Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Cụ về với "Quảng Bình Quê mẹ ta ơi"!


THI CÔNG KHU VỰC AN TÁNG ĐẠI TƯỚNG VỚI TINH THẦN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Chúng ta phải biết ơn và khâm phục những công nhân của Tập đoàn Trường Thịnh, những chiến sĩ công binh, chỉ trong 5 ngày đêm đã hoàn thành mỹ mãn một khối lượng công việc khổng lồ như thế. Các bạn hãy hình dung, để bảo đảm bí mật nơi an táng, trước đó, trước ngày Đại tướng ra đi, khu vực này chỉ được biết tới như một dự án du lịch của một công ty thôi.

Trong đồi núi vắng vẻ này, mọc lên một ngôi nhà như cái đình, một tháp chuông, và con đường vào đây chỉ là đường đất nhỏ, tất cả cảnh vật đều nguyên trạng và chắc chắn là không ai biết ở đây sẽ có một sự kiên chấn động lòng dân như vừa qua. Khi Đại tướng mất, toàn bộ khu vực mới bắt đầu phong tỏa bảo vệ nghiêm ngặt hàng chục hecta, từ mấy quả đồi thông, thung lũng Vũng Chùa và cả vùng biển, đảo Yến để Tập đoàn Trường Thịnh và các đơn vị công binh thi công đường vào, 

bạt cả nửa quả đồi để làm hai bãi đỗ xe có sức chứa gần 500 chiếc (không chỉ san lấp nửa quả đồi, còn phải lu chèn, nén chặt nó với vật liệu đá cấp phối để dù mưa to cũng không ảnh hưởng gì hết), đặc biệt là chỉ trong 5 ngày, các chiến sĩ công binh đã bạt đồi, xây dựng khu huyệt mộ, xây dựng đường lên mộ 103 bậc với các bậc đá hoa cương rất đẹp, bậc cố ý bố trí thấp, rộng, để cho lứa tuổi nào cũng lên được. 


Lại xây dựng tiếp một con đường xuống.

Tất cả những công việc đó thực hiện trong 5 ngày với thời gian làm việc 24/24, trong điều kiện thời tiết mưa gió, đất đồi lún sụt, ăn uống khó khăn. Anh em công nhân và bộ đội công binh, các lực lượng an ninh đều ở trong nhà bạt, quần áo lấm bùn đất, điều kiện sinh hoạt gian khổ, nhưng tất cả đều rất hạnh phúc vì được làm công việc rất cao cả: Chuẩn bị nơi án táng cho Đại tướng kính yêu. Tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, tinh thần chiến thắng 30/4 ngày nào bây giờ luôn giúp cho họ tinh thần làm việc vô cùng mạnh mẽ, hoàn thành một khối lượng công việc thực sự khổng lồ, mà bây giờ nhìn lại họ cũng không tin mình lại có thể hoàn thành trọn vẹn mọi công việc như thế. Vào thời gian nước rút cuối cùng, mệnh lệnh năm xưa của Đại tướng lại cháy lên trong trái tim họ: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa...
Cám ơn những công nhân, cám ơn những người lính thợ.
Các bạn đang góp sức mình cho một công trình to lớn của hôm nay và tương lai: 
Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Nguyễn Quang Vinh 
(một nhà văn quê Quảng Bình)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

“ Triết lý” của ăn vụng làm càn

 Sở dĩ tôi gộp hai bài viết được viết từ năm bẩy năm trước, thành bài sau đây, lý do vì chúng cùng nói về  một phương diện của người Việt xấu xí xưa và nay.
 
           Bài  thứ nhất nói về sự hình thành của cách sống càn bậy trong quá khứ.
         Bài thứ hai nói về lý do tồn tại của nó trong xã hội hiện đại, khi mà sự làm liều làm ẩu làm bất chấp quy luật... do yêu cầu của chiến tranh trở thành đại trà, và được dung túng thậm chí cổ vũ; rồi đến thời làm ăn kinh tế nó lại được 
đưa lên một tầm cao mới  được phép tung hoành thả cửa, và nếu biết lo liệu, người ta sẽ được cả luật pháp bảo vệ. 

I
   Đói ăn vụng túng làm càn là một trong những câu tục ngữ cửa miệng của người mình.
     Đời sống khó khăn xui người ta làm liều, bất chấp lương tri và những luật lệ thông thường. Không còn phải trái, nên hay không nên, chỉ có cuồng vọng chỉ có ý thích. Bởi lẽ tiểu xảo tiểu trí, nên trong lịch sử xã hội ta không có những đám lục lâm cỡ lớn. Song cướp vặt thì lại quá phổ biến. Đã  hình thành cả một lối sống mà người xưa đã dùng bốn chữ “vô sở bất chí “ để gọi. Vô sở bất chí  tức là không việc gì không dám làm!   
        Ghi lại những ký ức từ con người và phong vị của xứ sở, ngoài những truyện  ghi lại nếp sống nghiêm cẩn và những trò chơi tao nhã như thả thơđánh thơ, như chén trà bên sương sớm… Nguyễn Tuân còn xếp vàoVang bóng một thời  truyện Ném bút chì.

      Có lúc, truyện được gọi bằng một cái tên đẹp: Một bọn bất đắc chí. Nhưng bóc đi cái phần lãng mạn  thì nội dung của nó là tả sinh hoạt của một bọn cướp. 
       Làng Vũ Đại mà Nam Cao miêu tả nhiều trong truyện ngắn cũng có cướp, nạn cướp vùng đồng chiêm trũng hoành hành như một thế lực ngang ngược.
      Những cảnh cướp vặt ở vùng ngoại ô quê Tô Hoài thì  tầm thường mà không kém phần thê thảm. Nhân vật Thoại trong Quê người, ngày tết đi bắt những con chó sợ pháo, bị người ta đánh tới mức thừa sống thiếu chết, phải cùng bầu đoàn thê tử bỏ làng mà đi.
       Khổng tử trong Luận ngữ từng cho rằng việc người ta không làm bậy trong cảnh nghèo còn khó hơn là không kiêu căng khi giàu sang ( Bần nhi vô oán, nan; phú nhi vô kiêu, dị -- Hiến vấn, đoạn 11).
    Cái điều mà Đức Thánh Khổng lo quả không thừa. Đây là một đoạn đối thoại trong  truyện Bơ vơ Nguyễn Công Hoan viết 1936:
-- Tại sao mày phải đi ăn cướp ? Sao không kiếm nghề lương thiện mà làm ăn?
   Chúa Cụt mỉm cười :
-- Bẩm tại con đói (…) Đời không cho con được ăn ở hiền lành, nên bất đắc dĩ  con mới phải ăn cướp.
-  Mày nói lạ.
-- Bẩm thật con đi ở mà người ta không nuôi, con làm gì người ta cũng không cho làm, gia đình nào cũng hắt hủi con. Người đời đã chẳng tử tế với con, tất con phải là kẻ thù của họ. Để  có những thứ cần để sống, con chỉ còn cách bắt buộc ấy.                                      
     Xã hội hiện đại mở ra cho con người bao khát vọng tốt đẹp nhưng lại không mang lại cho họ khả năng đạt tới cái lý tưởng đó. Trong triết học phương tây, có một ý niệm gọi là chủ nghĩa hư vô. Trong dạng suy đồi của nó, ý niệm này được diễn đạt thành  công thức Chúa đã chết và người ta  có quyền làm bất cứ việc gì !
      Sự càn rỡ của người mình có phảng phất một chút hư vô như vậy.Cũng liều bán váy chơi xuân, câu thơ Tú Xương mang dáng vẻ một sự thách thức sang trọng.
     Nhiều truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhân vật tướng cướp. Họ được hình thành như một bộ phận của xã hội.
     Theo cách miêu tả của nhà văn trong Cánh buồm nâu thuở ấy,  chất thơ của cuộc sống tồn tại ngay trong hành động của đám người đứng ngoài luật pháp này.
     Nhưng đó là  những hoàn cảnh lý tưởng. Sự thực là ở ta, sự càn rỡ  thường khi hiện ra nhem nhuốc hơn, thấp hèn hơn.
    Khi sang Nga, lúc đầu tôi rất ngạc nhiên thấy cảnh dân đi câu mà nếu chỉ câu được cá bé (dưới mức cân nặng nào đó), người ta buộc phải thả. Sau biết rằng ở nhiều nước có luật lệ như vậy.
    Ở Việt Nam thì khác. Cả những con tôm con, như cách nói dân gian “mới bỏ vú mẹ” cũng không được tha. Cá không chỉ bị đánh bằng lưới mà còn bằng mìn, bằng điện, những hành động phải được mệnh danh là tàn sát  là tận diệt thiên nhiên.
     Đầu thế kỷ 20, một người Pháp Roland Meyer kể rằng trên đất Lào có những người Việt trong cơn điên cuồng kiếm sống, đào cả đình chùa của người ta lấy gạch bán từng thước khối. Ông ta gọi đây là “một mớ cặn bã của nhân loại “. 
     Nhà văn Lê Thanh, khi lại chuyện này  trên Tri tân số ra 22-4-1942,  tỏ ý rất đau đớn.
    Ngày nay không hiếm tình trạng tương tự.
     Tin tức từ Nga cũng như  nhiều nước phương Tây truyền về cho thấy đủ loại  quái chiêu mà dân ta  trình ra khi sang nước người. Trồng cần sa trong nhà. Mò san hô. Buôn ngà voi hoặc vũ khí… Tất cả những gì bị cấm thì có người Việt dám làm.
      Khi mới hình thành, sự liều lĩnh càn rỡ  được ngụy tạo bởi một cảm giác tự do và cách khẳng định quyền được tồn tại. Người ta cần nó để vượt thoát khỏi tình thế quẫn bách.
      Về sau một thói quen hình thành, con người coi việc xấu là tự nhiên, không đói cũng ăn vụng không túng cũng làm càn.
      Chỉ cần thấy mình không được sung sướng như người khác, không có dịp tận hưởng nhiều tiện nghi như người khác; chỉ cần muốn trêu ngươi thiên hạ muốn nổi trội hơn đồng loại, muốn kiếm chác một cách dễ dàng, muốn làm trò muốn vấy bẩn vào ai đó, -- là người ta cảm thấy có đủ lý do để càn rỡ rồi.
      Báo  TT&VH số 6-10-07  có bài nói về nạn đào trộm trống đồng ở Đắk Lắc. Một thôn  có tới 30 trống bị đào trộm. Người ta sử dụng cả máy dò kim loại. Nếu  biết thêm rằng khi một trống đồng được đào lên  tức là cả  không gian văn hóa chung quanh phá vỡ, sẽ thấy cách nói của người Pháp ở trên không phải là quá đáng.
     Cái càn rỡ hiện nay có bao nhiêu bộ mặt. Nó len lỏi trong hành động của những con người bình thường, khi họ dễ dãi buông thả và phó mặc cho bản năng thấp kém của chính mình.

  Đã in trong TT&VH 20 -10 –07 dưới nhan đề
Không đói cũng ăn vụng không túng cũng làm càn

II                                           
       Cáp quang dưới biển bị cắt. Nước tương có chứa chất gây ung thư cũng được bày bán. Hàng hóa xuất ra nước ngoài kém phẩm chất bị trả về. Ăn cắp, cướp giật. Lấn chiếm đất công. Bán hàng giả. Những vụ đua xe náo loạn phố xá.  Những đám học sinh  xử  nhau theo kiểu xã hội đen rồi còn quay video tung lên mạng… 
      Những hành động càn rỡ ấy, nối tiếp vào các vụ việc bấy lâu chúng ta vẫn nghe —như phá rừng, lấn biển bừa bãi; ăn cắp nguyên vật liệu trong xây dựng; gọi là cải tạo nhưng thực ra phá hoại môi trường và tàn phá di sản … — khiến cho nhiều người phẫn nộ và bàn cách chữa trị. 
     Tôi cũng thấy thế, song trong bụng không khỏi thoáng qua một chút hoài nghi. Nhiều hiện tượng cứ nối tiếp theo kiểu “chém đầu này mọc đầu khác”.  Hình như nó đã ăn vào máu chúng ta rồi. Đã thành cách sống được chấp nhận. Muốn chữa tận gốc, cần đi tìm cỗi rễ của sự việc trong tâm lý xã hội và trong từng con người.
     Nay là lúc trước khi làm chuyện bất lương nhiều người thường tự nhủ cuộc sống là một canh bạc. Được làm vua thua làm giặc. Thoát thì giàu to, thành người đàng hoàng. Không thoát đành chịu. Không có luật pháp, không có lương tâm tự trọng gì hết. Việc gì kiếm ra tiền là có quyền làm.
    Tức là có  cả một “triết lý” đứng đằng sau các hành động nói trên. 
    Tuy nhiên, điều đáng nói là ở ta hiện nay, những triết lý nếu có nẩy sinh chỉ xuất hiện dưới dạng một thứ “tập mờ”, một thứ cảm giác mông lung chứ không đề lên thành những luận thuyết chặt chẽ. Và ta lầm tưởng là ta chỉ sống theo bản năng tự nhiên chứ có “triết lý triết luận” gì đâu, nên lại càng dễ bị nó cuốn theo.
     Tôi muốn kết nối những hiện tượng trên với những vấn đề căn bản của đời sống cộng đồng mấy chục năm nay. 
     Chỗ ta hay quên — cộng đồng vừa ra khỏi chiến tranh, một cuộc chiến tranh khủng khiếp nó làm sai lạc cả bản chất con người chúng ta đến mức gần bốn chục năm sau vẫn chưa gượng dậy được. 
     Còn nhớ hồi ấy, ở miền Bắc, nhu cầu động viên thanh niên đi bộ đội rất cao. Học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường khi cần cũng được gọi đi.
     Để giúp người đi thêm yên lòng, có hẳn một chủ trương là những thanh niên như vậy, dù không học xong cấp III, cũng cho tốt nghiệp. 
     Hơn thế nữa, dù trước đó họ có là những thanh niên càn quấy đi nữa thì việc họ chấp nhận ra đi đã xóa sạch tất cả. Họ được coi là những người có hạnh kiểm tốt. Sự có mặt ở chiến trường, sự tuân theo mệnh lệnh đã là cái tiêu chuẩn lớn nhất để đánh giá con người. Họ trở thành những tấm gương để lớp sau học theo.
    Chiến tranh không có chỗ cho sự suy nghĩ phải trái. Nhân danh những mục đích lớn, thì thủ đoạn nào cũng được phép. Được làm vua thua làm giặc, ai trụ lại được trong chiến tranh thành anh hùng, thành người có công tha hồ làm bậy.  
    Sang thời hậu chiến, kinh tế đóng vai trò mặt trận chính. Nhu cầu của đất nước là phát triển sản xuất để thêm nhiều của cải hàng hóa, là xây dựng, là làm hàng xuất khẩu, là hội nhập …
     Trong hoàn cảnh một xã hội rệu rã tan hoang, hàng núi chi phí bầy ra trước mắt, thì tất cả các hoạt động đa dạng thời hậu chiến rút lại là làm sao để có tiền. Lý tưởng nhất là mỗi địa phương mỗi đơn vị mỗi cá nhân làm thêm ra tiền để tự nuôi và nếu nộp cho nhà nước thì càng nhiều càng tốt.
    Khả năng sinh lợi được coi là khả năng lớn nhất mà cấp trên đòi hỏi ở cấp dưới, các cơ quan công quyền đòi hỏi ở người dân. Nó là tư tưởng mà cũng là đạo lý trong thời đại mới.
    Một xu thế suy nghĩ đang thịnh hành, đóng vai một thứ luật miệng, người ta chỉ  cần hiểu ngầm với nhau. Anh có thể đi buôn dù chức năng anh không phải là buôn; anh có thể chạy chọt xin xỏ, anh có thể có những sáng kiến kỳ cục, miễn là anh gây được một thành tựu có tiếng vang trong xã hội …
   Trong chiến tranh, nhân danh chống lại kẻ thù, người ta dành cho mình cái quyền tàn phá cả các đô thị, các di sản, cần bao mạng người cũng hy sinh không cần tính toán; thì trong làm ăn thời nay, để phục vụ cho việc làm giầu (cho cộng đồng thì ít mà cho cá nhân thì nhiều)-- hầm mỏ bị bòn rút đến tàn nhẫn, rừng nguyên sinh bị triệt phá, thế hệ trẻ bị thả nổi để rồi cuốn theo đủ trò trụy lạc mới học mót được của nước ngoài. 
      Nói chiến tranh tưởng đã lùi xa mà dư âm còn vang vọng, tinh thần của nó còn chi phối nhiều hành động của con người là vì thế. 
      Lúc tỉnh táo, ai cũng rõ trong hoàn cảnh một nước còn nghèo và đạo làm người tối thiểu không cho phép ta sống càn rỡ. Nhưng cuộc sống bế tắc khiến cho người ta thấy tử tế cũng là vô nghĩa, sự phát triển lành mạnh của con người là chuyện hão hiền và tương lai thì quá ư mờ mịt. 
    Trong khao khát làm tất cả để tồn tại, nó – cách sống càn rỡ vô lối đó - chỉ cho ta con đường dễ mà đi. Giữa lúc khó khăn, nó mang tới những “chiến công” những “thành tựu” mà xã hội quen nặn ra để tự lừa mình. Với vẻ hào nhoáng bề ngoài, nó ve vuốt nịnh bợ chúng ta. Hơn thế nữa, nó lại gắn liền với quá khứ vinh quang. Giã từ sao nổi? 


Vương Trí Nhàn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

VÌ SAO cụ GIÁP CHỌN NHÀ 30 HOÀNG DIỆU VÀ TRƯỚC KHI MẤT, MUỐN TRẢ LẠI CĂN NHÀ NÀY

SƯU TẦM
Khỏang cuối năm 1955, đầu 1956, gia đình bác Giáp mới chuyển về 30 Hoàng Diệu. Chọn nhà cho các tướng lĩnh khác có thể đơn giản hơn nhưng với đại tướng thì có  những yêu cầu rất nghiêm. Ngay từ khi sống trên chiến khu, đại tướng có nguyên tắc "ở đâu thì ở nhưng phía trước mặt luôn phải thoáng để dễ quan sát khi có động". Tìm khắp HN thì chỉ có số nhà 30 Hoàng Diệu đáp ứng được nguyên tắc này. (Hơn nữa, ngày mới về HN, 2 đầu đường Hoàng Diệu (ngã tư với đường Điện Biên Phủ và Phan Đình Phùng) đều có barie chắn để đảm bảo an ninh).

                             

                            
                                                                 Nhà 30 Hoàng Diệu 
                             
                         Một góc vườn trước nhà 30 Hoàng Diệu ( tức vườn Kinh Thiên?)
                                      nơi bác Giáp thường tập thể dục và ngồi thiền

Nhà số 30 là nhà của 1 chủ Tây. Khi xây dựng villa này, ông ta yêu cầu giữ nguyên vườn hoa phía trước, xây nhà lùi lại. Chắc có đọc sử ta mà biết, phía trước là vườn Kính Thiên, vua quan thời xưa đi từ trong Tử Cấm Thành qua cổng Đoan Môn, theo con đường phía vườn hoa Bắc Sơn ngày nay ra vườn Kính Thiên làm lễ tế. Cũng vì thế mà vườn hoa này còn giữ cho tới ngày nay.
Tháng 8/2012, Hội Khoa học lịch sử, Bảo tàng Lịch sử đã tổ chức tọa đàm nhân sinh nhật lần thứ 102 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các nhà lịch sử và các tướng lĩnh tham gia tọa đàm đã đề xuất nên thành lập Bảo tàng Võ Nguyên Giáp.
Theo tin báo Tuổi trẻ, Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý lâu năm của đại tướng, cho biết, sinh thời, Đại tướng đã có thư đề nghị trung ương xin trả lại căn nhà đang ở sau khi “đi theo Bác Hồ”. Đồng thời đại tướng cũng đề nghị cần bảo tồn căn nhà đó vì nó nằm ngay trên vườn hoa Kính Thiên, có căn hầm đào từ trong chiến tranh chống Mỹ, là một trong ba căn hầm kiên cố nhất ở Hà Nội. Đồng thời, căn nhà là một kiến trúc Pháp mẫu mực còn giữ lại được của Hà Nội.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, GS Phan Huy Lê cũng đưa ra kiến nghị của hội: Nhà nước nên giữ lại căn nhà mà đại tướng đã ở hơn một nửa thế kỷ để làm Bảo tàng Võ Nguyên Giáp, vì căn nhà cùng với những hoạt động của tổng hành dinh trong chiến tranh đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long và là di tích bất khả xâm phạm theo công ước của UNESCO.
Theo VOV.VN - Cách ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp không xa là nhà D67 thuộc khu A thành cổ Hà Nội, là một di tích lịch sử cách mạng, một công trình đặc biệt bên cạnh những di tích kiến trúc cổ xưa, ghi dấu ấn tiêu biểu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Tòa nhà sở chỉ huy pháo binh của quân Pháp được xây dựng trên nền điện Kính Thiên xưa được sử dụng thành nhà làm việc của Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương.
Tòa nhà này được gọi là nhà Con Rồng vì phía trước có những con rồng đá chầu (thềm Rồng của điện Kính Thiên) trong những năm 60 của thế kỷ 20, Mỹ ném bom đánh phá ác liệt miền Bắc; một toà nhà mới được xây dựng đặc biệt phía sau nhà con Rồng để đảm bảo an toàn cho các cán bộ lãnh đạo của Đảng và quân đội họp và làm việc. Công trình có tên là nhà D67 vì được xây dựng năm 1967.

Nhà D67

Phòng họp của BCT và Quân Ủy TW trong nhà D67

Đây là một công trình được xây dựng hết sức đặt biệt về cấu trúc và kỹ thuật gồm một kiến trúc ở trên và một hệ thống hầm ngầm phía dưới. Phần nổi của công trình có diện tích 604m2 với hệ thống tường, mái bằng bê tông cốt thép kiên cố. Hệ thống hầm ngầm sâu 10m, nằm dưới khoảng sân giữa nhà con Rồng và nhà D67 gồm 4 phòng, rộng 50m2, trong đó có một phòng họp, các phòng chung nhau hành lang bên. Hệ thống hầm ngầm này được thiết kế chịu được tên lửa và bom hạng nặng.
Toàn bộ công việc thiết kế và thi công nhà và hầm D67 được giao cho Bộ Tư lệnh Công binh đảm nhiệm. Khoảng 300 cán bộ chiến sỹ được huy động thực thi công việc này. Các thiết bị cơ khí và thông tin sử dụng trong công trình như máy thông hơi - lọc khí, cửa thép, điện đài, điện thoại được nhập khẩu từ Liên Xô cũ.

Phòng họp của BCT và Quân Ủy TW dưới hầm ngầm 

Tại nhà D67, còn được gọi là Tổng hành dinh, đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đưa ra nhiều quyết định lịch sử có tính chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để đi đến thắng lợi. Đặc biệt, tại đây; từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng quyết định giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhà D67 vẫn được Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quản lý và sử dụng từ năm 1975 cho tới năm 2004 thì được bàn giao cho Ban Quản lý Thành cổ Hà Nội, trở thành khu vực phi quân sự và hiện là một di tích lịch sử cách mạng đặc biệt trong thành cổ Hà Nội.




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khóc cho chính mình


Tháng 10 12, 2013
Dạ Ngân
Quá nhiều nước mắt trong những ngày này. Không phải mọi người đều khóc Ông. Không bao giờ có chuyện tất cả mọi người đều đồng lòng, huống chi đây là cái chết của một vị tướng thuộc phe thắng cuộc.
Nhưng sự thực thì nước mắt đã tuôn rơi nhiều hơn mức người ta có thể hình dung. Những người trong cuộc, những người từng cùng một chiến hào với Ông biết rõ, nỗi niềm này không giống hoàn toàn với hồi người ta khóc Hồ Chí Minh. Hồi ấy là cuộc chiến, cuộc chiến đang hồi mất mát lớn sau tổng tấn công Mậu Thân. Hồi ấy những người kháng chiến khóc một lãnh tụ, một thuyền trưởng, một con tàu và một cảm giác mồ côi chung.
Bây giờ, mọi thứ đã xa và đã cũ. Nhưng sao người ta khóc Ông không khác gì “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”? Nhiều tự phát, nếu không nói là hoàn toàn tự nguyện, tự phát. Người ta đã khiến những người cách trở cảm thấy bồn chồn, những người ưu thời mẫn thế cảm thấy chấn động và những người bàng quan cũng phải tò mò, suy nghĩ.
Khóc vì cùng quá khứ đau thương.
Khóc cho những lãng quên đã từng hiện hữu.
Khóc cho những bạc đãi không nói to lên được.
Khóc cho những trầm luân của đời người.
Khóc cho bất công và oan ức mà Ông từng là biểu tượng và cũng là một chiếc phao, cho họ.
Khóc cho những trần ai mà con người đã và sẽ còn nếm trải.
Và chắc là trên hết, người ta khóc cho chính mình, cho sự bế tắc của chính mình, cho chung quanh và cho mỗi ngày sống tới.
Ông đã thoát ra, bằng cú về quê ngoạn mục, không nghĩa trang chung gì cả. Và Ông sẽ được người ta tìm về để hành hương, đển khấn khứa, để tìm quên, để xin một niềm an ủi. Phần Ông, một danh tướng còn lại, không gì xứng đáng hơn hai từ Danh Tướng ấy.
Nhưng rồi người ta sẽ lại về với nỗi niềm của mình, với mưu sinh của tha nhân, với những cuộc vật lộn triền miên với nền giáo dục với ngành y tế, với giao thông, với hỗn loạn, với sự tan rữa, mỗi ngày.
Dù muộn, vẫn xin có mấy dòng khóc cho chính mình, một người con của liệt sĩ nhà tù, giống như Ông. Khóc cho mất mát đã từng và đổ vỡ cũng đã từng. Và khóc cho bế tắc của một quốc gia thật ít hòa giải và thanh bình dù đã có hòa bình, đã lâu.
© 2013 Dạ Ngân 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thư


Gửi anh,
Em nghĩ là em có thể hiểu những gì anh đang phải trải qua. Một vài kỳ nghỉ cùng với anh ở đó cũng giúp em cảm nhận một số điều.
Thư của anh hơi ướt át, mà em thì, anh biết đấy, ướt át là cái gì không nằm trong văn phong của em.
Đôi khi em tự hỏi tại sao anh không muốn qua đây với em. Em không thể sống với anh ở đó. Em không đủ năng lượng để chống chọi lại tất cả những gì anh đang phải chống chọi.
Anh còn nhớ có lần mình cùng nhau đọc cuốn “Đôi mắt nhìn xuống” của Tahar Ben Jelloun trên bãi biển Vũng Thuyền? Đang đọc em mỏi mắt nhìn sang một nhóm người ngồi nhậu cách chúng ta không quá xa. Khi mắt em vô tình gặp đôi mắt của một người đàn ông, có lẽ ông ta nhìn em được một lúc khá lâu rồi, thì mắt ông ấy cụp xuống rất nhanh. Em cảm thấy buồn cười. Đó là một đôi mắt nhìn xuống. Trong truyện của Tahar Ben Jelloun đôi mắt nhìn xuống dĩ nhiên là của người phụ nữ.
Sau đó, em ngạc nhiên phát hiện ra rằng đàn ông ở xứ anh phần lớn đều có cặp mắt nhìn xuống. Ngay cả khi nói chuyện với người đối diện, mắt họ cũng thường nhìn xuống, và ngay cả khi họ nhìn vào mắt em, em cũng thấy rằng đó là một ánh nhìn xuống. Nghĩa là nó không có sự thẳng thắn, nó không có khả năng đương đầu, đối diện. Con ngươi thì nhìn thẳng, nhưng ánh nhìn lại hướng xuống dưới. Thật phức tạp, nhưng đấy là điều em cảm thấy. Cứ như thể họ biết rằng người ta không tin vào lời nói của họ, và người ta sẽ tìm sự xác nhận trong mắt họ, và họ phải giấu ánh nhìn đi để người ta không thể tìm thấy sự xác nhận đó.
Điều này có lẽ liên quan đến cái quan niệm phổ biến trong xã hội của anh. Người ta có thể làm mọi điều tệ hại, miễn là, hoặc là làm sao cho người khác đừng biết đến là được. Người ta có thể đồi bại, nhưng một khi người khác chưa biết đến sự đồi bại đó thì họ vẫn đáng trọng như thường. Không phải chỉ là đáng trọng trong mắt người khác, mà là đáng trọng trong mắt chính họ. Những đôi mắt nhìn xuống ấy. Cái chuyện ám ảnh phong bì của anh đó. Em biết vì sao anh bị ám ảnh. Anh từng kể với em là anh đã chứng kiến những vị giáo sư đức cao vọng trọng điềm nhiên bỏ phong bì vào túi một cách hào hoa phong nhã như thế nào. Thậm chí còn trừng phạt sinh viên của mình nếu sinh viên đó không biết đến cái thao tác phong bì. Anh còn bị một giáo sư trách móc rằng anh đã xúc phạm đồng nghiệp khi trả lại phong bì cho học sinh. Thì đấy, nếu vị giáo sư đó bị lôi lên báo vì chuyện phong bì hẳn ông ta không dám quở trách anh, nhưng vì mọi chuyện diễn ra trong bóng tối (ý em là không ai biết) nên ông thấy đạo đức của ông vẫn ngời ngời lắm. Và ông lại lên báo để khuyên nhủ thiên hạ phải sống có đạo đức, ông lại lên lớp để giảng cho sinh viên thế nào là đạo đức. Vậy đó, em muốn nói rằng, cái mà em nhìn thấy, đúng như anh nói, sự giả dối được che đậy dưới một lớp vỏ rất dày. Lớp vỏ này còn tác dụng chừng nào chưa bị cái nhìn của người khác soi vào. Hoặc giả, đúng hơn, chưa bị phơi bày ra trước công luận. Bị nhìn thấy cũng được, nhưng đừng bị phơi ra trước công luận. Anh ráng đọc cái văn phong lạnh lùng của em, em vốn vậy, khó mà viết khác được.
Em không biết khi bác sĩ chữa lành bệnh cho anh thì em nên vui hay nên buồn. Em không rõ em có đúng không khi nhìn cuộc chữa trị này của anh giống như một cuộc mặc cả. Mặc cả với chính con người anh. Tệ hơn, em thấy anh đang đánh mất mình. Anh có thể cho rằng em lẩm cẩm như một thiếu phụ ở độ tuổi hồi xuân, lỡ cỡ và khó tính và ưa cằn nhằn. Cũng có thể anh sẽ cảm thấy bị tổn thương. Mà có phải tổn thương là điều anh đang muốn?
Đàn ông xứ anh nhiều người lưng còng. Nhiều người lưng còng ngay cả khi họ còn rất trẻ. Có cảm tưởng rằng họ khó khăn khi đi lại, rằng họ phải hết sức cẩn thận nếu không sẽ bị vấp ngã, rằng con đường thăng tiến không cho phép họ vấp ngã vì thế mà họ phải còng lưng, còng càng sớm càng tốt.
Em có dịp tiếp xúc với vài chức sắc có địa vị trong xã hội. Những người đó quả là hết sức cẩn thận, mọi thứ: ngôn ngữ, cử chỉ, bước đi, dáng điệu... Mắt họ càng nhìn xuống tợn. Chữ “tợn” này là do một cậu nhóc dạy cho em. Cậu ấy bảo em: “Chị thì táo tợn, còn gã kia kìa, đeo cà vạt bóc-đô ấy, chị thấy không, gã ấy là láo tợn. Nói chung thì chị có thể ghép tợn vào bất cứ thứ gì chị muốn”.
Suy nghĩ tiếp những gì anh viết trong thư, em thấy rằng ở xứ anh, người ta sẽ lần lượt đi trên một chu trình, em nghĩ là khép kín, có sự chuyển hoá từ giai đoạn này qua giai đoạn kia, nhưng là một chu trình khép kín: bị lừa dối – tự lừa dối – lừa dối người khác. Trong chu trình này sẽ có một pha lúc người ta tự nguyện bị lừa dối. Nhưng nói chung thì em nghĩ cái pha tự nguyện bị lừa dối này là một trạng thái triền miên. Cho đến lúc nào họ không còn cảm thấy mình bị lừa nữa. Em nghĩ, để cho bộ máy xã hội có thể vận hành như hiện nay, cần nhất là mọi người tham gia trong đó phải tự nguyện bị lừa.
Không, không hẳn là em muốn nói như vậy đâu. Có lẽ như thế này thì đúng hơn:
Lúc đầu người ta bị lừa dối. Người ta có thể biết hoặc không biết là mình bị lừa. Giống như trong câu chuyện của anh, đứa trẻ được cung cấp một giấc mơ lừa dối, hay bị buộc phải mơ cái giấc mơ lừa dối đó, lúc đó nó không biết là nó bị lừa.
Nhưng rồi đến lúc người ta biết là mình bị lừa. Chẳng hạn như lời hứa hẹn về thiên đường. Người ta sống mãi mà chẳng thấy thiên đường đâu. Người ta học mười năm, thậm chí hai mươi năm để nhận một đồng lương chết đói của thời kỳ quá độ lên thiên đường. Trong khi những kẻ chẳng học hành gì, bỏ ra một ít tiền mua các loại bằng tại chức thì lại lên sếp và có đủ mọi vật chất của thiên đường trên mặt đất. Lúc đó dĩ nhiên người ta biết rằng đã bị lừa, nhưng rồi sao? Chẳng sao, sau một hồi đắn đo, người ta tình nguyện tiếp tục để bị lừa. Dù sao bên cạnh đồng lương chết đói đó thì người ta vẫn có thể xoay xở để tồn tại, mà đôi khi, sự xoay xở đó được thực hiện trên các chiêu lừa. Và đối với những người nắm quyền lực thì chẳng có gì tuyệt hơn tình thế đó. Tình thế là tất cả nhân viên chấp thuận bị lừa, để cho ông ta toàn quyền quyết định mọi thứ. Chỉ cần có chút chức vụ thôi là đã có thể có... siêu thu nhập. Kẻ có quyền khoái chí trước sự im lặng của nhân viên, có lẽ ngang với việc nhân viên tự khoái chí vì sự im lặng của mình như ông bác sĩ của anh phân tích. Nếu nhân viên im lặng khinh bỉ lãnh đạo, và lãnh đạo có biết thì ông ta cũng bất cần: mày cứ khinh bỉ đi, nhưng im lặng là được, im lặng để tao hưởng mọi thứ. Sự im lặng của mày cho phép tao có tất cả, mày khinh bỉ thế chứ khinh bỉ nữa tao cũng cóc cần, tao chỉ cần mày im lặng.
Đó là một trò chơi thoả thuận: sếp hưởng mọi thứ quyền lợi nhờ sự phục tùng của nhân viên, nhân viên tự thoả mãn sự kiêu hãnh tưởng tượng của mình nhờ sự khinh bỉ thể hiện trong im lặng, bằng im lặng. Chẳng phải cả hai bên đều cảm thấy rất tuyệt ư!
Như vậy, ở chỗ này, bị lừa, để bị lừa, trộn lẫn vào nhau thành thứ cháo sệt của sự tự lừa dối. Nhưng em chỉ dựa vào các biểu hiện bề ngoài, em không thể hiểu một cách sâu sắc như anh về sự tự lừa dối này. Anh sẽ viết cho em vào một lúc nào đó nhé. Lúc mà cái đầu của anh còn chưa biến mất ấy.
Em nhớ có lần anh than van về chuyện phụ nữ xứ anh. Chúng ta đọc lại câu chuyện về cuộc chiến tranh thành Troie kéo dài trong mười năm. Một cuộc chiến mười năm chỉ vì một người phụ nữ. Bởi phụ nữ là danh dự của đàn ông. Pouchkine chẳng phải đã chết vì một người phụ nữ ư? Còn đàn ông xứ anh, trong khi bao nhiêu phụ nữ phải đi làm nô lệ tình dục xứ người, vẫn có thể hoan hỉ nơi bàn nhậu. Trong các cuộc nhậu, các ông ca tụng nhau lên tận mây xanh mà phụ nữ thì vẫn không thoát khỏi bị sỉ nhục. Anh uống và nói: “không biết còn thứ gì là danh dự của đàn ông ở đây?”
Rồi anh đọc cho em nghe bài thơ này, em đã chép lại và vẫn còn giữ trong sổ tay:
 
Gió
 
Gió trên những cánh đồng không chiến tranh vẫn mang mùi thuốc súng
 
Gió không che nổi thân thể loã lồ của những người phụ nữ
dùng sự trinh trắng và nỗi hổ thẹn của mình để bảo vệ đất
Gió làm trắng thêm màu khăn trên trán những nữ nông phu
để tang cho đất
Gió phát tán mùi máu của người nông dân không có cách nào
đòi công lý ngoài việc bắn vào những kẻ ăn cướp rồi tự bắn vào chính mình
trả máu mình về với đất
Gió truyền đi nỗi oan ức và cơn thịnh nộ của những người đàn ông
và những người đàn bà chịu cực hình sau song sắt để bảo vệ tình yêu và công lý
 
Gió thốc nỗi nhục nhã thẳng vào mặt những kẻ đàn ông chỉ biết
cướp và bán, rồi lại bán và cướp
Gió thốc nỗi nhục thẳng vào mặt những kẻ xây nhà trên máu của đồng bào họ
Chúng hân hoan như là gió đang vuốt ve chúng
Chúng nhận làn gió mà không nhận thấy nỗi nhục
 
Gió tạt một nắm nhục vào những diễn ngôn long lanh
của những người đàn ông thành đạt, những diễn ngôn được đọc
từ diễn đàn này sang diễn đàn khác
Đến lúc nào người ta mới cảm thấy nỗi nhục nhã
đang đè lên toàn bộ đất nước này?
Đến khi nào thì những người thành đạt ở xứ này
cảm nhận được sức nặng của nỗi nhục đó?
 
Em nghĩ có thể đấy không chỉ là câu chuyện đàn ông hay phụ nữ, dù rằng em viết như thế này có thể khiến anh lầm tưởng rằng em có thành kiến gì với đàn ông xứ anh. Nhưng về căn bản, xã hội nơi anh đang sống vẫn là một xã hội của đàn ông, nơi tính chất gia trưởng vẫn còn là nền tảng của quan hệ gia đình và quan hệ xã hội, nơi phụ nữ vẫn luôn thuộc hàng thứ yếu, vẫn luôn bị coi là một thứ đồ trang sức, cái gì đó thêm vào. Nhưng nam tính thì... thôi em không dám nói đến cái gọi là nam tính của xã hội các anh.
Hôm nay em chỉ viết đến đây thôi, nghĩ tới chuyện của anh em cũng thấy đầu mình muốn nổ tung, huống hồ là anh.
Em không thể làm gì cho anh, em chỉ có thể chờ xem anh sẽ trở thành như thế nào, với các liệu pháp mà anh đang tiến hành. Rồi một ngày nếu ta gặp lại nhau anh có nhìn em bằng đôi mắt nhìn xuống? Dù thế nào em cũng mong chờ tin anh.

Một ngày như mọi ngày, ở một thời như mọi thời.

Từ Huy 
---------------

Phần nhận xét hiển thị trên trang

cách sinh tồn duy nhất là tự nguyền rủa mình


 trước kia tôi nói với bạn 
sao thơ chỉ tuyền gắt gỏng 
sự im lặng mang lại nhiều nghi vấn 
giờ chữ nghĩa tôi lại dày đặc nguyền rủa 
nguyền rủa 
kể cả bản thân tôi 
kể cả dăm điều lố bịch 
chìa ra 
hai ngón chân giao chỉ
dường như tôi bận rộn hơn lúc trước 
hai tiếng chửi đổng lề trái 
ám ảnh 
làm lẹo lưỡi 
những con chữ
không thể tin tưởng vài điều ông bà chỉ dạy 
tôi lấy dao lam cắt bỏ khúc thiếu văn hóa 
nó nhảy cà tưng trên lề đường 
lũ văn công bồi bếp vỗ tay đôm đốp 
ngôn ngữ lạ hoắc 
trên những con tàu lạ hoắc 
cần nghiên cứu 
rồi càng ngày càng ngu 
như lũ kiến 
trong hàn lâm viện 
cho phép
con người lúc nào cũng sống 
ù lì với ước mơ 
dẫu nhỏ nhoi 
như nhúm đất sân sau 
mỗi sớm mai ra đứng phì phèo tư duy 
nhổ toẹt nhúm nước bọt khinh bỉ 
cái đớn hèn
viết mãi chẳng ra chữ 
âm thanh chúng hệt tiếng dế khuya 
trong khi đám vi khuẩn trong não cứ thúc hỏi nhuận bút 
đành phải phác thảo dăm câu que củi 
bừng lên ngọn lửa đun nước 
pha ly cà phê 
sinh tồn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Vừa là người anh hùng có công vừa là viên quan cai trị có tội: Trường hợp Trần Khánh Dư

vtn blog 
Bài này tiếp tục khai triển ý tưởng đã trình bày từ tiểu luận Tính cách người cai trị trong lịch sử Việt Nam: trường hợp bạo chúa Lê Long Đĩnh  -- xem tại blog này ngày 23-5-2013   hoặchttp://vuongtrinhan.blogspot.com/2013/05/tinh-cach-nguoi-cai-tri-trong-lich-su.html.
Trong bài trước, tôi đã nói tới trường hợp những người anh hùng thời mới dựng nước, nhân có công đánh thắng giặc ngoại xâm, khi trở thành vua chúa,  tự giành cho mình cái quyền đối xử hết sức tàn tệ với nhân dân.
Bài này nói về một trường hợp muộn hơn vào đời Trần và trong một tình thế gần hơn với chúng ta thời nay.


Một cuộc đời nhiều thăng trầm

 Trần Khánh Dư (không rõ năm sinh, mất năm 1339), thường được biết tới như một trong những công thần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.Sách Đại việt sử ký toàn thư ( bản của NXb  KHXH 1985, t. II tr.58), dưới đây gọi tắt là Toàn thư ghi, trong cuộc chống quân Nguyên lần hai, ông được giao giữ vùng biển phía Bắc, nhưng không chặn nổi quân giặc, bị Thượng hoàng Trần Nhân Tông sai người xiềng giải về kinh. Khánh Dư xin hoãn, sau tập trung tàn quân ta đánh đoàn hậu cần của địch, bắt được hết  lương thực khí giới của chúng, nên được tha tội.      
Trước chiến công đánh chặn quân lương nói trên, trong việc chống quân Nguyên xâm lược lần thứ nhất, Trần Khánh Dư  còn có nhiều công trạng khác, nên từng được phong tước cao như phiêu kỵ tướng quân có lúc được phong tước tử phục thượng vị hầu, quyền chức phán thủ.
Ngoài những thắng thua trong hoạt động quân sự, đời ông còn cả những thăng trầm trên phương diện quan chức.
Điểm thấp nhất trong bước đường công danh của ông xảy ra trước chiến tranh 1285. Do  thông dâm với công chúa Thiên Thụy, con dâu Trần Quốc Tuấn, ông  bị  vua Thánh Tông sai người đánh thật nặng, đoạt hết  quan tước và tịch thu toàn bộ tài sản. Khánh Dư  lui về Chí Linh, theo chữ của Toàn thư  là “cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”.
Nhờ chiến tranh mà ông được phục chức.
Toàn thư (sđ d tr46) kể bấy giờ  vua Nhân Tông họp các quý tộc ở bến Bình Than bàn kế chống giặc. Khi đó, nước triều rút gió thổi mạnh có chiếc thuyền lớn chở than củi, người trên thuyền đội nón lá mặc áo ngắn. Vua nhận ra là Trần Khánh Dư, sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Quân hiệu gọi, bảo có lệnh vua triệu, người bán than trả lời “Lão là người buôn bán có việc gì mà phải triệu?”. Vua biết chỉ Trần Khánh Dư mới dám nói thế, liền tiếp tục cho gọi đến, cùng ngồi bàn việc nước.Thấy rất hợp nên khôi phục chức phó tướng hồi trước.
Câu chuyện cho thấy Trần Khánh Dư là một con người ngang tàng có bản lĩnh, dám chấp nhận mọi hoàn cảnh. Ngoài tri thức quân sự  ông  đã sớm làm quen với cuộc đời thường kể cả việc kinh doanh.

Nhân danh chiến đấu chống ngoại xâm để làm giầu

Nhà Trần vốn là một dòng họ bên đất Mân truyền sang (sđd t. II, tr 5) cướp ngôi nhà Lý mà thành.  Wikipedia  tiếng Việt còn ghi rõ tổ tiên của  nhà Trần có nguồn gốc ở quận Tần Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa.  Những người đầu tiên  từ Phúc Kiến sang Việt Nam vào khoảng năm 1110.
Trong guồng máy chính quyền lúc ấy, các văn quan, các nhà  quản lý có vai trò kinh bang tế thế là một cái gì xa lạ. Việc quản lý từ Trung ương đến địa phương trong tay người trong hoàng tộc  cũng tức là các tướng lĩnh quân sự.Trần Khánh Dư sớm được xếp một vai  phụ mẫu chi dân.
Trên cương vị này, người anh hùng của chúng ta hiện ra là người thế nào ? Toàn Thư ( sđd tr 59) viết :
Khi  Khánh Dư làm trấn thủ Vân Đồn, tục ở đấy  lấy buôn bán làm nghề nghiệp  sinh nhai, ăn uống may mặc đều dựa vào khách buôn phương Bắc, cho nên quần áo đồ dùng theo tục người Bắc. Khánh Dư duyệt quân các trang ra lệnh” Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc Hồ, không thể đội nón của phương Bắc  sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi ( Ma Lôi  là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này khéo nghề đan cật tre làm nón , cho nên lấy tên hương làm tên nón ) ai trái tất phải phạt. Nhưng Khánh Dư đã sai người nhà  mua nón Ma Lôi từ trước chở thuyền đến đậu trong cảng  rồi. Lệnh vừa ra, sai người ngầm báo dân trong trang: “Hôm qua thấy trước vụng biển  có thuyền chở  nón Ma Lôi đậu”. Do đó người trong trang  nối gót tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới một tiền, sau giá đắt bán một chiếc nón giá một tấm vải. Số vải thu được tới hàng ngàn tấm. Thơ mừng của một người  khách phương Bắc có câu Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh ( “Vân Đồn gà chó thẩy đều kinh” ) là nói thác phục uy danh của Khánh Dư,  mà thực là châm biếm ngầm ông ta. Khánh Dư tính tham lam thô bỉ, những nơi ông ta trấn nhậm, mọi người đều rất ghét.

Đoạn sử nói trên cho thấy:
1/Tình trạng phụ thuộc của xứ ta vào "nước lạ" phương Bắc, càng những miền gần cận biên giới càng phụ thuộc nặng.
2/ Thực trạng công việc quản lý của các nhà quân sự thời Trần.
Toàn bộ hoạt động xã hội lúc ấy dồn vào việc tự vệ chống giặc. Trong khi chuẩn bị chiến đấu lâu dài, người chỉ huy phải có toàn quyền hành động, từ đó dẫn đến sự lợi dụng quyền lực.
Tại sao nên dùng nón Ma Lôi? Là để phân biệt ta với địch. Lệnh thời chiến ai mà dám trái! Nếu chú ý tới chi tiết Trần Khánh Dư cho người đi phao lên rằng thuyền chở nón đã đến để người ta đổ đi mua, thì nói như chúng ta ngày nay, tức là toàn bộ hệ thống chính trị được huy động để phục vụ cho việc kiếm lợi của viên tướng thạo đời này.
Trường hợp của Trần Khánh Dư cũng là trường hợp của nhiều vị anh hùng khác, chẳng qua sử xưa không nói thì chúng ta nay không biết .  
Lâu nay ta chỉ nghĩ ông là người anh hùng có công. Nhưng phải nhận, trên cương vị người quản lý xã hội viên quan cai trị dân, người trấn nhậm vùng Vân Đồn lại hiện ra như một kẻ có tội.
Ông tự dành cho mình cái quyền lừa dối nhân dân để kiếm lợi riêng.
Hơn nữa nên biết đó là điều nằm trong quan niệm làm quan (= cai trị) của ông, chứ đây không phải một hành động ngẫu nhiên bị ai xui bẩy. Chính Toàn thư cũng đã ghi một câu thuộc loại “lời nói có cánh” của ông. Đời vua Anh Tông, tiếp theo Nhân Tông, người dân đã kiện Trần Khánh Dư đến tận triều đình, nhưng ông không sợ mà còn tâu vua: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ ? ”. (S đ d, tr 72)

Có công là một chuyện sử dụng trong cai trị là chuyện khác
           
Sử học dạy ở các nhà trường  hiện nay là thứ sử học soạn ra từ hồi chiến tranh, khi mọi ngành học đều phải hướng vào việc đưa thanh niên đi chiến đấu. Những đoạn vân vi về Trần Khánh Dư có lỗi thường không được cho học sinh biết. Tôi cũng ở vào tình cảnh vậy. Mãi chục năm trước khi về hưu, mới ngộ ra, quyết dành nhiều thời gian cho sử, với nghĩa tìm thêm những bài học của ông cha khi sống trong thời hậu chiến. Nên nhặt lại được câu chuyện Trần Khánh Dư.
Những chi tiết trên lại gợi ra nhiều suy nghĩ có liên quan tới đời sống xã hội hiện nay. Cũng như Trần Khánh Dư, người anh hùng mà cuộc chiến tranh ở ta sản sinh ra thực ra cũng không phải là những kẻ siêu phàm. Thời thế đã tạo ra họ với tất cả những chỗ mạnh chỗ yếu rõ ràng mà do yêu cầu hoàn cảnh, ta thường quên đi những chỗ yếu mà chỉ nhớ tới những chỗ mạnh.
Cũng như Trần Khánh Dư, sau chiến tranh cả thế hệ anh hùng thời chống Mỹ lại tự đứng ra chia nhau quản lý các công việc mà trước đó họ chưa từng làm quen.
Điều đáng nói là do đã trải qua chiến tranh, nay họ không muốn học nữa, mà cũng không cần cái  tiếng tử tế nữa. Chỉ lo làm giàu thật nhanh để  bù đắp lại những vất vả hy sinh mà họ đã gánh chịu trong chiến đấu.
Tôi cho đó là nguồn gốc của những tai vạ trong xã hội hiện nay, khi mà việc làm ăn đều đình đốn và con người thì ngày càng lưu manh sa đọa.
  Không phải riêng tôi mà những người có quan tâm tới thế sự đều nói như vậy.
Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê ở chương XXI (bị tước bỏ khi in trong nước) có đoạn bàn về việc dùng người ở xã hội ta hiện nay. Ông rất hiểu rằng nay là thời sau chiến tranh nên những người được ưu tiên  thường là những người có công trong chiến tranh mà lại  kém chuyên môn. Còn người có thực tài mà không có “quá khứ anh hùng “ thì cũng bị cho ra rìa. Và ông cho rằng như thế là nhầm là có hại.
Mở rộng ra, Nguyễn Hiến Lê bàn đến cả sự khác nhau giữa thời chiến và thời bình cùng là cách sử dụng người có công thế nào. Cả sách vở Trung Hoa cổ cũng ông viện dẫn ra để làm chứng.
Kinh Dịch, quẻ Sư, hào 6, cũng đã khuyên ta khi chiến thắng rồi, luận công mà khen thưởng thì kẻ ít học, dân thường tuy có tài chiến đấu, lập được công, cũng chỉ nên thưởng tiền bạc thôi, không nên phong đất cho để cai trị, vì công việc kiến thiết quốc gia phải là người có tài, có đức mới gánh nổi.
Rồi cả kinh nghiệm các nước khác trên thế giới:
Nước Anh sau mấy năm thế chiến rồi cũng chỉ thưởng tiền cho các danh tướng; chẳng những vậy, năm 1945, khi chiến tranh chấm dứt, họ thay cả viên Thủ tướng, cho Churchill về vườn, mặc dầu ông có công nhất trong việc cứu quốc, diệt Đức; như vậy chỉ vì chính sách thời bình khác thời chiến, nên phải dùng người khác.

Khác nhau trong sự thương dân

 Toàn thư (sđd tr 56) có  ghi lại một chi tiết năm Ất Dậu 1285, mùa đông tháng mười [vua] xuống chiếu định hộ khẩu trong nước.  Triều thần can là dân vừa qua lao khổ, định hộ khẩu thực không phải là việc cần kíp. Vua nói:”Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét tình trạng hao hụt điêu tàn của dân hay sao?” Quần thần đều khâm phục.
Các nhà sử học chắc dựa vào đoạn này để viết các vua nhà Trần thương dân, luôn luôn biết lo cho dân.
Nhưng nên có sự phân biệt. Vua thương dân nói ở đây là Nhân Tông Trần Khâm trị vì từ 1278 -1293
Đoạn trên đã kể việc Khánh Dư mắc tội thông dâm, vua lúc đó là  Thánh Tông liền nổi trận lôi đình, định đánh cho chết; sau có nghĩ lại thì cũng “sai người đánh thật nặng, đoạt hết quan tước tịch thu toàn bộ tài sản, cho lui về Chí Linh “cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than”.
Trở lại với câu nói “có cánh” của Trần Khánh Dư mà ở trên tôi đã dẫn:“Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ ?”. Toàn thư (sđd tr 72) ghi [nghe Khánh Dư nói vậy] “vua không bằng lòng”.Thế thôi. Và vẫn để Khánh Dư lui về nơi đang trị nhậm.
Vị vua về sau này là Trần Anh Tông, đã được Nhân Tông cho tập sự từ 1284, và chính thức lên ngôi khi Nhân Tông qua đời.
Có thể còn là vội vàng khi nói Anh Tông đã thả cho quan chức tùy tiện lột da dân. Nhưng có điều chắc càng về sau các vua càng nể nả với người có công và đã đặt lợi ích của dòng họ cao hơn so với lợi ích của nhân dân. Cũng từ Anh Tông trở đi, nhà Trần đi dần vào khủng hoảng, đưa đất nước từ đỉnh cao rơi xuống vực thẳm.

Phần nhận xét hiển thị trên trang