Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Truyện ngắn của Hồng Giang:

ÂM BẢN

Đúng ra chưa qua “bảy bảy bốn mươi chín ngày”, vong còn chưa tụ sau sự biến kinh hoàng “hồn siêu phách lạc”. Vong chưa thể siêu thoát, rong ruổi đi đâu, xuống địa ngục hay lên cõi niết bàn.
May nhờ có những đợt gió heo may nên X mới có thể tới đây. Khi còn ở cõi thế, ngoài việc giúp đỡ người này người khác, chướng nghiệp hầu như X tạo nên không quá nặng nề. Nhờ vậy mới có cuộc trở lại đất này vào một đêm trời tối như thế này. Lúc bấy giờ dọc sông gió hun hút thổi, cảnh vật yên ắng. Duy nhất khu nhà của anh đèn đuốc vẫn sáng trưng, tiếng nhạc tưng bừng. Có chuyện chi lạ vậy?
Khi người ta đã về cõi khác, mọi khái niệm về cuộc sống cũ đều thay đổi. Có thể vui biến ra buồn hay ngược lại giống như âm bản hồi ở dương thế X còn võ vẽ biết về nghề ảnh.
Thực tình lúc này anh không hiểu đang xảy ra chuyện gì?
X kéo lại vạt và cài lại khuy cổ áo véc làm bằng giấy bồi màu đen như thuốc súng cho đỡ lạnh. Cơ thể trong suốt còn yếu ớt của anh vẫn run lên. Nhất là khi gặp ánh đèn pin lade chiếu lên từ mặt đất, hoặc tiếng xe gắn máy bọn trai trẻ nghịch ngợm tháo bỏ ống pô rú rít. Anh định thần nhìn về ngôi nhà một thời mình sinh sống. Qua tán lá lòa xòa X nhìn thấy người đi lại nhộn nhịp, nói cười rầm rĩ. Thoáng có chút tự ái: Không lẽ sự ra đi của mình khiến đám người đó dửng dưng, vô tình và sung sướng đến thế sao?
Đã là vong thì không còn nước mắt, chỉ thấy nhói buốt ở trong lòng..
X nhìn thấy nàng. Nàng vẫn chẳng khác xưa bao nhiêu. Vẫn tay cầm điếu thuốc ve vẩy điệu bộ ra dáng bà chủ. Vẫn khuôn mặt có gò má cao, cặp môi dày thâm thâm và cặp mặt tròn vo vo nằm dưới đôi long mày xênh xếc. Tự nhiên anh có ý nghĩ rất lạ lùng: Còn người này có nét gì gọi là nữ tính đâu? Có gì hấp dẫn đâu mà ngày ấy mình rời bỏ quê nhà lên sống với nàng hơn hai chục năm trời? Hai chục năm ấy ngoài cái nghề thợ mộc bất đắc dĩ, khổ cực, mình chẳng có mấy ngày thảnh thơi. Anh đã có với nàng hai đứa con trai. Thằng lớn thấp dùn dụt, đầu bút thép, đít xê xệ như gà mái vỡ bọng trứng. Thằng bé cao ráo giống mình, nhưng mặt lại không giống. Mặt nó lưỡi cày, mắt dã trắng, môi cong. Chính vì hai đứa này mình không nỡ rời, ở với nàng cho đến khi vết thương cũ tái phát, vợ cũ dưới quê lên đón mình mới trở về nơi chôn rau cắt rốn. Trước đó anh đã kịp lo vợ cho thằng anh.. Có lẽ đám ồn ào này là lo nốt cho thằng em? Không phải thế chứ? Bố chết chưa đủ trăm ngày đã lấy vợ còn gì là đạo hiếu? Hay tôn ti trật tự của dương thế bây giờ đã thay đổi, không còn như trước?
Lòng bàng hoàng kinh hãi và lo sợ cho người thời nay. X chưa vội đáp xuống sân nhà mình. Mà ồn ào thế kia, đèn sáng như vậy có muốn xuống vào lúc này cũng không thể xuống được. X ngả mình lên một cành cây. Một cành cây không hiểu vì sao lại có dáng cong cong như hình cái cáng cứu thương năm nào khi người ta đưa anh từ mặt trận về..
Anh định chờ cho bên dưới yên ắng sẽ bay xuống, tìm hiểu xem sự nhẽ dưới đó hư thực ra sao.
Đêm cuối năm trời không có lấy một vì sao. Gió ngăn ngắt lạnh. Y hệt cái lạnh đêm tiểu đội đặc biệt của anh mò rừng trinh sát trận địa quân địch. Pháo lớn từ MalePo cứ cách mười lăm phút lại như trận mưa lửa xé rách bầu trời. Cuộc đấu pháo hàng năm trời giữa hai bên chưa phân ngã ngũ. Hỏa tiễn Cachiusa của cả hai bên như giàn nỏ thần khổng lồ điểm vào sau mỗi trận đấu pháo làm rung chuyển cả bầu trời và mặt đất. Có cảm tưởng như không còn bất cứ sinh vật nào sống sót được dưới trận mưa thép và lửa. Từng mi li mét một, không chừa một chỗ nào không có sự hiện diện của những mảnh thép chết chóc kinh hoàng gieo rắc khắp nơi.
Vậy mà tiểu đội của anh vẫn tồn tại. Họ sống bằng mì tôm khô, mắm tép cô đặc và khí trời nồng nặc mùi thuốc súng.
Ta và địch chỉ cách nhau trong gang tấc. Nghe cả tiếng ầm ồ, léo nhéo của chúng vang từ vách hầm cách đấy vài ba mét.
Chiến tranh hiện đại bỏ qua những khái niệm, quy chuẩn thông thường. Không hẳn trội về số quân, về binh lực, hỏa lực mà có thể nuốt chửng đối phương như cái đầu nóng, ngu xuẩn và điên rồ của một số kẻ từng nghĩ. Chiến thuật biển người xem ra không mấy kết quả. Quân càng đông thương vong càng nhiều. Ăn nhau ở sự tinh nhuệ về con người và vũ khí. Ăn nhau ở lòng quả cảm và sự thông minh của mỗi chiến binh và quan trọng nhất là ở mưu lược của người chỉ huy, người chịu trách nhiệm với từng tấc đất biên thùy, sinh mệnh của chiến sĩ.
Bây giờ nhớ lại, vong X như thấy vừa mới đây thôi.
Cuộc đời vốn không dài, những chuyện như thế dễ gì quên được?

( Còn nữa..)



Su van

Trần Vũ

Khi về đã lạnh vườn xưa


  • Mỗi thời đại thờ cúng một vị thần. Thần sông Tô Lịch khi dâng nước mênh mông, khi hiền hòa tưới mát các đồng lúa, ở mãi với dân Giao Châu. Cho đến khi Tiết độ sứ Cao Biền sang trấn thủ, bày trò trấn yểm, dìm chúng tôi xuống móng thành Đại La. 
  • Tôi với Tiểu Khanh chết đi ở giấc canh khuya, khi mặt sông đã hóa bùn và nước sông đã đặc tóc. Song tóc Tiểu Khanh làm sông Tô Lịch chảy mềm mại và từ bấy mang màu tóc Tiểu Khanh. Sông xanh tóc con gái ước mơ và kiên nhẫn. 
  • Chết trong sóng nước quê mình là một hạnh phúc. Sống vì quê, chết về quê. Đã bao ngày chúng tôi tin vậy, từ khi lọt lòng, khi biết chạy nhảy qua các đồng rạ rồi trèo lên các gốc mận chia trái ngọt của quê mình. Chết, khi tuổi trẻ ngập kín hồn là tuyệt phúc. Vì chết mà nụ cười vẫn tươi. Còn mang hồn nhiên thanh thoát. Tôi nói Tiểu Khanh đừng ngại chết. Tiểu Khanh biết tôi nói dối. Vì chết khi chưa kịp sống, là chết oan. Tiểu Khanh hiểu mà vẫn thương lời nói dối. Chết đi không than trách. Sử Giao Châu không chép, nhưng tôi mang ánh mắt của Tiểu Khanh xuống tuyền đài. Ánh mắt còn chứa chan tình yêu đất này và lấp lánh niềm hoài cảm. 

  • Cao vương trù tính chúng tôi phải làm âm binh. Tôi hầu quạt còn Tiểu Khanh làm ca kỹ cho Thành hoàng. Chúng tôi cứ thế, ngày ôm móng thành, đêm trồi lên mặt nước, đôi khi ráng chiều muộn còn vỡ trên ruộng mạ phì nhiêu chan chứa tình người mà chúng tôi quyến luyến. Đôi khi mây xám vừng lên những giấc mưa, làm ướt tóc Tiểu Khanh, làm ướt ánh mắt u hoài. Chúng tôi thân với nhau từ ngày vỡ lòng Tam tự kinh, chết đi thành hồn âm nhưng vẫn thương xứ này. Đất Giao Châu muôn thuở, nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên và khám phá tình tự đầu đời. Chưa phải là tình yêu vì chúng tôi chưa biết đến, chưa kịp mặn nồng vì chúng tôi chưa biết thề nguyền, nhưng đã là sự trân quý của tuổi trẻ cảm thấu và độ lượng. 

  • Lìa trần làm âm binh, kiếp người hòa vào kiếp nước, nước của sông Tô Lịch của đất Giao Châu vạn đời. Song chúng tôi phải sống trong chật hẹp, không thể tự do mơ ước, không thể tự do bay nhảy, hay đạt chí cả của đời mình. Vì phải đội sức nặng của thành Đại La cho đến khi vỡ thành như bùa yểm của Cao Biền. Thần sông Tô Lịch cũng lắm phong trần. Khi giữ chức Đô phủ Thành hoàng Thần quân, khi nhận tước Đô quốc Thành hoàng Đại vương, đến triều Trần, năm Trùng Hưng lãnh Bảo quốc, năm Hưng Long lãnh thêm Định bang, toàn hàng mã. Chúng tôi chết đã năm trăm năm, tuổi ma già theo tuổi sông, mà vong linh vẫn tươi trẻ, như dòng nghịch thủy còn xanh tóc Tiểu Khanh. 

  • Một ngày thầy An đi qua sông. 

  • Từ xa chúng tôi đã biết gặp một nho sĩ. Thầy An mang linh hồn của một nho sĩ. Chỉ một nho sĩ mới biết viết lên trời xanh. Chỉ một nho sĩ mới biết ấn sâu vào lòng đất chữ thánh hiền. Chúng tôi ngắm bóng thầy xa xa. Tâm hồn thầy thanh sạch. Sức trinh bạch làm trong sắc trời. Giống thầy An làm tan biến mây mù và hiện cầu vồng lướt trên sông. Tiểu Khanh níu tôi, Tiểu Khanh ngửi ra mùi bột gạo của huyện Thanh Đàm, quê của Tiểu Khanh mà cũng là quê của thầy An, tên chữ của thầy là Linh Triệt. Chúng tôi có khả năng ngửi thấy tông tích người sống, cũng như đoán biết đến khi nào các búp lan rừng sẽ chậm rãi nở, sẽ phả hương tinh khiết. 

  • Chúng tôi trầm dưới sông. Tôi với Tiểu Khanh đùa giỡn. Chúng tôi tự nhiên như hai thiếu niên đang vẫy vùng giữa sông, tin sông Tô Lịch nghìn năm mây phủ và tin chúng tôi đã mất dáng người. Tiểu Khanh cười khúc khích, trong lúc tôi làm trò. Nhưng thầy An trông thấy chúng tôi, mặc dầu chúng tôi vô hình, thầy gọi: 

  • "Sao không học hành mà tắm dưới sông?" 

  • Chúng tôi rùng mình. Lần đầu tiên một người sống trông thấy chúng tôi. Tiếng thầy cất trên sông như tiếng hò, của người Giao Châu, gọi nước, gọi hồn. Chúng tôi biết thầy An không phải pháp sư, mà sao thầy trông thấy các hồn âm? Tiểu Khanh nói khẽ: Thầy trông thấy nỗi oan khiên ở đời. Chúng tôi trồi lên, quỳ trên sóng sông Tô Lịch. 

  • Chúng tôi chắp tay, thưa, chúng tôi rất hiếu học mà khổ nỗi bị xiềng vào chân thành Đại La chìm sâu dưới nước. Chúng tôi thác oan nhưng lễ giáo vẫn giữ. Vẫn tin học lễ rồi mới học văn. Tin vào chữ thánh hiền. Tin vào tình yêu xứ này. Thầy nhìn chúng tôi chăm chú. Thầy biết chúng tôi là quỷ. Nhưng hôm ấy, chừng như thầy thương cảm và xúc động. Thầy nói Tiểu Khanh có thần thái sáng láng, còn tôi tuy bặm trợn vẫn giữ cốt cách có giáo dục. Hôm sau nữa, thầy An trở lại khúc sông vắng, bày hương án, làm lễ xá thủy thần. Thầy lập đàn giải oan, cúng Thành hoàng, rồi lấy bút nghiên viết lên mặt sông những chữ đại tự. Chữ thầy viết đến đâu, mặt sóng lặng như trang giấy. Chữ thầy lan đến đâu, mặt nước thành mặt gương, phản chiếu. Chữ thầy thẳng, như sự ngay thẳng trong lòng thầy. Liễn mực cạn dần theo nét chữ thảo vừa viết trên sông, mà đã thoắt lên trời cao. Nét chữ như nét roi. Nét chữ của một nho sĩ, mang sức mạnh của lương tri mà ghè đá, sóng nước, không cản nổi ý chí viết trên sông, viết lên cái chết oan của tuổi thanh xuân không phạm tội. Đến khuya, chúng tôi được thả. 

  • Từ bấy, kiếp ma va kiếp đời. Chúng tôi vẫn là hồn âm, nhưng đã thành môn sinh của thầy Chu Văn An. Học thầy phải theo thầy, thầy An dạy, khi chúng tôi bước qua cổng Quốc Tử Giám. 

  • *

  • Vũ trụ là những thời quán, mà mỗi thời quán dài ngắn tùy theo ký ức. Kiếp ma vô tận nên tôi đầy ký ức. Tôi vẫn chưa quên buổi sáng trở về ngôi nhà cũ của thầy An dưới chân núi Chí Linh. Buổi sáng có sắc trắng chập chờn của cội mai già hiu hắt. Có sắc trắng hiu quạnh của bụi lài cô độc. Có sắc trắng nhờ của vài nhành huệ lay lắt trước gió hú kéo lê lá khô qua nền nhà cũ. 

  • Khi về đã lạnh vườn xưa, tôi biết thầy An muốn hét to vào hướng núi, muốn hét to vào xa vắng, muốn thả nước mắt rơi phương trời. Thiên nhiên không đáp trả tấm lòng thầy. Núi Chí Linh tịch liêu, bất lực với nỗi đau của thầy. Nỗi đau câm. Nỗi đau trong im lặng. Vì suốt đoạn đường thầy không một lần trò chuyện, không một lần cất tiếng. Thầy bước những bước dài, thẳng, không một lần quay lại. Tôi với Tiểu Khanh gánh sách và vật dụng cá nhân, tất tả từ kinh sư theo thầy về Chí Linh, từ buổi trưa thầy ra khỏi Cấm Đình. Chúng tôi quẩy gánh như ma, lướt đi giữa phố phường kín cửa. Bóng chúng tôi lướt qua phố xá im phắc. Thiên hạ bạc như lớp vôi quét trên vách. Chúng tôi làm ma đã đành, thầy An vẫn còn sống mà các môn sinh của thầy, nhiều kẻ đậu đến đại khoa như Phạm Mạnh Sư và Lê Bá Quát, không một ai đưa tiễn. Tất cả sợ. Sợ dây vào mình "Thất trảm sớ." Sợ sai nha của nịnh thần. Sợ mất phú quý. Chỉ một mình thầy An qua cửa Ô. Gần như một phát vãng, tự nguyện, vẫn là phát vãng. Tiểu Khanh khóc, vì thương thầy, chúng tôi ngậm ngùi rời Văn Miếu Môn. 

  • Ký ức tôi vang động, như đã khảm vào não. Tôi hãy còn nhớ, khi thầy bắt Tiểu Khanh và tôi quỳ lạy tượng Khổng tử và Tứ phối ở nhà Khải Thánh. Khi thầy đứng trên bục giảng, luận về Nhan tử, Tăng tử, Tử tư và Mạnh tử, cho chúng tôi chép vào vở. Tôi với Tiểu Khanh mang nhân dáng nhuyễn thể, vì dìm dưới sông quá lâu, nên chúng tôi có thể treo trên xà nhà, hay trườn dưới mái, hoặc thoắt ở ngọn cây, hoặc trầm dưới Thái hồ. Những ngày ở Quốc Tử Giám là những ngày nhiễm phúc. Tiểu Khanh được thầy An cho ở nhà Thái học sinh, dẫy nhà xây tường ngang, lợp ngói đồng. Tôi được ở khu Tam xá, ba dẫy, mỗi dẫy 25 gian, phía gần bức tường vôi đắp gạch Bát Tràng, kết bạn cùng với các đồng môn. Với thầy An, không có học trò ma, chỉ có học trò của thầy. Mà đã là môn sinh thì phải học làm người. Xác ma nhưng biết chính trực, cốt cách tinh thần thì vẫn là người, như thầy dạy. Cấm ma mãnh. Thầy cấm tất. Học đạo của người quân tử và học cách ký thác lương tri của mình vào chữ. Chữ của người quân tử. Thầy bắt chúng tôi và các môn sinh mỗi ngày tập đồ chữ. Miệt mài cho đến khi nét chữ thật thẳng, như vết phóng. Chữ có thẳng, thì lòng mới ngay. Như thầy bảo. Các môn sinh phải tập viết ra sự ngay thẳng của lý trí mình. Cấm cong, cấm uốn, cấm run rẩy. 

  • Giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, thầy An còn dạy thêm khoa lý số, phép tính xác xuất của thời phong kiến. Phép tính giản lược mà khó khăn: Tìm giới hạn của một cá nhân bằng cách tính hiệu năng của cá nhân đối với bách tính. Chúng tôi cần mẫn tu tập. Đôi lúc, tôi mê giọng đọc Luận ngữ của Tiểu Khanh. Đôi lúc, tôi say nét chữ của Tiểu Khanh chép Nam Hoa kinh lên lá bàng. Tình yêu của một nho sĩ phải đẹp như tâm hồn của một nho sĩ. Tôi muốn trở thành nho sĩ để tình yêu thánh khiết của mình trong sáng vĩnh cửu. Nhưng tôi chỉ là ma da. Ma da của sông Tô Lịch. Một ma da tập làm người. Thầy An hiểu, thầy thường khuyên nhủ: Ma vẫn phải trọng danh dự, để không ai khinh, để không nhục, để có thể nhìn thẳng vào mắt người sống mà không cúi đầu, không lạy lục, không van xin. Đôi khi thầy cho phép các môn sinh ra ngoài. Chúng tôi bay lượn khắp kinh kỳ, ngắm hoàng thành rực rỡ, nhìn mặt hồ Thiền Quang sóng khói phả từng giấc mơ. Nhìn những váng mưa phất qua thôn Liên Thủy, chao xuống hồ, như nước giao với nước, thành làn hơi thở mỏng của Tiểu Khanh thu vào từng lời hứa. Tôi say Tiểu Khanh. Say Thăng Long, say nét hoài cổ thắm sắc vàng. Tôi vẽ chân dung Tiểu Khanh lên giấy bảng. Vẽ từng lọn tóc, vẽ từng sợi, như chải tóc cho Tiểu Khanh. Vẽ ánh mắt nhu mì mà u hoài. Vẽ sóng mũi thanh của con gái Giao Châu. Vẽ chân mày hiếu học và khóe môi biết vâng lời thầy. 

  • Thăng Long rộn rã xe ngựa. Rộn rã phường tuồng. Rộn rã các vườn hoa Bình Than, Diên Hồng. Ngày ngày kép Dương Khương uốn éo với đào thương Dương Mẫu. Các hoàng thân mê đắm Dương Mẫu, đến nỗi Dương Mẫu có mang với Dương Khương vẫn được Cung túc vương Trần Nguyên Dục rước về. Rồi thánh thượng Trần Dụ Tông cũng đắm say với Dương Mẫu, phục chức cho Đỗ Tử Bình, đã bị truất vì tham ô, đồ làm đinh nhân, được thăng lên làm Hành khiển Nghệ An. Đó là ngày cát hung mà thầy An tức uất. Giận dữ vì điềm suy vi nhà Trần đã thấy rõ. Chưa bao giờ chúng tôi thấy thầy giận đến như vậy. Thầy không ngớt quát tháo, xỉ vả triều chính vô đạo. 

  • Đó là đêm thầy An thảo sớ. Chúng tôi rúc trên mái, bên trên thư phòng vắng vẻ của thầy An. Đêm thâu, vẫn nét chữ roi quất của một nho sĩ, có thể viết lên trời xanh, có thể viết xuống sông sâu, có thể ấn xuống huyệt đất thứ chữ của người quân tử. Vẫn nét chữ rắn của thầy An, rắn trên lá sớ mong manh, rắn tựa thầy lấy thép viết lên tàu lá chuối, để lá chuối ghi tấm lòng sắt son của thầy. 

  • Thầy quất bảy lần roi. Bảy lần thụy hiệu và tên cúng cơm của bảy nịnh thần hiện ra dưới vết đánh. Thầy hạ bút ký Văn Trinh Công. Không một do dự. Không một giọt mực thừa. Chúng tôi nín thở. Thư phòng lẫm liệt nét chữ. Tiểu Khanh siết lấy tay tôi sợ hãi. Chúng tôi hiểu, thầy đương đầu với xiểm nịnh. Mà xiểm nịnh trên đất nước này lúc nhúc, chúng cùng khắp. Chúng uy quyền và ngạo mạn. Chúng có thể đánh tàn tật bất kỳ kẻ nào. Chúng chỉ chờ dịp để giết thầy. Bắt thầy thú tội. Nhận tội phản triều đình. Chính chúng mới là kẻ có tội, song chúng tiếm danh vua, tiếm danh sơn hà. Chúng tôi thức đêm cuối cùng với thầy An ở Quốc Tử Giám. 

  • Bảy trăm năm sau, tôi hãy còn nhớ. Bảy trăm năm như một thời quán. Bảy trăm năm trôi vụt, mà những lời tâm huyết cuối cùng của Chu Văn An hãy còn vang trên mặt Thái hồ. Làm như thầy muốn mặt hồ phong phải giữ lấy dư âm, để lớp rêu ẩm, xanh rì, còn giữ được lời thầy. Truyền cho hậu thế. Để mai này hậu thế biết ngày xưa, ở Quốc Tử Giám, các tôn sư đã dạy học như thế nào. Văn Miếu, nơi thầy được tòng tự. Văn Miếu nơi tiếng thầy sang sảng: Chữ thầy là chữ thật. Lời thầy là lời thật. Thầy dạy sao, thầy sống vậy. Mai này ra làm quan phải nhớ lời thầy dạy. Tiếng Chu Văn An sang sảng, nghiêm khắc: Thầy dạy những gì, môn sinh đã biết. Cấm tham ô. Cấm cửa quyền. Thấy sai phải cất tiếng. Không trái với lương tri mình. Đó là những lời cuối, trước khi Văn Trinh Công rời Văn Miếu Môn. 

  • Thầy sẽ vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại nữa, nơi thầy đã đào tạo biết bao môn sinh, biết bao khoa bảng, tiến sĩ, bảng nhãn, thám hoa… Thầy ra khỏi Văn Miếu khi trời đổ mưa. Buổi trưa ấy, nắng nhạt không đủ làm sáng mưa, nắng nhạt không sáng mặt người. Mưa cũng không đủ dội tắt nắng, giống lòng người buổi giao thời, không trông thấy rõ đâu là thiện, đâu là ác, không biết mưa hay nắng, chỉ trông thấy mái điện vàng ban áo gấm. Văn Trinh Công đứng đợi băng qua đường. Trông thầy già nua, nhỏ bé. Thầy cố giữ vạt áo thâm thật thẳng, cố giữ khăn nhiễu quấn chữ Nhất đừng lệch, cố giữ cốt cách của một vị thầy, và cố ôm trong lòng túi vải chứa lá sớ. Thầy ôm chặt túi vải vào mình, vì sợ ướt mưa, khiến chữ nhòe khiến sau này hậu thế không đọc được thụy hiệu của bảy nịnh thần. Thầy ôm chặt vào lòng, vì sợ chúng giật, trước khi lá sớ đến tay Trần Dụ Tông. Không phải vì thầy sợ Trần Dụ Tông không kịp đọc để phê duyệt, mà vì thầy muốn Trần Dụ Tông phải gánh lấy trách nhiệm. Vì thầy biết Trần Dụ Tông sẽ bất động. Sẽ liếc mắt rồi phê "Bất đệ." Không ngự lãm vì phạm lễ. Không ai được quyền dạy vua trảm thần. Thầy biết tất. Biết, nên thầy ôm chặt túi vải. Chúng có thể giật mất lá sớ rồi cho xe ngựa cán thầy. Chúng có thể xóa mọi vết tích mà thầy muốn hậu thế phải biết đến. Không phải quan triều nào cũng im lặng. Không phải nho gia nào cũng bán chữ thánh hiền. Còn Chu Văn An giữ tiết tháo. 

  • Chúng tôi lẩn quất sau lưng thầy. Núp sau bóng thầy với tất cả kinh sợ. Tiểu Khanh khóc vì biết thầy đương đầu với nguy hiểm. Không ai viết sớ xin chém kẻ cầm quyền, khi chính kẻ ấy giữ đao trong tay, chăn đồ tể. Vậy mà thầy viết. Vậy mà thầy đọc sớ trước mặt chúng. Chúng nham hiểm bao nhiêu trò, làm sao thầy thoát. Chúng tôi níu áo thầy. Khi cổng Cấm Đình hiện ra, thầy An lẳng lặng, quay lại dặn chúng tôi về thu xếp hành trang về núi Chí Linh. Nếu thầy không trở ra, cứ về mà ở. Nếu thầy trở ra, thầy sẽ cùng về. Thầy điềm đạm. Sự trầm tĩnh của một nho sĩ. Giống thầy đã sắp đặt hết. Vì thầy hiểu chỉ có những hồn âm thác oan mới theo thầy, vì chúng tôi không còn gì để mất. Thầy sắp đặt hết. Trảm đầu thầy thì Trần Dụ Tông càng thêm tội. Không trảm thì thầy phải tự phát vãng vì lũ nịnh thần sẽ hãm hại một khi thầy còn ở kinh sư. Chúng tôi khóc, van lạy thầy đừng dâng sớ. Thầy quắc mắt: "Nho sĩ chết không khóc. Chết phải giữ đạo." Rồi thầy dứt áo the thâm, bước vào Cấm Đình. Bước chân của một nho sĩ mang sự quyết liệt khẳng khái của một nho sĩ. Chúng tôi chỉ kịp nhìn thấy vạt áo thâm thẳng tắp giữa hàng sai nha. Giữa đám quan hoạn. Giữa cung phi diêm dúa. Đám đông hiếu kỳ vây quanh cổng. Các tiếng xì xầm bàn tán. Vọng lên dần thành tiếng xôn xao. Rồi cả kinh thành rúng động. Tin lan nhanh như làn nước: Văn Trinh Công dâng "Thất trảm sớ." 

  • * 

  • Khi về đã lạnh vườn xưa. Bảy trăm năm sau tôi còn nhớ, khi về, vườn lạnh băng. Thầy muốn hét to vào núi, muốn hét to vào xa vắng, muốn thả nước mắt rơi phương trời. Tôi nhớ, vì đã khảm vào não. Chúng tôi đã đợi cho đến khi vãng mặt trời. Mỗi tiếng trống phiên làm đám đông có rúm vì nghĩ trống tử hình. Mỗi tiếng chuông ngân làm đám đông nghẹn, úp mặt, vì nghĩ chuông trảm thủ cấp. Khát khô môi. Khát mặn lưỡi. Vì cắn dập môi. Cắn dập lưỡi. Trong lạnh toát sợ hãi. Trong xanh mướt hy vọng. Hy vọng thầy An thay đổi đất nước. Thay đổi đất nước đã tím bầm mặt. Nhưng Văn Trinh Công trở ra. Gương mặt thầy tuyệt vọng vì bất lực. Thầy đã hiểu thầy chỉ có thể lập đàn giải oan cho người chết, không thể giải oan cho người sống. Thầy đã hiểu một cá nhân thầy không thể vực dậy triều chính ngu muội. Thầy đã hiểu phải đi đến cùng phép tính của mình. Trần Dụ Tông phải gánh lấy phán xét của lịch sử. Chúng tôi về núi Chí Linh. 

  • Triều Trần rồi vụt qua như một làn gió. Đi ngược làn gió, chúng tôi gánh sách qua các dẫy phố kín cửa, cửa cái, cửa con đóng sập, để hiểu lòng người quay thoắt. Hương thu còn dậy ở Đồng Xuân mà cả một phiên chợ dừng bán. Chúng tôi lướt qua các tấm phản bất động và các chảo đậu rán ngừng sôi. Lướt qua thau bún lạnh tanh lũ ruồi. Đôi mắt chúng xanh to như hạt đỗ, nhìn chúng tôi trừng trừng. Chúng cợt nhả rồi bay tản từng đàn rình rập. Chúng là lũ phi liêm mọc cánh. "Đừng dây với Chu An" là tiếng chó sủa khi qua bến đò. Bóng tôi với Tiểu Khanh va vào nỗi đau tê tái vì thương thầy. Mới trưa kia “Thất trảm sớ” làm chấn động, vì thầy lập thụy hiệu gian thần cho các quan đầu triều, nay đã bạc bẽo. Sách Dương Chu, Mặc Tử nặng vì chứa trong mình vũ trụ, sách Kinh Lễ của Khổng Phu nặng vì chứa phép làm người. Ngũ viên và Nhị thập triết khiến chúng tôi mất sức, phải cố gánh thật nhịp nhàng để theo kịp bước chân thầy. Bước chân của một nho sĩ nhẹ tênh, vì lòng không hổ thẹn. 

  • Tôi muốn nghĩ đến những điều đẹp đẽ. Sắc vân tím trên áo của Tiểu Khanh hay sắc trưa huyền quang khi chúng tôi trốn tiết Hiến Văn lẻn ra cửa Thành Đức, bên hông Văn Miếu, đi viếng cảnh chùa. Có nghe tiếng chuông Chiêu Thiền Tự ngân nga bến Yên Lãng rồi vang sang tận Hoài Đức trên tháp Quảng Nghiêm trước khi về lại Trấn Quốc mới hiểu vì sao chúng tôi thích giẫm lên tiếng đại hồng chung để gang bàn chân đỏ hồng những âm trầm. Tôi muốn nghĩ điều đẹp đẽ mà ký ức chứa bẽ bàng. Trương Hán Siêu gả con cho tù trưởng Nùng Ích Vấn xin đất, kết giao với quan hoạn Phạm Nghiêu Tư để xin chức Tham tri chính sự. Ký thệ tự với thầy, mà trưa thầy đọc sớ, Trương Hán Siêu cáo ốm không vào triều. Văn của một nho sĩ phải hiển lộng. Văn của Trương Hán Siêu chỉ lộng lẫy mà chưa phải bút Tả thanh thiên. 

  • Bảy trăm năm, bay ngược gió, tôi nghiền ngẫm. Phép tính của một nho sĩ giản dị: Quốc gia ở tính nhân, ở lòng chính trực. Lấy một thân thầy chống với thói gian tà, lấy một thân thầy cảnh cáo lương tri quốc dân. Thầy hiểu lượng vàng mua chuộc, bồ thóc nhấn chìm, chính vì vậy phải lấy một con người với hai tay trắng để chống với đám đông gậy gộc, để sự can đảm càng thêm can đảm, để sự tự tin càng thêm tự tin, và chân lý càng thêm sáng. Số đông bao giờ cũng thắng, nên phép tính lũy thừa của thầy thêm vào thời gian, vì sự chính trực khi lũy thừa thời gian của lòng người sẽ tiến đến vô cực. Từ một cực tiểu trở thành cực đại mà không một triều chính nào có thể hãm. 

  • Chu Văn An đã muốn hét to vào mai hậu, còn Cao Biền? Hắn muốn trở về đất này để trấn yểm thành Đại La thêm một lần nữa. 

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

TRẢ LỜI BẠN BLOG


ĐÂY CHÍNH LÀ BỘ MẶT THẬT CỦA CHỦ NHÂN BLOG KAMI!

Tôi biết bạn đang tìm xem tôi nghĩ gì, viết gì..
Chứ không phải cứ rinh về bài người khác
Dù họ có hay đến đâu
Cũng chỉ là chuyện góp
Tôi cảm ơn và xin lỗi vì điều này..

Thú thật bây giờ tôi biết tính sao đây?
Khi lời thực cứ tan vào gió thổi
Như đấm bị bông
Như vào chỗ không người
Tai mắt dửng dưng biết chuyện chi để nói?

Khi chúng ta lẩn tránh mặt trời, lẩn tránh trăng sao
Lần tránh con sông ngọn suối
Lẩn tránh biển khơi
Lẩn tránh ngàn con sóng dội
Tự chui vào sự an thân của mình
Tránh những đau lòng, tránh những bất công
Như của ai đó chẳng việc gì vướng bận..

Chưa khi nào tự thấy mình đê tiện
Đớn hèn như bây giờ
Chữ nghĩa dù có văn hoa cũng là vô tích sự
Ai cần những bàn phím tanh hôi?
Những “bút máu”- không tha thiết nhân tình thế thái
Ai cần các anh? Ai cần chúng tôi..

Ta cứ sống nhởn nhơ và vô tư chờ chết!
Cháy nhà hàng xóm mặc ai..

Chỉ bấy nhiêu điều, chỉ bây nhiêu thôi
Chưa kể còn bao điều to lớn khác
Đã đủ để cho tôi quá ư mệt nhọc..
Nên tạm cho mình giây phút nghỉ ngơi
Ai chả có lúc mềm lòng, nản chí bạn ơi?



Đọc

Chuyện ở nông trại bên Việt Nam

Việt Nam bắt chước Trung Quốc rất nhiều điều, trong đó có không ít điều dở, nhưng có vẻ lại rất thường xuyên không bắt chước những điều có thể coi là hay. Chuyện ở nông trại bên Trung Quốc rất phổ biến suốt nhiều năm, một cách công khai, nhưng bên Việt Nam chắc sẽ không được như vậy.

Cũng đã đoán trước rằng bài review Chuyện ở nông trại dưới đây khó mà lên báo được, xác suất chỉ tầm 20%, nhưng cái gì cố được, thử được thì cứ làm thôi. Kết quả ngắn gọn như thế này: đã không kịp.

Quan điểm cá nhân của tôi là: một tác phẩm văn chương lớn cần được đối xử khác.

Chuyện ở nông trại là kết tinh tài irony (mỉa mai) của George Orwell. Và số phận của nó là đi kèm với sự mỉa mai này: mỉa mai của số phận, ngày hôm nay chính là tròn 60 năm ngày Stalin chết. Chuyện ở nông trại được Orwell lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng Liên Xô, mà ông coi là bị thất bại vì vai trò của Stalin.

Muốn cai trị ắt phải luyện tập

Theo một tài liệu, kể từ khi ra đời vào cái năm đặc biệt 1945 rồi như thể tiên tri cho cả một thời đại, cho tới nay Animal Farm đã được ấn hành tổng cộng trên 1.200 phiên bản ở 70 thứ tiếng. Tương đương với nó là tác phẩm 1984 in năm 1949. George Orwell đương nhiên là một trong những nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20. Điều gì khiến cho nhà văn mang bút danh tên một dòng sông ngự trị lâu dài và mạnh mẽ đến vậy?

Và ngay bên châu Á, nơi có hệ thống ngụ ngôn, huyền thoại đặc thù,Animal Farm cũng không ngừng quyến rũ, vừa quyến rũ vừa đe dọa, có thể là quyến rũ chính vì đầy tính chất hăm dọa như thế. Bên Trung Quốc, ngay năm 1948 đã có một bản dịch Animal Farm mang tên Động vật nông trang và từ đó đến nay, đã có ít nhất hai mươi bản dịch Trung văn tác phẩm này, trong đó được đánh giá cao hơn cả là bản dịch của Tống Như Đức và bản dịch của Phó Duy Từ.

Ở Việt Nam, không phải đến Chuyện ở nông trại (An Lý dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn) vừa xuất bản thì độc giả rộng rãi mới biết đến Animal Farm. Đầu những năm 1950 đã có bản dịch mang tên Cuộc cách mạng trong trại súc-vật đi kèm với tiểu đề “Trích trong chuyện thần-thoại của George Orwell”. Sau đó có thêm vài bản dịch nữa, và những năm vừa qua, bản dịch Trại súc vật của Phạm Minh Ngọc được săn lùng rất nhiều. Có thể nói rằng, Animal Farm đã có một đời sống riêng lâu dài trong tiếng Việt.

Câu chuyện ngắn đến nỗi nằm gọn được trong 161 trang của bản dịch (mới) có những gì mà hấp dẫn đến vậy? Nó kể chuyện ở “trại Nông Trang” của ông Jones bên nước Anh. Ông Jones quản lý trang trại hơi bê bối, làm lũ động vật ở đây bức bối và tiến hành khởi nghĩa lật đổ ông Jones một cách chóng vánh và đơn giản (những cuộc cách mạng thường đơn giản đến đáng kinh ngạc), đến nỗi ngày hôm sau chúng vẫn còn chưa ý thức được rõ ràng về thắng lợi của mình: chúng thức dậy và “sực nhớ ra chiến thắng huy hoàng vừa hôm trước” (tr. 27).

Đến đây câu chuyện hoàn toàn có thể xoay sang hướng miêu tả công cuộc dựng xây một mô hình xã hội kiểu tự cung tự cấp theo hướng không tưởng, một “pha lăng” của Fourier hay một khu “cecilia” bên Braxin chẳng hạn, nó sẽ hoàn chỉnh một “ngụ ngôn muông thú” đẹp đẽ (“Lũ súc vật hân hoan như chưa bao giờ chúng nghĩ mình có thể hân hoan đến thế”, tr. 35) và hẳn cũng sẽ là một tác phẩm thành công, được nhiều người đọc.

Nhưng nó đã không đi theo hướng đó, và lẽ ra trở thành một ngụ ngôn muông thú độc đáo, nó trở thành một ngụ ngôn chính trị vĩ đại. Đó là một kinh nghiệm đáng giá của “văn chương lớn”: giống như văn chương của Kafka, mở ra câu chuyện bao giờ cũng là những cảnh hiền lành, hơi kỳ dị nhưng chủ yếu gây cười, nhưng diễn biến sẽ nhất định đi từ hài kịch kể kết thúc trong bi kịch, hoặc thậm chí còn hơn mức bi kịch, ít nhất là một chút.

Ngụ ngôn này có thể nhìn từ khía cạnh “kẻ bị trị”: nó nhắc lại cho ta một chân lý cay đắng, “Suốt năm ấy lũ súc vật làm quần quật như nô lệ” (tr. 71), mặc dù cuộc cách mạng đã thành công. Lũ động vật ở trại từng hy vọng, từng hình dung một tương lai xán lạn và nhiều lúc tưởng chừng như đã chạm được vào thiên đường, nhưng sự thật vẫn luôn luôn là: Kẻ cai trị có là ông Jones hay con lợn Nã Phá Luân, có là tinh hoa kiểu này hay tinh hoa kiểu khác, thì ngày mai ta cũng phải nai lưng làm lụng nuôi sống ta và nuôi sống ông Jones hay Nã Phá Luân.

Nhưng Chuyện ở nông trại độc đáo nhất khi nhìn vào phương diện xây dựng và duy trì quyền lực của “giai cấp cai trị”.

Nó mỉa mai và châm biếm sâu cay quyền lực, nhưng nó cũng đưa ra một cẩm nang ngắn gọn và vô cùng hiệu quả cho công cuộc xây dựng quyền lực. Nhà cầm quyền mới (ở đây cụ thể là bầy lợn) phải có “hiến pháp 7 điểm”, có lá cờ, có bài hát riêng, và từng bước dùng thủ đoạn chiếm đoạt quyền lực lớn hơn. Ngay từ đầu, “Đàn lợn đã lựa riêng buồng để yên cương làm trụ sở của mình” (tr. 38). Nã Phá Luân, trong mục đích xây dựng “quân đội” để sau này tiến hành “đảo chính”, nuôi riêng chín chó con từ khi mới lọt lòng. Thú vị hơn cả có lẽ là vai trò tuyên truyền cho quyền lực, hội tụ ở con lợn rất xuất sắc mang tên Mồm Loa; nó nói với những loài vật khác: “Họ lợn chúng tôi là giống lao động trí óc. Việc quản lý tổ chức nông trại này tất tần tật đè lên vai chúng tôi cả” (tr. 44), rồi thì: “Các đồng chí đừng tưởng lãnh đạo là việc gì vui thú! Trái lại, đấy là một bổn phận nặng nề khó khăn cực kỳ” (tr. 66).

Và, trước khi đi đến đoạn kết kinh điển, khi lợn và người trở nên giống hệt nhau, Orwell viết những đoạn văn tuyệt vời, đẩy mức độ châm biếm của ông tới tận cùng, đến mức làm người ta phải kinh hãi, thậm chí lợm giọng. Đó là cảnh bầy lợn tập đi hai chân trên sân trại (tr.150-152), trong phút chốc biến đổi cả hình dạng lẫn thân phận của mình. Trước đó chúng đã phải tập đi trong một khoảng thời gian rất dài. Rõ ràng là, muốn cai trị thì phải có phẩm chất, và nhất là phải luyện tập bằng nỗ lực kinh người.

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

THO MOI

Chả có gì mãi mãi

Võ Trung Hiếu
questionNói theo duy vật và biện chứng
Và theo thuyết tiến hoá của ngài Darwin
Loài khỉ đợi một ngày đẹp giời để đi bằng hai chân
Và rồi loài người từ khỉ sinh ra …
Sáng nay bên tách trà cha con tôi ngồi tán gẫu cùng nhau
Sau khi khỉ thành người
Lẽ nào vũ trụ tạm dừng tiến hoá ?
Sau con người là loài gì ?
Sau tiền sử săn-bắn-hái-lượm là chiếm hữu nô lệ
Sau chiếm hữu nô lệ là vua tôi phong kiến
Sau phong kiến là tư bổn giãy chết
Là máy móc công xưởng, là đình công, là tăng ca
Là các ông chủ béo tốt và người làm thuê nhễ nhại mồ hôi
Là giá trị thặng dư, người bóc lột người
Sau tư bổn giãy chết là gì ?
Bấm chuông đi nào !
Là đáp án A hay đáp án B ?
Sau A hay sau B sẽ là gì ?
Có bao nhiêu người có cùng câu trả lời ?
Bạn đừng vội nhảy cẫng lên và toét miệng cười
Câu trả lời còn tuỳ bạn là ai và mang não trạng gì
Câu trả lời còn tuỳ bạn ở đâu và mang hộ chiếu gì
Câu trả lời dù uyên thâm súc tích, dù duy vật biện chứng đến đâu cũng chỉ là tương đối đúng
Câu trả lời còn lửng lơ ỡm ờ phía trước
Chỉ có thời gian mới đủ sức trả lời
Những gì con người biết, dù bị hay được, là vô cùng hữu hạn
Phải học thật nhiều, đến bạc cả đầu mới biết mình ngu
Trừ bánh vẽ ra
Chẳng có thứ gì trên đời tên là ” muôn năm “
Chẳng có thứ gì trên đời tên là ” mãi mãi “
Những thứ tưởng chừng đỉnh cao vĩ đại
Cũng sẽ qua mau như thì con gái
Xuân sắc mỹ miều cũng một lần thôi
Lấy thước vạn niên đo dọc triền đời
Ai nhất thời ?
Ai vạn đại ?
Những lời tỏ tình của bọn đàn ông xưa nay
Có thể do lú lẫn vì hóc- môn si mê
Vẫn hay có cái từ “mãi mãi “
Thế mà đàn bà cũng giả vờ tin …
Thời đại kim tiền
Bạn cứ nghĩ mà xem
Hạn sử dụng đang đính kèm mọi thứ
Tôi cố ngồi xem hết chương trình thời sự
Rồi tự lẩm bẩm chửi mình
” Muôn năm đồ ngu ! “
05.3.2013

DOC blogr

Con người, con thú và trí thức Việt

GS Trần Quốc Vượng
gs-tranquocvuong-02Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung đã và đang phát triển rất nhanh, đặc biệt từ nửa sau thế kỷ XX.
Tạm bỏ qua một bên mọi sự “giải thích”, nào đổ tội cho phong kiến đế quốc, thực dân, bành trướng, thiên tai, địch họa, chiến tranh, cách mạng; nào viện dẫn sai lầm chủ quan của những người cầm nắmvận mệnh quốc gia mấy chục năm qua, v.v…  tình trạng ấy là không bình thường, gây nên một bức xúc tâm lý, một nỗi đau thân thể, một nhức nhối thân xác và tâm linh, buộc KẺ SĨ và NGƯỜI DÂN, vừa gian khổ kiếm sống, vừa suy nghĩ đêm ngày, tìm cách khắc phục và vượt qua tình trạng tủi nhục này…
Có ĐỘC LẬP rồi chăng, nhưng hoạ LỆ THUỘC vẫn luôn luôn mai phục, cả về mô hình chính trị và sự phát triển kinh tế…
Có THỐNG NHẤT rồi chăng, nhưng mầm CHIA RẼ mọc rễ sâu xa, nào Bắc / Nam, nào Cộng sản / không Cộng sản…
Điều chắc chắn, là NHÂN DÂN chưa có HẠNH PHÚC, TỰ DO thực sự.
Với biết bao hệ lụy của một cuộc chiến kéo dài, buộc ràng tới 3 thế hệ người Việt Nam (và rất nhiều quốc gia liên đới), lạ một điều (mà sao lại là lạ nhỉ ?), là từ “người thua” đến “kẻ thắng”, giờ đây, ai ai cũng mang một mặc cảm hoành đoạt (complexe de frustration), nói nôm na mà MẤT MÁT.
Trước hết là NGƯỜI DÂN THƯỜNG.
Người ra đi hàng triệu, bỏ xác ngoài biển khơi hàng ngàn, vạn, biết bao em gái ta, chị ta, cả mẹ ta nữa… bị kẻ hải tặc khốn kiếp dày vò làm nhục!
Chưa nói đến của cải, ai còn sống thì đều cảm thấy mất quê hương!
Người ở lại, hàng chục triệu nông dân bỗng dưng cảm thấy mất đất, không có quyền tự do hành xử trên “mảnh đất ông bà”, trong khuôn viên do chính tay mình tạo dựng; hàng triệu công nhân mất việc, thất nghiệp hay bị kém sử dụng (sous-emploi), sống ngất ngư, lây lất qua ngày…
Trí thức, thì tản mác, bị lãng phí thảm hại, trừ một số rất ít kẻ xu thời (đời nào chẳng có?), người nào cũng cảm thấy mất tự do tư tưởng và sáng tạo.
Một tình trạng như thế, chỉ có lợi cho lũ gian manh. Một cuộc “đổi đời” kỳ cục như thế, mà nếu cứ nhất định muốn gọi nó, muốn gọi đó, là “cách mạng”, thì là một cuộc cách mạng đã mất phương hướng. Phương hướng là cái tiêu ngữ trên mỗi đầu trang giấy, từ sau Tháng Tám 1945: ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC.
Cho nên phải nghĩ lại, phải bình tâm mà nghĩ lại, nói theo thời thượng từ giữa thập kỷ 80, là phải ĐỔI MỚI TƯ DUY.
Tư duy là công việc của mỗi CON NGƯỜI, vì về bản chất, con người là một sinh vật có tư duy, có ý thức và vì có tư duy, có ý thức mà được / phải có quyền tự do lựa chọn mô hình hành động, cho chính mình (tự do cá nhân), cho chính cộng đồng mình (nhà mình, làng mình, nước mình…) và phải / được chịu trách nhiệm về chính sự lựa chọn đó.
Tôi rất thân và rất quí Nguyễn Huy Thiệp, hẳn thế, nhưng chính vì thế mà tôi không thể nào đồng ý với anh khi anh trả lời phỏng vấn báo Libération là “Tôi đã sống như một con thú“. Con thú làm sao mà biết viết, biết in “Tướng về hưu”, “Phẩm tiết”…?
Lẽ tất nhiên là tôi hiểu cái “ý tại ngôn ngoại” của anh: Cái mặt bằng kinh tế xã hội của một Việt Nam hiện nay trên đó “anh phải sống”, sự ràng buộc của “cơ chế”? v.v…
Tôi nhớ lại, ngày 12/01/1983, trong buổi họp kỷ niệm 40 năm ra đời “Đề cương Văn hoá Việt Nam”, ông Trường Chinh (tác giả chính của cái “Đề cương” đó) đã nói với các “nhà khoa học xã hội” Việt Nam: “Nếu không có một điều kiện tối thiểu về vật chất để sinh sống thì con người có thể trở thành con thú! ”
Điều đó chẳng có gì mới lạ, vì bằng kinh nghiệm nghiệm sinh, nhiều nhà trí thức chúng tôi đã nghĩ và nói thế từ lâu. Điều mới và lạ, là cho đến tận lúc ấy, một vị lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam mới nói ra như thế!
Mà con người, nhất là người trí thức Việt Nam, đâu chỉ đói rét vì miếng cơm manh áo? Đói tự do tư tưởng cũng có thể trở thành con thú!
Vì con thú, như con trâu, con bò, dù có no cỏ thì cũng chỉ biết theo đuôi! Theo đuôi con đầu đàn!
Bao năm qua, có biết bao con người Việt Nam chỉ biết theo đuổi kẻ cầm quyền, hoặc khốn khổ thay, là chỉ được theo đuôi người lãnh đạo và lại được “khen” là “có ý thức tổ chức, kỷ luật” và vì vậy được vào Đảng, được “đề bạt” làm kẻ “cầm quyền” bậc sơ trung cấp, để, nói cho cùng, cũng chỉ thành kẻ “chấp hành”, “thừa hành”, nhưng có được chút “quyền”: Dối trên và nịnh trên, lừa dưới và nạt dưới!
Tôi nhớ lại, khoảng mười năm trước đây, một người học trò và là bạn trẻ của tôi, trước khi đi Nga làm luận án Phó tiến sĩ sử học, trong buổi “tiệc bia” tiễn biệt thầy trò, bè bạn, đã ngỏ với tôi lời “khuyên” tâm sự: – Nếu như thày mà cũng “đầu hàng cơ chế” nữa là bọn em mất nhờ đấy!
Anh ấy ở Nga 4 năm, về nước với bằng xanh phó tiến sĩ, thẻ đỏ đảng viên và, gia nhập “cơ chế”, trở thành “người lãnh đạo” của tôi hôm nay! Tôi chẳng buồn mà cũng chẳng vui. Tôi chọn lựa cho mình một hướng đi: Gia nhập “Câu lạc bộ những người thích đùa”. Tôi thường nói đùa như người Hà Nội vẫn thường đùa, anh ấy:- Cậu là đảng viên nhưng mà tốt!,
Câu nói đùa, mà “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào” và hơn nữa, với câu nói ấy, có thể bị “quy chụp” là “phản động”.
Tôi có một anh bạn, phải nói là rất thân, học với nhau từ thuở “hàn vi”, lại cũng làm việc dưới một mái trường Đại học trên ba chục năm trường, cùng “leo thang” rất chậm, từ “tập sự trợ lý” đến full professor, chair-department. Anh là con “quan lớn”, em của “nguỵ lớn” nhưng “có đức có tài”, được chọn làm “hàng mẫu không bán – kiểu như ông Bùi Tín vừa làm ồn ào giới truyền thông một dạo, nhưng khác ông ta là cho đến nay anh không gửi “kiến nghị” kiến nghiếc gì, nói năng với TRÊN, với DUỚI bao giờ cũng “chừng mực”, chẳng “theo đuôi” mà cũng chẳng là “dissident” của chế độ.
Anh thường bảo tôi: Thì về cơ bản cũng nghĩ như cậu thôi. Nhưng cậu thông cảm, mỗi người một tính một nết, một hoàn cảnh. Cậu “thành phần tốt”, ăn nói táo tợn thì quá lắm người ta chỉ bảo cậu là “bất mãn cá nhân” thôi. Tớ “thành phần xấu”, ăn nói bằng 1/10 cậu thôi cũng đủ bị “quy” là “phản ứng giai cấp” rồi!
O.K.! Anh cứ sống kiểu anh, tôi cứ sống kiểu tôi. Chỉ có mỗi một điều thôi, là vì vậy và vì nhiều lý do sâu xa khác nữa, nên nước ta chỉ có những nhà trí thức (intellectuals) chứ không có giới trí thức (intelligentsia).
Vậy thua thiệt thì Dân ráng chịu!
Bi kịch, nỗi bất hạnh của trí thức Việt Nam, của nước Việt Nam là ở đó…

DOC BAO MANG

Họ sống bằng cái đầu người khác!


 
               Tôi có người bạn quen nguyên là vụ trưởng ở một cơ quan Trung ương. Đời trước, bố ông cũng nguyên là vụ trưởng. Còn hiện nay con ông đang làm công tác nghiên cứu tổng hợp ở văn phòng bộ, nghe ông khoe rằng: “Cháu đã được đưa vào nguồn quy hoạch vụ trưởng”. Tôi nói vui: “Thế là nhà ông tam đại vụ trưởng rồi!”.
             Đã từ lâu, trong tổ chức bộ máy của ta, từ cơ quan đảng đến chính quyền, đều có đầy đủ: văn phòng, phòng, ban, vụ chuyên trách - rất đầy đủ, hầu như không thiếu một… góc nào. Điều đáng nói là bộ máy không tinh gọn, thường cồng kềnh, chồng chéo, có khi “dẫm chân lên nhau”, hiệu quả thấp. Không ít cơ quan được coi là “ngon ăn”, là nơi gửi gắm con, cháu, họ hàng thân quen của các có chức có quyền, con cái dân thường dễ gì chen vào được? Quỹ lương dành cho “khối” này không ít. Hô hào tinh giản biên chế từ lâu, nhưng biên chế không giảm lại tăng theo năm tháng. Có ông than phiền:
- Tinh giản ư? Tinh giản ai? Vẫn biết là không được việc mấy, nhưng lãnh đạo đã có nhời, khó lắm!
            Một con số phình to biên chế đến giật mình: Riêng Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương có 60 Đảng bộ trực thuộc, 4.800 Chi bộ, khoảng 6,5 vạn đảng viên. Chưa nói đến sự cồng kềnh, nặng nề, phình to của bộ máy, lực lượng nhân sự rất dồi dào, chỉ riêng về hiệu quả tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo đã thấy nhiều vấn đề đặt ra từ mấy chục năm qua về sự hợp lý, tinh giản, quản lý và thực thi nhiệm vụ rất cần bàn đến.
Cái chuyện cồng kềnh biên chế, dựa hơi Nhà nước, có khi học hành, bằng cấp cũng chưa đâu vào đâu, làm việc lằng nhằng vẫn lên lương, lên chức, về hưu vẫn đủ chế độ chẳng phải lỗi của ai, mà là lỗi của cơ chế. Đã nói đến cơ chế thì dù có sai đến mấy cũng không ai lôi được cái thằng cha “bị can cơ chế” ra tòa. Cơ chế do con người đẻ ra, nhưng nó không phải là con người cụ thể.
Điều đáng nói nhất là bộ máy quan liêu đã sinh ra những cán bộ quan liêu. Có cán bộ đã lên bậc chuyên viên cao cấp và công việc chủ yếu là “chắp bút” cho lãnh đạo. Từ báo cáo, phát biểu cho đến thư trả lời, trao đổi chỗ này, chỗ kia đều do chuyên viên này làm hết. Cả đời làm nghề chắp bút nhưng ông ta lại thiếu thực tế, “sớm cắp ô đi, tối cắp ô về”. Có người hỏi: “Sao ông nào lên cái chức ấy phát biểu cũng hao hao giống nhau ?”. Thì đúng thôi, lãnh đạo nào lên cũng vẫn dùng chuyên viên, cán bộ chuyên trách đó làm công đoạn “chắp bút”. “Chắp bút” đã thành nghề. Đã có bài bản sẵn từ lâu năm, đã qua đến mấy đời lãnh đạo rồi, như một thứ ba-rem, công thức, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo, chẳng cần nhiều động não. Những năm gần đây Đảng ta tổ chức “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

         Hình ảnh Bác Hồ ngồi trước máy chữ, tay đặt lên vầng trán suy nghĩ, toát lên con người tự chủ lao động của Bác. Bác suy nghĩ và tự Bác viết dù là vấn đề lớn đến đâu vẫn bằng những ngôn từ giản dị, dễ hiểu. Ở núi rừng căn cứ Việt Bắc Bác có “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”. Về Hà Nội tại nhà sàn, trên bàn làm việc của Bác có máy chữ. Đọc nguyên bản Di chúc Bác để lại mới thấy cách làm việc cẩn thận, chu đáo của Bác. Bản thảo viết xong, Bác tự sửa lại đến mấy lần. Có cán bộ ở Văn phòng Chủ tịch nước kể lại ông Vũ Kỳ có lần nói: “Cái này Bác để cháu viết, rồi gửi đến Bác đọc”. Bác nói: “Bài tôi phát biểu thì tôi tự viết lấy. Để cho chú viết, là cái đầu chú nghĩ ra, đâu phải đầu của Bác. Thế thì tốt nhất là chú nói luôn, mà nếu để chú viết, tôi cũng phải xem, phải sửa lại. Thế nên tiện nhất là tôi tự viết lấy”. Chưa nói đến chuyện gì lớn, chỉ riêng tác phong, cung cách làm việc của Bác Hồ, lãnh đạo ta ngày nay hô hào học mà có mấy ai làm theo tấm gương của Người?
         Ngược lại, không ít cán bộ lãnh đạo bây giờ đến lời phát biểu cũng không tự viết. Thậm chí đến  tập thơ cũng do người khác viết cho rồi đứng tên! Có lần, tôi hỏi địa chỉ thư điện tử của một bí thư tỉnh ủy để gửi một tài liệu liên quan cho ông đọc. Ông  nói: “Cứ gửi đến văn phòng, rồi văn phòng in ra cho tôi đọc. Tôi đâu có biết “vi tính vi toán”, có biết “i-meo, i-mẻo” là cái gì đâu” (!).  Rồi lãnh đạo cũng sinh ra lười biếng, ỷ lại, quen “chỉ tay năm ngón”. Mọi việc lớn hay nhỏ  đều do ‘bộ máy’ gánh cho hết.
 
Phải chăng do cơ chế mà phát sinh bộ máy cồng kềnh, rồi chính bộ máy đó lại biến không ít cán bộ lãnh đạo thành cái máy? Họ quen sống bằng cái đầu người khác. Những cán bộ học hành, đào tạo tử tế, có trình độ năng lực chỉ làm chân nghiên cứu tổng hợp, văn phòng, trợ lý, thư ký…cho đến khi nghỉ hưu. Có nhiều vị lãnh đạo nhờ chính sách (hoặc dịch vụ, mua bằng) có bằng bổ túc cấp 3, nói thẳng là rất dốt, nhưng khi ở cương vị lãnh đạo lại có trong tay cả chục kỹ sư, thạc sĩ, chuyên gia trình độ cao để … sai khiến. Có vị lãnh đạo chưa qua cao đẳng, đại học, có chăng chỉ là cái bằng trung cấp chuyên môn bổ túc, nhưng trong tay có đội ngũ giáo sư-tiến sĩ, các nhà khoa học đầu ngành giúp việc khá hùng hậu, bề thế. Một chuyên gia lâu năm ở cơ quan Trung ương qua nhiều ‘đời lãnh đạo’ nói với tôi: “Làm thì cứ làm, gọi là ‘tham mưu’ nhưng chán ngấy, nhiều việc nói rất cặn kẽ nhưng ổng (ông ấy) có hiểu gì đâu!”. Cơ chế, chức danh, biên chế bộ máy đã cho họ có quyền được ‘sẵn ăn’ như thế!
 
          Từ thực trạng khối hành chính, văn phòng đông đảo, cồng kênh có cần “tái cấu trúc”, tinh giản biên chế cho phù hợp và tiết kiệm hay không? Trước hết, cơ chế đó tự nó đã sinh ra một đội ngũ cán bộ chuyên trách, những chuyên viên mà không ít trong số đó đã quen với lối sống và làm việc theo kiểu hành chính, quan liêu, bao cấp “sống dựa, nói leo, ăn theo”. Họ có nhiều chiêu thức và kinh nghiệm lấy lòng, chiều chuộng lãnh đạo, khéo sống “gió chiều nào che chiều đó”,  “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, miễn là được an phận, hở ra là tìm cách tự tư, tự lợi cho cá nhân, gia đình. Lãnh đạo được đặt trong cơ chế, bộ máy đã thành khuôn đúc sẵn thì dần cũng có thể bị biến thành cái máy. Không ít người lãnh đạo hoạt động thiếu tự chủ và ít phát huy nội lực bản thân, nhờ chức danh, chức trách mà được đứng trên thiên hạ, sống và làm việc bằng cái đầu của người khác.
          Bộ máy không có lỗi. Lỗi là tại con người, tại cơ chế, các chính sách chuẩn bị nguồn nhân sự, tuyển chọn, đào tạo, bầu cử, vấn đề thực thi dân chủ ngay trong Đảng… Để bộ máy tổ chức không cồng kềnh, tinh giản được biên chế, để không còn người “ăn cơm chúa, múa tối ngày”, để cán bộ lãnh đạo, quản lý phải vắt óc suy nghĩ giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thì hãy thực hiện điều ta nói đúng nhưng hay làm ngược lại: Từ việc hình thành bộ máy, từ bộ máy thi tuyển, chọn người xứng đáng vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
BVB
Được đăng bởi Bùi Văn Bồng