Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Bài buồn nhất năm 2018

Quanh một cái chết

Ông chủ tịch nước qua đời lúc 10 giờ 5 phút sáng nay 21.9.2018, khi đương chức. Theo thói của người xưa có văn hóa và nhân văn, "nghĩa tử là nghĩa tận", tôi cầu cho ông siêu thoát, rũ bỏ được mọi đau đớn của cả thể xác lẫn cõi nhân sinh u ám. 

Định không nói bất cứ lời nào về ông trong lúc này, nhưng chợt nhớ cách nay 1 tuần, ông nhợt nhạt như một cái xác vô hồn khi làm buộc phải làm chủ lễ đón tổng thống Indonesia, thấy thật tội nghiệp. Làm người, dù kẻ ăn mày hay ngài chủ tịch nước, sao mà khổ thế. 

Xưa, cụ Nguyễn Gia Thiều viết "Thảo nào khi mới chôn nhau/Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra". Không mấy ai thoát được. 

Điều ác độc nhất là cả cái bộ máy mà ông ấy là thành viên, khi biết ông đã trọng bệnh thập tử nhất sinh nhưng nó vẫn bằng cách này cách khác quyết không buông tha, vắt kiệt sức ông ấy, nhất là kể từ cái hội nghị quốc tế APEC năm nay (2018) ở Đà Nẵng. Nó thà vứt bỏ tính mạng con người chứ không để ảnh hưởng đến "uy tín, quy trình, tổ chức" của nó. Vẫn biết sống chết có số, "trời kia đã bắt làm người có thân", nhưng nếu ông Quang được nghỉ ngơi, ắt không phải phô ra hình ảnh tội nghiệp thiểu não đáng thương hại nói trên. Thế nên, trong hoàn cảnh tương tự, còn có những uẩn khúc, góc tối chưa xì ra, nhưng Đinh Thế Huynh vẫn được xem là may mắn. Lúc này, nếu Huynh ngồi ngẫm lại, sẽ thấy được nhiều hơn là mất. "Họa phúc hữu môi phi nhất nhật" (cái họa cái phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày), tuy nhiên có khi tưởng họa mà lại phúc, tưởng phúc mà chính là họa. Hiểu ra thì sẽ thoát được những sự trói buộc vô hình mà cực kỳ tàn nhẫn. 

Bộ máy vắt chanh này đã giết chết ông Quang chứ không phải bệnh tật, dù ông Nguyễn Quốc Triệu nói đó là thứ bệnh nan y, cực hiếm, rất khó chữa, thậm chí không thể chữa. Biết người ta mắc "bệnh chờ chết" như thế mà không cho nghỉ thì quá ác. Thời này không phải thời "còn một giây còn một chút tàn hơi/là phải còn tranh đấu mãi không thôi", "cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu/để nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai". Thứ suy nghĩ cực đoan ấy đã hết rồi, đã qua rồi. Mình không làm thì sẽ có người khác, thậm chí giỏi hơn mình, và tất nhiên là khỏe hơn mình, làm. Bi kịch ở chỗ, có lẽ ông Quang hiểu được điều ấy để níu kéo sự sống, nhưng đã trót nằm trong "chăn" nên không thoát ra được. 

Và điều liên quan. Đất nước này lại càng thêm bi kịch khi cứ chiểu theo quy định của hiến pháp, nguyên thủ mới (dù chỉ hình thức) là một người đàn bà chẳng mấy tài, không "nhợt nhạt" như ông Quang nhưng rất nhạt nhòa, đứng ra lãnh đạo gần trăm triệu người, trong đó có hàng chục triệu người giỏi hơn bà. Làm long trọng viên thì được, nhưng thay mặt quốc gia quả thật đại bi kịch. 

Trên thực tế, cũng chả ai cho bà ta vào dự nơi hổ trướng khu cơ bàn về quân cơ quốc kế khi chỉ nhõn là ủy viên trung ương quèn. Xứ này chạy trời cũng không thoát khỏi căn bệnh hình thức. 

Trọng thu Mậu Tuất, biên mấy dòng.

Nguyễn Thông



Phần nhận xét hiển thị trên trang

VÌ SAO NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC LẠI PHI ĐẠO LÝ VÀ THIẾU NHÂN VĂN ĐỂ BỊ MỸ TRỪNG PHẠT?




21 - 09 - 2018

"Như vậy đặc trưng của nền kinh tế Liên Xô, mẫu hình chung của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, là một nền kinh tế suy đồi, phi đạo lý, mặc dù mục tiêu mà nó hướng tới là những gì tốt đẹp cho con người, như là xóa bỏ bóc lột, đem đến sự công bằng cho tất cả các thành viên trong xã hội... ".  

Như chúng ta đã biết, trong các lý do Mỹ trừng phạt thương mại Trung quốc, có lý do nền kinh tế Trung quốc không nhân văn và phi đạo lý.

Trung quốc sản xuất ra các sản phẩm độc hại, gây nguy hiểm tiềm ẩn cho người tiêu dùng. Trung quốc lập ra đội quân đánh cắp công nghệ của đối tác thay vì đầu tư nghiên cứu hoặc mua bản quyền công nghệ. Trung quốc dùng bẫy nợ để bẫy các nước kém phát triển nhằm vơ vét tài nguyên thay vì hợp tác sòng phẳng đôi bên cùng có lợi…

Ngay tại Trung quốc, bộ máy chính quyền nhận hối lộ để làm ngơ cho các doanh nghiệp tha hồ tự tung tự tác. Các nhà máy đưa chất bẩn vào sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường mà không bị trừng phạt hoặc kiềm chế, các công ty ra sức chèn ép bóc lột người lao động, chạy theo lợi nhuận bất chấp đạo lý tình người. Các doanh nghiệp móc ngoặc với quan chức để được nhận các hợp đồng béo bở…

Nói tóm lại, Trung quốc đã phát triển nền kinh tế của họ rất tệ hại, khó chấp nhận. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thương mại, ngoài những nguyên nhân khác.

Câu hỏi đặt ra, vì sao Trung quốc lại như vậy trong khi nhiều nước khác lại phát triển kinh tế một cách đàng hoàng?

Thí dụ như Nhật bản, đi lên từ một nền kinh tế kiệt quệ sau Thế chiến II, nhưng nước này vẫn giữ được các giá trị nhân văn trong quá trình phát triển. Họ không sản xuất hàng hóa gây hại người tiêu dùng, không đánh cắp công nghệ, không dùng bẫy nợ…

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta ngược trở lại đất nước Liên Xô thời kỳ chưa sụp đổ.

Nhiều học giả cho rằng trước khi sụp đổ tình hình kinh tế Liên Xô khá ổn, mức tăng trưởng GDP tuy không cao nhưng chấp nhận được, không bức thiết phải cải cách kinh tế. Tuy nhiên lúc ấy Tổng bí thư Liên Xô Gorbachov và những người cùng chí hướng với ông vẫn tiến hành cải cách, lý do là vì họ nhận ra tình trạng suy đồi vô đạo đức của nền kinh tế Liên Xô.

Nikolai Ryzhkov, chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô thời kỳ này nhận định:

“Chúng ta ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra – từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”. Về sau ông mô tả thời kỳ đó là “tình trạng đạo lý của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng hãi hùng nhất”.

Còn Bộ trưởng Ngoại giao Eduard Shevardnadze, một người thân cận với ông Gorbachov, cũng dằn vặt khổ tâm với tình trạng suy đồi đạo đức trong nền kinh tế Liên Xô. Ông nói với Gorbachov: “Mọi thứ đã thối nát rồi. Phải thay đổi thôi”.

Vì thế mà Gorbachov đã tiến hành cải cách “một nền kinh tế có đạo lý hơn” cho Liên Xô chứ không phải là một nền kinh tế phát triển hơn.

Tiến sĩ Leon Aron, Giám đốc Ban Nga học của Viện Nghiên cứu Chính sách American Enterprise Institute nói về sự cải cách này: “Đó là bước khởi đầu của một sự liều lĩnh đi tìm kiếm những câu trả lời cho các vấn nạn to lớn mà mọi cuộc cách mạng vĩ đại thường bắt đầu: Thế nào là một cuộc sống tốt đẹp, hợp với nhân phẩm? Cái gì tạo ra một trật tự kinh tế và xã hội công chính? Một nhà nước chính danh và đàng hoàng là như thế nào?”

Và khi tiến hành cải tổ nền kinh tế Liên Xô sao cho “có đạo lý hơn”, các nhà cải cách Liên Xô đã đưa nền kinh tế xã hội chủ nghĩa bước qua hẳn nền kinh tế tư bản. Nghĩa là, khó mà giữ một nền kinh tế vừa “xã hội chủ nghĩa” lại vừa có đạo lý.

Như vậy đặc trưng của nền kinh tế Liên Xô, mẫu hình chung của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, là một nền kinh tế suy đồi, phi đạo lý, mặc dù mục tiêu mà nó hướng tới là những gì tốt đẹp cho con người, như là xóa bỏ bóc lột, đem đến sự công bằng cho tất cả các thành viên trong xã hội... Do sự duy ý chí, đi ngược lại với quy luật tự nhiên, triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh và thay vào đó bằng sự chỉ huy giáo điều, nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải lấy sự dối trá, suy đồi và phi đạo lý làm cơ sở cho sự phát triển.

Một câu hỏi nữa đặt ra là, sự suy đồi phi đạo lý là khi Liên Xô đang còn một nền kinh tế đậm chất xã hội chủ nghĩa, còn Trung quốc bây giờ đã cải cách kinh tế theo hướng thị trường rồi, vì sao vẫn không giảm bớt tính suy đồi phi đạo lý?

Chúng ta phải quay lại năm 2012 và trước đó để trả lời câu hỏi này.

Khác với Liên Xô và một số nước Đông Âu, Trung quốc mặc dầu có cải cách kinh tế từ sau 1978, nhưng Trung quốc vẫn nhất quyết trực chỉ con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Khi chuyển qua kinh tế thị trường, như Việt Nam chỉ gắn thêm cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì Trung quốc xác định thẳng là “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” chứ không chỉ là “định hướng”.

Tới năm 2012, thì ông Tập Cận Bình mạnh mẽ tuyên bố đưa Trung quốc tiến lên “chủ nghĩa xã hội”.

Như vậy Trung quốc sẽ phải như Liên Xô thời kỳ 1985 trở về trước.

Nhưng trước đây thì Liên Xô chỉ có quan hệ kinh tế với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa nên họ không làm quá như Trung quốc bây giờ, nên sự phi đạo lý của họ còn có giới hạn, còn với Trung quốc ngày nay thì đạt tới mức độ tệ hại gấp nhiều lần.

# Tôi sẽ cập nhật và phân tích liên tục các vấn đề liên quan chính trường Mỹ hiện thời và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vì vậy các bạn nhớ bấm nút theo dõi trên fb tôi để không bỏ sót thông tin nhé.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chung voi cùng với đức ông - Kẻ nào không hiểu, chổng mông mà gào!


BBC: VN sẽ cùng khai thác Biển Đông?


BBC


02:24 GMT - thứ sáu, 11 tháng 1, 2013 
Việt Nam không phản đối ý tưởng cùng thăm dò và phát triển nguồn lực ở các vùng lãnh hải tranh chấp, theo hãng tin Đài Loan Central News Agency.
Hãng tin này dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói việc hợp tác như vậy với các nước láng giềng phải được thực hiện theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Nhưng ông Nghị cũng được dẫn lời nói Việt Nam sẽ không hợp tác tại các vùng mà Việt Nam có chủ quyền.
Đây là điểm gây nhiều tranh cãi khi vùng mà các nước đòi chủ quyền trên Biển Đông chồng lấn và riêng Trung Quốc muốn sở hữu 90% vùng biển này.
Mặc dù hãng tin Đài Loan dẫn lời ông Nghị nói về khả năng hợp tác để cùng khai thác các vùng tranh chấp ở Biển Đông, trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam không nói gì tới chuyện này.
Bộ Ngoại giao dẫn lời ông Nghị trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trước phản đối từ Trung Quốc và Đài Loan khi Luật Biển của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2013:
Ông Nghị nói: "Việc Việt Nam thông qua Luật Biển là việc làm bình thường và cần thiết của một quốc gia ven biển có chủ quyền, thành viên của UNCLOS 1982.
Luật Biển Việt Nam khẳng định rõ chủ trương của Việt Nam giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các thỏa thuận, cơ chế liên quan, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực Biển Đông." 
'Việt Nam bất lợi'
Các nước có tranh chấp trên Biển Đông đã từng nói về chuyện gác lại bất đồng để cùng khai thác nguồn tài nguyên biển. 
Tuy nhiên chưa có dự án hợp tác khai thác nguồn lực nào diễn ra. 
Nhà nghiên cứu Biển Đông Dương Danh Huy bình luận với BBC về khả năng khai thác chung trên Biển Đông:
"[M]ặc dù Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc không chấp nhận là có tranh chấp, và không chấp nhận khai thác chung với Việt Nam"
Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy
"Trên nguyên tắc thì khái niệm khai thác chung vùng có tranh chấp theo luật quốc tế, không khai thác chung vùng không thể có tranh chấp theo luật quốc tế, là quan điểm hợp lý.  
"Tất nhiên điều kiện tiên quyết cho việc khai thác chung phải là không được gây phương hại cho chủ quyền Việt Nam.
Ông Huy cũng nói Việt Nam vẫn có những bất lợi khi đồng ý cùng khai thác: .
"Thứ nhất, mặc dù Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc không chấp nhận là có tranh chấp, và không chấp nhận khai thác chung với Việt Nam.
"Thứ nhì, mặc dù Trường Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, và vì vậy trên nguyên tắc thì khai thác chung là có thể chấp nhận được, nhưng trên thực tế lý lẽ chủ quyền của Trung Quốc và các nước khác là yếu hơn của Việt Nam, cho nên khai thác chung sẽ là thiệt thòi cho Việt Nam hơn là đưa tranh chấp cho Tòa phân xử.
"Thứ ba, Trung Quốc chủ trương mở rộng vùng tranh chấp ra xa hơn luật quốc tế cho phép, lấn sâu vào những vùng biển không thể nào là vùng tranh chấp theo luật quốc tế. Nếu khai thác chung những vùng biển này thì chắc chắn là sẽ thiệt thòi cho Việt Nam."
Nguồn: BBC Tiếng Việt.
Ngày 26.4.2011, tại Hội thảo quốc gia về “Tranh chấp chủ quyền tại biển Đông: Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế".Tại hội thảo, GS Lê Văn Cương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Khoa học Công an - Bộ Công an, đưa ra 4 kịch bản cho tình hình biển Đông từ nay đến năm 2020. 

Một là, tình hình khu vực sẽ tốt hơn hiện nay nếu như các bên, đặc biệt là Trung Quốc, hành xử đúng theo những gì mình đã nói, đó là “tạo dựng biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác”.

Hai là, tình hình sẽ cơ bản như hiện nay, quá trình hợp tác và đấu tranh tiếp tục và đan xen lẫn nhau.

Ba là, tình hình xấu hơn hiện nay, tức mặt xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng chưa có xung đột quy mô lớn.

Bốn là, xảy ra xung đột lớn.
Theo GS Lê Văn Cương, kịch bản thứ ba có khả năng diễn ra nhiều hơn nếu các bên không có những nỗ lực kịp thời. (Hết lời dẫn từ báo Người Lao Động).

Khi Tướng Lê Văn Cương phát biểu xong, đến lượt Ông Dương Danh Dy (Nguyên Tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu) phát biểu cho rằng: Có một kịch bản nữa. Kịch bản thứ 5. Và kịch bản này sẽ thực hiện đầu tiên. Đó là "Gác tranh chấp, cùng khai thác". Và với kịch bản này thì rất dễ mắc mưu họ.  
Nguồn: tại đây

Đinh Kim Phúc: Cẩn thận tránh lọt bẫy
Trung Quốc đưa ra nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác” để đàm phán với các nước có tranh chấp trên biển với họ. Ông bình luận gì về quan điểm này?
+ Chủ trương này nghe qua có vẻ hòa hoãn nhưng thực chất đây là một xu thế tấn công trên bàn đàm phán, trong khi chờ “điều kiện chín muồi” để sử dụng sức mạnh.
Theo các chuyên gia về Trung Quốc ở Nhật, Trung Quốc một mặt chủ trương “giải quyết hòa bình” cuộc tranh chấp nhưng mặt khác lại củng cố chiếm cứ bằng sức mạnh quân sự; đàm phán song phương với nước có yêu sách về chủ quyền, phản đối việc giải quyết bằng thương lượng đa phương. Mặt khác, Trung Quốc đưa ra chủ trương “cùng nhau khai thác” tài nguyên đáy biển, “gác lại” vấn đề lãnh thổ với tiền đề Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo nhỏ, dãy đá ngầm khác là của Trung Quốc, với việc khư khư lập trường xem biển Đông là vùng biển “mang tính lịch sử”. Nói là “giải quyết hòa bình” để “cùng khai thác” bằng cách “gác lại tranh chấp” nhưng chính Trung Quốc là nước thực quyền chi phối các quần đảo này.
Vì vậy, nếu chấp nhận đàm phán với Trung Quốc theo phương thức này là lọt bẫy của họ; là thừa nhận một tiền đề nguy hiểm là Trung Quốc có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.
Nguồn: tại đây.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lần này chưa rõ có tạo ra tiền lệ hay không!?


 
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước.

Trần Đình Dũng

Chủ tịch TRẦN ĐẠI QUANG từ trần,
 ai kế nhiệm Chủ tịch nước theo Hiến pháp?

Điều 93 Hiến pháp năm 2013 ------"Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước.

Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới".


Như vậy cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới thì Phó Chủ tịch Nước hiện nay Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ là Quyền Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam ngay trong ngày hôm nay (21.9.2018) theo nguyên tắc đương nhiên mà không phải chờ bất kỳ phê duyệt nào từ phía Quốc Hội.

Việt Nam có ba lần Chủ tịch nước từ trân khi đương chức.

Lần thứ nhất: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần ngày 2.9.1969 và Phó chủ tịch Tôn Đức Thắng thành Quyền Chủ tịch Nước theo Điều 70 Hiến pháp năm 1959.

Lần thứ hai Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần ngày 30.3.1980 và Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ thành Quyền Chủ tịch Nước theo Điều 70 Hiến pháp năm 1959. (Hiến pháp 1980 lúc đó chưa có hiệu lực).

Lần thứ ba là Chủ tịch Trần Đại Quang.

Việc Quốc Hội bầu chủ tịch nước mới thay vị chủ tịch từ trần sẽ được bầu vào nhiệm kỳ QH mới vào năm 2021.

Vì sao kỳ họp vào tháng 10 không bầu Chủ tịch Nước?
Vì Điều 87 HIến pháp 2013 qui định "Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội".

Hai lần trước Chủ tịch nước từ trần thì Phó chủ tịch đều tạm quyền đến hết nhiệm kỳ Quốc Hội.

Lần này chưa rõ có tạo ra tiền lệ hay không!?

(P/s Đây tuy là Stt thuần túy pháp lý nhưng liên quan đến lãnh đạo cao cấp của đất nước nên 500ace comment dùng từ ngữ đúng mức nhé. Bổn luật sư không chiệu trách nhiệm trước pháp luật đối với các comment trái qui định pháp luật!).
-----------XIN CHIA BUỒN CÙNG GIA ĐÌNH-------

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chết không phải là hết


Chết không phải là hết nên sống, hành xử thế nào mới quan trọng. Sợ, lên án, ngăn chặn “lật sử” cũng không thể cản được việc lật lại lịch sử, xác định chính xác, rõ ràng, ai thực sự có công, ai thực sự đắc tội với dân tộc này. Thập niên 1990, ít nhất, Việt Nam cũng có một Nguyễn Cơ Thạch - Ngoại trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị - tuyệt vọng cảnh báo “Chúng ta lại bước vào thời kỳ Bắc thuộc mới”. Thập niên 2000, ít nhất cũng có một Trần Quang Cơ, cảnh báo đồng chí, đồng bào bằng “Hồi ức và suy nghĩ”. Thập niên 2010, ít nhất cũng có một Dương Danh Dy, lưu ý phải chú ý về “Hội nghị Thành Đô”, công khai thừa nhận trong Hiệp định Phân định biên giới Việt – Trung, Việt Nam mất 1.500 cây số vuông – tương đương diện tích tỉnh Thái Bình và mất toàn những địa danh có tính biểu tượng như: Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm… vì bị Trung Quốc gài từ hồi thập niên 1950, 1960 của thế kỷ trước (3)...


Ông Dương Danh Dy. (Facebook Truong Huy San)
Với ông Dy, chết không phải là hết. Chuyện ông giã từ cuộc đời là dịp để người ta ôn – nhớ lại nhiều thứ, cả riêng với cá nhân ông lẫn những vấn đề có liên quan tới lịch sử, giờ tác động không chỉ tới hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai:

- Dương Danh Dy - Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, rồi Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc suốt hai thập niên (1977 – 1996), một trong những người được xem là “hiểu Trung Quốc nhất” đã đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo có giá trị nhất về quan hệ Việt – Trung. Góp sức cảnh tỉnh, loại bỏ sự mơ hồ giữa vận nước với “tình hữu nghị” và nỗ lực toan làm cho nó “đời đời bền vững”...

- Dương Danh Dy – viên chức ngoại giao kỳ cựu, thành viên của một thế hệ các viên chức ngoại giao như Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ,… tuy là Đảng viên CSVN nhưng suy tư và hành động vì lợi ích lâu dài của quốc gia, đặt lợi ích quốc gia bên trên tham vọng đổi hết mọi thứ để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN, nâng tinh thần dân tộc lên cao hơn “tinh thần quốc tế vô sản”...

Dương Danh Dy từ biệt cuộc đời một cách lặng lẽ nhưng thời điểm ông “bỏ cuộc chơi” lại nhắc - khiến người ta nhớ tới “Hồi ức và suy nghĩ” của ông Trần Quang Cơ (1927 – 2015) – một viên chức có 44 năm phục vụ trong lĩnh vực ngoại giao, từ chối khi được phân công làm Ngoại trưởng, xin rút ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN. Người ta nhớ tới Dương Danh Dy vì ông là người trực tiếp dùng Internet phổ biến “Hồi ức và suy nghĩ” (1) – bạch hóa những bất thường, phi lý trong quá trình “bình thường hóa quan hệ Việt – Trung” mà di hại chưa biết đến bao giờ mới có thể khắc phục!

***

Một tuần trước khi ông Dy từ biệt cuộc đời, hệ thống truyền thông chính thức loan báo, Cục Xuất bản - In - Phát hành yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát và thu hồi cuốn “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” trên toàn quốc để “ngăn chặn việc phát tán cuốn sách có nội dung sai sót ra thị trường”.

“Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là cuốn sách đầu tiên hệ thống hóa những thông tin, dữ kiện liên quan tới chuyện Trung Quốc cưỡng đoạt các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hồi đầu năm 1988, kèm tường thuật của một số nhân chứng may mắn sống sót sau cuộc thảm sát ngày 14 tháng 3 năm 1988 ở bãi đá ngầm Gạc Ma, được… in - xuất bản – phát hành một cách… hợp pháp trên… lãnh thổ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cho dù tham gia tổ chức nội dung, biên soạn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” có hai ông tướng (Lê Mã Lương – Thiếu tướng, cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Lê Kế Lâm – Chuẩn Đô đốc, cựu Tham mưu phó đặc trách tác chiến của Quân chủng Hải quân, cựu Giám đốc Học viện Hải quân), một cựu Vụ trưởng đặc trách Cơ quan Thường trực phía Nam của Ban Tuyên giáo Ban Chấp hành Trung ưng Đảng CSVN (Đào Văn Lừng), một Đại biểu Quốc hội bốn nhiệm kỳ kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Dương Trung Quốc), 68 nhà báo và các cựu chiến binh là nhân chứng vụ thảm sát ở bãi đá Gạc Ma nhưng tất cả đều bị một số ông tướng xem là “những kẻ đang thực hiện âm mưu xét lại lịch sử, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ quân đội và xúc phạm vai trò lãnh đạo của Đảng”...

Cho dù chính quyền Việt Nam đã thành lập một hội đồng cấp quốc gia để thẩm định nội dung của riêng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” và sau khi nâng lên, đặt xuống nhiều lần, hội đồng này mới gật đầu, giấy phép xuất bản mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (Nhà Xuất bản Văn học) nhưng cuối cùng hóa ra vẫn còn “sai sót” đến mức phải thu hồi!

“Sai sót” chính dẫn tới chuyện “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” bị xem là “cực kỳ nghiêm trọng, có hệ thống, nằm trong âm mưu xét lại lịch sử nhằm làm suy yếu chế độ, làm phân hóa nội bộ Đảng, tiếp tay cho âm mưu ‘bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ’ của các thế lực thù địch, tiến hành ‘diễn biến hòa bình’ chống phá chế độ ta” là thông tin về “lệnh cấm nổ súng”. Dẫu không nêu đích danh nhưng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” khiến người ta phải liên tưởng đến vai trò, trách nhiệm của ông Lê Đức Anh, khi ấy là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, sau này là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng lúc với sự kiện công bố lệnh thu hồi “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, người ta thấy một số diễn đàn điện tử, một số trang facebook đăng lại bài “Đại tướng Lê Đức Anh với vấn đề Trung Quốc và biển Đông” (2) của ông Khuất Biên Hòa, Đại tá, Trợ lý của ông Lê Đức Anh.

Nếu đọc “Hồi ức và suy nghĩ” của ông Trần Quang Cơ, sẽ tìm thấy tại phần tường thuật về “Đại hội 7 và cái giá phải trả cho việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc”, ông Cơ than như thế này về Lê Đức Anh: Xin ý kiến đối phương và hướng giải quyết vấn đề để đàm phán trước khi đàm phán, thật là chuyện có một không hai trong lịch sử đối ngoại! Thời điểm 1990, tướng Lê Đức Anh tìm mọi cách để thuyết phục Bộ Chính trị nên trả mọi giá để “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc” vì: “Mỹ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh đó là Trung Quốc” (Hồi ức và suy nghĩ – chương 14)…

Nói cách khác, “Đại tướng Lê Đức Anh với vấn đề Trung Quốc và biển Đông” của ông Khuất Biên Hòa là một nỗ lực “giải độc dư luận” từ thông tin, ý kiến của những người trong cuộc như ông Trần Quang Cơ, vừa nhằm loại bỏ trách nhiệm, vừa tô vẽ lại hình ảnh của ông Lê Đức Anh, kiểu như tác giả của 2/3 cuộc “lui quân vĩ đại trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ 20” (rút quân khỏi Campuchia và rút quân khỏi biên giới phía Bắc của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc để “khôi phục đường biên giới hữu nghị, lập lại quan hệ bình thường giữa hai quốc gia, hai dân tộc).

***

Thập niên 1990, ít nhất, Việt Nam cũng có một Nguyễn Cơ Thạch - Ngoại trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị - tuyệt vọng cảnh báo “Chúng ta lại bước vào thời kỳ Bắc thuộc mới”, vì không cản được nỗ lực trả mọi giá để “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc” và chính vì can ngăn, nhận định như thế mà bị Trung Quốc xem là trở ngại, bị giới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gạt ra rìa.

Thập niên 2000, ít nhất cũng có một Trần Quang Cơ, cảnh báo đồng chí, đồng bào bằng “Hồi ức và suy nghĩ”. Thập niên 2010, ít nhất cũng có một Dương Danh Dy, lưu ý phải chú ý về “Hội nghị Thành Đô”, công khai thừa nhận trong một cuộc tọa đàm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm rằng, trong Hiệp định Phân định biên giới Việt – Trung, Việt Nam mất 1.500 cây số vuông – tương đương diện tích tỉnh Thái Bình và mất toàn những địa danh có tính biểu tượng như: Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm… vì bị Trung Quốc gài từ hồi thập niên 1950, 1960 của thế kỷ trước (3)...

Đáng buồn là những nhân vật như thế quá ít nên “tinh thần bốn tốt”, “16 chữ vàng” mà Trung Quốc đề ra vẫn được giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xem là “kim chỉ nam”, nên sau những ông tướng như Lê Đức Anh, vẫn còn nhiều ông tướng khác như Nguyễn Chí Vịnh, cổ súy cho suy nghĩ: “Nếu có được một người bạn XHCN rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam” (4)!..

***

Những Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ, giờ là Dương Danh Dy,… đã từ biệt cuộc đời một cách lặng lẽ nhưng có muốn cũng chưa thể đặt dấu chấm hết cho những cuộc ra đi đó.

Với tuổi tác, tình trạng sức khỏe như đã biết về ông Lê Đức Anh, có lẽ ông Anh cũng sắp chết và chắc chắn, dù muốn hay không, “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” cũng phải để tang ông Anh.

Dẫu quốc tang rình rang tới mức nào, Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tụng ca tới đâu thì người Việt và các thế hệ hậu sinh của người Việt cũng sẽ nhớ: 1988 - ngoài bãi đá Gạc Ma (Johnson), Trung Quốc còn cưỡng đoạt của Việt Nam sáu bãi đá ngầm khác ở quần đảo Trường Sa (Châu Viên - Cuarteron, Chữ Thập - Fiery Cross, Ga Ven - Gaven, Tư Nghĩa - Hughes, Vành Khăn – Mischief, Xu Bi - Subi), song một tháng sau ngày mất bảy bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa và sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 người lính Việt Nam vẫn còn nóng hổi, lúc đến thăm quần đảo Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Truyền thống của Quân chủng Hải quân (07/05/1955 – 07/05/1988), chính ông - Lê Đức Anh – vẫn khẳng định “nhân dân Việt Nam biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc”, dù “nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” nhưng sẽ “nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước”?

Người Việt và các thế hệ hậu sinh của người Việt sẽ ghi nhận, bất kể bảy bãi đá ngầm mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam đã được bồi đắp thành chuỗi căn cứ quân sự nhằm hiện thực hóa dã tâm mà ai cũng thấy là độc chiếm biển Đông nhưng khi xây dựng Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại Lý Sơn - Quảng Ngãi, nhằm trưng bày dấu tích về lịch sử chủ quyền của người Việt trên biển Đông, những cá nhân mà ông – Lê Đức Anh – đã tham gia đào tạo, quy hoạch để lãnh đạo quốc gia, quân đội vẫn không quên giới thiệu những “lời vàng, ý ngọc” của chính ông về ơn nghĩa Trung Quốc và mối tình sâu nặng giữa Việt với Trung!

Chắc chắn sẽ rất ít người Việt và con cháu quên rằng, từ 1990, sau khi ông – Lê Đức Anh - và các đồng chí đồng thời với ông hoàn thành “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”, những người lính Việt đã tử trận ở biên giới Việt – Trung từ 1979 đến 1988, ở Campuchia đều bị gạt ra khỏi lịch sử. Lịch sử Đảng CSVN và lịch sử hiện đại do Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam soạn thảo không giành chỗ cho họ vì điều đó ảnh hưởng đến cam kết thực thi “Láng giềng tốt. Bạn bè tốt. Đồng chí tốt, Đối tác tốt” và “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

Chết không phải là hết nên sống, hành xử thế nào mới quan trọng. Sợ, lên án, ngăn chặn “lật sử” cũng không thể cản được việc lật lại lịch sử, xác định chính xác, rõ ràng, ai thực sự có công, ai thực sự đắc tội với dân tộc này.

Trân Văn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ai đó và ai đó là ai?



Không chỉ là cuộc chiến thương mại.
Lưu Trọng Văn
Cái đích của Trump không chỉ là chiến thắng Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Cái đích cuối cùng là tháo ngòi nổ của nguy cơ hiện hữu xuất hiện một Trung Quốc xã.

Bài học Đức quốc xã vẫn còn nguyên. Nhân loại và nước Mỹ đã mất cảnh giác- một lỗi lầm dẫn đến cái chết của gần 80 triệu người - Hitler đẩy nước Đức thành phát xít tiến hành Thế chiến thứ Hai.

Thế giới đã thờ ơ trước việc Hitler tập trung các nhà khoa học hàng đầu thế giới nghiên cứu và thực
hiện cuộc cách mạng công nghệ. Thế giới đã thờ ơ khi Hitler đẩy mạnh sản xuất công nghiệp thép và hoá chất. Thế giới đã thờ ơ khi Hitler tích tụ thành cường quốc kinh tế. Thế giới đã thờ ơ khi Hitler hô hào tinh thần dân tộc Đức thượng đẳng.

Trump thấy rõ bước đi của Trung Quốc hôm nay lặp lại bước đi của Đức quốc xã. Mô hình CNXH mang đặc thù Đức thượng đẳng cũng chính là mô hình CNXH mang đặc thù Trung Quốc thượng đẳng.

Nguy cơ đâu chỉ với 300 tr người Mỹ mà nguy cơ với cả nhân loại.

Gã cảm ơn cuộc chiến của tỉnh thức và rất trách nhiệm này của Trump đối với 90 tr dân gã. Bởi nước gã sẽ không khác Ba Lan trong Thế chiến thứ Hai
là nạn nhân đầu tiên của đế chế Trung Quốc xã này.

Gã hiểu cuộc chiến thương mại lập lại trật tự thương mại là bước đi đầu tiên của cuộc đại chiến lập lại trật tự thế giới hướng tới hoà bình và đầy trách nhiệm.

Trump đang đi tiếp các bước :

- Chống ăn cắp công nghệ. FBI vừa mở chiến dịch tại tất cả các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ của Mỹ loại trừ các nhà khoa học gốc Hoa tham gia "Kế hoạch 1000 người " của Trung Quốc và các nhà khoa học gốc Hoa ăn cắp công nghệ đưa về Trung Quốc.

Trong chiến dịch này FBI đã phát hiện được nhiều gián điệp công nghệ, bắt giam và trục xuất khỏi Mỹ.

- Trump đang vận động EU cùng tham gia vào cuộc bao vây chống lại nạn vi phạm bản quyền, gian lận thương mại, ăn cắp công nghệ này của Trung Quốc. Tiếp tay cho gian lận thương mại cũng là gian lận thương mại.

- Trump cùng các nước khác đang là chỗ dựa cho các quốc gia lệ thuộc Trung Quốc biến thành sân sau làm giàu cho Trung Quốc, từng bước cởi trói lệ thuộc kinh tế , phục hưng lại văn hoá, chính trị độc lập.

Một loạt nước như Malaixia, Myanmar, Srilanca... gần đây đã có những biểu hiện mạnh mẽ khước từ các miếng mồi kinh tế của Trung Quốc.

- Trump đang chặt đứt dần các mắt xích đồng minh của Trung Quốc đặc biệt là Triều Tiên, tiếp tới sẽ có sách lược lôi kéo Nga về với châu Âu để không liên kết chặt chẽ chính trị, quân sự với Trung Quốc nữa.

- Trump gắn kết với Đài Loan để Đài Loan là một đối lực cản trở giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình.

Vậy đó.

Gã giật mình nhìn lại nước gã khi cảm nhận hình như những người có trách nhiệm ở nước gã chả quan tâm tới những gì mà cả nước Mỹ đang quan tâm.

Ai đó vẫn còn hy vọng nước gã sẽ đứng ngoài mọi nguy cơ khi đu dây với Trung Quốc?

Ai đó vô trách nhiệm chuyện quốc gia nhân loại chỉ quan tâm tổ ấm đã lót cho riêng mình?

Ai đó và ai đó là ai?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

10h05: CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG TỪ TRẦN



Sức khỏe của Ông Trần Đại Quang, Chủ tịch Nước CHXNCN Việt Nam đã giảm sút trong những tháng gần đây. Sáng nay, Nhà báo Huy Đức công bố thông tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra đi lúc 10h05 phút. Tin chúng tôi nhận được là Chủ tịch nước từ trần lúc 10h07.


Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới Phu nhân Chủ tịch nước và gia đình.
________________
Vào lúc 11h45 cùng ngày, báo chí nhà nước bắt đầu loan tin Ông Trần Đại Quang qua đời. Đây là lần đầu tiên một vị trong Tứ Trụ qua đời được báo chí loan tin nhanh nhất, tức là chỉ sau khi mất hơn 1 giờ đồng hồ:



Ai sẽ thay ông Quang làm CTN?

Hãy đọc stt của Huy Đức:  
CHỦ TỊCH NƯỚC

Theo Điều 93, Hiến pháp 2013, thì bà Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ "giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới". Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, VN có hai phụ nữ ngồi trong "Bộ Tứ". Tuy nhiên, bà Thịnh có rất ít khả năng chính thức trở thành Chủ tịch. Chắc chắn Trung ương 8 nhóm họp đầu tháng 10 sẽ chọn ƯCV; ai, anh Vượng hay là anh Nhân đây.

6 nhận xét :

  1. BUỒN QUÁ, MỘT NGƯỜI VÌ DÂN VÌ NƯỚC, CẢ CUỘC ĐỜI TRONG SẠCH, KHÔNG THAM NHŨNG, NGƯỜI XUẤT THÂN TỪ CÔNG AN, LỰC LƯỢNG HÙNG HẬU ĐÔNG ĐẢO NHẤT Ờ VIỆT NAM, ĐÃ RA ĐI.
    Trả lời
  2. " Ôi thôi ! Thời oanh liệt nay còn đâu .
    Trả lời
  3. Báo vnexpress đề cái TÍT rất phù hợp : ...... qua đời..
    Trả lời
  4. Chủ tịch nước qua đời Nhiều người buồn, lắm kẻ lo.
    Nhiều người mừng...
    Trả lời
  5. Ốm sắp chết vẫn phải làm việc.
    Không biết mọi người suy nghĩ thế nào.?
    - Theo tôi nghĩ là bác làm việc đến hơi thở cuối cùng...Phục vụ đảng nhà nước và Nhân dân đến hơi thở cuối cùng.
    - Nhưng sẽ có nhiều người cho là Đ/c CT Trần Đại Quang tham quyền cố vị cho tới khi chết.
    Miệng lưỡi thiên hạ quá nhiều lắt léo.

Phần nhận xét hiển thị trên trang