Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Hát Văn Thái Bình Là Đất Ăn Chơi | Tuyển Chọn Những Bài Hát Văn Đặc Sắc ...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

An Tây mưu lược tướng Doãn Uẩn (1795 – 1850)


Song Lãng là một miền quê văn hiến từng sinh ra nhiều nhân tài qua các triều đại mà tiêu biểu là: Đỗ Đô, vị thiền sư thông tuệ, tài năng đức độ - một danh nhân văn hoá của nước ta thời Lý; Tiến sĩ Trần Củng Uyển, làm quan đến chức Hiến sát sứ; Đỗ Lý Khiêm, người đã đỗ đầu khoa thi Đình trở thành một trong hai vị trạng nguyên trong lịch sử khoa cử của Thái Bình và em trai ông là Hội nguyên tiến sĩ từng là Đông các Đại học sĩ (triều Lê). Trong cái nôi văn hiến ấy, dòng tộc Doãn với những tên tuổi như Doãn Thự, Doãn Duyện (thời Tây Sơn), Doãn Để, Doãn Khuê, Doãn Vị (thời nhà Nguyễn) đã làm rạng rỡ truyền thống quê hương Song Lãng và là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Doãn Uẩn sinh ngày 17 tháng 11 năm Ất Mão (1795) tại xã Khê Cầu, tổng Khê Cầu, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam hạ (nay là thôn Khê Kiều, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ông là con trưởng cụ Lãng Khê Doãn Đình Dụng và bà Nguyễn Thị Tào. Thuở nhỏ, ông được cha đặt tên là Ôn, khi vào làm quan trong triều được vua Minh Mệnh đổi là Uẩn, tự Ôn Phủ, sau đổi thành Nhuận Phủ, hiệu Nguyệt Giang rồi đổi hiệu là Tinh Trai. Tuổi học trò, Doãn Uẩn được cha và các chú bác trong nhà, đều là những bậc túc nho, khoa bảng, trực tiếp kèm cặp. Năm 19 tuổi ông theo học tiến sĩ Bùi Huy Bích - một cựu thần có danh vọng thời Hậu Lê. Năm Doãn Uẩn 20 tuổi thì cha qua đời, nhà nghèo nhưng ông vẫn gắng sức theo học. Đến tuổi 29, ông cùng gia đình rời Khê Cầu chuyển về ở hẳn Ngoại Lãng.
Sau hai lần thi đều đỗ tú tài, năm Minh Mệnh thứ 9, khoa thi Mậu Tý (1828) Doãn Uẩn dự thi trúng Cử nhân hạng ưu. Cuối năm Kỷ Sửu (1829) vào thi Hội nhưng không đỗ và cùng năm đó ông được bổ chức Điển bạ Hàn lâm viện, chính thức bắt đầu sự nghiệp quan trường của mình.
Liên tục 20 năm (1829 – 1849) trải qua ba triều vua: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Doãn Uẩn lần lượt giữ nhiều chức vụ lớn nhỏ khác nhau với nhiều công việc khác nhau. Trong kinh đô, ông được thăng bổ dần dần từ chức Chủ sự, Viên ngoại lang, Lang trung, Thị Lang đến Tham tri ở các Bộ Hộ, Bộ Hình, Bộ Lại. Và vào năm 1847 ông được phong chức Binh bộ Thượng thư. Ngoài các trấn, ông từng giữ chức Án sát ở Vĩnh Long, Thái Nguyên rồi Hưng Yên,sau là Tuần phủ An Giang và Tổng đốc An – Hà. Ở nội khoa cử: 5 lần ông được điều bổ làm phúc khảo, chủ khảo, khâm sai ở các trường thi Nghệ An, Bắc Thành (Hà Nội ngày nay), Gia Định, Thừa Thiên. Nhận mệnh vua: một lần ông được bổ sung làm Kinh lược phó sứ Thanh Hoá để “dẹp loạn vỗ yên dân”. Một lần làm Phó khâm sai Bình Định để giải quyết việc phân chia quân điền. Lần nữa đem theo “vương mạng kỳ bài” làm Phó khâm sai Trấn Tây để kinh lý việc đặt định các ngạch thuế khoá. Việt đột xuất tăng cường cho những nơi quan yếu có nhiều diễn biến phức tạp, ba lần ông được điều là Thự (quyền) Tổng đốc quan phòng Long - Tường (Vĩnh Long - Định Tường); Thự Đốc quan phòng Thanh Hoá, Thự Tuần phủ quan phòng Hưng Yên. Hầu như trên mọi vùng đất đều có dấu tích, công lao của Doãn Uẩn với cái chất thực học, thực tài bộc lộ rất rõ. Điều đó đã được ghi trong ĐạiNam thực lục chính biên (Bộ sử của nhà Nguyễn), trong gia phả họ Doãn (Song Lãng, Vũ Thư) và trong cả thư bút tự thuật của ông (Doãn công nhật ký).
Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), sau khi làm quan được 3 năm, Doãn Uẩn được Tham tri Bộ Hộ là Bùi Phổ hết lời đề cử, nhân có chỉ dụ cho phép các quan tiến cử người tài. Trong công việc, nhiều lần Doãn Uẩn đã tâu bày những kế sách về thuế lệ, hư ngạch, điền địa và được Minh Mệnh, Thiệu Trị khen ngợi: “Mọi việc nhận xét đúng, lo liệu, siêng năng chu đáo việc công”.
Năm Quý Tỵ (1833) sau việc ông trực tiếp tập hợp quan dõng, xông pha thu phục lại được thành Vĩnh Long. Vua Minh Mệnh ngợi khen “Doãn Uẩn đúng là người biết làm việc quân tử”. Năm Giáp Ngọ (1834) khi quyết định điều Doãn Uẩn làm Án sát Thái Nguyên để lo “Đi trước làm yên lòng dân và đôn đốc vận chuyển lương hướng quân nhu”, vua Minh Mệnh đã công khai bảo với các thị thần là “Doãn Uẩn có khả năng xử lý những việc khó khăn gấp gáp nơi biên ải. Lệnh tức khắc lên đường”.
Là con người hành động, Doãn Uẩn đã xông pha đến những nơi khó khăn nguy hiểm, hoàn thành trọng trách của mình. Ở đâu Doãn Uẩn cũng tỏ ra là người có tài xử trí, giải quyết công việc một cách khéo léo, êm thấm. Đối với những tộc người thiểu số, rất ít khi ông dùng vũ lực mà thường dùng trí cùng với sự cảm hoá khuyên dụ nhân tâm để thu phục. Ông còn tâu bày xin bằng được sự khoan dung và đình việc tra xét với những người từng tham gia nổi dậy chống triều đình còn phải lẩn lút ở một số nơi.
Một con người có nhiều kinh nghiệm “Trị loạn yên dân” như vậy, không thể đứng ngoài một công việc hệ trọng mà triều đình Huế vốn đã để tâm từ lâu. Đó là vấn đề đất đai ở biên giới Tây Nam. Đây là cuộc chiến tranh nhằm tranh giành ảnh hưởng giữa triều đình Huế và Xiêm đối với Chân Lạp đã xảy ra suốt thời vua Gia Long. Đến năm Mậu Tuất (1838) mối bất hoà lại bùng nổ ác liệt. Xiêm đã lợi dụng lúc triều đình Huế còn đang chống chọi với cuộc nổi dậy trong nước để lập mẹo đưa quân nhằm thực hiện tham vọng chiếm cứ Chân Lạp. Tháng 6 năm Canh Tý (1840) Minh Mệnh chọn Doãn Uẩn làm Phó Khâm sai đại thần vào Trấn Tây để xét định lại các ngạch thuế. Tháng 7, ông vào đến nơi thì cũng là lúc quân Xiêm chiếm thành Nam Vang và tiến quân quấy rối khắp vùng biên giới Tây Nam. Nhân đây Doãn Uẩn được cử làm Bang biện đại thần Trấn Tây cùng Tham tán Trương Minh Giảng, Hiếp tán Cao Hữu Dực hội đồng bàn bạc đối phó. Mấy tháng sau khi vua Minh Mệnh mất, Thiệu Trị lên thay quyết định bỏ thành Trấn Tây tạm lui binh để lo việc trong nước. Doãn Uẩn trở về triều giữ chức Tham tri Bộ Hộ.
Tháng 5 năm Giáp Thìn (1844) Thiệu Trị lại điều binh khiển tướng ngăn chặn quân Miên và quân Xiêm đang quấy phá nhiều tỉnh phía Tây Nam. Doãn Uẩn lại lên đường vào nhận chức Tuần phủ An Giang một tỉnh địa đầu biên giới phía Nam. Biết rõ tài năng của ông, trước khi điều Doãn Uẩn đi, vua Thiệu Trị đã phủ dụ rằng: “Nếu không phải là bầy tôi thân tín, há có thể giao phó việc quan trọng về biên giới” và “Khanh thì trẫm biết đã từ lâu nên vì trẫm mà hết lòng giúp việc lớn ở biên cương”. Suốt một năm trời, Doãn Uẩn đã cùng Tổng đốc An – Hà là Nguyễn Tri Phương ứng phó hết sức khôn khéo bằng cách: vừa ngăn chặn các âm mưu trá hàng lắt léo vừa khơi sau những mâu thuẫn giữa Xiêm với Chân Lạp, đồng thời ra sức chiêu dụ, lôi kéo những thổ mục, thổ dân người Miên ủng hộ.
Tháng 5 năm Ất Tỵ (1845) nội bộ Xiêm - Lạp lục đục, nhân người Cao Miên xin cầu viện để chống quân Xiêm, triều đình Huế quyết định giải quyết dứt điểm về vấn đề Chân Lạp. Doãn Uẩn trở thành một vị tướng tiên phong trực tiếp cầm quân phá giặc. Bị dồn đuổi tới cùng, cuối năm 1845 quân Xiêm buộc phải xin hàng, tù trưởng Chân Lạp cũng phải đến tận bản doanh của Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn xin nhận tội.
Với chiến công trong cuộc tiễu trừ giặc Xiêm Lạp, đắc kế phòng bị từ xa, bảo vệ yên bờ cõi phía Tây Nam của Tổ quốc, Tham tán đại thần Doãn Uẩn được ghi nhận: “Nhiều lần những trận đánh ở Thông Bình, Sách Sô, trước lập công đầu, cho đến Thiết Thằng, Định Trấn tây tiến Vĩnh Long, sát Ô Đông đều bày mưu chước lạ, nắm phần thắng”. Vua Thiệu Trị ban tặng cho ông nhiều báu vật, cho khắc tên vào cỗ đại bác “Thần uy phục viễn đại tướng quân” để ghi công trang, phong là An Tây mưu lược tướng, tước Tuy Tinh Tử, lại ban cho “Ba bài thơ ngự chế chuẩn cho theo vần họa lại”.
Sau cuộc chiến, biên thuỳ đã định, công việc cần có những trọng thần có năng lực trấn ở những nơi xung yếu, Doãn Uẩn lại được vua Nguyễn trao trọng trách làm Tổng đốc An – Hà (An Giang và Hà Tiên).
Là vị tướng mưu lược, trí dũng song toàn, Doãn Uẩn còn là một thi nhân có phong cách già dặn. Những tập thơ, tập sách còn lại đến ngày nay được đánh giá cao về nội dung tư tưởng và bút pháp nghệ thuật, hiện đang giúp ích khá nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn hoá về một thời kỳ lịch sử của đất nước như Doãn công nhật ký, Tuy Tinh Tử văn thi tập. Trong số đó Tuy Tinh Tử tạp ngôn là một tập thơ gồm 192 bài đã phản ánh phong phú những cảnh vật cùng tâm hồn tác giả.
Là người có danh cao, được trọng vọng nhưng ông và gia đình vẫn giữ một cuộc sống rất đạm bạc đơn sơ, chẳng ham phú guý giàu sang. Bản thân ông luôn tâm đắc một điều: “Giữ cho luân lý luôn được ngay thẳng, trọng điều ân nghĩa lại luôn làm điều thiện, vui vẻ xử sự có tình lý, nói phải luôn nhắc mình cẩn thận, người không lương thiện thì không giao du, vật mà phi nghĩa thì không giữ lấy, không trành giành lợi lộc, kiện tụng thì cốt yếu không được dối trá”.
Doãn Uẩn qua đời vào tháng 11 năm Kỷ Dậu (1849, tức ngày 3 – 1 – 1850) khi đang giữ chức Tổng đốc An – Hà, hưởng thọ 55 tuổi. Vua Tự Đức truy tặng ông hàm Hiệp biện Đại học sĩ, cấp tiền tuất và táng phí về quê theo lệ đối với một đại thần có nhiều công lao to lớn. Tên của ông được khắc ghi trong đền Hiền Lương (kinh đô Huế) nơi thờ các công thần nổi tiếng của nhà Nguyễn. Nhiều làng quê ở An Giang – Hà Tiên đã dựng đền thờ ông, các làng Ngoại Lãng, Khê Cầu, sau cũng đều có đến thờ ông. Lời ngợi ca của nhân dân Nam Bộ đối với ông: “Là quan võ thì bất chấp cái chết, là quan văn thì chẳng ham tiền tài, lòng chỉ mơ ngày thiên hạ thái bình. Sống thì anh hùng và khí khái, chết thì lẫm liệt như sống mãi” là sự khẳng định về một con người văn võ song toàn đã cống hiến trọn đời cho việc giữ gìn đất đai non sông đất nước vào nửa đầu thế kỷ XIX.
Nguồn: Xưa và Nay, số 251, 252, tháng 1 – 2006.
Tác giả bài viết: Phạm Minh Đức


Phần nhận xét hiển thị trên trang

LỘ DIỆN ĐỒNG LOẠT NHỮNG KẺ ĐẠI CƯỚP, ĐẠI PHÁ


Chiều 30/6, UBKT.TƯ đã thông cáo báo chí về kỳ họp thứ27. Theo đó, đề nghị kỷ luật và trực tiếp kỷ luật hàng loạt quan chức phạm tội cướp phá, tàn phá đất nước.
*Đề nghị Thượng vụ Quân uỷ Trung ương, Ban bí thư, BCT kỷ luật đồng loạt các quan chức:
1- Thượng tướng Phương Minh Hoà (nguyên Tư lệnh Quân chủng PK- KQ)
2- Trung tướng Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chính uỷ Quân chủng PK-KQ)
3- Nguyễn Bắc Son (nguyên BT. Bộ TT-TT)
4- Trương Minh Tuấn (BT. Bộ TT-TT)
5- Trần Việt Thắng (TGĐ. Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam).
*Kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với các quan chức:
6- Lê Nam Trà (CT.HĐTV Tổng Cty Mobiphone)
7- Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng vụ quản lý doanh nghiệp , Bộ TT-TT)
8 Trần Bắc Hà (CT.HĐQT, Ngân hàng BIDV)
Vv...
Với mức độ phạm tội nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, những kẻ đại cướp, đại phá nói trên, mới chỉ bị đề nghị xử lý và xử lý về mặt Đảng. Chắc chắn bọn họ sẽ là tội đồ trong các đại án tiếp theo.
* Bài viết của Nguyễn Quang Cương



Phần nhận xét hiển thị trên trang

TQ ‘giáo huấn’ doanh nghiệp về làn sóng bài Trung ở VN và các nước



Nhóm đi đầu trong cuộc biểu tình tại Việt Nam vào ngày 10/6/2018.
Tờ báo của nhà nước Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo, hôm 26/6 cảnh báo các công ty nước này phải “khéo cư xử” và “cẩn trọng” trước làn sóng “chủ nghĩa dân tộc” ở các quốc gia Đông Nam Á, dẫn chứng những vụ biểu tình chống Luật Đặc khu gần đây tại Việt Nam.
Không nêu cụ thể nước nào, nhưng tờ báo được xem là “cái loa của Bắc Kinh” lý giải tính “nhạy cảm” về sự xuất hiện của các công ty Trung Quốc trong khu vực là do “tranh chấp lãnh thổ” và “Một số quốc gia có tỷ lệ dân số người Hoa cao có một lịch sử chống Trung Quốc, kỳ thị người Hoa và cảnh giác với các doanh nghiệp Trung Quốc đang nắm giữ sinh mệnh kinh tế của đất nước”.
Tờ báo Trung Quốc nói thêm rằng do các dự án đầu tư của Trung Quốc liên quan đến một loạt các vấn đề quan trọng ở địa phương như bồi thường và thu hồi đất đai, nên đã khiến cho người dân địa phương “nhạy cảm với sự có mặt của các công ty nước ngoài”.
“Một trường hợp điển hình là các cuộc biểu tình chống Trung Quốc mới nhất nổ ra hồi đầu tháng này tại Việt Nam. Mặc dù Luật Đặc khu mới đưa ra, cho phép thành lập các đặc khu kinh tế, không đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng người Việt Nam tự động kết nối nó với các nhà đầu tư Trung Quốc. Xu hướng này phản ánh người dân ở các nước Đông Nam Á cảnh giác về đầu tư của Trung Quốc như thế nào”, tờ báo dẫn trường hợp của Việt Nam làm thí dụ.
Hình ảnh được nói là chụp công nhân ở Công ty Pouyuen - Tân Tạo ở TP. HCM đang đình công để phản đối dự luật đặc khu kinh tế, ngày 9 tháng 6, 2018
Hình ảnh được nói là chụp công nhân ở Công ty Pouyuen – Tân Tạo ở TP. HCM đang đình công để phản đối dự luật đặc khu kinh tế, ngày 9 tháng 6, 2018
Hàng trăm ngàn người dân Việt Nam đã xuống đường biểu tình rầm rộ trên khắp cả nước vào ngày 10/6 để phản đối Quốc hội thông qua Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Công chúng lo ngại việc thành lập 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ khiến cho Việt Nam mất chủ quyền về tay Trung Quốc một khi các nhà đầu tư nước này đổ vào thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm.
Trong buổi tọa đàm với VOA Tiếng Việt ngày 25/6, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cho rằng chính sách xây dựng đặc khu là một chính sách tốt, nhưng nó trở nên nguy hiểm khi rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc.
“Nếu chúng ta thu hút các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu vào bắt tay xây dựng và phát triển kinh tế thì rất tốt, bởi vì những quốc gia đó là các quốc gia dân chủ, văn minh và họ đến Việt Nam với mục đích làm giàu cho bản thân là đương nhiên, nhưng ngoài ra họ còn tạo công ăn việc làm cho người dân, nộp thuế cho chính phủ Việt Nam để xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng nếu chính sách thu hút đầu tư đó lại dành cho các nhà đầu tư từ Trung Quốc, mà họ lại được nhà nước Trung Quốc đứng đằng sau, ẩn chứa nhiều mục đích khác nhau, ngoài mục đích làm giàu còn mục tiêu lâu dài là xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam thì đó là một điều rất đáng tiếc”.
Trước làn sóng bài Trung không chỉ tại Việt Nam và ở một số quốc gia Đông Nam Á khác, Hoàn Cầu Thời Báo nói đây là những “thách thức cố thủ” mà các nhà đầu tư Trung Quốc cần phải xử lý một cách “tế nhị” để “thúc đẩy các dự án Vành đai và Con đường”, một sáng kiến kinh tế ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, với tham vọng xây dựng một “con đường Tơ Lụa” mới kết nối các châu lục.
“Sẽ cần thời gian để những nghi ngờ và cảnh giác của người dân Đông Nam Á đối với Trung Quốc mất đi”, Hoàn Cầu Thời Báo nói. “Ngay lúc này, một số chính trị gia đang kích động chủ nghĩa dân tộc chống lại Trung Quốc để giành chiến thắng trong bầu cử, cản trở sự phát triển của Đông Nam Á và ngăn chặn những nước này hiểu biết về sự trỗi dậy không ích kỷ của Trung Quốc”.
Tờ báo Trung Quốc khuyên “Cả Đông Nam Á và Trung Quốc đều phải để lịch sử lại phía sau và nắm lấy hiện tại”.
Một số nhà quan sát quốc tế cho rằng các cuộc biểu tình vừa qua tại Việt Nam đã làm “rúng động” chính quyền tại Hà Nội, khi họ đã “chủ quan” và “đánh giá thấp” sự phẫn nộ của công chúng đối với Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau đó lên tiếng kêu gọi người dân “bình tĩnh” và “tin tưởng vào Đảng và chính phủ”, và trấn an rằng “không ai dại dột ngây thơ giao đất cho nước ngoài”.
Bình luận về các cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, bà Doãn Hải Hồng, nói nguyên nhân của vụ việc này là ở nội bộ của Việt Nam và không liên quan gì đến Trung Quốc.
“Tuy nhiên, sự cố vẫn có tác động tiêu cực đến quan hệ Trung-Việt. Hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ hành động song song với phía Trung Quốc, và dần dần phục hồi từ những tác động tiêu cực của vụ việc bằng hành động cụ thể, và nỗ lực thực tiễn cho sự phát triển ổn định của quan hệ Trung-Việt”, Bà Doãn nói trong một tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao ông Trần Bắc Hà bị khai trừ Đảng?



Xuân Duy 
Dân Trí - Chiều 30/6, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV).

Ngoài ra Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cũng quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng (nguyên ủy viên Ban Thường vụ đảng ủy, Phó tổng giám đốc ngân hàng BIDV). Cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang (ủy viên Ban Thường vụ đảng ủy, Phó tổng giám đốc BIDV).

Trước đó, trong thông báo về phiên họp thứ 26, Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng đã nêu rõ ông Trần Bắc Hà với tư cách nguyên Bí thư đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) BIDV, phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.

Cụ thể, ngày 24/5/2013, ông Đoàn Ánh Sáng đại diện BIDV và ông Đỗ Hoàng Linh (Phó Tổng giám đốc VNCB) ký thỏa thuận hợp tác cùng tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán. Thỏa thuận được đưa ra là VNCB có khách hàng, đối tác sẽ giới thiệu cho BIDV. Phía BIDV sẽ xem xét cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng cho VNCB theo quy định.

Do cần tiền tăng vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu ngân hàng, ông Danh đến hội sở BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng đặt vấn đề "sẽ giới thiệu khách hàng của VNCB sang BIDV vay vốn" kinh doanh vật liệu xây dựng. Nếu khách hàng không đủ tài sản thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình để bảo đảm.

Được lãnh đạo BIDV chấp thuận, ông Danh chỉ đạo cấp dưới lựa chọn 12 công ty, chuẩn bị hồ sơ gửi cho ngân hàng này, đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỉ đồng.

Ông Đoàn Ánh Sáng đã đồng ý và xin chủ trương của Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang và Tổng Giám đốc, ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng.

Khi có ý kiến này, Ban Quản lý rủi ro tín dụng Hội sở chính BIDV đã thẩm định, đánh giá rủi ro theo quy định, sau đó trình ban lãnh đạo về việc phê duyệt chủ trương cho vay theo mô hình 4 nhà với các công ty.

Tờ trình này được ông Trần Lục Lang ký duyệt và trình Ủy ban quản lý rủi ro đề nghị xem xét, phê duyệt chủ trương theo thẩm quyền. Ủy ban quản lý rủi ro không tiến hành họp mà lấy ý kiến từng thành viên phân ban rủi ro tín dụng thuộc Ủy ban quản lý rủi ro, sau đó lập báo cáo tổng hợp các ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng, đầu tư và được ông Trần Bắc Hà (Trưởng phân ban) ký phê duyệt.

Ngày 3/10/2013, ông Trần Bắc Hà ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng cho 12 công ty do Danh đề xuất. Cùng ngày, ông Trần Lục Lang đã ký 12 công văn gửi 4 chi nhánh và Ban khách hàng doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ vay thẩm định phương án kinh doanh, quyết định cho vay đối với các phương án có hiệu quả đảm bảo khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi.

Lãnh đạo BIDV các chi nhánh Bến Thành, Gia Định, Sở giao dịch 2, Nam Sài Gòn đã lần lượt phê duyệt và giải ngân cho các công ty của ông Danh.

Cơ quan điều tra xác định, việc ông Danh sử dụng tiền của VNCB đảm bảo cho các công ty vay tiền gây thất thoát cho VNCB hơn 2.550 tỉ đồng. Liên quan vụ việc, ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (là lãnh đạo và cán bộ BIDV Chi nhánh Gia Định) bị cho là đã cố ý làm trái quy định, giúp sức cho ông Danh trong việc giải ngân khoản vay 430 tỉ đồng.

Ngoài ra, nhiều lãnh đạo, nhân viên khác của BIDV được cơ quan điều tra xác định "có sai phạm trong việc cho các công ty của ông Danh vay" khi chỉ kiểm tra, thẩm định đánh giá tính hiệu quả của phương án kinh doanh dựa trên hồ sơ khống. Tuy nhiên, sai phạm này không gây thiệt hại cho BIDV và không có căn cứ xử lý hình sự.

Về phần ông Trần Bắc Hà, cơ quan điều tra xác định ông này đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay vốn theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay, và không biết các công ty này do Danh thành lập. BIDV đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay.

Tương tự, ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang đã ký tờ trình phê duyệt cho 12 công ty vay vốn nhưng không đủ căn cứ xác định những người này có liên quan đến Phạm Công Danh nên không xử lý hình sự. Hồi tháng 10/2017, cơ quan điều tra đã kiến nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với các cán bộ BIDV có liên quan.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Kim Jong Un cho hành quyết một tướng lãnh vì cấp thêm thực phẩm cho lính


Ảnh minh họa: Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un duyệt đội ngũ lúc chuẩn bị phóng vệ tinh tháng 2/2016.


Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được cho là đã ra lệnh xử bắn một tướng lãnh quân đội vì đã cấp thêm thực phẩm và xăng dầu cho lính cũng như gia đình họ. Trang tin Daily NK hôm 28/06/2018 cho biết như trên.
Theo trang web chuyên về Bắc Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, thì trung tướng Hyon Ju Song đã bị xử bắn vì cáo buộc « lạm dụng quyền lực và có những hành động chống Đảng ». Tướng Hyon vốn là ngôi sao đang lên trong quân đội, ủy viên trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, thành viên Quân ủy Trung ương.

Một nguồn tin nói với Daily NK là tướng Hyon Ju Song đã cho xuất kho « 1.000 tấn xăng dầu, 650 tấn gạo và 800 tấn bắp để phân phối cho các sĩ quan quân đội và gia đình họ tại trung tâm phóng hỏa tiễn ». Hành động này bị coi là « chống Đảng », vì vi phạm « Mười nguyên tắc trong hệ thống tư tưởng duy nhất của Đảng ».

Vị tướng này còn bị buộc tội « không giữ bí mật các vấn đề của Đảng, của quân đội và các định chế chính phủ, phổ biến các tài liệu mật, xuyên tạc ý thức hệ của Đảng ».

Một nguồn tin khác cho Daily NK biết Kim Jong Un đã tức giận cực độ khi nghe báo cáo, và ra lệnh hành quyết tướng Hyon. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên tuyên bố : « Sự nhiễm độc ý thức hệ đang làm hỏng các lãnh đạo quân đội, cần phải bị tiêu diệt từ trong trứng nước ».

Mỹ-Nhật-Hàn đẩy mạnh nỗ lực giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo dự kiến tuần tới sang Bắc Triều Tiên để thảo luận về chương trình giải trừ hạt nhân. Ông Pompeo sẽ là quan chức Mỹ đầu tiên đến Bình Nhưỡng từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong Un hôm 12/6 tại Singapore.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm 29/06/2018 tuyên bố những bước hướng về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chỉ có thể thành hiện thực thông qua các biện pháp răn đe và việc chuẩn bị của liên minh Mỹ-Hàn. Còn bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc, Cho Myoung Gyon nói rằng việc củng cố quan hệ giữa hai nước Triều Tiên sẽ làm tăng cơ hội thành công ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng, liên quan đến hồ sơ nguyên tử.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

UỐNG RƯỢU VỚI TẢN ĐÀ




 
Đinh Hùng

Lời dẫn: Trong cuốn Đốt lò hương cũ, tác giả Đinh Hùng kể về một lần uống rượu với Tản Đà, qua đó thấy được sự tinh tế trong ẩm thực của tác giả Thề non nước. Được sự đồng ý của Như Books - đơn vị phát hành sách - chúng tôi trích đăng một phần nội dung sách.

Thuở đó, [...] chúng tôi còn ở cái tuổi học sinh 15, 17, mà thi sĩ Tản Đà thì đã gần hết đoạn đường chót của cuộc sống. Khi đó, Tản Đà đã mỏi bước phiêu lưu và trở về tiêu dao ngày tháng ở quê nhà Bất Bạt (Khê Thượng, Sơn Tây), để hàng ngày ngắm cái cảnh:

Nước rợn sông Đà, con cá nhẩy,
Mây trùm non Tản, cái diều bay... 


Một ngày đẹp trời kia, bọn chúng tôi ba người rủ nhau đạp ba chiếc xe đạp lọc cọc từ Hà Nội lên Khê Thượng, tìm đến Bất Bạt để yết kiến nhà thơ của sông Đà, núi Tản.

[...]

Tiên sinh ân cần cho chúng tôi ngồi hầu chuyện thơ, và uống trà tàu do chính tay tiên sinh pha. Tiên sinh gọi chúng tôi là các cậu với một giọng khoan hòa rất đáng yêu. Tuy mái tóc đã điểm trắng nhiều nhưng nét mặt, nhất là phong độ của tiên sinh vẫn rất trẻ (năm đó Tản Đà xấp xỉ 50 tuổi).

Uống vừa tàn ba tuần trà thì niềm hào hứng của tác giả những Giấc mộng lớn, Giấc mộng con đã bốc lên tới cái độ hoàn toàn không còn phân biệt tóc bạc với đầu xanh. Tiếng cười sảng khoái của tiên sinh thẳng thắn vang lên trong ngôi nhà gỗ ba gian, làm bay vù những con chim sẻ tọc mạch đậu ngay đầu thềm, phía ngoài bức mành mành rung động bóng cây xanh.

Lúc đó, tiên sinh dường như chính thức coi chúng tôi là bạn đồng lứa. Tiên sinh vỗ vai chúng tôi, không gọi chúng tôi là cậu nữa, và rất trịnh trọng, rất chân thành, tiên sinh cũng gọi chúng tôi là tiên sinh... để rồi tiên sinh nhất định giữ chúng tôi ở lại uống rượu, dùng cơm với tiên sinh. [...]

Trước hết, tiên sinh khệ nệ bưng từ dưới gầm giường lên một vò rượu lớn, tiên sinh chuyển rượu đó sang một cái nậm quả bầu, và rót rượu ra bốn chiếc chén cổ, tiên sinh mỉm cười và nói với chúng tôi:

Các cậu còn trẻ tuổi, chắc chưa quen uống rượu. Nhưng thiếu niên cũng phải tập dần đi thì vừa. Cái lệ của tao nhân mặc khách, đã ăn tất phải uống, mà uống tất nhiên phải uống rượu. Mời nhau ăn cơm, cao lương mỹ vị đầy đủ, không có rượu, thì thực là “cầm thú chi tình”! [...]

Tuy nhiên phải nhận ra rằng, ăn uống với một người có phong độ như Tản Đà, thực là một điều khoái hoạt hiếm có. Tiên sinh đã nâng việc ẩm thực lên tới một nghệ thuật tinh vi, tuy hơi có phiền toái, nhưng nếu có hoàn cảnh hưởng nhàn, thì chính cái phiền toái ấy lại là yếu tố tạo thi vị cho miếng ăn, khiến con người có một chút nào quên đi cái định luật “ăn để mà sống”, và nghĩ rằng “ăn để mà tô điểm cho cuộc sống thêm phong vị”. Âu cũng là một quan điểm triết lý nhân sinh của nhà nghệ sĩ chủ trương sự nhịp nhàng hòa điệu cả tâm lẫn vật.

Mâm rượu của thi sĩ Tản Đà là cả một bản hợp tấu điều hòa đủ mùi, sắc, hương vị, hình thái, cả âm thanh nữa, tiết điệu đơn giản mà linh động, hấp dẫn: trên chiếc mâm vĩ cổ kính - thứ mâm gỗ hình chữ nhật vành son, sơn then - nhà thơ bày la liệt những đĩa, những chén nho nhỏ xinh xinh, đựng linh tinh các món gia vị:

Chút tương vàng óng, chút nước mắm ô long nâu thẫm, những trái ớt đỏ tươi, những quả chanh cốm xanh ngắt, và đĩa rau diếp thái nhỏ điểm lên những cánh rau thơm, rau mùi, rau ngổ hái ngay ở vườn nhà, và đĩa rau muống chẻ non bẽo - thứ rau muống Sơn Tây trắng nõn như ngó cần - không thiếu từ chút hạt tiêu sọ, thêm cả một con cà cuống băm, mấy củ hành hoa, đĩa lạc rang, vài chiếc bánh đa vừng.... Đặc biệt, những gia vị đó đều chia ra làm nhiều đĩa, nhiều chén, đủ bốn phần dàn ra bốn góc mâm như kiểu ăn chả cá.

Liền bên cạnh mâm, ngay đầu giường, thi sĩ đặt cả hai chiếc hỏa lò, than hồng quạt sẵn.

Rượu đã cạn tới chén thứ ba, Tản Đà mới tuyên bố:

Hôm nay, ta thưởng thức một bữa ăn toàn hương vị đơn sơ của sông Đà, nghĩa là chỉ có tôm cá tươi và linh hồn sẽ là món cá dấm... Thực đơn quê mà thôi, nhưng ngon miệng là đủ rồi.

Thi sĩ rung đùi ngâm luôn:

Nay về Bất Bạt quê nhà,
Sông to, cá lớn lại là thứ ngon... 


Và thi sĩ chỉ hai chiếc hỏa lò với hai cái chảo mà mỡ sôi đã bắt đầu xèo xèo một âm hưởng vui tai và ấm lòng. Thi sĩ giải thích:

Hai chảo mỡ này, một để rán cá một để rán tôm nhắm rượu trước. Món nhắm đặc biệt, phải tự tay mình làm mới thú.

Người nhà đem những khúc cá chép đã đánh vảy, mổ moi, làm lòng sẵn, máu tươi còn đỏ hồng thớ thịt. Tản Đà tiên sinh chỉ có việc hoàn thành khúc điệu rán vàng khúc cá. Mùi hành tỏi thơm điếc mũi... Khúc cá sắt từng khoanh mỏng được bàn tay rất có nghệ thuật của nhà thơ chuyển âm giai, tiết tấu nhanh thoăn thoắt, và bốn khúc chín vàng đều, cùng một lượt được gắp ra bốn chiếc đĩa men xanh. Đó là phân khúc thứ nhất của bản hợp tấu.

Phân khúc thứ hai là món tôm rán - thứ tôm lớn của sông Đà vừa mới kéo vó lên khỏi mặt nước, liền được đưa tới đây để nhảy vào chảo mỡ của nhà thi sĩ. Xin nói ngay: đây cũng là món đặc biệt của Tản Đà. Thường người ta vẫn ăn tôm rang, tôm sốt cà chua hoặc tôm tẩm bột rán...

Nhưng phải ăn tôm tươi rán thuần túy và đơn giản như Tản Đà, và phải có chảo mỡ bên cạnh, để cũng như Tản Đà, nhìn thấy từng con tôm cong mình trong mỡ sôi, và được con nào, gắp luôn ngay ra đĩa, lót mấy lá ngổ tươi phía dưới, hoặc điểm mấy cuống ngổ vào ngay chảo mỡ thay cho hành tỏi...

Tóm lại, phải ăn tôm tươi rán như Tản Đà ăn, mới thấm được tất cả cái chân vị thuần khiết của tôm sông Đà.

Tới món cá dấm là món tiêu biểu nhất của “Bất Bạt quê nhà”... Tản Đà vội giảng cho chúng tôi nghe cả một bài học về ăn cá dấm:

Cá dấm thường vẫn là món để ăn cơm. Nhưng với các tửu đồ biết tự trọng và “hiểu được bụng cá” (nguyên văn của Tản Đà) thì cá dấm chính là món để uống rượu tuyệt ngon. Và ngon nhất là cỗ lòng cá. Vì đã nấu dấm thì dù là cá trắm, cá chép hay cá mè, cá quả, cũng đều phải nấu cá lớn. Mà cá lớn thì giá trị nhất chỉ có bộ lòng. Ăn cá dấm mà bỏ qua mất bộ lòng, kẻ ấy đáng gọi là bỉ phu, nếu không phải là xuẩn ngốc!

Chúng tôi chỉ biết ngồi nghe thành khẩn. Hơi rượu đã bốc lên say ngất, chúng tôi như chợt tỉnh hẳn người, khi ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt của thìa là, của khế chua, quyện với hơi mẻ nồng nàn tỏa lên từ nồi canh cá dấm nóng hổi, nước sóng sánh mỡ vàng.

Thi sĩ Tản Đà thận trọng vớt riêng bộ lòng cá ra để vào một chiếc đĩa lớn, lại vớt riêng chiếc đầu cá để vào một chiếc đĩa nhỏ, đoạn nâng chén rượu, cạn một hơi, chìa tay mời chúng tôi vào tiệc và căn dặn mãi:

Các cậu nhắm đi! Lòng cá ăn trước, đầu cá ăn sau. Chừng nào lòng cá hơi nguội, ta múc một thìa canh dấm nóng chan vào mà húp.

Nồi canh dấm đặt trên hỏa lò vẫn sôi sùng sục. Chúng tôi ăn, chúng tôi uống, chúng tôi đặt đũa xuống, nâng bát lên, nhất nhất đều theo cử động Tản Đà tiên sinh. Tuy nhiên, dù không ai bảo ai, chúng tôi cũng đều cảm thấy đó là bữa ăn cá dấm ngon nhất đời.

Bộ lòng cá đã vợi quá nửa. Rượu đã phải chuyển thêm từ bầu thứ ba. Thi sĩ Tản Đà càng uống nhiều càng như tỉnh táo thêm, và nói chuyện càng thêm hấp dẫn. Nhân vấn đề thưởng thức lòng cá, thi sĩ đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất Tản Đà, nghĩa là một câu chuyện điển hình thực lý thú về cái nết độc đáo của Tản Đà trong việc ăn uống.

Có thời, tiên sinh đã ngồi dạy học ở một làng nọ, tuy xa Bất Bạt nhưng cũng thuộc tỉnh Sơn Tây, cũng ở bên cạnh bờ sông Đà. Lũ môn sinh chữ Hán, ngoài giờ học còn phải hầu thầy cả những việc lặt vặt: điếu đóm, trà rượu hàng ngày.

Một hôm, có người đánh được con cá quả lớn còn tươi, đem biếu thầy đồ. Vừa tan buổi học chiều. Tất nhiên lũ học trò liền có bổn phận xúm nhau vào ngả con cá ra làm món nhắm để thầy xơi rượu. Ngồi dạy học ở nhà lạ, Tản Đà không tiện xuống bếp “gà” cho môn đệ làm món ăn theo đúng quan niệm của mình.

Cả lũ học trò, toàn những con trai mới lớn, dẫu được ông thầy tận tâm dìu dắt cho thông tỏ nghĩa lý thánh hiền, nhưng không có cố vấn trong việc hỏa đầu, nên cả bọn hì hục mãi, đến tối mịt mới xong được mâm rượu bưng lên mời thầy. Mâm rượu cũng khá trọng thể. Con cá lớn được làm thành nhiều món: cá xào, cá rán, cá kho và cũng có cá dấm. Gia vị cũng đầy đủ: rau cỏ miền quê vốn không hiếm.

Duy thiếu mất một thứ.... Thiếu hẳn một thứ bất khả thiếu trong bữa tiệc cả!. Và chỉ thiếu mỗi thứ đó mà cả mâm rượu trở nên vô vị, vô duyên, vô bổ. Y như một thiếu nữ điểm trang diêm dúa mà thiếu mất... tấm lòng.

Thi sĩ Tản Đà hất hàm hỏi chúng tôi:

Các cậu có biết mâm rượu thiếu mất cái gì không? Chúng tôi đồng thanh đáp:

Bộ lòng cá!

Tản Đà nhoẻn miệng cười, nhưng cặp lông mày vẫn nhíu lại:

Phải, lòng cá ! Lũ học trò dại dột của tôi tuy có “lòng” quý trọng ông thầy nhưng lại không biết tôn trọng “lòng” cá. Thực khó “lòng” tha thứ cho lũ thiếu niên nhẹ “lòng” nhẹ dạ, vô tâm, vô tích sự như vậy.

Chắc là nhà thơ bị món lòng cá ám ảnh, nên câu nói cũng lòng thòng toàn những chữ thuộc về lòng với dạ...

Nhà thơ không thể chấp nhận một bữa cá thiếu quy tắc như thế - có thể gọi là một bữa cá “thất niêm, thất luật”. Và nhà thơ nhất định không cần chiếu cố tới mâm rượu nữa. Lũ môn sinh ngơ ngác nhìn nhau lo lắng, tưởng rằng đã làm điều gì đó lỗi đạo thánh hiền, khiến thầy phật ý, thầy chẳng thèm ăn. Vỡ lẽ ra, các trò mới hiểu bụng thầy: chung qui chỉ tại bộ lòng con cá quả!.

Bộ lòng cá đó, lũ học trò “thực bất tri kỳ vị” kia đâu có hiểu biết giá trị. Khi các cậu làm cá ở bờ sông, các cậu đã moi tuốt những cái gì lủng củng trong bụng cá vất trên bãi cỏ.

Kết cục, ngay giữa đêm tối, thầy đã bắt trò phải đốt đuốc sáng rực, lần ra bờ sông tìm cho kỳ được bộ lòng cá, để cho cá dấm có hồn. May sao, trên bãi cỏ bờ sông vắng, bộ lòng cá vẫn còn nguyên vẹn. Lũ môn sinh hú vía, hý hửng mang lòng cá về trình thầy. Lòng cá đó liền được luộc lên, canh dấm hâm lại, và cuối cùng, lỉnh kỉnh mãi tới gần giờ Tý canh ba, mà thi bá của chúng ta mới khởi sự nâng đũa, rung đùi cạn chén rượu thứ nhất một cách hài lòng.

Đó, câu chuyện khả dĩ coi là giai thoại về “nghệ thuật ăn” trong đời Tản Đà. Thi sĩ vừa khề khà kể chuyện, vừa nhắm nhót uống rượu, rung đùi, vừa ép chúng tôi uống, giục chúng tôi ăn. Tới khi câu chuyện chấm dứt thì bữa tiệc cũng gần tàn...
Trích sách "Đốt lò hương cũ" 
Nguồn: Zing


Phần nhận xét hiển thị trên trang