Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Nơi nào có “lãnh tụ vĩ đại”, nơi đó nhân dân khổ nạn trùng trùng!


Có thể nói, lãnh tụ càng vĩ đại thì nhân dân càng nhỏ bé, lãnh tụ càng vĩ đại thì khổ nạn của nhân dân càng thê thảm. “Lãnh tụ vĩ đại” đi ngược lại trào lưu tiến bộ của thời đại, vì thế chính ông ta mới thích đáng gọi là phản động! Cái gọi là “lãnh tụ vĩ đại” chính là một loại uy quyền tuyệt đối trong cộng đồng nhằm kiểm soát toàn bộ đời sống xã hội: từ văn hóa, kinh tế, quân sự, chính trị đến đời sống dân sinh và tư duy của cá nhân đều bị kiểm soát chặt chẽ, mọi người chỉ có cách duy nhất là phục tùng tuyệt đối, trung thành tuyệt đối người lãnh đạo.
“Lãnh tụ vĩ đại” có thực hiện bốn quyền tự do 
nền tảng theo cựu tổng thống Mỹ Roosevelt?
Bốn quyền tự do nền tảng theo Roosevelt 
Ông Mao Trạch Đông, cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng hứa thực hiện 4 quyền tự do nền tảng theo quan điểm cố Tổng thống Mỹ Roosevelt:
1. Tự do tôn giáo tín ngưỡng (Freedom of religious belief)
Một người có thể lựa chọn theo một tôn giáo tín ngưỡng nào hoặc không theo tôn giáo tín ngưỡng. Bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào cũng không thể vì niềm tin của mình mà cấm cản quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người khác.

2. Tự do biểu đạt (Freedom of expression)

Tín ngưỡng phải nhờ biểu đạt để thực hiện. Tự do biểu đạt bao gồm các quyền tự do: ngôn luận, xuất bản, lập hội, lập đảng, biểu tình thị uy, bãi công, sáng tạo, thảo luận.

3. Tự do khỏi nỗi khiếp sợ (Freedom From Fear)

Tương tự như quyền sống, quốc gia không được để cuộc sống của công dân chìm trong nỗi khiếp sợ. Ở đây hàm nghĩa không được phép xâm phạm bất hợp pháp thân thể và tài sản người khác, không được khám xét vô bằng cớ, không được phỉ báng làm nhục người khác.

4. Tự do khỏi đói nghèo (Freedom from Want)

Tương tự như quyền phát triển đời sống, quyền tự do này liên quan đến các phương diện lao động, đi lại, giáo dục, thương mại, văn hóa, nghỉ ngơi.

“Lãnh tụ vĩ đại” tước đoạt 4 quyền tự do nền tảng

Như vậy, “lãnh tụ vĩ đại” có bảo đảm cho nhân dân được hưởng 4 quyền tự do cơ bản này không?

Dĩ nhiên là không, hơn nữa còn ngược lại, “lãnh tụ vĩ đại” và “4 quyền tự do nền tảng” trái ngược như nước với lửa, không đội trời chung, muốn luyện thành “lãnh tụ vĩ đại” thì phải không từ thủ đoạn, phải tước đoạt hết 4 quyền tự do nền tảng này của nhân dân.

Không thể cho phép tự do tín ngưỡng, vì nếu cho phép tự do tín ngưỡng thì liệu có còn “lãnh tụ vĩ đại” không? Muốn có “lãnh tụ vĩ đại” phải xây dựng lý luận tin vào “lãnh tụ vĩ đại”, tin vào trí tuệ siêu phàm của “lãnh tụ vĩ đại”, mỗi câu nói của “lãnh tụ vĩ đại” đều là chân lý. “Lãnh tụ vĩ đại” không chỉ là vua mà còn vượt xa vua, vua không cần thiết mọi người phải ngưỡng mộ, vua trị nước cần nương nhờ vào đạo trời, vua phong kiến (Trung Quốc và những nước ảnh hưởng) nhờ vào lý luận của Nho giáo, vì thế ngay cả Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông cũng không trị quốc bằng tư tưởng/lý luận/chủ nghĩa của mình, họ chỉ cần phục tùng theo chứ không cần ngưỡng mộ, vì bách tính tin theo Phật, tin theo Đạo. Còn “lãnh tụ vĩ đại” muốn nhân nhân ngưỡng mộ mình vô hạn độ. Tín ngưỡng ở đây chính là bản thân “lãnh tụ vĩ đại”, là ngưỡng mộ “lãnh tụ vĩ đại”, vì thế không được tin theo Thần, Tiên, Đạo.

Theo tín ngưỡng Thiên Chúa và Cơ Đốc giáo, trước Thượng đế mọi người đều là tội nhân, mọi người bình đẳng, “lãnh tụ vĩ đại” cũng là người, cũng là tội nhân, dựa vào đâu mà ông ta được phép sở hữu quyền lực tuyệt đối?

Tín ngưỡng Phật giáo cũng xem “lãnh tụ vĩ đại” là người, là một thể xác người ra đời theo nhân duyên, có gì đáng ngưỡng mộ?

Vì thế nếu cho phép những tín ngưỡng này tồn tại thì không còn chỗ đứng cho “lãnh tụ vĩ đại”. Vì mọi người chỉ được ngưỡng mộ, quỳ lễ và ca ngợi “lãnh tụ vĩ đại” nên tự do tín ngưỡng chỉ còn giảm trừ thành tự do ngưỡng mộ “lãnh tụ vĩ đại”.

Nhưng “lãnh tụ vĩ đại” lại không phải thần thánh, quyền lực của ông ta không có tính chính danh do trời đất ban cho, vì thế “lãnh tụ vĩ đại” phải dựa vào vũ lực để duy trì quyền lực mãi mãi. Nhưng ông ta chỉ là một thân xác phàm do cha mẹ sinh ra, thứ ông ta ăn là ngũ cốc lương thực các loại, răng ông ta cũng đen, hơi thở cũng hôi thối, cũng hay bị ợ nấc, cũng bị cảm nhiễm vì vi trùng, cũng chảy nước miếng, buổi tối cũng phải đi ngủ, cũng thất tình lục dục, cũng khó qua ải mỹ nhân… làm sao ông ta có thể đảm bảo luôn công chính được? Ông ta phải dùng cỗ máy quốc gia tuyên truyền ca ngợi ông ta vĩ đại, quang vinh, công chính, không cho phép ai nghi ngờ địa vị tuyệt đối của ông ta, nếu ông ta tuổi thọ vô biên thì sẽ mãi mãi không bao giờ buông bỏ quyền lực. Vì thế, không bao giờ ông ta cho phép cái gọi là phê bình, giám sát, bầu cử, thị uy, bãi công tồn tại trong từ điển của dân chúng. Quyền tự do lên tiếng chỉ còn lại là tự do ca ngợi “lãnh tụ vĩ đại”.

Nhưng trong nhân dân luôn có những người thông sáng và dũng cảm, dám chất vấn “lãnh tụ vĩ đại”. Với những ai nghi ngờ và phê bình, “lãnh tụ vĩ đại” xem là “ngông cuồng phản động”, là “suy thoái biến chất”, vì thế phải diệt trừ hậu họa, phải làm cho cuộc sống của phần tử này chìm trong khủng bố, hoảng sợ. Những ai không tuân phục có thể bị liên lụy đến người nhà, bạn thân, làm cho đa số mọi người phải sợ hãi, nhiều người đành phải im lặng giữ mình. Như thế, quyền bảo đảm an toàn tài sản và thân thể không được pháp luật bảo vệ, chỉ cần bị quy chụp là kẻ thù giai cấp là trở thành tội nhân. “Lãnh tụ vĩ đại” dùng khủng bố vũ lực để thống trị, quyền tự do khỏi nỗi khiếp sợ chỉ thuộc về bản thân “lãnh tụ vĩ đại”.

Sự thống trị của “lãnh tụ vĩ đại” dĩ nhiên phải chuyên chế, cuộc sống xã hội theo đó bị khống chế toàn diện. Ông ta dùng danh nghĩa “quốc gia” tịch thu toàn bộ đất đai, nhà cửa, gia sản của nhân dân, xây dựng nên chế độ thứ bậc tôn ti chặt chẽ và chế độ hộ khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhu cầu đi lại của mọi người, từng chén cơm của mọi người đều nằm trong kiểm soát của quốc gia, biến chân lý “người không làm không có ăn” thành “người không phục tùng không có ăn”, những ai dám chống đối bị liệt vào “phần tử bất hảo”, không thể tìm được nơi ăn chốn ở, chỉ còn cách nằm chờ chết ngoài đầu đường xó chợ. 


Để làm nổi bật ân đức của “lãnh tụ vĩ đại” cần làm cho muôn dân luôn sống trong đói nghèo cùng cực, có chén cơm là nhờ công ơn của “lãnh tụ vĩ đại”, tương tự như Bắc Triều Tiên ngày nay. Nếu có “tự do thoát khỏi đói nghèo”, quốc dân có đất đai, nhà cửa, tài sản mà “thần thánh không được xâm phạm”, vậy thì “lãnh tụ vĩ đại” làm sao có thể tùy tiện sai khiến, tùy tiện nô dịch nhân dân? “Tự do thoát khỏi đói nghèo” đã bị “lãnh tụ vĩ đại” và giai cấp đặc quyền đặc lợi độc chiếm, đa số nhân dân theo đó bị bần cùng hóa.

Như vậy, “lãnh tụ vĩ đại” đã độc chiếm toàn bộ 4 quyền tự do cơ bản của nhân dân, mọi người bị lùa vào trong cái lồng nô lệ, đây là căn nguyên của khổ nạn.

Tiêu chí quan trọng hàng đầu của lý thuyết chính trị hiện đại chính là hạn chế quyền lực chính phủ, bảo vệ quyền lợi của công dân. Mấu chốt hạn chế quyền lực Chính phủ chính là hạn chế quyền lực của lãnh đạo cao nhất, không cho phép “lãnh tụ vĩ đại” được xuất hiện. Nhưng “lãnh tụ vĩ đại” thì muốn đi ngược trào lưu thế giới, muốn sở hữu quyền lực vô hạn, thu nhỏ tối đa quyền lợi của nhân dân.

Có thể nói, lãnh tụ càng vĩ đại thì nhân dân càng nhỏ bé, lãnh tụ càng vĩ đại thì khổ nạn của nhân dân càng thê thảm.

“Lãnh tụ vĩ đại” đi ngược lại trào lưu tiến bộ của thời đại, vì thế chính ông ta mới thích đáng gọi là phản động!

Theo Facebook Đường Hải (Nguyễn Đoàn dịch)
http://trithucvn.net/blog/noi-nao-co-lanh-tu-vi-dai-noi-nhan-dan-kho-nan-trung-trung.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHỜ LÂM QUANG NGỌC, LƯU QUANG VŨ CÓ THÊM MỘT BÀI THƠ


Nguyễn Thế Khoa



Một bài thơ của Lưu Quang Vũ
Kết quả hình ảnh cho lƯU Quang Vũ
ghi được từ Lâm Quang Ngọc
Được tin nhà văn, đạo diễn điện ảnh Lâm Quang Ngọc từ trần, tôi chợt nhớ một bài thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ mà nhờ Lâm Quang Ngọc tôi biết được. Sau khi ra mắt tập thơ “Hương cây và bếp lửa” in chung với Bằng Việt, cuối những năm 1960, thơ Lưu Quang Vũ gần như không được in nữa mà chỉ phổ biến qua kênh chép tay hoặc truyền miệng. Những năm đó, Lâm Quang Ngọc và Nguyễn Khắc Phục khá thân với Lưu Quang Vũ nên năm 1971 khi lên tập trung chuẩn bị đi chiến trường khu 5 với chúng tôi, các anh đọc cho chúng tôi nghe nhiều bài thơ rất buồn và rất hay của anh Vũ thời anh thất sủng với truyền thống chính thống. Trong số đó có một bài thơ hết sức độc đáo mà sau này tôi không thấy có trong các tập thơ và di cảo thơ của Lưu Quang Vũ. Bài thơ này tôi đã chép trong sổ tay thơ của tôi đem vào chiến trường. Cuốn sổ tay đó sâu này đã thất lạc, nhưng bài thơ tuyệt bút của Lưu Quang Vũ, bài thơ gần như có một không hai trong thơ Việt Nam ấy thì tôi vẫn nhớ. Đấy là bài thơ “Trò chuyện với bến sông”. Tôi xin ghi lại nhờ trang Trannhuong giới thiệu với bạn đọc để nhó anh Lâm Quang Ngọc và nhớ anh Lưu Quang Vũ
Nguyễn Thế Khoa


Trò chuyện với bến sông
Lưu Quang Vũ
Dòng sông phì nhiêu cuồn cuộn chảy phía xa
Ta lâu lắm mới về nằm trên bãi
Áp xuống đất nồng
Mùi bùn, mùi cứt chim, mùi cỏ dại
Bụi thài lài, cây thòm bóp, khóm dền cơm
Cỏ ấu lêu đêu nụ trắng đung đưa
Ôi cái bến sông của tuổi thơ ta như một xứ xa xôi đầy bí mật
Gọng vó cứ nhìn ta ngơ ngác
Cứ miệt mài xây tổ nhé hỡi kiến đen
Nơi đây ta thuộc trên bùn từng vết chân chim
Thuộc gió những mùa vịt trời đẻ trứng
Bay từng bầy qua như trận mưa rào
Sẻ đồng, bồ nông, giang, dẻ vẫn lao xao
Con cuốc lủi vẫn như xưa nhút nhát
Con mài mại, con rô phi, con cá tép
Cùng bầy đuôi cờ bay đi như trẩy hội thủy cung
.
Ôi đây rồi chuồn chuồn kim, chuồn chuồn kim
Thân mỏng manh yếu đuối
Xinh đẹp và kiêu kỳ như cô bạn tuổi thơ
Mười bốn tuổi ta thầm yêu đắm đuối
Nhưng chẳng nói ta như chàng dế trũi
Như sau mưa rào tổ mối đã tan hoang
Nhưng mối hãy về đây xây lại tổ
Cả ễnh ương cả chẫu chàng đó nữa
Có bao giờ ta phụ chúng mày đâu
Chẳng lẽ ta đã quên tiếng chúng mày sao
Chẳng lẽ ta đã đổi thay đến thế
Bước vào đời bao rối ren bao rầu rĩ
Chẳng lẽ ta không còn nhận ra tiếng chúng mày…
.
Ôi bến sông nơi buồn rượi bài ca
Hoàng hồn trăng cứ hiện ra vàng ối
Bầy đom đóm thắp đèn đi trong dêm tối
Hãy vè đây với ta cả chuột đồng cả châu chấu ma
Châu chấu ma xưa ta từng hắt hủi
Dẫu xấu xí châu chấu đừng buồn tủi
Hãy về đây bạn tốt của ta ơi
Ta yếu đuối quá rồi, ta chết mất thôi
Hỡi những tiếng rì rầm của những ngày xưa trong trắng
Hãy đến với ta, ta cần an ủi lắm
Như cuộc đời cần những chuyện thần tiên
.
Bầy bướm lớn bay như ánh trăng đêm
Đưa ta qua những bờ đầm cỏ dại
Qua tuổi đời, qua cánh đồng xa ngái
Tới một mùa nắng chói chảy phi nhiêu.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phương Thức Mới của Trung Quốc đối với Vấn Đề Biển Đông


Tác giả: Dương Linh
Nghiên cứu Biển Đông, 15/4/2017
4bhg408d1578c8poj_800c450
Cùng với mục tiêu xây dựng “cường quốc biển” và đích đến “trăm năm” thứ nhất 2021, Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình củng cố yêu sách, tăng cường kiểm soát, chiếm đóng thực địa sau khi đã cơ bản thay đổi nguyên trạng bằng nhiều công cụ khác nhau. Tuy nhiên, do các biến động địa chính trị tại khu vực Đông Bắc Á diễn ra nhanh chóng, vùng ngoại vi của Trung Quốc đang trở nên bất ổn, cộng với yếu tố khó lường trong quan hệ Trung-Mỹ đã khiến Bắc Kinh phải xử lý vấn đề Biển Đông một cách thận trọng hơn, tránh gây ảnh hưởng cho các sự kiện đối nội, đối ngoại lớn trong năm 2017. Trung Quốc đang triển khai một phương thức mới, kết hợp các công cụ ngoại giao, năng lực tài chính và kỹ thuật, các sáng kiến kinh tế, và nhiều loại hình văn bản pháp quy. Qua đó, Trung Quốc tìm cách cân bằng lợi ích với Mỹ, kiềm chế Nhật và Hàn Quốc, giữ ASEAN trong vòng ảnh hưởng, và lôi kéo Nga can dự vào môi trường an ninh khu vực, đồng thời hạn chế tối đa tác động cộng hưởng từ nhiều điểm nóng, tiếp tục kiểm soát tranh chấp Biển Đông để tránh các hệ luỵ bất lợi cho các mục tiêu chiến lược mà Trung Quốc đã đặt ra.   
Thận trọng chính trị và linh hoạt ngoại giao
Hiện nay, Trung Quốc đang phải đứng trước nhiều những thách thức an ninh và chính trị mới tại các khu vực phụ cận do tác động mang tính cộng hưởng từ nhiều vấn đề, vụ việc có liên quan. Thứ nhất, các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Myanmar và quân du kích Kachin tại vùng biên giới Trung Quốc-Myanmar đang khiến giao lưu nhân dân, kết nối thương mại giữa hai bên bị ảnh hưởng. Đồng thời, xung đột này cũng tạo rủi ro, làm tăng nguy cơ dòng người thiểu số Myanmar tìm cách vào Trung Quốc lánh nạn. Thứ hai, chính quyền mới của Mỹ cũng đang thách thức yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông bằng các hoạt động của tàu sân bay USS. Carl Vinson. Thứ ba, trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, trước việc Bắc Triều Tiên liên tục thử vũ khí hạt nhân (tháng 1 và tháng 9/2016) và phóng thử tên lửa, Mỹ đã phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc triển khai nhiều hoạt động quân sự với quy mô lớn tại khu vực Đông Bắc Á để gia tăng răn đe đối với Triều Tiên. Theo đó, Mỹ điều các loại máy bay ném bom chiến lược mới nhất như F-35, F-22, B-1B đến Nhật Bản, Guam, và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Mỹ cũng tổ chức cuộc tập trận “Đại bàng non” kéo dài trong hai tháng với sự tham gia của các vũ khí chiến lược kể trên.
Những diễn biến địa chính trị tại các khu vực lân cận là vấn đề rất nhạy cảm trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị và triển khai một loạt các sự kiện đối nội đối ngoại quan trọng của năm 2017, trong đó có kỳ họp “Lưỡng hội”, Hội nghị Diễn đàn Bác Ngao, Hội nghị Thượng đỉnh “Một vành đai, Một con đường”, và quan trọng hơn là Đại hội 19. Một số biến động có thể có tác động mạnh tới các mục tiêu an ninh và phát triển và đấu tranh trong chính trị nội bộ của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh sẽ phải xử lý các vấn đề một cách thận trọng, tránh để Biển Đông trở thành tâm điểm cọ xát nước lớn Trung-Mỹ, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật, và tạo ra bất ổn trong quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á.
Để đối phó với các thách thức và hóa giải “thế khó”, Trung Quốc tiến hành các động thái chính trị và ngoại giao theo hướng kiềm chế và nhượng bộ có lựa chọn trước đối thủ lớn Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, Uỷ viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị và Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, đều kêu gọi Mỹ hợp tác, thúc đẩy quan hệ phát triển lành mạnh, tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, tránh chiến tranh thương mại, đi sâu phối hợp chính sách và tăng cường giao lưu nhân dân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phản ứng “chừng mực” trước các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực, như tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông, bố trí quân sự và tập trận tại các vùng đệm xung quanh như Hoa Đông và Bán đảo Liên Triều.
Trái ngược những gì thể hiện với Mỹ, Trung Quốc lại đặc biệt cứng rắn với các hoạt động của Nhật Bản tại khu vực để không tỏ ra bị yếu thế, mất kiểm soát với tình hình. Về phía Nhật Bản, để thúc đẩy chính sách an ninh mới và phối hợp với hành động của Mỹ, thời gian qua Nhật Bản đã có nhiều hoạt động tăng cường gắn kết với khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Nhật Bản đã đẩy mạnh hoạt động đối thoại cấp cao, cung cấp viện trợ kinh tế và tài chính, tổ chức giao lưu hải quân và hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải cho Indonesia, Philippines và Campuchia. Ngoài ra, Nhật Bản thông báo sẽ cử tàu trực thăng Izumo tiến hành hoạt động an ninh hàng hải tại Biển Đông, sau đó tham gia cuộc tập trận chung Malabar với Ấn Độ tại Ấn Độ Dương vào tháng 7/2017. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, cảnh báo Nhật Bản không nên can dự vào vấn đề Biển Đông hay đưa “tư duy Chiến tranh Lạnh” vào khuôn khổ hợp tác an ninh Nhật-Mỹ.[1]
Với ASEAN, Trung Quốc đang thể hiện một thái độ mềm mỏng, tăng cường thúc đẩy hợp tác với nhiều ẩn ý chính trị. Một mặt, Trung Quốc khẳng định cam kết đưa quan hệ với ASEAN lên một tầm cao mới trong chương trình nghị sự năm 2017 và kêu gọi hoàn thành việc nâng cấp khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN. Mặt khác, Trung Quốc tích cực quảng bá cho kết nối khu vực qua khuôn khổ sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển”, đẩy mạnh các đàm phán về đầu tư hạ tầng, đường sắt cao tốc và cảng biển với một số quốc gia ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, Trung Quốc hết sức chú trọng “chăm sóc” Philippines, nước đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2017 bằng nhiều hợp đồng kinh tế lớn.[2] Trong vài tháng gần đây, nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc trong đó có Phó Thủ tướng Uông Dương, Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn và Đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Kiến Hoa đã có các chuyến thăm Philippines và tiếp xúc với Tổng thống Duterte kèm theo các cam kết hỗ trợ tài chính, đề nghị tăng cường đối thoại xử lý và kiểm soát bất đồng cũng như tăng cường hợp tác hàng hải.
Trên một hướng khác, tận dụng mâu thuẫn Mỹ-Nga sau các cáo buộc về can thiệp an ninh mạng và bất đồng giữa hai bên trong vấn đề an ninh tại châu Âu, Trung Quốc tìm cách kéo Nga can dự vào các vấn đề an ninh và chính trị tại Đông Á, trong đó có Biển Đông, để tăng “thế” của mình. Nhiều hoạt động đã được triển khai để quan hệ hợp tác toàn diện Trung-Nga, bao gồm mở rộng hợp tác thương mại, tăng cường đối thoại giữa hai chính đảng cầm quyền và Trung Quốc cho vay tài chính để Nga xử lý vấn đề thâm hụt quỹ phúc lợi xã hội. Ngoài việc ủng hộ Nga lần đầu cử chiến hạm thăm viếng cảng biển và diễn tập hải quân chung với lực lượng của Philippines, Trung Quốc còn tranh thủ Nga để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật bậc cao như phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên biển. Trong một số phát biểu, quan chức Trung Quốc khẳng định hợp tác này có thể diễn ra ngay  tại những khu vực vẫn còn tồn tại tranh chấp để giải quyết việc “cung cấp năng lượng” cho các công trình xây dựng đa năng đang được triển khai.
Quân sự hoá dưới vỏ bọc dân sự và khoa học kỹ thuật
Cùng với các hoạt động chính trị, ngoại giao nhằm “thăm dò”, xác lập khuôn khổ quan hệ nước lớn và mở rộng ảnh hưởng với láng giềng, Trung Quốc đồng thời đẩy nhanh việc củng cố yêu sách và kiểm soát theo cách thức tiếp cận mới, giảm mức độ nổi cộm của các vụ việc có yếu tố quân sự. Do đó, Trung Quốc triển khai các hoạt động thực địa theo nhiều hướng, chú trọng kết hợp giữa quân và dân sự, nhấn mạnh yếu tố khoa học kỹ thuật.  Trung Quốc muốn tránh sự chú ý của bên ngoài về những thay đổi hiện trạng do các hoạt động đang tiến hành, nhưng đồng thời duy trì cơ sở để tuyên truyền về năng lực kiểm soát tình hình, quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ tại các sự kiện chính trị đối nội lớn trong năm .
Về các hoạt động quân sự, Trung Quốc đang gấp rút hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông trong năm 2017, đồng thời tiến hành thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược có tính răn đe cao như tên lửa Đông Phong DF-5C, Đông Phong DF-16, và máy bay J-20. Các loại vũ khí này giúp Trung Quốc tăng năng lực tiến hành phong tỏa và  ngăn chặn tiếp cận. Để tăng kiểm soát thực địa, Trung Quốc đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng chiếm đóng trái phép tại 8/20 điểm ở quần đảo Hoàng Sa và ít nhất là với 3/7 điểm ở Trường Sa.[3] Các công trình này cho phép Trung Quốc có thể cùng lúc bố trí nhiều loại vũ khí tác chiến và phòng thủ khác nhau, như rada, tên lửa phòng không và đối hạm, các máy bay tuần tra và trinh sát tàu ngầm. Bổ trợ cho các hoạt động này, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất hai cuộc diễn tập tác chiến hỗn hợp trong tháng 02.2017 với phạm vi mở rộng từ Hoàng Sa tới Trường Sa. Các vũ khí hiện đại nhất của Trung Quốc như tàu sân bay Liêu Ninh, các tàu khu trục Trường Sa, Hải Khẩu, và máy bay ném bom H-6 đã tham gia trong từng hạng mục của mỗi giai đoạn diễn tập, Tuy nhiên, trước sức ép dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn khẳng định việc xây dựng tại các đảo, đá là việc làm trong “phạm vi chủ quyền”, không liên quan đến “quân sự hóa”, và các cuộc diễn tập là “theo lộ trình thường niên”, đã được lập kế hoạch trước.
Trong lĩnh vực dân sự, Trung Quốc đang đẩy nhanh quy hoạch, quản lý biển, tăng cường hợp tác khoa học kỹ thuật, nhấn mạnh các ứng dụng khoa học kỹ thuật biển có tính đột phá với lý do là hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho an toàn hàng hải khu vực. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thiện việc đặt tên cho 255 cấu trúc ở Biển Đông, mở chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) tại thành phố được thành lập trái phép “Tam Sa”, thử nghiệm các chuyến bay dân sự, và cho phép “công ty vận tải tư nhân” Hải Hiệp đưa khách du lịch, đoàn viên thanh niên, sinh viên ra Hoàng Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã hạ thủy hai tàu khảo sát khoa học hiện đại có khả năng hoạt động toàn cầu, đưa dữ liệu từ các trạm quan trắc trên các đảo, đá tranh chấp tại Trường Sa vào hệ thống dịch vụ dữ liệu, và để ngỏ việc xây dựng trạm quan sát đáy biển, trạm giám sát sóng thần tại Biển Đông. Trên phương diện hợp tác quốc tế, Trung Quốc đã lần thứ ba chủ trì cuộc khảo sát khoa học IODP với sự tham gia của 33 chuyên gia quốc tế, và đề ra kế hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên biển theo Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 với sự hợp tác của Nga.[4]
Đẩy mạnh cơ sở pháp lý, năng lực quy hoạch và phát triển biển
Để tạo môi trường trong ngoài thuận lợi cho các sự kiện đối nội và đối ngoại quan trọng như kỳ họp “Lưỡng hội” năm 2017 và chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã giảm cường độ tuyên truyền về các hoạt động quân sự, nhưng chủ động đẩy mạnh việc công bố các văn bản pháp quy về quản lý, quy hoạch biển để Nhân đại Trung Quốc xem xét thông qua. Đây là lộ trình tiếp theo trong việc Trung Quốc từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp luật nhằm quản lý các hoạt động liên quan tới khai thác, phát triển và sử dụng biển. Mặt khác, đây cũng là bước đi chiến thuật của Trung Quốc nhằm “cột chặt” vấn đề, buộc các bên sẽ phải cùng lúc xử lý nhiều tình huống và diễn biến khi các quy định này có hiệu lực, làm phức tạp thêm tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc cho rằng các văn bản pháp quy cũng góp phần giúp Trung Quốc có thêm cơ sở củng cố yêu sách, biện minh cho các hoạt động quân sự và dân sự tại khu vực tranh chấp trong tương lai.
Theo đó, Trung Quốc công bố 3 văn kiện quan trọng trong thời gian qua, đó là: (1) Cương yếu “Quy hoạch Đất đai Toàn quốc Trung Quốc năm 2016, tầm nhìn năm 2030”, trong đó khẳng định các mục tiêu tổng thể về nâng cao trình độ bảo vệ, khai thác biển vào năm 2020, cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cường quốc biển vào năm 2030; (2) Dự thảo “Luật An toàn Giao thông Biển sửa đổi”, gồm 134 điều, trong đó có nhiều quy định mới liên quan tới việc kiểm soát, giám sát tàu thuyền, thiết bị, hoạt động hàng hải của nước ngoài trong vùng biển “thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc; (3) Đại cương “Phương án Sử dụng và Khai thác Hải đảo không người cư trú”,  nhằm quán triệt việc thực hiện “Luật Bảo vệ hải đảo năm 2009”, tăng cường quản lý và kiểm soát với các đảo chưa có cư dân sinh sống.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành của Trung Quốc cũng cho công bố nhiều văn bản, tài liệu liên quan về biển như: Báo cáo “Thống kê Kinh tế biển Trung Quốc năm 2016”, Thông báo “Thiên tai biển Trung Quốc năm 2016”, Thông báo “Bề mặt biển Trung Quốc năm 2016”, và Thông báo “Môi trường biểnTrung Quốc năm 2016”. Nội dung các tài liệu này tập trung đề cập nhiều khía cạnh hoạt động quản lý và sử dụng biển, trong đó có các tiêu chuẩn đánh giá về phát triển biển, các quy hoạch khai thác và sử dụng biển. Trung Quốc cho biết, kinh tế biển Trung Quốc năm 2016 tiếp tục tăng 6,8%, chiếm 9,5% GDP.
Một số địa phương ven biển của Trung Quốc chủ động thể hiện vai trò, đưa ra các quy định, kế hoạch nhằm phối hợp với chiến lược phát triển tổng thể của Trung ương. Tại kỳ họp “Lưỡng hội” vừa qua, tỉnh Hải Nam đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể năm 2016-2020”, khẳng định sẽ nâng cấp các sản phẩm du lịch dưới nhiều hình thức nhằm kết nối (trái phép) Hải Nam và Hoàng Sa. Cái gọi là “thành phố Tam Sa” cũng thông qua phương án “Quy hoạch thực thi đồng bộ dịch vụ cảng Phú Lâm”, khẳng định đẩy nhanh việc xây dựng các dự án tại Vịnh Mộc Lan, Văn Xương của Hải Nam nhằm hình thành các cụm dịch vụ hậu cần, cơ sở khoa học, cứu hộ cứu nạn có tính kết nối. Chủ tịch tỉnh Hải Nam Lưu Tứ Quý còn khẳng định, tiêu chuẩn trong việc xây dựng “tỉnh cường quốc biển” Hải Nam không chỉ có phát triển kinh tế, mà gồm cả khoa học kỹ thuật và môi trường biển.[5]
Xu hướng và Hệ lụy
Xét về tổng thể, Trung Quốc đang tiếp tục áp dụng phương thức mới nhằm tìm cách thuyết phục Mỹ, lôi kéo Nga, răn đe Nhật Bản, trả đũa Hàn Quốc, và “ve vãn” ASEAN để kiểm soát tốt hơn cục diện an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Do đó, Trung Quốc đã chủ động lồng ghếp vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn như “Một vành đai, Một con đường” nhằm “làm dịu” căng thẳng, “mềm hoá” tranh chấp, tránh tạo ra cớ các nước lớn khác can dự. Trung Quốc cũng tranh thủ quá trình mở rộng kết nối hạ tầng của các tỉnh ven biển với bên ngoài (đặc biệt là Hải Nam), kết hợp với các văn bản nội luật, quy hoạch phát triển mới nhằm từng bước hợp thức hoá cơ sở hạ tầng tại khu vực chiếm đóng trái phép.
Về mặt thời gian, thời điểm Trung Quốc tổ chức Đại hội 19 đang tới gần trong khi bối cảnh an ninh, chính trị khu vực Đông Bắc Á tiếp tục diễn biến khó nắm bắt. Chính vì vậy trong khi tiếp tục tận dụng vai trò tương tác kết nối của ASEAN, Trung Quốc có thể giữ thái độ kiềm chế, “mềm mỏng” trong khoảng thời gian ngắn trước khi xuất hiện các nhân tố đối nội và đối ngoại mới có thể thúc đẩy điều chỉnh. Do đó, nhiều khả năng Trung Quốc tiếp tục tập trung tìm cách xử lý ổn thoả nhân tố Mỹ, dùng “đối thoại thượng đỉnh Tập-Trump” để xác định mô thức tương tác mới, hạn chế sự can thiệp của Mỹ, Nhật Bản vào vấn đề an ninh khu vực. Cùng lúc đó, Trung Quốc vẫn tăng cường ảnh hưởng với ASEAN nhằm thu hút sự ủng hộ với các nghị trình đối ngoại quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh “Một vành đai, Một con đường”, đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các sáng kiến mới như “Vành đai hợp tác kinh tế Nam Hải (Biển Đông) mở rộng.” Qua các kênh này, Trung Quốc muốn tạo dựng đồng thuận về nhận thức trong ASEAN, coi hợp tác dựa trên khuôn khổ các sáng kiến do Trung Quốc nhấn mạnh triển khai DOC và coi đó là tiền đề cho khung COC. Sau cùng, Trung Quốc vẫn không ngừng củng cố kiểm soát trên thực địa bằng nhiều biện pháp trong đó tập trung vào các hoạt động dân sự có hàm lượng công nghệ cao. Theo đó, Trung Quốc tuyên truyền, giải thích theo hướng hỗ trợ phát triển kinh tế biển, kết nối thương mại, cung cấp dịch vụ công cho hoạt động hàng hải khu vưc.
Phương thức và các bước đi hiện nay của Trung Quốc không làm thay đổi bản chất của tranh chấp Biển Đông. Hoà dịu chỉ là tạm thời do sự chi phối bởi các toan tính chính trị nội bộ và đối ngoại của Trung Quốc. Trung Quốc đưa ra các sáng kiến mới nhưng thường thiếu nội dung cụ thể, thiếu các điều kiện “cần và đủ” để hợp tác tiến triển. Nghi ngại an ninh không được giải toả và rủi ro va chạm vẫn thường trực. Điều này đồng nghĩa, cam kết an ninh của Trung Quốc tại Biển Đông chỉ mang tính hình thức nhằm che giấu các ý đồ chiến lược, cấu trúc bố trí chiến lược nhiều lớp. Trong đó, cốt lõi không đổi là việc Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh toàn diện, khả năng kiểm soát quân sự và chấp pháp thực tế. Lớp vỏ tiếp theo là các quy hoạch phát triển dài hạn, văn bản pháp quy đã được Trung Quốc công bố nhằm hợp thức hóa, pháp điển hóa chiếm đóng và kiểm soát thực tế trên cơ sở ưu thế quân sự, sức mạnh kinh tế, chủ nghĩa dân tộc, khả năng lợi dụng các kẽ hở của luật pháp quốc tế. Ở trên bề mặt, Trung Quốc đề ra nhiều khung sáng kiến hợp tác nhằm xoa dịu tìnhhình, trong khi tiếp tục để ngỏ dư địa điều chỉnh, mở rộng yêu sách khi hội tụ đủ các nhân tố cần thiết.
Thiếu thiện chí và thực tâm khiến nhiều sáng kiến kết nối thương mại và hợp tác kinh tế biển do Trung Quốc dẫn dắt không có tiến triển. Ngoài ra, cách tiếp cận của Trung Quốc tiếp tục ngăn cản các nước ASEAN hợp tác thiết thực với Trung Quốc nhằm đem lại ổn định thật sự tại Biển Đông.
Chú thích
[1] Phát biểu trong họp báo thường kỳ của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, ngày 26.1.2017.
[2] Tại chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đầu tháng 3/2017, hai bên đã nhất trí về quy tắc Trung Quốc đầu tư vào 03 dự án với trị giá 3,4 tỉ USD. Đại sứ Trung Quốc tại Manila cũng đề cập, Trung Quốc muốn cung cấp cho Philippines 550 triệu NDT cho việc xây dựng các tiêu chuẩn hạ tầng và chống ma túy.
[3] Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) ra ngày 23.3.2017 cho biết, Trung Quốc đã “xây xong”, hoặc “sắp xong” các công trình chiếm đóng trái phép tại đá Subi, Vành Khăn, và Chữ Thập tại Trường Sa.
[4] Phát biểu ngày 14.2.2017 của Vương Nghị Nhẫn, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Trung Quốc.
[5] Phát biểu của Chủ tịch Tỉnh Hải Nam Lưu Tứ Qúy, ngày 13/3/2017, tại kỳ họp “Lưỡng hội” toàn quốc Trung Quốc.
Về tác giả: Dương Linh là Nghiên cứu viên Học viện Ngoại giao. Bài viết phản ánh quan điểm cá nhân của các tác giả.
Bài viết được đăng lần đầu tại trang Nghiên cứu Biển Đông và bản quyền thuộc Nghiên cứu Biển Đông. Đăng lại với sự đồng ý của Ban Biên tập Nghiên cứu Biển Đông. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM và QUAN HỆ VIỆT NAM-HOA KỲ!




Nguyễn Đăng Quang

Sự kiện Đồng Tâm ở Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (14-22/4/2017) phải được gọi đúng tên và bản chất của nó. Đó không phải là sự cố, mà là một biến cố xã hội! Vâng, nó là biến cố mang tên Đồng Tâm. Rồi đây biến cố này sẽ được ghi vào sử sách nước nhà như một bước ngoặt mang đến sự thay đổi về nội trị của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực: từ thể chế kinh tế, mô hình xã hội, chính trị nội bộ đến luật pháp (chắc chắn Luật Đất đai sẽ phải thay đổi, sẽ phải áp dụng hình thức “đa sở hữu” đất đai trong đó có “sở hữu tư nhân” thay vì duy nhất một hình thức sở hữu là “sở hữu toàn dân” mù mờ và tai hại như hiện thời)! Đồng Tâm là biến cố nội trị của Việt Nam, song nó còn liên quan đến chính sách đối ngoại của Việt Nam nữa!

Báo chí và dư luận đã bàn luận khá đầy đủ về biến cố này. Năm năm trước (2012), chính quyền cảm thấy hãnh diện vì đã thắng được người dân khi sử dụng “phương thức bạo lực cực đoan” trong các biến cố xã hội, như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ Ecopark ở Văn Giang (Hưng Yên) và ngay cả vụ Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội). Nhưng mấy năm gần đây, tình thế đã thay đổi, không còn như xưa nữa! Trong biến cố Đồng Tâm, chính quyền không dám mạo hiểm với “phương thức vũ lực truyền thống” như trước, mà thay vào đấy là “phương thức hòa giải ôn hòa”! Tình hình chính trị nội bộ và bối cảnh xã hội hiện nay ở Việt Nam đang diễn biến khá nhanh và khó lường. Đây chính là yếu tố chủ yếu khiến chính quyền không dám sử dụng “phương thức bạo lực cực đoan” được nữa. Thay vào đó, chính quyền phải tính đến “phương thức hòa giải ôn hòa”! Đây là sự lựa chọn khôn ngoan. Phương thức WIN-WIN, tức các bên cùng thắng, là phương thức tối ưu lúc này, không thể khác! Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế khá phức tạp như hiên thời, tôi cho rằng, việc tháo ngòi nổ Đồng Tâm như vừa qua, ngoài yếu tố nội trị như đã phân tích, tôi thấy thấp thoáng có “yếu tố về Hoa Kỳ” khá đậm nét. Tôi nói “yếu tố về Hoa Kỳ” chứ không phải “yếu tố của Hoa Kỳ”. Nếu nói vậy thì chẳng nhẽ Hoa Kỳ lại can thiệp thô thiển vào công việc nội bộ của Việt Nam ư? Không, tôi không nghĩ như vậy. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, biến cố Đồng Tâm đã được tháo ngòi, song vấn đề quan trọng hơn là “Bản cam kết 3 điểm” của Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải được thực thi một cách nghiêm túc và phải thật thành tâm, có vậy mới góp sức làm cho quan hệ Việt Nam và Mỹ dịch chuyển suôn xẻ và đúng hướng trên lộ trình vừa mới được thiết lập. Nếu không, chắc chắn nó sẽ có tác dụng ngược và hoàn toàn bất lợi cho phía Việt Nam! Tại sao tôi lại nói vậy? Xin mời quý độc giả xem xét 2 động thái dưới đây:

1/. Như đã được chính thức loan báo, sáng ngày 20/4/2017 tại Washington, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mời Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29 được tổ chức vào tháng 11/2017 ở Đà Nẵng và thăm chính thức Việt Nam. Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster khẳng định Tổng thống Donald Trump sẽ thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Trong buổi gặp trên, phía Mỹ cũng đã chuyển thư của Tổng thống Donald Trump mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ. Mọi người có thể cho là chuyện này đâu có liên quan đến Đồng Tâm. Vâng, có thể như thế, và nếu ai nói vậy thì cũng không sai. Người viết bài này sẽ bàn thêm chuyện tế nhị này cùng quý vị ở phần cuối bài viết.

2/. Động thái tiếp theo là, ngay sau đấy, trong cuộc họp báo chiều 20/4/2017 tại Hà Nội, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ việc đang xảy ra ở Đồng Tâm. Đây là hiện tượng lạ, chưa có tiền lệ từ trước đến nay! Trước khi nói về “hiện tượng lạ” này, tôi xin lưu ý điều sau đây: Trong 8 ngày xảy ra biến cố Đồng Tâm (từ 15 đến 22/4/2017), các Bộ ngành có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến biến cố Đồng Tâm đều án binh bất động, tất cả đều im lặng, không một cơ quan nào lên tiếng về trách nhiệm và sự dính dáng của mình trong biến cố này cả! Đầu tiên là Bộ Quốc phòng, rồi đến Bộ Công an, xong đến Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Thông tin-Truyền thông, v.v… tất cả đều giữ im lặng một cách khó hiểu, cứ như đang ngóng chờ điều gì đó! “Wait and see” mà!

Điều đó có thể là đây: Đó là lời tuyên bố có tính định hướng của Bộ Ngoại giao chiều ngày 20/4/2017 về tình hình Đồng Tâm, sau khi đã có tin chính thức từ thủ đô Washington D.C! Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố như sau: “Hiện nay các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội đang giải quyết tình hình theo đúng quy định của pháp luật, và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan”. Nhiều người hiểu tuyên bố này là một tín hiệu không chỉ cho nội bộ mà còn là một thông điệp đối ngoại rất rõ của chính phủ Việt Nam! Tôi thấy nhận định đó là đúng, nhưng xin phép được nói sâu hơn ở phần cuối. Bây giờ tôi xin mở ngoặc nói về mặt đối nội qua phân tích thuật ngữ “bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan”. Các bên liên quan ở đây tức là người dân, là quyền lợi chính đáng của người dân. Điều này phải được xét đến và bảo đảm thực chất, chứ không thể bỏ qua như trước đây. Mấy năm trước, người ta chỉ bảo đảm quyền lợi của chính quyền và nhà đầu tư thôi, chứ họ đâu có nghĩ đến quyền lợi của người dân! Câu tuyên bố trên có thể là pháo hiệu để cấp có thẩm quyền là Chủ tịch Thành phố Hà Nội ngày 22/4/2017 phải đích thân về tận thôn Hoành trực tiếp thương thảo với người dân và giải quyết biến cố Đồng Tâm chỉ trong có vỏn vẹn có 2 tiếng đồng hồ theo phương thức WIN-WIN, tức các bên cùng thắng! Người dân thắng và chính quyền không thua!

Tôi xin trở lại với những tiến triển trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian hiện nay. Như chúng ta đã biết, Tổng thống Donald Trump đã chuyển thư mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ. Tôi nghĩ Thủ tướng Phúc sẽ sớm sang thăm Mỹ, có thể ngay trong tháng 5/2017 này, vì ngay từ đầu năm nay, ông Phúc đã tuyên bố là “sẵn sàng thăm Mỹ”! Tiếp đến, tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump sẽ thăm Việt Nam và dự Hội nghi thượng đỉnh APEC 2017 ở Đà Nẵng. (Ông Donald Trump thăm VN trước khi hay sau khi tham dự Hội nghị APEC, điều này phụ thuộc chủ yếu vào phía Mỹ, chứ không phải phía VN. Nhưng nếu Tổng thống Mỹ sắp xếp thăm VN trước, rồi sau đó tham dự APEC 29 thì điều này sẽ làm cho nước chủ nhà cảm thấy vinh hạnh và đẹp mặt hơn!). Và theo thông lệ của nghi thức ngoại giao, trong chuyến thăm VN tới, Tổng thống Mỹ sẽ mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Hoa Kỳ. Tôi chắc ông Trump sẽ mời đích danh ông Trần Đại Quang chứ không mời ông Nguyễn Phú Trọng, cho dù thời điểm đó ông Trọng có thể thành công trong nỗ lực giữ vững được chiếc ghế Tổng Bí thư. Chắc chắn Chủ tịch nước VN sẽ vui vẻ nhận lời mời của Tổng thống Mỹ, và chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch Trần Đại Quang có thể sẽ diễn ra vào khoảng giữa năm 2018. Hẳn chuyến thăm này của Chủ tịch Trần Đại Quang sẽ khác rất nhiều so với chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Tổng Bí thư ĐCSVN hồi tháng 7/2015 trước đây!

Tôi cầu mong tiến trình trên được diễn ra đúng như kế hoạch đã định. Nhưng chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu vì lý do nào đó, ví như chính phủ Mỹ thấy “các cam kết riêng” hoặc “thỏa thuận miệng” (nếu có) mà bị vi phạm, hay do sức ép nội bộ, chẳng hạn như của nhóm Vietnam Caucus gồm những nghị sỹ Mỹ xừng xỏ hay từ Đạo luật Nhân quyền Magnitsky nổi tiếng mà không ít cá nhân ở Việt Nam e ngại, phía Mỹ buộc phải nói “Sorry, chúng tôi rất tiếc là không thể nghênh tiếp ngài Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Hoa Kỳ như dự kiến được!” hoặc “Chính phủ Hoa Kỳ lấy làm tiếc và thành thực xin lỗi chính phủ VN là Tổng thống Donald Trump không thể đến thăm VN và tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 như dự định trước đây được!”. Đây chỉ là giả định, khó có khả năng xảy ra, song không phải là không thể xảy ra! Trong mối quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, cả 2 bên đều có lợi ích và cần lẫn nhau, song tôi nghĩ VN cần Hoa Kỳ nhiều hơn là Hoa Kỳ cần VN! Do vậy tôi tin VN sẽ cố gắng không để kịch bản như trên xảy ra. Tôi tin chắc như vậy! Trước luồng dư luận cho rằng “Bản cam kết 3 điểm” mà ông Chung ký với người dân Đồng Tâm là không khả thi và rất dễ bị bội ước, vì ông Chung chỉ là người đứng đầu cơ quan hành pháp của Thủ đô, ông cam kết như vậy là lạm quyền, ông không thể quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của ngành tư pháp được. Nói như vậy không sai, nhưng tôi không nghĩ ông Chung sẽ hành xử như vậy. Cam kết của ông Chung không chỉ là cam kết của cá nhân ông Chung với tư cách là người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội, mà còn hơn thế nữa! Việt Nam sẽ không dại gì mà dễ dàng làm mất đi lợi ích đối ngoại rất lớn đang hiển hiện ở ngay trước mắt mình!

Cách đây 2 ngày tôi có đọc trên mạng một bài báo rất hay của tác giả Hiệu Minh, một chuyên gia hàng đầu về công nghệ thông tin, hiện đang sống và làm việc ở thủ đô Hoa Kỳ (Washington D.C). Bài báo có nhan đề: “Donald Trump tháo ngòi nổ ở…Đồng Tâm?”. Tôi xin mạn phép anh Hiệu Minh được lấy tiêu đề bài báo trên của anh làm lời kết cho bài viết này của tôi. Xin cảm ơn anh Hiệu Minh nhiều.

Hà Nội, ngày 25/4/2017.
N.Đ.Q. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao Triều Tiên dành hàng tỷ USD cho vũ khí hạt nhân trong khi người dân bị đói?


Quân đội Triều Tiên diễu hành. (Ảnh: Getty)
Khoảng 1/4 toàn bộ nền kinh tế dành cho phát triển quân sự khiến 70% người dân thiếu lương thực.
Khoảng 18 triệu người Triều Tiên đang không có đủ lương thực, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa ra vào tháng 3/2017. Điều đó có nghĩa 70% dân số nước này phải phụ thuộc vào nguồn lương thực trợ giúp của quốc tế, trong đó có 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.
Báo cáo của LHQ nói rằng: “Trong khi căng thẳng chính trị, có khoảng 18 triệu người trên khắp Triều Tiên tiếp tục đối mặt với mất an ninh lương thực và thiếu dinh dưỡng, cũng như thiếu các dịch vụ cơ bản. Hơn nữa, có 10,5 triệu người, tương đương 41% tổng dân số, đang bị thiếu dinh dưỡng”.
Báo cáo cho biết, người dân Triều Tiên cũng thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và vệ sinh. Không có nước sạch hoặc vệ sinh kém đã gây ra cái chết của nhiều trẻ em dưới 5 tuổi.
Trong khi đó, Triều Tiên liên tục thử các loại tên lửa và vũ khí hạt nhân gần đây. Điều đó cho thấy Bình Nhưỡng ưu tiên dành ngân sách cho quân sự hơn là chương trình an sinh xã hội và cho người dân.
Báo cáo của LHQ cho thấy lượng ngũ cốc và khoai tây ở nước này đang ngày càng giảm sút, từ 380gram/người mỗi ngày xuống còn 300gram/người, tức là ít hơn 1,2 USD/ngày. Trong khi đó mục tiêu của chính phủ nước này là 573gram/người mỗi ngày.
Dân số Triều Tiên có 25 triệu người. Khoảng 5,6 triệu người là nạn nhân của thiên tai như lũ lụt và hạn hán, từ năm 2004-2015. Nhưng Triều Tiên lại dành khoảng 24% GDP (tổng sản lượng quốc dân) cho quân đội, hải quân và không quân. Ngược lại, chi tiêu quân sự trên thế giới chỉ chiếm trung bình khoảng 2% GDP, theo báo Newsweek.
Hãng tin Reuters cũng dẫn nguồn phân tích của Hàn Quốc cho biết riêng chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã tiêu tốn 1,1 tỷ USD – 3,2 tỷ USD mỗi năm.
Hai vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đã thất bại, nhưng đầu tháng 3, nước này đã phóng 4 quả tên lửa xuống vùng biển Nhật Bản. Khi Triều Tiên càng khiến thế giới bất an, thì các nước càng lo ngại và cắt giảm viện trợ cho người dân nước này.
Thậm chí Đại sứ Mỹ tại LHQ năm 2016 đã nói rằng không chắc các chương trình viện trợ quốc tế đến được tay người dân khó khăn ở Triều Tiên. Còn các quan chức Hàn Quốc cảnh báo rằng bất cứ nguồn viện trợ nào cũng có thể bị lợi dụng để hỗ trợ chính quyền Triều Tiên. Vì vậy các nước có xu hướng giảm viện trợ cho người dân nước này.
Kết quả là người dân Triều Tiên càng lâm vào cảnh đói khổ, khi chương trình vũ khí của chính quyền càng phát triển.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đúng ra kẻ kết án oan sai phải bỏ tiền túi ra bồi thường chứ không phải lấy từ ngân sách nhà nước!

Ông Huỳnh Văn Nén sẽ nhận bồi thường 10 tỷ đồng


Hình minh họaBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionHình minh họa
Ông Huỳnh Văn Nén, được truyền thông Việt Nam đặt danh hiệu "người tù thế kỷ", sắp nhận được bồi thường 10 tỷ đồng.
Ông Nén ngồi tù oan hơn 17 năm vì bị kết án liên quan hai vụ giết người. Ông được trả tự do cuối năm 2015.
Tin mới nhất cho biết Bộ Tài chính Việt Nam quyết định bổ sung dự toán năm 2017 hơn 10 tỷ đồng để TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén.
Đây là kết quả hai bên thỏa thuận sau bảy lần đàm phán. Ban đầu ông Nén yêu cầu bồi thường 7 khoản, tương đương 18 tỷ đồng, cho hơn 15 năm ngồi tù oan.
Nói với BBC chiều 25/4, ông Nguyễn Thận, là đại diện theo ủy quyền của ông Nén, xác nhận kết quả, cho biết số tiền đang được làm thủ tục để chuyển cho tòa tại Bình Thuận.
"Quá trình thương lượng bồi thường vẫn còn cách biệt, nhưng hai bên khép lại, thống nhất mức bồi thường mà chúng tôi chấp nhận là vừa phải," ông Thận nói.
Năm 1998, ông Nén bị kết tội sát hại bà Lê Thị Bông cướp nhẫn vàng, bị tuyên án chung thân.
Trong thời gian bị điều tra vụ án này, ông Nén và 9 người bên vợ lại bị tố cáo giết một người khác, Dương Thị Mỹ, vào năm 1993.
Theo truyền thông Việt Nam, ông Nén là người duy nhất có hai lần bị kết án oan trong hai vụ giết người.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hỗn loạn tại buổi xin lỗi tử tù oan Hàn Đức Long

 
25 avr. 2017 - Hỗn loạn tại buổi xin lỗi tử tù oan Hàn Đức Long. Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội bị ném dép vào mặt. Ngăn không cho vị Phó chánh án TAND tối cao đọc lời xin lỗi công khai đối với ông Hàn Đức Long người nhà nạn nhân đã giật biển hiệu, dùng dép ném thẳng vào mặt vị chánh án.





Chiều 25/4/2017, buổi xin lỗi của TAND Cấp cao tại Hà Nội với ông Hàn Đức Long - người bị kết án tử hình oan về tội giết người (đã bị tạm giam hơn 11 năm) diễn ra tại ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Tuy nhiên, buổi xin lỗi ông Long đã trở nên náo loạn khi gia đình của nạn nhân trong vụ án mà ông Long bị buộc tội oan đã bức xúc lớn tiếng khi cơ quan tố tụng chưa xác định được hung thủ của vụ giết người này.

Khi ông Trần Văn Tuân - Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội lên đọc lời xin lỗi công khai đối với ông Hàn Đức Long thì ở phía dưới, người nhà cháu Yến vẫn không ngừng la ó, cầm chai lọ ném về phía ông Tuân, khiến cho buổi xin lỗi liên tục bị ngắt quãng.

Dù gặp phải sự cản trở của gia đình cháu Nguyễn Thị Yến (SN 2000), nạn nhân nghi bị hiếp, giết năm 2005, nhưng theo đúng kế hoạch, khoảng 14h ngày 25/4, Phó Chánh án TAND cấp cao đã lên đọc lời xin lỗi công khai đối với “tử tù” Hàn Đức Long tại trụ sở UBND xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.




Rất đông người nhà cháu Yến xông lên la ó, phản đối, ném chai lọ về phía ông Tuân, khiến cho vị Phó Chánh án liên tục phải tạm dừng. Hai cán bộ phải chạy lên lấy cặp che cho ông Tuân.

Buổi xin lỗi diễn ra trong náo loạn, ồn ào. Vì thế, sau khi ông Tuân đọc xong lời xin lỗi công khai trong khoảng 10 phút thì ra thẳng xe ô tô về luôn, dưới sự bảo vệ của lực lượng công an.

Trước đó, gần đến giờ tổ chức buổi công khai xin lỗi ông Long thì người nhà cháu Yến đã tập trung đông tại hội trường, xông lên giật phông, phản đối buổi công khai xin lỗi, khiến tình hình rất lộn xộn. Gia đình cháu Yến đề nghị các cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ hung thủ giết cháu Yến thì mới tổ chức công khai xin lỗi.

Theo hồ sơ vụ án, tối 26/6/2005, người dân xã Phúc Sơn (Tân Yên, Bắc Giang) phát hiện thi thể cháu Nguyễn Thị Y.

Cháu Y. được xác định bị giết hại sau khi bị hiếp dâm. Công an tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc điều tra nhưng phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án sau 4 tháng do không tìm ra thủ phạm.

Tháng 10/2005, công an nhận được đơn của hai mẹ con bà Ngô Thị Khuyến tố cáo bị ông Hàn Đức Long hiếp dâm. Cơ quan điều tra đã bắt giam ông Hàn Đức Long. Ông Long sau đó thú nhận tại cơ quan công an là thủ phạm hiếp dâm và giết cháu Nguyễn Thị Y.

Từ năm 2007 đến năm 2011, qua 4 phiên tòa, ông Hàn Đức Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Tại các phiên xử và trong suốt thời gian bị bắt, bị cáo Hàn Đức Long liên tục kêu oan.

Năm 2014, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm lần hai, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai đối với bị án Hàn Đức Long để điều tra lại.

Sau nhiều lần kết thúc điều tra, trả hồ sơ vụ án, cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Hàn Đức Long.

Ngày 20/12/2016, Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hiếp dâm, đình chỉ điều tra vụ án đối với ông Hàn Đức Long bị khởi tố về tội "giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em" và quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam.

VIDEO TRƯỚC ĐÓ TẠI ĐÂY: https://goo.gl/dNiJPi
Nguồn Video: Admin tổng hợp từ: VnExpress, Dân Trí, Zing.vn, Tuổi trẻ,..…
Phần nhận xét hiển thị trên trang