Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Vụ thẩm mỹ Cát Tường: Bắt được tín hiệu thi thể người dưới cầu

 

Thanh Trì

Hai Hoang Van 
Với phương pháp mới vào cuộc tìm kiếm thi thể chị Huyền, Giáo sư Vũ Văn Bằng - Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật VN cho biết đến nay đã bắt được tín hiệu thi thể người.
- Giáo sư có thể nói rõ về phương pháp mới áp dụng vào việc tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền ?
-  Đây thực chất không phải phương pháp mới trong khoa học mà đã có từ  hàng chục năm. Máy tìm kiếm được sử dụng là máy địa bức xạ từ thứ cấp,  loại máy này đã được sử dụng để tìm kiếm thi thể người bị vùi lấp trong  các thảm họa sạt lở núi, chết đuối và cả tìm mộ liệt sỹ…
Phương  pháp này chỉ mới khi áp dụng để tìm kiếm thi thể của chị Huyền sau những  tháng ngày vừa qua không có kết quả dù đã rất nhiều lực lượng tham gia  tìm kiếm.

Giáo sư Vũ Văn Bằng và máy địa bức xạ. Ảnh: Tiến Mạnh.            
- Tỉ lệ thành công của phương pháp này, thưa ông ?
-  Thành công phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên tín hiệu từ máy  định vị rất chuẩn xác. Trong suốt chiều dài sông mà thi thể trôi dạt  phải tìm kiếm lại từ đầu để lần theo dấu vết.
- Tại sao không sử dụng phương pháp này sớm hơn trong việc tìm kiếm?
-  Đúng vào khoảng thời gian xảy ra sự việc bác sĩ ném xác tôi có đi công  tác và mới trở về. Khi nhận được tin về sự bế tắc của việc tìm kiếm tôi  và các nhà khoa học trong hiệp hội đã quyết định vào cuộc với hy vọng  đem lại kết quả nhiều người đang mong đợi.

“Chúng tôi dựa vào xương cốt,  tia từ tồn lại tàn dư, xác định vị trí ném trên cầu dựa vào lời khai,  xác định vị trí trôi để tìm kiếm xác chị Huyền”, một giáo sư thuộc Liên  hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nói.  Ảnh: Nguyễn Hoàn.
- Đến nay, việc máy đo địa bức xạ có cho kết quả gì thưa ông?-  Tôi khẳng định có thi thể dưới cầu Thanh Trì vì có tín hiệu báo về máy  chính xác 100% nhưng phải xem thi thể có còn ở nguyên vị trí đó không  hay đã trôi đi chỉ còn lưu lại dấu vết, và đó có phải thi thể chị Huyền  không hay của một người xấu số khác.
Hiện, vẫn chưa có một khu vực  nào chuẩn mực để xác định rằng thi thể đang nằm tại đó nhưng chúng tôi  đã xác định được điểm lan can cầu mà bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã kéo lê  thi thể ra rồi ném xuống sông. Việc thi thể ném xuống sông là có thật và  với phương pháp này đoàn tìm kiếm tin rằng sẽ tìm thấy thi thể trong  những ngày tới.

Lê Tú  
Theo Tri Thức

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có tiền trả nợ đi kêu oan, gia đình ông Chấn sắp ra đường


Không có tiền trả nợ đi kêu oan, gia đình ông Chấn sắp ra đường

Hiện vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn lại như ngồi trên đống lửa bởi căn nhà ọp ẹp làm chỗ che mưa che nắng, chui ra chui vào có nguy cơ mất, do ông bà không đào đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng.


Khi ông Nguyễn Thanh Chấn chịu án tù, hàng quán của vợ chồng ông chẳng còn mấy khách lui tới bởi họ khinh rẻ một kẻ giết người, hiếp dâm.


Để có tiền trang trải hành trình đằng đẵng kêu oan cho chồng, ngoài việc đồng áng, bà Nguyễn Thị Chiến còn lặn lội sang làng bên mua vài ký thịt lợn về bán lấy vài hào mua rau nhưng lời lãi chẳng đáng là bao. Một thân bà Chiến cực khổ đã đành, đến mẹ chồng bà, các con bà cũng chẳng được yên. Bà Vì, mẹ của ông Chấn là vợ liệt sĩ, góa chồng từ lúc còn trẻ nhưng quyết ở vậy nuôi con. Trước sự việc con trai bị đi tù, người thì nói thẳng vào mặt bà, người lại đàm tiếu sau lưng, nói bóng nói gió khiến bà tan nát cõi lòng, kéo theo sức khỏe cũng suy giảm nghiêm trọng.
Vụ án oan Không có khả năng trả nợ ông Chấn sắp phải ra ngoài đường
Ông Nguyễn Thanh Chấn bên ngôi nhà đã xuống cấp đã cầm cố lấy tiền cho hành trình kêu oan.
Thương con trai, con dâu và các cháu, thân già đau yếu,bà ra ngoài chợ dựng túp lều để bán tí dưa cà mắm muối, nhưng cũng chỉ có một số rất ít người thấy thương hại mà mua. Thương nhất là mấy đứa trẻ, khi bố bị bắt đều đang tuổi đến trường nhưng tất cả đều không vượt qua nổi sự kỳ thị, xa lánh của bạn bè. Cậu út học lên cao đẳng nhưng cũng lại nghỉ nửa chừng vì bạn bè biết được bố mang tội giết người. Thương các con, bà Chiến chỉ biết khóc thầm, khóc vụng rồi lại động viên con cố gắng chịu đựng để bà có thêm nghị lực đi kêu oan cho chồng. 
Như hiểu được tấm lòng của bà Chiến, thương người mẹ ốm đau mà vẫn phải gồng mình lên để kêu oan cho chồng, các con bà cũng cố gắng đi làm thuê chắt bóp từng đồng đỡ đần mẹ xuống Hà Nội kêu oan cho bố. Bà Chiến bảo không nhớ đã bao nhiêu lần về Hà Nội, bàn chân đã đi nhẵn rất nhiều các cơ quan bảo vệ. Tuy nhiên nhiều lúc cảm thấy vô vọng vì khi bà gửi đơn kêu oan cho chồng thì nhận được những từ chua xót của các cán bộ tiếp nhận đơn "giết người còn kêu oan nỗi gì"!
Gia đình người chết ngay cạnh nhà thi thoảng lại đến trước cửa mắng chửi từ bà mẹ đến vợ con ông Chấn. Đau đớn không biết bày tỏ cùng ai, hai cô con gái ông Chấn thề nếu không minh oan được cho bố sẽ không đi lấy chồng. Cô con gái lớn xin làm công nhân bị bạn bè xa lánh, ức quá vay tiền đi lao động nước ngoài, dành dụm được chút nào lại gửi về cho mẹ đi kêu oan cho bố.
Cậu con trai cả lấy được vợ nhưng cũng chỉ chung sống được một thời gian thì vợ bỏ vì không chịu nổi áp lực con của kẻ giết người. Nhìn cảnh các con học hành dang dở, muốn yên ổn kiếm sống cũng không xong, bà Chiến như đứt từng khúc ruột. Bà lại nén nỗi đau của riêng mình lại, gắng động viên các con rồi lặn lội đi kêu oan cho chồng.
Vụ án oan Không có khả năng trả nợ ông Chấn sắp phải ra ngoài đường
Ông Chấn bên những người thân.
Bà Chiến tâm sự với PV rằng, nếu kể nỗi khổ cực, nhục nhã, tủi hờn hành trình 10 năm đội đơn kêu oan thì dài tưởng như vô tận. Nó đã vắt kiệt sức lực, tinh thần của bà. Còn về tiền để trang trải dọc chặng đường kêu oan thì bà Chiếncho biết: "Trong 10 năm kêu oan, tôi đã phải vay mượn hơn 170 triệu đồng tiền mặt, còn chưa kể chị, em trong gia đình đã phải cắm 3 sổ đỏ để mượn tiền đưa cho tôi đi kêu oan cho chồng". Có những hôm lê bước đến các cơ quan chức năng, bụng đói cồn cào, cổ khát cháy nhưng chẳng dám đi ăn ở hàng quán bởi sợ đắt đỏ, bà chỉ dám mua cái bánh mì rồi xin ngụm nước uống chống đói, khát. 
Cũng trong thời gian gần 3 năm sau vụ án, trong một lần bà Chiến cùng con gái đi tiếp tế cho chồng đã gặp phải một vụ tai nạn khiến cho bà bị rách 2 miếng to ở đùi, còn con gái chị thì ngất lịm đi.
10 năm, với một niềm tin sắt đá rằng chồng mình vô tội, người phụ nữ nông thôn kiên định tuyệt vời đã làm nên điều kỳ diệu. Những chứng cứ bà Chiến gửi cho công an như là "làm cỗ bắc lên cho công an uống rượu" (lời bà Nguyễn Thị Chiến).
Tuy nhiên, hiện nay, vợ chồng ông Chấn lại như ngồi trên đống lửa bởi căn nhà ọp ẹp làm chỗ che mưa che nắng, chui ra chui vào có nguy cơ mất bởi ông bà không đào đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng.
(ĐSPL)

Bàn về người Việt "còi cọc"


Nguyễn Quang Thân
Phần 1: Vì đâu người Việt “còi cọc“
Cũng như một con người, một dân tộc có phần hồn và phần thể xác. Dân Việt ta cũng vậy. Xin chưa bàn đến phần hồn, hãy bàn với nhau chuyện thể xác. Hãy ra đường, đến sân trường học, cổng các khu chế xuất hoặc ngồi trên vài chuyến xe buýt, bất kỳ ai cũng phải thốt lên: Sao người mình “còi” thế!
Tôi chưa đi được nhiều nước, nhưng thấy người mình “còi” hơn người châu Âu, người Trung Quốc, người Singapore và có thể cả người Lào và người Campuchia, hai nước sau này nghèo hơn nước ta nhiều.
Người Việt miền Bắc “còi” hơn người Việt miền Trung và Nam, người miền núi còi hơn dân duyên hải. Nghịch lý là, công nhân làm cơ bắp lại “còi” hơn cán bộ, cán bộ cấp dưới còi cọc hơn cán bộ cấp trên! Con số buồn: Dân số VN đứng thứ 13 nhưng chỉ số thể hình xếp 103/173 nước trên thế giới.



Một vấn đề văn hóa

Tuy là chuyện thể xác nhưng lại có thể bàn về rất nhiều khía cạnh văn hóa của chuyện còi cọc. Dung nhan cũng là thể diện. Vóc dáng người Việt chính là thể diện – hay người ta thường nói là bộ mặt của đất nước.

Bởi vì không phải ai cũng đọc sử Việt Nam, nghiên cứu di sản tinh thần như “anh hùng, dũng cảm, cần cù, tình nghĩa”, những đức tính tốt đẹp của người Việt. Thậm chí còn có nhiều người trên thế giới chưa nghe nói đến hai tiếng Việt Nam. Xin lỗi những người thích tự sướng, chuyện này là có thật đấy ạ và tôi đã được đọc trong một bài báo về du lịch.
Vậy thì trước hết người ta nhìn “người Việt” bằng mắt thường. Nghĩa là ngắm anh ta đi đứng ra sao, xách cái này, đẩy cái kia, phản ứng thế nào khi có một thằng cướp giật tóm cổ đòi tiền hay đe dọa. Đã là man thì đương nhiên phải manly chứ? Có khỏe mới giữ được nhân cách.

Với phái nữ thì người ta quen nhìn bộ ngực thế nào, vòng hai vòng ba ra sao. Các bà mẹ chồng thường chọn con dâu đẹp đã đành mà con phải có vóc dáng cao lớn, ngực nở vai rộng, xương chậu nở nang để còn làm mẹ, sinh con đẻ cái nối dõi gia tộc cho bà. Chân dài cũng hay nhưng cô con dâu tương lai không thể là cây sào chống thuyền hay làm giàn cho mướp leo!

Công dung ngôn hạnh thời xưa và cả thời nay nữa, có nội hàm một người nữ khỏe mạnh, cứng cáp không phải để bắt cướp mà có khả năng cáng đáng chức nội tướng trong gia đình khi gặp khó khăn.

Có “dung” khỏe chắc thì mới có “công” giỏi giang. Có “dung” có “công” khỏe mạnh thì mới có “hạnh” (không chỉ giữ tiết trinh cho chồng mà còn biết vị tha, giúp đỡ người khác bằng tinh thần, tay chân khi hữu sự, chăm sóc cha mẹ chồng con khi ốm đau), “ngôn” mẫu mực là ăn nói dịu dàng, đúng mực nhưng cũng phải biết hét thật to kêu cứu khi nhà có cướp hay bị xâm hại chứ?

Tóm lại, cái bao trùm “công dung ngôn hạnh” là khỏe mạnh. Còi cọc, ốm yếu thì không có gì hết. Chắc người nước nào, văn hóa nước nào cũng vậy thôi.

Người Việt mình (và cả người Tàu nữa) nói không oan là không biết nhảy. Tôi không kể các cuộc thi nhảy trên TV hầu như dành cho rất ít người có tài này muốn thành chuyên nghiệp, khác với nhiều dân tộc hễ có nhạc nổi lên là họ ngọ nguậy người, chí ít thì cũng đập đập thìa nĩa vào đĩa thức ăn.

Người mình có thể giỏi nghĩ mưu, giỏi đanh đá, chua ngoa, ngôn từ sắc như dao nhưng không giỏi dùng tay chân, cơ thể như một thứ có sẵn trời cho để biểu hiện suy nghĩ, tình cảm của mình trong lễ hội, liên hoan hoặc gặp gỡ, nơi không thể hoặc không tiện dùng tiếng nói, ngay cả hát. Động thái mạnh mẽ nhất là giơ tay lên với cái ly đầy bia như chuẩn bị đâm lê và thét lên mấy tiếng “dzô dzô” hệt người rừng.

Tôi đã hơn một lần nhìn người nước ngoài chán ngán ngắm các anh chị người Việt mình là những người duy nhất ngồi xổm trong nhà nghỉ chân ở sân bay châu Âu như Franfurt, Orly. Họ nhìn mà như gặp người sao Thổ, chán đến vãi!

Thiệt hại về kinh tế

Trên đây có nói tới các bà mẹ chồng chọn vợ cho con. Các ông chủ xí nghiệp- ngay cả người trong nước tuyển công nhân, kỹ sư hay chuyên gia còn khó tính hơn. Công nhân còi cọc thì làm được gì?

Máy móc được sản xuất từ châu Âu châu Mỹ, nơi chiều cao bình quân của đàn ông thường trên một mét bảy (Mỹ 1,78m, Úc 1,82m, Đức 1,81). Top 10 nước “cao” nhất thế giới đều là những nước phát triển rất giàu, có thể giàu nhất như Mỹ, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch...

Cho nên, “tiền nào của nấy”, công nhân mình (với chiều cao trung bình 1,62m) có giá rẻ. Và cái mà ta thường “tự hào” có nhân công giá rẻ thật ra chỉ là hậu quả của nhiều thứ trong đó có “giá trị thể hiện hình thể”.

Chị em làm máy khâu, công nhân điều khiển cần trục, lái xe tải, xe ben, thậm chí cả phi công lái máy bay Boeing hay Airbus đều phải cố gắng rất nhiều, “vươn người, duỗi chân, duỗi tay” tối đa để có năng suất như ý. Điều đó một người Mỹ hay Đức làm mà chẳng phải cố gắng bao nhiêu. Họ cao hơn ta những 12-15 cm cơ mà!

Trên đồng ruộng người nông dân mình chưa có diễm phúc được máy móc phụ trợ gần 100% như người các nước đã có hàng thế kỷ. 70% công việc đồng áng đều dựa vào sức người. Mọi sự chỉ trông mong vào tăng cường thể lực, nếu không nói là đang dẫm chân tại chỗ hay thụt lùi.

Vùng cao, vùng nghèo vẫn suy dinh dưỡng do cung cấp thiếu cả người lớn lẫn trẻ em. Vùng thành phố giàu có vẫn suy dinh dưỡng do hấp thu kém hoặc hóa chất độc hại. Nếu sự tăng trưởng thể lực của nông dân (lao động chính và phụ) không tương xứng thì chưa thể có tăng trưởng vững vàng. 

Trong lĩnh vực kinh tế tri thức, thể hình của lãnh đạo đến nhân viên cũng là một trở ngại và thiệt thòi. Ngoại hình không thay được năng lực và tri thức. Nhưng trong nhiều lãnh vực kinh tế, nhất là du lịch, ngoại hình của nhân viên và cả CEO nữa có vai trò không thể coi nhẹ.

Dự các cuộc hội thảo quốc tế hay tour lữ hành, nhìn mấy ông chuyên gia, hướng dẫn du lịch người mình với thân gầy, vai so, kính cận mà thương. Tuy kiến thức hay khả năng của họ đâu có kém người nước ngoài. Không phải người nào cũng bất cần ngoại hình như bác học Hawking lừng danh!

Đã có nhà khoa học nào, ngành khoa học nào tổng kết, thống kê được thiệt hại do ngoại hình và thể lực yếu kém của con người đối với nền kinh tế một quốc gia?

Vì đâu nên nỗi ?

Không có thống kê con số nhưng dù sao chúng ta vẫn còn giữ gìn được nhiều chân dung vẽ hoặc ảnh chụp từ thế kỷ trước. Nếu bạn còn nhớ, có một bức ảnh trong bảo tàng chụp nghĩa quân Đề Thám bị thực dân Pháp bắt đi đày. Có nhiều đàn bà tham gia quân khởi nghĩa bên cạnh đàn ông là thuộc hạ thiện chiến của Đề Thám.

Nhiều đàn bà tham gia quân khởi nghĩa bên cạnh đàn ông

là thuộc hạ thiện chiến của Đề Thám, bị thực dân Pháp bắt đi đày

Xin bạn hãy nhớ lại những bộ ngực trần của họ chỉ được che bằng một cái yếm trễ nải, cổ mang gông gỗ. Hãy nhớ lại bắp tay, bắp chân của các vị nghĩa sĩ đàn ông đang đút chân vào cùm.

Tất cả họ, nếu tôi không nhầm, có vẻ đều khỏe mạnh, to cao hơn chúng ta ngày nay.Không đâu xa, ngay cả nhìn lại ảnh lính Vệ quốc đoàn hay lính Giải phóng của hai cuộc kháng chiến. Có vẻ như họ khỏe mạnh và lành mạnh, nghĩa là không mập và đít beo bụng ỏng như một số người trong chúng ta!

(Còn tiếp)
Theo Duyên Dáng Việt Nam - Bài Nguyễn Quang Thân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'Lọt' 600 bánh heroin:


Văn Chương

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Đó là nhận xét của trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên tư lệnh Quân khu IV, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X về vụ cục Hải quan TP.HCM để “lọt lưới” 600 bánh heroin mới đây. 
Theo Tướng Thước, chẳng có lý do gì, các cơ quan chức năng Đài Loan có thể phát hiện ra số lượng ma túy khổng lồ như vậy mà hải quan Việt Nam lại dễ dàng “bó tay”. Có lẽ, trong vụ việc này không phải do nghiệp vụ của các nhân viên hải quan yếu kém mà có nghi vấn họ “móc ngoặc” với tội phạm để “làm ăn”. 
Thưa ông, mới đây, dư luận sửng sốt vì cơ quan chức trách của Đài Loan đã tịch thu gần 230kg heroin trên chuyến bay từ Việt Nam. Ông nhận định như thế nào về vụ việc này?
 
Tôi cũng vừa biết được thông tin cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện 600 bánh heroin trong máy bay xuất phát từ cảng Hàng không Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Thật sự, tôi rất bất ngờ về vụ buôn bán khổng lồ này. Chưa bao giờ tôi nghĩ được, bọn tội phạm lại tuồn được một số lượng heroin lớn như vậy qua cảng Hàng không Việt Nam. Chắc chắn phải có một thế giới ngầm nào đó đứng sau vụ vận chuyển hàng cấm khổng lồ này. 

Mới đây, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm vụ để lọt, vận chuyển heroin lớn này. Như vậy, đứng về phương diện quản lý Nhà nước, Chính phủ đã có quyết định rất kịp thời. Tuy nhiên, qua vụ để “lọt lưới” số lượng ma túy “khủng” này... có rất nhiều điều cần phải nhìn lại. Là một cơ quan Nhà nước, họ đã không làm tròn trách nhiệm của mình ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam với quốc tế. 

Mấy ngày qua, nhiều người tỏ ra nghi vấn về việc bỏ “lọt lưới” gần 230kg heroin của Hải quan Tân Sơn Nhất? Không ít ý kiến cho rằng có điều gì đó “bất ổn” trong vụ “con voi chui lọt lỗ kim này”, ý kiến của Trung tướng như thế nào?
 
Tôi cho rằng, chưa hẳn do non kém về trình độ của các nhân viên hàng không và máy móc kỹ thuật sân bay mà dẫn tới việc bỏ lọt một vụ buôn bán, vận chuyển ma túy lớn như vậy. Tôi và hàng chục triệu người dân Việt Nam rất mong muốn bộ Công an nhanh chóng vào cuộc để điều tra, tìm hiểu sâu hơn về vụ việc này. Rất có thể, đứng đằng sau vụ buôn bán, vận chuyển ma túy khổng lồ này là một đường dây tội phạm xuyên quốc gia đang có mặt ở Việt Nam. 

Chúng ta cần phải làm nhanh chóng và quyết liệt, không thể để Việt Nam trở thành nơi ẩn náu, buôn bán của các băng đảng mafia được. Hơn nữa, cũng cần phải đặt câu hỏi, trình độ máy móc, nhân lực của các sân bay trên thế giới đều không chênh lệch nhau nhiều. Tuy nhiên, tại sao an ninh Hàng không Đài Loan lại phát hiện ra trong khi chúng ta để lọt. Đây là điều cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng và ra kết luận sớm để người dân được biết. 

Nhiều người cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất đang “nằm trong tầm ngắm” của tội phạm ma túy quốc tế. Trung tướng có nghĩ như vậy?
 
Sau hàng loạt vụ bắt giữ số lượng heroin lớn thời gian qua tại cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, tôi cũng đã rất nhiều lần lên tiếng với cảnh báo rằng, rất có thể cảng này đang biến thành một trạm trung chuyển, buôn lậu rất lớn của tội phạm quốc tế. Thời gian qua, sân bay Tân Sơn Nhất dường như đã lọt vào tầm ngắm của các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Bởi những năm gần đây, cảng Tân Sơn Nhất nằm trong số những sân bay ở châu Á có tốc độ phát triển nhanh nhất. Được biết, mỗi ngày, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có khoảng 150 chuyến bay quốc tế đi và đến, vận chuyển trên 15.000 lượt hành khách xuất nhập cảnh và hàng trăm tấn hàng hóa. Cũng chính vì tốc độ phát triển quá nhanh đã tạo ra môi trường để tội phạm ma túy len lỏi hoạt động. 

Với tư cách cá nhân, trung tướng đánh giá như thế nào về vụ việc này?
 
Có một điều khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên, nhiều hành khách chỉ cần mang một cái kéo, ống thuốc nhỏ mắt lên máy bay đã bị các nhân viên an ninh hàng không phát hiện. Tuy nhiên, trong vụ 600 bánh heroin trị giá 300 triệu USD, bọn tội phạm cất giấu chúng trong dàn loa nằm trong máy bay chở hàng. Chẳng có lý do gì với một số lượng hàng cồng kềnh như vậy mà chúng ta lại không thể phát hiện ra. Có nhiều người đã đặt ra nghi vấn rằng, an ninh cảng hàng không của Việt Nam rất giỏi trong việc phát hiện ra hàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng lại để xảy ra nhiều vụ buôn lậu “khủng” từ Việt Nam ra nước thứ 3. Phải chăng, những vụ bỏ lọt này là “sự cố” hay có những cá nhân nào đó “móc ngoặc” với tội phạm cố tình “tuồn” hàng lậu ra nước ngoài. Câu hỏi này chắc chắn cơ quan công an sẽ trả lời người dân trong thời gian sắp tới. 

Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Gần đèn

Dân Nguyễn.
Hoan hô thủ tướng Thái Lan.

Kính chào em- con người đẹp nhất!...

He he. Không biết em đi thi người đẹp ở Battaya, bãi biển quê em chưa; chứ nếu em đến thi ở bãi biển Nha Trang quê anh, đảm bảo em vào thẳng trung khảo, vì chắc chắn một điều cả ban giám khảo tới toàn thể Nhân Dân VN sẽ “Đầu phiếu” cho em không chần chừ. Ít nhất cũng phải đạt số phiếu 98,…lẻ vài số như phiếu QH VN click thông qua Bản HP vừa mấy bữa trước.
Em đẹp…từ trong ra ngoài!... Anh không biết cái tri thức của em có đạt đỉnh cao như quan lại quê anh không; Nhưng chắc chắn em đẹp, nhất là cái đẹp BÊN TRONG! Tâm hồn em. Đạo đức em. Mọi người, chẳng riêng quân áo đỏ áo đen nơi quê em, mà ngay chính quê anh đây (Và có lẽ trên T.G nữa) cũng đang ngả mũ kính chào em…
Càng nhìn em, càng yêu em hơn, và yêu em mãi!...hi hi. Anh không biết tên em, nghĩa tiếng Thais là gì, có đẹp không; Nhưng con người em thì đẹp cách trọn vẹn. Mới hôm nào em “Ngoan ngoãn” chấp hành phán quyết của tòa QT Lahay, thể hiện sự biết điều rất cần thiết. Điều này không chỉ làm hình ảnh riêng em đẹp, mà còn làm cho T.G nhìn người Thais với ánh mắt rất thiện cảm.
Hôm qua em thua đẹp người Cambodia- người nước ngoài. Không ai có thể lên án em nhu nhược.
Hôm nay em thua người Thais- thua chính nhân dân mình. Đó là những bàn thua…đẹp mắt, không ai bảo em ươn hèn!...hi hi.
Hãy xem biển người ít giờ trước giận giữ đang rút đi trong trật tự và trên môi cười.
Người ta sẽ bảo: Người Thais rất thân thiện, rất hiền hòa. Từ thủ tướng cho tới cảnh sát- công cụ bảo vệ an ninh quốc gia cũng hiền!
Thua nhân dân mình đi đâu mà thiệt!
Đó là suy nghĩ đúng. Nhưng nó chỉ có ở những cái đầu xuất chúng, những bộ óc văn minh, và rất mực nhân bản. Cho dù em không còn được điều hành chính phủ chăng nữa, nhưng Nhà vua sẽ cám ơn em. Nhân dân Thais biết ơn em.
Và đã không có ai phải đổ máu. Đó mới là điều quan trọng, chứ không phải chiếc ghế thủ tướng. Phải không em!
Mấy năm trước anh tới quê hương em, thăm Bankok, thăm Battaya…thăm cả mộ vì vua từ đầu thế kỷ trước, (Anh quên tên rồi)- người có công đưa rước chủ nghĩa tư bản Tây phương vào Thailand; Để đến hôm nay đất nước của người Thais mới có bộ mặt như hôm nay.
Để người Thais mới được tự do biểu đạt ý nguyện của mình như hôm nay mà không hề sợ xe tăng của quân đội và không hề ăn dùi cui của cảnh sát…

Và để hôm nay người Thái có được người nữ thủ tướng đáng kính, đáng trân trọng, đáng LOVE như em…

Một lãnh đạo tối cao như em, trách nào đất nước không tiến bộ, văn minh!...

Chỉ một lỗi rất nhỏ nơi em, mà em sẵn sàng nhường nhịn dân, sẵn sàng lùi bước…

Nhìn em cười. Nghĩ tới hành động biết “Kính trên nhường dưới” của em, anh lại nhớ Bankok, nhớ Battaya đến nao nao…

Và dù anh có cái niềm tự hào của riêng anh là con Lạc Cháu Hồng; Nhưng sao lúc này anh mơ được là người Thais quá đi mất.

Anh thấy vui và sung sướng (!) vì được làm người hàng xóm của em.

Anh thấy yên tâm vì có người láng giềng như em.

Anh cũng xấu hổ vì dù sống gần em, là láng giềng của người tốt mà anh vẫn xấu xa, không thể có được những cư xử cao thượng như người Thais.

Bởi vì anh tin rằng, nếu người dân nơi quê anh chỉ cần chưa vào đến sân tòa nhà chính phủ, thì họ đã bị xe tăng  nghiền thành Pate rồi!

Và vì lý do đó, nếu giả sử người dân quê anh có vào được sân tòa nhà chính phủ, họ không thể rút đi với nụ cười trên môi hay bắt tay cảnh sát. Họ chỉ rút khi tưới xăng và châm lửa, và phải lùng sục được dăm kẻ trong ống cống mới có thể thanh thản rút ra…

Đó là điều làm tan nát lòng anh!
Dec/4th/2013
Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGUOI TUONG

Dạ Ngân
Được gặp Kiến Giang không nhiều. Đôi ba lần ở những cuộc họp và một lần ở nhà riêng của ông. Không gặp nhiều nhưng biết nhiều. Ai không biết Kiến Giang, hẳn người đó không quan tâm gì đến chiều sâu Hà Nội.
Chao ơi, một gương mặt kỳ lạ. Ấn tượng một lần cho mãi mãi. Không có nhận xét khác. Chữ kỳ lạ được hiểu với góc độ điêu khắc. Chữ kỳ lạ chỉ muốn dành cho riêng ông. Chữ kỳ lạ là chính xác nhất, với những gì ông đã vượt qua, trở thành và nung nấu nên.
Nhớ mãi một cuộc họp (duy không nhớ là họp gì, ở Hà Nội người ta sống bằng họp). Nhớ vì hôm ấy Kiến Giang được mời, khi ông có mặt thì mới biết ông cũng được mời. Cái cách ông lặng lẽ bước vào, cách ông tìm một chỗ ít được chú ý để ngồi xuống và cái cách ông thẳng lưng trước những ánh mắt dành cho mình, những ánh mắt đủ thứ hạng: ngạc nhiên, tò mò, ngưỡng mộ, khâm phục… Tôi không chú ý gì đến họp vì sự thực, cung cách của Kiến Giang đã thu hút tôi. Thế thôi.
Nhớ lần đến thăm nhà ông để ăn bữa cơm gọn với mấy người bạn nữa. Anh Thân hay đẩy tôi đi như vậy, để “Hà Nội ngấm vào em”. Như đã từng đi dự tang tại nhà cụ Trần Dần, đi cà phê phố cổ thường xuyên với nhà thơ Lê Đạt, đi xem Phùng Quán câu cá đãi Nguyễn Hữu Đang, đi nghe Phùng Cung đọc thơ, đi chợ để mua gà ta với Vũ Huy Cương, đi hỏi thăm sức khỏe chú Trần Độ, đi trò chuyện với học giả Phan Ngọc về đủ thứ chuyện…
Không nhớ bữa cơm ở nhà Kiến Giang ấy có những ai. Chỉ nhớ cái cách ông ngồi trong góc thư phòng, phía sau là những gáy sách, như mọi góc nhà của những người yêu sách như con. Trang trọng, điềm nhiên, mực thước. Được ngắm ông ở khoảng cách không còn khoảng cách nào quá thích. Tôi buột miệng “Anh có gương mặt của tượng” (tôi gọi bằng anh, theo cách gọi của chồng). Kiến Giang hơi nhoẻn cười, vẻ trầm tư của tượng biến mất, nhưng nụ cười có thêm vẻ đẹp của từ bi.
Ngồi một lát phải chạy xuống bếp giúp bà Lan vợ ông làm bữa. Thế giới các bà vợ của những nhân vật tôi liệt kê trên mới thật phi thường (trừ Nguyễn Hữu Đang và Vũ Huy Cương là không có vợ, lúc tôi biết họ). Nếu các ông là tượng thì các bà là đế của tượng, khiến cho tượng vững và cao lên. Lại không nhớ hôm ấy ăn gì, chỉ nhớ là bà Lan nói một câu khiến chỉ muốn giữ riêng cho hồi ký. Bà nói: “Anh của em hay bạn, chị phải đi chợ chiều, luôn phải đi chợ chiều để mua thứ rẻ đấy em”. Đàn bà thời khốn khổ với nhau, nghe là biết, nghe là hiểu và nghe là nhớ mãi.
Những người tượng của Hà Nội gần như đã thành cát bụi hết rồi. Làm sao tạc được tiếng cười Lê Đạt? Làm sao mô tả được khuôn miệng rất sáng và sang của Trần Độ? Làm sao tạc được giọng nói đẫm tình người của Vũ Huy Cương: “Em và Thân có khỏe không, mai anh mua gà mang xuống mình luộc, nhé?”. Làm sao tạc được dấu tù ở Nguyễn Hữu Đang? Làm sao tạc được giọng nói khí khái của Phùng Cung? Làm sao tạc được dáng ngồi khắc khổ của Trần Dần? Làm sao tả được tiếng guốc mộc rất ý thức của Phùng Quán? Và làm sao tạc được dáng chợ chiều của bà Kiến Giang?
Mãi nói mãi liệt kê và không bao giờ thấy đủ và thấy vơi lòng. Xin một nén nhang từ xa cho ông, một con người, một tượng người xứng đáng, tiêu biểu, điển hình.
© 2013 Dạ Ngân & pro&contra

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRONG CUỘC TÌM KIẾM CỦA MARCEL PROUST


Chân dung Marcel Proust
Tranh Nguyễn Quỳnh, Saigon, 1971

MỘT Ý NGHĨ VỀ THỜI GIAN
TRONG CUỘC TÌM KIẾM CỦA MARCEL PROUST
Thái Văn Hoàng

Trong văn học nước Pháp, tên tuổi Marcel Proust gắn liền với ý nghĩa của sự đi tìm thời gian đã mất. “Tìm kiếm thời gian đã mất”[1] cũng là đề tài tác giả đặt cho bảy cuốn truyện: “Du côté de chez Swann”, “A l’ombre des Jeunes Filles en fleurs”, “Le côté de Guermantes”, “Sodome et Gomorhhe”, La Prisonnière”, “La Fugitive” và “Le temps retrouvé”. Giới thiệu nội dung của những cuốn truyện này nằm ngoài khuôn khổ của bài viết hôm nay, song để có một ý niệm chung về tác phẩm “Đi tìm thời gian đã mất”, chúng ta có thể nói tác phẩm này chẳng qua là một cuốn nhật ký không đề ngày, được tiểu thuyết hóa ít nhiều, trong đó tác giả kể lại cái xã hội quí tộc của hai gia đình quen biết Swann và Guermantes và những mối tình của chính ông.
Cuộc đời Proust được đánh dấu bởi một sự kiện quan trọng: năm lên chin tuổi ông đã phải đeo đẳng trong mình con người bệnh hoạn, không đủ buồng phổi để hút lấy khí trời, không đủ sức để thụ hưởng những “món ăn trần thế”[2] như chúng bạn đồng lứa. Bù lại đứa bé gầy yếu đó đã được cả một linh hồn bà mẹ ngày đêm chăm sóc cưng chiều. Vào một ngày trong năm 1905, một bóng tối đến bao trùm cuộc đời Proust vốn đã cay chua: mẹ mất. Và như thế Proust đã mất một khung cửa sổ của bầu trời trong sáng. Căn bệnh suyễn cứ tăng dần. Bây giờ Proust sống, chỉ biết sống để nhìn mình, để nghe hơi thở mệt mỏi, để nhìn bốn bề những bức tường mịt mù của căn phòng bệnh nhân chật hẹp; ông tưởng nhớ dòng thời gian, những khung trời, những mẩu chuyện, những giọng nói, nụ cười của niềm vui, tất cả những gì đáng ra ông phải được sống dằng dặc song bây giờ lại đang muốn thoát khỏi những bàn tay níu kéo của ông...
Không, Proust cưỡng lại và không muốn để thoát mất bất cứ gì dù một điều lo lắng. Năm 1913 cuốn truyện đầu tiên của bộ “Đi tìm thời gian đã mất” được xuất bản. Một phần cuộc đời Proust đã được cầm chân... Những giờ khắc nóng lòng chờ cái hôn của mẹ yêu trước khi đi ngủ, tính tình và thói tục kỳ quặc của dì Léonie hay những lúc thăm viếng “bên phía nhà Swann”, tất cả đã được ghi lại tràn đầy màu sắc, âm thanh và tâm tư, sống động như chính cái khoảnh khắc các sự kiện đó diễn ra.
Proust nhận thấy cần phải ghi lại vì có một lúc nào đó cuộc sống với những yếu tố của nó như xa lạ, lửng lơ, quay cuồng không mang một ý nghĩa gì, không có một giềng mối gì với ông. Đó là một tình trạng rã rời, đó là sự hư không chôn vùi thời gian, chôn vùi mọi chuyện và lúc đó con người Proust cũng chỉ là hình bóng lung linh như cảnh giới vây quanh.
Tìm lại thời gian đối với Proust không phải là tìm cách thoát khỏi sự chết, tìm một phương thuốc trường sinh cho sự hiện hữu của ông hay của loài người. Tìm thời gian đối với Proust không phải vượt đến một bản chất thời gian của thời gian trôi chảy, không phải khai mở một công cuộc nghiên cứu để tìm ra một loại thời gian thuần túy[3] hay một thứ tính chất nào khác chứa đựng thời gian đứng ra ngoài thời gian trôi chảy. Proust không làm triết học. Ông chỉ là con người cảm xúc trước cuộc sống, trước đổi thay, việc tìm kiếm thời gian đối với ông thật sự là chống lại sự rã rời, chống lại sự quên lãng, lắng chìm, chống lại cái chết của mỗi một lúc, chứ không phải cái chết mãn hạn cuộc đời, để tìm lại sự liên tục của con người và cuộc đời ông sống qua. Khi Claude Simon mượn lời của một văn sĩ[4] làm dẫn đề cho cuốn Histoire của ông để ngụ ý rằng cuối cùng mọi chuyện và con người đều tan biến ra mảnh vụn[4] thì thật sự điểm nhận xét này không chọi nghịch, không mang lại cho ý nghĩa tác phẩm Proust một sự đổi thay hay bổ túc nào cần thiết. Đúng như Claude Simon nói, cuối cùng chúng ta đều tan ra từng mảnh, nhưng Proust cũng không làm nỗ lực nào để vượt ra ngoài cõi chết với con người ông.
Những lúc dạo chơi giữa cảnh vật, những buổi chuyện trò trong salon giữa cái xã hội quí tộc ấy, Proust đem con người cảm xúc của ông để ghi nhận, đi vào chiều sâu của sự vật và sự việc, tìm hiểu cái ý nghĩa sâu xa của những thứ đó, những móc nối giữa ông và sự vật. Ý nghĩa sâu xa này Proust không tìm thấy ngay tại chỗ khi đối diện sự vật mà cần có thời gian để sự vật ngấm sâu dần trong tâm thức. Tình trạng ngấm dần này tạo thêm một sự vật thứ hai của sự vật đã được quan sát. Sự vật thứ hai này hiện hữu trong ý niệm của ông nhờ trí nhớ và tâm thức. Nói cách khác đó là ý nghĩa sâu xa của sự vật, là bản thể của sự vật đã xuất hiện trước tác giả trong những điều kiện của một hiện tượng chịu sự chi phối của thời gian. Một buổi chiều mùa đông, khi nhúng chiếc bánh madeleine vào tách trà cho bánh thấm nước trà mềm lại để ăn, Proust đã bất giác rùng mình[5] thấy rằng cùng lúc với chiếc bánh, cả một dĩ vãng sống lại với tất cả sự phong phú của nó. Proust lắng người muốn tìm trong chiếc bánh ông đang thưởng thức mùi vị của chiếc bánh dạo trước, mùi vị của hiện tại đã qua. Ông nhận thấy mùi vị đó không nằm trong chiếc bánh ông đang ăn, nhưng nằm trong chiếc bánh ý niệm lắng sâu trong tâm thức ông, đã được giữ trọn vẹn cũng bằng màu sắc, hình thể và mùi vị, mà vì sự trùng hợp, tương đồng, chiếc bánh hiện tại đã gợi lên. Khi đó không cần thiết phân biệt chiếc bánh madeleine dạo trước và chiếc bánh madeleine hiện nay, mà chỉ có một chiếc bánh madeleine vô thời gian. Dĩ vãng không phải là thời gian đã qua mất, cắt lìa với hiện tại, mà kết dòng liên tục với hiện tại; dĩ vãng là thời gian dùng để nhìn biết hiện tại, cho tọa độ tung và hoành của hiện tại cũng như sự vật trong dĩ vãng cho chúng ta nhìn biết sự vật hiện tại.
Thời gian tìm được là những khoảnh khắc, những mảnh đời của tác giả đã được thu vào trang sách như báu vật được giữ trong bình kín. Mỗi khi giở trang sách, những mảnh đời sẽ xuất hiện tràn đầy sự sống, tràn đầy rung cảm như ngày nào tác giả sống những khoảnh khắc, những mảnh đời đó.
Trang sách đối với Proust không phải là tế bào xây dựng tác phẩm, mà là không gian đứng ra ngoài trôi dạt của thời gian. Khi viết sách, Proust không cần biết đến mình đang tạo tác phẩm mà chỉ thụ động để những kỷ niệm tuôn tràn tìm nơi ẩn náu qua dòng chữ. Một mai khi những giọng nói quen thuộc cứ tắt dần theo ngày tháng, khi chính con người Proust cũng lu mờ dần, hình ảnh Proust vẫn còn lại trong những dòng chữ triền miên, u buồn, man mác nghe như chính cái buồn êm ả của thời gian. Những cảm xúc, những tình tự, kỷ niệm và thời gian đã có con tàu tâm tư mang vào khép kín trong dòng chữ tâm tư.


Phần nhận xét hiển thị trên trang