Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

XA HOI BA ĐAO Hay thời 3D:


NGƯỜI DÂN ĐƯỜNG LÂM - ĐẤT HAI VUA - ĐANG NỔI GIẬN


Ba lối vào làng cổ đều bị chặn lại bắt mua vé, gửi xe như thế này. Tiền tỉ từ việc bán vé này hầu như chỉ để dùng nuôi nhân viên bán vé!


Người Đường Lâm - đất 2 vua - đang nổi giận: Vì sao?
Lãng Quân
(LĐ) - Số 105 - Thứ bảy 11/05/2013 11:32

Các đơn vị nhảy vào “khai thác” làng cổ Đường Lâm, trúng mánh lắm, mấy tháng đầu năm 2013, đã thu được ít nhất đôi tỉ đồng tiền bán vé. Đại đa số người Đường Lâm không được hưởng lợi gì, cái họ buộc phải nhận chỉ là bực mình, vô lý, và lối ứng xử nhẫn tâm. 
Bố tôi lúc nào cũng sợ mang tiếng, lúc nào cũng dặn tôi: Mình là người làng cổ Đường Lâm, viết báo “… tung hoành chín phương” thì cũng phải để “một phương lấy chồng”. 

15 năm tôi đi làm báo, cũng là ngần ấy năm người ta sôi sục lập dự án, tuyên truyền rồi chính thức trao danh hiệu Di sản quốc gia làng cổ đầu tiên của Việt Nam cho quê tôi. Các đơn vị nhảy vào “khai thác” du lịch, trúng mánh lắm, mấy tháng đầu năm 2013, đã thu được ít nhất đôi tỉ đồng tiền bán vé. Đại đa số người Đường Lâm không được hưởng lợi gì, cái họ buộc phải nhận chỉ là bực mình, vô lý, và lối ứng xử nhẫn tâm.
 
 

Dường như, người ta quên mất rằng, di tích kia là cả dăm bảy cái làng, cả một cái xã với gần một vạn dân, “di tích sống” thì phải ứng xử đặc thù làm sao cho con người trong đó có thể sống được chứ. Đằng này, khi bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu giá trị bị “giết chết” ngay trong quá trình vinh danh di tích sống đó. Để đến nỗi, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đông đảo người dân ký vào một lá đơn dâng lên cơ quan cấp trên, xin trả lại Di tích quốc gia cho Nhà nước. 
 
Vì sao có lá đơn chưa từng có? 
 

Thú thật là tôi không muốn nói những chuyện này ra. Vì bố tôi nói đúng, về với gốc phần là bản năng khủng khiếp và nhân văn nhất mà kiếp người nào cũng luôn ám ảnh. Tôi chưa già đã hằng tuần muốn về quê, lúc chết chắc cũng sẽ nằm ở cánh đồng làng thôi. Có lẽ vì người Đường Lâm không ai muốn “to tiếng” về những chuyện chẳng ra làm sao đã diễn ra 10 năm qua ở làng mình, nên nỗi đau, sự vô lý cứ lớn dần, cứ ấp ủ lâu ngày, giờ ung nhọt vỡ ra, việc xin trả lại danh hiệu hôm 30.4.2013 chỉ là giọt nước tràn ly. 
 

Sự thể thế này: Tôi về quê nghỉ lễ 30.4.2013, thấy bà con dắt díu nhau đến nhà, gửi nhà báo một lá đơn. Có người chắp tay vái tôi, rằng hãy làm một cái gì đó cho dân, chúng tôi không biết kêu vào ai nữa cả. Chúng tôi đã đợi đến bạc tóc vì những lời hứa suông, chỉ hứa và hứa. Lá đơn lúc đó mới có 7 người ký (nay đã có hơn 80 người ký), nội dung: Xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho Nhà nước. Vì người Đường Lâm đang khổ quá, ô nhiễm, tắc đường, ồn ào vì náo nức du khách; mà người ta kinh doanh du lịch trên quê tôi, di sản của chúng tôi và cha ông chúng tôi, nhưng lại không cho người quê tôi một xu nào. 
 

Cái quan trọng hơn là họ “ra quy tắc” xây dựng rất ghê gớm: Cấm làm nhà hai tầng, tum chống nóng nhô lên cũng chặt. Họ cưỡng chế phá nhà dân rầm rầm cả đêm, cả ngày, cột nhà đổ, khổ chủ Hà Thị Khanh rú lên “ối cha mẹ ơi”, rồi người thân phải khênh bà đi nơi khác trong trạng thái ngất xỉu, kẻo nhìn cảnh đó bà sẽ tự tử. Con trai bà thì (như bà kể) mua 20 lít xăng về để tự thiêu hay chống lại cán bộ, khiến bà càng hoang mang. Vài người “hô” trả lại danh hiệu làng cổ thì bị công an bắt, nhốt suốt mấy hôm. 
 

Mỗi nhà có vài chục đến trăm mét vuông đất, có nhà cấp bốn, bếp, chuồng gà lợn trâu bò, khu vệ sinh…; rồi con cái lấy vợ, cắt mỗi đứa một gian. Có nhà, ba bốn cặp vợ chồng trong một căn nhà cấp bốn toen hoẻn, với ba bốn cái bếp, ba bốn nhà vệ sinh và ba bốn cây rơm, chuồng trâu bò... Tháng 4 năm 2013, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây - bà Phan Thị Hảo - đã ký thông báo yêu cầu tự tháo dỡ, thậm chí, dự kiến sẽ yêu cầu xã tiếp tục cưỡng chế phá một số công trình của dân. 
 

Chị Oanh - làm nghề bán cá ở chợ Mía, nhà ở thôn Mông Phụ - gặp tôi, khóc: “Con trai lấy vợ, đẻ con, hai cặp vợ chồng ở trong căn nhà bé tẹo. Nó là nhà cổ thì bảo vệ cho cam, đằng này nhà tôi mới xây 10 năm thôi, nhà gạch, lợp phibrôximăng chứ báu bở gì. Tôi làm cái tum chống nóng, thế mà họ bắt tháo dỡ, tôi dỡ rồi; họ vẫn cắt điện, cắt nước của tôi đã 2,5 tháng rồi. Hôm qua (đầu tháng 5.2013), tôi lên nhà chủ tịch, phó chủ tịch xã xin cấp lại nước mà vẫn chưa được! Khổ quá, mong ai đó về cứu dân tôi”. 
 

Ông Kiều Văn Triệu, ngoài 80 tuổi, là một bậc túc nho nổi tiếng của làng cổ. Con trai ông vừa gọi một xe cát định sửa lại cái nhà vệ sinh, lập tức có 6 anh cán bộ trờ xe máy đến, mặt đằng đằng sát khí hỏi giấy tờ, đơn xin, rồi giấy phép xây dựng đâu? Rồi họ dọa cắt điện, cắt nước, tóm cổ thợ nào đến thi công. Ông Triệu cười chua chát, ối giời ơi, tôi làm cái lỗ để đi đái mà nhà nước tốn mất 6 anh cán bộ đi lên đi xuống hỏi đủ thứ văn bản giấy tờ thế này ư? Thế thì Nhà nước “lỗ” tiền trả lương cho nhà các bác quá nhỉ. Cái hố xí nhà tôi có phải là cổ vật hay di sản cổ gì không mà các vị bảo tồn ghê thế? 
 

Xã có 10 ngôi nhà cổ, bảo tồn nghiêm ngặt, nhất trí. Bảo vệ không gian của làng, nhất trí. Nhưng cái gì không đáng bảo vệ, cái hố xí bé tẹo của dân, nay sửa sang để phục vụ nhu cầu sống tối thiểu, thì đừng hạch sách nữa, được không??? Lãnh đạo xã, những người có trách nhiệm ở thị xã đều công nhận bức xúc của dân là chính đáng, là có thật. Bà con bảo, “chúng tôi như đang sống trong một “ấp chiến lược” với sự lùng sục, sự áp chế thẳng tay của một số nhân viên “thanh tra xây dựng” hết sức hung hãn!”. 
 

Cả làng cổ Đường Lâm hiện nay có khoảng chục căn nhà cổ đường vinh danh, mở cửa đón khách, gia chủ được nhận tiền 250 đến 400 nghìn đồng một tháng, để “quét mạng nhện và rót nước pha trà mời khách”. Còn lại ngót một vạn dân không được hưởng lợi gì cả. Thế nhưng cái sự bức bí, cấm xây dựng, lối ứng xử của các “đội quy tắc” hiện nay nó quá nhẫn tâm. Không cho bà con một quyền lợi gì, sao bắt họ phải gánh cái trách nhiệm, nghĩa vụ quá lớn là không được xây dựng, cơi nới để phục vụ nhu cầu sống tối thiểu của mình và con cháu mình thế kia? 
 

Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, đơn vị lập 3 cái chốt với hàng chục nhân viên thu vé đi tham quan làng cổ ở ba phía vào làng - nói: 5 tháng đầu năm 2013, có khoảng hơn 10 vạn vé được bán ra. Với giá 20.000 đồng/vé, thì số tiền mà di sản sống Đường Lâm thu được trong chưa đầy nửa năm đã là 2 tỉ đồng. Tiền ấy đi đâu? Câu trả lời là dùng để nuôi hệ thống những người bán vé. Than ôi, làng quê đang yên bình, bà con vui sống đến mức các chuyên gia phải sững sờ tôn vinh đó là ngôi làng tiêu biểu nhất cho nền văn minh sông Hồng, cho hàng nghìn năm lịch sử của người Việt, thế mà đánh đổi bao nhiêu khổ ải, để bán được vé, thu được tiền chỉ để nuôi hệ thống nhân viên bán vé thôi ư? Trời ạ, thế thì lập chốt bán vé để làm gì? Sao đời lại có sự vô lý đến vậy nhỉ?

Đi quanh làng cổ Đường Lâm, góc nào cũng nhan nhản nhà cao tầng. Vì thế, nhiều người đặt câu hỏi: liệu không gian làng cổ có còn gì để phải “dữ dằn và cứng nhắc” bảo vệ như lâu nay không?

Vô lý, vô lý và… chua xót  

Cái lý của những khó khăn mà người dân làng cổ Đường Lâm đang phải gánh chịu từ gần 10 năm qua, ấy là: Bà con phải hy sinh vì mục đích bảo tồn di sản văn hóa muôn một, vô giá của Việt Nam và nhân loại tiến bộ. Không ai là không ủng hộ điều này. Làng đang được đưa vào lộ trình đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới, theo Ban quản lý di tích làng cổ, khi thành di sản nhân loại thì toàn bộ các ngôi nhà cao hơn nhà cấp bốn ở Đường Lâm sẽ bị cắt cụt hết, ai có phép thì được đền bù, ai không phép thì mất không. Nếu lời “đe dọa” này trở thành hiện thực, thì sự vô lý sẽ tăng lên gấp nghìn lần. Vì các lý do sau: Suốt hàng nghìn năm lịch sử của ngôi làng huyền thoại Đường Lâm, chưa có nhà nào được cấp phép xây dựng cả. 
 

Đường Lâm bây giờ có hàng chục, đến cả trăm ngôi nhà cao tầng. Cao đến mức, du khách đi xuyên qua làng vẫn ngơ ngác hỏi, “làng cổ ở đâu hả bác”? Nếu “cắt” hết thì làng trở thành một khu phố sau trận B52, chứ có gì cổ kính đâu? Chúng tôi muốn gửi đến độc giả 20 bức ảnh, đi dọc Đường Lâm, hiện nay, chỗ nào cũng nguy nga nhà cao tầng. Nhiều nhà mọc lên (chủ nhân là tầng lớp nào thì ta tự hiểu) không sao cả. Nhà bà Khanh bị phá, sau đó nhiều nhà mọc lên, cao vòi vọi, cũng chả làm sao cả. Nhưng nhiều nhà, lợp cái tum chống nóng bằng phibrôximăng, lập tức bị cắt điện nước, cưỡng chế tháo dỡ bằng được. Đường Lâm bây giờ tân kỳ đến mức, một nhà quay phim, một nhiếp ảnh gia, phải khổ sở lắm mới chọn được một góc hoài cổ, cổ kính. Nhiều người đã đặt câu hỏi: Liệu việc “cứu” không gian cổ của Đường Lâm, bây giờ có là quá muộn không? (độc giả tự tìm câu trả lời sau khi xem bộ ảnh này trên báo và trên laodong.com.vn). 
 

Điều vô lý hơn nữa: Đến giờ cơ quan chức năng vẫn chưa hề hoàn thành cái quy hoạch làng cổ. Chưa có cả quy chế chính thức trong xây dựng ở làng (quy chế đã tạm thời gần chục năm rồi!). Người dân xin phép thì được xây nhà thế nào, vật liệu gì, cao bao nhiêu mét, kiến trúc ra sao? Nghe các câu hỏi ấy, cán bộ quản lý chỉ biết cười chua xót: “Chưa có quy chế, chưa có tiêu chuẩn”. Bà con không được hưởng lợi, lối làm du lịch úi xùi, người dân đơn phương bị áp chế những quy định vô lý, nên cán bộ xã cũng vì thương dân mà kiên quyết không thực hiện lệnh phá dỡ công trình cóp nhóp bao năm mới xây được của dân mình. 
 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng - là người nhiều năm gắn bó với Đường Lâm, nghe thảm trạng của bà con hôm nay - nói: Phải dãn dân, phải có cơ chế đặc thù cho bà con bớt khổ. Nhà nước sẽ quản lý cái làng cổ tuyệt mỹ này làm di sản. Di sản quý này dĩ nhiên phải giữ gìn. Nhưng tiền có được từ du lịch cũng cần minh bạch, phải có văn hóa trong việc giữ gìn di sản văn hóa! Nhưng xin thưa với ông họa sĩ khả kính: Gần 10 năm qua, dự án dãn dân vẫn nằm trên giấy. Lãnh đạo xã họp với thị xã, đem bức xúc ra hỏi, chỉ được nói là phải chờ. Đơn vị lập và thực thi dự án, bảo: Khoảng 10 năm nữa mới có. Lãnh đạo xã “văng tục”: Lúc đó thì cái làng cổ này “tan” lâu rồi bác ạ. 
 

Cô giáo Lan - con dâu bậc túc nho Kiều Văn Triệu đã giới thiệu ở trên - gặp tôi, ấm ức: Tôi dạy học cách nhà 10km. Ra nơi khác thấy người ta vui vầy, nhà cửa rộng rãi, cứ về làng là thấy khổ sở. Nhà mình mấy thế hệ sống trong lụp xụp, tấm lợp phibrôximăng sắp vỡ hết rồi, có tiền cũng không được xây nhà để mà ở. Nhà tôi ở ngã ba đường, khách du lịch đi xuyên qua làng rồi mà gặp tôi vẫn cứ hỏi, “đến làng cổ chưa hả chị?”. 
 

Bởi xung quanh đây toàn nhà cao tầng! Họ mua vé rồi, cứ nghĩ muốn làm gì thì làm, chui vào đâu thì chui, không cần cả chào hỏi chủ nhà. Nhà tôi giờ như ở cái công trường lúc nhúc du khách ngó nghiêng. Họ cứ ngó mình khiến mình có cảm giác mình bị nhốt trong một cái lồng, họ đi xem từ bốn xung quanh ấy. Làng cổ, di sản Việt Nam, di sản thế giới, thì nó ra đời, họ kinh doanh du lịch để làm gì, nếu như không vì các giá trị nhân sinh, các giá trị nhân văn cho các “con dân” ở đó. 
 
Nỗi khổ ở ban thờ hay là nước mắt của một trí thức làng cổ 
 

Một trí thức lớn người Đường Lâm đang làm việc tại Hà Nội, ông có nhà thờ, nhà sinh sống ở quê, rầu rĩ nói: Đau nhất là sự xô bồ, lối thớ lợ do làm du lịch đã xâm lấn vào không ít người “ăn theo” du khách ở Đường Lâm. Nhà nọ lườm nhà kia, đình làng dọc ngang biển quảng cáo chỗ đi vệ sinh, chỗ nấu nướng cơm nước ngủ nghỉ. Nhiều người chạy vạy tranh nhau du khách, móc nối móc ngoặc với các tua du lịch lươn lẹo. Kết quả là cả vạn dân Đường Lâm tử tế chúng tôi phải chịu cảnh ô nhiễm. 
 

Giá cả leo thang. Cái bánh tẻ truyền thống của làng Đông Sàng ngon nổi tiếng, trước giá rẻ 2 nghìn đồng. Giờ lên đến 5 nghìn đồng, mà làm điêu trá lắm. Du khách không tiếc tiền, nhưng người dân nghèo thì bị “móc túi” có hệ thống, do “làng du lịch” đẩy mọi thứ giá cả đều leo thang, với chất lượng hàng dạng “chặt chém” như Sầm Sơn, Đồ Sơn hay… Vũng Tàu. Sợ hơn là lối kinh doanh ở không ít ngôi nhà cổ. Nhà cổ buộc phải mở cửa đón khách quanh năm, nên du khách cứ đi bộ quanh làng, không có được bóng cây xanh, thế là họ ùa vào các ngôi nhà thờ… hóng mát. Rồi họ phóng uế. Có khi chỉ đơn giản là vào đó tìm chỗ đi vệ sinh. Và, cứ khách đến, là hầu hết các gia chủ lại thắp nén nhang, có nhà còn thỉnh chuông gọi “các cụ” về, rồi yêu cầu du khách thắp nhang. Thắp nhang cho “các cụ” để “lấy lộc” nhé, nhang khói xong thì ý tứ bảo họ xùy tiền gài vào nải chuối, đặt lên cái đĩa “biếu” “các cụ”. 
 

Kinh doanh cả bát nhang tổ tiên. Ông tiến sĩ người Đường Lâm thở dài: Cụ tôi chắc buồn lắm, sẽ nói với cụ ở ngôi mộ bên cạnh: “Tôi lại chống gậy ra đồng, lại bị một kẻ lạ hoắc bực mình cắm nhang lên bàn thờ, bực mình xỉa ra ít bạc lẻ gọi về. Tiền chúng nó cho, là tiền dương gian, tôi có tiêu được đâu”. Vị tiến sĩ cười như mếu: “Tôi luôn tin vào thế giới tâm linh. Cũng sợ lối làm du lịch ăn xổi ở thì đó nó hại âm hại dương đến liệt tổ liệt tông, nhà báo ạ. Ước gì người ta cấm được cái cảnh gạ tiền du khách bằng cách đốt nhang gọi tổ tiên tôi về nhận bạc lẻ, ông nhỉ?”. 
 

Người viết bài này bật khóc trước khi ông tiến sĩ ngậm ngùi quay đi. Đơn giản tôi là người Đường Lâm, cuối tuần nào cũng về làng, lúc già chết, cũng vẫn mát mẻ ở cánh đồng làng mình thôi.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Dư luận viên:



Cuộc phản công chống Trại súc vật

625434_424694274286560_1361866581_305.jpg
Cuốn Animal Farm của George Orwell, bản tiếng Tiếng Việt. Courtesy MP's Facebook


Quyển tiểu thuyết Trại súc vật của văn hào Anh George Orwell được xuất bản ở Việt Nam dưới nhan đề Chuyện ở nông trại, chưa bao giờ bị chính thức kiểm duyệt. Gần đây có hai bài báo trên truyền thông nhà nước Việt Nam chỉ trích quyển sách này.

Phê bình nhà văn Orwell

Tiểu thuyết viết theo thể loại ngụ ngôn của văn hào Anh George Orwell nhan đề The Animal Farm (Trại Súc Vật) được xuất bản tại Việt Nam vào năm ngoái với tựa đề Chuyện ở Nông trại. Quyển tiểu thuyết này châm biếm mô hình cộng sản của Liên Xô trong những năm 1940, và qua đó cảnh tỉnh mối nguy khi xã hội loài người bị dẫn dắt bởi những ảo tưởng cách mạng. Những ảo tưởng sẽ dẫn đến những cơ chế xã hội quái gỡ, trong đó thay vì được bình đẳng, con người sẽ bị trói buộc khốc liệt hơn, bởi những kẻ nhân danh những lý tưởng cách mạng bình đẳng.
Các nhân vật heo, chó, ngựa, gà, vịt của Orwell đã làm một cuộc cách mạng chống lại ông chủ trang trại thành công. Các con thú đã xây dựng một xã hội mà tất cả các con thú đều bình đẳng. Cuối cùng thì giai cấp lãnh đạo là những con heo lại trở thành giai cấp thống trị mới  với mọi quyền lợi, ăn trên ngồi trốc. Câu nói mỉa mai nhất trong quyển sách là, “Tất cả mọi con vật đều bình đẳng nhưng có những con vật bình đẳng hơn những con vật khác.”
Đương nhiên quyển sách này bị cấm trong tất cả những quốc gia theo chủ nghĩa Marxism-Leninism, vì chủ nghĩa này được Orwell đưa vào câu chuyện, và nó chính là lý tưởng cách mạng của các con vật dẫn đầu bởi các con heo là giai cấp lãnh đạo.
Cuốn sách lại được xuất bản ở Việt Nam hồi cuối năm ngoái với nhan đề Chuyện ở nông trại. Việc xuất bản do Nhà xuất bản Hội nhà văn phối hợp cùng công ty văn hóa Nhã Nam. Việc đổi tựa sách này có vẻ được dùng để qua mặt kiểm duyệt.
Xin hỏi: họ thấy tác phẩm này "đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận" ở đâu? Tại cuộc họp nào hay cuộc thăm dò dư luận nào chứng tỏ điều đó.
-Phạm Nguyên Trường
Nhiều người đã đón nhận tác phẩm với nhiều tình cảm. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhân một bài giới thiệu sách trên báo Quân đội nhân dân, đã viết trên blog của mình là:
“Cám ơn nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Hữu Thỉnh đã giới thiệu tuyệt phẩm Trại Súc vật để mà cùng nhân dân chống độc tài.
Giáo sư Tương Lai cũng nói:
“Thật khâm phục tác giả, vì từ những năm 40 mà đã mô tả chính xác thế nào là độc tài toàn trị.”
Thế rồi hồi tháng ba năm nay, có tin đồn sách bị thu hồi. Bài giới thiệu sách trên báo Quân đội nhân dân bị rút xuống. Vẫn không có tin chính thức về sự thu hồi ấy. Theo Giáo sư Tương lai và nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì người ta ngại nếu đưa lệnh thu hồi hay cấm đoán thì vô tình lại quảng cáo cho cuốn sách, cho nên có lẽ sự thu hồi đã diễn ra âm thầm.

Dư luận viên?

Cuối tháng ba trên trang mạng cand.com.vn xuất hiện bài viết của tác giả Hoàng Oanh nhan đề, Nhà văn Anh George Orwell: Lạc đàn chuyên nghiệp. Nội dung bài báo này phê bình chỉ trích nhà văn Orwell và tác phẩm Trại súc vật của ông.
Trong tháng tư, một bài báo khác xuất hiện trên PetroTimes nhan đề Những cuốn sách gây bức xúc của Nhã Nam của tác giả Trúc Vân. Nội dung bài báo này cũng chỉ trích quyển sách Trại súc vật mà công ty Nhã Nam đã ấn hành. Điều đặc biệt là trong hai bài báo trên hai tờ báo khác nhau, hai tên tác giả khác nhau, cách nhau gần một tháng lại có một đọan bình luận giống hệt nhau tới từng dấu phẩy:
Cuốn Animal Farm của George Orwell được tái xuất bản với nhiều mẫu bìa khác nhau
Cuốn Animal Farm của George Orwell được tái xuất bản với nhiều mẫu bìa khác nhau. (Tower/book)
“Điều đặc biệt là tiểu thuyết “Trại súc vật” của George Orwell từ nhiều năm nay đã bị đánh giá như một tác phẩm chứa rất nhiều luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội và nó bị cấm lưu hành ở những quốc gia theo tư tưởng này. Vì thế, mặc dù tiểu thuyết này được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất bằng tiếng Anh ở thế kỷ XX nhưng với một đất nước như Việt Nam, việc ấn hành “Trại súc vật” đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận.”
Chúng tôi hỏi chuyện dịch giả Phạm Nguyên Trường, tác giả của bản dịch Trại súc vật lưu hành trên mạng rất lâu trước khi quyển Chuyện ở Nông trại được nhà xuất bản Hội nhà văn và công ty Nhã nam ấn hành. Ông cho biết là vẫn chẳng thấy lệnh cấm gì. Ông cũng phê bình hai tác giả của hai bài báo trên:
“Xin hỏi: họ thấy tác phẩm này "đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận" ở đâu? Tại cuộc họp nào hay cuộc thăm dò dư luận nào chứng tỏ điều đó. Tôi cho là viết báo như thế là không có lương tâm, các đồng nghiệp và bạn đọc nên tẩy chay hai người này.”
Chúng tôi đã hỏi chuyện một người có trách nhiệm ở công ty văn hóa Nhã Nam thì được ông trả lời rằng:
“Tôi đã giải trình chuyện này, và tôi xin phép từ chối trả lời.”
Như vậy chuyện kiểm duyệt không công khai có khả năng có thật.
Chúng ta cũng nhớ rằng đầu năm nay khái niệm Dư luận viên lần đầu tiên được nêu lên công khai bởi các giới chức Việt nam, tức là những người được trả tiền để viết bài bảo vệ đảng cộng sản hay công kích những gì có nguy cơ ảnh hưởng đến sự đúng đắn hay chính danh của đảng cộng sản. Không rõ hai tác giả hai bài báo trên có phải là dư luận viên hay không. Nhưng qua câu chuyện Trại súc vật này thì hình như việc kiểm duyệt cứng rắn đã chuyển qua kiểm duyệt đằng sau. Và nếu như ngòi bút dư luận viên được sử dụng để hỗ trợ cho việc làm đó, thì nên chăng truyền thông nhà nước hãy mở rộng diễn đàn tranh luận để các dư luận viên được chính danh hơn mà so tài, chứ không nên múa gậy vườn hoang một mình.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lời cho một cuốn sách:


                                              THAY LỜI BẠT

Hôm ấy đầu giờ thìn, cuối tháng ba âm, sau “Kỷ niệm 50 năm đám cưới vàng” của gia chủ chừng sáu mươi ngày, có khách đến nhà.
Vẻ ngoài anh ta không có gì đặc biệt. Chiếc xe máy tàng, bộ quần áo rung rúc. Nếu không có vầng trán vuông, đôi mắt sắc, dáng học trò, khách không có vẻ gì đáng quan tâm.
Anh ta đứng khá lâu trước nhà từ đường họ “Nguyễn Hữu” trong khu biệt thự xây cất theo phong cách nửa Âu nửa Á, vừa mang dáng dấp truyền thống phương Đông, vừa hiện đại.
Nhà từ đường theo lối kiến trúc cổ, mái đao, cửa bức bàn. Phía bên ngoài có đôi câu đối.
Đại ý nói về nguồn gốc và nơi cư ngụ hiện tại của chủ nhân:
Qua một khoảng sân rộng là ngôi nhà ba tầng xây theo lối Gô tích có thể vào đầu thập niên chín mươi, vừa mới tân trang, cải tạo lại để không tương phản với ba tòa mới xây. Ba tòa này theo cùng một lối kiến trúc, mái Thái, cột tiền sảnh cả vòng tay ôm không xiết.
Khách dựng xe dưới gốc xoài, ngọn cây cao ngang mái đao nhà từ đường. Từ dưới gốc cây có dây leo lá hình tim, hoa tím thấp thoáng rủ xuống gần sát những bồn hoa, chậu cảnh phía dưới. Thường thì những khu biệt thự thế này treo nhiều lồng chim, đủ loại. Trong trường hợp này thể nào cũng có tiếng một chú vẹt nào đó “ Có khách, có khách”, Hoặc “ xin chào”, “Xin chào”.
Các đại gia nuôi cả loài chim biết tiếng ngoài nước ngoài . Khi thì: “Thank you”, “Helo”.. “goodbye”.
Những anh mới nổi, chưa có kinh nghiệm thích một chút vui vui, nhạo đời. Bất kể khách là ai, có khi râu dài đến rốn, chim cũng chanh chảnh:  “ Chào em, chào em”. Khi về:
Đừng quên anh” “ Đừng quên em”.. rất chi là ngộ.
Đa phần là giống chim quý. Có con nhập ngoại, xuất xứ từ rừng Amadon, Úc đại lợi, Pakistan, Hồng Kông..
Hội nhập toàn cầu là cơ hội để những bậc trưởng cự đáp ứng được mọi mong muốn của mình.
“Văn hóa lồng chim” cũng thực là một thế giới vô cùng phong phú. Nào lồng sơn son thếp vàng, nào lồng có cửa làm bằng bạc tinh khiết, máng cho chim ăn bằng đá ngọc lam, ống đựng nước tiện bằng gỗ kim giao phòng độc..
Đã là nghề chơi hẳn phải lắm công phu!
Có vị, gần lối vào khuôn viên xây chuồng nuôi sư tử, báo hoa nhập từ Phi châu về.
Còn khỉ, gấu trúc, hay chó Nhật là thú chơi nhàng nhàng của các trưởng giả bậc trung.

Đời mình, do “đặc thù” công việc, khách đi cũng nhiều. Anh biết những thú chơi sang của các đại gia, nếu có kể với người bình thường cũng không ai có thể tin nổi.
 Vì vậy anh lấy làm lạ là ở đây, chỗ này, không có những lồng chim, lồng thú nào như thế. Với người sở hữu mấy ngàn mét vuông cao ốc của khu biệt thự này, việc muốn có hòn non bộ trước khuôn viên, các  chuồng thú, lồng chim đâu có là cái gì?
Sau này anh được chủ nhân giải thích: “ Tự do là thiên tính của con người cũng như mọi giống loài. Chưa từng thấy có con vật nào bị nhốt mà không tìm cách phá phách để thoát ra. Với lại dù sang hay đẹp mà không có ích lợi thiết thực, làm mất tự do của chúng, đều là sự không nên”.
Thực ra thì chủ nhân khu biệt thự này đối với khách không phải đến đây lần đầu. Anh từng là chỗ đồng hương quen biết. Lý ra phải gọi ông ta bằng chú, theo cách xưng hô thông thường. Nhưng ông ta bảo anh bằng tuổi chú em út của ông. Cứ gọi “anh” cho thân mật. Cũng có thể ông ưa sự trẻ trung. Tuổi già tính theo năm là lối tính đơn thuần, không thích hợp với người từng trải, chuộng sự hiểu biết. Ông rất ghét những anh mới ngoài ngũ tuần đã ra dáng lụ khụ, làm vẻ bề bậc vô lối.
Lâu nay bận việc này việc nọ, nhất là sau hồi thôi làm thư ký cho bí thư Trần, anh ít đến đây. Sự thay đổi của khuôn viên này khiến anh chút nữa không nhận ra.
Cái cổng vòm Parabon phía bên ngoài đã được dỡ bỏ để mở rộng thêm lối đi. Nếu không có cây xoài có cành xoãi ra phía ngoài chắc anh đã nhầm. Có khi còn phải hỏi thăm.
**
Trà Ô Long, cà phê Trung Nguyên, rượu Sa kê.. chủ nhân hỏi khách thích loại nào?
Khách nói:
- Tùy, anh cho em thứ nào cũng được!
Lại hỏi:
- Anh nghe nói chú nghỉ hưu rồi phải không/ Giờ về làm gì?
- Em đang nghỉ chờ. Đúng ra còn hai năm nữa. Nhưng “cải cách hành chính, trẻ hóa cán bộ”, em xin nghỉ trước. Viết lấy một, hai cuốn sách. Học sử, nhưng em thấy sử nước mình vẫn còn trống, còn nhầm lẫn nhiều chỗ. Định mượn văn học sử, trước hết là viết cuốn sách ngay về dòng họ mình..
Chủ bảo:
- Chữ nghĩa là ghê gớm lắm, không phải chuyện chơi. Anh từng là thầy giáo dạy văn, ngày xưa cũng muốn viết cái gì đó. Sau suy đi tính lại, lại thôi. Cũng một phần cuộc sống một thời khó khăn quá..Nhưng chả nhẽ hôm nay chú đến vì chuyện này?
- Không hẳn vậy, trước là thăm anh. Sau báo anh một tin.
- Tin gì?
Khách lấy trong túi ra tập giấy khổ A4, đặt lên bàn. Bàn gỗ trầm hương, ngan ngát mùi hương dìu dịu. Vị hương tốt cho sức khỏe người, nhưng không ưa với ruồi muỗi. Trong căn phòng rộng tịnh không có con rĩn con muỗi nào.
Khách đọc: “ Theo chín đời Chúa, mười ba đời vua, con cháu họ Nguyễn làm chúa làm vua trong một thời gian khá lâu ( 1558- 1945 ), con cháu khá đông…”
Chủ nhà chăm chú nghe. Đến đoạn: “ Năm 1593, Nguyễn Hoàng đem các con ra bắc giúp vua Lê, chúa Trịnh. Khi trở vào nam, để lấy lòng tin của chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng đã để Công tử Hải ( thứ năm) và các cháu nội ( con của Hán và Hải) ở lại đất bắc. Con cháu những người này về sau lấy chữ lót là Hựu( Nguyễn Hựu). Riêng con cháu của công tử Hiệp và công tử Trạch can vào quốc sự, con cháu hai người này về sau đổi ra họ Nguyễn Thuận.
Buổi đầu vào Thuận Hóa, trong số các danh thần đi theo Nguyễn Hoàng có Mạc Cảnh Huống. Về sau con trai của Mạc Cảnh Huống là phó tướng Mạc Cảnh Vinh lấy bà Công nữ Ngọc Liên – con gái chúa Sãi, được chúa cho cải họ thành Nguyễn Hữu..”
Chủ nhà chớp chớp mắt, bảo đọc lại. Hồi lâu không nói gì.
Khách vẻ phấn chấn nói:
- Hóa ra xuất xứ gốc gác tổ tiên họ mình là thế. Bao nhiêu năm ăn học, đọc sách cũng nhiều mà anh em mình hầu như không biết. Không phải ngẫu nhiên mà anh em mình lên đất xứ Tuyên, tá túc chân thành nhà Mạc này đâu anh ạ. Có khi tổ tiên run rủi.. Cũng may ngày nay quan niệm về nhà Hồ, nhà Mạc không còn như xưa. Ông cha mình đâu phải là kẻ phản loạn, tiếm ngôi? Ít ra cũng có công với nước, đặc biệt trong bối cảnh vận nước suy vi, đã thao lược khôn khéo, mưu lược, chống kình với bắc phương, giữ vững cương thổ nước nhà không để mất đi một tấc đất của tổ tiên!
Thấy chủ nhân chưa tỏ thái độ gì, vẻ mặt phân vân, khách dừng lời.
Một lúc sau, chủ nhà mới bảo:
- Việc này chú phải cẩn trọng. Chưa thể kết luận ngay được. Hàm hồ một là có tội với tổ tông, hai là sai với chính sử.. Còn như họ Nguyễn nhà anh lấy lót là Nguyễn Hữu là do cụ thân sinh đặt, anh nghĩ là tình cờ thôi.. Nhà có ba anh em, anh cả Nguyễn Văn, anh Nguyễn Hữu, chú em Nguyễn Ngọc..
- Nhưng biết đâu cụ nhà mình là bậc túc nho, có ý sẵn?
- Vậy mới bảo phải cẩn trọng, xem xét chính xác.. Nhưng chú định lấy gia đình nhà anh làm nguyên mẫu cho cuốn sách của chú à?
Khách cười ngượng:
- Không gì dấu bác được. Bác vẫn tinh quái, mẫn tiệp như xưa.. Quả là em có ý ấy. Sắp đến ngày “ Gia đình Việt Nam”, em muốn thông qua cuốn sách của mình, góp chút sức mọn trong lúc nhiều gia đình tan vỡ, cha bỏ con tớ bỏ thầy, anh em ruột thịt kiện cáo nhau. Tóm lại là khủng khiếp trong cái khủng hoảng đa chiều, đa diện hiện nay..
- Chuyện gia đình anh có gì để viết? Anh cũng như bao người bình thường. Tuy là có khá giả một chút, nhưng cũng chỉ thường dân. Có chức danh, công đức gì lớn để mà viết?
- Không phải ý ấy. Bác chưa nắm được ý đồ của em. Danh nhân, lãnh tụ người ta viết đầy ra rồi.. Nhưng có những cái mà ngay cả những bậc cao thủ ấy cũng chưa làm được. Thiếu gì những ông to bà lớn, cuối đời con cái hư hỏng, gia đình tan nát, đạo đức suy đồi? Viết về bác không phải bác giờ là đại gia. ( Xin lỗi, bác biết tính em mà, giàu không sợ, khó không khinh ..)
- Thế chú vì cái gì?
- Đó là câu chuyện dài, phải nhờ bác mới xong được..
Chủ và khách ngồi trong nhà gần hết một ngày, không nghỉ cả buổi trưa. Không biết đã nói những chuyện gì?
Cũng có thể là những chuyện liên quan đến cuốn tiểu thuyết này?
Tạm ít chữ thay cho lời bạt!

==========



Phần nhận xét hiển thị trên trang

THE GIOI BA DAO:


Cháu gái Mao Trạch Đông là triệu phú: Dân Trung Quốc nhạo báng thói đạo đức giả:

Bài đăng : Thứ sáu 10 Tháng Năm 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 10 Tháng Năm 2013 
Sự hiện diện của cháu gái Mao Trạch Đông trong danh sách các nhà triệu phú hôm qua 09/05/2013 đã gây nên một làn sóng chế nhạo tại Trung Quốc. Người dân tố cáo “thói đạo đức giả” của một chế độ vẫn luôn tiếp tục ca tụng ý tưởng cách mạng của người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bà Khổng Đông Mai (Kong Dongmei) ở lứa tuổi tứ tuần và chồng là Trần Đông Thăng (Chen Dongsheng) xếp thứ 242 trong danh sách những nhân vật giàu có nhất, do tạp chí tài chính Trung Quốc New Fortune thiết lập. Tài sản của cặp vợ chồng này được ước tính khoảng 5 tỉ nhân dân tệ (620 triệu euro).

Khổng Đông Mai là cháu ruột của Mao Trạch Đông. Bà là con của Lý Mẫn – người con gái mà Mao có với người vợ thứ ba là Hạ Tử Trân (He Zizhen). Năm 2001, Khổng Đông Mai mở một nhà sách ở Bắc Kinh chuyên ca ngợi “văn hóa đỏ”, cuộc cách mạng vô sản đã hình thành nên nước Trung Hoa cộng sản năm 1949.


Nhưng nhiều cư dân mạng đã mỉa mai về tài sản của Khổng Đông Mai, cho rằng có khoảng cách quá xa với giá trị vô sản được đề cao trong thời kỳ mao-ít. Họ cũng chỉ trích bà Khổng là đã vi phạm quy định mỗi gia đình chỉ có một con. Theo New Fortune, vợ chồng bà có ba người con.

Ông La Sùng Mẫn (Luo Chongmin), một nhà tư vấn của chính phủ cư ngụ ở miền tây nam viết: “Mao chủ tịch đã dẫn dắt chúng ta trên con đường diệt trừ tư hữu, nhưng con ông thì lại lấy một nhà tư bản và vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình”.

Cuộc tranh cãi này diễn ra trong lúc đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu (Zhang Yimou), một trong những nhà văn hóa tên tuổi của Trung Quốc, cũng đã bị lên án là nhiều lần vi phạm chính sách một con nghiêm khắc. Nhà đạo diễn của bộ phim “Đèn lồng đỏ treo cao” có ít nhất bảy người con. 
tags: Trung Quốc - Xã hội


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

XA HOI BA DAO:


MỌI ĐIỀU BẠN TƯỞNG BẠN BIẾT VỀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA LIÊN XÔ LÀ SAI LẦM


 SƯU TẦM VÀ TRÍCH ĐĂNG 


Gorbachev - lãnh đạo Liên bang Xô viết từ năm 1985 tới 1991.  


Vậy, do đâu mà có sự thiển cận đều khắp lạ lùng đến thế?
Gần như hầu hết mọi cuộc cách mạng hiện đại, cuộc cách mạng Nga gần đây nhất được khởi động bằng một tiến trình tự do hóa khá do dự “từ trên xuống” – và lý do căn bản của nó vượt quá nhu cầu sửa sai nền kinh tế hoặc làm cho môi trường quốc tế tốt đẹp hơn. Cái cốt lỏi trong sáng kiến của Gorbachev là rất lý tưởng, đó là điều không thể chối cãi: Ông muốn xây dựng một Liên Xô có đạo lý hơn.

Vì mặc dù chiêu bài đưa ra là cải thiện kinh tế, nhưng rõ ràng là Gorbachev và những người ủng hộ ông trước hết muốn sửa chữa những sai lầm đạo lý hơn là sai lầm kinh tế. Hầu hết những điều họ tuyên bố công khai trong những ngày đầu của chương trình tái cơ cấu (perestroika), bây giờ nhìn lại, có vẻ chỉ là một cách biểu lộ nỗi khổ tâm của họ về sự suy đồi tinh thần và những hệ quả xói mòn đạo lý của thời đại Xít-ta-lin. Đó là bước khởi đầu của một sự liều lĩnh đi tìm kiếm những câu trả lời cho các vấn nạn to lớn mà mọi cuộc cách mạng vĩ đại thường bắt đầu: Thế nào là một cuộc sống tốt đẹp, hợp với nhân phẩm? Cái gì tạo ra một trật tự kinh tế và xã hội công chính? Một nhà nước chính danh và đàng hoàng là như thế nào? Quan hệ của một nhà nước ấy với xã hội dân sự phải như thế nào?

“Một không khí đạo lý mới mẻ đang thành hình trên đất nước ta”, Gorbachev đã nói như thế trước Ủy ban Trung ương Đảng trong phiên họp tháng Giêng 1987, nơi ông tuyên bố rằng glasnost (chủ trương cởi mở) và tự do hóa sẽ làm nền tảng cho perestroika (chủ trương tái cơ cấu)  xã hội Xô-viết của ông. “Việc thẩm định lại các giá trị và xét lại chúng một cách sáng tạo đang được tiến thành”. Sau này, khi nhắc lại cảm tưởng của ông rằng “chúng ta không thể tiếp tục như thế thêm nữa, và chúng ta phải triệt để thay đổi lối sống, dứt khoát với những sai trái trong quá khứ”, ông gọi đó là “lập trường đạo lý” của ông.
Trong một bài phỏng vấn vào năm 1989, “người cha đỡ đầu củaglasnost”, ông Aleksandr Yakovlev, nhớ lại rằng, vào lúc trở về Liên Xô sau 10 năm làm Đại sứ tại Canada, ông cảm thấy đã đến lúc người dân phải tuyên bố, “Đủ lắm rồi! Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này thêm nữa. Mọi việc phải được thực hiện theo một đường lối mới. Chúng ta phải xét lại tư duy, đường lối, quan điểm về quá khứ và tương lai của chúng ta… Một sự đồng thuận ngấm ngầm: giản dị là, chúng ta không thể tiếp tục sống như chúng ta đã sống trước đây – một cách nhục nhã, ngoài mức chịu đựng”.
Theo ý kiến của vị thủ tướng của Gorbachev, ông Nikolai Ryzhkov, “tình trạng đạo lý [nrastennoe] của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng “hãi hùng nhất”:

[Chúng ta] ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra – từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.

                              

Một thành viên khác trong nhóm thân cận sơ khởi và rất ít ỏi của Gorbachev gồm những nhân vật chủ trương tự do, Bộ trưởng Ngoại giao Eduard Shevardnadze, cũng khổ tâm không kém vì tình trạng thiếu luật lệ và tham nhũng đều khắp. Ông nhớ lại đã nói với Gorbachev vào mùa đông 1984-1985: “Mọi thứ đã thối nát. Phải thay đổi thôi”.

Nhiều năm về sau, Gorbachev đã trả lời phỏng vấn như sau:

Mô hình Xô-viết không những bị đánh bại trên bình diện kinh tế và xã hội; nó bị đánh bại ngay trên bình diện văn hóa. Xã hội chúng ta, nhân dân chúng ta, những người có học vấn nhất, những người có trí thức nhất, đã bác bỏ mô hình ấy trên bình diện văn hóa vì nó không tôn trọng con người, nó đàn áp con người về mặt tinh thần lẫn chính trị.

Sự thể những cải tổ đã đưa đến cuộc cách mạng năm 1989 phần lớn cũng phát xuất từ một nguyên nhân “lý tưởng” khác: bản thân Gorbachev rất ghét bạo động và, vì thế, ông cương quyết
    Vào cuối năm 1989, cuộc thăm dò dư luận tiêu biểu đầu tiên đã cho thấy dân chúng nhiệt liệt ủng hộ các cuộc tuyển cử có tính cạnh tranh và việc hợp pháp hóa các đảng phái ngoài Đảng Cộng sản Xô-viết – sau bốn thế hệ dưới chế độ độc tài độc đảng và trong lúc các đảng phái độc lập vẫn còn bất hợp pháp. Giữa thập niên 1990, hơn nửa số người được thăm dò trong một vùng nước Nga đồng ý rằng “một nền kinh tế lành mạnh” có khả năng phát triển nhanh hơn “nếu chính phủ cho phép tư nhân làm ăn theo ý họ muốn”. Sáu tháng sau, một cuộc thăm dò trên toàn nước Nga cho thấy 56% hậu thuẫn một cuộc chuyển đổi nhanh chóng hay tuần tự sang một nền kinh tế thị trường. Thêm một năm sau thì số người ủng hộ kinh tế thị trường tăng đến tỉ lệ 64%.

Những người đã gieo vào xã hội “chuyển biến ngoạn mục về ý thức” không ai khác hơn là những kẻ đã từng châm ngòi cho các cuộc cách mạng tiêu biểu khác của thời hiện đại: đó là, các nhà văn, nhà báo, và giới nghệ sĩ. Như Alexis de Tocqueville nhận xét, những con người này “giúp tạo ra một ý thức chung về sự bất mãn như vậy, một công luận được kiên định như vậy, rồi hai yếu tố này… lại tạo ra những đòi hỏi hữu hiệu cho các chuyển biến có tính cách mạng”. Đột nhiên, “toàn bộ việc giáo dục” trên cả nước trở thành “công tác của những người cầm bút”.

Tại Nga Xô cũng vậy. Những hàng người dài trước các sạp báo – đôi khi  các đám đông phải xếp hàng quanh một khu phố từ lúc 6 giờ sáng, vì lượng báo ra hàng ngày thường bán sạch chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ – và số người đặt mua ngày càng đông các báo nổi tiếng có chủ trương tự do đã chứng minh sức công phá của những nhà bình luận nổi tiếng thuộc khuynh hướng glasnost, hay xin mượn cụm từ của Samuel Johnson, “những bậc thầy truyền giảng chân lý” (teachers of truth): kinh tế gia Mikolai Shmelyov; các triết gia chính trị như Igor Klyamkin và Alexandr Tsypko; các tiểu luận gia như Vasily Selyunin, Yuri Chernichenko, Igor Vinogradov, and Ales Adamovich; các ký giả Yegor Yakovlev, Len Karpinsky, Fedor Burlatsky, và chí ít trên hai chục nhà văn nữa.
Đối với họ, việc phục sinh đạo lý là thiết yếu. Điều này có nghĩa là không những chỉ rà soát lại các hệ thống chính trị và kinh tế Xô-viết, không những chỉ lật ngược các qui phạm xã hội (social norms), mà còn là một cuộc cách mạng trên bình diện cá nhân: một sự thay đổi trong nhân cách của người dân Nga. Như Mikhail Antonov tuyên bố trong một tiểu luận rất sáng tạo năm 1987, với tiêu đề “Vậy thì việc gì đang đến với chúng ta?” trên tạp chí Oktyabr, phải “cứu” lấy nhân dân – không phải để họ thoát khỏi các mối nguy từ bên ngoài, nhưng “chủ yếu để họ thoát khỏi chính mình, thoát khỏi các tiến trình phi luân đang giết chết những phẩm chất cao quí nhất của con người”. Cứu nhân dân bằng cách nào? Bằng cách làm cho tiến trình dân chủ hóa còn sơ sinh trở thành con đường định mệnh, không thể đảo ngược – không phải bằng “một đợt băng tan” ngắn ngủi của Khrushchev, nhưng bằng một cuộc thay đổi khí hậu. Và việc gì sẽ đảm bảo cho tình hình không thể đảo ngược này? Trên hết, đó là sự xuất hiện của con người tự do, một con người “không bị lây nhiễm trước các sự kiện lặp đi lặp lại của chế độ nô lệ tinh thần”. Tuần báo Ogoniok, một tạp chí quan trọng thuộc chủ trương glasnost, đã viết vào tháng Hai năm 1989 rằng chỉ có “con người không có khả năng làm chỉ điểm cho công an, không có khả năng phản bội và láo khoét, bất luận nhân danh ai hay tổ chức nào, mới có thể cứu chúng ta khỏi sự xuất hiện trở lại của một nhà nước độc tài”.

Lối lý luận vòng vo này – để cứu nhân dân, người ta phải cứu lấyperestroika, nhưng người ta chỉ cứu được perestroika nếu có thể  thay đổi đựợc con người “từ bên trong” – gần như không hề làm cho ai khó chịu. Những người phát biểu tư duy về những vấn đề này gần như đã cho rằng việc cứu nước bằng chủ trương perestroika và việc kéo người dân khỏi bãi sình lầy tinh thần là hai nỗ lực đan kết chặt chẽ, có lẽ không thể tách rời nhau, và họ dừng lại ở đó. Vấn đề quan trọng là phải đưa nhân dân trở về “địa vị công dân” từ vị trí “nông nô” và “nô lệ”. “Đủ lắm rồi!” là một lời tuyên bố của Boris Vasiliev, tác giả của một tiểu thuyết bán rất chạy trong giai đoạn này về Thế chiến II, một cuốn truyện được đóng thành phim và được khán giả yêu chuộng không kém. Ông nói: “Đủ lắm rồi những láo khoét, đủ lắm rồi tinh thần nô lệ, đủ lắm rồi sự hèn nhác. Sau cùng, chúng ta phải nhớ rằng tất cả chúng ta đều là công dân. Những công dân tự hào của một đất nước tự hào!”.

Nhìn kỹ vào những nguyên nhân của Cách mạng Pháp, de Tocqueville có nhận xét nổi tiếng rằng, các chế độ bị cách mạng lật đổ thường thường ít áp bức dân chúng hơn các chế độ trước đó. Tại sao? Vì, theo suy đoán của de Tocquevile, mặc dù người dân “có thể ít khổ sở hơn”, nhưng họ lại “cảm thấy bị xúc phạm nhiều hơn”.


“Nhâm phẩm có ưu tiên hơn bánh mì!” là khẩu hiệu của cách mạng Tuy-ni-di. Kinh tế Tuy-ni-di đã gia tăng trong khoảng 2 và 8 phần trăm một năm trong hai thập kỷ liền trước cuộc nổi dậy. Với giá dầu lửa ở mức cao, Libya cũng đang phát triển kinh tế khá mạnh ngay trước khi có cuộc nổi dậy. Cả hai trường hợp này nhắc nhở chúng ta rằng trong thế giới hiện nay, tiến bộ về mặt kinh tế không thể thay thế cho niềm tự hào và tự trọng trong tư cách công dân. Nếu chúng ta không nhớ kỹ điều này, chúng ta sẽ tiếp tục kinh ngạc – trước “các cuộc cách mạng màu” trong thế giới hậu Xô-viết, trước Mùa Xuân Á Rập, và không chóng thì chầy trước một biến động dân chủ tất yếu tại Trung Quốc – như chúng ta từng kinh ngạc trước cuộc cách mạng tại Nga Xô. “Thượng Đế đã ban cho chúng ta một ý thức mãnh liệt về nhân phẩm khiến chúng ta không thể chấp nhận sự khước từ các quyền tự do và các quyền bất khả xâm phạm, bất chấp cả quyền lợi có thực
Sự phục sinh đạo lý ở Nga đã bị trở ngại do sự phân hóa và ngờ vực mà 70 năm độc tài toàn trị sản sinh ra. Mặc dù Gorbachev và Yeltsin đã tháo dỡ một đế quốc, nhưng cái di sản của não trạng đế quốc trong hằng triệu người Nga đã khiến họ dễ dàng chấp nhận chủ nghĩa tân độc tài của Putin (neo-authoritarian Putinism), với các chủ đề tuyên truyền to lớn như “sự bao vây của các thế lực thù nghịch” và “Nước Nga đứng dậy từ bước ngã quị”. Hơn thế nữa, bi kịch quốc gia to lớn (và tội lỗi quốc gia) mà chủ nghĩa Xit-ta-lin gây ra chưa bao giờ được tìm hiểu đầy đủ và chưa bao giờ được thống hối, vì vậy đã làm hỏng toàn bộ nỗ lực phục hồi đạo lý, đúng như các người rao giảng glasnost từng mạnh mẽ cảnh báo.

Đó là lý do nước Nga ngày nay một lần nữa đang từng bước tiến tới một thời điểm perestroika khác. Mặc dù những đợt cải tổ thị trường trong thập niên 1990 và giá dầu lửa tăng cao hiện nay đã kết hợp lại để tạo nên sự phồn vinh chưa từng có trong lịch sử cho hằng triệu người Nga, nhưng sự tham nhũng trắng trợn của tầng lớp cai trị ở chóp bu, chế độ kiểm duyệt kiểu mới, và việc công khai khinh thường dư luận đã tạo ra tình trạng bất mãn và yếm thế, một tình trạng đang bắt đầu lên tới (nếu không muốn nói đã thực sự vượt qua) mức độ của đầu thập niên 1980.

Người ta chỉ cần đến Mát-xcơ-va vài ngày để tiếp xúc với giới trí thức hiện nay hay, tốt hơn nữa, liếc qua các trang nhật ký mạng (blogs) trên LiveJournal (Zhivoy Zhurnal), diễn đàn Internet nổi tiếng nhất của Nga, hay qua các website của những nhóm trí thức đối lập và độc lập hàng đầu, là thấy được rằng câu châm ngôn của thập niên 1980 – “Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này thêm nữa!” đang trở thành tín điều một lần nữa. Lệnh truyền đạo lý của tinh thần tự do đang tái khẳng định chính nó, và hiện tượng này không chỉ diễn ra hạn hẹp trong các giới trí thức và những nhà hoạt động dân chủ.

Trong quá khứ nước Nga cần tự do để sống [tốt đẹp hơn]; hiện nay nước Nga cần tự do để sống còn… Thách thức của thời đại chúng ta là làm sao để rà soát lại hệ thống giá trị, hun đúc một ý thức mới. Chúng ta không thể xây dựng một đất nước hiện đại với tư duy cũ… Đầu tư tốt đẹp nhất [mà nhà nước có thể dành cho con người] là Tự do và Nền Pháp trị (the Rule of Law). Và tôn trọng Phẩm giá của con người.

Chính cuộc tìm kiếm có tính cách trí thức và đạo lý này, một nỗ lực khôi phục niềm tự hào và tự trọng, bắt đầu bằng một cuộc duyệt xét đạo lý không nương nễ đối với quá khứ và hiện tại của đất nước, chỉ vỏn vẹn trong vài năm đã khoét hổng nhà nước Xô-viết đồ sộ, tước sạch tính chính danh của nó, và biến nó thành một chiếc vỏ bị thiêu rụi (burned-out shell) để rồi tan rã vào tháng Tám 1991. Câu chuyện về hành trình đạo lý và trí thức này là một câu chuyện hoàn toàn chiếm vị trí trung tâm về cuộc cách mạng vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20.

L. A. Leon Aron (Foreign Policy, July/August 2011)
Trần Ngọc Cư dịch



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những thông điệp này là quá xa lạ, ngay cả đối với những chuyên gia uyên bác nhất.\


Công trình cổ xưa nhất trên thế giới


Được xây dựng gần 12.000 năm trước, công trình kiến trúc kỳ lạ Göbekli Tepe tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã làm đảo lộn những kiến thức mà chúng ta từng biết về lịch sử của các nền văn minh trên Trái đất.


Nằm cách 35 dặm về phía Bắc trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, Göbekli Tepe là một quần thể kiến trúc cổ đại rất kỳ lạ, bao gồm 20 tháp đá hình chữ T cao gần 5 mét được và chạm khắc cầu kỳ với những loài vật như rắn, bọ cạp, sư tử, lợn, cáo…
Phát lộ ngôi đền của người ngoài hành tinh?
Có niên đại vào khoảng 12.000 năm, Göbekli Tepe chính là công trình kiến trúc cổ xưa nhất được biết đến trên thế giới. 
Điều kinh ngạc nhất chính là niên đại cổ xưa của nó. Những phương pháp tính toán hiện đại đã cho biết công trình này được xây dựng vào khoảng 9.500 TCN, tức là trước nền văn minh Lưỡng Hà 5.500 năm và trước những vòng tròn đá Stonehenge trứ danh của nước Anh tới 6.000 năm.
Các nhà khoa học cho rằng vào thời điểm đó, loài người thậm chí còn chưa biết làm đồ gốm hay canh tác nông nghiệp. Cuộc sống của con người 12.000 năm trước còn rất sơ khai và phụ thuộc chủ yếu vào việc săn bắn và hái lượm.

Địa danh Göbekli Tepe bắt đầu được giới khoa học biết đến vào năm 1964, khi nó được nhà khảo cổ học người Mỹ Peter Benedict nhắc đến trong một nghiên cứu về các di chỉ khảo cổ trong khu vực. Tuy nhiên vào thời điểm đó nó không được nhiều sự chú ý vì người ta cho rằng đó chỉ là một nghĩa trang thời trung cổ.
Phát lộ ngôi đền của người ngoài hành tinh?
Những hình ảnh được chạm khắc trên các cột đá tại Göbekli Tepe. 
Những cuộc khai quật đầu tiên ở đây được tiến hành vào năm 1994 bởi Viện khảo cổ Đức (chi nhánh Istanbul) và Bảo tàng Sanliurfa, dưới sự chỉ đạo của nhà khảo cổ học người Đức Klaus Schmidt, giáo sư của Đại học Heidelberg. Người đàn ông này cùng với cộng sự đã làm việc hơn một thập kỷ tại đây.

Kết quả nghiên cứu của ông ngay lập tức đã làm thay đổi những kiến thức hàn lâm của ngành khảo cổ thế giới. Nó được coi là phát hiện quan trọng nhất của khảo cổ học trong những năm gần đây.

Vị giáo sư người Đức cho rằng Göbekli Tepe là dấu tích của một công trình thờ cúng, có thể là ngôi đền cổ xưa nhất trên thế giới, và các hình chạm khắc trên cột đá có thể là những mô tả đầu tiên của con người về thế giới thần linh.
Phát lộ ngôi đền của người ngoài hành tinh?
Hình ảnh tái dựng lại khung cảnh của quần thể kiến trúc cổ đại Göbekli Tepe 
Từ vị trí của Göbekli Tepe, 300 mét trên cao của một thung lũng rộng lớn, người ta có thể nhìn thấy đường chân trời ở tất cả mọi hướng. 

Những người tiền sử có thể đã đứng ở đây, trải tầm mắt ra xung quanh để ngắm nhìn cuộc sống hoang sơ của 12.000 năm trước: Những đàn linh dương đang uống nước cạnh bờ sông, bên cạnh chúng là ngỗng, vịt trời… cùng với rất nhiều cỏ cây hoa lá. Rồi họ đưa chúng vào trong các tác phẩm của mình.

Nền văn minh ngoài trái đất?

Một công trình bằng đá khổng lồ và tinh xảo, được xây dựng nên từ việc đục đẽo thủ công của những người tiền sử thậm chí còn chưa biết tới kim loại hay đồ gốm! Điều này thật không thể giải thích nổi. Nó dễ dàng khiến cho những ai hay mơ mộng hình dung về một thế lực từ bên ngoài Trái đất.

Những cuộc khai quật tiếp tục được tiến hành với nhiều công nghệ hiện đại đã cho thấy quy mô và sự phức tạp đáng ngạc nhiên của công trình này.
Phát lộ ngôi đền của người ngoài hành tinh?
Những cấu trúc bằng đá khổng lồ này được tạo ra trước cả Thời kỳ cách mạng đồ đá mới. 
Nhiều địa tầng khảo cổ chồng lên nhau cho thấy khoảng thời gian hoạt động lên đến vài Thiên niên kỷ, có thể bắt đầu từ Thời kỳ đồ đá giữa.

Địa tầng cổ nhất (tầng III) có chứa các trụ đá nguyên khối được liên kết bởi các bức tường xây thô để tạo thành những cấu trúc hình tròn hay hình bầu dục.

Người ta cũng tìm thấy dấu vết của những căn phòng hình chữ nhật liền kề nhau với sàn nhà được nện với bột đá vôi, gợi nhớ đến kiểu sàn nhà Terrazzo phổ biến của người La Mã.

Như vậy, công trình này không chỉ được xây dựng trước cả khi con người biết làm ra đồ gốm, kim loại, chữ viết hay bánh xe… mà thậm chí nó còn xuất hiện trước cả giai đoạn được gọi là Thời kỳ cách mạng đồ đá mới – thời điểm khởi đầu của nông nghiệp và chăn nuôi.
Phát lộ ngôi đền của người ngoài hành tinh?
Những hình chạm khắc rất sinh động mô tả các loài chim thú, ngoài ra còn có rất nhiều hình vẽ tương tự như là một loại chữ tượng hình cổ đại mà các nhà nghiên cứu chưa thể giải đáp. 
Göbekli Tepe đang đặt ra rất nhiều câu hỏi khó giải đáp cho các nhà khoa học. Chúng ta không thể hình dung làm thế nào mà những con người sinh sống trước cả Thời kỳ đồ đá mới, lại có thể tập hợp được một lực lượng đông đảo, lao động trong một thời gian dài với những công việc vừa nặng nhọc lại vừa phức tạp, để xây dựng nên công trình kỳ lạ này.

Có lẽ câu trả lời ẩn chứa bên trong những chữ tượng hình bí ẩn hay những bức phù điêu chim thú còn sót lại. 

Tuy nhiên vấn đề lại nằm ở chỗ những thông điệp này là quá xa lạ, ngay cả đối với những chuyên gia uyên bác nhất. Và hiện chúng chỉ có mỗi một tác dụng duy nhất là thu hút ngày càng nhiều khách tham quan tìm đến nơi đây.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Truyện ngắn:





HẮN CÓ CÁNH ĐẤY

Thận Nhiên đến Việt Nam. Đến là một cách nói rất đỏng đảnh của chàng. Chàng không muốn mình thuộc về bất cứ một cái gì cả và điều này khiến chàng vui thú làm sao. Chàng nói ánh sáng ở Mỹ rất dễ làm hỏng đôi mắt kiếng của chàng nên chàng quyết định rời xa nơi đó. Ở Pháp, chàng cũng đã gặp rất nhiều kẻ đi bán thơ dạo và, trong thâm tâm, chàng yêu họ biết mấy. Đôi khi chàng không phân biệt được là chàng yêu họ hay yêu những vần thơ được gói trong những chiếc lá nho xanh mướt ấy. Những gã du ca chơi guitar ở Úc cũng khiến cho chàng lao vào những điệu vũ trong giấc mơ không bờ bến với rượu vang. Và đôi khi, chàng nghĩ, có những giấc mơ dài hơn cả những hơi thở đầy mùi men của chàng trên gối.
Thận Nhiên đến Việt Nam bởi chàng nghĩ ở đây chàng sẽ có được một vài thứ cho riêng mình. Trên căn gác của chàng, có một chiếc giường bằng sắt và hai cái gối nhỏ màu xanh. Ở đây chàng thấy hạnh phúc dù đôi khi tiếng chửi của bà chủ nhà khiến chàng nhức óc. Ngày qua tháng lại, chàng luôn bận bịu trong cái không gian chật hẹp của mình. Có đêm, khi chàng đang say sưa tỉ tê với bóng tối thì bà chủ nhà thét tên chàng, tự dưng nửa đêm bà gọi đúng tên chàng và dùng chân đá gãy cánh cửa của chàng. Bà ấy không cho phép chàng nói điện thoại trong đêm, thậm chí bà ấy thề là sẽ bỏ thuốc chuột vào nước uống của chàng nếu chàng thò tay vào máy tính. Rồi cứ mãi mãi như thế, chàng giấu mình trong phòng bởi bà chủ nhà sẽ treo cổ chàng trước cổng pháp luật nếu chàng bước một chân ra khỏi cửa. Bà ấy cũng sẽ trình báo nếu chàng bật đèn hoặc hát trong đêm. Bà ấy luôn niềm nở nếu biết ban đêm chàng không nói mớ. Điều làm bà ấy phấn khởi nhất là việc chàng thủ dâm. Có tháng bà chủ nhà không lấy tiền thuê phòng của chàng. Bây giờ, ở trong căn phòng đấy, chàng nhìn vào tất cả những gì chàng có. Những thứ thuộc về chàng. Một bức tranh vẽ chân dung của chàng, hai chiếc gối, một chiếc giường bằng sắt, một đôi kiếng chàng mang tới từ Mỹ. Cái bàn ủi và hai chiếc chậu nhôm thì không phải của chàng. Chàng cũng rất thích ngắm những cái mạng nhện đầy xác muỗi trên trần nhà. Bầy kiến bò đi một cách lộn xộn trên tường cũng khiến chàng thấy thú vị. Bông hoa héo chàng mang đến từ Ái-nhĩ-lan giờ đây cũng khiến chàng nhớ nhung về những ngày ca hát đó. Tiếng mọt trong bốn cái chân ghế bằng gỗ sầu đông cũng vây lấy chàng. Có một việc mà chàng không thể nào ngủ được nếu chàng không thực hiện nó, đó là việc giết chết những con muỗi đã chui vào mùng của chàng trước khi chàng bò vào đấy để ngủ.
Có một sự vụ mà chàng không hề hay biết, điều đó thường xảy ra trong đêm. Đó là những người hàng xóm luôn đứng dưới sân nhìn lên hai cánh cửa sổ luôn đóng kín của chàng. Không biết họ đã nói những gì về chàng. Chỉ biết rằng bọn trẻ thường kháo nhau về đôi cánh màu trắng của chàng, chúng cá với nhau rằng đôi cánh ấy được làm bằng thơ và bọt biển. Nếu chàng biết đến những sự vụ ấy chắc chàng sẽ tự vẫn hoặc để đèn thâu đêm nhằm trả thù họ và khiến họ mất ngủ rồi kiệt quệ dần vì ánh sáng.
Nếu chàng làm thế thì chàng thật độc ác. Độc ác hơn tất cả những kẻ bạc ác trên thế gian này.

 Lê Minh Phong




Phần nhận xét hiển thị trên trang