Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

ĐỜI NGƯỜI, ĐƠN GIẢN CHỈ LÀ 10 CÂU NÓI...


Nguồn:Tinh hoa


Tuệ Tâm biên dịchTinh hoa

Đời người, vì có quan tâm, nên có thống khổ; có hoài nghi, nên mới tổn thương; có xem nhẹ, nên mới vui vẻ. Chúng ta đều là những vị khách qua đường, rất nhiều sự tình, chúng ta đều không thể làm chủ được, hết thảy đều nên để tùy duyên…
Tâm đơn giản, thế giới cũng trở nên đơn giản, hạnh phúc mới có thể sinh sôi; tâm tự do, cuộc sống sẽ tự do, đến nơi nào cũng là hạnh phúc. (Ảnh: Kknews)
1. Phúc họa
Tích đức, làm việc tốt mặc dù không ai thấy, nhưng trời biết đất biết. Con người làm việc thiện, phúc dù chưa đến, họa đã rời xa; con người làm việc ác, họa dù chưa đến, phúc đã rời xa; người làm việc thiện, như cỏ mọc giữa vườn xuân, dù không ai trông thấy, vẫn ngày ngày tăng trưởng; người làm ác, như hòn đá mài dao, không thấy tổn hại gì, nhưng ngày qua ngày sẽ thấy chỗ hao mòn.
Là phúc hay họa đều tại tâm. Điều đáng sợ khi hành ác, không phải sợ người phát hiện, mà ở chỗ tự mình nhận biết; điều tốt đẹp khi hành thiện, không phải là ở chỗ người khác tán dương, mà là ở chỗ chính mình thanh thản.

2. Khoảng trống
Chừa cho mình một khoảng trống, thì tâm hồn mới có thể thoải mái linh hoạt; lúc quan lộ hanh thông, chừa một chỗ trống trong suy nghĩ, chớ để đắc ý làm mê mờ tư tưởng; lúc thống khổ, chừa một khoảng trống cho an ủi, chớ để khổ não bóp nghẹt tâm can; lúc phiền não, chừa một chỗ trống cho vui vẻ, phiền não sẽ tan thành mây khói; lúc cô độc, chừa một chỗ trống cho bạn bè thân hữu, họ chính là một phần trong cuộc sống của mình. Lưu lại một chỗ trống, đây là chân lý nhân sinh, cũng chính là trí tuệ của cuộc đời.

3. Cảm ơn
Cảm ơn người khác đã làm tổn thương bạn, vì họ đã tôi luyện cho bạn một ý chí vững vàng; cảm kích người đã lừa gạt bạn, vì họ giúp bạn tăng thêm nhiều kiến thức; cảm kích người đã đánh đập bạn, vì họ đã tiêu trừ giúp bạn rất nhiều nghiệp lực; cảm kích người đã ruồng bỏ bạn, bởi vì họ đã dạy cho bạn biết tự lập; cảm kích người đã làm bạn trượt ngã, bởi vì họ đã giúp bạn trở nên kiên cường hơn; cảm kích người trách cứ bản, vì họ đã giúp bạn biết im lặng. Cảm tạ tất cả những người đã giúp bạn kiên định, trong thế giới này, nếu ai cũng biết hàm ơn, cuộc sống mới có thể càng thêm đặc sắc.
4. Tùy duyên
Nhân sinh, bất quá chỉ giống như một ly trà, đầy cũng tốt, vơi cũng tốt, cần chi phải tranh giành? Đậm cũng tốt, nhạt cũng tốt, đều có hương vị riêng của nó; ấm áp cũng được, lạnh lẽo cũng chẳng sao, nhìn nhau cười cười.
Cuộc sống, bởi vì quan tâm, cho nên có thống khổ; bởi vì hoài nghi, cho nên mới tổn thương; bởi vì xem nhẹ, cho nên vui vẻ; bởi vì đạm bạc, cho nên hạnh phúc. Chúng ta đều là những vị khách qua đường, rất nhiều sự tình, chúng ta đều không thể làm chủ được, hết thảy đều nên để tùy duyên.
Nước quá trong ắt không có cá, người quá thanh cao thì không mấy bạn bè. (Ảnh: Kknews)
.
5. Độ lượng
Con người sống ấy, không cần mọi thứ đều phải minh bạch. Nước quá trong ắt không có cá, người quá thanh cao thì không mấy bạn bè. Cùng người nhà tranh giành, nếu thắng, thì tình thân rạn vỡ; cùng người yêu tranh giành, nếu thắng thì tình cảm nhạt phai; cùng bằng hữu tranh giành, nếu thắng, thì tình nghĩa chẳng còn. Tranh giành chính là lý, thua là tình, tổn thương lại chính là mình.
Đen là đen, trắng là trắng, mọi chuyện cứ để thời gian sẽ chứng minh. Buông cố chấp, làm người độ lượng, sẽ thắng cả cuộc đời; thêm một phần bình thản, thêm một chút ôn hòa, cuộc sống mới ấm áp ánh dương.
6. Giàu nghèo
Người thấy đủ, dù ngủ trên mặt đất cũng tựa như đang ở thiên đường; người không biết đủ, dù cho đang ở thiên đường, cũng giống như đang ở nơi địa ngục. Cuộc sống, tâm hồn ‘giàu có’ mới là trọng yếu nhất, bạc tiền vật chất, dù có nhiều hơn nữa cũng vẫn cảm thấy chưa đủ, thì đây mới là nghèo khó.
Trái lại, đời sống vật chất nghèo khó, nhưng tâm hồn lại khoáng đạt, thấy đủ thường vui, tự tại phó xuất, đây mới là giàu có chân chính.
7. So đo
Cho người thuận tiện, chính là lưu lại cho mình hậu phúc. Lòng người vốn tương thông với nhau, bạn nhường người khác một bước, người khác sẽ nhường bạn một đường.
Nhân tâm tựa như con đường, càng so đo, con đường càng hẹp; càng rộng mở, con đường càng thoáng đãng. Tha thứ, dường như là giúp cho người khác, nhưng kỳ thực là mở cho lòng mình một con đường.
8. Buông bỏ
Chuyện hôm nay ta xem là đại sự, ngày mai lại là chuyện nhỏ; năm nay là đại sự, nhưng đến năm sau lại chỉ là một câu chuyện; kiếp này là đại sự, nhưng đến kiếp sau lại là truyền thuyết, chúng ta bất quá cũng tựa như câu chuyện của đời người.
Trong cuộc sống hay công tác, khi gặp phải những sự tình không thuận lợi, hãy nói với tự mình một câu:“Hôm nay sẽ qua đi, ngày mai sẽ tới, ngày mới sẽ lại bắt đầu”.
9. Đơn giản
Tâm đơn giản, thế giới cũng trở nên đơn giản, hạnh phúc mới có thể sinh sôi; tâm tự do, cuộc sống sẽ tự do, đến nơi nào cũng là hạnh phúc. Lúc đắc ý cần xem nhẹ, lúc thất ý cần cởi mở.
Cuộc sống có rất nhiều thứ có thể buông bỏ, chỉ cần buông xuống được, thì sẽ lấy lại được. Khoan dung hơn, rộng lượng hơn, vẫy vẫy tay, cười một cái, hết thảy những chuyện không thoải mái đều trở thành quá khứ.
10. Nhân tâm
Đừng xem sự lương thiện của người khác là mềm yếu, bởi đó chính là một loại độ lượng; đừng coi sự tha thứ của người khác là nhu nhược, bởi đó là một loại từ bi. Người tâm tính tốt không dễ nổi giận, nhưng không có nghĩa là sẽ không nổi giận; người xem nhẹ không có nghĩa là hồ đồ, mà là họ đã có cái nhìn thông thấu.
Tình cảm, không thể miễn cưỡng; nhân tâm, không thể đùa bỡn; duyên phận, không thể không coi trọng. Đem tình vun đắp tình, như thế mới thực sự có được tình, yêu thương bình đẳng, mới có được tình yêu chân chính.
Tinh hoa


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Giáo sư là gì, ai là giáo sư?


Những thảo luận chung quanh việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng chủ trương bổ nhiệm giáo sư dẫn đến tranh luận về ý nghĩa của chữ “giáo sư”. Nhưng hình như chưa có ai lí giải thế nào là một giáo sư. Lí giải được câu hỏi này sẽ giúp cho sự hiểu biết về chức danh giáo sư tốt hơn. Trong bài này, tôi sẽ "ôn cố tri tân" để giải thích những thành tố nào làm nên một giáo sư. Bài này lấy ý tưởng từ một bài của Philip Knox và trang Wikipedia viết về sự nghiệp của Socrates, và tôi diễn giải lại theo ý nghĩa hiện đại của chức danh "giáo sư".


Socrates, hình vẽ bằng tay theo mô tả của học trò ông. 


Socrates

Bàn về chức danh giáo sư, không thể không nhắc đến một nhân vật rất quan trọng trong văn minh phương Tây: Socrates. Có lẽ nhiều người biết rằng Socrates (sinh ra vào khoảng 470 trước Công nguyên) là một triết gia cổ đại Hi Lạp, nhưng ông còn là một "tượng đài" của giới hàn lâm. Tuy nhiên, điều kì lạ là ông không để lại đời một tác phẩm nào. Tất cả những gì người đời sau biết về ông là qua những tác phẩm của hai người học trò danh tiếng là Plato và Xenophon. Di sản học thuật của Socrates đã được viết thành nhiều bộ sách, tôi thiết nghĩ không cần (và cũng không thể) nói ra một cách đầy đủ ở đây. Chỉ nói ngắn gọn rằng Socrates được xem là "cha đẻ" của tư tưởng triết học phương Tây.

Sự nghiệp sáng chói của ông bị kết thúc một cách bi thảm. Năm ông 70 tuổi, Socrates bị đưa ra toà án công chúng xử về tội không công nhận Thượng đế mà Nhà nước thì công nhận Thượng đế, và tội làm hư hỏng giới trẻ. (Nghe giông giống như vài phiên toà ở Việt Nam ngày nay!) Cuộc xử xét công khai ở Thủ đô Athens, với sự tham dự của cư dân và môn sinh của ông. Bồi thẩm đoàn kết tội ông với số phiếu 280 là có tội và 220 phiếu vô tội. Khi toà cho ông tự định tội, ông mỉa mai nói rằng đáng lí ra ông nên được tưởng thưởng cho những việc làm và tư tưởng của ông. Toà cho ông chọn hình phạt tử hình hoặc lưu vong; ông bình thản chọn án tử hình và ông là người tự thi hành án. Ông vẫn kháng án và đề nghị án phạt tiền, nhưng tòa không chấp nhận đề nghị đó. Ông được điệu đến một nhà tù, và người ta để ông tự uống độc dược. Theo Plato, trong giây phút cuối đời, ông trăn chối với một người học trò là "Chúng ta còn nợ Asclepius một con gà trống. Nhớ trả cho ông ấy." Xin nhắc lại rằng Asclepius là thần thành hoàng của nghề y. Và, thế là ông ra đi vĩnh viễn ở tuổi 70. Có người cho rằng ông chết vì tính ngạo mạn, nhưng cũng có người đề cao tính "nói là làm" của ông. 

Trong giới khoa bảng, Socrates là một tượng đài về học thuật, một người được xem là Á Thánh. Ông là người đề xướng cái mà giới hàn lâm thường gọi là Phương pháp Socrates. Những suy nghĩ và cách làm trong Phương pháp Socrates đặt nền móng cho Phương pháp Khoa học (Scientific Method) mà chúng ta sử dụng ngày nay. Theo Phương pháp Socrates, để giải một vấn đề phức tạp, chúng ta chia vấn đề ra thành nhiều câu hỏi nhỏ, đặt ra giả thuyết, rồi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, sau cùng đúc kết thành một giải đáp toàn diện. Đó cũng chính là cách thức vận hành của khoa học hiện đại, theo cái mà chúng ta vẫn gọi là Scientific Method -- Phương pháp Khoa học.

Socrates là một tấm gương tuyệt vời của một giáo sư, một anh hùng học thuật. Thật vậy, khi nói đến ý niệm về chức năng của -- và những thành tố làm nên -- một giáo sư, giới hàn lâm đều dùng Socrates làm mô hình chuẩn. Điều này hợp lí, vì Socrates không chỉ là một người thầy vĩ đại, mà còn là một nhà khoa học mẫu mực.   

Giáo sư như là ... người hùng

Có lẽ ít ai nghĩ rằng thời xưa ý niệm về giáo sư có liên quan mật thiết với ý niệm "anh hùng". Xuyên suốt lịch sử nhân loại, anh hùng là người có tài năng, có đóng góp lớn, có khí phách, và họ tồn tại như là những tấm gương tốt của nhân loại. Vào thế kỉ 18-19, các học giả chia anh hùng thành 6 nhóm chính:
  •        thần thánh;
  •        nhà tiên tri;
  •        thi sĩ;
  •        giáo sĩ;
  •        văn sĩ (những người trong thế giới văn chương); và
  •        vua chúa.


Điều thú vị là vua chúa được xếp sau cùng trong bảng xếp hạng anh hùng! Anh hùng theo cách hiểu thời đó là những cá nhân có những hành động và việc làm siêu nhân. Người được tôn vinh là anh hùng chẳng những tài năng, mà thường mạnh mẽ hơn, thông thái hơn, can đảm hơn, sùng đạo hơn, và kiên nhẫn hơn người thường. Xin nói thêm là ý niệm về "anh hùng" thời đó không giống như "Anh hùng lao động" thời nay.

Danh từ "Giáo sư" trong tiếng Việt tương đương với danh từ “Professor” trong tiếng Anh. Chữ Professor trong tiếng Anh có xuất xứ từ tiếng Latin, có nghĩa là “Người thầy công chúng” (Public Teacher). Theo các đặc tính trên, các học giả thời thế kỉ 18-19 xem giáo sư như là những anh hùng. Những người như Socrates (và học trò ông là Plato), Aristotle, Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử, v.v. là những người thầy công chúng, và cũng là những anh hùng. 

Theo nghĩa hiện đại, giáo sư là người thầy. Vậy thì điều gì phân biệt một giáo sư với một người thầy tiểu học hay thầy dạy nghề? Để trả lời câu hỏi đó, các học giả dựa vào những đặc tính của sự nghiệp của Socrates để định nghĩa thế nào là một giáo sư hiện đại. Đó là 6 đặc tính liên quan đến học thuật, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, thẩm quyền chuyên môn, chính kiến, và làm gương cho sinh viên.

1.  Học giả

Giáo sư trước hết là một học giả, hiểu theo nghĩa “scholar” trong tiếng Anh. Chính cái “chất” học giả này làm cho giáo sư khác với thầy giáo thông thường. Học giả theo cách hiểu thông thường là người có kiến thức uyên thâm về một lĩnh vực chuyên môn. Lĩnh vực chuyên môn có thể là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Tính cách học giả còn có nghĩa là giáo sư phải giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho môn sinh, chứ không phải chỉ giữ kiến thức cho cá nhân.

Thật ra, chữ “scholar” có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp là “schole”, có nghĩa là “thì giờ thư nhàn.” Những người như Socrates và môn sinh của ông có thời gian nhàn nhã, nên họ có điều kiện để suy nghĩ sâu về những vấn đề mang tính triết lí và ý nghĩa của cuộc đời. Có lẽ chính vì thế mà công chúng thường có ấn tượng về giáo sư như là những người nhàn hạ, ngồi ở tháp ngà, chuyên bàn chuyện “trên mây”, chẳng liên quan gì đến thực tế. Dĩ nhiên, ấn tượng về giáo sư tháp ngà như thế có thể đúng với thời xưa, nhưng không còn đúng trong thời đại ngày nay. Khi nghĩ đến giáo sư như là học giả, tôi nghĩ ngay đến những người cụ Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, hay xa xưa hơn là Nguyễn Trãi. 

2.  Nhà nghiên cứu

Socrates quan niệm rằng tri thức có thể đúc kết từ nghiên cứu khoa học theo Phương pháp Socrates (tức Phương pháp Khoa học ngày nay). Nhưng tri thức do Socrates tạo ra không phải để ông hưởng lợi cá nhân, mà là để đem lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Do đó, quan niệm về người giáo sư hiện đại phải là người có khả năng tạo ra tri thức mới qua nghiên cứu, và chuyển gia tri thức đó giúp cho xã hội và nhân loại tốt hơn. 

Vì thế, giáo sư không chỉ là một học giả, mà còn là một nhà nghiên cứu. Thời gian nhàn nhã của giáo sư không phải để tiêu khiển, mà thực chất là để nghiên cứu. Nghiên cứu là một hoạt động không thể thiếu được của một giáo sư, và chính nghiên cứu là yếu tố làm nên tính cách của một giáo sư, để phân biệt họ với người thầy dạy nghề. Người thầy dạy nghề hay thầy bậc tiểu học không làm ra tri thức mới bằng phương pháp khoa học.


3.  Thành viên của cộng đồng học thuật  

Vào thế kỉ 18-19 (và vào thời của Socrates), Âu châu có một những cộng đồng gọi là “Cộng hoà văn chương” (Republic of Letters). Theo cách hiểu ngày nay, Cộng hoà văn chương thực chất là cộng đồng học giả, là những hiệp hội chuyên ngành. Socrates và học trò ông từng tham gia vào những cộng đồng học thuật ở thủ đô Athens, và họ đàm đạo chuyện triết lí trong các cộng đồng đó.

Theo nghĩa hiện đại, giáo sư phải là một thành viên tích cực trong “cộng hoà văn chương” hay cộng đồng học thuật. Nói cách khách, giáo sư phải là một thành viên của các hiệp hội chuyên môn. Cộng đồng học thuật không có biên giới chính trị, không phân biệt ý thức hệ. Giáo sư ở Nga hay ở Mĩ vẫn có thể trao đổi trong cộng đồng học thuật. Giáo sư phải tương tác với các đồng nghiệp (trong và ngoài nước) trong các cộng đồng học thuật. Hình thức tương tác là công bố những tác phẩm, những công trình nghiên cứu, những công trình học thuật trên các tập san của cộng đồng. Ngày nay, chúng ta hiểu rằng đó là công bố quốc tế. Do đó, giáo sư phải có công bố quốc tế, vì đó là một thành tố tạo cái chính danh của giáo sư.

4.  Người có thẩm quyền

Giáo sư là người có thẩm quyền về một lĩnh vực chuyên môn. Xã hội kì vọng rằng chiều sâu và bề rộng về kiến thức của giáo sư phải cao và rộng hơn người thầy tiểu học. Giáo sư không chỉ phải có kiến thức sâu và rộng, mà kiến thức không được “bất biến”. Điều này có nghĩa là giáo sư phải là người năng động, lúc nào cũng tìm cái mới, lúc nào cũng tự trau dồi kĩ năng và kiến thức. Theo cách hiểu hiện đại, giáo sư phải liên tục có những công trình khoa học công bố trong các diễn đàn học thuật.

Những kiến thức của giáo sư phải được chuyển giao qua hình thức cố vấn cho Nhà nước hay các tổ chức hoạt động vì lợi ích chung của dân tộc. Lúc sinh tiền, Socrates là một mẫu mực về thẩm quyền. Ông phân biệt những vấn đề lớn và những vấn đề nhỏ, những vấn đề lâu dài và những vấn đề cấp thời. Môn sinh của ông là những người xuất thân từ các gia đình giàu có ở Hi Lạp. Ông dùng kiến thức của mình để đào tạo những môn sinh, với kì vọng họ sẽ trở thành những lãnh đạo tương lai. Đó cũng chính là một trong những chức năng của giáo sư thời nay.

5.  Người phản biện 

Giáo sư là một học giả, một nhà khoa học, và cũng là một nhà trí thức. Nhà trí thức thời nào cũng có những tính phổ quát là tôn trọng lí tưởng chân thiện mĩ, độc lập trong suy nghĩ, hoài nghi lành mạnh, và tự do sáng tạo. Giáo sư phải có niềm tin, hay cái mà tiếng Anh gọi là “conviction” (có lẽ hiểu là “lập trường”). Giáo sư, do đó, phải có chính kiến, nhưng chính kiến của họ không phải dựa trên cảm nhận cá nhân, mà qua đúc kết từ các nghiên cứu của chính họ. Nói theo ngôn ngữ thời nay, giáo sư phải có tinh thần phản biện, và sẵn sàng nói ngược lại những gì mà Nhà nước làm, và tinh thần phản biện vì lợi ích của cộng đồng.

6.  Tấm gương

Lúc sinh tiền, Socrates là một nhà giáo mẫu mực, người mà lời nói đi đôi với hành động. Dù ông không chấp nhận bản án dành cho ông, nhưng ông thượng tôn pháp luật do chính ông đề ra, và ông sẵn sàng chọn cái chết vì tinh thần đó. Do đó, một cách lí tưởng, giáo sư hiện đại phải là tấm gương cho sinh viên và học sinh. Giáo sư phải thực hành những gì họ giảng, và qua đó mới tạo được niềm tin ở sinh viên. Có thể có người không đồng ý với đặc tính này của giáo sư, nhưng đó là một thực tế. Sinh viên và học sinh nhìn vào giáo sư để phấn đấu và để tìm cho mình một hình tượng mẫu, để theo đuổi một định hướng.

Tóm lại, sáu đặc điểm trên đây trong cuộc đời và sự nghiệp của Socrates chính là những thành tố tạo nên một giáo sư hiện đại. Ý niệm về giáo sư có gốc gác từ ý niệm về người hùng vào các thế kỉ trước, và người hùng tiêu biểu là triết gia Socrates, Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử. Có lẽ đa số giáo sư ngày nay không dám nhận mình đứng ngang hàng với các bậc tiền bố đó, nhưng việc làm của họ cũng không khác gì mấy so với việc làm của giáo sư ngày nay: giảng dạy, nghiên cứu, và phụng sự xã hội.

Nói gì thì nói, giáo sư là nhà giáo, là một thành phần trong giai cấp thầy. Nhưng giáo sư là thầy giáo công chúng, chứ không đơn thuần là thầy giáo tiểu học hay dạy nghề. Giáo sư khác với thầy giáo thường ở điểm họ chẳng những giảng dạy, mà còn nghiên cứu khoa học và sản sinh ra tri thức mới. Tri thức mới không phải cho cá nhân họ, mà phải đem lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Cần nói thêm rằng danh từ "giáo sư" trong tiếng Latin có nội hàm là người có thẩm quyền và chuyên gia. Nội hàm thẩm quyền và chuyên gia được xây dựng trên giảng dạy (đào tạo) và nghiên cứu của cá nhân giáo sư. Do đó, một người không hành nghề giảng dạy và cũng không nghiên cứu không thể là một giáo sư đúng nghĩa.

Bài viết này lấy cảm hứng từ tranh luận chung quanh ý nghĩa của danh từ "Giáo sư". Có ý kiến cho rằng rằng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã "phạm huý" khi sử dụng danh từ "Giáo sư", vốn là chức danh do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước tiến phong. Nhưng chiếu theo những lí giải mang tính "ôn cố tri tân" trên đây, tôi thấy chính Hội đồng Nhà nước mới lạm dụng danh xưng "Giáo sư", bởi vì rất nhiều người được Hội đồng tiến phong không hành nghề giảng dạy mà cũng chẳng làm nghiên cứu, chẳng tạo ra tri thức mới, chẳng tham gia các "cộng hoà văn chương".

Đã đến lúc cần cải cách qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư. Cũng như một số người phát biểu trên báo chí, tôi cho rằng nên trả danh từ "Giáo sư" về cho đại học, và nên trao quyền bổ nhiệm giáo sư cho đại học. Bất cứ đại học nào cũng đều có quyền bổ nhiệm giáo sư, nếu đại học có sẵn một qui trình minh bạch và một bộ tiêu chuẩn khoa học.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đoản văn của Duyên Anh 1989


Xin chia xẻ cùng các bạn một đoản văn khác của Duyên Anh, cũng viết cho một chương trình nhạc của Thúy Nga [tôi đoán là] 1989. Trong đoản văn này, Duyên Anh viết về Sài Gòn, Hà Nội, Huế, và Đà Lạt. Mỗi nơi, Duyên Anh trích dẫn những nét tiêu biểu thời sau 1975. Có cả thi sĩ hoàng tộc Tôn Nữ Thu Hồng nữa (ai còn nhớ đến thi sĩ này?) Tôi đoán rằng những cô gái Huế đọc đoản văn này chắc ... thích lắm, vì có những câu "nịnh" Huế hay lắm. 



Duyên Anh tự viết tiểu sử mình như sau: “Học lực: Trung học. Kiến thức văn hóa: Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng. Chạy giặc Tây về quê 1946. Hồi cư: 1951. Di cư vào Sài Gòn 1954. Vào tù ra khám: 1976-1981. Vượt biển: 1983. Cổ tích Việt Nam yêu nhất: Thạch Sanh.”


Hình: Nhà văn Duyên Anh (1935-1997). (Hình của Nhà văn Viên Linh)


"Hãy nhìn cái nôi tình tự quê hương. Kể từ 1975, người quê hương ta khắc khoải rời xa tình tự đi về đâu chẳng biết. Năm hướng biển, năm cõi chết. May mắn cho người Việt Nam còn sống để được ngoại nhân phong thần thánh là "thuyền nhân". Thoát cái, đã xa xứ 14 năm. Và, mỗi năm danh từ "thuyền nhân" bám bụi, mù khơi dần dần, để 14 năm sau ai còn nhớ mình vượt biển, mình đói khổ, mình cay đắng, mình rời rã. Nhưng đói khổ, cay đắng, rời rã không còn ở hôm nay nữa. Thuyền nhân vinh quanh đã tự làm cho quê hương cái hảo mùi che lấp đời người. Thế thì họ nghĩ gì nhỉ? Họ nghĩ đến cái nôi tình tự quê hương. Nhất định thế. Họ thèm mùi khói đất Việt Nam, ngửi thấy được ở bất cứ không gian và thời gian nào. Cứ như thuyền nhân nọ đến bãi bờ tự do, nhưng anh vẫn ngồi hiu hắt ở đầu cầu để anh hướng tâm hồn về quê hương.

Khép mắt lại. Sài Gòn được quên đi. Không đâu. Một thành phố anh thuyền nhân đã sống trọn vẹn thời thơ ấu, thời thanh niên không làm sao quên được. Anh nhắm mắt tức là mở mắt. Sài Gòn bây giờ còn giản dị lắm. Nhưng bất cứ cái vẻ giản dị nào của Sài Gòn cũng dễ thương cả. Anh đang nhớ Sài Gòn thì chợt bà mẹ ốm đau thức tĩnh trong lòng mắt. Mẹ anh? Không. Mẹ chúng ta đang lõm bõm nhặt những mảnh vụn của chiến tranh để lại và chào mừng cách mạng bằng những tan nát Sài Gòn đã chìm, lại đau chịu. Bố chúng ta cũng thoáng hiện, nhìn vào những cánh cửa khóa ngoài thương tiếp người ra đi và buồn quá hôm nay họ ở đâu.

Trở về thuở xa xôi một chút. Một chút của lịch sử mà đã 21 năm. Hai mươi mốt năm tính từ 1954. Và, tính đến 1989 thì lịch sử vụt qua nhẹ nhàng 35 năm. Trong cái một chút của lịch sử, tâm hồn ta là nặng trĩu, ngổn ngang những kỉ niệm vui buồn. Kỉ niệm buồn ta khó quên. Ta cũng có một lần vượt biển từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Tưởng thế là chờ đợi ngày về giải phóng quê hương. Cho nên, những bước chân ta đi thật mạnh trên đường di tản. Rồi ta hướng mắt về Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn vật. Ta hướng về và ta thở dài thương xót thủ đô nghèo nàn của ta. Ngàn năm văn vật thời nào nhỉ? Có lẽ thời của anh hùng liệt nữ. Bây giờ họ chết cả rồi. Đất ngàn năm văn vật biến thành đất tàn mạt. Nhưng người thời nay vẫn không ngần ngại hét vang Hà Nội: thủ đô của phẩm cách con người. Hà Nội đang lọt vào trong mắt ta là Hà Nội 1954. Hà Nội 1954 đã chán nản, mưu sinh. Nó không thay đổi gì cả mà càng ngày khôi hài cái ý nghĩa phẩm cách của con người. Có chăng vẫn còn giáo hội thầm lặng rảo bước hôm qua, rảo bước hôm nay và rảo bước mãi mãi.

Ta trở về thăm xứ Huế của ta. Với ta, Huế là vẻ đẹp muôn màu. Đôi khi ta lãng mạn cực độ. Ấy là, lúc ta tương tư Huế và ta bàng hoàng nhớ người thơ Huế ngày xưa. Nàng tên là gì, ta cũng chẳng nhớ nữa. Nàng hay nhiều hay vừa thôi. Điều đó không cần thiết. Cái cần thiết là nàng muốn làm con gái. Con gái như đóa hoa nở trên cành, chẳng rụng, chẳng héo. Ồ, ta tưởng đã quên tên nàng rồi. Muốn quên một tên tuổi đã hiên ngang đi vào lòng ta không dễ gì. Nàng ấy, người thơ ấy: Tôn Nữ Thu Hồng. "Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái / Hoa nồng hương, mà trái lắm khi chua." Nàng Thu Hồng chỉ mơ ước hãy là hoa. Giấc mơ của nàng là muôn đời đẹp, muôn đời thơ. Ta thích hoa nồng hương và ghét trái chua. Cho nên người ta bảo yêu gái Huế là nhất. Nhưng lấy gái Huế thì không nên. Vì vậy, yêu gái Huế ta cứ tưởng ta là Hàn Mặc Tử. "Học trò trong Quảng ra thi / thấy cô gái Huế chân đi không rời." Và, hãy yêu tha thiết. Nhưng yêu đương như Xuân Diệu: "Không gian như có dây tơ / Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu." Ta yêu gái Huế vì cảnh trí không bao giờ thay đổi. Huế thay Việt giữ lại cái phần lịch sử của dân tộc mình. Ôi, dân tộc ta, nếu người nào cũng tự hào về Huế, tự hào về đủ phương diện. Người dân xứ Huế trải qua các triều đại xa cách người ngoại quốc, mới thấy rằng người Việt Nam nguyên vẹn. Chỉ có dân Huế, giàu và nghèo, và ta rất hãnh diện về thăm lại xứ Huế của ta.

Rất vội vàng ta trở về Đà Lạt. Những khung cảnh thần tiên của nó. Nhạc đã thừa ca ngợi. Thơ đã thừa bồng bế. Ta còn biết nói gì thêm nữa. À, còn một gã thi sĩ đã định nghĩa tình yêu ở Đà Lạt. Ai đã nghe định nghĩa đó chưa? Hàn Mặc Tử đó. Hàn Mặc Tử bước chân đến chỗ nào là chỗ ấy thành bất hủ. Một thời xa xôi lắm, Hàn Mặc Tử tới Đà Lạt, ngồi suốt đêm bên bờ hồ Xuân Hương, và nghĩ dùm anh, dùm tôi, dùm em một bài học về yêu đương. Nhưng Hàn Mặc Tử đã nghĩ về yêu đương như thế nào? Trong Đà Lạt Trăng Mờ, Xuân Diệu đã nghĩ về tình yêu trước Hàn Mặc Tử kia. Hãy nghe Xuân Diệu kể: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu / Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều / Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt / Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu." Hàn Mặc Tử không chịu Xuân Diệu. Khi một thi sĩ nói về tình yêu: tưởng chim đã ngưng hót, tưởng lá đã ngừng bay, vì tình yêu ngây ngất lắm. Thế mà, cần nói tình yêu như thế nào, anh là thi sĩ, anh lại "làm sao cắt nghĩa được tình yêu"! Hàn Mặc Tử khó chịu quá, nhấn bút sáng tạo thi ca: "Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều / Để nghe dưới đáy, nước hồ reo / Để nghe tơ liễu run trong gió / Và để nghe Trời giảng nghĩa yêu." Thôi thì ta hãy nghe lời Hàn Mặc Tử khi ta nhớ quê hương. Đà Lạt là nơi ta gửi hồn về, lắng tai nghe Trời giảng nghĩa yêu."

Duyên Anh


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một Blogger Việt Nam nhận 7 năm tù vì viết về vụ tràn chất độc của công ty Formosa



Phạm Nguyên Trường dịch
Richard C. Paddock (The New York Times)

Vụ tràn hóa chất tàn phá bờ biển miền Trung Việt Nam hồi năm ngoái đã gây ra thêm một tai nạn nữa: Thứ hai vừa qua, một blogger 22 tuổi bị kết án bảy năm tù giam vì đăng tải các bài viết về thảm họa này.
Nguyễn Văn Hòa tại phiên xử tại Hà Tĩnh, Việt Nam, hôm thứ Hai. Ông bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước vì đã làm các đoạn băng video và viết về các cuộc biểu tình phản đối thảm họa môi trường.

Sau phiên tòa ngắn ngủi, diễn ra trong phòng kín ở Hà Tĩnh, blogger Nguyễn Văn Hóa bị tuyên có tội trong hoạt động tuyên truyền chống nhà nước vì đã làm các đoạn băng video và viết về các cuộc biểu tình phản đối thảm họa môi trường, các hãng tin nói như thế.

Vụ tràn hóa chất xảy ra khi một nhà máy thép của Đài Loan mới được xây dựng xả chất xianua và các hóa chất khác qua đường ống dẫn dầu, làm chết các sinh vật biển và nhiều người dân sống dọc khu vực bờ biển dài 120 dặm bị mắc bệnh. Đây là một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất từng diễn ra ở Việt Nam.

Phil Robertson, phó giám đốc bộ phận châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã lên tiếng tố cáo bản án. “Việc kết án của Nguyễn Văn Hóa cho thấy ước muốn đầy hoang tưởng của chính phủ trong việc đặt kiểm soát chính trị cao hơn những quan niệm về công lý và nhân quyền”, ông nói.

Ông nói thêm: “Làm sao giải thích được sự kiện là các giám đốc điều hành của một công ty quốc tế sau khi đã đầu độc biển cả, hủy hoại nền kinh tế ven biển ở bốn tỉnh, lại được tự do tiếp tục công việc, trong khi nhà báo trẻ đầy lý tưởng này bị đi tù vì đã giúp vạch trần những hành động sai trái của họ??

Tháng sáu vừa qua tòa cũng đã kết án một blogger khác là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường gọi là Mẹ Nấm, tới 10 năm tù giam, cũng chỉ vì những bài viết về vụ cá chết.

Ban đầu, chính phủ cung cấp rất ít thông tin về vụ thải hóa chất, không công bố tên các chất độc hại, thậm chí không cho các nạn nhân bị ngộ độc và các bác sĩ đang điều trị cho họ nhắc tới tên các hóa chất này.

Công ty Cổ phần Thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty con của Tập đoàn Formosa Plastics Group khổng lồ, cuối cùng đã nhận trách nhiệm về vụ tràn hóa chất. Công ty này buộc phải trả 500 triệu USD vì đã gây ra thảm hoạ và các quan chức của Công ty đã xin lỗi.

Những người phê phán cáo buộc chính phủ là tìm cách bảo vệ Công ty, họ nói rằng Công ty này đã được các quan chức ưu ái khi thuê vùng duyên hải trù phú này để xây dựng nhà máy.

Vụ tràn chất độc làm cho ngư dân vùng ven biển mất sinh kế và đã gây ra những cuộc biểu tình lớn dọc theo bờ biển miền trung, đấy là những sự kiện bất thường trong đất nước Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ.

Hóa bị bắt hồi tháng 4, là một trong số những người hoạt động – số này ngày càng đông thêm - ở Việt Nam sử dụng Facebook và các phương tiện trực tuyến khác để đăng những đoạn băng video, hình ảnh và bình luận trái với quan điểm chính thức của chính phủ.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo
30T.11,



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Văn hóa xã nghĩa!

Quốc phục thời xã hội chủ nghĩa
Trong kỳ thi Hoa Hậu Universe 2017, thí sinh VN: Lệ Hằng. Trong màn thi đầu thí sinh trình diễn quốc phục hay trang phục nói lên văn hóa đất nước mình. Và Lệ Hằng đã được các ông Đỉnh Cao Trí Tuệ cho mặc như trong hình sau. Có ai thấy loại quốc phục này bao giờ chưa? Nó là văn hóa của dân tộc nào?
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tướng LÊ VĂN CƯƠNG nhận định TÌNH HÌNH THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM năm 2017

Tướng LÊ VĂN CƯƠNG nhận định TÌNH HÌNH THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM năm 2017 Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuẩn bị cho những cuộc chiến tranh thương mại của Trump



Bill Emmott 
Phạm Nguyên Trường dịch

Trong 11 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, Donald Trump không làm được như đã nói - trên nhiều mặt trận khác nhau. Nhưng các chính phủ trên thế giới, và đặc biệt là ở châu Á và châu Âu, sẽ nhầm khi cho rằng ông ta sẽ không theo đuổi chương trình thương mại “Nước Mỹ trên hết” như đã hứa. 

Tổng thống Mỹ, Donald Trump, mà những người Maoist gọi là con hổ giấy hay phải thận trọng với những lời đe doạ ồn ào của ông ta? Câu hỏi đó hiện ra một cách rõ ràng trước vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng sau chuyến đi châu Á kéo dài 12 ngày của Trump, lo sợ về một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên đã giảm chút ít.


Nhưng, chuyến đi này đã làm gia tăng đe mối doạ khác, mà thế giới có tất cả các lý do để xem xét một cách nghiêm túc. Trong năm thứ hai của nhiệm kỳ tổng thống, chính quyền của Trump có thể sẽ trình bày tầm nhìn của họ về thương mại, ám chỉ triển vọng của những cuộc chiến tranh thương mại sẽ gia tăng đáng kể.

Trong năm cầm quyền đầu tiên, Trump thường lên tiếng đe dọa hoạt động thương mại bất công của các nước khác, như ông đã từng làm trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhưng ông ta chưa làm gì nhiều nhằm biến lời nói thành hành động. Dễ hiểu vì sao Trump không hành động. Trump đang dựa vào Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - nhằm tạo áp lực lên Bắc Triều Tiên, trong khi các doanh nghiệp Mỹ tiến hành những cuộc vận động mạnh mẽ nhằm chống lại những biện pháp hạn chế thương mại.

Tuy nhiên, sự kiềm chế rõ ràng của Trump không thể kéo dài mãi. Thương mại là một trong những lĩnh vực chính sách mà người ta có thể nói rằng ông ta có hệ tư tưởng. “Logic” của hệ tư tưởng này khẳng định rằng thâm hụt thương mại là bằng chứng cho thấy những hành động không công bằng của các nước khác, và do đó, phải đối phó với hành động đó một cách nghiêm khắc và quyết đoán.
Hơn nữa, Trump cần giữ cho bằng được sự ủng hộ của những người ủng hộ cốt lõi của ông ta. Sau Twitter, những lời lẽ khoa trương về thương mại của Trump là vũ khí có sức công phá mạnh nhất của ông ta. Bắt đầu nghĩ đến việc tái đắc cử vào năm 2020 không phải là quá sớm.

Cho đến lúc này, Trump vẫn sẵn sàng giữ lại vấn đề thương mại cho đến khi kế hoạch cải cách thuế khóa của đảng Cộng hòa được Quốc hội thông qua. Ông ta không muốn mạo hiểm, không muốn đánh mất cơ hội cuối cùng của mình và của đảng là giành chiến thắng thực sự trong lĩnh vực lập pháp trong năm nay. Khi luật thuế không được thảo luận nữa - và đặc biệt nếu nó thất bại một cách nhục nhã như nỗ lực nhằm cải cách chăm sóc y tế của đảng Cộng hòa đầu năm nay - Trump muốn thể hiện ông ta muốn gì khi nói về thương mại.

Thương mại là trung tâm của phương pháp tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của Trump, có nghĩa là ông ta sẽ bảo vệ và thậm chí khôi phục lại những việc làm mà nước Mỹ đã đánh mất. Trong khi một số người trong nội các của Trump có thể không cố gắng thực hiện khẩu hiệu này đối với những vấn đề mà họ phải giám sát, thì Bộ trưởng thương mại, Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer và Giám đốc Hội đồng Thương mại Quốc gia, Peter Navarro, chia sẻ quan điểm của Trump về thương mại.

Họ đều đồng ý rằng thâm hụt thương mại song phương quá lớn giữa Mỹ với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Mexico là bằng chứng cho thấy Mỹ đang bị các đối thủ cạnh tranh lừa gạt. Trump và các cố vấn thương mại của ông ta tin rằng bằng cách giảm bớt hoặc thậm chí loại bỏ những khoản thâm hụt là họ có thể tạo công ăn việc làm với thu nhập cao cho công nhân Mỹ.

Trump đưa ra quan điểm rõ ràng trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, ngày 10 tháng 11 vừa qua. “Chúng tôi sẽ không để Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa”, ông ta nói. “Tôi ước gì chính quyền trước đây của Mỹ nhìn thấy những gì đang diễn ra và làm điều gì đó. Họ không làm, nhưng tôi sẽ làm”.

Nhưng những hành động cụ thể mà Trump sẽ thực hiện là gì? Cho đến nay, ông đã rút khỏi quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước - đối thủ của ông trong cuộc bầu cử vừa qua, bà Hillary Clinton, cũng đã hứa sẽ làm như thế - và mở ra những cuộc đàm phán với Mexico và Canada để cập nhật Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ, mà Tổng thống Bill Clinton ký thành luật vào năm 1994. Đây là những việc nhỏ.

Nhưng người ta có thể nghĩ rằng trong năm tới Trump sẽ biến lời nói thành hành động trên hai mặt trận chính. Đầu tiên là Trung Quốc, mà Trump coi là nước trục lợi lớn nhất. Nếu cuộc đối đầu với Bắc Triều Tiên không leo thang một cách trầm trọng, thì ông ta có thể sẽ khởi động những bước đi nhằm chống việc bán phá giá của Trung Quốc - đặc biệt là thép - được coi là bán thấp hơn hẳn chi phí sản xuất và ông ta sẽ khởi động cuộc tấn công trên diện rộng nhằm chống lại những vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc.

Những biện pháp này gần như chắc chắn sẽ bị Trung Quốc trả đũa. Thời Trump cũng là lúc Trung Quốc cảm thấy có sức mạnh hơn bao giờ hết và theo quan điểm của các cán bộ Trung Quốc, không phản ứng quyết liệt sẽ là dấu hiệu của sự yếu đuối.

Mặt trận chính thứ hai của Trump là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà Mỹ đã giúp thành lập hồi đầu những năm 1990, như là tổ chức kế thừa Hiệp định chung về Thương mại và thuế quan (GATT). Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, đã công khai mô tả hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO là có hại cho Mỹ. Và chính quyền Trump đang ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào cơ quan trọng tài của WTO. Nếu họ tiếp tục chính sách này, toàn bộ hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO sẽ bị tê liệt trong vài tháng tới.

Cùng với việc WTO thực chất là không quan trọng nữa, Mỹ sẽ khởi động sáng kiến mới trong việc kí kết các thoả thuận song phương về luật lệ thương mại - cách tiếp cận mà Trump ủng hộ trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng. Vì Mỹ vẫn là thị trường quan trọng sống còn đối với hầu hết các nước xuất khẩu, sáng kiến đó sẽ tạo được ảnh hưởng.

Cụ thể là các nước châu Á và châu Âu cần phải chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất bằng cách đàm phán các hiệp định thương mại giữa họ với nhau nhằm ngăn chặn chủ nghĩa trọng thương của Mỹ. Nói cho cùng, nắm lấy sáng kiến nhằm thúc đẩy thương mại và những liên kết về thương mại là biện pháp chống chiến tranh thương mại hiệu quả nhất.

Bằng cách khôi phục lại TPP mà không có Mỹ, Nhật Bản và các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương khác đã đi đúng hướng. Nhưng nếu xảy ra cuộc chiến tranh thương mại do Trump phát động thì họ và các nước khác sẽ phải nỗ lực gấp đôi theo hướng này.

Bill Emmott là cựu tổng biên tập tờ The Economist.

Phần nhận xét hiển thị trên trang