Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Điều gì xảy ra nếu Mỹ xóa bỏ quy chế đặc biệt của Hong Kong?


Chính phủ Mỹ đe dọa có thể tước bỏ quy chế đặc biệt về thương mại dành cho Hong Kong và đối xử với đặc khu này tương tự như với Trung Quốc.
Trả lời CNBC, ông Larry Kudlow - Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ - nói: "Nếu cần thiết, Mỹ sẽ đối xử với Hong Kong giống như cách đối xử với Trung Quốc, và điều đó sẽ tác động trực tiếp đến thuế".
Với nền kinh tế tự do và chính sách thuế cạnh tranh, Hong Kong là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất thế giới, thu hút vô số công ty đa quốc gia. Đây cũng là một trung tâm thương mại quan trọng. Tuy nhiên, tất cả sẽ đảo lộn nếu Mỹ thay đổi cách ứng xử với đặc khu thương mại này.
Trong nhiều năm qua, Hong Kong hưởng lợi từ quan hệ thương mại đặc biệt với Mỹ. Đặc khu này độc lập về hải quan với Trung Quốc đại lục, sở hữu một cảng biển tự do, có nghĩa là hàng hóa xuất nhập khẩu không bị đánh thuế.
Các điều kiện đó giúp biến Hong Kong thành trung tâm thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, khi Mỹ đối xử với Hong Kong tương tự như với Trung Quốc đại lục, hàng hóa đặc khu này sẽ bị đánh thuế, bao gồm cả thuế trừng phạt xuất phát từ thương chiến Mỹ - Trung.
Dieu gi xay ra neu My xoa bo quy che dac biet cua Hong Kong? hinh anh 1 hong_kong_scmp.jpg
Hàng hóa Hong Kong sẽ chịu thuế như Trung Quốc đại lục nếu Mỹ hủy bỏ cơ chế ưu đãi thương mại. Ảnh: SCMP.
"Hong Kong có quan hệ thương mại đặc biệt với nhiều loại thuế và quy định, cho phép thành phố giao dịch thương mại tự do, đặc biệt trong các thị trường vốn", BBC News dẫn lời tiến sĩ Rebecca Harding, chuyên gia thương mại của Coriolis Technologies, cho biết.
"Mỹ đối xử với Hong Kong như một đồng minh. Tuy nhiên, giờ Mỹ có thể đối xử với đặc khu này tương tự như với Trung Quốc", tiến sĩ Harding nhấn mạnh.
Năm 2018, Hong Kong có khối lượng giao dịch cao thứ 7 thế giới với tổng giá trị gần 1.200 tỷ USD. Phần lớn số hàng hóa đó đi qua hoặc xuất phát từ Trung Quốc đại lục. Khoảng 8% hàng xuất khẩu của Trung Quốc đại lục sang Mỹ và 6% hàng nhập khẩu vào đại lục từ Mỹ đi qua Hong Kong.
Như vậy, Hong Kong là cửa ngõ kết nối dòng hàng hóa giữa thị trường Trung Quốc và thế giới. Tuy nhiên, các thay đổi về quy chế thương mại sẽ đe dọa vị thế đó.
Tiến sĩ Tim Summers thuộc Chatham House nói: "Quy chế thương mại sẽ buộc các công ty phải tính toán lại. Doanh nghiệp có thể chọn chuyển hàng trực tiếp qua các cảng ở Trung Quốc đại lục. Và thuế tăng đồng nghĩa với giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người tiêu dùng".
Dieu gi xay ra neu My xoa bo quy che dac biet cua Hong Kong? hinh anh 2 hong_kong_rt.jpg
Hong Kong là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới. Ảnh: Reuters.
Năm 1997, kinh tế Hong Kong chiếm 18% GDP Trung Quốc. Hiện đặc khu này chỉ còn chiếm 2-3% GDP Trung Quốc. "Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi chính sách thương mại với Hong Kong, đặc khu này sẽ lao đao, nhưng đó không phải là đòn chí mạng với Trung Quốc", tiến sĩ Summers nhận định.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng chắc chắn chính quyền Bắc Kinh không muốn Hong Kong đánh mất vị thế trung tâm tài chính toàn cầu. Đặc khu này có khả năng tiếp cận nguồn vốn toàn cầu, do đó rất nhiều công ty Trung Quốc chọn niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong.
Các công ty Trung Quốc đại lục cũng hưởng lợi lớn từ ngành dịch vụ tài chính của Hong Kong. "Thượng Hải và Thâm Quyến cũng có ngành dịch vụ tài chính phát triển. Nhưng chính quyền Bắc Kinh kiểm soát dòng vốn đầu tư ra và vào Trung Quốc, do đó Thượng Hải và Thâm Quyến không thể cạnh tranh với Hong Kong về nguồn vốn quốc tế", cựu giám đốc ngân hàng David Webb giải thích.
Tổng giá trị giao dịch thương mại Mỹ - Hong Kong đạt 67 tỷ USD năm 2018, bao gồm 17 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ. Nếu Hong Kong mất chế độ ưu đãi thương mại, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chi trả nhiều hơn để mua hàng hóa xuất xứ từ thành phố này.
Hồng Ngọc / Zing

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Mark Zuckerberg vượt qua Warren Buffett và ông chủ LV thành người giàu thứ 3 thế giới


CEO Facebook hiện sở hữu tài sản hơn 89 tỷ USD và là người giàu thứ 3 thế giới chỉ sau Jeff Bezos và Bill Gates.
Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu, Mark Zuckerberg – CEO Facebook vẫn bổ sung hơn 30 tỷ USD vào khối tài sản khổng lồ của mình chỉ sau 2 tháng.
Theo bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index ngày 23/5, Zuckerberg sở hữu 89,1 tỷ USD, vượt qua nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett (69,2 tỷ USD) và ông chủ LVMH Bernard Arnault (80,4 tỷ USD). Hồi giữa tháng 3, khi Thung lũng Silicon và Bay Area bắt đầu thực hiện lệnh “trú ẩn tại chỗ”, Zuckerberg xếp thứ 5 trên bảng xếp hạng người giàu của Bloomberg với 57,5 tỷ USD
CEO Facebook hiện là người giàu thứ 3 thế giới, chỉ sau Jeff Bezos – ông chủ Amazon (147 tỷ USD) và nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates (108 tỷ USD).
Mark Zuckerberg vượt qua Warren Buffett và ông chủ LV thành người giàu thứ 3 thế giới - Ảnh 1.
Mark Zuckerberg hiện là người giàu thứ 3 thế giới. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh nền kinh tế đình trệ, gần 40 triệu người lao động Mỹ mất viêc, Facebook của tỷ phú 36 tuổi vẫn tăng trưởng tốt.
Hôm 29/4, công ty này công bố báo cáo doanh thu quý I tốt hơn mong đợi. Facebook vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích phố Wall khi đạt doanh thu 17,74 tỷ USD và thu hút 1,73 tỷ người dùng hàng ngày trong 3 tháng đầu năm 2020. Công ty cũng báo cáo đạt 3 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn bộ hệ thống ứng dụng của mình, bao gồm Instagram, WhatsApp và Messenger. Đến sáng hôm sau, cổ phiếu Facebook tăng 8%, nâng giá trị thị trường thêm 44 tỷ USD.
Tuy nhiên, công ty của Mark Zuckerberg cũng thừa nhận có một “sự sụt giảm đáng kể” đối với nhu cầu quảng cáo trong 3 tuần cuối của quý I.
Trong 2 tháng qua, Facebook đã tuyên bố mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực thương mại điện tử và trò chuyện video. Gần đây, Facebook ra mắt Messenger Rooms, một dịch vụ trò chuyện video cho tối đa 50 người, khi các dịch vụ như Zoom và Houseparty gặp một số vấn đề khi sử dụng. Cách đây ít ngày, Facebook chính thức "lấn sân" sang thương mại điện tử với Facebook Shops - tính năng cho phép người dùng mua sản phẩm trực tiếp trên Facebook.
Theo Linh Lam / Người đồng hành

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ba phụ nữ gốc Việt bị Công an tố cáo ‘chống phá Nhà nước’




26/05/2020
Các đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Vietnam Rise: Trinity Phạm, Trinh Nguyễn, Angelina Huỳnh. Photo Vietnam Rise
Vừa qua truyền thông của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã lên án ba phụ nữ gốc Việt, đồng sáng lập viên của tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Mỹ, cho rằng tổ chức này là một tổ chức ngoại vi của Việt Tân, đã “lợi dụng các hoạt động dân sinh để chống phá Nhà nước.” Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ Vietnam Rise, còn gọi là RISE, đã bác bỏ các buộc này.
Bà Trinity Phạm, một trong các đồng sáng lập viên của RISE, nói với VOA:
“RISE rất ngạc nhiên vì trong hai bài báo đó có thông tin không chính xác về RISE. Bài báo nói RISE là tổ chức có những hoạt động dân sinh và lồng ghép các hoạt động này để “chống phá Nhà nước” là điều không đúng sự thật.”
Vào đầu tháng 05, trong chuyên mục Chống diễn biến hòa bình, trang Công an Nhân dân (CAND) của Bộ Công an có đăng hai bài liên tiếp lên án tổ chức RISE cho rằng “RISE hoạt động dưới vỏ bọc tổ chức phí chính phủ (NGO) theo mô hình tổ chức “xã hội dân sự”, bảo vệ môi trường, nhu cầu dân sinh, là những vấn đề thu hút được sự chú ý của người dân để tập hợp lực lượng, kích động bạo loạn, biểu tình trong nước; huấn luyện đào tạo cho các cá nhân, hội nhóm người Việt trong và ngoài nước nhằm gây dựng các tổ chức chính trị đối lập.”
Bà Trinity Phạm cho biết thêm về những hoạt động dân sinh, sức khỏe cộng đồng, và bảo vệ môi trường của RISE, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam vào đầu tháng 2 và bùng phát ở Mỹ trong thời gian gần đây.
“Trong thời gian vừa qua sau khi RISE vừa thành lập, RISE đã bắt tay làm một số công việc chỉ thuần túy mang tính hướng dẫn và hỗ trợ cho người dân trong vấn đề sức khỏe cộng đồng cũng như vấn đề môi trường sống. Điển hình là trong vụ Covid vừa rồi vào đầu tháng 2 khi dịch bùng phát ở Việt Nam, RISE đã quyên góp và mua một số vật dụng y tế để gửi về Việt Nam gồm 10 ngàn khẩu trang và 2 ngàn chai nước diệt khuẩn, phát cho sinh viên, người lao động, người nghèo vô gia cư.”
Tờ báo của ngành Công an Việt Nam cho rằng RISE sử dụng “vỏ bọc” của tổ chức NGO “với mục đích là để tập hợp lực lượng, lồng ghép các hoạt động chống phá Nhà nước.”
Công an Việt Nam cho rằng Việt Tân, một tổ chức chính trị ở Hoa Kỳ nhưng bị Việt Nam xem là khủng bố, “đã lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để chỉ đạo Rise lên kế hoạch quyên góp khẩu trang và dung dịch sát khuẩn để hỗ trợ cho gia đình số phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và số đối tượng có quan hệ với Việt Tân ở miền Bắc và miền Trung.”
CAND cho rằng ba sáng lập viên của RISE gồm bà Trinh Nguyễn, Trinity Phạm và Angelina Huỳnh - từng là thành viên Việt Tân - đã lập ra RISE và hoạt động với sự “chỉ đạo” của Việt Tân. 
Hôm 23/05, ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn viên của Việt Tân, xác nhận với VOA rằng ba phụ nữ này đã rời Việt Tân và không còn làm việc cho Việt Tân nữa.
Tổ chức Vietnam Rise cho rằng cơ quan ngôn luận của công an Việt Nam đã “suy diễn không đúng sự thật.” Bà Trinity Phạm nhấn mạnh:
“Tôi và các sáng lập viên khác như Trinh Nguyễn và Angelina Huỳnh, cả 3 người từng là thành viên của Việt Tân, và đã rời Việt Tân vào tháng 09/2019 để đi con đường riêng của mình và sau đó thành lập ra RISE.
“Việc những người trẻ năng động tham gia các hoạt động cộng đồng thì việc tham gia một tổ chức, rời đi và thành lập một tổ chức là một việc rất bình thường.
“Khi bài báo nói rằng RISE là một tổ chức “ngoại vi” và được sự “chỉ đạo” của Việt Tân thì đây là một sự suy diễn sai sự thật.”
VOA đã liên lạc với CAND để xin ý kiến về phát biểu của RISE nhưng chưa được phản hồi.
Hôm 18/05/2020, trang Quân khu II của Lực lượng Vũ trang Tây Bắc thuộc Bộ Quốc phòng nói rằng tổ chức RISE “thực chất hoạt động dưới sự chỉ đạo của Việt Tân nhằm tránh cáo buộc liên quan đến khủng bố, hoạt động chính trị chống Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để móc nối với các nhóm “xã hội dân sự” tại Việt Nam, đưa lực lượng, phương tiện về nước nhằm triển khai các kế hoạch chống phá chế độ.”
Nhận định về phản ứng của chính quyền Việt Nam trước các hoạt động dân sinh của RISE, bà Trinity Phạm nói:
“Tất cả những hoạt động mà công an cảm thấy rằng có thể gây nên sự đối đầu với họ thì họ lập tức cảnh báo và cô lập. Đối RISE cũng vậy, chính phủ Việt Nam tìm cách cô lập trong thời điểm này và cảnh báo, gây sợ hãi cho những người cộng tác với RISE.”
Theo một thông cáo, Vietnam Rise là một tổ chức phi lợi nhuận đăng ký theo Điều luật 501(c)3, được thành lập tại Hoa Kỳ vào cuối năm 2019, với mục tiêu kiến lập môi trường sống an toàn, công bằng và cơ hội thăng tiến cho người dân Việt Nam, bằng cách cung cấp công cụ để tổ chức hoạt động dân sinh trong các nhóm cộng đồng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kinh tế chiến sài lang của ĐCSTQ còn có thể hung hăng được bao lâu?



Sức mạnh ngoại giao chiến sàilang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là đến từ nền kinh tế chiến lang. Dưới đây là bài bình luận của ông Hồng Bác Học thể hiện quan điểm của riêng tác giả.
Anh cả của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là ĐCSTQ. ĐCSTQ tại WHO đối diện với áp lực từ nghị quyết ký tên chung của hơn 100 quốc gia yêu cầu điều tra nguồn gốc virus, và kêu gọi trả lại thân phận quan sát viên cho Đài Loan tại WHO. ĐCSTQ làm ngơ không thấy, vẫn thái độ hung hãn không thỏa hiệp. Sau dịch viêm phổi Vũ Hán, ĐCSTQ vẫn “nói không” với thế mạnh từ quốc tế. Ông Tập Cận Bình khi phát biểu tại Đại hội Y tế Thế giới (WHA) đã mạnh tay rải tiền, được coi là điển hình của ngoại giao chiến lang. Dù vậy đa phần mọi người đều cần phải hiểu, sức mạnh ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ là đến từ nền kinh tế chiến lang, nhân tố chính giúp ĐCSTQ không sợ hãi rất đơn giản, “kiểm soát hơn một nửa nước nghèo trên thế giới”, chỉ cần ĐCSTQ tiếp tục kiểm soát các nước khác, thì mặt mũi của ĐCSTQ vẫn sẽ tiếp tục giữ vẻ xấu xí. Ý chính là ví dụ điển hình, thành phố lớn ở miền Bắc nước Ý Lombardia bị thiệt hại nghiêm trọng, đã đề xuất đòi ĐCSTQ bồi thường 20 tỷ Euro. Tuy nhiên Chính phủ trung ương phe cánh tả của Ý lại im tiếng vì không muốn đắc tội với ĐCSTQ. Có thể thấy kinh tế đỏ của ĐCSTQ có ảnh hưởng tới Ý lớn thế nào, chứng minh Chính phủ Ý đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, có khổ mà khó nói.
Kinh tế Ý đỏ hóa, hoặc có thể nói, kinh tế của toàn bộ quốc gia châu Âu đỏ hóa, đương nhiên không phải là bắt đầu từ hôm nay, và bị kiểm soát ở mức độ lớn nhỏ khác nhau tùy vào nền tảng tài vụ của mỗi nước. Sau năm 1980, Liên Xô giải thể, khi kinh tế châu Âu đối mặt với tình trạng thu hẹp, khiến các nước phát triển chậm, lại đúng là thời điểm Trung Quốc trỗi dậy. Lượng lớn lao động giá rẻ Trung Quốc sau cải cách mở cửa đã tiến vào châu Âu, đến sau năm 2000, nhân lực và tài chính đều đã đến, nhất là bang Ôn Châu Trung Quốc. Tại Ý, các thành phố như Lombardia (thành phố bị dịch bệnh nghiêm trọng), Prato, Milan, người Ôn Châu chiếm 12%. Khu vực gần thành phố Milan có đến 2.000 nhà máy sản xuất quần áo chất lượng cao, hơn một nửa trong số đó là ông chủ người Trung Quốc. Đây là ngành sản xuất độc đáo của Milan, nhưng lại là mô thức chế độ lao động thủ công của Trung Quốc. Bởi vì giá cả sản phẩm chất lượng cao quyết định bởi nơi sản xuất, nếu như Milan giống như Gucci của Pháp chuyển nhà máy đến Trung Quốc sản xuất thì không phải là nguyên bản sản xuất tại địa phương nên giá sẽ giảm một nửa. Nước Ý cho rằng đây là chiêu tốt, kết cục là đại dịch bùng phát. Ý thậm chí còn đưa công an Trung Quốc tới khu vực gần Milan thực thi pháp luật để đối phó với người Trung Quốc, mở ra ví dụ về chuyển nhượng chủ quyền.
Kinh tế đỏ đi vào châu Âu
Không chỉ có Ý rơi vào tay ĐCSTQ, năm 2004, Xinjiang Chalkis, một công ty của Giải phóng quân ĐCSTQ, đã mua lại nhà máy sản xuất nước sốt cà chua lớn nhất tại Pháp là Le Cabanon. Nhà máy sản xuất nước sốt cà chua Le Cabanon nằm ở vùng Provence, có lịch sử cả trăm năm. Sau khi bị công ty Trung Quốc mua lại, bao bì bên ngoài của Le Cabanon vẫn duy trì như cũ, nhưng công nhân trong nhà máy lại đổi thành công nhân Trung Quốc đảm nhiệm, máy móc sản xuất hàng đầu đều bị dỡ bỏ, công nhân Pháp nghỉ việc. Tiếp theo, toàn bộ nông dân Pháp cung cấp cà chua cho nhà máy sản xuất đều thất nghiệp, bởi vì Le Cabanon không cần mua sản phẩm thu hoạch được của nông dân khu vực gần đó nữa, mà sốt cà chua đậm đặc được đóng thùng từ Tân Cương vận chuyển theo đường biển đến cửa khẩu nước Pháp, trực tiếp đưa vào nhà máy ở vùng Provence. Công việc hiện tại của công nhân là sau khi lấy bột cà chua từ trong thùng ra, sẽ cho vào lon thiếc sau đó hoàn thành động tác dán nhãn đóng gói. Ngoại quan của bao bì sốt cà chua Le Cabanon không thay đổi, nhãn mác vẫn như cũ, chỉ là ông chủ của nhà máy này đã đổi thành Giải phóng quân của ĐCSTQ.
Nguồn gốc của cà chua là Nam Mỹ, còn hiện tại huyện Toksu ở phía Bắc Tân Cương, thành phố Xương Cát ở Tân Cương có diện tích trồng trọt lớn nhất thế giới, mỗi năm đến mùa thu hoạch, người Duy Ngô Nhĩ chính là lao động giá rẻ nhất. Chủ những nông trại ở đây chính là Giải phóng quân ĐCSTQ, sau khi ĐCSTQ chiếm lĩnh Tân Cương, đã thực hiện chế độ đóng quân khai hoang, quân nhân chuyển thân biến thành ông chủ của nông dân, ông chủ của vườn ruộng rộng lớn, và còn thành lập Công ty Xinjiang Chalkis, mở rộng màu đỏ của ĐCSTQ ra toàn thế giới.
Kinh tế chiến lang của ĐCSTQ đã đạt được hiệu quả ở rất nhiều quốc gia, cùng với sự mở rộng của “một vành đai, một con đường”. Kinh tế chiến lang càng tiến sâu vào lục địa châu Phi, được gọi là mô hình phát triển kinh tế “bẫy ngọt”, khiến những nước này biến thành nước nợ lớn. Lấy Trung Á làm ví dụ, 5 nước có tên hậu tố stan ở Trung Á có hơn một nửa mà chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc, ví dụ: Kyrgyzstan, Kazakhstan, Tajikistan. Còn các nước châu Phi thì càng không cần nói, hơn 60% quốc gia châu Phi có ký kết hợp đồng vay thương mại với Trung Quốc, chỉ cần không trả tiền, thì lập tức đối  mặt với chế tài của ĐCSTQ. Do đó, khi bị ĐCSTQ đeo tròng vào cổ, kết cục sẽ không khác gì thuộc địa các nước phương Tây.
ĐCSTQ ở châu Phi thông qua đầu tư phát triển, từ nông nghiệp đến khoáng sản, đã cướp đoạt tài nguyên của châu Phi, một khắc cũng không ngừng lại. ĐCSTQ tự xưng là giúp đỡ thế giới thứ ba, thực ra đây là học tập các nước châu Âu cướp bóc thuộc địa đối với châu Phi, chỉ là thủ đoạn tiến bộ hơn. ĐCSTQ giấu tiền đằng sau các doanh nghiệp tập đoàn lớn trên thế giới, khiến người khác không cách nào nhìn ra mà thôi.
Mỹ ‘nuôi hổ’ gây họa
Đồng đô la Mỹ là công cụ mà ĐCSTQ dùng để kiểm soát các nước khác trên thế giới, đồng thời học tập sử dụng chế tài thương mại mà các nước phương Tây thường sử dụng. Không lâu trước đó, Úc yêu cầu WHO tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc virus viêm phổi Vũ Hán, kiến nghị này đã đắc tội ĐCSTQ, thế là ĐCSTQ tiến hành ra tay đối sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ Úc, thực thi thuế quan trừng phạt 80%. Đây là ví dụ đơn giản nhất, chỉ cần dựa vào ĐCSTQ để kiếm lợi thì buộc phải nghe lời họ. Úc không nghe lời, hiện tại chỉ có thể kiện lên WHO, vấn đề là WHO cũng bị ĐCSTQ kiểm soát, Úc liệu có thể lấy được công bằng chính nghĩa hay không thì vẫn cần phải chiến đấu.
Rất nhiều học giả đổ lỗi cho Mỹ tự tạo ra tổ chức quốc tế sau chiến tranh, hy vọng duy hộ trật tự thế giới mới, nhưng kết quả thẩm phán của trật tự mới lại là ĐCSTQ. Nước Mỹ hiện tại tức giận, nhưng sự thực đã bày ngay trước mắt, bàn tay nắm giữ kinh tế thế giới mới là bàn tay nắm giữ ngoại giao thế giới. Mỹ cuối cùng đã nếm trái đắng, tiến cử một nước Đài Loan nhỏ bé vào Đại hội Y tế Thế giới mà vẫn phải nhìn sắc mặt của ĐCSTQ. Tuy nhiên cũng phải nói lại, tục ngữ Đài Loan có câu, “Kẻ xấu sẽ không kiêu ngạo lâu”, sói chiến sẽ biến thành sói cô đơn, ĐCSTQ còn kiêu ngạo được bao lâu? E là cũng không còn lâu nữa.
Hồng Bác Học
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả)

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

CÁCH DÙNG NGƯỜI TÀI CỦA TÀO THÁO



Ngụy là nước mạnh nhất trong ba nước đời Tam Quốc. Có nhiều yếu tố làm nước Ngụy hùng cường như đất rộng, người đông, quân đội thiện chiến. Nhưng điều cơ bản đứng đầu nước Ngụy là người có nhiều mưu lược và rất tinh thông ĐẠO DÙNG NGƯỜI. Đó là Tào Tháo. Sử quan Trần Thọ nói: “Sở dĩ Tào Tháo thu nạp được nhiều nhân tài thiên hạ vì ông áp dụng khôn khéo ĐẠO DÙNG NGƯỜI chứ không phải THUẬT DÙNG NGƯỜI.
Vừa nắm quyền lực trong tay, Tào Tháo đã ban bố rộng rãi “Cầu hiền lệnh” nghĩa là thông báo tuyển chọn thu nạp nhân tài. (Xin nói ngay, chữ HIỀN là từ Hán-Việt (賢) có nghĩa: đức hạnh, tài năng hơn người, đừng lầm với chữ HIỀN là HIỀN LÀNH trong tiếng Việt).
Biết Tào Tháo là bậc anh hùng có tài kinh bang tế thế, nhân tài khắp nơi ùn ùn kéo về quy nạp dưới trướng. Cách chọn hiền tài của Tào Tháo khác người thường nên hiệu quả rất lớn. Chỉ tiêu tuyển chọn nhân tài của ông không quá coi trọng đạo đức là “tiêu chuẩn hàng đầu”, vì quá chú trọng đạo đức sẽ nảy sinh ba vấn đề:
1- Có đức nhưng bất tài thì đó là người tốt nhưng vô dụng.
2- Quá cầu toàn về đức nhiều khi bỏ sót người tài chỉ vì họ mắc một vài tật xấu nhỏ.
3- Đề cao đạo đức lên đầu lập tức đẻ ra hạng đạo đức giả, dùng mánh lới che đậy bản chất, bịt mắt bề trên.
Mục tiêu chọn người tài của Tào Tháo luôn ưu tiên “có tài là dùng”, không có nghĩa bỏ qua tiêu chuẩn đạo đức, nhưng không quá khắt khe săm soi những sở đoản nhân cách nhỏ nhặt. Ông nói: “Cao quá dễ gãy, trắng quá dễ bẩn, nước trong quá không có cá, người chấp nhặt xét nét quá không có bạn”.
Điển hình là chuyện ông không trừng trị Đinh Bùi. Bùi là tướng trông coi việc chăn nuôi gia súc có tính tham vặt; đôi khi đem bò già bò gày của nhà đổi lấy bò non bò béo của trại. Khi nghe có người tố giác, Tào Tháo gạt đi, nói: “Đinh Bùi giống con mèo giỏi chuột nhưng mắc tật ăn vụng, không vì thế mà bỏ vì hắn hữu dụng”.
Nhiều người sợ cấp dưới từng là kẻ đối lập hoặc kẻ thù của mình, tìm cách hãm hại hoặc xa lánh. Tào Tháo thì không. Ông chủ trương “chiêu hiền, nạp phản” nghĩa là thu dụng cả những kẻ từng chống đối mình, thậm chí cả tử thù của mình; Trần Lâm, Giả Hủ là bằng chứng hùng hồn. Trong trận Quan Độ, Trần Lâm giúp Viên Thiệu thảo hịch chửi bới, vu khống, nguyền rủa Tào Tháo rất cay độc vậy mà khi bị bắt vẫn được Tào Tháo tự tay cởi trói, trách đùa: “Muốn chửi thì chửi mình ta là đủ, cớ sao lại chửi cả tổ tiên ba đời nhà ta?!” Liền đó phong Trần Lâm làm Tư không quân mưu tế tửu.
Trận đánh Trương Tú, Tào Tháo trúng mưu Giả Hủ phải trả cái giá quá đắt: Tào Ngang là con, Tào An Dân là cháu và danh tướng Điển Vi đều bị giết; Tháo trúng tên may mắn thoát chết! Thế mà khi Giả Hủ đến hàng, Tháo bỏ qua thù cũ, mừng vui khôn xiết, cảm kích đón tiếp; khen Hủ là bậc kỳ tài, mưu lược hơn người; từ đó mọi đại kế đều đem bàn cùng Hủ.
Tướng của Tào là Ngụy Chủng thua trận bỏ theo Trương Mạc, Tháo nghiến răng thề tìm giết Chủng, nhưng khi bắt được liền tha, còn phong giữ chức Thái thú Hà Nội.
Văn Sính tướng của Lưu Tôn trốn chạy, nhiều người xin đuổi theo giết, Tháo ngăn lại, sai vẽ hình dán khắp nơi chiêu dụ, lệnh không làm tổn thương. Sính cảm phục ra hàng, được phong Thái thú Giang Hạ, từng đánh bại Quan Công, Tôn Quyền sợ không dám hành quân qua đất; Tào Tháo khen Sính là “tài đức kiêm toàn”.
Có một sự kiện nói rõ vấn đề này. Sau khi Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu ở Quan Độ có thu hồi được rất nhiều thư từ của một số tướng lĩnh nao núng đã ngấm ngầm liên hệ với Viên Thiệu. Ông không đọc mà ra lệnh đốt trước hàng quân khiến những kẻ hai lòng thoát chết vô cùng cảm kích. Tào Tháo nói :"Lúc Viên Thiệu mạnh thì ngay bản thân ta còn không chắc giữ nổi, nói chi người khác !"Nghe qua, mọi người vô cùng cảm động trước tấm lòng bao dung to lớn của Tào Công.
Đánh trận nếu thắng, Tào Tháo chia đều chiến công cho tướng sĩ; khi thất bại riêng mình nhận lỗi. Nếu người giỏi bên Lưu Bị chỉ đếm trên đầu ngón tay thì ngược lại Tào Tháo có đến 102 danh tướng văn võ vào loại thiên tài; kể qua vài cái tên quen thuộc như Tuân Du, Tuân Úc, Quách Gia, Trình Dục, Giả Hủ, Trương Cáp, Trương Liêu, Từ Hoảng, Văn Sính, Nhạc Tiến, v.v… Hai phần ba nhân tài của Tào Tháo vốn trước kia là người của những tập đoàn hùng mạnh như Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu, Dương Phụng, Trương Mạc, Lã Bố…
Tóm lại cách chọn nhân tài của Tào Tháo quy tụ vào mấy điều kiện then chốt:
1- Đã là người tài nhất thiết phải có thực tài qua thử thách.
2- Không phân biệt thành phần xuất thân.
3- Không phân biệt người từng đối lập với mình.
4- Đặt người tài vào đúng cương vị hợp với sở trường của họ.
Sở dĩ sự nghiệp chính trị của Tào Tháo có được thành công rực rỡ hơn Lưu Bị và Tôn Quyền là nhờ nhân tài thiên hạ đổ dồn về ông. Ưu thế là ông khôn khéo áp dụng cách thu phục nhân tài bằng ĐẠO DÙNG NGƯỜI sáng suốt, tinh vi nhưng cũng rất uyển chuyển sáng tạo. Sử quan Trần Thọ đánh giá Tào Tháo là nhà chính trị lỗi lạc nhất đời Tam Quốc là rất trung thực, khách quan.
Tào Tháo (tranh cổ TQ)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Vấn đề Biển Đông trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc hiện nay


  1. Vũ Cao Phan
Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có quan hệ sâu rộng nhất với Trung Quốc, trên mọi lĩnh vực. Cùng với Myanmar và Lào, Việt Nam có đường biên giới trên bộ khá dài với Trung Quốc. Việt Nam cùng có biên giới trên biển quan trọng với nước này, không nói về “đường 9 đoạn”. Việt Nam cũng sở hữu hệ thống Mekong – Lan Thương với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lục địa. Việt Nam cũng là nước có quan hệ kinh tế – thương mại lớn nhất với Trung Quốc.
Để thấy rằng những tính chất bất khả kháng của Việt Nam trong mối quan hệ này và cũng để thấy rằng Việt Nam phải ở tuyến đầu trong cách ứng xử với Trung Quốc. Theo cách mà Jay Batongbacan nói về vai trò của Philippines trong phán quyết của Tòa Trọng tài (đã nêu ở trên), ta cũng có thể bảo: Nếu Việt Nam không quan tâm đến vai trò tuyến đầu của mình thì không một nước nào trong hoặc ngoài khu vực có thẩm quyền (cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý) nắm giữ vai trò ấy.
Trong ba mối quan hệ/ràng buộc đang có với Trung Quốc thì Biển Đông nằm ở trung tâm, còn kinh tế và hệ thống sông Mekong-Lan Thương rất có thể trở thành công cụ của một bên thứ ba như đã nói. Không khó để nhìn ra sự “khôn ngoan” của đối phương nhưng chưa thấy Việt Nam có một đối sách thật sự ở tầm chiến lược. Nói “thoát Trung” để bây giờ càng “dính” chặt hơn? Về hệ thống Mekong-Lan Thương cũng vậy. Trung Quốc trữ một lượng nước lớn ở thượng nguồn bằng một loạt con đập nhưng nhiều con đập không để làm thủy điện. Để làm gì? Người ta có quyền đặt câu hỏi về vấn đề này, nhất là từ lâu Trung Quốc đã có ý định tìm cách cung cấp nước cho vùng khô hạn phía đông và phía bắc của mình. Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC) không cho thấy mục đích rõ ràng, dù nó nằm dưới ngọn cờ “cộng đồng chung vận mệnh” với rất nhiều tiêu ngữ bóng bẩy. Hầu như Bắc Kinh chưa đưa ra cam kết nào đối với yêu cầu quản lý và ổn định dòng chảy, bảo đảm cung cấp nước và phù sa cho hạ lưu, giữ vững hệ sinh thái. Tóm lại, vấn đề quản lý tài nguyên nước đã hoàn toàn bị bỏ qua; trong khi ở thượng lưu, chỉ với 11 con đập, Trung Quốc trữ tới 50% lượng nước của Mekong – Lan Thương vào mùa khô hạn!
Biển Đông là nơi tập trung những vấn đề chủ yếu liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đáng tiếc đó lại là những vấn đề tiêu cực, trái với điều Trung Quốc thường rêu rao là tình hình khu vực này ổn định (ngay cả khi xảy ra sự việc ở bãi Tư Chính nửa cuối năm 2019). Không thể hy vọng giải quyết cơ bản hoặc một lần khi các mâu thuẫn diễn ra đã mấy chục năm mà vẫn đang ngày thêm trầm trọng. Nhưng đã đến lúc yêu cầu các bên nhìn thẳng vào vấn đề với tinh thần hợp tác, không lảng tránh.
Thứ nhất, vấn đề Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Việt Nam cần nắm lấy cơ hội, buộc nước lớn này phải đàm phán thực chất trên cơ sở kiến nghị của tất cả 11 bên, đặc biệt với các nước có tranh chấp Biển Đông.
Thứ hai, vấn đề “đường 9 đoạn”. Gần đây, phía Trung Quốc đã giảm thiểu phát ngôn chính thức từ phía nhà nước về “đường 9 đoạn”. Giáo sư Robert Beckman từ Đại học Quốc gia Singapore ngày 6/1/2020 cho rằng Trung Quốc đang từ bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” và thay thế nó bằng yêu sách chủ quyền đối với 4 cụm đảo (Hoàng Sa, Trường Sa, Pratas/Đông Sa và Macclesfield/Tây Sa). Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm được cơ sở pháp lý cho “đường 9 đoạn” để giải thích cho chính người Trung Quốc (chưa nói quốc tế) như tuyên bố hùng hồn (rồi bỏ mặc đấy) của ông Ngô Sĩ Tồn nhiều năm về trước.
Thứ ba, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc chẳng những nói đây là đất của tổ tiên từ đời nhà Hán mà có lúc còn bảo, Trịnh Hòa thời Minh trong các lần xuất dương đã tuyên chiếm các đảo nào. Nhà báo Bertil Lintner trên trang Asia Times ngày 15/11/2019 vạch rõ, Trịnh Hòa thậm chí chưa đi qua Biển Đông. Mà dù chủ quyền thuộc về ai – thuộc về Việt Nam cũng vậy thì như phán quyết của Tòa Trọng tài, “không một cấu trúc nào ở Trường Sa có thể tạo ra các vùng biển mở rộng”.
Thứ tư, phải thừa nhận rằng, mặc dù Trung Quốc là nước lớn có tiềm lực quân sự hùng mạnh, hầu như không có công ty, tập đoàn khai thác dầu khí quốc tế nào vì lợi ích kinh tế chấp nhận lời mời chào của họ vào thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng mà Trung Quốc gọi là Vạn An (bãi Tư Chính) cũng như trong phạm vi “đường 9 đoạn”, ngoại trừ tập đoàn năng lượng Crestone (Mỹ) năm 1992. Nhưng trước sự phản đối của Việt Nam, tập đoàn này sau đó đã rút lui và Việt Nam đã xây dựng thêm 3 nhà giàn ở đây để khẳng định chủ quyền. Thất  bại đó có thể là lý do chủ yếu khiến Trung Quốc đã luôn yêu cầu COC phải có điều khoản ràng buộc “không hợp tác khai thác tài nguyên với các nước ngoài khu vực”.
Thứ năm, sự ủng hộ của quốc tế. Sự ủng hộ này gần như tuyệt đối khi các nước khẳng định mọi cách làm của Việt Nam đều dựa trên trật tự và quy tắc quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), cũng như quyền bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, phản ứng nói chung là tiêu cực từ các quốc gia trong ASEAN/Đông Nam Á là điều đáng chú ý. Vì nguyên tắc đồng thuận, ASEAN đã không ra được tuyên bố chung dù rằng các nước ven Biển Đông, cách này hay cách khác đều từng bị Trung Quốc xâm phạm, gây hấn.
Thứ sáu, thế giới đánh giá ra sao trước những phản ứng của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông? Với cả dư luận chính giới và truyền thông, Việt Nam được đánh giá cao khi phản ứng tích cực trước những lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nhiều nhất và liên tục. Tờ Straits Times (Singapore) viết: Hà Nội phản ứng mạnh nhất trong số các quốc gia tuyên bố chủ quyền. Asia Times nhận định Việt Nam hầu như là quốc gia duy nhất trong cuộc chiến chống lại nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Biển Đông, với ba mặt liên kết: ngoại giao, thăm dò, khai thác; giảm phụ thuộc kinh tế…
Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và ch1inh thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, nhất là trong cương vị Chủ tịch ASEAN. Sáu vấn đề vừa nêu trên hy vọng là những dữ kiện, những cơ sở để đề ra đối sách.
Vấn đề đầu tiên và xuyên suốt trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam là tạo nên sự gắn kết khu vực. Cương vị Chủ tịch sẽ giúp Việt Nam có quan hệ chặt chẽ hơn, “gắn kết” hơn với ASEAN để tìm ra những cách thức “chủ động thích ứng”. Không ồn ào nhưng kiên quyết, Việt Nam phải bắt tya vào trả lời các câu hỏi, các thách thức ngay từ đầu nhiệm kỳ Chủ tịch. Nếu chỉ xử lý mỗi khi có sự cố (như cách làm hiện nay) là bất an, mạo hiểm. Chúng ta giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, một quan hệ được dệt nên từ lịch sử nhưng không để “cục to, cục lớn” (đại cục) ghè chân mình.
Bị bắt nạt, chèn lấn quá lâu, đã đến lúc Việt Nam cần chứng tỏ bản lĩnh. Đã đến lúc Việt Nam cần xem việc đưa sự xâm phạm thô bạo của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài. Không quan trọng việc Trung Quốc có tham gia hay không. Hiệu ứng chắc chắn sẽ mạnh hơn rất nhiều nếu thêm một lần phán quyết của Tòa Trọng tài được tuyên bố theo luật pháp quốc tế.
Việt Nam là nước nhỏ so với Trung Quốc. Cả về diện tích, dân số cũng như tiềm lực kinh tế, quốc phòng, Việt Nam ở một vị trí cách xa so với láng giềng phương Bắc. Câu chuyện nước nhỏ Việt Nam bắt nạt nước lớn Trung Quốc là một câu chuyện hoang đường. Việt Nam cũng không đòi hỏi nước lớn Trung Quốc phải nhường nhịn nước nhỏ Việt Nam. Việt Nam chỉ muốn Trung Quốc hành xử như một nước lớn đáng kính trọng. Tất nhiên, Việt Nam muốn duy trì tình hữu nghị với Trung Quốc, nhưng để duy trì tình hữu nghị ấy mà phải đánh đổi lợi ích của dân tộc là điều không thể. Cũng không thể nói như một nhà ngoại giao Trung Quốc rằng, để xảy ra tình trạng như vừa qua là vì Trung Quốc coi Biển Đông là câu chuyện nhỏ, còn Việt Nam lại coi là chuyện lớn. Để giải quyết vấn đề Biển Đông hãy chân thành làm việc dựa trên chuẩn luật pháp quốc tế và một sự hiểu biết lẫn nhau.
Xin đề xuất một bước tiến nhỏ: Trong khi bảo lưu quan điểm của mình, hai nước Việt Nam và Trung Quốc cần đàm phán về vấn đề quần đảo Hoàng Sa/Tây Sa. Và trước hết là sự thỏa thuận để ngư dân Việt Nam được tiếp tục truyền thống đánh cá như hàng ngàn năm nay trong quần đảo này.
TKNB – 11/03/2020

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc


07/10/2013 11:32 - Trần Trọng Dương

Ngày nay, khi hỏi bất kỳ người Việt Nam nào về thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, hầu như câu trả lời chắc chắn sẽ là năm 938. Dấu chấm hết cho một giai đoạn lệ thuộc là chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng trước quân Nam Hán. Tuy nhiên, ít người để ý đến việc vì sao các sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử lại CHỌN thời điểm đó, tiêu chí để xác định là gì, và họ chọn thời điểm đó với mục đích gì. Ngoài ra, còn có những thời điểm nào khác đã được đề xuất, với tiêu chí khác, và dĩ nhiên với những mục đích khác? Bài viết này sẽ giới thiệu CÁC mốc thời gian đã từng được đề xuất cũng như thảo luận về những vấn đề có liên quan như đã nêu.


Mô phỏng chiến thắng Bạch Đằng năm 938

Giả thuyết 1: năm 938

Đề xuất này có từ khá sớm, ít nhất là từ thế kỷ XV qua cách phân kỳ lịch sử của Ngô Sĩ Liên. Tuy nhiên, Ngô Sĩ Liên chọn năm 939 làm thời điểm đầu tiên của kỷ nguyên độc lập tự chủ, còn năm 938 được chọn làm thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc. Có hai tiêu chí được sử dụng ở đây. Trong đó, CHIẾN THẮNG trước quân đội phương Bắc được dùng để chọn thời điểm kết thúc; xây dựng triều đại được dùng để xác định thời điểm mở đầu1.

Cách phân kỳ của Ngô Sĩ Liên hẳn đã có ảnh hưởng lớn đến phần lớn các sử gia trong nhiều thế kỷ sau. Sách “Lịch sử Việt Nam” (1971) ghi: “Chiến thắng oanh liệt của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng cuối năm 938 kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn nghìn năm. Dân tộc ta đã giành lại được quyền làm chủ đất nước. Một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc bắt đầu.”2 Giáo trình “Tiến trình lịch sử Việt Nam” (2010) ghi: “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là cái mốc bản lề của lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn 1000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc.”3 “Dấu chấm cuối cùng là để ở năm 938: bút là giáo gươm, mực là sông Bạch Đằng, theo tôi hợp lý hơn và đẹp hơn.”4 Cách bình luận của GS Trần Quốc Vượng cho thấy ông đang phải lựa chọn giữa các mốc thời điểm khác nhau. Mốc 938 được chọn phải chăng vì nó gắn với một chiến thắng rực rỡ, oanh liệt, có tầm về nghệ thuật quân sự: một trận thủy chiến với sự thông hiểu con triều. Rồi sau đó, cách đánh này còn được dùng lại thời Lê Hoàn chống Tống và Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông: “trận Bạch Đằng lịch sử, vừa xóa sổ cả đạo thủy quân Nam Hán xâm lược, vừa giết chết cả chủ tướng: Thái tử Hoằng Thao”5. Hơn nữa, có thể thấy, từ góc độ rộng lớn hơn, Ngô Quyền đã “trấn diệt thù trong, tiêu diệt giặc ngoài”6. Cách dùng chữ như vậy, hẳn có đối chiếu với lịch sử Việt Nam quãng những năm sáu bảy mươi của thế kỷ XX. Ở đây, chúng ta đã thấy việc nghiên cứu của các nhà sử học đã ít nhiều có sự điều chỉnh của bối cảnh lịch sử Việt Nam hiện đại.

"Nhưng dù sao, với thời điểm năm 938, chúng ta có thể thấy, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, các sử gia và các nhà nghiên cứu lịch sử đã dùng chung một tiêu chí để xác định thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc, ấy là một CHIẾN THẮNG.

Nhưng điểm đáng bàn đến ở đây, chiến thắng Bạch Đằng không phải là chiến thắng đầu tiên của thế kỷ X. Chính vì thế, trước nay đã có một số đề xuất khác, như sẽ trình bày dưới đây.

Giả thuyết 2: năm 931

Ý kiến này được đưa ra bởi hai nhà sử học Nguyễn Diên Niên và Phan Bảo trong bài viết “Dương Đình Nghệ với ba nghìn người giả tử của ngài (Hay ai là người khai sinh nền độc lập dân tộc lần thứ nhất?)”7 Khởi đầu bài viết, các tác giả đã dẫn một đoạn sử liệu như sau:

“Dương Đình Nghệ người Ái Châu, nuôi ba nghìn giả tử, mưu đồ khôi phục Giao Châu. Viên tướng cai quản Giao Châu người Hán là Lí Tiến đã biết, nhưng ăn hối lộ của Nghệ nên làm như không nghe thấy. Năm này (tức năm Tân Mão 931), Đình Nghệ dấy quân bao vây Giao Châu, vua Hán sai Thừa chỉ Trình Bảo sang cứu, chưa đến nơi thành đã nguy ngập. Tiến bỏ trốn về bị vua Hán giết chết. Bảo vây Giao Châu, Đình Nghệ ra đánh, Bảo phải thua và tử trận.”8 Dương Đình Nghệ tự xưng làm Tiết độ sứ, vua Nam Hán “biết chẳng thể tranh với ngài được nữa, đành bái tướng Tiết độ sứ châu Giao”9.

Trong đó, các tác giả đã đưa ra những lý lẽ như sau:

(1) Dương Đình Nghệ đã gây dựng “một tổ chức chính trị bí mật” (ba ngàn giả tử) với mục tiêu khôi phục lại Giao Châu;

(2) Đánh đuổi Thứ sử Lý Tiến về nước, và đánh bại quân tiếp viện Trần Bảo;

(3) Tiếp tục việc tự trị, “trông coi việc ở châu”, “khước từ mọi sự can thiệp từ bên ngoài”.

Có thể thấy, các tác giả vẫn lấy tiêu chí “chiến thắng quân sự” để xác định lại thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc. Điều quan trọng nhất mà các tác giả đưa ra ở đây chính là sự kiện chiến thắng Trần Bảo xảy ra trước chiến thắng Bạch Đằng bảy năm10.

Giả thuyết 3: năm 905

Đây là một thời điểm mà cũng không ít người nghĩ đến, như trăn trở của GS Trần Quốc Vượng11. Suy nghĩ này dựa trên sử liệu trong sách Tư trị thông giám: “năm Ất Sửu, tặng Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng Bình chương sự. [Trước đó] Khúc Thừa Dụ nhân loạn mà chiếm cứ An Nam”12.

Năm 1996, A.B. Poliacop trong cuốn “Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X-XIV” đã lần đầu đề xuất thời điểm năm 905 một cách chính thức. Ông đánh giá Khúc Thừa Dụ là người mở ra một thời đại mới. Ông xác định năm 905 “là bước khởi đầu của các triều đại độc lập thực sự đầu tiên”13. Tác giả cho rằng, với sự truyền thừa qua ba đời (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ)14 và với việc xây dựng hệ thống hành chính và luật lệ mới, họ Khúc thực sự đã chứng tỏ “tinh thần độc lập tự chủ”15, “chấm dứt thời kỳ mất nước”16.

Đến năm 2010, cách phân kỳ này chính thức được nhóm Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh đưa vào giáo trình Đại cương lịch sử Việt Nam. Giáo trình này đã dành riêng một chương để viết về “Thế kỷ X: xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập, tự chủ và thống nhất thời Khúc - Ngô – Đinh - Tiền Lê” (Chương V) thuộc “thời đại phong kiến dân tộc”17. Các tác giả đã viết như sau: “từ năm 905, dù những người đứng đầu đất nước chưa thành lập vương triều và theo xu hướng chung của thời điểm đó, nhận chức Tiết độ sứ, “kỷ nội thuộc Tùy - Đường” như cách nói của người xưa hay đầy đủ hơn là thời Bắc thuộc nói chung đã chấm dứt vĩnh viễn… Nói cách khác, từ năm 905, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới, thời đại độc lập, tự chủ dưới chế độ phong kiến”18.
***
Có thể thấy, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX-XXI, tiêu chí quan trọng nhất được dùng để xác định thời điểm chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc chính là CHIẾN THẮNG trước giặc ngoại xâm. Đây là tiêu chí được đưa ra bởi những học giả theo các giả thuyết 931 và 938. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 được chọn có thể dựa trên những lý do: (1) Đây là một chiến thắng lớn, một chiến thắng đẹp về lịch sử quân sự; (2) Ngô Quyền đã xưng vương ngay sau đó. Lý do để họ bác bỏ thời điểm năm 931 là vì Dương Đình Nghệ thì lại xin “sách phong”19 Tĩnh hải quân Tiết độ sứ từ phương Bắc. Đến thế kỷ XX, tiêu chí CHIẾN THẮNG QUÂN SỰ tiếp tục được đề cao trong bối cảnh Việt Nam đã/ đang phải tiến hành các cuộc chiến tranh trước các thế lực của Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Có thể thấy rõ điều này qua bài viết của Văn Lang. Tác giả cho rằng trong thế kỷ X, yếu tố tiên quyết của nền độc lập chính là BẠO LỰC QUÂN SỰ, bạo sự quân sự là “động lực”, là “người đỡ đẻ” của độc lập tự chủ20.

Trong khí đó, Poliacop lưu ý rằng, các “nhà nghiên cứu Việt Nam hiện đại đánh giá quá cao ý nghĩa của chiến thắng trên sông Bạch Đằng trong bối cảnh giành lại nền độc lập”21. Ông khẳng định Dương Đình Nghệ cũng đã làm được một chiến thắng trước đó bảy năm (931). Và như những gì mà nhà nghiên cứu này đưa ra trong giả thuyết 905, dường như ông đã từ chối tiêu chí chiến thắng. Ông viết: năm 905, nhà Đường suy vi, viên Tiết độ sứ Trung Quốc cuối cùng là Độc Cô Tôn bị triệu khỏi Giao Châu, Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ chiếm đóng phủ Tống Bình. Nhà Đường buộc phải công nhận Khúc Thừa Dụ như một việc đã rồi. Năm 907, nhà Đường cũng mất, nhà Hậu Lương lên thay cũng đã công nhận chính quyền của họ Khúc22.

Đến đây, chúng tôi muốn tổng kết lại các tiêu chí mà các nhà nghiên cứu trước đây đã sử dụng.
Có thể thấy, tiêu chí quan trọng nhất nên được dùng ở đây là sự TỰ TRỊ và HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH do NGƯỜI BẢN ĐỊA hoặc những người đã bản địa hóa điều hành. Việc giành được chính quyền năm 905 của Khúc Thừa Dụ dường như đã bị quên lãng chỉ vì phương thức khá “hòa bình”23 của Khúc Thừa Dụ và sự thất bại của Khúc Thừa Mỹ vào năm 930. Đây chính là lý do khiến các sử gia có tinh thần quốc gia dân tộc đã không lấy ba đời họ Khúc làm triều đại mở đầu, thay vào đó họ dùng các uyển ngữ “người đặt cơ cở cho nền độc lập”, hoặc đặt vào kỷ “Nam Bắc phân tranh”. Nhiều học giả đã tuyệt đối hóa tiêu chí thắng - bại để ra kết luận cuối cùng. Thế nhưng, ngay cả khi dùng tiêu chí chiến thắng, họ dường như cũng cố gắng bỏ qua sự kiện năm 931 của Dương Đình Nghệ; lý do đưa ra là Dương Đình Nghệ đã nhận sách phong của phương Bắc. Song qua bảng trên, ta thấy việc sách phong của Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Ngô Quyền cũng đã bị bỏ qua. Thực chất, người ta đã không biết rằng: việc sách phong này luôn được thực hiện như một đối sách ngoại giao mềm mỏng của tất cả các triều đại trong lịch sử.

Tóm lại, với quan niệm nền độc lập phải được xác quyết bằng một chiến thắng trước giặc ngoại xâm, phần lớn các sử gia Việt Nam từ thế kỷ XV đến nay đã ấn định năm 938 như là dấu chấm hết cho giai đoạn Bắc thuộc. Tiêu chí chiến thắng bằng bạo lực quân sự dường như là một công cụ thường hằng của các sử gia nhằm phục vụ cho bối cảnh chính trị của Việt Nam - nơi luôn trải qua các cuộc xâm lăng của ngoại quốc.

Nhìn từ một góc độ thuần túy sử học như Poliacop thì nền độc lập đã được hình thành do áp lực quân sự của người bản địa trong bối cảnh đế chế Đại Đường đang ở chặng cuối của sự tan rã. Xu thế phân mảnh của một đế quốc và ý thức tự trị (cát cứ24) của các nhóm thế lực là hai nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự hình thành mười quốc gia thời Ngũ Đại và sự độc lập của mảnh đất phương Nam.
----------------------   
1 Tuy nhiên, bài này sẽ chỉ tập trung khảo sát, thảo luận về thời điểm kết thúc. Còn thời điểm khởi đầu xin được trình bày trong một dịp khác.
2 Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. 1971. Lịch sử Việt Nam. (Tập 1). NXB Khoa học Xã hội. H. Tr.141.
3 Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Vũ Minh Giang, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Đình Lê, Trương Thị Tiến, Phạm Xanh. (2010). Tiến trình lịch sử Việt Nam (tb. Lần 10). NXB Giáo dục Việt Nam. HN.
4 Trần Quốc Vương. 1984. Việt Nam thế kỷ X - văn hóa - văn minh. Trong “Thế kỷ X: những vấn đề lịch sử”. NXB KHXH. H. Tr.222.
5 Văn Lang. 1984. Thế kỷ X - một đặc điểm quân sự và quân sự học. Trong “Thế kỷ X: những vấn đề lịch sử”. NXB KHXH. H. Tr. 189. Hoằng Thao: thực ra là “Hồng Tháo”.
6 Như trên
7 http://vanhoanghean.com.vn (Thứ hai, 21/11/2011 10:12)
8 Tư Mã Quang. 1084. Tư trị thông giám. quyển 277.
9 Âu Dương Tu. 1053.  Tân Ngũ đại sử, quyển 60.
10 Mặt khác, nhiều học giả đã khẳng định tầm ảnh hưởng của họ Dương trong suốt thế kỷ X. Thời đại của Dương Đình Nghệ tồn tại trong sáu năm, cho đến khi ông bị Kiều Công Tiễn sát hại. Nhưng nhìn từ tổng thể, họ Dương đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử thế kỷ X. Con rể ông - Ngô Quyền ngay sau đó đã đem quân từ châu Ái ra diệt Kiều Công Tiễn và làm nên chiến thắng Bạch Đằng. Những con rể khác của họ Ngô như Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn ít nhiều nắm được quyền tối cao đều phải dựa vào mối quan hệ hôn nhân này.
11 Trần Quốc Vượng. 1984. bđd. Tr.222.
12 Nguồn sử liệu này không thấy đề cập trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng đã được Việt sử thông giám cương mục đề cập.
13 A.B. Pôliacốp. 1996. Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X- XIV. Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân dịch; Lê Đình Sỹ, Nguyễn Xuân Mạnh, Hán Văn Tâm hiệu đính. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - NXB Chính trị Quốc gia. H. Tr.22.
14 Quãng thời gian tồn tại hiện có hai giả thuyết: (1) 18 năm (905-923) theo Toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục; (2) 26 năm (905-930) theo Việt sử lược, An Nam chí lược [xem thêm Đỗ Danh Huấn. 2012. Lại bàn đến sử liệu viết về họ Khúc. Trong “Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa”. NXB Thế giới. H. 485- 506].
15 A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr. 23.
16 A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr.29.
17Đây là một cách phân loại rất khác so với các sử gia truyền thống (như Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Hy), qua các thuật ngữ “Nội kỷ”, “Ngoại kỷ”, xem Phan Huy Lê. 1998. Đại Việt sử ký toàn thư: Tác giả- văn bản - tác phẩm. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. NXB KHXH. H. Tr.25.
18 Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. (2010). Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 1). NXB Giáo dục Việt Nam. Hà Nội. tr.102
19 Sách phong: là chế độ ngoại giao mà các triều đại Trung Hoa công nhận quan hệ với các nước lân bang mà họ coi là phiên quốc bằng cách phong tước cho những người đứng đầu của các nước này. Ví dụ một số tước phong:  An Nam đô hộ phủ, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ hoặc An Nam quốc vương.
20 Văn Lang. 1984. bđd. Tr.192.
21 A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr. 28.
22 A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr.21-22.
23 Keith Weller Taylor. 1983. The Birth of Vietnam. University of California Press. Berkeley. tr.259.
24 Keith Weller Taylor. 1983. sđd. tr.261
.

https://tiasang.com.vn/-giao-duc/Thoi-diem-ket-thuc-ngan-nam-Bac-thuoc--6827

Phần nhận xét hiển thị trên trang