Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Đến cuối thế kỷ, Việt Nam sẽ biến dạng ra sao do biến đổi khí hậu?


Cuối thế kỷ 21, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 11% châu thổ sông Hồng có thể bị chìm ngập trong nước.
Alexei Syunnerberg
Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top mười thành phố trên thế giới đang có nguy cơ đe dọa nhiều nhất bởi mực nước tăng của các đại dương, — như nhận xét lưu ý trong Hội nghị chuyên đề Khu vực châu Á — Thái Bình Dương về "Ứng phó với biến đổi khí hậu" — do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thảm họa sinh thái trở nên trầm trọng bởi thực tế tại TPHCM mật độ dân số cao hơn 17 lần so với bình quân cả nước, trên một cây số vuông lãnh thổ cần phải tạo ra sản phẩm nhiều hơn 36 lần và phải thu thuế gấp 45 lần so với mức trung bình của Việt Nam.
Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra bức tranh ảm đạm không chỉ đối với thành phố lớn nhất của đất nước. Trong hội nghị tại thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia Việt Nam đưa ra số liệu tính toán rằng cuối thế kỷ 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 11% châu thổ sông Hồng có thể bị chìm ngập trong nước. Trước đó, chuyên gia Nga đã thực hiện những tính toán tương tự. Theo số liệu của họ, nếu mực nước biển tăng 80-100 cm, và đó là dự báo khá thực tế vào cuối thế kỷ này, thì 7 tỉnh ven biển Việt Nam có nguy cơ chìm ngập lãnh thổ. Điều này dẫn đến sự suy giảm 10 % GDP, mất 5 triệu tấn lúa mỗi năm, một phần năm hệ thống giao thông của đất nước bị tàn phá và nhu cầu tái định cư cấp thiết của khoảng mười triệu người.
Việt Nam — không phải là nạn nhân tiềm năng duy nhất của hiện tượng mực nước biển dâng cao. Mối đe dọa chìm ngập vào cuối của thế kỷ đang treo trên các thành phố Venice và St Petersburg, Los Angeles và Amsterdam, Hamburg và San Francisco. Và thậm chí sớm hơn nữa, khi mực nước biển gia tăng dù chỉ 20 cm, quốc đảo Thái Bình Dương Tuvalu sẽ chìm xuống biển, và ở quốc gia châu Phi Nigeria, 750 nghìn người sẽ mất chốn trú ngụ.
Mực nước biển dâng vì lý do trước hết là khí hậu trái đất của chúng ta nóng lên. Bởi vì nước sẽ nở ra khi bị hun nóng, do đó khối lượng của nó tăng lên trong các đại dương. Lượng nước phát triển còn vì sự tan chảy ngày càng nhanh chóng của băng tuyết ở Canada, Greenland, vùng Siberia của Nga; do những dải băng khổng lồ tan chảy ở Nam Cực và Bắc Cực.
Vấn đề biến đổi khí hậu ấm lên đã thu hút ngày càng nhiều sự chú ý của các nhà khoa học trên toàn thế giới. Và trước hết — trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi ngoài hiện tượng đó còn có thêm nhiều vấn đề liên quan đến thiên tai. Như Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury đã thông báo với những người tham gia hội nghị tại thành phố Hồ Chí Minh: trong vòng nửa thế kỷ qua, 88% cư dân thế giới đã chịu đựng hậu quả thiên tai, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nạn nhân do thiên tai hoành hành là 2 triệu người.
Trung tâm Nhiệt đới Việt —Nga đã chú trọng đến vấn đề ấm lên của khí hậu.
Trong giới khoa học, — ông Andrei Kuznetsov, giám đốc bộ phận Nga của Trung tâm Nhiệt đới cho biết — vẫn chưa có quan điểm đồng thuận về việc liệu có hiện tượng nóng lên toàn cầu hay không. Hoặc, những gì đang xảy ra — cái gọi là biến đổi, có nghĩa là thay đổi định kỳ tương đối an toàn, chỉ là sai lệch so với chỉ số trung bình. Những biến đối cụ thể - hiện tượng tăng hoặc giảm nhiệt độ trên hành tinh kéo dài trong thời kỳ hàng thập kỷ — đã xảy ra một số lần trong thiên niên kỷ trước. Câu hỏi cơ bản quan trọng đặt ra là: Điều gì đang xảy ra hiện nay? Nếu giả sử đó là hiện tượng nóng lên toàn cầu — thì sẽ xảy ra tất cả các dự đoán thảm họa nêu trên. Nếu không — thì khi đó, cư dân Việt Nam và các quốc gia ven biển khác không có lý do đặc biệt quan ngại.
Tập thể nhân viên của Trung tâm Nhiệt đới góp phần vào việc giải quyết vấn đề này. Dự án mới của trung tâm dự tính lắp đặt hệ thống cột — cấu kiện kim loại cao khoảng 50 mét mà vượt lên trên những tán rừng và được trang bị hàng trăm thiết bị, cho phép giám sát liên tục các thông số khí hậu. Thành phần của khí quyển được đo bằng 20 thông số, nhiệt độ và vận tốc gió — theo 5 chỉ số. Đo cân bằng bức xạ, mức độ tiếp xúc ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng của rừng nhiệt đới với sự hình thành các thành phần khí quyển, ảnh hưởng của carbon trên hiệu ứng nhà kính. Các dữ liệu thu được, — ông Kuznetsov cho biết — giúp trả lời câu hỏi về những gì đang xảy ra tại Việt Nam? Hoặc đó chỉ là những biến đổi khí hậu thông thường, không gây ra nguy cơ cụ thể đáng ngại, hoặc sẽ là biểu hiện của hiện tượng nóng lên toàn cầu dẫn đến thảm họa chìm ngập lãnh thổ diện rộng.
Theo SPUTNIK
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trải nghiệm của người mẹ Trung Quốc trên đất Nhật (P.6): Cách người Nhật bồi dưỡng nên những đứa trẻ kiên cường

Sự bình tĩnh của người Nhật trong các thảm hoạ động đất luôn khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Vậy, điều gì đã giúp họ hun đúc nên sức mạnh kiên cường và bản lĩnh phi thường ấy?
Người Nhật không chỉ sở hữu những công trình kiến trúc có khả năng chống đỡ cơn địa chấn, mà ngay từ nhỏ, học sinh Nhật Bản đã được học cách đối phó và xử lý tình huống khi gặp thiên tai.
Từ khi bước vào tiểu học, trẻ em Nhật đã được học và thực hành diễn tập về cách thoát nạn động đất. Ví dụ như làm thế nào để tránh các mảnh thủy tinh vỡ, làm thế nào để tránh bị tường đổ vào người, khi xảy ra động đất thì không nên hoảng loạn lo sợ ra sao, v.v…
Hình ảnh học sinh tiểu học của Nhật tham gia diễn tập tránh động đất (Ảnh: Getty Images)
Con cái là hy vọng của cha mẹ, cũng là tương lai của đất nước. Bởi vậy để các con có thể sống khỏe mạnh và an toàn là điều vô cùng quan trọng đối với các bậc phụ huynh. Ở Trung Quốc, từ khi một đứa trẻ sinh ra cho tới khi tốt nghiệp đại học, nhà trường và chính phủ đều coi nhẹ việc giáo dục an toàn cho các em, từ đó đã dẫn đến biết bao thảm kịch không đáng có.
Vài năm trước, căn cứ vào những tiêu chuẩn như tỷ lệ tội phạm, thiên tai, mức độ tham nhũng, tình hình kinh tế…, một trang web của Mỹ đã tiến hành bình chọn 10 quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản được bình chọn là quốc gia hàng đầu. Nguyên nhân là bởi người Nhật rất coi trọng việc giáo dục an toàn và hướng dẫn các biện pháp an toàn cho công dân.
Học sinh các cấp, từ mẫu giáo, mầm non, đến tiểu học, cho tới đại học, đều được đào tạo về an toàn một cách khá nghiêm khắc. Ví dụ như cách vệ sinh an toàn, cách phòng ngừa bệnh tật, giữ an toàn sau khi tan học, cách phòng tránh tội phạm, v.v…
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ còn được tham gia các buổi tập huấn khác nhau về phòng tránh hỏa hoạn, cách tránh nạn, và tập huấn về tội phạm xâm nhập. Cho dù đó chỉ là cấp bậc mẫu giáo hay trường mầm non, nhưng mỗi tháng một lần các em đều được tham gia tập huấn về phòng tránh tai nạn trong các tình huống giả định như: động đất, hỏa hoạn, bão lũ,…
Bởi vậy, ngay từ nhỏ trẻ em Nhật Bản đã biết cách tự chạy thoát thân, tự cứu lấy mình trong thời khắc nguy cấp.
Trẻ em ở nhà trẻ Nhật Bản đang tham gia huấn luyện chữa cháy. (Ảnh: shirobara)
Từ tiểu học tới trung học, mỗi tháng một lần học sinh lại phải tham gia tập huấn về tránh nạn và học thêm về đề phòng hỏa hoạn cũng như an toàn tính mạng. Ví dụ như trong bài hướng dẫn về an toàn giao thông, tình huống diễn tập là tai nạn xe dẫn tới tử vong. Hay như khi giáo dục về ngăn chặn hành vi phạm tội, thì nhà trường sẽ mời cảnh sát tới giảng dạy cho học sinh về sự nguy hại của ma túy, thuốc phiện, và các nhóm xã hội đen, và các lưu ý đối với học sinh để không bị kẻ xấu dụ dỗ làm hại.
Với phương pháp giáo dục như vậy, các em nhỏ Nhật Bản đã hiểu được cách bảo vệ chính mình.
Người Nhật luôn tin rằng, chỉ có những đứa trẻ trưởng thành an toàn và khỏe mạnh mới có thể làm cho quốc gia trở nên vững mạnh hơn.
Nhà trường Nhật Bản mời cảnh sát tới giảng dạy cho học sinh. (Ảnh dẫn theo okasyo)
Mặc dù trong hơn chục năm vừa qua, tỷ lệ phạm tội ở Nhật liên tục giảm, tuy nhiên các khoá học an toàn và phòng tránh tội phạm lại tăng cấp độ theo từng năm. Những năm gần đây, các trường học ở Nhật Bản còn yêu cầu phụ huynh phải dùng điện thoại di động để đăng ký thông tin gia đình với hội giáo dục của thành phố. Nếu có bất kỳ em nhỏ nào gặp sự cố ngoài ý muốn, hay gặp những sự việc nguy hiểm, tất cả các bậc phụ huynh trong thành phố sẽ đồng thời nhận được tin nhắn thông báo của hội.
Ví dụ vào giờ này, tại địa điểm này, một em học sinh bị ai đó làm hại hay xảy ra sự cố gì đó, kiến nghị các bậc phụ huynh hãy chú ý đề phòng để không xảy ra trường hợp tương tự với con em mình.
Khi trong thành phố xảy ra những vụ việc giết người phạm tội, thì chỉ sau một đến hai giờ đồng hồ, phụ huynh sẽ nhận được thông báo về sự việc. Hiệu quả của mạng lưới thông tin liên lạc này đã góp phần giảm tối đa mức độ nguy hiểm, nhắc nhở các bậc phụ huynh như chúng tôi đề cao cảnh giác vào bất cứ khoảnh khắc nào, khiến tội phạm thật sự không có chỗ ẩn nấp.
Khi xảy ra đại nạn, các trường tiểu học và trung học ở Nhật luôn là cơ sở tránh nạn đầu tiên của người dân nơi đó, bởi vì nơi đây tuyệt đối là an toàn nhất (Ảnh dẫn qua Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)
Mỗi một trường học tại Nhật đều là một “cơ sở lánh nạn”, bởi vì đây là nơi được xây dựng và thiết kế an toàn nhất, kiên cố nhất.
Trong vụ động đất xảy ra ở Kanto, Nhật Bản, vào năm 1923, vì các trường học đều xây dựng bằng gỗ hoặc gạch nên tất cả đã sụp đổ sau thiên tai,khiến rất nhiều học sinh gặp nạn. Sau sự cố ấy, chính phủ Nhật Bản vô cùng đau xót và hối hận. Họ cho rằng: “Mạng sống của các em gắn liền với đất nước và duy trì tương lai của dân tộc”. Vậy nên họ đã quyết định nâng cao khả năng kháng chịu động đất mỗi khi xây dựng và tu sửa trường học.
Trong một văn bản của chính phủ về việc gia cố và sửa chữa các hạng mục xây dựng, có đoạn:“Trường học là nơi thế hệ mầm non tương lai của Nhật Bản phó thác sinh mệnh của mình”. Câu nói này đã giúp chúng ta lý giải và hiểu được tại sao các trường học Nhật Bản lại giáo dục và thực hành rất nhiều biện pháp an toàn cho học sinh.
Hơn 90 năm đã trôi qua, mặc dù tần xuất của các trận động đất vẫn xuất hiện, nhưng trường học của Nhật vẫn là nơi kiên cố và an toàn nhất.
Trận động đất xảy ra vào lúc 01h25 ngày 16/4/2016 có cường độ 7,0 Mw với tâm chấn gần thành phố Kumamoto, tỉnh Kumamoto, trên đảo Kyushu, Nhật Bản, đã làm cho tòa nhà ủy ban thành phố bị sụp đổ một phần và phần còn lại bị lung lay. Sau đó vì khó khăn về tài chính, thành phố chỉ có thể dành cơ hội củng cố khả năng chống động đất cho trường học, ưu tiên các biện pháp bảo vệ an toàn cho các em học sinh.
Điều này khiến tôi vô cùng cảm kích. Nếu như trường học và chính phủ các quốc gia khác đều có thể như vậy, thì thật là tốt biết bao!
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Bình Nhi biên dịch

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CĂNG THẲNG LEO THANG TRONG QUAN HỆ VIỆT – TRUNG


 
CĂNG THẲNG LEO THANG TRONG QUAN HỆ VIỆT – TRUNG
 
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc – Thượng tướng Phạm Trường Long – đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam từ ngày 18 đến 19/6/2017 và bất ngờ rời Hà Nội vào chiều tối ngày 18/6 mà không công bố nguyên nhân. Đồng thời chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt – Trung lần thứ 4 tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) đã bị hủy.

Tân Hoa Xã tường thuật rằng tướng Phạm trong chuyến thăm đã nhấn mạnh rằng “toàn bộ các đảo ở Biển Nam Hải (là tên gọi Trung Quốc dùng để chỉ Biển Đông) đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời thượng cổ.”
.
Thông tin từ Hà Nội cho biết, trong chuyến thăm tướng Phạm Trường Long yêu cầu Việt Nam ngừng các hoạt động khai thác dầu tại lô 136/03 nơi mà Việt nam mới đây cho phép công ty dầu khí Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động khai thác gần bãi Tư Chính và cũng là nơi Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát địa chính của Việt Nam hồi năm 2011. Phía Việt Nam đã từ chối lời yêu cầu này và khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến Phạm “quyết định bất ngờ” rời Việt Nam sớm. 
.
Thời gian gần đây đã có những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam xích lại với Mỹ và Nhật Bản như: Mỹ chuyển giao cho Việt Nam 6 tàu tuần cao tốc cỡ nhỏ và một tàu tuần duyên cỡ lớn, Nhật Bản cấp tín dụng cho Việt Nam đóng một số tàu Cảnh Sát Biển và mới nhất hôm 13/6/2017, tàu Echigo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thăm Đà Nẵng và có các hoạt động huấn luyện chung trên biển với Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2 tại Đà Nẵng đã khiến Trung Quốc “dường như đã giận dữ”.
.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc Phòng Úc cho biết đã có thông tin về việc Trung Quốc đã triển khai khoảng 40 tàu và máy bay vận tải Y -8 đến khu vực khai thác của Việt Nam. Theo ông rất có thể sẽ có những đụng độ xảy ra tại khu vực này trong vài ngày tới và nếu điều này xảy ra thì đây có thể là sự kiện nghiêm trọng nhất trong vài năm qua tại biển Đông.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tiến thoái lưỡng nan khi xuất khẩu sang Trung Quốc


Trong năm nay, thị trường Trung Quốc đã cho người nông dân Việt Nam một “cú đấm đau” khi đột ngột ngừng mua heo, khiến giá thành heo ở Việt Nam xuống mức thấp kỷ lục trên toàn thế giới. Trong khi đó người dân vẫn phải vay ngân hàng để mua thức ăn cho heo vì không bán được. Hàng loạt các chương trình “giải cứu người nuôi heo” được chính người dân và chính phủ xây dựng lên để giúp đỡ bà con trong cảnh khốn cùng. Cuối tháng 4 vừa rồi, bộ Nông nghiệp Việt Nam đã phải sang Trung Quốc để “cầu cứu” xuất khẩu thịt heo sang nước này.


Trung tâm thương mại của Trung Quốc nhìn từ cửa khẩu Tân Thanh ở tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam chụp hôm 5/2/2009.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 22 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Mặc dù Trung Quốc lâu nay là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng khi xuất khẩu sang nước này Việt Nam thường xuyên phải chấp nhận giá bán rẻ mạt hơn khi xuất sang các quốc gia khác.

Giá bán rẻ mạt

Một trong những mặt hàng được Việt Nam xuất mạnh nhất sang Trung Quốc là khoáng sản. Tuy nhiên theo báo cáo của Tổng cục hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay, thị trường Trung Quốc là bến đỗ của hơn 3/4 lượng quặng xuất khẩu nhưng lại có mức giá rẻ gần gấp đôi mức giá mà Việt Nam bán cho các thị trường khác.

Một doanh nghiệp xuất khẩu quặng cho Trung Quốc, xin giấu tên, cho Đài Á Châu Tự Do biết:

Bên khoáng sản bọn tôi thì thường khi Trung Quốc dôi nguồn hàng của các nước khác thì sẽ đẩy Việt Nam xuống. Khi mà các nước khác không có thì mới chấp nhận giá Việt Nam ngang với giá thị trường. Ví dụ ở châu Phi rẻ thì họ lấy hàng của châu Phi. Mà khi châu Phi rẻ thì họ ép Việt Nam xuống. Mặt hàng quặng cũng vậy, nó mua được của Sri Lanka nhiều thì sẽ cắt Việt Nam.

Thứ hai là chính sách vĩ mô, người ta không cho xuất khẩu quặng thô nữa mà bắt phải chế biến sâu, mà Trung Quốc có cần hàng chế biến sâu của Việt Nam đâu

Mặc dù giá rẻ như vậy nhưng hiện tại Việt Nam vẫn đang xuất 11.000 tấn quặng sang Trung Quốc mỗi ngày.

Theo dữ liệu của Cục Thuế xuất nhập khẩu, thuộc Tổng cục Hải quan, hiện xuất khẩu quặng và khoáng sản của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu vẫn là quặng nhôm, quặng sắt, apatit và một số loại quặng khoáng phục vụ trong ngành vật liệu xây dựng, xi măng.

Ngoài xuất khẩu quặng và khoáng sản, hiện Việt Nam cũng xuất một lượng lớn dầu thô sang Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm, lượng dầu thô mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm 40% lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên giá bán cũng đang giảm so với các thị trường khác.

Đồ gỗ và thủy sản cũng là những mặt hàng thường phải chấp nhận xuất sang Trung Quốc với giá rẻ hơn thị trường. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho chúng tôi biết nguyên nhân tình trạng này:

Thường thường yêu cầu chất lượng của Trung Quốc thấp hơn yêu cầu của các thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật Bản,…Ngoài ra cự ly vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng gần hơn rất nhiều, cho nên chi phí vận tải thấp hơn. Tiếp theo là số lượng Việt Nam có thể xuất sang Trung Quốc thường là lớn hơn.

Một số nguyên nhân khác cũng gây ảnh hưởng đến giá cả khi xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc, theo ông Hoài, là do sản xuất quá nhiều, gây lượng hàng tồn đọng lớn nên các doanh nghiệp phải “bán tống bán tháo” với giá rẻ hơn. Đôi khi, các doanh nghiệp cũng phải xuất khẩu để thăm dò thị trường, chào hàng hoặc có các mặt hàng gỗ quý nhưng Trung Quốc đột ngột dừng mua nên cần bán giá rẻ hơn để tiêu thụ.

Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2017 tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 32,76 tỷ USD.

Tuy nhiên cũng trong năm nay, thị trường Trung Quốc đã cho người nông dân Việt Nam một “cú đấm đau” khi đột ngột ngừng mua heo, khiến giá thành heo ở Việt Nam xuống mức thấp kỷ lục trên toàn thế giới. Trong khi đó người dân vẫn phải vay ngân hàng để mua thức ăn cho heo vì không bán được. Hàng loạt các chương trình “giải cứu người nuôi heo” được chính người dân và chính phủ xây dựng lên để giúp đỡ bà con trong cảnh khốn cùng. Cuối tháng 4 vừa rồi, bộ Nông nghiệp Việt Nam đã phải sang Trung Quốc để “cầu cứu” xuất khẩu thịt heo sang nước này.

Trước đó, những người dân trồng chuối ở Đồng Nai, hay trồng chanh dây ở Gia Lai nói với chúng tôi rằng họ lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi bị thương lái Trung Quốc ép giá, thậm chí là ngừng mua. Chanh leo có thời kỳ lên đến 52.000 đồng/kg nhưng đã giảm chỉ còn 10.000 đồng/kg.

Vẫn phải bán!

Đáp lại câu hỏi của chúng tôi rằng vì sao thị trường Trung Quốc thường xuyên nhập hàng của Việt Nam với giá rẻ như vậy nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu một lượng rất lớn, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết:

Là vì hiện nay nó mang lại lợi nhuận rất lớn cho những người xuất khẩu mà thị trường trong nước khả năng không tiêu thụ được thì người ta phải đưa sang bên kia thôi.

Ông đánh giá nguyên nhân chính khiến Việt Nam mặc dù rất muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác như khối EU chẳng hạn để được giá thành cao hơn nhưng không thể là do chất lượng sản phẩm Việt Nam không đảm bảo tiêu chuẩn của họ.

Chỉ tính riêng mặt hàng gạo, năm ngoái Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết chỉ trong vòng 4 năm qua Việt Nam đã bị Mỹ trả về khoảng 10.000 tấn gạo vì dư lượng chất bảo vệ thực vật. Cũng tính từ năm 2014 đến giữa năm 2015 đã có gần 32.000 tấn thủy sản bị các nước bạn hàng trả về do nhiễm bệnh và dư lượng kháng sinh.

Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng về lâu dài, việc tiếp tục xuất khẩu với giá rẻ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam:

Nếu mà là tài nguyên thì sẽ khiến nguồn tài nguyên cạn kiện đi do xuất khẩu thô. Thứ hai là chất lượng sản phẩm kém và giá thấp như vậy sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Ngô Sỹ Hoài Phó tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho rằng riêng đối với mặt hàng gỗ Việt Nam vẫn cần phải tận dụng thị trường Trung Quốc là vì họ giải quyết một số lượng hàng lớn cho Việt Nam:

Nói chung chúng ta cũng đang đa dạng hóa thị trường. Thực sự Việt Nam cũng đang xuất khẩu nhiều đồ mộc sang châu Âu nhưng thị trường châu Âu có rất nhiều rào cản và cũng không thể tiêu thụ hết các mặt hàng gỗ Việt Nam làm ra. Ngoài ra thị trường Trung Quốc có một đặc điểm là họ tiêu thụ rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mặt hàng từ các loại gỗ quý hiếm mà giá trị cao. Cho nên chúng ta phải tận dụng thế mạnh của từng thị trường.

Hàng Việt đưa sang Trung Quốc hiện đang được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, nhưng Bắc Kinh vẫn áp dụng thuế giá trị gia tăng 13%-17% với Việt Nam, và đó cũng là một nguyên do khiến sức cạnh tranh về giá của sản phẩm Việt giảm đi.

Lan Hương


Phần nhận xét hiển thị trên trang

VN: Chính phủ chỉ đạo Quân đội thôi làm kinh tế


Tại một cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm phát biểu nói Quân đội Việt Nam 'không làm kinh tế nữa'. "Chấp hành ý kiến của Chính phủ, hiện Bộ Quốc phòng đã ra lệnh dừng tất cả các dự án tại đây. Ngày mai sẽ họp toàn bộ Bộ Quốc phòng để chuẩn bị văn bản báo cáo Thủ tướng. Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo quy hoạch của Chính phủ," Tướng Lê Chiêm nói.

Quân đội nay cần tập trung bảo vệ Đảng, 
Nhà nước
  và Nhân dân, thôi kinh doanh kiếm lời
Thượng tướng Lê Chiêm được báo chí Việt Nam hôm 23/06/2017 trích thuật nói nhiệm vụ của Quân đội nay là "tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân".

Ngoài cam kết dừng mọi dự án quanh sân bay Tân Sơn Nhất, nơi sân golf của công ty quân đội Him Lam, nằm sát đường băng, đã gây điều tiếng nhiều năm qua, Tướng Chiêm còn nói về các doanh nghiệp khác.

Ông được báo Infonet.vn trích lời cho hay:

"Tất cả các doanh nghiệp quân đội phải cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển ra ngoài hết, còn cái nào là phục vụ quốc phòng chứ không để làm kinh tế."

Tất cả các doanh nghiệp quân đội phải cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển ra ngoài hết, còn cái nào là phục vụ quốc phòng chứ không để làm kinh tế
Tướng Lê Chiêm
Tuy nhiên, hiện chưa rõ quá trình này sẽ được thực hiện ra sao với số lượng không nhỏ các doanh nghiệp của Quân đội Nhân dân Việt Nam có mặt tại các ngành, từ ngân hàng, viễn thông, bất động sản, may mặc, vận tải, khách sạn, công nghệ thông tin và giải trí...

Vụt gậy vào sân golf?

Qua lời Tướng Lê Chiêm, người ta có thể hiểu sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất là một di sản của nhiệm kỳ thủ tướng trước, và nay cần giải quyết:

""Dự án này từ năm 2007 được 8 bộ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cái này là do lịch sử để lại, vấn đề là chúng ta giải quyết như thế nào. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không dân dụng."


Viettel là một doanh nghiệp lớn của Quân đội Việt Nam

"Tại buổi làm việc về tình hình KTXH - an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm của TP.HCM, khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ định phát biểu, Thượng tướng Lê Chiêm lập tức đề cập đến sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông đây "là vấn đề nổi cộm".

"Chấp hành ý kiến của Chính phủ, hiện Bộ Quốc phòng đã ra lệnh dừng tất cả các dự án tại đây. Ngày mai sẽ họp toàn bộ Bộ Quốc phòng để chuẩn bị văn bản báo cáo Thủ tướng. Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo quy hoạch của Chính phủ," Tướng Lê Chiêm nói.

(BBC)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thằng “Bốn Chấm không” vớ vẩn


Hà Ánh Charlie Dương
(Tác giả gửi Blog Hahien)
4 cuộc Cách mạng (Hình minh họa: Internet)







Nhóm Cà phê Sáng ở trước cửa nhà mình gồm mấy thành viên đều có thâm niên hưu đến mười mấy năm với vài chục tuổi đảng (sau đây xin trân trọng gọi là các cụ), riêng mình hưu mới 2 năm, đảng thì 0 tuổi. Do mình trước đây là Nhân viên hợp đồng không thời hạn ở ngành Khoa học – Công nghệ nên thường được các cụ tín nhiệm hỏi ý kiến về lĩnh vực then chốt này của đất nước.
Sáng nay, một cụ đặt vấn đề “Gần đây nghe các vị lãnh đạo và đài báo nói nước ta đang đứng trước cuộc Cách mạng “bốn chấm không”. Đề nghị anh Rương giải trình làm rõ về cuộc cách mạng này có ảnh hưởng gì đến đường lối cách mạng của Đảng ta không!”.
“Chết cha!”, mình nói thầm trong bụng trước yêu cầu hết sức lớn lao và nhạy cảm này của các cụ với một anh “nhân viên đánh máy” chót dại mang danh là “Cán bộ Khoa học-Công nghệ ” như mình. Thôi thì đành hoãn binh rằng “Các cụ cứ từ từ để em trả lời. Cuộc cách mạng này chắc là cách mạng tốt chứ không phải cách mạng xấu đâu mà các cụ phải lo lắng quá!”.
Rồi mình chạy vội vào nhà lấy ra cái iPad mà con gái vừa mua cho bố hôm rồi vẫn chưa quen sử dụng để nhờ Đồng chí Google trả lời giúp. Hết già nửa ly cà phê mình mới tìm ra được mấy câu giải trình cho các cụ đại khái chả biết có đúng không rằng “Thưa các cụ, đó là cuộc Cách mạng về Công nghiệp lần thứ tư nên gọi là “bốn chấm…”. Ba cuộc trước là các cuộc lần lượt phát minh ra máy hơi nước, động cơ điện, máy tính điện tử… Đến cuộc này là sự xuất hiện của cái mạng internet và những thằng người máy thông minh hơn cả… người thật!”. Một cụ tự ái “Hơn là hơn thế nào?”. Nhân tiện trong tay có cái iPad, mình nói liều luôn rằng “Như cái tấm bảng mỏng này cũng là sản phẩm “bốn chấm không” đấy ạ! Nó biết chả thiếu điều gì trên đời.
Một cụ hỏi khó “Thế nó có nắm được 27 biểu hiện suy thoái của đảng viên không?”. Mình chột dạ không dám trả lời ngay, rồi ngầm đưa tay lướt lên iPad. Mới nhấn đến “27…” nó đã xổ ra đầy đủ không thiếu chữ nào “27 biểu hiện suy thoái về…”. Mình hoàn toàn tự tin khẳng định với các cụ “Dạ, nó chỉ ra ngay đầy đủ và chính xác 27 chấm suy thoái, trong đó có 9 chấm về chính trị tư tưởng, 9 chấm về đạo đức lối sống và 9 chấm về tự diễn biến, tự chuyển hóa đây ạ!”.
Một cụ cao tuổi nhất cạn ly cà phê, ngửa mặt lên trời vui vẻ kết luận “Cám ơn anh Rương! Lão hiểu “Cách mạng bốn chấm không” rồi! Hay nhể!”. Rồi chỉ tay vào cái iPad bảo “Cái thằng Bốn Chấm Không này nói chung là thông minh đấy nhưng riêng cái chỗ “Hai mươi bảy chấm” thì hơi bị…vớ vẩn!”
H.A.C.D

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm: ‘Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa’

>> Chữ Tín

>> Đứng núi này, trông núi nọ
>> Học từ những nhà báo lớn
>> Đại biểu Quốc hội nói về trường hợp cán bộ không chịu trả nhà công vụ


Trung Hiếu - Đình Phú
TNO - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm khẳng định chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế mà chỉ tập trung xây dựng quân đội vững mạnh. chính quy, tinh nhuệ...

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23.6, thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định chủ trương của Bộ Quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế mà chỉ tập trung xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ bảo vệ Đảng, nhân dân.

Liên quan đến dự án sân golf Tân Sơn Nhất, thứ trưởng Chiêm cho hay thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng ra lệnh dừng tất cả công trình ở sân golf Tân sơn Nhất để kiểm tra báo cáo với Bộ Quốc phòng. Thượng tướng Lê Chiêm cũng thông báo với TP.HCM là Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện nghiêm ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện đúng theo quy hoạch của Thủ tướng.

“Báo cáo với UBND TP, vấn đề này chúng ta yên tâm, không có vấn đề gì. Dự án này từ năm 2007 đã được 8 bộ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cho nên cái này (dự án sân golf  - PV) là do lịch sử để lại và cần được giải quyết, giải quyết như thế nào cho hợp lý. Quan điểm của Bộ Quốc phòng sẽ ưu tiên cho quy hoạch phát triển hàng không dân dụng”, ông Chiêm nói.

Thượng tướng Lê Chiêm cũng cho biết quỹ đất quốc phòng ở TP.HCM hiện rất lớn, do lịch sử để lại, còn rất nhiều vấn đề liên quan. Hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng đang tổ chức thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP.HCM. Chỗ nào cần sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng, chỗ nào không cần sử dụng và theo yêu cầu của TP.HCM sẽ sẵn sàng bàn giao lại để phát triển kinh tế.

“Quan điểm này là quan điểm của thường vụ, của Quân ủy Trung ương. Hiện nay Bộ Quốc phòng có chủ trương là quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để bảo vệ Đảng, nhân dân. Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa. Tất cả các doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn hết. Cái nào của quốc phòng chỉ để phục vụ cho quốc phòng chứ không có lăn tăn gì hết. Quân đội sẽ không làm kinh tế vì như thế sẽ không thể hiện sức mạnh quân đội”, ông Chiêm khẳng định.

Liên quan đến dự án sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay đây là quan điểm của lãnh đạo, người dân cử tri TP.HCM. Ông cũng yêu cầu phải kiếm tư vấn nước ngoài tìm ra phương án tốt nhất để đánh giá, tư vấn rồi báo cáo Quốc hội, Chính phủ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang