Minh quân thì đã không có kẻ dám nịnh. Chỉ vua tối (hôn quân) mới có đám nịnh thần bên mình thì thượng phương hay sớ tấu của những người ngay cũng khó làm gì nổi. Đó là bi kịch của quốc gia, muôn đời đều đúng.
Vua Trần Minh Tông với thầy giáo Chu Văn An ra làm việc nước và giao phó việc giáo dục quốc gia cũng như ngôi báu của triều đại mình không phải do đỗ đạt cao trong trong các cuộc thi của triều đình mà chủ yếu do danh tiếng của thầy. Thầy Chu Văn An cũng là người đứng đầu Văn Miếu Quốc Tử Giám mà KHÔNG có danh vị tiến sĩ, một phẩm cấp do triều đình ban. Đó cũng là một nét đặc biệt của nhà Trần trong việc dùng người ở thời thịnh trị.
Ở tòa Đại Bái trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám có một bức tranh phi đại tự khắc 4 chữ Hán "Vạn thế sư biểu". Đó là vinh danh của người trung hoa dành cho Khổng Tử, nhà tư tưởng triết học cũng là người thiết kế cho nền thiết chế chính trị có ảnh hưởng sâu sắc đến thiết chế hình trị có ảnh hưởng sâu sắc đến đế chế Trung Hoa qua các thời và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều quốc gia ở Đông Á và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều quốc gia ở Đông Á, trong đó có Việt Nam ta.
Không phải tự nhiên mà triều đại nhà Lý ngay sau khi định đô ở Thăng Long đã kế thừa và phát triển tới một đỉnh cao mới - nền văn hiến của dân tộc ta đã sớm dựng miếu thờ Khổng Tử tại trung tâm kinh thành và gắn liền với Quốc Tử Giám nơi đào tạo hiền tài cho quốc gia... Và trong lịch sử nền văn hiến Việt Nam, Khổng Tử cũng như nền văn minh Trung Hoa có một vị trí bền vững trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam truyền thống. Nhưng trong nền văn hiến ấy, nền quốc học của dân tộc ngày càng định hình và trở thành nền tảng sức mạnh dân tộc với sự hình thành các hệ thống giá trị và sự đóng góp của các gương mặt trí thức lớn của dân tộc qua các triều đại trong lịch sử... Một trong những gương mặt nổi bật gắn liền với Văn Miếu - Quốc Tử Giám là thầy giáo Chu Văn An thời Trần.
|
Tượng thầy giáo Chu Văn An tại trường tiểu học Chu Văn An, TP Vĩnh Long. |
Chu Văn An là một người thầy hẳn không đỗ đạt cao. Tiểu sử của Chu Văn An cũng không thấy nói đến việc thi cử hay học vị của thầy. Trong tiểu sử chỉ thấy nói đến thầy từng là thái học sinh (được theo học ở Quốc Tử Giám ) rồi mở trường ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch ở kinh thành Thăng Long. Người xưa có nếp hành sử "tiến vi quan, thoái vi sư " có nghĩa là học hành đỗ đạt thì ra làm quan, coi đó là một cách cống hiến cho đời và vinh danh gia tộc; nếu không đỗ đạt thì trở về với nghề dạy học, đào tạo các lớp học trò nuôi chí làm quan và cũng bổ sung cho nguồn thầy của nền giáo dục nặng tính dân gian nhưng luôn hướng tới nền thi cử của quốc gia.
Thầy Chu Văn An sinh năm 1292 mất năm 1370, không phải vào thời thịnh trị của nhà Trần, một triều đại đã để lại những thành tựu vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với ba lần tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông trong một thời đại từ lần đầu đến lần cuối cách nhau ba thập kỷ (1258 - 1288).
Nói cách khác, Chu An (tên thực) ra đời tại làng quê ven kinh thành Thăng Long, làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm nay là Thanh Trì, Hà Nội, vào thời điểm dư âm của những năm tháng chiến tranh hào hùng mới dứt có 4 năm, vị nguyên thủ quốc gia, cũng là người anh hùng dân tộc của hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông, Trần Nhân Tông, vẫn còn tại vị. Một năm sau (1293), ngài mới nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên Yên Tử lập dòng Thiền Trúc Lâm và viên tịch khi thầy Chu Văn An đã 16 tuổi (1308).
Những cái mốc thời gian nay cho thấy tuổi thơ của Chu Văn An vẫn được sống trong cái thời thịnh trị của triều đại nhà Trần mà hình tượng tiêu biểu nhất và có ảnh hưởng nhất cả trong triều và ngoài dân gian là Phật Hoàng - Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông. Nhưng phải chăng, tựa như đã thành một quy luật, sau những chiến thắng huy hoàng của các cuộc chiến tranh vệ quốc, chính sự quốc gia luôn đứng trước những thử thách diễn ra ngay trong lòng những "người thắng cuộc".
Người kế vị Trần Nhân Tông là Trần Anh Tông lên ngôi khi mới 17 tuổi nhưng còn được vua cha, ở cương vị Thái Thượng Hoàng, tuy đã xuất gia những vẫn để mắt tới công việc triều chính của vua con. Và chính vị vua vẫn còn thừa hưởng hào khí "Đông A" của thời chiến tranh vệ quốc vẫn giữ được chính trực, cận dân để hàn gắn vết thương chiến tranh và vẫn trọng dụng trong triều những nhân vật được coi là hiền tài như Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Như Hài.
Trần Anh Tông cũng được trải nghiệm thời đại hào hùng của vua cha nên tâm hồn thi sĩ của ông còn hướng tới những bài vịnh sử hay bàn về đạo Thiền...Và chính nhà vua đã chọn thầy giáo Chu Văn An vào kinh làm Quốc Tử Giám tư nghiệp, nói nôm na là vị hiệu trưởng của nơi đào tạo nguồn nhân lực quan trọng của quốc gia, lại trực tiếp trông coi việc học hành của thái tử Trần Vượng sau này lên ngôi có tên thụy là Hiến Tông.
Cho đến nay, chính sử viết về Chu Văn An như sau: "An (người Thanh Đàm) tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tính tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì thấy mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử Giám Tư nghiệp, dạy thái tử học "(Đại Việt ký sự toàn thư).
Điều đó cho thấy, lý do vua Trần Minh Tông với thầy Chu Văn An ra làm việc nước và giao phó việc giáo dục quốc gia cũng như tương lai ngôi báu của triều đại mình không phải là do đỗ đạt cao trong các cuộc thi của triều đình mà chủ yếu do danh tiếng của thầy. Chu Văn An cũng là người đứng đầu Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà không có vị tiến sĩ, một phẩm cấp do triều đình ban. Đó là cũng là một nét đặc biệt của nhà Trần trong việc dùng người ở thời thịnh trị.
Vua Trần Anh Tông tai vị 21 năm (1293- 1314) thì noi gương của cha, lại trao quyền cho con trai Trần Hiền Tông để làm Thượng hoàng nhưng không xuất gia mà chỉ còn vương vấn đôi chút với đạo thiền qua vài áng văn sáng tác. Cái phai nhạt đối với đạo Phật cũng song hành với sự bành trướng của Nho học, nguồn lực để củng cố địa vị thống trị của các triều đại phong kiến. Nhưng với triều Trần thì nó cũng báo hiệu cho một sự suy thoái chỉ diễn ra sau đó không lâu, ngay dưới hai triều đại của hai người con của Trần Anh Tông. Đó cũng là thời kỳ mà thầy giáo Chu Văn An thể hiện được những phẩm chất và tạo nên vị thế lich sử của mình.
Trần Hiến Tông sinh năm 1319, lên ngôi năm 1329 tức là mới lên 10, ở ngôi được trong một giáp 12 năm thì băng hà (1341). Điều đó cho thấy, thầy Chu Văn An ngoài thời gian chăm lo việc học khi nhà vua còn là thái tử hẳn vẫn còn ảnh hưởng và qua lại với học trò của mình khi đã ngôi yên trên ngai vàng(!?). Đương nhiên, dưới triều Hiến Tông ảnh hưởng của Thái thượng hoàng Trần Minh Tông là rất lớn. Do vậy mà trong sử chép đây vẫn là một thời kỳ ổn định của nhà Trần. Và có một đặc điểm là suốt 12 năm cầm quyền, Hiến Tông không mở một cuộc thi nào và năm Đinh Sửu (1337) xuống chiếu ra lệnh cho các quan trong triều hay ngoài các lộ xem xét cân nhắc những người nào siêng năng cẩn thận thì giữ lại còn thì truất bỏ các quan chức không làm được việc.
Cái chết của vị vua thứ 6 của triều đại nhà Trần, buộc Thượng hoàng Trần Minh Tông phải chọn người con thứ 10 của mình tức là là em của Hiến Tông tên là Trần Hạo lên ngôi vua ( thụy là Trần Dụ Tông). Vị vua thứ 7 nay tại vị được những 28 năm (1341 - 1369) đã từng được sử sách ngợi ca là "tinh thông, học vấn, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di thần đều phục, chính sự tốt đẹp". Đó là đoạn chép gắn liền với giai đoạn đầu cầm quyền của Dụ Tông mang niên hiệu "Thiệu Phong" (1341 -1357), đó cũng là thời mà thượng Hoàng Minh Tông còn sống.
Năm 1357, Thượng hoàng Trần Minh Tông băng hà. Đó cũng là thời điểm Dụ Tông toàn quyền, đổi niên hiệu là "Đại Trị" (1358-1369). Nhưng tiếc thay, đó cũng là thời điểm không chỉ triều đại của Dụ Tông mà cả triều đại của nhà Trần bước vào thời suy thoái dẫn đến suy vong. Trái ngược hoàn toàn với thới "Thiệu Phong" tất cả các sử sách đều viết "Từ năm đại trị về sau (vua) chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy vong từ đó".
Trong sử sách và trong dân gian ghi chép nhiều điều khác thường ở ông vua nay. Là vua, một mặt vẫn giữ được chất vương giả dân dã lập vườn trồng rau, ban thuốc và phát chẩn cho dân nghèo, tổ chức cuộc thi các trò tạp kỹ v.v...nhưng cũng sa đà vào những thói xấu chốn cung đình xây đắp cung phủ, mở sòng bạc trong cung, ăn chơi sa đọa, ham mê tửu sắc v.v...
Có một chi tiết mà trong sử sách hay dân gian đều nhắc tới như một lời răn lịch sử là sự cảnh giác với những mưu mô từ phương Bắc tới. Với Dụ Tông, câu chuyện liên quan đến việc vua bị ngã xuống Hồ Tây nhân lúc cùng các vương phi cung nữ thưởng nguyệt vào đêm trung thu năm kỷ mão (1339). Vua chết đuối nhưng được một thầy Tàu tên Trâu Canh dùng thuật châm cứu chạy chữa.Vua được cứu sống, nhưng bị một di chứng là liệt dương. Rồi viên thầy thuốc phương Bắc lại dâng một phương thuốc kỳ quặc để chữa bệnh liệt dương là giết trẻ con lấy mật, thông dâm với chị hay em gái ruột sẽ khỏi. Dụ Tông vẫn mù quáng làm theo. Sử chép vì khỏi bệnh mà Trâu Canh càng được vua tin dùng, thăng thưởng rất cao... Vì thế triều đại của Dụ Tông ngày càng mê lạc, đến mức vua đi chơi đêm bị cướp cả ấn báu với gươm báu...
Vì thế mà Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: "Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước. An (Chu Văn An) khuyên can (Dụ Tông) không nghe lời, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ". Sớ dâng vua nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê".
Thật ra Chu Văn An về Chí Linh, nơi non thiêng mà ông chọn làm nơi vừa ẩn dật với thế sự lại vừa mở trường chiêu tập những lớp người mà ông hy vọng cho tương lai. Vì thế mà trên núi Phượng Hoàng của vùng linh địa Chí Linh năm xua thầy Chu Văn An mở trường và tá túc nay cũng là nơi đặt lăng mộ của ông vẫn còn đôi câu đối bằng chữ Hán dịch Nôm có nghĩa là: "Cuối thời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chăng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?/Núi phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân".
Rõ là cách ngưỡng mộ của người đời sau về thầy Chu Văn An về cách xử thế khi thời Trần đã mạt. Sử chỉ chép đến việc thầy Chu dâng "thất trảm sớ" xin trị bảy kẻ nịnh thần. Người đời sau có luận ra đầy đủ tên bảy người thì sáu người không rõ chứng cớ chỉ có Trâu Canh - là kẻ lung lạc nhà vua nhờ những ngón nghề chữa bệnh đầy mê hoặc của phương Bắc. Chỉ biết rằng bức sớ của bậc hiền nhân vẫn theo thói thường bị những bậc quân vương khi đã bạc nhược bỏ ngoài tai.
Vì thế, sử chép rằng vì lòng trung của một bậc hiền Nho, Chu Văn An vẫn quan tâm đến số phận của vương triều mà thầy đã gắn bó. Mỗi lần về kinh, Dụ Tông ngỏ ý muốn ban cho chức tước nhưng thầy đều từ chối khiến mẹ của vua phải can rằng: "Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta". Vua sai nội thần đem quần áo ban thưởng ông lạy tạ nhưng rồi đem cho người khác hết.
Đến khi nghe tin Dụ Tông băng hà (1369), các quan đến bàn việc lập vua mới, thầy Chu Văn An mừng lắm, chống gậy đến triều, nhưng nhác thấy chính sự cơ đồ không thể cứu vãn vì Dụ Tông đã chọn thái tử kế vị là người ngoài hoàng tộc lại lắm điều mờ ám Dương Nhật Lễ, thì thầy lại trở về núi. Đến năm sau thì thầy cũng mất (1370). Đó cũng là năm Nhật Lễ bị phế truất, Trần Nghệ Tông lên ngôi, nhưng cơ đồ nhà Trần chỉ còn thoi thóp trước khi bị nhà Hồ thay thế.
Người chép sử đời sau là Ngô Sĩ Liên binh nhị thầy Chu Văn An xa lánh chính sự cũng là vận mạng Quốc Gia bởi lẽ: Bậc hiền năng ( như thầy) không nên chỉ làm vì." Chu An đi rồi, không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa. Đó thực là " không tin bậc nhân hiền khi nước trống rỗng như không có người vậy".
Bài học ấy đời nào mà không đúng?!
Mới đây thôi, trên diễn đàn Quốc hội nước ta, khi bàn về việc chống tham nhũng khó khăn, nhiều người ước có được thanh "thượng phương bảo kiếm" như trong phim cổ trang Trung Quốc: Bao Công được vua trao rồi Bao Công trao lại cho người tâm phúc là Triển Chiêu mang đi trị bọn quan lại tham nhũng. Có người bình nghị rằng, ở ta thì "thượng phương bảo kiếm" cũng dễ thở thành "thượng phương bảo...kê". Bởi lẽ ít người biết được ngọn ngành sự tích.
Thanh gươm ngự dụng được tạo tác bởi Cục "Thượng phương" chuyên sản xuất đồ ngự dụng có từ thời Tần bên Trung Quốc, tồn tại cho đến nhà Minh, được các đấng quân vương trao cho người tâm phúc không phải để trị đám quan lại tham nhũng mà sâu sa hơn là chỉ để chém kẻ nịnh thần. Những kẻ gần vua nhất, dễ xúc xiểm, xui kiến vua làm những điều chỉ mang lợi cho mình, cho bè đảng của mình hay nói như ngôn ngữ ngày nay là cho những "nhóm lợi ích" của mình. Và những kẻ nịnh thần theo cách nhìn hiện đại tức là những người tác động vào chính sách để lợi cho mình và hại cho dân, cho nước.
Chu Văn An cũng nhằm vào kẻ nịnh thần trong triều Dụ Tông, nhưng không có bảo kiếm mà chỉ có kế sách nên mới dâng sớ "thất trảm" chỉ rõ những người quanh vua đang làm hại dân, hại nước cũng là hại vua. Những chỉ có vua sáng mới nghe thấu. Phàm đã làm minh quân thì đã không có kẻ dám nịnh. Bởi thế nên chỉ nhưng vua tối (hôn quân) mới có đám nịnh thần bên mình thì thượng phương hay sớ tấu của những người ngay cũng khó làm gì nổi. Đó là bi kịch của quốc gia một khi đã lâm và cảnh trạng "nước trống rỗng" như sử gia Ngô Sĩ Liên bàn về sự thịnh suy của quốc gia, là điều muôn đời đều đúng.
Ngày xưa, sau khi thấy Chu Văn An mất, ngài được tòng tự (thờ thêm) ở Văn Miếu. Ngày nay, tượng ngài cùng các bậc quân vương nước nhà có công với Nho học được trang trọng thờ trong nhà Thái Học tại khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám để tôn vinh nền quốc học. Ngài cũng xứng đáng với vinh danh là người thầy của muôn thuở (vạn thế sư biểu) dùng cái tiết tháo, cương cường của người thầy dạy chữ làm cái gương khích lệ cho các thế hệ tri thức nước nhà muôn đời phải chống lại những kẻ đưa đất nước, đồng bào vào chốn suy vi chỉ vì lợi ích của một nhóm người tự cho là cột trụ của quốc gia.
Dương Trung Quốc
Theo Lao Động
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại