Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Giấy bút có còn quan trọng?


image
Cứ mỗi tháng Giêng, Angela Ceberano lên chỉ tiêu cho 12 tháng tới. Vào mỗi buổi tối Chủ Nhật, bà lên kế hoạch cho tuần tiếp theo.

Tuy nhiên, thay vì sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, người sáng lập công ty quan hệ công chúng Flourish PR, đóng tại Melbourne, Úc, lại sử dụng sổ tay, một cuốn nhật ký cổ điển, bút màu và một chồng tạp chí. Những thứ này giúp bà động não, lên danh sách và ý tưởng.

Caberano không phải là người xa lạ với công nghệ và bà cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội.

image
Bà thường xuyên dành thời gian cho những công cụ mạng cũ và mới cũng như thường xuyên di chuyển giữa Úc và San Francisco, nơi đặt trụ sở của một số khách hàng của bà là công ty khởi nghiệp. Đối với một số nhiệm vụ nhất định, bà thích sự đơn giản, linh hoạt và hữu hình của trang giấy.

"Đôi lúc, tôi chỉ muốn gạt hết công nghệ sang một bên và tìm một nơi yên tĩnh để ngồi xuống cùng giấy bút," bà nói.

"Ngày nay có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại, nhưng tôi cảm giác không có ứng dụng nào mang lại cho tôi điều mình muốn. Tôi đã thử rất nhiều những ứng dụng giúp tôi động não hoặc lên kế hoạch… Nhưng giấy bút hoặc nhật ký mang lại cảm giác linh hoạt. Tôi có thể lấy chúng ra mọi lúc mọi nơi. Tôi có thể tập trung."

image
Bà không phải là người cô đơn trong việc này. Chỉ cần lướt qua mạng xã hội, bạn sẽ thấy sự trở lại âm thầm của giấy bút.

Nhiều ngưởi sử dụng bút và màu để giúp tổ chức cuộc sống hoặc đánh dấu các mục tiêu đề ra như tập thể dục, tài chính hoặc sự nghiệp. Bất chấp những ứng dụng đang có mặt đầy rẫy hiện nay, ngày càng có nhiều cư dân mạng ủng hộ việc quay về với các công cụ truyền thống.

Khía cạnh khoa học

Mặc dù công nghệ có thể giúp thực hiện một số công việc một cách dễ dàng, nhưng sự quá tải về công nghệ lại là một vấn đề có thật và đang gây quan ngại.

Một nghiên cứu vào năm 2010 của Đại học California tại San Diego chỉ ra rằng chúng ta đang tiêu thụ thông tin nhiều hơn gần ba lần so với thời thập niên 1960.

Một nghiên cứu khác của Ofcom tại Anh quốc cho biết 60% người dùng công nghệ thừa nhận họ bị nghiện các thiết bị của mình, và một phần ba trong chúng ta thừa nhận mình lên mạng nhiều hơn dự định.

image
Vậy có phải chúng ta đang làm quá nhiều? Có phải các màn hình của chúng ta đang quá mất tập trung? Có thể là như vậy. Nhiều nghiên cứu cho rằng việc đa nhiệm làm não phân tán sự tập trung và điều này không có lợi cho chúng ta.

Các nghiên cứu khác cho rằng bút và giấy có lợi thế hơn so với bàn phím.

Nghiên cứu do Đại học Princeton và Đại học California tại Los Angeles công bố vào năm 2014 cho thấy bút và giấy có nhiều lợi thế hơn bàn phím. Ba nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng các sinh viên ghi chú trên máy tính xách tay thường trả lời các câu hỏi về nhận thức kém hơn các sinh viên ghi chú bằng giấy và bút.

Những người sử dụng giấy bút hiểu rõ nội dung và nhớ lâu hơn vì họ phải xử lý thông tin được ghi xuống thay vì chỉ gõ lại một cách máy móc. Trong một nghiên cứu khác đăng tải trên tạp chí Journal of Applied Cognitive Psychology, những người ghi chú bằng giấy bút được cho là có thể nhớ các thông tin dễ gây nhàm chán tốt hơn.

Việc đề ra các mục tiêu mà không cần đến sự giúp đỡ của công nghệ không phải mới. Đó là cách mà tất cả mọi người vẫn làm trước khi Internet ra đời.

Sự khác biệt ở đây là ngay cả dân mê công nghệ cũng đang quay lại với những công cụ truyền thống.

Rất nhiều người trong số này là các Blogger, người làm việc trong lĩnh vực công nghệ hoặc truyền thông. Xu hướng mới này đã giúp tăng doanh số cho các loại văn phòng phẩm như sổ tay của Moleskine và Leuchtturm1917, các công ty này cho biết.

image
Về phần mình, Moleskine đã đạt mức tăng trưởng ở hai con số mỗi năm trong vòng 4 năm qua, theo Mark Cieslinski, chủ tịch Moleskine tại Mỹ. Quản lý tiếp thị của Leuchtturm1917 Richard Bernie nói cơn sốt đối với dòng sản phẩm này bắt đầu vào tháng Sáu năm 2016 nhờ sự phổ biến của hình thức sử dụng điểm nhấn (bullet point) để quản lý công việc.

Vậy vì sao các công cụ đơn giản hơn lại có nhiều thế mạnh trước đầy rẫy các ứng dụng ngày nay? Một cuốn sổ tay sẽ không bao giờ bị hết pin hoặc bị đứng hình trong lúc sử dụng. Bạn không thể tình cờ xoá đi một cái gì đó. Nó sẽ không đổ chuông hoặc quấy rầy bạn liên tục bằng những thông báo từ mạng xã hội hoặc email. Bạn có thể vẽ, có thể phác thảo một biểu đồ - đôi khi một bức hình đáng giá hàng nghìn từ - điều không dễ làm trên điện thoại thông minh.

image
Đối với Amy Jones, nhà sáng tạo ra Map Your Progress - vốn giúp theo dõi mục tiêu đề ra thông qua mỹ thuật, việc tạo ra hình ảnh minh hoạ đã giúp bà trả khoản nợ 26 nghìn đôla.

Lấy cảm hứng từ các hình minh hoạ mà mẹ bà, một người làm nghề bán hàng, hay sử dụng, Jones đã vẽ những hình xoáy tròn trên các tấm bảng lớn, mỗi tấm đại diện cho 100 đôla, và treo nó lên tường. Mỗi lần trả xong một khoản nợ tương ứng 100 đôla, bà lại chỉnh các vòng xoáy này sang màu tươi hơn. Kết quả? Bà đã trả xong khoản nợ chỉ trong một nửa thời gian đề ra, và tạo ra một tác phẩm mỹ thuật rất ấn tượng.

Sau khi đăng tải câu chuyện của mình trên Facebook, ý tưởng của bà đã lan rộng. Bà bắt đầu bán các thiết kế của mình, được gọi là Progress Maps (biểu đồ tiến độ), được đưa vào sử dụng trong năm 2015, công cụ này thu hút cả những khách hàng ở tận Úc. Họ sử dụng nó để tập trung vào các mục tiêu như trả nợ, giảm cân hoặc tập luyện cho một cuộc chạy đua đường trường.

"Người ta cảm thấy rất phấn khích. Họ trông chờ được tô màu vòng xoáy đó. Nó không chỉ đơn thuần là quẹt tay trên một ứng dụng hoặc điền vào một ô trống. Nó là một trải nghiệm".

image
Tương tự, nhà thiết kế sản phẩm điện tử đóng tại New York, Ryder Carroll, cũng đã tạo ra công cụ Bullet Journal, dựa trên phương pháp dùng điểm nhấn để quản lý công việc.

"Đây là cách mà tôi giải quyết điểm yếu của bản thân trong vấn đề tổ chức, bắt nguồn từ bệnh ADD (hội chứng gây mất tập trung) từ khi rất nhỏ," ông nói.

image
"Nhiều người nghĩ rằng bị bệnh này thì không thể tập trung. Thế nhưng theo trải nghiệm của tôi thì chúng tôi vẫn có thể tập trung, nhưng lại là tập trung vào quá nhiều thứ cùng một lúc. Vì vậy tôi phải nghĩ ra cách để ghi lại thông tin và đồng thời tìm cách lắng nghe."

Bullet Journal được "thiết kế cho không chỉ bản thân tôi mà những người có tư duy giống như tôi, vì vậy nó cần phải rất linh hoạt," ông nói. "Đôi lúc tôi dùng nó để vẽ, đôi lúc tôi muốn viết, đôi lúc tôi dùng nó để lên kế hoạch, và tôi muốn có một hệ thống có thể làm tất cả những điều này."

Sáng tạo

Việc viết ra giấy cũng giúp khởi nguồn cho sáng tạo. Việc sáng tạo yêu cầu bạn phải 'làm dơ tay', một cảm giác không thể có khi bạn dùng công nghệ hoặc một thiết bị nào đó, Arvind Malhotra, một giáo sư tại Trường Kinh doanh của Đại học North Carolina Kenan-Flagler, nói.

image
"Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cảm giác chạm vào mặt giấy thường kích hoạt vùng của não vốn liên quan đến sự sáng tạo. Vì vậy những cảm nhận, tương tác mà bạn có được khi bạn xây dựng một thứ hữu hình nào đó thường có liên quan rất nhiều đến sự sáng tạo," ông nói.

"Nghiên cứu của riêng tôi đối với việc phác hoạ nháp cho thấy ngay cả trong kỷ nguyên công nghệ, sự sáng tạo chỉ nảy sinh khi bạn kết hợp điện toán với những thứ hữu hình," Malhotra nói. Đó là lý do vì sao nhiều công ty công nghệ thích bảng trắng, ông nói.

"Gần 80% văn phòng của những công ty hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đều có bảng trắng," ông nói. "Điều khá thú vị là trong tất cả các công ty công nghệ cao vốn sản xuất phần cứng điện tử cũng như phần mềm, bảng trắng vẫn là công cụ được ưa chuộngnhaast cho việc sáng tạo và thảo luận tập thể."

Quay trở lại với những điều căn bản

Đối với Ceberano, điều quan trọng là bà có thể tắt điện thoại, rời khỏi máy tính, ngồi xuống và tập trung, đồng thời có được sự linh hoạt để tạo ra những hệ thống riêng của mình.

"Bạn có thể bị lạc giữa rừng công nghệ và luôn luôn phải chạy theo các hệ thống của ai đó," bà nói. "Tôi không dùng các ứng dụng này vì cho rằng nó là một hệ thống của người khác. Đó không phải là cách mà tư duy của tôi hoạt động," Ceberano nói.

"Khi tôi dùng giấy và bút, tôi ghi ra mọi thứ theo cách mà đầu tôi của thể hiểu được, nhưng có thể là người khác sẽ không hiểu. Tôi nghĩ là người ta đang tìm cách lấy lại quyền kiểm soát thời gian của chính mình và kiểm soát những thông tin mà họ kết nạp."



Alison Birrane

filmeditor christmas movies classic film writing letter


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguy cơ ‘chiến tranh thương mại’ Việt – Mỹ?


... Một khi Tổng thống Trump nắm được vai trò của Việt Nam trong thương mại quốc tế, tôi không chắc là ông ấy sẽ nhắm mục tiêu vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng ông ấy hiện quan ngại về các nước như Mexico và Trung Quốc hơn là Việt Nam vì thông thương giữa Việt – Mỹ không quá lớn. Nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Murray Hiebert nói.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 14/12/2016, hơn một tháng sau khi tỷ phú bất động sản đắc cử.

Một viện nghiên cứu chính sách có tiếng ở thủ đô Washington, Mỹ, hôm 14/2 đưa ra các đề xuất về “chiến lược kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương” cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh xuất hiện nhận định rằng Việt Nam có thể là mục tiêu tiếp theo trong một cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ.

Việt Nam xuất hiện nhiều lần trong văn bản tổng kết dài gần 50 trang về cuộc nghiên cứu trong hơn một năm do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) khởi xướng, nhất là liên quan tới các vấn đề như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), biển Đông và sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc hay Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Đề cập tới việc chính quyền của ông Trump rút khỏi TPP, dù nhiều quốc gia, nhất là Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào những lợi ích mà hiệp định này sẽ mang lại, ông Jon Huntsman, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, và là đồng chủ tịch ủy ban tiến hành cuộc nghiên cứu của CSIS, vẫn cho rằng sẽ xuất hiện một mô hình nào đó của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.


  Đối với Hoa Kỳ, TPP mang ý nghĩa vượt quá cả một công cụ kinh tế. Nó cho thấy sự cam kết chiến lược đối với khu vực [châu Á]. Nó có thể không hoàn hảo ngay lúc này, nhưng về lâu dài, nó là công cụ thúc đẩy tăng trưởng. Tôi đoán rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ xem xét và đi tới việc tạo ra một cách thức trao đổi kinh tế nào đó với khu vực. Có thể là một hình thái khác của TPP. Ông Trump sẽ nghĩ ra một thứ gì đó

Ông Jon Huntsman, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.
Ông nói thêm: “Đối với Hoa Kỳ, TPP mang ý nghĩa vượt quá cả một công cụ kinh tế. Nó cho thấy sự cam kết chiến lược đối với khu vực [châu Á]. Nó có thể không hoàn hảo ngay lúc này, nhưng về lâu dài, nó là công cụ thúc đẩy tăng trưởng. Tôi đoán rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ xem xét và đi tới việc tạo ra một cách thức trao đổi kinh tế nào đó với khu vực. Có thể là một hình thái khác của TPP. Ông Trump sẽ nghĩ ra một thứ gì đó”.

Trong cuộc tranh cử hồi năm ngoái, ông Trump nhiều lần lên tiếng đả kích các hiệp định thương mại tự do Mỹ đã ký kết như TPP, gây quan ngại cho nhiều nước, theo các nhà quan sát.

Ứng viên của Đảng Cộng hòa năm ngoái cũng chỉ trích các quốc gia như Việt Nam “đánh cắp” việc làm của người Mỹ. Khi được hỏi liệu những tuyên bố cứng rắn như vậy tác động gì tới quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, ông Murray Hiebert, Cố vấn Cấp cao và Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, nói rằng hiện “vẫn chưa rõ”.

Ông nói thêm: “Ông ấy chưa nói lại việc đó kể từ khi nhậm chức. Một số tuyên bố đó nhằm mục đích kiếm phiếu của các cử tri trong cuộc bầu cử. Tôi nghĩ rằng, nhìn chung, ông ấy đã dịu giọng hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng khi ông ấy hiểu rõ Việt Nam hơn, việc Việt Nam là một khách hàng lớn mua các mặt hàng nông nghiệp, và chuyện Mỹ mua nhiều thứ của Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc mà Mỹ không còn sản xuất, ông ấy sẽ thấy có nhiều cơ hội với Việt Nam. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Việt Nam sẽ mua các mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại Mỹ. Chúng ta cần phải chờ đợi xem chính sách đối với Việt Nam như thế nào”.

Theo Bloomberg, xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có hải sản, sang Hoa Kỳ tăng gấp đôi kể từ năm 2010.

Việt Nam trong tầm ngắm?

Nhận xét của nhà nghiên cứu kỳ cựu này được đưa ra hai ngày sau khi hãng tin Bloomberg cho rằng một số quốc gia châu Á như Việt Nam có thể trong tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến thương mại sắp tới, và một trong các lý do là các nước này hưởng thặng dư trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.

Phát biểu tại Đại học Stanford, Mỹ, tháng Chín năm 2016, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Ted Osius, nói rằng các doanh nghiệp nước mình "đang kinh doanh ngày càng nhiều với Việt Nam trong bối cảnh thương mại hai chiều hàng năm đã tăng từ 500 triệu đôla lên 45 tỷ đôla”.

Theo số liệu được Bộ Công Thương công bố tháng trước, Việt Nam xuất sang Mỹ các sản phẩm trị giá hơn 38 tỷ đôla trong năm 2016, tăng 14% so với năm trước, và nhập từ Hoa Kỳ tổng giá trị hàng hóa gần 9 tỷ đôla.

Theo Bloomberg, thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Mỹ chiếm khoảng 15% tổng sản lượng của nền kinh tế Việt Nam, và xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng gấp đôi kể từ năm 2010 vì nhiều nhà máy của Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam vì nguồn nhân công rẻ.

Ngoài Việt Nam, hãng này còn đăng danh sách các quốc gia châu Á khác mà Mỹ đang có thâm hụt thương mại lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia…


Khi được hỏi về đánh giá của hãng tin tài chính của Mỹ, nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Murray Hiebert nói: “Mỹ đúng là có thâm hụt mậu dịch thương mại lớn với Việt Nam, nhưng đồng thời nó cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất cho các mặt hàng của Mỹ ở châu Á. Những năm qua, khối lượng hàng hóa Việt Nam mua của Mỹ đang gia tăng. Vậy nên, một khi Tổng thống Trump nắm được vai trò của Việt Nam trong thương mại quốc tế, tôi không chắc là ông ấy sẽ nhắm mục tiêu vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng ông ấy hiện quan ngại về các nước như Mexico và Trung Quốc hơn là Việt Nam vì thông thương giữa Việt – Mỹ không quá lớn”.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế này cho rằng trong một vài tháng tới, ông “không nghĩ chính quyền của Tổng thống Trump sẽ chú tâm tới Việt Nam”, mà “ông chủ” Nhà Trắng sẽ hướng tới các quốc gia láng giềng, hay những nước lớn.

Ông Hiebert cho rằng “mọi thứ vẫn còn quá sớm”, và rằng việc Việt Nam theo đuổi cách tiếp cận “chờ xem” là điều “khôn ngoan”.

Nhà nghiên cứu này còn cho biết rằng theo các nguồn tin, Việt Nam “rất muốn” ông Trump tới dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam, nhưng “chúng ta chưa biết ông ấy [Tổng thống Trump] nghĩ gì về APEC”.

Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại hội
nghị thượng đỉnh APEC ở Peru cuối năm 2016.

Về việc nhà lãnh đạo Mỹ tham dự diễn đàn kinh tế này, ông Matthew Goodman, Cố vấn Cấp cao về Kinh tế Châu Á tại CSIS, nói rằng với vị trí chủ tịch của APEC trong năm 2017, Việt Nam là một quốc gia quan trọng về mặt chiến lược để hợp tác.

Ông nói thêm: “Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là Tổng thống [Trump] nên tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC tại Việt Nam, tận dụng diễn đàn này để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế”.


Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh thời gian qua nhiều lần bày tỏ hy vọng rằng ông Trump sẽ tới thăm và tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vào cuối năm nay ở thành phố Đà Nẵng.

Viễn Đông


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

XÃ HỘIThói đố kỵ – trọng bệnh của người Việt



Người Việt hay để ý của nhau nên mới biết nhà kia có gì hay, có gì hơn của nhà mình. Nếu thấy người ta mua được con xe máy đắt tiền thì cũng cố để mua được con xe… đắt tiền hơn. Thấy người ta xây căn nhà mới, nếu sau đó nhà mình cũng xây thì luôn cố gắng làm to hơn một tí, cao hơn một tí… Ngược lại, nếu mình không được như nhà hàng xóm thì sinh ra ganh ghét, so bì.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Từ cái thìa thủng đến những thanh sắt chắn ngang vỉa hè

>> Những người thích đăng ảnh tự sướng thường thiếu hụt tình dục

>> Học văn ở Mỹ, tôi thực sự thấy mình là ‘trung tâm’
>> Trung tướng Lê Đông Phong: 'Dùng Facebook nhận tin báo tội phạm'


Tạ Mỹ Dương




















VNN - “Tôi dám chắc sẽ chẳng có "giải pháp kỹ thuật" nào có thể ngăn chặn một cách hữu hiệu, căn cốt nhất khi không lay chuyển được cái tư duy tranh giành, tùy tiện, sợ mất phần của số đông...” - KTS Tạ Mỹ Dương.

Khoảng thập nhiên 60 thế kỷ trước, tại các cửa hàng "điểm tâm giải khát" mậu dịch quốc doanh ở Hà Nội, khách thường khuấy cà phê, nước chanh bằng chiếc thìa nhỏ đã được đục thủng. Ý tưởng này nhằm hạn chế việc thất thoát thìa do một số vị khách luôn cầm nhầm.

Cũng thập niên đó, các hàng bia hơi, trong cái nắng hầm hập như dội lửa, hàng dài người kiên nhẫn chờ đến lượt để mua "mỗi người một vại". Nhà tôi gần hàng bia góc Hàng Bài-Trần Hưng Đạo, từ đấy đến giữa phố Nguyễn Chế Nghĩa quãng gần 300m, mà có hôm cái dãy hàng chờ mua bia gần chạm cổng nhà.

Tôi thường nghe kể về những cái ly thủy tinh xấu xí màu sắc nhợt nhạt, lốm đốm bọt thủy tinh được sản xuất vội cho kịp nhu cầu đời sống, nhưng khi bia được rót vào có cái mầu vàng óng và lớp bọt sủi trắng phau trở nên lung linh hơn bất cứ cốc pha lê nào, mùa hè như dịu hẳn với vại bia ấy trong tay.

Thế cho nên người ta cố xếp hàng, cố tìm mọi cách chen ngang, cãi, đánh, mắng mỏ nhau để có được một cái chỗ. Ưu tiên nhất là "thẻ thương binh" nhưng cũng chỉ "một vại", nhiều ông quay vòng, rồi cho mượn thẻ. Cô bán hàng túi bụi rót thời gian đâu mà soi xét. Bọt sủi, tràn ra ngoài, nhiều ông hí hửng bê được vại bia ra, tan bọt thấy còn được 2/3, vẫn coi như một chiến công!

Có nhiều chuyện gian lận, chen lấn, cãi vã… Khó ló khôn. Không rõ ai đó đã nghĩ ra một cách, gần chỗ quầy thu tiền họ làm một dải dây thép, trên đó gắn những đồng xèng đục thủng luồn vào, đến khúc đấy mỗi người mua bia nắm một đồng chờ tới lượt trả tiền, lấy bia. Mỗi người một xèng tương đương một vại, có chen vào hàng mà không xèng cũng vô ích. Từ đấy mấy hàng bia trật tự hẳn. Mẹo vặt vậy mà hiệu quả nhìn thấy ngay, cần gì mưu cao.

Nhìn dòng người nắm sợi dây thép chầm chậm bước dưới cái nắng 40 độ của mùa hè khiến tôi liên tưởng tới những đoàn người bị dẫn ra đảo lưu đầy. Nghiền bia thời ấy có khác gì bị đi đầy thật.

***

Vài năm trước rồi tôi ghé qua Đồng Tháp xem chim, ở hotel nhà tầng, máy lạnh, nước nóng đàng hoàng, khăn lau trắng tinh. Lúc xỏ vào đôi dép dưới chân, mỗi chiếc đã bị vạt một đường ngọt lịm ở đầu.

***

Và mới đây, trên vỉa hè Quân 1, trung tâm "hòn ngọc viễn đông", nơi chính quyền đang ấp ủ kế hoạch xây dựng đô thị thông minh, một "Singapore giữa lòng thành phố" người ta cho lắp đặt những chiếc barie chắn ngang vỉa hè để ngăn những người đi xe máy chồm lên mỗi lúc thành phố tắc đường.

***

Nhìn lại câu chuyện những cái thìa đục lỗ, những dãy người nắm đồng xu chờ mua bia, những đôi dép cắt vạt mũi… mới thấy cái “tư duy mẹo vặt" là điều đáng bàn tới.

Cái "tư duy mẹo vặt" kiểu ấy sinh ra có nhẽ từ những nền kinh tế "tiểu nông", trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên dẫn đến sự nghiệt ngã của con người.

Trong dân gian vẫn lưu truyền những câu chuyện được kể như một sự "hãnh diện" về mẹo, từ ông "Trạng" quẹt phát năm ngón tay trong 2 giây vẽ năm con vật loằng ngoằng giun dế. Rồi đến chuyện một anh nông dân lừa trói con hổ vào cọc rồi bảo "trí khôn của ta đây", nếu ngẫm thật kỹ sẽ thấy giật mình. "Trí khôn" hay chỉ là "mẹo lừa" nhau?

Từ những câu chuyện dân gian lưu truyền cho tới những mẹo trong đời sống thật có gì đó cứ na ná giống nhau.

Những năm kinh tế khó khăn thời thập niên 60 của thế kỷ trước thì không nói làm gì, nhưng giờ là thế kỷ 21 rồi, thời của khoa học công nghệ, thời của thành phố thông minh mà vẫn có những đại gia sẵn sàng bỏ bạc tỷ xây khách sạn mà lại sợ khách cầm nhầm đôi dép giá mươi ngàn. Không tin thì rõ rồi, nhưng sự phòng xa đấy có phần "sỉ nhục”. Chả hiểu có bao nhiêu vị khách nào bỏ 300 ngàn thuê chỗ ngủ rồi tiện tay thó đôi dép chục ngàn? Nếu có chắc cũng chỉ một vài, họ có cần sỉ nhục số đông như vậy không?

Rồi cái vỉa hè sạch sẽ, có vườn hoa cỏ cũng vậy. Thật đáng trách những người phóng xe lên đó những lúc tắc đường. Cái tâm lý nóng vội lúc nào cũng sợ mất phần, từ một xuất mua nhà dự án, trèo rào dành một chỗ học trường điểm cho con…. dường như hiển hiện ở khắp nơi.

Tôi dám chắc sẽ chẳng có "giải pháp kỹ thuật" nào có thể ngăn chặn một cách hữu hiệu, căn cốt nhất những trong khi không lay chuyển được cái tư duy tranh giành, tùy tiện, sợ mất phần của số đông?

Hành động hai thanh niên bê cái xe máy qua lan can đường cao tốc khi nhìn thấy công an, hay chuyện ở nhiều nơi bà con tự ý phá bỏ dải phân cách để về nhà cho gần là những minh chứng rõ ràng nhất.

Để có một thành phố thông minh thì chắc chắn cần những con người thông minh. Để duy trì kỷ luật, trật tự trong các thành phố đô thị thông minh, người ta cần tư duy hơn cần mưu.

Nếu chỉ đầu tắt mặt tối, bươn chải mải lo giành giật từng tí trong những xóm trọ nghèo nàn; ngày đi sáng về hì hụi với cái bếp tạm, tô mì cho xong thì cũng chỉ loanh quanh "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Mải lo bữa ăn rồi thì có muốn tư duy cũng khó.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐA PHU Ở TÂY TẠNG


Trần Chính – Voyages Saigon - Đến thăm Tây Tạng nhiều lần, tôi từng nghe nói khá nhiều về tục đa-phu ở đất nước này, nhưng chỉ tận mắt nhìn thấy một lần, do may mắn. Đó là vào tháng 3 năm 2003 vừa qua, khi tôi đưa đoàn du-lịch “Tây Tạng mùa Xuân” đi thăm tỉnh tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc.
Hôm ấy, trên đường từ Gyantse đi Shigatze, thành phố lớn thứ hai ở Tây Tạng, và là “kinh phủ” của các vị Ban-thiền Lạt-ma (Panchen Lama), chúng tôi ghé thăm một ngôi làng nhỏ. Nói là “một ngôi làng nhỏ” bởi vì nó là một tập hợp của khoảng một chục ngôi nhà xây dựng rời rạc hai bên con đường tráng nhựa chạy giữa một dải thung lũng rộng và khô cằn.


Ngôi làng này trông có vẻ khá giả hơn nhiều so với những ngôi làng mà chúng tôi nhìn thấy trên con đường đi lên hướng đông-bắc của thủ phủ Lhasa. Chamba, anh hướng dẫn viên trẻ tuổi của chúng tôi, đề nghị chúng tôi vào thăm căn nhà nằm ngay bên kia đường, đối diện với nơi chúng tôi vừa bước ra khỏi xe. Trời tuy có nắng vào buổi trưa nhưng gió thángba thổi rất lạnh nên chúng tôi ai nấy vội vàng băng qua đường và lách mình qua chiếc cổng nhỏ chỉ mở hé một cánh để bước vào bên trong.

Ngôi nhà khá lớn, xây theo kiểu truyền thống nửa nhà nửa trang trại của vùng Tsang (phía tây Tây Tạng). Nhà có tầng lầu và tầng trệt, nhưng nhìn từ bên ngoài thì không biết là có hai tầng, bởi vì tầng trệt không có cửa sổ mà chỉ có một vài lỗ thông gió, và mặt tường bằng đá sơn trắng xây liền từ dưới lên trên. Chạy ra đón chúng tôi là một cô gái nhỏ trạc độ 14, 15 tuổi. Ngay trước cửa chính dẫn vào nhà, chúng tôi nhìn thấy một con trâu yack lớn và hai chú trâu nhỏ, chắc vừa mới sinh được vài tuần. Chamba trao đổi vài ba câu với cô gái, sau đó quay sang mời chúng tôi đi vào bên trong nhà. Bước qua ngưỡng cửa, mọi người ngạc nhiên một cách thích thú về cấu trúc của ngôi nhà. Tầng trệt được thiết kế như một gian phòng lớn và sử dụng làm chuồng cho trâu yack, dê và trừu, đồng thời cũng là nơi chứa rơm vào mùa đông. Tầng này do không có cửa sổ – ánh sáng duy nhất là từ chiếc cầu thang bằng gỗ ọp ẹp dẫn lên tầng trên – nên vào mùa đông chắc là ấm hơn nhiều so với bên ngoài. Mùi phân súc vật khiến vài người trong đoàn hơi khó chịu.

Chúng tôi leo lên tầng trên của ngôi nhà. Thiết kế của tầng này cũng khá đặc biệt: các gian phòng để ở và sinh hoạt được xây liền nhau tạo thành một hình vuông lớn khép kín, bao quanh một chiếc sân lộ thiên cũng vuông vức nằm ở giữa. Một người đàn bà trạc 40 tuổi hơn (thật ra rất khó đoán tuổi của người Tây Tạng, vì khí hậu cùng với cuộc sống khắc nghiệt thường làm họ già đi trước tuổi, nhất là phụ nữ) đang đứng ngoài sân cùng cậu con trai nhỏ khoảng 4, 5 tuổi. Bà tươi cười chào chúng tôi, nhìn chúng tôi một cách hiền lành nhưng có vẻ xăm xoi, và quay sang nói gì đó với Chamba. Chắc là bà ta hỏi về xuất xứ và mức độ lương thiện của chúng tôi. Chúng tôi cũng mỉm cười với bà để bày tỏ thiện cảm. Phía bên kia sân, đối diện với nơi chúng tôi đứng, có một người đàn ông gương mặt lam lũ nhưng khá trẻ đang ngồi trên một chiếc ghế thấp, lưng dựa vào tường. Anh ta nhìn chúng tôi như quan sát, miệng cắn một cọng rơm dài mà anh cầm trên tay. Khi bắt gặp tôi nhìn lại anh và có ý muốn chụp ảnh, anh ngượng nghịu khoát tay như bảo “đừng chụp!” tuy không tỏ vẻ gì là khó chịu. Tôi hỏi Chamba người đàn ông trẻ tuổi ấy là ai, có phải là chủ nhà không, nhưng cũng ngụ ý hỏi rằng anh ta là gì đối với người đàn bà đang tiếp chuyện chúng tôi.

Và đây là câu chuyện trao đổi giữa tôi (TC) và người phụ nữ nông dân Tây Tạng ở vùng Tsang (PN), qua nghệ thuật phiên dịch của anh hướng dẫn viên trẻ tuổi và thật thà (Chamba):

(TC) – xin phép được hỏi tên của bà?
(PN) – (cười) Tsering.
(Chamba) – Tsering có nghĩa là “sống lâu”.
(TC) – cô bé kia là con gái của bà?
(PN) – vâng (cười).
Cô bé có vẻ e thẹn, không dám nhìn chúng tôi.
(TC) – ngôi nhà này là của bà?
(PN) – vâng, của tôi... không, đúng ra là của gia đình chồng tôi.
(TC) – người đàn ông ngồi đằng kia là chồng bà?
(PN) – (quay nhìn người đàn ông trẻ) vâng, anh ấy là chồng thứ ba của tôi.
Mọi người trong đoàn nhìn nhau, ngạc nhiên một cách thích thú.
(TC) – tại sao lại là “chồng thứ ba”?
(Chamba) – bởi vì bà ấy lấy cả ba anh em ruột, trong cùng một nhà.
Mọi người lại nhìn nhau.
(TC) – cả ba anh em đều là chồng của bà ấy?
(Chamba) – vâng.

Mọi người bắt đầu xì xào; Những câu hỏi đủ loại bắt đầu bật ra từ những cái đầu hiếu kỳ và hay nghĩ bậy của một vài người trong chúng tôi (trong đó có tôi!).

(TC) – bà lập gia đình đã lâu chưa?
(PN) – (suy nghĩ)... tôi lấy ông anh cả cách đây 17 năm, lúc tôi 20 tuổi; Sau đó một năm tôi lấy người thứ nhì, em trai của anh ấy.
(TC) – còn người thứ ba?
(PN) – (quay nhìn người đàn ông trẻ ngồi đang ngồi phía bên kia sân và cười) anh ấy là em út, tôi lấy anh ấy cách đây 10 năm.
Người đàn ông mỉm cười, có vẻ lúng túng và xấu hổ; Anh ta đứng dậy và bỏ đi vào nhà.
(TC) – ông ấy nhiều tuổi hay ít tuổi hơn bà?
(PN) – anh ấy nhỏ hơn tôi 5 tuổi.
(TC) – còn hai người kia?
(PN) – ông anh cả lớn hơn tôi 3 tuổi, người em kế hơn tôi 1 tuổi.
(TC) – họ đâu cả rồi?
(PN) – cả hai đều đang làm việc ngoài đồng.
(Chamba) – những người ở vùng này phần lớn làm nghề nông và sống định canh định cư.
(TC) – khi nào họ mới về nhà?
(PN) – họ thường về nhà vào lúc chiều tối.
(TC) – tại sao ông chồng trẻ nhất của bà lại ở nhà?
Có tiếng ai đó nói đùa “tại vì anh ta được bà ấy cưng nhất cho nên không bắt phải làm lụng”, và mọi người ồ lên cười.
(PN) – hôm nay đến lượt anh ấy ở nhà. Ba anh em thay phiên nhau, mỗi người ở nhà một ngày để trông nom vợ con.
(TC) – bà có phải ra đồng để làm lụng không?
(PN) – có chứ, khi nào công việc nhiều và họ cần đến tôi thì cả bốn vợ chồng đều phải đi ra đồng làm việc. Nhưng bình thường thì tôi ở nhà vì tôi phải trông 2 đứa con còn nhỏ; Tôi cũng có rất nhiều việc nhà phải làm.
(TC) – bà có tất cả mấy đứa con?
(PN) – ba đứa. Con bé này lớn nhất, 14 tuổi (chỉ vào đứa con gái). Thằng nhỏ là em út của nó, mới 5 tuổi.
(TC) – còn một đứa nữa ở đâu?
(PN) – nó là đứa thứ hai, con trai, 8 tuổi, đi học chưa về.
[Ở Trung Quốc hiện nay, chính sách “một con” chỉ áp dụng đối với người Hán; Những dân tộc thiểu số, trong đó có người Tây Tạng, được quyền có nhiều con hơn]
(TC) – cô con gái lớn không đi học sao?
(PN) – hôm nay tôi bắt nó nghỉ học vì em nó bị bệnh, nó phải ở nhà trông em để tôi làm việc nhà.
(TC) – việc nhà của bà là gì?
(PN) – (cười) nhiều lắm; Nấu ăn, xay bột lúa mạch để làm bánh tsampa, vắt sữa trâu yack, đánh sữa làm bơ, đôi khi làm cả pho-mát.
(TC) – pho-mát làm bằng sữa trâu yack?
(Chamba) – pho-mát làm bằng sữa trâu yack là một món ăn đắt tiền, thường để dành ăn với trà-bơ.
(TC) – ngon không?
(Chamba) – ngon hay không còn tùy người; Riêng tôi thì rất thích.
Người đàn bà nói gì đó với Chamba và đứa con gái; Cô gái nhỏ đi vào nhà bếp ở gần đấy.
(Chamba) – lát nữa đây bà ta muốn mời quý vị dùng thử món pho-mát Tây Tạng làm từ sữa trâu yack.
(TC) – trong ba người chồng của bà, bà yêu người nào nhất?
(PN) – (cười, có vẻ e thẹn)... người nào cũng tốt và cũng đều làm lụng giỏi.
(TC) – họ có bao giờ ghen với nhau không?
(PN) – không, ba anh em rất quý nhau; Đôi khi họ cũng có chuyện qua lại, xích mích giữa đàn ông ấy mà... nhưng ghen thì không.
(TC) – trong ba người, bà yêu ai nhất?
(PN) – (cười)...
(TC) – bà không muốn trả lời cũng được.
(PN) – người nào cũng thương vợ con. (Nhìn về phía căn phòng nơi người đàn ông trẻ vừa đi vào) ông chồng thứ ba của tôi rất tốt với tôi; Anh ấy thường ở nhà với tôi nhiều hơn.
(TC) – chúng tôi có thể vào thăm bên trong nhà không ạ?
(PN) – (vồn vã) vâng, được chứ, xin mời vào, mời vào...



Chúng tôi và Chamba theo chân người đàn bà bước vào thăm các gian phòng trong ngôi nhà ở tầng trên. Cô gái nhỏ tay cầm một chiếc khay lớn bằng nhôm đang từ trong nhà bếp bước ra thì chúng tôi bước vào. Người mẹ đỡ lấy chiếc khay, chìa ra trước mặt từng người chúng tôi và ân cần mời mọc.

(Chamba) – bà ấy mời quý vị ăn thử món pho-mát Tây Tạng, làm từ sữa trâu yack, và làm tại nhà.

Chúng tôi nhìn vào chiếc khay rồi lại nhìn nhau. Trong khay chất đầy vun lên những khoanh pho-mát nhỏ quăn queo màu trắng ngà, có vẻ hơi cứng như loại pho-mát gruyère của Pháp, trông rất hấp dẫn. Nhưng do tôi đã đến thăm Tây Tạng nhiều lần và đã có khá nhiều kinh nghiệm về “hương vị” của những sản phẩm làm từ sữa và thịt của loài trâu yack, nên tôi đành lắc đầu từ chối khéo, lấy cớ là bụng yếu, ăn vào sợ có chuyện. Một số người trong đoàn đưa tay nhón một miếng pho-mát để ăn thử.
Nhà bếp chiếm cả một gian phòng khá rộng, tối mò mò và nồng nặc mùi mỡ trâu yack. Chúng tôi tìm hiểu cách nấu nướng hay chế biến một số món ăn chính của người Tây Tạng, xong kéo nhau đi qua “phòng ngủ chính”. Master bedroom đây rồi! Sở dĩ mọi người chú ý nhiều đến phòng ngủ là bởi vì chúng tôi đang đi thăm ngôi nhà của một người đàn bà lấy ba chồng!

Phòng ngủ chính là gian phòng lớn nhất trong ngôi nhà, hình chữ nhật. Bước vào, chúng tôi để ý ngay đến một chiếc tủ với hoa văn và màu sắc sặc sỡ dựng ở góc phòng dùng làm bàn thờ Phật. Ngay gần cửa ra vào đặt một máy phát điện loại gia-dụng, made in China. Phần lớn diện tích tường là cửa sổ kính, kể cả phần vách ngăn với những phòng bên cạnh. Hai chiếc giường với kích thước dài hơn là rộng được kê hai đầu đâu lại với nhau thành hình chữ L. Giường không có nệm mà được trải bằng những miếng thảm len rất dày. Trên giường có mấy tấm chăn bông kiểu Tàu cuộn tròn và nhiều chiếc gối vứt ngổn ngang. Dưới đất thì đồ đạc lỉnh kỉnh bày la liệt. Người ta đun trà ngay trong phòng ngủ để làm trà-bơ, đồng thời cũng để sưởi ấm.

(TC) – những ai ngủ trong phòng này?
(PN) – tôi và hai đứa con trai nhỏ.
(TC) – cô con gái của bà ngủ ở đâu?
(PN) – nó ngủ ở phòng bên cạnh.
(TC) – còn mấy ông chồng của bà?
(PN) – cũng vậy, họ ngủ ở phòng bên cạnh với con gái chúng tôi.
(TC) – cô bé ấy là con của ông nào?
(PN) – (cười)... tôi không biết nữa... nhưng chắc chắn nó không phải là con của người thứ ba.
(TC) – còn hai đứa con trai?
(PN) – (nói như phân trần) tôi cũng không biết... làm sao mà biết được?

Tôi quay sang Chamba: “hỏi những câu hỏi hơi tò mò vào đời tư của họ có sợ làm bà ấy phật lòng không?”, Chamba cười xuề xòa: “không sao đâu, quý vị cứ tự nhiên hỏi”.

(TC) – tôi nghĩ rằng bà ấy chắc phải biết đứa con nào là của ông chồng nào chứ?

Chamba và người đàn bà trao đổi qua lại với nhau, trong khi tôi nghe có một người trong đoàn cười khúc khích và bảo: “ăn chung ở lộn như vậy, nếu là tôi chắc tôi cũng chịu, làm thế nào mà biết đứa nào là con của ông nào!”
(Chamba) – bà ấy giải thích rằng bởi vì cả ba ông chồng đều sinh hoạt thân mật thường xuyên với bà nên khi có bầu bà không thể biết chắc người nào là cha của cái bầu ấy.
(TC) – ba đứa nhỏ xưng hô thế nào với ba ông chồng của bà?
(PN) – cả ba đứa con của tôi đều phải gọi ông thứ nhất là “cha”, bởi vì ông là anh cả trong ba anh em.
(TC) – thế hai ông em thì chúng gọi là gì?
(PN) – là “chú”, cho dù họ có là cha ruột của chúng đi nữa, bởi vì phong tục là như vậy; Nhưng thật ra chúng đều xem cả ba người là cha của chúng.
(Chamba) – và cả ba ông chồng đều xem chúng là con chung.



Chúng tôi đi sang phòng bên cạnh, cũng là phòng ngủ. Thực ra người Tây Tạng không có khái niệm “phòng ngủ”, mà đúng ra nơi họ ngủ, dù lớn hay nhỏ, cũng đồng thời là nơi họ ăn uống và sinh hoạt. Cách bài trí trong gian phòng này cũng gần giống như “phòng ngủ chính” mà chúng tôi vừa thăm; Cũng có hai chiếc giường dài kê đâu đầu lại với nhau, với đồ đạc lỉnh kỉnh vứt la liệt khắp nơi, chỉ khác là không có cái bàn thờ tô vẽ lòe loẹt.

Chúng tôi đi sang phòng kế tiếp, phòng này có vẻ sáng sủa hơn vì tường sơn màu vàng. Cũng lại là phòng vừa làm chỗ ngủ vừa làm chỗ sinh hoạt. Bước vào, chúng tôi nhìn thấy người đàn ông trẻ – ông chồng thứ ba của bà Tsering, bà “sống lâu để... hưởng!” – đang ngồi ở một mép giường. Anh ta đứng bật dậy, gãi đầu và mỉm cười với chúng tôi, vẻ lúng túng. Chamba nói gì đó với anh, hình như là chào hỏi. Anh trả lời Chamba, xong quay sang nói chuyện với người đàn bà.

(Chamba) – ông ấy hỏi quý vị từ đâu đến, và ngạc nhiên là tại sao người Mỹ mà lại không phải là người da trắng.
(TC) – chắc ông ấy không biết là có cả người Mỹ gốc Tây Tạng!
Có lẽ cảm thấy không được thoải mái khi bị chúng tôi đổ dồn hết những cái nhìn hiếu kỳ vào mình, ông chồng trẻ của người đàn bà bỏ đi ra ngoài. Thằng bé con trai bà cũng chạy theo “chú” nó.
(TC) – tại sao bà lại lấy cả ba anh em? Ai quyết định điều ấy?
(PN) – anh em họ quyết định.
(TC) – bà có bị ép buộc không?
(PN) – (đỏ mặt, cười) tôi cũng bằng lòng.
(Chamba) – phong tục không cưỡng bức người phụ nữ phải lấy nhiều chồng. Luật pháp của Trung Quốc cấm tình trạng đa thê hay đa phu, nhưng trên thực tế ở Tây Tạng không ai ngăn cản cả bốn người họ chung sống với nhau.
(TC) – tại sao cả ba anh em lại muốn lấy một mình bà?
(PN) – họ muốn bảo vệ điền sản và cả tài sản do cha mẹ để lại.
(Chamba) – họ không muốn phải chia nhỏ những thứ ấy ra. Giữ chung đất đai và tài sản thì dễ sinh lợi hơn.
(TC) – và cưới chung một bà vợ thì thú hơn! Tôi nói đùa, anh làm ơn đừng dịch lại. Nhưng ai làm chủ tài sản ấy?
(PN) – ông anh cả là người đứng tên đất đai và mọi thứ tài sản. Nhưng tất cả mọi thứ đều thuộc về tất cả mọi người.
(TC) – đất đai có thật sự thuộc về quý vị không?

(Chamba) – ruộng đất thừa kế từ ông bà cha mẹ thì người ta có quyền đứng tên, dù rằng trên nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu của Nhà Nước. Ở Tây Tạng người thì ít đất đai thì quá nhiều, cho nên sở hữu ruộng đất không quan trọng bằng khả năng khai thác chúng.

(TC) – tài sản của gia đình bà gồm có những gì?
(PN) – ngôi nhà này, những máy móc và vật dụng trong nhà và đàn gia súc.
(TC) – có tiền mặt không?
(PN) – (cười) có chứ.
(TC) – ai là người giữ tiền?
(PN) – ông chồng thứ nhất của tôi.
(TC) – bà có giữ tiền không?
(PN) – (cười)... cũng có... nhưng không nhiều.
(TC) – có bao giờ xẩy ra xích mích giữa ba anh em vì tài sản hay tiền bạc không?
(PN) – thỉnh thoảng cũng có xích mích, tôi không rõ là chuyện gì... nhưng nói chung ba ông chồng của tôi rất quý nhau, họ là anh em ruột thịt mà!
(TC) – bà có dành ưu tiên cho người nào được vào ngủ trong phòng của bà không?
(PN) – (đỏ mặt, cười) ai muốn vào với tôi cũng được, nhà của chung mà.
(TC) – họ có bao giờ xích mích vì dành nhau chuyện ấy không?
(PN) – không, lúc nào hai ông em cũng nhường nhịn ông anh cả.
(TC) – xin lỗi bà, có bao giờ mấy ông chồng dùng vũ lực với bà không?
(PN) – không, không bao giờ.
(TC) – bà yêu người nào nhất?
(PN) – (cười) người nào cũng đối xử tốt với tôi... ông thứ ba quý mến tôi nhiều nhất.

Câu chuyện trao đổi giữa tôi và người đàn bà nông dân Tây Tạng ở vùng Tsang hình như kết thúc ở đấy... Wow! Tôi thật cũng không ngờ rằng nội dung câu chuyện lại cởi mở và có thể đi sâu vào những vấn đề riêng tư một cách thoải mái như vậy.
Đoàn chúng tôi từ giã người đàn bà đa phu, ông chồng thứ ba, hai đứa con và ngôi nhà khang trang của họ để tiếp tục hành trình đi Shigatze. Và đó là một trong những kỷ niệm lý thú và khó quên trong chuyến du lịch thăm Tây Tạng của chúng tôi vào mùa xuân năm ấy.

Mar 15, 2004
TRẦN CHÍNH.

ĐÀN BÀ TÂY TẠNG

Tây Tạng xứ tuyết, cảnh chồng chung
Uổng quá, sao tôi chẳng đi cùng
Trời ơi xứ đó người thưa thớt
Thêm một anh vô đâu có đông!

Lấy vợ thì ai cũng tốt thôi
Đời tôi yêu chỉ có một người
Nay sang cái xứ chồng chung ấy
Tớ được chia đôi, nửa cuộc đời...

Mấy bà Tây Tạng, sao sung sướng
Tóm trọn tiền nong, ba bốn tên
Thằng tôi nghèo rớt mồng tơi thế
Vỏn vẹn trên răng dưới bộ kèn!

Cái bà Tây Tạng lấy chồng chung
Xứ ấy dẫu tôi có đi cùng
Chắc chẳng đoái hoài dân lõ đít
Kèn kêu thì tiếng được tiếng không!!!

(Mar 18, 2004. Thân tặng Trần Chính – Voyages Saigon)
TRẦN THỤY LÂN.

Bài thơ tếu này ông Thụy Lân nhà chúng tôi cảm khái viết tặng anh Trần Chính sau khi đọc bài ký sự “Người đàn bà đa phu ở Tây Tạng” đăng ở phần trên. Chữ “chồng chung” mà tác giả dùng ám chỉ người đàn bà lấy một lúc ba ông chồng, và cả ba cùng sống chung với nhau.

Ký sự “Người đàn bà đa phu ở Tây Tạng” dưới đây do Trần Chính (Voyages Saigon) viết sau khi đọc và lấy cảm hứng từ bài khảo luận “Bản chất đàn ông” của Sầu Đông – Nguyễn Thọ Chấn. Ba tấm ảnh đăng kèm với bài ký sự này là của B.S. Daniel Phước Lee, một khách hàng của Voyages Saigon cùng đi với anh Trần Chính trong chuyến du-lịch Tây Tạng Mùa Xuân năm 2003.
Bài thơ “Đàn bà Tây Tạng” đăng ở phần cuối của Trần Thụy Lân.
SALADE EsPRESSO.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khu vườn cũ



Suốt năm này qua năm khác
Bạn đi quẩn quanh trong khu vườn của mình
Bạn nghĩ là bạn đang sáng tạo
Thực ra chưa có gì hình thành
Vẫn là đất cũ
Khu vườn cũ
Cỏ cây muôn năm rồi và rêu mọc xanh
Vẫn sâu cứng, sâu mềm rình trong kẽ lá
Dù cho trên đầu màu mây vẫn xanh
Cuộc khốc liệt của những người hàng xóm
Trổ tài khoe uốn lá tỉa cành
Chưa ai ươm được dáng cây cổ thụ
Bằng những ngẩn ngơ tăm tối gọi bằng chân thành
Ôi xứ sở bốn mùa hoa lá
Tự nhiên vắng đi gió từ biển thổi về
Và thiếu nắng, nắng điên rồ dữ dội
Chỉ có mưa phùn, gió bấc buồn tênh
Bạn muốn ra khỏi khu vườn chết tiệt
Yêu thương nhiều năm trói buộc mình
Những chiếc lá nhẹ lướt ngang cổ bạn
Mùi cỏ hăng hăng khiến bạn rùng mình
Bạn ngán đến cổ những lời khích lệ
Lích tích chim nhặt sâu, tiếng hoa rụng đầu cành
Giờ là lúc thèm chân trời vang động
Tiếng sấm mùa xuân gọi nụ biếc cho cành

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơ vụn:


THÔI THÌ


Thằng dở thơ
chê thằng dở người..
Thương buổi văn chương đi vào ngõ cụt!
Lề phải ta đi cuối ngày hẫng hụt
không khá hơn,
lề trái lem nhem..
Còn gì ta tặng cho em?
Câu thơ nhặt ở chợ đêm mang về?
Câu thì cụt
Nghĩa thì què
“Mở miệng” nói dóc người nghe phát khùng!
“Vất thơ” mặc lấy váy hồng,
“Đôi hài vạn dặm”đã từng nắng mưa..
Người giận thơ
kẻ yêu thơ
Lênh đênh con sóng
đò đưa sông dài..
Thôi thì thơ nhé chia tay!
Lửng lơ phúc phận, gió bay, sóng ào?

Họa chăng thêm khúc chiêm bao??


KHÔNG NÊN BAY

Thơ chỉ có đôi cánh mỏng
Làm sao ta ngang qua bầu trời?
Ước gì có con ngựa sắt
Và tre đằng ngà làm roi?
Ta sẽ quất vào vô tâm, vô cảm
Thức lên tình núi sông này..
Băng qua cánh đồng dài rộng
Không tiếng kêu buồn, oan tiếng lá rơi.
Ngựa sẽ đưa ta băng qua biển cả
Nơi đảo xa sóng lấn từng ngày
Đỡ con thuyền chao nghiêng của người câu cá..
Để tiếng hò khoan vang ở phía chân trời..
Ta qua những phố phường nhiễu nhương cát bụi
Đăm đăm, nhăn nhúm lòng người
Qua những cánh rừng từ lâu trơ trụi
Lại từ đầu, trông thoi thóp dáng cây..
Chợt nghĩ: Liệu có hay gì nếu được bay như vậy?
Sông núi, cánh đồng, biển cả vẫn như xưa
Cả thành phố băn khoăn mệt mỏi..
Ta tìm đâu, cảm hứng cho thơ?
Ngày mưa gió, câu thơ buồn xếp cánh
Ngựa sắt xem ra cũng chồn chân rồi
Mọi chọn lựa đều thành vô ích
Khi ta thiếu điều:
không thể thiếu trong tay??

Phần nhận xét hiển thị trên trang