Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

THIỆT THÒI NÔNG DÂN


Bài này đăng mục Thời Luận báo Đại Đoàn Kết ngày 4/10/2007 (gần 10 năm trước, sau sự cố sập cầu Cần Thơ đang thi công), nay thấy vẫn còn thời sự nên post lại để nhớ:

Thời luận 4-10-2007

THIỆT THÒI NÔNG DÂN

Phần lớn những người bị nạn trong thảm họa cầu Cần Thơ đều là nông dân. Trong số đó không ít người là những nông dân “mất đất” từ các dự án đô thị hóa. Họ chỉ vừa mới rời khỏi ruộng vườn, tay hãy còn lấm chân vẫn còn bùn đã phải vội vã, bươn chãi bước vào “đại công trường” cầu Cần Thơ. Nhiều người trong số họ khoác áo công nhân đồng thời với sự am hiểu mù mờ về các điều kiện an toàn lao động, mơ hồ về các điều khoản bảo hiểm cũng như các quyền lợi khác của người lao động trong lĩnh vực xây dựng. Những người mẹ, người vợ lo lắng cho con, cho chồng đã từng nói trong nước mắt: “Ở nhà có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Đi làm công trình nhiều tai nạn, nguy hiểm lắm, biết còn giữ được tính mạng hay không?”. Những điều lo lắng đó đã thành sự thật vào 8 giờ sáng ngày 26 tháng 9 ở cầu Cần Thơ.

Tốc độ đô thị hoá càng nhanh số lượng nông dân mất đất ngày càng nhiều trong khi các chính sách về đất đai hiện đang còn rất bất cập khiến cho tình cảnh của không ít bộ phận nông dân trở nên rất tồi tệ. Đã từng có những cảnh báo với Nhà nước từ những người có trách nhiệm về việc chúng ta có nguy cơ không thể giải quyết tốt “bài toán” nông dân mất đất trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mà cụ thể là các chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư, tái đào tạo nghề, cũng như các yếu kém của bộ máy công quyền dung dưỡng cho đặc quyền đặc lợi, tiêu cực, tham nhũng để dẫn tới hệ quả phân chia đất đai không công bằng, không minh bạch…làm nảy sinh những xung đột mạnh mẽ trên con đường phát triển. Không ít người nông dân hiện nay đang đứng trước những thử thách rất lớn. Họ không hề được chuẩn bị khi bước ra khỏi mảnh đất muôn đời của mình. Họ hoặc bị hút vào vòng xoáy công nghiệp hóa một cách vô ý thức, thiếu hiểu biết hoặc bị đẩy ra ngoài và đứng bên lề của sự phát triển. Chúng ta không phủ nhận có một số ít nông dân vượt qua được số phận của mình và vươn lên nắm bắt các cơ hội làm ăn. Họ thích ứng được với sự thay đổi và trở nên giàu có. Nhưng số này hãy còn quá ít và hầu hết đều do họ tự thân vận động chứ chưa phải là kết quả từ những chính sách hỗ trợ hữu hiệu của nhà nước.

Nông dân hiện đang chiếm khoảng 73% dân số cả nước là một lực lượng to lớn và có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển chung của đất nước. Trước kia, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nông dân đã tự nguyện hy sinh rất nhiều cho độc lập dân tộc mà không hề đòi hỏi điều kiện gì. Nhưng ngày nay, trong điều kiện hòa bình, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, nói như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: “không thể đòi hỏi người nông dân cứ phải hy sinh mãi được”!. Vị đại biểu này còn cho biết, ông đi thực tế nhiều nơi và nhận thấy nông dân ta mất đất …dễ quá! Nhiều khi chỉ cần một nét kẻ của một ông chủ tịch nào đó - tất nhiên là nhân danh tập thể, thế là đất đai canh tác từ nhiều đời của người nông dân bị chuyển đổi không chỉ công năng mà cả người sử dụng nữa. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông Quốc cũng đã thực hiện quyền giám sát, kiểm tra, phát hiện những bức xúc của dân rồi chuyển cho các cơ quan chức năng giải quyết. Thế nhưng vị đại biểu này cũng phải than rằng: “Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, phải nói thành thực là giải quyết không mấy khi triệt để. Nguyên nhân là vì hệ thống chính sách của chúng ta rối rắm, mâu thuẫn và còn nhiều kẻ hỡ”.

90% các cụ khiếu kiện đông người vừa qua là có liên quan tới vấn đề đất đai, trong đó khiếu kiện đúng từ 70 đến 80% số vụ. Những con số biết nói đó cho ta thấy điều gì? Phải chăng là nhà nước cần phải quan tâm hơn tới các chính sách về đất đai có liên quan tới quyền lợi lâu dài và hợp pháp của người nông dân. Trước hết là phải nghiêm túc đánh giá lại các nguyên nhân của khiếu kiện để điều chỉnh hợp lý các chính sách cho hợp lòng dân và đáp ứng được các nhu cầu phát triển hơn. Cần phải coi trọng ý dân và tiếp thu đầy đủ các yêu cầu bức xúc của dân để hiểu được trách nhiệm của nhà nước là tạo ra một hành lang an toàn và ổn định cho sự phát triển, tránh những xung đột không cần thiết. Nếu cần phải dùng biện pháp mạnh thì trước hết là phải chận đứng ngay các hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn của các quan chức nhà nước tranh thủ đặc quyền, đặc lợi bao chiếm và tham nhũng đất đai, phá vỡ các tư tưởng  tốt đẹp của nhà nước cách mạng trong vấn đề nông dân.




Phần nhận xét hiển thị trên trang

PHẠM DUY NGHĨA và Một ngày ở Đồng Tâm


Qua các câu chuyện mình cũng biết thêm một số thông tin quan trọng (ngoài những gì đã biết qua báo, mạng) mà không tiện kể ra đây vì nhạy cảm chính trị. “Đêm nay cả xã ngủ ngon” - mọi người nói. Các cặp vợ chồng lại được ngủ với nhau sau một tuần gần như cách li để “trực chiến”. Trong câu chuyện, các cụ ông tỏ ra rất tự hào về truyền thống của Đồng Tâm – xã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì chống Pháp. Hơn 7h tối, hai anh chị là dân trong làng vẫn nhiệt tình rủ mình và chị Thanh lên thăm đồng Sênh, nơi đang xảy ra tranh chấp đất đai, cách làng vài cây số. Đi qua mỗi quãng đồng, họ lại kể cho nghe các đời lãnh đạo xã gần đây đã cướp đất của dân như thế nào. Trong bóng tối hiện ra một chiếc cổng chào cắm cờ, một bên dán chi chít những đơn thư tố cáo việc cướp đất, một bên là bảng chữ lớn ghi “6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”.

MỘT NGÀY Ở ĐỒNG TÂM
PHẠM DUY NGHĨA

Mình về Đồng Tâm sáng ngày 22-4, đi cùng một đồng nghiệp có quê ở Mỹ Đức là chị Mai Thanh. Tới nơi thì thấy người dân đã tập trung khá đông ở cổng làng, chưa có người ở nơi khác đến. Hơn 10h, đoàn xe của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tới, người dân vỗ tay chào đón và cho các xe có đề số thứ tự vào làng, còn một loạt xe của truyền hình và các xe khác bị chặn không được vào, đề phòng gây rối loạn “ảnh hưởng đến danh dự của Đồng Tâm”. Lúc này mới thấy tinh thần kỉ luật của người Đồng Tâm thật cao. Khi các xe của đoàn công tác đã vào trong, họ điều một chiếc máy xúc Kobelco tới chắn giữa cổng làng, lại căng thêm hai lớp dây thừng để ngăn người, một chị phụ nữ đứng nghiêm cầm cờ, bất cứ ai kể cả người làng cũng không được qua cổng nữa. Các lối phụ vào làng được dân cử người canh gác rất nghiêm ngặt, không cho bất cứ ai qua. Về sau, nhờ một sự linh động đặc biệt, mình và chị Thanh vào được trong làng qua lối phụ, có người dẫn đi. Đi mỗi bước đều có những cặp mắt của dân theo dõi (bao năm đã bị lừa lọc nhiều nên họ hết sức cảnh giác), muốn chụp ảnh cũng không được phép.
Đến trụ sở UBND xã, thấy người dân ngồi dọc bên đường theo dõi nội dung cuộc đối thoại trong hội trường giữa đại diện của dân với Chủ tịch thành phố, được phát trên loa truyền thanh cho cả xã nghe. Đó đây, những khúc cây và đụn cát làm chướng ngại vật trên lối đi chưa được dọn hết. Quá trưa, khi cuộc đối thoại kết thúc, ông Nguyễn Đức Chung cùng đoàn làm việc đi bộ ra nhà văn hóa thôn Hoành, nơi vẫn đang giam giữ 19 người. Cánh nhà báo và công an chạy tới, người tụ tập quanh khu vực này rất đông. Tất cả đứng chờ trong nắng. Hầu hết là dân làng, ít có những gương mặt từ xa đến. Một người đàn ông nói: “Người dân mình như con chó bị đuổi đến đường cùng nên phải quay đầu cắn lại”. Bằng giọng bức xúc, có người nói rằng những ngày qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng chỉ nhấn mạnh vào tội lỗi của những người dân thấp cổ bé họng mà cố tình lờ đi những sai trái nghiêm trọng từ phía chính quyền.

Trong căn lều bên cạnh nhà văn hóa, cuộc thương thuyết kéo dài đến khoảng 2h30 chiều và kết thúc với bản cam kết gồm ba điều khoản khiến nhân dân phấn khởi nhiệt liệt vỗ tay. Mình và chị Thanh cùng một số người theo ông Dương Trung Quốc (đại biểu Quốc hội) đi tống tiễn những cảnh sát cơ động được thả lên ô-tô rời khỏi làng. Người dân có vẻ khoái ông Dương Trung Quốc. Một chị nói: “Bác là Bồ Tát của chúng em”. Khi không còn biết bấu víu nương tựa vào đâu, dường như bất cứ ai tỏ ra có thiện chí với nhân dân Đồng Tâm đều làm họ xúc động.

Buổi chiều, mình và chị Thanh được mời ăn cơm uống rượu tại một nhà dân trong làng rồi được dẫn đến một nhà khác chơi. Người dân ở đây rất mến khách, cởi mở và thân thiện. Các ông cụ, bà cụ chủ nhà kể cho nghe về tình trạng “thời chiến” một tuần qua ở Đồng Tâm: các lối ra vào được canh gác cẩn mật suốt ngày đêm, cả xã không ai dám ngủ yên, kẻng báo động cất lên bất cứ lúc nào; toàn dân sẵn sàng kháng cự mọi thế lực tràn về, đề phòng nội gián và vũ khí bí mật từ ngoài đưa vào trong. Qua các câu chuyện mình cũng biết thêm một số thông tin quan trọng (ngoài những gì đã biết qua báo, mạng) mà không tiện kể ra đây vì nhạy cảm chính trị. “Đêm nay cả xã ngủ ngon” - mọi người nói. Các cặp vợ chồng lại được ngủ với nhau sau một tuần gần như cách li để “trực chiến”. Trong câu chuyện, các cụ ông tỏ ra rất tự hào về truyền thống của Đồng Tâm – xã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì chống Pháp.

Hơn 7h tối, hai anh chị là dân trong làng vẫn nhiệt tình rủ mình và chị Thanh lên thăm đồng Sênh, nơi đang xảy ra tranh chấp đất đai, cách làng vài cây số. Đi qua mỗi quãng đồng, họ lại kể cho nghe các đời lãnh đạo xã gần đây đã cướp đất của dân như thế nào. Trong bóng tối hiện ra một chiếc cổng chào cắm cờ, một bên dán chi chít những đơn thư tố cáo việc cướp đất, một bên là bảng chữ lớn ghi “6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân” (!). Hai bên cổng còn có hai câu đối bằng chữ vàng in trên giấy đỏ tươi: “Đuổi giặc cướp nước ông cha luôn vâng theo lời Bác” – “Diệt lũ tham quan cháu con cùng học gương Cụ Hồ”. Phía trong cổng chào là một ngôi lều. Anh trai làng cho biết ở đây luôn có người trực để giữ đất, sẵn sàng quyết tử, và là nơi dân làng ngày ngày thắp hương cầu khấn Bác Hồ phù hộ cho dân chiến đấu đến cùng với bọn quan tham. Đây cũng là nơi dân làng đã nhờ thầy làm lễ mời gọi anh linh Hồ Chủ tịch và vong hồn các liệt sĩ về (nhập vào người sống) động viên, chỉ bảo cho dân con đường giữ đất. “Chúng tôi bị áp bức hơn thời đế quốc” – bà cụ ngoài 80 tuổi trong làng đã nói vậy. Trước kết quả thu được của Đồng Tâm qua cuộc đối thoại với Chủ tịch thành phố, bà cụ xúc động: “Đúng là có sự phù hộ của Cụ Hồ”.


Mình và chị Thanh là hai người đến Đồng Tâm sớm nhất trong sáng thứ bảy ngày 22-4 và có lẽ cũng là hai người cuối cùng rời khỏi làng khi đêm xuống. Một chuyến đi không phải với tư cách nhà báo mà như những người thường về thăm một vùng quê. Về đến Hà Nội, lúc 9h rưỡi đêm nhận được cuộc gọi từ Đồng Tâm hỏi thăm “hai anh chị đã về đến nơi chưa”. Một ngày ngắn ngủi chưa kịp hiểu nhiều về những người dân nơm nớp thân phận con ong cái kiến, nhưng trong sóng gió đã bật lên sự kiên dũng, tinh thần đoàn kết kỉ luật, lòng tự trọng và chân thành.

Blog Lê Thiếu Nhơn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nghịch lý


Xứ này luôn tồn tại những nghịch lý, nhiều đến mức có ngồi suốt ngày tỉ mẩn đếm mỏi mồm cũng không hết. Chẳng hạn:

-Thấy bên Mỹ có ông bác sĩ gốc Việt tên Đào bị đuổi ra khỏi máy bay Mỹ, gớm, cả nước cứ ồn lên, cực lực lên án như chính mình vừa bị đuổi khỏi máy bay của Vietnam Airlines. Vậy nhưng cả một xã Đồng Tâm ngay sát nách thủ đô vùng dậy đòi đất (đất với họ là sự sống) thì hầu hết lại chiêm quan một cách rất thờ ơ, thậm chí không biết.

-Hàng triệu hộ gia đình từ Bắc chí Nam bị nhà nước cướp đất dưới dạng buộc phải nộp vào HTX, hoặc bị thu hồi với lý do dự án này nọ, mất gần trắng, lấy xong nhà nước chỉ bố thí lại cho 5% chính số đất của mình (kiểu bá Kiến đập bàn đập ghế đòi cho được 5 đồng nhưng són ra 5 hào vì thương anh Chí túng quá) thì ai nấy cũng vui vẻ chấp nhận, thậm chí còn hài lòng "biết ơn đảng và chính phủ".

-Ai cũng thấm thía lời cụ Hồ "không có gì quý hơn độc lập tự do" nhưng nhà cai trị ngang nhiên cướp sự tự do (biểu tình, báo chí, lập hội, xuất bản... chẳng hạn) ngay trước mặt thì lại chả dám phàn nàn lấy nửa lời.

-Cả xã hội, thậm chí cả bộ máy cầm quyền đều lên án những vụ bổ nhiệm người nhà, gia đình trị, cả họ làm quan... bởi cho rằng làm như thế là ngang nhiên chiếm đoạt vị trí của những người tài giỏi khác. Nhưng chính đảng cầm quyền không thèm giấu diếm chuyện giành quyền lãnh đạo, tự ban bố quy định chỉ có ai là đảng viên mới được cất nhắc vào vị trí này nọ trong bộ máy nhà nước, mọi chiếc ghế bị thu hết về cho đảng; tuy nhiên, ai cũng biết mà ai cũng chỉ dám thì thào với nhau tỏ sự bực bội, không dám đấu tranh đòi xóa bỏ cái nghịch lý cực kỳ vô lý ấy.

-Tôi chả đếm nữa, mỏi mồm rồi, rút lại là: Ai cũng thấy những nghịch lý như đều sẵn sàng chấp nhận nghịch lý.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

ĐI NỐT CON ĐƯỜNG TÌNH ĐÃ CHON



PHẠM DUY
Trong một đoạn đời u uất của kiếp ca nhân trên đường lữ thứ, tôi đã được cứu rỗi bằng hình ảnh lá diêu bông, vườn ổi, cỗ bài tam cúc, con bê vàng lạc mẹ… của người bạn thi sĩ mang tên Hoàng Cầm.
Hoàng Cầm (trái) và Phạm Duy sau bao năm xa cách.

Mối duyên kỳ ngộ
Từ sau Cách mạng tháng Tám, Hoàng Cầm, Văn Cao với tôi đã trở thành bạn thân, lúc nào, ngày nào cũng có nhau, khiến nhiều người gọi chúng tôi là “bộ ba bất khả ly”. Văn Cao với tôi xưng là “ông” – “tôi”, còn tôi và Hoàng Cầm thích gọi nhau là “tao” – “mày” vì tuổi chúng tôi chỉ chênh nhau vài tháng.
Kháng chiến chống Pháp nổ ra, tôi ở Lào Cai với Văn Cao ít lâu rồi khoác ba lô ra đi, chọn con đường làm kẻ hát rong.
Cuối năm 1947 đó, tôi và nhạc sĩ Ngọc Bích từ tỉnh lỵ Thái Nguyên bị tiêu hủy hoàn toàn đi bộ qua Bắc Giang, tìm về làng Lan Giới thuộc khu Nhã Nam, Yên Thế (Bắc Giang) để gia nhập đội Văn nghệ kháng chiến của Hoàng Cầm. Lúc ấy, đội văn nghệ chỉ có 7 – 8 người nhưng chúng tôi đi lưu diễn khắp những nơi có Vệ Quốc Đoàn đóng quân trong ba tỉnh Cao – Bắc – Lạng.
Tôi và Hoàng Cầm tính trái ngược nhau, trong khi tôi thích đùa giỡn thì anh giống như một ông đồ non, lúc nào cũng ngồi hút thuốc lào, rung đùi, trầm ngâm.
Nhà thơ Hoàng Cầm
Nhà thơ Hoàng Cầm

Lúc ấy, anh đang sống chung với Tuyết Khanh – người sinh ra Kiều Loan mà sau này duyên kỳ ngộ đã trở thành con gái đỡ đầu của tôi bên Mỹ. Cầm mơ mộng, nặng tình. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ đêm vợ chồng Cầm – Khanh chia tay nhau để Cầm lên đường đi lưu diễn vùng kháng chiến, lần bên nhau cuối cùng của họ.
Trong bữa cơm đạm bạc tại Phố Nỉ (Bắc Giang), Hoàng Cầm ngồi rung đùi ngâm thơ bên cạnh người vợ mà sau đấy rồi đây anh sẽ không bao giờ gặp lại nữa, giọng ngâm buồn rười rượi…

Hồn thơ tranh đấu…
Với tôi, chỉ có thơ của Hoàng Cầm mới làm cho miền đất Kinh Bắc lung linh và hiển hách hơn bất cứ một giọng thơ nào khác. Thơ kháng chiến của anh không chỉ có hình ảnh Vệ Quốc Quân mà còn rất quan tâm tới người dân thường như người mẹ già, người vợ hiền, cô hàng xén răng đen, đàn trẻ nhỏ sột soạt quần nâu… Khi những bài thơ đó được ngâm lên, ai mà không muốn chiến đấu để gìn giữ cảnh vật và những con người thân yêu đó?
Những bài thơ kháng chiến như vậy đã được Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm trong rừng sâu, trên đồi cao hay trong những hang đá dưới ánh đuốc bập bùng… Trong ba lô của bất cứ một Vệ Quốc Quân nào cũng có những bài thơ chép tay của Hoàng Cầm.
Tôi không có tham vọng đóng vai trò một nhà khảo cứu phê bình, tôi chỉ muốn hoá giải một nỗi buồn thương trong tôi mỗi khi nhớ tới Hoàng Cầm. Tôi muốn nói rằng: Trước hết, trong thi ca Việt Nam có một giai đoạn được gọi là ”thời kỳ kịch thơ” thì ai cũng phải công nhận đó là thời kỳ của Hoàng Cầm. So với các thi sĩ khác, kịch thơ của Hoàng Cầm chói lọi nhất (mặc dù về sau, kịch thơ không còn đất đứng).
Năm 2000, trở về Hà Nội, người tôi đến thăm đầu tiên là Hoàng Cầm. Khi tôi thổ lộ ý định muốn trở về định cư trên đất Mẹ, anh bảo dù cho còn chút hơi tàn cũng cố ký vào lá đơn để tôi trở về, vì người nghệ sĩ không thể nào sống thiếu quê hương. Anh đã sống một đời thơ như thế, câu nào, chữ nào cũng chan chứa hương vị quê hương.
Phạm Duy, Nguyễn trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha thăm nhà thơ Hoàng Cầm.

Giờ đây phải vĩnh biệt anh, tôi càng thấm thía câu chuyện mà chúng tôi đã nói cùng nhau vào lúc cả hai đều gần đất xa trời, rằng rốt cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi!
Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cũng đã dìm hai thằng xuống rất sâu nhưng cả hai kẻ lãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn. Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật – nó làm cho chúng tôi, sau nhiều cơn vật vã vẫn có thể gạn đục khơi trong rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người.
Vâng! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm đã nói: “Ton art purifie ton âme” và đã giúp anh đi nốt con đường đã chọn: CON ĐƯỜNG TÌNH, tình nước, tình người.
__________

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?


Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử thì gặp một người đang đứng ở cổng nhà.
Người khách này ngăn vị học trò kia lại hỏi: “Nghe nói thầy dạy của ngài là Khổng thánh nhân, như vậy thì học vấn của ngài chắc phải cao lắm. Ngài cho ta hỏi một năm có mấy mùa? Nếu ngài trả lời đúng, ta sẽ dập đầu quỳ lạy ngài, còn nếu trả lời sai thì ngài phải bái lạy ta.”
Vị đệ tử kia suy nghĩ một lát rồi nói: “Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bốn mùa!”
Người khách kia cãi lại: “Sai! Có ba mùa!”
Vị đệ tử cảm thấy thực sự là kỳ quái nói: “Rõ ràng là một năm có bốn mùa, sao ngươi lại nói là có ba mùa?”
Đúng lúc hai người tranh luận không thôi thì Khổng Tử đi ra. Vị khách kia hỏi: “Thánh nhân! Xin ngài hãy phân xử, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”
Khổng Tử nhìn vị khách một lượt rồi nói: “Ba mùa!”
Vị khách vô cùng đắc thắng, quay sang cậu học trò của Khổng Tử: ‘Ngươi nghe đã rõ chưa, còn không bái ta một lạy tạ lỗi sao?’. Nói rồi đắc chí cười ha hả đi thẳng.
Cậu học trò thấy hết sức quái lạ, bèn hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa?”
Khổng Tử trả lời: “Con không thấy người kia sao? Đó là một con châu chấu biến hóa mà thành. Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa, xuân, hạ và thu, nó đâu có biết mùa đông? Con tranh luận với nó chẳng phải là không bao giờ có kết thúc sao?”
Vị đệ tử bừng tỉnh hiểu ra đạo ý cao thâm của bậc Thánh nhân: Tranh cãi với người không cùng cảnh giới là việc phí thời gian vô ích. Lão Tử nói: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện” (Nghĩa là: người thiện thì không tranh biện, người tranh biện thì không phải thiện). Sự tu dưỡng, trưởng thành trong đời một người thể hiện ở việc làm, không phải ở lời nói, tranh biện. Xưa nay, phàm đã là chân lý thì đâu cần tranh biện?
Kẻ tiểu nhân nhầm tưởng rằng tranh luận không ngớt là khẳng định được chân lý thuộc về mình. Kỳ thực, chân lý vốn không thuộc về người, mà là đạo của vũ trụ. Việc của người quân tử là dụng tâm tu dưỡng đến cảnh giới của chân lý, gọi là giác ngộ, viên mãn. Kẻ tiểu nhân lấy cái ngu xuẩn của mình khăng khăng tranh luận cao thấp với người khác. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử viết: “Đạo của bậc Thành nhân là làm mà không tranh”.Một trong ba nguyên lý tu dưỡng tối cao của Phật gia chính là NHẪN. Nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.
Phú Bật thời Bắc Tống khi còn trẻ, ông đang đi bộ trên đường phố thành Lạc Dương thì bỗng nhiên có một người mắng chửi ông. Một người đi đường đã ghé tai Phú Bật mà nói nhỏ: “Chàng trai trẻ, có người đang mắng chửi cậu kìa.” Phú Bật nghe xong liền nói: “Hình như là mắng người khác đó.” Người đó lại nói: “Người ta còn gọi tên của cậu mà chửi đó.” Phú Bật suy nghĩ một chút rồi nói: “Có lẽ là mắng người khác, rất có thể người đó trùng tên họ với tôi.” Sau đó, người mắng chửi Phú Bật nghe được phản ứng của ông nên thấy rất hổ thẹn, đến xin lỗi Phú Bật.
Phú Bật chẳng phải chính là đã hành xử như người quân tử, không tranh biện với kẻ tiểu nhận. Đó không phải là nhu nhược mà là không để tâm vào những chuyện vụn vặt, lùi một bước biển rộng trời cao. Cho nên, người xưa cho rằng người thông minh nhưng giả ngốc mới là đạo xử thế của nhà thông thái. Đời người quá ngắn ngủi và quý giá, việc cần làm lại quá nhiều, sao phải vì điều khó chịu mà lãng phí thời gian? Hiểu được cái đạo của người giả ngốc, bạn sẽ thấu một cảnh giới khác của đại trí tuệ.
Trong Luận ngữ, Khổng Tử giảng: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn.” (Tạm dịch: Bậc quân tử ăn nhưng không cầu ăn no, ở không cầu an, nhanh nhẹn, minh mẫn trong việc làm nhưng rất thận trọng về lời nói). Lại thêm: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành” (Bậc quân tử thường chậm trong lời nói nhưng hành động thì nhanh nhạy).
Rõ ràng là người xưa xem phẩm chất người quân tử là ở hành động, nói ít làm nhiều, lấy hành động chứng minh thay vì xảo biện, có nói cũng lấy khiêm nhường, đúng mực, thậm chí im lặng không nói. Kẻ tiểu nhân ngược lại, nói nhiều nhưng chẳng làm gì cả. Thế nên nhân gian mới có câu: ‘Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo…’
Một lẽ hết sức dễ hiểu là những người nhẫn nhịn không tranh biện bởi họ còn đang phải… miệt mài làm việc. Kẻ tiểu nhân làm ít nên rảnh rỗi nói nhiều, về bản chất thực sự không phải có năng lực. Người tài trí biết trân quý thời gian hữu hạn, một khi qua đi không trở lại nên dốc lòng toàn tâm toàn trí vào công việc, không muốn phí tiếc cho việc tranh cãi đúng sai. Tâm tranh đấu hơn thua cao thấp họ đã buông bỏ từ lâu…
Kẻ tiểu nhân khoa ngôn xảo ngữ nhưng thực ra mọi việc đều để người khác làm cả. Như vậy tranh cãi với kẻ tiểu nhân há chẳng phải hạ mình xuống bằng họ mà phí thời giờ vô ích sao? ‘Người tốt không tranh biện, người tranh biện không tốt. Người biết không học rộng, người học rộng không biết.
Hàm ý là: Người thông minh không nhất định là kẻ học rộng. Người học rộng lại cũng không nhất định là người thông thái trí huệ. Bởi thứ quyết định trí tuệ của một người không phải ở tri thức tích lũy nhiều bao nhiêu mà là ở tâm thái cảnh giới tư tưởng cao bao nhiêu. Kẻ thông minh dùng khoa ngôn xảo ngữ để hùng biện. Bậc trí giả, ngược lại, đã tu dưỡng đến độ hiểu rằng, nói là một loại năng lực, còn im lặng là một loại trí huệ. Vậy há chẳng phải sống trên đời, không cần tranh cãi với kẻ tiểu nhân?
SƯU TẦM


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xe bay đã trở thành hiện thực


image

Không còn là khoa học viễn tưởng. Một số công ty khởi nghiệp cũng như các hãng lớn đang nỗ lực chế tạo các máy bay cá nhân nhỏ gọn giúp người sử dụng có thể bay lượn vòng quanh thành phố.

Xe bay Kitty Hawk Flyer là một trong số các kiểu mẫu đang được phát triển bởi Kitty Hawk, một công ty khởi nghiệp ở Mountain View, California.

image

Gần đây, công ty Kitty Hawk vừa cho chạy thử chiếc xe bay, bay lượn trên một hồ nước cách San Francisco chừng 100 dặm.

Đây là chiếc xe không mui, 1 chỗ, vận hành bằng 8 cánh quạt chạy bằng pin.

image

Hơn 1 chục công ty khởi nghiệp được hậu thuẫn bởi các tên tuổi ‘giàu có’ trong ngành công nghiệp như Larry Page, một sáng lập viên của Google, cùng các hãng hàng không vũ trụ như Airbus, công ty Uber, và cả chính phủ Dubai, đang chấp cánh giấc mơ tạo xe bay.

Cách tiếp cận của các công ty cũng đa dạng khác nhau nhưng cùng mục tiêu: tin tưởng rằng một ngày không xa, những công dân bình thường có thể tự lái máy bay riêng của mình để di chuyển.

image

Thách thức trước mặt hãy còn nhiều, với rất nhiều các quy định của ngành và của chính phủ, nhưng có lẽ khó khăn nhất là phải làm sao thuyết phục được công chúng rằng ý tưởng này không điên rồ.

Kitty Hawk, công ty được ông Page hỗ trợ, đang tìm cách đi đầu trong lĩnh vực xe bay và bắt đầu bán sản phẩm trước cuối năm nay.

Năm 2013, Zee Aero, một nhánh của Kitty Hawk, trở thành đề tài bàn tán của Thung lũng Silicon khi thông tin về một chiếc máy bay nhỏ giống như taxi lần đầu tiên xuất hiện.


Công ty Kitty Hawk Flyer hy vọng lôi cuốn được nhiều người quan tâm, những khách hàng sẵn lòng chi 100 đô la để đăng ký được giảm giá 2000 đô la giá bán lẻ một chiếc xe bay, dù công ty chưa định giá thành chính thức cho sản phẩm.
BM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuốn sách nguy hiểm nhất thế giới?


http://baomai.blogspot.com/
Cuốn sách ‘Mein Kampf’ (Con đường đấu tranh của tôi) của Adolf Hitler sẽ hết thời hạn bản quyền ở Đức vào năm 2015. Điều gì sẽ xảy ra khi giới chức không còn có thể kiểm soát việc in ấn và phát hành cuốn sách này?

Xuất bản hay đốt bỏ?

image
“Họ muốn biến nó thành Kinh Thánh,” ông Stephan Kellner, một chuyên gia sách hiếm, thì thầm trong một căn phòng yên ắng ở thư viện bang Bavaria. Ông giải thích bằng cách nào mà Đức Quốc xã đã biến một cuốn sách kể lể – nửa là hồi ký, nửa là tuyên truyền – thành tài liệu trung tâm trong ý thức hệ của Đệ tam Đế chế?
Khi Mein Kampf hết thời hạn bản quyền thì cũng có nghĩa là về mặt lý thuyết bất cứ ai cũng có thể xuất bản tác phẩm này ở Đức. Một chương trình mới trên đài phát thanh BBC 4 đã tìm hiểu giới chức Đức sẽ làm gì với cuốn sách tai tiếng nhất trên thế giới này.

http://baomai.blogspot.com/
Việc thế hệ trẻ tiêm nhiễm tư tưởng Quốc xã có thể được ngăn chặn tốt hơn bằng cách đối diện cởi mở với những gì Hitler viết chứ không phải giữ cho những gì bị người đời nguyền rủa này trong bóng tối của sự bất hợp pháp.New York Times viết trong một bài xã luận
Theo nhà sản xuất chương trình có tên là ‘Xuất bản hay đốt bỏ’, cuốn sách này vẫn là một tài liệu nguy hiểm. “Lịch sử về Hitler là những câu chuyện hạ thấp Hitler và người ta đã hạ thấp cuốn sách này,” ông John Murphy, người có ông nội đã dịch bản tiếng Anh đầy đủ đầu tiên của Mein Kampf hồi năm 1936, nói.

“Có lý do để chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc bởi vì người ta có thể diễn dịch sai nó. Mặc dù Hitler viết cuốn sách này vào những năm 1920, những gì mà ông ta viết ông ta đã thực hiện. Nếu lúc đó người ta để ý một chút có lẽ họ đã nhận ra mối đe dọa,” ông nói.

http://baomai.blogspot.com/
Hitler bắt đầu viết Mein Kampf khi còn ở trong tù vì tội phản quốc sau cuộc nổi dậy thất bại ở Munich hồi năm 1923. Cuốn sách đề ra quan điểm phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Một thập niên sau đó khi Hitler giành được quyền lực thì cuốn sách này đã trở thành tài liệu chủ chốt của Đức Quốc xã. 12 triệu bản đã được in và được phát cho các cặp vợ chồng mới cưới trong khi các bản mạ vàng được trưng bày trang trọng trong nhà của các quan chức.

image
Cuốn sách là cương lĩnh chính trị của Đức Quốc xã
Vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi quân đội Mỹ chiếm được nhà xuất bản Eher Verlag của Đảng Quốc xã, bản quyền Mein Kampf chuyển sang chính quyền bang Bavaria. Họ đảm bảo rằng cuốn sách này chỉ được tái bản ở Đức trong những trường hợp đặc biệt. Nhưng với việc bản quyền của nói hết hạn vào tháng 12 năm 2015 thì tại Đức đã nổi lên tranh luận gay gắt về việc làm cách nào để ngăn chặn mọi người tự do in ấn nó.

Làm sao ngăn được?

“Chính quyền bang Bavaria đã dùng bản quyền để kiểm soát việc xuất bản Mein Kampf nhưng sự kiểm soát đó sắp kết thúc – điều gì sẽ xảy ra?” ông Murphy nói, “Đây vẫn là một cuốn sách nguy hiểm – hiện đang có những vấn đề với bọn phát xít mới và nguy cơ người ta diễn giải sai nó nếu nó không được đặt trong đúng bối cảnh.”
Một số người đặt vấn đề liệu có ai đó muốn tái bản cuốn sách này hay không. “Nó đầy những lời lẽ khoa trương, khó theo dõi, những vụn vặt lịch sử và những sợi chỉ tư tưởng rối nùi mà cả những kẻ tân phát xít cũng như các sử gia đều muốn né tránh.”

image
Hitler viết Mein Kampf khi đang ở trong tù
Vậy mà Mein Kampf trở nên được yêu thích ở Ấn Độ với các chính trị gia có xu hướng theo chủ nghĩa dân tộc. “Nó được xem là một cuốn sách tự học rất ý nghĩa,” Atrayee See, giảng viên về tôn giáo và xung đột đương đại ở Đại học Manchester, nói, “Nếu loại phần nói về chủ nghĩa bài Do Thái ra thì nó là cuốn sách về một người đàn ông mơ chinh phục thế giới và muốn thực hiện ước mơ này.”

Việc đặt cuốn sách này khỏi bối cảnh của nó là một trong những lo sợ của những người phản đối việc tái bản. Trong chương trình ‘Xuất bản hay đốt bỏ’, ông Ludwig Unger, phát ngôn nhân của Bộ Giáo dục và Văn hóa bang Bavaria, nói. “Hậu quả của cuốn sách này là hàng triệu người thiệt mạng, hàng triệu người bị ngược đãi, nhiều nước chìm vào chiến tranh. Điều quan trọng là bạn phải luôn nhớ những điều này. Khi đọc một số đoạn trong sách bạn luôn phải có những nhận định lịch sử phản biện phù hợp.”

Khi bản quyền hết hạn, Viện Sử học Đương đại Munich có kế hoạch đưa ra một ấn bản mới của Mein Kampf. Ấn bản này sẽ kết hợp bản gốc với những lời bình luận chỉ ra những thiếu sót và xuyên tạc sự thật trong cuốn sách. Một số nạn nhân của Đức Quốc xã đã lên tiếng phản đối cách làm này trong khi chính quyền bang Bavaria rút lại sự ủng hộ sau khi những người sống sót trong nạn diệt chủng người Do Thái chỉ trích.

image
Hàng triệu người Do Thái là nạn nhân trong các trại tập trung của Hitler
Nhưng chôn vùi cuốn sách này có lẽ không phải là cách làm hay. Một bài xã luận trên tờ New York Times lập luận: “Việc thế hệ trẻ tiêm nhiễm tư tưởng Quốc xã có thể được ngăn chặn tốt hơn bằng cách đối diện cởi mở với những gì Hitler viết chứ không phải giữ cho những gì bị người đời nguyền rủa này trong bóng tối của sự bất hợp pháp.”
Murphy thừa nhận rằng một lệnh cấm cuốn sách xuất bản trên toàn cầu là không thể thực hiện được. “Điều này phụ thuộc nhiều vào việc chính quyền Bavaria có lập trường. Họ phải đưa ra lập trường ngay cả khi trong thế giới hiện đại họ sẽ không thể ngăn chặn người ta tiếp cận cuốn sách.”

http://baomai.blogspot.com/
Chris Bowlby, người dẫn chương trình ‘Xuất bản hay đốt bỏ’ cho rằng những hành động biểu tượng vẫn có ý nghĩa. Sau thời hạn bản quyền, bang Bavaria dự định sẽ dùng điều luật cấm kích động hận thù sắc tộc để truy tố những ai xuất bản cuốn sách này. “Theo quan điểm của chúng tôi thì tư tưởng của Hitler đồng nghĩa với khái niệm về sự kích động,” ông Ludwig Unger nói, “Nói là một cuốn sách nguy hiểm nếu ở trong tay không đúng người.”
BM

Phần nhận xét hiển thị trên trang