Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Trích tiểu thuyết:

 người ra đi tự thời mới tìm ra lửa

cứ theo cung cách tra hỏi của ông ấy, ta đoán đấy không phải kẻ hung dữ, là người chứ không phải là khỉ, ta nói, và đứng thẳng người lên ở trên bờ suối cho ông ấy nhìn thấy chân tay mình mẩy của ta một cách đầy đủ, thời mới tìm ra lửa là thời nào ta không biết, nhưng khi nghe ông ấy bảo là ông ấy đã ra đi tự thời mới tìm ra lửa, ta liền nghĩ con người ấy tất phải biết nhiều thứ trên đời,
thưa, đây có phải là núi Nung hay không,
điều đầu tiên ta muốn biết có phải là ta đã chạy đến núi Nung hay không, cũng chẳng hiểu sao tự dưng ta cứ nghĩ là mình đã chạy đến núi Nung, nhưng ông ấy lại tiếp tục khoe với ta về chuyện ra đi của ông ấy,
ta ra đi tự thời mới tìm ra lửa, đi mãi, nhưng rốt cuộc vẫn quẩn quanh trên mặt đất này,
cái cách nói năng của ông ấy là làm cho ta phải mệt óc, nghĩa là bấy giờ ta phải nghĩ ngợi rất nhiều, ông ấy ra đi tự thời mới tìm ra lửa nhưng rốt cuộc vẫn quẩn quanh trên mặt đất, nghĩa là ta với ông ấy đang ở trên mặt đất, quả tình ta có chán nản trước cái cách nói năng mơ hồ của ông ấy, nhưng bấy giờ không bám vào ông ấy để hỏi đường về thì bám vào ai, cuối cùng thì ta phải nói thật là mình đang lạc rừng,
thì ta cũng đang lạc rừng, đúng hơn là ta đang lạc vào thế giới của con người, ra đi tự thời mới tìm ra lửa, ta đi mãi, nhưng vẫn chưa tìm được đường về,
ông ấy nói, vẻ chân thành, và ta thì cũng bắt đầu thấy cảm động trước con người xa lạ nhưng lại cùng cảnh ngộ với mình, chưa biết ông ấy về đâu, nhưng chưa tìm được đường về thì chẳng phải là cùng cảnh ngộ với ta hay sao, như thế là ta đã đi đến quyết định phải hỏi cho biết gốc gác quê hương của con người ấy, ta hỏi là hỏi về tên xóm làng của ông ấy, nhưng chẳng biết là ông ấy có lầm lẫn gì đó hay không, lại đem thuyết lý chi đó, hay chuyện sách vở chi đó ra nói với ta,
bấy giờ ta là đứa trẻ lên mười, lên mười ta đã nhận được ngọn lửa truyền từ đấng ở trên cao, các con đã nhìn thấy chưa, bấy giờ thì ngài trưởng bối hỏi, lập tức từ người già cho tới đám trẻ ở làng ta đều ứng lên nói đã nhìn thấy rồi, ta nhón gót nhìn thì thấy ngài trưởng bối lau nước mắt, từ việc các con có đôi tay để làm ra áo cơm, có đôi chân để đi, cho đến cái cách làm sao để đẻ con đẻ cháu, hết thảy là do đấng ở trên cao mà có, không có đấng trên cao các con chẳng có gì hết, hãy nhớ đấy, kẻ nào nhận được lửa không giống với lửa của các con thì đều là kẻ thù của các con, bấy giờ thì ngài trưởng bối nói, lập tức, từ người già cho tới đám trẻ ở làng ta kéo hết sang làng bên là nơi có những người nhận được lửa không giống với lửa với bọn ta, ai không có lửa giống với lửa của ta thì đều là kẻ thù của ta, hết thảy cùng nói, rồi cùng đem những ngọn lửa đang bùng cháy trong lòng đổ lên đầu những kẻ không nhận được lửa giống với lửa của bọn ta,
nhưng làm sao lại biết lửa nào của mình, lửa nào là của người khác,
ta lấy làm lạ, hỏi, dẫu chưa hiểu ông ấy đang nói chuyện gì, nhưng ta không thể im khi nghe ông ấy lại nói đến lửa là thứ từ già chí trẻ ai cũng biết,
và, khi bầy con của ta lên năm lên bảy, ta nghe ngài trưởng bối ở làng bên hỏi dân của ngài đã nhìn thấy chưa, đây là hỏi đã thấy lửa ở trong lòng chưa, và hết thảy đều ứng lên nói là nhìn thấy rồi, khi bầy con của ta lên năm lên bảy, tuy chẳng nói ra, nhưng hết thảy mọi người ở làng ta và ở làng bên đều quyết giữ cái ý nghĩ có từ ngàn xưa là mình đang giữ ở trong lòng một ngọn lửa khác, và một hôm lửa bỗng bùng cháy ở làng ta, hãy đốt hết chúng nó là những kẻ đã nhận được lửa không giống với lửa của chúng ta, ta nghe ngài trưởng bối làng ở bên hô lớn, và lửa thì đã phủ kín làng ta, ta đã ra đi tự thời mới tìm ra lửa, đi mãi, nhưng chưa thấy đường về,
nhưng ông đi đâu,
ta hỏi, quả tình cho đến lúc ấy thì câu chuyện mơ hồ kỳ lạ của ông ấy đã khiến ta không thể không tò mò muốn biết,
đi trốn, ta cứ tưởng là lửa chỉ bùng lên ở đất chôn nhau cắt rốn của ta, gọi là làng ta hay gọi là làng bên thì đều là đất chôn nhau cắt rốn của ta, bởi hết thảy ở đó đều uống cùng nguồn nước, cứ tưởng lửa chỉ bùng lên ở đó, nhưng ta đã lầm, thực ra vào cái ngày con người biết mình là con vật biết nghĩ ngợi thì con người đã mang lửa đi khắp thế gian, vào cái ngày ấy của thế kỷ ấy, một ngày tro than, cũng chỉ có vài kẻ ngu ngốc cứ tưởng mình là thông thái có thể vẽ lại gương mặt thế giới theo ý muốn của mình bẳng cách phun ra những lời mộng mị rồi đem lửa rải ở một vài nơi trên mặt đất, ta gọi là ngày tro than, bởi lửa là thứ vật thể chẳng thể đứng im, vào cái ngày ấy, lửa đã lan tới khắp nơi, những kẻ ngu ngốc đã mục rã ở bên dưới mặt đất, còn những ý tưởng ngông cuồng của bọn họ thì đã được cất giữ nơi kho tàng hèn hạ của loài người, ta cứ tưởng là lửa chỉ bùng lên trong những ngày tro than như thế, nhưng là ta đã lầm, vào một ngày có mặt trời soi rõ mặt đất, rõ ràng là ta đã nhìn không lầm, người ấy đang mang trong mình thứ ánh sáng của thời đại văn minh, kẻ nào nhìn thế giới bên kia là cái thế giới chưa ai nhìn thấy theo cách nhìn khác với cách nhìn của mình thì đều là kẻ thù của mình, ta đã nghe người ấy nói, và cứ nghĩ chỉ khi nhìn cái thế giới bên kia khác với cách nhìn với mình mới là kẻ thù của mình, nhưng là ta đã lầm, hoá ra khi nhìn thế giới này theo cách nhìn khác với cách nhìn của mình cũng là kẻ thù của mình, rõ ràng là ta đã nghe người ấy nói, có ẩn dụ mấy thì ta cũng đã hiểu được cái cách nói ẩn dụ của người ấy, bởi những ẩn dụ ấy là có kèm theo lửa, ta đi trốn, và đã nhìn thấy lửa bùng lên ở khắp mặt đất,
ta đã mủi lòng, khóc, không phải vì đã hiểu được những lời lẽ kỳ lạ của con người ra đi tự thời mới tìm ra lửa, mà vì đã nhìn thấy ông ấy lén kéo áo lau nước mắt,
nhưng lửa luôn cháy khắp mặt đất như thế thì trốn ở đâu,
ta cảm động hỏi, thì ông ấy bảo có khi là trốn ở bên dưới tiếng chim, có khi là trong tiếng gió, ta vội quay sang phía khác cho ông ấy không nhìn thấy, ta lại mủi lòng, khóc nữa, và khi quay lại, định bụng hỏi ông ấy bao giờ thì thôi đi trốn, thì ông ấy đã biến mất, chắc là biến vào trong gió, ta nghĩ là bọn họ sợ ta trốn theo ông ấy, nên đã cho người đến dẫn ta sang chỗ chia chác thức ăn..



Phần nhận xét hiển thị trên trang

bão liên đới trong cổ họng

trước sự bưng bít của bóng đêm
khối u nhọt mọc lên chực vỡ
tiếng kêu bọc sáp va chạm tạo lửa đốt cháy sự bất lực toả trùm
lông chó thui khét giấc ngủ kẻ khác
khi tiếng sủa hấp hối trình diễn cuộc tẩu thoát buồn cười
 
tín hiệu rình rập trong thế giới ảo
vẫn đủ thời gian
để xuề xoà phỉnh dụ ngả nghiêng
nhìn vào hóc tối thẳm
kẻ trú ngụ trong ngôi đền tâm linh đảo điên vì thờ chiếc răng ranh thú dữ
trắng mắt
ánh sáng rọi đức tin mùi phân chuột
lũ dơi rít hoảng loạn trong ngôi nhà thủng mái
bàn tay thô bỉ không đủ che nửa sự thật
đang ướt những điềm rêu
 
có thể chúng ta vụt tắt
trước khi đốm lửa khác loé lên
đâu đó trận mưa không dự báo
bão liên đới trong cổ họng
nhưng cỏ sẽ hát lời sống sót
và bên này vòng tay tạo trôn ốc
những con quỷ gia tốc về nơi kết thúc
lửa
 
 
 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

EM ƠI, HÀ NỘI - PHỐ !

THƠ PHAN VŨ  :  
Gửi những người Hà Nội đi xa
NNB blog 26.10.13 

Chương một 
1.
Em ơi ! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa .
Tiếng giầy gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ ...
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về ...
2.
Ta còn em một gốc cây
Một cột đèn
Ai đó chờ ai ?
Tóc cắt ngang
Xoã xoã bờ vai ...
Ta còn em ngã ba nào ?
Chiếc khăn quàng tím đỏ,
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ !
Góc phố ấy mở đầu
Trang tình sử ! ...
3.
Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn lốc nhỏ
Gót chân ai qua mùa lá đỏ ?
Nhà thờ Cửa Bắc,
Chiều tan lễ,
Chuông nguyện còn mãi ngân nga ...
Chương hai
6.
Ta còn em khúc tự tình ca
Đôi chim khuyên gọi nhau
Trong bụi cỏ
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá,
Tiếng ve ra rả mùa hè ...
Còn em đường cũ Cổ Ngư
La đà,
Cành phượng vĩ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ,
Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ.
Những bước chân tìm nhau
Rất vội,
Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối,
Cuộc tình hờ
Bỗng chốc
Nghiêm trang ...
Chương ba
9. 
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cũ,
Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quen ai kia
Đứng đợi bên đường.
Chương bốn
10.
Em ơi! Hà Nội - phố !
Ta còn em đám mây in bóng rồng bay
Cổng đền Quan Thánh
Cờ đuôi nheo ngũ sắc
Còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa ...
***
Ta còn em tiếng trống tan trường
Áo thanh thiên điệp màu liễu rủ.
Đôi guốc cao mài mòn đại lộ,
Một ngả nào lưu dấu gót tài hoa .
Còn em mãi mãi dáng kiêu sa
Lặng lẽ theo em về phố ...
11.
Ta còn em những ánh sao sa,
Tia hồi quang
Chớp chớp trên đường
Toa xe điện cuối ngày,
Áo bành tô cũ nát ...
Lanh canh! Lanh canh!
Tiếng hàng ngày hay hồi âm
Thuở chiềng khua ? ...
Ta còn em ngọn đèn khuya
Vùng sáng nhỏ
Bà quán mải mê câu chuyện
Nàng Kiều
Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng, đong đưa
Những chàng trai say suốt mùa ...
Chương năm
13.
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai ?
Qua đó.
Bâng khuâng nhớ tuổi học trò
Còn em giàn thiên lý chết khô,
Cỏ mọc hoang trong vườn nắng,
Còn em tiếng ghi-ta
Bập bùng
Tự sự
Châm lửa điếu thuốc cuối cùng
Xập xoà
Kỷ niệm.
Đêm Kinh Kỳ thuở ấy,
Xanh lơ ...
17.
Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ
Cô gái gặp nắng hạnh
Chợt hồng đôi má
Cơn mưa nào đi nhanh qua phố
Một chút xanh hơn
Trời Hà nội hôm qua ...
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu
Qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu ...
Chương sáu
18.
Em ơ i! Hà Nội - phố !
Ta còn em một mầu xanh thời gian
Chợt nhoè,
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh
Một dáng
Một hình
20.
Ta còn em một phút mê cuồng
Người nghệ sĩ lang thang hè phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Ngay trước cổng nhà mẹ cha
Còn em một bóng chiều sa
Những câu thơ, những bức tranh
Đời đời
Lỡ dở ...
Chương bảy
21.
Em ơi ! Hà Nội - phố !
Ta còn em những giọt sương
Nhoà nhoà bóng điện
Mặt nước Hồ Gươm
Một đêm trở lạnh.
Cánh nhạn chao nghiêng
Chiều cuối,
Giã từ...
23.
Em ơi ! Hà Nội - phố !
Ta còn em cánh tay trần
Mở cửa
Mùa Xuân trong khung:
Giò phong lan
Điệp vàng rực rỡ
Từng cây khô óng ả sợi tơ hồng
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình
Xanh nõn lá ...
Ta còn em,
Hà Nội - phố, em ơi !
Ta còn em,
Em ơi ! Hà Nội, phố ...
Tháng Chạp, 1972

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Châu Á - Trung Quốc


Trung Quốc : Gần 2 tỉ euro mừng sinh nhật Mao Trạch Đông khiến người dân phẫn nộ

Chuẩn bị dựng tượng Mao Trạch Đông ở Thành Đô, Tứ Xuyên ngày 24/09/2013.

 
Theo báo chí Trung Quốc, gần 2 tỉ euro sẽ được dành cho các dự án kỷ niệm 120 năm ngày sinh Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thông tin này hôm nay 17/10/2013 đã gây phẫn nộ cho người dân Trung Quốc.

Mao Trạch Đông, vẫn được một lượng người quan trọng tại Trung Quốc coi là « vĩ nhân», sinh ngày 26/12/1893 tại huyện Thiều Sơn (Shaoshan) thuộc thành phố Tương Đàm (Xiangtan), tỉnh Hồ Nam.

Theo tờ báo Tin tức buổi chiều của Trường Sa (thủ phủ Hồ Nam), thành phố Tương Đàm đã giải ngân 15,5 tỉ nhân dân tệ (1,87 tỉ euro) cho 16 dự án liên quan đến sự kiện trên. Trong số các công trình quy mô này có việc xây dựng cơ sở hạ tầng như xa lộ, ga tàu cao tốc, một trung tâm du lịch, cũng như việc cải tạo ngôi nhà cũ của Người cầm lái vĩ đại.


Số tiền khổng lồ trên đã gây ra phản ứng dữ dội về phía cư dân mạng, trong lúc ban lãnh đạo Trung Quốc đang muốn chứng tỏ quyết tâm đấu tranh chống lãng phí công quỹ.

Trên mạng Vi Bác, một người viết : « Nếu tấn công vào nạn ô nhiễm thì sẽ tốn mất bao nhiêu tiền ? Chi bảo hiểm y tế cho người dân mất bao nhiêu ? Và nếu cung cấp bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh ở những khu phố nghèo thì sao ? Tôi không thể tin là họ chi ra ngần ấy tiền cho một người chết, hơn nữa là một người chết mà công hay tội vẫn đang bị tranh cãi ».

Một cư dân mạng khác phẫn nộ : « Tình hình kinh tế ở Thiều Sơn đang tiêu điều, nhiều người bị các công ty quốc doanh sa thải. Các quan chức Thiều Sơn đang muốn phục vụ cho ai đây ? »

Trong số các lễ hội mừng 120 năm sinh nhật Mao Trạch Đông, còn có một chương trình sân khấu hóa quy mô, một cuộc đua xe đạp cấp quốc gia và một cuộc triển lãm ảnh.

Cư dân Thiều Sơn thì vẫn có thói quen kỷ niệm ngày này bằng món mì truyền thống, hát bài Đông Phương Hồng – một bài hát được xem như quốc ca trong thời Cách mạng Văn hóa, thời kỳ hỗn loạn mà Mao Trạch Đông được tôn sùng như thánh sống. Một nhà sản xuất rượu Mao Đài đã có sáng kiến tung ra 12.000 chai rượu đặc biệt nhân dịp này.

Nhân vật số 4 Bộ Chính trị Trung Quốc loan báo cải cách "chưa từng thấy"


Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng), nhân vật số 4 trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc báo trước là những cải cách kinh tế và xã hội « chưa từng thấy » sẽ được loan báo nhân Hội nghị toàn thể dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới. Tân Hoa Xã hôm nay 26/10/2013 cho biết như trên.

Hội nghị trung ương tháng 11 là cuộc họp kín giữa 200 ủy viên trung ương Đảng, là hội nghị thứ ba kể từ khi Tập Cận Bình chính thức trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc vào tháng Ba.


Theo truyền thống, Hội nghị trung ương lần thứ ba là dịp để ê-kíp lãnh đạo mới của Trung Quốc thông báo những cải cách quan trọng về kinh tế. Ngược lại trên lãnh vực chính trị, các nhà quan sát không chờ đợi sẽ có những thay đổi quan trọng.

Tân Hoa Xã trích lời ông Du Chính Thanh khẳng định : « Lần này các cải cách sẽ rất rộng rãi, đi vào chiều sâu, và sẽ là những cải cách chưa từng có nhằm khuyến khích các chuyển đổi sâu sắc trong kinh tế, xã hội và các lãnh vực khác ».

Hiện có rất ít quan chức cao cấp đưa ra lời bình luận về Hội nghị trung ương tháng 11. Trong hội nghị này, Tập Cận Bình sẽ khẳng định ý hướng điều chỉnh lại nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại, tập trung cho tiêu dùng nội địa thay vì chú trọng đầu tư và xuất khẩu.

Hôm qua, Trung Quốc đã đưa ra lãi suất chỉ đạo mới cho các tổ chức tín dụng. Đây là một giai đoạn mới trong quá trình tự do hóa lãnh vực tài chính, với mục đích giảm bớt tình trạng mất cân đối đang đè nặng lên nền kinh tế thứ nhì thế giới.
tags: Châu Á - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20131026-nhan-vat-so-4-bo-chinh-tri-trung-quoc-loan-bao-cai-cach-chua-tung-thay 

 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bên trong Bắc Triều Tiên (vietsub) phần 1/3

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tự sự:



Cuối cùng thì mình cũng thực hiện được ý định và lời hứa của mình. Với bản thân, với bạn bè không còn chút gì để phải áy náy. Sau tất cả những cuộc gặp gỡ, những hợp đồng miệng, vô tiền khoáng hậu, nghiệm ra rằng: Ngoài nỗ lực bản thân, đừng trông cậy vào bất cứ ai, bất cứ thứ gì trong cái thế giới đầy dẫy tỵ hiềm và nhiều nghi kỵ này. Tuy nhiên vẫn phải nhắc đến một số người bạn. Nếu không có họ, chưa chắc tập sách này đã được xuất bản vì nhiều lý do.
Trong số đó, Nguyễn Quang Đại, Vũ Xuân Tửu, Vũ Từ Trang, Nguyễn Quang Hoài.. là người ngay từ lúc đầu đã ủng hộ và khích lệ mình rất nhiều. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, một kẻ như mình nghĩ đến việc in ấn tác phẩm quả đúng là chuyện điên rồ. Sách khó bán là tình trạng chung, suy giảm văn hóa đọc ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nhưng đấy mới chỉ là lý do thứ nhất. Còn một lý do nữa là sự thờ ơ của đồng loại với hầu hết loại sản phẩm này. Không ngoại trừ cả những người cầm bút.
Mấy năm nay, rất ít người “ để mắt đến bố con thằng nào”. Người viết còn như thế, trách gì công chúng vô tình?
Mình viết mấy dòng này chỉ có ý muốn “khoe” với một số bạn lâu nay quan tâm đến mình, không có ý định quảng cáo sách nên lời lẽ có thể khó nghe.
Đăng thêm lời giới thiệu của VXT như là cách để cám ơn hảo ý và lòng chân thành của nhà văn cùng với các bạn đã tận tình giúp đỡ để sách được in ra.
                                          
Lời giới thiệu       
                 
Bạn đang cầm trên tay tập truyện ngắn Bánh xe hạnh phúc gồm mười lăm truyện của Hồng Giang.
Nơi chôn rau cắt rốn của anh ở Phúc Thọ Hà Nội, ven sông Hồng đỏ mọng phù sa, nên anh lấy bút danh là Hồng Giang, để thỏa lòng đau đáu nỗi niềm quê. Lên Tuyên Quang lập nghiệp, lại cũng kề sông Gâm xanh trong, nên tác phẩm luôn có nỗi ám ảnh dòng sông bến nước, tạo nên dòng chảy của truyện. Những cảnh đời trong đục, tương phản như bức tranh sáng tối của bối cảnh xã hội. Trong tác phẩm của anh còn có phố xá. Theo phong thủy hiện đại, đường phố cũng được coi như dòng sông vậy.
                                                                  
          Bên những dòng sông đó, bao cảnh đời sống động hiện ra, tưởng như có thể nhìn thấy, sờ thấy, hoặc gặp được thân phận ấy. Cuộc sống nơi núi rừng và đô thị, tràn đầy trong truyện ngắn của Hồng Giang. Đọc tập truyện này, ta sẽ thấy, tác giả chỉ bằng vài nét bút, cảnh vật đã hiện lên, làm phông nền cho nhân vật tung tẩy: Một nhà trọ rẻ tiền phố thị, một bản người Mông trên rẻo cao, một cái đầm hoang trong khe núi, một phòng giải phẫu thẩm mỹ, một lò nấu cao xương thú rừng… Và cũng chỉ bằng vài nét chấm phá, các nhân vật đã hiện lên, mang dấu ấn tính cách của từng hạng người. Nhân vật trong truyện của anh, phần lớn là tầng lớp bình dân. Dù là ở đô thị, hay thôn quê, họ có đời sống mộc mạc, lam lũ, với cách nghĩ, cách cảm riêng biệt, về nhân tình thế thái. Những nhân vật thường bị dồn vào hoàn cảnh éo le, để bộc lộ tâm lý, tính cách. Chẳng hạn, sinh viên nghèo phải thuê phòng trọ chung với ca-ve (Chuyện lạ mùa thu); kết hôn với
người bị lây nhiễm để cưu mang (Bánh xe hạnh phúc); vợ chồng phải ly tán, rồi mới ngộ ra giá trị hạnh phúc gia đình (Trở lại bến sông)…
            Có truyện, chi tiết bộn bề, dồn nén cả một thời kỳ dài lịch sử như một tiểu thuyết rút gọn (Anh cu Đậu). Và, tác giả nhìn thấy cái thăm thẳm chiều sâu tâm lý nhân vật: “Bây giờ, Hằng ngồi kia, cái miệng xinh xắn đang uể oải nhai miếng cơm nguội. Đôi mắt đẹp của nàng đang nhìn xuống mặt đất, nơi có đàn kiến đen đang loạn xạ tìm cách nối đuôi nhau. Thực ra, nàng không nhìn gì cả. Nàng đang nhìn vào lòng mình’. (Vôi bạc). Chỉ một đoạn tả phòng giải phẫu thẩm mỹ, tác giả đã tạo nên bức tranh sinh động về nhiều hạng người trong xã hội, từ cô bác sỹ mở phòng mạch tư, đến bà già tám mươi phải sửa răng để đi hát Sình ca, ông cán bộ nghỉ hưu làm nghề trông xe, đến nhà doanh nghiệp bộn tiền chiều con. (Nốt ruồi hãm vận). Và đây, bức tranh miền sơn cước: “Ngày chợ phiên, các cô gái người Mông, người Dao ăn mặc sặc sỡ như một vạt hoa rừng. Những chàng trai quần áo chàm đen, bên sườn đeo cái bi đông lủng lẳng”. (Lên Khuổi Đào).

Nhiều truyện trong Bánh xe hạnh phúc đã được đăng trên Tuần báo Văn nghệ (Nốt ruồi hãm vận), hoặc báo Người Hà Nội (Lên Khuổi Đào), báo Tân Trào… Và truyện của anh đã được dư luận độc giả đón nhận, đánh giá đầy thiện chí.
Hồng Giang viết truyện ngắn đã nhiều, nhưng nay mới ra tập truyện ngắn đầu tay. Năm 2009, anh đã được in tiểu thuyết Thăm thẳm đường về, dày ngót bảy trăm trang, bởi  Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Liền ngay đó, tiểu thuyết được giải thưởng thường niên của Hội Văn học- Nghệ thuật CDTTS Việt Nam.
Hồng Giang, một cây bút đang sung sức. Anh say mê khám phá cuộc sống, tinh nhạy phát hiện vấn đề, tinh thông trong xây dựng cốt truyện và khá tinh tế về kỹ thuật miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật...  Bánh xe hạnh phúc đã xây dựng một xã hội thu nhỏ, mà bộn bề cảnh huống, ăm ắp chi tiết với một tác giả viết rất có nghề.
            Anh còn lập blog Hồng Giang 180’, để giao lưu văn chương trên mạng in-tơ-nét. Một người cầm bút, dù ở chốn rừng xanh, núi đỏ nhưng khi hội nhập thế giới văn minh, thì trang viết cũng mở mang không gian, biên độ... Bạn có thể cảm nhận được điều đó, khi đọc cuốn sách này.


                                                                                                           Ngày cuối năm 2012
                                     
                                                                                                          Nhà văn  Vũ Xuân Tửu



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Co mot dong song da qua doi (Trinh Cong Son) - Khanh Ly

Phần nhận xét hiển thị trên trang