Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

"GS" Vũ Khiêu: CẢM ƠN VI THÙY LINH - CON CHIM YẾN CỦA TÔI!!!


Giáo sư Vũ Khiêu:
Vi Thùy Linh - Một con chim yến
 
Chủ Nhật, 04/11/2012 12:49
(TT&VH) - LTS: Nhà thơ Vi Thùy Linh vừa ghi một dấu ấn trong 17 năm cầm bút của mình: Phát hành cùng lúc 2 tập sách ViLi & Paris (thơ), ViLi tùy bút (văn xuôi) vào đầu tháng 11 này. Ngày 16/11, chị sẽ họp báo ra mắt 2 tác phẩm này cùng đêm diễn Bay cùng ViLi (tối 1/12/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội). 

Nhân dịp này TT&VH trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu về cuốn văn xuôi đầu tiên của Vi Thùy Linh.

Nhà thơ Vi Thùy Linh bên giáo sư Vũ Khiêu

Tôi gọi Linh là một con chim yến. Như con chim yến trên bầu trời, vụt bay đến rồi lại vụt bay đi. Linh đến nhà tôi cũng thế, bỗng đến rồi bỗng đi, đi rồi lại đến... Qua đôi lần trò chuyện, Linh như hiểu tôi thêm và tôi cũng hiểu thêm về Linh. Linh quý tôi như ông và tôi cũng coi Linh là đứa cháu yêu thương, tin cậy. Bởi sự liên tài không lệ thuộc tuổi tác.

Giữa tôi và Linh có điểm giống nhau, song lại có nhiều điểm rất khác nhau thậm chí trái ngược nhau.

Khác nhau ở những điểm nào?

Tôi ra đời từ đầu thế kỷ 20, di sản của quá khứ từ xa xưa cho đến thế kỷ 19 còn đè nặng trong tôi. Ngược lại, Thùy Linh sinh vào cuối thế kỷ 20 và trưởng thành khi bước vào thế kỷ 21, trước một hiện tại đang biến đổi và một tương lai vô định đang chờ đón loài người.

Sự khác nhau giữa tôi và Thùy Linh thể hiện ở cung cách nhận thức và phản ánh hiện thực xã hội. Thùy Linh thì lúc nào cũng sôi nổi, bận rộn, vội vã, viết văn như suối chảy, sục sôi qua những thác ghềnh; còn tôi là một dòng sông trầm lặng đang đi về biển cả.

Thùy Linh lăn lộn xông xáo trong mọi hoàn cảnh sinh động của cuộc sống hàng ngày; còn tôi lại nhìn mọi sự vật đều là ảo ảnh, đều mong manh như giọt nước, như ánh chớp, nên sống thanh thản không có gì để mất, cũng không có gì đáng mong đợi từ cõi nhân thế này.

Còn giống nhau ở những điểm nào?

Trước hết, cả hai ông cháu đều dốc tâm huyết và dành thời gian để nghiên cứu và sáng tác phục vụ xã hội và con người.

Tôi chẳng khác một con tằm già đã suốt đời ăn lá dâu, mong trả lại cho đời những sợi tơ vàng. Nhiều khi chẳng còn tơ vàng nữa mà chỉ còn những sợi tơ đỏ đầy sắc huyết.

Còn Linh vẫn là một con yến. Con chim yến không chỉ bay lượn mà còn cật lực lao động bằng đem dãi huyết của chính mình về làm tổ yến, một món ăn, một dược liệu quý cho con người.

Một điều giống nhau nữa là tôi và Thùy Linh cùng quý trọng nền văn minh lâu đời của nước Pháp. Tôn vinh giá trị, phẩm chất và tài năng con người đã nổi bật lên trên đất Pháp từ thời Phục hưng. Cuộc cách mạng Tư sản dân quyền của Pháp năm 1789 đã đập tan chế độ phong kiến và tàn dư thời Trung cổ. Lá cờ bình đẳng, tự do, bác ái của cuộc cách mạng này đã tung bay khắp châu Âu và thức tỉnh nhân dân các nước vùng dậy.

Vi Thùy Linh qua ba lần đi Pháp, đã đem về những tình cảm tốt đẹp và trong sáng đối với xứ sở này. Còn tôi, lớn lên trong nhà trường của Pháp, học tiếng Pháp từ nhỏ, lại trải qua nhiều lần sang Pháp, làm quen và kết bạn với nhiều trí thức Pháp... Tuy nhiên, lòng tôi không hoàn toàn giống Thùy Linh. Thùy Linh thực lòng mến phục nền văn minh Pháp. Còn ở tôi, có hai nước Pháp: một nước Pháp với truyền thống văn minh mà tôi quý trọng và một nước Pháp của bọn thực dân tàn bạo mà tôi căm thù và quyết tâm chiến đấu để quét sạch bọn chúng.

Linh đã làm việc vất vả như con chim yến

Sự khác nhau và giống nhau nói trên không thể cản trở sự hiểu biết lẫn nhau giữa tôi và cháu Vi Thùy Linh. Nhất là từ hôm cháu đưa đến cho tôi bản thảo. ViLi tùy bút, cuốn văn xuôi đầu tiên của Linh. Con chim yến này ra sách vào mùa Thu mà không ra sách vào mùa Xuân, mùa Linh sinh ra, mùa của chim yến. Phải chăng đối với Linh và chim yến  thì cả bốn mùa đều là mùa Xuân cả. Mùa Xuân của lao động, sáng tạo và cống hiến. Chim yến (én), nhạn là chim báo hiệu mùa Xuân. Chim yến xuất hiện trên bầu trời, là sứ giả của mùa đầu, mùa mới, mùa sinh sôi, mùa yêu, mùa tương lai, cho con người ta hướng tới cái đẹp và khát vọng.

Cũng như Linh, yến hót, yến làm tổ, đều cật lực bằng tinh huyết của mình. Yến chỉ nhỉnh hơn chim sẻ, mà bay rất khỏe. Làm tổ bằng dãi có huyết, tổ yến (yến sào) có sợi hồng bám vào vách đá ngoài đảo. Yến bay 80 - 100km vào đất liền, tối mới quay về tổ. ViLi đã làm việc vất vả như con chim yến vậy. Nhiều lúc nhìn cháu gầy rộc, xanh xao sau mỗi lần xong một tác phẩm, tôi thật xót thương và trân trọng.

Và ViLi tùy bút 

Nhận được bản thảo cuốn ViLi tùy bút dày 270 trang, tôi đã thức trắng mấy đêm để đọc. Càng đọc càng rõ sự gợi cảm, cuốn hút và xúc động. Qua không gian rộng biên độ của 44 tác phẩm, tôi thấy tác giả đã dành nhiều công phu từ sưu tầm tài liệu đến lao động bản thảo, cách dàn dựng và cấu trúc tác phẩm.

Thơ hay văn xuôi của Vi Thùy Linh đều bộc lộ một tiềm lực tươi trẻ. Với trí tưởng tượng phong phú lại lãng mạn, nhiệt tình và yêu sự sống, Linh đã gom vốn sống, trải nghiệm, chiết xuất những trang văn đẹp, thực sự cuốn hút và cảm động. 

Văn thế nào, người thế ấy. Văn Vi Thùy Linh tình cảm tràn đầy. ViLi là bút danh của Vi Thùy Linh. ViLi đưa ra một thi pháp mới cho thể loại tùy bút. 

Văn liệu, sử liệu cùng lối quan sát nhạy cảm, tinh tế, hóm hỉnh dường như đã được Vi Thùy Linh chuẩn bị từ những năm làm thơ. 

Vi Thùy Linh đã khiêm tốn khi cho mình theo chủ nghĩa duy mỹ. Cây bút trí tuệ của Linh đã viết ra nhiều ý hay và lời đẹp. Thơ và văn xuôi của Linh đều bộc lộ một tiềm lực dồi dào mỹ cảm. Tuy nhiên, không thể coi văn Linh là chủ nghĩa duy mỹ. “Mỹ” của Linh là “mỹ” trong một khối toàn diện, bao gồm cả chân thiện mỹ. Mỹ ở Linh gắn liền với khối óc sáng suốt (chân) với một trái tim bao la và nồng nhiệt (thiện). 

ViLi tùy bút đã khiến tôi thực sự xúc động. Nói về những con người mà ViLi quý trọng, về những địa danh mà ViLi đã đi qua, lời văn thật gợi cảm và nhận thức khá tinh vi. Đầu tháng 11 này, Linh tặng tôi tập văn xuôi ViLi tùy bút được in sang trọng và rất đẹp. Tôi xem lại những trang viết nay đã thành những trang sách tím mà mừng cho tác giả.  

Người đọc sẽ cùng đồng cảm trước những ý tưởng phong phú, lãng mạn, những tâm huyết, khát vọng của tác giả qua lời văn hồn nhiên, chân thành, bút pháp khá chín muồi, kỳ công trau chuốt tiếng Việt. Đây chính là đặc trưng của phong cách Vi Thùy Linh trong cả thơ và văn. 

Khi ViLi viết về bà nội mình và ông nội mình, tôi đã khó giữ được nước mắt. Vì tôi nhớ đến chính bà nội và ông nội tôi, những người đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng không bao giờ phai lạt và những nỗi xót thương vô hạn. 

Tôi cảm ơn ViLi và tin rằng sẽ có nhiều và rất nhiều độc giả cùng có những cảm xúc như tôi. 


GS VŨ KHIÊU

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đấy là nói với chú, cựu nhà báo Nguyễn Xuân Anh


>> Vì sao Liên Xô lại sụp đổ?
>> Đã tranh, cướp thì… khó đẹp!
>> Mặt nhìn mặt còn ngờ trong giấc mộng?


FB Bùi Hoàng Tám
Nói với một người từng là đồng nghiệp, ít tuổi hơn.

Đấy là nói với chú (vì ít tuổi hơn) cựu nhà báo Nguyễn Xuân Anh (trước Xuân Anh từng là PV báo Thanh niên) chứ không nói với ông Bí thư Nguyễn Xuân Anh, rằng: Chú lý luận thế là không ổn.

Thứ nhất, về cái biển số xe, mình không rành lắm nhưng nghĩ Công an họ đánh số từ 01 trở lên và nếu số biển xanh khác số biển trắng như lời chú nói, hiện Đà Nẵng có ít nhất 29999 xe công? Đó là chưa kể số lượng xe mang biển bốn chữ số. Còn nếu bấm ngẫu nhiên, sao lại có sự trùng lặp kỳ lạ cho cả 2 cái xe và 2 vị chủ sở hữu… Tuy nhiên, như nói từ đầu, mình không rành lắm về chuyện này nên sai, sori trước vậy.

Thứ hai, nói doanh nghiệp tặng ư? Đúng là họ tặng thật nhưng mình có được phép lấy không lại là chuyện khác.

Nếu chú nói được (thực tế chú đã OK) thì có lẽ, Đà Nẵng không cần phải chi tiền cho xe công nữa vì tôi tin, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiêp muốn “tặng”, “biếu”…

Về lý do tặng, tôi không nghi ngờ lòng tốt của họ nhưng tôi cũng không tin họ hoàn toàn vô tư, trong sáng. “Miếng fomat cho không chỉ nằm trong bẫy chuột – Ngạn ngữ”.

Vả lại, chả lẽ nhân dân Đà Nẵng không trang bị được cho lãnh đạo cao cấp của mình một chiếc xe đúng theo tiêu chuẩn qui định mà phải để cho doanh nghiệp… tặng?

Từng làm nhà báo, chắc chú thừa hiểu nếu ai đó tặng bọn ta một cái phong bì 500 – 1tr nhân dịp nào đó, với nhiều người thì thôi, tạm gọi là vô tư. Còn 10-20tr mà lại chỉ có một vài người thì khó có thể không có giá…

Tóm lại theo tôi, chú nên trả ngay lập tức và xin lỗi nhân dân vì sự nông nổi này, nhận hình thức kỉ luật đối với Đảng, Nhà nước.

Đừng để “Cái sảy, nảy cái ung” mà bài học gần đây nhất là vụ việc ở Nam Trung Yên…

Nói thêm: 

Giả sử họ tặng mình (giả sử thôi), mình cũng không dám lấy (chứ không phải không muốn) vì mình đa nghi, đời có ai cho không ai khối tài sản to như thế và nhát.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cũng bởi lẽ, họ làm báo mà nghĩ mình là cha thiên hạ?


>> Việt Nam khẳng định Đoàn Thị Hương 'là công dân VN'
>> Hình phạt của Hà Văn Thắm giống “bầu” Kiên hay Giang Kim Đạt?
>> Sự thật chuyện tìm thấy mộ Trạng Trình: Khai quật mộ 'cụ' thành mộ 'trẻ em'


FB Dương Tiêu
Các anh các chị lạ vl. Tây nó ị một bãi thì bu xung quanh khen thơm. Còn bảo phải làm thế này thế kia, chế độ ăn dư lày dư kia mới được như thế. Còn Việt cái gì cũng chê. Ấy là tôi nói về vụ công văn của báo ĐS&PL. Báo này thì hay rồi, khỏi kể, chỉ kể công văn í thôi.

Chưa nói chuyện đó vội. cuối năm 2013, báo đưa bản tin “Bộ trưởng Ba Lan từ chức vì đồng hồ 6.600 USD”. Chuyện là, Bộ trưởng Giao thông Vận tải của Ba Lan quyết định nộp đơn từ chức hôm 15-11 năm đó sau khi các công tố viên cho rằng ông đã phạm luật vì không khai báo tài sản sở hữu là chiếc đồng hồ trị giá 6.600 USD. Sự việc được phanh phui khi đầu năm đó, phương tiện truyền thông Ba Lan đưa tin vị bộ trưởng 38 tuổi này có sở thích đeo đồng hồ xa xỉ. (hết trích, ai đọc nguyên bài báo đó, tí sẽ đưa ở comment).

Trở lại chuyện Việt Nam. Tôi cá với toàn thể 5000 anh em trong FL, tại kiểm điểm cuối năm của anh Phó Chủ tịch quận 1 kiểu gì cũng có câu “sống đơn giản, thực hành tiết kiệm” hay đại khái thế. Anh này chắc chắn cũng là điển hình “học tập, làm theo lời Bác”. Mà Bác dặn người cán bộ phải “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, đúng chửa?

Vậy nên, việc một cán bộ cấp quận đeo đồng hồ, dùng điện thoại tiền trăm triệu đồng thì đúng là khác với phần đông nhân dân với mức sống đâu như 2K USD/ năm. Báo chí “soi” là đúng. Nhưng chuyện đồng hồ, Vertu vẫn là câu hỏi để ngỏ: có được do bố mẹ để lại, anh chị em tặng, làm đến thối móng tay rồi mua (đã kê khai tài sản), đồng hồ giống PP, điện thoại giống Vertu. Việc báo chí muốn gặp để ổng giải thích cũng là điều tất lẽ dĩ ngẫu.

Tất nhiên, ông nhà báo này và cơ quan in CV này khỏi bàn. Cái nửa công văn nửa dọa dẫm kia đã nói lên phần nào “trình độ” của nhà báo, thậm chí của tờ báo. 

Nhưng cũng không vì thế mà triệt tiêu “tính phát hiện” của báo chí.

Giá kể, ông nhà báo và tờ báo kia có cách tiếp cận khác, văn minh hơn, hòa nhã hơn, công văn đúng thể lệ, lời lẽ khiêm cung thì có lẽ người dân đã có cơ hội biết thêm thông tin về một cán bộ đang được coi là năng nổ, cán bộ kia cũng có cơ hội giải thích về những hiểu nhầm của cư dân mạng thời gian qua.

Nhưng cơ hội đã qua. Báo chí đã thua 100%. Cũng bởi lẽ, họ làm báo mà nghĩ mình là Cha thiên hạ, làm báo theo kiểu tống tiền quen mùi. Âu cũng là một cái giá, dù hơi đắt (hoặc rẻ tùy người nghĩ).

Chúc mừng anh Biển đã qua cơn sóng gió. Nhưng anh chú ý, ở TP HCM, Biển thường hay gặp sự cố nên anh cẩn thận.

Ý vắn tình dài!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Di chúc của cha không bằng tờ giấy lộn

 
 
Trần Gia Huấn (VNTB) Kim Jong Nam là anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong Un, đương kim lãnh tụ Bắc Hàn. Jong Nam vừa bị ám sát bởi một nhóm khoảng mười người, tại phi trường Kuala Lumpur, Mã Lai, vào sáng 13/2/2017. Dựa vào những nguồn tin đã được kiểm chứng, tôi tóm tắt lại đôi dòng về thân nhân của Jong Nam để bạn đọc có thêm thông tin.
Mẹ – Song Hye Rim
Kim Jong Nam là con trai đầu lòng của cố Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhất và mẹ Song Hye Rim. 
Bà Song Hye Rim sinh tại Nam Hàn. Cha bà là đảng viên Đảng Cộng sản Triều Tiên, nên quyết định đi “tập kết” đưa cả gia đình đến miền Bắc sinh sống.
Là diễn viên điện ảnh xinh đẹp, tài năng, và nổi tiếng, bà Song Hye Rim đã kết hôn với tiểu thuyết gia kiêm dịch giả lừng danh Yi Ki Yong. Vợ chồng bà có con gái sinh năm 1956. 
Kim Chính Nhất bấy giờ là con trai duy nhất của bậc khai quốc công thần Lãnh tụ Kim Nhất Thành. Vào khoảng 1967, Chính Nhất lãnh đạo ngành văn hoá và nghệ thuật Bắc Hàn thì gặp cô đào màn bạc Hye Rim. Dục vọng và ái tình đã làm cho vị hoàng tử trẻ 25 tuổi lao vào mê lộ. 
Bạn gái thân của bà Song kể lại: Hình như Chính Nhất mất mẹ sớm nên ông thích phụ nữ lớn tuổi. Hơn nữa, Song Hye Rim có nhan sắc vừa mặn mà vừa quyến rũ, thông minh, nói năng duyên dáng, nhạy cảm, và rất khôi hài. 
Bà Song sinh năm 1937, đã có chồng, có con. Kim Chính Nhất sinh năm 1941, độc thân. Bà Song dáng người khá cao. Chính Nhất thấp hơn. Bất chấp, Chính Nhất ép bà phải ly dị và bí mật sống với ông như vợ chồng. Kết quả, Kim Jong Nam là bông trái của mối tình đầy sóng gió này. 
Xã hội Bắc Hàn khi đó mang đậm màu sắc phong kiến, không ai có thể chấp nhận vị hoàng tử trẻ độc thân, lãnh tụ tương lai của đất nước, lại có thể kết hôn với một phụ nữ hơn tuổi, đã có chồng, có con riêng, và đến từ miền Nam thù địch. Mối tình bị khai tử. Tuy vậy, bà Song vẫn nhận được mọi ân sủng, được thăm và nuôi con.
Năm 1974, bà mắc chứng trầm cảm, đi điều trị ở Moscow, Liên Xô, rồi ở lại luôn. Mỗi lần về lại Bắc Hàn, bà đều được Kim Chính Nhất mời ăn tối, và tiếp đón chu đáo. Ông dành cho bà tình cảm đặc biệt.
Sau khi chia tay với Kim Chính Nhất lúc 37 tuổi, bà Song không thấy có mối quan hệ với người đàn ông nào nữa. Bà qua đời năm 2002, ở tuổi 65, mai táng tại Moscow. 
Cha – Kim Chính Nhất 
Kim Chính Nhất được cha truyền ngôi, lãnh đạo đất nước 17 năm từ 1994 cho đến khi qua đời năm 2011. Có ít nhất năm người đàn bà đã bước qua cuộc đời tình dục đầy phóng túng của ông. 
Người thứ nhất – Hong Il Chon, sinh năm 1942, là bạn cùng Đại học với Chính Nhất. Hai người sống với nhau từ 1966 tới 1969 có một con gái sinh năm 1968.
Người thứ hai – Song Hye Rim, sinh năm 1937, là diễn viên điện ảnh, mẹ của Kim Jong Nam vừa bị ám sát. 
Người thứ ba – Kim Yong Suk, sinh năm 1947, được coi là vợ chính thức của Kim Chính Nhất, bởi vì bà được cha chồng Kim Nhật Thành chọn. Lễ cưới tổ chức vào tháng 10/1973. Họ có hai con gái Kim Sul-Song sinh 1974 và Kim Chun-Song sinh 1976. Bà và Chính Nhất chia tay vào khoảng những năm đầu thập kỷ 1980s.
Người thứ tư – Kim Yong Hui, sinh năm 1953 tại Osaka, Nhật Bản. Tổ tiên của gia đình bà gốc Bắc Hàn di cư tới Nhật đã lâu, nên cha bà đã đưa gia đình trở lại cố hương vào khoảng giữa năm 1960s. Bà là diễn viên múa trẻ và rất xinh đẹp trong đoàn nghệ thuật quốc gia. Hình ảnh bà phủ kín trên các trang bìa của truyền thông Bắc Hàn thời đó. Bà lọt vào mắt hoàng tử Chính Nhất, rồi trở thành người tình từ năm 1975.
Bà sinh con trai Kim Jong Chol vào năm 1981, Kim Jong Un (đương kim Lãnh tụ Tối cao Bắc Hàn) 1983, và cô gái út 1987. Tuy không phải vợ chính thức, không có hôn thú, nhưng bà thường tháp tùng Kim Chính Nhất, giữ vai trò của một Đệ nhất Phu nhân. Bà qua đời vào năm 2004, mới 50 tuổi, do ung thư vú.
Người thứ năm – Kim Ok, sinh năm 1964, là nghệ sỹ biểu diễn dương cầm tài năng trong đội nhạc công phục vụ cán bộ cao cấp. Bà đã lọt vào tầm ngắm, được Kim Chính Nhất tuyển dụng làm thư ký riêng. 
Khi người tình thứ tư (mẹ của Kim Jong Un) chết thì Kim Ok xuất hiện như một Đệ nhất Phu nhân. Bà tháp tùng Kim Chính Nhất trong dịp lễ hội, thăm viếng các nước, đón tiếp nguyên thủ. Bà là người duy nhất được tham dự vào công việc hệ trọng, hội họp, hoạch định chính sách, hay ra những quyết định. Bà cũng được coi là người đàn bà sống bên cạnh vị Lãnh tụ Kính yêu lâu nhất, chăm sóc ông chu đáo liên tục 31 năm, từ 1980 đến 2011.
Bà cộng tác rất đắc lực với Jang Song Thaek (chú dượng của Kim Chính Ân) người chủ trương mở cửa, cải cách kinh tế đi theo đường lối của Trung Quốc. 
Kim Chính Nhật chết. Kim Jong Un lên thay. Bà Kim Ok bị tước hết quyền hành, tịch thu tài sản, và cả gia đình bà (bố mẹ và anh chị em) bị đày đi cải tạo lao động. Hiện bà 53 tuổi, không có con với Kim Chính Nhất, đang sống trong một trại lao khổ ở Bắc Hàn . 
Tóm lại, Kim Chính Nhất có tổng số bảy người con (ba trai bốn gái) với một vợ và bốn người tình. Trong đó, bà Song Hye Rim, người tình hơn tuổi, mẹ của Kim Jong Nam được mô tả là ông sủng ái nhất, với con trai Kim Jong Nam cũng được ông yêu thương nhất . 
Dì: Song Hye Ring
Kim Jong Nam sinh 10/5/1971, tại Bình Nhưỡng. Thời gian đầu đời, Jong Nam sống với mẹ, bà ngoại và dì. Năm 1974, khi mẹ qua Moscow chữa bệnh, cha ông mời người dì ruột của Jong Nam, bà Song Hye Ring, em gái của người tình cũ, về kèm học cho Jong Nam mỗi ngày. 
Dì Hye Ring, cũng là một minh tinh màn bạc đẹp và nổi tiếng, vừa ly dị chồng, có con nhỏ cùng lứa với Jong Nam. Hàng ngày, dì mang con mình và Jong Nam tới căn phòng bí mật gần nơi làm việc của Kim Chính Nhất để nuôi dạy. Bí mật bởi Chính Nhất không dám để cha biết mối quan hệ của ông. 
Đến năm 1979, dì Hye Ring tháp tùng Jong Nam đi học tại trường Quốc Tế Geneva, Thụy Sỹ. Kim Chính Nhất sợ bà mang Jong Nam trốn sang phương Tây, nên lệnh cho hai dì cháu phải học ở Moscow, Liên Xô. Cả tuổi thơ của Jong Nam sống ở Moscow hoặc Geneva. 
Jong Nam về lại Bắc Hàn với cha năm 1988. Dì Hye Ring đào thoát. Bà đang sống ẩn danh tại một nước châu Âu. Trong cuốn hồi ký của bà có đoạn viết về tình cha con giữa Kim Chính Nhất và Jong Nam: “Không có từ ngữ nào có thể mô tả nổi tình yêu thương của Kim Chính Nhất dành cho con trai. Vị hoàng tử trẻ tuổi lúc nào cũng ẵm đứa con trai trong giấc ngủ. Khi nó khóc, ông ẵm, ông đưa, ông ru cho đến khi nó nín. Cách ông vỗ về an ủi con chẳng thua kém gì những người mẹ giỏi.” 
Sự kiện Disneyland ở Tokyo
Tròn 18 tuổi về lại Bắc Hàn, Jong Nam chứng kiến những đổi thay lớn trong đại gia đình họ Kim. Cha ông đã có vợ mới với những con trai, con gái trong đó có Kim Jong Un. 
Jong Nam càng bị giấu kín hơn. Ông không bao giờ được báo chí đề cập tới như những người con khác. Mãi cho đến buổi sáng định mệnh 13/2/2017 khi bị ám sát tại Kuala Lumpur, cũng chỉ vài người Bắc Hàn biết tới ông. 
Trong thời gian sống ở Bắc Hàn, Jong Nam không được phép ra khỏi Bình Nhưỡng. Những dịp lễ tết, họp mặt đại gia đình họ Kim, Jong Nam cũng không có mặt. Thảng hoặc, ông được phép đến nhà nghỉ của cha nằm trên bờ biển thuộc thành phố cảng Wonsan. Dì Hye Ring kể lại rằng “Bãi biển mêng mông thinh lặng, chỉ có hai đứa trẻ và người lái xe.” 
Jong Nam theo học ngành Khoa học Chính trị, rồi chuyển sang Computer Science tại Thụy Sỹ. Ông được mô tả là người thân thiện, khiêm tốn, hòa đồng, nói tiếng Anh, Pháp và Nga lưu loát. Jong Nam rất gần gũi với những nhân vật chủ trương mở cửa, đặc biệt là người cô ruột (em gái của cha), bà Kim Kyong Hui và chồng bà là Jang Song Thaek. Jong Nam lúc ấy được Kim Chính Nhất chọn làm người kế vị. 
Bất hạnh thay, trong lần đi du lịch tới Nhật, Jong Nam đã dùng hộ chiếu giả, bị bắt tại phi trường Narita, Tokyo. Jong Nam khai với cảnh sát Nhật rằng ông dùng hộ chiếu giả với mục đích muốn thăm khu du lịch Disneyland, Tokyo. 
Sự cố này đã làm Kim Chính Nhất mất mặt. Ông bỏ Jong Nam, và quyết định đưa Jong Un lên nối ngôi. Sau khi cha mất, Jong Nam chính thức bước vào cuộc đời lưu vong. 
Di chúc của cha
Jong Un tự phong mình là “Lãnh tụ Tối cao”. Tối cao nên muốn giết ai thì giết. 
Un cho tử hình chú Jang Song Thaek, Đại tướng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc gia, người đồng chí thân cận nhất của cha, và cũng là chồng của cô. Ông Jang bị lột trần truồng rồi thả cho bầy chó săn cắn xé cho đến khi tắt thở. 
Jong Un đầu độc cô ruột Kim Kyong Hui, người em gái thân thiết của cha, vì cô dám đứng lên bảo vệ chồng. (Có tin nói bà bị đầu độc, đã chết. Có tin nói bà bị đầu độc hôn mê, chưa chết, đang sống đời sống thực vật)
Jong Un tử hình Tướng bốn sao, Bộ trưởng Quốc phòng Hyon Yong-Chol, bằng đại bác, tại một trường sỹ quan, trước mặt toàn bộ học viên. 
Jong Un cho thiêu sống Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Kim Jong Jin chỉ vì ngủ gật, ngồi không ngay ngắn khi Lãnh tụ Tối cao đang phát biểu. 
Jong Un đày ải mẹ kế Kim Ok, người cận kề an ủi, giúp đỡ cha trong những năm cuối đời sức tàn lực kiệt.
Năm năm lãnh đạo, Un tử hình 340 cán bộ cao cấp tương đương hàm bộ, thứ trưởng, bằng những hình thức dã man.
Trở lại năm 2009, cha Kim Chính Nhất đang nắm quyền lãnh đạo đất nước. Con trai Jong Un bấy giờ 25 tuổi, toàn quyền ngành an ninh và tình báo quốc gia. Jong Un cho khám nhà, và bắt Jong Nam cùng nhiều người khác. 
Hình như thấy trước được những tai ương, Kim Chính Nhất trước khi chết khoảng một tháng, đã di chúc rõ ràng rằng: Kim Jong Un là người tiếp quyền ông lãnh đạo đất nước. Kim Jong Nam phải được sống một cuộc đời yên ổn. Tất cả mọi người, kể cả chính quyền, không được phép sách nhiễu, gây phiền toái, hay hãm hại Jong Nam. (Thời gian và nội dung của bản di chúc được cơ quan tình báo Nam Hàn thu thập từ những cán bộ cao cấp đào thoát qua miền Nam). 
Thôi, cũng xong một kiếp người. Kể ra, Jong Nam còn may mắn và rất có hậu. Có lẽ người mẹ xinh đẹp tài năng, cùng bao oan hồn khác, sống khôn chết thiêng đã phù hộ cho Jong Nam, để ông được chết giữa thanh thiên bạch nhật, giữa phi trường quốc tế, tại một quốc gia không bưng bít thông tin. Công luận bây giờ đã biết tới Kim Jong Nam. Công lý sẽ tới với ông. Truyền thông thế giới khai thác, mổ xẻ, phân tích từng chi tiết. Hình ảnh Kim Jong Nam quỵ ngã khi trúng độc được chiếu nhiều lần trên nhiều kênh truyền hình quốc gia. Độc tố giết ông được xét nghiệm. Được bào chế ở đâu? Ai bào chế nó? Ai vận chuyển nó vào Malaysia? Các nghi phạm được phơi bày. Thi thể ông được bảo vệ và tôn trọng. 
Còn bao nhiêu nạn nhân Bắc Hàn, chết âm thầm, chết tức tưởi, chết đớn đau, chết oan nghiệt, chết trần truồng, chết đói khát, chết cô đơn, chết không được toàn thây, không ai biết tới, không quan tài, không hương khói, không điếu văn, không kèn trống, không cả một nấm mồ. 
Kim Jong Un (còn ai khác?) đã lệnh giết Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ, người đã van xin có cuộc đời ẩn dật, lưu vong, người con trai cả yêu mến của cha, người đầu tiên trong dòng họ nhà Kim bị mưu sát. 
Di chúc của cha, nhưng Kim Jong Un coi không bằng tờ giấy lộn.
Tháng Hai, 2017 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Năm căn bệnh trong khoa học



Đọc bài này (1) của John Antonakis, tổng biên tập tạp chí Leadership Quarterly, thấy hay và thấm thía. Ông liệt kê 5 căn bệnh trong khoa học mà ông đặt tên theo kiểu chơi chữ là Significosis, Neophilia, Theorrhea, Arigorium, và Disjunctivitis.


1. Significosis là cách chơi chữ từ "significance" trong thống kê học, và osis là tiếp vĩ ngữ y khoa có nghĩa là trang thái rối loạn. Người mắc "bệnh" này thường có xu hướng đi tìm những kết quả có ý nghĩa thống kê (có nghĩa là "statistically significant"). Những kết quả như thế giúp cho nhà khoa học nâng cao khả năng công bố bài báo. Một kết quả với P thấp hơn 0.05 có khi được xem như là một giấy thông hành cho công bố quốc tế. Nhưng trong thực tế, ít ai biết rằng 1/3 những kết quả như thế (P thấp hơn 0.05) là sai, tức là dương tính giả. Nhìn thấy nó có ý nghĩa thống kê đó, nhưng trong thực tế thì chẳng có ảnh hưởng hay tác động gì cả. Do đó, công bố những bài báo chỉ dựa vào "ý nghĩa thống kê" làm cho nền khoa học mắc bệnh. Đó có thể xem significosis là bệnh "rối loạn thống kê".
2. Neophilia cũng là một cách sáng tạo chữ mới từ neo (có nghĩa là "mới") và philia có nghĩa là "yêu thích"). Do đó, neophilia là bệnh yêu thích cái mới. Trong thực tế, rất hiếm khi khoa học tìm ra cái mới, vì trước đó đã có quá nhiều phát hiện. Đại đa số các nghiên cứu khoa học ngày nay chỉ mang tính "incremental", tức là thêm kiến thức một chút so với kiến thức cũ, chứ rất rất hiếm các nghiên cứu dạng "breakthrough" hay đột phá. Nhưng bất cứ nhà khoa học nào cũng muốn tìm cái mới. Cái mới có thể là một phát hiện động vật mới, bệnh lí mới, hay nói chung là kết quả mới. Cái mới giúp cho nhà khoa học nâng cao khả năng bài báo được công bố trên các tập san khoa học lừng danh. Vì thế, giới khoa học tìm cách nâng tầm nghiên cứu của mình để sao cho nó có cái mới, và cách vặn vẹo đó dẫn đến tình trạng rất nhiều nghiên cứu phát hiện ra "cái mới", nhưng khi người khác không được lặp lại bởi các nhóm nghiên cứu độc lập. Có thể nói rằng hầu hết (có thể 90%) các kết quả nghiên cứu công bố trên các tập san khoa học hiện nay là sai hoặc không tái lập được. Do đó, Neophilia có thể xem là bệnh "Ái tân".

3. Theorrhea cũng là một cách chơi chữ hay, vì theoros có nghĩa là suy nghiệm, và tiếp vĩ ngữ orrhea trong y khoa có nghĩa là "chảy". Do đó, bệnh này có thể hiểu là bệnh "tiêu chảy lí thuyết." Khoa học chẳng những yêu cái mới, mà còn yêu lí thuyết, giả thuyết. Đọc bài báo khoa học nào cũng thấy tác giả cố gắng đề ra một giả thuyết mới, một lí thuyết mới. Bài báo bắt đầu bằng một giả thuyết được đánh giá cao hơn bài báo kiểu "bước đầu đánh giá". Nhưng trong thực tế, những cái gọi là lí thuyết mới đó chỉ là hoa ngữ thôi, chứ chẳng phải lí thuyết thật sự, và cũng chẳng bao giờ được kiểm định cả. Do đó, sự hiện diện của quá nhiều lí thuyết dỏm làm cho môi trường khoa học bị dơ bẩn, và dẫn đến ... tiêu chảy.

4. Arigorium tôi đoán là lấy từ tên của một lang băm, Jose Arigo, người tự cho rằng ông có khả năng làm phẫu thuật tâm thần. Có lẽ tác giả muốn dùng tên ông này để chỉ những nghiên cứu không có cơ sở lí thuyết vững vàng, mà chỉ dựa trên những kết quả bề ngoài. Đa số các nghiên cứu khoa học xã hội, kể cả kinh tế học, là những nghiên cứu "soft", hiểu theo nghĩa dữ liệu không có độ chính xác cao. Khoa học xã hội không có cái xa xỉ với máy móc thiết bị đắt tiền để đo lường hiện tượng tự nhiên; họ phải dựa vào bộ câu hỏi hay những phương tiện bán định tính như thế. Do đó, để nâng tầm "khoa học", giới khoa học xã hội thường sáng chế ra những phương pháp phân tích thống kê phức tạp. Những phương pháp này dựa trên nhiều giả định, và ít khi nào nói lên các mối liên hệ nhân quả. Vì không nói lên mối liên hệ nhân quả, nên nhiều phát hiện trong nghiên cứu khoa học chỉ mang tính ngẫu nhiên, như lang băm Arigo chữa bệnh bằng tay vậy.

5. Disjunctivitis có lẽ là lấy từ chữ disjunction có nghĩa là rời rạc, và itis là tiếp vĩ ngữ trong y khoa có nghĩa là viêm. Do đó, bệnh này có thể dịch là bệnh "viêm lượng phẩm". Có thể hiểu là bệnh mất cân đối giữa lượng và phẩm. Vì áp lực công bố, nên nhiều nhà khoa học có xu hướng công bố nhiều bài báo khoa học, nhưng phẩm chất thì rất kém. Có thể nói rằng rất nhiều bài báo khoa học hiện nay là thừa thải, hay nói theo dân gian Việt Nam chúng ta là "không mợ thì chợ vẫn đông", tức là có hay không có bài báo thì khoa học vẫn chẳng có ảnh hưởng gì. Lí do là những công trình này chỉ lặp lại những gì người khác đã làm mà không có cái gì mới. Nhưng nhà khoa học, đặc biệt là từ các nước đang phát triển, phải công bố càng nhiều càng tốt, kể cả công bố trên tập san dỏm. Công bố để được bảo vệ luận án, được giải thưởng (như "chiến sĩ thi đua" ở Việt Nam chẳng hạn), và được đề bạt. Nhưng công bố bất chấp phẩm chất như thế không làm cho khoa học tiến bộ thêm, chẳng tạo ra được kiến thức mới, mà chỉ làm cho khoa học thêm vẩn đục.

Sau khi đã chẩn đoán bệnh, vậy câu hỏi là làm gì để điều trị bệnh? Tác giả đề ra 8 liệu pháp:

1. Nghiên cứu nên có cơ sở lí thuyết tốt; 
2. Sáng tạo trong đo lường; 
3. Thiết kế nghiên cứu thực tiễn; 
4. Làm nghiên cứu định tính có phẩm chất cao; 
5. Chú ý đến các yếu tố nhiễu và bias;
6. Minh bạch trong báo cáo và dữ liệu;
7. "Khai báo" những mâu thuẫn về lợi ích; và 
8. Thành thật trong khoa học.

Tôi nghĩ đây là những liệu pháp hoàn toàn khả thi. Riêng liệu pháp minh bạch trong nghiên cứu, tôi và đồng nghiệp bên VN đang có kinh nghiệm. Số là bài báo đang được bình duyệt và xác suất cao là sẽ được chấp nhận, nhưng ban biên tập đã viết cho chúng tôi gợi ý là công bố toàn bộ dữ liệu! Các bạn thử tưởng tượng nhóm nghiên cứu bỏ ra cả hai năm trời, mai phục ngày và đêm "bắt" bệnh nhân cho được, với kết quả hơn 4000 bệnh nhân, mà bây giờ họ muốn mình công bố cho họ xem. Cái nguyên lí đằng sau sự minh bạch là tuyệt vời vì nó giúp cho khoa học thêm liêm chính và sẽ làm cho những nhà khoa học ăn gian biến mất, nhưng nguyên tắc này gây nên vấn đề đạo đức khoa học.

Tôi nghĩ những người trong cuộc ngày nay không còn nghi ngờ gì nữa: khoa học đang rơi vào khủng hoảng. Khủng hoảng niềm tin. Người ta càng ngày càng ít tin khoa học vì có quá nhiều kết quả nghiên cứu không được lặp lại, quá nhiều nghiên cứu vô bổ không sản sinh ra kiến thức mới, và hệ quả là làm cho khoa học trở nên sai và lẫn lộn. Nếu điều trị dứt 5 căn bệnh này (bệnh rối loạn thống kê, ái tân, tiêu chảy lí thuyết, Arigo, và bệnh viêm lượng phẩm) thì may ra có thể cứu vãn được khoa học và khôi phục niềm tin ở công chúng.

----
(1) http://www.sciencedirect.com/…/article/pii/S104898431730070X
On doing better science: From thrill of discovery to policy implications

Tuan Nguyen

Phần nhận xét hiển thị trên trang