Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Trăm kiểu xưng hô trong tiếng Việt



Nguyễn Xuân Hưng
























MTG - Một thời ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nơi công cộng người ta nhất loạt gọi nhau là đồng chí, cũng buồn cười. Trẻ già đồng chí tuốt. Rồi đến thời, công sở cũng như họ hàng, cứ chú bác, cô dì loạn cả lên, khi kiểm điểm sắp choảng nhau mới gọi nhau đồng chí.

Xưng hô, tiếng Việt của người Việt

Người phương Tây khi học tiếng Việt, hầu hết đều nói khó nhất là các đại từ nhân xưng. Ngôi thứ phù hợp với tôn ti trật tự. Biểu hiện rõ nhất của việc ngôn ngữ phản ánh đặc tính xã hội, chính là cách thức xưng hô. Một nước ảnh hưởng Nho giáo nặng nề, thì không thể có một từ “I” như của tiếng Anh dùng cho ngôi thứ nhất, một từ “you” dành cho ngôi thứ 2. Không những thế, còn rất nhiều từ địa phương nữa chứ.

Từ khi ra đời, đứa bé gọi “mẹ” rồi gọi “bố”. Từ “bố” có lẽ là từ cổ. “Bố” có từ thời Phùng Hưng. “Bố cái đại vương” có thể là một tổ hợp ghép từ Nôm và Nôm gốc Hán. “Bố cái”, có thể là người bố lớn, chứ không phải là “bố mẹ”, và là nhà vua lớn (đại vương). Có nhiều người cho rằng “cái” là mẹ, rất có thể nhầm, vì “cái” là “to lớn” mới đúng. Nhưng chuyện “cái” không phải chủ đề của bài này.

Các địa phương từ Bắc vào Nam, nhiều bộ phận cư dân dùng từ có nghĩa như “bố, mẹ” khác nhau. Miền Trung có “bọ, mạ”, miền Nam có “ba, má”, “tía, má”. Nông thôn miền Bắc phần nhiều gọi “thày, u” hoặc “thày, bu”. Trung du gọi mẹ là bầm, bủ. Có một số địa phương miền núi phía bắc gọi bố là “bác”. Bố mẹ tôi hồi kháng chiến chống Pháp tản cư lên một huyện ở Thái Nguyên, kể rằng người địa phương thì con gọi bố là bác. Có thể câu ca dao này xuất phát từ vùng gần xứ Lạng: “Ai lên xứ Lạng cùng anh, bõ công bác mẹ sinh thành ra em”. Tôi biết “bác” ở đây là “bố”. Nhưng chắc rất nhiều người không biết điều ấy, mà cho là câu ca dao nói về ông anh của bố và mẹ, ngẫm ra rất vô duyên.

Thời Pháp thuộc, các thành phố miền Bắc gọi bố, mẹ là “cậu, mợ”. Con nhà giàu thì người ở cũng gọi luôn là “cậu nhỏ”. Chả hiểu gốc tích chuyện xưng hô này ở đâu.

Tôi đọc tư liệu về Võ Nguyên Giáp, thấy nói quê ông Giáp gọi bố, mẹ là “thày, thím”. Đến khi viết kịch bản liên quan đến ông Giáp, quá nhiều người phản đối, sau lại đọc có tư liệu bảo vùng đó gọi là “thày, đẻ”. Bây giờ người già chắc còn nhớ, còn lớp trẻ chắc gọi khác đi rồi.

Nhà tôi, có bà mẹ già (vợ cả của bố) thì chúng tôi gọi là “mẹ”, còn mẹ mình thì gọi là “đẻ”. Người lớn ngày xưa quy định thế, gọi lên thấy thân thương, nhưng người khác không quen thì thấy buồn cười.

Các từ chỉ họ hàng ở vùng đồng bằng sông Hồng từ xưa cũng phản ánh thiết chế xã hội. Họ hàng nhà bố thì con trai phân biệt chú, bác, nhưng con gái thì chị hay em bố cũng gọi là cô. Đó là vì xã hội phụ quyền. Ghi gia phả chỉ ghi con trai, còn con gái là theo nhà chồng. Phân biệt chị hay em bố phải gọi kèm theo chồng mới biết. Cô - bác là cô chị bố, cô - chú là cô em bố. Cũng là một kiểu phản ánh xã hội lấy người đàn ông làm chuẩn mực, đàn bà chỉ ăn theo.

Phía họ mẹ thì rất rành rọt: anh em trai mẹ gọi là bác (giống gọi anh của bố), cậu, nhưng chị em gái mẹ gọi là bá, dì. Những vùng Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội), chị mẹ không gọi “bá” mà gọi là “già” (hay “dà”?). Gọi thế hơi bất tiện khi người còn trẻ mà gọi là “già”.

Nông thôn miền Bắc truyền thống có tục người đối thoại thay con hay cháu. Khi chưa có vợ, chồng thì gọi nhau anh chị, mày tao chi tớ. Khi có con, có cháu thì tùy con mình gọi người đó là gì, mình gọi thế. Ví dụ có bạn, khi trẻ thì mày tao, anh chị; khi có con phải gọi người đó là bác, chú, cô, tùy theo tuổi, khi có cháu thì gọi nhau là ông, bà. Tương tự, với người già cũng vậy, cứ có con hay cháu thì trong xưng hô gọi nhau lại nâng cấp một bậc, còn về phía mình thì có thể xưng thay con cháu, hay vẫn xưng ở ngôi mình. Ví dụ, gọi bạn bè là ông, không cần xưng cháu, mà vẫn xưng tôi, xưng em… Hồi xưa xưng hô rất đúng tôn ty và thứ bậc. Ngày nay không nhất thiết như vậy, nên khi nghe hai người xưng hô, không thể đoán được vai bậc của họ trong xã hội.

Khi người ta đến trường học, thời Pháp thuộc còn có vai trò của các cụ đồ dạy chữ nho, nhất nhất học trò gọi thày và xưng con. Rồi đến thời kỳ, ở nhà trường gọi là thày cô, học sinh xưng em. Tôi đã lớn lên trong thời kỳ nhà trường xưng em với thày cô giáo, bây giờ vẫn không sao quen được cách mà con cháu xưng hô ở trường. Bây giờ học mẫu giáo, các cô nhất loạt xưng là mẹ, gọi học trò là con, cũng không phải là hay. Mục tiêu của nhà trường chắc là muốn tỏ ra các cô giáo như mẹ hiền.”Như” thì nên gọi là cô cũng được. Một đứa trẻ dù có nhiều người xưng là mẹ, nó vẫn biết không phải mẹ nó, mà người lớn khó xưng hô. Đứa trẻ mẫu giáo xưng con cũng được, còn đến tiểu học cũng có thể chấp nhận khiên cưỡng, nhưng từ phổ thông cơ sở, lớp 6-7 đến lớn 12 mà các thày cô U30 gọi bọn 15-16 là con, có vẻ không hợp cho lắm. Mà gọi thế chỉ có tăng khoảng cách xa xôi, dễ áp dụng biện pháp trại lính, bố mẹ nói là con cấm cãi. Cải cách giáo dục, có lẽ phải cải cách chính cách xưng hô trong nhà trường.

Một thời ở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nơi công cộng người ta nhất loạt gọi nhau là đồng chí, cũng buồn cười. Trẻ già đồng chí tuốt. Rồi đến thời, công sở cũng như họ hàng, cứ chú bác, cô dì loạn cả lên, khi kiểm điểm sắp choảng nhau mới gọi nhau đồng chí. Cũng là một kiểu tự do vô lối. Công sở nên xưng ngôi thứ nhất là tôi. Chỉ có tôi mà thôi. Còn người đối thoại chỉ có 2 từ: trẻ thì anh-chị, già thì ông-bà. Thế là chuẩn mực mà sao không thể áp dụng được? Mới thấy cái sự xưng hô tưởng dễ mà khó.

Nói về chuyện cung đình phong kiến thời xưa, chuyện xưng hô được quy ước chặt chẽ, xưng hô nhầm có thể bị tội đánh roi hoặc phạt tiền, như kiểu phạt vi phạm giao thông. Chức gì tước gì thì xưng thế nào. Ví dụ Luật Hồng Đức quy định: “Thân vương xưng hô là điện hạ; tự thân vương xưng là phủ hạ; tước công, tước hầu, tước bá, phò mã và viên quan hàm nhất phẩm xưng là các hạ; viên quan hàm nhị tam phẩm xưng là môn hạ; viên quan hàm tứ, ngũ và lục phẩm xưng là đại phu; viên quan hàm thất, bát và cửu phẩm xưng là quan trưởng. Nếu người nào dám xưng hô tiếm lạm càn rỡ cùng người nhận lời xưng hô không chính đáng ấy, đều sẽ phải phạt 50 roi và 10 quan tiền”. Bây giờ có các nhà văn hẳn hoi, viết truyện lịch sử thời kỳ nhà Lê, cho nhân vật xưng hô lung tung beng, độc giả không biết, người viết cũng tưởng thế là hay.

Xưng hô thời hiện đại của Việt Nam bắt đầu đang có sự thay đổi, ngay trên tivi, ở đâu cũng gọi “quý vị”, lại còn kêu rõ to “quý vị ơi, xyz… có phải không ạ?” Thế thì “quý vị” chỉ có nghĩa như… trẻ nhỏ.

Tôi vẫn tin rằng, xưng hô là một biểu hiện văn hóa xã hội. Nếu có bề dày truyền thống, có sự đa đạng văn hóa địa phương, sao không thể kế thừa?  Chính quyền có cơ quan văn hóa làm gì, nếu không làm luật xưng hô. Vua Lê Thánh Tôn không rỗi hơi quy định xưng hô trong một bộ luật của vương quốc thịnh vượng thời đó. Hoặc là vì thế mà nước cường thịnh?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Triều Tiên hoãn tấn công Guam: Đức tung hô Trung Quốc, ông Trump khen ông Kim Jong Un


Triều Tiên hoãn tấn công Guam: Đức tung hô Trung Quốc, ông Trump khen ông Kim Jong Un
Ảnh minh họa (Getty Images)
Bình luận về diễn biến này, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, sức ép từ Trung Quốc đã mang lại hiệu quả.
Reuters ngày 16/8 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khen ngợi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un "sáng suốt" khi quyết định hoãn kế hoạch phóng tên lửa nhằm vào đảo Guam.
"Ông Kim Jong Un của Triều Tiên đã đưa ra một quyết định vô cùng sáng suốt và hợp lý", đăng tải trên Twitter, ông Trump nhấn mạnh, "Phương án còn lại vừa thảm khốc, vừa không thể chấp nhận nổi ".
Tweet này được đăng sau khi truyền thông Triều Tiên hôm 15/8 tuyên bố, lãnh đạo Kim Jong Un đã tạm hoãn kế hoạch và chờ đợi xem Mỹ sẽ làm gì tiếp theo.
Bình luận về diễn biến này, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho rằng, sức ép từ Trung Quốc đã mang lại hiệu quả.
"Từ hôm qua, chúng tôi đã cảm thấy lạc quan. Tôi nghĩ rằng, sức ép của Trung Quốc đã góp phần dẫn tới quyết định hoãn phóng tên lửa nhằm vào Guam của Triều Tiên", ông Gabriel nói, "Ông ấy [Kim Jong Un] nói rằng ông ấy sẽ suy nghĩ thêm nhưng có vẻ như áp lực mà Trung Quốc tạo ra đã đem lại hiệu quả".
-------------------------------------
1 đêm vội vã với 2 cuộc điện đàm, Ngoại trưởng TQ muốn "phanh gấp" khủng hoảng Triều Tiên
1 đêm vội vã với 2 cuộc điện đàm, Ngoại trưởng TQ muốn "phanh gấp" khủng hoảng Triều Tiên
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Reuters
Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với hai người đồng cấp Nga, Đức thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên.
Tối ngày 15/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhằm trao đổi quan điểm về tình hình hiện nay tại bán đảo Triều Tiên.
Ông Vương Nghị kêu gọi, "trước cục diện hiện tại, Trung-Nga cần tiếp tục tăng cường trao đổi chiến lược, phối hợp kiểm soát tình hình và không cho phép bất cứ ai quấy rối trước cửa nhà Trung-Nga".
"Nhiệm vụ cấp bách trước mắt chính là "phanh gấp" những phát ngôn, hành động khiêu khích lẫn nhau của Triều Tiên và Mỹ nhằm hạ nhiệt căng thẳng, ngăn chặn sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng tháng 8'", Vương Nghị nhấn mạnh.
Cùng ngày trước cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga, ông Vương Nghị đã thảo luận qua điện thoại với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel về vấn đề Triều Tiên. Qua cuộc điện đàm, Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh mong muốn chứng kiến vai trò tích cực của Berlin trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Giới phân tích nhận định, do nhiều cuộc xung đột thường bắt nguồn từ những phát ngôn và kết thúc bằng hành động quân sự nên Bắc Kinh lần này đã rất lo lắng sau tuyên bố dọa tấn công đảo Guam (Mỹ) của Triều Tiên. Bởi nếu chiến tranh Triều Tiên thực sự nổ ra thì Trung Quốc - nước láng giềng của Bình Nhưỡng - cũng sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp không hề nhỏ.
Hôm thứ 2 (14/8), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến thị sát Bộ tư lệnh Lực lượng chiến lược và cho biết hoãn kế hoạch tấn công Guam bằng tên lửa, "chờ xem thêm" các hành động của Mỹ trước khi có quyết định "quan trọng".
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Bình Nhưỡng sẽ phải gánh chịu "lửa và giận dữ khủng khiếp" chưa từng có nếu tiếp tục đe dọa Mỹ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Đuổi Mỹ đi, lại đón Mỹ về”

Năm 1995, trong buổi học cuối cùng của môn chính trị, tôi được nghe ông thầy (cũng là bí thư đảng ủy) nói với giọng tức giận “đánh Mỹ chạy đi, giờ lại trải thảm đỏ đón Mỹ về”.
Ghi chép, nhân một bản tin của báo chí Nhà nước – về Mỹ và Việt Nam
Ông nói vậy, bởi Việt Nam và Mỹ mở lại bang giao vào tháng 7-1995. Lúc đó, đại diện nước Mỹ là tổng thống Bill Clinton, còn Việt Nam là thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Tâm trạng hoang mang và tức giận đó của ông bí thư đảng ủy, là điều mà tôi vẫn nhìn thấy ở những người bỏ một đời đi theo chủ nghĩa cộng sản, rồi bất chợt một ngày cảm thấy bị hụt hẩng vì cảm giác như mình bị phản bội – đồng thời mơ hồ mình có thể bị bỏ rơi vào lúc nào đó.
20 năm sau, với những nỗ lực không ngừng từ phía Mỹ, Việt Nam đã có những cuộc phối hợp đầu tiên giữa quân đội hai nước. Mặc dù đó chỉ là khởi đầu các hoạt động cứu trợ nhân đạo và cứu trợ thảm hoạ trong khuôn khổ chương trình Thiên thần Thái Bình Dương.
Vào tháng 8/2015, hải quân Việt Nam dè dặt bước vào cộng tác trong chương trình Đối tác Thái Bình Dương, là bước đi gấp rút sau sự kiện giàn khoan dầu HD 981 của Trung Quốc tiến vào vùng của Việt Nam trong năm 2014. Vai trò của một cựu thù lúc này ở VN thật đầy tính “ấm áp”.
Đến thời điểm đó, rất nhiều người già đã bỏ một đời đi theo lý tưởng cộng sản mà tôi gặp lại, đều thay đổi. “Trung Quốc mới chính là kẻ thù”, tôi nghe những câu nói như vậy thường xuyên và lớn giọng hơn. Thậm chí, có những người đã cùng tham gia xuống đường chống Trung Quốc rồi bị đánh đập hay tù đày.
Hơn vậy, tôi nghe khắp trên các con đường mình đi qua, từ Nam chí Bắc, là những lời bàn không chỉ về kẻ thù của Việt Nam mà còn bàn về những kẻ sẵn sàng bán mình cho kẻ thù của Việt Nam. Nghe như một cuộc chuyển mình rầm rộ mà thinh lặng.
Hôm nay, hàng không mẫu hạm của Mỹ nói sẽ ghé vào Cam Ranh với cuộc “bảo trì” đầy ý nghĩa, nhất là sau khi Bắc Kinh ép Hà Nội phải ngừng khoan dầu trên biển, và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch vừa sang Mỹ. Tôi lại nhớ về ông bí thư đảng ủy đó.
Lịch sử đang đổi thay. Con người cũng đang đổi thay. Thậm chí con cái các quan chức cấp cao đã rùng rùng chọn học, sống và mua nhà ở Mỹ cũng như ở các nước phương Tây “thù địch”. Nhiều gia đình quan chức chỉ quyết chọn đến định cư ở những nước mà lý tưởng cộng sản được sách giáo khoa nơi đó dạy rằng, là tội ác của nhân loại. Bất chấp trong đất nước này, các đại học VN vẫn ép sinh viên phải lèn chặt chủ nghĩa Marx-Lenin như công cụ tư tưởng sống còn của chế độ.
Hôm nay, chỉ còn lại rơi rớt những lời ngợi ca Trung Quốc bạn vàng công khai từ một ít tướng lĩnh, hay luận điệu hằn học được huấn luyện của lớp thanh niên bị nhồi sọ phục vụ. Nhưng mỗi lúc, những âm thanh đó càng ngày càng tẻ nhạt và vô ích. Đôi khi, có thể đó là thành phần phải bị hy sinh để giữ lại thể diện hữu nghị trước những khúc quanh lịch sử khó lường sẽ đến.
Vài năm sau nữa, lớp người rơi rớt ấy có đập bàn hằn học cho số phận của mình, như ông bí thư đảng ủy mà tôi nhìn thấy không?
Tất cả như một sân khấu vĩ đại mà nhân dân là khán giả xuyên suốt. Sân khấu lúc có tiếng súng và nhà tù, lúc có hoan hô và đả đảo. Trò diễn cứ liên hồi, nỗi niềm rồi chỉ còn lại nhân dân im lặng cảm nhận.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cái phao màu đỏ

Kết quả hình ảnh cho Ảnh cái phao tín hiệu đường sông?


                      Cái phao màu đỏ
                      Truyện ngắn của Hồng Giang

Anh Cu Tài vừa chợp mắt được một lúc, nghe có tiếng kêu vọng thất thanh ngoài mặt sông. Anh vội vàng với cái đèn pin, choàng dậy. Từ ngày vợ và con gái đi làm xa, anh thường ít ngủ. Giấc ngủ đêm nào cũng chập chờn. Nhất là quãng thời gian cả tháng qua, mưa kéo dài, đêm nào cũng trằn trọc mãi mới vào giấc được. Anh lần ra đầu nhà bè, lắng tai nghe. Tiếng kêu nghe chập chờn không rõ chìm trong tiếng nước cồn lên phía ngoài gềnh, chỗ cái phao tín hiệu cuối bãi Sản. “Anh.. T..à.i.. ơ.i.. c..ứ..u ..e..m..” Tiếng kêu như từ cõi nào xa lắm vọng lại, rờn rợn. Cu Tài thoáng rùng mình. Không kịp nghĩ nhiều, anh cởi dây buộc chiếc thuyền sắt vẫn dùng đánh cá đêm, lao ra nơi có tiếng kêu cứu vừa rồi. Chỉ một nhoáng, ánh đèn buộc trên đầu của anh Cu Tài đã soi rõ hình dáng nửa con thuyền sắt sơn màu lá cây quen thuộc. Đúng là thuyền nhà Bình Liên, bạn chài lưới với mình!
 Trong chớp mắt con thuyền ấy chìm mất tăm. Chỉ kịp nhìn thấy hai cái đầu người đen đen nổi trên mặt nước, bốn cánh tay đang cố sức vung vẫy giữa sông.
Vợ chồng nhà này là dân hàng chài có nghề, biết bơi lội từ tấm bé, sao lại phải kêu cứu? Chắc là sợ mất con thuyền, nguồn sống duy nhất của mình chăng?
Chả nghĩ nhiều. Cứu người như cứu hỏa. Thuyền chìm rồi thì cứu người, Cu Tài vội nắm tóc kéo người vợ lên trước. Để cô ta nằm lên khoang thuyền, Anh quay mũi thuyền, để quay sang cứu người chồng, thì anh chồng đã không thấy đâu!
Cu Tài soi đèn tìm trước, tìm sau.. Mặt sông lại yên tĩnh, như chưa xảy ra chuyện gì. Xục cả các bụi rậm hai bên bờ, cũng không! Một hồi lâu, vẫn không dấu tích, Cu Tài thất vọng quay vào bờ. Khi này người vợ đã tỉnh lại, đầu tóc ủ rũ, tay bám vào mạn thuyền, thở không ra hơi, mắt hốt hoảng nhìn ra mặt sông. Cứ tình trạng này sẽ bất lợi, cô ấy chắc uống nước đã khá nhiều, cần đưa lên trạm cấp cứu ngay. Rất có thể cô ấy rất muốn nhảy xuống sông, tìm kiếm người chồng. Anh chồng vừa qua trận ốm, mới tỉnh lại sau thời gian đi trại về. Nếu anh ta mạnh khỏe, sông nước này chả là cái gì. Nhìn qua kiểu cách ấy, anh Cu Tài thấy không nên chần chừ. Cứ tạm đưa chị vợ lên nhà bè đã, rồi hô hoán dân làng ra trợ giúp, tìm kiếm người chồng sau vậy.
Anh không ngờ vụ tai nạn lại có kết cục bi thảm đến như thế. Chị vợ chỉ kịp nói: “Nhà em định ngủ luôn trên thuyền, không về nhà, định sáng sớm đi xem lờ tôm đỡ phải leo lên leo xuống..chẳng may nước cuốn tuột dây neo, mắc vào cái phao nên thuyền bị lật..” chưa dứt lời chị ta ngất đi, bất tỉnh. Có lẽ do chấn động kinh hoàng vừa xảy ra..
Cái phao vốn là báo tín hiệu an toàn, không ai ngờ nó lại là nguyên nhân gây tai họa..                                                                 
                                                    **
Lâu rồi, làng tôi mới có một đám ma  lạ lùng như thế. Rạp đã bắc từ chiều hôm trước mà nhang án, bài vị chưa bày, linh cữu vẫn không thấy đâu. Trống kèn chưa nổi. Gian ngoài ngôi nhà hẹp, kiểu nhà ống của hiếu chủ vẫn nhìn thông từ ngoài vào trong. Bên ngoài bãi đất trống sát ngay cạnh đó căng chiếc bạt dài, kê bàn ghế.Một số bàn vẫn bỏ trống. Khách thăm viếng sau mấy lời thăm hỏi tang quyến lặng lẽ ra đây ngồi. Dãy bàn đầu anh Cu Tài ngồi cùng mấy người trung trung tuổi. Anh Ất, anh Giáp, anh Bích gù đang thì thầm. Không ai nói to, làm xao động không khí tang tóc đang trùm lên không gian chật chội, u buồn. Ai mà cười nói vui vẻ được trong lúc này?
Nghĩa tử là nghĩa tận. Ai mà không cảm thương ái ngại cho người xấu số không may gặp nạn, bở lại vợ dại con thơ, đường đột ra đi trong đêm mưa gió trên khúc sông này?
Cho đến giờ đã hơn hai ngày tìm kiếm, hơn chục chiếc thuyền sục xạo khắp mặt sông, không kể ngày đêm vẫn chưa thấy dấu vết, thi thể nạn nhân.
Bài vị vẫn chưa được làm, kèn trống chưa được nổi. Quả phụ mới ngoài ba mươi, nét mặt thất thần, đôi mắt trũng sâu, tóc rối bời, ngồi giữa đám người lặng lẽ vây quanh chị.
Người ta nhìn ra sông. Sau cả tháng trời mưa như mưa dầm tháng bảy, nước sông đục ngầu. Nơi ngày xưa rộn dịp tàu thuyền qua lại, giờ vắng hoe vắng hắt.
May mà từ ngày có đập thủy điện ở thượng nguồn, dòng sông không còn hung dữ quá như những năm trước, sôi réo ầm ầm như động đất, lở núi. Kể cả mùa lũ, lòng sông bây giờ cũng chỉ  còn đầy hơn ngày thường. Nước to vài hôm rồi rút. Có chỗ có thể lội bộ từ bờ bên này sang bờ bên kia.
Những vụ đuối nước  như hôm nay chỉ xảy ra hãn hữu. Thường thì có tai nạn xảy ra, nghe tiếng hô hoán, người ta đã kịp tiếp ứng, cứu được nạn nhân. Ít khi xảy ra điều đáng tiếc như lần này.
Anh Ất đang chỉ ra khúc sông trước mặt, nơi đang có cái phao lập lờ màu đỏ:
- Tai vạ là từ cái phao ấy mà ra.
Anh Giáp bấm vào cạnh sườn anh Ất:
- Ai mà không biết, nhưng ông cẩn thận cái mồm cho tôi nhờ. Lời nói đọi máu. Có lời nói nên vợ nên chồng, có lời mất nhà mất cửa, có khi làm người ta tù tội cũng nên!
Anh Cu Tài chưa hiểu anh Giáp vì sao lại nói vậy? Hỏi lại. Bích gù từ nãy ngồi yên, không nói gì, vất mẩu thuốc lá Thủ Đô xuống gầm bàn, bảo:
- Mày cứ làm như người trên trời rơi xuống ấy! Có bao giờ người ta đặt phao giữa luồng chảy không? Ban ngày nhìn thấy còn tránh được chứ đêm hôm lũ cuốn xiết như thế, vướng vào cái phao, lật thuyền có khác gì vướng vào cãi bẫy chết người không?
Thì ra thế. Anh Tài hỏi là sao anh Giáp lại có câu: “..Lời nói đọi máu” chứ nguyên nhân vì sao xảy ra chuyện đắm thuyền, ở đây anh rõ hơn ai hết.
Lão Phiến “hòn” ghé tai anh nói nhỏ:
- Làm rõ ra mọi chuyện có anh mất nghiệp, không khéo còn ngồi tù nữa, nên người ta mới nói thế. Nghe thì phải hiểu, chả nhẽ phải nói trắng ra à. Ai chứ người này vai vế to lắm, nói ra không cần thận là lôi thôi to!
Cu Tài ngồi im không nói gì. Anh nhìn lên khúc sông phía thượng nguồn đổ về. Nơi ấy có bến phà, tàu dắt xà lan đang từ từ qua sông..Anh đã từng có thời làm thuê trên con phà đó. Chủ phà là ông Lân tướng đô vật, đôi mắt vằn đỏ như mắt trâu rừng, lông mày rậm, tướng đi đĩnh đạc, dáng con nhà võ. Chỉ nhìn thấy thân hình chắc nịch của ông ấy, đôi vai hộ pháp, những ngón tay chuối mắn người ta đã thấy ngài ngại. Chỉ cần ông ấy hượm khẽ, đụng khẽ một cái là người yếu sức có thể lăn quay. Ông này cực kỳ nóng tính, cái gì không vừa ý là đôi lông mày dựng ngược, hai bên má giật búi thịt liên hồi.
Người ta nhiều khi nhầm khi nghĩ người nóng nảy tính tình thẳng thắn. Ông  Lân này lại khác. Một con người cực kỳ thủ đoạn, từng làm cai, làm bưởng ở bãi vàng năm nào. Nghe đồn dạo trước ông ta còn kinh doanh thứ hàng cấm dễ chết người, bị công an bắt về đồn mấy ngày. Không biết làm cách nào đó, ông ấy chỉ ăn cơm cân mấy bữa rồi ra,không bị truy cứu gì cả. Câu chuyện mà mấy người kia đang thì thầm có liên quan đến ông ta. Người ta không dám nói lớn tiếng vì sợ bức vách có tai. Trong số người đang ngồi ở đây nhỡ có người nhà ông ấy nghe thấy thì sao?
**
Hai chục năm trước, khúc sông này nằm trên thủy lộ quan trọng của cả vùng. Thời bấy giờ chưa có đường tỉnh lộ, sau đổi thành quốc lộ như bây giờ. Giao thông chủ yếu bằng đường thủy. Từ sớm tinh mơ đến tận đêm khuya, trên sông lúc nào cũng vang vọng tiếng thuyền máy, tiếng tàu chạy. Trên bến dưới thuyền, dọc sông không mấy lúc vắng người.
Cái phao đặt đầu bãi Sản được đặt vào thời điểm ấy. Đó là khối bê tông nặng cả tấn đặt chìm dưới nước. Nó được nối với sợ cáp bắt chặt vào chốt của cái phao hàn bằng tôn dày, không gỉ, sơn màu đỏ. Cách xa cả nửa cây số, bằng mắt thường người ta vẫn nhận ra nó khi ngồi trên thuyền hay bè xuôi ngược trên sông. Nhờ có nó những bè đi xuôi, thuyền tàu chạy ngược không bị đâm vào gềnh Ông, hay mắc cạn vào đầu bãi Sản. Những vụ tai nạn đáng tiếc nhờ thế mà ít xảy ra ở khúc sông thơ mộng và cũng có nhiều câu chuyện hãi hùng.
Khi bến phà của nhà Lân mở, cái phao lại vướng lối ra vào của ca nô dắt phà. Không rõ có xin phép nhà chức trách hay không, cái phao được rời ra chỗ khác, trôi mãi sát bến đò nhà Thịnh Mậu. Nhà Thịnh Mậu cằn nhằn vì nó làm cản lối ra vào của thuyền nhà ông ta. Đôi bên lời qua tiếng lại. Cuối cùng nhà Lân phải thuê tàu cẩu kéo nó ra phía đầu bãi sản, chỗ có mấy hòn đá nổi lập lờ. Nếu ở chỗ đủ sâu, khi có thuyền vướng vào chiếc phao sẽ chìm xuống cho thuyền bè trượt qua. Chỗ này vướng hòn đá bên dưới nó ì ra đấy ..và xảy ra chuyện. Thêm một giai thoại bi thương trên khúc sông này chỉ vì cái phao đặt không đúng chỗ!

Không nhớ bao nhiêu lần tôi được nghe những chuyện kỳ quái. Vậy mà khi anh Cu Tài kể lại vẫn muốn nghe vì nó kỳ dị khác thường. Nào là đêm sáng trăng suông có người nhìn thấy đôi thuồng luồng vờn nhau dưới nước. Chúng có cái mào trên đầu màu đỏ rực to bằng cái quạt nan. Nào ông cụ Chuối kéo vó đêm quãng dưới gềnh ông thấy điều lạ lùng. Khi ông cụ kéo vó bè lên, cái vó nặng trĩu không sao kéo lên được. Trong vó có tiếng quẫy đạp, tiếng cười sằng sặc ghê rợn. Ông cụ hoảng hồn phải bỏ vó bè nhảy lên bờ, chạy về nhà. Lần ấy ông cụ về ốm nằm liệt nửa năm giời, khám không biết bệnh gì, chỉ thấy mắt trợn ngược, miệng xùi bọt mép, hai tai khua khua trước mặt. Mãi sau phải nhờ thầy cao tay ở Đồng Rôm về cúng tạ mới khỏi. Toàn những vụ đắm nước rất lạ, xảy ra cực kỳ vô lý. Chuyện anh Hai Hùng, cán bộ văn hóa tỉnh đi về tìm hiểu phong tục, văn hóa người Dao, giỏi bơi lội. Không hiểu tại sao, giữa mùa nước lặng, sông vơi, khi anh bơi mảng ngang qua chỗ gềnh Ông giữa trưa nắng tỏ, đột nhiên mất hút. Cô người yêu đi cùng ngồi bờ bên này thấy vậy kêu thất thanh, dân làng chạy ra thì đã không kịp nữa rồi.
Lạ ở chỗ nạn nhân toàn là người giỏi bơi lội, đi sông nước đối với họ quen như đi trên bờ.
Từ ngày có cái phao tín hiệu, người ta qua sông thường tránh chỗ này. Vì thế lâu lắm rồi tai nạn không xảy ra.
Khi có đường trải nhựa trên bờ, đường thủy đi lại bằng tàu thuyền bớt hẳn. Có chăng chỉ vài ba con thuyền nho nhỏ chạy máy xăng của thuyền chài, đánh cá vào buổi tối, đêm khuya.
Cái phao chỉ còn tác dụng với ít người có công việc trên sông, không mấy ai để ý đến.
Cho đến lúc này mới có thêm những câu chuyện xì xầm về nó..

Tôi được cử làm chân ghi sổ sách giúp nhà đám.
Đến chiều, có tin báo đã tìm thấy xác nạn nhân. Người ta tìm thấy anh mắc kẹt giữa hai chiếc xà lan chở cát mãi phía dưới sông, cách đây hơn chục cây số. Chính vì thế mà hai ngày kiếm tìm người ta không tìm thấy. Chỉ khi chiếc xà lan mé ngoài được kéo ra, thi thể nạn nhân mới lộ ra.
Lễ viếng vẫn chưa bắt đầu vì còn phải chờ đưa thi thể đi đài hóa thân, sau đấy mới đưa về. Vì thế công việc hiện giờ của tôi là ghi danh sách những người hảo tâm quyên góp giúp đỡ gia đình nạn nhân theo ý kiến đề nghị của ông trưởng thôn nêu ra.
Làng tôi chưa phải là đã giàu có gì, thậm chí có người còn rất “hoàn cảnh”, nhưng tinh thần lá lành đùm lá rách thật chả kém nơi nào. Người năm chục, kẻ một, hai trăm ai có lòng nào giúp lòng ấy. Kể như nhà anh Quế điếc còn trong diện hộ nghèo nhà nước vẫn phải hỗ trợ, cũng ủng hộ một trăm ngàn.. Tôi ghi gần đặc hai trang giấy.
Đã van vãn người, định quay ra làm vê thuốc lào thì thấy Lân, không biết đến đứng sau lưng tôi từ lúc nào, lên tiếng:
- Thầy ghi cho em..
Lân ngày trước vốn là học sinh cũ của tôi hồi tôi dạy cấp hai. Tôi hỏi: “Anh định giúp hiếu chủ bao nhiêu”. Anh ta bảo “Em chỉ có năm triệu.” Tôi hơi giật mình. Từ đầu đến giờ chưa có ai ra một số tiền to như thế. Lân còn ghé tai tôi dặn thêm: “Tý nữa có lên loa, xin thầy bảo đừng đưa tên em lên. Thầy nhớ nhé”. Tôi gật đầu, nghĩ bụng anh ta lo hơi xa. Không ai lên loa trường hợp như này. Thỉ dụ như quyên góp ủng hộ đội bóng hay lo tết trung thu  cho thiếu nhi lại là một nhẽ khác. Người ta thường hay lên loa để biểu dương, ghi nhận công đức của các nhà tài trợ hay hảo tâm. Việc hôm nay lại khác. Ai lại oang biểu dương công đức trong lúc tang gia bối rối của nhà hiếu chủ vào lúc này? Chắc là Lân có ẩn ý gì mới dặn tôi như vậy. Nhìn nét mặt anh ta khác hẳn thường ngày, như có điều lo lắng, tôi im lặng, không nói gì.

***
Sau đám tang mấy ngày, làng tôi lại ai vào việc nấy. Không khí tang tóc cũng dần nguôi ngoai. Đi qua nhà vừa có đám, đã thấy chị Liên dọn dẹp quanh nhà. Người làng cũng không ai nhắc chuyện buồn, thì Lân chạy xe xuống nhà tôi năn nỉ:
- Hôm nay em có chuyện muốn thưa với thầy.
- Lại chuyện cái phao à? – Tôi hỏi.
- Vâng. Em suốt mấy ngày qua chả đêm nào ngủ được. Chợp mắt được một lúc là gặp ác mộng.Thấy thằng Bình mặt trắng toát, tay cầm cái dùi, đến đòi nợ. Mà em có nợ tiền nợ bạc anh ta hoặc với ai bao giờ đâu? Lại nghe nói nhà ấy đang chuẩn bị phát đơn kiện, em lo quá mới đến thỉnh ý thầy..
- Người ta có kiện hay không thì tôi chưa nghe ai nói. Nhưng anh có cảm thấy bứt dứt trong lòng không? Tôi nghĩ chả tòa án nào hơn tòa án lương tâm con người. Mình cư xử làm sao cho phải hơn là lo đối phó kiện cáo.
- Dạ, em có phải tim làm bằng gỗ đâu? Nhưng nếu họ kiện, em phải làm sao hả thầy?
- Cái này tôi cũng không biết phải nói với anh thế nào. Cái phao đáng lẽ nó màu đỏ, anh đã làm nó thành ra đen mất rồi.. Để tôi tính xem đã..
Tôi biết nhà Bình Liên vốn thật thà, chất phác lại hiền lành, chả bao giờ khúc mắc với ai. Hơn nữa chị vợ văn hóa ít, việc kiện tụng rất có thể không xảy ra. Nhưng biết đâu “Nó lú thì chú nó khôn” nhỡ có người bày vẽ cho thì sao?
Nhưng mà, một trăm cái lý, không bằng một tý cái tình. Suy tính một lúc, tôi nói:
- Theo tôi anh nên chủ động đến nhà người ta nói chuyện trước đi. Người mất thì đã mất rồi. Có đi kiện, anh ngồi tù, người ta cũng chẳng được gì. Người chết cũng không thể sống lại. Chi bằng thương lượng với nhau, bồi thường thỏa đáng cho người ta. Tôi chắc nhà chị ấy cũng nghe, mà chính quyền cũng không can thiệp.. Bây giờ người ta khuyến khích hòa giải các vụ khúc mắc trong dân. Bần cùng lắm mới phải đưa ra chỗ công quyền.
Đôi lông mày rậm của Lân đang nhíu lại, nghe đến đây rãn ra, nét mặt mừng rỡ:
- Vậy mà em rối ruột quá, không nghĩ ra. Để em về thu xếp. Năm triệu bạc em đưa hôm ở đám tang đúng là chả bõ bèn gì so với lỗi của em, cho dù mình không chủ ý..Nhưng bồi thường rồi mà bên chính quyền người ta vẫn hỏi thì sao ạ?
- Cái này tôi cũng chịu, không biết tham gia với anh thế nào.. Nhưng chủ quan mà nói, nếu không có người khiếu kiện, chắc người ta cũng không hỏi đến đâu. Nhà nước thiếu gì việc để làm? Việc này ai chứ anh tôi tin là biết cách giải quyết, còn hỏi tôi làm gì?
Lân có vẻ bẽn lẽn. Cái vẻ như hồi nào còn là học sinh của tôi, lần tôi phân xử anh ta đánh bạn cùng học trong lớp:
- Có gì nhờ thầy giúp em một tiếng. Thấy hoàn cảnh nhà ấy tuy chưa có ai có dấu hiệu gì, em vẫn cứ thấy áy náy trong lòng..
Tôi chỉ còn biết ừ hữ, chứ không dám quả quyết nhận lời. Đường đời muôn ngả, bách nhân bách tính, ai lường trước hết được cả mọi sự ở đời? Nhận giúp mà không thành, chả nhẽ mình hứa suông?
Lân chào tôi ra về, vẻ mặt có phần bớt căng thẳng. Đúng là tình thương và lòng chân thành luôn là cái phao cứu rỗi con người mỗi khi bấn loạn. Đó phải là chiếc phao màu đỏ, không thể là màu đen..
Anh ta không quên chỉ cho tôi thấy ngoài mặt sông, nơi có chiếc tàu kéo đang dìu chiếc phao về chỗ cũ. Dưới ánh nắng mặt trời, cái phao đỏ sáng lên trên mặt nước như cục than hồng.  Anh Cu Tài đang bơi thuyền phía trước, làm xi nhan..

==========

Đà Nẵng trả lương gấp 280 lần mức cơ sở để hút người tài


Nguyễn Đông 





























VNExp - Chính quyền Đà Nẵng sẽ hỗ trợ kinh phí từ 80 đến 280 lần mức lương cơ sở để thu hút người tài đến thành phố làm việc lâu dài.

HĐND TP Đà Nẵng vừa thông qua Nghị quyết ban hành quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố, hiệu lực từ đầu tháng tám.

Theo đó, để thu hút chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người đã tốt nghiệp đại học hệ chính quy tập trung loại giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài, thành phố hỗ trợ mức kinh phí từ 80 đến 280 lần mức lương cơ sở; tùy thuộc vào trình độ và cơ sở đào tạo.

Những nhân tài được hưởng mức lương này phải là người có nguyện vọng đến làm việc lâu dài tại cơ quan, đơn vị thuộc TP Đà Nẵng quản lý; những chuyên gia có uy tín trên các lĩnh vực mà thành phố có nhu cầu nhằm phục vụ kinh tế- xã hội.

Riêng một số vị trí công việc đặc thù khó thu hút, ngoài khoản hỗ trợ như trên, nhân tài còn được hỗ trợ thêm kinh phí không quá 200 lần mức lương cơ sở; ưu tiên xem xét việc tuyển dụng công chức hoặc tham gia tuyển dụng viên chức theo quy định hiện hành.

Những trường hợp khó khăn và có nhu cầu thực sự về nhà ở, thành phố sẽ xem xét cho thuê nhà chung cư của thành phố hoặc hỗ trợ vay vốn ưu đãi 10 đến 15 năm để mua nhà ở xã hội.

Đà Nẵng là địa phương có nhiều chính sách thu hút, trải thảm đón nhân tài về làm việc. Thành phố đã thực hiện đề án đưa học viên đi học đại học và sau đại học ở nước ngoài, với số tiền đầu tư cho mỗi học viên lên đến hàng tỷ đồng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

AMAZON VS DONALD TRUMP – SỰ HỦY DIỆT SÁNG TẠO


 Tuy là một người ủng hộ Donald Trump về nhiều vấn đề. Nhưng riêng điều này thì không thể nào ủng hộ. Donald Trump mới lên án và chỉ trích Amazon là đã gây thiệt hại đến nhiều nhà bán lẻ Mỹ. Nguyên văn như sau: “Amazon đang gây thiệt hài lớn đến những nhà bán lẻ đóng thuế. Các thị trấn, thành phố và tiểu bang trên khắp nước Mỹ đang chịu thiệt hại – nhiều việc làm đã bị mất.”
Là một người được bầu chọn bởi tầng lớp trung lưu ở các vùng quê và ngoại ô, Donald Trump đang tìm cách để lấy lòng họ cho đợt bầu cử tiếp theo. Nhưng chính điều này đã khiến ông ta đi ngược với nguyên lý thị trường, nguyên lý quan trọng nhất của Cánh Hữu (Conservatism).
Đúng, rất nhiều cửa hàng bán lẻ và việc làm trong ngành bán lẻ đã biến mất và bị cắt giảm – không chỉ ở Mỹ và trên toàn thế giới. Nguyên nhân chính là sự bùng nổ của bán lẻ online. Và không có đơn vị bán lẻ online nào nổi tiếng và thành công bằng Amazon.
Trước đây nếu bạn muốn mua đồ thì bạn phải đi tới trung tâm thương mại hoặc siêu thị để mua. Điều này tốn thời gian, xăng và cửa hàng đó chưa chắc có thứ bạn muốn với giá phù hợp với bạn. Internet và Amazon đã thay đổi tất cả. Giờ bạn muốn mua máy PS3, cứ lên Amazon mua. Bạn muốn mua đồ ăn hay thực phẩm, cứ lên Amazon. Người ta chọn Amazon không phải vì họ ghét cửa hàng bán lẻ mà vì nó tiện lợi hơn. Không những thế, họ còn có những lợi thế sau:
  1. Họ có thể mua nhiều và giảm phí chuyển hàng.
  2. Họ có thể so sánh giá cả và tiết kiệm thời gian.
  3. Họ có thể tìm hiểu thông tin và đọc bình luận về sản phẩm.
  4. Và họ có thể làm tất cả điều trên bằng cái laptop, điện thoại ở bất cứ nơi đâu.
Hiện tượng các nhà bán lẻ biến mất là “sự hủy diệt sáng tạo.” Đó là một điều bình thường của thị trường. Việc có nhà bán lẻ rất tốn kém. Vì người tiêu dùng phải trả thêm tiền để nuôi cỗ máy nhân viên. Nếu mua online họ có thể mua nhiều hơn. Đó là điều tốt chứ sao lại lên án?
Một việc làm bị mất trong ngành bán lẻ thì một việc làm mới được tạo ra trong ngành vận chuyển, IT, xuất nhập khẩu. Amazon cho phép người bán và mua kết nối với nhau và tạo ra một cái chợ online. Quá tiện lợi. Donald Trump, các tổ chức cánh tả chỉ nhìn vào những việc làm bị biến mất mà quên đi những việc làm đã được tạo ra bởi vì Amazon.
Amazon là một anh hùng. Amazon là vì cứu tinh của người tiêu dùng. Amazon là khu chợ kết nối mọi người lại với nhau. Amazon cho phép một người sáng chế một món hàng rồi rao bán nó trực tiếp không thông qua ai cả. Amazon nâng cao người tiêu dùng Mỹ và thế giới lên tầm cao mới. Amazon xứng đáng được tôn vinh chứ không phải chỉ trích. Và Amazon không phải là vấn đề, các nhà bán lẻ mới là vấn đề.
Còn ở Việt Nam thì sao? Bạn có mua hàng trên Tiki không? Bạn có mua trái cây hay hàng xách tay trên Facebook không? Chắc chắn là có. Bạn làm vậy vì nó tiện lợi hơn cho bạn, nó tiết kiệm thời gian cho bạn. Các cửa hàng bán lẻ phải điều chỉnh và coi lại cách kinh doanh. Còn bạn là người tiêu dùng thì có quyền lựa chọn.
Tôi không thể nào ủng hộ Donald Trump trong vấn đề này được. Không chỉ tôi, các nhà Cánh Hữu cũng đã nói điều tương tự. Chính phủ nên làm trọng tài trong thị trường chứ không nên bênh vực ai. Và Cánh Hữu bảo vệ lý tưởng chứ không một cá nhân nào.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa

Con hổ Trương Huy San – Kẻ cơ hội lưu manh chính trị


Phương Nam
ĐBND - Những kỹ năng mài bút sắc bén kết hợp với những thông tin “ít người biết” đặc biệt là tin nội bộ không chỉ giúp tạo ra các “bài báo” hiệu quả, đi vào lòng công chúng, mà nó còn là công cụ giúp một số “nhà báo” kiếm được nhiều tiền bạc và thậm chí còn tiến tới thực hiện các tham vọng chính trị.

Người dân trong và ngoài nước từ lâu đã biết đến cái tên đang nổi danh trên mạng xã hội Trương Huy San, bút danh Osin Huy Đức, biệt hiệu “San vẩu”, “San hô”. Nhưng muốn hiểu nguyên nhân nổi đình nổi đám của Trương Huy San hiện nay, chúng ta cần xem lại quá khứ của “nhà báo” này để có thể thấy được bản chất và động cơ hành động gần đây của Huy Đức là gì.

Trương Huy San là người gốc Hà Tĩnh, tuổi Nhâm Dần (1962). Năm 1979, Trương Huy San nhập ngũ. Từ 1984-1987, đứng trong hàng ngũ lính tình nguyện Việt Nam tham gia chiến trường Campuchia chống quân diệt chủng Khmer đỏ với vai trò là phóng viên của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhận thấy đất nước chuẩn bị mở cửa sau Đại hội VI, Trương Huy San đã giải ngũ xin làm cộng tác viên cho các tờ báo lớn để có đất làm ăn thời mở cửa.

“Nhà báo”

Để hiểu thêm về quan điểm của Trương Huy San về nghề báo, chúng ta có thể thấy qua “lời dạy bảo” của Trương Huy San: “Mọi người làm báo chúng ta phải mài ngòi bút của mình”. Cảm ơn, ông nói rất đúng, và  đúng hơn nữa khi mà ông “dạy bảo” người ta thêm rằng mài ngòi bút để tấn công ai, đả phá mục tiêu nào!

“Tên tuổi” Huy Đức bắt đầu nổi như cồn từ loạt bài viết về vụ “Đường Sơn Quán” ở Thủ Đức. Vì sao lại là “Đường Sơn Quán” mà không phải nơi khác? Vì đây là nơi gặp gỡ, chơi bời, đổi chác, hối lộ dành cho những kẻ lắm tiền nhiều của và có quyền lực trong xã hội. Vụ này dính dáng trùm xã hội đen Trương Văn Cam (Năm Cam) lúc này đang thâu tóm các băng đảng. Trong nhóm người lân la và tiệc tùng thác loạn ấy có cả Huy Đức và Hoàng Linh của Báo Tuổi trẻ.

Lợi dụng chủ trương triệt phá các điểm ăn chơi, các băng nhóm tội phạm để chuẩn bị Đại hội Đảng lần VI của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh khi đó, Năm Cam đã mua chuộc Trương Huy San, Hoàng Linh và một số “nhà báo” để tấn công triệt hạ không tiếc bằng những hình ảnh nhạy cảm, lời nguyền rủa tới mức cay độc hủy hoại thanh danh Ba Tung và người thân trong gia đình, vì Ba Tung truy quét tội phạm hình sự, khiến Năm Cam mất nguồn thu tài chính.

Cô con gái 16 tuổi của Ba Tung đang học tại Trường Lê Quý Đôn đã không chịu nỗi cảnh nhục nhã khi bạn bè đàm tiếu qua những bài báo đầy tanh tưởi của Trương Huy San. Hậu quả là cô gái vô tội ấy đã uống thuốc tự tử vĩnh viễn ra đi. Còn người vợ của Ba Tung thì không chịu nổi sức ép đã vĩnh viễn xa rời cuộc sống bình thường trong bệnh viện tâm thần.

Chưa dừng lại, Trương Huy San còn kết hợp với Lê Văn Ba (báo Đại Đoàn Kết) “giết chết lần hai” cô con gái tội nghiệp của Ba Tung khi tung lên mặt báo bản chụp lá thư tuyệt mệnh của cô để khoe chiến tích lừng lẫy. Đó là những gì đằng sau sự hả hê của Trương Huy San và Năm Cam trong đại tiệc ăn mừng “chiến thắng” say sưa thâu đêm với gái đẹp và phong bì. Vụ “Đường Sơn Quán” kết thúc với ánh hào quang chói sáng của Trương Huy San trên bầu trời những ngôi sao của làng báo.

Năm Cam liên tục bắn tin cho Huy Đức tung ra nhiều bài viết triệt hạ đối thủ để Năm Cam thao túng toàn bộ thế giới ngầm, trong đó có vô số băng nhóm giang hồ “bất trị” và “xâm lăng” từ Hải Phòng và Quảng Ninh vào, nâng Năm Cam trở thành ông trùm trong cuộc tranh giành quyền lực tanh mùi tiền và máu. Sự có mặt của Huy Đức là chiếc cầu gắn kết quan hệ ba bên cùng có lợi (Xã hội đen – Nhà báo – Quan chức). Là người ăn cửa giữa, khi mắt xích nào bị đứt, Huy Đức đu bám vào kẻ sống sót để tiếp tục tung hứng cuộc chơi mới.

Không chỉ qua mặt nhiều người dân, Huy Đức còn qua mặt những người lãnh đạo đầy kinh nghiệm như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Được ông Kiệt tạo điều kiện để phục vụ cải cách đất nước sau chiến tranh, nhưng Huy Đức đã lợi dụng uy tín cố Thủ tướng để thu tin, soi mói, ép các doanh nghiệp phải “chung chi”.

Chỉ đến khi vụ án kinh tế Epco-Minh Phụng của Liên Khui Thìn và Tăng Minh Phụng bị phanh phui những năm 1997-1998, dư luận mới biết được bộ mặt thật của Trương Huy San.

Cựu phóng viên Hoàng Linh khi bị bắt đã khai trước Tòa án rằng đã được Liên Khui Thìn cho tiền nhiều lần, đồng thời giúp Liên Khui Thìn chuyển rất nhiều tiền cho Trương Huy San, Huỳnh Sơn Phước, Quang Thắng và Hoàng Quý vì bị đe dọa viết bài phản ánh. Sau vụ việc này cả ba người: Huỳnh Sơn Phước, Hoàng Quý và Trương Huy San đều phải cuốn gói đi khỏi báo Tuổi Trẻ một cách ê chề.


Không còn chỗ bấu víu, Trương Huy San chạy vạy, tụt hạng xuống cộng tác viên cho các báo Thanh Niên, Diễn đàn doanh nghiệp, Nông thôn ngày nay. Tại Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, dưới sự giật dây của các ông trùm kinh tế, Huy Đức đã nhả đạn với loạt bài viết về các PMU đầy màu sắc đấu đá. Và cuối cùng là nhả đạn trên báo Sài Gòn tiếp thị trước khi bị tước thẻ nhà báo.

Cay cú vì từng bị đuổi khỏi Báo Tuổi trẻ, Huy Đức đã nhào nặn ra bài viết “sự phản bội bạn đọc của Báo Tuổi trẻ”, khiến nhà báo Bạch Hoàn phải thốt lên “Chính anh Osin đã biến ngòi bút của mình trở nên dơ bẩn. Ngòi bút của anh Osin đã không thể nào giấu nổi mục đích nữa rồi. Cho ai? Mục đích gì?. Ai là kẻ ăn cháo đá bát? Các anh chị chắc đã biết”.

Có thể thấy, không một tờ báo nào dám sử dụng lâu dài Trương Huy San bởi họ cảm thấy không an toàn.

Trở thành pháo thủ trong màu áo “Việt Tân”

Sau khi bị lột mặt nạ trong vụ EPCO – Minh Phụng, trục lợi trên xác chết của tội phạm và giới giang hồ chưa đã, Trương Huy San đột ngột đổi màu, quay lưng lại bắn phá chính những đồng đội đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương của Tổ Quốc. Sau loạt bài “Biên giới tháng Hai” đăng trên tờ “Sài Gòn tiếp thị” nói về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979) có nhiều nội dung phản bội, bóp méo sự thật, Trương Huy San bị sa thải. Sau vụ này, Trương Huy San đã không giữ nổi bình tĩnh và viết những lời lẽ hằn học chửi bới trên trang blog Osin.

Tổ chức “Việt Tân” được CIA hà hơi tiếp sức từ lâu đã để ý và muốn dựng Trương Huy San lên một vai diễn mới – “nhà báo cấp tiến”, chiến sĩ đấu tranh cho “tự do báo chí”, “dân chủ”. Tháng 5 năm 2012, thông qua Chương trình Nieman (quỹ NGO trá hình), Trương Huy San được cấp “học bổng” sang Mỹ “tu nghiệp” tại Boston. Chủ đề chính mà Trương Huy San đăng ký để nhận học bổng này là “văn chương Mỹ”. Trong khi đó, mục tiêu chính của San là tìm cách xuất bản cuốn sách “Bên thắng cuộc” để xin tị nạn chính trị tại Mỹ. Khổ nỗi cuốn sách này lại chẳng có gì liên quan tới các chủ đề mà San đăng ký để “tu nghiệp”.


Trương Huy San đã cố tình cắt cúp, tô vẽ cho “Bên Thắng cuộc” để dẫn lái người đọc vào mê hồn trận, nhìn cuộc chiến tranh Việt – Mỹ theo một màu đen tối bi thương. Nhiều trí thức đã phản pháo cuốn sách này, cho rằng “Bên thắng cuộc” đã cố ý “đánh lộn sòng phái trái”, “đánh lận trắng đen” về bản chất cuộc Chiến tranh Việt Nam, giày xéo nỗi đau của bao gia đình. Thậm chí, Trương Huy San còn chà đạp thô bạo đến cả đồng nghiệp ở báo Tuổi Trẻ. Nhà báo Lưu Đình Triều đã phản ứng gay gắt, “Huy Đức đã cắt xén những thông tin về cuộc đời, quan hệ của cha con, làm người đọc ngộ nhận gây tổn thương gia đình tôi”.

Ngay cả ông Anh Đức, người Việt ở bên kia Thái Bình Dương cũng viết trên tờ “Việt Nam Thời Báo” xuất bản tại Mỹ số 6729 ra ngày 12-1-2013: “Huy Đức, một thằng làm báo thiếu đạo đức nghề nghiệp … lợi dụng sự tò mò của những ai chưa biết, viết về những chuyện cũ kỹ hơn 30 năm để móc đô-la của người Việt tại Mỹ”.

Cả quan chức ngoại giao Mỹ đánh giá cuốn sách đó chứa đựng những vấn đề không chính xác có thể gây phương hại đến quan hệ Việt – Mỹ. Và thế là mục tiêu chính xin tị nạn chính trị của Trương Huy San đã không đạt được! Buộc Trương Huy San phải quay về Việt Nam sau khi hết thời hạn “tu nghiệp”.

Lại đổi màu để quay về nước

Không đạt được mục đích và cảm thấy không còn an toàn sau khi xuất bản “Bên thắng cuộc”, Trương Huy San tiếp tục đổi màu, đổi giọng, quay chiều ngòi bút, móc nối với thế giới ngầm để được trở về nước an toàn. Có thông tin đáng chú ý, Trương Huy San, Nguyễn Công Khế đã móc nối của tình báo Hoa Nam, mà các bức điện tín của Bộ ngoại giao Mỹ do Wikileaks tiết lộ thời gian gần đây. Nếu câu chuyện này có thật, thì đây cũng là 1 lời giải hợp lí cho xu hướng viết bài “thân Tàu” mấy năm gần đây của Trương Huy San như ủng hộ, cổ vũ cho Formosa xây dựng miếu thờ ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Nắm được tình hình nhân sự của Đại hội Đảng 12 và nhận thấy thời cơ đến, Trương Huy San đã mài bút, tung ra cú đạp đổ hàng rào, viết ra “Bộ tứ” với cú đánh tập hậu, đâm sau lưng vào người thân của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Xuyên suốt cả bài viết là thủ đoạn “bới lông tìm vết”, “câu sau chửi câu trước” hạ bệ người này, nâng người kia, gây chia rẽ có chủ đích, có kịch bản được dàn dựng bài bản.

Trong đoạn chia sẻ đêm ngày 7-1-2016 trên trang FB cá nhân, Trương Huy San tiếp tục bẻ cong ngòi bút, đánh lận con đen về sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, chống  bè lũ diệt chủng Polpot – Yeng Sary những năm 1979-1989. Bài viết này của Huy Đức đã gây bức xúc từ những người trực tiếp cầm súng chứ không phải cầm bút. Cựu binh Nguyễn Đình Thắng và những đồng đội đã vạch trần mưu đồ vẽ lại lịch sử có lợi cho Trung Quốc. Cựu binh Nguyễn Anh Khoa búc xúc, “Trương Huy San chưa từng tốn giọt mồ hôi nào để cầm súng trực tiếp chiến đấu nên không biết cái giá phải trả cho hôm nay tự do ngồi chửi rủa. Ba Chúc- An Giang, Hà Tiên -Kiên Giang còn đó những bộ hài cốt không lành lặn. Những cái hang đã bịt lại để làm mồ chung của cả 1 gia đình hay cả 1 dòng họ. Điều đó chưa đủ nói lên sự tàn bạo của Khmer đỏ, của Polpot hay sao Huy Đức?”

Hơn 3000 đồng bào Hồng Ngự Đồng Tháp đã chết. Chúng tuyên bố tập trung toàn lực đánh đến cây thốt nốt ở Gia Định. Khi quân tình nguyện Việt Nam sang dẹp Khmer đỏ ở Campuchia thì Trung Quốc cho biển người đánh biên giới phía bắc. Huy Đức lúc này đang cầm bút trốn ở đâu?


Phải chăng dưới sự giật dây của tình báo nước ngoài, Trương Huy San đã phản bội xương máu của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia để phả hơi độc vào bầu không khí truyền thông ở Việt Nam?.

Những kẻ tay chân nào đó đã bắn tin Trịnh Xuân Thanh về nước, Trương Huy San liền đăng trên trang Facebook cá nhân với mưa đồ gì thì ít nhiều người ta phần nào ngầm hiểu qua bình luận của Bùi Thanh Hiếu.

Mới đây nhất, qua các tin đồn về sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Huy Đức lại mài bút, công phá với bài viết “Nguyên Thủ Quốc gia và Định chế Chủ tịch nước”. Nếu tin đồn này có thật đi chăng nữa, thay vì đồng cảm, Huy Đức lại dậu đổ bìm leo, cố nhào nặn, lắp ghép thêm thông tin (chuyện nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh) để làm bàn đạp, nhằm hướng phế truất Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Đã có nhiều ý kiến của dư luận đưa ra: Ai đứng sau âm mưu của Trương Huy San? Phải chăng Osin tấn công lãnh đạo cấp cao khiến Việt Nam phải lo giải quyết nội bộ, mất chú ý chuyện ngoài Biển Đông?

Một số người bảo rằng, Trương Huy San đã làm đúng như cụ Đồ Chiểu dạy: “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Vâng, có lẽ Trương Huy San mới chỉ làm được một nửa lời khuyên của bậc chân nho Nguyễn Đình Chiểu. Bởi, trước khi làm như vậy thì người viết phải đạt được điều kiện “Chở bao nhiêu ĐẠO thuyền không khẳm” mà cụ Nguyễn Đình Chiểu muốn nhắn nhủ. Không đạt được điều này, ngòi bút của Trương Huy San không những không thể đâm được những kẻ cơ hội, những tên gian ác (ý muốn thực sự của cụ Đồ Chiểu) mà còn trở thành mũi dao sắc máu, móng vuốt cọp beo trong tay những ông trùm giang hồ giết chết người vô tội, là viên đạn pháo trong tay ông này tấn công ông kia, thậm chí trở thành công cụ để tình báo nước ngoài thực hiện những mưu đồ chính trị đen tối.

Vâng, “Công khai minh bạch”, “dân chủ”, “tự do ngôn luận” là điều ai cũng muốn nếu dùng nó với mục đích trong sáng, nhưng việc Huy Đức dùng nó với những ngón nghề báo chí điêu luyện để lôi kéo dư luận phục vụ mưu đồ chính trị, cuộc chơi quyền lực triệt hạ người này, tung hô người kia để phá rối nội bộ, làm nhiễu loạn dư luận theo kiểu truyền thống Trung Hoa tạo điều kiện cho nước ngoài thôn tính Biển Đông thì có phải là khốn nạn?