủ nhà chỉ
lo cây, cột, cái lợp. Quan trọng nhất lo được cơm rượu cho người làm giúp. Tiền
công không cần nghĩ đến.
Khởi công làm từ tháng trước, khi ấy
Khải chưa về. Mọi việc êm xuôi, anh mới vào hộ Hai nối vài buổi. Hôm nào cơm rượu
xong đến tối mệt anh mới từ trong nhà Hai nối trở về. ở nhà bà cháu ăn cơm sớm,
lúc Khải về bà cháu đã sửa soạn đi ngủ. Quảng vô mao cũng đến làm giúp. Lão gần
như không biết làm việc gì. Đúng là đi cuốc mỏi tay, đi cày mỏi chân, chỉ được
cái tài uống rượu. Thôi thì cũng thêm được cái chân lăng xăng, lúc giữ hộ đầu
dây lấy mực, lúc xê dịch khúc gỗ cho thợ xẻ. Không còn việc gì chẻ nắm đóm, pha
hộ ấm nước cho anh em uống. Đám làm nhà coi như đám hội, còn có tên gọi là “Mải”
làm nhà. Đã là đám “Mải” thì càng đông càng vui, thêm đũa thêm bát không ai sợ
tốn kém. Vì thế sự có mặt của Quảng vô mao không làm ai khó chịu. Đến gần trưa
lão lại tự nguyện xuống bếp. Phải công nhận lão là tay xào nấu có nghề. Các món
qua tay Quảng món nào cũng thơm ngon rất đặc biệt cho dù gia vị rất hạn chế.
Người ta khen, lão bảo:
- Đã là dân thì lấy ăn làm trời.
Không biết nấu thì cũng không biết trời là gì. Mà các vị biết đấy, trời cũng thế
thôi có biết ông ấy thì ông ấy mới biết đến mình. Tôn trọng lẫn nhau mà!
Có
người bảo lão cố gắng làm gian cửa, gian nhà cho vợ con ở cho tươm tất. Lão ra
vẻ bí mật:
- Chưa thể tiết lộ thiên cơ được.
Tôi cũng chỉ tạm ở đất này. Sớm muộn gì cũng vào miền Nam sinh sống. Trong đó
dù sao cũng hơn ngoài này. Nhưng phải giải quyết xong một việc đã.
Ai cũng nghĩ như lão chờ bán đất
xong mới đi, vì chỉ có đất còn bán được chứ nhà của lão đâu gọi là nhà?
Quảng
nheo mắt:
-
Đám gò mả Tầu của tôi cho không đắt ai thèm mua!
Người ta lại hỏi vậy
lão có món gì? Quảng càng ra vẻ bí mật:
-
Đã bảo không tiết lộ, nên không thể nói.
Buổi
tối cơm rượu xong, Quảng với Khải về cùng đường. Khải bảo lão để khi khác, lão
vặn lại:
-
Hay mày khinh nhà anh nghèo không thèm đặt chân đến. ờ mà đúng thế thật từ ngày
về đến giờ mày chưa đến lần nào.
Khải
đành phải theo lão vào nhà. Con đường vào nhà lão như thể lâu không có bước
chân người. Cỏ may mọc dày chi chít, thứ cỏ vô tích sự đầy những lông ngứa gài
vào hai ống quần. Mãi sau này nghe cái bài hát có tên “Hương cỏ may” Khải bật
buồn cười. Có lẽ gã nhạc sĩ nọ quen ở thành phố có khi còn chưa biết cỏ may là
như thế nào. Còn bây giờ Khải đang phải vấn cao quần mà trời thì lạnh. Trong
nhà lão Quảng tối như bưng như đi đâu vắng cả. Khi con chó nhách chỉ nhỉnh hơn
con mèo sủa lách nhách mới nghe trong nhà có tiếng chân chạy. Thấp thoáng bóng
người chạy ra sau nhà. Khải thấy lạ, dừng lại. Lão Quảng bảo:
-
Lũ trẻ nhà anh tối đi ngủ “ luy ” hết, giặt kỹ quần áo sớm ra mới mặc đi làm.
Chúng nó sợ nằm nhàu quần áo mà!
Khải
giật mình, lão Quảng sáu đứa con, đứa bé nhất cũng mười lăm, mười sáu tuổi. Quá
nửa là con gái mà sinh hoạt kiểu này là ra sao? Chúng thích thế hay chỉ có độc
mỗi đứa một bộ, ngày giặt tối đem phơi như kiểu bố con Chử Đồng Tử?
Nhưng
rồi mọi việc cũng xong xuôi. Ngọn đèn làm bằng nửa cái chai vỡ, tim bằng mẩu giẻ
cũng được thắp lên. Đèn không có chụp nên ngọn lửa cứ ngả nghiêng như người say
rượu. Vợ con lão ra vườn hay biến đi đâu không rõ, trong nhà còn lão Quảng và
Khải. Lão lại lôi chai rượu ra. Khải gạt đi:
-
Vừa uống rồi, tôi ngồi chơi với bác một lúc rồi về, mai đi làm sớm!
-
Vậy thì thôi, anh cho chú mày xem cái này. Chỗ tin tưởng tao mới nói với chú. Cấm
được cho ai biết đấy nhé!
Lão
lôi cái bao tải cũ trong đựng thứ gì rất nặng. Quảng thò tay vào bốc ra một nắm.
Lão mở tay ra, Khải thật ngạc nhiên: Trong bàn tay lão Quảng là những đồng tiền
cổ màu đen hình tròn có một lỗ vuông ở giữa. Nó giống như đồng tiền người ta
hay xin âm dương khi cúng lễ. Những đồng tiền khải chưa nhìn thấy bao giờ. Nó
dày gấp đôi loại tiền chinh mà anh đã từng biết. Nhưng lão Quảng lấy đâu ra thứ
này?
-
Con nhà anh nó đào dây củ, sâu chừng nửa mét thì gặp cái chum bằng sành. Bên
trong toàn một loại tiền này. Anh nghi nó là đồng đen vì không có đồng tiền nào
bị han gỉ cả. Nếu bằng đồng đỏ hay bằng đồng thau thì đã gỉ hết rồi. Chỗ anh
đang ở đây có thể quân cờ đen giấu của. Họ tính toán chôn vào giữa khu mộ này,
không ai ngờ đến. Chú đi đây đi đó nhiều, thử tìm hộ mối giúp anh. Nếu nó là đồng
đen thật thì anh em mình đổi đời rồi. Không tội gì chui rúc mãi ở xó rừng này.
Tao với chú mày vào hẳn Sài Gòn cho nó sướng. Bõ cái công bao năm ăn mắm, mút
dòi…
Khải
chưa nói gì. Thì ra lão Quảng không đơn giản chút nào. Con người tưởng không có
gì để yên được trong bụng, hoá ra cũng có cái rất kín đáo. Nếu lão có tiền xuôi
ngược lão đã tự đi tìm. Còn nhờ người khác phần người ta không tin lão là chuyện
có thực, phần lão không tin ai. Hư thực về số tiền này chưa biết thế nào. Nó là
vật có giá trị, hay chỉ là đám đồng nát? Khải cũng không hy vọng gì nhiều về sự
may mắn này. Anh chỉ gật đầu rồi chào lão ra về.
Không
biết ai đến chơi hay có việc gì mà trong nhà mình vẫn còn đèn? Khải bước vội
vào nhà. Mẹ anh vẫn ngồi bên ngọn đèn dầu, xung quang yên ắng, không có một ai.
- Chiều nay có hai
người đàn ông đến tìm anh đấy!
- Người ở đâu hả mẹ?
-
Người lạ lắm! Tao chưa gặp bao giờ, một người trông thấp đậm, một người cao to
da đen, đầu đội mũ len kéo xụp xuống mặt, chỉ nhìn rõ hai con mắt. Tao chịu
không biết là ai.
Mẹ
anh kể suốt buổi ngồi chờ, cái mũ trên đầu hai người lạ mặt để nguyên như thế.
Cả hai không nói gì nhiều. Gần đến lúc đi mới bảo là bạn của anh nào đó trên
bãi vàng. Họ nói anh là đồng bọn với kẻ tạt axít vào mặt anh ta. Họ đòi anh phải
bồi thường năm triệu đồng cho người bị hại. Người này nổ hai con mắt, bị bỏng rất
nặng đang nằm ở viện. Họ không nói là ngày nào, nhưng bất chợt sẽ đến nhận tiền.
Nếu gia đình không lo đừng trách họ xử tệ.
Khải
bàng hoàng, vụ việc công an người ta đã giải quyết, để chờ ngày đưa ra toà xét
xử. Anh đâu có mắc mớ gì? Khải chỉ vô tình có mặt khi đó và đã được tha về. Họ
nhân danh cái gì để đòi tiền anh? Rõ ràng đây là một vụ tống tiền.
Anh
lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để nộp cho chúng? Nếu không có chắc chúng không
để cho anh yên. Vậy phải làm sao bây giờ? Đi báo công an thì không có manh mối,
căn cứ nào để nói với họ? Cho đến bây giờ Khải cũng không biết chúng là ai, mặt
mũi như thế nào, chúng là kẻ không rõ mặt, đến không hẹn, đi không chào. Nếu biết
cụ thể là kẻ nào còn biết đường đối phó. Đây chúng như kẻ vô hình. Hành tung
không xác định. Rất khó đề phòng.
Mẹ
anh kể trước lúc vào nhà anh, bọn chúng có ghé vào nhà lão Chỉ một hồi lâu.
Quan hệ của nhà lão Chỉ như thế nào? Nếu không xảy ra chuyện ẩu đả hôm vừa rồi
Khải có thể sang nhà hỏi lão. Còn bây giờ thì không thể. Liệu có phải là mưu đồ
của lão mượn tay kẻ khác hại mình?
Khải
lựa lời nói với mẹ để bà yên tâm và giục bà đi ngủ, nhưng chính anh thì không
sao chợp được mắt, trằn trọc suốt đêm với bao câu hỏi mà chưa có cách trả lời.
Gần
sáng, Khải mới chợp mắt được một lúc. Khi anh tỉnh dậy mặt trời đã lên cao.
Không ai làm giúp mà giờ này mới đi. Khải quyết định ở nhà nghỉ một buổi. Công
việc nhà Hai Nối cũng còn phải lâu mới xong. Khải còn nhiều dịp để giúp đỡ vợ
chồng anh.
Chính
những ngày anh vào giúp vợ chồng Hai Nối có một việc xảy ra mà anh không biết.
Thay vì uống rượu say khiêu khích chửi rủa như mọi khi, lão Chỉ âm thầm chuẩn bị
một âm mưu. Lão quyết định ra tay dạy cho Khải một bài học. Lão đã từng nói với
Sinh béo rằng: “Những thằng như nó không dùng được phải diệt đi, để lâu tất
sinh hoạ”. Lão đã coi anh như loại kẻ thù tiềm năng, không để anh vững chân ở đất
này. Đến lúc ấy muốn nhổ đi cũng không được. Sau lưng lão bây giờ còn có ông
Sinh, nhờ quan hệ đôi bên được cải thiện. Cũng phải thôi, dù sao mình với họ
cũng là chỗ làm ăn cật ruột lâu năm ở đất này. Chỉ cần ông ấy lờ đi không can
thiệp là đủ để lão rửa mối hận mất mặt với làng từ trận xô xát vừa rồi. ở đâu
chứ ở đất này bị coi thường, bị khinh thì khó bề sống nổi.
Thằng
Mai con lão Sinh còn hiến cho lão một kế hay, nó bảo: “Thằng này vốn có mối thù
với bọn bãi vàng, mà ở đấy toàn bọn đầu gấu bất cần đời. Ông chỉ cần cho cái Nhỡ
nó lên nói với chúng nó một tiếng là chúng xuống ngay. Bồi dưỡng cho chúng nó
chút đỉnh, nó không chê đâu”.
Nó
đúng là con nhà nòi, mưu lược đâu ra đấy. Thế mà mình không nghĩ ra. Cái Nhỡ có
đứa con hoang nhưng vẫn còn xinh gái. Nghe bố nó nói nó tấm tửng đi ngay. Gì chứ
mồi chài dụ dỗ nó là gái có nghề. Thả bè trên sông trạm nào gay go đến mấy nó
còn biết cách qua được, huống chi bọn bãi vàng thấy gái như mèo thấy mỡ? Chắc
không thằng nào chê.
Hai
thằng đến chiều hôm trước lúc Khải vắng nhà chính là hai thằng này. Chúng định
về nhà lão Chỉ nghỉ một giấc gần sáng sẽ sang nhà mà không hẹn, là sợ Khải biết
đề phòng, không ngờ rượu vào lại nhiều đêm rồi thức đánh bạc, nên chúng ngủ
quên. Chúng đã tạo cớ như người Mỹ dựng “Sự kiện vịnh Bắc bộ 5-8”, nếu như việc
chẳng may bại lộ chúng sẽ không bị buộc tội vô cớ đánh người. Việc xong xuôi
chúng sẽ nhận món tiền rút êm, không ai biết chúng là ai. Nhưng cơn buồn ngủ đã
làm cho chúng sáng hôm sau chưa dậy được. Lão Chỉ cho thế lại là cái may. Chúng
ít đi lại ra ngoài càng ít người biết càng tốt. Đêm nay không được thì đêm mai.
Cứ để yên cho hai thằng ngủ.
Nhưng
khi tàu lên thấy Khải xuống tàu lấy hàng lão nảy ra một ý. Con tàu tự lực lâu
nay thường thu không đủ chi. Nhân viên trên tàu tất cả có năm người, lương rất
thấp. Họ vẫn phải kiếm thêm bằng cách khác. Trong đó có việc gửi hàng xuôi ngược
của các quán xá, người đi buôn. Một việc nữa không kém phần quan trọng: Bớt một
hai can dầu gửi vào làng bán cải thiện. Thường thì họ gửi bà mẹ Khải, buổi tối
họ mới lên lấy. Thứ dầu ma dút đỏ thắp vừa tối vừa lắm muội. Nhưng người trong
làng vẫn mua. Dầu trắng phân phối thường không đủ. Dẫu sao nó cũng là việc làm
lén lút vụng trộm, vì là tài sản Nhà nước. Việc đó lâu nay ai cũng biết và coi
đó là sự thường. Nhưng bây giờ lão Chỉ nhìn nó với con mắt khác…
Lão
gọi hai thằng dậy, giục chúng đi rửa mặt, ăn tạm bát mỳ nấu, lão nói nhỏ đủ cho
hai thằng nghe:
-
Đợi cho nó xuống hẳn dưới tàu, bọn mày chặn ngay đầu cầu không cho nó lên bờ. ở
chỗ hẹp nó có tài thánh cũng không chống đỡ nổi. Khi nào tao hô lên là khởi sự
ngay.
Con
tàu tự lực vốn là con tàu chiến được cải tạo lại để chở khách, nó có từ thời
Pháp nên lối lên xuống rất không tiện. Người ta phải bắc tấm ván dài từ trên boong
để làm cầu. Giờ là lúc những người có hàng xuống bốc hàng lên. Có mỗi cái cầu
nên phải chờ nhau khá lâu. Minh Đen, thợ máy sách lên một can dầu để vào góc
quán. Anh bảo Khải xuống tàu mang nốt số hàng bà cụ gửi mua dưới thị xã về bán
lẻ. Khải vừa từ trên boong tàu xuống khoang hành khách bỗng thấy có tiếng la
hét trên bờ:
- Có kẻ ăn cắp tài sản
nhà nước bà con ơi!
- Bắt lấy nó đánh chết
đi.
Khải
nhìn thấy lão Chỉ cùng thằng con cầm gậy. Phía sau hai người đàn ông đội mũ len
che kín mặt. Anh giật mình đúng là một cao một thấp như mẹ anh nói tối qua. Cả
hai mặc quần áo bộ đội, đi dày cao cổ như đi đánh trận. Lính tính báo cho anh
biết có chuyện chẳng lành. Khải định nhảy lên bờ nhưng không kịp nữa rồi. Cả bọn
đã chặn ngang đầu cầu không còn lối lên. Từ tàu đến bờ khoảng tương đối xa, bờ
lại thụt không thể nhảy lên được. Lão Chỉ chạy vào quán sách can dầu ra chỉ vào
Khải:
-
Tang vật đây rồi bắt lấy thằng đội mũ lá kia bà con ơi! Chính nó ăn cắp dầu nhà
nước, bắt giải lên xã. ã..!
Khách
đi tàu không ai nói gì, họ xúm lại quanh bờ, họ ngạc nhiên trước thái độ của bố
con lão Chỉ, nhưng không ai dám can ngăn. Khải lấy lại bình tĩnh, anh không làm
việc gì sai nên không sợ. Anh còn định đi thẳng đến chỗ lão Chỉ hỏi cho rõ việc
gì. Khi Khải đến gần hai thằng đội mũ đen, bất thần lão Chỉ quát lên:
-
Nó có dao đấy cẩn thận.
Bất
ngờ hai thằng rút dây côn đôi từ sau lưng áo nhằm Khải quất vun vút. Khải đành
phải vừa né tránh vừa nhảy lại lên tàu. Trên bờ bố con lão Chỉ ào ào nhảy xuống.
Tình thế vô cùng nguy ngập. Khải đã định nhảy xuống sông bơi sang bờ bên kia,
vì trong tay không một tấc sắt khó lòng chống cự, nhưng bọn chúng là những con
dái cá thông thạo sông nước. Nếu anh nhảy xuống lúc này sẽ bị chúng nhảy xuống
dìm cho no nước. Thoáng một chút hy vọng vào những thuỷ thủ trên tàu, họ luôn
có khẩu Aka mang theo. Chỉ cần họ can thiệp là sẽ không xảy ra chuyện gì. không
hiểu sao họ chạy cả vào trong khoang, đóng sập cửa lại. Đúng là có ăn tìm đến -
Có việc tìm đi. Khải đành chạy quanh cabin tránh đòn đánh tới. Một nhát côn đã
văng vào vai anh, đau đến nhói óc. Bản năng sống còn bỗng trỗi dậy. Khải bỗng
thấy hăng hái, quên chết, nhảy đại vào phía bọn côn đồ. Bọn chúng thoáng chút
nao núng lùi lại. Nhưng thấy Khải tay không chúng lại xông lên. Khải bị vấp sợi
dây suýt ngã. Sự may mắn tình cờ cứu anh lúc nguy cấp. Khải nhặt được một đoạn
xích đứt vứt trên boong tàu. Đó là loại xích vòng to như ngón tay dùng để neo
tàu. Không hiểu vì sao nó bị đứt vứt trên boong. Đoạn xích hơn sải tay đã khiến
cả bọn lùi lại. Thằng chột hoảng hồn xô bố nó ngã vập mặt vào thành tàu. Lão ôm
mặt kêu thét lên, cả bọn lùi lại đỡ lão dậy. Từ sống mũi lão vọt ra một tia máu
như gà cắt tiết. Sàn boong thoáng chốc loang đầy máu. Khải dừng tay mặc chúng
khiêng lão lên bờ. Đến lúc này trên bờ mới vang lên ba tiếng súng Aka , Sinh
béo cùng một đoàn người lố nhố súng ống kéo tới. Người ta giục đưa lão đi viện
cấp cứu ngay vì vết thương ở giữa tinh mũi giáp chỗ gọi là lá mía. Cũng may cho
lão, chỉ cần dịch lên, dịch xuống nửa phân là phạm vào chỗ hiểm, tài thánh cũng
không cứu được.
Lão
Sinh giữ Khải làm biên bản tại chỗ, lạ một nỗi hai thằng bịt mặt chuồn khi nào,
cũng không ai nói đến chúng. Cũng may cụ Mận thả bò gần đấy và mấy người đi đường
làm chứng. Biên bản đành phải ghi: Lão Chỉ cùng số người nhà đánh trước, vết
thương của lão là do chính đứa con của lão xô ngã gây nên. Thấy tình tiết diễn
ra như thế, lão Sinh nói:
-
Mọi người ai về nhà nấy, ai còn sinh chuyện xã sẽ xử lý nặng. Những người liên
quan sẽ được gọi lên xã trình bày sau.
Nhưng
rồi đến khi lão Chỉ ra viện cũng không thấy ai nhắc gì tới. Không phải sự việc
không quan trọng không cần giải quyết, mà vì người cầm cân nảy mực thấy không
nhằm được cái đích của mình nên cho qua.
Lão
Chỉ đánh tiếng rằng lão chưa chịu. Bằng mọi cách lão sẽ nhổ cho kỳ được cái gai
mới thôi.
Bà
mẹ Khải bảo con:
-
Chúng nó chưa chịu đâu. Lão Chỉ đã đành, còn bọn bãi vàng không phải quân vừa.
Thôi con cứ về xuôi kiếm việc gì làm tạm một thời gian cho nó nguôi nguôi đi
đã, rồi hãy về. Tao già rồi, chắc nó không dám đụng đến đâu. Còn có dân có
làng, có nhà nước không phải nó muốn làm gì cũng được.
Một
lần nữa anh được chứng kiến sự vững vàng của mẹ. Người đã từng chỉ huy du kích
vùng địch hậu. Cũng là người chống trọi với bom đạn Mỹ thời chiến tranh phá hoại.
Đấy mới là cái cốt lõi của người mẹ bề ngoài hiền hậu, nhường nhịn đến mức tưởng
như chịu lép vế trước mọi người.
Khải
đã định không đi đâu cả. Không lẽ anh lại khuất phục trước bạo quyền? Đi rồi để
mẹ và con nhỏ ở lại, Khải không yên lòng. Nhưng ở lại thì nỗi buồn nhiều quá,
như tất cả chông gai bất hạnh rủ nhau trút xuống đầu mình. Tất cả đã mấp mé ngưỡng
chịu đựng của Khải. Anh có cảm tưởng như sắp tuột tay bấu víu vào cuộc sống.
Một
buổi sáng sau đó vài ngày, một cảnh tượng Khải không hình dung tới diễn ra trước
mắt anh. Chiếc xe Bốt xoa của thằng Mai lượn qua lượn lại trước ngõ nhà Khải.
Thịnh ngồi phía sau có ý quay mặt để Khải ở trong nhà không nhìn thấy. Nhưng
cái áo cô mặc với mái tóc dài của Thịnh Khải vẫn nhận ra ngay. Vẫn là cái áo cô
mặc hôm hai người đi dạo trên con đường vắng vẻ một đêm trăng dọc bờ sông. Sự
thay đổi đột ngột ấy làm Khải choáng váng. ít ra cô cũng phải nói lại với anh một
vài lời. Đằng này cô làm như không có chuyện gì. Ôi lòng người không biết đâu
mà lường! Sự giả dối đôi khi làm người ta lẫn lộn. Còn đâu nữa sự cao thượng của
tình yêu? Rốt cuộc con người ấy vẫn dễ dàng trôi tuột về cái tầm thường cố hữu
của mình. Khải thấy xung quanh như đặc quánh lại ngột ngạt đến không thở được.
Anh cần đi đâu đó một thời gian để thay đổi cảm giác nặng nề này. Để tiếp tục sống.
Chỉ
còn chút tiền trong túi áo, Khải để lại cho mẹ phòng khi ở nhà bà cháu đau ốm
hay có việc gì đó cần đến tiền. Vẫn còn chiếc nhẫn cưới ngày nào, Đỗ Đen tình cờ
thấy lại đưa trả cho anh. Không hiểu vì sao nó vẫn tồn tại đến giờ, khi Khải đã
mất đi nhiều thứ to tát quan trọng hơn?
Ngày
ra đi Khải định sẽ không gặp lại Thịnh. Theo anh nghĩ, cuộc gặp ấy cũng giờ
không còn ý nghĩa gì. Cô đã rẽ theo nẻo khác, với bạn tình khác, với ý thức cuộc
sống thực dụng, thực tế hơn.
Nhưng
Khải hoàn toàn không biết lý do vì sao Thịnh phải tìm đến Mai. Trong khi thất vọng
gần như mù quáng anh đã không đủ bình tĩnh và tỉnh táo để xem lại sự việc. Sau
này khi trở lại Khải ân hận và hối tiếc vô cùng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang