Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Xung đột và ngoại giao ở Biển Đông


image
Một người lính thủy quân lục chiến của Philippines bơi trong vùng nước quanh Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông

Một phần ba lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu. Ước tính khoảng 5 ngàn tỉ đôla thương mại hàng năm. Sáu quốc gia đòi chủ quyền. Một vùng biển. Đó chỉ là bề nổi của vấn đề.

Chào mừng các bạn tới Biển Đông, vùng biển chung của Đông Nam Á. Biển Đông là nơi có nguồn tài nguyên phong phú gần và dưới bề mặt—lòng biển chứa đựng nguồn cá dồi dào và đáy biển hứa hẹn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt mà theo ước tính chính thức của Mỹ ít nhất ngang bằng với trữ lượng của Mexico, và theo một số ước tính gây tranh cãi của Trung Cộng, có thể chỉ thua trữ lượng của Ả-rập Saudi. Biển Đông cũng là một trong những tuyến đường biển có tầm chiến lược quan trọng nhất và bị tranh chấp nhiều nhất của thế kỷ 21.

image

Về phía bắc, Biển Đông giáp với Trung Cộng, nước tuyên bố mình có chủ quyền lịch sử từ hàng trăm năm trước. 

Ngày nay, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với 95 phần trăm vùng biển này và lệ thuộc vào đó để mang về 80 phần trăm lượng dầu thô nhập khẩu. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với những đảo nhỏ ở Biển Đông và đã bồi đắp một diện tích khoảng 1.300 hectare để duy trì phần lớn là cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm cả những đường băng đủ dài để máy bay ném bom có thể cất cánh và hạ cánh.

Suốt nhiều thế kỷ qua, Biển Đông đã đóng vai trò thiết yếu đối với sự sống còn kinh tế của những nước giáp ranh như Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippines.

Những quốc gia không có tuyên bố chủ quyền cũng có lợi ích của riêng mình. Ngư trường Natuna giáp với Biển Đông cũng có trữ lượng khí thiên nhiên thiết yếu cho nước Indonesia gần đó.

image

Xa hơn, Hàn Quốc và Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng lệ thuộc vào quyền tự do qua lại ở đây để đáp ứng hơn phân nửa nhu cầu năng lượng của họ.

Mỹ, bảo vệ lợi ích của mình và của những đồng minh, duy trì một sự hiện diện quân sự trong khu vực. Giới chức Hải quân Mỹ dự định mở rộng lực lượng điều động ra nước ngoài của Hạm đội Thái Bình Dương thêm khoảng 30 phần trăm nữa đến trước năm 2021. [https://www.fas.org/sgp/crs/row/R42784.pdf]

image

Trong khi tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của Châu Á trong hai thập kỷ qua vẫn tiếp tục, sự ổn định trong khu vực và sự tiếp cận đối với Biển Đông vẫn còn là một vấn đề có hệ quả toàn cầu.

Những vụ đụng độ giữa tàu tuần tra hải quân Trung Cộng và tàu đánh cá của những nước lân cận cho thấy nhiều nguy cơ châm ngòi xung đột quốc tế và đẩy những cam kết an ninh của Washington lên hàng đầu.

Nhiều nước phương Tây đã hối thúc Bắc Kinh tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một văn kiện ấn định những khu vực kiểm soát hàng hải dựa trên đường bờ biển. Nhưng Trung Cộng phần nhiều xem những luật lệ quản trị hàng hải mà Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn là không tương thích với luật pháp trong nước; tệ hơn họ xem những luật lệ này là những công cụ của bá quyền phương Tây được định ra để hạn chế ảnh hưởng đang lớn dần của Trung Cộng trong tư cách một cường quốc thế giới.

image
Binh lính Trung Cộng tuần tra trên đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Cộng gọi là Nam Sa) trước bia chủ quyền có nội dung: “Nam Sa là đất của ta, thiêng liêng bất khả xâm phạm,” ngày 9 tháng 2 năm 2016.

Mỹ, nước đã ký vào UNCLOS nhưng không phê chuẩn, thường dựa vào thỏa thuận quốc tế này để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ.

Vào tháng 7, một ban hội thẩm gồm năm thẩm phán ở thành phố The Hague đã đồng lòng bác bỏ cơ sở pháp lý của gần như tất cả những tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Cộng. Trong vòng vài tuần, Tòa án Nhân dân Tối cao của Trung Cộng đã ban hành một quy định khẳng định “cơ sở pháp lý rõ ràng cho Trung Cộng bảo vệ trật tự hàng hải,” trong đó Bắc Kinh tuyên bố sẽ truy tố bất kỳ người nước ngoài nào bị phát hiện đang đánh cá hoặc thăm dò trong vùng biển tranh chấp.

image

Những phương tiện khác nhằm giải quyết những tranh chấp lãnh thổ phức tạp dường như cũng không hữu hiệu. Bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á, lâu nay đã bị trì hoãn và là văn kiện mà giới chức Bắc Kinh nói sẽ chung quyết vào năm 2017, sẽ không có mấy tác dụng trong việc giải quyết những tuyên bố chủ quyền chồng chéo. Cũng giống như phán quyết của tòa án ở The Hague, bất kỳ tuyên bố nào của ASEAN có tính ràng buộc pháp lý đều thiếu cơ chế có ý nghĩa để thi hành.

Tương lai phía trước

Mỹ lâu nay vẫn nói rằng họ không có lập trường chính thức về tranh chấp Biển Đông, dù Mỹ vẫn hay chỉ trích hành vi của Trung Cộng ở đó và đã mở rộng những liên minh quốc phòng với những nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ông có thể sẽ phải nhanh chóng xử lý một cuộc khủng hoảng bên trên Biển Đông. Trước đây, chỉ vài tháng sau khi nhận nhiệm sở, cựu Tổng thống George W. Bush đã phải đối mặt với một cuộc tranh chấp quốc tế gây ra bởi một vụ va chạm trên không giữa một máy bay do thám của Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Cộng gần đảo Hải Nam.

image

Chưa đầy bảy tuần sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, tàu và máy bay của Trung Cộng đã đối đầu với tàu USNS Impeccable, một tàu do thám tại vùng biển nằm về phía nam Đảo Hải Nam, và ra lệnh cho tàu này rời đi. Mỹ cho biết họ có quyền ở đó và rằng tàu của họ đã bị quấy nhiễu. Bắc Kinh thì bênh vực hành động của mình. Ông Obama phản ứng bằng cách gửi một khu trục hạm có gắn phi đạn điều hướng tới để bảo vệ tàu Impeccable.

Những vụ việc như vậy có thể tiếp tục định hình những tranh chấp khi nó diễn ra trên biển và ở những thủ đô khắp thế giới. Cho tới khi những câu hỏi lớn hơn về chủ quyền lãnh hải được giải quyết, tuyến đường thủy này hứa hẹn sẽ vẫn là điểm tựa mà địa chính trị thương mại quốc tế và nền kinh tế toàn cầu đặt trọng tâm vào. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến khi chúng xảy ra, ngay ở đây.



Pete Cobus

image

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đối thoại với chống... cộng



Chiều qua gã leo tầng 16, tòa nhà nhìn ra Nam Sài Gòn thăm bác Tương Lai. Trà Tân Cương, mứt gừng Huế và mênh mông... thế sự.
Bác Tương con trai một ngài thượng thư triều đình Huế luôn giữ phong thái tự tại, ung dung dù đang ủ bệnh...mênh mông, dù tuổi gió đưa gió đẩy cây cải...
Mênh mông gì thì cái sự cũng quẩn quanh chuyện nước nước, non non. Bác hỏi gã, ông đi nhiều ngóng nghe chuyện "đối thoại" mà Võ Văn Thưởng vừa tung ra thế nào?
Gã đáp: Bác à, em nghĩ trước hết có thể có đối thoại thực sự giữa các bác lãnh đạo đảng với một số bác đảng viên có quan điểm khác như bác Nguyễn Trung, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Đào Văn Sâm, Phạm Chi Lan...
Hê, gã không nhắc đến tên bác Tương Lai, người từng là thành viên ban cố vấn cho hai đời thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.
Lý do, chắc bác Tương Lai cũng quá rành khi trước nhà các bác trên không hề có lính canh, còn nhà bác cứ chuẩn bị xảy ra sự kiện gì, mặc dù bác đi đâu cũng phải chống gậy, cũng có vài bạn trẻ cười cười lễ độ chào bác với câu lễ phép: bác ơi chân bác đau thế, bác xuống đường làm gì cho mệt?
Nghe gã nói thế, bác Tương Lai cười rõ giòn tan. Bác bảo, để tôi kể chuyện này cho ông nghe.( Bác hay gọi người ít tuổi hơn mình là ông).
***
Năm 2007, tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, chuyên gia hàng đầu về điện hạt nhân tại Hoa Kỳ, và giáo sư triết Lê Xuân Khoa cũng ở Hoa Kỳ với mong muốn tập hợp các trí thức trong và ngoài nước lập ra một Trung tâm gọi là "Nghiên cứu Việt Nam thế kỷ 21" để cùng trao đổi, đối thoại về con đường phát triển của đất nước. Kinh phí sẽ do tiến sĩ Phùng Liên Đoàn bỏ ra một nửa, nhà nước VN bỏ ra một nửa.
Nghe tin vậy cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ động mời giáo sư Lê Xuân Khoa về nước để cùng trao đổi thành lập Trung tâm trên. Ông Kiệt bảo tôi đại diện cho ông ra sân bay đón ông Khoa, sau đó ông Kiệt tiếp ông Khoa rất chân tình. Ông Kiệt muốn Trung tâm này đặt tại Hà Nội và vai trò là tập hợp trí thức bất kể chính kiến, xuất phát từ bất cứ đâu để phản biện cho các đường lối, chính sách của đảng và nhà nước VN.
Tôi và giáo sư Lê Xuân Khoa bay ra Hà Nội họp bàn với nhiều trí thức tên tuổi Hà Nội để xúc tiến thành lập Trung tâm này. Nhưng rồi có một số nguồn tin có trách nhiệm từ phía an ninh đến với tôi rằng giáo sư Lê Xuân Khoa và tiến sĩ Phùng Liên Đoàn là những phần tử chống cộng kịch liệt.
Ông Kiệt gặp tôi hỏi tình hình sao rồi. Tôi lo ngại nói với ông ý kiến từ phía an ninh. Ông Kiệt cười ha hả rồi không chút đắn đo nói với tôi: Họ chống cộng nhưng họ cũng yêu nước, muốn cho nước giàu thì mình mới cần ngồi với họ mà đối thoại mà bàn chuyện chứ.
***
Gã biết dự định thành lập Trung tâm trên không thực hiện được vì có quá nhiều cản ngại, nhưng từ chính cái ý định của tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, giáo sư Lê Xuân Khoa và cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt sau đó một thời gian đã ra đời Viện IDS tập hợp các trí thức hàng đầu của VN chủ động đối thoại và phản biện các đường lối, chính sách của nhà nước.
Tiếc rằng, vâng, gã lại phải chậc lưỡi nhiều lần để nói câu tiếc rằng này, sau một thời gian phản biện thì có một thế lực cản trở bước tiến của dân tộc đã tìm mọi cách vô hiệu hóa Viện IDS do giáo sư toán hàng đầu, nhà ái quốc Hoàng Tụy là chủ tịch và tiến sĩ Nguyễn Quang A là giám đốc để dẫn đến nó phải tuyên bố tự giải tán.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Văn hóa đối thoại & Đồng thuận quốc gia

30/05/2017


Nguyễn Quang Dy
“Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra, đừng để dân sợ không dám mở miệng, nhưng điều đáng lo hơn nữa là khiến dân không thiết mở miệng” (Hồ Chí Minh).
Điều cụ Hồ nói năm 1945, đến nay (sau 72 năm) dường như vẫn chưa hề thay đổi. Gần đây, dư luận lại ồn ào tranh cãi về vấn đề đối thoại. Trong bài này, tôi không muốn phân tích liệu ý định đối thoại đó là thực hay ảo, mà chỉ bàn về văn hóa đối thoại và đồng thuận quốc gia. Tôi cũng không muốn so sánh ý định đối thoại mà ông Võ Văn Thưởng (Trưởng ban Tuyên giáo TW) vừa đề cập, với ý định tổ chức “Hội nghị Hòa hợp Văn học Dân tộc” mà ông Nguyễn Hữu Thỉnh (chủ tịch Hội Nhà văn VN) đã nói đến, mà chỉ điểm lại mấy nét chính trong bức tranh phác họa về đối thoại đang là tâm điểm gây tranh cãi hiện nay. Tuy sự kiện trên gây ồn ào thế giới mạng, nhưng vì lý do gì đó báo chí chính thống hầu như không đề cập.   
Bức tranh đối thoại
Ngày 16/12/2016, tại “Hội nghị Văn học 2016” do Hội Nhà văn Viêt Nam tổ chức, ông Nguyễn Hữu Thỉnh cho biết sắp tới Hội sẽ xin ý kiến để tổ chức một “Hội nghị Hòa hợp Văn học Dân tộc” với sự tham gia của các nhà văn trong nước với các nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài. Ông Thỉnh còn nói rằng cho đến nay, việc hòa hợp dân tộc trong lĩnh vực văn nghệ vẫn dè dặt và lạc hậu nhất so với các lĩnh vực khác. Tuy dư luận cho rằng tổ chức một hội nghị như vậy là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, nhưng chắc không phải là vô cớ mà ông Thỉnh đề xuất như vậy (khi Hội không còn kinh phí hoạt động). Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc đó sẽ thành hiện thực. (Tuổi trẻ, 17/12/2016).
Ngày 18/5/2017, tại hội nghị trực tuyến sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Võ Văn Thưởng cho biết “Ban Tuyên giáo đang chờ Ban Bí thư thông qua văn bản hướng dẫn tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Theo ông Thưởng, đây là vấn đề rất quan trọng. “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”. ông Thưởng cũng cho rằng cần có quy định rõ ràng để từng cấp, từng ngành, từng cơ sở, từng đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình và phương pháp trong trao đổi, đối thoại (Pháp luật, 18/5/2017).
Tuy chưa biết ý định đối thoại đó thực hư thế nào, là dấu hiệu đổi mới hay chỉ là bánh vẽ, nhưng phản ứng của dư luận, nhất là của giới trí thức phản biện, rất sôi nổi và trái chiều, thậm chí tranh cãi như mổ bò. Trong khi một số người tỏ ra nghi ngờ, cho rằng cơ hội chưa đến và nên chờ thêm, thì nhiều người khác lại tỏ ra quá sốt sắng, “vội vã, sốt ruột, cuống quýt” để “chớp thời cơ” như sợ mất lượt (Phạm Chí Dũng, 24/5/2017). Đó là một bức tranh phản cảm so với bài học Đồng Tâm. Khi những người nông dân đồng tâm nhất trí, đấu tranh quyết liệt, thì họ buộc chính quyền phải đối thoại, trong khi giới trí thức hô hào đối thoại, thì chỉ nhận được sự im lặng. Có lẽ họ cần đối thoại với nhau trước khi đối thoại với chính quyền. Vậy cái gì mở cửa đối thoại (như “vừng ơi mở cửa ra!”) và quan trọng hơn là cái gì làm cho đối thoại thực chất và kết quả? Có lẽ giới trí thức cần học hỏi kinh nghiệm “đối thoại Đồng Tâm” (22/4/2017).   
Đối thoại hay độc thoại
Về nguyên lý truyền thông (communication), thông tin phát ra chỉ có ý nghĩa và hiệu quả khi nó được phản hồi trở lại (feedback), hình thành tương tác hai chiều. Hay nói cách khác, có người nói thì phải có người nghe. Nếu chỉ nói mà không có phản hồi là độc thoại (một chiều), không có giá trị truyền thông. Đối thoại (hai chiều) là một cách truyền thông hiệu quả, và độc thoại là ngược lại nguyên lý truyền thông. Theo Aristotle (384-322 BC), truyền thông muốn có hiệu quả thường dựa trên nguyên lý “Ethos – Logos – Pathos”, theo đó người nói và người nghe phải tương tác và giao hòa (rapport), để quá trình phản hồi hay phản biện có ý nghĩa. Trong đối thoại, nhất là trong tranh luận (debate), “tư duy phản biện” (critical thinking) là cần thiết để thuyết phục lẫn nhau, trên cơ sở hai bên phải ôn hòa và lắng nghe lẫn nhau. 
Vì nhiều lý do, người ta cho rằng đa số người Việt Nam yếu kém về năng lực truyền thông, do thiếu văn hóa đối thoại và tư duy phản biện như các dân tộc khác, vì xã hội Việt Nam vốn khép kín, do chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Khổng (trước đây) và chủ nghĩa Mao (sau này). Từ nhỏ, chúng ta được dạy bảo trong nhà trường và gia đình về đạo lý ứng xử là phải “ngoan”, vâng lời cha mẹ và không được cãi cấp trên. Năng lực truyền thông yếu kém (về đối thoại và phản biện) bị thể chế chính trị làm cho vô hiệu hóa và thui chột. Hầu như chúng ta không có thói quen tranh luận và thiếu văn hóa đối thoại. Trong bối cảnh người Việt Nam nay cần tranh luận để đổi mới, thì những tổ chức dân sự có vai trò phản biện xã hội hầu như trống vắng. Viện IDS (Institute of Development Studies) vừa mới thành lập đã bị giải thể (9/2009).  
Tại sao phải đối thoại
Hiện nay, nhu cầu đối thoại và phản biện xã hội nhằm đóng góp cho đổi mới “vòng hai” đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng đáng tiếc là lúc này văn hóa đối thoại và tư duy phản biện trong giới lãnh đạo cũng như trong dân lại bị thui chột và tụt hậu như trình độ phát triển kinh tế. Nói cách khác, khi yêu cầu đổi mới cao, thì năng lực đáp ứng lại thấp. Năng suất lao động thấp vì chất lượng nhân lực không cao. Năng lực chém gió không thể thay thế năng lực tư duy và hành động. Lãnh đạo và người dân hầu như chưa sẵn sàng, giống như khi con tàu Titanic bị nạn sắp chìm thì rất nhiều người không biết bơi, và không biết đối phó thế nào. Chưa biết mục đích đối thoại là nhằm tìm kiếm đồng thuận quốc gia để cứu con tàu, hay chỉ nhằm PR để tìm kiếm một cái xuồng cứu hộ nào đó, khi đối thoại Việt-Mỹ về nhân quyền đang diễn ra, trước khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm Mỹ (29-31/5/2017).
Như đã đề cập nhiều lần, những động lực đổi mới “vòng một” đã hết đà, không còn tác dụng. Vì vậy cấp thiết phải đổi mới “vòng hai” nhằm tháo gỡ thể chế, đặc biệt là thể chế chính trị và những rào cản của hệ thống cũ, để giải phóng năng lượng sáng tạo và động lực phát triển còn tiềm ẩn. Nói cách khác, lúc này đổi mới thể chế chính trị là cái chìa khóa (như nguyên lý Pareto) để tháo gỡ nút thắt cổ chai về thể chế đang làm ách tắc cả hệ thống. Về thể chế chính trị, yêu cầu quan trọng nhất là đổi mới Hiến pháp, để từng bước dân chủ hóa, thay thế dần chế độ độc quyền độc đảng bằng tam quyền phân lập. Về thể chế kinh tế, yêu cầu cấp bách hiện nay là cắt bỏ cái đuôi “định hướng XHCN” để giải phóng kinh tế thị trường. 
Vì lòng tin của dân chúng đã xuống đến mức thấp nhất, nên nhiều người nghi ngờ mục đích đối thoại lúc này cũng không phải để tìm kiếm sự đồng thuận nhằm đổi mới, mà chỉ để đối phó với Mỹ về hồ sơ nhân quyền, thậm chí những người bất đồng chính kiến vẫn sợ bị gài bẫy như trò chơi “trăm hoa đua nở” trước đây. Thái độ không lắng nghe dân, im lặng không thèm trả lời các kiến nghị tâm huyết, chứng tỏ chính quyền không thực tâm tôn trọng trí thức. Vì vậy, muốn đối thoại trước hết phải xây dựng lòng tin (confidence building), vì khủng hoảng lòng tin và nỗi lo sợ nghi ngờ trong tiềm thức (của cả hai phía) là một rào cản tâm lý.    
Đối thoại về cái gì
Người ta hay nói nhà nước ta là “của dân, do dân, vì dân”. Đó là một khẩu hiệu dân túy rất hay nhưng vô nghĩa, vì chính quyền toàn làm ngược lại. Nay người ta lại nói chính quyền “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận…”.  Đó cũng là một tuyên ngôn dân vận hay, nhưng phản ánh tâm thức bị động đối phó như “hội chứng soi gương” (mirror image) muốn phủ định tâm trạng vừa lo sợ vừa kiêu ngạo, nay bí cờ nên buộc phải tìm nước cờ khác. Nước cờ đối thoại đã được thử nghiệm tại Đồng Tâm, không phải do tự nguyện mà do tình thế bắt buộc. Tuy Đồng Tâm đã “biến điều không thể thành có thể”, nhưng hãy còn quá sớm để cho rằng “giải pháp Đồng Tâm” là không thể đảo ngược. Trong binh pháp, mọi cái đều có thể.   
Có hai tình huống và kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất, khi xảy ra tình huống như Đồng Tâm, (hay Formosa), nếu phái ôn hòa và cải cách cầm trịch thì có thể dẫn đến đối thoại và hòa giải (như Myanmar). Thứ hai, nếu phái cực đoan và bảo thủ cầm trịch thì có thể dẫn đến đàn áp và bạo lực (như Thiên An Môn). Giữa hai thái cực đó là một khoảng xám bất định (uncertain gray area) có thể “diễn biến” trái chiều, tùy thuộc vào cán cân lực lượng.  Nhiều người Việt hay ngộ nhận và nhầm lẫn, nên dễ bị ảo tưởng vì tự huyễn hoặc. Ngộ nhận là một căn bệnh khó chữa, nhưng còn khó chữa hơn nếu ngộ nhận bị bội nhiễm bởi cực đoan, dẫn đến biến chứng rất nguy hiểm. Nếu những người cực đoan và ngộ nhận tham gia đối thoại thì rất khó đi đến đồng thuận để có kết quả, vì họ giống như những người “điếc chuyên nghiệp”.
Muốn đối thoại phải tránh cực đoan. Những người chống cộng cực đoan cũng nguy hiểm không kém gì những người cộng sản cực đoan. Họ sẵn sàng chụp mũ cho những người không cùng quan điểm với họ là “việt cộng”, cũng như những người cộng sản cực đoan sẵn sàng chụp mũ cho những người không cùng quan điểm với họ là “phản động”.  Thực ra, chính những người cực đoan của cả hai phía mới là “phản động”, vì họ làm cản trở cơ hội hòa giải và hòa hợp dân tộc để chung tay đổi mới và phát triển theo hướng dân chủ hóa. 
Đối thoại với ai?
Tuy có nhiều kênh đối thoại khác nhau, nhưng nên bắt đầu bằng ba diễn đàn chính. Thứ nhất là diễn đàn chuyên về cải cách thể chế (trên cơ sở Báo Cáo VN 2035) với các cựu quan chức cấp cao như ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng bộ KH-ĐT), bà Phạm Chi Lan (nguyên TTK VCCI, thành viên Ban NCTT), ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó ban Tuyên giáo TW), ông Nguyễn Sỹ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), v.v.
Thứ hai là diễn đàn cải cách mở rộng, với “Nhóm 72” (gồm các nhân sỹ trí thức) và “Nhóm 61” (gồm các vị lão thành cách mạng), về những kiến nghị họ đã từng đề xuất (nhưng vẫn chưa được lãnh đạo hồi âm). Đại diện nhóm này có thể gồm những vị như ông Nguyễn Trung (nguyên Thứ trưởng, trợ lý Thủ tướng, thành viên Ban NCTT), ông Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN), ông Lê Đăng Doanh (nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, thành viên Ban NCTT), ông Tương Lai (nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, thành viên Ban NCTT), ông Nguyễn Quang A (nguyên Viện trưởng Viện IDS), ông Trần Đức Nguyên (nguyên thành viên Ban NCTT), ông Bùi Đức Lại (nguyên chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ), v.v.
Thứ ba là diễn đàn xã hội dân sự, với đại diện các hội đoàn XHDS độc lập như nhà báo Phạm Chí Dũng (Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập), nhà văn Nguyên Ngọc (Chủ tịch Văn đoàn Độc lập), và các đại diện của giới bất đồng chính kiến (trong nước và ngoài nước).
Đối thoại như thế nào?
Thực ra Việt Nam có khá nhiều cơ chế và kênh đối thoại. Ngoài Quốc hội, còn có Mặt trận và Ban Dân vận TW, v.v. Về nguyên tắc, các đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân, có quyền và nghĩa vụ thay mặt dân chất vấn Chính phủ trong các phiên chất vấn/điều trần. Nếu Quốc hội, Mặt trận, Ban Dân vận, làm tốt chức năng đối thoại, thì chắc ông Thưởng không phải đặt ra vấn đề đối thoại, như một biện pháp nhằm giải cứu con tàu đang sắp chìm, nếu không phải là PR để đối phó tình huống nhằm tìm kiếm một cái xuồng cứu hộ nào đó.   
Điều kiện tiên quyết trong đối thoại là trước hết hai phía phải ôn hòa, thực tâm lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Nếu đối thoại với thái độ cực đoan và ngạo mạn, không lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau, thì sớm muộn cũng thất bại. Thứ hai, phải có chính danh (legitimacy), đối thoại với thái độ xây dựng và nghiêm túc. Thứ ba, phải khiêm tốn để hòa hợp và hòa giải. Những người cực đoan thường khó hòa hợp do không chịu lắng nghe, như “đối thoại giữa những người điếc”, hay giữa những người máy “có hệ điều hành hoàn toàn khác nhau”.
Đã đến lúc chính quyền cần tổ chức đối thoại và tranh luận công khai về những vấn đề bức xúc của đất nước (như đổi mới thể chế), không phải chỉ để “hạ nhiệt” mà để đồng thuận quốc gia, với giới trí thức và các tổ chức xã hội dân sự, trên các diễn đàn được báo chí đưa tin để dân chúng theo dõi. Tuy vấn đề nào “quá nhạy cảm” thì hai bên có thể trao đổi nội bộ, nhưng hầu hết các vấn đề nóng bỏng của đất nước cần được tranh luận công khai.
Gót chân A-sin  
Điều đáng mừng là chính quyền đã ngỏ ý đối thoại với những người khác quan điểm (sau khi “quả bom dân sự đồng Tâm” đã được tháo ngòi bằng đối thoại). Nhưng điều đáng buồn là tuy chưa biết ý định đối thoại thực hư ra sao, nhưng một số đại diện cho tiếng nói phản biện đã tranh cãi như mổ bò và “bất đồng chính kiến với nhau”. Trong khi LS Cù Huy Hà Vũ muốn “Đối thoại trực tiếp”, thì LS Lê Công Định lại muốn “đối thoại gián tiếp”. 
Nếu Đảng “nát như tương” và đất nước “nát như cám” (lời ông Phạm Chí Dũng) nên “không có nổi một cuộc đối thoại cho ra hồn”, thì phong trào dân chủ cũng nát như cháo, vì chia rẽ. Điều đó lý giải tại sao chính quyền vẫn coi thường giới trí thức và phong trào dân chủ, tại sao họ vẫn tiếp tục “đối thoại với dân trong đồn công an”. Tuy “bản lĩnh đối thoại” của chính quyền không cao, nhưng bản lĩnh đoàn kết của giới trí thức cũng thấp. Trong khi kiến nghị tâm huyết của Nhóm 72 & Nhóm 61 “không khiến Đảng mảy may động lòng”, thì tại sao họ lại “động lòng” chấp nhận đối thoại và nhân nhượng người dân Đồng Tâm?  
Theo nhà văn Phạm Thị Hoài, Giáo sư Chu Hảo “lạc quan vô tận”, vì cho rằng “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng”. Trong khi “xếp hạng” GS Chu Hảo là “trí thức phản biện trung thành” (để phân biệt với “giới bất đồng chính kiến”) nhà văn gọi “những người hùng Việt kiều ẩn danh trên mạng” là những kẻ “thừa khí phách để chê bai giới trí thức trong nước” xu phụ quyền lực, trong khi chính họ lại “thiếu một chút can đảm để chính danh”.
Theo ông Phạm Chí Dũng, “lãnh đạo còn đang phải dành đến 99% thời gian và tâm trí để lo đối phó triệt hạ lẫn nhau trong nội bộ, thì lấy đâu ra hơi sức để đối thoại với mấy ông trí thức”. Một số quan chức ủng hộ đối thoại có thể vì động cơ thực dụng, muốn lợi dụng việc này “làm cầu nối” để lấy lòng Mỹ và phương Tây, nhằm “thu xếp cho hậu sự”. Trong khi bà Phạm Thị Hoài cho rằng “giải phẫu thẩm mĩ cho một chế độ toàn trị là giúp nó tồn tại mĩ miều hơn”, thì ông Bùi quang Vơm cho rằng những người chủ trương cải cách thật sự có thể lợi dụng trò chơi đối thoại này để “lật ngược thế cờ” của phe bảo thủ, để “biến giả thành thật”.
Bi kịch quốc gia
Bức tranh nhiều gam màu đa dạng của xã hội dân sự Việt Nam thật quá đa nguyên. Phải chăng đây là “gót chân A-sin” của phong trào dân chủ?  Có lẽ tình trạng chia rẽ và bất đồng trong xã hội dân sự cũng phản ánh bản chất của xã hội Việt Nam (là “ba người thua một người”). Nhưng bài học phát triển của các quốc gia thành công ở Đông Á không dựa trên sự đa nguyên đó. Muốn tự cường và thoát Trung, dân tộc này phải hòa giải và đồng thuận để phục hưng quốc gia, như một dân tộc thông minh và trưởng thành. Vì vậy, không chỉ giới cai trị phải thay đổi, mà giới bị trị cũng phải thay đổi để mạnh lên, vì “dân nào thì chính phủ ấy”.
Một đất nước yếu kém về năng lực kết nối cộng đồng thường do người ta quá coi trọng “chính sách loại trừ” (exlusive politics) và quá coi nhẹ “văn hóa dung nạp” (inclusive culture). Để dung nạp, người ta phải đối thoại và kết nối để đi đến hòa giải dân tộc và đồng thuận quốc gia. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến “ủy nhiệm” (proxy) bởi ngoại bang, đã chia cắt và tàn phá đất nước này một cách thảm khốc. Nhưng 42 năm sau chiến tranh, những người Việt cực đoan và cuồng tín (của cả hai phía) dường như vẫn chưa tỉnh ngộ.
Phải chăng họ vẫn muốn tiếp tục cuộc nội chiến trong cộng đồng, với tâm thức và não trạng như “tù binh của quá khứ”? Và “bóng ma Viêt Nam” đã ám ảnh họ suốt hai thế hệ, đến tận bây giờ vẫn chưa chấm dứt. Dù thời thế đã thay đổi, nhưng dường như họ vẫn chưa từ bỏ cuộc chiến ý thức hệ vì “cờ đỏ-cờ vàng”. Thậm chí họ còn tiếp tục cuộc nội chiến mới ngay trong lòng cộng đồng của mình, dù cùng màu cờ sắc áo, dù ở Hà Nội/Sài Gòn, hay ở Little Saì Gòn. Họ chống lại và chụp mũ bất kỳ ai không giống họ, hay không nghe theo họ. Đó là nghịch lý Việt Nam, và là bi kịch quốc gia, như một “nghiệp chướng” (karma). Nếu không thể đồng thuận quốc gia bằng đối thoại, thì đất nước có thể trở thành một “Công viên Khủng Long”.
Thay lời kết
Trong những năm qua, không gian xã hội dân sự đã được mở rộng, với 54 tổ chức XHDS trong đó có 16 hội đoàn độc lập (tính đến 6/2014). Nhưng các tổ chức này chưa thực sự lớn mạnh vì họ còn nhiều bất đồng, hay tranh cãi và chia rẽ. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn chưa có công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Hiện nay, đổi mới thể chế (vòng hai) là yêu cầu cấp bách nhất, để tháo gỡ những ách tắc của hệ thống chính trị đã lỗi thời, nhằm giải phóng năng lượng sáng tạo, và những động lực của kinh tế thị trường, để đổi mới và phát triển. Trong quá trình này, đối thoại và tranh luận nhằm tìm đồng thuận quốc gia và hội nhập quốc tế là một yêu cầu cấp thiết, để thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kép về kinh tế (nợ công chồng chất, ngân sách thâm hụt), về chính trị (tranh giành quyền lực quyết liệt), về môi trường (ô nhiễm nặng nề) và văn hóa xã hội (xuống cấp trầm trọng) trong khi chủ quyền quốc gia và lãnh thổ (tại Biển Đông) đang bị đe dọa.    
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một thách đố (gambit) đối với Chính phủ Việt Nam, không chỉ về tầm nhìn và đối sách ngoại giao (đầy thách thức) mà còn gắn liền với bức tranh đối nội (đầy bất ổn). Dưới thời Donald Trump, đối thoại Việt-Mỹ về nhân quyền cũng như về thương mại (FTA song phương) hay về an ninh (Biển Đông), đòi hỏi Chính phủ (cũng như dân) phải đổi mới tư duy và có bản lĩnh, để đối phó được với những tình huống mới (đầy bất định). Lúc này chơi “lá bài Mỹ”, hay chơi “lá bài Nhật” như một đòn bẩy (hedging) trong quan hệ với Mỹ, ngày càng khó.
Chưa bao giờ Việt Nam lại đứng trước các thách thức và lựa chọn khó khăn như hiện nay, trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, và Nhật. Quan hệ “rất phức tạp” giữa Washington và Bắc Kinh vào lúc này là yếu tố khiến lãnh đạo Việt Nam phải gặp Donald Trump “càng sớm càng tốt”. Theo Muray Hiebert (CSIS), “Việt Nam không nên chờ, mà hãy đến Washington ngay bây giờ để trở thành một phần trong cuộc đối thoại”.  Vấn đề là ông Phúc đối thoại thế nào với ông Trump và các quan chức Mỹ (để không mang tiếng là “Thủ tướng KLMV”).
26/5/2017
N.Q.D.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

Đời Cũng Như Một Câu Chuyện: Không Cần Dài, Mà Cần Tốt

- J.K. Rowling


Đời cũng như một câu chuyện: không cần dài, mà cần tốt. Hãy thất bại để tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình.

Nhà văn J.K. Rowling, tác giả bộ truyện Harry Potter nổi tiếng thế giới đã dành nhiều lời tâm huyết để nói về cuộc đời, tuổi trẻ, trí tưởng tượng và lòng vị tha trong bài diễn văn tại Lễ tốt nghiệp Đại học Havard 2008.


Thật ra, tôi đã nghĩ nát óc xem mình phải nói gì với các bạn hôm nay. Tôi đã tự hỏi là vào cái tuổi ra trường thuở đó mình đã ao ước muốn biết những gì, và trong 21 năm kể từ ngày đó đến nay tôi đã thu thập được những bài học quan trọng nào.

Tôi tìm ra hai câu trả lời. Trong một ngày tuyệt vời như ngày hôm nay khi chúng ta hội tụ nơi đây để mừng thành quả học tập của các bạn, tôi đã quyết định nói chuyện với các bạn về lợi ích của sự thất bại. Và vì các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa của cái mà người ta hay gọi là “cuộc sống thực tế”, tôi cũng muốn ca ngợi sự quan trọng của trí tưởng tượng.

Điều này mới nghe ra thì thấy có vẻ là một chọn lựa quái dị và nghịch lý, nhưng xin các bạn kiên nhẫn với tôi một chút.

Hình dung lại tuổi 21 lúc mới ra trường là một việc không được dễ chịu lắm đối với một người đàn bà đã đến tuổi 42 như tôi hôm nay. Nửa cuộc đời trước đây, tôi đang cố tìm sự thăng bằng giữa tham vọng của mình và những gì người thân trong gia đình muốn tôi phải đạt được.

Lúc đó tôi tin chắc rằng điều duy nhất mình muốn theo đuổi là viết tiểu thuyết. Nhưng bố mẹ tôi, những người xuất thân nghèo khó và không được học đại học, cho rằng trí tưởng tượng quá khích của tôi là một cái tật ngộ nghĩnh không cách nào có thể làm ra tiền để trả tiền nhà hay đảm bảo cho một đồng lương hưu trí về sau. Tôi biết bây giờ thì những lo nghĩ này đã trở nên khôi hài đến trớ trêu.

Cả hai người đều muốn tôi học nghề; còn tôi thì muốn theo đuổi ngành Văn học Anh. Chúng tôi đã đạt một thỏa hiệp mà bây giờ nghĩ lại cũng chẳng làm hài lòng ai cả, và tôi đã theo ngành Sinh ngữ Hiện đại. Trước khi ôtô của bố mẹ tôi vừa rẽ khuất khúc cua là tôi bỏ ngay lớp Đức văn để chạy tọt xuống hành lang Cổ văn.

Tôi không nhớ đã nói với bố mẹ là mình đã theo Cổ văn; có lẽ họ chỉ biết được chuyện này trong ngày lễ ra trường của tôi. Trong các môn học trên hành tinh này, thiết nghĩ nếu muốn tìm được một chìa khoá vào một phòng tắm sang trong một nội thất cao cấp, cha mẹ tôi khó có thể tìm được một môn học nào vô tích sự hơn môn Thần thoại Hy Lạp.

Tôi xin nói rõ là tôi không trách bố mẹ mình vì quan điểm của họ.

Khi bạn đủ lớn để tự lèo lái cuộc đời mình, trách nhiệm thuộc về bạn, và bạn không thể trách bố mẹ là đã hướng bạn đi nhầm đường được nữa.
Ngoài ra, tôi không thể trách bố mẹ vì đã hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ lâm cảnh nghèo khó. Cả hai bố mẹ tôi đều nghèo, và tôi cũng đã nghèo, và tôi đồng ý với họ rằng nghèo đi cùng với hèn. Nghèo khó mang theo sợ hãi và nhiều lúc cả trầm mặc; nó kéo theo hàng ngàn những nỗi nhục nhã và khó khăn nho nhỏ. Thoát khỏi nghèo khó bằng chính nỗ lực của mình, đó mới đích thực là điều đáng hãnh diện, và chỉ có ngớ ngẩn mới đi lãng mạn hóa sự nghèo khó mà thôi.

Điều mà tôi sợ nhất ở tuổi các bạn không phải là sự nghèo khó, mà là sự thất bại.

Ở tuổi của các bạn, mặc dù không hứng thú chút nào với đại học đường, nơi mà tôi bỏ quá nhiều thì giờ trong các quán cà phê để ngồi viết truyện và quá ít giờ ở các giảng đường, tôi vẫn qua được các bài thi, và trong nhiều năm, đó là thước đo thành công của cuộc đời tôi và cuộc đời các bạn tôi.

Tôi không đến nỗi khờ khạo mà cho rằng vì các bạn còn trẻ, tài giỏi và học vấn cao, các bạn không bao giờ gặp khó khăn hay buồn khổ. Tài năng và trí thông minh chưa bao giờ ngăn ngừa ai tránh khỏi những nổi trôi của Định mệnh, và không một giây phút nào tôi lại cho rằng mọi người ở đây đều trải qua một cuộc sống ưu tú và toại nguyện chưa hề bị xáo trộn.

Tuy nhiên, việc mà các bạn đã tốt nghiệp ở Harvard nói lên một điều: các bạn không quen thuộc lắm với thất bại. Có lẽ lo sợ thất bại thúc đẩy các bạn mạnh mẽ ngang với ham muốn thành công. Về học vấn, các bạn đã bay cao đến mức quan niệm về thất bại của các bạn có thể không khác mấy với quan niệm về thành công của người khác.

Cuối cùng thì ai cũng phải tự định nghĩa thế nào là thất bại, nhưng nếu bạn muốn, thiên hạ luôn có sẵn những tiêu chuẩn để đưa ra trước mặt bạn. Tôi nghĩ công bằng mà nói thì 7 năm sau ngày ra trường, tôi đã thất bại một cách thê thảm, xét theo bất kỳ tiêu chuẩn thường tình nào.

Một cuộc hôn nhân quá ngắn đã sụp đổ, và tôi bị thất nghiệp, trở thành một người mẹ độc thân, và nghèo đến mức không thể nghèo hơn được nữa ở nước Anh hiện đại, trừ phi lâm vào cảnh vô gia cư. Những lo sợ mà bố mẹ tôi và của chính tôi dành cho mình đã trở thành sự thật, và theo như bất cứ một tiêu chí bình thường nào, bản thân tôi là sự thất bại lớn nhất mà tôi được biết.

Tôi sẽ không nói với các bạn rằng thất bại là vui.

Trong đời tôi khoảng thời gian đó là những chuỗi ngày đen tối, và tôi không thể tưởng tượng được rằng cái mà báo chí vẫn gọi là kết cục của chuyện cổ tích sẽ xảy ra.

Tôi không biết đường hầm sẽ kéo dài bao xa, và trong một thời gian dài, tia sáng cuối đường hầm là một niềm hy vọng hơn là một hiện thực.

Nếu thế thì tại sao lại nói về lợi điểm của thất bại? Đơn giản là vì thất bại có nghĩa là tước bỏ hết những chuyện phù phiếm. Tôi thôi không đóng kịch làm người khác nữa, và bắt đầu dốc hết nỗ lực để hoàn tất công việc có nghĩa lý nhất đối với mình.

Nếu tôi thành công trong bất kỳ một phạm trù nào khác, có lẽ tôi đã không đủ bền chí để đeo đuổi và thành công trong lĩnh vực mà tôi tin tưởng rằng đúng là lĩnh vực của mình. Tôi được giải phóng, vì mối sợ lớn nhất của tôi đã xảy ra, và tôi vẫn còn sống sót, vẫn còn một cô con gái tôi yêu, một cái máy chữ và một ý tưởng lớn. Cho nên đáy sâu vực thẳm đã là điểm tựa vững chắc cho tôi xây dựng lại cuộc đời.

Có lẽ các bạn sẽ không bao giờ bị thất bại như tôi đã trải qua, nhưng trong cuộc đời, thất bại là không thể tránh khỏi.

Không thể sống mà không thất bại trong một việc gì đó, trừ phi ta sống dè dặt tới mức có thể coi như chưa sống – trong trường hợp đó, cả cuộc đời ta đã là một sự thất bại rồi.

Thất bại mang lại cho tôi một an bình về nội tâm mà tôi không bao giờ có khi thi đỗ những bài thi. Thất bại dạy cho tôi những điều về bản ngã của mình mà tôi không thể nào học được bằng cách nào khác.

Tôi khám phá ra là tôi mạnh mẽ và kỷ luật hơn là mình tưởng; và cũng biết được rằng mình có nhiều người bạn đáng giá ngàn vàng.

Ý thức được chuyện mình vượt qua những khó khăn để trở nên khôn ngoan và kiên cường hơn có nghĩa là từ rày về sau mình có thể bình tâm hiểu rằng mình có khả năng tồn tại.

Các bạn không thể hiểu được bản thân mình hay bản chất những mối quan hệ của mình cho đến khi chúng được thử thách trong nghịch cảnh.

Hiểu được bản thân mình và bản chất các mối quan hệ của mình là một phần thưởng lớn, bất chấp những giọt nước mắt đã phải chảy để có được nó, và nó đáng giá hơn bất cứ những thành tích nào mà tôi đã đạt được.

Nếu có được một chiếc Xoay Thời gian, tôi sẽ khuyên mình ở tuổi 21 rằng hạnh phúc cá nhân nằm ở chỗ biết được cuộc đời không phải là một danh sách những thành tích.

Học vị và tiểu sử của các bạn không phải cuộc đời của các bạn, tuy rằng các bạn sẽ gặp những người ở tuổi tôi hoặc lớn hơn hay lẫn lộn giữa hai thứ này. Cuộc đời khó khăn, phức tạp lắm, nó nằm ngoài mức kiểm soát trọn vẹn của bất cứ ai, và nếu bạn đủ khiêm nhường để hiểu được điều này, bạn sẽ vượt qua được những thăng trầm của nó.

Giờ thì, có thể các bạn nghĩ rằng tôi chọn tiêu đề thứ hai, sự quan trọng của trí tưởng tượng, vì cái phần đời của tôi mà nó đã giúp làm lại, nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Tuy tôi sẽ bảo vệ đến hơi thở cuối cùng thói quen kể chuyện cho con cháu trước khi đưa chúng vào giấc ngủ, tôi đã học được cách đánh giá trí tưởng tượng theo nghĩa rộng hơn rất nhiều.

Trí tưởng tượng không chỉ là khả năng độc đáo của loài người để hình dung những chuyện không có, và vì vậy, là nền tảng cho tất cả những phát minh và sáng tạo. Có thể nói rằng nó là khả năng giúp mang lại sự thay đổi và tỉnh ngộ nhiều nhất, giúp chúng ta có được sự đồng cảm với những con người có cuộc đời khác hẳn với chúng ta.

Không như bất cứ một sinh vật nào khác trên thế gian này, loài người có thể học và hiểu biết mà không cần phải trải nghiệm. Họ có thể đặt ý nghĩ của mình vào trí óc của kẻ khác, tưởng tượng mình trong hoàn cảnh của đồng loại.

Tất nhiên, đây là một khả năng mà ta có thể dùng để phục vụ cả cái xấu lẫn cái tốt, giống như những phép lạ trong truyện của tôi. Người ta có thể dùng nó để thâu tóm và kiểm soát, cũng như để thấu hiểu hay cảm thông.

Nhiều người không thích sử dụng trí tưởng tượng của mình một chút nào. Họ chọn cách nằm yên trong ranh giới bình an và quen thuộc của cuộc sống, không buồn thắc mắc nếu họ phải sinh ra trong một hoàn cảnh khác hơn kinh nghiệm bản thân mình thì sẽ ra sao.

Họ từ chối không nghe tiếng la hét hoặc nhìn vào những xà lim; họ có thể đóng tim óc mình lại trước những khổ đau không dính dáng đến bản thân họ; họ có thể từ chối không muốn biết.

Có lẽ tôi cũng suýt ganh tị với những người sống được như vậy, chỉ có điều tôi không nghĩ rằng họ ít bị ác mộng hơn tôi.

Chọn lối sống hẹp hòi, xa lánh đồng loại có thể đưa mình đến một trạng thái tâm thần, sợ hãi đám đông, tự nó cũng mang đến những kinh hoàng. Thiển nghĩ những kẻ cố tình không có óc tưởng tượng như thế sẽ gặp nhiều ác quỷ. Họ thường sợ sệt hơn.
Hơn nữa, những người chọn sự vô cảm thường giúp sản sinh thêm nhiều ác quỉ trên đời này. Vì cho dù chính chúng ta không phạm tội ác độc, chúng ta đã đồng lõa với tội ác vì sự thờ ơ của chúng ta.

Một trong nhiều cái tôi học được ở cuối hành lang khoa Cổ văn, nơi tôi lần mò đến lúc mới 18 tuổi với hy vọng tìm được một cái gì mà vào lúc đó tôi chưa định nghĩa được, là câu sau đây của tác giả Hy Lạp Plutard: “Những gì chúng ta đạt được trong nội tâm sẽ thay đổi được sự thật bên ngoài.”

Đó là một mệnh đề phi thường, nhưng mặc dù vậy, nó được chứng minh hàng ngàn lần mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Nó nói lên phần nào sự gắn bó không thể tránh khỏi của chúng ta với thế giới bên ngoài, sự thật rằng chúng ta chạm đến cuộc đời những người khác chỉ vì chúng ta tồn tại.

Các bạn sinh viên tốt nghiệp Harvard hôm nay thân mến, khả năng các bạn sẽ thay đổi cuộc sống người khác là bao nhiêu? Sự thông minh, khả năng chuyên cần, siêng năng của các bạn, nền học vấn mà các bạn đã đạt được mang lại cho các bạn một địa vị độc nhất, và những trách nhiệm độc nhất.

Ngay cả quốc tịch của các bạn đã đặt các bạn vào một vị thế khác thường. Tuyệt đại đa số các bạn là con dân của siêu cường quốc duy nhất còn lại trên thế giới. Cách bỏ phiếu của các bạn, lối sống của các bạn, cách biểu tình của các bạn, áp lực của các bạn đối với chính quyền của mình, có ảnh hưởng xa hơn biên giới của các bạn. Đó là ưu thế và cũng là gánh nặng của các bạn.

Nếu các bạn chọn tư thế và ảnh hưởng của mình để lên tiếng cho những người không có tiếng nói; nếu các bạn chọn không chỉ đứng cùng những kẻ có quyền lực mà đứng cùng những người yếu đuối; nếu các bạn giữ được khả năng tưởng tượng, đặt mình vào hoàn cảnh của những người không được may mắn như mình thì không chỉ có gia đình các bạn sẽ hoan nghênh sự hiện hữu của các bạn mà hàng vạn hàng triệu người sẽ ăn mừng các bạn, những người mà các bạn đã giúp cải thiện cuộc sống thực tại của họ.

Chúng ta không cần phép lạ để sửa đổi thế gian này, chúng ta đã có sẵn trong người sức mạnh mà chúng ta cần: chúng ta có sức mạnh tưởng tượng những gì tốt lành hơn.

Tôi sắp xong. Tôi vẫn đặt kỳ vọng cuối cùng ở các bạn, một điều mà tôi đã có vào tuổi 21. Những người bạn ngồi chung với tôi trong ngày lễ ra trường đã trở thành những người bạn đồng hành trong suốt cuộc đời tôi. Họ là bố mẹ đỡ đầu của con tôi, những người mà tôi có thể tìm đến trong những lúc túng thiếu, khó khăn, những người bạn thật tốt và tử tế không kiện cáo tôi khi tôi mượn tên họ đặt cho những nhân vật Tử thần Thực tử trong truyện.

Vào ngày lễ ra trường chúng tôi đã gắn bó rất khắng khít với nhau bằng một tình thương nồng ấm, chia sẻ những kinh nghiệm của một quá khứ không bao giờ có thể tìm lại được, và cố nhiên chúng tôi còn giữ những bằng chứng bằng hình ảnh mà ngày nay nếu có một ai trong chúng tôi ra ứng cử thủ tướng thì những bằng chứng này sẽ đáng giá vô cùng.

Cho nên hôm nay, tôi chỉ muốn chúc các bạn những tình bạn tương tự. Và ngày mai, tôi hy vọng nếu như các bạn không còn nhớ một chữ nào tôi nói hôm nay, các bạn sẽ nhớ mãi câu nói của Seneca, một trong những người La Mã xưa kia mà tôi gặp trong hành lang khoa Cổ văn khi trốn những nấc thang danh vọng để tìm sự thông thái của tiền nhân: “Đời cũng như một câu chuyện: không cần dài, mà cần tốt.”

Tôi xin chúc các bạn một cuộc đời tốt lành. Cảm ơn các bạn nhiều.”

J.K. Rowling


Read more: http://jeffreythaiblog.blogspot.com/2017/05/oi-cung-nhu-mot-cau-chuyen-khong-can.html#ixzz4iXJYvf8K
Phần nhận xét hiển thị trên trang