Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Phải làm rõ xem có âm mưu phá hoại bên trong Bộ Giáo dục hay không?

 
Xuân Dương Báo Giáo dục Vn 01/11/18 (GDVN) - Làm công chức Bộ Giáo dục và Đào tạo sai sót đáng tiếc xảy ra như cơm bữa, nếu kỷ luật hết thì lấy ai làm việc? Bên cạnh các lỗi cũ như “Lỗi đánh máy”, “Lỗi văn thư”, “Lỗi bàn phím”, “Lỗi soạn thảo”,… cũng nên đưa thêm vào đó các loại lỗi dự kiến sẽ được sử dụng trong tương lai, chẳng hạn “Lỗi văn phong”, “Lỗi hành văn”, “Lỗi ngữ pháp” và không nên quên cả “Lỗi mổ cò”! Và lỗi gì thì lỗi, cũng không thể bỏ qua suy nghĩ rằng: Có hay không một âm mưu phá hoại từ chính bên trong? 
Khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Vũ Luận từng lý giải chuyện bộ này dự trù xin kinh phí 34.000 tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông như sau: “Trong Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu liên quan gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số này cũng như bất kỳ con số nào về kinh phí”. Cấp dưới của ông Luận là ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, thường trực Ban soạn thảo Đề án được báo chí trích ý kiến như sau: “Trong 34.275 tỷ đồng có đến 7-8 đầu việc. Mà bản thân người xây dựng đề án cũng không nhớ chính xác được khái toán chi tiết cho từng đầu việc”. [1] 

Ông Phạm Vũ Luận thừa nhận “Đây là một sai sót đáng tiếc” bởi lý do bất khả kháng là ông không có mặt ở nhà, ông đang công tác ở nước ngoài, đây là do cấp dưới thực hiện.

Có điều sau đó không thấy ai phải chịu trách nhiệm về “sai sót đáng tiếc” này.

Có lẽ “đáng tiếc” nhất là số tiền trên đã không được duyệt!

Làm công chức Bộ Giáo dục và Đào tạo sai sót đáng tiếc xảy ra như cơm bữa, nếu kỷ luật hết thì lấy ai làm việc?

Để tránh bị cho là nhận định chủ quan, xin kể thêm những sự “đáng tiếc” khác, chẳng hạn chuyện cả xã hội dậy sóng vì quyết định “Cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng thi thi tuyển đại học, cao đẳng” hay hay chuyện phong giáo sư, phó giáo sư vừa xảy ra hồi đầu năm 2018 mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xem xét trách nhiệm.

Khi câu chuyện 34 nghìn tỷ nêu trên xảy ra ông Phạm Vũ Luận giải thích “Vào những ngày Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc giải trình, tôi phải đi công tác nước ngoài trên cương vị Chủ tịch hội đồng bộ trưởng giáo dục các nước ASEAN nên không thể tham gia trực tiếp”.

Ngược lại, câu chuyện mới nhất là dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định sinh viên bán dâm lần thứ tư (hiện cũng đã được làm rõ là có lỗi và bị loại bỏ-nv) thì bị đuổi học xảy ra ngay trong thời gian Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ họp Quốc hội và phải trả lời chất vấn của các đại biểu về nhiều bất cập của giáo dục.

Phải chăng đây cũng là “sai sót đáng tiếc” hay có gì đó còn hơn thế, nghĩa là cấp dưới của Bộ trưởng Nhạ không được “tế nhị” cho lắm khi chọn thời điểm để “xin ý kiến” dư luận về chuyện bán dâm của sinh viên?

Có điều dù Bộ trưởng ở nước ngoài hay trong nước thì cấp dưới vẫn làm và hình như cả hai trường hợp hai vị Bộ trưởng đều không “tham gia trực tiếp””?

Dự án trình Quốc hội và Thông tư của Bộ mà hai vị Bộ trưởng không “tham gia trực tiếp” thì thứ trưởng nào phải chịu trách nhiệm?

Vì dự thảo không hề có “Lỗi đánh máy”, bản đăng trên Cổng thông tin điện tử thì không thể có “Sơ xuất in ấn” nên mới xuất hiện một loại “lỗi” mới là “Lỗi cập nhật”?

Mà nói đến “Lỗi cập nhật” tại Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có phải mới chỉ xảy ra lần đầu?

Trong bài viết về vụ gian lận thi cử tại một số địa phương mùa hè năm 2018 [2], người viết đã tìm kiếm Quyết định thành lập và danh sách thành viên “Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia”.

Mặc dù tìm thấy số Quyết định này (Quyết định số 1277/QĐ-BGDĐT) nhưng không thể tìm được văn bản dù đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm.

“Lỗi cập nhật” văn bản mới có phải là nguyên nhân chính khiến Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phải lên tiếng giải thích? Và cũng có phải là nguyên nhân khiến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ xem xét kỷ luật những người làm sai?

Báo Infonet.vn dẫn ý kiến của đại biểu Quốc hội tại diễn đàn Quốc hội ngày 30/10/2018 như sau:

“Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phú Yên) đánh giá dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh sinh viên có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục.

Nhiều cử tri nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay.

Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình khi thường xuyên nêu quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm, song rồi tiếp tục sai. Giải pháp nào để duy trì sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay".

Có lẽ nên có sự phân biệt các phạm trù “năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục” bởi “Bộ máy giáo dục” của một quốc gia bao gồm nhiều yếu tố hợp thành, chẳng hạn cơ chế, chính sách, chủ trương đường lối vĩ mô và mối quan hệ giữa giáo dục với các lĩnh vực khác,…

Uy lực của bộ máy giáo dục thời gian qua quả thật quá yếu vì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý nội dung, chương trình mà không quản lý con người và ngân sách (trừ một số lượng nhỏ các trường do bộ này chủ quản).


Ảnh chụp màn hình Cổng Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 31/10/2018


Riêng “năng lực, tâm lực” thì lại chỉ liên quan đến con người và người viết cũng đồng tình với ý kiến đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, rằng việc để xuất hiện không ít văn bản “tai tiếng” tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy người dân nghi ngờ “năng lực và tâm lực” của một bộ phận chuyên viên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo là có cơ sở.

Sau những lùm xùm gian lận thi cử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 tại một số tỉnh, ngày 31/10/2018 tra cứu thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn thấy có tin:

“Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Đổi mới tích cực, gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng (Nguồn VTV1)”?

Nếu quả thật kỳ thi năm 2017 là “tích cực, gọn nhẹ, thiết thực khách quan, công bằng” thì vì sao không phát huy “thành tích” nay mà để kỳ thi 2018 công an phải bắt giam hàng loạt cán bộ, phải xem xét kết quả của hàng loạt thí sinh?

Nếu quả thật kỳ thi đã “Đổi mới tích cực, gọn nhẹ, thiết thực” thì vì sao năm 2019 sẽ lại thay đổi cách chấm thì (theo cụm)?

Đây có phải “Lỗi cập nhật” thông tin hay chỉ vì thông tin này của Đài Truyền hình Việt Nam có lợi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cần giữ lại?

Chỉ cần đọc báo cáo tổng kết năm học 2017 của Bộ đã thấy không ít “sạn” về số liệu, bố cục cũng như khả năng tổng hợp, về điều này người viết đã đề cập trong bài “Nhìn vào những con số trong báo cáo của Bộ Giáo dục”. [3]

Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ là cơ quan quản lý nhà nước ngành giáo dục mà còn là cơ quan soạn thảo một số dự án luật và văn bản quy phạm pháp luật.

Vì dự thảo luật được nhiều cơ quan, cá nhân góp ý nên chắc sẽ ít “Lỗi cập nhật văn bản”, vấn đề nằm ở chỗ có hay không “Lỗi cập nhật kiến thức” của những người chắp bút?

Nếu “Lỗi cập nhật kiến thức” được lặp đi lặp lại thì lấy gì bảo đảm Luật Giáo dục đang chuẩn bị sửa đổi không lặp lại vết xe của Bộ Luật Hình sự, Luật Bảo hiểm,…?

Nói một cách công bằng, tất cả những lỗi liên quan đến giáo dục không thể một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu, song những lỗi xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật thì không thể đổ cho ai khác ngoài cơ quan bộ, nói chính xác là những nhân sự mà Bộ Giáo dục hiện có.

Chừng nào còn đó những con người xem “Lỗi cập nhật kiến thức” là của ai đó chứ không phải của mình thì chừng đó những văn bản bị “lỗi cập nhật” vẫn còn xuất hiện và không biết đến lúc đó xuất hiện thêm kiểu “lỗi” gì mới?

Người viết xin phép gợi ý các vị lãnh đạo giáo dục nên lập dự án xây dựng bộ “Từ điển lỗi” dùng cho công tác văn phòng.

Bên cạnh các lỗi cũ như “Lỗi đánh máy”, “Lỗi văn thư”, “Lỗi bàn phím”, “Lỗi soạn thảo”,… cũng nên đưa thêm vào đó các loại lỗi dự kiến sẽ được sử dụng trong tương lai, chẳng hạn “Lỗi văn phong”, “Lỗi hành văn”, “Lỗi ngữ pháp” và không nên quên cả “Lỗi mổ cò”!

Và lỗi gì thì lỗi, cũng không thể bỏ qua suy nghĩ rằng: Có hay không một âm mưu phá hoại từ chính bên trong?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/thu-thanh-minh-cho-so-xuat-34000-ty-cua-bo-giao-duc-3035189/ 

[2]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc--Van-de-khong-nam-o-Ha-Giang-1-post188179.gd 

[3] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Nhin-vao-nhung-con-so-trong-bao-cao-cua-Bo-Giao-duc-post179227.gd 

Xuân Dương
http://giaoduc.net.vn/gdvn-post192349.gd

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chín bài thơ màu xanh nhưng không có chữ “biển”

 
1.
 
các anh
màu xanh
đã nhập vào hoang vắng
 
 
2.
 
như đám khói
không phải màu xanh
mây của các loài chim
không bao giờ bay
hay
mất
 
 
3.
 
mặt trăng tái, hoa hồng vàng, bầu trời tim tím
hoàng hôn vệt son
như giọt máu
màu đỏ sương mù
 
chỉ các anh
nằm ngổn ngang trên đất
màu xanh
 
 
4.
 
một cái cây cô đơn
đứng im trong bóng tối
nó rùng mình vẫy tất cả lá
màu xanh
trong gió
 
nó sợ
các ngôi sao, như các anh
vẫn còn đang trôi, ôi, màu xanh
bay, lạnh, heo may run rẩy
 
 
5.
 
tháng hai năm ấy
con gà con heo con trâu con bò
cũng bỏ
chạy
 
 
6.
 
hoa mà gió đã lung lay
xanh thêm lần nữa
trong mưa
 
vì vậy, con tim anh
đầy nước mắt
màu xanh
không phải bị lừa
các anh
đổ máu
màu đỏ
cho Mẹ
 
và những kẻ
bây giờ các anh biết, chúng nhận là con
của Mẹ
để làm thơ
và để giả vờ
xanh...
 
 
7.
 
các anh
bài thơ
một đống thịt mềm
một mái tóc
chưa kịp chải
 
dưới xương sườn các anh
máu chảy
khi hết bốn lít
các anh bắt đầu thấy lạnh
 
các anh đã pha trộn thân mình với cuộc chiến
như mỗi sớm người ta pha thêm đường vào ly
cà-phê nóng
 
các anh đã pha trộn thân mình trong cuộc chiến
như người ta trộn rau trong bữa ăn tối
nhiều khi hơi vội, nên đã liếm
thêm que kem, thời tiết khá nóng
khi hết đạn, các anh vẫn còn một con dao găm
đào bới hy vọng
làm ngọn lửa
sưởi ấm
che chắn
cho mọi người
 
phe nào bắn thì dân đều chết
không có chiến tranh không có chiến tranh
 
phe nào đốt thì dân đều cháy
không chiến tranh không có chiến tranh
 
phe nào xạo thì dân đều hết gạo
không có chiến tranh không chiến tranh
đất nước cuối cùng chỉ thành
nước mắt
 
 
8.
 
mặt trăng
bây giờ trong đêm chỉ còn như vết nứt
nhấp nháy
 
một bàn tay
bịt miệng
 
sự im lặng
của bàn phím
những con chữ mù mờ đom đóm
bóng tối, những người biểu tình quanh xóm nghèo
đốt lửa
 
chỉ còn chút ánh sáng từ màn hình
mà người ta không dám soi lên
không như các sư đoàn đã từng diễu hành
dưới cờ, giữa trưa tháng hai
nắng chiếu lên máu
màu rực rỡ
 
nụ cười của họ
sự im lặng của bạn
hoá ra
vinh quang
đời đời vinh quang
đã thành quên lãng?
 
hơi thở của họ như nụ hôn
trên làn da bạn
làm thế nào bạn cứ sợ
bạn cứ làm mờ
bằng cách tắt dần ánh sáng
 
bây giờ, con dấu màu đỏ
không phải máu
trên những văn bản cấm cả cơn đau
bạn muốn nghiến nát những con chữ
mà bạn sợ chúng sẽ lảm nhảm
quăng bạn ra xa
 
nhưng, cha mẹ ôi
bạn an ủi rằng
bạn đã gõ bàn phím
chỉ tại màn hình
không dám
hiện ra
 
khi ánh sáng mờ dần
trên các đường mòn qua khe núi
của một thời khe máu
bạn chờ
đom đóm toả sáng để tưởng nhớ
giấc ngủ
của các anh
 
và bạn đi bộ
trở về với bóng đêm
bạn nói thêm
là mình
cũng không thể ngủ
bạn xanh mù
như đom
đóm
 
 
9.
 
bạn trở về với những đêm không ngủ
mắc kẹt ở ô cửa sổ
sau tấm rèm cửa
bụi giữa các nếp gấp
 
và con gái của bạn cũng không còn nhớ số
điện thoại của bạn
khi bạn nghe
gió bên ngoài cửa sổ
 
những cây nến chưa thắp đã ố vàng
một bài hát trong máy tính chưa mở
của quên
và nhớ
 
tấm ảnh cũ và gần
như kỷ niệm, bóng
đen như ly cà-phê
không có ai mang thai nơi khung cửa
ngôn ngữ của mưa
vẫn vang vào phòng bạn
từ mùa xuân năm ngoái
 
bụng bạn phồng to vì sợ quả bóng sắp vỡ
bạn biết tốc độ
nó như một viên đạn
 
không ai có thể ngờ
và tin
viên đạn
như giàn khoan
 
nó tự dưng
bay
rồi chui vào
bụng bạn
một cách lãng mạn
dã man...
 
 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngân sách


Những ngày qua, quốc hội trao đổi về ngân sách hơi bị nhiều. Nói vòng vo chán, rồi các ý kiến cũng chốt lại ở ý phải làm sao tiết kiệm ngân sách, không được phung phí.

Bộ Tài chính cũng vừa công bố dự thảo ngân sách năm 2019, thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, cũng có ý rằng phải tiết kiệm.

Nói chung, cả quốc hội, cả Bộ Tài chính, cả mồm những ông to bà nhớn đều đúng. Ngân sách là phải tiết kiệm.

Vì sao đúng, bởi vì ngân sách tức là tiền (ngân), là mồ hôi, nước mắt, máu của nhân dân mà thành. Lãng phí là có tội.

Chỉ có điều, cần phải biến lời nói thành việc làm, thành hành vi cụ thể. Đừng có mồm nói tiết kiệm nhưng tay phung phí, coi máu mồ hôi nước mắt nhân dân như rác như bùn.

Xin nêu một vài cách chống lãng phí (sự lãng phí đang tràn lan, công khai, khắp nước, mọi cấp).

Tôi thử hỏi các ông bà, vậy Mặt trận tổ quốc nó làm nhiệm vụ gì cho đất nước này. Rất chung chung, mơ hồ. Cứ lâu lâu xuân thu nhị kỳ chỉ có mỗi việc hiệp thương chọn người cho đảng để cơ cấu vào bộ máy cán bộ. Thế thôi, tôi chả thấy nó gánh việc gì khác. Nên giải tán cái đoàn thể chính trị-xã hội này. Nó là một phần của bộ máy cai trị tam trùng (đảng, nhà nước, mặt trận), ngốn ngân sách kinh khủng. Nó có bộ máy riêng từ trung ương tới tận cơ sở cấp xã. Tiền để nuôi nó cũng đủ bỏ mẹ dân. Nên dẹp. Ngoài Trung Quốc và Lào, chỉ còn xứ ra dung dưỡng thứ của nợ này. Những nước văn minh, giàu có chả nước nào có mặt trận mặt triếc.

Tiếp nữa là Hội phụ nữ. Thế tôi lại hỏi các ông các bà, đàn ông có hội riêng không mà cứ phải lập riêng hội phụ nữ. Ra cái vẻ tôn trọng phụ nữ, đề cao phụ nữ. Cứ để bình thường thì mới thực là tôn trọng, chứ đã ưu tiên, đặc cách, chẳng qua chỉ là sự bố thí, xót xa, thương hại, mủi lòng. Mà nó cũng chả làm được trò quái gì ngoài việc lâu lâu múa may nhận tiền 8.3 hoặc 20.10. Hãy coi xem, bộ giáo dục ra cái dự thảo về sinh viên bán dâm, nó dám mở mồm lên tiếng được nửa nhời, thì tôi chớ kể. Cho tới lúc này, nó vẫn câm nín chả bảo vệ gì được chị em đàn bà của nó. Để chỉ tốn cơm dân nuôi. Dẹp.

Nói chung, mọi dạng đoàn thể, kệ cả đảng, cứ việc hoạt động thoải mái, chỉ có điều tự lo chi phí hoạt động, đừng xà xẻo tiền thuế của dân, bắt dân phải nuôi. Còn không chịu được thì nên dẹp.

Bớt ngay, bớt triệt để tình trạng khẩu hiệu cờ quạt hoa hoét tràn lan. Đừng dẫm vào vết "Lọng cắm rợp trời quan sứ đến/Váy lê quét đất mụ đầm ra" như hồi xưa nữa, chướng mắt lắm. Mấy ông to bà lớn xứ này tiếp khách, chỉ riêng chỗ ngồi tiếp, tiền hoa trang trí chắc cũng phải vài triệu mỗi lần. Băng rôn, cờ xí khẩu hiệu chăng đầy đường. Tôi hỏi các ông, có khi nào các ông vừa chạy xe vừa đọc nội dung những câu khẩu hiệu chăng ngang đường không. Loạng quạng, ngã bỏ mẹ chứ đùa.

Tôi nhận thấy ở nước ngoài, khi tiếp khách, dù là quốc khách, rất giản dị. Hôm trước coi tivi cảnh phó thủ tướng Nga tiếp ông phó thủ Trương Hòa Bình xứ ta, chỉ có cái bàn dài với mấy cái ghế hai bên, ngồi trao đổi đại sự, cấm có hoa hoét cờ xí gì. Chả nhẽ cứ phải cờ đèn kèn trống hoa hoét cho nhiều thì mới là lịch sự, trang trọng hiếu khách? Vớ vẩn.

Rồi công sở nữa. Tiền nghìn tỉ vạn tỉ của dân đổ vào cái túi không đáy công sở biết bao nhiêu cũng chẳng vừa. Vụ công sở tốn kém lãng phí, tôi đã viết riêng rồi, nay không đề cập cụ thể nữa.

Dân và doanh nghiệp làm ra tiền, nhà nước bán tài nguyên ra tiền, đem giao tiền ấy vào tay mấy ông miệng nói tiết kiệm, tay vung phung phí, khác nào gửi trứng cho ác.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bộ Công an công bố dự thảo nghị định luật An ninh mạng


Dự thảo nghị định yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt văn phòng đại diện, lưu danh dữ liệu của người dùng tại Việt Nam.
Bên trong một trung tâm dữ liệu của Facebook.
Bên trong một trung tâm dữ liệu của F.b Ảnh: Tuấn Hưng
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng để lấy ý kiến đóng góp từ ngày 2/11 đến 2/12.
Dự thảo đề xuất, các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu khi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cụ thể, đối tượng phải lưu trữ dữ liệu khi mở chi nhánh tại Việt Nam là những doanh nghiệp có hoạt động cung cấp một trong các dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng sau:
dịch vụ viễn thông; dịch vụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng; cung cấp tên miền quốc gia hoặc quốc tế cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; thương mại điện t.ử; thanh toán trực tuyến; trung gian thanh toán; dịch vụ kết nối vận chuyển qua không gian mạng; mạng xã hội và truyền thông xã hội; trò chơi điện t.ử trên mạng; thư điện t.ử
Thông tin phải lưu trữ tại Việt Nam
Điều 24 của dự thảo quy định dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như: họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện t.ử số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học.
Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, gồm: thông tin chọn tải lên, đồng bộ hoặc nhập từ thiết bị. Dữ liệu về mối q.ua n h.ệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm: bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.
Thời gian lưu trữ tối thiểu một năm
Dự thảo quy định hơn 20 thông tin trên được lưu trữ theo thời gian hoạt động của doanh nghiệp hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ, song tối thiểu phải 12 tháng.
Thời gian lưu trữ với những dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, gồm: thông tin chọn tải lên, đồng bộ hoặc nhập từ thiết bị hay dữ liệu về mối q.ua n h.ệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm: bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác phải tối thiểu 36 tháng.
Trong 12 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Công an yêu cầu, các doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Dự thảo Nghị định nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quota đã hết. Không thể có lần thứ tư được nữa


Không thể có lần thứ tư được nữa. Đọc câu này nhớ tới dự thảo của Bộ trưởng Nhạ quy định sinh viên sư phạm chỉ được phép bán dâm tối đa 3 lần, cũng không có lần thứ tư.
HẾT QUOTA

Đảng Cộng sản nêu 'sai trái' của GS Chu Hảo
Phạm Thị Hoài - Tháng 8/2016, tức ngay hai tháng sau, đồng chí lại tái phạm với bài “Đã đến lúc cần đối thoại”. Bây giờ thì Đảng buộc phải nhận ra rằng: "biểu hiện cơ hội chính trị của đồng chí được ấp ủ từ lâu. Trong thời gian công tác, lúc đương chức đồng chí không góp ý với Đảng trên cương vị công tác của mình trong phạm vi tổ chức, nhưng khi về hưu lại có những hành động sai trái. Khi bị kiểm điểm, nhắc nhở, đồng chí khôn khéo thừa nhận sai lầm, khuyết điểm của mình ở mức độ nhất định nhằm tránh bị kỷ luật và giữ vững vai trò hợp pháp để rồi vẫn giữ quan điểm, lập trường riêng, không chấp hành yêu cầu của các cơ quan chức năng và sau đó lại tiếp tục có vi phạm.“ Quota đã hết. Không thể có lần thứ tư được nữa.
Ông Chu Hảo cầm cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục' của 
tác giả John Dewey do Nhà xuất bản Tri thức phát hành
Bài mới tinh trên trang của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phân tích quá trình tự diễn biến nghiêm trọng của ông Chu Hảo: Lần thứ nhất (2005-2009): xuất bản 5 cuốn sách sai trái (“Đường về nô lệ” của F.A. Hayek, “Karl Marx” của Peter Singer, “Tranh luận để đồng thuận”, “Việt Nam thay đổi và hạnh phúc”, “Ông Sáu Dân trong lòng dân”). Năm 2009, Đảng đã định kỷ luật khiển trách, nhưng vẫn bao dung, cuối cùng đã "miễn kỷ luật do xét các tình tiết giảm nhẹ như công lao, quá trình cống hiến, sự thành khẩn của đồng chí“.


Lần thứ hai, từ 2009 vẫn tiếp tục xuất bản "2 cuốn nội dung vi phạm về chính trị, tư tưởng bị cấm phát hành; 17 cuốn sách sai phạm ở mức độ ít nghiêm trọng và 5 cuốn không được phép tái bản“. Nhưng quan trọng hơn, đó là các phát ngôn, bài viết, hành động (như ký Kiến nghị, Thư ngỏ, sáng lập dự án, tham gia diễn đàn…) có nội dung sai trái. Lần này, tháng 6/ 2016, Đảng vẫn nhẹ nhàng "mời đồng chí đến làm việc, trao đổi, phân tích, làm rõ và yêu cầu đồng chí chấm dứt vi phạm“.

Lần thứ ba, tháng 8/2016, tức ngay hai tháng sau, đồng chí lại tái phạm với bài “Đã đến lúc cần đối thoại”. Bây giờ thì Đảng buộc phải nhận ra rằng: "biểu hiện cơ hội chính trị của đồng chí được ấp ủ từ lâu. Trong thời gian công tác, lúc đương chức đồng chí không góp ý với Đảng trên cương vị công tác của mình trong phạm vi tổ chức, nhưng khi về hưu lại có những hành động sai trái. Khi bị kiểm điểm, nhắc nhở, đồng chí khôn khéo thừa nhận sai lầm, khuyết điểm của mình ở mức độ nhất định nhằm tránh bị kỷ luật và giữ vững vai trò hợp pháp để rồi vẫn giữ quan điểm, lập trường riêng, không chấp hành yêu cầu của các cơ quan chức năng và sau đó lại tiếp tục có vi phạm.“

Quota đã hết. Không thể có lần thứ tư được nữa. Sự kiên nhẫn của Đảng không phải là vô tận. Nhưng cho đến hết bài, Đảng vẫn gọi ông Chu Hảo là đồng chí.

---------

Đảng Cộng sản nêu 'sai trái' của GS Chu Hảo

31 tháng 10 2018

Trong diễn biến bất thường, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương viết bài giải thích chi tiết về ông Chu Hảo, người bị nói có "biểu hiện suy thoái rất nghiêm trọng".

Kỷ luật ông Chu Hảo là 'giọt nước tràn ly'
Có thêm các trí thức 'bỏ Đảng' sau vụ TS Chu Hảo
GS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì 'tự diễn biến'

Bài báo ngày 31/10 của ông Phạm Đức Tiến, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan UBKT Trung ương, được đăng trên trang web Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Hôm 26/10, giáo sư Chu Hảo viết thư "từ bỏ Đảng Cộng sản" sau khi bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật.

Bài viết của ông Phạm Đức Tiến nói vi phạm của "đồng chí Chu Hảo" bắt đầu khi ông nghỉ hưu, không còn là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ năm 2005, sang công tác ở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

In sách 'sai trái'

Bài viết mang quan điểm chính thức của Đảng nhận định ông Chu Hảo, khi làm Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, đã cho in nhiều sách "có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng".

Từ 2005 đến 2009, ông Chu Hảo xuất bản 5 cuốn bị chính quyền cấm phát hành.

Ví dụ, cuốn "Đường về nô lệ" của F.A. Hayek "đã thổi phồng các mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội, đánh đồng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô với chủ nghĩa phát xít", theo bài viết.

Cuốn "Karl Marx" của Peter Singer, "nhận xét sai lầm về học thuật, phủ định những nội dung tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa Marx".

Cuốn sách "Ông Sáu Dân trong lòng dân" cho thấy Nhà Xuất bản có "dấu hiệu khuynh hướng tập hợp những bài viết về những người có quan điểm khác với chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm "gợi ý", "gợi mở" một hướng đi khác, cách nhìn khác không có lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước".

Qua bài báo, độc giả được tiết lộ rằng năm 2009, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã kết luận vi phạm của ông Chu Hảo "đã đến mức phải kỷ luật khiển trách, nhưng miễn kỷ luật do xét các tình tiết giảm nhẹ như công lao, quá trình cống hiến, sự thành khẩn của đồng chí".

Nhưng từ đó đến nay, ông Chu Hảo vẫn cho in các sách "vi phạm", gồm 2 cuốn bị cấm phát hành, 5 cuốn cấm tái bản.
Vi phạm 'rất nghiêm trọng'

Bài viết tiếp tục tiết lộ ông Chu Hảo đã tham gia ký vào các thư kiến nghị, thư ngỏ và có nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội.

Trong đó có "Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992" mà tác giả nói thư ngỏ này cho rằng Đảng Cộng sản "dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm".

Hay "Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam" có nội dung phê phán đường lối lãnh đạo của Đảng trong 30 năm qua.

"Thư kiến nghị về Luật An ninh mạng" năm 2018, bị nói là "tự ý đưa tên đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, nguyên thứ trưởng Thường trực Bộ Công an (không được sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Khánh Toàn) vào danh sách những người đứng tên".

Đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Chu Hảo còn có "nhiều bài trả lời phỏng vấn trên các đài, báo nước ngoài có các nội dung sai trái (BBC, RFA, RFI)".

Tháng 6/2016, Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với ông Chu Hảo.

Nhưng hai tháng sau, ông lại viết bài "Đã đến lúc cần đối thoại" trong đó, cho rằng: "Nguyên nhân gốc rễ của mọi bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nằm trong những bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" từ đó đòi hỏi Đảng phải đối thoại với nhân sĩ, trí thức.

Ông Chu Hảo còn sáng lập hay tham gia nhiều hội, nhóm, diễn đàn… trong đó có "Diễn đàn xã hội dân sự", bị nói là "nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta một cách ôn hòa".

Bài này đánh giá: "Năm 2007, đồng chí cùng một số nhà khoa học lập Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) (nay đã giải thể), là thành viên của "Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh" sau đó là "Quỹ Phan Chu Trinh", quỹ này trao giải cho cả cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam."

Một bức ảnh cổ động Mừng Đảng Mừng Xuân kiểu mới

Bài viết kết luận: "Đồng chí Chu Hảo là đảng viên trí thức nhưng đã đi ngược lại phẩm giá của người trí thức, đi ngược lại Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, đi ngược lại niềm tin, kỳ vọng của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, không còn xứng đáng với cái tâm, cái tầm của người tri thức và tư cách đảng viên."

Phản ứng về bài viết, nhà văn Phạm Thị Hoài, sống ở Berlin, hôm 31/10 viết trên Facebook: " Sự kiên nhẫn của Đảng không phải là vô tận. Nhưng cho đến hết bài, Đảng vẫn gọi ông Chu Hảo là đồng chí." Cuối Facebook tin bởi Phạm.

Trước đó, giáo sư Chu Hảo công bố thư trên mạng xã hội nói bản thân ông nay "từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam" để đi theo con đường Khai Sáng của Phan Châu Trinh.

Cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật gần đây, cũng nói ông đề nghị chi bộ "xóa tên tôi trong danh sách Đảng viên".

Theo ông Chu Hảo, quyết định kỷ luật ông được Đoàn Kiểm tra "đơn phương công bố rộng rãi" mà không thông báo trước "cho cá nhân và tổ chức đương sự".

Ông viết "đây là bản cáo trạng vô căn cứ và thâm độc".

Trong nội dung thư ký tên của ông Chu Hảo hôm 26/10/2018 nhưng mới vừa được lan truyền trên mạng xã hội ở Việt Nam hôm 29/10, ông cũng viết rằng Đảng Lao động VN (nay là Đảng Cộng sản) mà ông gia nhập 45 năm trước "không còn tính chính danh".

Thậm chí ông Chu Hảo cho rằng đảng này (hiện có trên 4 triệu thành viên), "có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại".

Ông cũng nói ông đã "từ chức" khỏi vị trí ở Nhà Xuất bản Tri Thức.

Tuy nhiên, ông Chu Hảo viết ông sẽ vẫn tiếp tục con đường Khai Sách của Phan Châu Trinh: Dân tộc, Dân chủ và Phát triển, thông qua các hoạt động giáo dục.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46036798

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trí thức phương Tây đối với các hệ tư tưởng


Chu Mộng Long: Tôi đam mê triết học và đọc triết học nhiều hơn các loại sách khác. Hiển nhiên triết học hàm chứa cả thần học, khoa học tự nhiên, mỹ học, kinh tế, chính trị học. Đúng nghĩa như Shopenhauer nói: Triết học đối với nghệ thuật và các loại hình mô tả khác cũng giống như rượu nho đối với cây nho. Triết học thuộc tinh túy.
Ở phương Tây, triết học được giảng dạy phổ biến như cái cây tinh thần phong phú đa dạng cắm rễ vào trong đời sống hàng ngày. Trí thức của đại học phương Tây không thiên vị một hệ tư tưởng nào. Tôi đọc các bộ triết học đồ sộ của họ thấy họ đối xử công bằng với các loại triết học, trong đó, chủ nghĩa Marx vẫn được xem là tinh hoa trí tuệ, mặc dù Marx từng được xem là bóng ma đe dọa cả hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Nhiều bộ sách triết học hiện đại đánh giá Marx thuộc một trong những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại. Và thật ngạc nhiên là giới cầm quyền của nhà nước tư bản không cấm, không đàn áp tác giả hay thu hồi những quyển sách ấy.
Vậy mà những nhà nước bị gọi là xứ sở “giãy chết” đó không chết. Những nhà nước ấy đủ bản lĩnh trong trò chơi tương tác tự do giữa các tri thức, giữa các hệ tư tưởng.
Sự tương tác giữa các hệ tư tưởng chỉ có ích lợi khai phóng tư tưởng và hướng đến tiến bộ văn minh.
Thật vui mừng là gần đây nhiều nhà xuất bản của ta, đặc biệt là các nhà xuất bản Tri thức, Văn hóa thông tin, đã cho xuất bản nhiều bộ sách tinh hoa tri thức của nhân loại. Tôi thầm nghĩ, đó là một chuyển biến tốt khẳng định tư thế, bản lĩnh của chính trị Việt Nam trên con đường hội nhập toàn cầu. Sự tương tác ấy không có nghĩa là đào mồ chôn chủ nghĩa Marx như nhiều người ám thị và tưởng tượng ra. Marx không bị đào mồ chôn ở thế giới tư bản, cớ sao có thể bị chôn ở đất nước cách mạng tôn thờ và đi theo chủ nghĩa Marx?
Tôi nghĩ, chủ nghĩa Marx chỉ bị chôn sống khi chính những người truyền bá và thực hành chủ nghĩa Marx một cách giáo điều, ngụy tạo và bịp bợm.
Cá nhân tôi đọc Marx trong quan hệ với cây triết học đa dạng của nhân loại, tôi vẫn thấy Marx sống động với tinh thần phê phán mạnh mẽ, hào hùng, mãi mãi là vũ khí của người lao động trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công. Nói gọn là tôi không bị “tự diễn biến”, “tự suy thoái” khi đọc những bộ sách mà nhà xuất bản Tri thức, nhà xuất bản Văn hóa thông tin đã xuất bản những năm gần đây ngoài hệ tư tưởng Marx. Kẻ “tự diễn biến”, “tự suy thoái” chính là những kẻ nhân danh chủ nghĩa Marx để áp bức con người và thực hiện bất công. Và trong sự “tự diễn biến”, “tự suy thoái” đúng nghĩa đó, người ta thù địch và ra lệnh cấm chủ nghĩa Marx mới phải chứ sao lại cấm những quyển sách kia? Hội nhập mà mang tâm lý sợ hãi chỉ có thể là kẻ tự kỉ ám thị nặng về một địa ngục đang chờ trước mắt.
Bỗng nhớ Richard Tarnas trong quyển sách Quá trình chuyển biến tư tưởng phương Tây (NXB Văn hóa thông tin, 2008, Lưu Văn Hy dịch) có diễn giải rằng, sự độc quyền tư tưởng, độc quyền chân lý, ngăn cấm sự phát triển khoa học, ngăn cấm mọi ý thức hệ tư tưởng lẫn tôn giáo khác chính là thời kì thống trị của đế chế La Mã vào thế kỉ thứ II, III sau công nguyên. Nhiều nhà khoa học, nhà tư tưởng bị ném lên đoạn đầu đài hoặc giàn hỏa thiêu của tòa án do giáo hội lập ra để gọi là bảo vệ hệ tư tưởng Kito giáo. Sau cuộc đàn áp đẫm máu đó, nhân loại phải đắm chìm trong bóng tối của ngàn năm trung cổ.
Kiểm soát, đàn áp tư tưởng là trò dại dột nhất của những giai đoạn lịch sử tối tăm. Khi người ta không công khai nói ra điều mình nghĩ chỉ có thể dẫn dắt đến những hành động đen tối, nguy hiểm.
May mà, bài học chính giáo hội Rome đã thức tỉnh và nhận ra là sau đó biết thỏa hiệp hay tìm cách hòa giải với siêu hình học Hy Lạp, tiếp nhận khoa học tự nhiên và chấp nhận các hệ tư tưởng khác mới có thể thoát chết qua các cuộc cách mạng Phục Hưng, Khai sáng, kể cả những cuộc cách mạng bạo lực đẫm máu nhất, để giữ được vị trí của mình trong tinh thần phương Tây và nhân loại hôm nay. Kito giáo từ quan hệ thù địch với tất cả đã trở thành ngôi nhà chung chan hòa, đầy tình yêu thương trong sự dung hợp, hòa điệu với các hệ tư tưởng khác biệt, bởi nó đã thừa biết một cách khôn ngoan, rằng càng thù địch với các hệ tư tưởng khác càng nhanh giãy chết.
Nhân loại cả ngàn năm nay từng chìm trong biển máu của sự độc tài, lẽ nào chẳng nhận ra bài học đắt giá mà nó phải trả. Chính đức Kito từng bị kiểm soát tư tưởng và bị đóng đinh trên cây thập ác, nhưng đến giáo hội Rome lại kiểm soát tư tưởng kẻ khác và sát hại bao nhiêu người. K. Marx đã từng giễu cợt cái giá treo cổ lòng thòng, luẩn quẩn đó trên đầu nhân loại và nằm ngay trên cổ của kẻ đã tạo ra cái giá treo cổ đó: “Con người tự xưng là cao quý nhất, tức là kẻ vì truy tố những người bị cho là đểu giả, mà đã trở thành kẻ giết hại những người cao quý và đã sát hại cả những cái gì cao quý trong những người bị cho là đểu giả; thế là con người cao quý nhất trong những người cao quý bỗng hóa ra con người bỉ ổi nhất trong những người bị cho là đểu giả, và đã như thế thì anh ta cũng phải tự treo cổ mình lên”. (Marx và Engels: Về văn học nghệ thuật, Sự thật, 1968, tr.287)
Kết thúc bài viết này, tôi lại phải viện dẫn Marx, người mà ta vẫn gọi là “kim chỉ nam” của nhận thức và hành động. Chính Marx là người cực lực chống kiểm duyệt, tức kiểm soát tư tưởng, độc quyền chân lý biến nhân loại thành kẻ mù lòa, biến tinh thần con người thành kẻ ti tiện: “Một giọt sương dù cỏn con mà ánh mặt trời chiếu vào cũng lấp lánh trong muôn màu sắc, nhưng mặt trời của tinh thần, dù nó có soi rọi đến bao nhiêu con người đi nữa và đến những vật thể có bản chất như thế nào đi nữa, thì cũng có thể chỉ chiếu ra một màu sắc duy nhất mà thôi, tức màu sắc chính phủ đã quy định. Hình thức biểu hiện chủ yếu của tinh thần là vui tươi, là ánh sáng, thế mà các anh đã lấy bóng tối làm hình thức biểu hiện duy nhất thích hợp với nó mà thôi; tinh thần chỉ được mặc màu đen, tuy rằng trong các loài hoa, không có hoa nào màu đen cả. Thực chất của tinh thần, bao giờ cũng chính là chân lý. Nhưng các anh đã ấn định cho tinh thần phải có cái thực chất thế nào? Phải có thực chất tự ti. Goethe nói: chỉ có kẻ ti tiện mới tự ti, và phải chăng là các anh muốn biến tinh thần thành một kẻ ti tiện như thế?” (Marx và Engels: Về văn học nghệ thuật, tr.118, 119)
Chu Mộng Long

Phần nhận xét hiển thị trên trang