Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Trích TT của Ngố: "Ngày ấy đâu rồi"


23.

Lần này tôi lại sang sông. Mùa thu nước trong hơn mọi mùa. Dấu vết của trận lũ tháng bảy vẫn để lại dấu bùn, vết đổ gãy hai bên bờ sông. Những đám cỏ ngâm nước lâu ngày ủng úa lại bắt đầu trổ những búp trắng, xanh mờ hai bên lối đi. Từng đàn kiến cần mẫn nối đuôi nhau chuẩn bị đối phó với mùa đông dài sắp đến, cuối thu này. Tôi giờ có chút thời gian để nhìn ngắm khung cảnh nơi đây trong lúc đợi thuyền. Phải nói hôm nay là một ngày nắng đẹp. Nắng vàng như mật, như gừng. Trong nắng phảng phất hương vị của một vùng quê nghèo, yên tĩnh. Thứ bình yên lạ lùng, khiến người ta nao nao, bồn chồn..
Nơi tôi đang qua vốn là nơi xưa kia có thành nhà Bầu. Nhưng bây giờ chả còn dấu tích gì của một thời kỳ lịch sử đen tối, chuẩn bị cho Trịnh Nguyễn phân tranh hàng trăm năm trước.
Có chăng là những câu chuyện mơ hồ, không đầu không cuối về một triều đại suy tàn, thối nát dẫn đến loạn lạc, tao khổ cho con dân nước Việt. Thời của các ông vua sợ ánh sáng mặt trời, suốt ngày ở trong bóng tối, tận hưởng lạc thú xa hoa, khiến cho xã tắc điêu tàn. Tham quan, lại nhũng lộng hành khắp cõi. Luân lý bị đảo lộn. Người ngay lại sợ kẻ gian. Đạo đức suy đồi. Trộm cướp giặc giã mọc lên như nấm..Nếu nhà Thanh cường thịnh, người Trung Hoa đã nuốt chửng quốc gia này.
May là lân quốc cũng đang cơn khủng hoảng triều chính, chẳng hơn gì xứ mình. Họ còn bận lo đối phó sau cuộc chiến tranh nha phiến, đất nước to lớn dềnh dàng của họ đang bị tây phương gậm nhấm từ từ..
 Những câu chuyện pha chút huyền thoại về anh em họ Vũ, thời gian chống kình với nhà Mạc. Thời nào cũng vậy, những kẻ muốn làm chúa tể thiên hạ thường nêu những chiêu bài hay ho về giang san xã tắc. Thực ra trong tim đen của chính mình, họ chỉ có duy nhất chút tham vọng vương quyền. Chỉ khổ cho trăm họ chân đất, mắt toét phải phung sự ái quốc trung quân. Dân chúng chỉ là những quân cờ, những con chốt trên bàn cờ thế cuộc mà kẻ vương quyền bá đạo có thể thí đi không thương tiếc..
Có lẽ chẳng có mấy quốc gia như đất nước này. Sử sách thật nôm na và nhiều thiếu sót. Thường lại phiến diện một chiều. Chủ yếu để tuyên dương công trạng của mỗi triều đại do quan lại chế độ đó phần nhiều hư cấu. Hơn là ghi nhận sự thực lịch sử một cách khoa học với sự chính xác vô tư..
Tôi đang lan man nghĩ chẳng tự biết là đúng hay là sai như thế nào? Thì thuyền cập bến.
Ông lái đò mũ nan, quần lá tọa nhuộm nâu, cởi trần không mặc áo, để râu dài bảo tôi ngồi đợi. Rất lâu không thấy có thêm khách, ông miễn cưỡng nhổ sào. Con thuyền từ từ sang bờ bên kia.
Đây là bến đò mấy chục năm sau nữa bị bỏ quên, không có người qua lại do người ta quy hoạch lại đường xá, có thêm cầu bắc qua sông. Nhưng đấy là câu chuyện của sau này. Còn bây giờ nó vẫn là huyết mạch nối liền hai tỉnh. Đi thêm một quãng dài nữa là đến chân đèo khế.
Nơi đây ông Tố Hữu nói về cái rét chết cò thổi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia. Có lẽ nhà thơ nhầm vì ông ít chú ý đến yếu tố địa lý cho lắm nên mới viết như vậy. “Gió qua rừng đèo Khế gió sang” là cái gió ngược chiều với hướng đi của gió. Nhưng mà cũng chẳng sao. Thơ ca cần vần vè như thế, nó mới đúng âm vận, thi luật, không thể khác.
Thôi thì có lúc phải thông cảm với người làm thơ. Bắt bẻ quá bố ai mà sáng tạo ra thơ ca được?
Chỉ lát nữa là tôi phải vượt qua con đèo này. Tôi sẽ được tận mắt cảm nhận tất cả những điều chưa thực xác đáng của bài thơ. Nơi núi non trùng điệp, các vòng cung gặp nhau,  rồi nối nhau như bức tường thành thiên nhiên, phân cách địa giới hai tỉnh cùng một khu tự trị này.
Non sông vẫn vậy, thản nhiên tồn tại trước những định kiến chủ quan, sai lạc của con người. Trước cả những trào lưu, khát vọng của mỗi thời đại. Mà thời tôi đang sống đây là thời khác hẳn mọi thời.
Tôi còn phải mất nhiều thời gian mới thấu hiểu và cảm nhận đầy đủ về nó.

( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lại gì nữa đây?:

(VTC News) - Thạc sĩ Quân là người cứu cả triệu người Việt thoát khỏi căn bệnh tâm thần.

Loạt bài cảnh báo trò áp vong dị đoan
Kỳ 1: Lời tuyên bố rúng động

Nhắc đến 2 chữ thôi miên, hầu hết những người quan tâm đến lĩnh vực thần kinh, bộ não, đều biết đến Thạc sĩ thôi miên y khoa Nguyễn Mạnh Quân, hiện là Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu và ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam.

Nếu nói, Thạc sĩ Quân là người cứu cả triệu người Việt thoát khỏi căn bệnh tâm thần, hẳn không ít người buồn cười. Nhưng với tôi, tôi tin điều đó là thật.

Bản thân tôi là người trải nghiệm khá nhiều chuyện tâm linh. Tôi đã được đọc hàng chục tài liệu nghiên cứu, và cũng được tiếp xúc với hầu hết các nhà ngoại cảm nổi danh, cùng nhiều giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu tâm linh nước nhà.

Bác sĩ cứu cả triệu người Việt tránh bị tâm thần
Thạc sĩ Quân có thể biến cô gái này thành "Bà Trưng", "liệt sĩ", thậm chí "con gà"... 
Tôi cũng đã từng có loạt bài viết về một cuộc tìm mộ kỳ lạ, để rồi kêu gọi ủng hộ được tới ngót chục tỷ đồng, để xây dựng một đài tưởng niệm hoành tráng, ghi nhớ công ơn các liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước.

Đã có thời kỳ, tôi viết theo cảm xúc của mình, hòa với cảm xúc của những người thân liệt sĩ.

Nhưng rồi, niềm tin vào sự linh ứng của một số nhà ngoại cảm với hương linh của các anh hùng liệt sĩ dần biến mất, theo những buổi thực tế cùng không ít nhà ngoại cảm đi tìm mộ.

Với con mắt tỉnh táo, cùng bộ óc phân tích sáng suốt, tôi nhận ra rằng, cả xã hội đã mụ mị, quá tin vào khả năng thần thánh của nhiều nhà ngoại cảm rởm.

Đúng lúc ấy, thì ở Việt Nam xảy ra hiện tượng áp vong, nhập hồn tìm mộ. Tôi đã có cả chục chuyến đi tìm mộ kiểu áp vong và thứ mà tôi thu nhận được, là sự mất niềm tin vào cái được gọi là ngoại cảm.

Những tổ mối, những cục đất đen mà một nhà ngoại cảm mang về, thật lạnh lẽo và đau xót. 

Bác sĩ cứu cả triệu người Việt tránh bị tâm thần
Một trung tâm áp vong ở Hà Nam 
Bác sĩ cứu cả triệu người Việt tránh bị tâm thần
Một bệnh nhân bị tâm thần vì áp vong ở Nghệ An 
Không chỉ dừng ở chuyện tìm mộ, mà các trung tâm áp vong rởm này mọc lên như nấm khắp cả nước. Chỉ trong vòng 2 năm 2008 và 2009, cả nước mọc ra hàng trăm trung tâm áp vong, nhiều nhất ở Hà Nội, Nghệ An, Hà Nam… 

Mỗi trung tâm áp vong, mỗi ngày có cả ngàn người đến ngồi chầu trực, để gọi vong hồn người thân lên nói chuyện. Từ chuyện áp vong tìm mộ, người ta đã gọi vong hồn lên làm những trò giao lưu âm dương huyễn hoặc.

Từ việc nhà ngoại cảm rởm “gọi hồn” đi tìm mộ, người ta đã biến người thân liệt sĩ thành “nhà ngoại cảm”, có khả năng áp vong, gọi hồn. Rồi những “nhà ngoại cảm” mà sự thực là hoang tưởng này lại tưởng mình có siêu năng lực, gọi được vong hồn liệt sĩ, thánh thần lên trò chuyện và làm những việc kinh thiên động địa.

Tôi đã có nhiều cuộc đi tìm mộ kiểu áp vong này, và rốt cục, chỉ thấy họ đào về toàn tổ mối, đất đen.

Tôi hoàn toàn mất niềm tin vào chuyện vong hồn, ma quỷ. Tôi đã tìm gặp khá nhiều người nghiên cứu về hiện tượng này, và rốt cục, chỉ nhận được những giải thích đầy ma mị, dị đoan. Nhiều người mang danh giáo sư, tiến sĩ cũng đang tin sái cổ vào cái gọi là vong hồn, ma quỷ. Hoặc giả họ cố tình tin, để kiếm lợi.

Bác sĩ cứu cả triệu người Việt tránh bị tâm thần
Chỉ với một ám thị, thanh niên này hoàn toàn mất hết sức lực, không đứng dậy nổi. Nếu thiếu hiểu biết, truyền ám thị xấu, khiến người áp vong bị tâm thần cũng là điều dễ hiểu. 
Bản thân không tin vào chuyện mê tín dị đoan này, nhưng lại không thể giải thích được những câu chuyện đầy sự kỳ bí từng ngày, từng giờ được mô tả trên các trang báo, được phát tán dưới dạng những công trình nghiên cứu khoa học, những buổi hội thảo…

Và, hàng vạn người vẫn bất chấp cái nóng như nung, ngồi tập trung tư tưởng dưới mái tôn đổ lửa, để chờ đợi cái gọi là vong về trò chuyện. Nhà nhà đi áp vong, người người đi áp vong.

Đang lúc không biết hiểu vấn đề này ra sao, thì tôi bỗng được xem một chương trình truyền hình của một kênh nước ngoài. Họ quay cảnh hàng trăm người nhắm mắt, ngất ngư, khóc lóc, nói nhảm. Cảnh tượng đó giống hệt cảnh tôi gặp ở các trung tâm tìm mộ lừa đảo mọc lên như nấm ở Việt Nam.

Nhưng nhà khoa học chủ trì gian phòng toàn người ngất ngư ấy không gọi hiện tượng này là vong, ma, mà gọi đó là trạng thái thôi miên. Bộ não ưa phân tích, tìm hiểu của tôi lúc đó như được khai mở thực sự.

Bác sĩ cứu cả triệu người Việt tránh bị tâm thần
Thạc sĩ Quân giảng giải về bộ não con người 
Tuy nhiên, khi đó, ở Việt Nam, hai chữ thôi miên như thuộc về một thế giới xa lạ. Chẳng thể gặp được một chuyên gia thôi miên nào để đi tìm lời giải cho hiện tượng hết sức bức xúc đang diễn ra ở Việt Nam.

Đúng lúc đó, Thạc sĩ thôi miên y khoa Nguyễn Mạnh Quân từ Đức về nước. Được sự giới thiệu của tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng, tôi lập tức tìm gặp Thạc sĩ Quân.

Thạc sĩ Quân tiếp tôi ở một gian phòng trong một khách sạn ở con ngõ nhỏ trong phố cổ Hà Nội. Căn phòng ở ngõ sâu và yên tĩnh đến nỗi, con muỗi bay vo ve cũng nghe thấy.

Thạc sĩ Quân bảo rằng: “Tôi về đây vì một việc trọng đại nhà báo ạ. Tôi muốn cứu hàng triệu người Việt Nam thoát khỏi bệnh tâm thần. Thật nhẫn tâm khi bàng quan nhìn những kẻ mang danh ngoại cảm lừa đảo lợi dụng thế giới tâm linh, kéo người Việt về thời kỳ mông muội, đồ đá. Tôi rất tôn trọng những nhà ngoại cảm chân chính, nhưng ngoại cảm lừa đảo thì chẳng khác gì phù thủy ác, từng bị phương Tây thiêu trên giàn lửa”.

Bác sĩ cứu cả triệu người Việt tránh bị tâm thần
Thạc sĩ Quân và một lớp học nâng cao sức khỏe, trí tuệ bằng thôi miên 
Thạc sĩ Quân không giải thích ngay hiện tượng vong ma, mà anh thực nghiệm trên đồng nghiệp nữ của tôi, để tôi được chứng kiến những sự kỳ ảo của thôi miên. 

Thạc sĩ Quân có thể biến thành một nhà ngoại cảm, một thầy phù thủy siêu hạng, một thầy bùa bí hiểm. Anh có thể biến cô đồng nghiệp của tôi thành Bà Trưng đang cưỡi voi đánh giặc, thành Bồ Tát nói những điều như thế giới Phật, thậm chí thành con gà biết nói, con rắn biết bò… Anh còn có một tuyên bố gây sốc, là sẽ làm cho 4 vạn người (với điều kiện họ hợp tác, làm theo lời anh)
 ở sân vận động Mỹ Đình bị vong nhập.

Vậy là đã rõ, chẳng có ma quỷ, linh hồn, thần thánh, người chết nào nhập vào người sống ở những trung tâm áp vong lừa đảo kia. Tất cả chỉ là sự bí ẩn của bộ não, mà các nhà khoa học Việt chưa biết, chưa nghiên cứu, hoặc tìm hiểu mà không đến nơi đến chốn.

Thạc sĩ Quân khẳng định rằng, tất cả chỉ là sự ám thị mà bộ não ghi nhận, vẽ ra. Cái gọi là vong, ma, chỉ là ảo vọng, ảo thị, ảo giác…

Bác sĩ cứu cả triệu người Việt tránh bị tâm thần
Một cô gái vốn bị trầm cảm, nói lắp, sợ hãi đám đông, nhưng sau khi trải nghiệm thôi miên, đã trở nên tự tin khi thể hiện mình trước đông người 
Và khi con người rơi vào trạng thái vô thức, dưới sự tác động của những người mạo xưng là ngoại cảm, kiến thức thần kinh học hoàn toàn không có, thì vô cùng nguy hiểm. Họ đã cấy mầm bệnh tâm thần, hoang tưởng vào bộ óc của những người đi áp vong.

Thạc sĩ Quân khẳng định rằng, tất cả những người từng áp vong không đúng cách, bộ não đều đã tổn thương và họ đã là bệnh nhân tâm thần, hoang tưởng, chỉ có điều nặng hay nhẹ. Nếu những ám thị được gỡ ra kịp thời, thì bộ não ấy lành lặn, còn không gỡ ra, thì họ sẽ điên và có thể vĩnh viễn tâm thần.

Trước khi rời Việt Nam trở về Đức, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân nói với tôi rằng: “Nhờ nhà báo cảnh tỉnh người Việt, nếu ai không muốn điên, không muốn chết, thì nhất định không đi áp vong, gọi hồn nữa. 

Bác sĩ cứu cả triệu người Việt tránh bị tâm thần
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân đã cảnh báo giúp cả triệu người từ bỏ việc áp vong 
Nếu ai đọc được lời cảnh tỉnh này, vẫn cố tình làm hại bộ não của mình, thì dù có trả tiền tỉ, tôi cũng nhất định không chữa trị cho. Tôi sẽ không đi dọn rác cho những kẻ hoang tưởng nhưng xưng danh nhà ngoại cảm rồi làm hại con người”.

Lời cảnh tỉnh của Thạc sĩ Quân đã thành hiện thực. Nhiều bệnh viện tâm thần đã trở nên quá tải vì phải điều trị cho những người đi áp vong ở chỗ lừa đảo. Thậm chí, một số cái chết, rồi cả nhà điên loạn như ở Phúc Thọ (Hà Nội), đã chứng minh lời tuyên bố của Thạc sĩ thôi miên y khoa Nguyễn Mạnh Quân là thật.

Cũng may, lời cảnh tỉnh của Thạc sĩ Quân đã đến được với đông đảo người Việt. Cả triệu người đã thực sự sợ hãi, không dám đi áp vong lung tung nữa. Điều đó có nghĩa, đã có cả triệu người tránh được nguy cơ bị tâm thần nếu đi áp vong.
Chính quyền cũng vào cuộc quyết liệt, dẹp bỏ rất nhiều trung tâm hoạt động nhố nhăng, lừa đảo này.

Mặc dù lời tuyên bố lạnh lùng là vậy, nhưng ít ai biết rằng, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân đang từng ngày âm thầm loại bỏ những “con ma” tưởng tượng đang phá hoại bộ não người Việt. 

Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chính sách phải vì con người

Chỉ từ một lời giải thích thiếu chính xác của quan chức Bộ Thông tin Truyền thông về Nghị định 72 mà nay báo chí nước ngoài tràn ngập thông tin sai lệch, vẽ nên một hình ảnh rất ngớ ngẩn: “Vietnam adopts regulations to ban Internet users from sharing news reports online”. Không thể trách họ viết sai vì họ dịch nguyên văn: các trang thông tin điện tử cá nhân “… is not allowed to provide compiled information” (không cung cấp thông tin tổng hợp); thậm chí khi trích phát biểu đầu tiên của ông Hoàng Vĩnh Bảo, họ cũng trích lại từ báo trong nước: “and are not allowed to ‘quote’, ‘gather’ or summarise information from press organisations or government websites”.
Loại tin Việt Nam cấm người dùng Internet chia sẻ thông tin, trích dẫn thông tin như thế đang tràn ngập, hầu như báo nào cũng đăng vì thuộc loại tin gây tò mò, tin lạ, tin hiếm. Tờ Telegraph chơi luôn một cái sa-pô rất “ấn tượng”: “Vietnam is to ban bloggers and social media users from sharing news stories, in a further crackdown on online freedom”.
Người dùng trong nước hiểu sai thì còn thuyết phục họ đọc lại Nghị định 72 và hiểu cho đúng (như thông tin tổng hợp không phải làcompiled information; trích dẫn không phải là quote) nhưng báo chí nước ngoài phạm vi rộng mênh mông như thế làm sao nói cho họ hiểu hết được và giải thích như thế thì ai nghe!
Theo tôi Bộ TTTT phải kỷ luật quan chức giải thích sai trong cuộc họp báo đầu tiên vì phải nói đã gây hậu quả nghiêm trọng. Xong rồi phải gởi thư đến các báo nói sai yêu cầu họ nói lại cho rõ. Nếu cần phải tổ chức họp báo mời các hãng tin nước ngoài đến. Ngoài ra phải chỉnh sửa lại Nghị định 72 cho chặt chẽ, rõ ràng, tính khả thi cao chứ để nguyên như vậy vẫn còn nhiều điểm mơ hồ. Tôi có viết sơ về chuyện này trên Facebook:
… Nhiều đoạn trong Nghị định này soạn không kỹ, mơ hồ, dễ gây tranh cãi.
Ví dụ khi nói “trang thông tin điện tử cá nhân… không cung cấp thông tin tổng hợp”, người ta phải quay lại định nghĩa “thông tin tổng hợp” là gì. Nhưng đọc xong định nghĩa (thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội) sẽ không thấy sáng tỏ gì thêm. Không lẽ tôi tổng hợp thông tin xuất nhập khẩu của Việt Nam từ nhiều nguồn rồi đăng lên trang cá nhân của mình mà không được sao?
Một nguyên tắc của định nghĩa là phần giải thích không thể dùng thành phần cần định nghĩa lập lại trong phần định nghĩa để giải thích – cái này là nguyên tắc sơ đẳng ai cũng biết. Nói “thông tin tổng hợp” là “thông tin được tổng hợp…” thì hài quá.
Ở đây người soạn ý muốn nói đến “news aggregator” như kiểu Báo Mới (bán tự động) hay như CafeF (bán thủ công). Vậy thì phần định nghĩa phải viết lại toàn bộ. Thứ hai, đưa điều cấm “không cung cấp thông tin tổng hợp” thì phải minh định rõ, mục đích là gì? Nếu để giúp bảo vệ bản quyền thì lời văn sẽ khác (và thật ra đã có văn bản khác lo chuyện này rồi); nếu để ngăn chận việc “làm báo trá hình” thì phải viết khác (và chắc chắn chuyện này không chặn được); nếu muốn dẹp các trang mạo danh các quan chức cấp cao thì cũng phải viết khác. Nói chung kỹ năng soạn văn bản ở đây còn có nhiều vấn đề.
Một ví dụ khác, ở phần “Đăng ký tên miền”, Nghị định nói sẽ tuân thủ nguyên tắc “bình đẳng, không phân biệt đối xử”, “đăng ký trước được quyền sử dụng trước”. Thế nhưng ngay sau đó lại nói “Tên miền là tên gọi của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước chỉ dành cho tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước; tổ chức, cá nhân khác không được đăng ký, sử dụng tên miền này”. Quy định này cũng hợp lý thôi nhưng muốn vậy, phần nói về nguyên tắc ở trên phải có đoạn loại trừ (để loại trừ tên gọi của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước ra, áp dụng quy định ở đoạn sau). Cái này cũng là nguyên tắc soạn văn bản pháp luật sơ đẳng. Còn soạn ở mức cao cấp hơn, phần tên gọi nói trên phải quy định rất rõ (tên đầy đủ, tên tắt, tên tiếng Anh, tên tắt tiếng Anh, phần phân biệt trong tên…) thì mới tránh được các tranh cãi sau này.
Nói chung đây là cách làm không vì người dân mà chỉ muốn sao cho thuận lợi trong công tác quản lý; khi soạn văn bản, cái mục đích luôn hiện trước mắt là sao cho xong việc của mình chứ không bao giờ nghĩ đến lợi ích, nhu cầu, suy nghĩ hay cuộc sống người dân nói chung. Cứ giữ cách nghĩ như thế thì sẽ còn sai sót dài dài. Phần sau là một đoạn tôi viết trước nay bỏ vào đây vì cùng chủ đề này.
*                      *                      *
Một cách khá ngẫu nhiên hai ngành giáo dục và y tế trong thời gian qua có nhiều chính sách mà chỉ vừa mới ban hành đã gặp phải sự phản đối của công luận. Có thể thấy cái chung nhất của những chính sách hay chủ trương này là không xuất phát từ lợi ích của người dân mà nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước hay do quán tính muốn đối phó với dư luận.
Khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo muốn giám đốc sở ở 63 tỉnh thành cùng cam kết không để tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông cao hơn những năm trước, mục đích chưa chắc đã là chống tiêu cực như giải thích. Rõ ràng mục đích là không để địa phương nào bỗng có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn hẳn năm trước, khơi gợi sự tò mò của báo chí và công luận sẽ vào cuộc, lên án tình hình tiêu cực trong thi cử dẫn tới sự dễ dãi cho tốt nghiệp cao này. Mục đích rõ ràng là tạo sự bình thường, và từ đó sự yên thân không bị công luận quá chú ý đến kết quả thi tốt nghiệp.
Giả thử lãnh đạo Bộ trước khi đưa ra chủ trương này, đặt mình vào vị trí của người học sinh sắp thi tốt nghiệp. Các em đâu cần biết bức tranh tổng quát tỉnh mình sẽ đỗ bao nhiêu, so với năm trước là như thế nào. Các em chỉ muốn bài thi được chấm một cách khách quan trung thực nhất. Điểm các em như thế nào các em mong muốn được thừa nhận như thế đó. Trong bối cảnh có cái cam kết lạ đời không để tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước, thử hỏi ai mà không lo lắng chủ trương này sẽ ảnh hưởng đến việc chấm điểm như thế nào, chặt hơn, dễ dãi hơn, so đo, tính toán hơn? Toàn là những nghi ngại rất có cơ sở mà lãnh đạo Bộ phải hiểu và ý thức được cái tác hại của một chủ trương gây ra.
Một dẫn chứng khác. Khi Bộ trưởng Y tế đề nghị công an vào cuộc, điều tra nguyên nhân gây ra cái chết của 3 trẻ sơ sinh sau khi tiêm chủng ngừa viêm gan B tại Quảng Trị, chủ trương này xuất phát từ lợi ích của ai - người dân hay của bản thân lãnh đạo Bộ? Nếu mục đích của việc công an điều tra là nhằm làm rõ ai chịu trách nhiệm để trừng phạt thì nó chỉ phục vụ cho việc quản lý của Bộ, hay đúng hơn là để tìm ra chỗ trút trách nhiệm gây ra sự việc.
Nhưng đòi hỏi của công luận hiện nay không phải là tìm ra địa chỉ chịu trách nhiệm như thế. Các bậc cha mẹ có con phải tiêm chủng đều mong muốn mọi việc sáng tỏ: chủng ngừa có an toàn không, việc sản xuất vaccine có đúng quy trình, quy chuẩn không, có gì sai sót trong quá trình vận chuyển, bảo quản và sử dụng vaccine không, quy trình chủng ngừa có đúng không, người tiêm chủng cần được huấn luyện gì trước và sau khi tiêm chủng cho trẻ… Mục đích của chủ trương điều tra vụ việc phải là như thế và khi đó vai trò chủ chốt không phải là công an nữa mà vai trò chính là ngành y tế với đầy đủ thẩm quyền về chuyên môn.
Nếu Bộ trưởng Y tế xuất phát từ lợi ích thật sự của người dân khi cân nhắc chủ trương, sẽ thấy ngay việc gì nên làm, việc gì không nên làm chứ không cần sự thúc ép của dư luận.

Có thể khái quát: các quan chức trong bộ máy quản lý nhà nước nên dùng phép thử để đo lường mức độ tiếp nhận của xã hội đối với các chủ trương, chính sách mà mình sắp đưa ra. Nếu họ xuất phát từ lợi ích cục bộ, của cơ quan hay bản thân họ, chắc chắn các chủ trương chính sách này sẽ bị phản ứng. Ngược lại, nếu họ dựa trên lợi ích chính đáng của người dân, họ có thể yên tâm công luận sẽ đón chào những gì họ đưa ra và ủng hộ hết lòng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cả bài thơ và tôi cùng nhỏ bé quá...


Không có gì không có gì
Trừ những thứ đã rơi vào địa ngục...

Tôi muốn vẽ một mũi tên
Trên đùi tôi chỉ vào bộ phận không nhỏ của tôi
Và đề những câu thơ ca ngợi Tự Do
Nhưng tôi không làm được
Vì hai mắt tôi bị mờ và nhức

Trong giấc mơ
Thậm chí dù là người hay mơ mộng
Vì hay đi chơi với người yêu bên cạnh dòng sông
Hay chiều hoàng hôn hối tiếc
Nhưng nàng có cho tôi Tự Do hay không, tôi không biết

Nhưng tôi biết
Một bài thơ khủng khiếp
Trên nồi cơm run rẩy ngày hôm nay
Tự Do trên đất nước này
Không phải chỉ là sự cộng hưởng với tư tưởng
Của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình

Tiếng khóc đòi tự do của thơ tôi hôm nay
Chỉ là tiếng vo ve của con muỗi
Đang đốt vào phần da mặt làm bằng inox
Của những kẻ vẫn điềm nhiên đi dạy người khác làm người tử tế
Và tự trọng

Có thể tôi sẽ bị ù tai
Vì muốn duy trì một tiếng vang vọng lại
Một khoảnh khắc đội lốt người
Một kinh nghiệm quái gở
Kinh dị
Khi dân tộc này đất nước này
Cái dạ dày của nhân dân đã bị đánh bại
Trở thành hèn nhát
Bởi tình yêu của những con quỷ râu xanh có cái Tự Do rất tử tế

Tất cả sẽ bắt đầu
Chưa kết thúc
Một vở kịch
Người ta đang diễn vai Tự Do như chưa bao giờ có ai diễn hay và lâu như vậy
Và tự trọng

Thơ có gặp ác mộng?
Sao Thơ lại nghiến răng
Khi nhìn vào những bữa ăn
Của những gương mặt phởn phơ
Tự cao tự đại
nghĩ Thơ đang chơi dại

Họ lợi dụng sự báo thù
Và cả những nhà thơ giả vờ ngây thơ
Không biết đến những người vô tội
Bị hãm hiếp cả tâm trí
Những nhà thơ luôn viết tắt hay ẩn dụ bất cứ điều gì liên quan đến chân lý
Và Tự Do luôn luôn là những hội thảo thoả thích
Truyền thông điệp về một thứ Tự Do ngày càng tinh nghịch
Những yến tiệc ngon như cổ tích
Nghịch lý khi bạn đang chơi với một cái hộp
Bạn lại thích đóng vai Tự Do
Mỉa mai thương hại người khác

Nhưng sao bạn không tự thương xót lấy chính mình
Trái tim bạn có lỗi gì đâu mà bạn mang nó ra xào nấu
Biến tấu
Thành một bữa ăn
Mà khi nuốt vào bạn sẽ thấy nước mắt Đỗ Phủ
Như mây mù
Trên bàn ăn và trên mắt bạn
Sao bạn cứ sợ mọi người khốn nạn?

Lạnh thấm ra từ trái tim đã chết
Bạn vẫn hoang tưởng rằng nó sẽ di chuyển
Cho hết con đường mòn kinh hoàng của loài rắn
Dấu hiệu duy nhất của con quái vật vẫn còn sống
Là sự điên rồ
Và bạn muốn bài thơ trở thành lễ hợp hôn của ma quỷ

Bạn cố hét lên trong đêm đen
Có cả mùi của sợ hãi và mùi của bữa ăn
Và nó là cách nhanh nhất cho bạn thở hơi cuối cùng
Trước khi mọi thứ chấm dứt cùng với linh hồn của bạn
Đang giảng bài tử tế của Tự Do

















Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lâu lẩu lầu lâu, nhà thơ mở miệng: Lưu manh kẻ chợ

Nguyễn Trọng Tạo




Chợ. Người kẻ chợ. Nói chợ và người kẻ chợ như một văn minh của vùng, của xứ. Chợ là trung tâm giao lưu buôn bán. Chợ văn minh. Chợ buôn gian bán lận. Và cứ thế phát triển thành trung tâm “buôn gian bán lận”… văn minh.
Khi nhỏ tôi ở làng, đi chợ chỉ thấy vui. Vui với sản vật lạ, sản vật quen. Vui với người lạ, người quen. Và mặc cả để khỏi bị lừa. Nhưng dù mặc cả vẫn bị lừa. Vì người quê dù có khôn mấy cũng thua cái khôn của người kẻ chợ.


Thực ra, chợ không phải là nơi làm chính trị. Nhưng khi nó phát triển, kẻ chợ lại chính là trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa.

Nguyễn Tuân đi thực tế thường lấy chợ làm tâm điểm. Nhưng ông cũng bị chính trị chốn kẻ chợ làm cho hoảng loạn, đến mức phải bức tử tác phẩm của mình, viết bài tự kiểm thảo tựa đề “Nhìn rõ sai lầm”, để “nhận tội” và chối bỏ Vang bóng một thời,ông “thú tội” bị ma dẫn lối, quỷ đưa đường, nên đã viết phần giữa, Chùa đàn, tức tâm sự của nước độc, trước 1945 theo mạch yêu (ma) ngôn..

Văn Cao về thủ đô làm cách mạng, viết ra Tiến quân ca (sau thành Quốc ca) cũng bị chính trị “giam lỏng” 30 năm, cho đến lúc Đổi mới, mới in ra tập thơ .

Ai đã làm nên những việc ấy chốn kẻ chợ? Đó chính là lực lượng “lưu manh chính trị”.

Bọn lưu manh chính trị không cần biết anh là thù hay là bạn, anh là ngu hay là thông… miễn là “chính” tao “trị” mày nếu mày không giống tao. Đó là bọn ăn cắp tài năng, ăn cắp nhân cách, ăn cắp cái gì mày làm ra mà tao có thể ăn được, cho mày trắng tay, mày èo uột, mày chết đi thì tao mới tồn tại.

Hôm kia, ngồi với một vị cố vấn, anh bảo tôi nên ủng hộ cho ông z. Tôi bảo ông z. cũng hay, cũng gian hùng như Tào Tháo. Tôi hỏi lại anh bạn, hay là nước ta đang cần một Tào Tháo? Anh bạn cười, bảo cần người hơn cả Tào Tháo. Ôi, gian manh hơn cả Tào Tháo thì nước mình làm gì có?

Lại thấy một lũ súc sinh mấy tuần nay dạng mồm thành loa tố cáo đồng nghiệp với bọn lưu manh. Bọn này mong bọn lưu manh lưu ý đến để có thể kết nạp vào hội lưu manh, nhưng anh cố vấn nói với tôi, cái bọn súc sinh ấy quá giàu trí tửơng bở. Vì bọn súc sinh chưa biết chính trị là gì.

Chính trị phải biết nói năng lịch sự, cao siêu, nói 1 hiểu 10, nói mười lấy 1. Cái bọn súc sinh thì nói nghìn cũng chỉ mong có xíu, một xíu xíu xoa đầu: Chú được đấy. Nhưng sau “được đấy” là gì? Là cứ bật loa cho nó sủa.

Tự dưng quay ngả nào cũng thấy chó sủa. Cổng ngõ nào của nhà người tử tế cũng khóa cả, sao chó cứ sủa. Thì ra không phải chó nhà sủa, mà, chó ngoài cổng sủa.

Cả cái chợ đầy tiếng chó sủa. Mà không phải sủa trăng. Đêm nay tối mịt.

Thì ra chốn kẻ chợ quá nhiều bọn lưu manh tự sủa mình.

Chiều buồn, 6.8.2013


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Trích TT " NGÀY ẤY ĐÂU RỒI ?" của Ngố:

..Anh Bình tìm thấy tôi ở ngoài bến xe. Cả nhà đang cuống lên vì chiều hôm ấy không thấy tôi về. Bố tôi về tới nhà hay tin cũng vội vã đi tìm tôi. Ông bảo: “Nó là thằng có chí, nhưng khí khái.. Chỉ sợ nó nghĩ quẩn..”.
Chẳng ai hiểu tôi cả. Tôi đâu có dại làm việc ngu xuẩn trong lúc bồng bột như hồi nào? Sau đận ấy, tôi nghĩ con người ta có nhiều cách, miễn là có lòng kiên nhẫn, mãi cũng tới bến bờ.
Cuộc sống luôn có những con sông trước mặt. Nếu anh không đủ quyết tâm và thiếu lòng hăng hái, mãi mãi anh sẽ ở bờ bên này với nỗi buồn và thất vọng của mình.
Khó khăn không phải chỉ có một lần, như thể người ta qua con sông này lại gặp con sông khác đón chờ trước mặt. Anh vẫn phải đi tiếp, không thể dừng lại nếu không muốn đánh mất ước mơ của mình.
Tôi suy tính tiếp tục ở lại xưởng bánh mì không phải là cách hay. Lương ba cọc ba đồng chỉ đủ nuôi miệng mình, năm may được bộ quần áo. Mặc mãi cũng rách, chẳng là gì. Tuổi trẻ sinh ra đâu phải chỉ cốt tìm miếng ăn, manh áo mặc? Ngày qua tháng lại chả mấy chốc mà hết tuổi thanh xuân.
Tôi cần có tiền, thật nhiều tiền.
Như người ta nói “Có tiền, con khi cũng thành tiên”. Tôi sẽ theo người ta đi buôn gỗ, buôn bè.. rồi tôi sẽ thành ông chủ, thành “doanh nhân” như người ta hay gọi về sau này. Muốn thế tôi phải có vốn liếng ban đầu.“Đi câu sắm giỏ”. Nhưng tạo nó bằng cách nào?

Thằng Hón cùng học với tôi cũng có hoàn cảnh tương tự. Bạn bè cùng lớp nhiều đứa đã đi thoát ly, đi học cả rồi, chỉ còn mấy đứa không được đi đâu gọi là vẫn lơ vơ, ở nhà.
Mỗi đứa chọn một phách.
Có đứa rủ thêm bạn ra Quảng Ninh xin việc. Mỏ than ngoài đó đang cần tuyển thợ mỏ. Công việc tuy vất vả, có khi nguy hiểm vì an toàn của mỏ vừa mới khai thác lại, chưa thật đảm bảo. Nhưng đổi lại, lương khá cao.
Có đứa xin đi công nhân đường sắt. Ngày ngày vác tà vẹt, khiêng đá rải nền đường tàu. Suốt ngày phơi mặt ngoài trời mưa nắng,“trắng trẻo” như người Kênya..
Đúng là bách nhân bách nghệ, chả thiếu nghề nào!
Không phải tôi sợ vất vả, lầm than. Cái tôi sợ ở những nơi ấy sinh hoạt thường là ô hợp, ăn ở tạm bợ gồm nhiều hạng người, tốt có mà xấu cùng không thiếu. Đấy là những nơi nhiều thô lỗ, cuộc sống con người thiếu cái căn bản. Nơi hỗn quân, hỗn quan..
Là tôi “tưởng tượng” ra thế..
Sau này gặp lại bạn cũ, tôi mới biết mình nhầm!
Hoặc cũng có thể trong câu chuyện, bạn bè tôi “moniphe”, tô vẽ thêm ra viễn cảnh để tôi nhầm như thế chăng?
Chừng nào còn những hạng người như bố con ông Tý Tỏm, ông Đoàn Nhiêu, chừng đó tôi biết mình khó mà mở mày mở mặt ra được! Bố mẹ tôi đã phải bỏ quê bỏ làng đi hàng trăm cây số lên đây mà chưa khỏi vòng “khắc tinh” của họ. Họ là cái gì ám ảnh, đeo bám  dai dẳng. Tôi cứ đi tới đâu là y như rằng, cách nào đó lại có cái “bóng” trong số họ xuất hiện, lù lù trước mặt.
Tôi cần con đường khác, cách khác để lập thân, lập nghiệp. Bất luận như thế nào..Dù có phải đi vòng, gian nan vất vả quyết không bỏ cuộc. Muốn thế phải chuẩn bị ngay từ bây giờ..
Thằng Hón bảo tôi nó có cách kiếm tiền nhanh, tôi đi theo nó. Vẫn biết đó là cách không được đàng hoàng cho lắm, mà vẫn làm. Không phải lúc nào con người cũng có quyền lựa chọn theo suy nghĩ chủ quan và cảm tính của riêng mình. Có lúc phải chiều theo hoàn cảnh, hay gọi văn vẻ là “số phận đẩy đưa”.
“Phe vé” ở bến xe không phải công việc công khai. Phải làm lén lút. Bất cứ lúc nào cũng có thể bị công an, quản lý bến dẫn vào đồn. Đó là việc nhà nước về mặt quản lý công khai nghiêm cấm. Nhưng nó vẫn là một thứ nghề mọn chui lủi lẩn lút suốt nhiều năm thời bao cấp. Có cầu ắt có cung. Phương tiện giao thông thiếu thốn, số vé bán cho khách chỉ có hạn của mỗi ngày. Đó là lý do tại sao cấm cản ráo riết mà việc này vẫn xảy ra. Nhưng làm được nó cũng không phải chuyện dễ, ai cũng làm được. Cần có sự tháo vát, nhanh nhạy và quan trọng nhất phải biết “dẻo mỏ”, như người ta hay gọi về tính chất của công việc ấy thời bấy giờ. “Làm lâu ngày sẽ có kinh nghiệm. Thậm chí còn móc nối được với nhà xe, người bán vé lúc ấy mới ăn to, với điều kiện “biết lại quả” cho họ một chút”, khéo léo và tế nhị nếu không muốn “nhà xe” trở mặt, lập biên bản ngay tức thời!.
Ấy là Hón nói thế, tôi nghe có lý và không phản đối.
Phải công nhận một thời “Phe vé”, “Phe tem phiếu” là nghề kiếm được tiền tương đối dễ dàng, lại không tốn sức.
Chỉ cần có gan, nhanh nhẹn, giảo hoạt một chút là có thể làm được. Tôi vẫn thấy có điều gì đó không ổn. Mình đang vụng trộm, lén lút thì tâm trạng làm sao thanh thản được?
Anh Bình nhìn thấy khi tôi đang chen xếp hàng. Mỗi lần xếp hàng như thế thật không dễ chịu chút nào. Dưới dùn lên, trên ép xuống, tê chân, tức ngực, thở không ra hơi.. Trời không đến nỗi nóng mà quần áo mồ hôi mồ kê ướt đầm đìa. Nhưng mua được cái vé, bán lại cho người khác giá trị ngày công gấp mấy lần các công việc nặng nhọc ở xưởng cán mì.
Đã đứng vào hàng chỉ nhằm nhằm trông vào cái ô bán vé rộng bằng hai bàn tay. Ngoài ra chẳng để ý gì đến xung quanh.
Đến lúc anh Bình vỗ vai, tôi lại tưởng ai đó ở phía sau gây sự với mình, chút nữa tôi văng tục. Quay lại nhìn thấy anh, tôi chột dạ. Sao anh ấy lại biết mình ở đây?
Anh Bình không nói không rằng cầm tay tôi lôi ra khỏi hàng. Dù lúc này anh mặc thường phục, vẫn có người biết anh ở ty công an. Mọi người dãn ra không ai nói gì, nhưng ánh mắt nhìn đầy nghi hoặc. Có thể người ta nghĩ tôi là thằng ăn cắp vừa xổng ra, bị bắt lại? Người ta biết đâu tôi là em vợ của anh?
Anh bảo tôi lên xe chở về nhà. Cái xe đạp của anh xích khô dầu, cứ kêu lách cách. Tôi định nhảy xuống đi bộ, nhưng anh Bình không cho.
Cả nhà tôi đang chuản bị ăn cơm. Tôi đồ mẹ tôi khóc chán, mỏi mắt, giờ đã thôi. Bố tôi có lẽ cũng đánh liều, “kệ xác nó, muốn đi đâu thì đi, lớn rồi đâu lên năm lên ba nữa mà cứ lo mãi!”, ông  sẽ bảo thế, nhưng không hiểu sao giờ bố tôi cứ nhìn tôi chằm chằm?
Bố tôi vốn hiền lành, ít nói sao cái nhìn của ông khi ấy khiến tôi rất sợ, phải quay đi chỗ khác? Tôi khâm phục cách xử trí khéo léo của anh Bình. Nếu hôm nay không phải là anh đưa tôi về, sự thể tôi không đoán trước được.
Bố tôi mặt vẫn lạnh như tiền, có lẽ bố còn giận tôi lắm. Mẹ tôi mếu máo, các anh chị em khác cũng chẳng ai đồng tình. Sắp có trận bão giông xảy ra đây, tôi nghĩ bụng..
May mà anh Bình ngăn được.
Anh làm như không có chuyện gì, mở xà cột lấy ra tờ giấy đưa cho bố tôi. Ông bảo:
- Giấy má gì? Anh cứ đọc luôn đi, tôi không đeo kính!
“Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa..” anh Bình đọc. Thì ra đây là giấy báo tôi nhập học một lớp đào tạo cấp tốc ngành sư phạm. Trường sư phạm khu hiện đang thiếu học sinh cho năm học mới, gọi bổ sung. Mặc dù thời gian học chỉ có một năm, hệ tiểu học cả nhà tôi mừng như vừa có người chết sống lại. Còn tôi không biết nói gì, cứ cầm chặt tay anh dể tôi rất chặt, lâu đến nỗi anh phải gỡ tay tôi, hỏi: “Cậu làm sao thế?”. “Em không sao, nhưng em biết anh vất vả vì em. Nếu không chắc đã có giấy báo này”. Tôi nói, tự nhiên nước mắt ứa ra. Lâu lắm tôi không hay tủi thân như ngày còn bé, chẳng hiểu tại sao bây giờ nó cứ ứa ra, tràn xuống, mặn trên môi..


( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

KHÔNG GIỐNG AI: Lem - 61 - Ố trúng đạn

KHÔNG GIỐNG AI: Lem - 61 - Ố trúng đạn: Chết à? Khơi khơi dễ gì chết, đâu phải muốn chết là được chết. Ố tự mãn với tự do độc lập của mình, khờ khạo thưởng thức cái gọi là ... Phần nhận xét hiển thị trên trang