Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

TẠI SAO CÔNG BẰNG LÀ VẺ ĐẸP CAO NHẤT CỦA VĂN HỌC?

Nguyen Hoang Duc

Văn học chiếm vị trí cực kỳ quan trọng của đời sống, ngày xưa các chế độ phong kiến chỉ đơn giản xây dựng chế độ trên hai lực lượng chính là Quan văn và Quan võ. Quan võ lo việc chinh phạt hay giữ gìn biên cương. Quan văn thường chiếm ưu thế hơn với việc cơ cấu hiến pháp, làm luật, làm tham mưu, rồi tổ chức các lễ nhạc… Có thể nói, quan võ là chân tay xông pha biên ải. Còn quan văn là bộ não tham mưu ở sát nách vua chúa.

Văn là chữ nghĩa, mà chữ nghĩa cũng là trí tuệ. Người đời còn tôn vinh Văn học là Nhân học. Thế là hết cỡ và toàn diện. Thiên tài vật lý Einstein chẳng hạn, ông đã thừa nhận chính văn hào Dostoievski đã là nguồn cảm hứng lớn giúp ông nghiên cứu và phát minh lý thuyết vật lý.
Thep triết gia Socrate, thì toàn thể vũ trụ tồn tại được là do luật Công Bằng. Đơn giản như một cái thuyền không cân bằng hai bên mạn thì nó sẽ bị úp liền. Cái gì cũng cần cân bằng. Cơ thể người chẳng hạn, cái gì có một thì ở giữa, cái gì có hai thì ở hai bên, đó cũng là luật công bằng! Các con thú cũng vậy, dù chúng bốn chân hoặc hai chân, thì hai chân, hai cánh phải giữ cân bằng hai bên. Một con chim bị cắt cụt một bên cánh sẽ không cách gì bay lên. Rồi một chiếc xe ngựa, một chiếc diều, hay giờ là chiếc phi cơ nếu trọng lượng hai bên không cân bằng sẽ gây đổ vỡ liền.
Đó mới là sự cân bằng vật thể hữu hình. Còn những sự cân bằng “phi vật thể” khác, như cân bằng âm dương. Trong một đàn cá, có con đực đầu đàn dẫn đường, khi con đực không may chết, thì có một con cái trong bầy đã hóa thành đực để dẫn đàn đi. Rồi không khí vận chuyển trong không trung, khí nóng bốc lên khí lạnh chìm xuống, tất cả đang tìm cách lấy lại cân bằng. Ngay cả con người cũng tìm cách cân bằng giữa thể xác và tâm hồn. Nếu ăn uống thái quá, khoái lạc thái quá, không điều độ sẽ dẫn đến miệng lưỡi mất ngon, thậm chí mắc chứng tháo chảy, ăn bao nhiêu chảy ra ngoài hết, như người Việt nói “Đa thủy hại thân, đa dâm
hại thận”.
Công bằng hay Công lý theo gốc tiếng Latin là “Justice”. Nó khởi từ chữ “just”. Người Việt vẫn hay nói câu “vừa duýt”, có lẽ nói theo  tiếng Tây, như từ “tùng bê” nói theo chữ “tomber”. Thần công lý được tượng trưng là một người bịt mắt cầm cái cân. Cái cân chính là biểu thị của sự công bằng. Chúng ta thử nhìn hai đĩa cân, ở chính giữa có hai mấu châu đầu vào nhau, khi hai cái mấu đó vừa cân nhau, không cao hơn, không thấp hơn, mà bằng nhau, chúng ta có thể coi đó là điểm
“just”.
Công bằng trong vật thể hay phi vật thể cũng chưa phải là công bằng xã hội nhân văn. Sự công bằng này cũng mang tính bản năng. Nếu người ta chia thức ăn cho mấy con chó, một con được nhiều, các con khác được ít, lập tức các con khác chưa lo ăn, mà lo xông vào giành giật phần của con được nhiều, khi cảm thấy mình có được phần tương xứng chúng mới cắp ra một chỗ riêng để ăn. Nếu người lớn đưa kẹo cho đứa lớn nhờ nó chia cho các em bé, khi nó chia đều thì không sao, khi nó chia ít cho mấy đứa, lập tức số này sẽ tách ra không thèm chơi với kẻ chia phần cũng như những đứa được thiên vị chia nhiều hơn.
Văn học là chữ nghĩa là cách cao quí trên tất cả mọi khoa học ở đời, theo cách mà triết gia Platon diễn tả. Ông nói: Dù chúng ta có môn thiên văn nghiên cứu những vì sao xa xôi ở tận cùng vũ trụ, dù chúng ta có các bộ môn nghiên cứu nhiều đối tượng khác, nhưng tất cả đều không bằng môn Biện chứng pháp, bởi lẽ chỉ có môn này mới có thể bàn đến việc thiện ác của con người. Mà với con người đạo đức là cao quí nhất. Có phương ngôn “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là táng bại về linh hồn”. Muốn bàn đến đạo đức thì phải cần chữ nghĩa, mà văn học tham gia phần rất lớn vào quá trình chữ nghĩa đó. Chính thế có phải người ta mới nói “Văn học là Nhân học”?!
Triết gia Aristote thì nói cụ thể hơn: Văn học cao hơn các loại hình nghệ thuật khác vì chỉ có văn học mới bàn đến được vẻ đẹp bên trong của tâm hồn con người đó là LẼ CÔNG BẰNG. Bên trên chúng ta đã bàn: không có công bằng vũ trụ không thể nào tồn tại và vận động. Vậy thì với vai trò văn học có thể bàn đến vẻ đẹp công bằng ngay trong tâm hồn, thì vai trò của nó lớn đến mức nào.
Những tác phẩm lớn nhất thời đại như “Tội ác và trừng phạt” hay “Anh em nhà Ca-ra-ma-dốp” của Dostoievski, hay “Vụ kiện” của Kafka… đều bàn đến vấn đề công lý và xét xử. Tất cả các tiểu thuyết hay tác phẩm điện ảnh có cảnh xử án ở Âu Mỹ đều giành được vị trí hết sức trang trọng.
Các tác phẩm từ báo chí đến giải thưởng uy tín về văn học đều ưu tiên hàng đầu cho các vấn đề thời sự nóng bỏng, sự dấn thân. Đến mức người ta còn phải học biết nguyên lý Chân – Thiện – Mỹ. Một bức tượng chưa nói đến vẻ đẹp của nó, nếu nó không tuân thủ trọng lượng tức cái “chân” giành cho nó, nó không thể đứng vững nói gì đến đẹp.
Theo đó thì cái Mỹ thuần túy đứng dưới cả cái Thiện, đứng sau cả cái Chân, trong tòa nhà ba tầng thì cái Mỹ đứng thấp nhất. Người ta nói “Văn học là Nhân học” chứ không nói “Văn học là Mỹ học”. Cuộc đời người phong phú và thách thức hơn mỹ học nhiều lần. Con chim có đôi cánh sẽ bay lên trời nhìn thấy sông núi. Con gà què nghĩa là chân không cân thì chỉ đi vòng quanh và nhìn thấy cái cối xay. Chiếc phi cơ cân cánh sẽ bay lên trời du hành qua các đại dương. Chiếc phi cơ lệnh cánh thì chỉ đỗ một chỗ làm nhà ăn lưu động cho mấy thực khách lèo tèo. Sự việc rất rõ, đây cũng là nguyên lý chung của nhân loại. Ấy vậy mà có vài nghệ sĩ vườn lại muốn biện hộ cho thứ nghệ thuật quẩn quanh của mình bằng cách nói, cái đẹp nghệ thuật là hàng đầu. Cái đẹp sao bằng cái chân?! Và sự công bằng của tâm hồn đầu tiên là nên biết chấp nhận sự thật phổ quát của loài người, tại sao mấy anh ú ớ quờ quạng này cứ muốn một mình nghĩ ra chân lý? Lại còn cãi lấy được rằng: văn học cũng như trường ca cần gì phải có nhân vật. Nói thế nào có khác gì bảo, thành phố không cần con người.
Tại sao văn học Việt Nam nói chung còn bé bỏng lèo tèo loạng quạng bê tha cảm xúc ngê nga? Chắc chắn là vậy! Bởi vì chúng ta chưa khai thác sức mạnh của văn học, đó chính là: vẻ đẹp công bằng ẩn bên trong tâm hồn. Muốn làm phán quan hay thẩm phán ư? Chúng ta đã học gì để làm một “trạng sư”? Có phải chúng ta chủ yếu viết về tình dục hay những sinh hoạt vặt vãnh để lảng tránh những thách thức hay ưu tư lớn của cuộc đời, rồi sau đó còn biện hộ “tôi vì cái đẹp thuần khiết”? Cái đẹp mà làm gì nếu nó không định đòi công bằng ngay ở trong tâm hồn?! Mà cái
đó làm sao đẹp nếu nó không có “sự thật tức cái chân” trong nó để đứng
vững?!
Nếu không có công lý, thì “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, rồi thì “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Khi đó lớn ức hiếp bé, khỏe bắt nạt yếu, khôn trà đạp dại, trẻ đè nén già… xã hội con người mất hết vẻ đẹp trở thành một thứ lục lâm thảo khấu. Có phương ngôn: “Con người đối xử với con người như bầy sói, nhưng những con sói chúng lại không đối xử với nhau như sói”. Có nghĩa khi con người không có công bằng thì còn thua cả bầy súc vật, bởi lẽ súc vật có luật công bằng của tự nhiên, còn con người bằng trí khôn tham lam ngắn hạn của mình đã phá vỡ luật công bằng tự nhiên mà không thể xây lên một nền công bằng cho con người. Như vậy họ chỉ là một xã hội bất công xấu xí còn thua động vật.
Viết văn, làm thơ mà không hướng tới vẻ đẹp công bằng cho con người thì chỉ là những cảm xúc rơi vãi được chăng hay chớ mua vui gọi là, làm sao chúng có thể trở thành lâu đài lừng lững trong tâm hồn của con người? Một khi chữ nghĩa không trở thành vẻ đẹp của tâm hồn thì chữ nghĩa mà làm gì? Chữ nghĩa chỉ là thông tin thì buổi chiều đã có một thông tin khác thế chỗ. Nếu chữ nghĩa là cảm xúc thì một cơn gió thổi qua cảm xúc nổi da gà đã nhấn chìm cảm xúc tươi tắn vừa có. Chính thế mà tôi đã làm hai câu thơ:
Bàn chân đau chặng đường chưa tới
Và chân lý hằng đau mùa gặt
Chân đau chặng đường chưa tới tức là mảnh đất chưa ai khám phá, đó là cơn đau phiêu lưu sáng tạo. Còn chân lý liệu nó có đáng trở thành thứ hạt giống hay cây trồng chính yếu của “vụ sống con người”.  Nhân loại nói chung, người Việt nói riêng đã bao giờ được chứng kiến một mùa gặt bội thu chân lý hay chúng ta chỉ có vài kẻ lèo tèo đi mót chân lý trên cánh đồng vụ lợi của thế tục? Những cây bút còn lại đông đảo kia, họ đi gặt chân lý hay là đang ngê nga khẩu quyết “cơm áo không đùa với khách thơ”? Trời ơi đã leo vào chữ nghĩa mà vẫn còn nặng tình với cơm áo như vậy, còn lao tâm khổ tứ kiếm thêm tem phiếu, rồi leo ghế, ẵm giải, thì đó là nền văn chương sống cho công lý hay chỉ là “giá áo túi cơm”???
.
NHĐ  26/10/2013Phần nhận xét hiển thị trên trang

TÂM SỰ Y GIÁO: KHÔNG THỂ HÌNH DUNG NỔI: CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ BI...

TÂM SỰ Y GIÁO: KHÔNG THỂ HÌNH DUNG NỔI: CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ BI...: Một chuyện hết sức kỳ cục đã xảy ra vào tháng 7-2013: Tướng Vũ Đông Lập, Cục trưởng Cục Quản lý biên phòng thuộc Bộ Công an Trung Quốc tr... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Nguyễn Ánh – Gia Long: Kẻ tội đồ hay vĩ nhân lịch sử?

Những lỗi lầm của Nguyễn Ánh là rất lớn và đáng lên án, nhưng vẫn có  thể coi ông là một vĩ nhân lịch sử, một thực thể tất yếu của lịch sử Đại Việt.  Trong danh mục những minh vương dựng nghiệp lớn, có cả tên ông.

Triều Nguyễn tồn tại gần 150 năm, kể từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế với  niên hiệu Gia Long – năm1802, tạo dựng một đế chế tập quyền trên toàn bộ lãnh  thổ mà trước đó chưa hề có. Trải qua một thế kỷ rưỡi tồn tại, vinh hoa và tủi  nhục, Triều đại Nguyễn là một thực thể cấu thành trong lịch sử Đại Việt. Những  cái do triều đình Nhà Nguyễn mang lại cũng rất có ý nghĩa, đó là chấm dứt cuộc  nội chiến, tranh giành quyền lực, xương trắng máu đào liên miên mấy thế kỷ, kiến  tạo bộ máy quản lý hành chính trung ương tập quyền thống nhất mà Quang Trung –  Nguyễn Huệ đã dày công vun đắp gây dựng trước đó. Dân tộc đã phải trải qua những  năm tháng bi hùng với nhiều điều nuối tiếc, đáng bàn đáng nói ngay ở chính hôm  nay. Song lịch sử là lịch sử, đó là một hiện thực khách quan. Gắn với triều  Nguyễn là Nguyễn Ánh – Gia Long, người kế tục sự nghiệp các Chúa Nguyễn tiền bối  – người lập nên vương triều nhà Nguyễn – vương triều cuối cùng của nền đế chế  phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam.
1330333395-vua-gia-long1
Nguyễn Huệ ( trái) – Gia Long (  phải)
I – Nguyễn Ánh: một ẩn số của lịch sử.
1. Vào lửa.
Nhìn nhận về con người này, thật không đơn giản, là một núi mâu thuẫn, mâu  thuẫn do chính cuộc đời ông tạo ra, mâu thuẫn của hoàn cảnh lịch sử và đặc biệt,  từ đó tạo ra mâu thuẫn của dân tộc với sự đa dạng trong cách nhìn, cách nghĩ  được sản sinh tự nhiên từ ngàn vạn sự kiện thực hư, chính đáng và không chính  đáng. Nếu không thật sự khách quan và chiêm nghiệm theo nhiều chiều cạnh, lát  cắt của lịch sử, soi xét từ gần đến xa, từ sau đến trước, chủ thể và khách thể,  hoá thân vào nhiều vị trí để có góc nhìn trọn vẹn, hoặc luôn bị kiềm toả bởi một  định kiến chủ quan, thủ cựu thì thật khó thoát mình ra khỏi những sai lầm trong  cách nhìn nhận vấn đề.
Nguyễn Ánh được sinh thành trong một xã hội nhiều xáo trộn; xáo trộn về thế  lực, quyền bính, mâu thuẫn về quan niệm. Những nghệ thuật, thao lược dành chiến  thắng trong cuộc sàng lọc khắt khe đã đạt đến đỉnh cao. Đánh giá về ông cũng  phong phú, đa chiều và tràn đầy mâu thuẫn.
Trong lịch sử vương quyền, chưa một vị vua nào như Nguyễn Ánh, trước khi ngồi  trên ngai vàng, cuộc đời và sự nghiệp lại nhiều gian lao và thách đố đến như  vậy, cũng chưa thấy ai đầy lòng kiên nhẫn để mưu nghiệp lớn như ông. Hơn hai  mươi năm lăn lộn, cận kề cái chết, nhưng ông vẫn vươn lên giành được thắng lợi  cuối cùng. Mệnh trời đã mỉm cười với ông. Ông đã chiến thắng.
Chúng ta tự hào vì chúng ta có Nguyễn Huệ Quang Trung, thì đồng thời chúng ta  cũng không thể lãng quên Nguyễn Ánh hoặc tuỳ tiện đánh giá về con người này. Hai  thế lực, hai trận tuyến, là kẻ thù không đội trời chung. Nhưng hai con người này  đều là thực thể Việt Nam. Mỗi người trong họ đã tạo cho người còn lại một môi  trường của sự thử sức, lòng can đảm và sự khôn ngoan để đoạt chiến thắng từ tay  đối phương. Đây là hai mặt trong một thể thống nhất biện chứng; mỗi người đều là  căn cứ để đánh giá và nhìn nhận người kia.
Những tài năng trác tuyệt thiên bẩm của Nguyễn Ánh là không thể phủ nhận.  Mười lăm tuổi (1777) cầm quân, xông pha trận mạc, quyết định những chiến thắng  quan trọng và là linh hồn của các thế lực Đàng Trong. Mười tám tuổi (1780), qua  những năm tháng thử lửa, ông đã chính thức được tôn vinh làm Chúa Nguyễn –  Nguyễn Vương. Sài gòn – Gia Định trở thành thủ đô trong thánh địa của triều đại  ông.
Sự nghiệt ngã của hoàn cảnh chính là lò bát quái, là nơi tinh luyện kim đan  để kẻ tu hành đắc đạo? Trong sự va đập lịch sử thì lịch sử cũng biết tự chọn  lựa. Một người đã đi đến đích, đã chiến thắng ở trận cuối cùng, đó là Nguyễn  Ánh.
2. Sự mỉm cười của định mệnh.
Đất thánh Gia Định và sự che chở của các thế lực phong kiến
Nguyễn Huệ – Tây Sơn dấy binh với danh nghĩa hình thức là tiêu diệt tập đoàn  tiếm quyền Trương Phúc Loan, được nhân dân hưởng ứng. Với thiên tài cầm quân,  Nguyễn Huệ và anh em Tây Sơn đã nhanh chóng đánh đổ vương triều chúa Nguyễn và  buộc họ phải chạy vào Gia Định. Việc tìm mảnh đất Gia Định giàu tiềm năng làm  nơi ẩn náu, mai phục, mưu kế lâu dài cũng là một nước tính chiến lược. Trong con  mắt của các thế lực đại địa chủ, thương nhân Sài gòn – Gia Định đương thời thì  Nguyễn Ánh và chúa Nguyễn mới thực sự là người đaị diện. Họ đã ra sức che chở  bảo vệ.
Nguyễn Ánh là chúa Nguyễn, là trực hệ của Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng; họ là hậu  duệ chính đáng của những thế lực được sinh thành và phát triển qua những thách  thức từ Vua Lê- Chúa Trịnh trên kinh đô Thăng Long. Họ đã đủ tầm sánh ngang với  Chúa Trịnh dể quyết định vận mệnh đất nước. Từ khi Nguyễn Hoàng cai trị phương  Nam rồi tiếp đến là: Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tấn,  Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Thụ, Nguyễn Phúc Khoát, nhìn  chung đều là những minh vương. Duy có Nguyễn Phúc Thuần do còn qúa bé (12tuổi)  bị rơi vào vòng kiềm toả của Trương Phúc Loan. Trong con mắt người dân các tỉnh  phía nam lúc đó, mà tiêu biểu là giới quý tộc Gia Định thì Chúa Nguyễn là người  đại diện chân chính.
Với hơn 200 năm tồn tại kế từ khi Nguyễn Hoàng gây dựng cơ nghiệp, các thế  lực phong kiến cát cứ và bản địa như Vương quốc Phù Nam, Vương quốc Chămpa đều  đã bị quy về một mối, sự tồn tại chỉ mang tính hình thức. Chúa Nguyễn đã tạo  điều kiện cho sự phát triển nền kinh tế văn hoá các vùng phía nam mà các thế kỷ  trước đó vẫn nằm trong tình trạng lạc hậu hoặc luôn bị sự khống chế của ngoại  bang, điển hình là Chân Lạp và Xiêm La. Sự lớn mạnh về chính trị, quân sự, kinh  tế của Nam Bộ gắn với lịch sử tồn tại của chính quyền trung ương tập quyền lúc  đó: tập đoàn chúa Nguyễn.
Sau khi ý đồ đánh đổ chúa Nguyễn của anh em Tây Sơn đã lộ rõ, cộng với sự bất  hoà quyền bính trong nội bộ phong trào, thì lập tức các thế lực thân tín đã quay  lại bảo vệ Nguyễn Ánh và chống lại Tây Sơn, một sự chống cự quyết liệt.
Trong quá trình tồn tại, bên cạnh những thành tựu vĩ đại do Nguyễn Huệ tạo  nên, đó là những chiến công hiển hách chống quân xâm lược, bảo vệ độc lập dân  tộc, tiến hành những cải cách kinh tế văn hoá, thì đồng thời những nhược điểm  trầm kha của các thế lực khởi nghĩa mang nặng tính nông dân thường mắc phải cũng  đã hiện ra trong nội bộ Tây Sơn ngày càng trầm trọng, trầm trọng đến mức không  phương cứu chữa. Nguyễn Nhạc là sự hiện thân của sự bất cập này.
Chính những mâu thuẫn đó đã tạo cho các thế lực phong kiến Phương Nam nhìn  nhận lại và quyết tâm ủng hộ Nguyễn Ánh đến cùng.
Những trở ngại lịch sử mà Nguyễn Huệ chưa kịp khắc phục.
Những mâu thuẫn trong Tây Sơn xuất hiện mạnh ngay sau khi Nguyễn Huệ tiến  quân Bắc Hà lần thứ nhất tiêu diệt chúa Trịnh. Nguyễn Nhạc đã tức tốc ra tận  Thăng Long triệu hồi Nguyên Huệ trở về Phú Xuân, bỏ lại một Thăng Long hỗn độn,  quân hồi vô phèng với một đống quan lại và sĩ phu khủng hoảng lòng tin và phương  hướng. Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm đầy lòng trắc ẩn, muốn thoát khỏi sự kiểm  soát của Nguyễn Huệ, tranh bá đồ vương. Để rồi từ đó xô đẩy kẻ tiểu nhân bất tài  Lê Chiêu Thống phải chạy sang cầu cứu Nhà Thanh và đẩy tình hình đất nước đến  bên bờ vực thẳm.
Khi quân Thanh kéo vào xâm lược, vận mệnh độc lập dân tộc trở thành nhiệm vụ  lớn nhất mà ở bất kỳ triều đại nào, giai đoạn lịch sử nào cũng phải đặt lên hàng  đầu. Chính vì thế khi đăng quang hoàng đế với niên hiệu Quang Trung tiến ra bắc  tiêu diệt quân Mãn Thanh, Nguyễn Huệ đã dành được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân  dân cả nước, mà nhất là nhân dân Bắc Hà. Nguyễn Nhạc cũng không thể chống đối,  không thể đi ngược quy luật. Nguyễn Huệ và nhân dân ta đã thắng lợi.
Cuộc đại phá quân Thanh toàn thắng, uy tín và sức mạnh Tây Sơn lớn mạnh vượt  bậc, ở thế quyết định bước phát triển mới của dân tộc. Nhưng một trở lực khó  vượt qua được đó là những mâu thuẫn trong nội bộ Tây Sơn ngày càng trầm trọng,  nhất là khi phải đối đầu với những vấn đề trong nước. Nguyễn Nhạc thu mình trong  thành Quy Nhơn với tư cách Đông Định Vương, không muốn đối mặt với những thách  thức mới, lại cũng không muốn Nguyễn Huệ vượt lên trên ảnh hưởng của mình.  Nguyễn Lữ thì bất lực. Sức mạnh đoàn kết của ngày đầu dựng nghiệp đã tan biến và  nhường chỗ cho những điểm yếu mà kẻ thù không ngừng lợi dụng, khoét sâu. Thực  chất đây là mâu thuẫn của các thế lực phong kiến cát cứ, phân quyền.
Liệu trong tình hình ấy, Nguyễn Huệ có đủ can đảm và nghị lực vươn lên trên  tất cả, loại trừ Nguyên Nhạc và Nguyễn Lữ ra khỏi sân khấu Tây Sơn để tự mình  vươn tới mục đích cuối cùng hay không? Điều đó thật khó. Khó vì chính Nguyễn Huệ  cũng chưa đủ sức vượt qua những ràng buộc của tình huynh đệ thủ túc sống chết có  nhau gây dựng cơ đồ trong buổi đầu của cuộc kháng chiến. Thêm nữa, Nguyễn Nhạc,  cũng nắm trong tay một lực lượng hùng hậu, cả về cơ sở vật chất, cả về thanh thế  đang có, và đặc biệt là quân sự. Nếu Nguyễn Huệ phát động cuộc chiến tranh quy  mô để loại Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ thì những tổn thất tổng hợp mà Nguyễn Huệ  phải lãnh chịu là không nhỏ, sẽ tự đánh mất chính mình trước dân tộc, cả uy tín  và lực lượng.
Đó là bài toán cần có lời giải và nghiệm số thoả đáng, và cũng vì vậy Nguyễn  Huệ phải chờ đợi thời cơ phù hợp. Kể từ khi đại phá quân Thanh năm1789 kết thúc,  trong hơn ba năm trời chuẩn bị, lực lượng của Nguyễn Huệ vô cùng hùng mạnh,  nhưng đến năm 1792 khi ông đột ngột qua đời lực lượng hùng hậu ấy vẫn không phát  huy được ưu thế. Cái chết của Nguyễn Huệ đã đẩy triều đình Phú Xuân vào tình  trạng khủng hoảng. Một triều đình và một lực lượng quân sự khổng lồ, một cỗ máy  chiến tranh quy mô lớn không có người cầm lái tương thích là Nguyễn Huệ thì sức  mạnh ấy trở thành một sự bị động. Bên cạnh đó sự tồn tại của Nguyễn Nhạc và thủ  phủ Quy Nhơn vẫn nặng sức kiềm toả.
Nguyễn Ánh bắt tay với các giáo sĩ Phương Tây nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đã góp  phần tăng thêm những ưu thế vật chất, kỹ thuật cho cuộc chiến tranh mà ông ta  đang theo đuổi. Cũng chính vì vậy cuộc phản kích của Nguyễn Ánh đã phát huy cao  độ tính hiệu quả. Chỉ trong vòng mười năm vừa cầm cự vừa rút lui, năm 1802, toàn  bộ sự nghiệp Tây Sơn đã hoàn toàn sụp đổ.
Nhìn lại thế trận và kết cục của Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh trong cuộc giao  tranh lịch sử, khiến chúng ta liên tưởng đến những sự kiện lịch sử khác với  những diễn biến và kết cục thật bất ngờ mà nhiều ẩn số của nó phải hàng thế kỷ  mới đủ sức giải đáp.
Cuộc nổi dây khởi nghĩa của Phong trào Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc một  thế kỷ sau đó do Hồng Tú Toàn khởi xướng đã nhanh chóng dành được sự ủng hộ của  nhân dân. Với khẩu hiệu Tiêu diệt Nhà Thanh, Khôi phục Nhà Hán, cuộc khởi nghĩa  đã lan rộng khắp, Nam Kinh trở thành thủ đô của phong trào. Nhưng rồi chính lúc  phong trào lên đỉnh cao, tưởng như chiến thắng cuối cùng đã đến, chỉ còn tính  theo ngày tháng, thì cũng là lúc mầm mống của sự thất bại và diệt vong đã xuất  hiện.
Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc thực sự là chưa giành được chính quyền  vì chính quyền vẫn nằm trong tay Mãn Thanh ở Bắc Kinh, còn Nam Kinh chỉ là thủ  đô tạm thời và chính quyền chỉ là do các lãnh tụ lập nên tự xưng vương, xưng đế.  Mới đến đó thôi thì những mâu thuẫn trong phong trào đã trầm trọng và khả năng  đưa cuộc khởi nghĩa đến toàn thắng là không còn nữa. Hồng Tú Toàn thu mình ở vị  trí hoàng đế, bằng lòng với những gì đã đạt được. Dương Tú Thanh thì cậy công  lộng quyền, dùng phép ma thuật xảo trá hãm hại và hạ uy tín lãnh tụ. Những tư  tưởng thoả mãn, hưởng lạc, chia bôi và tranh giành quyền lực đã báo hiệu sự suy  vong tất yếu.
Trước con mắt của người dân Trung Quốc lúc đó, giành lại quyền cai trị đất  nước cho đại đa số các dân tộc Hán là một nguyện vọng, nhằm tạo lập lại nền văn  minh Hán mà mấy thế kỷ đã bị tha hoá. Song điều cốt tử là lực lượng ấy có đại  diện cho dân tộc Trung Hoa hay không? Câu trả lời mà thực tế của cuộc Khởi nghĩa  Thái Bình Thiên Quốc mang lại sau nhiều năm hiện diện là:Không.
Dù thế nào đi nữa, triều đình Mãn Thanh vẫn là người đại diện hợp pháp. Trải  qua mấy trăm năm cai trị, triều Mãn Thanh đã xây dựng được một đế chế độc quyền  bền vững. Mọi hành vi cát cứ, phân quyền, tranh bá đồ vương ngoài chuẩn mực đều  không có cơ may tồn tại.
Ta tìm thấy gì trong cái bế tắc, nửa vời và đầy đố kỵ của Hồng Tú Toàn trong  Thái Bình Thiên Quốc với những tư tưởng và hành động tương tự của Đông Định  Vương Nguyễn Nhạc và Tây Bình Vương Nguyễn Lữ?
Đương nhiên người bất hoà với Nguyễn Nhạc là Nguyễn Huệ lại hoàn toàn không  giống những kẻ đố kỵ tranh giành với Hồng Tú Toàn. Nguyễn Huệ đã đặt lợi ích đất  nước lên trên, đi đúng quy luật phát triển. Nhưng, khủng hoảng nội bộ bao giờ  cũng mang một mẫu số chung, đó là sự rạn nứt và tự làm suy yếu mình để từ đó đối  phương lợi dụng khai thác. Nhất là khi sự khủng hoảng ấy được sản sinh từ lãnh  tụ tối cao của Tây sơn là Nguyễn Nhạc và kẻ thù lại là Nguyễn Ánh đang có sự trợ  giúp của vũ khí và lối tác chiến hiện đại của nhiều chuyên gia Phương Tây. Hoá  giải tình hình phức tạp này là một việc làm lớn lao đặt trên vai Nguyễn Huệ.
Sự may rủi của định mệnh.
Nguyễn Ánh đã trải qua những nguy hiểm tày núi, cái chết cận kề, thế rồi ông  lại thoát. Cái may mắn có được của ông là cái rất hiếm hoi mà người đời khó bắt  gặp. Trong suốt mấy mươi năm lăn lộn, hòn tên mũi đạn không bắt kịp ông, bệnh  tật hiểm nghèo không gõ cửa buồng ông. Ông vẫn được trời cho sống, sống khoẻ  mạnh. Chỉ cần một sự sa sảy nhỏ nhoi cũng có thể tạo ra biến cố khôn lường.  Nhưng ông vẫn vô sự. Đó là điều kỳ diệu.
Nguyễn Huệ không được cái may mắn này khi tử thần đã bất ngờ nắm lấy mệnh ông  ở tuổi ngoài bốn mươi đầy sung mãn với những triển vọng huy hoàng đang chờ phía  trước.
Trong quy luật thuận nghịch mà người xưa đúc kết, thì trong cái thuận có cái  nghịch, trong cái nghịch chứa cái thuận. Cái thuận càng lớn thì cái nghịch càng  cao, và đồng thời cái nghịch càng cao thì cái thuận cũng càng lớn. Đối với những  kẻ kinh bang tế thế là phải biết biến cái nghịch lớn thành cái thuận lớn và biến  cái thuận lớn tiếp tục lớn lên không ngừng. Với một điều kiện tuyệt đối:  Phải được sống
Những chiến công của Nguyễn Huệ to lớn đến vậy, những cuộc vây ráp của ông  với quân Nguyễn Ánh cũng rất quy mô và bài bản suốt hàng chục lần, nhưng rồi  cuối cùng vẫn không đạt được mục tiêu.Nguyễn Ánh vẫn thoát. Những truyền thuyết  dân gian như Nguyễn Ánh có trời giúp, nổi phong ba ngăn chặn Tây Sơn; hay rắn  thần xuất hiện đưa ông đến nơi an toàn trong lúc lâm nguy trên đảo Thổ Châu.v.v…  được lưu truyền tận về sau cũng xuất phát từ những sự thật kỳ diệu đến mức khó  tin này.
Người có thể làm thay đổi tình thế của Gia Long chỉ là Nguyễn Huệ, duy nhất  Nguyễn Huệ, không có ai khác. Không Nguyễn Huệ thì tất phải còn Nguyễn Ánh.
Đáng tiếc cho phong trào Tây Sơn và cũng là cho cả dân tộc, Nguyễn Huệ đã ra  đi đột ngột và lịch sử bước sang một giai đoạn mới, đó là Nguyễn Ánh quyết định  vai trò trên sân khấu lịch sử.
Nguyễn Huệ trồng cây. Gia Long hái quả. Âu cũng là mệnh trời.
II- Gia Long và Triều Nguyễn – Một thực thể Đại Việt,
1. Nguyễn Ánh và những bước đi táo bạo.
Trong lịch sử Việt Nam thì Nguyễn Ánh là người đầu tiên có quan hệ hợp tác  với phương Tây khá toàn diện và có bài bản trên các phương diện: Quân sự, ngoại  giao, kinh tế và chính trị mà trước đó chưa một nhân vật lịch sử nào với  tới.
- Ký hiệp ước giao hảo với Pháp
- Mua vũ khí của Pháp
- Cho Pháp những đặc ân nhất định trong khu vực thuộc quyền kiểm soát của  Nguyễn Ánh.
Trước hết, những việc làm trên đây của Nguyễn Ánh đã thể hiện mấy bản chất  sau đây
- Nguyễn Ánh đã nhận ra ưu thế kinh tế, kỹ thuật và quân sự từ các nước  phương Tây xa xôi. Những cái phương Tây đang có là những cái cần thiết đối với  tình hình lạc hậu mà ông đang phải gánh chịu và cần tạo cơ hội để có đựoc ưu thế  đó, nhất là trong cuộc chiến một mất một còn với Nguyễn Huệ Quang Trung.
- Ý chí phục thù và giành chiến thắng bằng mọi giá.
Nguyễn Huệ là con người ứng xử tình thế tuyệt vời. Vì độc lập dân tộc, ông đã  tiến hành cuộc đại phá thần tốc quân Thanh, một chiến thắng kỳ diệu, chứa đựng  nhiều kịch tính, như một bức hoành phi nghệ thuật cổ kim hiếm thấy. Chỉ trong  mấy ngày mà ba chục vạn quân Thanh đã bị đánh tan. Tôn sĩ Nghị tháo chạy không  kịp thắng yên cương. Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử, Hứa Thế Hanh chết trận  v.v…
Bằng chiến thắng này, bờ cõi sạch bóng ngoại xâm.
Nhưng chỉ ngay sau ngày chiến thắng, ông đã tiến hành chính sách giao hảo với  triều đình Mãn Thanh. Những nước đi của ông táo bạo, độc đáo, thần kỳ như một mê  hồn trận. Chính quan quân nhà Thanh và Càn Long tài hoa cũng không đủ sức nhận  ra, cương nhu lẫn lộn, cái nhường nhịn và cái đe doạ cuộn chặt trong cùng một  khối của mỗi nước cờ ngoại giao, không biết đâu mà lần. Vì thế cuối cùng, để cho  an toàn, Càn Long cầm bằng chấp thuận xây dựng mối quan hệ hữu hảo với Quang  Trung, không động binh và nhanh chóng loại bỏ tàn quân Lê Chiêu Thống ra khỏi  ván cờ phương nam của họ.
Dẹp yên phía bắc, ông giành thời gian và lực lượng cho mặt trận phía Nam với  quan quân Nhà Nguyễn trong trận quyết đấu và quyết thắng cuối cùng.
Nếu so với những đối sách của Nguyễn Huệ thì các nước đi trên thế trận của  Nguyễn Ánh cũng phức tạp và đa dạng khôn lường.
Trước một Châu Âu xa xôi, khác lạ về địa lý, ngôn ngữ, nhân chủng, văn hoá,  khác lạ một trăm thứ, thế mà Nguyễn Ánh dám bắt tay giao hảo. thật cũng là một  sự táo tợn độc nhất vô nhị. Chỉ có Nguyễn Ánh mới đủ sức làm nổi chuyện tày đình  này.
Trong suốt nhiều năm đánh nhau với Tây Sơn, bên cạnh Nguyễn Ánh có một đội  ngũ các chuyên gia kỹ thuất, quân sự rất có kinh nghiệm như Dayot, Philippe  Vannier, Guilloux, Laurent Barisy, De Forssant, Jean Baptiste Chaigneau, Olivier  de Puymanel, Theodore lebuen. Tiêu biểu nhất trong số đó là Pierre Joseph George  Pigeau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc).
Theo tài liệu của Thực Lục Chính biên chép lại thì năm 1791, Nguyễn  Ánh đã thông qua một người nước ngoài tên là Budinonhi gửi mua tại Bồ Đào Nha  một vạn súng điểu thương, hai nghìn cỗ súng gang mỗi cỗ nặng một trăm cân, hai  nghìn viên đạn nổ đường kính 10 tấc.Trong các cuộc giao chiến với Tây Sơn sau  này, Nguyễn Ánh toàn dùng loại vũ khí hiện đại này.
Chính sự mẫn cảm của Nguyễn Ánh đã gây nên nhiều xáo động trong cách nghĩ của  các sĩ phu sau này. Có nhiều ý kiến còn cho rằng, nếu các bậc hậu thế như Minh  Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức biết học tập và kế nghiệp những tinh hoa của Nguyễn Ánh  trong mối bang giao với phương Tây thì có thể cơ may lớn đã mỉm cười với dân  tộc, rất có thể chúng ta đã văn minh hơn, cường thịnh hơn và không phải trở  thành mục tiêu nổ súng thôn tính của Pháp ở nửa sau thế kỷ mười chín như nó đã  diễn ra. Dù đấy chỉ là một sự nuối tiếc, một ảo tưởng không thực tế, nhưng chí  ít cũng để lộ một điều các hành động hợp tác với phương tây của Nguyễn Ánh do Bá  Đa Lộc làm trung gian âu cũng là đúng quy luật và không mang bản chất bán nước;  nó nằm trong thời kỳ và một nhiệm vụ lịch sử khác.
2. Nên nhìn vấn đề ở nhiều góc độ.
Âm mưu mở rộng ảnh hưởng nhằm thôn tính các quốc gia phương Đông đã thể hiện  khá rõ, trong đó Pháp cũng là nước điển hình. Song trong trường hợp cụ thể của  Nguyễn Ánh thì lại chưa hoàn toàn như vậy. Bản đệ trình của Nguyễn Ánh do Bá Đa  Lộc soạn thảo gửi chính phủ Pháp với những điều khoản cụ thể có lợi cho Pháp,  lại kèm theo đứa con trai cưng như là vật làm tin thể hiện rất rõ quyết tâm của  Nguyễn Ánh. Vì lý do gì không biết, chính phủ Pháp đã bác bỏ và từ chối đề nghị  trên, để rồi Bá Đa Lộc phải tự xoay xở theo con đường riêng ủng hộ Nguyễn Ánh  theo tính toán cá nhân của riêng ông.
Mặt khác, ở góc độ Nguyễn Ánh mà xét, vì nhu cầu chống Tây Sơn hùng mạnh với  ý chí trời long đất lở nhằm hoàn thành nghiệp lớn, những hành động hợp tác và  cầu viện bên ngoài đồng nghĩa với việc cam tâm bán nước cầu vinh hay không thì  lại là vấn đề nên đánh giá công bằng và khách quan hơn. Đây mới chỉ là sự tiềm  ẩn nguy cơ, còn thực tế thì chưa diễn ra.
Trước thế mạnh trúc chẻ ngói tan của Nguyễn Huệ, tính mạng Nguyễn Ánh và bộ  hạ của ông như chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ. Bất cứ lúc nào cũng có thể  chết. Việc tìm cách cứu mình và gia quyến khỏi cái chết rồi từng bước khôi phục  sự nghiệp là nhu cầu trên hết, cần phải làm. Gửi đứa con trai bốn tuổi Nguyễn  Phúc Cảnh cho giáo sĩ mang về Pháp nhằm đảm bảo tính mạng đứa trẻ âu cũng là  việc làm thường tình của một người cha. Với mưu trí khôn lường như Nguyễn Ánh  thì việc xin cứu viện có đồng nghĩa với việc đánh mất độc lập dân tộc chưa thực  sự trở thành hai mặt của một vấn đề. Mối quan hệ của ông với các giáo sĩ phương  Tây chặt chẽ, lâu dài, kiên quyết là vậy mà rồi cũng đến hồi kết. Năm 1802,  Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Gia Long, khi có toàn quyền bính  trong tay, ông lại trở về cái nguyên mẫu của một nhà nước phong kiến trung ương  tập quyền Đại Việt truyền thống, Nho giáo, cố hữu và thủ cựu. Bộ luật Gia Long  mà ông là linh hồn cũng chỉ giám mô phỏng những nội dung của bộ luật Hồng Đức  thời Lê sơ. Các chế độ tư pháp, hành chính, khoa cử, quan lại, ruộng đất… về cơ  bản vẫn như cũ. Tiếp đến con cháu ông cũng vẫn như thế. Những dấu hiệu mở mang  với phương tây trước đây đã bị chôn vùi vào dĩ vãng.
Hãy đặt một giả thuyết, nếu Nguyễn Ánh không tranh thủ sự giúp đỡ của các  giáo sĩ Pháp chống lại Tây Sơn cuối thế kỷ 19, thì liệu hơn 60 năm sau đó, Việt  Nam có chắc chắn tránh được loạt đạn đại bác của thực dân Pháp hay không? Các sự  kiện này có liên quan ở một mức độ nhất định nhưng về bản chất không phải là  quan hệ nhân quả, không mang tính quy luật; không phải vì có cái này nên mới dẫn  đến cái kia.
Những gì mà Nguyễn Ánh thực hiện trong quan hệ với các giáo sĩ Pháp trước đó  không phải là sự ràng buộc để năm 1858 Pháp tấn công Sơn Trà và tiến hành cuộc  xâm lược quy mô lớn của họ.
Càng về cuối đời mình, tính dân tộc chủ nghĩa trong ông càng tăng lên đến mức  cự đoan,rồi đến các triều vua Minh Mạng, Thiêu Trị, Tự Đức tiếp đó cũng vậy.  Việt Nam bị đóng khung chết cứng trong thiết chế phong kiến tập quyền cổ điển,  lạc lõng và cô đơn.
Những gì diễn tiến ở nửa sau thế kỷ 19 như chúng ta đã thấy để rồi nước ta  trở thành thuộc địa của Pháp được xuất phát từ một thế trận, một hoàn cảnh lịch  sử khác.
Các nước láng giềng trên bán đảo Đông Dương như Lào, CămPuChia không hề liên  quan gì đến các hành động của Nguyễn Ánh 100 năm trước đó tại Việt Nam, rồi cũng  trở thành mục tiêu xâm lược của Pháp, không tránh khỏi số phận thuộc địa.
3. Cái khác biệt và cái đồng nhất giữa Nguyễn Huệ – Quang Trung  và Nguyễn Ánh – Gia Long
Giữa hai con người không đội trời chung này có nhiều nét tương phản và nhiều  nét tương đồng đến mức kỳ lạ mà tạo hoá đã an bài trong cùng một thời kỳ lịch  sử, trở thành cặp bài trùng không thể tách ra khi phân tích về mỗi con người  trong họ.
Cái khác biệt cơ bản và trọng tội của Nguyễn Ánh.
Nguyễn Huệ đại diện cho giai cấp cần lao. Nguyễn Ánh thuộc dòng dõi quý  tộc.
Nguyễn Huệ dấy binh khởi nghĩa vì quyền lợi và hạnh phúc của lê dân đang rên  xiết dưới ách thống trị hà khắc của chế độ phong kiến Đàng Trong mà Nguyên Ánh  cũng là một đại diện. Nguyễn Ánh lại đấu tranh vì quyền lợi của dòng tộc và cá  nhân.
Nguyễn Huệ muốn đập tan các thế lực cát cứ để đưa giang sơn về một mối.  Nguyễn Ánh lo bảo vệ cho chế độ chúa Nguyễn Đàng Trong của mình.
Nguyễn Huệ đặt độc lập đân tộc lên trên hết. Thù trong được đặt sau giặc  ngoài. Vì vậy khi quân Xiêm La xâm lược, việc trước tiên của ông là đánh tan  quân xâm lược Xiêm. Khi quân Thanh tràn sang, ông đã gạt bỏ mọi lực cản, lên  ngôi Hoàng đế, thống nhất nhân tâm và lực lượng, thần tốc hành quân ra bắc đại  phá quân Thanh, bảo vệ độc lập cho tổ quốc.
Trong khi đó, Nguyễn Ánh chỉ biết lo cho quyền lợi cá nhân,lại cầu cứu quân  Xiêm sang giúp đánh Tây Sơn. Đấy là chưa tính đến hành động giúp lương thảo cho  quân Thanh không thành sau khi được tin quân Thanh đã tiến vào thăng Long cuối  năm 1788.
Cái tương đồng ở hai con người này.
Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh có nét tương đồng ở chỗ: hai người đều nuôi chí lớn,  quyết thực hiện đến cùng sự nghiệp của mình, không ai có thể lay chuyển và chi  phối.
Hai con người đều có những thiên bẩm trí dũng hơn người, mưu cao, kế sâu, đầy  thao lược, luôn tạo những bước đi táo bạo, mang tính đột phá mà ít ai dám nghĩ  tới.
Chiến công hiển hách mà Nguyễn Huệ Quang Trung tạo dựng được là đánh tan các  thế lực ngoại bang xâm lược, giữ vững độc lập, mang lại niềm tự hào cho dân tộc;  tiêu diệt và xoá bỏ được các thế lực cát cứ, phân quyền duy trì hàng thế kỷ.
4. Những nghiệm số cơ bản của Nguyễn Ánh – Gia  Long.
Từ cái chết của Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh là kẻ thù biết chiếm đoạt toàn bộ  thành quả do Nguyễn Huệ làm nên và biết đưa nó đến đích, mặc dù chỉ là giải  quyết những bước cuối cùng – thống nhất sơn hà. Tuy vậy đó  cũng là một công lao to lớn của Nguyễn Ánh mà lịch sử không thể phủ nhận
Đáng tiếc, sau khi nắm toàn bộ quyền binh trong tay ông lại thực hiện những  cuộc báo thù man rợ, ít có trong lịch sử đối với một Hoàng Đế; lo thu vén quyền  binh và bổng lộc cho cá nhân và dòng tộc. Ông không biết phát huy những quy luật  phát triển mới của thời đại, lại đưa đất nước trở lại con đường mòn cố hữu lạc  hậu của lịch sử. Cũng chính vì vậy, cả dân tộc không thoát khỏi mũi súng xâm  lược của đế quốc Pháp sau khi ông tạ thế nửa thế kỷ.
Nguyễn Ánh – Gia Long và Triều Nguyễn của ông tồn tại 143 năm (1802 -1945)  với đầy thách thức vinh nhục, gắn liền với bước trường tồn của toàn dân tộc, là  một thực thế vương triều hợp pháp.
Cũng từ vương triều này đã sản sinh ra những Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân  đầy lòng yêu nước, là niềm tự hào của dân tộc.
Trên bờ Hương giang thơ mộng, gắn liền với sự tích về cuộc giao duyên huyền  thoại của Huyền Trân công chúa nghìn năm trước đã mọc lên một quần thể kiến trúc  nguy nga, độc nhất vô nhị, chứa đựng biết bao trầm tích lịch sử và tâm linh, là  di sản văn hoá vật chất và tinh thần của dân tộc. Cung đình Huế không tách rời  triều đại Nguyễn và Hoàng đế Gia Long.
Những lỗi lầm của Nguyễn Ánh là rất lớn và đáng lên án, nhưng vẫn có thể coi  ông là một vĩ nhân lịch sử, một thực thể tất yếu của lịch sử Đại Việt.
Trong danh mục những minh vương dựng nghiệp lớn, có cả tên ông.
Theo Tạp Chí Sông Hương

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Họ Vương nói::

Quyền được hách
Trong lời giới thiệu viết cho Tuyển tập Nguyễn Bính 1986) nhà văn Tô Hoài từng kể lại cái cảnh lần đầu được gặp tác giả Lỡ bước sang ngang như sau: “.. Còn nhớ Nguyễn Bính mặc bộ quần áo tây trắng đã tã, ống quần và ống tay áo cũng lờm xờm như tóc tai… Bắt tay rồi, Nguyễn Bính hỏi tôi: – Này có tiền không? Như đã biết nhau từ bao giờ. Tôi cảm động được anh hỏi han thân tình như thế. Tôi mỉm cười. Thế là, cũng chẳng đợi tôi trả lời, có lẽ cái cười hiền lành của tôi đã khiến anh thấy tôi sẵn sàng rồi. Anh sai luôn: – Vào bánh giò “Đờ măng” mua dăm chiếc nhé, năm chiếc cũng không thừa đâu. Từ sáng tớ chưa được miếng nào vào bụng”. Đọc qua cả đoạn, bạn đọc thường thường – trong đó có cả người viết bài này – chỉ mang máng đoán ra ẩn ý của Tô Hoài: hẳn ông muốn mách cho ta thấy cái nhếch nhác của đám người cầm bút lúc bấy giờ. Nhưng trong một lần nói chuyện riêng với ông, tôi được ông thổi thêm vào tai: – Nguyễn Bính tài thì tài thật, nhưng phải cái tật là tự coi mình hơn hẳn anh em, thích sai phái quát nạt, bắt mọi người phải hầu hạ phục dịch mình. Được cái thơ hay, nên người ta còn nể. Lại còn thế nữa! Tôi ngẫm nghĩ và như chợt nhận ra thêm một bài học, từ một thói quen khá phổ biến giữa những người cùng nghề, ấy là thích lên mặt với nhau, hách xằng với nhau một chút cho oai. Tôi có tài nghĩa là tôi có quyền được hách với các anh. Đây là một thứ lề luật không được ghi thành văn bản, nhưng ai cũng biết và cũng chấp nhận. Người được hách thì thích quá rồi. Mà người bị người khác tỏ ý hách cũng thầm sung sướng theo. Vậy là trong nghề của mình, mọi thứ mo-phú tuốt, chỉ có tài năng là đáng giá đồng tiền bát gạo! Tôi chịu anh! Vậy là chờ đấy, rồi đến ngày tôi viết được, cái mặt tôi có vác lên, các anh cũng chớ khó chịu! Này không chừng thằng ấy nó hách thế, là nó thách đố mình, thúc đẩy để mình cố viết không biết chừng… Ôi đã lý lẽ được như thế, thì cái sự hách thấy quý hoá quá, việc gì phải bỏ. Lại còn một kiểu hách nữa, mà giá không được nghe bằng tai mình, tôi đã không tin. Hồi còn mồ ma nhà văn Nguyễn Tuân, ông cũng nổi tiếng là kẻ cao ngạo. Nhà văn Kim Lân kể: “ấy, vào nhà mìnnh, có dò hoa nào đẹp là ông ấy tước, hoặc có cái lọ, cái đĩa nào hay hay mắt, là lúc về, ông thản nhiên cho vào cặp. Ra những thứ ấy, cái thằng mặt trắng như mình không đáng dùng, mà phải ông ấy mới đáng. Khiếp khiếp, khinh người, ngỗ ngược thế chứ. Được cái lâu ngày anh em cũng quen, chịu thày, thôi thì thầy cứ việc hách, nhiều khi đã mất của mà anh em vẫn thấy sung sướng!” Tuy Kim Lân không nói rõ, song có cảm tưởng ông ngầm bảo rằng hách thế cũng là đáng với một người có tài, nhất đấy lại là Nguyễn Tuân, đã tài lúc trẻ, lại còn tài cả lúc gì. Vâng, tài cả lúc già là chuyện ai cũng mong, nhưng không phải ai cũng làm được. Khối vị chỉ mấy quyển sách chào hàng là đọc tàm tạm, sau đó có viết ra cái gì cũng không bằng cái đầu. Trong trường hợp ấy, vô phúc mà không biết điều, rước cái tính hách vào người, không sao sửa được, thì mới thật khổ cho thiên hạ. Hãy kể trường hợp anh nhà văn nọ, mà giờ đây, cả giới chúng tôi đều gớm! Ngay từ lúc mới vào nghề, con người khôn ranh tinh quái đó đã học được toàn những đức tính sang trọng của các bậc đàn anh. Thấy ai có gì hay hay cũng muốn phỗng tay trên. Bạ ai cũng sai. Sai đèo đi nơi này, nơi nọ. Sai đi kiếm cho tao mấy cái vé. Sai ra ngoài kia kiếm bia, kiếm lạc về để chúng anh khề khà. Thậm chí, vào nhà người ta chơi ngả ngốn ở đấy, sai cả bố mẹ, vợ con người ta điếu đóm hầu hạ mình luôn thể. ấy là không kể một phương diện khác của sự hách, là cái tật hay nói, hay dạy khôn, bạ cái gì cũng dúng mồm vào, đến nhiều đám đông, chưa nghe thủng chuyện người ta đang nói đã ào ào như máy nước hỏng, thế mới chướng! Hồi đang viết được còn đỡ, gần đây, những cái viết ra nhạt nhẽo, không ai để ý nên đâm lười không muốn viết nữa. Song cái bệnh ngông nghênh hay nói thì không bỏ được, vẫn cái tính hách phô ra, người quen cũ lảng dần, mà người mới quen cũng chỉ trố mắt nhìn nhau, không hiểu nếp tẻ ra sao cả. – Tóm lại, cái đạo luật mà trên kia anh tự hào nhắc tới, rằng nhà văn có quyền hách với nhau, anh A làm bộ hách với anh B chẳng qua để kích thích anh B viết, cái đạo luật không ghi thành văn bản giờ đây đã hết hiệu lực, giới nhà văn các anh dạo này tỉnh táo, biết điều cả rồi? – Không hẳn đã đúng. Nói có thể anh không tin, chứ ngay bây giờ chúng tôi vẫn cầu mong có một ông nào đó viết thật hay và do đó dám sống thật hách, và anh em thì cứ lịm đi mà chịu cho ông ấy hành. Với một ngòi bút trẻ trung mà lại có tài, người ta dễ tha thứ lắm. Còn ở trường hợp cái ông nhà văn tôi nói về sau, gọi đúng tên thì phải bảo đó là một thói xấu tầm thường: không biết mình biết người. Và không bỏ được một cái tật đã ngấm vào mình như một bản năng thứ hai. Suy cho cùng, xằng xịt như thế không phải là hách nữa, mà là “ấm đầu” rồi, thiên hạ có lảng thì cũng là phải. Thành thử cái đạo luật không ghi thành văn bản trên kia nhắc tới vẫn đúng, chỉ có điều phải ghi chú thêm: chỉ nhân nhượng cho những người có tài, khi người ấy đang có tài. Dùng không đúng người, không đúng lúc, sẽ thành lố bịch. 22. Khi các nhà văn viết về người cùng nghề Lâu lắm rồi trong một buổi họp, tôi có được nghe nhà văn Nguyễn Đình Thi nêu một nhận xét nhỏ, song lại có ý nghĩ khái quát. – Cái vốn lớn nhất của mỗi nhà văn chúng ta nhiều khi lại chính là vốn hiểu về các đồng nghiệp. Có thể đến nay, người nói đã quên, song bản thân tôi thì còn nhớ mãi, bởi câu nói đó là một gợi ý giúp tôi giải thích sự tồn tại của một mảng văn chương khá hấp dẫn, là mảng văn chương các nhà văn nhà thơ viết về những người cùng làm nghề như mình. Vâng, đã sống với nhau trọn một đời trong nghề, thương yêu nhau có, chen cạnh nhau có, lúc vui đùa hả hê, lúc lại thư từ thông cảm với nhau hàng ngày, chúng tôi có viết về nhau thì cũng là chuyện tự nhiên. Về mặt nhận thức mà xét, có thể tin chắc là trong khi kể về nhau như vậy, nếu biết khái quát, các nhà văn cũng có thể nêu được những vấn đề chung để những người khác, ở các ngành khác, tìm thấy sự đồng cảm. Kể ra vài chục năm trước, ở Hà Nội cũng đã tự nhiên hình thành một thứ thói tục không ghi thành văn bản, song ai cũng tuân theo, đó là “không cần và không bao giờ nên viết về giới của mình”. Người cầm bút lúc đó hay xấu hổ, ở chỗ riêng tư, người ta nói với nhau rằng nhà văn mà lại đi viết về chính đám viết lách quen biết thì nó “khỉ khỉ” thế nào ấy. Nhân vật trung tâm của văn học lúc ấy phải là con người ở các ngành nghề gian khổ khác… Nhưng thôi, những trò ấy, qua đi đã lâu, giờ cũng không nên nhắc làm gì nhiều. * Vốn liếng đã sẵn, còn viết ra sao? ở đây có thể thấy những cách thức khác nhau, trong việc chế biến tài liệu. Trong một số ít trường hợp người ta chọn một cách làm kín đáo: Người viết chỉ sử dụng chi tiết về cuộc đời, lối nói năng sinh hoạt của các đồng nghiệp, rồi đổi tên và thêm bớt ít nhiều, hư cấu thành nhân vật là nhà văn nọ, nhà thơ kia. Ngay từ trước 1945, bạn đọc đã có dịp đọc mấy cuốn tiểu thuyết loại này như Mực mài nước mắt của Lan Khai, Bốc đồng của Đỗ Đức Thu. Đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, lại có Đôi mắt của Nam Cao với nhân vật chính là nhà văn Hoàng. Cách đây mấy năm một tập truyện ngắn mang trên Tình vờ đã ra đời, ở đó, số phận đau xót và kiếp sống vật vờ của đám người cầm bút được miêu tả qua cái nhìn của những Nguyễn Cong Hoan, Bùi Hiển, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Triệu Huấn, Trung Trung Đỉnh… Nhưng không phải nhà văn nào cũng viết được truyện ngắn hay tiểu thuyết, trong khi kinh nghiệm vốn liếng về người trong nghề thì đầy ắp chẳng kém ai. Để cho tự nhiên hơn và giúp bạn đọc hiểu mọi chuyện dễ dàng hơn, nhiều người gần đây có lối viết luôn về các đồng nghiệp, nhỏ thì như các giai thoại, các mẩu chuyện lớn hơn là các bài báo dài, các chân dung. Trong tình hình chung khi mà hoạt động phê bình còn yếu kém, những khô cứng và hời hợt còn kéo dài chưa biết bao giờ có cơ may sửa chữa, thì việc xuất hiện những mẩu chuyện, những bút ký, hồi ký mà ngươi trong nghề viết về nhau, quả dễ được chú ý: do sự sinh động hấp dẫn, chúng có khả năng trở thành một tư liệu giúp cho bạn đọc hiểu thêm về các sáng tác cụ thể, cũng như những con người cụ thể, đứng sau các sáng tác ấy, và suy rộng ra về cả giới cầm bút. Một người như nhà văn Tô Hoài đã làm việc này khá đều đặn, và có được cái riêng của mình. Viết về Nam Cao, ông làm rõ cuộc đấu tranh giữa lương tâm, khát vọng, với những đòi hỏi lặt vặt hàng ngày ở một trí thức lớp dưới, tự trọng nhưng lại quá nghèo. Trong khi kể lại chất nghệ sĩ tự nhiên ở Nguyên Hồng, ông không quên chấm phá vài nét thất thường, đồng bóng ở tác giả Những ngày thơ ấu. Ông nhấn mạnhv ào đôi mắt “ngơ ngơ như nhìn đâu”, để rồi dự đoán về một căn bệnh tâm lý “không bình thường” ở Võ Huy Tâm, nó khiến cho những trang viết của nhà văn này khi được khi hỏng, đoạn rất hay, đoạn rời rạc, không đâu vào đâu. Đến cả với Nguyễn Tuân, Tô Hoài cũng không khuyên ta “kính nhĩ viễn chi”, mà qua việc kể lại những ỡm ờ, xục xặc, những thành kiến trong đối xử, lại khiến ta gần cụ Nguyễn hơn. Chỉ không hiểu sao một cách nhìn phải chăng như thế của Tô Hoài hoặc trước đó, của Nguyễn Công Hoan (trong hồi ký Đời viết văn của tôi) của Vũ Bằng (trong Bốn mươi năm nói láo) không được mấy người chia sẻ, mà phổ biến hơn ở đây, lại là một cách làm ngả sang tô vẽ, nó khiến cho người ta băn khoăn, ngờ vực, và đôi khi là cả khó chịu. * Trong con mắt những người bình thường, sự sáng tạo thường được tôn vinh như là một sự thăng hoa, một hành động siêu việt, một cái gì cao đẹp đánh dấu khả năng phi thường của con người… Tất cả những điều đó là đúng, nhưng chưa đủ. Đi vào bếp núc của nghề cầm bút, lại có thể thấy một sự thực khác. Khi đã trở nên một nghề kiếm sống, cái gọi là sự sáng tạo văn chương có những khía cạnh “y chang” như mọi nghề khác. Không phải ai cũng là thần thánh cao sang mà ở đây có rất nhiều người bình thường, thậm chí đôi khi phải nói có cả… ma quỷ. Kẻ có tài xen lẫn với người bất tài. Chuyện tầm phào ồn ào thường khi che lấp chuyện nghiêm chỉnh. Đáng tiếc là đáng lẽ phải viết về nghề văn với tất cả các sắc thái ấy, thì ở một số người có lối nhìn khá phiến diện. Vô tình hoặc cố ý không biết, song chỉ thấy họ trưng ra toàn những điều tốt đẹp. Công việc hàng ngày của người viết được bao phủ một lớp hào quang, tác phẩm nào cũng ra đời nhưng một sự xuất thần trong một phút mặc khải. Hiện lên sau các trang viết thường là các nhà vứn lúc nào cũng toàn tâm toàn ý với nghề. Người này mất ăn, mất ngủ vì một câu một chữ đã viết. Người kia thân tàn ma dại, vì những khát vọng cao siêu. Mượn cách nói của khoa nghiên cứu về tiểu thuyết, có thể bảo là tới nay trong câu chuyện mà những người trong nghề kể về nhau thường nghề viết văn vẫn được đặt vào một khoảng cách sử thi, tức lý tưởng hoá, chứ chưa được tiếp cận theo lối suồng sã như là chính nó vốn vậy. Thoạt đầu, loại bài viết về đè tài này còn ít và người ta, có thể nghĩ rằng vào thuở ấu trĩ mọi chuyện như thế là khó tránh khỏi. Đến khi thấy những hồi ký, hồi ức, những kỷ niệm mẩu chuyện giai thoại xuất hiện ngày một nhiều mà cứ kéo mãi một kiểu, thì những nghi ngại bắt đầu xuất hiện. Khi một tác phẩm “thường thường bậc trung” cũng được mang ra bình tán khấn khứa, và cả những người viết làng nhàng cũng được dành cho những chữ nghĩa quá ư to lớn, người ta phải đặt câu hỏi: hay là ở đây có chuyện phỉnh nịnh đồng nghiệp, để đề cao chính mình, và lấy việc viết hồi ức, kỷ niệm, để xác lập một ít uy tín mà bằng chính tác phẩm từng người không thể làm nổi? * Có những tình thế thuộc loại tế nhị, ở đó tính mức độ dễ bị vi phạm, song bởi vậy, sự thận trọng lại càng đáng quý: chẳng hạn khi có một người viết văn qua đời. Thói thường, trước cảnh đau lòng, người ta sẵn sàng dành cho người đồng nghiệp xấu số những lời tốt đẹp nhất. Song giờ đây, khi những câu văn tế đọc bên nấm mồ cũng đã nhanh chóng trở nên văn bia vì ngay sau đó, nó được in lên mặt báo được tuyển vào sách (nghĩa là cái câu Khôn văn tế dại văn bia không đúng nữa), thì có lẽ nên bảo nhau tỉnh táo một chút. Không ai buộc anh phải nói hết sự thật về người vừa nằm xuống. Thậm chí phải thấy nói những lời lẽ ấy vào lúc ấy là bất nhẫn! Nhưng ngược lại, cũng không nên “phóng tay áo sô đốt nhà táng giấy” nói cả những điều không đúng sự thật về người vừa chết. Nhà văn Tô Hoài có lần than thở đại ý “Đọc những điếu văn với lại cảm nghĩ sau khi một nhà văn qua đời gần đây thấy hình như ai cũng là thiên tài cả, trong khi lúc họ còn sống, không phải thế!”. * Chỗ xuất phát của một số nhà văn khi đứng ra viết về người cùng nghề khá hồn nhiên và giản dị: Viết cho đời sống văn chương thêm cao sang, thêm hấp dẫn đáng yêu. Hoặc đôi khi chỉ là viết cho vui, hoặc muốn mang lại cho các đồng nghiệp, giữa cuộc đời buồn tẻ, một tí an ủi. Quả thật, nghĩ vậy, thì viết như vậy, cũng không có gì là lạ. Rồi bạn đọc cũng chỉ xem những lời ta ve vuốt nhau ấy như một cái gì vui vui, ngồ ngộ, đọc đấy mà cũng quên đấy. Trong khi ấy, quanh chuyện này, có thể có cách nghĩ khác. Người viết coi mỗi khi đặt bút viết về đồng nghiệp là một dịp tự nhận thức. Từ những dòng viết sâu về nghề văn, học muốn hiểu thêm về năng lực và giới hạn của con người. Qua bóng dáng của một cây bút, họ muốn phác ra một mẫu người thời đại. Rồi ra, bạn đọc sẽ đối xử với những trang viết ấy ra sao, không nói chắc mọi người cũng biết. Chỉ xin lưu ý thêm rằng: để có được những trang viết như thế, mỗi người không chỉ cần có sự chân thành, lòng tốt, mà còn đòi hỏi cả sự dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật, cũng như khả năng vượt lên chính mình để đánh giá nghề mình một cách khách quan. Nói nôm na tức là ở đây cần có sự biết điều, không tự huyễn hoặc vô lối. 23. Về một loại tiểu thuyết “ám chỉ”, “thóc mách” Nói một cách văn vẻ thì hình như dạo này khoảng cách giữa hiện thực được miêu tả trong các cuốn tiểu thuyết và chính cuộc đời thực đang được thu hẹp lại. Nhưng mà nhiều người không thích lối nói khái quát vậy. Người ta nói toẹt ra: – Hết khôn dồn ra dại, dạo này bọn nhà văn toàn mang chuyện có thật vào sách. Nghĩa là chỉ tên người, tên địa điểm thay đổi thôi, còn tất cả i xì. Đọc vui đáo để. Những lời xì xào chung quanh một số cụ thể nghe càng có sức khêu gợi hơn và do đó, là độc ác hơn. – Này đọc cuốn… chưa? Chuyện ngành X. đấy! Giới quan chức ở đấy cay lắm, nhưng nói ra tức là lạy ông tôi ở bụi này, nên phải ngậm bồ hòn làm ngọt. – Cậu dở quá, nhân vật hoạ sĩ trong cuốn tiểu thuyết ấy chính là lão A, chứ còn ai khác nữa? Cả bề ngoài cũng giống hệt. – Tôi nhận ra rồi, nguyên mẫu của các nhân vật được tả kỳ này toàn người cơ quan sừ ấy cả. Từ nay trở đi thấy sừ ở đâu là phải biến cho nhanh mới được. Bạn bè đấu hót cho lắm vào, để rồi, lúc thiếu tài liệu, sừ lại đưa mình vào sách sớm! – Tôi chắc nhuận bút cuốn tiểu thuyết này vợ hắn phải đòi giữ để tiêu riêng một nửa. Toàn lời lẽ của cô ta khi cãi nhau với chồng mà. Thật là bôi gio trát trấu vào mặt. Nhưng thôi, một người chịu tiếng để nhiều người khác có lợi, có thế chúng ta mới biết là mình và người quen mình đang sống như thế nào! * Viết được một quyển sách đã thú. Viết được một cuốn sách để xung quanh xì xào bàn tán, sự thú vị còn nhân lên gấp nhiều lần. Nên chi, khi nghe được một trong những lời đồn thổi nói trên, một người viết văn quen tôi chỉ cười trừ. – Thì cái nghề cầm bút nó vậy! Đến ông Tolstoi vĩ đại là thế còn mang chuyện gia đình mình vào sách nữa là tụi tôi? Có mỗi cái thực tế mình thông thạo nhất, tội quái gì không viết. Về lý mà xét, sách của tôi là tiểu thuyết chứ đâu có phải người thật việc thật! Một nhà phê bình khi được yêu cầu bình luận về chuyện này cũng đã bày tỏ lập trường một cách rành mạch. – Nên nhớ rằng xuất xứ của tiểu thuyết không gì khác là chuyện ngồi lê đôi mách. Chả thế mà cả ở phương Đông lẫn phương Tây, tiểu thuyết thoạt đầu thường bị khinh rẻ cho rằng không đáng gọi là văn học; và chỉ sau này khi biết mang lại cho những chuyện ngồi lê đôi mách đó một ý nghĩa khái quát, tiểu thuyết mới được công nhận là một thể tài bình đẳng với mọi thẻ tài khác. Vậy hãy để những lời đồn đại đó sang một bên, và dựa vào tác phẩm mà có sự đánh giá cho cụ thể. Công việc của người viết phê bình không bao giờ lại bao gồm cả cái việc đối chiếu những hình tượng nhân vật được vẽ nên trong cuốn sách với nguyên mẫu (nếu có) của chúng cả. Được lời như cởi tấm lòng, nhà văn sung sướng gật đầu: – Vậy là coi như tôi trắng án, hả? * Bây giờ mà nói chuyện lương tâm, không chừng bị kêu là cổ! Nhưng giữa những người kiên trì bàn chuyện lương tâm, bao giờ cũng còn những nhà văn. Bởi vậy, tôi tin sau những câu chuyện trên đây, nếu không phải tất cả, thì vẫn còn một ít người cầm bút động lòng. Vâng, gạt những điều người ta đồn bậy về từng quyển sách sang một bên, thì nói cho cùng vẫn có việc đó: việc các nhà văn lấy chuyện những người quen mình, gần gũi mình ra để viết. Mà đã có việc đó, tức là có dịp để người ta nghĩ ngợi: bộ mặt thực của con người là như thế nào? Khuôn mặt người được nói tới, thật ra nhiều khi cái đó còn khá lờ mờ. Nhưng khuôn mặt kẻ đi nói về người khác, cái đó mới thật rõ, thật minh mạch, không ai giấu nổi, sau mỗi tác phẩm. Để kiểm tra có thể nêu ra hàng loạt câu hỏi: – Có chắc chắn rằng việc đó đã được làm một cách thận trọng, hay không ít phen người ta đã viết về nhau khinh xuất, cẩu thả, theo những thành kiến tầm thường? – Có chắc những việc đó đã được làm một cách vô tư hay khi vô tình khi hữu ý, người ta chỉ viết để thoả mãn thù hận, thậm chí như là dùng giấy mực để khủng bố nhau nữa? – Có chắc những việc đó đã được làm vì một yêu cầu nhận thức cao cả, yêu cầu nắm bắt sự thực về con người, về xã hội hay chẳng qua chỉ là câu chuyện túng cái viết quá thì mang nhau ra giỡn chơi, mỗi cuốn sách kiếm vài triệu rồi… phủi tay hết chuyện? Trả lời những câu hỏi đó là việc riêng của từng nhà văn, không ai làm hộ được. Còn về phần những người được (hay bị) mang ra làm tài liệu cho cuốn sách thì sao? Nói cho cùng, biết chắc rằng viết về mình là kẻ không trong sáng, lại đi một nhẽ, kẻ đi bôi xấu người khác trước tiên chuốc lấy tiếng xấu về mình, đấy là lẽ thường. Chỉ có điều ngại: Nhỡ ra, xoay đi tính lại, rút cục thấy người ta viết về mình hình như chính xác, cái đó mới phiền. Bấy giờ cũng chỉ còn cách tự an ủi: – Thôi, chưa biết làm nên công trạng gì, nhưng đời mình cũng đã được cái việc là làm tài liệu cho một cuốn tiểu thuyết… đứng đắn. Không biết có ai chịu nghĩ như thế? 24. Xuôi và ngược Giờ đây, “ngoại tình” không còn thu hẹp ở nghĩa đen vốn có, mà đã được sử dụng khá phóng túng. Bất cứ nơi đâu có hiện tượng con người đang hoạt động ở lĩnh vực này lại liếc mắt đưa tình sang lĩnh vực khác, chòi sang đó, xoay xở, kiếm chác, đều được người ta gọi đùa… một cách xác đáng là “ngoại tình” ấy cũng là điều xảy ra với giới sáng tác. Từ thế kỷ XIX về trước, phần lớn các nhà văn nhà thơ ở ta vốn là những ông quan. Cai trị dân là việc chính của họ. Sáng tác chỉ là việc làm thêm những lúc rỗi rãi, viết xong để đấy, chờ đọc cho bạn bè nghe, chứ không hề có chuyện gửi đăng ở một tờ báo, đề nghị một nhà xuất bản nào đó cho in để lấy mấy đồng nhuận bút còm như bây giờ. Tóm lại, viết vì tình chứ không phải vì lợi. Đại khái tình thế của các cụ khi ấy cũng là tình thế của văn hào Nga Tchékhov. Ông nhà văn này vốn học nghề bác sĩ, lúc trẻ từng làm ở các nhà thương, mở phòng mạch, khi đã nổi tiếng trên văn đàn rồi vẫn không quên việc đi khám chữa bệnh cho người nghèo. Có lần ông bảo nghề y là vợ chính của mình, viết văn chỉ là một thứ tình yêu thêm thắt. Có điều, khá nhiều đứa con tinh thần ra đời từ những cuộc ngoại tình này của Tchékhov cũng như của các ông quan – nhà thơ tài năng xưa, lại là những đứa trẻ lực lưỡng đúng như nhận xét của nhân vật Edmund trong vở kịch Vua Lia của Shakespeare: “Sao lại là con hoang? Sao lại ti tiện? Ra đời từ một cuộc ân ái nồng say của bản nhiên tính người, ta lại chả hơn hàng xâu hàng xốc bọn người ngẩn ngơ vơ vẩn, tạo nên trên những cỗ giường rầu rĩ chán chường, sau những cuộc giao hoan ngái ngủ hay sao?” Kiểu sáng tác “nghiệp dư” ấy, dĩ nhiên đến nay, ở xã hội ta, vẫn đang tồn tại. Nhiều cán bộ ở các ngành chính trị, quân sự, kinh tế, ngân hàng… đã sống cả đời với nghề của mình rồi, vẫn không quên văn chương, thường xuyên ngứa ngáy muốn đọc muốn viết, và trong không ít trường hợp đã viết được những trang sách cảm động. Có thể bảo lối ngoại tình xưa vẫn được tiếp tục và có cái khía cạnh đáng khuyến khích của nó. Có điều đến thời chúng ta, cũng trong phạm vị văn học hôm nay, lại nảy sinh một loại ngoại tình khác. So với loại nói trên, nó diễn ra theo chiều ngược lại. Sau một ít sáng tác trình làng, một số cây bút tạm gọi là có năng lực được điều về làm việc ở các cơ quan báo chí – xuất bản, những bệ phóng của sự sáng tác văn học. Phải nói, trong hoàn cảnh Việt Nam, đấy đã là một cách để giúp đương sự chuyên nghiệp hoá ngòi bút, một điều mà các ông quan ngày xưa có nằm mơ cũng không thấy. Phiền một nỗi, trong khi một số người càng viết lên tay, do đó càng phấn chấn chuyên chú về nghề, chỉ tâm tâm niệm niệm là suốt đời chung thuỷ với nghề, thì lại có một số khác càng đi sâu vào công việc, càng hiểu rằng thực ra mình đã nhầm, năng lực của mình rất hạn hẹp, mình sẽ không bao giờ viết được cái gì khá hơn so với mấy sáng tác ban đầu. Có điều nghề này lạ lắm, anh có chán nó mấy nhiều khi nó cũng không chịu buông tha để anh đi với nghề khác. Luôn luôn nó dỗ ngon dỗ ngọt, rồi hứa hươu hứa vượn với anh, rằng có thể mai đây sự thể sẽ khác. Và anh e sợ! Quả thật, đã vào nghề này rồi, giờ lại có gan nói bô bô lên rằng mình không có khả năng, rồi rút lui, chuyện ấy khó lắm. Bấy giờ mấy cây bút bất đắc dĩ này sống với văn chương chẳng khác chi những cặp vợ chồng đã trót đi đăng ký kết hôn, không chừng đã có mấy mặt con với nhau rồi, mà tự nhiên mắc chứng lãnh đạm, hết hẳn nỗi hứng thú khi phải chung chạ! Không có gì lạ, nếu thấy họ cũng tìm cách ngoại tình và tuỳ hoàn cảnh, mỗi lần sự dấm dúi ngang tắt của họ lại hiện ra một khác. Đại khái hồi còn bao cấp đủ sống, mấy người ấy có lối lăng xăng tích cực trong các công việc không phải văn chương (của đáng tội nhiều khi vốn rất cần cho xã hội và nếu không ai chịu làm thì cũng không tiện!). Họ làm các việc đó một cách hào hứng, vô tư, để rồi có cớ mà nhăn nhó với mọi người rằng dạo này bận quá, không lấy đâu ra thì giờ để ngồi trước trang giấy trắng nữa. Gần đây, văn chương không được bao cấp, viết lơ mơ thì không đủ sống, mà thực ra trong bụng chả có đề tài gì ủ sẵn để “đói cũng viết, khổ cũng viết”, mấy người này liền xoay ra buôn dở. Họ chạy đôn chạy đáo cơ sở này, trung tâm khác, lấy tiếng là viết văn viết báo cần làm quen với thực tế, song tình thực là mắt la này lét chờ xem có dịch vụ gì thì đánh thuê, có món hàng nào cần tiêu thụ thì mối lái, chỉ trỏ! Có thể sau những lần “thâm nhập đời sống” ấy, họ vẫn phải trương tên mình sau một vài bài báo, để tiện bề làm ăn, song thực ra là viết cho phải phép, chứ tâm chí đâu còn để vào trang viết nữa. Cứ thế, họ ngoại tình dai dài, ngoại tình đấy mà trên danh nghĩ vẫn chung thuỷ với cô vợ tao khang là cái nghề cũ và có ai hỏi vào thực chất thì sẵn sàng chối. Như trên đã nói, chỉ nhà văn thời nay mới có kiểu ngoại tình thứ hai này, nó đang còn khá kín đáo, nên cũng chưa thấy xã hội có ý kiến gì hết. Còn những đứa con hoang ra đời sau những vụ ngoại tình này cố nhiên không phải là sáng tác, mà chỉ là một ít tiền của, song nghe đâu cũng còm nhom thảm hại lắm. 25. Những cách tự tô vẽ Chưa biết nội dung ra sao, nhưng một cuốn sách bìa đẹp, giấy trắng trông lại dày dặn – loại sách có gáy như tiếng trong nghề vẫn nói – đã gây ấn tượng về một cái gì chững chạc. Đấy là điều mỗi người trên đời đều biết và các nhà làm sách thời nay càng biết. Đối với người viết tiểu thuyết thì cái đó hơi khó. Phải thêm chương thêm hồi, thêm nhân vật, phải xoay lại cả bố cục. Toàn chuyện rắc rối nên người ta ngại đụng tới. Đa số các tiểu thuyết của ta hiện nay vẫn khoảng ba bốn trăm trang gì đó là cùng. Riêng đối với người soạn sách thì con đường mở ra lại khá thênh thang. Giả sử phải tập hợp các tài liệu về một vấn đề gì đó, hoặc chung quanh một tác giả nào đó. Thời mọi người còn làm ăn tử tế, cái việc biên soạn ấy được quan niệm là việc đẽo ngọc trong đá: anh phải giúp cho bạn đọc tiếp xúc với những gì gọi là tinh hoa của văn bản. Từ một tài liệu mươi mười lăm trang, anh phải rút ra lấy một hai trang nó là cái phần thiết cốt nhất của tài liệu. Có thế, mới gọi là biên soạn. Nhưng đấy là chuyện “xưa” rồi. Nhiều cuốn sách gọi là biên soạn thời nay, chẳng có biên hay soạn gì hết, nhặt được bao nhiêu tài liệu, người ta mang vào sách hết. Có hai cái lợi cùng lúc xảy ra: Một là chả cần lao tâm khổ tứ cắt gọt, cho nhọc vào thân, và hai là cuốn sách mà mình đứng tên biên soạn lại dày dặn thêm. Thế thì tội gì chẳng làm? ở các nước vẫn vậy, mà ở ta hồi trước 1985 cũng vậy, sách được in ra theo lớp lang và việc xếp nó vào thể loại nào đã là một việc định giá rõ ràng. Chỉ có những tác giả đang được coi là lớn, sau một đời lao động vất vả, mới được quyền ra tuyển tập. Hoặc như cái việc in ảnh ta ngay ra ngoài bìa một cuốn sách. Đấy lại càng là những sự đặc ân, người ta chỉ dành cho những trường hợp siêu hạng. Nay thì mọi việc lộn phèo tất cả. Một người mới viết độ dăm bảy năm, chưa gây được ấn tượng nào với những người trong giới và dư luận nói chung, cũng tự đứng ra làm Tuyển tập. Có phải vì người đó không biết rằng như vậy là đã làm sang cho mình không? Tôi nghĩ là họ có biết. Chẳng qua thấy múa võ mãi chẳng ai xem thì dùng một chút tiểu xảo làm oai thêm. Đến như cái chuyện một tác giả để ảnh mình ngự ngay trên bìa một thì khỏi phải nói! Nó giống như tình cảm trước khi vào một khu vườn, người ta bắt gặp bức ảnh to tướng của chủ nhân đặt ngay trước cổng. Chưa biết bên trong hoa thơm quả ngọt thế nào, nhiều người thấy lối trình diện như vậy, đã tính chuyện… chuồn thẳng. * Có những nhà văn nhà thơ đáng kính, và điều đầu tiên khiến cho người ta kính trọng ông, là cả đời ông rất thận trọng, chỉ cho in ra dăm bảy truyện ngắn, hoặc vài chục bài thơ. Bởi vậy, lẽ tự nhiên là lâu lâu tác phẩm của ông được in lại đấy là một việc làm hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, không hiểu do tác giả muốn hay do nhà xuất bản xui dại, tự nhiên thấy có tình trạng như sau: Giả sử nhà văn X có một tập truyện ngắn gồm mấy truyện A, B, C, D và xưa nay, cả tập vẫn đặt tên chung là A, và nói tới ông X, người ta chỉ nhớ tới tập A. Đùng một cái, thấy trên các cửa hàng sách bày ra một tác phẩm của ông, dưới cái tên B. Tưởng là một tập mới, người đọc đổ đi tìm. Hoá ra vẫn tập cũ dọn lại, xưa là A, B, C, D thì nay là B, A, C, D. Sự kính trọng nhà văn nếu không giảm đi thì cũng chẳng tăng lên được chút nào hết. * Tâm lý thông thường của bạn đọc là khi thấy nói một cuốn sách được in tới lần thứ năm thứ bảy thì phục lắm. Chắc loại tác phẩm hay nên mới được in lại luôn. Có lẽ cũng hiểu điều đó nên có nhà văn tìm cách trình bày mình rất khéo. Không phải anh ta nói dối, anh ta cũng nói thực thôi, ví dụ sách in n lần thật, nhưng mỗi lần chỉ độ vài trăm cuốn, và phát hành trong phạm vi hẹp, ở khu vực tác giả công tác, dư luận chung hầu như biết rất ít. Thành ra nghe thì rất oai mà thực chất chẳng có là bao. Các đồng nghiệp chỉ được một phen tặc lưỡi: “đúng trò láu cá”. * Người ta thường nói: đôi khi do tự ti quá, mà một người phải nói khoác, trong một số trường hợp nói trên, sự tình đúng là như thế. Đang thời văn chương ế ẩm nên cả nhà xuất bản lẫn tác giả đều gặp nhau ở ý tưởng là phải trương mọi thứ lên cho thật kêu. Biết đâu, đấy lại chỉ là một cách tự thú rằng tình thế đang khá… bí bét. 26. Nỗi lo quá sang trọng! Người ta không nói gì mới khi bảo rằng Nguyên Hồng là một người dễ cảm động và rất mau nước mắt. Tuy nhiên, câu chuyện sau đây của một nhà văn trẻ, thì thật là lạ: Tại một trại viết nhà văn ấy được dự, Nguyên Hồng ở trong ban phụ trách và ngoài vài bài giảng về kinh nghiệm sáng tác, ông cũng ngồi viết như anh em. Vốn tính tinh nghịch, nhà văn học viên kia có lần rủ mấy cậu bạn đến quan sát cách làm việc của thầy, nói nôm na là rình trộm xem Nguyên Hồng viết ra sao. Quả nhiên thấy tác giả Bỉ vỏ thỉnh thoảng khóc thật. Đến khi tìm cách lai vãng tới gần để xem cái đoạn thầy mình vừa viết vừa chấm nước mắt là đoạn nào, rồi làm cuộc so sánh, thì mới trậc khấc ra: nó không hay bằng các đoạn khác, Nguyên Hồng viết lúc tỉnh táo. Thì ra, sự xúc động là yếu tố cần thiết, nhưng bản thân nó không làm nên văn chương. Để đạt tới những trang viết mang tính sáng tạo thực sự còn cần đến khâu tổ chức công việc, cần kỹ thuật thể hiện… tóm lại là cần đến lý tính. Mỗi khi bàn về sáng tác, Thạch Lam thường không quên nói về sự xúc động. Trong cuốn Theo dòng mỏng mảnh, ông đã viết ở nhiều chỗ khác nhau rằng “sự thành thực mới là cái then chốt của nhà nghệ sĩ. Muốn viết một tác phẩm bất hủ, một t ác phẩm mà giá trị không theo thời, ta phải để hết nỗi rung động trong tác phẩm đó”, “Chúng ta cứ là chúng ta, với cái tâm hồn và bản ngã thật của chúng ta”. Nhân những câu ấy của Thạch Lam và nhiều câu tương tự ở các nhà văn khác, một số người gần đây tìm được lý do để thuyết minh cho chất lượng các trang viết của mình. Một số bạn đang loay hoay viết thử, đến trao bản thảo cho nhà xuất bản, thường không quên khẩn khoản nói với các biên tập viên: “Nhờ các anh đọc kỹ cho, cái này tôi viết rất thực, toàn chuyện của tôi cả”. Khi cần giới thiệu nhau trên mặt báo, một số cây bút cũng có thói quen lưu ý bạn đọc rằng bài thơ này, hay cuốn truyện kia, bạn mình đã viết rất thành thực, và yên tâm rằng nói thế là đủ, không ai thờ ơ nổi với bạn mình nữa. Người ta đâu có để ý rằng ngay trong cuốn Theo dòng ấy, Thạch Lam cũng đã viết: “Sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật”. “Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ”, Và để nhấn mạnh sự dụng công của người sáng tác, ông dẫn lại một câu của A.Gide “Có hai mươi cách diễn đạt ý tưởng, nhưng chỉ có một cách là đúng”. Có một lý do để một số người viết văn thích nói tới sự xúc động chân thực, ấy là ở họ thường thấp thoáng nỗi lo: lo khéo quá, rồi rơi vào gọt giũa giả tạo. “Làm sao giữ được tự nhiên, mới là cái khéo lớn. Chứ công phu kỹ càng ư, tầm thường lắm”. Không ít người sẵn sàng ký tên sau những tuyên ngôn lớn lao như vậy. Tìm hiểu quá trình phát triển các nghề thủ công ở ta, các nhà nghiên cứu nói chung đi tới nhận xét là những năm gần đây, thợ khéo ngày một hiếm. Giá cần đúc lại những cái chuông xưa, dựng lại những ngôi chùa xưa, thợ bây giờ không làm nổi. Chưa nói đâu xa, ngay bên sân khấu chèo, người ta cũng nói rằng giờ đây không có những nghệ sĩ khổ luyện để đạt tới trình độ của những bà Cả Tam ông Năm Ngũ ngày xưa. Nếu như trước kia, trong những cảnh cảm động, nghệ sĩ biểu diễn thật tiết chế, thật tinh giản, xúc động kìm nén trong lòng, bề ngoài bình thản như không, mà người xem không nén nổi nước mắt, thì giờ đây có tình trạng ngược lại: trên sân khấu diễn viên khóc thảm thiết, còn ở dưới, người đứng xem dửng dưng, thậm chí thấy buồn cười. Đã rõ là cái tình trạng sút giảm về tay nghề cũng đang có trong văn chương. Xưa, người trong giới thường vẫn truyền tụng nhau rằng Nguyễn Tuân giỏi về tả gió, mà Nguyên Hồng thì nhất về tả nắng. Nay, ít thấy ai có những ngón nghề chuyên nhất như vậy. Còn trong các sách giáo khoa, khi cần lấy mẫu cho một bài văn tả cơn mưa đầu mùa, người ta vẫn chọn Tô Hoài. ở đây không ai nhận vơ được. Thế thì tại sao nhiều người giờ đây vẫn cứ thích nhấn mạnh tới sự xúc động, hơn là kỹ thuật? Thứ nhất, nêu vấn đề kỹ thuật thì phải tính chuyện học hành rồi thể nghiệm, nhiều việc khổ công phiền phức. Thứ hai, nỗi lo rơi vào tình trạng khéo tay “điêu trùng tiểu kỹ” là một nỗi lo sang trọng, thường chỉ có ở các nhà văn lớn. ồ, tỏ ra nhà văn lớn, lại khỏi vất vả, thích lắm!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Viết mãi cũng chán!











Ngáp cực quyền.



Yêu là phải kiêu.









Công khai minh bạch - nổi hạch toàn dân hehe.



Phép nhét trĩ khi bí hí hí...



Vật chất quyết định ý thức @ anh Mác râu.



Hót gơ lỡ vận.

\

Hót boi soi gương



Tướng già ra trận hố hố...



Bạn anh Bín.



Tiễn một người đi...



Dân oan và công nghệ chế tạo.



Há há..., đá cho tốt vào nhá.



Sự đối lập của hai cặp phạm trù chiết học.



Xì hơi hay máu rơi?



Bên bờ ao nhà mềnh...

Nguồn: nhặt trên NET
Phần nhận xét hiển thị trên trang