Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

THỰC CHẤT BÁC LÀ NGƯỜI THẾ NÀO?


GSTS. Mạc Văn Trang - Vừa rồi một bạn trẻ trao đổi rất chân thành, thẳng thắn với tôi: “Cháu hơi khó hiểu bác, tại sao bác thấy....., bác không tuyên bố ra khỏi Đảng? Bác phê phán chính quyền, rồi lại khen ông này, ông kia; bác chơi với đủ loại người? Thực chất bác là như thế nào?”.

Cảm ơn Bạn đã nêu ra ý kiến rất thú vị. Hôm trước trong bài “TỐT” và “XẤU” tôi đã viết, trong một xã hội hỗn tạp, để nhận xét nhanh về một con người, thì hãy dựa vào quan sát HÀNH VI. Hành vi nào “Tốt” ta khen, hành vi nào “Xấu” ta chê, như vậy rất khách quan, khoa học, ít bị sai. Còn thực chất anh ta là con người thế nào? Phải tìm hiểu đường đời, trải qua thời gian, nhiều sự kiện, phức tạp lắm. Khi nào tự do bầu Tổng thống, bạn cần xem xét những yếu tố này.

Thực chất tôi là thế nào ư? Tôi không phải người cấp tiến; không phải thành viên tổ chức Dân chủ, hay xã hội dân sự; không phải người li khai, hay đối lập… Tôi chỉ là một Công dân đơn độc, mang trong mình lịch sử của cả dân tộc này từ 1945 đến nay. Thế hệ tôi là sản phẩm của giai đoạn lịch sử đó. Tất cả những cái gì đau khổ, tự hào, sai lầm, tốt, xấu… đều chất chứa trong mỗi con người. Thái độ đúng đắn nhất là ta chấp nhận tất cả và đối mặt với nó; không rũ sạch, chối bỏ, lẩn trốn… làm như mình vô can, làm như mình trong sạch. Không! Mình là sản phẩm của lịch sử, bị cuốn đi, nhấn chìm trong vòng xoáy của lịch sử cùng với thế hệ mình.

Và giờ đây, mình tĩnh tâm nhìn lại tất cả, tự ý thức, vượt qua những vô minh để TỰ GIÁC NGỘ và chia sẻ những suy tư với bạn bè, anh em, bà con, nhất là những người cùng thế hệ. Nhận thức lại là một quá trình không đơn giản, tự phủ định mình càng khó khăn. Chỉ khi GIÁC NGỘ, mới sáng tỏ mọi điều.

Nhiều nhà văn, nhà thơ lớn, cuối đời mới tỉnh ngộ, như nhà văn Nguyễn Khải trăn trở “Đi tìm cái tôi đã mất”; Chế Lan Viên có bao nhiêu đóng góp cho nền thi ca nước nhà, vậy mà vẫn thấy: 


“Anh tội lỗi, dại khờ, ngu si, bướng bỉnh

Anh là kẻ rất thấp mà, là chổi thôi mà” (Làm sao)

Nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng “sám hối”: 
“Tôi biết tôi đã nhiều lần ác 
Và ngu dại còn nhiều lần hơn 
Mong anh em hiểu đừng cười…”
(Theo Trường Giang, xin-ve-lai-chan-dung-nguyen-dinh-thi.html).

Mới đây trong bài “Vĩnh biệt nhà thơ Việt Phương”, GS tương lai đã trích dẫn mấy câu thơ, Việt Phương chia sẻ nỗi niềm với ông:

Một đời lý luận
Một đời ngu
Một đời lăn lóc như đèn cù
Chăm chút phù du
Mơ cánh nhạn
Một đời lãng mạn
Một đời ngu!

Tôi đâu dám so sánh với những nhà văn, nhà thơ, trí thức lớn ấy. Nhưng có một điểm chung với họ, đó là cùng sống trong một giai đoạn lịch sử, cùng trải nghiệm những ngộ nhận, lãng mạn hão huyền, u mê, bồng bột… và cùng giác ngộ…

Hiểu như vậy, thì tôi là người CHÂN THÀNH và GIẢN DỊ ! Chân thành, vì nói rất thật mọi suy nghĩ của mình. Thấy cái gì tốt, xấu, hay, dở, hợp lý, vô lý… đều bày tỏ chính kiến và ở đâu cũng nói như vậy. Không bao giờ nghĩ một đằng, nói một nẻo. Có nhiều điều chưa nói, nhưng khi đã nói là nói thật lòng. Chả bao giờ có âm mưu, thủ đoạn, phải che giấu suy nghĩ thật của mình…

GIẢN DỊ vì nhưng điều tôi viết là để chia sẻ cho anh em, bạn bè, bà con, sao cho gần gũi, dễ hiểu. Đó không phải là những bài báo khoa học, những luận văn nghiên cứu… Tôi chỉ chia sẻ những trải nghiệm, suy tư bằng những lời mộc mạc.

Tôi biết, các bạn bè, đồng chí, đồng bào cùng hoàn cảnh lịch sử như tôi, nhiều người vẫn sống trong một mớ hỗn độn những ý nghĩ trái ngược, niềm tin, định kiến cũ và tâm trạng lo hãi, hoang mang, bất lực… Tôi muốn đồng hành cùng với họ để cùng nhau GIÁC NGỘ. Đơn giản vậy thôi!

Còn tại sao tôi lại “chơi” với đủ loại người khác nhau ư? Đến các anh em nghiện ma túy, tự nhận mình là “cặn bã xã hội” mà tôi vẫn yêu họ, tin họ, say sưa thích thú làm việc với họ kia mà!

Tóm lại, Tôi là người CHÂN THÀNH, GIẢN DI, TIN VÀO TÍNH THIỆN LƯƠNG CỦA CON NGƯỜI.

24/5/2017
MVT
https://giangnamlangtu.wordpress.com/2017/05/24/thuc-chat-bac-la-nguoi-the-nao/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài học từ Sri Lanka


image
Trung Cộng đang đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng và phát triển ở Sri Lanka, nhưng nhiều người dân địa phương cảm thấy đất nước này đang bị bán cho người Trung Cộng.

image
Hàng trăm nhà hoạt động và các nhà sư Phật giáo phản đối các đầu tư của Trung Cộng tại Hambantota hồi đầu năm nay

Thông thường các con đường dẫn đến các cảng châu Á luôn sôi động. Xe tải chở đầy hàng. Các cửa hàng nhỏ là nơi tài xế xe tải và công nhân dừng chân nghỉ ngơi.

Cảng Hambantota ở miền nam Sri Lanka lại khác hẳn.

Mặc dù mở cửa đã bảy năm, con đường dẫn vào cảng dường như hầu không một vết chân.

image
Cảng Hambantota được xây dựng bằng tiền vay của Trung Cộng

Và khi chúng tôi tìm thấy cảng này (biển báo không phải là điểm mạnh của cảng ày, và người dân địa phương dường như không biết nó ở đâu) thì xe của chúng tôi là chiếc duy nhất tới đây.

Ngoài một vài nhân viên an ninh đi cùng chúng tôi thì chẳng có ai ở đó. Một chiếc xe dùng để chở xe hơi từ từ rời khỏi cảng, sau khi đã thả hàng xuống cảng từ công ty xe hơi khổng lồ của châu Á. Nhưng tàu nhận hàng phải hai ngày nữa mới tới.

Với một cảng có chi phí hơn 1 tỷ đô la thì kinh doanh như vậy là không đủ.

Không đủ tiền chi trả

image

Hambantota được một công ty Trung Cộng xây dựng từ tiền tài trợ từ các khoản tiền vay của Trung Cộng.
Nhưng nay Sri Lanka đang vật lộn để hoàn trả khoản nợ đó, và vì thế đã ký một thỏa thuận để cho một công ty Trung Cộng cổ phần ở cảng này như một hình thức trả một phần món nợ đó.

image
Ravi Karunanayake từng là Bộ trưởng Tài chính nhưng khi lên nắm chức vụ Ngoại trưởng tuần này, ông nói Sri Lanka cần "quảng bá chính mình"

Các điều khoản của thỏa thuận vẫn đang được tranh luận tại quốc hội Sri Lanka, nhưng cổ phần cho công ty này có thể lên đến 80%.

Cách nhìn nhận về cảng Hambantota là nó sẽ đem lại nhiều tàu bè hơn đến Sri Lanka và giảm áp lực lên cảng Colombo, một trong những bến cảng chở container quan trọng nhất ở châu Á.
Sri Lanka nằm trên tuyến đường biển mà các tàu chở dầu đi từ Trung Đông sử dụng mà an ninh năng lượng là lý do chính khiến Trung Cộng muốn đầu tư.

image
Cảng Hambantota đang vật lộn để kiếm ra tiền

Đồng thời nó lại thích hợp với sáng kiến gây tranh cãi Một vành đai, một con đường của Trung Cộng xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt và đường biển để thúc đẩy thương mại với các nước trên thế giới.

Người dân địa phương nổi giận

image

Hambantota không kiếm ra tiền một phần vì nó khá cô lập. Không có trung tâm công nghiệp nào gần đó, không có các khách hàng tự nhiên ngay ngưỡng cửa.

Nhưng nay Trung Cộng sẽ kiểm soát cảng này và đó là vấn đề mà họ muốn thay đổi. Họ đang nói chuyện với chính phủ về kế hoạch tạo ra một khu kinh tế lớn - mua 15.000 mẫu đất để xây dựng nhà máy và văn phòng.

image

Nhưng nhiều người sống trong khu vực không muốn rời bỏ nhà cửa và trang trại của mình.

Tại một ngôi làng nhỏ gần bến cảng, người dân địa phương đã rất tức giận trước kế hoạch này. Hồi tháng Giêng, nhiều người trong số họ tham gia một cuộc biểu tình lớn phản đối xây dựng trung tâm đầu tư.

Cảnh sát đã dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán người phản đối. Một số người biểu tình đã bị tống giam nhiều tuần lễ, và điều đó càng làm người dân thêm tức giận.

Nhưng những thỏa thuận này dường như là cách tốt nhất để Sri Lanka trả được một phần trong số 8 tỷ đô la vay của Trung Cộng.

Lãng phí tiền bạc

image

Tổng nợ của hòn đảo này là 64 tỷ đô la. Khoảng 95% tổng thu ngân sách của chính phủ là để trả nợ.

Và khi một phần tiền vay mượn dường như đã bị lãng phí vào cơ sở hạ tầng không có một dấu hiệu nào cho thấy đem lại lợi nhuận, thì điều đó còn tai hại hơn.

Tại sân bay quốc tế, cách Hambantota chừng 30km, chỉ có 5 chuyến bay mỗi tuần phục vụ vài trăm hành khách.

image
Sân bay Mattala Rajapaksa chỉ có vài chuyến bay một tuần

Rồi một trung tâm hội nghị hiện đại mà hầu như không được sử dụng, và một sân chơi criket nay chỉ thỉnh thoảng được cho thuê làm đám cưới.

Tạo công ăn việc làm

Tuy nhiên, không phải tất cả những phát triển của TC ở Sri Lanka đều đã thất bại.

Đường xá và đường cao tốc đang được đặt làm trên khắp đất nước, và một số đã thực sự rút ngắn thời gian đi lại giữa các thị trấn và thành phố. Điều này đã góp phần thúc đẩy du lịch, nguồn thu nhập ngoại tệ lớn nhất của nước này.

Nhiều dự án do Trung Cộng tài trợ đã được lên kế hoạch và xây dựng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, và được đưa về đơn vị bầu cử của ông.

Không thể từ chối

image

Một chính phủ mới lên nắm quyền năm 2015 đã hứa hẹn sẽ giảm bớt phụ thuộc của Sri Lanka vào Trung Cộng, nhưng những áp lực tài chính đang buộc họ đi theo đường mòn đó.

Ban đầu họ đã ngưng một dự án lớn của Trung Cộng đầu tư - một thành phố hoàn toàn mới được dự định xây dựng ở bờ biển Colombo trên vùng đất khai hoang.

Nhưng con số 1,4 tỷ đô la mà dự án mang lại là quá lớn để có thể từ chối, và việc xây dựng này đã được tái tục vào năm ngoái.

image
Các nhà xây dựng nói một thành phố mới sẽ trở thành trung tâm tài chính ở Nam Á

Người ta hy vọng là nó sẽ trở thành một thành phố hiện đại vào năm 2040, với những tòa nhà sầm uất của các công ty, những căn hộ lấp lánh, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bãi biển, trung tâm thương mại và cả bến du thuyền. Phần đầu của dự án sẽ hoàn tất và đưa vào sử dụng trong hai năm tới.

Bảo vệ, không bán

image

Một lần nữa, chính phủ đã phải đối mặt với sự phản đối. Các nhóm ngư dân và người dân địa phương tổ chức biểu tình phản đối.

Một số người lo ngại về tác động môi trường của dự án. Họ không được thuyết phục trước các nghiên cứu của các cơ quan chính phủ, những người đã cho phép thực hiện dự án.

image
Một ngư dân, ông Aruna Roshantha, nói người dân Sri Lankans không muốn đất đai của họ bị giao cho nước ngoài

Nhưng nhiều người cũng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng ở đất nước này.

"Chúng tôi không thích đất đai của mình bị giao cho Trung Cộng", Aruna Roshantha, một ngư dân nói.

"Không chỉ Trung Cộng mà nếu bất cứ đất nước nào đến và lấy đất của Sri Lanka, chúng tôi cũng không thích. 

Chính phủ nên bảo vệ đất đai của chúng tôi chứ không bán nó".

Hiện tại, chính phủ Sri Lanka không có nhiều cơ hội để đàm phán.

Và Bộ trưởng Ngoại giao Ravi Karunanayake nói họ cần phải mở rộng vòng tay đón chào tất cả.

image

"Chúng tôi muốn người Ấn Độ đến đây, chúng tôi muốn người Trung Cộng đến đây, chúng tôi muốn người Nhật Bản đến đây. Người Hàn Quốc hoặc người châu Âu, chúng tôi đều không có vấn đề gì hết.

"Về cơ bản, chúng ta cần quảng bá về mình và quảng bá trên cơ sở nhất quán, và dùng ngoại giao kinh tế là công cụ quảng bá cho Sri Lanka."



Yogita Limaye

image


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nền giáo dục ‘tô son trét phấn’


image

Đến hẹn lại lên, phụ huynh Việt Nam mấy ngày nay vào mùa họp phụ huynh cuối niên học.

Vào lớp, cô giáo bắt đầu bi bô về tình hình học tập của lớp: Nào là “em rất khổ vì nhiều học sinh lớp ta vẫn chưa học giỏi đều các môn. Ngoài Toán, Tiếng Việt , Khoa Học, Lịch Sử , Địa Lý, nhiều em còn bị giáo viên Nhạc, giáo viên Vẽ than phiền….”

Rồi cô tiếp: “Em dạy Toán, Tiếng Việt, Khoa Học nhưng cuối giờ phải tranh thủ 30 phút làm thay luôn cả giáo viên Nhạc, giáo viên Vẽ gò cho từng đứa biết đọc nhạc, biết vẽ đúng… để lớp ta đạt tỉ lệ cao học sinh giỏi đấy các bác các anh chị ạ. (vì chỉ cần một môn không Tốt là không được chấm học sinh giỏi, không được giấy khen!), nếu không giáo viên bị phê bình, hạ thi đua, trường cũng mất danh hiệu, huân huy chương …”

Thế rồi cô tâm sự: “Họp giáo viên, trao đổi với hiệu trưởng… quyết định “thêm thêm, chút chút, nâng nâng” để … hài hòa (!) rồi 90%… đều giỏi cả!” (nhân tiện cũng nói thêm là các trường tiểu học Việt Nam hiện nay khá hiếm điểm 7 điểm 8, điểm 5 điểm 6 càng … cực hiếm! Trong khi đó điểm 9, điểm 10 trong cơn cuồng lạm phát!)

Phụ huynh lào xào, nhiều phụ huynh ngước mắt ngưỡng mộ cô giáo. Vài bác thì mãn nguyện ra mặt vì con em mình được cô khen ngoan và học “giỏi.” Chỉ thiểu số vài anh, vài chị ngại ngùng giấu ánh mắt xấu hổ do con mình bị cô nêu tên chưa thuộc bài, chưa học giỏi… Nhưng rồi cô bất ngờ tuyên bố: “Các em đó cũng được trường khen thưởng đột xuất!”

Lần đầu tiên phụ huynh nghe khái niệm là lạ này, cô giáo giải thích: “Đó là các trường hợp thi 7, 8 điểm tức chỉ “khá” thôi nhưng được vớt thành … học sinh “giỏi”!

Tóm lại các cô vui!

Học trò vui!

Phụ huynh vui!….

Cả nước đều vui (!)

image

Tôi chỉ ngồi yên lặng suy tư: Khó trách các giáo viên được vì xét cho cùng họ đã bị nền giáo dục thích phô trương biến thành các “Thiên Lôi.” Tự dưng thấy tội cho vài thế hệ chúng ta đang sống trên cái xứ sở này: Từ giáo viên, phụ huynh, đến học sinh… tất cả là nạn nhân của guồng máy giáo dục và xã hội quái gở phản khoa học, không giống ai, chạy theo thành tích ảo với những tấm giấy chứng nhận “giỏi” vô hồn mà ko có thực chất, ép học sinh phải “chín đều” như trái cây tẩm thuốc! Và sau đó tất cả tung hô “tự sướng” thành tích giáo dục nội bộ mà không cần đánh giá của thế giới!

Chợt nhớ đứa con người bạn: Học sinh xuất sắc, cặp mắt lờ đờ sau cặp mắt kính dày cộp, thân hình béo phì ít vận động và học lớp 5 vẫn phải nhờ cha mẹ buộc giày, chưa biết bơi và kỹ năng sống rất kém!

Ở nước ngoài, thậm chí học sinh chỉ cần giỏi một môn … bóng rổ đã được xem là học sinh giỏi.

“Magic” Johnson kiếm cả trăm triệu đô la mà có cần giỏi toán, lý, hóa, văn, sử, địa … đâu?

image

Anh ta cũng làm nền công nghiệp thể thao giải trí Mỹ phát triển, tạo bao việc làm cho dân chúng.

Nền giáo dục họ hiểu rõ: Bản thân mỗi cá nhân sinh ra có những tố chất nhất định, quyết định bởi bộ gen dòng họ, gia đình… không ai giỏi toàn năng và không thể là thiên tài bách khoa.

Có người ưu thế cái này có người tuyệt vời cái khác, mỗi người có một chuyên môn năng khiếu riêng góp sức cho xã hội.

Còn trong cuộc sống khi cần những vấn đề chuyên môn, họ có thể đọc sách hoặc hỏi ý kiến từ những chuyên gia. Không nên bắt ép trẻ quá sớm nhồi nhét đủ thứ kiến thức hổ lốn vào đầu!

image

Tại sao nền giáo dục Việt Nam ko thừa nhận điều tự nhiên này mà cứ bắt tất cả bọn trẻ phải gồng lên chụp bằng mọi giá những điểm số 9, 10 cực kỳ hình thức kia. Nó làm thầy cô phải giả dối chấm bài và nắn thành tích, còn phụ huynh thì phải tự giả dối sự bằng lòng.

Với một số trẻ ko đạt được thì hậu quả sẽ là sự tự ti và có thể vô tình phá hỏng cuộc đời tương lai chúng, vì sẽ bị ám ảnh và tin rằng chúng bị … “thiểu năng”!

Lật các sách giáo khoa tiểu học ra mà phát hãi: họ muốn biến trẻ em thành kỹ sư điện đến … kỹ sư nông nghiệp thông thái! Từ nhà lịch sử, nhà địa lý đến họa sĩ, nhạc sĩ thiên tài!

Nhiều kiến thức chuyên sâu đến nỗi người lớn cũng bất ngờ (có bài trong sách giáo khoa nhà trường lẫn phòng giáo dục đành phải cho bỏ!)

Việt Nam vẫn theo lối mòn của tư duy phong kiến đèn sách của thế kỷ xưa.



Cực kỳ phản khoa học khi họ cố ép con em thành nhưng robot đa chữ nghĩa công nghiệp. Học sinh học chay những thứ cao siêu rất thiếu thực tế và rơi vào thực trạng “học cái gì cũng biết mà biết … chả ra cái gì!”

Để kết luận, chúng ta chiêm nghiệm lại câu nói nổi tiếng của thiên tài khoa học Einstein nói về giáo dục và một bức tranh minh họa.

Trong hình biếm, một thầy giáo nói: Để đảm bảo tính công bằng, mời mọi người làm cùng một bài thi: "Tất cả hãy trèo lên cái cây kia."

Và câu nói của Albert Einstein: “Mỗi người sinh ra đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây, thì cả đời nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc.”

image

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ghi chép về Dương Thu Hương 1985-86



VTN


Các đoạn ghi chép này đã được đưa lên blog này ngày 13-3 -2012 và 16-1-2016.
Nay xin đưa lại để bổ sung cho việc tìm hiểu tác phẩm  Dương Thu Hương
như một hiện tượng của văn học hậu chiến.
 "Biết đâu có bạn muốn hiểu DTH mà chưa đọc"
 "Biết đâu có bạn đọc rồi vẫn muốn đọc lại lần nữa"
 Bởi nghĩ vậy nên tôi đưa vào đây.

20/2
 Họp ở nhà xuất bản Giáo dục, bàn về biên tập cuốn 20 truyện ngắn chọn lọc 1945-85. Cái điều làm mọi người buồn bã nhất, ấy là hiếm có truyện hay. Ông Đỗ Quang Lưu chê truyện còn thiếuaction (hành động), truyện nói nhiều quá, truyện không hoàn chỉnh.

- Thời kỳ ta có nhiều truyện hay, vẫn là thời 55-64.
- Có nhiều tác giả đã thành danh như Tô Hoài, Bùi Hiển không có cái hay; cả Nguyễn Quang Sáng, cả Anh Đức (Tô Hoài chỉ ăn ở chi tiết)
- Có những người như Vũ Thị Thường lạc chất của mình (đáng lẽ là chất đời thường lại sang xã hội chính trị)
- Cấu trúc các truyện thường yếu, không mấy khi có sự gặp gỡ giữa nhân vật + cốt truyện v.v...
 Riêng tôi đọc lại, còn thấy loại như Đỗ Chu, Dương Thu Hương có nhiều cảm quan lạc hậu. Đỗ Chu trì trệ trong cảm giác bằng lòng, hoà hợp, biết ơn. DươngThu Hương mới trong đại cương, nhưng trong chi tiết, vẫn là hôm nay. Ghét những người chỉ biết đến mình. Đề cao hy sinh, vì người khác. Sợ tiện nghi. Có những nét tạm gọi là ác.
Đúng là có một thời, cả một dân tộc kinh sợ hạnh phúc, vì cho rằng hạnh phúc khiến mình không còn chiến đấu được nữa. Những tiêu chuẩn thông thường ở con người dường như mất quyền tồn tại.
Trên cái nền chung này, Hương căm giận mấy cũng là vô ích.

21/2
Một chuyện nghe được về ông Thi do Hương kể cho Huy Phương, Huy Phương kể lại cho Nguyễn Thành Long.
Ông Nguyễn Đình Thi lên Quảng Bá sáng tác.
Quen như với một số người khác, mang cái mình mới viết sang đọc cho  Hương nghe, giọng lên bổng, xuống trầm, ra điều cảm động lắm. Vừa đọc được vài câu, bị Hương dội gáo nước lạnh.
- Thôi đủ rồi, chán cái giọng lên bổng xuống trầm tán gái của anh lắm rồi.
- Ồ, nhà văn gì côn đồ thế này.
- Ừ, côn đồ đấy, nhưng cầm đồ ra khỏi phòng này ngay đi.
Khi kể lại, Hương nói thêm: Tôi ăn lương ở Điện ảnh chứ đâu phải bên Hội nhà văn, tôi cần gì.

14/4
Những lần đối diện với Dương Thu Hương. Thoáng cảm thấy một nét gì sớm cũ càng, ở cái con người có vẻ đang chống phá lung tung đó. Cái miệng gồm hai hàm răng thật đều xít vào nhau toát lên một thoáng khiêu khích. Còn làm duyên làm dáng gì với nhau nữa. Không có thần tượng, không ai cứu  được ai trong cuộc đời này. Tuy vậy, khi tôi nói thẳng những nhận xét tàn nhẫn ấy, thì Hương gật đầu.
- Đúng, tôi nhận là tôi phong kiến, cay nghiệt.... Viết xong là biết nó thuộc về ngày hôm qua rồi, hôm nay mình phải khác.
Tôi hay bảo Hương như kẻ dẫu sao cũng muốn hét lên một tiếng giữa mọi người; muốn ra sao thì ra, nhưng phải hét, thì mới chịu được.

Nguyễn Kiên:
--Dương Thu Hương là gì? Nó là sự phản ứng lại một thời. Một thời mọi thứ xuôi theo một kiểu. Bây giờ người ta không chịu thế. Người ta tập nói ngược lại. Loại trừ bọn phá hoại, bọn bành trướng, thì nó còn là tâm lý mọi người bình thường. Vì thế, mới có nó. Nó cứ nói tuốt luốt ra cả.
Đỗ Chu thì lông bông quá, nên không được.

12/6
  Hương hay bảo tôi là dân mặt trắng nhợt ra, vì chả đi đâu, chỉ đọc sách, giữa cuộc đời chỉ là dân típ hôi.
Nhàn:
-- Bây giờ bà Hương này, có tài rồi, nổi tiếng rồi, có nhà riêng rồi, bây giờ chỉ cần một gia đình yên ấm.
Nguyễn  Kiên cũng ngồi đấy, cười khẽ:
- Ông này âm lịch quá. Thời này còn nghĩ chuyện gia đình yên ấm. Cứ nổi tiếng là được rồi chứ cần gì.

        Nói chuyện với  Hương. Có cả Hách, Ân. Hương ngồi kể về hoàn cảnh của mình. Lấy chồng trong sự thúc ép, đang cô độc vì một kỷ luật vớ vẩn của lớp học. Lão Bằng này hay mò đến. Lão ta còn doạ không lấy lão sẽ băm chết. Cảm thấy bị lão ám quá, làm ào đi: “Anh về anh bảo mẹ anh tới đây”. Nhưng về với nhau được vài hôm là đánh vợ, mặc dù bây giờ vẫn yêu Hương, yêu ghê gớm.
 Hương:
-- Tôi ly thân với chồng 6 năm, ở riêng đã hai năm. Nhiều đứa đến nhòm ngó chứ. Nhưng tôi không như Xuân Quỳnh. Tôi không việc gì phải toáy cả lên, sống thiếu đàn ông một hai tháng là không chịu nổi. Việc gì cũng phải trả giá của nó cả.
... Con gái chúng nó dở hơi lắm. Nhớ có lần đi hội, đêm ngủ với mấy con nhà thơ. Một đứa đọc thơ về anh hói, một đứa về anh rậm râu, đến tận 3 giờ mới thôi. Tôi bảo chúng nó, tao thì tao yêu lão bán phở còn hơn là hai lão già ấy. Thôi im đi cho tao ngủ. Thế mà hôm sau, về, còn thấy kể chuyện con Nhàn nó thẽ thọt nịnh chồng, thổi cơm nếp cho chồng ăn nữa.
Ở Hương thường là một thái độ lạnh lùng ghê rợn, khi nhìn vào đời tư của mọi người.
- Tôi có mấy đứa đàn em ở Sân khấu nó kể chuyện, khổ lắm, như ông Vũ, khao khát tình yêu, vẫn bị bọn con gái các nhà hát nó lừa cho đấy, những con loại đĩ giòi ra rồi, nhưng nó ỏn thót, nó xin vai. Mấy đứa đàn em tôi bảo khổ ông Vũ, có biết gì đâu? Còn như con mẹ Quỳnh, từng này tuổi còn cắt tóc ngắn, diện quần bò áo phông - chỉ loại con gái chưa có lớp mỡ ở bụng mới dám diện như vậy -- rồi đến ngồi cạnh chồng, lắc lắc cái đầu, như mười tám đôi mươi, chung quanh nó thấy chướng lắm. Nên bọn trẻ nó lại càng muốn trêu ngươi, để chứng tỏ cái quyền lực của nó. Là quyền trẻ, quyền đẹp chứ còn gì nữa. Tôi như con Quỳnh, tôi cứ sống đúng là tôi. Nhưng nó thì không dám, không chịu được. Mà già rồi còn gì.
Hách nói thêm, lắm lúc nhìn vào mắt Quỳnh, lòng đen nó cứ bạc xám ra, thấy già đi rõ quá. Chồng đi vắng là bần thần. Rồi kêu chán đời. Chồng về, lại kể những chuyện xót xa, tuy vẫn là đùa vui nhưng xót xa. Chẳng hạn như kể là hôm nọ, có con bé nào nó lại đến rủ Vũ đi xem. Quỳnh phải gầm lên: “Hôm qua, anh xuống ăn cơm nguội chỗ mẹ, anh thắt lưng bằng cái dây chuối [thực tế bằng dây thừng] thì có ai đến thăm anh không?”
Rồi bọn em chồng ở nhà, nó phải nói thêm vào nữa, mới thôi.
- Được cái Quỳnh nó còn trẻ, đi với nhau còn hợp.
- Trẻ gì mà! Vũ nó phải khó chịu chứ.

Hương kể về T. Ngày nào T. + Hương rất thân nhau. Hương hay cùng T. đến Thu Bồn. Gớm, một tình yêu tha thiết. Thấy Thu Bồn nó ra mà cả người nàng cứ run lên. Lần ấy, T. cho rằng Hương phải bám T. để đăng bài. Tôi mới đến tôi bảo lão Bổng. Tôi ỉa vào đăng bài ở chỗ này, chừng nào mà con T. nó còn làm biên tập ở đây. Không đăng thì đã chết ai?
Nhưng những lời Hương kể ghê gớm nhất là về Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài.
 Đúng là có chuyện mắng mỏ Thi, cái lần ở Quảng Bá (tôi đã ghi ở phần trên). Sau đó, Thi vẫn phải làm lành. Tô Hoài cũng vậy. Năm ngoái họ đi trại Đại Lải với nhau, Hương đã công kích Tô Hoài vuốt mặt không kịp. Nhân nói về một cô biên tập viên nào đó bên Kim Đồng, Tô Hoài chê trông như con voi già. Dương Thu Hương mới đả luôn, nhưng nó còn đỡ hơn cái con mẹ mà anh đã húp cả cặn. Thế là Tô Hoài lại cười hí hí. Lão toàn ngồi kể chuyện đi chơi cô đầu quỵt, rồi sợ tắc ống khói ra sao v.v. Trong đám ngồi đấy, chỉ có Nguyễn Minh Châu là nghếch sừng lên nghe. Thấy Hương nói đồng nghiệp nhiều khi tàn tệ, Nguyễn Kiên ngồi ngoài cũng phát cáu cơ mà. Nhưng hôm vừa rồi, nhân TV nó quay về các nhà văn, Tô Hoài lại đến làm lành với Thu Hương. Thế là Thu Hương lại đốp luôn: “ Từ giờ trở đi, bọn trẻ nó làm lãnh đạo chắc nó cũng không quá đáng đến nước húp hết cả phần anh em”. Nói thế là Tô Hoài chạnh lòng, lão đánh bài chuồn.


             Nhìn vào tác phẩm, dễ thấy ở H. là cả một sự hỗn tạp, một cái gì rất cũ có mặt bên một cái gì rất mới. Những ngày ở Quảng Bình, sao không mang vào đây? Hình như, thấm những ngày đó quá, nên mới có phản ứng như bây giờ.
Đọc văn thấy có một sự công phẫn, kêu giời lên vì những cái xấu xa chung quanh. Nói tướng lên, chửi, vì đau quá (gợi nhớ tới trường hợp Vũ Trọng Phụng). Không tìm thấy một sự bình thản (vì kém văn hoá nền chăng?)
Thấy tởm đời sống nhưng nhìn chưa ra lối thóat.
 Có một mối hoài vọng ghê gớm về một quá khứ đã bị đánh mất (hình như có liên quan đến hoàn cảnh riêng).
Trong truyện, quá khứ của nhân vật thường  thơ mộng. Những con người nghị lực, quyết tâm, nhưng vướng víu đủ thứ. Tại cái thời kỳ lạ này chăng?
Ban mai yên ả kết luận bỏ lửng, chả giải quyết gì. Truyện có cái phía công thức của nó “anh là người lính”, nhưng thực ra vấn đề rộng hơn thế. Vấn đề của một xã hội đang rữa ra. Và con người hoàn toàn đơn độc. Chnh tác giả cũng buồn vì không  chỉ ra một lối thoát tốt đẹp.
Trong tập Ban mai yên ảí
Những cánh buồm trong thành phố - bỏ lửng
Chuyện một diễn viên - bỏ lửng
- Ban mai yên ả - bỏ lửng
Cuộc đời chưa cung cấp phương án giải quyết cho các tình huống trong  các tác phẩm này??

Một số mô típ thường thấy ở Dương Thu Hương.
- Chúng ta đã bỏ mất những gì tốt đẹp.
- Chúng ta chạy theo những cái vớ vẩn
- Chúng ta biến chất và thành ra một đống hoang tàn.
Truyện rất nhiều những chữ như “cứt nát” “tởm”...

Mối quan hệ với các nhà văn khác
Với Đỗ Chu không chỉ có chuyện đồng hương. Sự căm ghét dành cho  Đỗ Chu (?) ở Dương Thu Hương có cái gì đó hơn là tức vặt.
Hương cảm thấy như là Chu lừa mình. Trong sự thất bại của Chu, Hương cảm thấy có sự thất bại của riêng mình. Nghề cũng đơn giản vậy, thế mà hồi ấy, mình đâu có biết!
-- Bà đau Đỗ Chu vì có lần có lúc, đã coi Đỗ Chu là thần tượng ?
-- Không, chính tôi đâu có thích Đỗ Chu.
-- Bà đừng lảng, phải thích thì bây giờ mới viết được như vậy. Cũng như bà hay nói là con nhà gia giáo, chỉ mới đổ đốn khi vào đời.
- Đúng, con nhà gia giáo, bây giờ đứt dây, nên hóa lung tung.

 Dương Thu Hương thường có lối viết hơi rề rà. Truyện của Hương không gọn nhưng vẫn có duyên.

Nhàn (nói với Nguyễn Minh Châu)
-- Các ông trước đây nói toàn loại truyện sạch sẽ thơm tho. Còn cái Hương bây giờ, nó như đứng giữa đống bùn mà nói, đứng trên bùn, day, nghịch đủ thứ, văng cả lên mặt các ông mới sướng.
Nó cảm thấy, nó phải vạch vôi các ông ra để viết cho hả giận. Sự tồn tại của con người, đôi khi chỉ còn có nghĩa là một sự căm tức. Tao biết tất cả chúng mày rồi. Đồ khốn nạn!

Ân:
Chân dung người hàng xóm, tuy dở, có vẻ minh họa quá, nhưng vẫn có chỗ này được. Nó lật tẩy. Nó cho ta thấy cái thô bỉ, đằng sau cái bề ngoài.
Nhàn: Có phải chuyện Ban mai êm ả viết về ông Xuân Hoàng?
Hương: Hồi ấy in ra, ở Huế khối người ta kêu như thế đấy.

Cái điều tôi sẽ phải viết cho được khi nói về Xuân Quỳnh và Dương Thu Hương -- sự hạn chế của các tài năng hàng đầu. Họ chỉ đến thế.
Nhàn: Nên làm những tập truyện ngắn thật đều tay.
Dương Thu Hương: Tôi dạo này không thể viết ngắn được nữa. Hoá ra mọi chuyện cũng theo thói quen. Lúc đầu thì thơ, rồi truyện ngắn, sau nữa là truyện vừa.
Không ai nhớ tới sự đột ngột xuất hiện.  Người ta chỉ còn nói tới một nhu cầu.


Một phác thảo cho "DTH giữa chúng tôi"
Tuổi Tuất 1946.
Sự xuất hiện của một nhà văn thường khi có gì đó rất ngẫu nhiên. Trước khi anh ta viết, không ai mong chờ. Nhưng khi đã đọc nhà văn đó rồi, người ta cảm thấy không thể thiếu người đó được nữa. Sự ngẫu nhiên rút cục đã biến thành một nhu cầu tất yếu.
Việc tổng kết văn học ở ta thường chỉ mới được làm một cách dè dặt. Như đối với đời sống văn học 10 năm gần đây, chưa ai có sự đánh giá cho được đầy đủ, xem có những quy luật gì mới hình thành, những tác giả nào được đọc nhiều.
Nhưng trong nhiều lần thăm dò ngẫu nhiên, từ Tô Hoài, Vũ Cao,  … tới Nguyễn Khải,  Nguyễn Thành Long, --  khi nghe tôi hỏi có nhà văn nào được lưu ý hơn cả, nhiều người như cùng thống nhất trả lời Dương Thu Hương.
Không chỉ làm việc với sức trẻ, Dương Thu Hương còn mang vào đấy cả cái nhìn trẻ trung, cái phần nồng nhiệt trong yêu cầu, đánh giá, hồi tưởng lại ngày hôm qua, khao khát về những ngày mới.
Khác Đỗ Chu - một cách nhìn nhận mới về đời sống không dịu ngọt một chiều, mà khai thác chất ác của văn xuôi. Khác Lưu Quang Vũ - không màu mè, chiều đời.

19/2
 Bàn chuyện với Nguyễn Minh Châu
-  Dương Thu Hương vừa lại đây chơi, ngồi nói xa xả mấy tiếng đồng hồ, chửi rủa đủ loại người. Mình mới bảo loại như mày thì bố đứa nào dám lấy. Kể ra tả cái tởm của đời sống, thì không đứa nào viết bằng nó.
-- Không hiểu sao con mẹ này nó lại viết muộn thế? Hay là tại đây là loại của độc, càng để càng độc?
-- Nhưng nó cũng khôn lắm. Đến nhà nó, thấy nó rất đàng hoàng. Mà đối xử với loại Thụ, Hải Ninh cũng giỏi lắm.

Cô Thư (ở cơ quan Tác phẩm mới)
--Thanh niên bây giờ nhiều đứa đọc chị Hương lắm. Người ta thấy rõ Dương Thu Hương cải lương nhưng cứ thích. Vả lại, cái chính là đọc Dương Thu Hương thấy cuộc đời này chẳng ra làm sao cả, giáo sư, nhà văn... chả còn ai ra gì. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy một người đàn bà tốt. Nhưng trong Những chiếc lá chết, có một con mụ xấu còn hơn Thị Nở..
Những bất hạnh trong cuộc sống riêng tư đã xui khiến ngòi bút tác giả  đi theo hướng đó chăng. Bây giờ cứ cho chị Hương có một gia đình hạnh phúc là hết viết.

Cái tên tiêu biểu của Dương Thu Hương Nắng ấm cuối trời xuân . Một cái tên rất cải lương.
Nhàn: Truyện ấy rất giả.
Dương Thu Hương: Trong những cái in mấy năm nay, tôi chỉ thích có 2 cái Thợ làm móng tay và Sói con. Chính tôi cũng chán Chân dung người hàng xóm.

Xuân Quỳnh: Dương Thu Hương đang có vụ bê bối nào đó. Con nó đi khắp nơi kiện.
Nhàn: Hương cũng hay bị chồng đánh lắm. Bà ấy kể thế.
Quỳnh: Với bà Hương, không đánh cũng không được.

Quân kể bà Hương theo một hoạ sĩ đến chơi. Lúc về lại chào vợ mình chào chị ạ, cám ơn chị. Sốt cả ruột, Quân bình luận.

Thường tôi hơi ngại, khi theo Hương đến các quán hàng ăn. Cứ gọi người ta xơi xơi như dân Hà Nội trước 1954 gọi con ở. Nhưng có cái này thú vị mà tôi không thấy ở người khác. là bao giờ cũng muốn cho tôi với Ân được thưởng thức những món ngon nhất.
Tôi bảo, y như Gavroche trong Những người khốn khổ, cho hai thằng em cùng cha khác mẹ vào quán bánh mì, bắt chủ hàng dọn ra thứ hảo hảo hạng nhất. Hương chỉ cười

 Đọc văn sợ nhất lúc Hương nói đến các danh hoạ, các nhạc sĩ, các bản nhạc. Không đâu vào đâu cả. Thiếu cơ bản lại nói liều. Sao lại có một con người  tự tin như thế, vả lại hiếu thắng như thế.
Cái vẻ hấp dẫn vốn có bị cái chối, cái giả tạo làm mất đi.
Một sự căm ghét với lớp người đi trước.
Rất hay nói tới các nghệ sĩ:
Tháng ba chua chát (diễn viên)
Buổi sáng yên tĩnh (hoạ sĩ)
Ngôi nhà trên cát (nhà thơ, nhà báo)
Nhân vật nhạy cảm với cái đẹp, nhưng vẫn là dốt nát.

 Trong Những bông bần ly, nhân vật Ngân hát khi đứng trước mộ Nghiêm:
Rồi mai đây khi xa vắng em hát khúc ca xưa
Anh sẽ trở về cùng hát bên em như hồi năm nào

Văn Dương Thu Hương gần như là lời than thở rền rĩ - dù không yếu đuối chút nào - nhưng cay đắng, tê tái, về một cái gì đã mất. Lớp người dưới đáy xã hội thì méo mó, ngu ngốc, y như trong Tchekhov. Những người khác có tâm hồn một chút, thì bất lực. Vả chăng, ở đây không có sự phân biệt giả tạo tốt và xấu đâu. Chỉ có hôm trước tốt và hôm sau xấu, lúc này tốt và lúc khác xấu, trong một con người.
Văn chương của cái thời người ta đã tận lực làm hết mọi việc -- chiến tranh --  và sau đó nhìn lại mình, thấy ngán ngẩm (Hãy nhớ bài viết về Dichkens của St Zweig)

Qua văn chương, tôi cũng có thể đoán những ngày đầu hoà bình sau (1975) để lại trong Dương Thu Hương một cảm giác choáng ngợp.
Đoạn mở đầu Loài hoa biến sắc: Lời tự thú công khai của cả một xã hội về sự hèn kém của mình.

Thu Hương cũng nhiều mặc cảm, nhiều những complex.
Hương ghét những người đàn bà ở phía bên kia --Sài Gòn trước 1975 -- hai ba  lần như vậy rồi (Ngôi nhà trên cát, Lâu đài, Cô gái bên kia hàng rào).
Bị ám ảnh bởi nỗi thèm muốn một cái gì đó mà không bao giờ đạt tới.
Hương hay trở lại những chủ đề lật tẩy. Sự khác nhau giữa bên trong và bên ngoài. Sự đánh mất những cái tốt đẹp, phát hiện cái xấu ở một người quen.
 Sự ghê tởm, phát hiện ở mình và người quanh mình những điều đáng ghét.
Về cuộc chiến tranh Việt Nam, đến nay người ta chỉ biết những người lính. Nhưng nó còn là cuộc chiến tranh của phụ nữ. Những người vợ ở hậu phương, người con gái thanh niên xung phong. Dương Thu Hương thường nói về chiến tranh như một nạn nhân.

 Trong nhà văn này bản tính con người mơ mộng vẫn còn, nhưng những giấc mộng đẹp không còn, nếu không muốn nói là nhiều ác mộng. Nhiều lang chạ, nhảm nhí. Có điều chưa đến nỗi chán tất cả. Biết chuyển nỗi chán vào công việc.
 Dễ không mấy người tả những trò chơi thuở trẻ giỏi giang và say mê như Dương Thu Hương. Nhưng không trò chơi nào cứu được con người. Sự thất vọng có đủ các mùi vị của nó, cay đắng, buồn phiền.
Rất giỏi tả những sinh hoạt trưởng giả, nó làm hại nhiều người. Nhưng có phải trong đó, vẫn có một thoáng như là ghen tị. Khi xấu, thì những người đàn bà ở đây, mới thật thảm hại (trừ nhân vật chính).

Sự phản bội của các nhân vật trong truyện Thu Hương thật tự nhiên, không sao giải thích nổi, và người ta chỉ có thể chết lặng đi.
Từ sự phản bội của Quý với nhân vật Thía đến của Khang với Ngân, sự phản bội của Lý Xuân. Nhân vật Lý Xuân gợi ý về những kẻ thân thể quá phát triển, mà đời sống tinh thần nghèo nàn.
Câu hỏi đặt ra:
- Tại sao lại có một Dương Thu Hương như vậy?
Trước 1975 Dương Thu Hương chưa viết nhiều; nhưng có theo dõi có yêu ghét văn chương. Đã là có quá khứ, có kinh nghiệm.
Sống với chữ nghĩa một cách gan ruột cho nên không chịu theo cái đọc được mà muốn mang lại một cái khác nó.

Đọc Hành trình  ngày thơ ấu.
Phần 1. Có cái gì chắp vá lập bập nhưng cũng lạ. Trẻ con là một bọn hư đốn - Không thích ngoan, sẵn sàng phản ứng. Lũ trẻ con đáo để v.v..
Còn phần 2: rõ là một thứ chuyện lạ núi rừng, ở đó, nhà văn trổ tài quan sát. Đúng là ở phần 1, đã có nhiều chuyện người lớn.
Tác giả cho thấy trẻ con bị nhiều nỗi oan uổng ra sao.

Điều quan trọng là Hương có một cuộc sống trong chiến tranh, ngược lại không có quá khứ viết trong chiến tranh, khi sáng tác của các nhà văn bị khuôn theo một ít mơ ước ảo tưởng và những người sắc sảo nhất cũng thành lành hiền.
Cái tính cách mà Gorki hay nói: chất men bất phục tùng. Nhìn ra đời sống gian dối của những người lớn quanh mình.
Ngay trong phần 2, cũng có những nhân vật ác độc (người mợ của Dũng còm, lão già đến nhờ mua cao, chị Múi v..v.
Lối làm việc băm bổ viết nhiều loại cộng với một lối hành văn dềnh dàng, hay tả, kể v.v..
Có thể bảo chủ đề chính của truyện Dương Thu Hương là con người sau chiến tranh và những ao ước của họ về hạnh phúc. Những con người ấy vết thương đầy trên mình. Cái đó cắt nghĩa nỗi thèm muốn của họ.
Xoay về phía nào cũng thấy họ rất bất hạnh. Tìm mãi hạnh phúc không thấy, rút cục, vấn đề không phải như Nam Cao ngày nào “hạnh phúc là cái chăn hẹp” mà là nhiều câu hỏi lớn hơn.
- khả năng làm người.
- ý thức về đời sống.
- những quan niệm về bất hạnh cũng như hạnh phúc.
Bộ mặt của hạnh phúc mới đa dạng làm sao! Có những bất hạnh có ở mọi thời, lại có những bất hạnh mà chỉ thời này mới có! Những bất hạnh có thể nói là chói lên bảy sắc cầu vồng và tự nhiên, như người ta tự nghĩ ra vậy
 Một câu của Nguyễn Thi Thuỵ Vũ (SG) : Hạnh phúc có nhiều bộ mặt và tôi tự hỏi với tôi, hạnh phúc có bộ mặt gì?
Trong những thứ sặc sỡ, thì sặc sỡ nhất là mối quan hệ người người.
Con người thường khó khăn trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Mà đây lại là những cái  người ta không thể vay mượn hay xin xỏ. Ao ước cháy bỏng về hạnh phúc. Mơ ước theo đuổi từ tuổi thơ.

Dương Thu Hương hay nhớ lại những ngày hoà bình trước 1964, như Đỗ Chu,-- hay nhớ về kháng chiến. Nhưng không đúng, không có gì đúng. Sai chi tiết, sai ngôn ngữ trước 1964.
Trong Ban mai êm ả có nói tới táo Thiện Phiến. Thứ táo này không thể có trước 1970.

Nhớ lại quá khứ. Một thứ hạnh phúc bị đánh mất.
Có một thế giới của Dương Thu Hương. Thế giới đó có cả màu sắc rực rỡ lẫn những mùi vị khai lợm, tanh tưởi, những hình ảnh mồ hôi lưu cữu, nhơ nhớp,  mặt xanh như đít nhái...Cần dùng phân tâm để lý giải.
Một loại nhân vật của Dương Thu Hương -- những con người có quá khứ đẹp, nay khốn khố. Bởi tất cả quá khứ đó đã mất đi nên nó mới đẹp đến thế. Cái vẻ đẹp ấy may lắm còn lại trong thiên nhiên, cây cỏ (Một bờ cây đỏ thắm)
Hình như Dương Thu Hương đã nói khá rõ nỗi hoài niệm khôn nguôi về một cái gì đã mất đó. Băt nguồn từ dòng văn nông thôn, nhưng lại nhanh chóng tìm thấy mình ở dòng văn đô thị. Niềm say mê đô thị tràn ngập Những cánh buồm trong thành phố.
Con người của thơ, nay từ bỏ chuyển sang cái nhìn kiểu văn xuôi.Từ cả tin sang hoài nghi. Một sự dang dở, quá độ, người của thời chiến, thời bình, người của đất nước những năm này và trên thế giới.
Chưa thể đạt tới sự bình tĩnh, như Tchekhov như Trifonov.
Một tiếng kêu về nỗi bất hạnh. Sống chung với chung quanh thật khó. Đôi lúc con người thật lạc lõng. Ai cũng có một gia đình nhưng đâu chúng ta đã biết sống trong gia đình!
Một câu hỏi -- nữ tính là gì?
- Tuy không nói ra, nhưng có phải với người đàn bà quan trọng nhất là gia đình. Từng người đàn bà chỉ là phản chiếu của những người đàn ông. Đau đớn, vì bị phản bội. Không tìm thấy mục đích sống.
Nhận xét sắc sảo, nhưng vẫn đau nhức một cảm giác người thua cuộc là mình. Không đưa cái bất hạnh lên thành siêu hình, chỉ thấy nó cấu véo mình hành hạ mình.

Nhà văn không được mang ý nghĩ mình cao hơn mọi người. Không tách ra mà phải cùng chuyến xe với mọi người mọi đau khổ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

7 nỗi lo lớn của dân tộc Việt Nam


Còn nỗi lo lớn nhất không được bà Dung nói tới, đó là cái thể chế Cộng hòa XHCN VN mình không giống đâu trên thế giới, vì thế khi thế giới đi đằng đông, ta nhất quyết đi đằng tây; người ta càng tiến lên, chúng ta càng thụt lùi; khoảng cách VN và thế giới chưa bao giờ xa như bây giờ, cả chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội...
7 nỗi lo lớn của dân tộc Việt Nam
Sáng 23/5, Đại biểu Võ Thị Dung đã khiến nghị trường sôi động hẳn lên khi đề cập tới 7 vấn đề hệ trọng mà đất nước đang phải đối mặt: Thứ nhất là nỗi lo về ngoại xâm. Trung Quốc đã ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của nước ta, trước đây là quần đảo Hoàng Sa, nay là một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đảng và Nhà nước đã có một số chủ trương đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, nhưng họ thì ngày càng lấn tới. Đó là nỗi lo lớn về đại sự quốc gia.
Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP. Hồ Chí Minh) chỉ rõ nỗi lo giặc ngoại xâm là Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam
Thứ hai là nỗi lo nội xâm, quốc nạn tham nhũng lớn, nhỏ, tham nhũng vặt ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Việc gì cũng phải lót tay, phải lại quả, việc gì cũng phải có phong bì… gây nên một nếp sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí cũng là quốc nạn gắn với tham nhũng làm cản trở sự phát triển đi lên của đất nước.

Thứ ba là nỗi lo về suy thoái đạo đức xã hội. Đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong một bộ phận xã hội. Tính tham lam, ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người… mất an toàn trong vệ sinh an toàn thực phẩm và một số tệ nạn khác đang tạo ra sự bất an cho nhân dân.

Thứ tư là nỗi lo tụt hậu kinh tế. Năng suất lao động thấp, cộng với lãng phí cạn kiệt tài nguyên và các tiềm năng nguồn lực của đất nước; lo sự đổi mới chưa triệt để, chưa theo kịp sự phát triển của thế giới rất năng động và sáng tạo.

Thứ năm là nỗi lo về nợ công quá cao chưa có biện pháp giải quyết căn cơ, có ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế và đời sống nhân dân. Lo bội chi ngân sách lớn và triền miên do còn tiêu xài quá đà, lãng phí chưa chịu dừng.

Thứ sáu là nỗi lo văn hóa dân tộc đang bị thiếu hụt xuống cấp. Con người thiếu hụt văn hóa thì làm sao có văn hóa.

Thứ bảy là nỗi lo thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý điều hành, dẫn đến tùy tiện, buông lỏng, qua loa, đại khái trong thực hiện, giảm hiệu lực chủ trương, chính sách pháp luật, làm trật tự xã hội suy yếu và mất dần động lực phát triển.

Nhân dân mong ước bộ máy của Đảng, nhà nước ở các cấp thật sự tận tụy, thật sự liêm chính. Xã hội có kỷ cương, an bình, văn hóa dân tộc được duy trì và phát triển bền vững. Đất nước được thanh bình, thịnh vượng.

Nỗi lo và mong ước của nhân dân tuy không thể giải quyết trong một sớm, một chiều, nhưng điều mà tôi tâm niệm là hoạt động của Quốc hội phải mạnh mẽ hơn nữa, gắn chặt hơn nữa, công khai hơn nữa để nhân dân cử tri theo dõi, giám sát, đó là động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển.

3 nhiệm kỳ, Quốc hội đón 2 nguyên thủ Trung Quốc

Trong phát biểu sáng nay tại Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc nói: "Hoạt động đối ngoại là rất quan trọng, đa dạng về hình thái. Có rất nhiều hoạt động đối ngoại lớn của Quốc hội mà người dân chưa hiểu hết, chưa thấy hết.

Nhưng một trong những cái thiết thực nhất của người dân là hoạt động ngoại giao ấy có tác động trực tiếp làm sao cho đi biển yên tâm không còn ai đàn áp.
Làm sao cho biển không còn gợn sóng nữa, làm sao cho chúng ta bảo vệ được chủ quyền đất nước. Trên lĩnh vực này tôi thấy Quốc hội qua ý kiến của người dân là chưa hài lòng.

Với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của người dân, nhiều phản ứng của Quốc hội chậm. Quốc hội chính là một lĩnh vực ngoại giao nhân dân cao nhất và trải nghiệm lịch sử cho thấy, tiếng nói Quốc hội rất quan trọng.

Nó không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm mà cũng thể hiện mong muốn hòa bình. Do đó, trong thời gian tới những vấn đề còn nguyên vẹn như vậy Quốc hội cần quan tâm, có tiếng nói kịp thời, phản ứng.
Một trong những hoạt động của Quốc hội, trên diễn đàn cao nhất, chúng ta đã hết sức trân trọng đón ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc — ông Ban Ki Moon, người đại diện cao nhất của tổ chức quốc tế uy tín nhất mà chúng ta là thành viên. Một bài diễn văn không dài nhưng rất sâu sắc, chân thành.
Nhưng qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội tôi được chứng kiến thì ngoài ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chỉ có 2 lần chúng ta đón nguyên thủ Quốc gia và đều của Trung Quốc, là ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình.

Việc đón một nguyên thủ quốc gia của một nước lớn, có nhiều quan hệ với chúng ta là rất đáng trân trọng. Nhưng nếu chúng ta chỉ tổ chức đây là một diễn đàn riêng thì rõ ràng người dân băn khoăn.

Tại sao chúng ta không tạo thành một thông lệ, tất nhiên có chuẩn mực, để chúng ta mời có nhiều tiếng nói hơn. Hơn nữa, trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta hiện nay, vậy thì ai là người mời. Có phải ý chí của Quốc hội không? Có chuẩn mực quy định nào để được Quốc hội chấp thuận không? Chúng ta cần phải làm để sau này còn mời nhiều người khác đến nữa.

Diễn đàn Quốc hội là diễn đàn bày tỏ quan điểm chứ không thuần túy là diễn đàn xã giao. Người dân hỏi tôi, khi Chủ tịch Trung Quốc — ông Tập Cận Bình phát biểu ý kiến, các đại biểu vỗ tay thì ông thấy như thế nào, đồng thuận với phát biểu chăng hay chỉ là xã giao.

Chắc mỗi Đại biểu Quốc hội hôm đó đều suy nghĩ về việc này. Vì thế, tôi đề nghị nên chuẩn mực chuyện đó và coi như là một sinh hoạt thường xuyên của Quốc hội, có quy định rõ ràng, thể hiện sự đồng thuận của chúng ta khi đến với diễn đàn Quốc hội. Và qua diễn đàn QH, người dân nắm được các vấn đề đối ngoại quan trọng".

https://vn.sputniknews.com/vietnam/201705233369359-7-noi-lo-lon-cua-dan-toc-viet-nam/


Phần nhận xét hiển thị trên trang