Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Tình cảnh 'một nước hai vua' của Mỹ


Nguyễn Hoàng 

VNExp - Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tham gia vào nhiều sự kiện quốc tế trước khi nhậm chức khiến nước Mỹ đang trong tình cảnh "một quốc gia hai tổng thống".

Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, gần đây, tỏ ra lấn lướt Tổng thống đương nhiệm Obama trong việc xử lý một số vấn đề quốc tế khiến hiện trạng chính trị nước Mỹ trở nên rắc rối và khó hiểu nhất trong lịch sử, theo Atlantic.

Bình luận viên Uri Friedman nhận định quãng thời gian chuyển giao quyền lực giữa các đời tổng thống luôn là thời kỳ phức tạp đối với nước Mỹ và thế giới, nhưng chưa từng có tổng thống đắc cử nào trực tiếp can dự vào những vấn đề đối ngoại như ông Donald Trump.

Sau khi thắng cử năm 1992, tổng thống đắc cử Bill Clinton tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, đồng thời khẳng định dù vào bất cứ thời điểm nào, nước Mỹ chỉ có một tổng thống duy nhất.

Sau khi vượt qua ứng viên đảng Dân chủ Al Gore trong kỳ bầu cử năm 2000, tổng thống George W. Bush cũng từ chối bình luận về các hồ sơ nóng như Triều Tiên và Israel cho đến khi ông nhậm chức vào đầu năm 2001.

"Chúng ta chỉ có một tổng thống và tổng thống nước Mỹ hiện nay là Clinton. Nước Mỹ cần phải thể hiện một tiếng nói thống nhất", ông Bush nói trong một cuộc họp báo.

Đến năm 2008, đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống Obama tiếp tục khẳng định rằng ông đang tôn trọng nguyên tắc "một tổng thống" của nước Mỹ, khi im lặng trước một vấn đề nóng tại thời điểm đó là cuộc chiến tại dải Gaza.

"Nguyên tắc mang tính 'hiến pháp' này rất quan trọng trong việc triển khai các chính sách đối ngoại của Mỹ", thư ký báo chí của ông Obama từng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tình hình cuối năm 2016 hoàn toàn trái ngược, khi nước Mỹ đang có hai tiếng nói mâu thuẫn nhau về những vấn đề quốc tế.

Trong khi ông Obama thề sẽ trả đũa việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, ông Trump lại bày tỏ thái độ hoài nghi về cáo buộc này và cảm ơn ông Putin vì tấm thiệp mừng Giáng sinh rất đẹp.

Khi Lầu Năm Góc yêu cầu Trung Quốc trả lại thiết bị lặn không người lái bị thu giữ ở Biển Đông, ông Trump lại đột ngột chuyển giọng tuyên bố "Trung Quốc cứ giữ lấy nó".

Ông Obama nỗ lực dỡ bỏ hệ thống đăng ký, vốn dùng để theo dõi du khách đến từ những quốc gia Hồi giáo, ông Trump nhiều khả năng lại phục hồi hệ thống này.

Diễn biến đáng chú ý nhất là giới chức Israel mới đây đã liên lạc trực tiếp với ông Trump, nhờ ông can thiệp vào việc Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc dự kiến bỏ phiếu thông qua nghị quyết chỉ trích Israel xây dựng những khu định cư ở Bờ Tây và đông Jerusalem do Ai Cập đệ trình, sau khi nhận thấy chính quyền ông Obama nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu trắng thay vì phản đối như trước.

Ông Trump sau đó gọi điện cho Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi vận động nước này yêu cầu HĐBA hoãn phiên họp thông qua nghị quyết, Cairo đồng ý.

Ngày hôm sau, khi bản dự thảo nghị quyết được 4 nước Malaysia, New Zealand, Senegal, Venezuela đệ trình và thông qua, ông Trump đã viết trên Twitter: "Liên quan đến Liên Hợp Quốc, mọi chuyện sẽ khác sau ngày 20/1".

Những mâu thuẫn này đã tạo ra tình cảnh lộn xộn trong những tuần qua khiến một nghị sĩ đảng Dân chủ phải đệ trình dự luật sửa đổi điều khoản trong Luật Logan năm 1799, yêu cầu tổng thống đắc cử không được tham gia thực thi các quyết định đối ngoại có ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, vị thế toàn cầu của Mỹ.

Xem thêm: Trump - Obama đều thể hiện uy quyền qua cách ngồi ở Nhà Trắng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Năm 2016: Người tài- người nhà và hội chứng “củ khoai tây”


Nếu chỉ biết có vận mệnh “nhà ta”, thì vận mệnh Quốc gia sẽ ra sao?
—————-
Năm 2016 sắp kết thúc, để mở ra năm mới 2017. Đó là một năm diễn ra rất nhiều mốc sự kiện lẫn vụ việc lớn, quan trọng và nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm lẫn day dứt của dư luận xã hội. Bởi cả sự kiện, lẫn vụ việc, cả đối nội lẫn đối ngọai đều liên quan đến vận nước- liên quan tới sự phát triển hoặc ngược lại, tụt hậu của quốc gia.
Cảnh báo hội chứng “củ khoai tây”
Ấn tượng nổi bật của năm này là hai sự kiện lớn, đánh dấu trang đời mới, thời cuộc mới của nước Việt.
Đại hội Đảng XII, với sự hiện diện tái đắc cử của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng. Nhận rõ được những thách thức lớn mà tổ chức Đảng đang phải đối mặt- làm nên sức mạnh, hoặc… ngược lại, nếu không có sự ủng hộ của nhân dân, thay mặt cho tập thể lãnh đạo, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã gửi thông điệp tới cả dân tộc, gói gọn trong mấy chữ: Gần dân, trọng dân, vì dân, nói đi đôi với làm.
Năm 2016:  Người tài- người nhà và hội chứng “củ khoai tây”
Người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã gửi thông điệp tới cả dân tộc, gói gọn trong mấy chữ: Gần dân, trọng dân, vì dân, nói đi đôi với làm.

Tiếp đó, là sự ra mắt trước quốc dân đồng bào của Chính phủ mới, do ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng. Rất ý thức được trách nhiệm to lớn của CP mới, ý thức được những vấn nạn xã hội đang làm tổn thương sâu sắc lòng dân, người đứng đầu CP đã khẳng định và cam kết 06 điểm lớn, trong đó, đáng chú ý nhất- xây dựng một CP trong sạch, liêm chính, hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, một CP làm gương cho XH về vấn đề nói đi đôi với làm.
Chỉ có 40 chữ, nhưng là một gánh nặng không hề nhẹ. Liệu những” công bộc” của dân có gánh trọn được không trên hành trình nhiệm kỳ 05 năm?
Có hai sự kiện đối nội lớn thì cũng có hai sự kiện đối ngoại lớn, liên quan đến đối ngoại. Nếu như một bên mở ra cơ hội thúc đẩy cho nước Việt hội nhập hơn với Hiệp định TPP, phản chiếu sinh động và cởi mở trong chuyến sang thăm Việt Nam của của TT Mỹ Obama, thì một bên, việc TT Mỹ mới đắc cử Donald Trump, một đại tỷ phú với tính cách khó đoán định kiên quyết rút Mỹ khỏi TPP, đã đặt Việt Nam trước những thách thức lớn chưa lường hết. Nhưng cho dù là cơ hội hay thách thức, thì cả hai điều thuận và nghịch đó đều đòi hỏi nội lực nước Việt phải đủ mạnh để tương thích. Sức mạnh nội lực đó đến chừng nào, vẫn phải trông ở thì… sắp tới.
Năm 2016 cũng là tròn 30 năm công cuộc Đổi mới trên khắp các lĩnh vực của đất nước. Từ kinh tế đến xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế…., từ đối nội đến đối ngoại. Thành tựu hay khiếm khuyết, những hay dở, được mất của công cuộc này đã phản chiếu trong đời sống một đất nước với biết bao vui buồn. Diện mạo hiện đại hạ tầng cơ sở, mức sống khá hơn trước cùng những suy thoái văn hóa- đạo lý nhân sinh…
Có những sự kiện lớn, thu hút sự chú ý của người dân thì cũng có những vụ việc lớn, kinh hoàng, khiến người dân cả nước vô cùng đau đớn và phẫn nộ. Đó là vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường biển dọc một số tỉnh miền Trung, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh, kinh tế biển và kinh tế du lịch, gây bất ổn tâm lý xã hội.
Và còn đây, vấn nạn giặc “nội xâm” tham nhũng, lợi ích nhóm, nợ công, nợ xấu, những vụ án thất thoát, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, những dòng sông sắp… qua đời.  
Có cả hoa trái và cỏ dại. Cả thành và bại, được và mất…
Trong muôn vàn sự kiện, vụ việc buồn vui của đời sống, người viết bài chú ý nhận xét của tác giả Nhị Lê- Phó TBT Tạp chí CS khi ông cảnh báo hội chứng “củ khoai tây” trong công tác cán bộ, vì tính “thời thượng” của nó: Đó là, bề ngoài tưởng một khối thống nhất, nhưng bên trong thì năm bè, bảy mảng. Một số tổ chức đảng là tập hợp những “củ khoai tây” trong cái bao tải. Cắt cái dây một cái là nó bung ra mỗi củ khoai tây lăn một góc. Các tổ chức chi bộ đảng có nguy cơ thành hàng ngàn những“bao tải khoai tây”(VietTimes, ngày 18/1).
Thật ra, hội chứng “củ khoai tây” không chỉ có trong tổ chức Đảng, mà nặng nề hơn, còn là ở các ngành, các lĩnh vực. Hội chứng “củ khoai tây” đó là gì nếu không phải chính là lợi ích nhóm, là con người cấu kết với con người vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân với muôn hình vạn trạng, trăm hoa đua nở.
Con người bao giờ cũng là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất, quyết định sự thành bại, sự phát triển mỗi quốc gia.
Người viết bài nhấn mạnh điều này bởi lợi ích nhóm, hội chứng “củ khoai tây” đang là vấn đề nổi bật, nhức nhối nhất, thách thức năng lực, trí tuệ và hành động của CP mới!
“Tìm người tài chứ không tìm người nhà”
Đó là phát ngôn của người đứng đầu CP sau quá nhiều những hiện tượng một người làm quan cả họ được nhờ, rồi nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ… có thể thấy ở đất cứ đâu, ngành nào, lĩnh vực nào, cấp nào, cao hoặc thấp. Mỗi vụ một vẻ mười phân vẹn mười.
Sau phát ngôn đó, báo chí tìm ra mỗi lúc thêm một nhiều hiện tượng “tìm người … nhà không tìm người tài”.
Có thể thấy “hội chứng” đó thật đa dạng về vùng miền, tính chất, dân tộc, cả cách tìm, và ngày càng có xu hướng kiểu nhân điển hình.
Nếu trước đây, chỉ là cấp huyện như vụ  “cả họ làm quan ở Mỹ Đức” thì nay có thể thấy hội chứng đó rất… sung mãn ở cấp Cục, như ở Cục Thuế Quảng Bình, ở cấp Bộ (Tổng cục) như Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam.
Nếu trước đây, chỉ ở miền xuôi, nay té ra, hội chứng này … phát ở cả miền núi. Đến mức, gia đình một quan chức thuộc một tỉnh miền núi cao đã được dư luận xã hội tôn vinh “Gia đình siêu nhân”.
Nếu trước đây việc tìm người tài chỉ nhắm vào người nhà (họ hàng), bây giờ người ta tìm cả người… cùng nhà. Chả thế có câu hỏi rất âu yếm lan truyền trong dân gian vừa hài hước vừa tế nhị: Đồng chí này là con đ/c nào?
Nếu trước đây đ/c bố bố bổ nhiệm đ/c con trai, thì nay có cả đ/c chồng bổ nhiệm đ/c vợ. Như vụ việc của đ/c Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa- Vũng Tàu.
Nếu trước đây có sự bổ nhiệm cấp tập kiểu chữ ký hoàng hôn. Như đ/c cựu Chánh Thanh tra CP bổ nhiệm 60 cán bộ quản lý cấp vụ, cấp phòng. Cấp tập đến mức chỉ trong hai ngày, ông ký bổ nhiệm luôn 26 người. Khiến 26 đ/c đó ngủ một đêm sáng mai tỉnh dậy sung sướng thấy mình… thành quan (!) Sự cấp tập kiểu này lây sang cả người kế nhiệm. Đến lượt đ/c Chánh TTCP tiếp theo cũng cấp tập sử dụng “chữ ký hoàng hôn  cho 35 đ/c khác. Thì nay có sự bổ nhiệm nhẩn nha kiểu đường cong mềm mại, mà Vụ phó 32 ngày của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi đang trở thành “Hot boy” của dư luận xã hội là một minh chứng sinh động. Đường cong thực chất lại thành “thần tốc”. Thật tài!
Tiếp ngay sau Vũ Minh Hoàng, báo chí lại phát hiện thêm ông Nguyễn Tiến Khoa cũng nguyên là Phó Vụ trưởng của Ban chỉ đạo này. Và ông cũng đâu chịu kém miếng. Cũng thăng tiến theo kiểu đường cong mềm mại mà rất thần tốc…
Nhưng điều đáng chán nhất, gây dị ứng cho dư luận xã hội nhất là lâu nay- bất kỳ trưởng hợp bổ nhiệm, thăng tiến đáng nghi ngờ nào- rút cục cuối cùng, dư luận xã hội cũng nhận được kết luận rất có vẻ “nguyên tắc”: Đúng quy trình. Rồi sau là … đúng quy định!
Ts Nguyễn Đình Cung đã phải chua chát về vụ bổ nhiệm một đ/c “con” của một đ/c “bố”: Nói bổ nhiệm đúng quy định là… trơ trẽn! (Dân trí, ngày 25/8)
Và bây giờ, cứ mỗi vụ việc bổ nhiệm, thăng tiến siêu cán bộ nào, dư luận xã hội lại chờ đợi và đoán trúng phóc câu trả lời- Đúng quy trình!
Năm 2016:  Người tài- người nhà và hội chứng “củ khoai tây”
Nếu chỉ biết có vận mệnh “nhà ta”, thì vận mệnh Quốc gia sẽ ra sao?
Không có gì “vô hiệu hóa” uy tín chính quyền về công tác cán bộ bằng cụm từ đúngquy trình này! Bởi đúng quy trình là nguyên tắc tổ chức và tuyển chọn cán bộ, vốn không có lỗi. Lỗi là ở những thủ đoạn, tính toán tinh vi của những kẻ đã lợi dụng không thương tiếc những nguyên tắc tổ chức để trục lợi. Trả lời Tuần Việt Nam ngày 18/10, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo: Đừng coi thường vị trí thấp, bởi vì “người nhà” có thể ở vị trí thấp khi mới vào, nhưng sau đó họ nhảy lên rất nhanh. Những bàn tay quyền lực về nhân sự trong bộ máy nhà nước luôn rất tài tình, biến hóa khi sắp xếp cho “người nhà” bay lượn vài vòng rồi đáp đúng bến đỗ mục tiêu chỉ trong thời gian ngắn!
Mới đây, trả lời báo VietNamNet, ngày 15/12, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của TTCP cũng nói thẳng bản chất của việc chọn người nhà, của việc con quan rồi lại làm quan; và cái tính tư lợi rất tinh vi của việc lợi dụng nguyên tắc đúng quy trình:
“Không phải con cháu lãnh đạo, còn lâu mới được đề bạt’. Như tôi là con nông dân thì cấp dưới có dám đề xuất không. Bởi vì mác của ông thế, rồi người ta mới đề xuất chứ. Người ta có chú ý đến người tài đâu mà chú ý đến cái mác của người đó xem xét con cái, người thân của ông đó, bà đó để đề xuất. … Quy trình là tập thể nhưng tập thể thì lại xảy ra chuyện tôi vì anh, anh vì tôi chứ không vì cái chung. Như Hải Dương 44/46 người làm lãnh đạo cả, không thấy ai nhân viên cũng quy trình đúng cả, thì đó là quy trình bậy”.
Người viết bài này, trong bài viết “Chính phủ mới và các Mister cần thay” đã chỉ ra, một trong những Mister kém năng lực cần thay nhất là “Mr. Đúng Quy Trình”- ông lớn quyền lực chuyên bảo kê cho những bê bối về tổ chức cán bộ.  Bởi nếu cán bộ toàn “người nhà” thì rút cục chính sách cũng sẽ chỉ quyết định sự phát triển, vận mệnh “nhà ta”! (VietNamNet, ngày 04/8).
Niềm an ủi bất ngờ vào những ngày cuối năm, là câu chuyện một nhóm 04 cô giáo ở Trường mẫu giáo An Hiệp (huyện Tuy An- tỉnh Phú Yên) đã động viên nhau “Trò sống cô sống, trò chết cô chết” để cứu sống 13 học sinh của các cô khỏi cái chết cận kề khi nước lũ ồ ạt dâng lên lút đầu, khiến người viết bài cay mũi nhiều lần. Đó cũng là một “nhóm lợi ích” mà lợi ích duy nhất của họ là sự sống của 13 em nhỏ mong manh gang tấc giữa dòng nguy hiểm.
Trên đất nước này, có bao nhiêu lợi ích nhóm vì lợi ích của cộng đồng, của người khác như vậy? Hay chỉ nhằng nhịt như mạng nhện mà lại rời rạc như các “củ khoai tây”? Chỉ biết có lợi ích và vận mệnh “nhà ta”?
Mà nếu chỉ biết có vận mệnh “nhà ta”, thì vận mệnh Quốc gia sẽ ra sao?
Chỉ 40 chữ nhưng sẽ phải là hành trình quyết liệt của CP mới ở năm 2017 và những năm tiếp theo. Để người dân không còn phải thắc thỏm hát bài… Đợi.
(Còn nữa)
————- 
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/nam-2016-nguoi-tai-nguoi-nha-va-hoi-chung-cu-khoai-tay-348793.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc thị uy, Đài Loan chuẩn bị cho tình huống xấu nhất


Binh sĩ Đài Loan tập trận
   Ngày 27.12, chính quyền đảo Đài Loan đã ra thông báo khẳng định "mối đe dọa từ kẻ thù của chúng tôi đang tăng mạnh từng ngày". Trước đó, đội tàu sân bay của Trung Quốc áp sát phía nam đảo này.
Cuộc tập trận của Trung Quốc được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Đài Loan và Bắc Kinh đang dâng cao, sau cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan là bà Thái Anh Văn.
"Mối đe dọa từ kẻ thù của chúng tôi đang tăng mạnh từng ngày. Chúng tôi luôn luôn phải duy trì khả năng chiến đấu của mình", Chỉ huy lực lượng quân sự Đài Loan Feng Shih-Kuan tuyên bố. "Chúng tôi cần tăng cường đào tạo huấn luyện binh sĩ để họ không chỉ có thể tồn tại trong chiến tranh mà còn tiêu diệt kẻ thù và hoàn thành nhiệm vụ", ông Feng nói thêm. Nhận xét của ông Feng được đưa ra trong một sự kiện có mặt các tướng lĩnh cao cấp Đài Loan.
Trung Quốc vội giải thích hành động tập trận áp sát Đài Loan của đội tàu sân bay Liêu Ninh là một "hoạt động thường niên", đồng thời khẳng định những cuộc tập trận thường xuyên của không quân nước này ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng có tính chất tương tự.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, thông qua yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn". Hồi tháng 7, Tòa Trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, mặc cho Bắc Kinh phản đối.
Lầu Năm Góc không trực tiếp bình luận về những cuộc tập trận mới nhất của Trung Quốc, nhưng khẳng định Mỹ tôn trọng quyền sử dụng biển và không phận hợp pháp dựa theo công pháp quốc tế.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt tình hình trong khu vực. Chúng tôi không có ý kiến cụ thể về những hoạt động của hải quân Trung Quốc gần đây, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát những hoạt động quân sự liên tục của Trung Quốc trong khu vực", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross nói.
Theo một quan chức quốc phòng Đài Loan, tàu sân bay Liêu Ninh và đội tàu hộ vệ của nó đang di chuyển sâu vào Biển Đông, nhưng có thể hướng tới đảo Hải Nam.
"Nó vẫn đang hướng về phía tây nam, hướng thẳng tới đảo Hải Nam", quan chức quốc phòng Đài Loan giấu tên cho biết.
Thiên Hà (theo Reuters)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Donald Trump: 'Tổng thống Obama đang cản trở quá trình chuyển giao chính quyền'



   Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đang cản trở quá trình chuyển giao quyền lực với những phát ngôn và hành động "gây khó dễ" cho ông.
Quan hệ giữa ông Trump và ông Obama sau khi cuộc bầu cử Mỹ kết thúc ban đầu khá êm thấm, dù hai người trước đó có nhiều xung khắc trong quá trình vận động tranh cử.
Tuy nhiên, gần đây quan hệ giữa hai người ngày càng căng thẳng, nhất là khi ông Obama để Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết lên án Israel. Ông Obama còn nói rằng sẽ thắng ông Trump nếu được phép tranh cử.
Ngày 28.12, ông Trump đã viết trên Twitter cá nhân một dòng trạng thái chỉ trích ông Obama: "Tôi cố gắng không để ý nhiều đến các phát biểu kích động của Tổng thống Obama. Tôi đã nghĩ quá trình chuyển giao chính quyền sẽ diễn ra trơn tru nhưng không phải vậy!".
Trong lịch sử, Mỹ nhiều lần dùng quyền phủ quyết những nghị quyết chỉ trích Israel tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng lần này, Tổng thống Obama đã bật đèn xanh để Mỹ bỏ phiếu trắng và nghị quyết lên án khu định cư Do Thái được thông qua.
Quyết định của Mỹ ngay lập tức bị Thủ tướng Israel Netanyahu và ông Trump chỉ trích. Ông Trump tuyên bố mọi chuyện sẽ được đảo ngược sau ngày 20.1.2017. khi ông chính thức nhậm chức.
“Chúng ta không thể tiếp tục để cho Israel bị đối xử thiếu tôn trọng như vậy. Họ từng là một người bạn lớn của Mỹ nhưng bây giờ không còn nữa. Tình bạn lớn kết thúc do thỏa thuận hạt nhân với Iran và bây giờ là nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Hãy mạnh mẽ lên Israel, ngày 20.1.2017 sắp đến gần”, ông Trump viết trênTwitter cá nhân.
Thiên Hà (theo Independent)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lòng tự trọng của các 'người nhà'



Đoàn Đạt






















MTG - Báo chí mấy ngày qua đồng loạt đưa tin ông Vũ Quang Hải, con của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa nộp đơn xin rút khỏi chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Việc xin từ chức của ông được ông tự mô tả là “ra đi trong thế ngẩng cao đầu”...

Ông Hải chia sẻ là đã có ý định xin rút khỏi vị trí lãnh đạo tại tập đoàn này từ trước, nhưng vẫn nấn ná ở lại để chứng tỏ mình “làm được việc chứ không phải là con ông này ông kia”. Có thể vì sức ép của bộ máy, của dư luận, nhưng cũng có thể là do lòng tự trọng mà nhà lãnh đạo trẻ này xin rút, một tiền lệ có lẽ chưa từng có trong thời kỳ “tìm người nhà” tương đối phổ biến như hiện nay.

Nhiều người chắc hẳn cũng hơi tiếc khi ông Hải không từ chối ngay từ đầu lúc được điều động về Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam rồi sau đó là Sabeco; bởi vì cho đến giờ, một trong những rắc rối mà cha ông, nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đang gặp phải, chính là việc điều động ông về hai tổng công ty này.

Người ta có thể thấy trong việc “tìm người nhà, không tìm người tài”, lỗi cũng có phần thuộc về “người nhà”, những người được tìm kiếm, nâng đỡ. Chưa có một “hậu duệ mặt trời” nào, dù có thể rất tin tưởng vào bản lĩnh của mình như ông Vũ Quang Hải, lại từ chối việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” cả. Rất hiếm có chuyện các hậu duệ này tự tạo những con đường riêng, hoàn toàn không tận dụng tiếng tăm và các mối quan hệ của cha mẹ hay người thân của mình.

Thực ra, câu chuyện “tìm người nhà” là một xu hướng tự nhiên trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm qua của mọi đất nước. Con cái, người thân bao giờ cũng là “cái tôi nối dài” của ai đó cho nên việc những tài năng, những thiên tài, những người lãnh đạo giỏi có công khai phá ra những triều đại tất nhiên có xu hướng “truyền tử” chứ ít nghĩ đến chuyện “truyền hiền”. Mãi đến đời Hán bên Trung Quốc và đời Lý của thời phong kiến ở nước ta thì mô hình “tìm người tài” mới được pha trộn vào truyền thống thế tập qua việc tổ chức các cuộc thi tam trường nhằm tìm ra các “dòng máu mới” cho hệ thống quản lý đất nước.

Ngay cả xu hướng thế tập cũng không hẳn là hoàn toàn tiêu cực. Xã hội thời nào cũng có nhu cầu về những hậu duệ giỏi giang của những nhà lãnh đạo tài ba, xuất phát từ nhu cầu về "nguồn gien” lãnh đạo và môi trường đào tạo “gia truyền” của các dòng dõi này. Thế nhưng qua kinh nghiệm lịch sử, sự anh minh sáng suốt của nhà “lãnh đạo nòi” này cứ hao hụt, rơi rụng dần qua một vài thế hệ, và một triều đại mới lại nổi lên thay thế cho triều đại cũ đã sa đọa, mục nát.

Vấn đề có lẽ là sự khác biệt của môi trường hoạt động giữa các thế hệ. Những thế hệ khai phá thường có môi trường phát triển cực kỳ gian khó để vươn lên, trong khi các thế hệ sau thì những con đường đi lên đã được thế hệ trước dọn dẹp quang quẻ.

Các nước phương Đông thường là vậy so với các nước phương Tây. Ngay từ thời xa xưa nhiều nước phương Tây đã có những câu chuyện cổ tích về những chàng hoàng tử hay các cô công chúa “lọ lem”. Gần đây, báo chí có đưa tin về cô con gái út mới 15 tuổi của tổng thống Mỹ Obama phải đi làm bồi bàn để có những trải nghiệm cảnh khó…

Lãnh đạo, quản lý là một cái nghề có những kỹ năng và quy phạm đào tạo hẳn hoi. Không thể nói đến việc hành nghề luật sư, bác sĩ, thậm chí là sửa xe mà không phải học nghề nhưng cho đến nay, xã hội ta dường như chưa có một quy trình cơ bản nào bắt buộc các nhà lãnh đạo tương lai phải trải qua để trở thành nhà lãnh đạo: Học ở đâu? Bằng cấp gì? Có kinh nghiệm gì? Việc thăng tiến dựa trên cơ sở gì…? Có lẽ sẽ chẳng ai xì xầm bàn tán gì nếu con cái những người quản lý, lãnh đạo, xuất sắc vượt qua các “vũ môn” cụ thể này để nối nghiệp cha anh mình. 

Không thể và cũng không nên hoàn toàn loại bỏ cơ chế “tìm người nhà”, bởi “người nhà” cũng rất có thể là những người tài. Điều mà xã hội cần làm là tìm ra những quy trình tuyển chọn, đào tạo, sàng lọc công bằng, công khai để tìm ra những con người tài năng đức độ, có đầy đủ năng lực và lòng tự trọng để đưa đất nước đi lên, dù đó có là “người nhà”, có là các “hậu duệ”, “hạt giống” hay không…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chính phủ lưu ý hơn vấn đề quản lý xã hội, di dân, di cư vì nếu không, đây sẽ là một nguy cơ gây bất ổn tình hình.

Bộ trưởng Công an: Hàng nghìn băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp


Dân trí Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2016, lực lượng công an đã tập trung tấn công các tổ chức tội phạm núp bóng doanh nghiệp. Có hơn 1.000 băng nhóm đã được “bóc gỡ” cho thấy hiện tượng thông qua hình thức lập doanh nghiệp để tập hợp tổ chức, hoạt động xã hội đen…
 >> Đưa các băng nhóm tội phạm vào "tầm ngắm"



Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói về xu hướng diễn biến của tội phạm trọng năm 2016.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói về xu hướng diễn biến của tội phạm trọng năm 2016.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ với các địa phương sáng nay, 29/12, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trong năm, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, giải pháp đảm bảo môi trường cho doanh nghiệp (DN) phát triển, chủ động phát hiện sơ hở yếu kém của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các ngân hàng thương mại để thúc đẩy tái cơ cấu lại hệ thống DNNN, các ngân hàng, chống gian lận thương mại… góp phần làm lành mạnh hoá thị trường, chống thất thu thuế, đảm bảo thu ngân sách nhà nước.
Hoạt động của ngành công an góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho DN phát triển.
Một điểm nổi bật trong hoạt động của lực lượng công an năm nay là tập trung chỉ đạo đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo an toàn các công trình trọng điểm quốc gia, chống các hoạt động thông qua kinh tế làm chuyển biến chính trị…
“Chúng tôi đã đề xuất và được Bộ Chính trị thông qua Chỉ thị về an ninh kinh tế, chống các hoạt động chuyển hướng trong kinh tế. Đây là việc làm rất quan trọng mà từ đầu năm tới, lần đầu tiên chúng ta sẽ triển khai thực hiện chỉ thị này” – Thượng tướng Tô Lâm phát biểu.
Theo hướng diễn biến này, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong năm, lực lượng công an đã thực hiện nghiêm chỉ đạo về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tấn công các tổ chức tội phạm núp bóng doanh nghiệp. Có hơn 1.000 băng nhóm tội phạm đã được “bóc gỡ”, trong đó có nhiều nhóm núp bóng để hoạt động, ảnh hưởng đến môi trường lành mạnh của các hệ thống doanh nghiệp.
Bộ trưởng Công an nêu rõ, các băng nhóm tội phạm thông qua hình thức lập DN để tập hợp các tổ chức hoạt động kiểu xã hội đen, gây ảnh hưởng, tác động đến hoạt động làm dự án, đấu thầu…
Các lĩnh vực hoạt động là “mảnh đất” núp bóng của tội phạm là san lấp mặt bằng, giải phóng mặt bằng, thu hồi nợ, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải….
Theo thống kê, cả năm, lực lượng Công an đã xử lý 18.000 vụ án kinh tế, nhiều hơn 900 vụ so với năm ngoái, phát hiện hàng trăm DN lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT, gian lận thuế xuất nhập khẩu. Lực lượng cũng điều tra xử lý 339.000 vụ buôn lậu… góp phần làm giảm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, giúp bình ổn thị trường trong nước…
Ngoài ra, Bộ trưởng Công an cũng nêu nhiều con số về xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, giải quyết các vụ khiếu kiện, đình công lãn công, tăng cường việc phòng cháy chữa cháy, cứu nạn ở các khu kinh tế, khu công nghiệp…
Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Chính phủ lưu ý hơn vấn đề quản lý xã hội, di dân, di cư vì nếu không, đây sẽ là một nguy cơ gây bất ổn tình hình.
“Di dân, di cư giờ đã là một vấn đề quốc tế, Việt Nam phải đề phòng làn sóng di cư từ bất ổn của các nước xung quanh. Trong phạm vi quốc gia, các vấn đề di dân di cư cũng phải được đánh giá kỹ. Riêng Tây Nguyên của chúng ta, trước đây, dân số chỉ 1,1 triệu người, giờ đã tăng lên hơn 5 triệu người, người nơi khác đến đã nhiều hơn dân bản địa, nhiều địa bàn xã, huyện dân cư nhập cư “áp đảo” dân cư tại chỗ, tạo xung đột xã hội, gây mất ổn định” – Bộ trưởng Công an phân tích, cần chính thức thừa nhận sự di dân để đảm bảo điều kiện sống của người lưu trú ở khu vực.
Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị tăng cường bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đời sống dân sinh, nhất là ở những khu công nghiệp, các thành phố lớn với tinh thần “phát triển phải đi liền với ổn định”.
P.Thảo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Phong trào lao động XHCN ở TP HCM 1977

Phần nhận xét hiển thị trên trang