Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Việt Nam: Ba kịch bản Hội đồng Nhân quyền



Phạm Chí Dũng
BVN 12.11.13
clip_image002
Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc
Ngày 12/11/2013, Nhà nước Việt Nam sẽ tràn trề cơ hội được “lên thớt” - như cách nói trào phúng xen giễu cợt của giới sinh viên trong nước trước khi bước vào cuộc khảo nghiệm vấn đáp trên giảng đường.
“Cái thớt” đó chính là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Trong lịch sử tồn tại của mình, giới cầm quyền ở Việt Nam chưa bao giờ được đặt chân lên bục danh dự của tổ chức danh giá này. Và đây có thể là lần cuối cùng, thuộc về chu kỳ cuối cùng của lịch sử tồn tại, hầu mong nhận được tấm bằng danh dự.
Hồi hộp và âu lo về kết quả thi vấn đáp là tâm trạng không tránh khỏi, đặc biệt ứng với những quốc gia không đủ tự tin vào thực tế “nói đi đôi với làm”.
Kẻ áp bức không thể làm quan tòa!
Từ những năm 2009 - 2010, cùng thời gian với điểm khởi xướng chiến dịch vận động tham gia vào bữa tiệc đứng Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tầng lớp “muốn làm bạn với tất cả các nước” cũng bắt đầu quan tâm đến khái niệm “nhân quyền quốc tế” một cách thực chất hơn là thái độ bài bác trong nhiều năm trước đó. Tháng 5/2009 cũng là thời điểm Nhà nước Việt Nam khởi động cho vẻ khiêm nhường đầu tiên bằng cuộc “tự phê bình” định kỳ về nhân quyền.
Song hành với phạm trù quyền lực, tham vọng danh xưng là khó có điểm dừng.
Trong nhiều năm trước, Nhà nước Việt Nam đã không có nhiều cơ hội để mơ màng về một vị thế đáng kể trong Hội đồng Bảo an hay bất cứ hình thức hội đồng nào đó của Liên Hiệp Quốc - những cơ may có thể làm tăng giá trị ngoại giao và kéo theo một số vận hội về kinh tế song phương và đa phương quốc tế.
Chỉ sau khi quan hệ cựu thù Việt - Mỹ được chính thức bình thường hóa vào năm 1995, mọi chuyện mới hơi hé mở. Nhưng cũng phải với độ trễ 5 năm, tức đến năm 2000 khi Hiệp định song phương Việt - Mỹ được ký kết, những người đã tham gia ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị trước đó đến 18 năm mới nhận ra cơ hội có thể “sánh ngang với các cường quốc năm châu” nếu bộ mặt công tác bảo vệ nhân quyền ít ra phải tỏ ra hồng hào hơn.
Nhưng vẫn còn một sự trễ khác chờ đón, bởi người Mỹ không cho không ai cái gì. Phải mất đến 6 năm sau khi thương mại hai chiều Mỹ - Việt được nhân lên 6 lần, cánh cửa phòng Bầu dục mới lần đầu tiên mở ra cho một nguyên thủ quốc gia Việt Nam - ông Nguyễn Minh Triết. Chính cuộc hòa đàm này đã khiến cho hy vọng về một cái ghế trong Hội đồng Nhân quyền bắt đầu manh mún trong não trạng một nước nhỏ.
Chính sách “lobby hành lang” cho một chỗ ngồi trong Hội đồng Nhân quyền cũng vì thế đã được khởi xướng, thông qua những cuộc ngoại giao con thoi “vừa kiên định vừa mềm mỏng”, cùng chủ trương đối ngoại “vừa đấu tranh vừa tranh thủ”. Hành vi này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi từ năm 2006, Nhà nước Việt Nam được người Mỹ nhấc khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC), đồng thời nền kinh tế đất nước này lại có cơ hội “nâng lên một tầm cao mới” khi được chấp thuận trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới.
Đáng lý ra, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã trở thành một món trang sức dễ thương cho giới lãnh đạo đầy tham vọng của Việt Nam, nếu không xảy ra quá nhiều rắc rối liên quan đến bắt bớ, xử án và giam cầm chính trị ở đất nước này trong ít nhất 6 năm qua. Bởi ngay sau khi được thỏa mãn những ước muốn về ngoại giao và kinh tế, giới cầm quyền Việt Nam lập tức bị Mỹ, Tây Âu và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích quyết liệt về thái độ bất nhất khi tiến hành “nhập kho” hàng loạt nhân vật lãnh đạo của các tổ chức bất đồng chính kiến. Một số tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa hảo, Phật giáo Việt Nam thống nhất cũng không thoát khỏi tình cảnh bị chèn ép trở lại.
Đó là lý do vì sao vào cuối năm 2012, cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt - Mỹ bị Hoa Kỳ đột ngột ngưng lại. Không ít thất vọng đã được Washington bày tỏ trước “thành tích nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam”.
Chỉ sau chuyến công du bất ngờ của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đến Vatican và Nghị viện châu Âu vào đầu năm 2013, không khí mới bớt căng thẳng. Tháng 4/2013, cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ được nối lại, nhưng chỉ ở cấp phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ.
“Tôi nghĩ rằng điều cực kỳ quan trọng phải nói ra, là chúng tôi xem họ như đối tác, trên lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế. Kể cả việc nếu họ muốn, chúng tôi có thể hậu thuẫn họ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền năm tới. Nhưng trước hết họ phải làm tròn các tiêu chuẩn, có nghĩa là họ phải tôn trọng nhân quyền, mà hiện nay thì họ đàn áp quá dữ dội” - Bernt Posselt, một dân biểu thuộc Đảng Bình dân Châu Âu (EPP), trần tình đầy cảm xúc với báo giới vào tháng 4/2013.
Người Mỹ và châu Âu cũng không quên chiếu lại bộ phim có đến nửa trăm nhân vật bị nhà nước Việt Nam tống giam vào năm 2012 vì hành động dại dột dám công khai bày tỏ chính kiến.
clip_image004
Ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc trình thư ủy nhiệm lên Tổng thư ký Ban Ki-Moon (vietnam +.vn)
Có lẽ đó cũng là một trong những xúc động khó kìm nén được tỏ bày từ những nghị sĩ như Bernt Posselt, khi được giới truyền thông hỏi về thái độ có hay không sự ủng hộ đối với Nhà nước Việt Nam: “Hiển nhiên là không hậu thuẫn! Chắc chắn là không hậu thuẫn! Điều này có nghĩa là quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới về tự do ý kiến, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo sẽ trở thành một trong những quan tòa xét xử những tự do này. Không thể có được chuyện đó. Kẻ áp bức không thể làm quan tòa!”.
“Chiếu cố”
Nhưng kẻ áp bức vẫn có quyền “vận động” quan tòa, như điều thường thấy trong hệ thống tư pháp ở Việt Nam.
Vào những ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, báo chí lề đảng đã một lần nữa gióng lên giai điệu “Việt Nam muốn đóng góp tích cực hơn vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới”, và “Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng”.
Nhưng khác với nhịp điệu khá dồn dập trong chiến dịch ứng cử vào TPP, vào lần này tiếng nói báo đảng trở nên đơn độc hơn nhiều. Cho đến nay, vẫn chủ yếu là các tờ Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, Sài Gòn Giải Phóng đóng vai trò tiền hô và một ít tờ báo khác hậu ủng. Tuy nhiên, con số này là quá ít ỏi so với gần 1.000 báo in và điện tử có mặt tại Việt Nam, và cũng hoàn toàn chưa xứng đáng với những cố gắng không mệt mỏi của Ban Tuyên giáo trung ương trong chỉ đạo và định hướng tuyên truyền cho một ráng hồng từ cái ghế sắp được ngồi.
Tình thế trên cho thấy nếu xem công luận là một trong những đại diện tiêu biểu nhất để có thể đánh giá khách quan về tương quan chính trị tại Việt Nam, đã chỉ có chưa đầy vài phần trăm ấn phẩm báo chí tỏ ra “trung thành tuyệt đối”, trong khi tuyệt đại đa số báo giới công khai phơi bày thái độ bàng quan chính trị hoặc âm thầm hơn là “bất tuân dân sự”.
Thái độ trên còn có thể hàm ý về tư cách “phi lề đảng” của báo giới nói chung.
Và mối tương quan hoàn toàn bất cân xứng trên cũng là một tham khảo đắt giá cho khả năng và thực chất việc Nhà nước Việt Nam ứng xử với cái ghế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Trong trường hợp may mắn nhất - được “đặc cách” xét tuyển, tức không kém đồng cảm với yêu cầu “linh động” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tha thiết đề nghị tại New York vào tháng 9/2013 về cơ chế cho Việt Nam tham gia vào TPP - Nhà nước Việt Nam sẽ nghiễm nhiên có được một chỗ ngồi trong căn phòng nhân quyền quốc tế mà không đến mức phải cải thiện quá nhiều hành vi đối xử tại quốc nội.
Có vẻ ngẫu nhiên, Việt Nam có đôi chút hy vọng được xếp vào một trong 4 chiếc ghế khuyết của khối Á Châu-Thái Bình Dương.
Chỉ bởi lý do không có quá nhiều ứng cử viên. Hoặc giống như một cuộc bầu bán bỏ túi.
Với 4 ghế của khối châu Á - Thái Bình Dương cần được bầu lại, danh sách ứng cử viên chính thức của khối này gồm có Trung Quốc, Jordani, Maldives, Ả Rập Xê Út và Việt Nam.
Theo một đánh giá của giới quan sát, nếu cho là Jordani và quần đảo Maldives là xứng đáng hơn và sẽ trúng cử, cuối cùng Liên Hiệp Quốc sẽ phải chọn thêm 2 trong 3 nước “bất xứng”. Hoặc “trường hợp xấu nhất” là cả 3 ứng cử viên bất xứng Trung Quốc, Ả Rập Xê Út và Việt Nam đều trúng cử.
“Thế lực thù địch” trong giới quan sát quốc tế còn chêm vào một lối so sánh chết người: “trường hợp xấu nhất” trên là sự chọn lựa giữa bệnh dịch hạch hoặc bệnh dịch tả.
Nhưng nếu “căn bệnh” trên biến thành hiện thực, gần như đoan chắc một vị trí trong TPP cũng nằm trong tầm với của nền kinh tế còn lâu mới được coi là “thị trường” theo nghĩa hoàn chỉnh, nền kinh tế được đại diện bởi các tập đoàn phủ chụp bởi tính từ “xã hội chủ nghĩa” nhưng thân thể lại phì nộn đến mức không thể chấp nhận được đối với dân chúng Việt.
Hiện thực đó có thể xảy đến ngay vào năm tới.
Ứng với giả thiết tốt đẹp này, hoạt động dân chủ và những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam sẽ được hé mở thêm một góc sân, thậm chí một vài phong trào dân sự còn có thể hình thành mà không phải chịu rủi ro theo cách “xã hội dân sự là một thủ đoạn của diễn biến hòa bình” như giới tuyên giáo vẫn quay quắt trước đây.
Nhưng có lẽ tất cả những gì được xem là “cởi mở” sẽ chỉ đóng khung ở góc sân nhỏ bé đó. Bài học từ năm 2006 sau khi Nhà nước Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo vẫn còn nóng hổi. Vì ngay sau năm 2006, hàng loạt nhân vật cách tân đã bị bắt giữ và xét xử. Các tôn giáo cũng chịu chung cảnh ngộ.
“Lưu ban”
Không có quá nhiều ứng cử viên không có nghĩa là Nhà nước Việt Nam không thể không bị loại. Trước đây, các khối khu vực thường đưa ra số lượng ứng cử viên vừa vặn với số ghế khuyết nên quốc gia nào được khối của mình đề cử thì cũng chắc chắn sẽ thắng cử. Nhưng gần đây, các thành viên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã cứng rắn hơn. Nếu thấy một ứng cử viên quá bất xứng, họ nhất định không bầu cho ứng cử viên đó và yêu cầu khối khu vực liên hệ phải đưa ra một ứng cử viên mới.
Ngoài ra theo thể thức bỏ phiếu riêng và kín đối với từng ứng cử viên, muốn trúng cử, mỗi ứng cử viên phải đạt được số phiếu tuyệt đối trên tổng số 192 thành viên của Liên Hiệp Quốc, nghĩa là phải có ít nhất 97 phiếu thuận.
Dường như để tiền trạm cho tinh thần thuận thảo ấy, ngày 27/8/2013, phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã công bố 14 lời hứa về nhân quyền của Chính phủ Việt Nam trước chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó có lời hứa quan trọng nhất: “Thông qua các chính sách và các biện pháp để đảm bảo tốt hơn tất cả các quyền căn bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị theo thông lệ quốc tế đã công nhận”.
Nhưng cũng theo cái nhìn đầy mẫn cảm và còn hơn cả trải nghiệm của giới quan sát phương Tây, ứng với trường hợp Việt Nam, lời hứa là một câu chuyện khá khác biệt với hành động thực tế.
Một lời hứa khác được kín đáo bắn tin vào tháng 4/2013, sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ, khi một quan chức ngoại giao cao cấp của Việt Nam nói với một nghị sĩ châu Âu: “Hãy cho chúng tôi thời gian”. Nhưng dù thời gian từ đó đến nay đã đủ lâu, đặc biệt là độ trễ sau cuộc gặp Trương Tấn Sang - Obama tại Washington đã đủ dài, phía Mỹ vẫn chưa phát ra một tín hiệu hài lòng đối với sự chậm trễ phụ thuộc vào nhiều nguyên do trong - ngoài, kể cả không ít đồn đoán về thế chia ba của giới “tam quyền phân lập” tại Việt Nam.
Chuyến làm việc mới nhất của Quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby ở Hà Nội và Sài Gòn đã dường như chỉ gây thêm ức chế cho những người chủ trương tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do cho xã hội dân sự và tuyên bố rằng chẳng cần phải bắt bớ mới làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Nói cách khác, mọi việc vẫn gần như giẫm chân tại chỗ.
Đó cũng là lý do để cuộc bỏ phiếu kín tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 12/11/2013 cũng có thể sẽ diễn biến theo hướng rất không thuận lợi cho ứng cử viên Việt Nam. Nếu sự đồng lòng của các nước phương Tây và gần gũi với phương Tây được thể hiện cao độ và đủ chín, cánh cửa của Hội đồng Nhân quyền chắc chắn sẽ được đóng chặt, cho dù trước đó những người rất tự tin về thành tích nhân quyền đã tưởng như thò lọt một chân vào trong.
Trong trường hợp này, không loại trừ một trong những tật xấu của người Việt sẽ phản ứng tức thời: siết lại hoạt động dân chủ và gia tăng bắt bớ.
Một nhà hoạt động dân chủ trong nước thở dài: “Không ăn được thì đạp đổ! Họ vẫn có thể làm thế cho bõ ghét”.
“Thi lại”
Kịch bản cuối cùng, mang tính dung hòa nhất và cũng có thể làm tất cả các bên hoặc tạm hài lòng, hoặc chưa đến mức tuyệt vọng, là cuộc bỏ phiếu kín ngày 12/11 sẽ chỉ mang tính “sơ khảo”.
Với những lý do có thể tuyên bố cũng như không thể nói ra, một phương án có thể xảy đến là các quốc gia trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ ban bố một thời gian “ân hạn” cho nhà nước Việt Nam về chủ đề nhân quyền, cũng như 5 quốc gia trong khối TPP mới đây đã đề xuất thời gian ân hạn 5 năm cho Việt Nam để cải cách kinh tế quốc doanh, thay vì phải “trả bài” ngay lập tức.
Trong trường hợp phải “thi lại” này, mọi chuyện lại phải có độ lùi không mong muốn. Cái ghế nhân quyền trong căn phòng hội đồng vẫn còn để trống và ai muốn ngồi vào cái ghế đó lại cần có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho vòng “chung khảo”.
Theo cách nhìn của giới quan sát, sự chuẩn bị tốt hơn cũng có nghĩa là thái độ phải được xem là “thành tâm chính trị”.
Cũng theo giới phân tích, năm 2011, những chính khách Miến Điện đã thành thực hơn giới lãnh đạo Việt Nam giờ đây rất nhiều. Và đó là lý do vì sao thể chế Miến Điện đang giữ được quyền lực, tài sản và còn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Ở vào thế quá khó về kinh tế, xã hội và cả về chính trị từ thời điểm 1975 đến nay, giới cầm quyền tại Việt Nam có lẽ không có lối ra nào khác nếu không muốn bị “lưu ban” hoặc “thi lại”.
Lại “chiếu cố”
Tín hiệu mới nhất về phương án “chiếu cố” vừa xuất hiện: ngày 7/11/2013, phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ra thông cáo báo chí cho biết Việt Nam đã trở thành thành viên mới nhất của Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn và những hình phạt hoặc sự đối xử tàn ác, hạ nhục nhân cách.
Việc nhà nước Việt Nam ký kết công ước trên cũng là một trong những điều kiện nằm lòng về nhân quyền mà người Mỹ đặt ra từ ròng rã nhiều năm qua.
Kịch bản “chiếu cố” cũng vì thế đang dần chiếm ưu thế.
Việt Nam 09-11-2013
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng nghe thằng điên khi hắn nói:

Hà Nội, 6:12pm ngày 12/11/2013

GỬI PUTIN, THẰNG BẠN TAO YÊU MẾN

Tao tên là Đỗ Xuân Thọ, 59 tuổi, công dân Việt Nam, tác giả thuyết Tâm Vũ Trụ.
Thú thực với mày, đối với nước Nga tao chỉ phục có 2 người đó là:
1) Nhà toán học Grigori Perelman có n =352 ĐXT (cao hơn Phật Tổ Như Lai)
2) Nhà văn, nhà thơ Pustkin có n= 208 ĐXT ( Ngang A.Hit-le)

Tao gửi mày bức thư này khi mày sắp sang thăm Việt Nam vì tao quý mày quá. Mày có chỉ số thông minh lớn hơn Obama theo thang đo của TS Đỗ Xuân Thọ ( Putin có n= 114 ĐXT; Obama có n =98 ĐXT) và thay mặt nhân dân Việt Nam khẩn thiết đề nghị mày giúp một việc duy nhất:

Nhân dân Việt Nam chúng tao đã chán ngấy cái CNXH này lắm rồi và muốn xây dựng một nhà nước ĐA ĐẢNG , DÂN CHỦ như nước NGA, nước MỸ bây giờ.
Sự chán nản và muốn thay đổi này có trong TÂM KHẢM SÂU KÍN NHƯNG VÔ CÙNG MÃNH LIỆT CỦA CÁC ỦY VIÊN CHÂN CHÍNH TRONG BỘ CHÍNH TRỊ, TRONG TRUNG ƯƠNG ĐCSVN !!!
Chính vì thế nhân dân tao mong muốn mày, PUTIN của tao hãy tạo ra một “Elsin “ Việt Nam như Elsin của nước Nga để lật đổ cái CNXH ở Việt Nam như chúng mày đã làm ở Nga!!!
Tao đề nghi mày chọn Trương Tấn Sang hoặc Nguyễn Tấn Dũng
tùy mày
Kinh
Đo Xuân Thọ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lại gặp thêm "một cu chí dị" nữa, sau "Đại Vệ chí di":

Quê Choa chí dị -1

Nguyễn Quang Lập
1. Đài thôn thông báo:

A lô a lô… chiều ngày 16 tháng 5 năm 1965 em Ngô Thị Lý học sinh lớp 10 đã thắt cổ tự tử. Em Lý chết vì mắc bệnh hoang tưởng, quá sợ bị người ta hiếp. Qua vụ việc này thôn yêu cầu các gia đình có con gái mới lớn phải giáo dục các em nâng cao tinh thần làm chủ tập thể,  làm chủ bản thân, không nên sợ lung tung. Hiếp dâm  là một tệ nạn xã hội đã bị quét sạch trên Miền Bắc XHCN tươi đẹp của chúng ta, a lô a lô….


 Năm 1965 nhà mình sơ tán lên làng Đông, HTX cho miếng đất cát ở đầu làng, sát ngày rừng trâm bầu sau làng. Hồi đó rừng trâm bầu là rừng thâm u, toàn cây cổ thụ chạy từ đầu làng đến cuối làng, nối rộng ra đến làng Kệ hơn chục cây số vuông chứ không ít. Rừng bị cấm chặt cây hái củi nên vắng người, ít ai vãng lai. Chỉ có bọn con nít hay vào rừng quét lá rụng, bắt con chôông… còn người lớn chẳng ai vào rừng làm gì, trừ đám trai gái vẫn rủ nhau tìm nơi hủ hóa.

Chôông, có nơi gọi con giông, là một loại bò sát chuyên sống trên cát, giống con rắn mối nhưng da dẻ đa sắc, đẹp lắm. Con nít làng Đông đứa nào cũng thuộc câu ca tả con chôông thế này: đầu ma da trời chân dơi đuôi chuột. Thịt chôông ngon, xào lên ăn giống thịt ếch. Nấu canh bầu với thịt chôông ngon hết ý, ngọt lừ. Ba mình làm lẩu chôông rất ngon, khi nào bắt được chừng hai chục con thế nào ông cũng làm lẩu, gọi đàn ông quanh xóm đến uống rượu, nhà mình khi đó thật vui hơn tết. 

            Chôông đào hang sống trong cát, chúng rất thích sống trong các nấm mồ. Nghĩa địa cát là hang ổ của loài chôông, nhiều vô biên, có khi đến hàng ngàn con. Loại chôông ở đây vừa to vừa béo, bắt rất dễ. Mình mười tuổi hầu như ngày nào cũng vào rừng bắt chôông, khi thì đi một mình, khi thì theo thằng Đán. Thằng Đán thua mình bốn tuổi, chỉ sáu tuổi thôi nhưng khôn hơn rận, chuyện gì cũng biết. Nó nói chôông là giống ma đó. Mình nói ma chi. Nó nói ma l. Mình cười he he he, đá đít nó một phát, nói ba trợn. Thằng Đán trợn mắt trương gân cổ lên, nói thiệt đo, anh không tin thì thôi. Mình nhăn răng cười, nói ba láp, nói ma l. răng không giống … Thằng Đán lại trợn mắt trương gân cổ lên, nói anh chộ rồi răng nói không giống, mình tịt câm. Nó nói anh không chộ chôông toàn làm hang ở mả đàn bà à. Nghe cũng có lý.

Thằng Đán dắt mình đến cái hang chôông, nói anh muốn chôông bò ra cho anh bắt thì vuốt chim thật thẳng rồi nhét vô hang, dập thật mạnh vào, một lúc chôông sướng củ tỉ, bò ra liền. Mình cười nói láo láo. Nó nói thiệt đo, anh không tin thì thôi. Mình làm theo lời thằng Đán, vuốt chim thật thẳng nhét vào hang chôông dập liên hồi, mãi chẳng thấy chôông ra, phủi đít quần đứng dậy, nói mi nói láo. Thằng Đán vẫn trợn mắt trương gân cổ lên, nói thiệt đo, tại chim con nít nó không  thèm chấp. Mình nói cứt, mi nói láo. Thằng Đán nói thiệt đo, anh không tin thì thôi.

Mình tức, nói ẻ vô chơi với mi nữa, rồi bỏ thằng Đán đi bẫy chôông một mình. Bẫy chôông là một khúc ngắn ống nứa chừng 3, 4 phân gắn cần bẫy, nối với vòng thòng lọng vòng quanh ống nứa, cắm vào hang chôông. Chôông đi vào đi ra đều phải chui qua ống nứa, thúc phải cần gạt, cần bẫy giật lên, vòng thòng lọng thắt  chặt cổ chôông. Xưa nay người ta đều bẫy chôông như thế. Mình đặt hơn chục bẫy thì chui vào dưới tán một cây trâm bầu nằm dạng chân tay đánh một giấc. Nhưng đói, bụng không khó ngủ cứ chập chà chập chờn, chiêm bao thấy chó ăn cứt mà cũng nuốt nước bọt ừng ực.

Chợt ngửi thấy mùi thịt lợn luộc, rồi mùi xôi, lúc đầu nghe thoáng thoảng, sau mỗi lúc mỗi đậm, sực nức. Mình vùng dậy ngó quanh quất chẳng thấy gì, hít lấy hít để mấy hơi liền chẳng còn mùi xôi thịt đâu, lại nằm xuống, buồn tênh. Được mươi phút lại ngửi thấy mùi xôi thịt, cả mùi bánh rán nữa, mình lại bật dậy, đi đi lại lại cố tìm quanh, vẫn biết làm gì có xôi thịt ở nơi đây nhưng cứ tìm. Đang đói ngửi thấy mùi xôi thịt càng đói, bủn rủn cả chân tay, nước miệng trào ra không kìm được, ướt tràn cả cổ, thấm xuống tận ngực.

Bỗng có tiếng ai đó rú lên rất gần, mình giật thót quay ngoắt lại. Tiếng rú tắc nghẹn như đang bị ai bóp cổ, rồi im bặt. Từ ngọn cây trâm bầu trước mặt một đống đen thui to bằng cái rổ rơi xuống cái xoạp, tiếng rơi như đống áo quần ướt rơi trên cát. Mình sợ toát mồ hôi, lạnh cột sống, cứ  đứng ngẩn không biết làm gì. Rất lâu  sau mình vùng té chạy, vừa chạy vừa hét Đán ơi Đán ơi. Thằng Đán chui từ bụi cây trâm bầu ra,  nói chi rứa chi rứa. Mình nói ma ma, con ma to lắm. Thằng Đán trợn mắt há mồm, nói thiệt không thiệt không. Hai đứa lò dò đi về phía cây trâm bầu, nơi có đống đen thui rơi xuống. Chẳng thấy gì, nơi đống đen thui rơi xuống có vệt hằn cái lưng và hai cái cùi chỏ tay. Thằng Đán nói hay có ai thắt cổ tự tử, đứt dây rơi xuống. Mình nói ngu ngu, tự tử thì chết, rơi xuống còn chạy được à.

Thằng Đán từ từ ngước lên nhìn ngọn cây, từ từ nhìn xuống gốc cây, lại từ từ ngước lên nhìn ngọn cây… ba bốn lần như thế, mặt mày nghiêm trọng. Bỗng nó vùng té chạy, mình cũng vùng chạy theo nó, túm cổ áo nó lôi lại, nói răng rứa răng rứa. Thằng Đán mặt xanh như đít nhái, nói ma ma… ma chị Lý. Chị Lý treo cổ chết ở cây đó đo.

Chị Lý ở cùng xóm, tự tử chết đúng ngày nhà mình lên đây, người nói chết vì tình, người nói tức anh trai mà chết, đài truyền thanh thôn thì thông báo chị chết vì bị bệnh hoang tưởng. Thằng Đán nói trật trật, láo láo, sai bét hết. Mình hỏi răng, nó nói anh cu Thái ép chị Lý ngủ với anh, chị không chịu thì tự tử chết thôi. Mình nói răng mi biết. Nó nói tui biết chơ răng. Mình nói láo. Nó nói thiệt đo, anh không tin thì thôi. Mình chạy về hỏi mạ mình, vừa mở mồm nói mạ ơi anh cu Thái ép chị Lý ngủ với anh… mạ liền bịt chặt mồm mình, nói câm họng đi con ơi, dân quân bắt chết chừ.

Anh cu Thái là anh trai chị Lý, ba mạ chết bom, hai anh em ở với nhau. Anh  được bầu làm bí thư chi đoàn đội 1 vì anh biết chắc chắn Mác- Lê Nin là hai ông. Anh cũng không đọc V.I Lê nin là sáu Lê nin như mọi người, anh đọc là vờ la đi mia i lit Lê Nin. Mọi người hỏi rứa họ là chi tên lót là chi, anh nói  họ là vờ la đi, tên lót là mia i lit, mọi người phục anh lắm. Anh nói yêu quí Lê Nin, chúng ta nên lấy tên họ của Lê nin ghép với tên mình, để lỡ khi trúng bom chết, người ta cúng mình thì cúng luôn Lê nin. Anh nêu gương làm trước, lúc đầu đặt tên là Vờ La Đi văn Thái, sau lại đặt Ngô  Mia I Lít Thái.

Từ ngày chị Lý chết, anh cu Thái ở một mình, thỉnh thoảng đem chi đoàn về nhà hát hò ỏm tỏi, múa nhảy nhặng xị. Anh nhận ba bốn cô làm em nuôi, nấu nướng ăn uống ngủ ngáy luôn tại nhà. Nhà anh khi nào cũng có tiếng nói cười chọc ghẹo vui như tết. Cu Đán nói chị Lý ngu, chết đi để mình anh cu Thái sướng. Nó nói câu đó khi hai thằng chui vào lùm cây trâm bầu nằm gác chân lên nhau đợi giờ đi thăm bẫy chôông. Mình hỏi răng sướng. Nó nói sướng chơ răng, chim anh cu Thái to lắm, đại chang luôn, tui chộ rồi.

Cu Đán vừa dứt lời thì có ai đó hét lên cứt cứt, đ. mạ thằng cu Thái. Hai đứa đứng lên ngó quanh, không thấy ai. Một cơn lốc cát từ đâu ập đến, mù mịt cát vùn vụt gió, hai thằng nằm sấp che tai bịt mặt. Mọi ngày lốc cát chỉ vụt qua rồi tan, lần này nó cứ xoáy tròn mỗi lúc mỗi gắt, tiếng gió cát rít lên kinh hồn. Thoảng trong tiếng rít có ai đó lúc lúc lại hét lên cứt cứt, đ. mạ thằng cu Thái… cứt cứt, đ. mạ thằng cu Thái. Hai đứa sợ run, nằm im thin thít.

Lốc cát tan, hai đứa đứng lên thì thấy giữa bãi cát bị lốc cát làm cho phẳng lỳ có dấu chân người lớn đi từ chỗ nằm hai đứa đến cây trâm bầu, nơi đống đen thui vừa rơi xuống. Hai đứa dò theo dấu chân đến tận cây trâm bầu. Không thấy gì, dấu chân cũng biến mất. Cu Đán nói ma thiệt rồi. Mình nói hồn ma chị Lý à. Thằng Đán ôm chặt lấy mình, nói không không, anh đừng nói tui sợ lắm. Vừa lúc một ngọn gió hụt đến, mùi xôi mùi thịt lợn luộc bốc lên thơm lừng. Hai đứa đứng ngẩn ngơ, nước miếng thi nhau chảy ướt cổ.

 Cu Đán quì sụp xuống vái lấy vái để, nói chị Lý ơi cho em ăn, em đói lắm rồi. Từ trên ngọn cây một bọc xôi to rơi xuống trước mặt nó, hai đứa sững sờ. Mình giằng lấy xôi, nói cho tau ăn với, thằng Đán nói không không, xôi tui xin chị Lý.  Răng anh không xin chị Lý đi. Mình liền quì xuống vái lấy vái để, nói chị Lý ơi cho em ăn, em đói lắm rồi. Một bọc thịt lợn luộc gói trong lá chuối  rơi xuống trước mặt mình. Hai đứa mừng rỡ chia nhau thịt xôi ăn ngon lành, tranh nhau nói chị Lý tốt hè, ừ, ai chết cũng tốt hết a, ừ, mà chị Lý tốt nhất hè, ừ.

Chợt thằng Đán ngưng ăn, im bặt. Nó trợn mắt nhìn về phía bên kia gốc trâm bầu. Một cánh tay con gái như đang chuồi lên từ cát, cổ tay có đeo cái vòng nhựa màu xanh. Mình nói chị Lý đó tề. Thằng Đán vứt xôi ôm chặt lấy mình, mếu máo, nói không không em sợ lắm.

Một cơn lốc cát ập đến, mù mịt cát vùn vụt gió, hai thằng nằm sấp bịt tai che mặt. Thoảng trong tiếng rít có ai đó lúc lúc lại hét lên cứt cứt, đ. mạ thằng cu Thái… cứt cứt, đ. mạ thằng cu Thái. Cơn lốc cát tan đi, hai đứa ngẩng đầu lên, cánh tay con gái bỗng cắm ngay trước mặt, bàn tay nhầy nhụa máu xòe ra, cái vòng nhựa xanh rực lên.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đọc những vần thơ này mà căm hờn bão lũ!


Chùm thơ Niêu cơm Thạch Sanh trong lũ
Nguyễn Minh Khiêm 

Lá lành lá rách
Cứ mỗi lần đất nước hoạn nạn mất mát đau thương cần sự sẻ chia đùm bọc
Đâu đâu cũng vang lên câu lá lành đùm lá rách
Nhưng lá lành là ai?  
Lá rách là ai?
Chưa một đèn trời nào tự nhận mình là chiếc lá lành
Tháp đôi tháp ba vẫn núp trong lá rách!
Hãy đọc tên những người bỏ tiền túi mình ra đi làm từ thiện
Có bao nhiêu người là Quan Phụ Mẫu?
Hãy đọc tên những người đội nắng đội mưa đi quyên góp tiền làm từ thiện
Có bao nhiêu người là Quan Phụ Mẫu?
Hãy đọc tên những người hiến đất hiến nhà làm trường, làm đường, làm công trình phúc lợi
Có bao nhiêu người là Quan Phụ Mẫu?
Hãy đọc tên những người hiến máu hiến tạng cho những bênh nhân cần máu, cần tim, cần thận, cần gan, cần giác mạc  
Có bao nhiêu người là Quan phụ Mẫu?
Những chiếc lá rách xác xơ trong những cơn bão để giữ cho những chiếc lá lành
Lá lành đùm lá rách hay lá rách đùm lá lành?
Chỉ thấy những sư sãi trên chùa, thấy những bà con nông dân lao động và những người buôn bán đầu hè phố chợ quyên góp, từ thiện, dâng hiến
Lá rách đùm lá rách!
Lá rách tươm ra vẫn được gọi lá lành!
Những chiếc lá lành luôn gọi mình là lá rách!
Những chiếc lá lành chỉ xuất hiện khi dùng để bọc bên ngoài những chiếc bánh dâng hiến lên chùa để quay phim chụp ảnh và quảng cáo
Xin đừng nói lá lành đùm lá rách
Khi những người dân chưa một ai được gọi lá lành.
2.10.2013
Niêu cơm Thạch Sach mùa lũ                          
Sau nước mắt tiễn đưa Đại Tướng, nước mắt làng lại ngập vào tôi. Đừng khóc. Bao nhiêu lần bảo mình đừng khóc. Hai hàng mi cứ thế lả chả rơi. Hơn sáu mươi tuổi đâu còn trẻ nữa. Tôi đâu còn nhiều xúc động dễ trào dâng. Tôi đã trơ ra ngay cả khi B52 dải thảm trên đầu. Ngay cả khi hơi bom phả vào miệng hầm tức ngực. Tôi trơ như sỏi đá.  
Nhìn cảnh làng ngập chìm trong lũ, còn buốt hơn dao kéo xé lòng. Tôi thành nước mắt.
Cả làng thành biển. Cả làng thành sông. Thượng nguồn gom trăm thứ dồn về. Rác rưởi cuồn cuộn chờm lên hoa văn đình làng bờ tre giếng nước. Bè mảng chờm lên. Rắn rết chờm lên.
Trường sụp đổ. Bệnh xá sụp đổ. Nhà ngập nóc. Trâu bò trôi. Lợn gà trôi. Thóc gạo trôi. Giường chiếu trôi. Sách vở trôi.  
Già dỡ ngói chui lên. Trẻ bám cành kêu cứu. Người đau đẻ nằm trên bè chuối. Trẻ nhỏ ngồi lên chậu giữa dòng nước xiết. Mẹ dặn con trai đừng cố giữ mẹ mà chết cả nhà. Nếu nước lên cao xoáy nữa thì thả mẹ ra một mình mẹ chết. Con cố giữ lấy hai đứa con mình. Đừng để bọn trẻ chết. Tiếng khóc phía trên. Tiếng gào phía dưới. Tiếng gọi trong cây. Tiếng gọi sau tường.  
Phất phơ cây. Phất phơ tóc. Phất phơ tay. Đỡ quan tài ngập trong biển nước!
Làng chìm vào đêm. Làng ngấp ngoải trong đêm. Làng bấu viu vào cái gì có thể bấu víu được trong đêm. Những bàn tay đòi sống đập sóng trong đêm. Những tín hiệu cầu cứu sự sống phát đi trong đêm.
Trực thăng tìm người thả mỳ tôm bánh mỳ. Thuyền cứu hộ chạy vào từng nóc nhà tìm người thả mỳ tôm bánh mỳ.  
Chưa bao giờ đói thế. Chưa bao giờ lạnh thế. Giữa biển nước mà chưa bao giờ khát thế.  
Khát một con sào đưa ra để vịn. Khát một sợi dây quăng ra để nắm. Khát một đoạn luồng trôi qua để được bíu vào.  
Bàn thờ tan. Huân chương tan. Bằng Tổ Quốc ghi công tan. Giấy khen tan.  
Trang trại tan. Vườn tược tan. Chậu hoa cây cảnh tan.
Bộ đội. Công an. Thanh niên. Cán bộ phòng chống bão lụt thiên tai. Những người làm từ thiện. Các nhóm phóng viên đài báo. Nghìn vạn cánh tay chìa ra vớt làng tôi trong lũ. Nâng làng tôi dậy trong lũ. Hô hấp làng tôi trong lũ. Hát cho làng tôi nghe trong lũ. Đốt lửa cho làng tôi trong lũ.  
Làng không còn lá lành để đùm lá rách. Làng cũng không còn cả lá rách để đùm lá rách. Không còn cây xẻ được ván đóng thuyền. Không tìm được chuối để ghép thành bè mảng.
Làng tôi hoàn hồn trong chiếc thuyền của bao nhiêu bàn tay nhân hậu khắp các vùng chụm lại. Nước mắt làng tôi được thấm vợi đi bởi chiếc khăn của bao nhiêu miền quê gửi tới. Già trẻ tỉnh dần ra trên chiếc giàn không mấy vững chãi bầu vẫn gọi bí leo chung.  
Đi qua tiếng tù và ác mộng. Đi qua bàn tay quỷ dữ của thủy thần. Làng càng tin có bọc trứng Âu Cơ. Làng càng tin có thật một niêu cơm Thạch Sanh mùa lũ.
18.10.2013
Dáng người nào cũng gặp Sơn Tinh
Áp thấp này nối áp thấp khác liên tiếp hắt ra từ tiếng thở dài nhiều ngày mất ngủ
đến bao giờ lòng người quê ta tan bão  
những ngôi nhà sụp đổ bị bão lũ cuốn trôi không còn ngổn ngang trong ký ức
nước mắt thôi xiêu vẹo những buổi chiều
trẻ già nhìn nhau không còn chới với?
Làng nén đầy những câu hỏi không lời giải đáp  
sấm chớp cứ giật liên hồi trong từng câu chuyện còn nhiều hơn chum vại nén dưa cà
hết mảng màu này đến mảng màu khác được tô vẽ rực rỡ vào viễn cảnh tương lai cho từng giấc mơ nhưng nụ cười tẩy không hết sẹo
đủ loại diều được thả lên chót vót tầng xanh sáo nhỏ sáo to gọi hồn hạt lúa  
bổ nắng mưa ra vị ngọt hương thơm vẫn chưa biết đường về!
Chiếc sào mồ hôi lại cong hơn đẩy con thuyền bốn mảnh xuân hạ thu đông nặng trĩu lo toan ngược gió
mấy chục điệu hò sông Mã chưa khô bùn đất lại tỳ bấm sâu hơn vào số phận dô huầy nâng củ khoai củ sắn
khát vọng đi mãi nghìn năm chưa ra khỏi ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng
những con đê chắn sóng cuộc đời trong sự mỏi mệt tưởng chừng không thể cao hơn được nữa
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao siêu Bão không vào miền Trung?

CÂU CHUYỆN VỀ CHÙA LINH ỨNG - BÃI BỤT - ĐÀ NẴNG

Một câu chuyện từ thưở xa xưa .... :
Vào thời vua Minh Mạng , dân một làng chài ven biển đã tìm thấy một tượng Phật nằm trên bãi cát , bèn đem về lập am thờ tự . Từ đó Mẹ Quán Thế Âm xuất hiện , cứu người vượt bể trầm luân . Và nơi đây được đặt tên là Bãi Bụt - hay còn gọi là Cõi Phật Giữa Chốn Trần Gian .
Tượng Phật Bà Quán Thế Âm ở đây được xem là một tượng Phật lớn nhất Việt Nam . Mẹ Quán Âm đứng tựa lưng vào núi , mắt hiền từ nhìn ra biển , một tay bắt ấn Tam Muội , một tay cầm bình nước Cam Lồ như rưới an bình cho những người dân đang vươn khơi xa ...
Linh Ứng - sở cầu như ý nguyện
Sơn Trà - Bãi Bụt chốn Thần Tiên
Người dân ở nơi đây tin rằng : từ ngày có Mẹ Quán Thế Âm che chở , không có một cơn bão lớn nào có thể vào Đà Nẵng cả ! Tự bão sẽ đổi hướng , hoặc suy yếu thành áp thấp nhiệt đới . Và điển hình là siêu bão SAIYAN vừa qua .

Đặng Gia Huy Hân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Hai truyện ngắn của Phạm Hải Vân:

HẬN HOA
phamhaivan 
Vũ Mạnh Tùng, nguyên dân phiêu bạt không có hộ tịch, ở cùng cha mẹ và hai chị gái trong một ngõ nhỏ trên Đê La Thành. Gia đình sống chủ yếu bằng nghề đánh cá trộm về đêm ở các ao hồ quanh đó. Tùng từ nhỏ không được học hành đến nơi đến chốn, vừa hơi lớn đã phải phụ giúp bố kiếm cơm; đêm làm, ngày ngủ, thành ra tái mù, vô học hoàn toàn. Trong nhà tìm cả ngày cũng không ra một cây bút, mảnh giấy. Được cái cao lớn, đẹp trai lạ thường. Làm nghề chài lưới, cơ bắp cuồn cuộn, mới mười sáu tuổi trông đã như ngoài hai mươi. Đàn bà con gái láng giềng, từ loại mới dậy thì đến đã có chồng con, đều thèm muốn Tùng. Thường kiếm cớ để cợt nhả, đụng chạm vào người mới thích.

Một buổi chiều muộn, Tùng đi thăm dò các hồ ao quanh vùng, chọn chỗ để tối hành nghề. Qua đoạn sông Tô Lịch đầy bèo rác bẩn, Tùng chú ý ngay đến một bó hoa mắc ở giữa dòng. Bó hoa rất đẹp, màu sắc rực rỡ như có hồn. Tùng vô học, không biết hôm ấy là ngày Mùng Tám Tháng Ba, Quốc Tế Phụ Nữ, hẳn có anh chàng nào tặng hoa không được nhận, phẫn chí ném xuống sông. Chỉ thấy mơ hồ bó hoa đẹp giữa lòng sông bẩn, trông giống như người con gái chết trôi, mà vẫn tươi tắn. Bèn lội xuống, vớt lên, cắp đi về nhà. Nhà Tùng chẳng bao giờ cắm hoa, nhưng trời đã sẩm tối, không ai để ý đến Tùng. Tùng bỏ hoa vào góc nhà, chẳng có bình lọ gì để cắm, mà cũng không nghĩ đến chuyện cắm nữa.

Tối đến cắp lưới đi làm với bố, gần sáng mới về, rửa chân tay qua loa rồi trải chiếu ngủ, quên hẳn chuyện bó hoa lúc chiều. Vừa lơ mơ chợp mắt, thấy có ai đụng vào người mình. Tỉnh ra nhận thấy tấm thân con gái, tay chân ôm quàng qua người, hơi ấm nóng thơm tho dễ chịu. Tùng chẳng ngạc nhiên: nhà Tùng cửa giả chống chếnh, con gái trong xóm biết chỗ Tùng nằm hơi riêng biệt, thường mò vào gạ gẫm. Tùng cũng ít khi chối từ. Chỉ hiềm đêm tối không trông thấy mặt, chẳng biết xinh xấu già trẻ ra sao. Sáng sáng ra ngõ cố nhìn vào mặt từng người, thấy ai cũng liếc mắt đưa tình, miệng cười mủm mỉm với mình, lại càng mù tịt. Lâu rồi sinh quen, cũng kệ. Nay lại thấy người này thân thể mịn màng, cử chỉ âu yếm, càng không ngần ngại. Đến lúc mệt, ngủ thiếp đi, người con gái bỏ về lúc nào không biết.

Gần trưa hôm sau Tùng tỉnh dậy, thấy người sảng khoái, bèn đi tắm rửa sạch sẽ. Khi ngồi vào mâm cơm, mẹ hỏi chuyện bó hoa ở góc nhà, mới sực nhớ ra. Liếc mắt nhìn, thấy vẫn tươi nguyên. Bèn cứ để đó.

Từ đấy đêm nào cũng thấy người con gái ấy đến. Riêng ra một kiểu khác hẳn, Tùng không thể lẫn với con gái khác trong xóm. Nhiều lần Tùng thì thào hỏi tên, nàng cứ im lặng không nói. Tùng nghĩ nàng ngại, không gặng nữa.

Có một điều lạ là bó hoa trong nhà Tùng, sau ngần ấy hôm vẫn không rụng một cánh. Lại như càng tươi tốt thêm ra. Cả nhà đều sợ, không hiểu ra sao. Mẹ Tùng đem chuyện ấy đi hỏi thầy bói. Thầy bói đáp rằng:đó là hoa đã thành tinh, không thể để trong nhà sinh họa. Phải trừ bằng cách đến đúng nửa đêm, đem ra giữa sông ngắt từng cánh mà thả xuống. Về nhà nói lại, Tùng nhất định không nghe, cho là chuyện bói toán nhảm nhí. Mấy hôm sau, nhân lúc Tùng đi làm vắng, mẹ sai hai chị đem bó hoa ra sông Tô Lịch, làm như lời thầy bói dặn. Cánh hoa rơi đầy mặt sông, nghe như có tiếng kêu khóc văng vẳng. Hai chị Tùng phát sợ, nắm tay nhau chạy một mạch về nhà.

Tùng trở về không biết chuyện, chỉ thấy như thiếu một cái gì. Đi nằm, quen lệ thức đợi người con gái mọi khi, mãi đến sáng không thấy lại, mệt ngủ thiếp đi. Hôm sau dậy, thấy người bải hoải chán chường. Nhìn vào góc nhà không thấy bó hoa đâu, hỏi biết sự tình, lại càng buồn bực. Mấy đêm liền, người con gái vẫn bặt tăm. Tùng nằm thao thức, thấy góc nhà mình nằm ẩm thấp, hôi hám, đời mình không có tương lai, chốc chốc lại thở dài mà cả nhà ngủ say không nghe thấy. Dần dà bọn con gái trong xóm lại mò sang. Tùng thấy chúng thô kệch, bẩn thỉu, vờ ngủ không tiếp. Ai làm quá thì hắt hủi, đuổi ra. Ban ngày ra đường thấy ai cũng ngoảnh đi, không thèm nhìn mặt mình, càng thêm chán nản. Về nhà lại nhớ đến bó hoa đẹp như một người con gái trong mơ, nhớ mùi hương quen thuộc dễ chịu biết chừng nào.

Từ đó Tùng ngày một gầy mòn, không đảm đương nổi công việc nặng nữa. Cuối cùng sinh bệnh, võ vàng úa héo. Bọn con gái trong xóm nhìn Tùng như nhìn vào bức vách, đến nỗi Tùng đâm ngờ những người ăn nằm với mình khi trước là ở xóm khác, vùng khác đến. Mẹ Tùng đi xem bói, thầy bảo Tùng bị ma làm, cứ cưới vợ cho thì khỏi. Mẹ Tùng nghe lời, dạm hỏi con gái một bà bạn bên Trại Nhãn. Nhà tuy không giàu nhưng tươi tắn, có học, lại là cô giáo cấp một hẳn hoi. Cô ta vẫn biết Tùng, nghe thấy là thích mê đi. Tùng thì chán ngán, chẳng buồn phản đối. Cưới xong ít lâu, quả nhiên Tùng khỏi bệnh.

Vợ Tùng là người có học, yêu đời, thường mua hoa về cắm đầy nhà. Ai cũng khen nàng dâu mới khéo tay, có mắt thẩm mỹ. Chỉ riêng Tùng chẳng buồn ngó đến. Nhìn những bông hoa nhạt sắc, phai hương, vừa nở đã tàn, Tùng lại bần thần như nhớ tiếc một cái gì đẹp đẽ, đã qua.

TINH CHUỘT
phamhaivan 

Dương Đức Bình, người Hải Phòng về Hà Nội học đại học. Nhà cũng có của, không chịu ở ký túc xá, thuê một căn gác nhỏ phía sau Gò Đống Đa; thường tụ tập bạn hữu rượu chè trác táng thâu đêm, chủ nhà rất khó chịu mà chưa nói gì.

Một đêm, đi uống rượu ở nhà bạn dưới Láng về khuya, Bình rẽ tắt qua bãi rác thành phố cho gần. Trời hè, trăng mười bốn sáng như ban ngày; Bình phanh ngực áo đón gió, tay lái loạng quạng trên đường vắng.

Đến cuối bãi rác, chợt thấy một bóng đội nón trắng. Rõ ra một người con gái ăn mặc xoàng xĩnh, cắp một thúng to, rảo bước đi trước một đoạn. Bình cố đạp theo. Gặp quãng đường xấu, phải xuống xe dắt bộ, tới đầu hồ Hoàng Cầu mới bắt kịp. Dấn lên xem mặt, cô gái vội cúi xuống; Bình vẫn kịp nhìn ra một khoảng má bầu trắng mịn, cặp môi hồng dưới ánh trăng.

Lúc ấy, hai người đã ra tới giữa quãng bờ dài. Gió hồ lồng lộng thổi, nước động lao xao bóng trăng. Sẵn say, Bình dựa xe vào bụi duối ven đường, hai tay ôm choàng lấy cô gái. Nàng vội ngồi thụp xuống, đặt thúng cạnh người. Nón lật ra sau, để lộ mái tóc ngắn mềm mại và cặp mắt long lanh trong sáng, như không hề sợ sệt điều gì. Bình điên cuồng hôn lên đôi mắt ấy. Mắt vừa khép lại, nàng đã nặng trĩu trên tay Bình. Da thịt nàng dưới trăng như bằng ngọc, bằng ngà, lại mát lạnh. Trong cuộc đời ăn chơi, chưa bao giờ Bình thỏa mãn đến như thế.

Còn đang quyến luyến, chợt có tiếng chó sủa rất gần. Nàng vùng ngay dậy, sửa lại áo quần, nhớn nhác sợ hãi. Ánh đèn pin loang loáng, Bình đoán là người săn chuột. Vừa toan trấn an thì nàng đã vụt bỏ chạy vào bụi cây ven hồ. Người săn chuột cũng tới nơi, chiếu đèn pin thẳng vào mặt Bình. Thấy Bình ăn mặc sơ sài, mặt rất tức giận, y mỉm cười, huýt sáo gọi chó rẽ sang ngả khác. Bình vừa mặc quần áo vừa thất thểu ngó quanh tìm nàng, không thấy bóng dáng đâu cả. Lại ân hận chưa kịp hỏi tên nàng mà gọi tìm, đành ngậm ngùi quay lại lấy xe về nhà trọ. Chợt thấy cái thúng của nàng vẫn đó, Bình giở ra xem, sững sờ thấy toàn là tiền, vàng, châu báu ở trong. Tự hỏi, nàng là ai, ở đâu ra mà nhiều của thế. Không tự trả lời nổi, âu là cứ bê về, chứ không lẽ vứt đây. Lại lo ôm một thúng vàng đi đêm giữa đồng không mông quạnh, mất mạng cũng nên. Thì vừa hay, trong mảnh lụa đậy thúng rơi ra một thanh dao dài, nhọn, sáng trắng dưới trăng. Bình yên tâm, cầm dao, đặt thúng lên xe, dắt một mạch về nhà. Tới nhà, đem thẳng lên gác, đặt dưới gầm giường, cài cửa kỹ mà vẫn nắm con dao lên giường. Mệt quá, ngủ thiếp ngay đi.

Sáng hôm sau, Bình tỉnh giấc, người đau ê ẩm. Mường tượng lại chuyện đêm qua như một giấc mơ. Vùng dậy, xuống giường lôi cái thúng ra, lật vải che lên, thấy toàn mảnh ni-lông rách đủ màu, hôi hám không chịu nổi. Nhìn sang bên, con dao buông rơi xuống đất trong lúc ngủ, thấy chỉ là cái que sắt của những người đi cời rác ngoài bãi, đầu mài nhọn đến sáng trắng ra.


ĐIẾU CÀY
phamhaivan
"Nhớ ai như nhớ thuốc lào"
Đặng Vi Yên, người gốc Hoa, ngụ cư lâu đời ở nội thành Nam Định. Yên vóc dáng tầm thước, khoẻ, thông minh, sống rất điều độ, lành mạnh. Mỗi tội nghiện hút thuốc lào từ ít tuổi. Khi Yên lên Hà Nội học đại học, hành trang có một chiếc điếu cày.

Chiếc điếu này Yên tự tay làm từ tre tốt, dáng thon đẹp, nõ cũng bằng tre. Dùng đã lâu năm, điếu lên nước nâu bóng; tiếng giòn, khói đượm, Yên rất quý.

Nhân gia đình còn chút của cũ, Yên thuê một túp nhà nhỏ ngay gần trường. Ngày ngày tự lo ba bữa cơm, Yên không bao giờ đi học muộn. Bạn bè cùng trường thấy Yên ở một mình, thường tụ tập chơi bời ở nhà Yên, cũng có khi chỉ đến để ngủ trưa. Lại mua trữ sẵn rượu và thuốc lào, góp vài chiếc cả điếu cày lẫn điếu bát. Trong nhà Yên ngọn đèn dầu không bao giờ tắt.

Được độ hai năm, Yên sinh chứng ho, càng ngày càng nặng. Cổ họng đau rát, kém ăn mất ngủ, gầy rộc hẳn đi, ngậm thuốc gì cũng không khỏi. Yên quyết định bỏ thuốc lào. Khốn nỗi ngồi nhìn người khác hút suốt ngày đêm, thèm không nhịn nổi. Yên bèn cất đèn, giấu điếu, cáo bệnh chối khách. Bạn bè thưa thớt dần, bệnh Yên cũng từ từ thuyên giảm. Những điếu cũ mỗi bạn cắp đi một chiếc, riêng chiếc điếu đem từ Nam Định lên Yên nhất định không cho ai. Chẳng phải để phòng có ngày hút lại, chỉ vì đã quá gắn bó với nhau, không nỡ trao vào tay người khác.

Qua nửa năm sau, chẳng thuốc thang gì, bệnh Yên khỏi hẳn. Yên sống còn điều độ hơn trước, tập cả khí công dưỡng sinh. Song không uống rượu hút thuốc, Yên lại sa vào một đam mê mới. Đó là một người con gái ở gần nhà.

Người con gái này Yên mới gặp vài bận gần đây. Khi thì rửa chân bên máy nước, khi thì hóng mát cạnh hồ, lúc nào trông cũng xinh xắn, đáng yêu. Tuổi chừng rất trẻ, chỉ độ mười lăm, mười sáu, dáng thon thả yểu điệu. Chỉ phải cái khuôn mặt lúc nào cũng phảng phất buồn rầu, không mấy khi tươi cười. Yên đoán chắc nàng phải có tâm sự không vui, hẳn là chuyện gia đình khác người. Chỉ riêng những lần gặp Yên, nàng đều nhìn âu yếm và hơi mỉm cười. Yên thì thấy như đã yêu nàng từ kiếp trước rồi. Đêm trăng sáng ấy, gặp nàng ở con đường nhỏ trong xóm, Yên rủ vào nhà chơi, nàng nhận lời ngay. Từ khi hỏi chuyện làm quen đến lúc Yên bế lên giường, nàng đều giữ vẻ mặt u buồn cũ. Chỉ đến khi hai người sung sướng tột độ, nàng mới bật cười thành tiếng. Yên trước đó chưa gần gũi con gái bao giờ, cũng không thấy có gì lạ, cứ tái diễn vài lần cho thỏa thích. Đến quá nửa đêm, nàng đòi về, chỉ cho Yên đưa đến chỗ hồ nước sau nhà.

Từ đó đêm nào cũng lại, chiều chuộng Yên y như đã rất thành thục. Chỉ có điều không bao giờ chịu cho tắt hết đèn trong phòng, đòi phải để một ngọn đèn dầu leo lét bên giường. Yên nghĩ nàng sợ ma nên cũng chiều; hơn nữa được ngắm khuôn mặt xinh đẹp của nàng trong trong lúc đầu gối tay ấp, lại càng thỏa mãn.

Được một thời gian, bạn bè để ý thấy Yên gầy hẳn đi, sinh nghi hỏi han, Yên giữ kín không nói. Nhưng cũng tự thấy mình xuống sức, nhất là cổ họng đau lại, tức ngực khó thở, Yên bỏ cả tập khí công. Bị ho còn nặng hơn trước, Yên đâm ngờ trước bệnh cũng không phải tại thuốc lào, hoang mang chán nản. Nhân một bữa ngồi quán nước trong trường, Yên nghiễm nhiên vê một điếu, châm lửa hút trước con mắt kinh ngạc của chúng bạn. Lạ ở chỗ Yên bỏ đã lâu không hút mà không hề bị sặc khói hay say quá, lại thấy thuốc có phần hơi nhẹ. Nhân thể Yên hút liền ba bốn hơi. Bạn bè rất mừng, toan bàn chuyện lại tụ tập ở nhà Yên, Yên nhất định gạt đi.

Tối hôm ấy đợi mãi không thấy tình nhân tới, Yên rất khó ngủ. Qua mấy hôm sau mới lại, vẻ hờn giận in hằn nơi khóe miệng, không chịu nói với Yên một lời. Gặng mãi thì nàng khóc, rồi trách Yên không chung tình, đòi cắt đứt quan hệ. Yên cuống cả người, thành thật thanh minh là mình oan uổng. Van xin mãi nàng mới nguôi.

Hôm sau, Yên tìm chiếc điếu cũ cất dưới giường, đem ra đánh rửa sạch sẽ để hút lại. Thấy nõ điếu đóng cao sái dày, Yên tháo hẳn ra, cạo sạch, rồi bỏ đi mua thuốc lào, quên chưa lắp lại.

Đem thuốc lào về tới ngõ, Yên gặp ngay người anh cả ở quê lên thăm, đang đứng ngóng em. Yên vốn hiếu đễ, gặp anh mừng lắm, dặn anh ở nhà tắm rửa nghỉ ngơi, mình chạy ra chợ mua thức ăn về làm cơm thết. Trên đường quay về sực nghĩ ra điều bất tiện, áy náy không vui. Trong bữa cơm Yên lựa lời xin lỗi anh, nói dối là đang kỳ thi, tối có bạn đến cùng học, không còn chỗ cho anh ngủ. Anh Yên vốn ít học, chất phác, nghe vậy bèn xuề xòa gạt đi. Cơm nước xong, thu xếp hành lý vào ngủ nhờ nhà bà con trong phố.

Anh Yên vừa đi khỏi, cô gái đến ngay. Trông tươi tỉnh hơn mọi ngày, nhưng lại có vẻ gì bứt rứt khó tả. Đến khi Yên thắp đèn dầu, tắt điện kéo nàng vào giường, nàng một mực chống cự, không chịu. Lấy làm lạ hỏi, nàng cáo rằng đang kỳ thấy tháng, phải kiêng. Lâu nay đi lại, Yên chưa từng nghe chuyện ấy bao giờ. Song vì ít hiểu biết nên không để ý, đến nay mới đâm ngờ. Bèn ra chiều lả lơi ôm ấp, bất chợt đưa tay rờ vào chỗ kín của nàng. Lạnh người vì không thấy như đã quen, dưới lớp vải quần chỉ là một lỗ hổng lớn. Bị lộ, nàng vùng ra toan chạy, Yên lôi lại được, muốn kéo quần nàng ra xem cho rõ. Bỗng thấy tay tóm vào khoảng không, mất đà suýt ngã, người con gái đã biến mất. Khi ấy mới biết là không phải người. Bật đèn ngó quanh, chỉ thấy chiếc điếu mới rửa lúc chiều, còn quên chưa tra nõ. Lấy lên định lắp vào để hút qua đêm, bàn tay bỗng dừng lại nửa chừng, như chợt nghĩ ra một điều gì. Rồi quả quyết mang điếu ra sân, châm lửa đốt. Mồi mãi mới bén. Khi lửa đã lan kín thân điếu, có tiếng nổ khẽ, ống điếu nứt toác ra. Từ trong đó khói xanh ở đâu đùn ra cuồn cuộn, đặc sánh không tan, mùi thuốc lào thơm ngát. Riêng nõ điếu Yên không đốt, giữ làm kỷ niệm.

Từ đó không ai thấy Yên hút thuốc lào nữa. Chỉ sáng sáng ra tập thở hàng giờ đồng hồ. Bệnh ho khỏi hẳn, thể trạng rất khỏe. Giờ chỉ cần nghe tiếng rít điếu cày, Yên đã bủn rủn chân tay, tưởng như nghe thấy điệu cười khúc khích của người con gái ấy./.





















































































































































































Phần nhận xét hiển thị trên trang

Con cà con kê..


BỌ VINH

Hắn không hề có chất bọ. Cái chất cá gỗ làm nên bọ. Vậy mà hắn luôn xưng bọ. Cái cách hắn phóng bút kí vào sách đề tặng tôi tự nó lật tẩy cái chất bọ giả danh của hắn. Hắn không phải bọ. Quyết không phải bọ. Vì hắn phóng khoáng và phong trần quá, cái chất đó không phải của bọ.
Nhưng hắn là bọ. Bọ tông. 100% bọ vì cái gốc gác không thể che đậy của hắn. Vì chất giọng bọ của hắn. Vì vẻ mặt câng câng tự nhiên đầy sung sướng khi tự nhận mình là bọ của hắn. Không phải ai cũng đủ can đảm để nhận mình là bọ. Nhiều người bọ thật, xấu hổ chối bỏ gốc gác mình. Hắn không làm thế. Hắn nhận bọ, tự hào vì là bọ. Hắn đang làm đẹp cho hình ảnh bọ. Nói đúng hơn thì hắn đang tạo dựng nên một hình ảnh bọ mới, khác bọ xưa.
Tôi có chút việc phải lên Hà Nội. Việc xong, thừa một đống thời gian. Tôi nghĩ đến hắn dù tôi và hắn chả quen biết nhau, chưa một lần gặp nhau Thấy hắn trên blog cũng thuộc loại quậy. Hồi tôi quậy hắn chưa chơi blog. Bây giờ hắn quậy tưng bừng thì tôi blog lại ít chơi. Cũng là may, vì nếu không, tính đố kị có khi lại biến tôi thành kẻ thù của hắn. Tôi bèn gọi điện cho blogger Phan Chí Thắng, lão này thường tự nhận mình là "lão Hâm", tôi xin "lão Hâm" số điện thoại bọ. Bọ hẹn tôi ở quán cà fê Bin 14A Hoàng Quốc Việt.
Nhận lời bọ xong. Tôi quên khuấy rằng đường xá Hà Nội nay đã khác xa với cái thời tôi sinh viên kí túc ở đó. Thế là đành đỗ xe ở chân cầu Chương Dương gọi điện cầu cứu đến tay Phạm Thanh Khương. Tay này nhận lời dẫn độ và bảo: "OK! Ra ngay, ra ngay!". Thế là tôi an tâm đứng chờ. Phạm Thanh Khương là nhà văn, đại tá biên phòng nhưng phong cách mang đậm chất Lý Toét, mà y tự xưng danh. Từ 42 Hàng Bài đến 198 Trần Quang Khải khoảng một cây số mà y bắt tôi chờ hơn một tiếng. Ấy vậy mà khi ra gặp tôi y vẫn còn chưa kịp kéo khóa quần. Y dẫn tôi lòng vòng cuối cùng cũng đến nơi. Lựa mãi mới đỗ được cái xe vì đỗ chỗ nào người ta cũng đuổi. Chủ quán hóa ra cũng là một tay bọ. Hơi ngạc nhiên vì lão Hâm cũng ngồi đó, lão này có khi hâm thật vì lúc trước lão bảo tôi lão bận đi làm. Khéo lão bận viết "nhà số 10" nên nói lơ đi thế.
Lại thấy một tay mặt hầm hố ngồi đó. Không chệch được, chắc chắn là bọ Vinh vì "cái thớt" đó vẫn chào hàng trên WEBLOGS. Chúng tôi ngồi nói chuyện được chừng hơn tiếng. Hết tuần cà fê. Hết tuần trà. Tôi không nghiện thuốc mà bắn ké bọ Vinh 4 điếu. Tôi nhiều lời. Bọ Vinh cũng thế, Lý Toét cũng thế. Duy có lão Hâm trầm ngâm hơn. Lão là đối trọng để cân bằng câu chuyện. Không có lão khéo chuyện thành liên miên. Bất tận.
Tôi về Hải Phòng được một hôm thì hôm sau Phạm Thanh Khương cũng xuống Hải Phòng công tác, hình như PTK đi viết về đơn vị Anh hùng. Chả biết Anh hùng cái gì chứ về khoản uống rượu tôi phải phong mấy tay lính thủy đó là iêng hùng. Uống ác lắm, khỏe lắm, vững vàng lắm! Pó tay! PTK làm việc cả ngày ở Đình Vũ không đi đâu được. Tôi lại phải tiếp mấy người bạn không phải văn chương. Đang ở Đồ Sơn mải "3 mươi đồng một cặp" thì nhận được điện thoại của bọ Vinh. Thì ra bọ nhận được đường link :(http://phamhaivan.vnweblogs.com/) vào trang của tay bạn thời sinh viên của tôi, đọc thấy hay quá muốn xin số điện thoại để động viên tay này viết tiếp. Vì tay này viết rất tốt nhưng không biết mải mê gì mà hơn 20 năm nay không viết. Thế là bọ Vinh gọi điện thoai nói chuyện với Phạm Hải Văn. Xong, cả hai hả hê. Chẳng biết vì cái gì mà bọn họ sướng rưng rức. Ở đời có chuyện ngớ ngẩn không thể hiểu nổi. Không thể giải thích nổi, mà nói "cho vuông" là cũng chẳng cần loằng ngoằng giải thích.
Buổi tối đang chở nhà văn Phạm Thanh Khương, nhà thơ Hoài Khánh và nhà báo Nguyễn Đình Xuân (báo QĐND) đi đổi gió thì lại nhận điện thoại bọ. Bọ bảo trưa mai xuống Hải Phòng. Tôi bảo: OK! Nói là nói vậy chứ kì thực là lo, vì sức trâu đâu mà ngày nào cũng mấy "cặp"? Lại nói chuyện tay nhà báo Nguyễn Đình Xuân lần đầu gặp mặt, hỏi ra mới biết là cùng tuổi Mậu thân, ấy vậy mà tưởng cầm tinh "con Tịnh", trông y đạo mạo và to lớn như con voi, duy có cái vòi là thấy bảo cũng không phải là hoành tráng lắm. Chứ không thì loạn. Chứ không thì mấy thằng nhỏ con như tôi chả còn có cửa giả gì. Đưa mọi người về xong. Tôi rủ PTK về nhà mình nghỉ thì đã gần một rưỡi đêm. Mệt. Phê. Chả nói thêm được câu gì cả hai lăn đùng ra ngủ.
Hôm sau tôi dậy muộn. PTK bảy rưỡi đã bắt xe ôm đi công việc tiếp. Tôi chỉ tiễn nhưng không đưa đi được vì rượu uống hôm qua bấy giờ mới ngấm. Buổi trưa cơm nước xong thì nhận được điện thoại bọ. Bọ bảo đang ở Hải Phòng. Tôi hướng dẫn cho bọ đường đến nhà tôi. Khoảng nửa tiếng sau thì chúng tôi gặp được nhau. Ngồi lai rai đủ chuyện. Lại tuần trà. Lại tuần cà fê. Tôi bảo đi nhậu. Bọ bảo không. Tôi bảo đi Đồ Sơn. Bọ bảo không. Tôi bảo gì. Bọ cũng không. Rồi bọ khệ nệ bưng quyển sách nặng như cái cùm tặng tôi. Sách đề : "Đặng Thùy Trâm". Tôi bảo cái này bố em chắc thích. Để em tặng bố em. Bọ bảo : " Còn sơ cua quyển nữa, để mình tặng cụ!". Thế là tôi đưa bọ lên thăm bố mẹ tôi. Ông bà thân sinh tôi thấy bạn văn chương của tôi đều quý. Vì biết văn chương tưởng thế nhưng vô hại. Nhiều trò khác dính vào mệt mỏi hơn nhiều.
Chúng tôi ngồi với nhau được chừng đôi tiếng. Chuyện lọ, chuyện chai. Chân tình như quen biết từ lâu. Rồi bọ nói chuyện hôm sau phải đi Phong Nha Kẻ Bàng đưa ông cụ thày thuốc đi rừng tìm lá thuốc. Về người thày thuốc giỏi có thể chữa được gút và một số chứng ung thư gan, dạ dày... Bảo ai cần thì chỉ giúp cho họ vì đó là cứu nhân độ thế. Bọ ngồi đó. Rỉ rả nói. Cái mặt nắng gió phong trần. Cái mặt vừa sướng, vừa khổ. Nhìn bọ, tôi cảm động. Ai đời bạn bè chỉ biết nhau trên blog, vậy mà một mình lùi lũi phóng xe mấy tiếng đồng hồ để chỉ được gặp nhau, nhìn thấy nhau, tâm sự với nhau vài điều rồi lại một mình lùi lũi quay về. Trong cái thời loạn lạc này hình ảnh đó sao thật đáng trân trọng.
Bọ Vinh đi rồi. Tôi ngồi bần thần nhớ. Thấy cuộc đời đẹp và đáng yêu. Có nhiều điều bình dị mà đáng quý. Tôi trở về đây có khi chỉ vì những điều tưởng như bé nhỏ đó. Thầm cầu mong cho bọ Vinh có sức khỏe để làm được những gì mà bọ mong muốn cho mình, cho gia đình, và cho mọi người. Tôi muốn làm cái điều mà bọ Vinh hay làm, với chính bọ, là "hun chụt một cái trúng đâu thì trúng". Làm như thế mắc cười lắm! Nhưng thôi cũng thử một lần. Thử một lần cho biết. Thử một lần rồi muốn ra sao thì ra.
 — cùng với Van Pham và Nhàvăn Nguyễn Quang Vinh

Phần nhận xét hiển thị trên trang