Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Đâu mới thực sự là nỗi đau?


Cách một chức vụ trong quá khứ mà gọi là đau ư? Có nỗi đau nào hơn khi nhìn vào một nền kinh tế bệ rạc, khi nhân dân mất đi mồ hôi xương máu của mình? Có nỗi đau nào hơn khi hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng và thậm chí còn hơn thế nữa bị mất đi theo những dự án vĩ cuồng, những dự án với các tính toán phi thực tế, phi quy luật, để lại hậu quả từ thất thoát đến thua lỗ và phá sản?

Vậy là Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã có một lãnh đạo mới. Điều này đồng nghĩa, chức danh Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là điểm dừng chân cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của ông Võ Kim Cự.

Với tất cả những gì đã làm, sau tất cả những gì đã xảy ra, có lẽ Võ Kim Cự là một người may mắn khi chỉ bị cách các chức vụ trong quá khứ, còn chức danh hiện tại vẫn được giữ nguyên để chờ ngày về hưu, một cách để hạ cánh an toàn.

Nhưng, khi một quan chức đã có sai phạm bị kết luận ở mức nghiêm trọng lại gặp may mắn trong sự nghiệp chính trị còn lại của mình, thì đó thực sự là nỗi bất hạnh của nhân dân.

Những người có trách nhiệm nói đại ý rằng, cách các chức vụ trong quá khứ là một biện pháp rất đau đối với kẻ đã làm điều sai trái. Nhưng, tôi đang tự hỏi, họ có thực sự biết đau không? Họ có còn biết đến liêm sỉ không? Họ có còn biết đến đạo đức của một con người không? Họ có còn coi trọng đạo làm quan không?...

Nếu còn thì tại sao có thể làm những việc ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của nhân dân và làm suy kiệt tiềm lực của đất nước?

Nếu không thì làm sao cảm nhận được thế nào là nhục, thế nào là đau?

Cách một chức vụ trong quá khứ xa lắc xa lơ chẳng ảnh hưởng gì đến mũ cao áo dài hiện tại mà gọi là đau ư? Nỗi đau ấy là cái gì nếu so với nỗi đau khi một vùng biển mênh mông của đất nước bị đầu độc, khi sinh kế của hàng trăm ngàn người dân bị ảnh hưởng, khi những chiếc thuyền nằm yên trên cát và ngư dân buộc phải rời bỏ chiếc lưới đánh cá của mình?

Cách một chức vụ trong quá khứ mà gọi là đau ư? Có nỗi đau nào hơn khi nhìn vào một nền kinh tế bệ rạc, khi nhân dân mất đi mồ hôi xương máu của mình? Có nỗi đau nào hơn khi hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉ đồng và thậm chí còn hơn thế nữa bị mất đi theo những dự án vĩ cuồng, những dự án với các tính toán phi thực tế, phi quy luật, để lại hậu quả từ thất thoát đến thua lỗ và phá sản?

Có nỗi đau nào hơn khi người dân cứ miệt mài làm lụng, thắt lưng buộc bụng, cun cút đóng góp vào ngân khố quốc gia, để rồi kẻ cắp biến thành của mình? Để rồi tiền thuế của dân bị bòn rút, môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác vô tội vạ? Và cuối cùng là nguồn lực quốc gia ngày càng cạn kiệt.

Trong bất kì một thể chế chính trị nào, khi quan tham có thể cười thì nhân dân sẽ luôn phải khóc.

Bạch Hoàn
(FB Bạch Hoàn)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

VŨ HỮU ĐỊNH, ĐƯỜNG ĐI CHƯA TỚI


(Nhân bác Lê Quỳnh Kontum hỏi bài viết đã lâu về nhà thơ tôi yêu mến Vũ Hữu Định. Tiện tôi treo lại, bác nào chưa đọc, đọc cho vui)

(nhà thơ Vũ Hữu Định 1942-1981)
Từ độ Nguyễn Bính bị “giam mình“ bởi Trăm Hoa đua nở, để rồi phải chết trong cái tận cùng của sự đói khổ vào một đầu ngày xuân, nơi bè bạn. Cứ tưởng rằng, văn học sử Việt Nam không phải viết tiếp những cái bi thương đó. Nhưng đúng mười lăm năm sau (1981) thi sĩ Vũ Hữu Định ra đi, trong cái khốn cùng ấy, đã lặp lại y chang bóng hình Nguyễn Bính. Tuy không cùng một thế hệ, nhưng Nguyễn Bính và Vũ Hữu Định đều là hai thi sĩ đích thực nhất, lấy thơ, rượu và rong chơi bạn bè, giang hồ làm thú vui của cuộc đời. Nếu như Lỡ Bước Sang Ngang hay đến độ trùm cả lên tên gọi của Nguyễn Bính, thì Còn Một Chút Gì Để Nhớ đã làm nên tên tuổi nghệ sĩ Vũ Hữu Định. Tôi không có ý so sánh, nhưng quả thật, Nguyễn Bính và Vũ Hữu Định có những cá tính, thân phận khá trùng hợp nhau.
Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên Huế, trong gia cảnh nghèo túng. Cuộc đời lang bạt nhiều nơi, nhưng Đà Nẵng mới là chốn đi về, cũng là nơi dừng chân cuối cùng của ông.
Vũ Hữu Định bộc lộ năng khiếu văn thơ khá sớm. Những năm đầu thập niên sáu mươi, của thế kỷ trước, ông đã có thơ đăng rải rác trên các báo ở Sài Gòn. Nhưng phải đến chục năm sau,(1970)thơ của ông mới thật sự bước vào độ chín. Dù trước khi dừng bước giang hồ (chết) Vũ Hữu Định chưa có một tập thơ riêng nào, nhưng thơ của ông đã được in một cách trân trọng, sâu đậm nhất, trong lòng bạn bè và người đọc, từ suốt mấy chục năm qua. Tôi nghĩ, Vũ Hữu Định đã chinh phục được nhiều thế hệ người đọc như vậy, bởi sự trong sáng trong thơ, trong tư tưởng, chứ không hẳn chỉ vì tài năng của ông. Thơ Vũ Hữu Định nhẹ nhàng không chỉ trong tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu, mà khi viết về thân phận con người dù trong xã hội, hoàn cảnh bi đát nhất, đắng chát nhất, ta vẫn cảm thấy lời thơ, nỗi buồn ấy, man mác, dìu dịu, dường như thoảng qua thôi. Chứ tuyệt nhiên không thấy nó bùng, hoặc gợn lên một chút hằn học, đắng cay. Nên đọc thơ ông, không gây cảm giác nặng nề, dù người đọc khó và kỹ tính nhất.
Cũng như Nguyễn Bính, cuộc đời Vũ Hữu Định là chuỗi ngày dài khao khát tìm kiếm, trong men say với những bước chân giang hồ. Nhưng nó lại là chiếc vòng luẩn quẩn, Vũ Hữu Định không bao giờ đi tới đích. Cho nên, bốn mươi năm rong chơi, cuộc đời ông chỉ là những áng mây, bồng bềnh trong buổi chiều đông xám ngắt, buồn hay vui cũng chẳng thể giãi bày:
“Chiều dựng mùa đông mây xám ngắt
núi cao trời thấp có ta về
giang hồ đâu có ai phong ấn
mà nghĩ từ quan trở lại quê
-------------------------------
Ta đi, có những ngày trú quán
lòng mốc tình khô như lá bay
ngồi quán suốt ngày trông thiên hạ
ta có sầu không ta cũng chẳng hay…“
(Chẳng Hay)
Thật là kỳ lạ, thoáng đọc qua Vũ Hữu Định, ta cứ ngỡ, trong những lúc bồng bềnh tỉnh say ấy, thi sĩ bất chợt viết ra những câu thơ, làm nao lòng đến như vậy. Nhưng khi bình tâm, đọc ông kỹ hơn, ta mới cảm được, cái lung linh, tinh túy đó, chỉ có thể được chiết, vắt ra từ cái quằn quại trong tâm hồn sâu thẳm, tỉnh táo hơn ai hết của thi sĩ. Biết là thế và rất tĩnh tâm đọc ông, nhưng đôi khi ta vẫn phải giật mình tự hỏi. Thi sĩ vờ? Hay Vũ Hữu Định đang say: “Anh là một gã giang hồ tới/ Lòng hoang như con lộ không đèn/ Ngồi với hồn sầu ly rượu cạn/ Sao mới vài ly mà đã say?”.
Vâng! Vũ Hữu Định đã vờ say, để vắt ra những câu thơ rất tỉnh. Chỉ một chút hương tinh túy của đất trời, thi sĩ đã chưng cất lên bức tranh Quê Rượu, yên bình tuyệt đẹp. Trước cũng như sau Vũ Hữu Định, có nhiều thi sĩ đã dùng hương, khói bay để diễn tả tâm trạng, hay một nỗi nhớ quê xa…Như câu thơ Huy Cận “ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà“. Huy Cận bảo, không có khói. Thật ra hương khói ấy, đã có thường trực trong lòng thi sĩ, trong lòng người đọc rồi. Nhưng viết lạ như Vũ Hữu Định, có lẽ chúng ta ít gặp. Thi sĩ bảo, dường như đã say men, say rượu, nhưng đâu phải vậy (ông đang đùa đấy). Ông đang say cái đẹp, cái hương đầu mùa trong làn khói hoàng hôn xuống:
“ Tới đây thấy lúa vàng đang chín
Đứng lại nhìn thôn xa khói bay
Không biết nhà ai đâu nấu rượu
Thoảng thoảng hương mùa đã muốn say“
(Quê Rượu)
Có lẽ, không thể thơ nào ép nén ngôn từ, ý tưởng của người thi nhân, như thơ tứ tuyệt. Nó chỉ được(nở) bung ra, khi người thưởng ngoạn chạm đúng vào cái van nén đó. Cấu trúc thơ tứ tuyệt nhỏ là thế, nhưng lại dung tải những điều lớn lao khôn cùng. Thông qua hình tượng cụ thể, nhà thơ gửi vào đó cảm xúc, tư tưởng của riêng mình và đôi khi nó còn là của cả một xã hội đương thời hay chế độ xã hội đã qua…(Nói vui, làm thơ tứ tuyệt cứ như công việc của người thợ nén và nổ bỏng ngô vậy).
Vũ Hữu Định cũng thế, ông có nhiều bài thơ tứ tuyệt hay, nhưng hai bài: Màu Trời Cũ, Cảm Mà Viết 3, được viết trước và sau 1975, tôi thích hơn cả. Có một điều kỳ lạ, cả hai bài đều có nội dung tư tưởng trùng lặp nhau. Nó như là khúc hát u hoài, mang mang niềm tiếc nuối. Dường như người thi sĩ cố giấu đi cái xót xa đau đớn đó. Nhưng trong cơn say, cơn mê, sự thật lại trở lại và nỗi đau kia đã vỡ òa trong ông. Đọc hai bài thơ này, ta chợt ngộ ra cái mâu thuẫn ngay trong nội tâm của thi sĩ. Và cả cuộc đời ông luôn phải đi tìm, giải quyết mâu thuẫn ấy:
“Sáng hôm nào ngó lại
Màu xanh trên trời cao
Màu của trăm năm cũ
Mà sao lòng ta đau“
(Màu Trời Cũ)
“Khi tỉnh chẳng bao giờ ta khóc
Lúc say mê khúc hát người xưa
Một ý cũ như là trái đất
Ngấm trong ta bật tiếng khóc òa“
(Cảm Mà Viết 3)
Trong hành trình tìm kiếm đó, lúc nào Vũ Hữu Định cũng cảm thấy cô độc, dù xung quanh ông đầy ắp bạn bè. Và ông luôn luôn là người đi ngược lại những con đường. Để rồi khi thành phố về đêm, ông chỉ còn là người lỡ hẹn. Rồi những bước chân vô định ấy, in lên thành phố, một tiếng lặng câm, dù ông đang nghe thấy hàng nghìn tiếng động. Vâng! Đó là những bước chân đã lỗi nhịp. Dù không tiếng vọng, nhưng nó như ngàn nhát búa gõ vào hồn người. Bài “Tạm Trú“ là một bài thơ hay. Tôi nghĩ, có nhiều người chung hoàn cảnh, đau và thấm thía, khi đọc bài thơ này:
“…trong đám đông anh lại càng cô độc
bởi một nơi đâu cũng ăn tạm ở nhờ
sợ cả lời chia vui thành thật
bạn bè thì đông sao anh vẫn bơ vơ
buổi tối xe lam muộn màng ế khách
lại tới một nơi không hẹn không tìm
anh đi ngược lại con đường xe chạy
mỗi bước chân rời mỗi nhịp đau tim
thành phố lặng là khi nghìn tiếng động
không xô tan được khối lòng sầu
chân anh bước, mắt chỉ nhìn phía trước
tai nghe hoài một câu hỏi về đâu…”
Bước chân đã lỗi nhịp, Vũ Hữu Định chơi vơi trong khoảng không rách nát. Sự cô đơn cùng cực trong cái hoang vắng của linh hồn, nhà thơ tìm đâu ra một tri kỷ? Thời chẳng còn những Thi Thánh, Thi Tiên, cùng với rượu thi sĩ tìm về với Thi Qủi Lý Hạ trong cõi u hoài. Đêm Mưa Thiếu Rượu Nhớ Lý Hạ, là một bài thơ như vậy. Vũ Hữu Định đã mượn Lý Hạ, để giãi bày sự cô đơn trong tận cùng nghèo khổ về cả vật chất lẫn tâm hồn của thi nhân:
“…Cứ tưởng nằm kề bên họ Lý
Gác chân nhau nói chuyện biển dâu
Ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu
Gối chai không mà thương nhớ nhau
Thời đại thánh thần đi mất biệt
Còn lại bơ vơ một giống sầu
Rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn
Nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mau…“
Bốn mươi năm trên cõi tạm của Vũ Hữu Định là vòng tròn luẩn quẩn. Cái luẩn quẩn ấy, có ngay từ trong tâm thức nhà thơ. Do vậy, bao khát khao, khi đi cũng như lúc trở về của ông đều mờ mờ, nhạt nhạt. Và con đường cuối của nhà thơ là con đường lang thang về lại cõi ao tù. Tuy hoang mang cay đắng là thế, nhưng ta vẫn thấy lời thơ nhẹ nhàng, như chính con người ông:
“Bờ chiều sắc cỏ sông xanh
Mây bay anh đứng lại nhìn mây bay
Nỗi niềm vui với đắng cay
Theo sông nước chảy theo ngày phù du
Lang thang về cõi ao tù
Lạ quen ai đó nghìn thu nhớ gì!“
(Không Đề)
Đọc Luân Hoán và Hoàng Cát, thấy hai ông thi sĩ này, tử vì thơ đã thấy kinh, nhưng khi nghiên cứu Vũ Hữu Định, tôi còn thấy thất kinh hơn. Nói như từ ngữ thời nay, của mấy ông bà nghệ sỹ trẻ: Vũ Hữu Định đã cháy hết mình cho thi ca. Qủa thật, cháy hay đốt thế nào thì chưa biết, nhưng cứ để vợ con nheo nhóc, nhiều bạn bè dù rất thương Vũ Hữu Định, cũng phải phàn nàn về ông.
Nói là như vậy, nhưng từ một khía cạnh nào đấy trong tâm hồn thi sĩ mới hiểu và cảm thông được cho ông. Nói như nhà thơ Đinh Trầm Ca:
“ Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận...Hai mươi năm nay tôi lại giống anh lúc trước, tôi mới hiểu được và thương anh. Khi tôi hiểu được thì không còn Định nữa để mời một chén rượu cảm thông. Tôi không nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn các bạn tôi rằng anh là người say đắm thơ, rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối đời anh không nhờ thơ, rượu thì không biết con người anh sẽ ra sao? Và cuối cùng thơ rượu đã cứu rỗi anh.“
Cuộc sống Vũ Hữu Định là những chuyến đi dài, ngắn. Trách nhiệm gia đình chắc chắn dồn lên vai người vợ trẻ. Tôi cho rằng, không phải Vũ Hữu Định ít nghĩ đến trách nhiệm gia đình, mà có thể ông còn nghĩ nhiều hơn đã tưởng. Nghiên cứu về Vũ Hữu Định, tôi thấy có nhiều bài thơ, ông viết về vợ con gia đình, đọc cảm thấy rưng rưng. Vâng! Cũng có lẽ, từ những vần thơ đắng chát này, không những bạn bè mà vợ con gia đình cảm thông cho thi sĩ phần nào chăng?
“…Lần nào em sinh nở
ta cũng phải vắng nhà
tháng này em sinh nở
ta lại trên đường xa
…cám ơn người vợ khổ
chiều nay ta khóc thầm
uống những giọt rượu đắng
ngày xa quê long đong…“
Cũng như nhiều nhà thơ khác, Vũ Hữu Định là người gắn bó, yêu quê hương, đất nước hơn bao giờ hết “ Mùa lúa năm nay đòng đòng đã trổ/ Anh yêu mùa yêu đất yêu quê“. Dường như, bài thơ nào viết về quê hương đất nước, của ông cũng hay. Lời thơ nhẹ nhàng, giầu hình tượng, tưởng như những nốt nhạc rót thẳng vào lòng người. Và có lẽ, chỉ có tình yêu trong sáng, chân thực người nghệ sĩ mới làm rung động lòng người đến như vậy. Có khi chỉ là làn khói bếp bay lên trong chiều hoàng hôn, bên đồng lúa vàng đang vào mùa gặt, hay một tiếng gọi đò trưa cũng làm tâm hồn ông thổn thức bồi hồi. Và có cơn bão về làm cho lòng ông quằn quại, đớn đau:

“cơn bão lớn về bình nguyên giục giã
run theo cây mùa lúa rạp buồn rầu
cát bụi lộn đường bay tản về đâu
khung cảnh dựng mùa nguyên sơ man dã
con sông nước về tràn mọi ngả
thuyền bè đi, đi mất tự bao giờ
những bến chiều tấp nập mộng ban sơ
đã hun hút trong triều lên trắng xoá…“
(Thời Tiết)
Có thể nói bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ là chiếc đinh, đã đóng dính tên tuổi Vũ Hữu Định vào trang, thế kỷ hai mươi với những bài thơ hay của văn học đất Việt. Nó cũng giúp cho nhạc sỹ Phạm Duy, để lại cho đời một nhạc phẩm (cùng tên) mãi ru hồn người.
Có người cho đây là bài thơ tình. Tôi nghĩ, không hẳn như vậy. Và câu chuyện bắt đầu, từ người lính chiến trên đồn biên giới, lần đầu làm thân lữ khách. Có phải người lữ khách đó là Vũ Hữu Định, hay thi sĩ đã hóa thân làm anh lính chiến ấy? Trong tâm trạng buồn tênh, trước khoảng trời xanh dường như đang thấp xuống, thi sĩ chợt thấy em đi trong sương khói mông lung huyền ảo, giữa cái lạnh chiều đông. Để rồi, chợt một phút xuất thần và có lẽ giây phút xuất thần đó đến với Vũ Hữu Định chỉ có một lần? Thi sĩ đã kịp vẽ lại. Thật là kỳ lạ, chỉ có bốn khổ thơ ngắn gọn đơn giản, thế mà dáng vóc, thần thái của phố núi hiển hiện lên rất hoang sơ mà lãng mạn. Nó như là bức tranh hai mặt, thành phố đã tạc vào em, hay em đã tan trong thành phố, làm người lữ khách phải ngất ngây. Cho nên, dù quen, hay người lần đầu đến với Pleiku, trong hoàn cảnh, tâm trạng nào, khi đọc(nghe) cũng cảm thấy gần gũi và không khỏi bồi hồi xúc động.
Và tôi tin rằng, chắc chắn mai này, sẽ có một con đường Vũ Hữu Định mờ mờ sương khói, được gắn với với bài thơ này, trên dáng hình em phố núi Pleiku.
Không hiểu do vô tình hay cố ý, ở trong nước, khi viết, đọc và hát, người ta đã đổi từ TRÊN ĐỒN trong câu thơ nguyên bản: Mai xa lắc trên đồn biên giới, là một câu thơ sống, nó sẽ hiển hiện ra sự sống, hình bóng người lữ khách, người lính trên đồn biên cương, bằng từ BÊN ĐỒI, làm cho câu thơ trở thành câu thơ chết, vô nghĩa vô hồn: Mai xa lắc bên đồi biên giới.
Hay câu: Đi dăm phút đã về chốn cũ. Từ Dăm trong câu thơ bị thay bằng con số đếm NĂM (5) làm cho câu thơ bị đóng khung, gò bó. Từ dăm, ba mang tính ước lệ, làm cho câu thơ thoáng đạt và hay hơn rất nhiều.
Thật vậy, trong một bài thơ chỉ bị thay một từ, một câu ý nghĩa của cả bài sẽ khác đi nhiều lắm.
Và thật kỳ lạ, trên bia mộ thi sĩ Vũ Hữu Định cũng thấy khắc câu thơ vô nghĩa “Mai xa lắc bên đồi biên giới“ này? Tôi nghĩ, nếu như vì lý do gì đó, không được sử dụng nguyên bản, nên đổi câu thơ, đoạn thơ khác của thi sĩ. Vũ Hữu Định không thiếu những câu thơ hay. Nghe nói, bia mộ này, do các nhà thơ bạn của thi sĩ cùng với gia đình dựng lên?
Chúng ta hãy đọc(nghe) bài thơ này, để cảm lại tài năng của thi sĩ Vũ Hữu Định nhé: https://www.youtube.com/watch?v=8C7JowQ3qhY

“phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.“

Sinh ra và lớn lên, rồi phải sống cùng chiến tranh, nên Vũ Hữu Định nhận ra sự tàn khốc của nó. Đọc bài thơ Trên Đoạn Đường Về Quê của ông, được viết vào năm 1972, làm tôi chợt nhớ đến câu thơ, của Nguyễn Duy “nghĩ cho cùng/mọi cuộc chiến tranh/phe nào thắng thì nhân dân đều bại“ Tôi nghĩ, đây là bài thơ rất hay, viết về chiến tranh trong kho tàng thi ca đất Việt. Nó không những hay về nội dung nghệ thuật, mà còn bộc lộ rõ tư tưởng, cái nhìn khách quan của nhà thơ về chiến tranh. Cuối bài thơ là một câu hỏi, đọc lên ta cảm thấy đau đến xé lòng “Những dòng máu đã thấm tràn mạch đất/Có làm tương lai con cháu huy hoàng?“. Huy hoàng sao được khi con cháu chúng ta cũng là nhân dân. Đã là nhân dân thì sự thất bại là điều không tránh khỏi. Và tương lai, đã thấy những gì từ mấy chục năm qua?
“Lửa đã cháy đường ra quê em
Lửa đạn, lửa trời đốt người nghiệt ngã
Lửa đã cháy trong lòng anh hóa đá
Giữa biển người thành thú bò ngổn ngang
Trong hai lằn đạn giữa đồng hoang
Máu chảy ngập chân lúa gầy cỏ dại
Máu đã đỏ con đường anh đi lại
Của những ngày xưa yêu dấu vô cùng
Ôi con trẻ cũng biết tìm sự sống
Bò giữa hôn người vừa chết nát thân
Đêm ngã xuống vô tình con trăng bạc
Những tiếng gọi gào sao không động từ tâm
Lửa rực đỏ treo trăm đường sinh tử
Trong đêm cay, đêm địa ngục hãi hùng
Mẹ thét tìm con tóc dài điên dại
Xiêu vẹo giữa đường chết đuổi sau lưng
Lửa đã cháy đường ra quê em
Lửa đã cháy một đoạn lòng của mẹ
Ôi cái chết có còn chăng lý lẽ
Có lý lẽ nào đã giết anh em
Ðường ra quê em trăm ngàn cay đắng
Lửa hạ đạn gào trăm tiếng kêu la
Những dòng máu vô tình vô tội
Ðã chảy lên nhau thành suối chan hòa
Lửa Quảng Trị lửa rượt về Mỹ Chánh
Rải những thây người gục giữa đồng khô
Những dòng máu đã thấm tràn mạch đất
Có làm tương lai con cháu huy hoàng?”

Với tôi, một số bài thơ viết về tình bạn, tình yêu đôi lứa, tôi đã đọc, không phải là những bài thơ hay của Vũ Hữu Định. Viết về tình bạn, tình yêu của ông thường nặng tính kể lể, liệt kê. Chứ hoàn toàn không triết lý sâu sắc viết về tâm trạng, thân phận con người như trong thơ tứ tuyệt. Hay trữ tình, giầu hình tượng như viết về quê hương đất nước. Hôm rồi, có một nhà thơ gửi cho tôi tập Thơ Vũ Hữu Định Toàn Tập, do nhóm nhà thơ Trần Hoài Thư sưu tầm, nhà in Thư Ấn Quán, Hoa kỳ. Đây là tập thơ thứ hai của Vũ Hữu Định. Nhưng tôi tin chưa đầy đủ, thơ của thi sĩ vẫn còn luẩn quất đâu đó. Trong tập thơ này, có bài Một Chiếc Gương Soi, rất dở. Lời thơ sên sến, nhạt nhạt. Không biết Vũ Hữu Định viết bài thơ này vào thời gian nào?(có sự nhầm lẫn khi sưu tầm hay không?) Nếu xóa tên tác giả đi, tôi tin, không ai nghĩ, đó là thơ của Vũ Hữu Định:
“Với số tiền còn lại ngày ở Sài Gòn
Em sẽ soi gương mỉm cười rẽ tóc
Em sẽ nhìn để nhớ anh hôn
Mua cho em chiếc gương tròn bỏ bóp
Quà Sài Gòn về tặng người yêu
Buổi trưa nắng trong vườn xanh Đại Nội
Em sẽ vì anh tô lại môi thơm
Để em nhớ hàm răng em có ngọc
Mắt em đa tình, em sẽ soi gương
Để nhớ anh những ngày xa cách
Tập lại duyên cài lại tóc hoa hường
Anh còn lại năm mươi đồng trong túi
Không mua được gì ngoài một chiếc gương
Bởi anh nghĩ xa nhau còn để nhớ
Trong gương soi anh hôn hết nỗi buồn“

Cứ tưởng mới đây thôi, thế mà đã trên ba mươi năm, Vũ Hữu Định từ bỏ hành trình “đi học làm thơ, xin phần rượu tặng“ trong nhân gian, để về đối ẩm, ngâm thơ cùng Thi Qủi Lý Hạ.
Bốn mươi năm cuộc đời là bốn mươi năm thi sĩ Vũ Hữu Định khao khát, mải miết đi tìm. Tuy nó ngắn ngủi và đường đi chưa tới…nhưng hình ảnh ông, thơ văn ông để lại cho đời, vẫn mãi đậm sâu trong lòng bạn bè và người đọc.

Leipzig 10-4-2014
Đỗ Trường

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cao Biền và Trang Nghị đại vương trên đất Thái Bình


Năm 1985 ở khu vực chợ Quài (Thái Hà, Thái Thụy, Thái Bình) Bảo tàng Thái Bình đã tiến hành đào một miệng giếng cổ và phát hiện hàng trăm viên gạch mang dòng chữ Giang Tây quân 江西軍. Giang Tây quân là gạch loại gạch của Tĩnh Hải quân thời Đường, mà Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân đầu tiên là Cao Biền. Đây cũng là loại gạch được tìm thấy ở lớp gạch dưới cùng trong Hoàng thành Thăng Long và một số thành cổ khác như thành Hoa Lư (Ninh Bình), thành nhà Hồ (Thanh Hóa).
Theo nhận xét của đoàn khai quật khu vực này tập trung đậm đặc loại gạch trên ở trong khoảng đất dài khoảng 1000m, rộng từ 50-100m. “Di tích khảo cổ Thái Hà – Thái Phúc cao, hẹp, dài, án ngữ cửa Kỳ Bố và cửa Đại Toàn… Rất có khả năng đây là một công trình quân sự phòng thủ ven biển…”.
Giang Tay quanGạch Giang Tây quân ở Thái Bình.
Ở chùa Phúc Lâm của thôn Phúc Tiền (Thái Phúc, Thái Thụy, Thái Bình), cũng là nơi phát hiện loại gạch Giang Tây khi nhà chùa đào đất lấy cát sau chùa. Cùng với những viên gạch Giang Tây quân này nhà chùa còn đào được 1 hũ tiền Khai Nguyên thông bảo, tức là tiền mang niên hiệu Khai Nguyên (713-741) của vua Đường Huyền Tông. Tiền Khai Nguyên thông bảo là loại tiền được dùng phổ biến trong suốt thời nhà Đường. Chùa Phúc Lâm do đó có thể là một trạm hoặc kho quân dụng trong tuyến phòng thủ ven biển dưới thời Đường.
Trong khuôn viên chùa Phúc Lâm nay còn một ngôi đền nhỏ thờ thành hoàng làng. Trước đây đình Phúc Tiền (Thái Phúc) theo Danh mục thần tích thần sắc Thái Bình có thờ tướng quân Cao Biền. Sau đình bị phá nên nhà chùa mang các đồ thờ về dựng một ngôi đền nhỏ để tiếp tục thờ.
Câu đối ở đền thờ thành hoàng trong chùa Phúc Lâm:
文物彬彬地是前東材舊邑
宫庭飭飭歲在己未春新修
Văn vật bân bân, địa thị Tiền Đông tài cựu ấp
Cung đình sức sức, tuế tại Kỷ Mùi xuân tân tu.
Dịch:
Văn vật mộc mạc, đất ở Tiền Đông nơi ấp xưa
Cung quán nghiêm trang, năm tại Kỷ Mùi xuân mới sửa.
“Văn vật” ở đây phải chăng nói tới những viên gạch có chữ Giang Tây quân?
IMG_6914Đền thờ thành hoàng ở chùa Phúc Lâm (Phúc Tiền, Thái Thụy, Thái Bình).
Những viên gạch Giang Tây quân và tục thờ Cao Biền tại Thái Phúc đã xác nhận đây là một điểm đồn binh quan trọng của Cao Biền trên đất Tĩnh Hải. Thần tích của một nơi khác ở Thái Bình đã kể lại rõ ràng diễn biến của việc này. Đó là thần tích về Trang Nghị đại vương ở thôn Hoa Dương (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình). Hoa Dương xã thần tích chép như sau:
… Giữa Đời Đường Hàm Thông đời vua Ý Tông lại cử Yêu Vệ tướng quân Cao Biền: ông họ Cao húy là Biền, cháu của Cao Sùng, con của Cao Luân, mẹ người họ Lý vốn người ở Quảng Đông, gia truyền làm thầy địa lý tinh thông, đời nối đời làm quan. Vào thời Đường, thay quan chức Tù trưởng bằng chức Đô hộ Tổng quản Kinh lược Chiêu thảo sứ tướng quân tất phải trao cho Cao Biền. Cao Biền khấu tạ (vua Đường) đem quân ra đi, tới cửa biển làm lễ cầu đảo trời đất, rồi lệnh cho hơn 5 vạn tinh binh xuống thuyền ra đi từ cửa biển thuận buồm xuôi gió hứng khởi ngâm một vần thơ:
Ba quân lẫm liệt xuất trùng quan
Vạn dặm sóng cồn vạn dặm an
Tự hồng mao chẳng nề sống thác
Thờ vua nợ nước dám từ nan?
Vừa khi đi tới địa đầu huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam, có một ngày đi qua địa đầu trại Yến Liên, sau đổi là trang Hoa Dương, ở đó có một con sông nhỏ.Đoạn trên trong thần tích tại Hoa Dương kể rất rõ việc Cao Biền xuất quân từ bên phương Bắc theo đường biển đổ bộ vào cửa biển nước Nam tại Thái Bình. Đó cũng là lý do để Cao Biền xây dựng một tuyến phòng thủ ven biển tại đây như đã thấy qua di tích gạch Giang Tây quân ở trên.
Đoạn tiếp theo thần tích thôn Hoa Dương kể tại đây Cao Biền gặp 4 vị thần, tự xưng là tứ vị Lôi Đình (Lôi Oanh): một vị tên là Thanh Cung, một vị tên là Chàng Chiểu, một vị tên là Từ Kinh, một vị tên là Trang Nghị,… Vốn là thần nắm giữ gió mây sấm chớp, chăm chăm phụng mệnh trời giáng làm Thủy thần trông coi bốn phía phương dân, cai quản đất đai cảnh thổ. 
Lại nói, bấy giờ ở đất Phong Châu có trên 5 vạn tên giặc Man vào xâm lấn bờ cõi. Viên quan dâng tấu vua Đường, vua sai quan truyền lệnh cho Biền công Thứ sử Giao Châu đem quân đi đánh Nam Chiếu (tức Ai Lao), Biền công lập tức điều quân đi đánh Nam Chiếu. Trong một ngày, quan quân vừa tới trang Hoa Dương, huyện Ngự Thiên phủ Tiên Hưng, Biền công ra lệnh cho quân đình trú ngự tại thần từ, kỷ đảo xin thần phù hộ cho quân đi đánh giặc đợi sau khi chiến thắng trở về, sẽ phong sắc cho thần là Thượng Thượng đẳng.
Sáng hôm sau ông bái yết thần từ, đề binh tiến thẳng tới Nam Chiếu đại phá giặc, chém đầu Chánh tướng và Tỳ tướng của chúng gồm 20 thủ cấp, thu hồi vũ khí, xe ngựa của chúng nhiều vô kể. Giặc tháo chạy tan tác chẳng biết đi lối nào hết. Từ đây thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự, Biền công làm sớ tâu lên vua Đường: giặc Man đã quét sạch cũng là nhờ công âm phù trợ của thần linh.
Vua ban sắc cho Tứ Vị Lôi Oanh là Thượng đẳng phúc thần để thần cùng được trường tồn với trời đất mà việc phụng thờ thần trở thành nghi thức muôn thuở vậy thay.
Cao Biền được nhà Đường cử sang An Nam để đánh dẹp giặc Nam Chiếu. Bước tiến quân đầu tiên của Cao Biền là dẫn quân đi thuyền vào đất Thái Bình. Tứ vị Lôi Oanh ở Thái Bình đã hiển linh phù trợ Cao Biền trong trận chiến này. 4 vị “thần sấm” này là ai mà lại trợ giúp Cao Biền đánh Nam Chiếu?
Xét các vị thủy thần của khu vực đất Thái Bình thì 4 vị thần này chỉ có thể là những người trong Ngũ vị tôn quan trong thần tích thờ vua cha Bát Hải Động Đình ở đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Nói cách khác, đây chính là những người anh em đã theo Lạc Long Quân (vua Hùng) đánh Thục, gây dựng nên triều đại cha truyền con nối đầu tiên của Trung Hoa. Vì là những vị thần có công đánh Thục ở phía Tây nên các vị này mới hiển linh giúp Cao Biền đánh giặc Nam Chiếu (Ai Lao – cũng là ở phía Tây).
Chữ Lôi là quẻ Chấn, chỉ hướng Đông. Hướng Đông là hướng biển (Động Đình), là hướng Bát (số 8 của Hà thư) trong tên Bát Hải Động Đình. Lạc Long Quân có nơi như ở làng Bình Đà (Hà Nội) còn được gọi là Pháp Lôi là với ý này.
Xét tên của 4 vị Lôi Oanh ở Hoa Dương thì đây là 4 phương vị:
– Thanh Cung rõ nhất là hướng Đông vì Thanh, màu xanh là màu phương Đông.
– Chàng Chiểu là hướng Tây vì Chiểu – Chiêu – Chiều, hướng mặt trời lặn.
– Từ Kinh là hướng Bắc vì Kinh hay Canh là can chỉ phương Bắc (như trong kim La Kinh).
– Trang Nghị như thế phải là thần hướng Nam. Chưa hiểu liên hệ từ ngữ thế nào.
Địa danh Hoa Dương cũng có thể xuất phát từ “Hoa Đào trang”, là nơi lập nghiệp của vua cha Bát Hải Động Đình. Hoa – Hạ là tên của vương triều do Lạc Long Quân lập nên, xuất phát từ đất Thái Bình.
Trang Nghị đại vương là vị thần thời Hùng Vương, công thần lập quốc của Lạc Long Quân và là một trong 5 vị quan lớn của ban Công đồng trong Tứ phủ. Một vị cổ thần anh linh đã 4000 năm như vậy mà bị biến thành bố của Thái sư Trần Thủ Độ thì… con cháu quá to gan, chẳng mấy bữa các cụ hiển linh vặn cổ cho chẳng còn đường mà sống…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“UNG THƯ LÀ CƠ HỘI ĐỂ BIẾT CUỘC ĐỜI LÀ HỮU HẠN” !!!



TBT  Cô Trương Thanh Thủy, sinh năm 1986, nổi tiếng của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, sáng lập tổ chức SCI (Salt Cancer Initiative) nhằm cung cấp thông tin, giáo dục, và sự hỗ trợ đến bệnh nhân ung thư và người thân tại Việt Nam, cũng là thành viên trong êkip sản xuất của bộ phim Cô gái đến từ hôm qua. Thanh Thủy phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi bộ phim đang bấm máy, và đây là lý do Cô gái đến từ hôm qua được chọn để trình chiếu miễn phí cho những bệnh nhân ung thư. 

image2-1504785321257.jpg

Êkip làm phim (từ trái qua) gồm nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà, diễn viên Miu Lê, bé Hà Mi, đạo diễn Nhật Linh và chị Trương Thanh Thuỷ – sáng lập của tổ chức SCI tại Việt Nam – Ảnh: Minh Trang.


Đặc biệt, tuy mắc căn bệnh quái ác, Trương Thanh Thuỷ có suy nghĩ rất tích cực: “Tôi sống vui vẻ hơn rất nhiều từ khi biết mình bị ung thư. Tôi mang ơn vì mình đã được sinh ra, và ung thư là cơ hội thứ hai để ông trời nói cho tôi biết: cuộc đời là hữu hạn, để tôi được sinh ra một lần nữa, để có cơ hội để sửa sai và làm một người hữu ích”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Để nhà con được sống yên ổn”


Trương Duy Nhất

“Con chào chú! Con mong là chú sẽ đọc tin nhắn của con, vì hiện tại con rất cần sự giúp đỡ của chú!
Hiện tại gia đình con đang bị chèn ép, áp bức, thậm chí cả tính mạng gia đình con cũng đang bị đe doạ! Con được biết chú là người luôn đứng về công lý và lẽ phải, nên hôm nay, nhắn gửi những dòng này đến chú, con rất hy vọng, chú sẽ giúp gia đình con!
...
5 năm trước, rẫy nhà con đột ngột bị cán bộ huyện xã chặt phá gần như toàn bộ, cây cà phê đang đến vụ thu hoạch đầu tiên (rẫy nhà con mua trước năm 2000, chỉ có giấy viết tay, chưa có điều kiện làm sổ đỏ) với lý do đất này của huyện đội!
Mẹ con bắt đầu đi kiện nhiều lần từ xã huyện tỉnh, mãi đến đầu 2017, UBND tỉnh mới có quyết định sẽ cấp sổ đỏ nhưng không bồi thường (những cán bộ chặt phá đấy đã hết nhiệm kỳ và ở đâu không ai biết ạ!).
Tỉnh chỉ đạo về xã huyện và ra thời hạn làm sổ đỏ, nhưng họ im lặng, đến gặp thì hứa hẹn đủ kiểu chú ạ!
Cuối tháng 8 vừa rồi sau khi nhà con vừa được xây xong trên mảnh đất rẫy ấy, những cán bộ huyện xã nhiệm kỳ mới, đột ngột vào nhà con đo đạc, lập biên bản quy cho gia đình con phá rừng làm nhà, đưa ra biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu phá dỡ nhà trong 1 tuần. Họ còn nói, không đồng ý cứ đi giải trình, kiện tụng!
Nhà con hôm qua đã đưa đơn ra tỉnh, chính thái độ hời hợt, lấp lửng của họ mà làm cho nhà con lo lắng gấp bội, chú biết không, điều đó làm con nghĩ, có lẽ đến khi nhà con bị đập phá rồi, đi tìm lại công lý muốn tan gia bại sản rồi, lúc đấy không biết có một ai đứng ra giải quyết với cách làm việc chuyền tay, đùn đẩy, gia hạn vô định của họ!
Hiện tại chỉ có ba mẹ con và đứa em gái ở nhà, điều con lo lắng nhất là thứ 3 tuần tới đây, họ sẽ vào phá dỡ nhà con, con biết với tính cách dễ bị kích động của ba, ba sẽ bất chấp lao vô ngăn cản, với sự uất ức vì tài sản của cải gia đình ngày một tiêu hao vô lý, mẹ con sẽ ra sức phản đối!
Sẽ chẳng có một ai can thiệp vào, tính mạng của ba mẹ con sẽ mất oan uổng, báo chí sẽ đưa tin về nhà con như một tội đồ phá rừng, ngăn cản người thi hành pháp lý chính trực và tử vong! Vì lẽ chuyện này chưa từng được công bố rộng rãi, chỉ có vài người dân đã từng bị và im lặng trước mất mát mới biết và hiểu chuyện!
Con cũng không giấu chú, nhà con vẫn còn chứng cứ, cán bộ huyện xã phá cà phê, đánh lại mẹ và em của con trong lúc bảo vệ mảnh đất của mình! Họ đã từng tìm mọi cách để hủy nhưng không được!
Con biết động đến cán bộ là việc mà ai cũng khiếp sợ, nhưng không may, gia đình con bị cuốn vào vòng xoáy này, lấy không được 1 lần, họ sẽ có lần thứ n, gia đình con phải đứng lên, đòi những gì vốn là của mình vì đấy là nguồn sống của cả nhà!
Con đã từng nhờ và từng bị từ chối, vì lẽ động "cán bộ" nên ai cũng muốn an phận, con hiểu điều đó!
Con tìm đến chú với một hy vọng rằng công lý vẫn còn hiện hữu, vì vẫn còn công lý nên đất nước mình đã đang sẽ tồn tại và phát triển đúng không chú?!
Dạ cháu họ tên là Dương Thị Hằng, mẹ là Huỳnh Thị Thu, địa chỉ thường trú thôn 4 Quảng Khê - Đăkglong - Đăk Nông.
Chú biết không? Thời gian trước có người bảo cháu hãy đăng lên các trang xã hội đúng ngày bầu cử, nhưng cháu nghĩ thời điểm đó khá nhạy cảm, cháu sợ mình làm vậy bị quy tội “phản động”.
Giờ cháu muốn làm tất cả mọi thứ miễn là không phạm pháp, để câu chuyện này có thể đến với người nắm cán cân công lý và để nhà con được sống yên ổn!”

clip_image002
Ảnh: Những tập đơn từ, thư kêu oan của cháu Dương Thị Hằng và gia đình).
T.D.N.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đường biên giới VN – Campuchia có từ thời Nguyễn


Sự hình thành đường biên giới Việt Nam – Campuchia thời Nguyễn
15/09/2017 14:19 - 
Bài viết này phản bác lại luận điểm rằng đường biên giới Việt Nam-Campuchia là sáng tạo của người Pháp. Trái lại, nó là sản phẩm của các nỗ lực của nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ XIX trong việc hoạch định biên giới, tổ chức lãnh thổ, và xác lập các hệ thống phòng thủ, cũng như bố trí dân cư dọc theo đường ranh giới mà theo đó sẽ định hình nên đường biên hiện đại giữa hai quốc gia.
Đường ranh giới Việt Nam-Cao Miên trên bản đồ tỉnh An Giang. Nguồn: "Đại Nam Nhất Thống Dư Đồ" (1861, EFEO microfilm, A.1600, 76a).

Các lập luận về lãnh thổ và biên giới của Campuchia từ giữa thế kỷ XX liên quan đến hai vấn đề lớn: thứ nhất là vùng hạ lưu sông Mekong thuộc về ai? Và đường biên giới ngày nay hình thành như thế nào? Cả hai đều liên quan đến một diễn trình lịch sử lâu dài và cực kỳ phức tạp trong suốt hai nghìn năm qua mà nhiều câu hỏi trong số đó vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng. Vấn đề thứ nhất là rất nan giải, có thể được bắt đầu từ vương quốc Phù Nam. Liệu những người Phù Nam này là các cư dân nói tiếng Nam Á hay Nam Đảo? Quan hệ giữa Phù Nam với các vương quốc người Khmer là như thế nào? Khi “Tân Đường Thư” nói rằng Chân Lạp của người Khmer đã xâm lược Phù Nam vào thế kỷ thứ VII và sau đó phân chia thành “Thủy Chân Lạp” và “Lục Chân Lạp” thì điều đó có ý nghĩa gì về mặt lãnh thổ? Những người Khmer sau đó đã cư trú ở vùng hạ lưu Mekong như thế nào từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVII? Chúng ta cũng biết khi phái đoàn nhà Nguyên do Chu Đạt Quan dẫn đầu đến Angkor vào cuối thế kỷ XIII đã mô tả các vùng đất dọc theo sông Mekong không hề có cư dân mà chủ yếu là rừng rậm và các bầy trâu nước. 

Sử gia Nhật Bản Yumio Sakurai thì lập luận rằng người Khmer đã bỏ hoang nhiều khu vực ở hạ lưu sông Mekong như vùng Đồng Tháp Mười trong hơn một nghìn năm. Vượt qua các vấn đề về chủng tộc và ngôn ngữ, chúng ta vẫn chưa rõ về mối quan hệ giữa các trung tâm chính trị vùng hạ lưu sông Mekong trước thế kỷ XVII cũng như sự ràng buộc của các thủ lĩnh Khmer hạ lưu (Okna) với triều đình Campuchia vùng thượng lưu cho đến khi hình thành các nhà nước tập quyền sơ kỳ hiện đại. Liệu mối quan hệ này nằm trong cấu trúc lỏng lẻo như mô tả ở Đông Nam Á truyền thống như các chính thể theo giải ngân hà hay mạng lưới mandala (galactic polities or mandala systems - đề cập đến mối quan hệ lỏng lẻo giữa các trung tâm quyền lực với các thế lực địa phương).

Vấn đề xác định lịch sử đường biên cũng không dễ dàng vì những biến động lịch sử ở cả Việt Nam và Campuchia trong suốt 200 năm qua, kể từ khi Việt Nam được thống nhất vào năm 1802 và chính thức xác lập quyền kiểm soát đầy đủ và có hệ thống ở hạ lưu sông Mekong. Mặc dù người Pháp vẽ các bản đồ mà từ đó đường biên giới này được quốc tế công nhận, và sau này cả Việt Nam và Campuchia dựa vào đó để hoạch định đường biên, thực tế là nó dựa trên cơ sở của đường biên xác lập bởi nhà Nguyễn và các vương triều Campuchia từ 1755 đến 1847, thông qua chiến tranh, mở rộng lãnh thổ, cắt nhượng đất đai, di cư, xây dựng hệ thống thủy lợi, và các tuyến phòng thủ. Nhà Nguyễn đã sử dụng các yếu tố địa lý tự nhiên như phương tiện xây dựng hệ thống quân sự, bố trí dân cư và từng bước tổ chức hệ thống hành chính nhằm “lãnh thổ hóa” vùng hạ lưu Mekong. Đến giữa thế kỷ XIX thì về cơ bản đường ranh giới này đã được định hình và được công nhận bởi cả Huế, Phnom Penh và Bangkok. Điều này chống lại hoàn toàn lập luận từng rất phổ biến của Campuchia là người Pháp lấy sáu tỉnh Nam Kỳ trong tay Campuchia vì thế cần phải trả lại cho Campuchia trong quá trình phi thực dân hóa.
Bản đồ tỉnh Hà Tiên. Nguồn: "Đại Nam Nhất Thống Dư Đồ" (1861, EFEO microfilm, A. 68, 170b).

Dự án lãnh thổ hóa hạ lưu Mekong và thiết lập đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia được thực hiện dưới ba triều vua là Gia Long (1802-1820), Minh Mệnh (1820-1841), và Thiệu Trị (1841-1847). Một trong những giai đoạn đỉnh cao của nó chính là việc Minh Mệnh can dự trực tiếp vào Campuchia trong những năm 1830s, thiết lập nền cai trị trực tiếp và chia lãnh thổ của vương quốc này thành 11 phủ và 25 huyện. Tuy nhiên cuộc xâm lược của Bangkok và nổi dậy của người Khmer dưới sự giúp sức của người Thái đã nhanh chóng làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực dẫn đến việc Thiệu Trị rút quân về nước, công nhận vua Campuchia là Ang Duong với tư cách đồng thời là chư hầu của Bangkok và Huế. Sự kiện này chấm dứt tham vọng của triều Nguyễn ở Campuchia, đồng thời cũng củng cố các nỗ lực nhằm xác lập đường biên giới Việt Nam-Campuchia dựa trên các đường gianh giới tự nhiên, quân sự, và dân cư.

Nguyễn Ánh, người sáng lập vương triều Nguyễn cũng chính là người đầu tiên nhận thức được vai trò chiến lược của hạ lưu sông Mekong và biến nó thành sức mạnh trong cuộc tranh chấp quyền lực ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Sau gần ba thập kỷ tiến hành chiến tranh, chiến thắng của ông vào năm 1802 trước Tây Sơn đã lần đầu tiên hình thành một Việt Nam thống nhất từ biên giới Việt-Trung đến bờ vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, dù Huế kiểm soát các khu vực quan trọng như Quang Hóa (Tây Ninh), và các khu dân cư dọc theo Châu Đốc, Hà Tiên và các hòn đảo trong Vịnh Thái Lan như Phú Quốc, chưa có một đường ranh giới thống nhất và được hoạch định rõ ràng giữa Việt Nam và Campuchia. Thực tế là Hà Tiên vẫn nằm dưới sự kiểm soát của họ Mạc (dù họ được bổ nhiệm bởi Huế). Ớ phía tây Hà Tiên vẫn còn tình trạng xen lẫn các nhóm quân sự Việt Nam và Thái. Một số trong các đạo quân này được cử đến chiếm đóng từ thời vua Taksin của vương triều Thonburi (1767-1782). Chính Gia Long viết thư yêu cầu Bangkok rút các lực lượng này về, theo ghi chép cả cả biên niên sử hoàng gia Thái Lan và ghi chép của sứ đoàn triều Nguyễn năm 1810 (xem Xiêm La Quốc Lộ Trình Tạp Lục).

Mặc dù người Pháp vẽ các bản đồ mà từ đó đường biên giới này được quốc tế công nhận, và sau này cả Việt Nam và Campuchia dựa vào đó để hoạch định đường biên, thực tế là nó dựa trên cơ sở của đường biên xác lập bởi nhà Nguyễn và các vương triều Campuchia từ 1755 đến 1847, thông qua chiến tranh, mở rộng lãnh thổ, cắt nhượng đất đai, di cư, xây dựng hệ thống thủy lợi, và các tuyến phòng thủ.

Sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc chính trị, phân chia địa lý và tổ chức dân cư dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia được định hình về cơ bản dưới thời Minh Mệnh (1820-1841). Quá trình này là hệ quả của nhiều nhân tố, bao gồm có sự gia tăng xung đột giữa Huế và Bangkok xung quanh vấn đề Campuchia. Năm 1813, nhà Nguyễn phái 13,000 đưa vua Campuchia là Ang Chan về nước, đồng thời gia tăng quyền lực cho viên quan bảo hộ Chân Lạp trong việc kết nối tình hình ở Campuchia với thành Gia Định. Điều này thúc đẩy các tranh chấp quân sự và lãnh thổ giữa Bangkok và Huế trong ba thập kỷ sau đó dẫn đến việc các hệ thống phòng thủ quân sự được xây dựng quy mô dọc theo Tây Ninh, Châu Đốc, Tân Châu, Hà Tiên, Phú Quốc và sự gia tăng của binh lính đồn trú. Yếu tố thứ hai chính là sự gia tăng của các di dân người Việt và người Hoa dưới sự bảo trợ của hệ thống hành chính và quân sự triều Nguyễn thiết lập làng xóm, đồn điền dọc theo các kênh đào, thành lũy quân sự và đường mới xây dựng.

Các kênh đào và hệ thống đường bộ được xây dựng với quy mô lớn thời Minh Mệnh giúp người Việt củng cố việc kiểm soát lãnh thổ, di cư, và xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc chống lại các cuộc tấn công xâm lược của người Thái và nổi dậy của người Khmer. Kênh Vĩnh Tế dài 87 km nối liền Hà Tiên với Châu Đốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong dự án chính trị và lãnh thổ của người Việt nửa đầu thế kỷ XIX. Hàng vạn người Việt và Khmer được huy động xây dựng các hệ thống thủy lợi, kênh rạch, đường xá đã làm thay đổi phân bố dân cư, thiết lập các cấu trúc mới về không gian lãnh thổ và quan hệ chính trị ở hạ lưu sông Mekong. Hệ quả của nó là sự mở rộng của không gian hành chính và lãnh thổ của nhà Nguyễn. Khi kênh Vĩnh Tế được hình thành, có khoảng 20 làng mới được thiết lập dọc theo bờ đông. Các con đường mới cũng được xây dựng ở Châu Đốc và vùng núi Sam nhằm kết nối các khu dân cư mới với các thành lũy quân sự dọc theo con kênh mới. Vào năm 1819, Hà Tiên có số nhân khẩu khoảng 1,500 đinh và đội lính 250 người. Dự án tập quyền hóa của Minh Mệnh đã loại bỏ những tàn tích tự trị cuối cùng của họ Mạc và đưa vùng đất này dưới sự kiểm soát trực tiếp của Huế. Năm 1822, Hà Tiên được bổ nhiệm thêm chức quan đốc học, một dấu hiệu cho thấy vùng biên cương này được kết nối văn hóa và giáo dục với trung tâm. Năm 1826, Hà Tiên cùng với Long Xuyên và Kiên Giang được sáp nhập để thành phủ An Biên – mà ý nghĩa của vùng lãnh thổ như tên gọi của nó, “biên cương an bình”.

Bản đồ Châu thổ Mekong và đường biên giới hiện đại Việtnam –Campuchia. Nguồn: Li Tana và Nola Cooke. Water Frontier, 2004, tr. 136

Các chiến dịch quân sự trong những năm 1830 giúp hoạch định rõ hơn đường biên này. Phú Quốc, Châu Đốc, An Giang, Tân Châu trở thành các thành lũy quân sự quan trọng chống lại cuộc xâm lược của Bangkok (1833-1834), cũng như làm bàn đạp củng cố sự hiện diện quân sự của Việt Nam ở Campuchia. Phú Quốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng kiểm soát giao thương hàng hải và thủy quân ở phía đông Vịnh Thái Lan. Năm 1832, Minh Mệnh cho xây dựng pháo đài trên đảo Phú Quốc. Năm sau, tuần phủ Hà Tiên yêu cầu sáp nhập 13 hòn đảo vào địa hạt của mình, bao gồm Thổ Chu và Phú Quốc. Đến năm 1837, Minh Mệnh yêu cầu các quan chức đo đạc khoảng cách và vẽ bản đồ các hòn đảo dâng trình. Hà Tiên và Châu Đốc trở thành cửa ngõ kiểm soát Vĩnh Tế, trong khi con kênh này trở thành tuyến giao thương chiến lược cho thủy quân và các hệ thống quân sự nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của quân Xiêm xuống hạ lưu sông Mekong. Họ đã nhiều lần dự định lấp kênh Vĩnh Tế nhưng thất bại. Viên tướng chỉ huy là Chao Phraya Bodindecha từng yêu cầu quân lính ở Hà Tiên, Kampot và Kampong Som “bắt dân di cư, đốt hết nhà cửa ở tất cả các làng mạc và hủy hoại các thành phố, chỉ để lại rừng rậm và sông ngòi mà thôi.” Điều này thúc đẩy nỗ lực của nhà Nguyễn nhằm củng cố hệ thống phòng ngự dọc theo kênh Vĩnh Tế. Nguyễn Tri Phương đã xây một loạt đồn bảo ở Tiên Nông, Vĩnh Thông, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều dọc theo kênh Vĩnh Tế.

Cùng với sự hiện diện quân sự và cấu trúc hành chính của triều Nguyễn được xác lập vững chắc dọc theo đường biên. Một trong những trung tâm chính trị và quân sự quan trọng nhất được mở rộng là Châu Đốc. Năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập. Đến năm 1836, Huế đã có thể tiến hành đo đạc ruộng đất, xác lập địa bạ và hệ thống quản lí đất đai ở khu vực này. Điều này dẫn đến sự gia tăng dân số đáng kể. Năm 1838, Hà Tiên và An Giang đã có số đinh lên đến 23,000, dựa theo thống kê từ Đại Nam Thực Lục. Rõ ràng sau ba thập kỷ tăng cường hiện diện quân sự, xây dựng hệ thống kênh đào, đường sá, thông tin liên lạc, và các khu dân cư dọc theo biên giới, hình hài của đường biên giữa Việt Nam và Campuchia đã từng bước được định hình.

Rõ ràng là trước khi có người Pháp đến, đường biên giới giữa Việt Nam với Campuchia đã từng bước được định hình thông qua tương tác quân sự, di dân, và các dự án chính trị. Cũng dọc theo kênh Vĩnh Tế trong những năm 1840s, Nguyễn Tri Phương đã yêu cầu thành lập thêm nhiều đồn bảo để ngăn chặn sự xâm nhập của người Khmer, đặc biệt là ở các khu vực thuộc Đồng Tháp và Thất Sơn. 

Với việc Việt Nam và Xiêm rút quân khỏi Phnom Penh và cả hai công nhận địa vị chư hầu của Campuchia cuối những năm 1840s, thực tế cho thấy Huế, Bangkok, và Phnom Penh đã đi đến công nhận hiện trạng của đường biên này, ít nhất như chúng ta có thể phác thảo: từ Hà Tiên dọc theo kênh Vĩnh Tế, qua Châu Đốc và kéo dài lên Tây Ninh. Một trong những biểu hiện của sự ghi nhận này chính là việc các tập bản đồ của triều Nguyễn giữa thế kỷ XIX đã bắt đầu đề cập đến đường biên này (xem bản đồ minh họa). Như thế, sự hình thành của đường biên này là sản phẩm tương tác của chính các cư dân khu vực chứ không phải là sáng tạo của chủ nghĩa thực dân Phương Tây.

Các nguồn sử liệu về đường biên giới Việt Nam – Campuchia: 

Hiện nay có các tư liệu sử quan phương cũng như ghi chép cá nhân đầu thế kỷ XIX cung cấp hệ thống chỉ dẫn phong phú về sự hình thành của đường biên này từ thời Gia Long đến Tự Đức. Hơn 400 tập Châu bản triều Nguyễn liên quan đến giai đoạn này (lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc Gia I) cung cấp nhiều tư liệu quý giá về sự can dự của triều Nguyễn vào Cambodia và các vấn đề dân sự-quân sự liên quan đến vùng biên. Một phần trong các văn bản tấu sớ chỉ dụ này được biên soạn thành các bộ sách như Đại Nam Thực Lục, Khâm Định Tiễu Bình Nam Kỳ Nghịch Phỉ Phương Lược Chính Biên, Khâm định tiễu bình Xiêm khấu phương lược chính biên… Các sách địa lý, nhật ký hành trình, tập bản đồ và ghi chép địa phương có số lượng tương đối phong phú, nhưng hầu như vẫn chưa được các nhà nghiên cứu Việt Nam khai thác đúng mức. 

Gần đây tập sách “Xiêm La Quốc Lộ trình tập lục” (1810) của Tống Phước Ngoạn và Dương Văn châu mới được giới thiệu đến độc giả. Ngoài ra có thể kể đến Mạc Thị gia phả (Vũ Thế Dinh, 1818), Trấn Tây Phong Thổ Ký (1836?), Trấn Tây Ký Lược (Doãn Uẩn, 1848), Cao Miên - Xiêm La sự tích (Cơ mật viện, 1853)… Các tập bản đồ và địa lý liên quan đến Nam Kỳ và Đại Nam thời Nguyễn: Bản Quốc Dư Đồ (EFEO: A.1106), Đại Nam Nhất thống dư đồ (EFEO: A.68, 1861), Đại Nam Toàn Đồ (EFEO: A.1600, 1861), Nam Bắc Kỳ họa đồ (EFEO: A.95)… ghi chép địa giới hành chính dân cư dọc vùng biên. 

Các bản đồ được giới thiệu thời Nguyễn rất quan trọng trong việc xác lập tuyên bố lãnh thổ của người Việt một cách liên tục trên vùng đất Nam Bộ. Đến giữa thế kỷ XIX, sự xác lập này đã được thể chế hóa thông qua hệ thống hành chính nhà nước. Sự thực hành lãnh thổ này sau đó nằm trong tay người Pháp với tư cách là người “bảo hộ”. Dù là kẻ xâm lược và cai trị cưỡng bức, tư liệu địa lý-hành chính của người Pháp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định sự hiện diện liên tục về chủ quyền của người Việt/và chính phủ đại diện (một cách cưỡng bức) cho người Việt. 

Trên cơ sở đó, từ các tập địa lý về Nam Bộ biên soạn bởi người Pháp từ những năm 1860s cho đến biên khảo địa lý Hà Tiên, An Giang đầu thế kỷ XX đều cho thấy sự hiện diện liên tục và thống nhất của đường biên giới này. Sự phong phú tư liệu về vùng biên này dưới thời Bảo Đại, thời Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cung cấp khối lượng tư liệu dồi dào cho các nhà nghiên cứu giúp phác thảo lại lịch sử phức tạp của vùng đất này.

Tham khảo

Vũ Đức Liêm. 2017. “Borderlands (Border Making in Vietnamese-Campuchian Frontier, 1802-1847).” Mekong Review 2 (2): 13–14.

Vũ Đức Liêm. 2016. “Vietnam at the Khmer Frontier: Boundary Politics, 1802–1847.” Cross-Currents: East Asian History and Culture Review 5 (2): 534–64.

http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Su-hinh-thanh-duong-bien-gioi-Viet-Nam-%E2%80%93-Campuchia-thoi-Nguyen-10919

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ẨN DỤ




có giấc mơ ẩn dụ
thức, ngủ vẫn tươi xanh
có vầng trăng ẩn dụ 
khuyết tròn, mờ tỏ
vẫn thủy chung nguyên vẹn với trời đêm
có mối tình ẩn dụ
vượt thác ghềnh, bão táp
đẹp thiên thu
những câu thơ ẩn dụ
xứ sở của tự do
không quyền lực gươm đao nào chạm được
có những ngày trái tim đau muốn vỡ
khát một bờ ngực đá
chở che nỗi yếu mềm
chợt ùa về ban mai tinh khiết bình yên
dỗ dành trái tim ẩn dụ
rằng, hãy sống đến tận cùng cõi sống
vì tình yêu và thi ca
mỗi kiếp người một ẩn dụ của Thiên Cơ

Phần nhận xét hiển thị trên trang