Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Ban Giao lang viet:

Một chút tản mạn về văn phong





Trong xã hội, mỗi người đều có một cách sống riêng. Cách sống ấy "nói" cho người khác biết mình là ai! 

Trong văn chương cũng thế, tuy
 những bài viết trên blog chưa thể gọi là áng văn chương, nhưng nó vẫn mang dáng dấp của chữ nghĩa, vẫn thể hiện phần nào phong cách của người viết. Và người ta thường gọi là văn phong.




Người ta cũng thường nói, văn là người! Người sao văn vậy, hoặc ngược lại. Có người có lối viết rất nghiêm túc, ngôn ngữ chuẩn mực. Có người thì viết theo lối giễu nhại, đùa cợt nhẹ nhàng hoặc sâu cay. Người thì có cách hành văn thật mượt mà, văn xuôi mà đọc lên như thơ. Cũng có lối viết với văn phong chính luận, sắc sảo, phân tích rạch ròi, lý lẽ chặt chẽ...

Đặc biệt hơn, có những con người có khả năng viết với nhiều phong cách khác nhau. Họ đủ sắc bén để viết chính luận, cũng có dư văn tài để có những bài thơ rung động lòng người. Họ cũng viết được những đoản văn mượt mà, sâu lắng, tinh tế vô cùng. Và họ cũng đủ tài để giễu cợt trong những trang viết ngạo đời. Tài văn ấy thật là hiếm có! Và với phong cách viết đa dạng như thế, lắm khi ta cũng chẳng biết phải xếp họ vào dạng nào đây!

Cuộc sống cũng thế. Có những con người thật thà đến ngây ngô, nhưng cũng có những con người đầy quyền biến. Họ có thể xoay chuyển cuộc đời họ và cuộc đời của những người khác. Nhưng rốt lại, có ai không bước lên chuyến xe định mệnh của đời mình! Trên chuyến xe ấy, kẻ ngây ngô và người mẫn tiệp cùng ngồi chung một băng ghế và đến cùng một chỗ, cho dù cách sống của họ trái ngược nhau như nước với lửa. Ngẫm ra cũng là điều thú vị! Thế nên trước mọi chuyện xảy ra, chỉ nên có một tiếng cười khì! 
Phúc cho những AQ thời @!!!




Thơ và bài Yến Chi:

Tháng giêng là tháng ăn chơi...

“Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…”
Cha ông ta tài thật, chơi tết ba tháng vưỡn sung ,miềng “ăn chơi” chưa hết tháng giêng đã oải thấy mồ đành quay về ngồi viết blog vậy
     
Đi chơi hội xuân

Nghe con chim hót bồi hồi
Chênh chao én liệng chơi vơi nắng vàng
Hoa xoan đã rắc bên đường
Ngẩn ngơ con bướm vấn vương vẽ vòng
Cành cao mươn mướt chồi non
Chùm hoa bưởi đã khoe hương ngạt ngào
Trầu cay cho thắm má đào
Để em theo nhịp trống vào hội xuân
Thương thầm cái áo tứ thân
Theo em đi lễ hội gần hội xa
Lần theo mớ bảy mớ ba
Thấy bao nhiêu thánh đến là anh minh
Em cầu trăm đấng thần linh
Còn anh tận tụy một mình cầu em
“Rét dai làm lộc chậm lên
Anh chưa thành ý thần tiên chưa phù”

Y - C

Vấn đề NÔNG DÂN

TQ 'không để nông dân thiệt thòi'

Ông Hồ Cẩm Đào đọc báo cáo chính trị
Trong Báo cáo chính trị đọc trước đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi Đảng cải cách chế độ thu hồi đất của nông dân và cho họ được hưởng nhiều hơn từ giá trị mảnh đẩt của mình.
“Chúng ta nên cho nông dân nhiều hơn và lấy của họ ít đi,” ông Hồ nói.

Trở lại điểm khởi đầu
Ông Hồ hứa sẽ Đảng sẽ đảm bảo phân phối cân bằng các nguồn tài lực của quốc gia giữa hai khu vực nông thôn và thành thị.
Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc đề cập đến vấn đề này tại một đại hội toàn quốc trong bối cảnh mà nông dân nước này đã có những cuộc phản kháng rộng lớn trên nhiều làng xã trên khắp đất nước trong những năm qua vì bị chính quyền lấy đất.
Hãng tin chính thức của Trung Quốc là Tân Hoa Xã nhận xét rằng nếu công cuộc cải cách chính sách thu hồi đất được tiến hành thì Chính phủ Trung Quốc sẽ không hy sinh quyền lợi của người nông dân để giảm bớt cái giá của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
“Sau khi trở thành Đảng cầm quyền độc nhất cách đây 63 năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nhìn về thời điểm bắt đầu khi họ tiến đến nắm quyền đất nước: đó là giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân ” Tân Hoa Xã nhận xét.
Các nhà sử học Trung Quốc tin rằng sự ủng hộ rộng rãi của nông dân giành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc là một trong những điều thần kỳ giúp Đảng này lên nắm quyền sau khi họ tịch thu đất đai của địa chủ và phát không cho nông dân.
Cố lãnh tụ cách mạng Mao Trạch Đông đã từng phát biểu rằng Đảng Cộng sản lên lãnh đạo đất nước được là nhờ chiến lược ‘dùng nông thôn bao vây thành thị’.
Công cuộc cải cách và mở cửa đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới cũng bắt nguồn từ ngôi làng Tiểu Cương ở tỉnh miền đông An Huy vào năm 1978. Khi đó dân làng ở đây đã âm thầm tách khỏi hợp tác xã để tự canh tác trong bối cảnh các làng xã trên khắp Trung Quốc đang phải vật lộn để sống qua ngày với mô hình trang trại hợp tác xã.
Cách làm của làng Tiểu Cương sau đó đã được các nơi khác trên đất nước làm theo và các hợp tác xã đã giao cho các hộ nông dân quyền sử dụng đất theo hợp đồng ‘khoán hộ’ trong vòng 30 năm.

‘Lợi ích chung’

Theo pháp luật hiện hành thì Nhà nước có thể thu hồi đất do hợp tác xã sở hữu với lý do “vì lợi ích chung” và sau đó giao đất cho các dự án bất động sản hay công nghiệp.
Trong những năm qua, chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã lấy đất của nông dân với giá bồi thường rẻ mạt rồi bán cho các công ty xây dựng các khu công nghiệp hay bất động sản để xây dựng nhà ở cho các lao động nông thôn đổ về các thành thị giữa cơn lốc đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc.
Hơn nữa, nông dân hầu như không hưởng được gì trong lợi nhuận từ đất đai của họ sau khi thu hồi và chuyển nhượng cho người khác. Điều này đã làm bất mãn và khiếu kiện gia tăng.
Cách đây một năm, Ô Khảm, một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Quảng Đông, đã trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế khi dân làng đã biểu tình phản đối chính quyền ba lần trong bốn tháng với cáo buộc đất của họ bị tịch thu một cách phi pháp và các quan chức địa phương tham nhũng cũng như vi phạm các nguyên tắc bầu cử và tài chính.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Từ Hiểu Kinh, giám đốc Vụ nghiên cứu kinh tế nông thôn trực thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển, một cơ quan nghiên cứu chiến lược của Quốc vụ viện Trung Quốc, nhận xét rằng lợi nhuận từ việc thu hồi đất gần như không đến được với nông dân.
Ông cho rằng chế độ bồi thường cho nông dân hiện nay quá thấp.

Vụ Ô Khảm gây chấn động dư luận

‘Bị ra rìa’

“Trên thực tế, các nông dân mất đất bị đẩy ra rìa quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước một cách bất công,” ông này nói.
Ở nhiều nơi, nông dân được bồi thường chỉ có 450.000 nhân dân tệ, tương đương với khoảng 75.000 Mỹ kim cho mỗi hectare trong khi chính quyền có thể thu được tới hàng triệu tệ khi họ đem hectare đất đó ra đấu giá.
Bà Dương Vũ Doanh, một nông dân ở ngoại ô Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, đã từng là nạn nhân của sự thu hồi đất một cách bất công này, Tân Hoa Xã cho biết.
Bà được chính quyền địa phương bồi thường chưa tới một triệu tệ cùng với một căn hộ rộng 90 mét vuông.
“Số tiền bồi thường nghe có vẻ lớn, nhưng chúng tôi đã mất đất mà còn không được đối xử như dân thành phố trong các vấn đề việc làm, chăm sóc y tế và giáo dục,” bà than phiền.
“Không có gì đảm bảo cho cuộc sống của chúng tôi cả. Con tôi còn phải đóng thêm tiền khi đi học ở thành phố,” bà nói thêm.
Quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc đã đẩy hơn phân nửa trong tổng số 1,3 tỷ dân ở nước này đến các thành thị. Bà Dương chỉ là một trong số rất nhiều nông dân không được bồi thường thỏa đáng, nuôi dưỡng mầm mống bất ổn ở Trung Quốc.
Đại hội Đảng TQ dường như đang xem xét lại chế độ thu hồi đất vốn bị chỉ trích là bất công và gây thiệt thòi cho nông dân.

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Viết!

Chuyện kể rằng...
Tôi là tôi mà tôi cứ yêu tôi
(nhại thơ C.L.V.)

1.

- Cậu đã bao giờ ăn chúng chưa?
- Khoan nghĩ đến chuyện đó. Sự tồn tại của chúng còn chưa được nhận diện cơ mà! Ban đầu là thế. Tớ biết chúng ở đâu đó. Tớ nhận biết chúng thông qua một kẻ khác. Lúc đó trời rất tối. Tớ bị bao vây. Tớ nằm im và tự làm rỗng mình. Tớ không nghĩ gì đến chúng cả. Bọn chúng cũng không nhìn ra tớ. Chưa đến lúc cho bọn chúng.
- Thế rồi...
- Ừ, thế rồi...
*
Lúc đó trời rất tối. Tôi ném một hòn đá lên không trung, hòn đá bị mắc kẹt trong bóng đêm. Tôi đứng trong tư thế vẫy chào, bàn tay dính chặt. Tôi gắng dùng tay kia. Kết quả là tôi đứng trong tư thế đầu hàng. Bóng đêm cứ xuống thấp dần. Tôi phải khom người. Thật khó chịu. Một lúc nữa thôi, nó sẽ ép tôi thành một chiếc lá...

2.

- Rồi cậu đã cầu cứu đến chúng?
- Chúng đến và đánh thức tớ. Chúng mặc trang phục lấp lánh, lấp lánh ánh lửa. Tớ không biết đó là chúng. Chúng không nói với tớ. Chúng đến âm thầm với những con mắt sắc nhọn đỏ rực. Bóng đêm thủng lỗ chỗ và tớ thấy sao.
- Thật may là chúng đến kịp.
- Ban đầu tớ nghĩ vậy. Trong tình cảnh lúc ấy tớ nghĩ vậy. Mà cũng chẳng suy nghĩ được gì nhiều. Tớ cứ thế tận hưởng thôi. Tớ giãy giụa vì tò mò. Đến khi lôi tớ ra khỏi màn đêm, chúng vứt tớ lên một cánh đồng cỏ. “Giã từ bóng tối”, chúng nói.
*
... Nó sẽ ép tôi thành một chiếc lá. Với sức mạnh đó, một chiếc là còn là khá mơ mộng. Tôi đã cố gắng giãy giụa nhưng vô ích. Tôi đu người lên, cố dùng sức nặng thân thể để rút hai bàn tay ra. Thế quái nào mà hai chân tôi lại dính luôn vào đó. Tôi treo lơ lửng trong tư thế một con lợn bị khiêng. Tôi nằm chờ chết. Nghĩ đến cái cảm giác ngạt thở. Nghĩ đáng ra mình nên thử với lửa. Nó sẽ đốt cháy cái bọc đen khốn kiếp này. Lửa cứ nhảy nhót trong đầu tôi. Những cái lưỡi vờn qua vờn lại đỏ rực. Lưng tôi chạm mặt đất. Tôi không cảm thấy một sức ép nào cả. Rồi tôi ngập lụt trong đêm. Sau đó tôi bị đẩy lên vùn vụt. Da tôi bị ma sát bỏng rát. Và tôi bị ném lên một không gian khác. “Giã từ bóng tối”, ai đó nói.

3.

- Và cậu đã nhập bọn với chúng?
- Từ “nhập bọn” có vẻ hơi phân biệt. Tớ không hề nghĩ tớ khác bọn chúng. Bọn tớ chơi với nhau trên đồng cỏ. Bọn tớ ngày càng đông. Rất mạnh. Bọn tớ cứ chạy suốt ngày, thám hiểm đây đó, há mồm thích thú với nhau, cười và lăn lông lốc.
- Nó không ăn khớp mấy với tình trạng của cậu bây giờ nhỉ?
- Bọn tớ yêu nhau lắm. Khi ngủ bọn tớ cũng nắm tay nhau. Tớ vui phát khóc lên được. Bọn tớ vừa ra khỏi màn đêm, cậu không thấy sao? Bọn tớ thèm khát đủ mọi thứ, và cứ có cơ hội, là bọn tớ ăn, bọn tớ chơi. Bọn tớ là một nhóm hay nhất vũ trụ. Không có bất kì một kẽ nứt nào cho nước mưa thấm vào. Không một kẻ nào có thể phá đám. Không một kẻ nào
*
Không một kẻ nào ở xung quanh tôi cả. Một thảo nguyên mênh mông và vắng lặng. Đêm tối đã biến mất không dấu vết. Có thể tôi đã bị ném đi quá xa. Tôi nhớ đến Robinson. Hình như anh ta trèo lên một cái cây cao và ngủ thì phải. Tôi không muốn ngủ, mà cũng chẳng có cái cây nào ở đây cả. Một đồng cỏ phẳng lì và một đồng cỏ phẳng lì. Tôi không đói cũng chẳng khát. Tôi cũng không cảm thấy sợ. Tôi chỉ thấy lạ. Và thế là tôi quyết định làm quen. Tôi khua chân múa tay, nhảy nhót, cười ha ha. Thảo nguyên sẽ thấy tôi đáng yêu hơn bằng cách ấy cũng không chừng. So với bóng tối thì ở đây là quá tốt. Ý nghĩ đó làm tôi thấy mình tràn đầy năng lượng. Tôi nói với tôi: ta là vua của thảo nguyên. Tôi sẽ xây dựng cuộc sống cho chính mình. Tôi là chồng, là vợ, là con, là cha, là mẹ, là anh, là em, là chủ nhà, là hàng xóm, là tôi, là kẻ khác tôi, là tất cả. Thực sự tôi rất đông. Và chúng tôi thực sự yêu thương nhau. Chúng tôi là một nhóm hay nhất vũ trụ. Không một kẻ nào có thể phá đám.

4.

- Thế thì bọn cậu quá hoàn hảo. Chẳng có gì mà phải than phiền.
- Tớ cũng nghĩ vậy. Nhưng rồi tớ thấy cần dừng lại trong những cuộc chơi. Sức khoẻ của tớ hình như muốn tách ra khỏi nhóm. Nó không lăn lông lốc được nữa. Thỉnh thoảng nó bắt tớ dừng lại và thở. Tớ không chịu. Thế là nó đẩy tớ xuống hố.
- Và bọn chúng lại cứu cậu.
- Ừ, nhưng một số kẻ không muốn. Chúng không muốn dừng cuộc chơi. Và những kẻ đó lôi những kẻ khác theo. Một vài kẻ cố lôi tớ lên, nhưng sức khoẻ của tớ lại níu tớ xuống.
- Tớ không hiểu. Này nhé, cậu bảo cậu ăn bọn chúng. Nhưng, như những gì cậu nói, thì bọn chúng mới là những kẻ có thể ăn cậu.
- Đây chưa phải lúc nghĩ ra những chuyện ấy. Tớ ngồi dưới hố một buổi, và bọn chúng quay lại lôi tớ lên. Rất dễ dàng. Bọn tớ lại chơi với nhau. Nhưng tớ nhớ mặt một số kẻ, và nhất định không nắm tay chúng khi ngủ. Và cái này mới thú vị: tớ nhận ra thỉnh thoảng nên nghỉ một chút.
*
- À à, tớ bắt đầu hiểu vấn đề rồi.
- Nhưng khi một số kẻ định bắt chước tớ, tớ bảo đừng nên như vậy. Đó là dấu hiệu của bệnh tật. Rằng tớ là một kẻ đáng bị nguyền rủa. Tớ không thuộc dòng dõi những con sư tử. Tớ đáng bị khinh bỉ. Tớ giả vờ ngã suốt. Tớ bảo tớ phải chữa bệnh. Tớ chỉ chơi một trò chơi và ăn một món. Tớ bảo tớ khó ngủ và tớ dời đi một chỗ khá xa.

5.

Tôi và tất cả những người khác quanh tôi. Một tập thể hoàn hảo như bạn đã biết. Nhưng rồi tôi nhận ra một sự thực: đời tư của tôi bị xâm phạm quá nhiều. Tôi phải lắng nghe quá nhiều ý kiến. Những tiếng nói của những người khác tôi luôn vặn xoắn tôi, làm tôi quăn queo như cái vỏ đỗ phơi khô. Tôi không còn là kẻ quan trọng nhất. Tôi không còn là một kẻ khai phá. Tôi không là một kẻ được hàm ơn. Tôi là nạn nhân. Tôi không thể thay đổi. Tôi phải thay đổi theo kẻ khác. Tôi bị trôi đi. Tôi bị lăn lông lốc. Tôi không thể dừng lại. Tôi không phải là một con sư tử của thảo nguyên. Tôi cần ốm yếu. Tôi cần bệnh tật. Tôi cần dừng lại. Tôi phải dời đi một chỗ khác. Và phải ngủ một giấc không mộng mị. Tôi không thích đông vui nữa. Tôi thích khi ngủ, tôi sẽ nắm tay tôi và đặt lên bụng của chính mình. Tôi sẽ nuốt tất cả bọn chúng. Đó là dự định của tôi, và cứ chờ xem. Dự định của tôi...
*
- Và thế là tớ có khoảng cách để nhìn bọn chúng. Y như lúc cậu đứng trên một ngọn núi và nhìn xuống người dưới đường phố vậy. Tớ đã ra khỏi bọn chúng, dù mới chỉ một chút. Nhưng tớ sẽ gắng để rời xa nữa. Không phải để biến mất, mà là để trừng trị bọn chúng. Tớ sẽ nuốt tất cả bọn chúng. Đó là dự định của tớ, và cứ chờ xem. Dự định của tớ...
- Thế rồi cậu đã ăn được chúng chưa?
- Khoan nghĩ đến chuyện đó. Chẳng phải tớ đã bảo cậu ngay từ đầu rồi sao. Khoan nghĩ đến chuyện đó.

TXH


Cái gì đây?

Thư của Nhà báo Phạm Chí Dũng gửi blog Ba Sàm

Kính gửi: BBT Blog Ba Sàm
Tôi là Phạm Chí Dũng, một nhà báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, xin được gửi đến các bạn lời cám ơn của tôi vì sự quan tâm và chia sẻ của mọi người trong thời gian tôi bị bắt giam.
Như mọi người đã biết, tôi bị công an bắt giam vào ngày 17/7/2012 do hành vi “Viết và tán phát tài liệu có nội xuyên tạc sự thật”. Sau đó, tôi lần lượt bị khởi tố hai tội danh “Âm lưu lật đổ chính quyền” (Điều 79 Bộ luật hình sự) và “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 88 Bộ luật hình sự).
Trước đó, tôi đã viết nhiều bài cho Tạp chí Phía Trước về vấn đề nhóm lợi ích và tình hình tham nhũng ở Việt Nam.
Nay, tôi đã nhận quyết định đình chỉ điều tra và vụ việc của tôi đã chính thức kết thúc.
Vấn đề và các bút danh của tôi đã trở nên công khai với chính quyền và với mọi người.
Không nhằm mục đích danh vọng, nổi tiếng hay tham gia vào hoạt động chính trị, tôi chỉ thuần túy là một người viết và viết phản biện để cống hiến cho dân tộc.
Là một nhà báo chuyên nghiệp có kinh nghiệm viết hơn 20 năm, tôi vẫn mong muốn được đóng góp chút sức lực nhỏ bé của mình cho một đất nước Việt Nam dân chủ, trong sạch và nâng cao mặt bằng dân trí. Tôi sẽ luôn cố gắng thể hiện nguyện vọng ấy bằng ngòi bút phản biện khách quan và trung thực của mình, đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học xã hội với những đề tài cải cách hiện đại.
Kính thư.
Phạm Chí Dũng
Tiến sỹ kinh tế, nhà văn, nhà báo
Bút hiệu: Thường Sơn, Viết Lê Quân
Vợ: Bùi Thị Hồng Loan, nghiên cứu sinh ngành dân tộc học, hiện giảng dạy tại Trường đại học Văn hóa TP.HCM (không phải làm việc tại Ban Tôn giáo).
Nhà riêng: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP.HCM.
Điện thoại: 01235459338
Email: vietleminhquan@gmail.com
(Thư được Nhà báo Phạm Chí Dũng gửi đến sáng 13/3/2013. Chúng tôi đã liên lạc điện thoại trực tiếp để xin phép đăng và được tác giả chấp thuận).
Anhbasamvn

Tin van

Phê bình kiểu tấu hài trên báo Văn nghệ




Trần Mạnh Hảo
 .
Trên báo Văn Nghệ hai số 7 và 8 / 2013 có in bốn bài viết ca ngợi ba tập thơ được giải và một tập phê bình được giải văn học của Hội nhà văn Việt Nam 2012 : “ QUAY VỀ LỜI NỀN TẢNG – Đọc “trường ca chân đất” của Thanh Thảo” của Nguyễn Chí Hoan, “Phạm Đương người đi trên dây” của Đặng Huy Giang, “Trần Quang Quý và sự ám ảnh hiện hữu “ của Mai Vũ và “ Mấy suy nghĩ cùng “ Đa cực và điểm đến” viết về tập phê bình được giải của Nguyên An…
Nếu thày giao chấm điểm văn là bạn đọc ra bốn đề văn như sau :
“Em hãy phân tích và chứng minh “ trường ca chân đất” của Thanh Thảo hay hay dở ? Vì sao hay, vì sao dở”
Cũng đề này được ra cho ba tập tiếp : “Giờ thứ 25” của Phạm Đương, “ Màu tự do của đất” của Trần Quang Qúy, “ Đa cực và điểm đến” của Văn Chinh
Qua bài viết, tức bài tập làm văn của các tác giả : Nguyễn Chí Hoan, Đặng Huy Giang, Nguyên An và Mai Vũ…không chứng minh được bốn tập này là tập hay, ngược lại nó vô tình ( hay cố ý) đều cho rằng ba tập thơ và một tập phê bình này đều nhàn nhạt, vô bổ, nghĩa là thậm dở.
Nếu các vị này cố chứng minh các tập thơ trên hay thì độc giả là ông thầy chỉ có thể cho các vị điểm ngỗng ( tức 2 điểm).
Xin trích một đoạn trong bài viết của Nguyễn Chí Hoan; ông này đã trích ra đoạn thơ bậy bạ, dở nhất, dễ dãi nhất, tầm phào nhất của “Trường ca chân đất” của Thanh Thảo để khen hết lời thơ Thanh Thảo hay tuyệt như sau :
“Nét riêng trong cái nhìn mà trường ca này khai triển là dựa trên sự nhấn mạnh cái vẻ thô mộc đó, dùng sự nhấn mạnh đó theo kiểu xây dựng các mô-típ trong mỹ nghệ dân gian; chẳng hạn như ở đoạn trích dưới đây.
                         bác Năm Trì tàng tàng tàng
                         bác Năm Trì dân Quảng Ngãi

                         đêm láng lênh bác ngồi gãi háng

                         trăng hạ tuần
                         nhớ lung mung
                         hình như tổ tiên mình có cái chén mẻ
                         gửi đâu đó bên dưới đế tháp Chàm
                         những ngọn tháp chỉ còn trong ký ức
Với nhịp điệu đan xen lối nói vần điệu dân dã tựa như “hát nói” và nhịp thơ tự do, đoạn thơ trên đây dựng lên ba hình ảnh: ông nông dân ngồi, ống quần rộng kéo quá đùi – mảnh trăng hạ tuần (xế/chếch) ngang đầu – nhìn sang ngang hình kỷ hà một ngọn tháp ước lệ làm nền cho hình đậm chiếc bát ăn cơm sứt mẻ; và chi tiết động tác “gãi háng” khiến thấy hình ông nông dân là một ảnh thực bên cụm ước lệ trăng-tháp có điểm nhấn bố cục là cái bát mẻ.
Tư thế và động tác trong hình ảnh này của nhân vật bác Năm Trì chính là điểm bộc lộ sự nhấn mạnh vào tính thô mộc của biểu đạt; và theo truyền thống, hình ảnh và động tác đó, như thể một vai hề gậy, biểu thị thái độ phản biện, phản kháng hay nhẹ nhất cũng là một cái cười mai mỉa, một lời chất vấn hay tự vấn. Và tính chất một mô-típ tạo hình ở đoạn thơ khiến có thể loại bỏ hoặc giới hạn phương diện “tục” trong cái “thô”, hay nói cách khác, là đưa cái “tục” với liều lượng được kiểm soát để biểu hiện sức phản kháng trước đau khổ bất bình, cũng là cái cười biểu thị hy vọng.” ( hết trích)
Nguyễn Chí Hoan đã chọn khổ thơ dễ dãi nhất, tầm phào bậy bạ nhất, dở nhất  của Thanh Thảo để khen lên mây, dùng làm thí dụ cho “thi pháp gãi háng” thành trường thơ của “
Trường ca chân đất”, đôn cái dở nhất thành hay nhất, tục tĩu nhất thành thanh tao nhất…để tha hồ tào lao xích bột, tán nhảm, bình càn, y như một kẻ không bình thường, hoặc một tay tấu hài hạng bét trong làng chọc cười, chọc quê…
Về việc này, vừa qua nhà thơ trẻ Thanh Tre, sau khi đọc bài bình có một không hai của Nguyễn Chí Hoan tâng bốc “Trường ca chân đất” của Thanh Thảo, đã gửi cho kẻ viết bài này đoạn thơ mô phỏng thơ “ gãi háng” trên mà Thanh Tre thi sĩ cho là mình đã vượt qua thơ Thanh Thảo; xin trích thơ của tác giả Thanh Tre :
“Cô Sáu He cà lăm cà lăm cà lăm
Cô Sáu He quê Rạch Giá
Khuya trăng lu cô ngồi gãi mu
Sao Hôm mắc cỡ tắt ngúm
Cô vừa gãi mu vừa nhớ con chim cu
Thương bà cố nội cô có cái váy tổ đỉa
Chiếc váy còn phơ phất chiêm bao”
Trần Mạnh Hảo tôi xin mô phỏng lối bình thơ tấu hài của Nguyễn Chí Hoan mà bình đoạn thơ diễm lệ của thi sĩ Thanh Tre như sau :
“Từ “thi pháp gãi háng” tả thực của thi sĩ Thanh Thảo, thi sĩ Thanh Tre đã vượt qua cái bóng tiền bối mà nâng thơ lên thành “thi pháp gãi mu” hư ảo vô cùng, hàm súc dư ba. “ Mu” của cô Sáu He so với “Háng của bác Năm Trì” sâu sắc và đa ngữ nghĩa hơn nhiều. Háng, nói cho cùng chỉ có nghĩa đen mà thiếu nghĩa bóng, chỉ có xác mà thiếu cái hồn. Háng của bác Năm Trì chợt biến thành chân tường của thi ca. Nhưng hình ảnh “ Mu của cô Sáu He” thì vừa có không gian vừa có cả thời gian. Từ hình ảnh “ Mu” thơ được mở ra không chỉ ba chiều ( ba góc = “chành ra ba góc dư còn thiếu- HXH”) , bốn chiều mà đa chiều, vô chiều khiến hồn người đọc cũng được hút vào thiên đường khoái lạc mà “mu” chính là cửa vào cực khoái thi ca. Hỏi có ai không bước ra từ cửa của cái mu này…? Mu là hình tượng cong đầy múp míp vòm trời. Các chân trời, các đụn cát, các vòm đồi, các đỉnh núi đều mô phỏng sự cong nẩy của mu cô Sáu He mà mơn mởn “tùm hum nóc” như thơ Hồ Xuân Hương…
Cám ơn thi sĩ Thanh Tre đã mang đến cho thi ca một “ cái mu” thi pháp làm hầm trú ẩn cho thi ca muôn đời thập thò cua cáy nhân sinh. “Mu” trở thành vương miện của vương quốc sex mê ly kiếp người; “mu” chợt được thi sĩ Thanh Tre nâng lên thành triều thiên của thi ca tưởng thô tục mà cao sang vô tận. “ Mu” không chỉ là thi pháp thơ mà còn là phạm trù thơ, hang hốc thơ, tiên thiên thơ, qủy cốc thơ…
Xin cám ơn “thi pháp gãi háng” của thi sĩ Thanh Thảo đã gợi cho thi sĩ Thanh Tre viết được câu thơ vĩ đại : “Khuya trăng lu cô ngồi gãi mu”. Thơ đang bay vùn vụt chợt đụng vào “háng”thì thơ dù đã học được phép xuyên tường cũng phải dừng lại, bởi vì sau háng là xương cứng như sắt mà thơ không thể gặm. Nhưng sau “ Mu” thì quả là còn vô cùng thế giới, là thiên đường của thi ca, nơi thi ca lên đỉnh Vu Sơn khoái lạc chợt hét lên, rú lên niềm thú tính con người…Thơ, nói cho cùng phải đạt đến mức sướng muốn chết….”
Cứ đà bình kiểu Nguyễn Chí Hoan này, có thể xuất hiện một luận án tiến sĩ về thi pháp thơ ca : Thơ trong quá trình tiến hóa  từ “thi pháp gãi háng” tả thực sang “thi pháp gãi mu” hư ảo…Nguyễn Chí Hoan, hiện là trưởng ban lý luận phê bình báo Văn Nghệ nếu làm luận án tiến sĩ về đề tài này chắc chắn sẽ được hội đồng giáo sư phản biện vỗ tay vang trời. Trần Mạnh Hảo xin biếu không ý tưởng này cho ông Hoan, chỉ xin một li café nâu nhuận bút mà thôi…
Chúng tôi xin trích một đoạn trong bài : “Phạm Đương người đi trên dây” của nhà thơ Đặng Huy Giang, bốc thơm tập thơ “ Giờ thứ 25” (tên tập thơ ăn cắp tên của cuốn tiểu thuyết lừng danh thế giới của  văn hào C. Gheorghiu) như sau :
“Ở đâu đó, ta bắt gặp một lối diễn đạt mạnh bạo: Từng cơn gió dại chưa tiêm phòng/ phập vào anh những dấu răng chí mạng (Gió dại); một cách diễn đạt cô đọng như châm ngôn: Không một nhà tù nào có thể nhốt được khát vọng/ không một xiềng xích nào có thể giam được cái ác (Hạt thóc và bom); một cách nói rất khác: Tôi bị chiều luộc chín từng khúc/ bằng chiếc nồi áp suất nhớ nhung (Khuya 1), tôi dát mỏng sự tử tế hiếm muộn của mình/ liền gặp ngay một cơn thịnh nộ/ đừng nhân danh lòng tốt, bạn ạ và đáng nói hơn là một cách nhìn khác.
Tiêu biểu cho cách nhìn khác được bộc lộ sinh động qua Lính đất Mũi. Đây là bài thơ độc đáo, mang nặng chất phát hiện của Phạm Đương:

Từ độ cao mười mét
những chiếc dù bung ra
rồi bám vào đất mà thở
rồi bám vào biển thành nhà

ở đây không cần khẩu lệnh
vẫn hàng ngang hàng dọc thẳng đều
cứ thấy bùn là tiến
nhìn triều xuống mà theo
giăng mắc ngang chiều những
sư đoàn binh đoàn
âm thầm cắm rễ
giăng mắc ngang trời nơi cửa sông
câu ca mở cõi

khoác trên vai những người lính nơi này
bộ quân phục phù sa
mang về từ châu thổ

phía trước mặt là bước chân mở đất
phía sau lưng là đôi tay giữ nước
trĩu nặng hai vai đất đai Tổ quốc

những – người – lính – đước.

Có lẽ, chưa có người làm thơ nào viết về những cây đước khái quát và khác lạ đến vậy.
Tất nhiên, Phạm Đương không chỉ có Lính đất Mũi mà còn có Biên tập, Tạp âm, Những mảnh vỡ, Trong đáy cốc, Gió dại, Hạt thóc và bom… nữa.
Đây là những câu ấn tượng trong Hạt thóc và bom:
Chúng ta cười vui chúng ta mếu máo
chỗ này tung hô chỗ kia lếu láo
chúng ta đang đi trên những chiếc dây
căng qua đời sống
tìm sự thăng bằng giữa hạt thóc và bom.
( hết trích)
Những câu thơ Phạm Đương ( nhại thơ TÂN CON CÓC lẩn thẩn, lảm nhảm của Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều) trên đây do Đăng Huy Giang trích ra khen đều là những câu đại ngôn, sáo mới, sến, dễ dãi, thậm chí nhảm nhí, tầm phào há không phải là phê bình tấu hài hay sao ?
Trần Mạnh Hảo xin mượn mấy câu thơ dễ dãi, đại ngôn và khiên cưỡng lại buồn cười của Phạm Đương do Đặng Huy Giang khen hay để giễu nhại cho đỡ tẻ :
“Từng cơn gió dại chưa tiêm phòng
 phập vào anh những dấu răng chí mạng” ( P Đ)
“ Từng tên ác dâm chưa bị hoạn
Phập vào em những dấu chim chết ngất” ( thơ nhái)
“Tôi bị chiều luộc chín từng khúc
bằng chiếc nồi áp suất nhớ nhung” ( P Đ)
“Tôi bị đêm rán thành mỡ
Bằng chiếc chảo em yêu “ ( thơ nhái)
“Không một nhà tù nào có thể nhốt được khát vọng
 không một xiềng xích nào có thể giam được cái ác” ( P Đ)
“Không một bướm em nào nhốt được anh chim
Không một cái chai nào có thể nhốt được rượu tình ( thơ nhái)
Mai Vũ trong bài : “Trần Quang Quý và sự ám ảnh hiện hữu” ca ngợi tập thơ “Màu tự do của đất” lên mây bằng trích ra toàn thứ thơ dễ dãi, sáo rỗng, cùn mòn, nói lấy được, chẳng cần hàm súc, dư ba, chẳng cần hình tượng, hình ảnh, biểu tượng, rất dở, cứ tràn ra vô tội vạ như nước cống :
“Ngoặc đơn tác giả viết: “Nỗi buồn trong cấu trúc cô đơn/ chiếc ngoặc mong manh gông cùm phận chữ/ những con chữ một đời vai phụ/ những con chữ chỉ giản dị làm phu giải nghĩa/ cũng một đời thèm/ tháo ngoặc/ Tự Do!”.
“Tôi đọc trên đất những bước đi ngắn, những bước đi dài/những khi bước thấp, những khi bước cao/bài học ban đầu/thuở còn lẫm chẫm/trang sách nhân gian đất bày vô tận/…Một đời khát vọng/tìm gió/theo mây/mới hay mọi điều học ngay từ đất” (Từ đất)
Ánh sáng của một ngày tự thức/ ánh sáng len lỏi vào ngõ quen, vào ngóc ngách vô cảm/ đánh thức bản nguyên/ cởi nút thắt bóng tối nằm hoang muội trong bức tường câm thức/ Ánh sáng dẫn tôi bò qua những con dốc nhịp thở/ gõ cửa trái tim cảm hứng/ bánh xe trật tự khởi quay/ và bật dậy trong tôi những lãng quên biền biệt chân trời… ánh sáng khoan thoai trong khung cửa ngộ thức/ hình như tôi vừa tự mở khóa mình”.
“Tôi đọc trên đất những bước đi ngắn, những bước đi dài/những khi bước thấp, những khi bước cao/bài học ban đầu/thuở còn lẫm chẫm/trang sách nhân gian đất bày vô tận/…Một đời khát vọng/tìm gió/theo mây/mới hay mọi điều học ngay từ đất”
Các nàng liếc nhìn tôi bằng sâu thẳm bầu trời thị giác/ bằng cả những phía sau cong mi… Tôi đi qua ngàn năm để đỏng đảnh một chiều váy ngắn… Sông hổn hển kể những ngày nàng thôn nữ ra bến quê giặt yếm/ khỏa những nụ cười duyên/ giặt cái dịu dàng, giặt phồn thực/ các nàng giặt tôi, kì cọ tôi bằng chiều quê cổ điển/ bằng cổ tích Ba Vì, bằng cả bây giờ quần jean, tóc hấp
: “Trong mắt rắn, dĩ nhiên rồi ta cũng loài rắn/ngôn ngữ của trườn bò…Trong mắt bầy khuyển kia, làm sao khác ta cũng thành đồng loại/ những cơn tru hoang (tiếng người hóa dại)/ ngày thấp thỏm quạ kêu, đêm chập chờn cú rúc/ những con mắt gài quanh bờ giậu/ lách nhách cắn bóng đêm hay tự sủa phận mình/ có cái chết trong bầm rập vết răng đồng loại/ có bước chân côi cút lẻ bầy” (Đồng loại)”
Mai Vũ đưa thơ dở của Trần Quang Qúy ra ca ngợi lại chẳng phải là phê bình tấu hài hay sao ?
Nhà phê bình Hoài Thanh đã dặn hậu thế đại để như sau : đọc bài phê bình thơ mà thấy trích ra toàn thơ dở để khen lên mây, thì bài ấy không có giá trị gì cả. Ta nên đọc các câu trích trước, rằng thơ trích ra khen mà hay mới đọc, còn trích toàn thơ dở ra khen thì nên ném bài bình thơ ấy vào sọt rác.
Nguyên An trong bài viết : “Mấy suy nghĩ cùng “Đa cực và điểm đến” khen cuốn phê bình được giải của Văn Chinh hết lời mà không hề chứng minh. Nguyên An chưa có đủ trình độ phân biệt được đâu là văn báo chí đâu là văn phê bình văn học nên mới viết lung tung như vậy. Cuốn sách này của Văn Chinh dù viết về đề tài văn học nhưng chỉ là những bài điểm báo, điểm sách thuộc thể loại báo chí chứ chưa thể gọi là phê bình văn học được.
Nguyên An dành cả bài viết dài để khen con vịt giống con thiên nga thì không phải là phê bình tấu hài thì còn là gì nữa…
Hi vọng, báo Văn Nghệ nên tiếp tục in loại phê bình tấu hài để giải khuây thiên hạ; đang buồn ngủ lại gặp chiếu manh mới khoái chí làm sao .,.
Sài Gòn ngày 14-3-2012
Trần Mạnh HảoTác giả gửi cho NTT blog

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Thế sự:

Đòn phản công vào "tử huyệt bất khả kháng" của hải quân tác chiến tầm xa địch

Bài trước:  
Dám đánh, biết đánh để chiến thắng lực lương hải quân tác chiến tầm xa của địch 

Đòn phản công vào "tử huyệt bất khả kháng" của hải quân tác chiến tầm xa địch 
Lê Ngọc Thống

Tấn công vào một mục tiêu nào mà sự chiến thắng sẽ làm rúng động toàn bộ chiến dịch hay ảnh hưởng sống còn đến kết quả chiến dịch…thì mục tiêu đó được coi là “tử huyệt”.

Thực tế trong chiến tranh, có những “tử huyệt” của địch, để phát hiện ra nó không phải dễ dàng, đơn giản, mà cần có những bộ óc sáng suốt của những vị tướng tài, của một bộ tham mưu tài giỏi đầy kinh nghiệm chiến trận mới “nhìn thấy” cái mà ngay địch cũng không thể “nhìn thấy”. Vì loại “tử huyệt” này nó tồn tại lịch sử và khách quan, có khi ngay trước mắt nhưng chẳng ai “nhìn thấy” và cũng có khi chỉ chịu lộ ra trước những tác động, hoạt động quân sự của đôi bên như bày mưu, cài thế… mà thôi.

“Buôn Ma Thuột” trong chiến dịch mùa xuân năm 1975 là “tử huyệt” thuộc kiểu loại đó.

Nhưng thực tế cũng có những “tử huyệt” thì dù có che giấu kiểu gì cũng không thể được vì nó tồn tại mang tính bắt buộc, tính nguyên tắc và tính khoa học, cho nên chẳng cần kinh nghiệm và nhãn quan quân sự vẫn rất dễ nhận biết và ai cũng “nhìn thấy”.

Tử huyệt loại này gọi là “bất khả kháng”.

Trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước thì “2 con đường mang tên Hồ Chí Minh” là “tử huyệt bất khả kháng” của chúng ta mà Mỹ-Ngụy nhận thấy, vì chúng ta không còn con đường nào khác. Nếu Mỹ ngăn chặn được sự vận chuyển, hoạt động của của chúng ta trên 2 con đường này thì coi như cách mạng miền Nam, các lực lượng vũ trang miền Nam không cần đánh cũng tan rã, bị tiêu diệt.

Vậy “tử huyệt bất khả kháng” của lực lượng hải quân tác chiến tầm xa (HQTX) khi đối đầu với lực lượng hải quân tác chiến tầm gần (HQTG) và lực lượng phòng thủ bờ biển là ở đâu?

Có thể nói, phương án tác chiến của HQTX mà các cường quốc biển thực hiện để tấn công từ hướng biển vào một quốc gia nào đó đều có hình thức chung, dù trên thế giới mới chỉ có Mỹ thực hiện, đó là: Bắt đầu bằng đòn tấn công của tên lửa tầm xa từ tàu ngầm, tàu mặt nước vào hệ thống phòng thủ biển, trung tâm quân sự, kinh tế quan trọng, hệ thống TTLL, Radar... Tiếp theo máy bay từ tàu sân bay xuất kích tấn công để làm chủ vùng trời, truy tìm tiêu diệt tàu ngầm, tàu mặt nước đối phương. Cuối cùng là lực lượng lính thủy đánh bộ từ các tàu đổ bộ cỡ lớn LPD, LCAC…đổ bộ vào bờ.

Một chiến dịch tấn công của HQTX phát động bao gồm một loạt giai đoạn từ A đến Z và các đòn tấn công trên được coi là giai đoạn cuối cùng là Z. Nếu quốc gia nào chỉ “nhìn thấy” đòn cuối cùng, nghĩ nhiều về nó thì có khi hoảng loạn, thiếu tự tin, bi quan…dẫn đến tê liệt ý chí phản kháng. Vì, quả thật, đây là sức mạnh khủng khiếp mà sức chịu đựng thì khả năng có hạn.

Tuy nhiên, đòn cuối cùng này có thực hiện được trọn vẹn hay không, có phát huy toàn bộ sức mạnh hỏa lực hay không và trong một thời gian đã định hay không…thì còn phụ thuộc rất nhiều một loạt kế hoạch tác chiến khác như kỹ thuật, hậu cần, dịch vụ…mà thiếu nó lực lượng tuyến đầu dù có thực hiện phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” cũng không dám mạo hiểm triển khai tấn công.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như không thể “đánh nhanh thắng nhanh” mà không có lực lượng tiếp tế khi hết tên lửa, hết dầu, hết nước ngọt hay hỏng hóc trong khi chưa đánh quỵ được đối phương?

Rõ ràng, những sự phụ thuộc mang tính bắt buộc… này chính là “tử huyệt bất khả kháng” của địch. Nếu HQTG chủ động “tránh thế mạnh ban đầu của địch”, ưu tiên cho nhiệm vụ tác chiến tiêu diệt lực lượng hậu cần, kỹ thuật của địch chính là đòn đánh vào tử huyệt.

Còn nhớ trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3. Sử sách không ghi diễn biến cụ thể, chỉ biết là đối đầu với hơn 400 thuyền chiến của Ô Mã Nhi tại cửa biển Vân Đồn, "hải quân bờ" của Trần Khánh Dư-vị tướng đánh thủy giỏi nhất Đại Việt lúc bấy giờ, đại bại. Trước khi tự trói chịu tội ông tướng nhà Trần phát hiện lẻo đẻo đằng sau có một đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ do không kịp theo đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi, vậy là gom góp "tàn quân" Trần Khánh Dư diệt gọn đoàn thuyền này.

Lịch sử đã ghi nhận dù có hay chưa có 400 thuyền chiến của Ô Mã Nhi thì vua tôi nhà Trần cũng bị buộc phải rời Thăng Long để tránh sức mạnh của quân bộ Thoát Hoan, và do đó, điều Thoát Hoan cần nhất, mang tính sống còn là đoàn thuyền lương củaTrương Văn Hổ chứ chưa phải là đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi. Không có lương thực trong khi ở ngay nơi “vườn không nhà trống” thì có thêm 400 hay 1000 thuyền chiến của Ô Mã Nhi cũng bằng không mà còn nguy hiểm hơn.

Không rõ là do “vô tình hay hữu ý”, tướng Trần Khánh Dư đã chơi một đòn cực hiểm buộc Thoát Hoan chỉ có một mệnh lệnh rút quân là thượng sách, logic quân sự mà chẳng ai chê trách. Và, Ô Mã Nhi với 400 thuyền chiến trong trận “lượt về” trên sông Bạch Đằng kết quả thế nào ta đã rõ.
Như vậy, có thể nói, phát hiện và chọn mục tiêu có tính chất “tử huyệt” để tấn công của HQTG là cực kỳ quan trọng.

Nhưng, tấn công như thế nào để tiêu diệt nó mới là điều quyết định.

Đương nhiên là phải dùng lối đánh tập kích bất ngờ, nhưng tấn công vào thời điểm nào, ở đâu…thì còn tùy thuộc vào tuyến xuất phát tấn công của địch, đặc biệt vào địa hình khu vực xảy ra tác chiến, bởi lẽ điều này nó quyết định đội hình tấn công của HQTX.

Dứt khoát trong khu vực Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa, đội hình tham gia tác chiến của địch sẽ chỉ có thể là dài. Và, đây chính là “tử huyệt bất khả kháng” của đối phương.

Với một chiều dài bờ biển hơn 3000km và với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ như của Việt Nam ta, thì phối hợp lực lượng (nhanh, thấp, sâu, uy lực mạnh) tập kích từ nhiều hướng là đòn cực kỳ lợi hại, khó chống đỡ của địch, là đòn đánh sở trường của Hải quân Việt, sát tinh với đội hình dài.

Do sở trường, sở đoản của lực lượng HQTX và HQTG khác nhau và thực tế chiến tranh giữa 2 lực lượng này chỉ xảy ra giữa Mỹ với đối thủ quá yếu cho nên chưa có kiểm nghiệm, khẳng định được sự lợi hại của 2 lực lượng HQTX và HQTG đối đầu sẽ như thế nào. Nhưng nếu như nói rằng lực lượng HQTX và HQTG đều giống nhau về vũ khí, còn phương tiện mang nó, HQTX hiện đại hơn, to lớn hơn thì không sai, để rồi, từ đó suy ra rằng, HQTX sẽ luôn luôn làm chủ khu vực tác chiến là quá vội vàng, chủ quan.

Có thể thấy, qua cuộc chiến Falklands/Malvinas giới quân sự đã quá rõ những “tử huyệt” của lực lượng hải quân khi tác chiến tầm xa cách căn cứ hàng ngàn hải lý mà lực lượng hỗ trợ thiếu trước hụt sau. Nếu lúc đó hải quân Argentina bản lĩnh hơn một chút, thêm một chút “sức rướn” là Hải quân Anh quốc bị ôm hận.

Với Việt Nam, liệu có một cuộc tấn công của lực lượng HQTX của kẻ thù vào lãnh thổ hay không?

Giả sử (nếu Trung Quốc) dùng lực lượng hải quân, sử dụng hình thức tác chiến như trên với Việt Nam thì đương nhiên quy mô, phạm vi không chỉ dừng lại ở đó mà họ sẽ triển khai bao gồm trên không, trên biển và trên bộ, nghĩa là không chỉ mỗi hải quân tác chiến. Đây là một cuộc chiến tranh tổng lực, chiến tranh lớn giữa 2 quốc gia láng giềng.

Trong tình hình bối cảnh hiện nay, đây là điều khó xảy ra vì những bộ óc sáng suốt của cả 2 bên đều biết chắc chắn cuộc chiến sẽ không có ai thắng.

Lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc của Việt Nam có một điều cứ giống như “lời nguyền” rằng: “Những lúc nào Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng, kỹ lưỡng thì quân phương Bắc tràn sang không sớm thì muộn đều bị “OUT”, cũng đáng để cho giới nghiên cứu suy nghĩ.

Tuy nhiên, sự đụng độ hải quân của Trung – Việt bởi 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974 và một số đảo đá ngầm của Trường Sa năm 1988) là rất dễ xảy ra, là nguy cơ tiểm ẩn nguy hiểm.

Dùng lực lượng Hải quân tấn công đánh chiếm Trường Sa và 80% diện tích Biển Đông là không có gì phải nghi ngờ về âm mưu, đã, đang hành động của Trung Quốc. Nhưng tấn công Trường Sa mà không tổ chức để đánh quỵ lực lượng phòng thủ biển Việt Nam thì…chỉ có mấy viên tướng nghỉ hưu (của Trung Quốc) chỉ huy mới dành được chiến thắng, còn Bộ tham mưu Trung Quốc hiện nay là không thể.

Vì vậy, chỉ còn cách là phải tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực như ở trên hòng đánh quỵ khả năng phòng thủ của Việt Nam, mà như vậy thì…lại khó xảy ra như đã phân tích trên.

Rốt cuộc, khả năng Trường Sa bị tấn công hay không lại phụ thuộc vào sức mạnh của bờ. Nói như ông cựu Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam: “Bờ có vững đảo mới yên” là hoàn toàn chính xác.

Có một điều mà chỉ giới quân sự mới biết và hiểu, rằng, khi tấn công Trường Sa thì không có nghĩa là Hoàng Sa và thậm chí Biển Đông nằm ngoài khu vực xảy ra tác chiến. Tư tưởng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam đã, đang và sẽ không phủ nhận điều này.

Việt Nam đã qua rồi thời kỳ luôn dùng chiến thuật để bù đắp sự thiếu hụt về công nghệ. Thế hệ tướng lĩnh, binh sỹ Việt Nam hôm nay sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu với kẻ thù bảo vệ Tổ quốc thuận lợi hơn nhiều lần so với cha anh. Đó là, có sự chuẩn bị bài bản, kỹ càng; không chênh lệch quá lớn về sự hiện đại (chất lượng) của vũ khí; những kinh nghiệm quý báu chỉ có từ máu xương mà thế hệ cha anh để lại từ 2 cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ.

Trên thế giới, ngoại trừ hải quân Mỹ thì chưa có một lực lượng hải quân của quốc gia nào có đủ khả năng đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết cho việc tác chiến tầm xa (cách căn cứ hàng ngàn hải lý).

Trung Quốc đang phấn đấu “Mỹ có cái gì thì Trung Quốc có cái đó”, nhưng xem ra thời gian không phải được tính bằng một con số. Trong khi đang loay hoay để thoát khỏi sự bao vây của Mỹ, Nhật, Úc…ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất, cho nên, Biển Đông là vị trí không gần cũng không xa với Hải quân Trung Quốc, là nơi họ dành mọi nỗ lực sức mạnh, ưu tiên lực lượng, để tiến ra TBD bằng hướng này.

Tiến ra phía Nam để có mặt ở TBD với Trung Quốc không quan trọng và rất dễ dàng, nhưng cách tiến ra như thế nào mới là quan trọng. Nếu vừa tiến vừa chiếm chắc sẽ không thành công vì, Nhật Bản tuy vậy nhưng chưa từng chống xâm lược, còn Việt Nam thì đã quá nhiều lần với mọi đối thủ. Bởi vậy, con đường hòa bình – con đường không bao giờ có tử huyệt là con đường nhanh nhất để Trung Quốc tiến ra TBD.

13-3-13

Nguồn: Viet-studies