Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Ra tòa ngày mai, Đoàn Thị Hương đối mặt án tử hình


DUY LINH
TTO - Thời hạn tạm giam của hai nữ nghi phạm trong vụ ông Kim Jong Nam bị sát hại ở Malaysia đã chính thức hết vào ngày 28-2. Ngày mai, các nghi phạm này sẽ ra tòa và đối diện với mức án tử hình.

Tờ New Straits Times của Malaysia ngày 28-2 dẫn lời Tổng công tố viên Malaysia Mohamed Apandi Ali xác nhận, hai nữ nghi phạm Đoàn Thị Hương (quốc tịch Việt Nam) và Siti Aishah (quốc tịch Indonesia) sẽ bị truy tố tại tòa vào sáng 1-3.

Cả hai bị bắt giữ vì tình nghi dính líu tới vụ một công dân Triều Tiên bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia ngày 13-2.

Người giữ hộ chiếu tên Kim Chol này được cho là ông Kim Jong Nam - anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Rất nhiều nhà báo đã xuất hiện tại tòa án Sepang sáng nay để chờ thông tin về hai nữ nghi phạm bị dẫn ra tòa và truy tố nhưng sau đó đã phải thất vọng quay về.

Nếu bị truy tố, cả hai có thể sẽ phải đối mặt với tội danh mưu sát, theo hãng tin Reuters.

Hình ảnh thu được từ camera an ninh sân bay cho thấy Hương và Aishah đã tiếp cận người đàn ông được cho là Kim Jong Nam và tấn công. Cảnh sát Malaysia sau đó tuyên bố chất được sử dụng để sát hại ông Kim là chất cực độc VX được xếp vào hạng vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt.

Hai nữ nghi phạm khai với cảnh sát rằng họ được thuê để làm điều này vì nghĩ nó là một trò đùa trong một chương trình truyền hình thực tế.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam và sứ quán Indonesia tại Malaysia đã có các cuộc tiếp xúc lãnh sự với hai nữ nghi phạm. Trong lần tiếp xúc này, cả hai đều khai với đại diện ngoại giao rằng mình không biết đó là vụ sát hại và được nhận số tiền nhỏ để thực hiện.

Trả lời Reuters qua email, tổng công tố Malaysia cho biết Hương và Aishah sẽ chính thức bị truy tố theo điều 302 bộ luật hình sự của nước này. Hình phạt cao nhất của điều luật này là tử hình.

"Tôi có thể xác nhận được việc này", ông Ali nói với Reuters.

Trong một diễn biến khác có liên quan, hãng tin Reuters ngày 27-2 dẫn nguồn tin tình báo Hàn Quốc cáo buộc chính quyền Bình Nhưỡng đứng đằng sau cái chết của ông Kim Jong Nam.

Các nghị sĩ Hàn Quốc cáo buộc những nghi phạm người Triều Tiên đang bỏ trốn và bị Malaysia truy nã hiện nay đều là người của tình báo và an ninh Triều Tiên.

Hiện Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào trước các thông tin từ Malaysia và các cáo buộc ngày 27-2 của Hàn Quốc.

Liên quan tới việc chất độc thần kinh VX đã được đưa vào Malaysia bằng đường nào, theo báo New Straits Times, cảnh sát vẫn đang điều tra và không loại trừ nó được giấu trong các hành lý ngoại giao. Theo quy tắc, hành lý của các nhà ngoại giao sẽ không bị lục xét khi làm thủ tục ở các sân bay trừ những trường hợp đặc biệt phải báo trước.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xin đừng đổ lỗi cho dân

>> Giang Kim Đạt và Trần Văn Liêm lãnh án tử hình

>> Chủ tịch Nguyễn Đức Chung qua cảm nhận ban đầu của một nhà văn
>> Nguyễn Đức Chung, giữ vững khí thế anh nhé!
>> Chẳng có thánh thần nào giúp đổi đời 'tốc hành'



Nguyễn Duy Xuân
Dân Trí - Những tình tiết hoàn toàn ngược lại với điều mà vị Chủ tỉnh tỉnh phân trần sau khi xin lỗi Chính phủ và Thủ tướng: "Ở đâu có rừng là ở đó lãnh đạo lo lắm. Dân còn nghèo, cứ cầm dao vào rừng là phá"

Tại buổi làm việc chiều 20/2/2017 của tổ công tác Chính phủ với UBND tỉnh Bình Phước, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã phê bình lãnh đạo tỉnh này để xảy ra sai phạm khi không thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng.

Chủ tịch UBND Bình Phước Nguyễn Văn Trăm đã thừa nhận sai sót, khuyết điểm, và xin lỗi Thủ tướng, Chính phủ.

Lý do Chính phủ phê bình là do UBND tỉnh Bình Phước cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác rừng tự nhiên khi chưa lập hồ sơ, thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường không đúng quy định, đặc biệt là sau khi đã có chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng, dẫn đến hơn 100 hecta rừng tự nhiên bị chặt hạ tại huyện Bù Đốp.

Vụ việc được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) phát hiện hồi tháng 8/2016.

Trước đó, ngày 13/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch tỉnh tại cuộc họp giải quyết kiến nghị của Công ty Cao su Sông Bé, cho phép đơn vị này tiến hành thực hiện dự án chăn nuôi, kết hợp trồng rừng trên diện tích hơn 575 hecta.

Tại thời điểm đó, người dân và cán bộ ở địa phương đã lên tiếng phản đối chủ trương này.

Anh Điểu Sang ở làng 10, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp nói: “Rừng của Nhà nước. Họ phá thì mình làm gì được. Mình có muốn giữ lại cũng đâu có cản được họ”.[*]

Ông Điểu Đưa ở ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp cho rằng: "Rừng tự nhiên mà lại chuyển đổi sang trồng rừng tôi thấy là vô lý,…Bà con ở đây mong rằng, bao nhiêu diện tích rừng còn lại, hãy để người dân chúng tôi cùng bảo vệ nó".[*]

Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp, người đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên hãy giữ lại diện tích rừng tự nhiên này, cũng chua xót nói: “Tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì là người lính giữ rừng, nhưng đứng nhìn rừng mất mà không có biện pháp gì có thể ngăn chặn được”.[*]

Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thiện nói: “Tôi mong các cấp có thẩm quyền nên ngưng lại, đừng có chuyển đổi rừng qua đất sản xuất nữa".[*]

Mặc dù vậy, Bình Phước vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bằng công văn số 2214, ngày 5/8/2016 do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Anh Minh ký.

Những tình tiết nói trên hoàn toàn ngược lại với điều mà vị Chủ tỉnh tỉnh phân trần sau khi xin lỗi Chính phủ và Thủ tướng: "Ở đâu có rừng là ở đó lãnh đạo lo lắm. Dân còn nghèo, cứ cầm dao vào rừng là phá".[**]

Xét về lí, lãnh đạo tỉnh Bình Phước có ba cái sai lớn. Một là không tuân thủ chủ trương của cấp trên. Đó là mệnh lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng được đưa ra ngày 20-6-2016, trước khi chủ tịch Bình Phước đồng ý cho doanh nghiệp khai phá rừng gần một tháng.

Hai là, lãnh đạo tỉnh không tôn trọng, không lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ và nhân dân dẫn đến hậu quả hơn 100 hecta rừng tự nhiên bị chặt phá mà không biết đến khi nào mới hồi phục được.

Ba là, lãnh đạo tỉnh chưa thực sự cầu thị khi vẫn đổ lỗi phá rừng cho người dân như ông Chủ tịch đã phân trần trước Chính phủ.

Người dân có thể vì nghèo, vì miếng cơm manh áo mà cầm dao chặt phá rừng. Tội lỗi đó không thể biện bạch. Nhưng đó có phải là nguyên nhân chính không? Ai đã tàn phá 100 hecta rừng tự nhiên chỉ trong vòng một vài tháng? Cần bao nhiêu dân và dao chặt cây để đạt được con số khủng ấy trong một thời gian rất ngắn?

Những điều chúng tôi trình bày ở trên chỉ là để cho "thấu tình đạt lí" mà thôi. Dù sao việc Chủ tịch tỉnh Bình Phước xin lỗi Thủ tướng cũng rất đang hoan nghênh trong bối cảnh chúng ta đang hướng tới một chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động.

Dư luận mong rằng khoảng cách từ xin lỗi đến lời hứa "thực hiện nghiêm túc hơn về vấn đề này" của ông Chủ tịch tỉnh chỉ là gang tấc để rừng Bù Đốp nói riêng, rừng Bình Phước nói chung lại bạt ngàn xanh tươi.

Nguồn tham khảo:

[*] http://vov.vn/xa-hoi/binh-phuoc-hon-100-ha-rung-bi-tan-pha-bao-gio-hoi-sinh-539706.vov

[**] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chu-tich-binh-phuoc-xin-loi-chinh-phu-khi-de-mat-rung-3544313.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguyễn Đình Chính - Đi đâu sau Ngày Hoàng Đạo?



Bến Văn 
Ngược! Theo “Zê” (hay “Mi”), một nhà văn kiêm họa sỹ, một nghệ sỹ, trí thức con nhà nòi, một kẻ lãng du, không lúc nào chịu ở yên một chỗ. Từ chốn phồn hoa đô hội, gã bỏ lên mạn ngược. Đại ngàn man dại hoang sơ. Đi chán lại quay về. Lại chuẩn bị hành trang cho chuyến đi tiếp nữa. Những chuyến đi văng mạng, luôn sa vào những cuộc tình, những cuộc làm tình quái dị hệt như cái tính cách quậy phá đến lạ lùng của gã!
Online...Balô. Cuốn sách thứ 15 của Nguyễn Đình Chính, ra đời sau khi đã gây một cú sốc trong dư luận bằng cuốn tiểu thuyết ngót ngàn trang: Ngày Hoàng Đạo.Theo tác giả thì đây là một cách ông tự đánh bóng tên tuổi của mình nhưng bạn đọc không nghĩ thế, nhiều người cho đó là một sáng tạo mới, một thành công mới của nhà văn. Một nhà phê bình Mỹ còn xếp Online... Balô vào hàng tiểu thuyết Hậu hiện đại.
Khá nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh cuốn sách này. Sex? Marquez? “Zê” hay “Mi”? Ma ra tông hay “văng mạng”?
Còn tôi, tôi chỉ hỏi: Đi đâu?
- A lô Chính đây! Huệ nào nhỉ? Đức Huệ Website? À...Hí hí...cậu!
- Người đang ở đâu?
- Ở nhà thôi!
- Mai tôi đến nhá? Có chút việc...
- Định viết về ông Thi à?
- Không. Ông Thi là cái tủ kính rồi. Chúng mình chỉ thờ thôi. Tôi định...
Máy vụt tắt. Nửa giờ sau gọi lại cười hề hề, bảo hết pin. Hết pin kiểu Murakami hả? Hay đang phượt trên đường với gã “Zê” hay “Mi” nào đó?
Cười.
Mùa hè 2004. Trại sáng tác do Chi hội nhà văn Công an mở tại Hạ Long - Bãi Cháy, có khá nhiều nhà văn ngoại đạo tham gia. Một chàng trông rất ga lăng. Đầu húi cua. Cao lớn. Áo bò mốc phanh ra khoe bộ ngực nở nang trong chiếc sơ mi kẻ sọc. Trại trưởng Tôn Ái Nhân giới thiệu đó là Nguyễn Đình Chính, con trai bác Nguyễn Đình Thi. Thoạt nhìn cái vẻ ngang tàng quậy phá, hơi ngờ ngợ. Lúc anh ta cười mới thấy. Nụ cười rất tươi và sang. Cởi mở thân tình song vẫn có gì đó hơi kẻ cả. Giống ông Thi quá!
Nhưng khác hẳn ông bố đa tài, thủ lĩnh một Hội thời hoàng kim nhưng lúc nào cũng sống trong tâm trạng khắc khoải giằng co giữa sự ham hố quyền lực hưởng thụ và lòng khao khát tự do sáng tạo, Nguyễn Đình Chính dứt khoát hơn nhiều. Ngồi trò chuyện với anh trên chiếc tàu thăm vịnh, nghe anh tâm sự về gia cảnh, về cái được và cái chưa được của bố mình (chủ yếu trong sáng tác), tôi hiểu ra nhiều chuyện. Ông ấy sai ngay từ đầu - Chính nói - Không phải ông không biết. Ông biết hết. Nhưng cứ bị cuốn vào mọi thứ, không sao thoát được. Ông không đủ dũng cảm để thoát ra. Rồi lại tự dày vò mình. Mâu thuẫn!
Chính kể rằng vào năm 1982, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã có ý định rũ bỏ tất cả để dồn sức vào viết bộ tiểu thuyết sử thi “Điện Biên Phủ” với một tầm nhìn mới. Ông đã viết được chương đầu tiên và kể cho anh nghe một cách rất hứng thú. Nhưng sau đó rất lâu không thấy ông nhắc đến nó nữa. Vì sao vậy? Rất đơn giản: Nửa năm sau, mùa xuân năm 1983, Đại hội nhà văn lần thứ III được tiến hành, ông lại trúng cử Tổng thư ký Hội. Thế là quẳng ráo “Điện Biên” vào ngăn kéo!
- Đó là món nợ ngàn thu của ông Thi. - Nguyễn Đình Chính nói - Đến chết ông vẫn không nguôi được.
- Thế hệ trước dở dang thì thế hệ sau tiếp tục, có sao đâu? - Tôi nói.
Nguyễn Đình Chính lắc đầu:
- Thế hệ sau có thể là ai đó. Nhưng tôi thì không. Cách đi của tôi khác hẳn.
- Nghĩa là Đuma con không thể giống Đuma cha?
- Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Văn chương không như các loài cây trong một khu rừng mà có thể xếp bộ này với bộ kia, loài này hay loài khác. Văn chương phong phú hơn cả tự nhiên, phong phú hơn nhiều, ở chỗ nó liên tục sinh sôi nảy nở những loài, giống mới.
- Và không có một thứ khoa học nào có thể định vị, một thứ học thuyết nào có thể bao trùm, phải vậy không?
- Đúng vậy!
Câu chuyện tạm dừng ở đó. Tàu neo lại cho mọi người lên đảo thăm hang động. Tôi không đi vì đã đi quá nhiều rồi. Tôi đứng bên mũi tầu, nhìn theo Nguyễn Đình Chính cùng đám văn sĩ đi men theo sườn đá chênh vênh. Vóc dáng trẻ hơn nhiều so với tuổi. Bước đi rất tự tin. Nhưng... bên tai tôi chợt vang lên một giai điệu nhạc, không phải của Nguyễn Đình Thi mà là của Phạm Duy: “Kìa đoàn người đi miên man trên đường kia...”.
Đa số người viết cùng thời chúng tôi thường cho rằng sở dĩ cái tên Nguyễn Đình Chính nổi lên chẳng qua vì anh là con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi, cũng như nhà thơ Trần Nhuận Minh là anh trai thần đồng Trần Đăng Khoa vậy. Một thói quen cố hữu, một thứ định kiến rất khó gột rửa trong nếp nghĩ của người Việt, hay nói rộng hơn là logic phương Đông. Nó như một thứ ám thị tập thể, có sức lan tỏa mạnh, khiến những người nằm trong “diện phủ sóng” này rất khó bứt ra để tự khẳng định mình, nếu như anh ta không tự mình tạo ra một “bước sóng” mới với tần suất mới.
Thực ra Chính khác ông Thi nhiều lắm. Y không phải là con người của những cuộc họp, của diễn đàn và tiếng vỗ tay. Càng không phải là người chuyên dụng bút theo người. Ngay từ thời trẻ trai, y đã có ý thức thoát ra khỏi mọi vòng cương tỏa. Ông Thi có thể khống chế ai chứ con trai mình thì chịu. Cần thiết y sẵn sàng ra khỏi cái nghiệp đoàn mà ông làm thủ lĩnh đâu cần núp bóng ai? Được cái Chính bông lông nhưng vô hại. Y chỉ muốn khẳng định mình bằng cách sống và cách viết hoàn toàn độc lập, không muốn tuân thủ theo hướng la bàn mà ông bố y đã định vị theo sự định vị của những người định vị trên ông. Tiểu thuyết Đêm Thánh nhân đánh dấu bước ngoặt này, nó gặp khá nhiều trắc trở trong lần xuất bản đầu tiên. Mặc dù lúc đó người ta đã hô hào “đổi mới tư duy” song đa số các nhà quản lý văn nghệ vẫn còn nhiều lấn cấn. Một dòng chảy có vẻ bất thường nếu không bị chặn đứng thì cũng phải uốn đi nắn lại nhiều phen mới cho tháo cống. Rút cục hai tập sách phải dồn làm một, nhân đó tác giả đổi tên luôn, Đêm thánh nhân thành Ngày hoàng đạo, nghe có vẻ sáng hơn nhưng không mấy gợi cảm. Tuy vậy khi ra đời, cuốn sách đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, được xếp vào tốp sách bán chạy nhất trong thời điểm đó. Việc thay áo chỉ làm khác đi chút ít bề ngoài, còn da thịt thì vẫn vậy. Chỉ cần nghe nói đó là câu chuyện về một bác sĩ giỏi bị kỉ luật Đảng, bị vợ bỏ phải rời thành phố đi lang thang kiếm sống mãi trên vùng núi cũng gây hấp dẫn bạn đọc rồi. Với người đọc khó tính hơn không bị lôi cuốn bởi cốt truyện ly kì thì tác giả chinh phục họ bằng những kiến giải thời cuộc với một cách nhìn khác lạ hoặc lách sâu ngòi bút vào góc khuất hồn người thông qua tâm trạng một trí thức trước những tình huống lạ lùng pha màu huyền ảo, hư hư thực thực
Có người cho rằng cuốn Ngày hoàng đạo hơi nặng nề, khó đọc. Có thể họ không quen với cách viết “khác đi” của tác giả chăng? Ấy là câu chữ đã được Biên tập viên gọt giũa nhiều rồi, để nguyên như bản thảo đầu tiên còn khó nữa. Về mặt này tôi lại rất đồng tình với Nguyễn Đình Chính: “Văn tiểu thuyết phải khác, nó không chỉ giải thích ý nghĩa, truyền tải thông tin mà phải truyền cho người đọc những cảm xúc trong câu chữ. Ban đầu tôi viết văn rất trong sáng, nên khi chuyển sang viết kiểu này, bố tôi (nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi) rất phản đối vì lôi thôi quá. Nhưng sau này thì ông cũng bằng lòng, vì đó là cách của tôi. Khi đưa bản thảo Ngày hoàng đạo cho NXB, có biên tập viên đã đánh dấu phẩy cho tôi đến gần 200 trang, nhưng sau đó thì đầu hàng. Có thể ban đầu độc giả đọc tác phẩm của tôi có thể khó khăn, nhưng rồi cũng quen và sẽ thấy thích thôi.
Online...Balô có phần cuốn hút hơn. Theo tác giả thì nó như một hoài niệm của nhân vật tên Zê, nhớ về các mối tình trong hiện tại và quá khứ, đụng độ giữa lãng mạn và hiện thực, của tuổi già và tuổi trẻ, của non tơ và …“cáo già”. Cuộc sống cứ tiếp diễn, và những gì trong nội tâm nhân vật Zê được quán chiếu từ chính những người con gái đi qua đời Zê; từ người bạn thương binh của Zê với khao khát được sống, được yêu, được làm chồng, làm đàn ông; Giọng điệu tưng tửng, đôi khi nhấm nhẳng bất cẩn, lúc “trơ” lì nhưng khó giấu nổi sự yếu đuối và khao khát sống của một lớp người.
Riêng về yếu tố sex trong tác phẩm, dung lượng hơi nhiều nên có người cho rằng tác giả lạm dụng để câu khách. Giải thích về vấn đề này, Nguyễn Đình Chính nói: “Người phụ nữ Việt Nam thật đẹp thật buồn và cũng thật là bí ẩn. Họ có một happy endinh không? Tôi không tìm được câu trả lời. Còn nhớ năm 1987, trong chuyến đi Nga, trên đường phố Moskva, nữ sỹ Xuân Quỳnh nói với tôi: ‘Ông nên nhớ rằng phụ nữ chúng tôi là lửa, là nước và khói. Tốt nhất ông nên yêu họ chứ đừng gây sự đối đầu với họ”. Sống chung với lửa, nước và khói thì thật tuyệt vời nhưng cũng thật kinh khủng. Tôi mang mặc cảm đó vào sáng tác văn thơ của mình.”
Phá cách. Đơn tuyến. Đồng hiện. Nhanh mà không lướt. Chấm phá mà ấn tượng. Có phần dụng công tả Sex. Có phần trĩu nặng ưu tư. Nhưng sau hết, nó nắm bắt được cái thần của thời đại. Nó cô đặc. Một góc nhìn cơn bão. Không phải cơn bão mà là cơn lốc xoáy trong cơn bão. Ở đó tất cả những gì hiện diện trên mặt đất đều bị cuốn theo và đảo lộn theo vòng xoáy đa chiều của nó.
Có người cho rằng Online...Balô phần nào chịu ảnh hưởng G.G.Marquez trong thiên truyện Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Có người chorằng cuốn sách viết một cách văng mạng. Tác giả nghĩ thế nào viết thế. Thấy gì viết nấy. Cần thiết bệ nguyên xi ngôn ngữ vỉa hè vào tác phẩm. Và người ta xếp nó vào cái gọi là Hậu hiện đại.
Còn tôi, tôi chỉ hỏi:- Đi đâu?
Nguyễn Đình Chính trả lời:
- Đi tìm cái đang tiếp diễn trong cuộc sống.
Tôi lại hỏi:
- Đi đâu?
Chính lại trả lời:
- Đi tìm sự đụng độ trong ý thức mỗi con người.
Lại hỏi:
- Đi Đâu?
Trả lời:
- Không đi đâu cả!
Hà Nội Canh Dần
B.V


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hai thái cực nhận thức sai lầm về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc


TS TRẦN CÔNG TRỤC


(GDVN) - Mọi nỗ lực để chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn với các vấn đề nêu trên có thể dẫn đến những nhận thức sai lầm.
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết tiếp theo của ông, phân tích một số vấn đề về phương pháp tiếp cận với "những khúc quanh lịch sử" trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, ngõ hầu rút ra bài học cho tương lai.
Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này. Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Báo Vietnamnet ngày 17/2 vừa qua đăng bài viết: "Ông Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979" thu hút sự quan tâm khá lớn từ dư luận.
Bởi lẽ đây là một trong số những bài phỏng vấn con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn về vai trò của cha mình trong cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, cũng như tư duy, tác động ảnh hưởng của ông đến quan hệ Việt Nam -Trung Quốc sau này. [1]
Nhiều ý kiến bình luận khác nhau về bài phỏng vấn ông Lê Kiên Thành của báo Vietnamnet được bạn đọc quan tâm chia sẻ trên các trang mạng xã hội, nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít quan điểm phản đối các nhận định, lập luận ông nêu ra.
Lẽ thường chín người thì mười ý, cho nên những đề tài được xem là nhạy cảm như vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn trong chính sách đối nội, đối ngoại kể từ năm 1975 thống nhất đất nước, đến khi ông qua đời, đặc biệt là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và cuộc chiến chống xâm lược Biên giới phía Bắc 1979-1989 được dư luận quan tâm đặc biệt, nhiều ý kiến khác nhau cũng không có gì lạ.
Cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Ảnh: Tạp chí Tuyên Giáo (tuyengiao.vn).
Chúng tôi nhận thấy rằng, trước sự quan tâm và nhiều thắc mắc từ dư luận, việc Tiến sĩ Lê Kiên Thành hay Thiếu tướng Lê Kiên Trung thẳng thắn lên tiếng về những thắc mắc âm ỷ trong xã hội là một điều đáng quý.
Không né tránh những khúc quanh của lịch sử
Đặc biệt, hai ông không né tránh những câu hỏi thuộc diện "nhạy cảm", như nhà báo Lan Hương báo Công an Nhân Dân từng hỏi ông Lê Kiên Thành trong bài phỏng vấn đăng trên chuyên mục An ninh Thế giới cuối và giữa tháng Online ngày 3/5/2015: 
"Nếu giờ tôi hỏi ông, cố TBT Lê Duẩn có phải là một nhà lãnh đạo độc tài, ông sẽ nói..." hoặc câu hỏi:
"Đến giờ vẫn không ít người cho rằng, cha ông, cố TBT Lê Duẩn là người phải có trách nhiệm với cuộc chiến tranh biên giới, cũng như những khó khăn, sai lầm mà ta mắc phải trước đổi mới. 
Và có người nói đại ý, nếu ông Lê Duẩn chỉ dừng lại ở thời điểm năm 1975, thì ông đã mãi mãi là anh hùng. Ông nghĩ gì về ý kiến ấy?" [2]
Trong một bài phỏng vấn Thiếu tướng Lê Kiên Trung đăng ngày 27/7/2016, nhà báo Tô Lan Hương báo Công an Nhân Dân hỏi: 
"Anh nói, TBT Lê Duẩn đi làm cách mạng từ tình thương, nhưng trong một giai đoạn lịch sử dài sau này, khi nhắc về TBT Lê Duẩn, người ta vẫn cho rằng ông rất độc đoán trên cương vị của mình khi ông còn nắm quyền?", và:
"Hầu hết những nhà nghiên cứu lịch sử đều nhận định, TBT Lê Duẩn là nhà lãnh đạo Việt Nam có đường lối cứng rắn nhất với phương Bắc.
Anh có đồng ý với ý kiến của nhiều người, khi họ cho rằng sự cứng rắn của ông Lê Duẩn là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc?" [3]
Chưa bàn chuyện đúng sai, nhưng thái độ không né tránh các sự kiện lịch sử hệ trọng của dân tộc, có ảnh hưởng đến tương lai vận mệnh đất nước như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và cuộc chiến bảo vệ Biên giới phía Bắc 1979-1989 là điều hết sức đáng quý.
Nó cho thấy nhu cầu tìm hiểu thông tin về các sự kiện, vấn đề trọng đại với quốc gia, dân tộc từ xã hội, từ người dân và có lẽ cho đến nay, hai người con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn đang đi tiên phong đáp ứng nhu cầu chính đáng này của dư luận.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin nối tiếp mạch tư duy của bài viết trước đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17/2: “Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”! để có đôi lời bàn về cách tiếp cận vấn đề mà ông Lê Kiên Thành, ông Lê Kiên Trung đã đặt ra.
Khi đặt lợi ích chính đáng, hợp pháp của quốc gia, dân tộc lên trên hết, dùng ánh sáng công pháp quốc tế cũng như những bài học vô giá của cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước để soi rọi các quan hệ bang giao và những sự kiện lịch sử cận hiện đại, đặc biệt là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tôi tin rằng những quan điểm khác nhau trong chúng ta rồi cuối cùng cũng tìm về một điểm.
Dân tộc Việt Nam anh hùng bất khuất trong chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng hòa hiếu, khiêm nhường trong ứng xử 
Cha ông chúng ta có rất nhiều tấm gương anh hùng, kiên trung bất khuất giữ trọn quốc thể bằng khí tiết cao vời và tài năng xuất chúng, khiến cường địch cũng phải kính nể.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Có thể nhắc lại đây câu nói nổi tiếng của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng khi bị giặc Nguyên bắt. "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: 
“Khi bị bắt, Vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, Vương không trả lời, giặc hỏi Vương: "Có muốn làm vương đất Bắc không?". Vương thét to:"Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc", rồi bị giết”. [4]
Hay tài ứng đối của sứ thần Đại Việt trước tướng Nguyên Ô Mã Nhi đã làm tướng giặc tâm phục. "Đại Việt sử ký toàn thư" chép:
“Ngày 12, giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân của ta, thấy người nào cũng thích hai chữ "Sát Thát" bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Rồi chúng đến Đông Bộ Đầu, dựng một lá cờ lớn.
Vua muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: "Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi".
Vua mừng, nói rằng: "Ngờ đâu trong đám ngựa xe kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế!"
Rồi sai đem thư xin giảng hoà. Ô Mã Nhi hỏi [Chung]: "Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ "Sát Thát", khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm".
Khắc Chung đáp: "Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?".
Nói rồi giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói: "Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?".
Khắc Chung nói: "Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người".
Ô Mã Nhi nói: "Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc Vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát".
Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng:
"Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích, không nịnh ta lên là Nghiêu, mà chỉ nói "Chó nhà cắn người"; giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được". [4]
Nếu như người anh hùng như Trần Bình Trọng lúc sa vào tay giặc dùng khí phách để giữ quốc thể thì nhà ngoại giao Đỗ Khắc Chung dùng bản lĩnh và biện tài để ứng phó với tướng giặc ngay giữa hang hùm, miệng rắn, khiến Ô Mã Nhi cũng phải cảm phục mà không dám coi thường Đại Việt ta.
Không ai trong số các bậc tiền nhân khả kính của dân tộc chúng ta thể hiện một sự chủ quan, khinh địch hay hiếu chiến, đặc biệt là những người đứng đầu đất nước trong thời khắc đối mặt với họa ngoại xâm, điển hình như Đức vua Trần Nhân Tông.
Bài nghiên cứu "Phật hoàng Trần Nhân Tông và bài học lợi ích dân tộc" của Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Quang Trung Tiến, Đại học Khoa học Huế viết trên Tuần Việt Nam và được báo Giác Ngộ đăng lại cho biết:
Vua Nguyên Hốt Tất Liệt từng nhiều lần "xuống chiếu" đòi ngài sang "chầu", nhưng Đức vua Trần Nhân Tông đều khéo léo, cương quyết tìm cách từ chối và cử sứ thần sang thay. [5]
Tượng Đức vua Trần Nhân Tông lúc đã xuất gia và trở thành Sơ Tổ Thiền Tông Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ảnh: Báo Công an Nhân Dân.
Thậm chí sự mềm dẻo, linh hoạt của Đức vua Trần Nhân Tông trong ứng xử với nhà Nguyên còn được sử gia Ngô Sỹ Liên ghi lại trong "Đại Việt sử ký toàn thư":
Từ tháng 4 đến tháng 11 năm 1288, Đức vua Trần Nhân Tông đã ba lần cử sứ giả sang Nguyên để triều cống và "tạ tội". Đồng thời, triều đình Trần cũng gửi vua Nguyên một bức thư biện hộ cho hai cuộc kháng chiến năm 1285 và 1287-1288.[6]
Nhắc lại chuyện xưa để thấy rõ ông cha chúng ta đã ứng xử như thế nào với nước láng giềng phương Bắc vì sự tồn vong và phát triển của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước. 
Đó là khí phách anh hùng, lòng quả cảm, tài trí thông minh, sự linh hoạt mềm dẻo, tính khí khiêm nhường…. Bài học lịch sử nào cần được nhấn mạnh trong quan hệ quốc tế, trong chúng ta hiện đang có những đánh giá khác nhau về cách ứng xử với các siêu cường, đặc biệt là với Trung Quốc.
Theo chúng tôi, phải chăng đó là sách lược “trong xưng đế ngoài xưng vương” mà ông cha chúng ta đã từng ứng xử đối với các triều đại phong kiến Trung Hoa sau mỗi lần đánh bại các đội quân quân xâm lược của chúng để giữ vững độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ trong bang giao với nước láng giềng phương Bắc đầy tham vọng bành trướng, bá quyền?
Đó là sách lược thể hiện sự khôn khéo, khiêm nhường trong đối nhân xử thế, biết mình biết ta, thắng không kiêu bại không nản, không bao giờ chủ quan, khinh địch; luôn luôn đề cao cảnh giác, tự lực tự cường. 
Đó là bài học sống còn từ ngàn năm dựng nước, giữ nước được thấm vào trong tư duy, suy nghĩ và hành động, chứ không cần, không phải, không nên thể hiện bằng lời nói, nhận định mang nặng cảm xúc, chủ quan khinh địch, nhất là từ những người giữ trọng trách trước quốc gia, dân tộc.
Ngày nay, chúng ta sống trong thời đại văn minh và loài người ngày càng hướng đến một xã hội thượng tôn pháp luật. Quan hệ bang giao giữa các nước cũng nhờ đó trở nên bình đẳng, hợp tác cùng có lợi trong khuôn khổ mái nhà chung Liên Hợp Quốc.
Dù tranh chấp, dù bất đồng vẫn luôn luôn tồn tại, nhưng vị thế đất nước ngày nay đã khác xưa. Câu chuyện "triều cống" hay "trong xưng đế, ngoài xưng vương" để giữ hòa hiếu đã không còn tái diễn.
Nhưng tinh thần khiêm nhường, yêu chuộng hòa bình song hành cùng đề cao cảnh giác, tự lực tự cường để bảo vệ Tổ quốc là không thay đổi.
Những bất lợi khi cố chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Những quan điểm khác nhau về cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại trong thời gian ông tại vị, đã được thể hiện qua những câu hỏi thẳng thắn dành cho hai người con trai của ông mà chúng tôi trích dẫn một số ở phần đầu của bài viết này.
Chúng tôi cho rằng, cách tiếp cận chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong đối nội, đối ngoại hay với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc như những gì phản ánh trong một số bài báo trên là điều không nên, bất lợi cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Bởi lẽ, anh Ba Duẩn đích thực là một chiến sĩ cách mạng kiên trung và yêu nước. Ông có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

“Gác lại quá khứ chứ không phải khép lại quá khứ”!

Vì vậy, sự nghiệp của “anh Ba” đã được lịch sử ghi nhận đúng mức và tên của Anh đã được đặt cho một đường phố lớn tại Thủ đô Hà Nội…
Tuy nhiên, trước thời kỳ mới, sự phát triển của đất nước sau chiến tranh diễn ra theo những quy luật hoàn toàn mới, đòi hỏi kiến thức, hiểu biết và vận dụng sáng tạo quy luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị cho đến ngoại giao.
Mà nhận thức là một quá trình, trong quá trình ấy những vấp váp, sai lầm là điều không thể tránh khỏi. 
Đánh giá những thành tựu và sai lầm để rút ra bài học, chỉ rõ những sai lầm ấy do đâu mà có chính là quy luật sống còn của một đảng cách mạng, một đảng chân chính, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
Vì vậy, cách tiếp cận một chiều, phủ nhận sạch trơn hay tô hồng tất cả đều sẽ dẫn đất nước này, dân tộc này đến những sai lầm, mà cái giá phải trả có thể rất đắt.
Trước những thăng trầm của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ xung đột 1979 - 1989 và bối cảnh địa chính trị khu vực, thế giới thời kỳ này, cần một cái nhìn thực sự bình tĩnh, khách quan, khoa học và cầu thị. 
Chỉ có như thế, chúng ta mới rút ra được bài học cho tương lai, để dân tộc này, đất nước này không phải đối mặt với hiểm họa của chiến tranh, thực sự tạo dựng được lòng tin làm nền tảng cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng do lịch sử để lại trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh ấy, việc hai người con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn lên tiếng về vai trò của ông đối với đất nước, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hay xung đột biên giới 1979 - 1989, thiết nghĩ là cơ hội quý.
Đấy là lúc để chúng ta bình tĩnh lại, cùng nhau nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính khoa học, ngõ hầu củng cố hòa bình đồng thời với việc gìn giữ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Vì thế, mọi nỗ lực để chứng minh các nhận định một chiều về vai trò của cố Tổng bí thư Lê Duẩn với các vấn đề nêu trên có thể dẫn đến những nhận thức sai lầm về chính vai trò của ông, hơn thế nữa còn tác động không nhỏ đến tương lai, vận mệnh dân tộc.
Về đối nội, nó gây ra những quan điểm hoài nghi và chia rẽ trong nội bộ xã hội chúng ta, qua những bài phỏng vấn và trả lời phỏng vấn của Tiến sĩ Lê Kiên Thành và Thiếu tướng Lê Kiên Trung, có thể nhận thấy rất rõ đã hình thành 2 luồng quan điểm:
Một là đánh đồng việc đề cao cảnh giác bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với xu hướng, tâm lý "chống Trung Quốc", hai là xem chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, giải quyết tranh chấp bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ hòa bình, ổn định là "sợ Trung Quốc".
Cả hai xu hướng này đều dẫn tới chỗ cực đoan.
Chỉ có hiểu Trung Quốc để thích nghi và chung sống hòa bình, ứng xử như cha ông chúng ta đã từng ứng xử mới giúp đất nước này, dân tộc này trường tồn, phát triển kể cả khi nằm giữa những cạnh tranh gay gắt từ các siêu cường đương đại.
Với các nước lớn, cha ông ta luôn ứng xử hết sức mềm dẻo và linh hoạt trong khi giữ vững nguyên tắc. Điều này có thể tổng kết qua hai câu “nói phải, củ cải cũng nghe”, và khi “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”!
Về đối ngoại, những nỗ lực chứng minh các luận điểm một chiều này chỉ tạo cớ cho một bộ phận chính khách, chiến lược gia Trung Quốc củng cố lập luận của họ về cách ứng xử “tiền hậu bất nhất” của Việt Nam trong quan hệ song phương.
Vì vậy, đối diện với những vấn đề nhạy cảm, "gai góc" trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không chỉ đòi hỏi phải có một dũng khí và bản lĩnh, mà quan trọng hơn là trí tuệ và đầu óc tỉnh táo, sáng suốt để có cái nhìn toàn cảnh và đưa ra những giải pháp tổng thể một cách khả thi, hiệu quả.
Trong quá trình đó, người viết tin rằng, chỉ cần chúng ta luôn đặt lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc, tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế trong các hoạt động bang giao, đối ngoại lên trên hết, đặt các sự kiện cụ thể vào bối cảnh lịch sử - kinh tế - xã hội khu vực, quốc tế cụ thể, chúng ta sẽ có cái nhìn sát thực hơn.
Chỉ có như vậy, thì mọi quan điểm khác nhau xuất phát từ lòng yêu nước và trách nhiệm trước vận mệnh của quốc gia dân tộc mới tìm thấy điểm chung. Nếu không, xã hội Việt Nam sẽ trở nên chia rẽ, không cần kẻ thù nào đánh phá, chúng ta cũng tự tan.
Cũng chỉ có tiếp cận các vấn đề trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời cận hiện đại một cách thẳng thắn, bằng thái độ khách quan, cầu thị, khiêm tốn, biết mình, biết ta, thượng tôn pháp luật thì mới tìm được tiếng nói chung cùng nhân dân Trung Quốc xây dựng nền hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi trong quan hệ giữa hai nước.
Tài liệu tham khảo:
[6]Ngô Sĩ Liên (1993). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, tr. 199-200.

Phần nhận xét hiển thị trên trang