Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Bác có bị làm sao không đấy bác Thông?:

Khát vọng vĩ đại của người cộng sản

(Tôi viết bài này ngay sau ngày cụ Fidel Castro ở Cuba qua đời, và đã đưa lên. Tuy nhiên, dù bài không có ý gì xấu về cụ Fidel, nhưng theo lề thói phương Đông, nghĩa tử là nghĩa tận, tôi đã hạ xuống sau đó. Nay chuyện đã nhạt, tôi đưa lên lại, ít nhất cũng để những người CS xứ này sắp họp hội nghị T.Ư 5 tham khảo mà rút ra được điều gì chăng).

Ngày 25.11.2016, một nhân vật huyền thoại của phe cộng sản trên thế giới, nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro Ruz qua đời, thọ 90 tuổi. Ông cầm quyền liên tục từ tháng 1.1959 sau khi làm cuộc lật đổ chế độ tư sản của Batista, theo đường lối cộng sản, chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô, mãi tới khi sức tàn lực kiệt, không trụ nổi vào năm 2011 ông mới chịu buông, nhưng không buông hẳn mà “nhường ngôi” cho người em ruột, khi ấy cũng đã hơn 80 tuổi.

Xung quanh nhân vật này, phe cộng sản tô vẽ thêm nhiều điều “khác thường” nên người ta nói “nhân vật huyền thoại” là do vậy. Đó cũng là cách dựng nên, tạo ra một idol, dù là Cuba idol nhưng cũng có ý nghĩa chung cho cả phe, mang tính quốc tế. Phe cộng sản thường tuyên truyền đề cao tập thể, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nhưng lại thường xuyên thần thánh hóa các cá nhân, dạng Stalin, Brezhnev, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Ceaucescu… để lôi cuốn dân chúng. Nhất thời, những idol này, thông qua bộ máy tuyên truyền, chả khác gì chúa trời, khiến dân chúng phải sùng bái, tụng niệm, làm theo. Tuy nhiên, điều tai hại là, khi thời thế thay đổi, thần tượng sụp đổ thì hình ảnh tan biến rất nhanh, thảm hại. Cuộc sống luôn có quy luật của nó chứ chả tuân theo ý chí chủ quan của một tổ chức hay cá nhân nào.

Lại nói về chuyện ông Fidel. Những năm Liên Xô còn hùng mạnh, đứng đầu phe XHCN đối trọng với 'tập đoàn tư bản đế quốc" do Mỹ dẫn dắt, ông Fidel được coi là tên lính xung kích ở tây bán cầu. Có Liên Xô chống lưng, ông thành người hùng. Cuba những năm ấy hầu như chỉ có 2 nhiệm vụ: chống Mỹ và trồng mía ép đường bán cho Liên Xô. Tất cả đã có anh cả Liên Xô lo, Cuba tạo cho mình một nền kinh tế phụ thuộc tới mức khi anh cả sụp đổ, tan rã năm 1991, bị cắt bầu sữa, em bé Cuba đói sữa ngày càng đèo đẹn, suy dinh dưỡng, cho tới nay đã 25 năm vẫn không hồi phục được. Từ một nước phát triển nhất vùng Caribe, đứng hàng đầu Trung Mỹ, nay Cuba nằm trong nhóm nước nghèo đói thiếu thốn lạc hậu nhất thế giới. Tất cả đều bắt đầu từ cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, và bi kịch ở chỗ cho đến bây giờ những người cộng sản Cuba độc quyền cai trị đất nước nhỏ bé chục triệu dân này vẫn kiên định đi theo con đường nghèo đói ấy. Hôm 29.11.2016, họ hứa trước linh cữu ông Fidel rằng sẽ vẫn nối tiếp đường ông đi. Đương nhiên là thế, ông em phải nối gót ông anh, ông già 85 cứ phải làm như ông già 90 đã làm, khác thế nào được. Một thế hệ già nua đã đứng ở cổng âm ti nhưng vẫn làm nhiệm vụ dẫn dắt cho cả một dân tộc đi tìm tương lai. Có trái khoáy, bất hạnh nào như thế chăng?

Hồi miền Bắc Việt Nam đánh nhau với Mỹ, ông Fidel là người ủng hộ nhiệt thành. Những thập niên 60-70 thế kỷ trước, lứa chúng tôi nghe tuyên truyền nhiều về ông, rất kính phục ông và ông Che Guevara. Nghe người lớn kể ông định đưa quân sang đánh giúp nhưng cụ Hồ bảo chưa cần. Ông cử kỹ sư và công nhân sang giúp làm lại đường số 6 Xuân Mai - Hòa Bình, giúp xây cái nhà khách ven hồ Tây cho đảng có chỗ tiếp khách, xây cái bệnh viện Việt – Cu ở Đồng Hới (Quảng Bình), chở bò sữa qua để nuôi trên vùng Ba Vì, Mộc Châu, bán rẻ đường cho Việt Nam hoặc đổi lấy gạo, mặc cho máy bay và thủy lôi Mỹ phong tỏa dày đặc trên trời dưới nước vẫn đưa tàu thủy chở hàng tới cảng Hải Phòng, khi Quảng Trị vừa được giải phóng là ông sang thăm động viên ngay. Ông Fidel làm việc đó với tinh thần lúc bấy giờ người ta hay nhắc đến, là “quốc tế vô sản”, đành rằng tất cả mọi điều đều có sự chỉ đạo từ Liên Xô. Người cộng sản Việt Nam biết ơn ông, sống tình nghĩa thủy chung với Cuba và ông cho đến giờ cũng một phần do những quá khứ tốt đẹp ấy.

Nhưng ông Fidel cũng là hình ảnh của một người lính, thậm chí hiếu chiến. Ông đề ra khẩu hiệu “Tổ quốc hay là chết”, dù có phải đánh đến người cuối cùng cũng không sợ. Ông giống người cộng sản Việt Nam ở chỗ “kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ”, thích làm người lính đi đầu. Tôn thờ chủ nghĩa cộng sản, ông Fidel và những người như ông trên khắp thế giới coi sự độc lập dân tộc chỉ là chuyện nhỏ, hạnh phúc no ấm của người dân lại càng không đáng quan tâm khi mục đích lớn chưa đạt được. Cái mà họ phấn đấu là Hòa Bình Thế Giới, là tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, những thứ mà họ quy vào mấy chữ ngắn gọn: bóc lột, xâm lược. Phải đấu tranh cho hòa bình thế giới, canh giữ hòa bình thế giới. Chính vì vậy, sau khi đã cướp được chính quyền bằng gươm súng, hầu như không nước cộng sản nào chịu dừng cuộc chiến tranh lại để tập trung vào việc xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho dân mình mà cứ mải miết cuộc hành trình vũ lực vô định với mục đích vĩ đại lớn lao hơn: cách mạng thế giới. Biết bao nhiêu xương máu đã đổ ra cho sự bao đồng không tưởng này.

Chả phải chỉ Cuba, ngay cả Việt Nam và những nước cộng sản khác đều bị cuốn vào cái vòng xoáy “ai thắng ai” khủng khiếp, tàn bạo ấy. Họ tự đắc “Ta vì ta ba chục triệu người/Cũng vì ba nghìn triệu trên đời”, “Ta giữ cho ai mảnh đất này…/Ta hiểu vì sao ta chiến đấu/Ta hiểu vì ai ta hiến máu”…, tức là cái tham vọng của họ không bị gói gọn trong phạm vi dân tộc mà kinh khiếp hơn nhiều, nó ôm trùm cả quả địa cầu. Theo họ, chỉ có sức mạnh của chủ nghĩa xã hội mới có thể tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, mới đem lại no ấm, hạnh phúc, hòa bình cho nhân loại. Sống chết cũng phải giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, ngay cả khi hết gió.

Thời cách nay nửa thế kỷ, nhưng câu thơ như trên được coi là tuyệt bút. Giả dụ mấy lời nôm na tự sướng của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết “Việt Nam, Cuba như trời đất sinh ra. Một anh ở phía đông, một anh ở phía tây, chúng ta thay phiên nhau canh giữ hòa bình thế giới. Khi Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam thức thì Cuba nghỉ” mà phát ra khi đó chắc cũng được xem như lời thánh nhân, chỉ tiếc nó bị lùi lại mấy chục năm nên trở thành trò cười. Người cộng sản đã tự huyễn hoặc mình với những khát vọng to tát kiểu vậy. Dân gian thì nói ngắn gọn “Ốc chưa mang nổi mình ốc, cứ đòi mang cọc cho rêu”.

Sau này, khi một số người trong bộ máy của họ tỉnh ngộ ra, thì nhận thấy rằng họ đã kiêu hãnh một cách mù quáng. Ông Phan Diễn từng là một yếu nhân trong bộ máy cai trị xứ này cũng phải cay đắng thừa nhận đã tồn tại một thứ "kiêu ngạo cộng sản", coi tất cả đều chẳng ra gì. Thì đúng vậy, con ếch ngồi đáy giếng, bầu trời chỉ to bằng cái vung thôi.

Nói gì thì nói, khát vọng vĩ đại đó là rất đẹp đẽ, chỉ có điều người cộng sản luôn làm ngược lại những điều họ muốn. Lý luận và thực tế luôn trái nhau. Họ muốn hòa bình thế giới nhưng cứ chỗ nào có cộng sản là có chiến tranh. Cuộc thâu tóm và phân rã Liên bang Xô viết, sự đối địch Đông và Tây Đức, Bắc và Nam Việt Nam, Bắc và Nam Triều Tiên, cách mạng văn hóa tàn bạo ở Trung Quốc, rồi nội chiến Etiopia, Afganistan, Nicaragua, Mozambique, Angola, Congo… với xung đột, chém giết đủ để chứng minh rằng đi liền với cộng sản là chiến tranh chứ không phải hòa bình. Có lẽ cái câu nói mà người đời bảo là của ông tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chính thể Việt Nam cộng hòa rất đúng trong trường hợp này (và đúng trong rất nhiều lĩnh vực, vấn đề khác).

Một khát vọng vĩ đại, có đôi khi cũng đem lại thảm họa vĩ đại. Thật tiếc cho con người.

Nguyễn Thông 
(Bài tiếp theo: Sự kiêu ngạo cộng sản)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cũng là một kiểu dân oan!

Khi nhà văn nhớ lại...

Vụ bắt giữ nhà văn Bùi Ngọc Tấn đến nay vẫn còn là một bí ẩn, ít nhất với tôi. Anh bị bắt và giam giữ gần sáu năm trời vì tội gì, mỉa mai thay, có lẽ anh cũng không biết. Vì anh thân với anh Nhân, một lãnh đạo bị thất sủng, có quan điểm cấp tiến? Vì những chuyện trà dư tửu hậu giữa các nhà văn vốn lắm lời luôn than thân trách cái phận lửng lơ giữa "văn nô", ""bồi bút" và người cầm bút tự do? Thời đó, như một câu thơ Akhmatova, "chỉ người chết mới được bình yên". Phải chăng, như lời anh Nhân, nhà tiên tri, đây là cơ hội trăm năm một lần trong đời một nhà văn? Tấn đã bị "đá như quả bóng" trong nhà tù để có cơ may viết được một tác phẩm để đời? Phải ở tù như Dostoiewski, như Solzhenitsyn hay lưu đày như Hugo, Kundera mới viết được tuyệt tác? Trời ơi, tội tình gì mà Trời đày nhà văn hay nhà văn buộc phải sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến vậy mới có tác phẩm lớn?


KHI NHÀ VĂN NHỚ LẠI

NGUYỄN QUANG THÂN

Nếu Bùi Ngọc Tấn có "Truyện kể những năm sáu mươi" chắc chắn sẽ khác rất nhiều với “TRUYỆN KỂ NĂM 2000". Đơn giản vì tôi biết có một Bùi Ngọc Tấn khác, một thời để sống để yêu và để viết khác. Thời đó đã xa nhưng với tôi nó vẫn còn rất gần, nó vẫn chưa dứt áo trôi về quá khứ. Những năm sáu mươi thế kỷ trước. Chúng tôi, Bùi Ngọc Tấn, Nguyên Bình cũng như nhiều người yêu văn chương cùng lớp, đã là những chàng trai trẻ hồn nhiên nhiều hoài bão. Khi tôi về Hải Phòng thì Tấn đã ở đó. Anh chuyển từ một tờ báo lớn ở Hà Nội, có lẽ muốn được gần quê hương Thủy Nguyên của anh. Nguyên Bình cũng vậy. Còn tôi, 28 tuổi, rời trường viết văn Quảng Bá sau hai năm được sống trong môi trường văn chương với các thầy là những nhà văn, những học giả đỉnh cao mà từ thời trai trẻ, chúng tôi coi như những ngọn núi.
Chúng tôi yêu văn chương theo cách yêu của thế hệ mình, với những thần tượng và tên tuổi quen thuộc của nền văn thơ sáng lạn 30 – 45 và sau đó là văn nghệ kháng chiến tuy còn thưa mỏng nhưng cũng rất quyến rũ như hoa rừng Việt Bắc. Yêu thì yêu còn không biết viết như thế nào. Văn học lãng mạn huy hoàng trước cách mạng nhưng đã lỗi thời và thực sự cũng hết hấp dẫn.
Tấn và Nguyên Bình là biên tập viên, có khi là phóng viên báo Hải Phòng. Tôi được lĩnh lương của ngành thủy lợi như một người viết văn chuyên nghiệp. Một số ngành kinh tế muốn có một nhà văn “đi thực tế” ngành mình để viết. Tất nhiên là có dụng ý tuyên truyền. Thời đó và mãi đến bây giờ, dưới cái ô "tính đảng", văn chương với tuyên truyền như hình với bóng. Tấn và Nguyên Bình, một làm mảng công nghiệp, một nông nghiệp, ngoài chỉ tiêu viết cho báo nhà, cả hai đều hăm hở thức khuya dậy sớm viết văn. “Đi thực tế”, “về cơ sở” để tìm vốn sống như là một phong trào. Châu Diên (Phạm Toàn) xin ra khỏi biên chế về lao động tại nhà máy xi măng Hải phòng, cũng trọ nhà Nguyên Bình. Anh nhiều tuổi hơn chúng tôi, nhiệt huyết cũng hơn chúng tôi vì đã cả gan bỏ biên chế nhà nước, đồng nghĩa rời bỏ vú bao cấp, tự lao động để tìm hiểu tâm tư người thợ.
Chúng tôi say mê sáng tác, viết báo để có dịp đi nhiều, có nhuận bút cải thiện cảnh sống thời bao cấp khó khăn. Đứa nào cũng có một số truyện dài, truyện ngắn được in, được đọc và đương nhiên đều hào hứng tưởng rằng mình đang đặt chân vào lâu đài văn chương mong ước. Có khi còn tự hào mình là“chiến sĩ”, là tín đồ của phương pháp sáng tác được coi là tiến bộ nhất mọi thời đại là "hiện thực xã hội chủ nghĩa". Mặc dù cho tới nay, chúng tôi và có lẽ nhiều nhà văn vẫn chưa thể nuốt trôi cái món phương pháp sáng tác mà không hiểu nó như thế nào. Vào thời sôi nổi “phục vụ bằng ngòi bút”ấy, Tấn cũng như chúng tôi không như bây giờ. Chúng tôi không được đọc và cũng chưa nghĩ tới được như A. Camus năm 1957, cái chuỗi nghiệp chướng: servir - servant - asservi ( Il sert et, servant, il est asservi - nghệ thuật phục vụ và là người hầu, nó bị nô lệ hóa). Hiển nhiên đó cũng là nghiệp chướng của "nhà văn chiến sĩ". Tấn  cũng hồn nhiên, cũng hăng hái, như chúng tôi, lẫn lộn tuyên truyền với văn chương, đều sướng rơn lên khi được in cái gì đó.
Có một người đã vô tình hay cố ý đánh động, kéo chúng tôi ra khỏi cơn say "phục vụ" đó, không ai khác lại là anh Hoàng Hữu Nhân, người lãnh đạo cao nhất của thành phố. Tấn quan hệ rất thân với anh Nhân vì thường cùng anh đi thăm nhà máy, xí nghiệp với tư cách nhà báo. Khi Tấn có ý định viết một cuốn tiểu thuyết mà nhân vật chính có nguyên mẫu là bí thư thành ủy, anh can ngăn. Tôi không biết anh đã nói với Tấn những gì. Nhưng với tôi, dù tôi không quen thân anh nhưng anh biết tôi vì có lời giới thiệu miệng của anh Nguyễn Đình Thi, nhờ “giúp đỡ một cây viết trẻ có triển vọng”. Một hôm anh Nhân hỏi tôi: “Anh em bên đó đối xử với cậu có tốt không?” Tôi trả lời qua loa: “Dạ, tốt ạ”. Anh nói liền: “ Hãy coi chừng, người ta cơm bưng nước rót là để nhà văn "phục vụ" họ đấy. Phải bị thiên hạ đá như quả bóng viết mới hay! Nhưng đừng tủi thân nha!”. Anh dừng lại một chút rồi nói thêm: "Bọn chính trị chúng tớ có cách để giữ ghế, không cần nhà văn bưng bê đâu. Cứ  viết làm sao có tác phẩm để đời là hay rồi!” Trong đời tôi, tôi chưa được nghe bất kỳ một ông lãnh đạo to nhỏ nào nói với một nhà văn trẻ điều tâm huyết chính xác, có tầm nhìn xa trông rộng như ông "cán bộ chính trị cao cấp" ấy. Anh Nhân giỏi tiếng Pháp và có lúc tôi nghĩ: hay anh đã đọc Diễn văn Thụy Điển nổi tiếng của Albert Camus?
Có thêm Châu Diên, chúng tôi vui hơn, hay gặp nhau hơn. Nhà văn có một chức năng, đôi khi cũng là cái tật là muốn "phát biểu không ngừng" ( ý của Albert Camus). Nhu cầu trò chuyện, tán gẫu trên trời dưới đất của anh em viết trẻ luôn có và tự nhiên hình thành những nhóm bạn thường là bên ấm trà nhạt như nước ốc thời bao cấp. Cái chất humour xóc óc trong những nhận xét, đối đáp của Tấn giữa chúng tôi luôn gây ấn tượng, chưa kể những câu chuyện có khi rất dị thường dị dạng anh tha về sau những chuyến đi lấy tài liệu viết báo. Không thể phủ nhận nhu cầu có bạn viết. Cũng không thể nói nó không gây tai vạ. Nhưng cùng với Tấn, với Châu Diên, với Nguyên Bình, chúng tôi dần dần vỡ ra một số vấn đề và mỗi đứa một cách dò dẫm bước lên con đường văn chương mà chúng tôi, nhiệt huyết nhưng ngây thơ như con dê yêu tự do trong truyện ngắn của một nhà văn Pháp, chỉ nhìn thấy nội cỏ hoa rừng mà quên mất đàn sói chực chờ nham hiểm.
Châu Diên không trụ nổi lâu với thân phận “công nhân”, trở lại Hà Nội. Anh Hoàng Hữu Nhân, người lãnh đạo cởi mở, am hiểu văn chương hiếm có, cũng được triệu về Trung Ương. Hình như anh mang theo mình một cái gì lớn hơn cương vị của anh, là một quan điểm, một hiểu biết quan trọng hơn, một thái độ với văn chương mà đáng lý ra, một người ở cương vị anh cần phải có.
Anh Nhân chuyển về Hà Nội không được bao lâu thì Bùi Ngọc Tấn gặp nạn. Khi đó tôi cùng cơ quan sơ tán về An Lão. Chỉ còn lại Nguyên Bình ở lại thành phố, tiếp tục làm báo, đương nhiên “trong sự theo dõi, nghi ngờ”. Cũng chính anh và có lẽ chỉ có anh thôi mới có gan cùng chị Bích đi thăm nuôi Tấn nơi tù đày xa tắp, trong bom đạn chiến tranh.  Chuyện này đã được viết lại trong cuốn tiểu thuyết của Tấn.
Vụ bắt giữ Tấn đến nay vẫn còn là một bí ẩn, ít nhất với tôi. Anh bị bắt và giam giữ gần sáu năm trời vì tội gì, mỉa mai thay, có lẽ anh cũng không biết. Vì anh thân với anh Nhân, một lãnh đạo bị thất sủng, có quan điểm cấp tiến? Vì những chuyện trà dư tửu hậu giữa các nhà văn vốn lắm lời luôn than thân trách cái phận lửng lơ giữa "văn nô", ""bồi bút" và người cầm bút tự do? Thời đó, như một câu thơ Akhmatova, "chỉ người chết mới được bình yên".
Phải chăng, như lời anh Nhân, nhà tiên tri, đây là cơ hội trăm năm một lần trong đời một nhà văn? Tấn đã bị "đá như quả bóng" trong nhà tù để có cơ may viết được một tác phẩm để đời? Phải ở tù như Dostoiewski, như Solzhenitsyn hay lưu đày như Hugo, Kundera mới viết được tuyệt tác? Trời ơi, tội tình gì mà Trời đày nhà văn hay nhà văn buộc phải sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến vậy mới có tác phẩm lớn?
Nhưng sau khi hay tin Tấn bị bắt, chúng tôi hoàn toàn không nghĩ tới một cơ hội để có tác phẩm để đời của một nhà văn có tài như anh. Ngay lúc đó chỉ là một nỗi hoảng sợ trong im lặng của đàn cừu, là sự chấm dứt cái thời sôi nổi, nhiều khi ngu ngơ tưởng mình đang sống trong dân chủ và tự do "gấp triệu lần chúng nó". Nếu đó là mục đích việc đưa một nhà văn như Tấn vào tù thì cỗ máy đã thành công. 
Từ đấy, cái tên Bùi Ngọc Tấn bị quên lãng, thành cái tên kiêng kỵ ngay ở Hải Phòng và cả trên văn đàn trong nhiều năm. Không khí sáng tác văn học lắng hẳn xuống, lặp lại cơn cuồng phong đã quét tan hoang thế hệ nhà văn có tài hồi Nhân Văn - Giai Phẩm. Có một sự thật phũ phàng chính Camus đã chỉ ra, "viết là nguy hiểm" và người ta luôn tìm dịp để chứng minh sự đúng đắn nhận xét của một nhà văn mà họ thâm thù.
Gặp lại Tấn sau khi anh được thả, tôi chỉ có một lời an ủi: “Tấn có tài, cầm bút lại đi không thì uổng. AQ chút chơi, hãy coi vừa qua là năm năm ngủ đông của con gấu, bút của Tấn vẫn tiềm sinh, chẳng vì thế mà cùn.” Tấn gầm lên: “ Nhưng gấu nó không phải năm năm liền đi gánh cứt tưới rau ông ơi!” Vẫn là lối nói cay đắng cố hữu của anh.
Làm ở Cửa Biển, tạp chí văn nghệ duy nhất của thành phố, hai năm tôi chờ đợi bài của ông bạn mà không thấy. Có lần gặp nhau, Tấn thổ lộ với tôi chuyện viết trở lại. Anh nói, "viết đã khó mà viết để vỗ về thằng cùm mình càng khó hơn." Tôi chỉ nói: viết về cái cùm hay gánh phân trên vai không có nghĩa là ca ngợi chúng. Cũng không phát phải để in ngay. Viết là viết vậy thôi! Tôi đoán mò:"Xem chừng viết đối với cậu còn có tác dụng giải tỏa ức chế, phòng ung thư". Tấn không còn gầm lên nữa. Chúng tôi cũng nói đến chuyện tha thứ hay trả thù đời. Văn chương không phải để trả thù, cũng không rao giảng sự tha thứ. Trả thù sẽ đẻ ra tội ác mới. Tha thứ dễ khuyến khích thói đạo đức giả. Tao phải viết thế nào về đoạn đời không còn được là người và những gánh cứt, những cái cùm ấy đây? Tấn nói thế thôi chứ anh thừa biết chính anh mới là người phải trả lời câu hỏi ấy. Tôi chỉ nhắc anh: "Dù đã có Papillon người tù khổ sai và Henri Charrière mất khi cậu còn chăn kiến trong tù nhưng đoạn đời khổ ải này của cậu là trải nghiệm vô giá và độc đáo không mấy nhà văn trên thế giới có được." Tấn từng kể tôi nghe chuyện "chăn kiến", chuyện ăn lén một con rắn mối hay một con gián ngon lành trước mặt một ông coi tù mà ông ta không hay, chuyện một người tù được thả không về nhà mà đi vào rừng treo cổ lên cành cây vì anh còn biết đi đâu khi thế giới đã sụp đổ ngày anh bị bắt oan, chuyện buộc phải chào một cô quản giáo bế con đi dạo:" chào bà bế ông đi chơi mát ạ"...những chuyện ấy không unique sao hả Tấn? Những chuyện như thế có lẽ chỉ có trên xứ này, chỉ ngôn ngữ Việt mới cho phép người ta thay đại từ nhân xưng phong một thằng bé còn ẵm ngửa lên "ông" để hạ nhục người tù, dù anh ta là một nhà văn. Đọc Henri Charrière rồi, người đọc vẫn phải đọc Tấn. Vì người ta sẽ có cảm giác được tiếp tục duyệt con đường không mấy đẹp đẽ mà nhân loại đã đi qua. Con đường ấy được treo tấm biển ghi dòng đại tự của Albert Camus: "la barbarie n'est jamais provisoire" (sự dã man không bao giờ là tạm thời).
Bạn bè ai cũng muốn giúp Tấn lấy lại cái say mê của nghiệp viết. Nhưng tôi tin những lời cổ vũ của chúng tôi chỉ là đám ruồi vo ve quanh cỗ xe ngụ ngôn La Fontaine mà thôi. Cái  "yên sĩ phi lý thuần" của Tấn đang trở giấc, bao giờ nó cất đôi cánh thiên thần? Riêng tôi, tôi hồi hộp về nguồn cảm hứng viết đang chuẩn bị đốt cháy anh cũng như bất kỳ nhà văn nào. Sau chừng ấy năm bị đày ải, bị hạ nhục cả thể xác lẫn tinh thần, cảm hứng sẽ đưa anh đến đâu, anh sẽ viết như thế nào đây? Một tác phẩm nghệ thuật đích thực đưa lại Sự Thật và hứng khởi Tự do hay chỉ là một giải bày cảm xúc cay cú, hận thù dồn nén của một nạn nhân? Hay ngược lại, một bài ca triền miên của sự tha thứ không giấu nổi cao ngạo của người đưa má phải ra cho kẻ vừa tát lên má trái của mình?
Hai năm sau anh đưa tôi một tập bản thảo bảo "đọc chơi và góp ý". Đó là một phần cuốn tiểu thuyết sau này sẽ trở nên nổi tiếng và vang dội: Chuyện Kể Năm Hai Ngàn. Tôi đã đọc nó trong hai ngày ở nhà Nguyên Bình, Hà Nội, lần đó có Dạ Ngân ở miền Nam ra. Một tập giấy đánh máy vừa tay cầm, có nhiều thủ bút tự biên tập của tác giả.
Tôi sững sờ sau trang cuối cùng dù biết chắc phần còn lại của cuốn sách đang được viết tiếp còn hay hơn, lớn hơn. Dù đã có PAPILLON, nhưng cái này, hiện tượng này sẽ thuộc về nhân loại. Vì nó không được viết trong hận thù, cũng không rao giảng lòng bao dung. Mà nó cho ta Sự Thật và cảm hứng hướng về tự do, hai đĩa đặc sản của một tác phẩm văn học đích thực.
Bùi Ngọc Tấn đã thoát ra khỏi thân phận người tù, nhận lãnh sứ mệnh nhà văn để có thể viết một thiên hùng ca trong đó có cuộc diễu hành của cái ác, cái xấu xa tự nguyện hoặc bắt buộc, và niềm kiêu hãnh bất tử của con người, cuộc diễu hành bi tráng ấy, nói như Shakespear vĩ đại, có "sự  trì trệ của công lý, sự hỗn xược của cường quyền, sự miệt thị của bất tài với thiên tài nhẫn nhục", có hiện diện một HẮN và BẠN TÙ, với những đồng chí CAI TÙ trông coi, cai quản và đày đọa họ như với một bầy dê, một mớ đồ vật. Và phía sau là những người đã đẩy họ vào địa ngục nhân danh luật pháp hoặc chỉ để thỏa mãn cái thú nhốt người như những ông Lan-Mặt-Ngựa. Phía sau nữa là CỖ MÁY vận hành ngon lành với tiếng cổ vũ, reo hò của đám đông, những cổ động viên vô tư của lịch sử đẫm máu.
Tôi về Phòng, đưa lại Tấn tập bản thảo, không có ý kiến gì, chỉ một lời cổ vũ ngắn gọn: "Tiếp tục đi Tấn. Cái này không chỉ cho chúng ta mà sẽ thuộc về nhân loại." Tôi chỉ nói lên điều tôi nghĩ sau khi đọc một phần cuốn sách mà tôi hy vọng sẽ rất lớn.
Mạch suối đã được khai mở với cuốn tiểu thuyết đầu tay tuy chưa được in (và chính anh cũng không tin là nó sẽ được in ra) nhưng anh và bạn bè rất vừa ý.
Và một ngày đẹp trời, nó đã được một NXB Nhà Nước khai sinh giữa thanh thiên bạch nhật. Tuy cuốn sách lỡ in (mégarde) bị nghiền thành bột giấy gần như ngay sau ngày ra đời, nhưng nó sống lại rất nhanh và kỳ diệu như con phượng hoàn trỗi dậy từ đám tro tàn. Điều kỳ diệu ấy đã được Tấn kể lại một cách trung thực trong cuốn sách cuối cùng của anh.
CHUYỆN KỂ NĂM 2000 đã chính thức ân xá và đền bù cho người tù oan Bùi Ngọc Tấn. Trước đó, anh đã được cởi bỏ xiềng xích nhưng phần hồn anh vẫn bị nhốt trong chấn song sắt vô hình của mặc cảm, ẩn ức và có thể hận thù. Vâng, dù có là Thánh đi nữa. Sau khi viết xong NÓ, anh đã thoát ra, đã vượt qua, đã bay lên khỏi mớ xiềng xích vô hình ấy để thật sự có tự do và trạng thái tinh thần thanh thản cần thiết của nhà văn.
NÓ đặt anh lên một đường ray mới, với một "yên sĩ phi lý thuần" mới. Vừa phải lận đận kiếm sống nuôi con ở nhà máy cá hộp, nơi mùi cá ươn đặc quánh có thể làm người ta phát điên, Tấn cặm cụi viết như muốn đòi lại khoản thời gian bị tước đoạt. Anh là người chăn kiến, người làm sống lại ký ức. Không phải ký ức chỉ của riêng anh mà của thời anh sống, thời chúng tôi cùng sống, đòn roi phũ phàng còn niềm thông cảm thì hiếm hoi, chậm trễ.
Không chỉ có một tiểu thuyết mà hai, ba. Không ai còn nhận ra được ngòi bút hừng hực ca ngợi người gác đèn biển Phùng Văn Bằng với thành tích tổ đội sản xuất trước đây nữa. Bây giờ là một kho tàng truyện ngắn, chuyện kể, ký ức… Không phải vì số cuốn, số trang mà vì dung lượng nó chứa chất bên trong. “Những người rách việc”. “Người chăn kiến”. Tiểu thuyết “Biển và chim bói cá”. Và cuốn sách cuối cùng, “Thời biến đổi gien”. Ôi những cái tên gợi cảm làm sao! Mất hay là được đây, Tấn ơi?
Tấn ơi, anh luôn nói chưa viết hết những gì muốn viết, chưa trả hết nợ đời. Nhưng đời cũng nợ anh nhiều lắm.
Đồng chí Napoleon của Owel hay Ông số 1 của Koesler được coi là tàn ác một cách thông minh và thông minh một một cách tàn ác vượt mọi thời đại. Tuy đồng chí ấy đã thành công cất giấu SỰ THẬT hàng mấy thập kỷ dưới hàng triệu xác người vô tội, đã đưa đi đày đến xứ băng tuyết Siberia 15 triệu ông kulak, linh hồn của nền nông nghiệp Nga, giết hai mươi hai ngàn sỹ quan Ba Lan ở Katyn mà không ai biết, không ai nhớ và kể lại được một lời.
Nhưng đồng chí Napoleon vĩ đại cũng đã từng phạm những sai lầm chết người. Đó là đã lỡ đày đọa AKHMATOVA, PASTERNAK, LÃO XÁ, bỏ tù những SOLZHENITSYN, BÙI NGỌC TẤN cùng nhiều nhà văn khác. Đó là những người có trí nhớ siêu đẳng gìn giữ ký ức và đặc biệt có tài năng thoát ra mọi ràng buộc đời thường để biến ký ức thành ngôn từ văn học. Khi nhà văn nhớ lại, thì ký ức hóa thân trong ngôn từ và có sức mạnh vô song.

08/2015


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lòng tham và những bản án lệch lạc


>> Luật sư phản ứng phát ngôn của viện trưởng
>> Đà Nẵng không dựng trạm thu phí cầu vượt ngã ba Huế
>> Thành ủy Đà Nẵng "cầm đèn chạy trước ô tô" trong điều động cán bộ?


ĐÀO TUẤN
LĐO - Đã lại có thêm một vụ “lừa đảo chạy án” gây bức xúc dư luận. Gạt bỏ chuyện một kẻ mang danh “nhà báo” thì việc một cá nhân - công dân chi hàng trăm triệu để “chạy án”, để thay đổi quyết định cả một vụ án với 3 cơ quan tư pháp, về nguyên tắc là độc lập (trong đó có những bản án quan trọng) cho thấy tệ nạn giải quyết tất cả bằng tiền đang diễn ra không ít trong xã hội.

Có một phản xạ dần trở thành tự nhiên: Mang phong bì đến cửa công để được việc - như một thứ lệ. Cái “lệ” - đúng hơn là tệ nạn ấy đang phần nào phản ánh sự thiếu hụt niềm tin công lý. Dẫu phải nói cho công bằng, niềm tin ấy phái sinh từ những vấn đề không ít nghiêm trọng trong việc thực thi pháp luật.

Chỉ vừa tuần trước, đã có rất nhiều ý kiến thẳng thắn, rất nhiều sự thừa nhận từ chính các quan chức tư pháp về những “vấn đề” của tư pháp trong một hội thảo chính thống do Ban Nội chính Trung ương tổ chức.

Đó là “nguy cơ tiêu cực, tham nhũng phát sinh từ khi tiếp nhận đơn khởi kiện” với những thẩm phán gây khó dễ để “vòi vĩnh”!

Đó là bình luận của GS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH: “Hoạt động tư pháp có quy trình, thủ tục hết sức chặt chẽ... có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau mà người ta vẫn còn chạy được thì không cái gì là không thể chạy được”! Và GS Đường chỉ ra nguyên nhân “Người dân chưa thực sự tin tưởng vào bản án”!

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ hôm ấy có một câu nguyên văn thế này “Lương thẩm phán 4-5 triệu đồng/tháng, nộp tiền học cho con đã hết. Gặp đương sự vân vê nhẫn kim cương thì sao kìm lòng nổi”!

Giữa mức lương 4-5 triệu đồng và chiếc nhẫn kim cương là một khoảng cách, một sự tương phản, là sự hấp dẫn rất lớn, rất khó cưỡng, nhấn mạnh trong trường hợp nếu người ta dám, và có thể biến lòng tham thành những bản án lệch lạc. Và vấn đề ở đây, vì thế, không phải là việc tăng lương để lấp dần khoảng cách, cũng không là việc kêu gọi sự tự trọng, liêm chính trong mỗi một pháp quan. Vấn đề đúng là phải có một cơ chế, một sự giám sát đủ mạnh để “có muốn người ta cũng không thể tham nhũng” không chỉ trong lĩnh vực tư pháp.

Có lẽ, chỉ có điều đó mới trả lại niềm tin công lý cho dân. Chỉ có điều đó mới ngăn trừ tận gốc nạn “chạy chọt” và phái sinh của nó là những vụ lừa đảo chạy án.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cần trả tiền bồi thường sớm cho ông Nén


LÊ THANH PHONG

LĐO - Ông Huỳnh Văn Nén đã nhận được quyết định bồi thường oan sai, nhưng cho đến nay chưa nhận được tiền. Sau hành trình đòi oan sai, ông Nén đi đòi bồi thường, và nay đang tiếp tục cuộc hành trình mới, đòi được nhận tiền.

Từ ngày ra tù cuối năm 2015, khó khăn lắm ông Huỳnh Văn Nén mới có được thỏa thuận mức bồi thường oan sai 10 tỉ đồng. Hơn một năm qua, ông Huỳnh Văn Nén, cùng cha già của ông - cụ Huỳnh Văn Truyện và vợ con ông phải sống như thế nào có lẽ không khó hình dung.

Ông Nén một thân bệnh tật sau gần 18 năm tù tội, người cha già đã kiệt sức vì bao nhiêu năm kêu oan cho con, vợ chạy chợ không đủ đắp điếm cho mấy miệng ăn trong gia đình.

Họ chờ đợi từng ngày để có được đồng tiền trang trải nợ nần, chữa bệnh và lo cho cuộc sống.

Ông Huỳnh Văn Nén từng mong được nhận tiền bồi thường trước tết để có tiền sửa sang nhà cửa, mua xe cho con trai kinh doanh dịch vụ vận tải, số tiền còn lại ông để dành lo cho bản thân ở tuổi đã già và không còn nhiều sức khỏe. Nhưng cái tết đã qua trong khó nghèo và chờ đợi.

Ông Huỳnh Văn Nén bị chứng loạn thần, trầm cảm nặng, đó là hậu quả của những năm tháng ngồi tù oan sai, rất cần có đủ tiền để điều trị. Nếu để tình trạng không có tiền chăm sóc sức khỏe và ăn uống đầy đủ kéo dài, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Lúc đó ông Nén lại mang thêm nỗi oan khác.

Những người có trách nhiệm hãy nghĩ đến nỗi oan, nỗi đau của ông Huỳnh Văn Nén và gia đình để nhanh chóng trả tiền bồi thường cho ông. Chậm một ngày là tội nghiệp cho Huỳnh Văn Nén và gia đình ông một ngày, là vô tình gieo cái ác thêm một ngày.

Cha ông Nén - cụ Huỳnh Văn Truyện - không còn quỹ thời gian nhiều để hưởng được những ngày đầy đủ bên con cháu, giải quyết cho ông được một ngày là nhân đạo, nhân văn. Huỳnh Văn Nén cũng vậy, giành giật lại từng ngày sống hạnh phúc để bù cho ngàn ngày đau khổ. Tạo điều kiện cho Huỳnh Văn Nén được sống đàng hoàng là hợp đạo trời.

Vì vậy, không có lý do gì để trì hoãn việc trả tiền bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thành Bưởi, nhà xe xã hội đen có sự chống lưng của quan chức địa phương


Ông Lê Ðức Thành – Giám đốc Công ty Thành Bưởi.
Những ồn ào xung quanh hoạt động của nhà xe Thành Bưởi đã diễn ra trong 1 thời gian dài với những sai phạm đã được báo chí tố cáo, vạch mặt hết lần này đến lần khác. Tuy nhiên, báo chí càng tố cáo, nhà xe Thành Bưởi lại càng nhởn nhơ. Thậm chí, vừa qua nhà xe này còn kiện ngược lại Báo Giao Thông, với nội dung cho rằng những bài viết của báo này là vu khống, xuyên tạc.

Việc nhà xe Thành Bưởi phạm luật thì đã sáng như ban ngày, khi đã có biên bản của Quận 10 ghi nhận hoạt động của nhà xe tại địa chỉ số 419 Lê Hồng Phong là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điều người ta thắc mắc là tại sao đến bây giờ Thành Bưởi vẫn còn ngang nhiên hoạt động mà thôi.


Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Và như để trả lời cho câu hỏi này, thì vào ngày 23/3 vừa qua, tòa án nhân dân quận 5 đã cho ra 1 quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với báo Giao Thông, với nội dung cấm báo Giao thông không được đưa tin thêm về sai phạm của nhà xe Thành Bưởi?

Thật bất ngờ, giữa lúc báo chí đang đòi lại sự công bằng của pháp luật, thì tòa án Quận 5 lại đưa ra 1 văn bản hết sức … trái luật. Bởi việc Thành Bưởi khởi kiện Báo Giao thông, tức là kiện những bài viết mà Thành Bưởi cho rằng có nội dung làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình, thì nghĩa là phạm vi giải quyết vụ án chỉ liên quan đến những bài báo đã đăng. Một tác phẩm báo chí mới khi được xuất bản sẽ có một mối quan hệ pháp luật độc lập với tác phẩm cũ. Tức việc ra đời bài báo mới không thể xem là hành vi ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.

Hơn nữa căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí thì báo chí có quyền “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội” (Điểm d,Khoản 2, Điều 4, Luật Báo chí 2016). Đây là hoạt động nghề nghiệp hoàn toàn hợp pháp.

Cho nên Tòa án Quận 5 áp dụng biện pháp khẩn cấp ở đây là một việc làm trái luật. Ở một khía cạnh khác, vô hình chung cái văn bản này giúp trả lời cho câu hỏi của dư luận rằng vì sao một nhà xe trái phép rộng hàng ngàn mét vuông lại có thể công khai hoạt động tấp nập giữa lòng thành phố, dù cho nó chỉ cách Sở GTVT thành phố có …500m??

Là vì quan chức địa phương đã chống lưng cho Thành Bưởi.

Tuy nhiên, chỉ một tấm khiên bảo kê ấy là chưa đủ, để lớn mạnh vượt lên trên các doanh nghiệp vận tải đương thời, Thành Bưởi còn có 1 thủ đoạn khác, đó là dựa vào xã hội đen.

Kinh doanh vận tải từ lâu được biết đến là một cuộc chiến tranh giành thị phần cực kì khốc liệt. Lượng khách hàng không chỉ nằm ở việc anh có xe tốt hay dịch vụ tốt, mà còn nằm ở việc tranh giành với nhà xe khác. Bánh ngon thì lắm kẻ giành, và khi những mâu thuẫn không thể giải quyết bằng lời nói, theo đúng phong cách của dân tàu xe, giới xã hội đen sẽ tham dự.

Bởi so với việc trông cậy vào giới chính quyền, vốn rất ngại đụng chạm đến các vấn đề xã hội. Thì sử dụng xã hội đen sẽ nhanh gọn lẹ, “ra vấn đề” hơn nhiều. Bên nào càng đông quân, càng lì lợm và liều mạng, thì thị phần làm ăn sẽ càng lớn.

Thế nhưng nhà xe Thành Bưởi lại không cần tới xã hội đen. Vì bản thân anh ta chính là xã hội đen.

Ông Lê Ðức Thành – Giám đốc Công ty Thành Bưởi.
Doanh nghiệp này thu nạp rất nhiều dân anh chị về làm việc dưới trướng của mình, rải rác khắp xung quanh khu vực bến xe ở 419 Lê Hồng Phong, và khu vực bến xe miền Đông để bất cứ khi nào xảy ra va chạm, mâu thuẫn với các nhà xe khác, hay va chạm với giới taxi, xe ôm, ngay lập tức có sẽ có hàng chục tay chân của Thành Bưởi đứng ra “xử lí”.

Lực lượng này mạnh đến nỗi ông Lê Đức Thành, giám đốc nhà xe Thành Bưởi, còn từng lên báo tuyên bố, “Xin đểu, bảo kê hả? Tôi tự xử lý không cần công an. Tôi bắt luôn, đánh và dội nước vào người, đánh xong đưa lên xe chở đến Công an”.

Tiếp đó ông này còn mạnh miệng hơn “Ai dám đụng vào xe tôi”.

Và có một nhân vật “lỡ dại” dám đụng vào. Đó là ông Cấn Tấn Lĩnh, thanh tra giao thông của Bộ GTVT, vào tối ngày 11/8/2014,  trong 1 chiến dịch đánh án của Bộ GTVT nhằm kiểm tra hoạt động của nhà xe Thành Bưởi, trong lúc dừng xe này ở địa phận tỉnh Đồng Nai, đã bị chính ông Thành túm cổ áo lôi từ xe xuống, làm rách ngực và giật đứt dây chuyền. Chưa dừng ở đó, ông Thành tiếp tục vừa lăng mạ, vừa xông vào đánh các phóng viên và những người dân tò mò hiếu kỳ quay phim chụp ảnh ông. Cảnh sát 113 phải có mặt mới có thể vãn hồi trật tự.

Ông Thành bị lực lượng 113 áp giải
Ngay cả 1 chánh thanh tra Giao thông của Bộ còn bị xử đẹp như vậy, thì các hãng xe khác còn có nghĩa lí gì với Thành Bưởi.

Chỉ đơn thuần là 1 doanh nghiệp vận tải, đăng kí kinh doanh như các doanh nghiệp khác, nhưng vừa có chính quyền làm cái khiên đỡ, lại còn có mũi giáo là xã hội đen để giải quyết vấn đề. Hai cánh cùng vỗ, bảo sao không lớn mạnh, bảo sao không ngang nhiên thách thức pháp luật, coi trời bằng vung.

“Tôi khẳng định sẽ chơi theo luật đến cùng. Tôi đã thuê luật sư phía trong TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra sáng nay có quyết định của Tòa án thì có một vài luật sư ở ngoài Bắc đã gọi điện đề nghị trợ giúp pháp lý miễn phí cho báo Giao thông. Chúng tôi đã sẵn sàng hầu tòa.”

Ông Nguyễn Bá Kiên – TBT báo Giao thông khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với PV An ninh tiền tệ và truyền thông.

Sơn Minh 

Nguồn TTHN 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"..Thất phu hữu trách"


TẢN MẠN.
Lão D hàng xóm mới lãnh sổ hưu tháng 10 năm ngoái. Về sáng nào cũng vác vợt đi đánh cầu lông. Mẹ đĩ ở nhà sáng nào cũng cháo gà ,phở tái hổ trợ sức khỏe đặng ông kéo dài tuổi thọ vui vầy cùng con cháu... ban đầu thì 5 h sáng ông đi sau đó sớm dần 4-3-2 và thậm chí giờ tý ông đã đi tập... hôm qua mới biết là ông tập trong nhà nghỉ, biết được thì ông đã thành người thiên cổ vì chết trên mình ngựa 🐴
- Này sau lúc đề án dựng tượng Kong bất thành thì lại có đề án trình bộ văn hóa có cả chữ kí của ông Trung quốc họ Dương sẽ dựng tượng Cụ rùa vàng 10 tấn bên hồ Hoàn kiếm đấy.
- Theo tôi nên đề xuất dựng tượng rùa vàng giữa hồ, đồng thời dựng thuyền vàng và ông Lê Lợi bằng vàng để gắn với truyền thuyết trả kiếm chứ ?
- Nếu vậy phải có ông chèo thuyền bằng vàng ngồi sau nữa... không có ông ai đưa Lê Lợi ra trả kiếm ?
- Rồi phải dựng tượng hai ông vạn chài tìm được kiếm và chuôi nữa mới đúng với truyền thuyết.
- Sau đó ta dùng ánh sáng lade 3 D tái hiện cảnh chiếc kiếm bay vào mồm rùa... phải thế mới giải ngân hết ngân sách năm 2017 chứ..
- Hay đó.. này tuyệt đối bỏ cháo lòng tiết canh sáng nhé ...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Rầm rộ kinh doanh… bùa ngải


29/3/2017 (PLO) - Trong số các loại bùa đang thịnh hành hiện nay, được truyền tai nhau là linh nghiệm, cũng như đáng sợ nhất, phải kể đến bùa Búp bê Thái, hay còn gọi là Kuman Thong. Kuman Thong với hình dáng ngoài dễ thương, là bức tượng nhỏ bằng đồng hoặc gốm có hình một đứa trẻ đang mỉm cười có xuất xứ từ Thái Lan, nhưng cách chế tạo được truyền miệng vô cùng ghê rợn, dù không biết có thật hay không: Người ta chế tạo Kuman Thong từ thai nhi chết lưu, sấy khô, cùng các loại bùa chú để chế tạo nên con búp bê đáng yêu nói trên.

Một Kuman Thong đang được người
 “nuôi” thờ phụng trong nhà, tại TP HCM.
Thời đại mạng xã hội phát triển, bất cứ thứ gì cũng có thể được đem lên mạng kinh doanh, kể cả… bùa ngải. Hiện nay, có rất nhiều trang mạng công khai bán các loại bùa, phép, với tác dụng được quảng cáo là “cực kì linh nghiệm” trong làm ăn kinh doanh, tình cảm…

Đủ chủng loại bùa ngải được rao bán

Dạo một vòng quanh “chợ bùa ngải” trên mạng, có thể thấy thị trường này khá phát triển với đủ các chủng loại bùa đến từ nhiều nước như Việt Nam, Thái, Campuchia… Người hiếu kì có thể bị hoa mắt bởi rất nhiều loại bùa khác nhau: ngải cầu tài, ngải yêu, búp bên bùa Thái, thẻ phép, gương chú… Tác dụng của các loại bùa này cũng được người bán ca ngợi hết lời như cực kì linh nghiệm, giúp chiêu dụ được người yêu, thoát vận hạn đen, làm ăn phát đạt, trừ tà… 


Liên hệ với số điện thoại của chỉ một shop có tên gọi Shop Bùa đang kinh doanh rầm rộ trên mạng, người bán tên N. liến thoắng tiếp thị, shop này có kinh doanh đủ loại bùa phép, chỉ cần khách đưa ra yêu cầu, lập tức shop sẽ tư vấn cặn kẽ.

Image result for Kuman Thong
Kuman Thong

Ví dụ như đang gặp vướng mắc người yêu phụ bỏ, bị người thứ ba phá đám thì dùng bùa yêu; cần làm ăn phát đạt, tiền vào như nước thì dùng thẻ phép hoặc bùa làm ăn; vận rủi đeo bám thì dùng bùa giải vận; muốn thuyết phục người khác thì dùng ngải nói, hoặc thậm chí ngay cả các yêu cầu cụ thể như muốn bán đất, muốn đổi công việc, muốn tậu nhà mới trót lọt, cũng có những loại bùa chuyên biệt để giúp sức (!). N. cho biết, khách hàng của mình rất nhiều, từ sinh viên, nhân viên văn phòng và cả người làm nghề kinh doanh, trong đó có cả những người mà N. bảo là “làm ăn lớn”.

Cách chơi bùa, mua bùa phép của thời đại công nghệ cũng thật lạ lẫm: người mua dạo một vòng trên mạng, chọn món bùa mình ưng ý, rồi chuyển khoản, người bán giao hàng đến tận nơi, nếu cần thì chat với nhau qua mạng để tư vấn, hướng dẫn sử dụng. 

Trong số các loại bùa đang thịnh hành hiện nay, được truyền tai nhau là linh nghiệm, cũng như đáng sợ nhất, phải kể đến bùa Búp bê Thái, hay còn gọi là Kuman Thong. Kuman Thong với hình dáng ngoài dễ thương, là bức tượng nhỏ bằng đồng hoặc gốm có hình một đứa trẻ đang mỉm cười có xuất xứ từ Thái Lan, nhưng cách chế tạo được truyền miệng vô cùng ghê rợn, dù không biết có thật hay không: Người ta chế tạo Kuman Thong từ thai nhi chết lưu, sấy khô, cùng các loại bùa chú để chế tạo nên con búp bê đáng yêu nói trên.

Sử dụng loại bùa này cũng rất phức tạp, người mua bùa phải lập bàn thờ thờ Kuman Thong, không bao giờ được vứt đi. Đáng nói là, mặc dù nghe ghê rợn nhưng do được truyền miệng về sự linh nghiệm vô cùng nên rất nhiều người, trong đó có không ít trí thức, doanh nhân săn lùng loại búp bên này. Trên mạng, có không ít người rao bán Kuman Thong, và cũng không ít diễn đàn được lập ra nhằm trao đổi nhau kinh nghiệm “nuôi bùa búp bê”.

Nhiều người đang “nuôi” Kuman Thong cũng chia sẻ những hình ảnh trông khá đáng sợ của loại búp bê này. Giá của búp bê Kuman Thong dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy chất liệu của búp bê. 

Vi phạm pháp luật, vẫn ăn nên làm ra


Linh nghiệm hay không thì không biết, nhưng trước mắt, có thể thấy, những người kinh doanh bùa phép như trên cực kì “ăn nên làm ra”. Buôn bán những vật phẩm liên quan đến tâm linh là thứ không thể kiểm chứng được chất lượng, đúng sai. Với một lá bùa yêu vài trăm ngàn, đơn giản chỉ là một mảnh giấy được vẽ tay cầu kỳ với những chữ rồng rắn, được dặn dò kĩ lưỡng là đốt thế nào, uống thế nào, chọn thời khắc đêm ngày ra sao… để thêm phần bí ẩn. 

Chiếc gương giải vận hạn được bán với giá cả triệu đồng chỉ là một chiếc gương thiếc nhỏ giả cổ, sau lưng có vài kí hiệu lạ. Bùa búp bê Thái được bán với giá “cắt cổ” chỉ là một con búp bê lớn được ăn mặc, trang trí trông ghê rợn, vô hồn… 

Thời buổi hiện đại, đáng ra những niềm tin đầy dị đoan như thế đã bị đẩy lùi, nhưng không hiểu sao không ít người vẫn chấp nhận bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua những loại bùa chú nói trên về, chỉ với mong ước được thay đổi hoàn cảnh sống hiện tại, có được những gì mình mong muốn. Phải chăng, đó là lòng tham, hay là sự bất lực của con người, không thể dùng năng lực của chính mình thực hiện, phải cầu vào vận may, bùa phép?

Điều đáng nói, tuy hành vi đưa ra các thông tin quảng cáo và mua bán bùa phép nói trên hoàn toàn vi phạm pháp luật, gây nhiễu loạn đời sống, thế nhưng, tình trạng buôn bán bùa phép công khai, rầm rộ, lập trang mạng, đăng kí tên miền, mở cửa hàng kinh doanh… đã xuất hiện và tồn tại từ lâu, thậm chí ăn nên làm ra, nhưng hầu như chưa được các cơ quan chức năng “để mắt” đến?

Trân Trân
http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/ram-ro-kinh-doanh-bua-ngai-326843.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang