Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Trách nhiệm chính trong việc làm chết lâm sàng nền giáo dục


Nguyễn Đình Cống - Gần đây Nguyễn Thượng Long, một nhà giáo, viết loạt bài: “Nghề cao quý đã chết lâm sàng” trình bày sự ngắc ngoải của nền Giáo dục Việt Nam. Sau khi nêu ra và phân tích nhiều hiện trạng đau lòng, Nguyễn Thượng Long viết: “Có hợp lý không khi quy hết trách nhiệm làm hư hỏng thế hệ trẻ cho ngành GD – ĐT? Câu hỏi này nằm ngoài phạm vi bài viết của tác giả”. Tôi thông cảm với thầy Long, thầy biết trong việc này ngành GD-ĐT vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, còn trách nhiệm chính ở cao hơn, có thể thầy biết, nhưng chưa có dịp nói ra. Tôi xin tiếp lời.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trước đây tôi đã có nhiều bài báo và thư gửi Quốc hội cũng như Bộ Giáo dục về các vấn đề giáo dục. Chỉ xin nhắc lại vài ý.

Trong thư gửi QH vào tháng 3/ 2010 tôi nêu 6 nguyên nhân làm GD xuống cấp và đề nghị 6 biện pháp để chấn hưng. Xin nêu lại 2 nguyên nhân đầu tiên là :1- Sự quá duy ý chí của lãnh đạo cấp nhà nước trong việc phát triển GD. 2- Nhà nước và Quốc hội cử nhầm người kém tài năng làm Bộ trưởng GD.

Trong thư gửi QH vào tháng 6/ 2014, tôi viết “Đổi mới toàn diện GD là việc chưa thể thực hiện” vì không thể tách GD ra khỏi nền tảng xã hội tràn ngập các tệ nạn. Trong một thể chế độc tài toàn trị đầy rẫy tham nhũng, nạn mua quan bán chức là quá phổ biến, nền GD chỉ có thể sửa chữa một số sai lầm, làm một số giải pháp tình thế. Nếu chưa có cải cách về thể chế để dẹp bỏ tham nhũng và kiến lập nền dân chủ thực sự mà cứ cố đổi mới toàn diện GD thì chỉ tiêu tốn thời gian, sức lực và tiền của để thay các sai lầm này bằng các sai lầm khác mà thôi.

Trong bài Bàn về triết lý GD (tháng 12/2016), tôi viết rằng nền GD VN đi chệch hướng là vị bị chính trị hóa, bị dùng để phục vụ cho ý thức hệ của Đảng, nhằm đào tạo ra những người chủ yếu chỉ biết thừa hành sự lãnh đạo của đảng. Vậy để cứu nền GD thì trước hết cần thoát ly chính trị, đưa GD trở về với nhân văn và khoa học.

Tôi xin viết tiếp thầy Long và chỉ ra rằng trách nhiệm chính trong việc làm chết lâm sàng nghề cao quý, không ai khác ngoài các lãnh đạo cao cấp của ĐCS VN qua các thời kỳ. Do kiên trì chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) họ rơi vào tình trạng kém trí tuệ. Sự kém này bắt đầu từ trong nhận thức rồi thế hiện ra bằng những chủ trương, đường lối sai lầm. Về GD sự kém này thể hiện rõ ở 3 điều sau:

1- Hiểu sai tương quan giữa GD và Chính trị (CT). Buộc GD quốc dân phải làm công cụ phục vụ CT, đào tạo ra những con người lao động chủ yếu thừa hành, những chiến sĩ của cách mạng vô sản (còn những người lãnh đạo phải được đào tạo riêng trong các trường chính trị của Đảng, từ sơ đến cao cấp). Tuy có nói đến giáo dục sáng tạo, đào tạo trí thức, nhưng chỉ cho phép những sáng tạo phục vụ cho Đảng, chỉ chấp nhận trí thức trung thành với Đảng. Những trí thức, dù là bình thường hoặc tinh hoa, nếu có điều gì tỏ ra chưa nhất trí, dù có góp ý chân thành cũng bị loại bỏ.

2- Hiểu sai về vai trò của GD. Trước đây cho rằng GD là phúc lợi tập thể, là quyền lợi của người dân, vì vậy phải ưu tiên cho một số đối tượng. Đúng, GD là một trong những quyền lợi, nhưng muốn hưởng nó cần có điều kiện để tiếp nhận chứ không như quyền lợi vật chất do bên ngoài đưa đến. Hồ Chí Minh nói: “Làm sao để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tôi hiểu, được học hành chủ yếu là thoát nạn mù chữ, có trình độ tiểu học, chứ không phải ai cũng có bằng tú tài, cử nhân. Tất nhiên đất nước có nhiều người có học vấn cao là tốt, rất tốt, nhưng học vấn đó phải là thực chất chứ không phải phần lớn là đồ dổm, là thuộc loại hữu danh vô thực. Phát triển GD phải dựa trên 2 điều kiện, một là nền kinh tế đất nước, hai là năng lực của người học, người dạy. Tôi cho rằng mở quá rộng nền giáo dục bậc cao so với khả năng nền kinh tế , chủ yếu để tuyên truyền về tính ưu việt của chế độ, về thành tích của Đảng và Chính quyền, để chạy theo chỉ tiếu này nọ…là một sai lầm của duy ý chí. Nhà nghèo, đẻ ra đông con, mà một số còn bị thiểu năng trí tuệ mà cố để các con đều có học vấn cao thì làm sao nổi.

3- Xem làm GD là công việc quá dễ só với nhiều lĩnh vực khác như Quốc phòng, Kinh tế, Ngoại giao, Công an v.v… Nhận thức này dẫn tới một số hệ lụy tai hại, trong đó có 2 vấn đề liên quan đến lãnh đạo ngành và đội ngũ giáo viên.

Về lãnh đạo: Trước 1975, dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên GD phát triển bình thường, sau đó GD xuống cấp dần, một phần là do yếu kém của lãnh đạo. Ai cử ra Bộ trưởng GD. Thì Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chứ có ai nữa. Tại sao lại cử ra những Bộ trưởng kém năng lực. Một phần vì người ta xem thường, cho rằng làm GD là dễ.

Về đội ngũ: Tôi cho rằng để người thầy làm tốt nhiệm vụ phải có 3 điều kiện cấn là năng lực, đạo đức và điều kiện vật chất. Năng lực gồm tri thức và phương pháp sư phạm. Một số lãnh đạo đã hiểu nhầm công việc của thầy giáo, cho rằng nó đơn giản, dẽ dàng, nhẹ nhàng so với công nông binh và công tác cách mạng. Từ đó mà bên ngoài thì đề cao vai trò nghề cao quý, còn bên trong thì coi thường sự lao động của họ, thể hiện ra ở tiền lương, ở sự tuyển chọn. Nhiều nước phát triển tuyển chọn người để đào tạo ngành sư phạm rất khó. Còn ở VN, phải chăng nghề sư phạm là cao quý còn ngành sư phạm là thấp kém. Trong nhiều năm thời bao cấp đội ngũ nhà giáo bị lâm vào cảnh “ Bần cùng hóa”, từ đó nẩy sinh ra nhiều tiêu cực mà đến nay vẫn hoành hành. Gieo hành động gặt thói quen, Gieo thói quen gặt tính cách. Vì bị bần cùng, phải hảnh động kiếm chác. Hành động thành thói quen, bây giờ tuy đã phần nào thoát cảnh bần cùng, nhưng thói quen kiếm chác chưa cách nào bỏ được để giữ phẩm giá.

Lời kết: Nhân ngày 20 tháng 11 có đôi lời viết tiếp loạt bài của thầy giáo Nguyễn Thượng Long, hy vọng những điều này có thể làm cho các lãnh đạo cao cấp suy nghĩ để có chuyển biến về nhận thức và biến thành tình cảm.

Đối với thầy Long và nhiều độc giả khác tôi xin nêu một vấn đề để cùng nhau suy nghĩ: Theo thầy Long và nhiều người đều thấy là “Nghề cao quý đã chết lâm sàng”, nhưng nhờ vào đâu, nhờ cái gì mà nó còn hoạt động, còn vùng vẫy, hàng năm vẫn có nhiều học sinh được các giải thưởng quốc tế, vẫn có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ được cấp bằng, hàng ngàn nhà giáo được phong tặng Nhà gíao ưu tú, Nhà giáo nhân dân. v.v…Phải chăng cách nhìn của thầy Long là quá bi quan.

Nguyễn Đình Cống
(FB. Nguyễn Đình Cống)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc phẫu thuật ghê rợn của người lính Bắc Hàn chạy thoát thân


Ngày 13/11 vừa qua, một binh sĩ Bắc Hàn đã chạy thoát thân vào khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và Bắc Hàn (DMZ), trong quá trình chạy trốn người này đã bị trúng nhiều viên đạn, nhờ bác sĩ Hàn Quốc phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp đã giữ lại được mạng sống cho anh.
Giới tuyến phi quân sự DMZ giữa Bắc Hàn và Hàn Quốc.
Tuy nhiên trong lúc phẫu thuật, vị bác sĩ Hàn Quốc đã phát hiện trong ruột của binh sĩ này có vô số ký sinh trùng, con dài nhất lên đến 27cm. Vị bác sĩ nói, ông hành nghề y hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ trông thấy loại ký sinh trùng thế này khi trị liệu lâm sàng.
Theo Nhật báo Triều Tiên (Chosun Ilbo) đưa tin, hai ngày sau khi bác sĩ Lee Kuok Tiung phụ trách phẫu thuật cho binh sĩ này, ông đã trả lời trong cuộc họp báo rằng: “Lần đầu phẫu thuật cho anh ta tôi phát hiện trong khoang bụng của anh ta đã bị nhiễm trùng nghiêm trọng do phân và ký sinh trùng, sau này có thể sẽ có biến chứng.”
Bác sĩ Lee Kuok Tiung tiết lộ, ông phát hiện trong đường ruột bị vỡ của binh sĩ này mấy chục con ký sinh trùng, dài nhất đến 27cm. Trong quá trình phẫu thuật, ký sinh trùng liên tục chui ra từ đường ruột bị tổn thương, đồng thời hòa trộn với phân và nước tiểu khiến vị bác sĩ này cảm thấy rởn gai ốc và đau đầu.
Bác sĩ Lee Kuok Tiung cho biết: “Loại ký sinh trùng này chưa từng thấy trên cơ thể người Hàn Quốc nào, tôi hành nghề đã hơn 20 năm nhưng chưa từng thấy qua, chỉ được thấy trong sách mà thôi.”
Binh sĩ Triều Tiên chạy trốn này hơn 20 tuổi, có chiều cao khoảng 1,7m, cân nặng khoảng 60kg, dáng người thuộc dạng hơi nhỏ và gầy so với thanh niên Hàn Quốc. Ruột non của anh ta chỉ dài khoảng 160cm, ngắn hơn nhiều so với chiều dài ruột non bình quân là 200cm của thanh niên Hàn Quốc.
Ông Lee Kuok Tiung cho rằng: “Vì ruột non hơi ngắn nên khả năng tiêu hóa không tốt”, “đồ ăn trong ruột non rơi vào trạng thái đông kết giống như phân, có thể liên quan đến vấn đề dinh dưỡng quá kém.” Trong khoang bụng binh sĩ này còn phát hiện có phân và một ít thức ăn, nhưng chủ yếu là hạt ngô.
Theo Yonhap đưa tin, người lính quy hàng này khi đó lái xe jeep về khu đường ranh giới quân sự giữa Hàn Quốc và Bắc Hàn, sau khi anh ta xuống xe, tiếp tục bỏ chạy về hướng nam, chạy trong làn đạn do những người lính Triều Tiên bắn từ phía sau.
Theo lời kể của nhân chứng là binh lính Hàn Quốc, người lính Triều Tiên này bị trúng đạn vào ngực và bụng, để cứu anh ta họ đã bò sát đất tiến lên kéo anh ta ra khỏi vùng nguy hiểm, sau đó nhanh chóng dùng trực thăng đưa anh ta đến bệnh viện.
Vị bác sĩ Hàn Quốc cho biết, người lính này bị trúng 5 – 6 viên đạn, hiện đang được chữa trị, thương tích tuy nghiêm trọng nhưng không nguy hiểm tính mạng, có thể phải qua hai lần phẫu thuật.
Tuyết Mai/ TrithucVN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tiết lộ về nhà tù bí ẩn, nơi giam giữ các “hổ lớn” Trung Quốc


Tiết lộ về nhà tù bí ẩn, nơi giam giữ các "hổ lớn" Trung Quốc
Nhà tù Tần Thành Bắc Kinh. Ảnh: Internet
Nhà tù Tần Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc còn được gọi là “Câu lạc bộ” của các quan chức cấp cao tham nhũng từ cấp tỉnh trở lên.
Hiện tại, các "hổ lớn” như cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng hay cựu Chủ tịch văn phòng trung ương Lệnh Kế Hoạch đều đang bị giam giữ ở nhà tù "bí ẩn số 1" Trung Quốc này.
Số liệu của Trung Quốc cho biết, từ năm 2004 tới 2014, có hơn 100 quan chức cấp cao tham nhũng từ cấp tỉnh trở lên bị giam giữ tại đây.
Trước đó, các quan chức tham nhũng cấp cao như cựu Bí thư thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng hay cựu Bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ cũng bị giam tại đây. Trong khi các quan chức cấp thấp và thường phạm sẽ bị giam ở Nhà tù Yên Thành (Tam Hà, Hà Bắc).
Bởi vậy dư luận Trung Quốc đã gọi nhà tù Tần Thành là “Câu lạc bộ” của các quan chức tham nhũng cấp cao.
Lịch sử nhà tù
Tiền thân của nhà tù Tần Thành là nhà tù Công Đức Lâm do Quốc dân đảng xây dựng từ năm 1915. Nơi đây từng giam giữ các nhà hoạt động chính trị Lý Đại Chiêu - một trong những người sáng lập nên đảng cộng sản Trung Quốc
Sau khi nước Trung Quốc mới thành lập năm 1949, Bộ trưởng Bộ công an La Thụy Khanh đã chỉ thị cho các cán bộ cấp dưới tiến hành khảo sát, cải tạo và xây dựng nhà tù mới.
Trên cơ sở của nhà tù Công Đức Lâm, Bộ công an Trung Quốc đã tìm thêm địa điểm ở gần đó - thuộc thôn Tần Thành, khu Xương Bình, dưới chân núi Yên Sơn và Thập Tam Lăng, Bắc Kinh - để mở rộng diện tích xây dựng. Vì vậy, nhà tù Công Đức Lâm đổi tên thành nhà tù Tần Thành.
Năm 1958, nhà tù bắt đầu khởi công xây dựng, công trình này nằm trong 157 dự án do Liên Xô viện trợ chính phủ Trung Quốc.
Tới ngày 15/3/1960 công trình hoàn thành với bốn tòa nhà ba tầng được đánh số từ 201 tới 204. Tới năm 1967, do số lượng phạm nhân tăng lên nên Bắc Kinh phải xây thêm sáu tòa nhà nữa.
Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976), các cán bộ lãnh đạo ĐCSTQ bị quy tội phản cách mạng tăng lên nên nhà tù lại xây dựng thêm hai tòa nhà bốn tầng nữa.
Kể từ khi hình thành là nhà tù Công Đức Lâm tới nhà tù Tần Thành, được chia làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (thế kỷ 19 tới thập kỷ 50, 60 của thế kỷ 20): Phạm nhân bị giam giữ trong nhà tù chủ yếu là những quan chức của chính quyền Mãn Thanh, các sĩ quan quân đội Nhật Bản và Quốc dân đảng, bao gồm cả cấp hàm từ Thiếu tướng trở lên.
- Giai đoạn 2 (thời kỳ Cách mạng văn hóa): Phạm nhân bị giam giữ trong nhà tù này là các cán bộ lãnh đạo ĐCSTQ bị quy kết là “phần tử phản cách mạng” như vợ chồng Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ hay thậm chí nguyên Cục trưởng Cục công an Bắc Kinh Phùng Cơ Bình - người chủ trì công tác xây dựng nhà tù và Bộ trưởng Công an La Thụy Khanh cũng bị giam giữ tại đây.
- Giai đoạn 3 (thập kỷ 70, 80 thế kỷ 20): Phạm nhân bị giam giữ chủ yếu là "bè lũ bốn bên" Giang Thanh, Trương Xuân Kiều... và thân tín của nhóm này.
- Giai đoạn 4 (đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20 tới nay): Phạm nhân bị giam giữ là các cán bộ lãnh đạo cấp cao dính líu tới tham nhũng từ cấp tỉnh trở lên, nhất là từ năm 2012 tới nay khi cuộc chiến chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, mạnh mẽ.
Những cán bộ lãnh đạo cấp cao này tuy không bị lao động khổ sai nhưng hàng tuần từ thứ Hai tới thứ Sáu, mỗi ngày phải dành 5 tiếng đồng hồ để tự kiểm điểm và cuối tuần viết bản thu hoạch về mức độ thành khẩn cải tạo.
Buổi tối từ 7 giờ tới 9 giờ, họ sẽ được xem tivi, đọc báo để biết tình hình trong và ngoài nước.
Tờ báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo ngày 5/12/2015 viết: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn tiếp tục đi trên con đường dài” và “vẫn còn nhiều 'hổ' ở phía trước”.
Tiếp đó, ngày 28/12/2016, Bộ chính trị ĐCSTQ họp xác định công tác xây dựng liêm chính và chống tham nhũng trong đảng, trong đó nhấn mạnh tiếp tục duy trì, đẩy mạnh chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc ở mức độ cao.
Trong thông điệp đầu năm 2017 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh việc tăng cường chiến dịch "đả hổ diệt ruồi", thanh lọc tác phong nội bộ đảng.
Dư luận Trung Quốc cho rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới và “Câu lạc bộ quan chức cấp cao tham nhũng” trong Nhà tù Tần Thành sẽ đông hơn hiện nay./.
Theo Tri thức trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Suy nghĩ về năm nguy cơ mất nước của Lê Quý Đôn


Bình luận án Blog (*)

BLA: Lê Quý Đôn sống trong thời kỳ đất nước nhiễu nhương, triều đình thối nát, rối ren, tham nhũng tràn lan, nhân dân đói khổ. Chẳng bao lâu sau khi ông qua đời, nghĩa quân Tây Sơn vùng lên khởi nghĩa, đánh sập ách thống trị tàn ác của triều đình và bọn giặc nhà Thanh phương Bắc. Một kết quả mang tính quy luật vậy.

Lê Quý Đôn là học sỹ thời vua Lê chúa Trịnh, nổi tiếng uyên bác, từng lãnh chức Thượng thư bộ công. Cuối đời ông cởi áo quan về ở ẩn và qua đời năm 58 tuổi. Sinh thời trong cảnh nhiễu nhương, ông chỉ ra năm (5) nguy cơ có thể mất nước. Đó là: 

<-- Lê Quý Đôn (1726 - 1784. Nguồn ảnh: internet.






1. Trẻ không kính già

2. Trò không trọng thầy

3. Binh kiêu tướng thoái

4. Tham nhũng tràn lan

5. Sĩ phu ngoảnh mặt

Xin "bình lựng" như sau:

1. Trẻ không kính già vì già không đáng kính

2. Trò không trọng thầy vì thầy không ra thầy

3. Binh kiêu tướng thoái vì chẳng bao giờ đánh trận

4. Tham nhũng tràn lan vì không ăn cũng uổng

5. Sỹ phu ngoảnh mặt vì nói chẳng ai nghe

Nếu cụ Lê Quý Đôn có linh thiêng, xin chỉ ra 5 sách lược hóa giải 5 nguy cơ ấy ạ.

(*): Bài này tôi viết chơi cũng đã lâu, khi đó ký tên là "Vũ Dạ"
................

Lê Quý Đôn 

Lê Quý Đôn sinh năm 1726 - mất năm 1784.

Lê Quý Đôn tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường; là vị quan thời Lê trung hưng, cũng là nhà thơ, và được mệnh danh là " nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến".
Ở thế kỷ 18, các tri thức văn hóa, khoa học của dân tộc được tích lũy hàng ngàn năm tới nay đã ở vào giai đoạn súc tích, tiến đến trình độ phải hệ thống, phân loại. Thực tế khách quan này đòi hỏi phải có những bộ óc bách khoa, Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người "tập đại hành" mọi tri thức của thời đại. Có thể nói, toàn bộ những tri thức cao nhất ở thế kỷ thứ 18 của nước ta đều được bao quát vào trong các tác phẩm của ông. Tác phẩm của ông như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu văn hóa của cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của nó.

Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc.

Lê Quý Đôn là con trai cả trong giá đình, đỗ Tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 2 (Giáp Thìn, 1721), và làm quan trải đến chức Hình bộ Thượng thư, tước Nghĩa Phái hầu. Mẹ Lê Quý Đôn họ Trương (không rõ tên), là con gái thứ ba của Trương Minh Lượng, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700), trải nhiều chức quan, tước Hoằng Phái hầu.

Ba lần đỗ đầu 

Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn nổi tiếng là người ham học, thông minh, có trí nhớ tốt, được người đương thời coi là "thần đồng". Năm lên 5 tuổi, ông đã đọc được nhiều bài trong Kinh Thi. Năm 12 tuổi, ông đã học "khắp kinh, truyện, các sử, các sách của bách gia chư tử".
Năm Kỷ Mùi, ông theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long. Năm Quý Hợi (đời vua Lê Hiển Tông, ông dự thi Hương và đỗ đầu (Giải nguyên) lúc 17 tuổi. Sau đó, ông cưới cô Lê Thị Trang ở phường Bích Câu làm vợ. Cô là con gái thứ 7 của Lê Hữu Kiều, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718).

Tuy đỗ đầu kỳ thi Hương, nhưng thi Hội mấy lần, ông đều không đỗ. Ông ở nhà dạy học và viết sách trong khoảng 10 năm (1743-1752). Sách Đại Việt thông sử (còn gọi là "Lê triều thông sử") được ông làm trong giai đoạn này (Kỷ Tỵ, 1749).

Năm 26 tuổi (Nhâm Thân, 1752), ông lại dự thi Hội, và lần này thì đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn. Vì kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên, nên kể như cả ba lần thi, ông đều đỗ đầu.

Làm quan

Sau khi đỗ đại khoa, năm Quý Dậu (1753), Lê Quý Đôn được bổ làm Thị thư ở Viện Hàn Lâm, rồi sung làm Toản tu quốc sử vào mùa xuân năm Giáp Tuất (1754).

Năm Bính Tý (1756), ông được cử đi thanh tra ở trấn Sơn Nam, phát giác "6, 7 viên quan ăn hối lộ". Tháng 5 năm đó, ông được biệt phái sang phủ chúa coi việc quân sự (chức Tri Binh phiên). Ba tháng sau, ông được cử đi hiệp đồng các đạo Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa...rồi đem quân đi đánh quân của Hoàng Công Chất.

Năm Đinh Sửu (1757), ông được thăng làm Hàn lâm viện Thị giảng. Trong năm này, ông viết Quần thư khảo biện.

Biên soạn sách 

Trở về nước (Nhâm Ngọ, 1762), ông được thăng chức Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, rồi làm Học sĩ ở Bí thư các để duyệt kỷ sách vở, Ngô Thì Sĩ giữ chức Chính tự. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết rằng:

Bổ dụng Nguyễn Bá Lân và Lê Quý Đôn sung làm học sĩ trong Bí thư các, để duyệt kỷ sách vở,chọn người có văn học là bọn Ngô Thì Sĩ sung giữ chức chính tự trong các.

Năm Quý Mùi (1763), ông viết Bắc sứ thông lục. Trong năm này, ông được cử coi thi Hội.
Năm Giáp Thân (1764), ông dâng sớ xin thiết lập pháp chế, vì thấy một số quan lại lúc bấy giờ "đã quá lạm dụng quyền hành, giày xéo lên pháp luật", nhưng không được chúa nghe. Cũng trong năm đó, ông được cử làm Đốc đồng xứ Kinh Bắc, rồi đổi làm Tham chính xứ Hải Dương (Ất Dậu, 1765), song ông dâng sớ không nhận chức và xin về hưu.

Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết rằng:
Tháng 6, mùa hạ. Lê Quý Đôn, tham chính Hải Dương bị bãi. Từ khi sang sứ nhà Thanh trở về nước, rồi bổ làm tham chính Hải Dương, Quý Đôn tự giãi bày chín tội, nhưng thực ra là tự kể công lao của mình.

Theo Phan Huy Chú, lời sớ đại khái rằng: "Tấm thân từng đi muôn dặm còn sống về được, lại gặp cảnh vợ chết, con thơ phiêu bạt chỗ giang hồ, thần thực không thích làm quan nữa, xin cho về làng". Được chấp thuận, ông trở về quê "đóng cửa, viết sách".

Đầu năm Đinh Hợi (1767), chúa Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm lên nối ngôi. Nghe theo lời tâu của Nguyễn Bá Lân, chúa cho triệu Lê Quý Đôn về triều, phong làm chức Thị thư, tham gia biên tập quốc sử, kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám.lên vua Lê Hiển Tông đọc. Tháng 9 năm đó, ông được cử làm Tán lý quân vụ trong đội quân của Nguyễn Phan (tước Phan Phái hầu) đi dẹp cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật ở Thanh Hóa. Năm Mậu Tý (1768), ông làm xong bộ Toàn Việt thi lục, dâng lên chúa Trịnh. Năm Kỷ Sửu (1769), ông dâng khải xin lập đồn điền khẩn hoang ở Thanh Hóa.
Năm Canh Dần (1770), bàn đến công lao đánh dẹp, ông được thăng làm Hữu thị lang bộ Hộ, kiêm Thiêm đô Ngự sử. Mùa thu năm ấy, ông và Đoàn Nguyễn Thục nhận lệnh đi khám duyệt hộ khẩu ở xứ Thanh Hóa. Xong việc trở về, ông tâu xin tha bớt các thuế thổ sản, thủy sản cho các huyện và thuế thân còn thiếu. Chúa Trịnh liền giao cho triều đình bàn và thi hành. Ít lâu sau, ông được thăng Tả thị lang bộ Lại. Khi lãnh trọng trách này, ông có tâu trình lên bốn điều, được chúa khen ngợi, đó là: 1/ Sửa đổi đường lối bổ quan. 2/ Sửa đổi chức vụ các quan. 3/ Sửa đổi thuế khóa nhà nước. 4/ Sửa đổi phong tục của dân.

Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết rằng:

Trước kia, Quý Đôn làm phó đô ngự sử, thường dùng số bạc đút lót trong khi xét kiện để dâng chúa Trịnh, bèn được thăng chức Hữu thị lang bộ Hộ. Đến nay, nhân khi khám xét hạt Thanh Hoa trở về, lại dâng hơn một ngàn lạng bạc đã ăn của đút, nên do chức Hữu thị lang bộ Hộ thăng lên chức này.

Năm Nhâm Thìn (1772), ông được cử đi điều tra về tình hình thống khổ của nhân dân và những việc nhũng lạm của quan lại ở Lạng Sơn.

Năm Quý Tỵ (1773) đại hạn, nhân đó ông tâu trình 5 điều, đại lược nói: "Phương pháp của cổ nhân đem lại khí hòa, dẹp tai biến, cốt lấy lễ mà cầu phúc của thần, lấy đức mà khoan sức dân" [20]. Chúa nghe theo, bổ ông làm Bồi tụng (Phó Tể tướng), giữ việc dân chính, kiêm quản cơ Hữu hùng, tước Dĩnh Thành hầu. Trong năm này, ông viết Vân đài loại ngữ.

Tháng 5, năm 1773, chúa Trịnh Sâm hạ lệnh cho Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Phương Đĩnh và Lê Quý Đôn làm lại sổ hộ tịch, Quý Đôn kê cứu tra xét quá nghiêm khắc, nhân dân đều nghiến răng căm hờn, họ làm thư nặc danh dán ở cửa phủ chúa Trịnh xin bãi bỏ Quý Đôn đi mà dùng Ngũ Phúc, lời lẽ trong thư rất là khích thiết. Nhân đân, Trịnh Sâm thay đổi mệnh lệnh, cho Ngũ Phúc cùng Quý Đôn đều giữ công việc đôn đốc làm sổ. Ngũ Phúc xin thi hành theo điều lệ đời Cảnh Trị, đại để có nơi tăng, có nơi giảm, có nơi bình bổ vẫn như cũ. Số dân đinh hơi kém với ngạch đinh năm Bảo Thái, dân cũng cho là thuận tiện.

Tháng 10 năm Giáp Ngọ (1774), chúa Trịnh Sâm thân chinh mang quân đánh Thuận Hóa, Lê Quý Đôn được cử giữ chức Lưu thủ ở Thăng Long.

Đầu năm Ất Mùi (1775), tướng Hoàng Ngũ Phúc đánh chiếm được Thuận Hóa. Tháng 2 năm đó, chúa Trịnh trở về kinh, rồi thăng ông làm Tả thị lang bộ Lại kiêm Tổng tài Quốc sử quán.

Cũng trong năm đó xảy ra vụ Lê Quý Kiệt (con Lê Quý Đôn) đổi quyển thi với Đinh Thời Trung (hay Thì Trung). Bị phát giác, cả hai đều bị tội. Vì là đại thần, Lê Quý Đôn được miễn nghị.

Năm Bính Thân (1776), chúa Trịnh Sâm đặt ty trấn phủ ở Thuận Hóa. Lê Quý Đôn được cử làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ, để cùng với Đốc suất kiêm Trấn phủ Bùi Thế Đạt tìm cách chống lại quân Tây Sơn. Tại đây, ông soạn bộ Phủ biên tạp lục. Ít lâu sau, ông được triệu về làm Thị lang bộ Hộ, kiêm chức Đô ngự sử .

Tháng 7, năm 1779, thổ tù Hoàng Văn Đồng làm phản, triều đình sai Nguyễn Lệ, Nguyễn Phan đi đánh, Văn Đồng xin hàng. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép rằng:

Văn Đồng cáo tố rõ tình trạng sách nhiễu của Quý Đôn và Xuân Hán. Lệ đem việc này tâu về triều, bọn Quý Đôn đều can tội, phải giáng chức.

Năm Mậu Tuất (1778), được cử giữ chức Hành tham tụng, nhưng ông từ chối và xin đổi sang võ ban. Chúa Trịnh chấp thuận, cho ông làm Tả hiệu điểm, quyền Phủ sự (quyền như Tể tướng, tạm coi việc phủ chúa), tước Nghĩa Phái hầu. Tháng 4 năm đó, Lê Thế Toại dâng bài khải công kích Lê Quý Đôn. Năm sau (1779), ông lại bị Hoàng Văn Đồng tố cáo, nên bị giáng chức.

Năm Tân Sửu (1781), ông lại được giữ chức Tổng tài Quốc sử quán.
Tháng 9 năm Nhâm Dần (1782), chúa Trịnh Sâm qua đời, Trịnh Cán được nối ngôi chúa. Chỉ vài tháng sau, quân tam phủ nổi loạn giết chết Quận Huy (Hoàng Đình Bảo), phế bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ (vợ chúa Trịnh Sâm, mẹ Trịnh Cán), lập Trịnh Khải làm chúa. Nhớ lại hiềm riêng, Nguyễn Khản nói với chúa Trịnh Khải giáng chức Lê Quý Đôn.

Đầu năm Quý Mão (1783), ông nhận lệnh đi làm Hiệp trấn xứ Nghệ An. Ít lâu sau, ông được triệu về triều làm Thượng thư bộ Công.

Qua đời

Trong bối cảnh kiêu binh gây rối, triều chính rối ren, nhân dân đói khổ,... Lê Quý Đôn lâm bệnh nặng. Sau đó, ông xin về quê mẹ là làng Nguyễn Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) để chữa trị, nhưng không khỏi. Ông mất ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 (tức 11 tháng 6 năm 1784), lúc 58 tuổi.
(Theo Wikipedia)
...................

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phá Cách (thơ) & chuyện "sỹ phu ngoảnh mặt"


Trần Hồng Phong giới thiệu

Sáng nay thứ Bảy (ngày 18/11/2017), qua mạng xã hội facebook, tôi được đọc một bài thơ vừa sáng tác nóng hổi của luật sư Nguyễn Minh Tâm, một luật sư thuộc nhóm đàn anh, lứa đầu tiên của lớp luật sư dưới thời nước CHXHCN Việt Nam (nghề luật sư được chính thức hoạt động trở lại tại VN từ khoảng năm 1987). Bài thơ thể hiện nỗi buồn và sự bất lực, buông xuôi của một trí thức. Tôi đọc và cảm thấy xốn xang trong lòng. Buồn.

Cô đơn (ảnh minh hoạ, nguồn: internet)


Gần đây, tôi có gặp lại nhóm bạn thân thiết cùng học đại học thời sinh viên. Khi nói về chuyện đất nước, thật bất ngờ khi hầu như tất cả đều nói rằng từ lâu đã chọn "im lặng", vì "có nói cũng chẳng ai nghe, chẳng được gì" mà không khéo mang vạ vào thân. Không ít người bạn của tôi đã chọn con đường cho con cái đi du học ở các nước tư bổn "giãy chết", đầu tư ra nước ngoài dưới nhiều hình thức. Dù vậy, chúng tôi cùng có một đánh giá chung là: trong 50 năm đã sống trong cuộc đời của mình, chưa bao giờ xã hội lại xuống cấp về văn hoá, đạo đức như hiện nay. Đi đâu cũng thấy sự giả dối, đạo đức giả lộng hành, người với người đối xử với nhau sao tàn ác quá.

Tôi luôn hiểu rằng mỗi người đều có và có quyền chọn cách sống và hướng đi khác nhau, quan niệm, quan điểm khác nhau. Nhưng quả thật nếu những người thuộc nhóm "hiểu biết" mà không muốn nói nữa, không muốn hay không thể bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân nữa thì rõ ràng là một sự bất bình thường trong xã hội.

Về "im lặng", tôi từng nghe một vài người thuộc hàng "uyên thâm" cho rằng đây thực ra mới là hình thức phản kháng "đỉnh cao". Thử hỏi trong một gia đình, khi mà không ai thèm nói chuyện với ai, ai làm gì mặc ai, hỏi chẳng thèm trả lời, cho quà chẳng thèm lấy. Nói chung là chả thèm quan tâm đến nhau nữa - thì điều gì sẽ xảy ra? Đó có phải là một gia đình biết thương yêu nhau hay không? Thậm chí có còn bản năng của con người nữa hay không? Và có khi nào người quan trọng trong gia đình ấy (giả sử là ông bố) biết tự hỏi "vì sao nhà ta lại đến nông nỗi này"? Hay là lão ta cứ tiếp tục ăn uống no say, ngồi ghế gia trưởng cho đến khi đã bán sạch mọi thứ của cải trong nhà, và khi chết đi để lại một gánh nợ cho vợ, con?

Tôi lại nhớ đến "5 nguy cơ mất nước" do nhà bác học Lê Quý Đôn đưa ra, trong đó có lý do "sỹ phu ngoảnh mặt".

Vì sao ngày càng nhiều trí thức chọn sự im lặng? Phải chăng đó là lý do mà chỉ vài ngày trước, ông Bộ trưởng Bộ giáo dục kêu gọi ngân sách đầu tư thêm 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 ông tiến sỹ, đáp ứng nhu cầu của xã hội chăng?

Mời quý vị cùng chiêm nghiệm bài thơ dưới đây.

......



PHÁ CÁCH

(Sáng thứ Bẩy thử phá cách chơi)

Ừ, thôi nhé, ừ thôi, thế nhé
Thế thôi mà còn mới mẻ gì đâu
Thì đã vậy, cũng đành chịu vậy
Bận lòng chi cho bạc thêm đầu

Ừ, thế đấy, thế cũng là cố đấy
Ta gồng mình cũng chỉ đến thế thôi
Ai không thích thì tai đâu, bịt lại
Lời ta bay cho gió cuốn lên giời

Ừ, thế đấy, thế cũng là xong đấy
Ta thở phào buông thõng cả hai tay
Đầu ta có vấn đề ư, mặc kệ
Ta vẫn còn một tấm lòng chay...

Ừ, thế đấy, thế cũng là... thôi nhé
Nói làm chi, có nói cũng thế mà
Có những việc tầy đình còn bỏ ngỏ
Nhắm mắt rồi, tất cả sẽ trôi qua...
Nguyễn Minh Tâm

....

Bài liên quan:


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc sống không điện nước của xóm miền Tây ở Sài Gòn


20/11/2017 Nhiều năm nay, xóm của dân ngụ cư từ miền Tây lên Sài Gòn làm rẫy vẫn sống trong những căn chòi, chịu cảnh không điện, không nước sạch.

Nằm sâu trong đồng lau sậy bên đường Nguyễn Văn Linh (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM) là một khu đất rộng. Nơi đây, hơn chục năm nay là xóm ngụ cư của những người dân từ miền Tây lên Sài Gòn mưu sinh.

"Hơn chục năm trước, chỉ có một vài người dân lên đây, thấy đất trống nên tôi dựng chòi trồng rau quả. Dần dà, ở đây giờ có khoảng 20 hộ cùng nhau cuốc đất làm rẫy, chứ ở quê hầu như ai cũng không có ruộng đất, thuê gì mần nấy", bà Nguyễn Thị Ba (74 tuổi, quê Cần Thơ) cho hay.



Khu vực này vốn là đất của doanh nghiệp nhưng chưa đầu tư, chủ đất cho cư dân ở đây khai phá để không bị hoang hóa. Hàng ngày, những lô đất mới tiếp tục được làm cỏ, cày xới, đào luống... để trồng dưa leo, bí xanh, bầu, khổ qua...


Bà Võ Thị Mai (51 tuổi, quê Cần Thơ) là một trong những người lên đây làm rẫy từ khá sớm. Hiện, bà thuê một mẫu đất để trồng trọt. "Ở đây ai cũng trồng xen kẽ rau quả, trung bình cứ hơn hai tháng thu hoạch một loại rau rồi bán ngay cho chợ đầu mối Bình Điền. Công việc quần quật từ sáng đến tối", bà nói.

Để có nguồn nước sạch, nhiều hộ phải quây bạt làm bể cạn. Nước được bơm lên từ ao ở cách đó không xa hoặc hứng nước mưa. Nguồn nước này chủ yếu dùng tắm rửa, giặt giũ trong khi ăn uống thì họ phải mua nước bình.

Hai vợ chồng anh Đỗ Văn Giữ (34 tuổi), chị Phan Thị Khen (23 tuổi) vừa rời quê Cần Thơ lên đây. Do chưa có đất làm rẫy nên hai người đi làm thuê cho hộ khác, với mức thù lao khoảng 300.000 đồng một ngày. Buổi chiều muộn, cả hai ra bờ ao tắm.

"Hồi mới tắm thì hơi ngứa nhưng riết thì quen à. Dân đây ai chẳng tắm nước ao tù, chứ làm gì có nước máy để sử dụng đâu", chị Khen nói.


Không điện, cả xóm miền Tây chìm trong bóng tối khi màn đêm buông xuống. Trong chòi của mình, anh Nguyễn Văn Thức dùng đèn pin để chiếu sáng khi sửa xe.

Nguồn điện của cư dân xóm miền Tây đến từ những bình ắc quy. "Mỗi khi sạc phải đi hơn chục cây số với giá 35.000 đồng cho một lần mà chỉ xài chưa được tuần là hết điện", anh Thức cho biết.

Bữa ăn đạm bạc trong ánh đèn lay lắt của gia đình ông Nguyễn Văn Trí (50 tuổi, quê Hậu Giang). Hai vợ chồng ông đều không có ruộng đất, dắt díu nhau lên Sài Gòn bươn chải. Người con trai lớn mới lập gia đình cũng mang cả vợ con lên thành phố trồng rau trái với cha mẹ.

Những đứa trẻ được học lớp học tình thương ở quận 8. Ngày đi học, trưa về trông nhà hoặc phụ cha mẹ bón phân hái rau, đến tối nhiều em mới cặm cùi học bài trong ánh đèn khi tỏ khi mờ.

Nếu không học bài, bọn trẻ cũng chỉ biết làm bạn với điện thoại hay tha thẩn chơi trong xóm rồi đi ngủ sớm.

Buổi tối, như nhiều gia đình khác, cả nhà bảy người của ông Trần Văn Nghĩa (41 tuổi, quê Kiên Giang) chỉ quanh quẩn trong nhà. "Mang tiếng lên thành phố mà cả ngày cứ cắm mặt ở đây làm rẫy chứ có biết Sài Gòn hiện đại như thế nào đâu. Cũng muốn một lần lên trung tâm thành phố chơi mà không dám đi, sợ lạc đường lắm. Thôi thì ngồi tí rồi ngủ sớm, sáng mai lại lo trồng trọt, hy vọng Tết này có đủ tiền về quê", anh Nghĩa cười.
Quỳnh Trần
https://vnexpress.net/photo/thoi-su/cuoc-song-khong-dien-nuoc-cua-xom-mien-tay-o-sai-gon-3671614.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngôi Đền Thờ Thầy Giáo Cổ Nhất Việt Nam

Nhân ngày nhà giáo VN, đăng lại bài này của
Trần Vân Hạc:

 Đó là một ngôi miếu cổ trên một quả đồi nhỏ thuộc thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) nằm trong địa phận của Kinh đô Văn Lang xưa, nơi tương truyền thờ hai vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, đời Hùng Vương thứ 18, dạy hai công chúa của Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Cho đến nay, qua những chứng tích còn lại, đấy là ngôi đền thờ thầy cô giáo, tôn vinh sự học cổ nhất ở Việt Nam. Thiên Cổ Miếu nằm trong một quần thể di tích: Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Duệ Vương và đền Thiên Cổ, đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử. 
Xưa để bảo vệ ngôi đền khỏi sự tàn phá của các thế lực xâm lược ngoại bang đã ra sức thực hiện chính sách đồng hóa, tìm mọi cách khiến người Việt quên đi truyền thống, gốc tích và bản sắc văn hoá dân tộc và một thời ấu trĩ, nhân dân gọi chệch đi là Miếu Hai Cô. Ngôi miếu cổ nằm hiền hòa dưới bóng hai cây táu cổ thụ, gốc to bốn, năm người ôm không xuể, có tuổi hàng ngàn năm. Điều thú vị là một cây cho hoa mầu vàng, một cây cho hoa mầu bạc. Hè năm 1978, Ban lãnh đạo hợp tác xã Động Lực quyết định cho chặt hai cây táu làm củi nung gạch. Biết hung tin, các cụ già của thôn Hương Lan đồng lòng kéo nhau ra miếu. Cụ Nguyễn Hữu Bồng (bố đẻ của ông Nguyễn Hữu Yết, thủ từ hiện nay) thét lớn: “Không được phá nơi thờ thầy cô giáo. Nếu chúng mày định chặt cây thì hãy chặt xác tao luôn thể!”. Bấy giờ người ta mới biết đây là nơi thờ thầy giáo Vũ Thê Lang, vốn quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên đây dậy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai thầy cô tạ thế cùng một giờ, một ngày 2.2. năm Quí dậu ( 228 trước công nguyên). Đến nay, ngôi mộ của vợ chồng thầy cô giáo Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục vẫn còn ở trong điện và chưa bị dịch chuyển một lần nào. Ngôi miếu được nhân dân Hương Lan âm thầm bảo vệ suốt gần 23 thế kỷ. Năm 1990 ngôi miếu bị cháy, trong lúc cố cứu những vật thờ, người dân Hương Lan đã phát hiện ra cuốn ngọc phả của miếu và cả sắc phong vua ban. Dù bị cháy lẹm một phần, nhưng nội dung ghi chép trong đó thì không bị mất.
Hiện nay vẫn còn giữ được một bản ngọc phả quý được viết lần đầu vào năm Hồng Phúc thứ 2 (1573) đời vua Lê Anh Tông, do Đông Các học sĩ Nguyễn Bính biên soạn. Ngọc phả này đã ghi chép lại nguồn gốc của ngôi miếu cổ: “Vào thời Hùng Duệ Vương, ở đất Mộ Trạch có vợ chồng Vũ Công, thuộc gia đình có học. Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, hai người lần tìm về đô thành Phong Châu, tới thôn Hương Lan mở lớp dạy học. Dân làng đã cấp cho họ ruộng đất để trả công dạy dỗ. Vợ chồng Vũ Công sinh hạ được một người con trai là Vũ Thê Lang. Lớn lên, Vũ Thê Lang tìm về người bạn cũ của bố là Nguyễn Công ở đất Đông Ngàn – Kinh Bắc. Nguyễn Công đã gả cho Thê Lang người con gái của mình là Nguyễn Thị Thục – một cô gái nết na, thạo nghề tơ tằm canh cửi. Khi cha chết, Vũ Thê Lang tiếp tục thay cha dạy học, Thục Nương giúp dân nghề nông tang, canh cửi. Tiếng lành đồn xa, nhờ học vấn cao và tận tụy với nghề, sống giản dị và mẫu mực nên ông giáo Vũ Thê được vua Hùng thứ 18 giao cho chăm nom việc học hành của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa”.
Hoành phi và câu đối trong đền Thiên Cổ có từ thời Tự Đức năm thứ nhất (1848). Trong đền, ngoài ba lư hương cổ bằng gốm từ thời nhà Lý, nhà Lê, còn có một số đồ thờ bằng gỗ như ống hương, hai cây nến… Đặc biệt là các pho tượng: Phụ vương, Mẫu vương và hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cùng hai thị nữ, đã có trên 70 năm. Trên bàn thờ có tượng của thầy cô và hai thị nữ theo hầu, đó là Tiên Dung và Ngọc Hoa (được dùng để ngụy trang). Ngoài ra còn có một bức Hoành phi nhỏ ghi: “Thiên Cổ Miếu” và hai câu đối bằng gỗ mộc dài chừng một mét, đều viết bằng chữ Hán: “Hùng Lĩnh trung chi thắng tích/ Nam thiên chích khí linh từ” nghĩa là: “Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của trời Nam”, Nay những hoành phi câu đối này đều được viết bằng chữ Việt cổ, tức là chữ “Khoa đẩu”, chữ của dân tộc ta có từ thời Hùng Vương và trưng bầy phiên bản trống đồng Lũng Cú -Lạng Sơn, trên trống có chữ khoa đẩu.
Theo một cuộc điều tra của Pháp những năm 30 về hệ thống đền, đình ở nước ta – tài liệu vẫn còn lưu trữ ở Viện Hán – Nôm, thì toàn miền Bắc và miền Trung có hơn 40 đền thờ các thầy cô giáo và những học trò thời trước Hán, tức là thời Hùng Vương đến thời An Dương Vương.Chính từ những chứng tích của Thiên Cổ Miếu, các nhà nghiên cứu, mà tiên phong là ông Đỗ Văn Xuyền đã tìm được một danh sách 18 thầy giáo thời Hùng Vương, những người đã đào tạo ra hiền tài cho các Vua Hùng như: Thầy Lý Đường Hiên, thời Hùng Vương thứ 6, dạy ở Yên Vĩ, huyện Hoài Nam, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam (nay là Ứng Hòa, Hà Nội); thầy Lỗ Công, thời Hùng Vương thứ 9, là cháu ngoại vua Hùng Định Vương, dạy ở kinh thành Văn Lang… Đến nay vẫn còn đền thờ của các thầy giáo và học trò của họ ở khắp miền Bắc nước ta như đền thờ thầy Hải Đường tiên sinh ở huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu; đền thờ Trương Sơn Nhạc – học trò thầy Lỗ Đường tiên sinh, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh… Thậm chí cả những vùng đất xa xôi, hiểm trở như ở Quỳnh Nhai, Sơn La, cũng có đền thờ thầy cô giáo và những học trò rạng danh thời đó. Dẫu có phải ngụy trang, thì những ngôi đền, những chứng tích quí báu ấy đã khẳng định sự cố gắng hết lòng của ông cha ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cố gắng bảo vệ những giá trị văn hoá của dân tộc cho muôn đời con cháu.
Thiên Cổ Miếu cùng những chứng tích quí báu ấy đã minh chứng thêm bộ chữ “Khoa đẩu” của dân tộc ta có từ trước công nguyên, được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ thuộc thời kỳ Đông Sơn tìm được ở nhiều nơi thuộc lãnh thổ nước ta theo một sự phát triển logic từ thấp đến cao, khẳng định hệ thống giáo dục của nước ta đã phát triển từ thời Hùng Vương, khẳng định bộ chữ Quốc ngữ được các giáo sỹ phương tây cùng những trí thức Việt Nam La Tinh hóa tên cơ sở bộ chữ “Khoa đẩu”, mà công đầu là của hai giáo sỹ Bồ Đào Nha: Cha Gaspan do Amaral và Cha Antonio Barbosa cùng đội ngũ những trí thức người Việt bằng những căn cứ khoa học không thể chối cãi đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước thừa nhận. Trên cơ sở công trình đó, sau này Alexandre de Rhodes hệ thống hóa và chỉnh lý hoàn thiện thêm.
Cũng chính tại nơi đây, đúng 10g sáng ngày 29.3.2009, tức ngày 4.3 âm lịch đã long trọng khánh thành Thần Qui bằng đá nguyên khối, nặng 4 tấn, mô phỏng, Thần Qui xưa đời Nghiêu, người Việt ta tặng con rùa ngàn năm tuổi, trên mai có khắc chữ “Khoa đẩu” (chữ như con nòng nọc) chép việc từ thời khai thiên lập địa trở đi để giữ hòa hiếu giữa hai nước. Sự kiện này đã được chép trong Ngọc phả đền: “Tứ Lạc Long Quân chi tử” đời Trần Thái Tông, tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Trong sách “Thông giám cương mục” của Chu Hy, sách “Tân lĩnh Nam chích quái” của Vũ Quỳnh…
Ngày nay, Thiên Cổ Miếu không chỉ là điểm đến của những người “Tôn sư trọng đạo”, yêu kính cội nguồn dân tộc, mà còn là điểm đến của không biết bao nhà nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước. Tất cả đều vô cùng khâm phục truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Gần đây nhất, ngày 7.7.2009 âm, tức ngày 26.8.2009, một đoàn nghiên cứu tâm linh gồm 50 người từ Braxin, Chi Lê, Tây Ban Nha, Pháp, Hung Ga Ri, Ý, Ma Xê Đoan, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ đã đến thăm viếng Đền Hùng, họ dâng lên 18 cặp bánh chưng, bánh dầy, xôi, mâm ngũ quả tỏ ý tôn trọng cội nguồn văn hóa Việt Nam, sau đó đã đến thăm Thiên Cổ Miếu. Khi được ông Đỗ Văn Xuyền giới thiệu lịch sử ngôi đền, hệ thống giáo dục của nước ta từ thời Hùng Vương, chữ Việt cổ, sự hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ trên cơ sở chữ Việt cổ… tất cả đều không dấu được sự khâm phục.
Thiên Cổ Miếu là ngôi đền thờ thầy cô giáo cổ nhất Việt Nam, đây là một minh chứng hùng hồn cho truyền thống giáo dục của dân tộc ta, một dân tộc có bốn nghìn năm văn hiến.
Trần Vân Hạc
( Tác giả đã mất ở Nha Trang năm 2015 )

Phần nhận xét hiển thị trên trang