Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Đường biên giới VN – Campuchia có từ thời Nguyễn


Sự hình thành đường biên giới Việt Nam – Campuchia thời Nguyễn
15/09/2017 14:19 - 
Bài viết này phản bác lại luận điểm rằng đường biên giới Việt Nam-Campuchia là sáng tạo của người Pháp. Trái lại, nó là sản phẩm của các nỗ lực của nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ XIX trong việc hoạch định biên giới, tổ chức lãnh thổ, và xác lập các hệ thống phòng thủ, cũng như bố trí dân cư dọc theo đường ranh giới mà theo đó sẽ định hình nên đường biên hiện đại giữa hai quốc gia.
Đường ranh giới Việt Nam-Cao Miên trên bản đồ tỉnh An Giang. Nguồn: "Đại Nam Nhất Thống Dư Đồ" (1861, EFEO microfilm, A.1600, 76a).

Các lập luận về lãnh thổ và biên giới của Campuchia từ giữa thế kỷ XX liên quan đến hai vấn đề lớn: thứ nhất là vùng hạ lưu sông Mekong thuộc về ai? Và đường biên giới ngày nay hình thành như thế nào? Cả hai đều liên quan đến một diễn trình lịch sử lâu dài và cực kỳ phức tạp trong suốt hai nghìn năm qua mà nhiều câu hỏi trong số đó vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng. Vấn đề thứ nhất là rất nan giải, có thể được bắt đầu từ vương quốc Phù Nam. Liệu những người Phù Nam này là các cư dân nói tiếng Nam Á hay Nam Đảo? Quan hệ giữa Phù Nam với các vương quốc người Khmer là như thế nào? Khi “Tân Đường Thư” nói rằng Chân Lạp của người Khmer đã xâm lược Phù Nam vào thế kỷ thứ VII và sau đó phân chia thành “Thủy Chân Lạp” và “Lục Chân Lạp” thì điều đó có ý nghĩa gì về mặt lãnh thổ? Những người Khmer sau đó đã cư trú ở vùng hạ lưu Mekong như thế nào từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVII? Chúng ta cũng biết khi phái đoàn nhà Nguyên do Chu Đạt Quan dẫn đầu đến Angkor vào cuối thế kỷ XIII đã mô tả các vùng đất dọc theo sông Mekong không hề có cư dân mà chủ yếu là rừng rậm và các bầy trâu nước. 

Sử gia Nhật Bản Yumio Sakurai thì lập luận rằng người Khmer đã bỏ hoang nhiều khu vực ở hạ lưu sông Mekong như vùng Đồng Tháp Mười trong hơn một nghìn năm. Vượt qua các vấn đề về chủng tộc và ngôn ngữ, chúng ta vẫn chưa rõ về mối quan hệ giữa các trung tâm chính trị vùng hạ lưu sông Mekong trước thế kỷ XVII cũng như sự ràng buộc của các thủ lĩnh Khmer hạ lưu (Okna) với triều đình Campuchia vùng thượng lưu cho đến khi hình thành các nhà nước tập quyền sơ kỳ hiện đại. Liệu mối quan hệ này nằm trong cấu trúc lỏng lẻo như mô tả ở Đông Nam Á truyền thống như các chính thể theo giải ngân hà hay mạng lưới mandala (galactic polities or mandala systems - đề cập đến mối quan hệ lỏng lẻo giữa các trung tâm quyền lực với các thế lực địa phương).

Vấn đề xác định lịch sử đường biên cũng không dễ dàng vì những biến động lịch sử ở cả Việt Nam và Campuchia trong suốt 200 năm qua, kể từ khi Việt Nam được thống nhất vào năm 1802 và chính thức xác lập quyền kiểm soát đầy đủ và có hệ thống ở hạ lưu sông Mekong. Mặc dù người Pháp vẽ các bản đồ mà từ đó đường biên giới này được quốc tế công nhận, và sau này cả Việt Nam và Campuchia dựa vào đó để hoạch định đường biên, thực tế là nó dựa trên cơ sở của đường biên xác lập bởi nhà Nguyễn và các vương triều Campuchia từ 1755 đến 1847, thông qua chiến tranh, mở rộng lãnh thổ, cắt nhượng đất đai, di cư, xây dựng hệ thống thủy lợi, và các tuyến phòng thủ. Nhà Nguyễn đã sử dụng các yếu tố địa lý tự nhiên như phương tiện xây dựng hệ thống quân sự, bố trí dân cư và từng bước tổ chức hệ thống hành chính nhằm “lãnh thổ hóa” vùng hạ lưu Mekong. Đến giữa thế kỷ XIX thì về cơ bản đường ranh giới này đã được định hình và được công nhận bởi cả Huế, Phnom Penh và Bangkok. Điều này chống lại hoàn toàn lập luận từng rất phổ biến của Campuchia là người Pháp lấy sáu tỉnh Nam Kỳ trong tay Campuchia vì thế cần phải trả lại cho Campuchia trong quá trình phi thực dân hóa.
Bản đồ tỉnh Hà Tiên. Nguồn: "Đại Nam Nhất Thống Dư Đồ" (1861, EFEO microfilm, A. 68, 170b).

Dự án lãnh thổ hóa hạ lưu Mekong và thiết lập đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia được thực hiện dưới ba triều vua là Gia Long (1802-1820), Minh Mệnh (1820-1841), và Thiệu Trị (1841-1847). Một trong những giai đoạn đỉnh cao của nó chính là việc Minh Mệnh can dự trực tiếp vào Campuchia trong những năm 1830s, thiết lập nền cai trị trực tiếp và chia lãnh thổ của vương quốc này thành 11 phủ và 25 huyện. Tuy nhiên cuộc xâm lược của Bangkok và nổi dậy của người Khmer dưới sự giúp sức của người Thái đã nhanh chóng làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực dẫn đến việc Thiệu Trị rút quân về nước, công nhận vua Campuchia là Ang Duong với tư cách đồng thời là chư hầu của Bangkok và Huế. Sự kiện này chấm dứt tham vọng của triều Nguyễn ở Campuchia, đồng thời cũng củng cố các nỗ lực nhằm xác lập đường biên giới Việt Nam-Campuchia dựa trên các đường gianh giới tự nhiên, quân sự, và dân cư.

Nguyễn Ánh, người sáng lập vương triều Nguyễn cũng chính là người đầu tiên nhận thức được vai trò chiến lược của hạ lưu sông Mekong và biến nó thành sức mạnh trong cuộc tranh chấp quyền lực ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII. Sau gần ba thập kỷ tiến hành chiến tranh, chiến thắng của ông vào năm 1802 trước Tây Sơn đã lần đầu tiên hình thành một Việt Nam thống nhất từ biên giới Việt-Trung đến bờ vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, dù Huế kiểm soát các khu vực quan trọng như Quang Hóa (Tây Ninh), và các khu dân cư dọc theo Châu Đốc, Hà Tiên và các hòn đảo trong Vịnh Thái Lan như Phú Quốc, chưa có một đường ranh giới thống nhất và được hoạch định rõ ràng giữa Việt Nam và Campuchia. Thực tế là Hà Tiên vẫn nằm dưới sự kiểm soát của họ Mạc (dù họ được bổ nhiệm bởi Huế). Ớ phía tây Hà Tiên vẫn còn tình trạng xen lẫn các nhóm quân sự Việt Nam và Thái. Một số trong các đạo quân này được cử đến chiếm đóng từ thời vua Taksin của vương triều Thonburi (1767-1782). Chính Gia Long viết thư yêu cầu Bangkok rút các lực lượng này về, theo ghi chép cả cả biên niên sử hoàng gia Thái Lan và ghi chép của sứ đoàn triều Nguyễn năm 1810 (xem Xiêm La Quốc Lộ Trình Tạp Lục).

Mặc dù người Pháp vẽ các bản đồ mà từ đó đường biên giới này được quốc tế công nhận, và sau này cả Việt Nam và Campuchia dựa vào đó để hoạch định đường biên, thực tế là nó dựa trên cơ sở của đường biên xác lập bởi nhà Nguyễn và các vương triều Campuchia từ 1755 đến 1847, thông qua chiến tranh, mở rộng lãnh thổ, cắt nhượng đất đai, di cư, xây dựng hệ thống thủy lợi, và các tuyến phòng thủ.

Sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc chính trị, phân chia địa lý và tổ chức dân cư dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia được định hình về cơ bản dưới thời Minh Mệnh (1820-1841). Quá trình này là hệ quả của nhiều nhân tố, bao gồm có sự gia tăng xung đột giữa Huế và Bangkok xung quanh vấn đề Campuchia. Năm 1813, nhà Nguyễn phái 13,000 đưa vua Campuchia là Ang Chan về nước, đồng thời gia tăng quyền lực cho viên quan bảo hộ Chân Lạp trong việc kết nối tình hình ở Campuchia với thành Gia Định. Điều này thúc đẩy các tranh chấp quân sự và lãnh thổ giữa Bangkok và Huế trong ba thập kỷ sau đó dẫn đến việc các hệ thống phòng thủ quân sự được xây dựng quy mô dọc theo Tây Ninh, Châu Đốc, Tân Châu, Hà Tiên, Phú Quốc và sự gia tăng của binh lính đồn trú. Yếu tố thứ hai chính là sự gia tăng của các di dân người Việt và người Hoa dưới sự bảo trợ của hệ thống hành chính và quân sự triều Nguyễn thiết lập làng xóm, đồn điền dọc theo các kênh đào, thành lũy quân sự và đường mới xây dựng.

Các kênh đào và hệ thống đường bộ được xây dựng với quy mô lớn thời Minh Mệnh giúp người Việt củng cố việc kiểm soát lãnh thổ, di cư, và xây dựng hệ thống phòng thủ vững chắc chống lại các cuộc tấn công xâm lược của người Thái và nổi dậy của người Khmer. Kênh Vĩnh Tế dài 87 km nối liền Hà Tiên với Châu Đốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong dự án chính trị và lãnh thổ của người Việt nửa đầu thế kỷ XIX. Hàng vạn người Việt và Khmer được huy động xây dựng các hệ thống thủy lợi, kênh rạch, đường xá đã làm thay đổi phân bố dân cư, thiết lập các cấu trúc mới về không gian lãnh thổ và quan hệ chính trị ở hạ lưu sông Mekong. Hệ quả của nó là sự mở rộng của không gian hành chính và lãnh thổ của nhà Nguyễn. Khi kênh Vĩnh Tế được hình thành, có khoảng 20 làng mới được thiết lập dọc theo bờ đông. Các con đường mới cũng được xây dựng ở Châu Đốc và vùng núi Sam nhằm kết nối các khu dân cư mới với các thành lũy quân sự dọc theo con kênh mới. Vào năm 1819, Hà Tiên có số nhân khẩu khoảng 1,500 đinh và đội lính 250 người. Dự án tập quyền hóa của Minh Mệnh đã loại bỏ những tàn tích tự trị cuối cùng của họ Mạc và đưa vùng đất này dưới sự kiểm soát trực tiếp của Huế. Năm 1822, Hà Tiên được bổ nhiệm thêm chức quan đốc học, một dấu hiệu cho thấy vùng biên cương này được kết nối văn hóa và giáo dục với trung tâm. Năm 1826, Hà Tiên cùng với Long Xuyên và Kiên Giang được sáp nhập để thành phủ An Biên – mà ý nghĩa của vùng lãnh thổ như tên gọi của nó, “biên cương an bình”.

Bản đồ Châu thổ Mekong và đường biên giới hiện đại Việtnam –Campuchia. Nguồn: Li Tana và Nola Cooke. Water Frontier, 2004, tr. 136

Các chiến dịch quân sự trong những năm 1830 giúp hoạch định rõ hơn đường biên này. Phú Quốc, Châu Đốc, An Giang, Tân Châu trở thành các thành lũy quân sự quan trọng chống lại cuộc xâm lược của Bangkok (1833-1834), cũng như làm bàn đạp củng cố sự hiện diện quân sự của Việt Nam ở Campuchia. Phú Quốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng kiểm soát giao thương hàng hải và thủy quân ở phía đông Vịnh Thái Lan. Năm 1832, Minh Mệnh cho xây dựng pháo đài trên đảo Phú Quốc. Năm sau, tuần phủ Hà Tiên yêu cầu sáp nhập 13 hòn đảo vào địa hạt của mình, bao gồm Thổ Chu và Phú Quốc. Đến năm 1837, Minh Mệnh yêu cầu các quan chức đo đạc khoảng cách và vẽ bản đồ các hòn đảo dâng trình. Hà Tiên và Châu Đốc trở thành cửa ngõ kiểm soát Vĩnh Tế, trong khi con kênh này trở thành tuyến giao thương chiến lược cho thủy quân và các hệ thống quân sự nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của quân Xiêm xuống hạ lưu sông Mekong. Họ đã nhiều lần dự định lấp kênh Vĩnh Tế nhưng thất bại. Viên tướng chỉ huy là Chao Phraya Bodindecha từng yêu cầu quân lính ở Hà Tiên, Kampot và Kampong Som “bắt dân di cư, đốt hết nhà cửa ở tất cả các làng mạc và hủy hoại các thành phố, chỉ để lại rừng rậm và sông ngòi mà thôi.” Điều này thúc đẩy nỗ lực của nhà Nguyễn nhằm củng cố hệ thống phòng ngự dọc theo kênh Vĩnh Tế. Nguyễn Tri Phương đã xây một loạt đồn bảo ở Tiên Nông, Vĩnh Thông, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều dọc theo kênh Vĩnh Tế.

Cùng với sự hiện diện quân sự và cấu trúc hành chính của triều Nguyễn được xác lập vững chắc dọc theo đường biên. Một trong những trung tâm chính trị và quân sự quan trọng nhất được mở rộng là Châu Đốc. Năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập. Đến năm 1836, Huế đã có thể tiến hành đo đạc ruộng đất, xác lập địa bạ và hệ thống quản lí đất đai ở khu vực này. Điều này dẫn đến sự gia tăng dân số đáng kể. Năm 1838, Hà Tiên và An Giang đã có số đinh lên đến 23,000, dựa theo thống kê từ Đại Nam Thực Lục. Rõ ràng sau ba thập kỷ tăng cường hiện diện quân sự, xây dựng hệ thống kênh đào, đường sá, thông tin liên lạc, và các khu dân cư dọc theo biên giới, hình hài của đường biên giữa Việt Nam và Campuchia đã từng bước được định hình.

Rõ ràng là trước khi có người Pháp đến, đường biên giới giữa Việt Nam với Campuchia đã từng bước được định hình thông qua tương tác quân sự, di dân, và các dự án chính trị. Cũng dọc theo kênh Vĩnh Tế trong những năm 1840s, Nguyễn Tri Phương đã yêu cầu thành lập thêm nhiều đồn bảo để ngăn chặn sự xâm nhập của người Khmer, đặc biệt là ở các khu vực thuộc Đồng Tháp và Thất Sơn. 

Với việc Việt Nam và Xiêm rút quân khỏi Phnom Penh và cả hai công nhận địa vị chư hầu của Campuchia cuối những năm 1840s, thực tế cho thấy Huế, Bangkok, và Phnom Penh đã đi đến công nhận hiện trạng của đường biên này, ít nhất như chúng ta có thể phác thảo: từ Hà Tiên dọc theo kênh Vĩnh Tế, qua Châu Đốc và kéo dài lên Tây Ninh. Một trong những biểu hiện của sự ghi nhận này chính là việc các tập bản đồ của triều Nguyễn giữa thế kỷ XIX đã bắt đầu đề cập đến đường biên này (xem bản đồ minh họa). Như thế, sự hình thành của đường biên này là sản phẩm tương tác của chính các cư dân khu vực chứ không phải là sáng tạo của chủ nghĩa thực dân Phương Tây.

Các nguồn sử liệu về đường biên giới Việt Nam – Campuchia: 

Hiện nay có các tư liệu sử quan phương cũng như ghi chép cá nhân đầu thế kỷ XIX cung cấp hệ thống chỉ dẫn phong phú về sự hình thành của đường biên này từ thời Gia Long đến Tự Đức. Hơn 400 tập Châu bản triều Nguyễn liên quan đến giai đoạn này (lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc Gia I) cung cấp nhiều tư liệu quý giá về sự can dự của triều Nguyễn vào Cambodia và các vấn đề dân sự-quân sự liên quan đến vùng biên. Một phần trong các văn bản tấu sớ chỉ dụ này được biên soạn thành các bộ sách như Đại Nam Thực Lục, Khâm Định Tiễu Bình Nam Kỳ Nghịch Phỉ Phương Lược Chính Biên, Khâm định tiễu bình Xiêm khấu phương lược chính biên… Các sách địa lý, nhật ký hành trình, tập bản đồ và ghi chép địa phương có số lượng tương đối phong phú, nhưng hầu như vẫn chưa được các nhà nghiên cứu Việt Nam khai thác đúng mức. 

Gần đây tập sách “Xiêm La Quốc Lộ trình tập lục” (1810) của Tống Phước Ngoạn và Dương Văn châu mới được giới thiệu đến độc giả. Ngoài ra có thể kể đến Mạc Thị gia phả (Vũ Thế Dinh, 1818), Trấn Tây Phong Thổ Ký (1836?), Trấn Tây Ký Lược (Doãn Uẩn, 1848), Cao Miên - Xiêm La sự tích (Cơ mật viện, 1853)… Các tập bản đồ và địa lý liên quan đến Nam Kỳ và Đại Nam thời Nguyễn: Bản Quốc Dư Đồ (EFEO: A.1106), Đại Nam Nhất thống dư đồ (EFEO: A.68, 1861), Đại Nam Toàn Đồ (EFEO: A.1600, 1861), Nam Bắc Kỳ họa đồ (EFEO: A.95)… ghi chép địa giới hành chính dân cư dọc vùng biên. 

Các bản đồ được giới thiệu thời Nguyễn rất quan trọng trong việc xác lập tuyên bố lãnh thổ của người Việt một cách liên tục trên vùng đất Nam Bộ. Đến giữa thế kỷ XIX, sự xác lập này đã được thể chế hóa thông qua hệ thống hành chính nhà nước. Sự thực hành lãnh thổ này sau đó nằm trong tay người Pháp với tư cách là người “bảo hộ”. Dù là kẻ xâm lược và cai trị cưỡng bức, tư liệu địa lý-hành chính của người Pháp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định sự hiện diện liên tục về chủ quyền của người Việt/và chính phủ đại diện (một cách cưỡng bức) cho người Việt. 

Trên cơ sở đó, từ các tập địa lý về Nam Bộ biên soạn bởi người Pháp từ những năm 1860s cho đến biên khảo địa lý Hà Tiên, An Giang đầu thế kỷ XX đều cho thấy sự hiện diện liên tục và thống nhất của đường biên giới này. Sự phong phú tư liệu về vùng biên này dưới thời Bảo Đại, thời Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cung cấp khối lượng tư liệu dồi dào cho các nhà nghiên cứu giúp phác thảo lại lịch sử phức tạp của vùng đất này.

Tham khảo

Vũ Đức Liêm. 2017. “Borderlands (Border Making in Vietnamese-Campuchian Frontier, 1802-1847).” Mekong Review 2 (2): 13–14.

Vũ Đức Liêm. 2016. “Vietnam at the Khmer Frontier: Boundary Politics, 1802–1847.” Cross-Currents: East Asian History and Culture Review 5 (2): 534–64.

http://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Su-hinh-thanh-duong-bien-gioi-Viet-Nam-%E2%80%93-Campuchia-thoi-Nguyen-10919

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ẨN DỤ




có giấc mơ ẩn dụ
thức, ngủ vẫn tươi xanh
có vầng trăng ẩn dụ 
khuyết tròn, mờ tỏ
vẫn thủy chung nguyên vẹn với trời đêm
có mối tình ẩn dụ
vượt thác ghềnh, bão táp
đẹp thiên thu
những câu thơ ẩn dụ
xứ sở của tự do
không quyền lực gươm đao nào chạm được
có những ngày trái tim đau muốn vỡ
khát một bờ ngực đá
chở che nỗi yếu mềm
chợt ùa về ban mai tinh khiết bình yên
dỗ dành trái tim ẩn dụ
rằng, hãy sống đến tận cùng cõi sống
vì tình yêu và thi ca
mỗi kiếp người một ẩn dụ của Thiên Cơ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THẰNG MÕ


Annamite town crier. Upper-Tonkin, in 1902 - Thằng Mõ Annam tại miền thượng du Bắc Kỳ.

THẰNG MÕ

Nguyễn Văn Sự & Nguyễn Xuân Diện
Tạp chí Xưa và Nay số 2 – 1995, trang 23.

Trong cộng đồng làng xã Việt Nam thời trước có một nhân vật đáng để ý song bấy lâu nay chưa được nghiên cứu nhiều – đó là nhân vật mõ làng. Bài viết này thử tìm hiểu về nhân vật mõ làng dưới một số khía cạnh, nhằm góp vào công cuộc nghiên cứu nông thôn Việt Nam trong lịch sử.


Về thời điểm xuất hiện: Hiện chưa tìm được tư liệu thành văn nào, có tính chất hành chính quốc gia, là lệnh chỉ của vua chúa cho các làng xã có mõ, qui định về chức phận và phạm vi hoạt động của mõ làng. Nhưng có hai tư liệu rất quan trọng giúp “xác định niên đại” của nhân vật này là: “Hồng Đức quốc âm thi tập” và vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Trong Hồng Đức quốc âm thi tập (ở phần Phụ lục) có bài Thằng Mõ. Bài thơ này đã được các cụ Phan Trọng Điềm và Bùi Văn Nguyên khẳng định không phải là của Lê Thánh Tông, mà của người đời sau. Nhưng theo chúng tôi nếu không phải là của Lê Thánh Tông thì cũng là sáng tác của người thế kỷ XV chứ không thể sớm hoặc muộn hơn. Mẹ Đốp trong chèo cổ Quan Âm Thị Kính là một vợ mõ, và vở chèo này ra đời vào thế kỷ XV là điều đã được các nhà nghiên cứu khẳng định.
Hai tư liệu này cho phép khẳng định nhân vật mõ ra đời trước khi nó được đưa vào văn học rất lâu. Vì rằng, nhân vật mõ ở đây không còn là kết quả của phản ánh bình thường, mà nó đã trở thành một ấn tượng đã quá quen thuộc và đáng ca ngợi (đó cũng là cảm hứng chủ đạo của tác giả khi viết bài thơ, trong Hồng Đức Quốc âm thi tập). Và hơn thế, hình tượng thằng mõ còn được quần chúng lựa chọn để bộc lộ gửi gắm khát vọng tự do của mình (chèo cổ Quan Âm Thị Kính). Có thể nói nhân vật mõ gắn liền với cái đình làng.

Những đặc trưng của nghề mõ:

Trước hết mõ làng là người truyền tin (mang thông tin) trong xã hội phong kiến; khi mà phương tiện thông tin đại chúng còn chưa phát triển. Khác với gia nô, tá điền – những người làm cho cá nhân một ông chủ hoặc vài ông chủ nhất định, mõ không phải là của riêng ai, mà là của cả làng, gánh trách nhiệm mà cả làng giao phó, ta tạm gọi họ là công xã nô. Mõ không phải là người canh tác thuê cho một gia đình như điền nô, không lĩnh ruộng cấy rồi nộp tô như tá điền cũng không phục vụ dịch vụ cho một gia đình như gia nô. Mõ là người lao động, nhưng lao động của mõ là lao động dịch vụ chứ không phải là lao động sản xuất. Và do vậy mõ không liên quan nhiều và trức tiếp tới vấn đề ruộng đất và công cụ lao động.

Phục vụ của mõ không phải chỉ là lý trưởng cùng các chức dịch trong làng xã, mà là cả cộng đồng làng xã. Khi làng vào đám, cả gia đình mõ được huy động ra “việc làng”. Khi chia phần, dân làng chia cho mõ một cỗ riêng, nếu ăn không hết thì màng về…

Mõ đứng ngoài các cuộc tranh chấp giữa các phe, giáp trong làng xã. Lý trưởng họ này đổ, lý trưởng họ khác sẽ thay thế, nhưng vẫn cần đến mõ và không hề vì thế mà thay cả mõ. Do “gần gũi” các chức dịch, mõ biết nội tình các cuộc tranh giành giữa các ca nhân hay dòng họ, nhưng mõ không ủng hộ một cá nhân hay phe cánh nào. Mõ không tham gia các hành động bạo lực của chức dịch đối với các phần tử gây rối hay những người chậm thuế ( việc ấy đã có lính lệ làm).

Tóm lại mõ không có hành vi tiêu cực trong đời sống cộng đồng. Trường hợp mõ bị lợi dụng là có, nhưng không phải là nhiều.
Người làm mõ bị dân làng khinh rẻ, xa lánh, nhưng không ai căm ghét như là đối với bọn trộm cắp, lưu manh, và cũng không ai muốn dây vào họ. Con cái mõ không được phép đi học, cũng không ai giao du, kết thân với mõ. Con trai, con gái của những người làm mõ phải lấy chồng thiên hạ và cũng chỉ lấy con nhà mõ, cho dù các chàng trai cô gái ấy đẹp trai, xinh xắn, do không phải lam lũ vất vả, lại khéo ăn khéo nối. Vô hình chung, nghề mõ trở thành nghề cha truyền con nối. Có họ làm mõ, cũng có cả làng làm mõ.

Thời điểm nghề mõ ra đời, cùng đặc trưng của nó cho phép khẳng định, tổ chức làng xã ở Việt Nam, chủ yếu là miền đồng bằng và trung du Bắc Bộ lúc đó đã đạt được một sự ổn định nhất định về cơ cấu. Những làng quá nghèo, hoặc làng nào mới lập thì cũng không có mõ. Và, mõ cũng chỉ có ở cấp làng (xã) chứ không có mõ xóm, mõ tổng hay huyện, phủ , tỉnh (trấn, xứ).

Trong xã hội cũ, mõ bị thành kiến rất nặng nề. Họ là dân ngụ cư, thường ở rìa làng (cho dù họ có tiền thì cũng không thể được mua mảnh đất cao ráo ở sâu trong làng).

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã lật nhào cả ngàn năm của chế độ phong kiến, nghề mõ đã trở thành quá khứ. Nhiều mõ đổi nghề, sống bình thường bên cạnh những người dân khác trong làng, thành kiến của dân làng có giảm, nhưng không phải là tan biến. Con cháu họ có tham gia công tác, đi học, nhưng bạn bè cũng ít gần: bản thân họ lại mặc cảm, tự ti, nên học không giỏi, ảnh hưởng uy tín rất hạn hẹp nên thành đạt ít. Thời tạm chiếm, ở những vùng địch lập tề, cũng có khôi phục nghề mõ.

Đến khi cải cách ruộng đất, nhiều mõ được giao công tác, chia ruộng đất, nhà cửa , trâu bò, nông cụ, nhưng số biết làm ăn thì rất it. Họ thường bỏ làng ra thành phố; lên miền ngược làm đủ mọi nghề và khá vất vả vì không quen lao động chân tay và mặc cảm khá nặng. Họ thường giấu kín tung tích và ngại tiếp xúc cùng nhưng ai biết gốc gác của mình.

Nghề mõ, và người làm mõ có lẽ là sản phẩm đặc thù của chế độ công xã nông thôn Việt Nam mà chủ yếu là ở đồng bằng và trung du Bắc bộ. Xung quanh nhân vật mõ và nghề mõ chắc còn nhiều vấn đề, chúng tôi thiết tưởng rằng cũng rất đáng được các nhà sử học, dân tộc học, xã hội học quan tâm nghiên cứu, trong sự nghiên cứu về nông thôn Việt Nam trong lịch sử nói chung.

*Xin cảm ơn bạn Hà Thiên Hương đã gõ lại giúp bài này.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG SỢ





Số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy thâm hụt ngân sách của chính phủ đã tăng từ 22.100 tỷ đồng, tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2000 lên 293 nghìn tỷ đồng (13,1 tỷ USD), hay 6,5% GDP vào năm 2016. Chính phủ muốn giảm mức thâm hụt ngân sách xuống 3,5% GDP vào năm 2020, theo kế hoạch tài khóa trung hạn 2016-2020.

Theo thống kê chính thức của Bộ Tài chính, chính phủ đã chi tổng cộng 11.800 tỷ đồng cho Văn phòng Trung ương Đảng trong giai đoạn 2006-2015 (trừ năm 2009, vì số liệu năm đó không có), nhiều hơn mức chi cho Văn phòng Quốc hội (9.100 tỷ đồng), Văn phòng Chính phủ (6.000 tỷ đồng), Văn phòng Chủ tịch nước (1.000 tỷ đồng).


Tổng nợ công của Việt Nam tính đến giữa tháng 7 năm 2017 là 94,6 tỷ USD, tương đương khoảng US$ 1.038 một người. Nợ công đã tăng liên tục trong nhiều năm từ 36% GDP năm 2001 lên 62,4% vào năm 2016. Theo dự báo của IMF, năm 2017 và 2018 sẽ là 63,3% và 64,3% trong khi trần nợ công được chính phủ đặt ở mức 65% GDP vào năm 2020.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nợ xấu ở Việt Nam năm 2016, bao gồm nợ xấu do Tổng công ty Quản lý Quỹ Việt Nam quản lý (VAMC), đã lên đến 487 nghìn tỷ đồng (21,7 tỷ USD), chiếm 8,8% tổng dư nợ cho vay 5,5 triệu tỷ đồng (241 tỷ USD), tỷ lệ khá cao. NHNN cho hay kế hoạch đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào năm 2020.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN CHIÊU ĐÃI TRẦN ĐỨC THẢO MỘT CHẦU HÁT CÔ ĐẦU CHUI Ở ATK





Trần Đức Thảo và đêm hát cô đầu chui ở ATK

Thời gian sống ở ATK, tôi (Trần Đức Thảo) bị sai khiến làm mấy việc vơ vẩn như ngồi dịch những tài liệu cũ kỹ, mà rồi sau chẳng dùng được vào việc gì! Hoặc là theo chân mấy phái đoàn Trung ương đi thanh tra này nọ với vai trò của một cây cảnh: đi tới đâu cũng được giới thiệu là trí thức ở bên Tây mới về tham gia cách mạng! Rồi được vỗ tay, hoan hô. Chứ chẳng làm được một việc gì hữu ích cả!


– Sống như thế thì tẻ nhạt quá, làm sao bác chịu nổi?

– Ấy trong quãng thời gian sống ở bên lề chính trị như thế không hẳn là tẻ nhạt đâu. Thinh thoảng cũng có những giây phút rất thú vị, rất vui. Bởi sống ở hậu phương thời kháng chiến, luôn luôn được chứng kiến những ngang trái xảy ra thật là bất ngờ, làm bật cười, cười đến chảy nước mắt. Trong cách mạng mà cũng có lúc ăn chơi lén lút, đáng ghi nhớ về cái “thời bao cấp” ấy. Những thú vui chui lén như vậy cũng làm cho mình phải suy nghĩ, tìm hiểu hiện tượng cách mạng và những khát vọng của con người…

– Thú vui lén lút đáng nhớ ấy là gì?

Bác Thảo kể có một lần, “không thể nào quên được”. Đó là lần được nhà văn Nguyễn Tuân mời đi ăn một bữa cơm Tây, tại một xóm dân Hà Nội tản cư về sống gần ATK. Khi vào tới xóm ấy, là phải chui qua mấy hàng giây thép, trên phơi đầy quần áo màu mẻ sặc sỡ khác hẳn với quần áo nâu sồng của nông thôn, được giặt để cất đi, ở sân sâu bên trong một căn nhà cổ, để tới cái quán ăn chui lậu hiếm hoi ở hậu phương. Chủ nhân tự khoe mình từng là đầu bếp của cựu thống sứ Bắc kỳ Graffeuil! Bữa ăn hôm ấy có cả món thịt bò. Chateaubriand, có cả rượu vang Bordeaux. Thịt tươi là do cánh công an vừa săn được mật con nai! Còn rượu cũng là do cánh công an mang từ Hà Nội ra! Ăn xong, Tuân chửi vui: “Sư bố chúng nó! Tàn dư phong kiến, thực dân mà sướng thế đấy!”. Thảo ngơ ngác không biết Tuân chửi ai? Ăn uống ngon lành thế sao lại chửi?

Sau bữa ăn, Tuân còn cao hứng dẫn Thảo đi hát “cô đầu”! Dĩ nhiên cũng là hát chui, hát lậu. Địa điểm là một căn nhà chòi có cót che kín mít, dùng để chứa nông cụ thúng, mẹt, cày bừa… ở ngay giữa một cánh đồng lớn mới gặt xong. Thảo được đưa tới chờ ở đó, nên rất lấy làm lạ. Ngồi một mình ngắm trăng mười sáu sáng ngời, chung quanh là một cánh ruộng bàng bạc màu vàng khô khốc của những gốc rạ mới gặt xong, xa xa là những luỹ tre xanh vi vu gió thổi. Cảnh thật đẹp và buồn.

Mãi sau, Tuân trở lại lố nhố với năm, sáu người lạ mặt, trong đó có một phụ nữ khoảng ngoài ba mươi tuổi, mỗi người ôm một cái túi khá lớn. Họ vào trong căn chòi rồi cài cài mấy tấm cót cho kín đáo. Một ngọn đèn dầu hoả được thắp lên cho vừa đủ sáng để thấy tỏ mặt nhau. Họ mở túi lấy ra, người thì một cái trống cơm nhỏ, người thì một cây đàn đáy. Chị phụ nữ cung lấy ra hai que gỗ và một cái phách. Tuân nói thật trịnh trọng:

– Hôm nay tôi lén tổ chức chầu hát này là để đãi ông bạn trí thức ở tận bên tây mới về. Yêu cấu em Đức hát cho thật đạt chỉ tiêu đấy nhé!

Cô ca nương nhìn Thảo rồi đáp:

– Anh Tuân ơi! Anh ép, thì vì nể anh em cũng cố mà ra đây hát thôi. Bởi em đã giải nghệ từ mấy năm nay rồi. Nêu cồng an mà biết thì em sẽ bị đi tù mất. Hát ả đào bây giờ bị coi là thứ nhạc sa đoạ của thời phong kiến, nó đã bị khai tử từ lâu rồi!

– Không sao đâu, anh đã lo lót hết rồi. Tuân này bảo đảm mà!

– Cứ hát đi, đã có ông chủ tịch xã kiêm trưởng công an ngồi nghe đây thì còn sợ gì!

– Thôi đừng khách sáo nữa! Ta bắt đầu đi, kẻo đã quá canh khuya rồi. Đàn lên! Xin mời quan viên giữ trống ra tay! Bắt đầu “Hồng, Hống, Tuyết Tuyết” đi em!

Vài tiếng đàn chậm rãi vẳng lên, trầm bổng, thánh thót day dứt trong đêm khuya thanh vắng. Rồi một giọng ca trong vắt, ngân nga, luyến láy vang lên giữa cánh đồng vằng vặc ánh trăng.

Rồi tiếng trống vào nhịp:

– Tom! Chát! Chát! Tom!

– Hồng, hồng, tuyết, tuyết ứ ư ừ mới ư ừ ngày nào chửa… ư biết cái chi chi…

– Tom, tom, chát…

Tiếng hát, tiếng đàn nhịp trống bỗng đưa mọi người nhập vào một thứ nghi lễ tôn giáo linh thiêng… gợi cảm, trữ tình của nghệ thuật!

Bác Thảo vui vẻ, thích thú kể lại thật chi tiết về một chầu hát ca trù lén lút vô cùng cảm xúc, trong đêm khuya ấy, giữa một cánh đồng khô, trong lúc tình hình chiến tranh sôi động, mọi người lo âu, bồn chồn không biết ngày mai sẽ ra sao!

Bởi đấy là lần đầu tiên trong đời bác Thảo được nghe tiếng hát “trong như pha-lê, luyến láy ngân nga, thấm nhập tâm can, làm rung động toàn thân xác.,.”. Bác say sưa khen:

– Ôi! Lúc ấy, tiếng đàn, tiếng hát, sao có thể thuần khiết, âm vang sâu thẳm đến thế! Tiếng trống bắt nhịp thật lịch duyệt, như thúc dục, như khuyến khích ca nương!

Bài ca vừa chấm đứt, Thảo không nhịn được phản ứng ngạc nhiên, nên hỏi:

– Sao thứ ca dân gian này có thể nghệ thuật đến thế! Hay như vậy sao lại cấm? Trong đời tôi, tuy đã từng biết thưởng thức những tiếng đào, lời ca cổ điển vô cùng nghệ thuật của lối hát đại nhạc (opéra) phương Tây, nhưng đây là lần đầu tiên tôi khám phá ra một lối ca nghệ thuật tuyệt kỹ, vừa trữ tình, vừa huyền bí, thiêng liêng như của một tôn giáo, nghe mà rợn cả người, cứ y như bỗng mình được lạc vào cõi thiên thai. Một thứ nghệ thuật truyền thống quý như vậy, sao lại bắt nó phải chết?

– Tại vì xưa kia nó phục vụ giới quan lại, phú hộ thời phong kiến! – Tuân giải thích – Thôi bây giờ thì ca tiếp đi chứ!

Người nghệ sĩ chơi đàn, người “quan viên” giữ nhịp trống điều khiển, rồi ca nương, tất cả đều đắm say diễn tả, như hoà tâm hồn vào mấy bài hát nói danh tiếng của mấy nhà thơ trứ danh thời trước. Tay đàn, tay trống và ca nương, tất cả đều biểu diễn, với tất cả sở trường, y như đang làm sống dậy giây phút thanh bình của đất Hà thành thanh lịch xa xưa!

Thảo giải thích thêm với chúng tôi:

– Tiếng hát ả đào đúng là hợp với tâm tư, hoàn cảnh của từng người lúc ấy. Ai ai cũng đang mang nặng một tâm tư u buồn, nên mới hát được như thế, mời nghe thấu được nỗi niềm của giọng hát, lời ca. Tôi đã từng biết lối hát đại nhạc (opéra) của phương Tây. Lối hát ấy là dùng sức buồng phổi đẩy làn hơi qua thanh quản để đưa nốt nhạc vọt lên chói vót như thi tài với tiếng đàn. Nhưng lối hát ả đào thì tế nhị hơn, vì ca nương phải kiềm chế làn hơi, rồi từ từ vừa đẩy, vừa níu lại làn hơi qua họng, để uốn nắn âm thanh qua thanh quản, làm nó uyển chuyển, luyến láy, nghẹn ngào; như than van, nức nở, để bầy tỏ nỗi niềm… Nghệ thuật hát ả đào, do đó tinh vi, truyền cảm tình tiết cao siêu, sâu sắc, huyền bí hơn hẳn đại nhạc phương Tây, Tôi không hiểu sao một nghệ thuật tuyệt vời như thế mà lại nỡ lòng mang vứt bỏ nó đi! Một dân tộc có một nền văn minh cao độ mới có thể có một lối hát nghệ thuật đậm tính văn hoá dân tộc đến thế, sao lại chê bai, kết tội nó!

– Ôi dào! Bây giờ thì cái gì của thời cũ đều bị phá đi, vứt bỏ hết! Bây giờ người ta tính áp dụng lối tiêu thổ kháng chiến ở Liên Xô, phá sập, dẹp hết, đốt hết, san thành bình địa ráo, để địch không thể xâm chiếm được. Nơi nào có tinh thần kháng chiến cao như vùng Vinh, Thanh Hoá, Nghệ An thì đã bắt đầu có lệnh thi hành chính sách “tiêu thổ”. Với hô hào “tất cả cho kháng chiến”. Tiếc gì cái lối đa truyền cảm, trữ tình, nay bị coi là truỵ lạc, là sa đoạ này!

Chầu hát ả đào dần tới hồi kết thúc. Quan viên cầm trống bỗng đứng dậy, bước tới trước mặt nhà văn Nguyên Tuân, nghiêm chỉnh cúi đầu nói:

– Xin kính mời quan bác! Quan bác là người đã nổi tiếng là tài danh cầm chầu là tài tử lịch duyệt của ca trù, đệ xin trả lại ngôi quan viên cho quan bác, để quan bác giữ nhịp cho bài ca cuối cùng của chầu hát chui này. Đệ chọn bài “Tỳ bà hành” để kết thúc, y như trong các buổi ca trù của các nhà hát trứ danh của Hà thành thanh lịch thủa xa xưa.

Nguyễn Tuân nghiêm nghị đón nhận chiếc trống nhỏ, sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn, đặt trống xuống đúng tầm tay, đưa roi trống lên cao, rồi nhìn tay đàn và ca nương, đúng cách quan viên sành điệu, như vị nhạc trưởng của ban đại hợp tấu, chuẩn bị phát lệnh trên một chiếu hát. Mọi người chờ tiếng trống phát ra. Nhưng Nguyễn Tuân lại đặt nhẹ rồi trống xuống và nói với giọng trầm buồn:
– Này em Đức ơi! Anh biết em từng là ngôi sao ca nương sáng chói của lò hát bà Đốc Sao ở Hà Nội. Xưa kia thì phải là cỡ tuần phủ tri huyện trở lên tới tống đốc mới được nghe tiếng em ca. Thế rồi cách mạng về thì nhà bà Đốc Sao biến đâu mất tích. Nay được tin em trôi dạt về đây, anh đã phải bịa chuyện xin đi công tác phương này, cốt là để tìm em, để được nghe em hát thêm một lần, cho dù mai sau có chết vì bom đạn thì anh cũng mãn nguyện là đã tận hưởng cuộc đời. Bởi hôm nay đây, cái cánh đồng khô giữa vùng đất núi rừng Tuyên Quang nảy bỗng trở thành một bến Tầm Dương! Và em Đức sẽ là người đưa tiễn anh với anh Thảo đây, đều là những tư mã của thời đại, đang bị thời thế lưu đày về cái đất Giang Châu của Tuyên Quang này… Em hãy ca thật hay lên, để tiễn đưa chúng anh ngày mai lại lên ứ… ư đường! Chỉ tiếc ở đây không có rượu ngon để anh ngâm mấy câu thơ cổ:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!

(Thơ Vương Hàn, Lương Châu Từ, Trung Quốc)

Rồi Nguyễn Tuân cao hứng, đằng hắng, lấy giọng ngâm thật thống thiết tiếp:

Rượu ngon thơm ngát chén ngà
Chén chưa kịp cạn, tỳ bà thúc đi
Sa trường say, cười mà chi
Xưa nay chinh chiến, mấy ai trở về!

(Người dịch khuyết danh)

Cây roi giơ lên phát lệnh bắt đầu bài hát:

– Tom! Tom! Chát!

Nhưng tất cả ngạc nhiên vì ca nương không cất tiếng hát mà lại ôm mặt khóc nức nở! Thảo ngồi đấy cũng long lanh nước mắt. Vì trong lòng cũng cảm thấy một nỗi u buồn thấm thìa khó tả, chẳng rõ vì sao. Nức nở, sụt sùi mọt hồi, ca nương lấy lại bình tĩnh nói:

– Em xin lỗi! Em xin lỗi! Vì nhìn mấy anh ăn mặc nâu sồng vất vả, mặt mày hốc hác, em thấy thương mấy anh quá! Mà em cũng khóc cả cho thân phận em! Thôi để em hát, để tiễn đưa các anh, và cũng là đưa em nữa, vì mai đây gia đình em sẽ tìm đường về xuôi, vì cái bến Tầm Dương của em là bên quê ngoại ở mãi vùng Thái Bình cơ!

– Thôi nín đi em! Hát đi em!

Nguyên Tuân lại nổi trống giục:

– Tom! Tom! Tom! Chát!

Ca nương bắt đầu lên giọng ngân nga, luyến láy não lòng:

Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lạch đìu hiu

Dời thuyền ghé lại thăm tình
Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui

Nghe não nuột mấy dây buồn bực
Dường than niềm tẩm tức bấy lâu
Mày chau tay gẩy khúc sầu
Dãi bầy hết nỗi trước sau muôn vàn

Thuyền không, đậu bến mặc ai
Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi, lạnh lùng

Nghe não ruột khác tay đàn trước
Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi
Lệ ai chan chứa hơn người
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh…

(Trích thơ Bạch Cư Dị, Phan Huy Vịnh dịch)

– Tom! Chát! Chát! Tom!

Tiếng trống vang lên như để khen “Thật tuyệt vời!”, tiếng đàn cùng tiếng hát ngưng bặt. Cả cái chòi cót giữa cánh đồng không ấy bỗng im lặng hoàn toàn. Chỉ cỏn tiếng gió, xào xạc, qua một bụi tre, vọng lại từ xa.

Trong chòi, mọi người, như chết lặng vì quá cảm xúc. Tất cả êm thấm đứng dậy, chậm rãi thu xếp trống, đàn, từ từ rút lui. Tất cả họ bùi ngùi, câm nín, ra về trong sợ sệt, nhìn trước, ngó sau, lắng tai, phóng mắt ra khắp phía xa chung quanh, không ai nói với ai nửa lời. Mỗi người mỗi nặng một tâm tư luyến tiếc, lo âu, sợ hãi…

Nguyên Tuân ghé tai Thảo:

– Này ông bạn trí thức của tôi ơi, nhớ cho kỹ là đừng cho ai biết là tôi đãi ông chầu hát ca trù này đấy nhé! Phải “bem” (giữ bí mật) kẻo lại bị ngồi viết kiểm điểm thì mệt lắm đấy!

– Thú thật là ngồi nghe, tuy không hiểu hết ca từ, nhưng tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống y như mình cũng đang khóc cho nỗi niềm u uất của chính mình. Không thể ngờ là lối ca này nó thấm thía vào tim gan đến thế!

– Anh có biết tại sao ca trù nó thấm thía vào tâm hồn mọi người không? Tại vì đây là một lối ca trữ tình. Bởi lời ca toàn là những bài thơ, bài hát nói của một nền vãn chương quý phái đã lâu đời. Cách diễn tả lại càng trữ tình hơn. Vì làn hơi bị ức chế trong lồng ngực để rồi được đẩy ra thành tiếng luyến láy nghẹn ngào, nức nở, để bầy tỏ những tình cảm uất ức khó diễn tả, nên ca mà cứ như nấc nghẹn, muốn than van, nuối tiếc, khóc thương một thời hạnh phúc đã mất… Ai mà có nỗi niềm trong lòng thì mới thưởng thức hết được cảm xúc sâu thẳm của ca trù. Tôi biết anh cũng đang có nhiều nỗi niềm bị ức chế ở trong lòng nên tôi mới mời anh đi hát hôm nay. Có đúng như vậy không nào?

Thảo nhìn Tuân chằm chăm, rồi ngần ngừ nói:

– Anh hỏi tôi câu ấy làm tôi chột dạ. Cố phải anh là môn đệ của Freud đã nhìn thấy tâm can tôi không? Hay anh là cán bộ của “cụ Hồ” đang gài bẫy để bắt quả tang lập trường chao đảo của tôi đây?

– Tôi chưa hề đọc Freud. Và anh cũng đã mắc cái bệnh cảnh giác nặng rồi đấy. Nhưng cứ yên tâm, vì thằng Nguyễn Tuân này dù thế nào thì cũng không thể hèn mạt đến nỗi bán rẻ tình bạn cho cách mạng đâu. Anh cứ bình tĩnh mà chịu đựng và chờ đợi, chờ thời… Tôi hỏi thật, anh có hiểu tại sao ca trù nó lại thấm thấu tâm can chúng ta như vậy không?

– Tại sao vậy anh?

– Tại vì ca trù toàn chuyên chở âm điệu những nuối tiếc, những tình hận, những chí cả sinh bất phùng thời của những kẻ bất mãn, bất đắc chí như anh đấy!

– Sao anh thấy được tận đáy lòng tôi như thế? Xin cảm ơn anh! Nhưng cũng xin anh đừng làm tôi sợ vì đúng là anh đã bắt quả tang tôi đang chao đảo lập trường đối với cách mạng!

– Anh đừng lo. Tôi hiểu anh vì tôi hiểu tôi. Bởi chúng ta chỉ là bọn Giang Châu tư mã đang bị giông bão thời cuộc đánh trôi dạt về cái bên Tầm Dương rừng rú này. Buồn lắm! Thảm lắm anh ơi! Với anh tôi mới dám thổ lộ tâm sự u buồn của tôi. Bởi tôi biết sợ cũng như anh biết sợ…

Rồi bác Thảo còn cho biết sau khi về tiếp thu Hà Nội, Nguyễn Tuân còn mời bác đi nghe hát ca trù chui lậu thêm hai lần nữa, nhưng những lần sau này thì không còn xúc động mạnh như lần đầu, trong cái chòi tranh thô kệch nghèo nản ở giữa cái cánh ruộng khô, đêm trăng ấy nữa.

Trích “Trần Đức Thảo – Những lời trăn trối”,
Phan Ngọc Khuê ghi.
Nguồn: FB La Khac Hoa

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Người Anh ngạc nhiên về lối sống kỳ lạ của dân Hà Nội


"Hà Nội quả đúng là một 'xứ sở thần tiên' của tiền bạc, nơi mà những quy luật bình thường bó tay không thể nào áp dụng nổi".
Giám đốc người Anh ngạc nhiên trước lối sống kỳ lạ của dân Hà Nội: Tôi không hiểu họ lấy tiền đâu để đi du lịch, ở resort, sắm đồ hiệu nhiều đến vậy?
Anh Steve Jackson mới đây chia sẻ trên trang blog medium của mình những điều anh thực sự không hiểu về cách những người Việt Nam sử dụng đồng tiền. Anh tự hỏi: Tại sao họ lương thấp mà vẫn du lịch suốt, hay họ lấy đâu nhiều thời gian để chỉ đi chơi mà không đi làm đến thế ...

Steve Jackson mang quốc tịch Anh Quốc. Nghề nghiệp của anh là làm việc trong nhiều tổ chức phi chính phủ hướng đến cộng đồng (NGOs) ở châu Á. Hiện tại, anh đang giữ chức vụ Giám đốc truyền thông số tại tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ các em nhỏ mang tên OneSky.

Hơn hết, Jackson còn là một người bạn ngoại quốc đã chọn Việt Nam như nơi sinh sống và làm việc của mình. Thời gian anh ở Hà Nội đến nay đã tròn một thập kỷ, có lẽ là đủ dài để giúp anh hiểu phần nào về con người nơi đây. Anh lập nên một trang blog cá nhân để viết về những điều mình cảm nhận được về đất nước, con người, lối sống tại Việt Nam cũng như tại mảnh đất thủ đô.
Tác giả Steve Jackson

Gần đây, Steve Jackson đã có một chia sẻ nói về những thắc mắc của anh trong cách người Hà Nội sử dụng tiền để mua sắm, đầu tư, kinh doanh... Sau một thời gian đăng tải, với nội dung thể hiện cái nhìn rất khác lạ của một người nước ngoài, bài viết đã nhận được sự quan tâm của nhiều người Việt trong nước. Theo sau đó cũng là hàng loạt các ý kiến tranh luận được đưa ra.

Chúng tôi xin đăng tải chia sẻ này sau khi đã dịch lại nội dung qua tiếng Việt. Tựa đề bài viết mang tên 'I don’t understand wealth in Hanoi', tạm dịch là 'Tôi không thể hiểu nổi vật chất tiền bạc tại Hà Nội'. Tuy nhiên, chúng tôi xin đặt lại tựa đề thành 'Tại sao ở Hà Nội người ta giàu thế?' để cho phù hợp nhất với ý tưởng tác giả truyền tải trong bài.

Tại sao ở Hà Nội người ta giàu thế?

Một thập kỷ sống ở Hà Nội nhưng tôi vẫn chưa thể hiểu cách đồng tiền ở đây đang vận hành.

Tôi từ lâu đã biết rằng đồng lương của những người đồng nghiệp Việt Nam chỉ bằng một phần nhỏ so với những đồng nghiệp người nước ngoài như chúng tôi. Vì thế, tôi luôn luôn cố tránh đặt họ vào một tình thế mà họ buộc phải trả những ‘mức giá quốc tế’.

Với lại ở đây, ngồi bia hơi với ăn lẩu là thấy ổn rồi (không cần tốn nhiều tiền).

Thế nhưng xong rồi tôi thấy chính những người đồng nghiệp đó khoe ảnh ọt trên Facebook. Họ đi du lịch, ở trong mấy nơi resort mà đến tôi cũng chẳng bao giờ đủ tiền để vào, hoặc là chụp những bức ảnh ‘tự sướng’ trên những chuyến đi vòng quanh thế giới.

Tôi cũng thấy nhiều thanh niên đi du học Anh đăng ảnh sống ảo trên Instagram về những chuyến đi du lịch châu Âu vào đợt nghỉ giữa kỳ của họ. Thậm chí, tôi thấy một bạn thực tập sinh cũ của mình còn đổi đời trở thành một ‘ngôi sao Instagram’ suốt ngày đăng ảnh quần áo và có tới 50.000 người theo dõi. Mà, đồ cô ấy mặc toàn là hàng Chanel.

Trong một cập nhật gần nhất, cô ấy tỏ vẻ giận dữ và khẳng định rằng những món đồ đắt tiền đó không phải nhờ bố mẹ của cô hay nhờ anh người yêu mua cho.

Còn ở đây, tôi thấy các chuỗi cửa hàng sống năm này qua năm khác mà không có lấy một mống khách hàng. Điều này xảy ra với không chỉ những hộ kinh doanh nhỏ kiểu gia đình mà với các chuỗi lớn như Fresh Garden hay Paris Gateaux.



Ảnh chụp từ khoe sự giàu có của người Việt từ tài khoản Instagram richkidsofvietnam - Hội con nhà giàu Việt Nam
........

Tôi cũng thấy thanh niên Việt Nam làm ăn kinh doanh. Họ đổ hàng chục nghìn USD để tập trung quá nhiều vào khâu vận hành. Thế là chỉ sau vài tháng, mô hình gặp vấn đề và họ bắt đầu chán nản. Tất cả là bởi họ không quan tâm đến vấn đề tài chính của mô hình từ đầu.

Và một vài trường hợp rất đặc biệt khác mà tôi gặp thì họ (những người phụ nữ) chỉ kiếm được vài USD mỗi ngày. Thế mà họ phải dùng tiền để nuôi cả gia đình. Tôi chẳng hiểu họ đã làm như thế nào.

Trong khi đó, mấy ông chồng - về mặt luật pháp nhưng thực ra chẳng còn giống như những người chồng trong cuộc sống gia đình - thì lười, chẳng chịu làm gì. Họ chỉ trông chờ vào mấy đồng lương còm.
........

Gần đây còn có một cơn bùng phát trong cộng đồng những người tự gọi mình là ‘doanh nhân thành đạt’. Người ta cứ sử dụng rất nhiều hash tag #StartUp trên trang cá nhân của họ trên mạng xã hội Twitter. Họ tự tạo ra các ‘hub’ (trung tâm) và nói nhiều đến các cách ‘hacking’. Có thể có người kiếm được nhiều tiền từ những vụ này, nhưng câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu người trong số họ thực sự làm được như thế?

Tôi cũng thấy những người sống ở mấy biệt thự ven hồ cứ đăng hết mấy bức ảnh đi nghỉ này những bức ảnh du lịch khác trên Facebook. Tôi không hiểu họ lấy tiền đâu ra để phục vụ cho lối sống ấy, hay họ lấy đâu ra nhiều thời gian để đi nghỉ đến thế.

Hà Nội quả đúng là một 'xứ sở thần tiên' của tiền bạc, nơi mà những quy luật bình thường bó tay không thể nào áp dụng nổi.


Sau khi bài viết này được lan truyền, nhiều ý kiến bình luận của người Việt đã được đưa ra.


Bạn đọc có thể đọc bản gốc bài viết của Steve Jackson tại đây.

Steve Jackson
Theo Trí Thức Trẻ
(Cafebiz)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư liệu ODA:

Viện trợ không hoàn lại không phải để ‘đớp hốt’!
Cho tới giờ, nhiều người vẫn không thể hiểu tại sao TT Nguyễn Xuân Phúc – nhân vật đã có thâm niên lâu năm trong Văn phòng chính phủ và có thể đã quá biết, quá hiểu về quốc nạn tham nhũng ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức) lên tới 40-50% giá trị dự án tại Việt Nam, lại có thể “trơ mặt” đến mức “đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay”…
Ảnh: Báo Đất Việt
Đề nghị trên được ông Phúc nêu ra tại buổi tiếp Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione chiều 20/9/2017 tại trụ sở Chính phủ.

“Các khoản không hoàn lại” mà ông Phúc đề cập về thực chất là viện trợ không hoàn lại nằm trong các dự án viện trợ ODA mà Việt Nam nhận được từ các nhà tài trợ chính như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu, Nhật Bản, châu Âu… Trong các dự án này, phần viện trợ không hoàn lại chiếm tỷ lệ khoảng 20 – 25%.

Vậy chính thể Việt Nam đã “khai thác có hiệu quả ODA” như thế nào?

Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 – 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp”. Thậm chí tỷ lệ “lại quả” ODA còn lên đến 40% – được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 – 2010.

Có rất nhiều bằng chứng về lãng phí và “ăn dày” ODA.

Trong một lần hiếm hoi, báo điện tử Vietnamnet đã nêu ra một minh họa cụ thể: từ năm 2009-2010, sau khi đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây trường học và đường sá thì có một phụ nữ – mà tờ báo không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An – đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề chạy dự án, với điều kiện khi thành công phải cắt cho bà ta 40%.

Sau đó nguồn vốn ODA đã được rót về cho ba xã ở Hà Tĩnh, trong đó có một xã tên là Gia Phố được nhận 80.000 đô la để xây dựng trường tiểu học. Chính quyền xã này đã lấy 8.000 đô la chia cho nhau, rồi lấy thêm 24.000 đô la chi cho người phụ nữ làm môi giới. Tỉ lệ 40% tương tự cũng xảy ra ở huyện Cẩm Xuyên. Do bị ăn chặn trắng trợn đến thế, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã trên đều sụt giảm mạnh về quy mô và chất lượng.

Từ trước tới nay, nguồn vốn ODA do các tổ chức tài chính quốc tế và chính phủ nước ngoài đều quy định hết sức chặt chẽ về việc chính phủ Việt Nam không được sử dụng số tiền cho vay sai mục đích. Tuy nhiên trong thực tế “đúng quy trình” của ngân sách Việt Nam, tiền vay nước ngoài, đặc biệt là vay vốn ODA, có nhiều dấu hiệu đã bị chi sai mục đích và chi xài vô tội vạ. Tình trạng này rất phổ biến trong 8 năm cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Kể cả đến thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng có ít nhất một bằng chứng cho thấy vốn ODA bị chi sai mục đích.

Tại một phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 22/12/2016, phía Chính phủ đã đề nghị dùng 4.482 tỷ đồng vốn ODA để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội. Câu hỏi đặt ra là ai và cơ quan nào đã tham mưu cho chính phủ để lấy vốn ODA cấp cho ngân hàng – một cơ chế thuần túy kinh doanh?

Tục ngữ Việt Nam có câu “ăn vặt quen mồm”…

Việc Chính phủ đề nghị Quốc hội cấp vốn ODA cho giới chủ ngân hàng cũng là một bằng chứng mới cho thấy dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ rất có thể đã quen với việc dùng tiền ODA để chi cho những mục đích khác, như thay vì sử dụng đúng mục đích ODA cho các dự án hạ tầng cơ sở và môi trường, họ đã cắt nguồn vốn này cho các khoản chi tiêu thường xuyên của chính phủ, thậm chí còn có thể cắt ODA cho các dự án xây dựng trụ sở hành chính và tượng đài từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng đầy tai tiếng và cực kỳ đáng lên án.

Thế nhưng điều kỳ quái lạ là cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ tổ chức giám kiểm độc lập nào cho một khu vực được coi là nhạy cảm như ODA. Những tổ chức phi chính phủ Việt Nam muốn làm việc này thì không được cho phép thành lập, trong khi đó những tổ chức phi chính phủ nước ngoài vốn có truyền thống kiểm định những dự án lớn như thế này lại chưa hoạt động ở Việt Nam, và cũng chưa được được một cơ quan nhà nước Việt Nam nào mời.

Quá hiển nhiên, đó là lý do vì sao ngay cả những quốc gia được coi là có “thiện cảm” với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với một chính quyền “ăn của dân không chừa thứ gì”.

Ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, Bộ Ngoại Giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỷ đồng trên tổng số tiền 69 tỷ đồng do Đan Mạch tài trợ, tức là tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron.

Năm 2013, phía Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại giao Úc và vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.

Bây giờ thì không còn có thể mơ đến viện trợ không hoàn lại từ trên trời rơi xuống như nhiều năm trước.

Vào tháng 12 năm 2015, Ngân hàng thế giới đã đột ngột thông báo “dừng các khoản vay ưu đãi đối với Việt Nam”. Từ tháng 7 năm 2017, Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3,5%.

Tiền nào cũng là tiền. Viện trợ không hoàn lại là tiền của người dân các nước phát triển đóng thuế cho chính phủ, và những người dân này sẽ phẫn nộ đến mức nào khi biết tiền của họ đã bị một quốc gia nằm trong nhóm đầu thế giới về tham nhũng như Việt Nam “ăn không chừa thứ gì”.

Gieo nhân nào gặt quả nấy. Từ khoảng ba năm qua, không chỉ các dự án cho vay mà cả viện trợ không hoàn lại từ phương Tây vào Việt Nam trở nên rất ít, ít đến mức thảm thiết.

Rất có thể là một bài học cho Thủ tướng Phúc: không còn là cái thời chỉ đi xin viện trợ để “ăn sẵn” nữa.

Thiền Lâm
(Cali Today)


Phần nhận xét hiển thị trên trang