Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Một hình ảnh thực của chân lý Vô Thường



Tác giả: Vũ Thế Thanh (.Nguồn: http://vietcatholic.ne t


Chào tất cả các em. Giọng tôi hơi bị khàn một chút, mong các em chịu khó nghe. Tôi xin tự giới thiêu, tôi tên là Richard và là một bác sĩ. Tôi sẽ chia sẻ vài suy nghĩ về cuộc sống của mình và rất hài lòng khi được các giáo sư mời đến đây. Hy vọng sẽ giúp các em cách suy nghĩ khi bắt đầu theo ngành để trở thành nha sĩ giải phẫu cũng như suy nghĩ về những việc chung quanh.

Từ lúc trẻ, tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay, một sản phẩm khá thành công mà xã hội đòi hỏi. Hồi nhỏ tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới mức trung bình. Tôi được bảo ban bởi người chung quanh và môi trường rằng thành công thì hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi trở nên cực kỳ ganh đua ngay từ nhỏ.

Không những chỉ cần đi học ở trường giỏi, tôi cần phải thành công trong mọi lãnh vực – từ các hoạt động tập thể đến chạy đua, mọi điều. Tôi cần phải đoạt được cúp, phải thành công, phải được giải, giải quốc gia, mọi thứ. Tôi rất ganh đua. Tôi vào trường y và trở thành bác sĩ. Chắc một số em biết rằng trong ngành y, giải phẫu mắt là một trong những chuyên khoa khó vào nhất. Tôi cũng vào được và được học bổng nghiên cứu của NUS phát triển tia laser để chữa bịnh mắt.

Trong khi nghiên cứu tôi có hai bằng phát minh- một về dụng cụ y khoa và một về tia lasers. Nhưng các em có biết không, tất cả các thành tựu này không mang lại cho tôi sự giàu có. Sau khi hoàn tất MOH, tôi quyết định rằng theo đuổi ngành phẫu thuật mắt mất quá nhiều thời gian trong khi ra ngoài làm tư kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu các em để ý, vài năm qua, ngành thẩm mỹ đang lên, kiếm được khối tiền. Vi`vậy, tôi quyết định bỏ ngành giải phẫu mắt giữa chừng và nhảy qua mở trung tâm giải phẫu thẩm mỹ trong tỉnh.

Các em có biết, rất mâu thuẫn, một người có thể không vui vẻ khi trả $20 cho một bác sĩ tổng quát, nhưng cũng chính người đó không ngần ngại trả $10,000 để hút mỡ bụng, $15,000 cho sửa ngực, vv… và vv. Không cần phải suy nghĩ nhiều, phải không? Tại sao lại muốn thành bác sĩ tổng quát mà không là bác sĩ thẩm mỹ? Do vậy, thay vì chữa bịnh, tôi quyết định trở thành người sửa sắc đẹp. Công việc làm ăn rất khấm khá. Bịnh nhân mới đầu chờ đợi một tuần, rồi 3 tuần, sau lên một tháng, 2 tháng, đến 3 tháng. Quá nhiều bịnh nhân. Tôi choáng váng. Tôi mướn một bác sĩ, hai bác sĩ, ba bác sĩ, rồi bốn bác sĩ. Chỉ trong vòng năm thứ nhất, chúng tôi đã lên hàng triệu phú. Nhưng chẳng thế nào là đủ vì tôi trở nên mê muội. Tôi bắt đầu khuếch trương tới Nam Dương, thu hút các “tai-tais” những người muốn có cuộc giải phẫu trong chớp mắt. Cuộc sống thật lên hương.

Tôi làm gì với mớ tiền dư thưà? Cuối tuần tôi tiêu khiển ra sao? Thông thường tôi đến tụ tập tại câu lạc bộ đua xẹ hơi. Tôi sắm riêng cho tôi một chiếc xe đua. Chúng tôi đến Sepang ở Mã Lai và đua xe. Cuộc sống của tôi là thế đó. Với mớ tiền măt, tôi sắm chiếc Ferrari. Lúc đó chiếc 458 chưa ra, chỉ có chiếc 430. Một người bạn học cũ của tôi làm ngân hàng. Anh ta mua chiếc màu đỏ mà anh mong muốn từ lâu. Tôi sắm chiếc màu bạc.

Tôi làm gì sau khi có chiếc xe? Đến lúc mua nhà, xây cửa. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm đất để xây nhà nghỉ mát. Tôi đã sống cuộc đời như thế nào? Chúng tôi nghĩ rằng phải cần hòa nhập với những người giàu có, nổi tiếng. Chúng tôi bắt đầu giao tiếp với mỹ nhân, người giàu sang và danh tiếng, như hoa hậu thế giới hay người sáng lập mạng internet, ăn uống ở mọi nhà hàng kể cả nhà hàng nổi tiếng của đầu bếp Michelin.

Tôi đã có được mọi thứ trong cuộc sống, đến tột đỉnh của sự nghiệp và tất cả. Đó là tôi của một năm trước đây. Lúc ở trong câu lạc bộ thể thao, tôi nghĩ tôi đã chế ngự được mọi chuyện và đạt đến đỉnh vinh quang.

Nhưng tôi lầm. Tôi không chế ngự được mọi chuyện. Khoảng tháng 3 năm ngoái, đột nhiên tôi bắt đầu bị đau lưng. Tôi nghĩ chắc tại tôi thường vận động manh. Tôi đi đến SGH và nhờ bạn học làm MRI để xem chắc là không bị trật đốt sống hay thứ nào khác. Tối hôm đó, anh ta gọi tôi và cho biết tủy sống thay đổi trong cột sống của tôi. Tôi hỏi như thế nghĩa là sao? Tôi biết nó có nghĩa như thế nào nhưng không thể chấp nhận sự thật. Tôi gần như muốn nói “anh nói thiệt sao?” tôi đang sắp sửa chạy đi tập thể dục. Ngày hôm sau chúng tôi có nhiều khám nghiệm hơn- PET scans- và họ tìm thấy tôi đang ở thời kỳ thứ tư của ung thư phổi. Tôi nghĩ “từ đâu mà ra thế này?”. Ung thư đã lan tới não, cột sống và nội tuyến. Các em biết, có lúc tôi hoàn toàn nghĩ mình đã chế ngự được tất cả, đã đạt đến tột đỉnh của cuộc sống, nhưng kế đó, tôi mất tất cả..

Đây là bản CT scan của phổi. Nhìn vào, mỗi chấm đều là nang ung thư. Và thật sự, tôi có cả chục ngàn nang trong phổi. Tôi được cho biết, ngay cả với hóa trị, tôi cũng chỉ còn được 3,4 tháng tối đa. Cuộc sống tôi bị nghiền nát, dĩ nhiên rồi, làm sao tránh khỏi? Tôi chán nản, tuyệt vọng, tưởng rằng mình đã có mọi thứ trước đây.

Điều mâu thuẫn là mọi thứ tôi có được – sự thành công, cúp thưởng, xe cộ, nhà cửa, tất cả những thứ mà tôi nghĩ đã mang hạnh phúc đến cho tôi; khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui. Tôi chẳng thể ôm chiếc Ferrari mà ngủ. Chuyện đó không thể xảy ra. Chúng không mang lại một sự an ủi nào trong những tháng cuối cùng của cuộc đời tôi. Vậy mà tôi đã tưởng những thứ này là hạnh phúc; không phải vậy. Điều thật sự mang lại cho tôi niềm vui trong mười tháng cuối cùng là tiếp xúc với người thân, bạn bè, những người chân thành chăm sóc tôi, cười và khóc cùng tôi. Họ có thể nhìn thấy sự đau đớn, chịu đựng mà tôi phải trải qua. Đây thật sự mang lại hạnh phúc cho tôi. Những thứ tôi sở hữu, đáng lý ra mang lại hạnh phúc, nhưng không, tôi đã chẳng cảm thấy vui khi nghĩ đến.

Các em có biết, Tết sắp đến. Trước đây, tôi thường làm gì? À, thì tôi thường lái chiếc xe hào nhoáng của mình một vòng, thăm viếng họ hàng, phô trương với bạn bè. Tôi tưởng đó là niềm vui, thật sự vui. Nhưng các em có nghĩ họ hàng, bạn bè tôi đang chật vật kiếm sống có thể chia sẻ niềm vui cùng tôi khi thấy tôi khoe khoang chiếc xe bóng loáng? Chắc chắn là không. Họ sống khó khăn, đi xe công cộng. Thật sự những gì tôi làm chỉ khiến họ thêm ganh ghét, thậm chí có khi thành thù hận.

Những thứ này chúng ta gọi là đối tượng của sự ganh tị. Tôi khoe khoang để lấp đầy sự kiêu hãnh và cái tôi của mình. Chúng chẳng mang lại niềm vui cho bạn bè, cho người thân như tôi tưởng.

Để tôi chia sẻ với các em một câu chuyện khác. Khi tôi bằng tuổi các em, tôi ở khu King Edward VII. Tôi có một người bạn khá lạ lùng đối với tôi. Cô ta tên là Jennifer.. Chúng tôi vẫn là bạn thân của nhau. Khi chúng tôi thả bộ, nếu cô ta thấy một con ốc sên trên đường, cô ta sẽ nhặt nó lên và đặt lại trong thảm cỏ. Tôi thắc mắc tại sao phải làm như thế? tại sao phải để bẩn tay? chỉ là một con ốc sên. Sự thật là cô ta đã cảm được cho con ốc có thể bị đạp nát chết. Đối với tôi, nếu không tránh đường thì đáng bị đạp nát, chỉ là luật tự nhiên thôi. Đối ngược nhau quá, phải không?

Tôi được huấn luyện thành bác sĩ để có từ tâm, đồng cảm. Nhưng tôi không có. Sau khi tốt nghiệp y khoa, tôi làm việc ở khoa ung thư tại NYH. Hàng ngày, tôi chứng kiến cái chết trong khoa ung thư. Tôi nhìn thấy tất cả đau đớn mà bịnh nhân phải chịu đựng. Tôi thấy tất cả các thuốc giảm đau, và họ cứ vài phút phải bấm vào người. Tôi thấy họ vật lộn với hơi thở cuối, thấy tất cả.. Nhưng đây chỉ là một công việc. Tôi đến bịnh xá mỗi ngày lấy máu, cho thuốc nhưng bịnh nhân có “thật” đối với tôi không? Không. Tôi chỉ làm công việc và nóng lòng về nhà để làm việc riêng của mình.

Sự đau đớn, chịu đựng của bịnh nhân có “thật” không? Không. Dĩ nhiên là tôi biết tất cả các từ ngữ chuyên môn để mô tả về sự đớn đau mà họ phải trải qua, nhưng thật sự tôi không hề “cảm” được cho đến khi tôi trở thành bịnh nhân. Mãi đến bây giờ, tôi mới thật sự hiểu được cảm giác của họ. Nếu các em hỏi tôi, nếu được làm lại cuộc đời, tôi có muốn thành một người bác sĩ khác không. Tôi sẽ trả lời các em là Có. Vì bây giờ tôi thật sự hiểu đươc họ. Tôi phải trả giá đắt cho bài học này.

Ngay khi các em vào năm thứ nhất, bắt đầu hành trình để trở thành nha sĩ giải phẫu, cho phép tôi thử thách các em hai điều.

Hiển nhiên, tất cả các em ở đây sẽ bắt đầu đi làm tư. Các em sẽ thành giàu có. Tôi bảo đảm với các em rằng, chỉ trồng răng, các em kiếm được bạc ngàn, mớ tiền không tưởng được. Và thật ra, không có gì sai trái với thành công, giàu có, tuyệt đối không gì sai trái. Điều phiền toái duy nhất là nhiều người chúng ta, như bản thân tôi, không thể kiềm chế được.

Tại sao tôi nói như vậy? Bởi vì càng tích tụ, càng có nhiều, tôi lại muốn nhiều hơn. Càng ham muốn, tôi càng trở nên mê muội. Như tôi đã đề cập trước đây, tôi muốn sở hữu nhiều hơn, đạt tới đỉnh vinh quang như xã hội muốn đào tạo chúng ta. Tôi trở nên mê muội đến nỗi mà chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bịnh nhân chỉ là một nguồn lợi tức và tôi vắt cạn từng xu từ họ.

Nhiều khi chúng ta quên đi mình cần phục vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai cả ngoài chính mình. Điều đó đã xảy ra với tôi. Dù là ở y hay nha khoa, tôi có thể nói với các em ngay bây giờ rằng, trong khi khám bịnh, đôi khi chúng ta khuyên bịnh nhân chữa trị bịnh không hẳn có, không rõ rệt và ngay cả khi không cần thiết.

Ngay tại thời điểm này, tôi biết ai là bạn tôi, chân thành lo lắng cho tôi và ai chỉ muốn làm tiền tôi bằng cách bán buôn “hy vọng” cho tôi. Chúng ta đánh mất lương tâm vì chúng ta chỉ muốn kiếm tiền.

Tệ hại hơn, tôi có thể kể cho các em nghe, vài năm vừa qua, chúng tôi đã nói xấu đồng nghiệp, “đối thủ” của chúng tôi và không hề thấy khó chịu. Nếu hạ thấp được họ xuống để nâng mình lên, chúng tôi làm. Điều đó đang xảy ra trong ngành y, nha và ở mọi nơi. Tôi thử thách các em không để đánh mất lương tâm mình. Tôi trả giá đắt cho bài học. Và tôi hy vọng các em sẽ không bao giờ phải như vậy.

Điều thứ nhì, về số lượng bịnh nhân, dù ở bịnh viên công hay tư. Tôi có thể kể cho các em nghe, khi tôi làm trong bịnh viện, với chồng hồ sơ bịnh lý, tôi chỉ muốn làm cho xong càng nhanh, càng tốt. Tôi chỉ muốn họ ra khỏi phòng khám bịnh của tôi càng nhanh, càng tốt vì có quá nhiều bịnh nhân. Thực tế là vậy. Đây chỉ là một công việc, một công việc thường nhật. Lúc đó, tôi có thật sự biết về cảm xúc của bịnh nhân của tôi như thế nào không? Không. Sự sợ hãi, nỗi lo âu của họ, tôi có thật sự hiểu điều gì họ đang trải qua không? Không, mãi cho đến khi sự cố xảy ra với tôi. Tôi nghĩ rằng đây là một lỗi lầm lớn nhất trong xã hội của chúng ta.

Chúng ta được huấn luyện để trở thành lương y, nhưng chúng ta không cảm được cho bịnh nhân. Tôi không đòi hỏi các em phải xúc động, vì như vậy cũng không chuyên nghiệp, mà chỉ hỏi chúng ta có thật sự cố gắng tìm hiểu nỗi đau đớn của họ không? Phần lớn là không, tôi có thể chắc chắn như vây. Do đó, tôi thử thách các em luôn đặt mình vào cương vị của bịnh nhân.

Bởi vì sự đau đớn, nỗi lo lắng, sợ hãi rất thực với họ mặc dù không thực đối với các em. Ngay hiện giờ, tôi đang chữa hóa trị lần thứ 5. Tôi có thể cho các em biết nó rất kinh khủng. Hóa trị là thứ mà các em không muốn ngay cả kẻ thù của mình phải trải qua vì bị hành, đau đớn, ói mửa. Cảm giác khủng khiếp! Và bây giờ, với chút năng lực còn lại, tôi tìm đến các bịnh nhân ung thư khác vì tôi thật sự hiểu được họ đau đớn, chịu đựng như thế nào. Hơi muộn màng và ít ỏi !

Các em có cả tương lai sáng lạn phía trước với tất cả tài năng và nhiệt huyết. Tôi thử thách các em, ngoài bịnh nhân của mình, hiểu thêm rằng có nhiều người ngoài kia đang thật sự đau đớn, thật sự khó khăn, đừng nghĩ rằng chỉ có người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng.. Những người nghèo khó vốn sẵn không có gì, họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các em và tôi. Nhưng có nhiều người đang đau khổ về tâm thần, thể xác, tình cảm, vật chất vv.vv.. Họ có thật. Chúng ta lựa chọn làm lơ hoặc chúng ta không muốn biết đến sự hiện hữu của họ..

Do đó đừng quên, khi các em được thành danh, hãy với tay đến những người cần sự giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm điều có thể mang đến sự khác biệt lớn cho họ. Bây giờ tôi ở vị trí của người tiếp nhận, tôi hiểu rõ, thấy khác khi có người thật sự chăm lo, khuyến khích mình. Nhờ vậy mà tôi vẫn có thể nói chuyện với các em hôm nay.

Tôi sẽ ngưng với lời sau, trong cuốn sách có tựa đề là “Những ngày thứ ba với Morris”. Có lẽ một số các em đã đọc cuốn này. Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày phải chết, chúng ta ai cũng biết như vây.. Nhưng sự thật, không ai tin, vì nếu tin chúng ta đã sống một cách khác.. Khi tôi phải đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập trung vào thứ thiết yếu. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này nghe qua trông thật mơ hồ, nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.

Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Điều này đã xảy ra cho tôi. Tôi tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của chính các em. Không phải do người khác bảo ban mà là các em quyết định, sống cho mình hay mang đến sự tốt đẹp cho đời sống của người khác. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình. Sự thật không như tôi đã tưởng.

Tôi xin tóm lược, trong cuộc sống, chúng ta biết sắp xếp thứ tự trước sau càng sớm, càng tốt. Đừng giống như tôi. Tôi không còn cách nào khác và đã phải trả giá đắt cho bài học.

Tất cả đều VÔ THƯỜNG.

1- Thời gian: Vô Thường:

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. 
Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có hiểu đời thì mới. 
Qua một ngày, vui một ngày.
Sống thanh thản, sống thoải mái.
Qua một ngày, mất một ngày.
Vui một ngày, lãi một ngày.

2- Hạnh phúc: Vô Thường:

Hạnh phúc do mình tạo ra.
Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, 
niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. 
Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

3- Tiền của: Vô Thường:

Tiền không phải là tất cả, nhưng không phải không là gì.
Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, 
nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân,
khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi.
Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. 
Nếu dùng tiền mua được sức khỏe, và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua ? 
Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ !

Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó. (Khó lắm !?!?)

– Tiền bạc không chắc lắm !
– Tài sản có thể bị mất vì các nguyên nhân:
1-Thiên tai, 2- Hỏa hoạn, 3- Bệnh tật, 4- Trộm cướp, 5- Con cái.
– Địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
– Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
– Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút, hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
– Con tiêu tiền cha mẹ, thoải mái. Cha mẹ tiêu tiền con, chẳng dễ gì.
– Nhà cha mẹ là nhà con; Nhà con không phải là nhà cha mẹ.

Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.

-Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được.. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra: ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ, vì mình đâu phải sống vì ý thích, hay không thích của người khác, nên sống thật với mình.

Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già, tâm không già, thế là già mà không già. Tuổi không già mà tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe người già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Người ngu gây bệnh: hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống….
Người dốt chờ bệnh: ốm đau mới đi khám chữa bệnh.
Người khôn phòng bệnh: chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống..
Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh… 
Tất cả đều là muộn.

Phẩm chất cuộc sống của người già cao hay thấp, chính yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để tổ chức cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu căn bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh, và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải, và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó ! Đó cũng là một việc tự nhiên thôi. Chẳng việc gì cố mà được, quả trái ngắt vội không bao giờ ngọt.

Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm, và cuối cùng đặt cho mình một dấu chấm hết thật tròn.

Sống ngày nào, vui ngày nấy ! Đó là tự do, là giải thoát!

Dr. Richard Teo



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thực phẩm Việt 'ngơ ngác' vì bị từ chối vào Mỹ


Viễn Thông 
























VNExp - Hơn 1.000 công ty Việt Nam đã rớt khỏi danh sách được xuất hàng vào Mỹ do không nắm bắt được quy định mới.

“Chúng tôi xuất khẩu gạo qua Mỹ ba năm qua. Nhưng từ đầu năm đến giờ, chúng tôi chưa có hợp đồng nào đi Mỹ. Với các thay đổi về tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm mới, có thể các nhà nhập khẩu bên đó đang tạm hoãn mua hàng để kiểm tra lại”, ông Phạm Thái Bình – Giám đốc công ty Gạo Trung An cho biết.

Công ty ông Bình chỉ là chưa có đơn hàng. Nghiêm trọng hơn, trong 7 tháng qua, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Nguyên nhân là các doanh nghiệp không nắm bắt và thích ứng được với thay đổi chính sách của nước này.

Tháng 12/2016, có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với FDA để xuất khẩu vào Mỹ. Nhưng trong tháng 1 năm nay, con số này rớt xuống còn 806. Ông Mark Gillin – Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) cho biết, theo quy định mới, tất cả các nhà máy đã đăng ký phải gia hạn đăng ký sau mỗi 2 năm, bắt đầu từ 2016, trong giai đoạn từ 1/10 đến 31/12. Tuy nhiên, hơn 1.000 công ty Việt Nam không biết quy định mới nên không đăng ký. Kết quả là họ bị rớt khỏi danh sách và không thể xuất hàng vào Mỹ.

“Theo quy định mới về an toàn thực phẩm dành cho sản phẩm nhập khẩu, dựa vào Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ và sự dịch chuyển trách nhiệm trong điều tra nhập khẩu cá da trơn từ FDA sang USDA, chúng tôi quan ngại rằng sự thiếu hiểu biết các quy định mới có thể gây ra sự giảm sút đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam vào Mỹ”, ông Mark Gillin nhận định tại "Diễn đàn an toàn thực phẩm toàn cầu" vừa diễn ra tại TP HCM.

Là một trong 15 đối tác thương mại nông nghiệp lớn nhất của Mỹ, năm ngoái, chỉ riêng cá và tôm cua đã mang về cho Việt Nam 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, đường vào Mỹ ngày càng khó, khi các quy định thành phần của Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA) đang dần có hiệu lực. Trong tháng 5 và 6 vừa qua, nhiều đoàn thanh tra của FDA đã đến các nhà máy thủy sản tại Việt Nam làm việc và cũng bắt đầu dò hỏi doanh nghiệp về các hiểu biết liên quan đến FSMA.

FSMA có tinh thần cốt lõi là chuyển trọng tâm từ đối phó nhiễm bẩn thực phẩm sang phòng chống nhiễm bẩn thực phẩm. Luật này không chỉ quan tâm đến kiểm tra chất lượng đầu cuối mà quy định chi tiết và chặt chẽ cả chuỗi sản xuất thực phẩm, từ trang trại đến bàn ăn.

Luật cũng yêu cầu nhà nhập khẩu tham gia Chương trình kiểm tra nhà cung ứng nước ngoài (FSVP). Nghĩa là các đơn vị tại Mỹ muốn nhập khẩu sẽ phải kiểm tra kỹ hơn về nguồn hàng từ Việt Nam so với trước.

Trong khi đó, với nhà chế biến, nếu từ trước đến nay có thể tự tìm hiểu các tiêu chí của Hazard rồi áp dụng thì FSMA lại gắt gao hơn. Luật yêu cầu các nhà chế biến phải có một cá nhân được học về FSMA theo các chương trình do FDA công nhận. Tức là, doanh nghiệp muốn đưa hàng qua Mỹ thì phải cử một người đi học và tốt nghiệp được chương trình luật FSMA cho Mỹ cấp bằng.

“FSMA là luật. Nó khác với các tiêu chuẩn tự nguyện. Với FSMA mà không tuân thủ là không có cơ hội đưa sản phẩm vào Mỹ. Vì vậy, thay vì hỏi có nên áp dụng FSMA hay không thì phải hỏi là có muốn xuất khẩu đi Mỹ hay không. Nếu đã muốn xuất hàng đi Mỹ thì FSMA là bắt buộc”, ông Nguyễn Huy -  Giám đốc Thực phẩm của Bureau Veritas Việt Nam nhấn mạnh.

Trước tính cấp bách của các thay đổi này, Thủ tướng vừa giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tìm hiểu những thay đổi trong quy định nhập khẩu của Mỹ để kịp thời thông tin đến các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan nhằm có biện pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về xuất khẩu.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, xu hướng tăng hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu thực phẩm và truy xuất chất lượng đến tận nguồn đang diễn ra mạnh mẽ tại các thị trường phát triển. Việt Nam muốn giữ vị thế là một nhà xuất khẩu lớn thì phải chấp nhận cuộc chơi.

Báo cáo của Trường kinh doanh Marshall dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương công bố cuối năm ngoái nhận định, các biện pháp phi thuế quan trong thương mại đang ngày càng gia tăng và phức tạp hơn ở các quốc gia. Trong số đó, rào cản kỹ thuật đối với thương mại và các biện pháp vệ sinh – kiểm dịch động thực vật được coi là những rào cản lớn nhất.

“Nhu cầu của thế giới về các loại đạm động vật lành mạnh và thực phẩm nhiệt đới ngày càng tăng. Vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao quyền hạn và năng lực cho ngành thực phẩm Việt Nam, thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững và tuân thủ các quy định mới của FDA”, bà Ratih Puspitasari, Giám đốc Phụ trách Hợp tác Khoa học và Luật định củaCargill khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ nhận định.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ai 'dính' giai đoạn 2 vụ cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga lừa đảo?


T.Nhung























VNN - Vì thời hạn điều tra đã hết, có nhiều nội dung CQĐT đã tách ra để điều tra ở giai đoạn 2 của vụ án.

Phiên tòa xét xử vụ án cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiều qua diễn ra muộn hơn bình thường do sức khỏe của bị cáo Nga không đảm bảo. 

Bị cáo Nga được đưa về bệnh xá của trại tạm giam để ổn định sức khỏe.

Trong phần thẩm vấn, HĐXX hỏi những bên liên quan về số tiền mà bà Nga đã chi có hóa đơn chứng từ.

Theo cáo trạng, bà Nga đã chi hơn 85 tỷ đồng thực hiện một số hạng mục tại dự án B5 Cầu Diễn và chi hoa hồng môi giới; chi hơn 80 tỷ đồng cho mục đích cá nhân gia đình và hoạt động công ty Housing Group.

Đồng thời, bà Nga cũng chi hơn 6,2 tỷ đồng mua cổ phần tại công ty Đầu tư BĐS Á Châu; hơn 7,7 tỷ đồng đầu tư góp vốn cho công ty BĐS Á Châu; hơn 3,6 tỷ đồng cho ông Nguyễn Văn Ngọc (Chủ tịch HĐQT công ty CP đầu tư và Xây lắp H36) vay và thực hiện dự án Xuân La; chi hơn 1,4 tỷ đồng cho công ty chuyển giao và công nghệ Công Anh để làm thủ tục vay tiền nước ngoài.

Bà Nga còn chi gần 10 tỷ cho các dự án làm phim; hơn 25 tỷ đồng cho các dự án khác.

Như vậy, trong tổng số tiền thu được từ khách hàng là hơn 377 tỷ đồng, bà Nga đã sử dụng hết 219 tỷ có hóa đơn chứng từ. Còn lại hơn 157 tỷ đã được sử dụng, nhưng không có chứng từ chi nên Phạm Thị Thu Hạnh - kế toán trưởng Housing Group hạch toán vào công nợ phải thu của Châu Thị Thu Nga.

Đi về đâu hơn 157 tỷ đồng?

Bà Châu Thị Thu Nga khai, số tiền hơn 157 tỷ đồng được bà ta sử dụng như sau: Chi 54 tỷ đồng cho ông Nguyễn Xuân Quý (nguyên Phó TGĐ Housing Group, đã chết năm 2013); 12 tỷ cho ông Lê Hồng Cương (nguyên Phó TGĐ công ty Housing Group) để chi phí việc giải quyết thủ tục đầu tư dự án được thuận lợi; 47,5 tỷ đồng để "chạy" dự án và để được ứng cử ĐBQH khóa 13.

Đối với việc chi số tiền không có chứng từ này, CQĐT Bộ Công an đã lấy lời khai của những người mà bà Nga khai đưa tiền, nhưng những người này đều không thừa nhận.

Về việc bà Nga khai sử dụng số tiền hơn 157 tỷ đồng, do thời hạn điều tra đã hết, ngày 9/6/2017, CQĐT đã ra quyết định tách nội dung này để điều tra làm rõ.

Đối với hành vi, trách nhiệm của một số cá nhân thuộc sở, ban, ngành thuộc UBND TP Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm và hành vi của một số cá nhân thuộc UBND thị trấn Cầu Diễn như: Để cho công ty Housing Group thi công khoan nhồi khi chưa có giấy phép xây dựng, giao cho liên danh Housing Group và công ty HAIC nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Dự án B5 Cầu Diễn nhưng không kiểm tra đôn đốc việc triển khai dự án và hoàn thiện các thủ tục pháp lý..., quá trình điều tra, VKSND TC đã có nhiều văn bản yêu cầu CQĐT làm rõ nội dung này.

Ngày 9/6, CQĐT tách hành vi trên để điều tra làm rõ và đề xuất xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài Dự án B5 Cầu Diễn, công ty Housing Group còn thực hiện một số dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn Hà Nội như: Khu nhà ở để bán cho cán bộ công nhân viên quận Cầu Giấy có khó khăn về nhà ở và các đối tượng khác tại phường Dịch Vọng (Cầu Giấy); Khu nhà ở kinh doanh tại Phú Thượng (Tây Hồ); Trung tâm thương mại kết hợp văn phòng và nhà ở chung cư cao tầng tại 132 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), CQĐT đang tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu.

Do nội dung của những dự án này không liên quan đến nội dung lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Dự án B5 Cầu Diễn nên không xử lý trong vụ án này, nhưng VKSND TC yêu cầu CQĐT tiếp tục điều tra, thu thập tài liệu và xử lý theo quy định.

Tại tòa, đại diện Housing Group cho biết đã nhiều lần kiến nghị, mong Dự án B5 Cầu Diễn được tiếp tục triển khai. Người đại diện này cho hay: Gần đây công ty đã tìm được đối tác sẵn sàng đầu tư dự án nếu cơ quan chức năng cho công ty tiếp tục triển khai.

Lợi rất nhiều nếu dự án được triển khai, ngược lại, nhiều vấn đề sẽ không được giải quyết. Nguyện vọng của công ty và toàn bộ khách hàng là dự án được tiếp tục triển khai.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chuyện hiếm Hà Nội: Chia nhau bó rau dập nát, "nhắm mắt" ăn liều đồ Tàu


Theo Như Băng/VietnamNet 































Dân Trí - Những đợt mưa lớn triền miên khiến giá rau xanh tăng phi mã, nhiều loại đắt ngang giá thịt lợn. Hiện ở các siêu thị, rau dập nát được vét mua hết sạch, còn ở chợ, rau củ Trung Quốc người dân cũng tranh nhau mua vì nguồn cung khan hiếm.

Rau tăng phi mã, đắt ngang thịt cá

Ghi nhận của PV.VietNamNet tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, khoảng nửa tháng nay, giá rau xanh bắt đầu tăng mạnh. Đặc biệt, mấy ngày gần đây, giá rau xanh tăng phi mã. Nhiều loại rau hiện đắt ngang với thịt cá ngoài chợ.

Cụ thể, tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai), so với thời điểm cách đây nửa tháng, cà chua tăng 10.000 đồng/kg lên mức 30.000 đồng/kg; cải ngồng giá 30.000 đồng/kg, tăng 17.000 đồng/kg; mùng tơi giá 12.000 đồng/mớ, tăng 8.000 đồng/mớ, cải canh giá từ 3.000 đồng/mớ tăng lên 10.000 đồng/mớ, cải chíp cũng tăng gấp đôi lên mức 30.000 đồng/kg, rau dền cũng tăng giá gấp đôi lên mức 7.000 đồng/mớ, rau muống tăng lên 12.000 đồng/mớ,...

Theo bà Nguyễn Thị Huân, tiểu thương bán rau tại chợ Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều loại rau tại chợ giá tăng cao ngất ngưởng, đắt ngang với giá thịt lợn. Ví như, giá súp lơ xanh đang ở mức 60.000 đồng/kg, giá hành lá tăng lên mức 70.000 đồng/kg, đắt đúng bằng giá thịt mông, thịt vai lợn ngoài chợ.

"Đợt này chỉ có một số loại giá tăng nhẹ như: Bắp cải giá tăng 5.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, cải thảo tăng lên 20.000 đồng/kg, bầu 18.000 đồng/kg, khoai tây tăng 2.000 đồng/kg lên mức 15.000 đồng/kg, su su quả tăng 2.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg", bà Huân cho hay.

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ nhiệm HTX Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội), cho biết, mưa lớn triền miên nhiều ngày liên tiếp khiến nhiều diện tích rau bị ngập úng, dập nát và thối hỏng phần lớn là nguyên nhân chính khiến giá rau xanh tại chợ tăng mạnh.

Ông Minh cho biết, HTX rau Văn Đức có trên 60% diện tích rau ăn lá bị thối hỏng và khoảng hơn 40% diện tích rau ăn củ, quả bị hỏng do đợt mưa lớn vừa qua. Kéo theo đó, nguồn cung rau khan hiếm khiến giá rau củ quả tăng khoảng 40-50%.

Cũng theo ông Minh, giá rau vẫn sẽ tiếp tục tăng nếu vẫn xảy ra mưa lớn. Còn nếu trời ngừng mưa thì phải ít nhất 10 ngày nữa thì giá rau mới hạ nhiệt dần và về lại mức cũ.

Tranh nhau mớ rau dập nát, "nhắm mắt" ăn rau Trung Quốc

Không những phải mua với giá đắt đỏ, chị Đỗ Thị Thu Hương ở khu chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) còn cho biết, đến những mớ rau dập nát trong siêu thị người dân cũng tranh nhau vơ vét.

Chị Hương kể, hơn 10 giờ trưa 16/10, tranh thủ xuống dưới siêu thị gần nhà mua ít rau xanh để nấu cơm trưa, chị thấy quầy rau đã sạch bóng, còn sót lại vài mớ cải dập nát. Đang đắn đo cân nhắc xem có nên mua không thì vèo một cái, quầy rau còn đúng 1 mớ chị đang cầm trên tay.

Chưa kịp bỏ rau vào giỏ hàng, có một bác đứng chờ sẵn bên cạnh liền hỏi "có lấy không để tôi lấy". Lúc đó, may mà rau đã cầm trên tay không thì cũng bị người khác nhanh tay mua mất, chị chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Kim, nhân viên một siêu thị mini tại Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), cho hay, rau ăn lá hay các loại củ quả được người dân mua vét sạch ngay từ 9 giờ sáng.

"Đến hơn 10h kệ rau sạch bóng, còn vài cọng hành hơi dập nữa cũng được hai người tranh nhau mua, ai cũng muốn lấy hết. Cuối cùng tôi phải ra nói hai khách nhường nhau mỗi người một nửa vì siêu thị hết sạch hàng rồi, mà rau củ các loại thì phải đến sáng mai mới nhập được tiếp", anh Kim chia sẻ.

Trong khi đó, tại các chợ, dân cũng tranh nhau mua rau tích trữ vì sợ giá rau tiếp tục tăng mạnh và quan trọng hơn là sợ không mua được rau ăn do cháy hàng.

"Những ngày bình thường, khách toàn mua 5.000-20.000 đồng tiền rau là nhiều. Vậy mà hai ngày nay, khách mua rau ào ào, người ít mua 50.000-70.000 đồng/lần, người mua nhiều thì mua liền một lúc cả 100.000-150.000 đồng tiền rau" - chị Thuận, tiểu thương bán rau tại chợ Đại Từ nói. Rau xanh đắt đỏ, hàng khan hiếm, nhiều người còn chấp nhận ăn cả các loại rau củ quả Trung Quốc như: bắp cải, súp lơ, khoai tây, su hào, cải thảo vì nguồn hàng khá dồi dào và giá đợt này không tăng quá cao.

Thừa nhận việc này, chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể rằng sáng chị đi chợ muộn một chút mà hết sạch rau xanh, đành nhắm mắt mua đại cái bắp cải Trung Quốc về ăn tạm.

"Cứ đà này mai chắc phải dậy sớm đi chợ mua lấy ít rau xanh về tích tủ lạnh ăn dần, chứ đi muộn chút lại phải ăn mấy loại rau củ Trung Quốc", chị Dung nói.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Còn biết bao nhiêu cây kim đang nằm trong bọc


LÊ THANH PHONG


























LĐO - “Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày 14.10.

Nếu không có tiêu cực thì làm sao hàng ngàn cánh rừng bị tàn phá bằng cách này hay cách khác, hàng vạn khối gỗ bị đưa ra khỏi rừng, qua mặt hết lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng.

Những cây gỗ quý to lớn phải dùng xe cơ giới chuyên dụng mới đưa ra được khỏi rừng, nhưng nó trở thành “cây kim” trong mắt lực lượng quản lý bảo vệ rừng, những người đứng đầu địa phương. Họ đã không thấy.

Cây gỗ đã được hô biến thành cây kim vì sao?

Nhiều vụ lâm tặc phá rừng, nhưng chưa có vụ nào bí thư hay chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, bị cách chức hay một hình thức kỷ luật nặng khác. Nếu như khi xảy ra vụ phá rừng, mạnh tay xử lý, “lột lon” chi cục trưởng chi cục kiểm lâm, kỷ luật chủ tịch tỉnh, thậm chí cách chức, thì may chăng còn giữ được rừng, không tan nát như ngày hôm nay.

Còn nhiều thứ khác rất to, nhưng nó đã bị biến thành cây kim nhỏ xíu, khiến cho các cơ quan phòng, chống tham nhũng không thể thấy được. Biệt phủ, biệt thự của nhiều quan chức sừng sững giữa thiên hạ, nhưng không ai thử gõ cửa hỏi số gỗ làm nhà từ đâu ra, nguồn gốc có sạch hay không?

Nhưng đáng tiếc, biệt phủ của quan chức cứ tồn tại, báo chí lên tiếng ồn ào dăm bữa nửa tháng rồi rơi vào im lặng. Những bản tin tiếp theo là số người kê khai tài sản không trung thực chỉ vài trường hợp trên cả triệu người.

Và còn nữa, nhiều trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chính quyền bổ nhiệm người thân các chức vụ lãnh đạo, biến họ từ dân thành quan, thậm chí quan to. Cứ thế, các ông quan này ban bố chức tước cho “hậu duệ”, coi việc nước như việc nhà, dẫn đến cả dòng họ làm quan trong một địa phương. Báo chí đưa tin một số nơi có tình trạng cả dòng họ làm quan, nhưng chưa thấy có trường hợp nào được thanh tra cho rõ để xử lý làm gương. Những chuyện như vậy cũng không phải là những “cây kim”, bàn dân thiên hạ đều biết. Mới đây có trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh bị điểm đúng bản chất là cây củi tươi to chứ không phải cây kim. Nhưng còn biết bao nhiêu cây kim khác đang nằm trong bọc.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

25 chuyện “khác người” của Bắc Triều Tiên

Nhiều nơi trên thế giới xem Bắc Triều Tiên là một đất nước đầy bí ẩn vì chủ trương đóng cửa với thế giới của chính quyền nước này. Ngoài ra, chính quyền Bắc Triều Tiên cũng hay có những hành động “không bình thường” làm thế giới không thể hiểu nổi…


1. Cần sa là hợp pháp

Tại Bắc Triều Tiên, cần sa không bị luật pháp cấm cản. Đầu năm 2013, phóng viên tự do Darmon Richter đã đi mua cần sa bán công khai ở chợ tại Bình Nhưỡng và chụp hình lại, sau đó ông đã chia sẻ lên blog cá nhân.

2. Cách tính năm

Đa số các nước trên thế giới dùng Tây lịch, thế nhưng cho đến tận năm 2016 hiện nay Bắc Triều Tiên vẫn sử dụng thứ lịch riêng của họ, theo đó với họ năm nay là năm 104. Vì năm 1997 Bắc Triều Tiên đã thông qua loại lịch của riêng họ, theo đó dùng năm sinh của ông Kim Il-sung (1912) là năm đầu tiên.

3. Bầu cử

Thực tế Bắc Triều Tiên không theo chế độ thế tập, cứ 5 năm họ tổ chức bầu cử một lần, lãnh đạo Bắc Triều Tiên được chọn qua bầu cử, còn tỉ lệ phiếu bầu cho lãnh đạo luôn tuyệt đối 100%. Nguyên nhân vì sao? Vì chỉ có một lựa chọn trong bầu cử.

4. Không có đèn giao thông

Trên đường phố Bắc Triều Tiên không có đèn giao thông xanh đỏ, không có bất cứ thứ đèn tín hiệu giao thông nào, thay vào đó họ dùng một nữ cảnh sát chỉ huy giao thông. Bắc Triều Tiên không xảy ra rối loạn giao thông, vì chỉ quân nhân mới có xe hơi cá nhân.

5. Sân thể thao lớn nhất thế giới

Tuy đất nước Bắc Triều Tiên không lớn, nhưng họ lại có sân vận động có sức chứa 150.000 người: Sân vận động Rungra 51. Nơi đây từng diễn ra hoạt động biểu diễn hoành tráng nhất thế giới: đồng diễn thể dục khổng lồ “Arirang” với 100.000 người tham gia.

6. Trừng phạt ba đời

Ở Bắc Triều Tiên, nếu một người phạm pháp bị tống vào nhà tù thì có thể liên lụy đến người thân, cả cha mẹ và con cái họ cũng bị trừng phạt, bị bắt đi cải tạo lao động. Vì luật của Bắc Triều Tiên có điều “trừng phạt ba đời”.

7. Học đàn phong cầm

Ở Bắc Triều Tiên rất thịnh hành đàn phong cầm, vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tất cả các thầy cô giáo đều buộc phải học sử dụng đàn phong cầm. Đến nay loại nhạc cụ này vẫn được nhiều người Bắc Triều Tiên quan tâm.

8. Làng làm mẫu

Gần vĩ tuyến 38, Bắc Triều Tiên có làng Hòa Bình, sau chiến tranh Triều Tiên được sử dụng như một phương thức đối chọi với Hàn Quốc, được xây dựng thành “làng làm mẫu”. Làng này tuy không có dân cư sinh sống nhưng luôn được chiếu sáng, có đường sá gọn gàng sạch sẽ, tạo cho mọi người cảm giác lầm lẫn có người sinh sống. “Hành động giả” này của chính quyền Bắc Triều Tiên cũng tốn rất nhiều công sức.

9. Hiến pháp chỉ dùng để đọc

Trong Hiến pháp Bắc Triều Tiên cũng có những nội dung về tự do ngôn luận, bầu cử dân chủ và tự do tôn giáo, nhưng những vấn đề này không đi vào thực tế cuộc sống.

10. Bắt cóc đạo diễn làm phim

Ông Kim Chính Nhật rất xem trọng phát triển công nghiệp điện ảnh, vì thế đã từng bắt cóc đạo diễn Shin Sang-ok và người vợ là diễn viên Choi Eun-hee người Hàn Quốc đến Bắc Triều Tiên làm phim. Sau 8 năm bị bắt họ mới trốn thoát được trong một chuyến đi công tác.

11. Godzilla của Bắc Triều Tiên

«Quái thú Bình Nhưỡng (Pulgasari)» là phiên bản Godzilla của Bắc Triều Tiên, là bộ phim “quái thú” hàng đầu của nước này. Sau khi bộ phim vừa hoàn thành thì đạo diễn Shin Sang-ok trốn thoát, nhưng ông Kim Chính Nhật không thừa nhận Shin Sang-ok là đạo diễn của bộ phim này.

12. Lãnh đạo vĩnh cửu

Bắc Triều Tiên có “lãnh đạo vĩnh cửu”, đó là Kim Nhật Thành. Cho dù ông ta đã qua đời nhiều năm và vai trò lãnh đạo được trao cho con và cháu ông ta, nhưng Kim Nhật Thành vẫn được xem là “lãnh đạo vĩnh cửu”.

13. Rượu mạnh (Brandy)

Công ty Hennessy từng tiết lộ, khách quý nhất của họ là ông Kim Nhật Thành. Từng có thông tin, hàng năm ông Kim Nhật Thành chi khoảng 7,63 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu rượu mạnh.

14. Kỳ lân

Nhà khoa học của Bắc Triều Tiên vô cùng lợi hại, vì theo truyền thông nước này thì những nhà khoa học không chỉ phát hiện ra hang của kỳ lân mà còn tin hang này thuộc về con kỳ lân do Đông Minh Vương cưỡi (người sáng lập nên vương quốc Cao Câu Ly cổ đại).

15. Tỷ lệ người biết chữ là 99%

Số liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ cung cấp năm 2006 cho biết, tỷ lệ người biết chữ ở Bắc Triều Tiên không thua gì Mỹ, cao đến 99%. Dù vậy, chính quyền Bắc Triều Tiên không thừa nhận số liệu này, họ kiên quyết cho rằng “nước chúng tôi không có ai là không biết chữ”.

16. Giải trí

Người Bắc Triều Tiên giải trí như thế nào? Họ có ba khu vui chơi lớn ở Bình Nhưỡng, trong đó có công viên nước. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể được thụ hưởng.

17. Việc được hoan nghênh nhất

Có một việc được chính quyền Bắc Triều Tiên hoan nghênh nhất: đi thăm quan thi thể ông Kim Chính Nhật.

18. Luật bóng rổ

Bắc Triều Tiên quả thật khác biệt, thậm chí đến cả luật ghi điểm trong bóng rổ, nhiều thứ hoàn toàn khác với giải nhà nghề NBA. Ví dụ ném phạt mà không vào rổ là bị trừ điểm.

19. Người Mỹ tự nguyện sống tại Bắc Triều Tiên

Có một người Mỹ tên Joseph Dresnok là người Mỹ duy nhất cho đến nay vẫn sống khỏe mạnh ở Bình Nhưỡng. Sau chiến tranh Triều Tiên, ông đã vượt biên giới vào Bắc Triều Tiên. Khi đó Joseph Dresnok cũng gặp 3 chiến binh người Mỹ khác chạy vào Bắc Triều Tiên, nhưng về sau cả 3 người kia đều bỏ đi, hiện chỉ còn mình Joseph Dresnok chọn quyết định ở lại.

20. Ba kênh truyền hình

Bắc Triều Tiên chỉ có ba kênh truyền hình, trong đó hai kênh chỉ phát vào cuối tuần, kênh còn lại thì chỉ chiếu vào buổi tối. Hàng nhập lậu mà Bắc Triều Tiên thích nhất là gì? Đó chính là vở nhạc kịch ‘Giặt quần áo’ của Hàn Quốc.

21. Trong 10 nước sản xuất rau quả hàng đầu thế giới

Cho dù người dân Bắc Triều Tiên thường xuyên thiếu ăn, nhưng đây lại là nước sản xuất rau quả hàng đầu thế giới. Đây là thực tế, vì đa số đồ ăn không thể trực tiếp đến tay người dân Bắc Triều Tiên.

22. Học trò trả phí sưởi ấm và bàn ghế

Có ba thứ miễn phí mà người dân Bắc Triều Tiên được hưởng đó là giáo dục, nơi cư trú và phí y tế. Tuy nhiên, đối với học trò thì dường như chỉ có học phí là được miễn, toàn bộ những thứ khác phải chi tiền, ví dụ bàn ghế thì phải bỏ tiền ra mua.

23. Bình Nhưỡng chỉ dành cho tinh anh

Thủ đô Bình Nhưỡng có khoảng 3 triệu người, nhưng đối với người dân ở nhiều nơi khác thì nơi này không khác gì một “thiên đường” xa vời, vì chỉ giới “tinh anh” mới có khả năng ở nơi này.

24. Tài nguyên… phân và nước tiểu

Nguồn tài nguyên của Bắc Triều Tiên thiếu thốn, và họ cũng rất thiếu… phân bón. Để gia tăng sản lượng, chính quyền Bắc Triều Tiên có phương pháp “tiên tiến”, theo đó họ ra lệnh phải thu giữ lại một lượng nhất định phân và nước tiểu của các gia đình.

25. Một nửa dân số nghèo khổ cùng cực

Theo định nghĩa của Ngân hàng thế giới, một người chi phí cuộc sống trung bình một ngày chưa đến 1,25 đô la Mỹ là thuộc diện cực nghèo. Nhưng trong dân số hơn 24 triệu người ở Bắc Triều Tiên thì có hơn một nửa số dân thiếu thốn nhu cầu sinh hoạt cơ bản.

Mộc Vệ (T/H), Trí Thức Việt Nam

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chùm ảnh hiếm về trạm xăng tự động của Sài Gòn trước 1975


Thật không thể tin ngày xưa Sài Gòn đã giàu vượt bậc như vậy. Ngày xưa mà đã có các cây xăng tự động, tự lấy. Rất nhiều xe hơi ra vào để tự bơm xăng, thật đúng là phồn vinh.
Đây là những hình ảnh mà bây giờ gần như không thấy được ở Việt Nam. Hồi đó, cây xăng tự động – nơi người dân miền Nam Việt Nam tự bơm xăng rồi tự trả tiền – là một điều hết sức bình thường. Vậy mà bây giờ, nó là một cái gì đó không thể tưởng tượng được.
Trong trung tâm Sài Gòn, những cây xăng và trụ xăng tự động ở khắp mọi nơi, thuận tiện cho người dân đổ xăng cho phương tiện vận chuyển.
87
Cây xăng Shell ở góc Hồng Thập Tự – Pasteur, 1968.
88
Người phụ nữ đang tự đổ xăng.
89
Cây xăng góc Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân, 1965.
90
Cây xăng Shell góc Phan Thanh Giản – Lê Văn Duyệt, 1967.
91
Cây xăng góc Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân.
92
Cây xăng góc Hai Bà Trưng – Trần Cao Vân, 1958.
93
Cây xăng Esso cạnh ngã tư Phú Nhuận, 1965.
94
Cây xăng Caltex góc Võ Tánh – Cách Mạng 1/11, 1967.
95
Câu xăng Shell ở Thủ Đức, 1965.
96
Cây xăng Esso trên đại lộ Võ Tánh, 1966.
98
Cây xăng góc Trần Hưng Đạo – Nguyễn Biểu. Chợ Lớn, 1966.
99
Cây xăng góc Trần Hưng Đạo – Nguyễn Biểu, 1967.
97
Cây xăng Caltex đầu đường Cách Mạng 1/11, 1966.
100
Cây xăng góc Võ Tánh – Cách Mạng 1/11, 1965.
Phần nhận xét hiển thị trên trang