Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Nguyên nhân khiến Trung Quốc không thể ra tay vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc và mối lo ngại đáng báo động cho kinh tế toàn cầu


Nguyên nhân khiến Trung Quốc không thể ra tay vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc và mối lo ngại đáng báo động cho kinh tế toàn cầu
Trong khi Mỹ và Châu Âu theo đuổi các chính sách tiền tệ dễ dàng để thúc đẩy nền kinh tế của họ, Trung Quốc đang có một hướng đi thận trọng hơn. Đây sẽ là một trở ngại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump từng nặng lời chỉ trích các nhà lãnh đạo của Cục Dự trữ Liên bang vì chưa hành động đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, mặc dù Fed đã cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết họ sẵn sàng mua nhiều nợ nhất có thể để phục hồi khu vực đồng euro. Điều đó khiến Trung Quốc trở thành nước duy nhất trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới không đạp được chân trên bàn đạp tăng trưởng.
Trong các chu kỳ trước đây, bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy dự báo tốc độ tăng trưởng cao của Trung Quốc đang bị đe dọa đều dẫn đến kích thích toàn diện. Lần này, ngay cả khi nền kinh tế đang đương đầu với tốc độ phát triển chậm nhất trong gần ba thập kỷ, và có nhiều khoảng để cắt giảm lãi suất hơn so với các nước khác, Chủ tịch Tập Cận Bình lại tiếp tục chiến lược ổn-định-trước-tiên của mình. Có kích thích, nhưng ở mức độ vừa phải, thậm chí là tối thiểu và điều đó có tác động lớn đến nền kinh tế thế giới.
Trước đây, ngay từ dấu hiệu đầu tiên về sự bất ổn định, Trung Quốc sẽ mở các vòi tín dụng, theo ông Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China tại Bắc Kinh. Bây giờ họ nhận ra rằng một điểm phần trăm tăng trưởng thêm không xứng đáng với thiệt hại mà nền kinh tế phải chịu.
Nguyên nhân khiến Trung Quốc không thể ra tay vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc và mối lo ngại đáng báo động cho kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.
Năm 2008, khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc đã giải phóng mọi kích thích. 5 lần cắt giảm lãi suất cơ bản đi kèm với gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ NDT (563 tỷ USD) đã giúp bùng nổ hoạt động cho vay ngân hàng, phần lớn là cho chính quyền địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng.
Điều này dẫn đến một trong những sự tích tụ nợ nhanh nhất trong lịch sử loài người, và khoản nợ đó vẫn là một gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia.
Các nhà phân tích xác định thời gian thay đổi chính sách là tháng 5/2016, khi một bài báo của một người có thẩm quyền đăng trên tờ Nhật báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, gọi nợ là "tội lỗi căn nguyên". Ảo tưởng về kích thích nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ dễ dàng đã sinh ra những vấn đề bao gồm bong bóng bất động sản, năng suất công nghiệp dư thừa và các khoản vay không phù hợp đang gia tăng, theo bài báo, được cho là của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc đã bước vào một con đường mới mà các nhà lãnh đạo còn bị mắc kẹt giữa sự bất ổn xuất phát từ cuộc chiến thương mại và công nghệ leo thang với Mỹ.
Thay vì cung cấp thêm tín dụng, các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng chuyển hướng cho vay khỏi các doanh nghiệp nhà nước bế tắc sang các công ty tư nhân nhỏ hơn, hiệu quả hơn. Họ cũng đã tìm cách giảm rủi ro hệ thống bằng cách củng cố hệ thống quy định. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương nhắc lại chính sách tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào ngày 24/9: "Chúng tôi không vội vàng thực hiện cắt giảm lãi suất lớn hay nới lỏng định lượng, như một số ngân hàng trung ương khác."
Kết quả là một lực cản không thể tránh khỏi đối với tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong một tháng kể từ năm 2002, trong khi chỉ số giá công nghiệp chìm sâu hơn vào giảm phát. Theo ông Polk, tất cả những điều này có nghĩa là sự chậm lại của Trung Quốc có thể sẽ là một trở lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới. Ông Frederic Neumann, đồng giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc Hồng Kông, cho biết phần còn lại của thế giới sẽ cần phải làm quen với việc Trung Quốc sẽ không đưa ra biện pháp khắc phục nhanh đối với tình trạng bất ổn tăng trưởng hiện tại.
Trung Quốc đang thực hiện một số bước để giữ cho tăng trưởng ổn định. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc vừa được hạ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, lãi suất thị trường được điều chỉnh thấp hơn, phát hành trái phiếu cho chi tiêu cơ sở hạ tầng tăng lên. Chính phủ cũng cam kết cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp và hộ gia đình khoảng 2 nghìn tỷ NDT (281 tỷ USD) trong năm nay theo kế hoạch kích thích tài khóa lớn nhất từ ​​trước đến nay của nước này. "Mặc dù có vẻ như Trung Quốc chậm trễ trong việc kích thích chính sách cùng những minh chứng, nhưng thực tế thì hơi kém thuyết phục", theo ông George Magnus, nhà kinh tế tại Trung tâm Đại học Oxford Trung Quốc.
So với các khoản chi tiêu trong quá khứ, kích thích này có mục tiêu và hiệu chỉnh nhiều hơn. Nhưng nó không phải là không có rủi ro: mối nguy hiểm lớn nhất là nền kinh tế chậm lại hơn so với kỳ vọng của nhà hoạch định chính sách, dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan rộng và suy thoái trở nên khó đảo ngược. Các nhà lãnh đạo sau đó có thể tăng cường kích thích, gây ra những bất ổn về tài chính mà họ muốn tránh.
Quyết tâm của cấp lãnh đạo có thể được kiểm nghiệm sớm hơn. Với những thách thức thương mại và tài chính "đau đầu" hơn, tăng trưởng có thể giảm tới 5,5% nếu không có kích thích mạnh mẽ hơn, Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Oxford Economics ở Hồng Kông nói. Sáu tháng tới sẽ là phép thử, ông nói. "Cá nhân tôi chưa thể tin rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng hãy chờ xem."
Khánh An / Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thư kiến nghị Việt Nam kiện Trung Quốc..

FB Ngo Thu đã chép lại bài này từ VOA:
Trong gần 2 tuần nay, 9 tổ chức và gần 700 cá nhân đã và đang vận động chữ ký cho một văn bản kêu gọi chính quyền Việt Nam “kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” về tranh chấp ở Biển Đông.
Một nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông bình luận với VOA rằng việc đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế sẽ có lợi cho Việt Nam nhiều hơn là có hại, song ông cũng phân tích về 2 lý do có thể làm Việt Nam còn e ngại chưa tiến hành bước đi quyết đoán.
Thư kêu gọi được đưa lên mạng xã hội hôm 10/9 với những chữ ký đầu tiên của các nhân vật có nhiều ảnh hưởng như nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyên Ngọc, tiến sĩ Chu Hảo, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM Võ Văn Thôn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. HCM Đào Công Tiến, và nhiều học giả, nhà hoạt động trong và ngoài nước, kể cả ở Mỹ, Pháp, v.v…
Bức thư xuất hiện trong bối cảnh 2 tháng đã trôi qua kể từ khi tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc bắt đầu hoạt động tại Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7.
Theo tìm hiểu của VOA, từ đó đến nay, tàu của Trung Quốc thực hiện 3 đợt khảo sát, gây ra một số cuộc đấu khẩu ngoại giao giữa hai nước láng giềng.
Có tin đợt khảo sát thứ 3 vừa kết thúc. Trang Facebook mang tên Dự án Đại sự ký Biển Đông cho biết đội tàu Trung Quốc gồm tàu Hải Dương Địa Chất 8 và 4 tàu hải cảnh hộ tống vào sáng sớm ngày 22/9 “bất ngờ rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam về Đá Chữ Thập”.
Thông tin trên được Dự án Đại sự ký Biển Đông đưa ra căn cứ vào dữ liệu trên hệ thống nhận dạng tự động tàu bè AIS, là hệ thống quốc tế nhận và phát tín hiệu qua vệ tinh để thông báo về vị trí, tốc độ, hướng đi, tên tàu, số nhận dạng, kích thước tàu, v.v…
“Đây là lúc thuận lợi nhất để kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế”, một đoạn trong thư của 9 tổ chức và gần 700 cá nhân viết, đồng thời thư nhấn mạnh rằng “đã đến lúc không thể nhân nhượng để cầu mong yên bình trước sự thách thức ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với chủ quyền quốc gia”.
Bức thư kêu gọi chính quyền Việt Nam thực hiện 3 việc gồm kiện nhà cầm quyền Trung Quốc về việc nước này “xâm phạm quyền lợi kinh tế biển của Việt Nam ở Biển Đông”, bên cạnh đó là đòi họ “trả lại các đảo” của Việt Nam thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực, và nâng quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ thành “đối tác chiến lược toàn diện”.
Thạc sĩ luật quốc tế Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông, nói với VOA rằng trong hai yêu cầu đầu tiên mà những người vận động đưa ra, việc kiện đòi Trung Quốc tôn trọng lợi ích của Việt Nam có tính khả thi hơn.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích rằng việc đòi Hoàng Sa, Trường Sa là tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ, do đó nếu Việt Nam muốn đưa Trung Quốc ra tòa về vấn đề này, nước láng giềng phương bắc phải đồng ý là một bên trong vụ kiện thì một tòa án quốc tế mới có thể xét xử. “Nhưng đó là điều khó khăn vì Trung Quốc luôn luôn từ chối đưa ra tòa”, thạc sĩ Hoàng Việt nói.
Ngược lại, Việt Nam hoàn toàn có thể “đạt hiệu quả” nếu làm tương tự như Philippines là kiện Trung Quốc tại tòa trọng tài quốc tế để yêu cầu đất nước có hơn 1,4 tỉ dân phải tuân thủ Công ước về Luật biển LHQ, trong đó phải tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và dừng các hành vi xâm phạm, ông Hoàng Việt nói với VOA.
Trong trường hợp này, dù Trung Quốc từ chối ra tòa, phiên tòa vẫn có thể thiết lập được và ra phán quyết được, theo thạc sĩ Hoàng Việt.
Lưu ý rằng dù phán quyết tại tòa trọng tài dù “không có giá trị thi hành” vì không có cơ quan quốc tế bắt buộc thi hành án, song nhà nghiên cứu Biển Đông này cho rằng Việt Nam vẫn có lợi nếu làm như vậy.
Dẫn lại phán quyết của tòa quốc tế hồi tháng 7/2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc, ông Hoàng Việt nói dù Trung Quốc tuyên bố không công nhận giá trị của phán quyết song Trung Quốc kể từ đó đã phải đối phó rất nhiều.
Ông nói thêm:
“Trong tuyên bố gần đây nhất, của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, ngày 18/9, họ không nhắc đến yêu sách đường 9 đoạn/đường lưỡi bò nữa. Có lẽ Trung Quốc thấy rằng phán quyết của tòa bác bỏ đường này, và đường này hoàn toàn vô lý, nên Trung Quốc thay đổi chăng. Thứ hai, có rất nhiều giới chức Trung Quốc ở nhiều tầng lớp khác nhau, mức độ khác nhau phải tìm cách chống lại phán quyết này, và điều đấy cũng khiến cho Trung Quốc bị mệt mỏi rất nhiều”.
Một điểm lợi khác mà Việt Nam có thể xem xét, theo nhận định riêng của thạc sĩ Hoàng Việt, là Trung Quốc đã phải “xuống thang rất nhiều” sau phán quyết. Trước đây, Trung Quốc khẳng định toàn bộ vùng Scarborough thuộc chủ quyền nước này, nhưng kể từ khi có phán quyết, Tổng thống Duterte của Philippines đã có lợi thế để đàm phán về khai thác dầu khí chung ở vùng biển nêu trên.
“Nếu không có phán quyết, còn lâu ông Duterte mới có thể đàm phán với Trung Quốc trên vùng biển này được. Nói gì thì nói, phán quyết vẫn có tác động của nó”, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói với VOA.
Thư kiến nghị của 9 tổ chức và gần 700 cá nhân cho rằng các động thái phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc tiến hành khảo sát ở Bãi Tư Chính cũng như chưa kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế cho thấy sự “yếu ớt” của Việt Nam.
Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu, thạc sĩ Hoàng Việt bình luận với VOA rằng Việt Nam đang ở vào thế khó vì có 2 điều cản trở. Ông giải thích thêm:
“Lý do thứ nhất, là lý do lớn, là sức ép và sự đe dọa trả đũa từ Trung Quốc. Trung Quốc đã gây sức ép với Philippines rất là mạnh. Chắc chắn với Việt Nam, Trung Quốc sẽ làm mạnh và còn căng thẳng hơn. Điều đấy cũng chứng tỏ một điều là nếu Trung Quốc không coi phán quyết của tòa là cái gì, tại sao Trung Quốc lại phải lo ngại khi Việt Nam có thể khởi kiện. Thứ hai, một số người ở Việt Nam cho rằng trong tuyên bố về đường cơ sở năm 1982 của Việt Nam, nó còn có một số vấn đề”.
Cụ thể, theo ông Hoàng Việt, Việt Nam công bố đường cơ sở trên biển vào tháng 11/1982, một tháng trước khi Công ước về Luật biển LHQ được ký kết, nhưng đường cơ sở này vấp phải sự phản đối của 10 nước trong đó có Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia vì một số điểm mốc không phù hợp, hay một số viện dẫn lịch sử của Việt Nam, nhất là gắn với Vịnh Bắc Bộ, đã bị “lạc hậu”. Đây là những điểm yếu mà Trung Quốc có thể tìm cách khai thác để chống lại vụ kiện tiềm tàng của Việt Nam, ông Hoàng Việt đưa ra ý kiến.
Những người khởi xướng bức thư kiến nghị Việt Nam kiện Trung Quốc chưa đặt ra hạn chót sẽ gửi thư đến chính quyền Việt Nam.
Trong khi đó, hôm 21/9, Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam đã gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính nhân Hội nghị thượng đỉnh thương mại-đầu tư Trung Quốc-ASEAN tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Nói về Biển Đông, Phó Thủ tướng Đam “đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển”.
Đáp lại, Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính khẳng định coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam.
About this website
VOATIENGVIET.COM
Nhà nghiên cứu: Lợi nhiều hơn hại nếu VN kiện TQ về Biển Đông
Một nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông bình luận với VOA rằng việc đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế sẽ có lợi cho Việt Nam nhiều hơn là có hại.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

Bản đồ tư liệu:





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những giá trị văn hóa bị vùi dập


Sapa là một vùng văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc Việt Nam; cùng với thời tiết, khí hậu, khung cảnh, thì nơi đây là một địa điểm tuyệt vời để đi du lịch, nghỉ dưỡng và tìm hiểu văn hóa vùng miền.
Tháng 12, tôi đi Sapa tránh nóng. Tôi đã từng đặt chân tới nơi đây khoảng 7 năm về trước, và nhận ra sự thay đổi chóng mặt của mảnh đất yên tĩnh này. Sapa là một vùng văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc Việt Nam; cùng với thời tiết, khí hậu, khung cảnh, thì nơi đây là một địa điểm tuyệt vời để đi du lịch, nghỉ dưỡng và tìm hiểu văn hóa vùng miền. Chính vì vậy, du khách nước ngoài rất hồ hởi đến thăm Sapa dù đường xá xa xôi, đi lại có nhiều khó khăn. Đến nay thì tất cả những bình yên vốn có của Sapa đang bị xâm hại và dần dần biến mất bởi những dự án xây dựng khách sạn, nhà nghỉ “tiêu chuẩn quốc tế.”
Phải nói trong những năm gần đây, khi nhận ra du lịch đang trở thành một ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh, mạnh, hái ra tiền, nhà nước đã thông qua nhiều chính sách và và dành những ngân khoản lớn nhằm quảng bá hình ảnh đất nước để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, với tầm nhìn hạn hẹp, tất cả các dự án mới được khởi công ở các điểm du lịch nổi tiếng bắt đầu trở thành thảm họa khi áp đặt “tiêu chuẩn quốc tế” mơ hồ, hời hợt. Sapa bắt đầu trở thành một đống đổ nát hổ lốn khi hằng ngày có hàng chục chiếc xe tải chở đất cát qua những tuyến đường nhỏ, rơi vãi dính chặt khắp mặt đường. Vào mùa đông, sương mù và mưa phùn khiến cảnh vật trở nên lầy lội và bẩn thỉu.
Tôi chưa tận mắt nhìn thấy cái “tiêu chuẩn quốc tế” mặt mũi hình thù ngang dọc như thế nào, nhưng đoán chắc cũng dạng “tầm cỡ.” Tuy nhiên, với dạng địa hình đồi núi và thung lũng, việc xây dựng một khu nghỉ dưỡng hoành tráng mất rất nhiều công sức khi phải san phẳng diện tích đất lớn, chưa kể hình ảnh khập khiễng với khung cảnh chung của vùng thị trấn vốn dĩ vô cùng đơn sơ và mộc mạc này. Tôi đã từng đến Bali (Indonesia), rất nổi tiếng về cả du lịch biển (Kuta) và du lịch núi rừng (Ubud), tuy nhiên mô hình quy hoạch 2 khu vực khác hẳn nhau dù chỉ cách nhau 2 tiếng đồng hồ lái xe. Vùng biển Kuta xập xình, tấp nập các quán xá thâu đêm cùng những khách sạn sanh trọng, hiện đại, trong khi Ubud trầm lắng với những tiệm bán đồ trang sức cổ, các hiệu sách cũ kỹ và quán cafe yên tĩnh. Ubud cũng nổi tiếng với các lớp học yoga và ngồi thiền thanh tịnh. Du khách đến và bị cuốn hút vào tầng lớp văn hóa của người Indonesia qua những bộ quần áo dân tộc thiểu số, cái cúi chào lấp ló bông hoa cài trên tóc, hay tiếng nhạc dân dã đầy mê hoặc. Sẽ chẳng lấy gì làm lạ nếu thấy các thanh niên tây mắt xanh, tóc vàng ăn dầm nằm dề hết ngày này qua tháng khác tại nơi này.
Sapa cũng mang một vẻ đẹp như thế, thậm chí còn hơn thế với địa hình và thời tiết đẹp như mơ, nếu được quan tâm và đầu tư đúng cách. Tuy nhiên trong tương lai gần, Sapa đã và đang trở thành món mồi ngon với những dự án quy hoạch “chuẩn quốc tế” chụp giật và sớm sẽ biến thành một vùng đất nham nhở chắp vá khi các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đặt cạnh khu nghỉ dưỡng có sân golf rộng mênh mông cùng những tòa nhà cao chót vót. Một phóng sự được trình chiếu mới đây có tên là “Ầm ĩ Sapa” đã cho thấy một Sapa méo xẹo khi một ngọn núi đã bị bạt ngang đầu để xây dựng quần thể khách sạn Fansipan. Trong 9 tháng đầu năm 2016, có khoảng 180 giấy phép xây dựng được cấp và phê duyệt, hơn 250 khách sạn mọc lên tại thị trấn này. Khu nghỉ dưỡng cao cấp của tập đoàn Sun Group đang khởi công giữa trung tâm Sapa, dự kiến cao 47m trong khi quy chế đô thị tại Sapa chỉ giới hạn ở độ cao 14,5m. Công trình “được duyệt” cứ rục rịch phát triển, nhưng người dân xung quanh không được thông báo trước. Phóng sự trên đã ngay lập tức bị yêu cầu rút xuống sau 24 giờ phát sóng. Còn nhớ, việc xây dựng, quy hoạch tại vùng núi Sapa đã từng gây tranh cãi trong dư luận khi dự án cáp treo Fansipan được phê duyệt năm 2015 và sau khi hoàn thành đã trở thành “thảm họa” khi đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương biến thành một khu chợ nhung nhúc người. Khác với đỉnh Everest, Phú sĩ hay Alpes, Việt Nam đã biến một Fansipan với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của đất nước thành những thứ tầm thường khi chỉ nghĩ đến những lợi ích kinh tế trước mắt. Và sắp tới là cả Sapa.
* Blog Trong lòng Hà Nội của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao phải phản đối Sun Group


Lại Trần Mai 
*Rất đồng ý với tác giả bài này. Phải phản đối Sun Group và hàng trăm doanh nghiệp khác như Xuân Trường, Vin Group hay FLC Group vì nhờ câu kết với chính quyền, chúng được quyền tự do chiếm hàng nghìn héc ta đất quây thành khu sở hữu riêng cấm không ai được xâm phạm. Rất nhiều vùng đồi núi, bãi biển là nơi người dân Việt tự do qua lại từ ngàn đời đột nhiên sau một ngày bị chặn lại, cực kỳ vô lý. Do đó phản đối chúng chính là để bảo vệ không gian tự do cho mỗi cá nhân và cộng đồng của chúng ta, để chúng ta được quyền leo núi, xuống biển theo sở thích và được hưởng cuộc sống tự do của chính mình và cộng đồng..


Ngưỡng mộ!


Vinh Phan
GƯƠNG MẶT CHÍNH KHÁCH
Tổng thống nước Cộng hòa Croatia: Kollinda Grabar Kitarovics.
- Đã bán phi cơ riêng của tổng thống, bán 35 xe Mercedes Benz của văn phòng tổng thống đưa vào ngân sách quốc gia.
- Đã giảm 50% lương của mình và các bộ trưởng.
- Đã giảm 40% lương các đại sứ, các tổng lãnh sự quán.
- Đã xóa quỹ hưu trí dành riêng cho các đại biểu quốc hội.
- Biết và nói 7 ngoại ngữ và sống bình dị như tất cả mọi người.
- Từ khi bà giữ chức tổng thống, GDP của Croatia tăng 24%.
Một nữ chính khách xinh đẹp, trẻ trung, thông minh tài giỏi, tận tụy như một bà nội trợ hoàn hảo của chính Tổ quốc mình.
Ngưỡng mộ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Việt Nam nêu vụ Bãi Tư Chính trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc?


Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2016.
Một quan chức cấp cao của Việt Nam dự kiến sẽ có bài phát biểu trước lãnh đạo các nước tại cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA), và giới phân tích cho rằng Hà Nội nên nêu vụ "đối đầu" với Trung Quốc ở Bãi Tư Chính để vận động sự ủng hộ của nhiều quốc gia hơn nữa.
Văn phòng của Người phát ngôn cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho VOA tiếng Việt biết rằng, theo lịch trình tạm thời, một phó thủ tướng của Việt Nam sẽ có bài phát biểu vào ngày 28/9. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện chưa thấy thông báo về phái đoàn dự kỳ họp của UNGA lần này.
Mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng yêu cầu Việt Nam phải “ngay lập tức chấm dứt” các hoạt động thăm dò dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính. Trong khi đó, Hà Nội tuyên bố rằng Bắc Kinh đã đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.
“Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa), và quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng lãnh hải Vạn An Than (Bãi Tư Chính) thuộc quần đảo Nam Sa”, ông Cảnh nói.
Trước tuyên bố mà nhiều người Việt cho là “ngang ngược” này của Trung Quốc, ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng Việt Nam nên đưa vụ Bãi Tư Chính ra trước UNGA.
“Về lâu dài, lựa chọn duy nhất của Việt Nam nhằm đẩy lùi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là vận động sự ủng hộ của quốc tế để Bắc Kinh cảm thấy rằng họ bị tổn hại nhiều về danh tiếng và ngoại giao. Cho tới nay, ngoài Mỹ, Hà Nội vẫn chưa được nước nào khác lên tiếng rõ ràng về vấn đề này”, ông Poling nói với VOA tiếng Việt.
“Một bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ giúp thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và các nước có tiếng nói như Úc, Nhật và Anh cùng các quốc gia vốn giữ im lặng phải lên tiếng”.
Năm ngoái, khi tình hình Biển Đông chưa “nóng” như hiện nay, phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhắc tới vấn đề tranh chấp lãnh hải, với tuyên bố rằng Việt Nam “luôn nhất quán trong việc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có khu vực Biển Đông, trên cơ sở Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không”.
Một năm trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có tuyên bố tương tự ở Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên liên quan kiềm chế”.
Ông Poling nhận định rằng một bài phát biểu có nêu vụ “đối đầu” ở Bãi Tư Chính “chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc giận dữ, nhưng nó cũng dẫn tới phản ứng tiêu cực đáng kể đối với Bắc Kinh từ các nước có đồng quan điểm ở châu Âu, Mỹ, Canada, Australia hay Nhật”.
“Và nó cũng sẽ mở đường cho các nước này, đặc biệt là Mỹ, tìm cách thay mặt Việt Nam vận động thêm sự ủng hộ của quốc tế”, nhà nghiên cứu của trung tâm ở thủ đô Washington, nơi nhiều lãnh đạo Việt Nam từng tới thăm và phát biểu, nói.
Tổng thống Trump hôm 24/9 đã sử dụng bài phát biểu trước UNGA để phát đi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình về cuộc chiến thương mại cũng như cảnh báo rằng thế giới giới đang theo dõi cách thức Bắc Kinh xử lý các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sau đó đáp trả rằng Bắc Kinh sẽ không khuất phục trước các lời đe dọa.
Liên quan tới bài phát biểu sắp tới của lãnh đạo Việt Nam, khi được hỏi rằng liệu Hà Nội có thể vận động được ủng hộ nhiều tới mức nào ở UNGA nếu đề cập cụ thể tới vụ Bãi Tư Chính, ông Poling nói rằng “có nhiều hơn hẳn các nước phản đối thay vì ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.
Nhà nghiên cứu này lấy ví dụ về việc hơn 50 nước chúc mừng Philippines “thắng kiện” khi đưa tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc, trong khi chỉ có hơn 30 nước, phần lớn là từ Trung Đông và Bắc Phi, đứng về phía Bắc Kinh phản đối phán quyết có lợi cho Manila. Nhiều học giả và các nhà hoạt động Việt Nam lâu nay đã kêu gọi Hà Nội theo chân Philippines, kiện Trung Quốc.
“Nếu vấn đề [Bãi Tư Chính] được nêu lên trước Liên Hợp Quốc, không còn nghi ngờ gì chuyện nhiều nước lưỡng lự vì áp lực của Trung Quốc đối với các quốc gia nhỏ hơn ở châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latin và một số quốc gia ở châu Á, nhưng sẽ có thêm nhiều nước công khai đứng về phía Việt Nam hơn là Trung Quốc”, ông Poling nói.
“Và các nước ủng hộ Việt Nam sẽ có sức nặng hơn nhiều về mặt dân số, sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang