Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Khắp miền tổ quốc: ( bài của TH )


Sơn La - những nẻo đường biên ải  

Ngồi nói chuyện với các giáo viên của trường, tôi cũng hiểu thêm ra nhiều vấn đề. Đặc biệt có một câu chuyện mà đối với tôi, nó là một sự thật quá phũ phàng, mặc dù ai cũng biết là xã hội giờ nó như vậy nhưng có vẻ ở đây, nó được phơi bày một cách quá trần trụi và không thể không bị lên án.
Có hai mẹ con người Mông đi hái củi về. Cũng phải nói thêm rằng xã Háng Đồng này, 100% là người Mông. Thông thường thì người Mông ở đây, phụ nữ không biết tiếng Kinh và tất nhiên là không biết chữ.

Cậu bé này không biết có được đi học hay không mà giờ này còn đang hái củi.


Một dãy lớp học cũ rất tuềnh toàng, nhìn xa tưởng là cái chuồng trâu vì hở hoang hoác.


Lớp học này chắc là còn sót lại từ rất lâu rồi.


Chúng tôi rời trường học, vào thăm trụ sở ủy ban nhân dân xã Háng Đồng. Trụ sở ủy ban cũng chỉ đơn sơ mộc mạc thế này thôi. Vì là một xã mới tách ra nên chắc hẳn cũng chưa được đầu tư gì nhiều.


Ở đây cũng có điểm giao dịch của ngân hàng chính sách.


Một tháng chỉ giao dịch đúng một ngày 11.

 

Hôm trước, lúc chúng tôi ở Mộc Châu, khi nói chuyện với ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư tỉnh ủy Sơn La thì được biết là ngày mai (6/3/2013) ông sẽ lên Háng Đồng để trực tiếp xem xét và làm việc với xã để có các chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời cho xã. Thế mới biết sức mạnh của truyền thông thật là kinh khủng. Chỉ một phóng sự nhỏ đã tạo nên một dư luận rất lớn và gây ảnh hưởng mạnh mẽ. Do vậy, khi chúng tôi đến đây, trường và xã đã chuẩn bị chu đáo để ngày mai tiếp đón đoàn của Bí thư lên làm việc.
Quay trở lại câu chuyện với các giáo viên của trường tiểu học Háng Đồng, trong khi tôi hỏi thăm về tình hình hạ tầng điện nước ở đây thế nào, các anh nhắc đến có một dự án về năng lượng mặt trời, đã được triển khai ở đây từ năm 2009. Thiết bị máy móc đã được vận chuyển lên nhưng không hiểu sao từ bấy tới giờ không thấy ai tới lắp đặt cả. Cả đống thiết bị cứ vứt ngoài trời giữa mưa gió nay chắc đã hỏng cả rồi. Tôi và mọi người trong đoàn rất tò mò và đề nghị anh cán bộ phòng giáo dục huyện dẫn tới xem đống thiết bị này ra sao.
Đi bộ chừng 5 phút thì chúng tôi đã tới chỗ tập kết thiết bị.
Cả một đống lớn đến gần chục hòm gỗ dán được xếp chồng lên nhau để trực tiếp dưới đất ở ngoài trời không hề có mái che, vỏ hòm đã mốc đen vì mưa nắng.

 
Những hòm gỗ được làm có vẻ rất công phu và đắt tiền này giờ thành chỗ để phơi giày dép.


Một cái nhãn giấy trên vỏ thùng gỗ.


Tôi tra thử trên mạng thì tìm được thông tin sau:
04/08/2009
Dự án "Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam"
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tìm kiếm, huy động nguồn đầu tư quốc tế nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, tháng 5/2000 Uỷ ban Dân tộc và Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cùng Tập đoàn NAPS SYSTEMS (Cộng hoà Phần Lan) đã thỏa thuận xây dựng Dự án cung cấp điện mặt trời cho 300 xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn Chương trình 135 từ nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Phần Lan.
Trong quá trình xây dựng dự án và căn cứ vào kết quả thực hiện dự án thí điểm tại vùng có số giờ nắng và chế độ cường độ bức xạ mặt trời thấp nhất của vùng dự án (xã ái Quốc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), các bộ ngành, các nhà khoa học và địa phương đã thống nhất ủng hộ về tính cấp thiết, tính khả thi và quy mô đầu tư của Dự án. Trên cơ sở đó, ngày 01/8/2003 tại Công văn số 1022/CP, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch mở rộng Dự án “ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam”, giao Uỷ ban Dân tộc là Chủ Dự án. Tổng vốn đầu tư của Dự án giai đoạn I là 6,0531 triệu EURO - tương đương 102.902,7 triệu VND; trong đó: 5,385 triệu EURO thuộc nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Phần Lan với lãi suất 0%, thời hạn vay 17 năm (vay 12 năm và 5 năm ân hạn), các thành tố cấu thành không hoàn lại là 37%. Nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam đóng góp phần ngân sách là 01 triệu EURO.
Dự án “ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” giai đoạn I đầu tư cho 70 xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn Chương trình 135, đồng thời là các xã mà theo quy hoạch điện lưới quốc gia không đáp ứng được sau năm 2010.
Mục tiêu của dự án là cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt công cộng và phúc lợi xã hội thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn Chương trình 135. Dự án sẽ góp phần tạo nên các công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu nhằm nâng cao mặt bằng trình độ dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, ổn định tình hình dân tộc, và an ninh quốc phòng.
Dự án đầu tư hệ thống thiết bị đồng bộ cung cấp điện mặt trời kèm theo các phụ tải: Hệ điện trụ sở xã, trạm y tế, tủ lạnh bảo quản vaccine, nhà văn hoá xã, trạm nạp ắc quy và trạm thu-phát truyền hình qua vệ tinh.
Giai đoạn I của dự án được thực hiện ở 70 xã đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc. Trong đó có 34 xã miền Trung và 36 xã miền núi phía Bắc. Các xã được lựa chọn theo các tiêu chí như: địa bàn nằm ngoài quy hoạch đầu tư điện lưới quốc gia, cấp điện bằng các dạng năng lượng tái tạo khác không thích hợp, chế độ bức xạ mặt trời từ 3,5kwh/m2/ngày trở lên, số lượng hộ gia đình và nhân khẩu, mục đích sử dụng phù hợp với mục tiêu của dự án.

Thời gian thực hiện từ quý II năm 2009 đến quý III năm 2010. Thiết kế kỹ thuật và thiết kế công suất các hệ điện mặt trời do chuyên gia Tập đoàn FORTUM kết hợp với chuyên gia Việt Nam, chính quyền và nhân dân các địa phương cùng hợp tác xây dựng theo nhu cầu thực tế (bao gồm cả việc tính toán sau 15 năm phát triển). Số lượng Module các hệ điện mặt trời cần thiết cho các hệ thống ở các xã miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên được thiết kế với công suất khác nhau do cường độ bức xạ mặt trời tại hai vùng này khác nhau nhằm tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo tối đa hiệu quả đầu tư của dự án.
Sau khi hoàn thành việc lặp đặt, các công trình Dự án sẽ được bàn giao cho chính quyền các cấp địa phương quản lý và khai thác sử dụng theo quy định quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và yêu cầu cụ thể khác của nhà tài trợ. Tổ quản lý công trình Dự án xã được thành lập để giúp Uỷ ban nhân dân xã quản lý vận hành hệ thống thiết bị. Trong tương lai, nếu các xã được đầu tư điện lưới quốc gia thì các công trình của dự án được chuyển về thôn bản của xã đó theo quyết định của địa phương và các yêu cầu khác về kỹ thuật.
Đối với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, dân cư phân tán, nhu cầu phụ tải nhỏ, và không có nguồn nước đảm bảo phát triển thủy điện thì ứng dụng điện mặt trời là giải pháp kỹ thuật tối ưu mang lại hiệu quả kinh tế nhất so với các giải pháp cung cấp điện năng khác. Dự án là động lực thúc đẩy nâng cao mặt bằng trình độ dân trí, thúc đẩy phát triển nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần ổn định tình hình dân tộc, bảo vệ môi trường và thực hiện công bằng xã hội. Dự án tạo ra động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số các xã đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện thuận lợi trong tiến trình hoà nhập vào sự phát triển chung của cả nước.
Việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời cung cấp điện không có bất kỳ một tác động tiêu cực nào đối với môi trường, sinh thái khi so sánh với việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng hoá thạch như than đá, dầu mỏ...
Giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khoảng 67.075 tấn khi so sánh với việc sử dụng các nguồn năng lượng hoá thạch khác nói trên. Đây thực sự là nguồn lợi kinh tế lớn của dự án mang lại trong việc bảo vệ môi trường sinh thái để các ngành liên quan hợp tác khai thác đầu tư trong khuôn khổ các dự án khác .

Dự án “ứng dụng Điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” là dự án mang đầy đủ tính khả thi về kỹ thuật chuyên môn, mục tiêu, nội dung và địa bàn thực hiện. Dự án còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, nhằm tạo nên những công trình hạ tầng cơ sở, thực hiện quyền bình đẳng, tạo ra những cơ hội cho sự phát triển và góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng như giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng dự án có thêm điều kiện thuận lợi trong tiến trình hoà nhập vào sự phát triển chung của cả nước.
Điện là một trong những hạng mục công trình cơ sở hạ tầng quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội đối với tất cả các vùng trong cả nước. Vì vậy mục tiêu điện khí hoá nông thôn đã được Chính phủ đặt thành một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển giai đoạn 2001-2020.
Đối với các xã vùng dự án là vùng miền núi cao có độ dốc lớn, không có nguồn nước để phát triển thuỷ điện; Số giờ nắng và chế độ cường độ bức xạ mặt trời lớn; Xa đường điện trung thế, địa hình đi lại phức tạp, đồng bào cư trú rải rác phân tán, phụ tải nhỏ; Khoảng cách từ trung tâm xã tới đường điện trung thế quá xa (từ 22 km trở lên) thì cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời là giải pháp tối ưu.
Hoạt động của dự án sẽ là một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch hành động năng lượng tái tạo quốc gia do Bộ Công Thương đang chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2001-2010.
ThS. Nguyễn Văn Thanh 

Ngoài ra, tôi còn tìm hiểu thêm quyết định số 175/QĐ-UBDT của ỦY BAN DÂN TỘC do ông Giàng Seo Phử- bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban dân tộc ký ngày 15-6-2010
Nội dung như sau:

QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT LẠI BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI CỦA DỰ ÁN “ỨNG DỤNG ĐIỆN MẶT TRỜI CHO KHU VỰC MIỀN NÚI VÀ DÂN TỘC Ở VIỆT NAM”
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC

Căn cứ Nghị định 60/2008/NĐ-CP ngày 09/5/2008 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26/03/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/09/2009 của Bộ Xây dựng về việc công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 02/11/2007 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; Văn bản số 9878/BTC-QLN ngày 13/07/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế tài chính và thực hiện dự án điện mặt trời sử dụng vốn ODA Phần Lan;
Căn cứ Quyết định số 292/QĐ-UBDT ngày 25/09/2009 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt nội dung điều chỉnh Quyết định số 164/QĐ-UBDT ngày 17/06/2004 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt đầu tư dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam; Văn bản số 1903/BCT-NL ngày 25/2/2010 của Bộ Công thương về việc tham gia ý kiến về điều chỉnh, bổ sung Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án ứng dụng điện mặt trời;
Căn cứ hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam do Trung tâm tư vấn xây dựng điện lực I lập;
Xét đề nghị của Ban quản lý dự án điện mặt trời về việc Phê duyệt lại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam tại tờ trình số 263/TT-BQLDA ngày 08/6/2010; của Vụ Kế hoạch - Tài chính tại tờ trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (hiệu chỉnh) dự án ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam ngày 11/6/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt lại Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án “Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” với các nội dung chủ yếu sau:
1. Tên dự án: Dự án Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam.
2. Chủ đầu tư: Ủy ban Dân tộc
3. Tổ chức tư vấn lập dự án: Trung tâm Tư vấn Xây dựng Điện lực 1 - Công ty Điện lực 1.
4. Chủ nhiệm lập dự án: Lê Kim Dũng.
5. Mục tiêu đầu tư xây dựng: 
Mục tiêu của Dự án là cung cấp nguồn điện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt công cộng và phúc lợi xã hội thiết yếu cho các xã, thôn bản chưa có điện lưới quốc gia sau năm 2010, qua đó sẽ góp phần tạo nên các hạ tầng cơ sở thiết yếu nhằm nâng cao trình độ dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, ổn định tình hình dân tộc và an ninh quốc phòng.
6. Nội dung và quy mô đầu tư xây dựng: 
Nội dung Dự án là đầu tư đồng bộ thiết bị cung cấp điện từ nguồn năng lượng mặt trời kèm theo các hệ phụ tải tại địa bàn của 70 xã thuộc 8 tỉnh, 20 huyện. Mỗi xã thuộc dự án được đầu tư đồng bộ với thiết bị thuộc các hệ điện mặt trời như sau:
a) Các xã Miền Bắc.
- Trụ sở các UBND xã Công suất: 600w
- Trạm Y tế xã Công suất: 400w
- Tủ bảo quản Vaccine. Công suất: 200w
- Nhà văn hóa xã (hoặc thôn, bản…). Công suất: 400w
- Trạm nạp ắc - quy. Công suất: 800w
- Trạm thu - phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh. Công suất: 600w
b) Các xã Miền Trung.
- Trụ sở các UBND xã Công suất: 400w
- Trạm Y tế xã Công suất: 300w
- Tủ bảo quản Vaccine. Công suất: 200w
- Nhà văn hóa xã (hoặc thôn, bản…). Công suất: 300w
- Trạm nạp ắc - quy. Công suất: 800w
- Trạm thu - phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh. Công suất: 400w
Thiết bị được nhập khẩu đồng bộ từ nước Cộng hòa Phần Lan và xây dựng cơ sở hạ tầng kèm theo để vận hành dự án (có phụ lục I tổng hợp khối lượng kèm theo).
7. Địa điểm xây dựng: 
Dự án được xây dựng trên địa bàn 70 xã đặc biệt khó khăn thuộc 20 huyện trong 8 tỉnh khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam gồm miền Bắc: tỉnh Nghệ An 17 xã; Lai Châu 8 xã; Điện Biên 7 xã; Sơn La 5 xã; Cao Bằng 7 xã; miền Trung: tỉnh Quảng Ngãi 5 xã; Quảng Nam 19 xã; Quảng Bình 2 xã (có phụ lục II danh sách các xã kèm theo).
8. Diện tích sử dụng đất:
Diện tích sử dụng đất của 70 xã thuộc dự án vào khoảng 111.440 m2. 
Mỗi xã yêu cầu diện tích sử dụng đất gồm khoảng 1.592 m2.
Trong đó:
- 12 m2 x 6 hệ điện mặt trời.
- 1.520 m2 cho vị trí cột ăng ten.
9. Các giải pháp kỹ thuật: Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi kèm theo.
10. Loại, cấp công trình: Nhóm B.
11. Thiết bị công nghệ: 
Hệ thống thiết bị năng lượng mặt trời và các phụ kiện lắp đặt kèm do Tập đoàn FORTUM NAPS cung cấp đồng bộ và thiết kế phù hợp theo điều kiện khí hậu miền Bắc và miền Trung của Việt Nam.
12. Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư:
UBND các huyện chỉ đạo các xã tham gia dự án có trách nhiệm bố trí kinh phí và kế hoạch giải phóng mặt bằng cho một số hạng mục phải sử dụng đất để thi công, đảm bảo không có tranh chấp đất đai, nhà cửa công trình trong quá trình lắp đặt các hệ pin mặt trời.
13. Tổng mức đầu tư: 197.273.931.255 đ (Tính trên cơ sở định mức, đơn giá, tỷ giá EURO tại thời điểm lập dự án tháng 6/2010 là: 24.906 VNĐ/1EURO).
Khoản mục chi phí VNĐ EUR
Tổng số 197.273.931.255 7.920.739
Trong đó: 
- Chi phí thiết bị, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật: 144.505.558.428 5.802.038
- Chi phí xây dựng, lắp đặt: 27.838.085.872 1.117.726
- Chi phí quản lý dự án: 4.579.170.657 183.858
- Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 6.429.785.615 258.162
- Chi phí khác: 6.357.280.008 255.251
- Chi phí dự phòng: 7.564.045.781 303.704
14. Nguồn vốn đầu tư: Tổng số: 197.273.931.255 VNĐ (7.920.739 EUR)
Trong đó:
* Vốn vay: 134.133.255.480 VNĐ (5.385.580 EUR)
* Vốn đối ứng: 63.140.670.880 VNĐ (2.535.159 EUR)
15. Hình thức quản lý dự án: 
- Chủ đầu tư quản lý và điều hành dự án thông qua Ban quản lý dự án điện mặt trời ở Trung ương.
- Quản lý, vận hành sau đầu tư: Ủy ban nhân dân các xã dự án nhận bàn giao công trình từ Ban QLDA điện mặt trời và các đơn vị thi công sau khi đã hoàn thiện công tác thi công lắp đặt. Tại các xã thành lập tổ quản lý để quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa, khai thác công trình một cách hiệu quả.
- Trong tương lai nếu các xã có điện lưới quốc gia ổn định thì các hạng mục công trình của dự án được chuyển về lắp đặt tại các thôn bản theo quyết định của địa phương, nhưng không làm thay đổi mục tiêu và nội dung của dự án.
16. Thời gian thực hiện dự án: 
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2010.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 164/2004/UBDT-QĐ ngày 17/6/2004 của Ủy ban Dân tộc.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Trưởng Ban quản lý dự án điện mặt trời, Vụ trưởng các Vụ thuộc Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng dự án và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

---------------------------------

Tóm lại thì đây là một dự án của Ủy ban dân tộc miền núi xây dựng trạm phát điện năng lượng mặt trời để phục vụ:
- Trụ sở UBND xã Công suất: 600w
- Trạm Y tế xã Công suất: 400w
- Tủ bảo quản Vaccine. Công suất: 200w
- Nhà văn hóa xã (hoặc thôn, bản…). Công suất: 400w
- Trạm nạp ắc – quy. Công suất: 800w
- Trạm thu – phát tín hiệu truyền hình qua vệ tinh. Công suất: 600w

Tổng giá trị của dự án là 197.273.931.255 đồng cho 70 xã đặc biệt khó khăn thuộc 20 huyện trong 8 tỉnh khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam gồm miền Bắc: tỉnh Nghệ An 17 xã; Lai Châu 8 xã; Điện Biên 7 xã; Sơn La 5 xã; Cao Bằng 7 xã; miền Trung: tỉnh Quảng Ngãi 5 xã; Quảng Nam 19 xã; Quảng Bình 2 xã. Như vậy, chi phí cho 1 xã là 2.818.200.000 đồng (Hai tỷ tám trăm mười tám triệu hai trăm nghìn đồng)

Như vậy nghĩa là, cái đống thùng gỗ rêu phong mục nát vứt ở đây từ năm 2009 tới giờ (mới 4 năm) có trị giá là Hai tỷ tám trăm mười tám triệu hai trăm nghìn đồng.



Số tiền lớn như vậy sẽ đủ mua bao nhiêu bộ quần áo ấm, giầy dép, xây dựng được bao nhiêu lớp học, nhà ở cho lũ trẻ Háng Đồng này? Tại sao VTV1 chỉ lên quay phim lũ trẻ phải bắt chuột để có thịt ăn cơm, nồi cơm không có vung.. để mọi người đi quyên góp từng đồng một mang lên đây ủng hộ trong khi người ta đang vứt đi hàng tỷ đồng ở đây?



Nhìn các ký hiệu ghi trên vỏ thùng thì đây đều là hàng dễ vỡ và phải được đặt trong nhà, tránh mưa hoặc nước.



Thùng đựng trạm vệ tinh, công suất 600W



Tem nhãn của thùng được ghi đầy đủ thông tin.



Đây là đống cột ăng ten của trạm vệ tinh bằng thép không rỉ rất xịn được nhập khẩu từ Phần Lan của hãng NAPS mặc dù những thứ này thừa sức chế tạo ở trong nước.



Móng cột được làm dạng vít khoan giống kết cấu móng nhà chống lũ của Đồng Bằng sông Cửu Long chúng tôi vẫn làm xưa kia. Kiểu vít khoan này chỉ phù hợp với vùng đất sét chứ với địa hình núi đá thì có mà khoan vào mắt, không hiểu các vị khoa học kiểu gì mà lại cho thiết kế sử dụng cái này.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

THÁNG TƯ MỞ HỘI CHƠI CHIM





Truyện ngắn của HG

Buồn buồn, mình đi qua nhà hắn. Ngày ba mươi tháng tư vắng lặng như tờ, khác hẳn mọi năm, loa đài rộn rã. Có chuyện lạ gì chăng?
Mấy chục năm như thế này, vào giờ này, thường nhà gã rất đông. Mấy ông CCB mỗi ông góp chút gạo chút tiền. Rồi khánh tiết, biểu ngữ, biểu tượng, khẩu hiệu giăng lên. Đứng nghiêm. Chào cờ. Hát. Tiến quân ca, quốc ca. Rồi các cựu sĩ đọc bài truyền thống thuộc nằm lòng. ( thực tình mỗi năm cũng được bổ sung một đoạn ngăn ngắn nào đó mới nhớ thêm được bổ sung vào bản cũ ) nội dung chính vẫn như bản in, không sai một chữ. Nhưng tất cả đều vui vẻ, chả ai lấy làm chán vì phải nghe cái bài diễn văn cũ mòn, đọc đi đọc lại mãi mãi này. Đương nhiên không thể bỏ qua phần hoạt động công tác hội, phần đóng góp, thu chi của mỗi năm..
Cuối cùng là đoàn kết nhất trí, rượu túy lúy tưng bừng. Hẹn gặp lại ngày này năm sau. Chuyện chả có gì mới, nhưng ít ra nó cũng làm thay đổi cuộc sống vốn không thuận lợi, vui vẻ gì của chừng ấy con người. Ngoại trừ một vài anh may mắn cởi áo lính được ngồi ngay vào ghế  có chỗ “cơ cấu”, hay hoạt động khôn khéo bên “Kinh tế thị trường ” có cái đuôi vừa quen vừa dài vừa vô lí..
Những lúc đó như quên hết giàu nghèo, sang hèn, đồng cảm, đồng tình như nhau.. Chỉ khi về đến nhà rồi, tỉnh rượu rồi mới ngậm ngùi nghiệm ra rằng: Cũng là con người, là thằng lính, cũng vào sinh ra tử như nhau, chưa chắc thành tích, công trạng “nó” đã hơn mình. Thế mà nó thế, mình thế!
Ngoài mặt vẫn phải vui, vẫn khoe với vợ với con rằng gặp người này, người kia. Các ông ấy phát quan, phát tài, làm ăn xu hướng lắm.. Dẫu rằng cái “phát” ấy chả liên quan mẹ gì đến mình. Nhưng mà chiến hữu với nhau, không mừng cho chúng nó thì mừng cho ai?
Nhà hắn tiện đường, lại là khu trung tâm. Chọn chỗ ấy để giao lưu, kỉ niệm kỉ niếc là chuyện dễ hiểu.
Nhưng năm nay nơi kỉ niệm chuyển chỗ. Nơi này bận mở hội chơi chim. Một cái hội mới coong vừa ra lò, hắn trăn trở, tâm huyết mấy năm nay. Vận động mãi, lên lên xuống xuống chán trò mới mở ra được..
Mình bảo:
- Hội hè gì mà im ắng thế này? Ít ra cũng phải có loa đài, cờ giong trống mở như người ta vẫn làm chứ, có phải hội kín đâu mà âm thầm lặng lẽ thế?
Thằng bỏ mẹ cười:
- Vậy là bác chưa rõ về tính đặc thù của hội em rồi..
Lại là cái “đặc thù” dớ dẩn mà người ta thường hay viện dẫn ra! Có gì mà “đặc thù” với chả đặc bạn? Toàn nhiễu nhương, bịp bợm cả. Hội chim là hội chim, hội cá, hội chó cảnh hay hội thơ, hội thẩn cũng đều thế cả thôi, có quái gì mà đặc thù?
Thực tình lâu nay mình chán ngấy các loại hội này rồi, chả mấy quan tâm. Có đặc thù đặc sắc hay đặc đếch gì cũng vậy. Có dỗi hơi đâu mà bận tâm? Nhưng thằng chủ tịch cái hội chim này hình như không hiểu, hoặc không quan tâm đến thái độ của mình. Hắn đang sung sướng về cái hội hắn vừa nặn được ra để tỏ vẻ với đời.
Nhìn vẻ mặt ngẩn ngơ của mình thằng ý bảo:
- Hội của các bác khác hẳn với hội của bọn em nên bác không hiểu. Chơi chim là nghề chơi lắm công phu, không phải ai cũng chơi, cũng tham gia được. Nhưng tuyệt đối tránh sự ồn ào. Trống mõ rầm beng, âm thanh ồn ĩ không phù hợp với cách chơi của bọn em. Chim nó sợ, rụt hết tinh thần vào, chim không chọi nữa thì nhà em chỉ có nước ăn cám vì hội vỡ, lấy đâu kinh phí kinh phiếc đổ vào mồm?
Mình bảo:
- Anh chịu các chú, thời buổi suy thoái toàn diện này, còn mở ra được cái hội lông bông này ra được không phải chuyện đùa!
Thằng ý cáu:
- Sao bác lại bảo hội của em là “hội lông bông”? Bác nói với em thế, nể tình bấy lâu mình là chỗ tâm “dao”, em bỏ qua. Bác mà nói với thằng khác trong hội em chúng nó không bỏ qua đâu!
- Chúng đánh anh à?
- Chả ai đánh, nhưng anh khốn khó là cái chắc. Thời buổi này có thằng ngu nào mà ra mặt sinh sự với anh? Chúng chỉ đòn gió là anh cũng đủ chết vì mệt mỏi rồi.
Mình đâm hoảng. Chả nhẽ chuyện này có thật vậy sao? Có thật xã hội đen xâm nhập đời sống chả thiếu “mặt trận” nào?
Nhưng có lẽ cu em này nói đúng. Chả phải đâu xa, mới gần đây mình vừa bị một thằng “cùng hội cùng thuyền” chơi cho một nhát, đánh thẳng vào niêu cơm nhà mình. Thằng ấy thậm cao tay, nó nhân danh học thuật, nhân danh lý thuyết cơ bản, sơ khai, sơ sài, khái niệm chân lí, nhân danh những cái mả mẹ  gì gì..người ta vẫn dùng mòn nhẵn đi rồi. Thực ra chỉ là do óc nhỏ mọn, lòng hẹp hòi và tính đố kị của hắn. Mình biết mà chả làm gì được vì là số ít. Nhóm lợi ích của hắn lại quá đông. Quyền lợi là thứ keo gắn kết không thể nào lay chuyển nổi bọn chúng. Dù anh có thành thực, tâm huyết đến đâu chúng cũng không dại gì ủng hộ anh để cháy thành vạ lây. Cái tâm địa cao đẹp ngàn đời nay của dân mình là vậy.. Thực là cao tay. Chỉ có giời cao đất dày biết và thời gian mới nhận biết cái trò ma cô này của hắn.
Mình bỏ đi chơi vu vơ thế này một phần là do cú đánh ngầm này. Phàm là những anh có bệnh “sĩ” như mình, chỉ một chiêu này cũng đau âm ỉ khá lâu. Không hẳn vì niêu cơm vơi mất một góc, mà còn vì “Danh dự, tự hào”, tự ái, tự trọng bỏ mẹ gì gì nữa.

Nghĩ lại trong cái rủi có cái may. Biết đâu nhờ thế mình tỉnh táo hơn, nhận chân giá trị cuộc sống hơn, làm cái đáng làm hơn?..
Đang nghĩ liên thiên như thế thằng bỏ mẹ kia bảo:
- Bác không bận mời bác quá bộ vào thăm quan hội mở hôm nay của bọn em. Có gì góp ý cho chúng em. Hội mới thành lập, kinh nghiệm còn nghèo, còn non lắm.. Trưa nay bác ở lại uống với bọn em chén rượu.. Trong hội em nói để bác biết, chả phải toàn bọn sìu sìu cả đâu. Đại gia, quan chức cũng có vài người. Có khi mấy ông này bác quen..
Không hẳn vì cuộc rượu hắn mời. Mấy cái “nhân” hắn vừa nói, gợi cho mình chút tò mò. Biết đâu thêm chuyện hay, thêm ý đồ “sáng tạo” trong lúc chán nản không nghĩ ra được, không muốn viết bất cứ chuyện gì?
Còn góp ý ư? Đây là trò đùa kinh khủng nhất! Đừng có góp ý mà làm gì, chỉ họa vào thân. Nếu không cũng mất lòng mất bề, mình không dại.
Làm người ai chả muốn được khen vợ mình đẹp, con mình ngoan? Chê nó sứt môi lồi rốn, nước chả có nước mà uống, ở đấy mà góp ý!
Chuyện nhỏ đã vậy, huống chi những việc tày đình?


( Còn nữa )

Phần nhận xét hiển thị trên trang

những ngày không thể làm thơ được







những ngày không thể làm thơ được 
tôi đã vòng quanh hết một ngày 
tôi vào trong mơ rồi bước ngược 
như gió ngược vào trong gió bay
những ngày tôi mặc quần áo ngắn 
từ những bước xa lại bước gần 
từ trong đại lộ về ngõ vắng 
những ngõ cụt có đấy mà không
những ngày ấy có mà không thật 
tôi cứ điềm nhiên hoặc dửng dưng 
cho đến khi buồn vây bất chợt 
tôi thích ngồi vào một cái thùng
những ngày xa vắng em còn nhớ 
có một người trông như rất già 
lại có một đôi môi rất trẻ 
và một đêm sầu chưa tính ra
những ngày mơ mộng vu vơ ấy 
cũng chẳng cần ai kéo áo về 
tôi đi từ đêm qua đến sáng 
suốt những ngày lẩn thẩn u mê
những ngày ấy đã không chừng mực 
ở giữa trời xanh ngăn ngắt mây 
thì có còn gì nên giữ lại 
thả hết lên trời cho nó bay



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghệ thuật & chính trị: (Tư liệu NC )



trịnh công sơn & tham vọng chính trị

“Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị” của họa sĩ Trịnh Cung nhất định sẽ được đón nhận với nhiều phản ứng khác nhau từ nhiều tầng lớp độc giả. Bài viết đưa ra một số nhận xét của cá nhân Trịnh Cung về người nhạc sĩ tài hoa, sống và sáng tác trong một giai đoạn vô cùng điêu linh của đất nước, cùng với một số tư liệu đã được công bố ở một số nơi. Tác giả Trịnh Cung tất nhiên đã dự kiến được những gì bài viết này có thể mang đến cho chính ông khi ông viết: “Bài viết này chắc chắn sẽ gây ra sự mất mát tình cảm, sự đổ vỡ các mối quan hệ vốn có của tôi, vì một số những nhân vật được đề cập nay đang còn hiện diện trong cuộc đời. Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá.”

Trịnh Công Sơn không quan tâm đến chính trị?
Đã 8 năm kể từ ngày mất của Trịnh Công Sơn, 01-4-2001. Đã có rất nhiều bài và sách viết về người nhạc sĩ tài hoa xuất chúng này. Tất cả đều chỉ nói về 2 mặt: tình yêu (con người, quê hương) và nghệ thuật ngôn từ trong ca khúc Trịnh Công Sơn, tuyệt nhiên không thấy ai đề cập đến vấn đề Trịnh Công Sơn có hay không tham vọng chính trị. Phải chăng như Hoàng Tá Thích, ông em rể của người nhạc sĩ “phản chiến” huyền thoại này đã minh định trong bài tựa cuốn sách Như Những Dòng Sông của mình nói về âm nhạc và tình người của ông anh rể Trịnh Công Sơn, do nhà Xuất Bản Văn Nghệ và Công Ty Văn Hoá Phương Nam ấn hành năm 2007: “…Anh không bao giờ đề cập đến chính trị, đơn giản vì anh không quan tâm đến chính trị”? Hay như nhận định của một người bạn không chỉ rất thân mà còn là một “đồng chí” (trong ý nghĩa cùng một tâm thức về chiến tranh VN) của Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Bửu Chỉ (đã mất) đã viết: “Trong dòng nhạc phản chiến của mình, TCS đã chẳng có một toan tính chính trị nào cả” (Trích bài viết: “Về Trịnh Công Sơn và Những Ca Khúc Phản Chiến Của Anh”, in trong Trịnh Công Sơn, Cuộc Đời, Âm Nhạc, Thơ, Hội Hoạ & Suy Tưởng do Nhà Xuất Bản Văn Hoá Sài Gòn ấn hành năm 2005)?
Sự thực có đúng như câu khẳng định chắc nịch ở trên của ông Hoàng Tá Thích và hoạ sĩ quá cố Bửu Chỉ? Chắc chắn là sai 100% rồi nếu như Trịnh Công Sơn không là tác giả của 3 tập nhạc phản chiến (Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam và Ta Phải Thấy Mặt Trời), và cũng chưa từng tham gia vào Phong trào Đấu tranh Đô thị của Thanh niên Sinh viên Học sinh để chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn mà chính cuốn sách của Hoàng Tá Thích và bài viết của Bửu Chỉ vừa nhắc đến ở trên đã có nhiều tiết lộ. Mặt khác, trong bài viết “Có Nghe Ra Điều Gì” Trịnh Công Sơn gửi cho bác sĩ Thân Trọng Minh tức nhà văn Lữ Kiều năm 1973 có đoạn như sau: “…Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ tự đề nghị với mình một trách nhiệm quá lớn, nhưng khi đã lỡ nhận chịu những cảm tình nồng hậu từ đám đông, thì những tình cảm kia phải được đền bồi…”. Và trong thư TCS gửi cho Ngô Kha – người bạn cùng chí hướng chính trị và cũng là người em rể, đồng thời là lãnh tụ của Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức này đã bị Công An Huế bắt (1972-1974) – chúng ta sẽ dễ nhận ra ý thức làm chính trị chống chế độ Sài Gòn của Trịnh Công Sơn. Nhất là trong đoạn Lê Khắc Cầm nói về mối quan hệ giữa TCS và tổ chức cơ sở thành uỷ Huế do Lê Khắc Cầm bí mật phụ trách trước 1975 như thế nào, thì không thể nói là TCS không có toan tính chính trị như nhận định của hoạ sĩ Bửu Chỉ (Xin xem thêm Thư TCS gửi Ngô Kha và đoạn trao đổi về lá thư này giữa Nguyễn Đắc Xuân và Lê Khắc Cầm trong phần tư liệu đính kèm bài).
co-nghe-ra-dieu-gi
Thủ bút Trịnh Công Sơn trong bài “Có Nghe Ra Điều Gì” 
gửi cho bác sĩ Thân Trọng Minh tức nhà văn Lữ Kiều năm 1973
Trước khi nêu thêm những dẫn cứ quan trọng hơn để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về thái độ chính trị của TCS thời chiến tranh VN, và cũng nhằm cung cấp thêm tư liệu để làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS, tác giả xin kể một kỷ niệm với Ngô Kha và vì sao Ngô Kha lấy tên cho lực lượng đấu tranh của mình là Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức.
Vào năm 1971, tôi có mời Ngô Kha tới dự bữa cơm đầy năm Vương Hương, con đầu lòng của tôi tại nhà ở Phú Nhuận. Sau tàn tiệc, tôi đưa Ngô Kha ra về. Chúng tôi đi bô từ ngã tư Phú Nhuận về hướng cầu Kiệu, khi gần đến chân cầu, Ngô Kha nói với tôi: “Cậu vào chiến khu với mình đi, có người dẫn đường đang chờ”. Tôi không ngờ lại bị Ngô Kha đưa vào thế kẹt. Lúc này, tôi đang là Trung Úy biệt phái dạy tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, vừa bị Nha Mỹ Thuật Học Vụ trả về lại Bộ Quốc Phòng vì được Mỹ cấp học bổng tu nghiệp mỹ thuật tại Trung Tâm Đông và Tây, Hawaii, Hoa Kỳ (Sau 1975 tôi mới biết ông Nguyễn Văn Quyện, kiến trúc sư, Giám đốc Nha Mỹ Thuật Học Vụ, người ký quyết định không cho tôi đi Mỹ và trả tôi lại quân đội theo đề nghị của hoạ sĩ Vĩnh Phối – Hiệu trưởng Trường CĐMT Huế, cả 2 đều là Việt cộng nằm vùng), và Ngô Kha đang là em rể của Trịnh Công Sơn, cũng mang cấp bậc thiếu uý Quân lực VNCH có tư tưởng phản chiến, nhưng tôi không biết gì về hoạt động ly khai của anh cho tới lúc này. Thật bất ngờ và căng thẳng, làm sao tôi có thể đi về phía bên kia chiến tuyến? Tôi không hề tham gia vào phong trào phản chiến, tôi chơi với Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường khi họ chưa là người chống lại chế độ Việt Nam Công Hoà. Ngay cả tại “túp lều cỏ” Tuyệt Tình Cốc ở Huế, nơi mà nhà văn Thế Uyên trong một bài viết của anh có tên “Cuộc Hành Trình Làm Người Việt Nam Qua Trịnh Công Sơn” đã tự bạch anh từng đến dự những cuộc họp bàn về đấu tranh chính trị do nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đứng ra tổ chức, tôi cũng chưa bao giờ đặt chân đến đó và thậm chí không hề biết có những việc như thế. Đơn giản vì tôi rời Huế vào sống ở Sài Gòn sau khi tốt nghiệp Mỹ thuật năm 1962, mối quan hệ giữa tôi và họ chỉ là một tình bạn văn nghệ thuần tuý. Để thối thác lời đề nghị ghê gớm này của Ngô Kha, tôi dừng lại trong bóng đêm bên này cầu Kiệu và nói với anh:”Ông thấy con mình vừa đầy năm, bà xã còn quá trẻ và yếu đuối, làm sao mình bỏ nhà đi vào căn cứ với bạn được. Hơn nữa mình không đồng ý cách giết người của họ ở Huế hôm Tết Mậu Thân… thôi chúc bạn lên đường may mắn!”. Thế nhưng, sự việc sau đó lại đưa Ngô Kha đến một hoàn cảnh khác. Anh không đi vào rừng mà về Huế rồi bị bắt và chịu một cái chết bi thảm.
Về Nguyễn Đại Thức là ai mà Ngô Kha dùng đặt tên cho lực lượng đấu tranh của mình?
Theo Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Đại Thức nguyên là một hạ sĩ quan quân lực VNCH ly khai đã bắn hụt tướng Huỳnh Văn Cao khi ông dùng trực thăng kiểm soát tình hình Phật giáo xuống đường ở Đà Nẵng và Huế, và đã bị lính Mỹ bắn hạ. Hành động và cái chết của Nguyễn Đại Thức đã đưa Ngô Kha đến sự chọn lựa Nguyễn Đại Thức là tên và biểu tượng cho nhóm quân nhân ly khai đấu tranh chống Mỹ Nguỵ do anh tổ chức. Sau đây là đoạn viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Căn Nhà Của Những Gã LangThang: “…Theo tin tức quân báo của Kha nhận từ đoạn Đà Nẵng, thì lực lượng thuỷ quân lục chiến của Kỳ sẽ chĩa mũi nhọn vào những người của phong trào mà họ cho là nguy hiểm, ngay từ lúc họ đặt chân đến Huế để tránh hậu hoạ. Ngô Kha cùng đi với chiến đoàn ly khai của anh sẽ kéo dài cuộc cầm cự trên đèo Hải Vân, để tạo điều kiện cho tôi thoát…”. Đối với cá nhân tôi, nhờ tiết lộ kinh khủng này của Hoàng Phủ Ngọc Tường, những năm gần đây, tôi mới biết mình đã từng bị Ngô Kha dùng tình bạn để đưa vào cái gọi là Chiến đoàn ly khai Nguyễn Đại Thức mà không biết khi anh rủ tôi đi vào cứ như đã nói ở trên. May mà tôi đã từ chối.
Với bao nhiêu sự việc gắn kết với nhau, hoà quyện, ăn khớp, như thế mà chúng ta vẫn còn hoài nghi, vẫn biện bạch đây chỉ là một thứ tình cảm hồn nhiên hay hoa mỹ hơn, đấy là ý thức về thân phận dân tộc, tiếng nói đòi hoà bình đậm tính nhân bản cho quê hương của một người nghệ sĩ tài hoa như TCS, thì chi tiết sau đây đã được Nguyễn Đắc Xuân tiết lộ và đã xác nhận lại với tác giả bài viết này như sau: “Vào đêm ngày 29-5-1966, trên đường Trần Bình Trọng-Đà Lạt, Trần Trọng Thức (nhà báo), Nguyễn Ngọc Lan (linh mục, đã chết), Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đã cùng nhau bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước và người đưa ra sự chọn lựa rất quyết đoán và hợp ý với 3 bạn đồng hành với mình: “Không có con đường nào khác cho anh em mình ngoài Mặt trận Giải Phóng Miền Nam!”. 
Vậy là đã quá rõ về khuynh hướng chính trị của Trịnh Công Sơn!
Từ Chính Trị Phong Trào đến Chính Trị Cầm Quyền?
Vỡ mộng chính trị cầm quyền
Những ngày trước 30-4-75, Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Người thân cộng thì hí hửng, người quốc gia thì lo âu và tìm đường bỏ nước. Mọi thứ sinh hoạt đều tê liệt, tôi nằm trong số người chịu trận, bế tắc, no way out. Trong thời điểm tinh thần sa sút này, tôi thường ghé qua nhà TCS để tìm một thông tin tốt lành vì anh có nhiều mối quan hệ, nhưng cũng không được gì vì TCS từ chối ra đi và cho biết sắp nhận chức Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá trong chính phủ Dương Văn Minh lên thay Thiệu-Kỳ, em trai TCS là đại uý Trịnh Quang Hà sẽ được giao làm Cảnh sát Trưởng quận 2 (nay là quận 1). Thế là xong, TCS sẽ tham gia chính quyền được chuyển từ tay Nguyễn Văn Thiệu để thương lượng hoà bình với quân GP đang bao vây Sài Gòn và doạ sẽ tắm máu Sài Gòn nếu VNCH không buông súng.
Thế nhưng, TCS và người em không có tên trong thành phần chính phủ Dương Văn Minh khi các hệ thống thông tin quốc gia công bố ngày 27-4-75 và cũng không có tên kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống trong vai đệ nhất Phó Thủ Tướng – người bạn chính trị không lộ diện của TCS từ trước sự kiện Tết Mậu Thân 1968, một cố vấn chính trị, một công trình sư cho sự nghiệp chính trị của TCS, đã vận động cho TCS vào chính phủ này như là đại diện của phe Phật giáo. Và với kết quả này, nhà hoạt đầu chính trị trẻ tuổi Nguyễn Hữu Đống đã phải rời khỏi nhà TCS ngay sau đó, sau khi đã ăn ở trong nhà TCS nhiều tháng trước như một người em rể. 
Sau này, trong thời Lý Quí Chung còn sống, tôi có hỏi về sự việc này. Với tư cách là một Bộ trưởng Thông Tin và người rất thân cận với tướng Dương Văn Minh, Lý Quí Chung đã xác nhận: không hề có một đề cử nào cho TCS và Nguyễn Hữu Đống vào chính phủ Dương Văn Minh cả. TCS và gia đình đã bị Nguyễn Hữu Đống lừa rồi! Và từ đó TCS đã coi Nguyễn Hữu Đống là kẻ ghê tởm.
Một chút về Nguyễn Hữu Đống
Nguyễn Hữu Đống tốt nghiệp thủ khoa Trường Kiến Trúc Sài Gòn khoảng năm 1964 nhưng không hành nghề kiến trúc sư, bắt đầu chơi thân công khai với Trịnh Công Sơn vào khoảng 1970. Tôi không được biết gì nhiều về nhân vật này ngoài việc chứng kiến sự xuất hiện thường xuyên trong nhà TCS những tháng trước 4/1975 với tư cách em rể TCS, giữa lúc Sài Gòn liên tiếp nhận những thông tin về các tỉnh Tây Nguyên thất thủ, và cũng được biết từ TCS vào những ngày cuối của tháng 4/1975 là: chính quyền mới sẽ vẫn giữ nguyên chiếc ghế Đệ nhất Phó Thủ Tướng của chính phủ đầu hàng Dương Văn Minh (tức ghế của Nguyễn Hữu Đống). Sau đó, Nguyễn Hữu Đống đã vượt biên và định cư ở Pháp.
Thế nhưng, vào khoảng năm 1992, Nguyễn Hữu Đống về Sài Gòn và tìm thăm tôi. Tôi tiếp anh tại nhà và cùng ăn trưa. Thật ra, giữa tôi và Nguyễn Hữu Đống không đủ thân để anh tìm thăm, chẳng qua là chỗ để anh trút hết những gì TCS và gia đình không tiếp khi anh tìm đến thăm họ sau hằng chục năm ly gián từ ngày ấy. Trong những thổ lộ của Nguyễn Hữu Đống có 2 chi tiết đáng chú ý: Một là: Ý tưởng và mô hình kiến trúc Ngôi Đền Tình Yêu có hình quả trứng (lấy từ truyền thuyết Âu Cơ đẻ ra 100 trứng) để TCS chủ trì như một giáo đường là của Nguyễn Hữu Đống; Hai là: để Ngôi Đền Tình Yêu này mang đậm sắc thái TCS, Nguyễn Hữu Đống lập ý cho TCS viết Kinh Việt Nam. Dự án này tôi đã được TCS cho biết trước năm 1975 và sẽ xây dựng trên ngọn đồi của Bác sĩ Bùi Kiện Tín ở Thủ Đức, nằm đối diện với nghĩa trang quân đội Sài Gòn cũ. Xét về mặt tài năng kiến trúc và con người đầy tham vọng làm chính trị của Nguyễn Hữu Đống cũng như mối quan hệ mang tính chính trị giữa anh và TCS thì thông tin này đáng tin hơn là gần đây có nghe dư luận từ Phạm Văn Hạng là dự án này của Phạm Văn Hạng và TCS được ông Võ Văn Kiệt ủng hộ?
(Để biết thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa TCS và Nguyễn Hữu Đống, xin độc giả đọc thêm đoạn trích dẫn trong phần ghi chú cuối bài viết này, câu Lê Khắc Cầm trả lời phỏng vấn Nguyễn Đắc Xuân về TCS).
Bài Học Lớn Cho Người Làm Chính Trị Tự Phát ..
Những Gáo Nước Lạnh Ngày “anh em ta về”
Tuy nhiên, sau sự thất bại ấy, TCS lại đứng lên vui mừng vì Sài Gòn của anh trong ngày 30-4-75 đã xuất hiện: “Cờ bay trăm ngọn cờ bay” và“anh em ta về mừng như bão cát quay cuồng…”. Từ sự kiện tại Đà Lạt mà Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc đến ở trên cho đến ngày 30-4-75 không có một chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Trịnh Công Sơn. Thậm chí khi anh được kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đưa đến Đài Phát Thanh Sài Gòn để hát bài Nối Vòng Tay Lớn mừng chiến thắng lịch sử 30-4-75, TCS, tác giả của ca khúc có tính dự báo cho ngày huy hoàng này của quân Giải phóng và bi thảm cho phía VNCH, cũng bị Tôn Thất Lập, một nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào Hát Cho Đồng Bào đã thoát ly đi theo MTGPMN, đuổi ra khỏi phòng thu: "Mày có tư cách gì mà hát ở đây!”…
Bị bất ngờ với cú ra đòn khá tàn nhẫn này của người “anh em”, TCS thật sự choáng váng và sợ hãi, mọi niềm hân hoan trong anh về giấc mơ hoà bình cho đất nước của mình nay đã thành hiện thực bỗng chốc tan thành mây khói. Niềm vui tưng bừng reo ca “…Mặt đất bao la / anh em ta về / Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam…” (Nối Vòng Tay Lớn) hôm ấy không thuộc về TCS, và thay vào đó là nỗi ám ảnh sắp bị thủ tiêu và phải làm thế nào chạy trốn khỏi “người anh em” càng sớm càng tốt.
Thật ra, tai nạn chính trị này đã có nguồn gốc từ quan điểm chính về tính hai mặt trong âm nhạc và con người TCS của Ban Văn Hoá Tư Tưởng-Trung Ương Cục Miền Nam do Ông Trần Bạch Đằng phụ trách. Chính nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã kể lại rằng đã có một cuộc họp kiểm điểm TCS trong Cứ trước 1975 với thành phần tham dự gồm có hầu hết các văn nghệ sĩ thoát ly theo MTGPMN như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn,… dưới sự chủ trì của ông Trần Bạch Đằng.
Và Cuộc Chạy Trốn Khỏi Sài Gòn
Sự sợ hãi càng tăng cao khi TCS nhận được tin mình sẽ bị thanh toán. Chỉ vài ngày sau, TCS đã âm thầm cùng mẹ rời khỏi Sài Gòn bằng xe đò, trực chỉ ra Huế, nơi anh cũng đang có những "người anh em” thân thiết cũ vừa chiến thắng trở về như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Thái Ngọc San,… hy vọng chắc được yên thân.
Trở lại sống trong căn hộ cũ 11 Nguyễn Trường Tộ – Huế, TCS quây quần với bạn bè cũ và mới không được bao lâu thì cả thành phố Huế lên cơn sốt đả đảo TCS và Phạm Duy. Các biểu ngữ được giăng ở các trường đại học và TCS phải lên Đài truyền hình Huế đọc bài tự kiểm điểm. Sự cố lần này cũng lại do một nhạc sĩ tổ chức, nhạc sĩ Trần Hoàn, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Trị Thiên. Thế là TCS đã tránh được vỏ dưa SG nay lại găp vỏ dừa Huế! Sự bé cái lầm lần này, có lẽ do TCS đã kỳ vọng ở bạn mình quá nhiều nhưng thực tế vai trò trong lực lượng tiếp quản Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân rất khiêm tốn, chính họ cũng đang phải cố gắng phấn đấu để được kết nạp vào đảng thì làm sao bao che cho tác giả của 2 ca khúc từng bị  kết án (Ca khúc Gia Tài Của Mẹ với câu: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” đã xúc phạm đến đại cuộc chống Mỹ cứu nước của người CSVN và ca khúc Cho Một Người Nằm Xuống để thương tiếc Lưu Kim Cương – đại tá không lực VNCH chết bởi đạn của quân GPMN – người bạn một thời đã từng dùng máy bay không quân đưa TCS lên Đà Lạt thăm Khánh Ly hoặc ngược lại, đón Khánh Ly về hát với TCS) tại Sài Gòn?
Lần này ở Huế, tính tẩy chay TCS nghiêm trọng và công khai hơn hẳn vụ ở Đài Phát Thanh SG vừa qua. Tình bạn cũ trong trái tim TCS sụp đổ đã đành mà giấc mơ “Khi đất nước tôi thanh bình/Tôi sẽ đi thăm…” tưởng dễ thực hiện của anh cũng bị dập tắt. Những tháng ngày tiếp theo ở Huế, TCS sống như một con tin trong Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên, thường xuyên được tổ chức bố trí đi lao động thực tế trên những cánh đồng vào mùa khô cũng như mùa lụt, không hơn gì một người phải chịu cải tạo.
Cuộc Chạy Trốn Lần Thứ 2
Tuy nhiên, đang kẹt trong cái thế “tiến thoái lưỡng nan” này ở tại chính quê nhà, nơi mình từng tham gia hoạt động đấu tranh chống Diệm rồi chống Mỹ-Thiệu trong Phong Trào Đô Thị Huế với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ng K, Nguyễn Đắc Xuân,… cũng không xong mà về lại Sài Gòn thì càng nguy hiểm thì một vị cứu tinh kịp xuất hiện, ông Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo công sản cao cấp tiếp quản Sài Gòn lúc bấy giờ. Một cuộc vượt biên nội địa đưa TCS vào lại Sài Gòn sau khoảng 1 năm anh phải “đi thực tế” tại các vùng quê tỉnh Bình Trị Thiên được bí mật tổ chức do ông Kiệt uỷ thác cho nhà văn cộng sản Nguyễn Quang Sáng thực hiện thành công. Từ đây, dưới sự ưu ái của ông Kiệt và nhà văn Nguyễn Quang Sáng được uỷ nhiệm của thượng cấp chăm sóc TCS, cái hạn bị hăm doạ hay trù dập với người nhạc sĩ lãng mạn cách mạng này đã kết thúc. 
Qua những “sự cố” như thế, có thể thấy TCS đã mắc những sai lầm với người CS như sau:
- Thiếu minh bạch trong suy nghĩ về chiến tranh VN và tính hai mặt trong quan hệ xã hội. 
- Không ở trong một đường dây của tổ chức và chịu sự lãnh đạo của tổ chức đó. 
- Không dám thoát ly đi theo MTGPMN.
Và những sai lầm của TCS với phía VNCH:
- Kêu gọi phản chiến nhưng chỉ nhằm vào phía VNCH. 
- Thiên về phía người CSVN ngay cả sau khi bị họ giết hụt trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế. 
- Chống lại phía đã tạo cho mình điều kiện học hành và tự do sáng tác, kể cả tự do tư tưởng dù có bị chế độ SG hạn chế và kiểm duyệt, nhưng không quyết liệt tiêu diệt như đã được thổi phồng (dùng giấy của Hoàng Đức Nhã cấp để đi đường do Phùng Thị Hạnh trung gian, nhiều sĩ quan VNCH che dấu,…) để có một nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tồn tại lừng lẫy như thế cho đến ngày 30-4-75. Dù ý thức chính trị ra sao, Trịnh Công Sơn vẫn là sản phẩm của chế độ VNCH đúng như Đặng Tiến đã nhận định trong một bài viết ở đâu đó mà tôi không còn nhớ tên.
Bước Ngoặt “Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui”
Sa Lầy vào Rượu và Xu Nịnh
Cuối tháng 5-1978, tôi ra khỏi trại cải tạo, gặp lại TCS. Lần nào đến nhà anh ở 47c Phạm Ngọc Thạch-Sài Gòn, sáng hay chiều, cũng thấy TCS ngồi nhậu rượu Ararat, một loại cô-nhắc Nga (sau “đổi mới” chuyển qua rượu chát đỏ của Pháp, và sau cùng là Whisky Chivas) với Nguyễn Quang Sáng và một số bạn “mới”. Tôi cảm thấy có một điều gì đó không ổn, hình như tôi, một thằng sĩ quan Nguỵ đi tù về, không còn được TCS và gia đình coi là người thân như ngày xưa. Thái độ khó chịu của tôi mỗi lần ngồi trước mặt những người bạn “mới” này của Sơn đã khiến tôi bị TCS và gia đình tẩy chay ngầm.
Thực ra, tôi đã bị TCS và nhóm bạn Huế cũ loại ra từ những năm tháng tôi đi lính VNCH mà tôi không hề biết. Sau này, hoạ sĩ Tôn Thất Văn (đã chết) đã kể lại cho tôi rằng có những cuộc họp ở Huế vào những năm 60-70, TCS và những người mà tôi đã coi là bạn thân tình đã đem tôi ra để phê phán, tẩy chay vì tôi đã không trốn lính và đứng về phía Quốc Gia. Rất tiếc, trong số này lại có cả Đinh Cường, người đã từng học cùng trường mỹ thuật, ở cùng nhà, và do tôi giới thiệu làm quen với TCS, do tôi kết nối với anh bạn Thọ giàu có ở Đà Lạt để có những tháng ngày cùng TCS rong chơi thơ mộng khi lưu lại căn phòng anh Thọ đã thuê cho tôi tại biệt thự số 9 đường Hoa Hồng hay ở trong căn nhà sàn gỗ thơ mộng bên một dòng suối róc rách trong một hóc núi của thị trấn Đơn Dương từ trước khi tôi rời Đà Lạt về Sài Gòn năm 1964 theo giấy gọi vào quân trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức khoá 19. Và cả những tháng ngày nhàn nhã làm sinh viên sĩ quan tại đây vào năm 66 hay 67, lúc này tôi là sĩ quan huấn luyện CTCT và phụ trách một phần nguyệt san “Bộ Binh”. Sau ngày 30-4-75, với cấp bậc Trung uý ngành Công binh VNCH, Đinh Cường trở lại Trường Mỹ Thuật Huế và được miễn đi học tập cải tạo nhờ vào việc đã tham gia các hoạt động đấu tranh chống VNCH của nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, TCS,.., nhiều năm trước.
Có một kỷ niệm đặc biệt với Đinh Cường mà tôi cũng muốn nói ra luôn sau bao nhiêu năm cố giữ chặt trong lòng, để lòng mình thôi nặng trĩu và cũng minh chứng cho một tình bạn không hề có thật mà anh ấy đã dành cho tôi, mà tôi đã hằng chục năm cố nghĩ khác đi, cố không tin. Sự việc xảy ra như thế này: Ngày 1-5-75, 8g sáng tôi đến nhà Đinh Cường ở đường Nguyễn Đình Chiểu cũ, gần chợ Tân Định để xem tình hình như thế nào. Như thường lệ tôi vẫn đến đây dễ dàng như người trong nhà nên rất tự nhiên bước lên cầu thang dẫn lên căn gác của bạn mình. Thế nhưng chị TN, vợ Đinh Cường đã chặn tôi lại ở giữa cầu thang và nói Đinh Cường đi khỏi rồi. Tôi không tin và nói lớn là có hẹn trước, lúc đó Đinh Cường mới nói vọng xuống để tôi lên. Khi lên tới nơi thì đã có mặt của Bác sĩ Trương Thìn, Nhạc sĩ Miên Đức Thắng cùng ngồi đó. Tôi gượng gạo ngồi xuống và Đinh Cường nói với 2 vị khách kia như hỏi ý: “Mình cấp cho TC cái giấy chứng nhận thuộc Thành Phần Thứ 3 nhé!”. Lập tức tôi đứng lên và từ chối: “Không, hãy để tôi chịu trách nhiệm với họ, và Thành Phần Thứ 3, Thứ 4 gì họ cũng dẹp sạch thôi!”…
Với TCS, gia đình cùng các “đồng chí” rượu của anh, tôi lúc này là một kẻ xa lạ, một người lạc hướng, môt cái gai khó chịu, một con kỳ đà làm cho cuộc vui hoan lạc của họ không được hoàn hảo, tôi nên biến đi. Nhưng tôi lại là một gã ngoan cố, tự cho mình nhiệm vụ phải ngồi lại để làm Sơn tỉnh táo hơn, để những tiếng nói bớt đi những lời xu nịnh. Ý thức được rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm TCS được nguỵ danh dưới khẩu hiệu “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” nên tôi cố chiụ đựng sự khó chịu của họ và vẫn không tìm cách lấy lại chỗ đứng thân thiết vốn có với TCS thủa còn trai trẻ ở Huế bằng rượu chè, quà cáp đắt tiền và những tán tụng nuông chìu. Tôi vẫn đứng trên đôi chân liêm sỉ và theo đuổi một thứ nghệ thuật tri thức, đó là chỗ mà TCS, trong thâm sâu của tâm hồn anh, không thể loại bỏ tôi cho dù có khác nhau về quan điểm chính trị và cách sống. Đó cũng là điều mà TCS trong những lúc cô đơn nhất đã đến gõ cửa nhà tôi bất kể đêm khuya hay khi bình minh vừa ló dạng để hàn huyên hoặc khoe và hỏi ý kiến tôi về bức tranh mà anh vừa vẽ.
Điều Đáng Tiếc
Trong thời buổi sống như một kẻ bên lề của một Sài Gòn đã bị đổi tên và những người bạn thân một thời hồn nhiên như thế nay cũng đã cúi mình, ngoan ngoãn làm những con rối của chế độ mới, quay lưng lại với thân phận khốn đốn của đồng loại, tự huỷ tri thức, lương tâm, thứ một thời nhờ nó đã làm nên những ca khúc tranh đấu cho thân phận và tự do con người, nay chọn cho mình con đường sa lầy vào rượu, thuốc và phụ nữ, tôi thấy mình thật sự cô độc và bất lực trước sự sụp đổ từng ngày của một người bạn tài hoa nhất mà tôi từng yêu quí. Nhiều khi tôi muốn nói với bạn mình: “Tại sao cậu lại sa đà vào những cuộc chơi phù phiếm? Tại sao cậu không viết những ca khúc cho thân phận VN 2 đang bị một thứ xiềng xích vô hình nhưng vĩnh cửu, vì nó được khoá bởi chính người VN chứ không phải ngoại bang? Hay ít ra thì cậu nên sống yên lặng như một cái bóng, một hòn đá tảng vì cái giấc mơ hoà bình, thống nhất quê hương của cậu dù không phải nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ hoàn toàn nền Cộng Hoà trẻ tuổi MNVN, nhưng về mặt tâm lý cũng đã ít nhiều làm lợi cho phía bên kia, vô tình đồng loã với kẻ đã gây ra cái bi kịch thảm khốc cho hằng triệu người Việt từng ái mộ, tôn thờ cậu nay phải bỏ nước ra đi bằng giá của cái chết không được chôn cất, bằng sự tật nguyền tinh thần, nếu may mắn đến được bờ tự do thì bạn cũng đáng được cảm thông… Vì tôi biết chắc chắn một điều là tất cả những trí thức thiên tả VN như cậu cũng đều không chờ đợi một kết cuộc cho đất nước theo cách như đang diễn ra…”. Nhưng có lẽ trực giác của tôi đã mách bảo rằng điều ấy nằm ngoài khả năng của TCS, cứ để cuộc sống của anh phụ thuộc vào bản năng, đã tiêu vong rồi một TCS mạnh mẽ dấn thân, mạnh mẽ ca hát cho hoà bình đất nước, cho dân tộc ấm no, bình đẳng, tự do và hạnh phúc như ngày nào. Thời cuộc làm ra TCS đấy thôi, anh không phải là người làm ra thời cuộc, nên tôi đã nghẹn họng.
Ảo Tưởng Cuối Cùng
Dần dà rồi TCS cũng tìm lại cho mình một phần phong độ sáng tác nhờ hấp thụ những ngọn lửa nhỏ từ những nhan sắc phụ nữ và sự trân trọng (theo chủ trương) của những nhạc sĩ thuộc Hội Âm Nhạc TP HCM như Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Thanh Tùng, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn,… và một nhóm nhạc do họ tổ chức có tên “Những Người Bạn” ra đời khoảng thập niên 90, và TCS được coi là đầu đàn. Anh trở thành nhân tố quan trọng nhất trong việc thu hút sự chú ý của công chúng mỗi khi anh có mặt trong các show diễn của nhóm. TCS cũng là một tiếng nói có trọng lượng nhất đối với nhiều tên tuổi hàng đầu của nhạc cách mạng VN như Văn Cao, Trọng Bằng, Hồng Đăng,… trừ ông nhạc sĩ Bộ Trưởng Bộ VH&TT Trần Hoàn (đã nghĩ hưu), người từng mở chiến dịch đả đảo anh một thời ở Huế, là vẫn tiếp tục nhìn TCS như một kẻ xấu.
Dù gì thì thế đứng chính trị của TCS cũng đã được tốt hơn trước rất nhiều, có phải vì thế mà anh đã chủ quan nghĩ mình là người đến lúc nên đứng vào hàng ngũ của đảng?
Sơn đem ý định này nói với tôi, tôi liền can:“Không nên Sơn ơi, cậu đang là một nhân vật âm nhạc lớn, người ta nể trọng vì ảnh hưởng của cậu đối với công chúng rất lớn cũng như quốc tế. Nay cậu trở thành đảng viên mới tò te còn ai coi trọng nữa. Nếu ông Hoàng Hiệp chống lai là may cho cậu lắm đó!”. Tôi đã nói với TCS như thế và TCS im lặng. Tuy nhiên không phải nhờ sự phân tích ấy mà TCS không trở thành đảng viên Đảng CSVN, mà bởi sự ngăn cản của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người giữ vai trò chính trị của Hội Âm Nhạc TP HCM và cũng là cán bộ có trách nhiệm quản lý TCS. Trong một lần bất bình vời Hoàng Hiệp về việc bị kiểm điểm, TCS đã chửi thẳng vào mặt Hoàng Hiệp ngay tại trụ sở Hội Âm Nhạc TP HCM:”Mày là thằng mặt lồn!”.
Đã không những không được vào đảng, TCS còn được cho về hưu để vĩnh viễn kết thúc giấc mơ – ảo tưởng cuối cùng của anh.
Cái Chết – Vinh Quang Đích Thực
Nếu con đường chính trị đối với TCS là một con đường dẫn anh xuống vực thẳm thì cái chết là một kết thúc hoàn hảo. Hay nói một cách khác, nó đã giải cứu và trả lại vinh quang đích thực cho anh – vinh quang dành cho di sản ca khúc TCS.
Không chỉ niềm vinh quang này bừng sáng huy hoàng bởi hàng chục ngàn người yêu âm nhạc của anh ở trong nước tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, mà người Việt trên khắp thế giới cũng nhỏ lệ tiếc thương, nhất là người Việt ở Mỹ, nơi mà Trịnh Công Sơn lúc sinh tiền không dám đặt chân đến dù không ít lời mời. Một lễ tưởng niệm long trọng được tổ chức tại Hội trường báo Người Việt với sự tham dự đông đảo của nhiều giới khác nhau trong cộng đồng ở cả Nam và Bắc California ngay trong đêm 1-4-2001, điều mà trước đó không ai dám nói công khai về tình cảm của mình với TCS ở chỗ đông người tại Mỹ.
Lời Kết
Sau 8 năm Trịnh Công Sơn ra đi, mọi cảm xúc thương tiếc sau cái chết của anh trong mỗi chúng ta cũng đã phần nào chìm lắng, hôm nay, tôi quyết định và chọn lựa thời điểm này để viết về một góc khác, một phương diện khác của Trịnh Công Sơn mà chưa ai viết hoặc viết một cách có hệ thống.
Bài viết này chắc chắn sẽ gây ra sự mất mát tình cảm, sự đổ vỡ các mối quan hệ vốn có của tôi, vì một số những nhân vật được đề cập nay đang còn hiện diện trong cuộc đời. Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá.
Đó là về phần cá nhân tôi, còn đối với TCS, bài viết này tôi muốn bổ sung thêm những điều mà trong các cuộc nói chuyện về TCS ở Mỹ tôi đã không thể nói hết được. Một nửa sự thật cũng chưa phải là sự thật. Tôi tin vào điều tốt đẹp của sự thật. Nó có thể sẽ làm tan đi hình ảnh một TCS được tô vẽ bởi những huyền thoại và ảo ảnh lấp lánh trong lòng ai đó, nhưng sẽ trả lại một TCS thiên tài đích thực của âm nhạc như nó vốn có, để mọi người nếu đến với nhạc Sơn thì sẽ có được cơ may yêu mến trọn vẹn một con người có thực, chứ không phải một thứ tượng đài được nhào nặn, tô vẽ và dựng lên vì một mục đích riêng. Đã đến lúc sự thật đó cần được trả lại cho những người Việt đã, đang và sẽ mãi còn coi nhạc Trịnh là lẽ sống của mình, mang nó theo mình như một thứ tài sản vô giá dù đi đến bất kỳ đâu, dù ở chiến tuyến nào.
Tất nhiên, những lập luận và lời kể trong bài viết này dựa vào những gì tôi đã trải qua, những tư liệu riêng và những tư liệu của những người bạn cũ của TCS mà họ đã công khai phổ biến trên các phương tiện truyền thông, và vì thế chắc chắn còn thiếu sót tất yếu, vì tôi biết còn nhiều sự thật đang được cất dấu bởi những người có quan hệ cận kề với TCS trong từng giai đoạn của lịch sử VN từ 1954 đến hôm trước khi TCS qua đời mà họ vì những lý do nào đó chưa tiện nói ra. Tôi xin cám ơn những ai sẽ đóng góp thêm những gì giúp cho bài viết này được hoàn hảo hơn, kể cả những phản biện.
Sau cùng, mỗi con người Việt Nam đã trải qua và sống sót sau cuộc chiến tranh khốc liệt vừa qua đều giữ trong mình những sự thật riêng, một gốc nhân chứng riêng, xin quí vị hãy trả lại nó cho lịch sử, nếu được như thế thì tấm gương lịch sử VN mới trong sáng được. Cũng vì điều này, cho tôi xin lỗi những gì mà bài viết có làm tổn thương đến một ai đó cũng là vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Sài Gòn 29/3/2009 
TRỊNH CUNG 


Phần nhận xét hiển thị trên trang