Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Tòa soạn


Truyện ngắn của Ái Nữ


      Việt Nam, một năm cuối của thế kỷ hai mươi.
       Một tòa soạn báo văn nghệ giống như mọi tòa soạn tương tự nằm đây đó khắp các tỉnh, một ngày như rất nhiều ngày. Nhà văn Biển Việt, một nhà văn nổi tiếng như rất nhiều nhà văn trong nước, đang bận rộn với công việc biên tập thì phải bỏ dở giữa chừng để tiếp khách. Không chỉ là khách của tòa soạn mà còn là khách của riêng ông. Không phải khách quen, không phải bạn văn cũng không phải cộng tác viên. Một bạn đọc tên là Ba Đào.
       Cả tòa soạn ngạc nhiên. Đã lâu rồi họ không còn biết đến niềm hạnh phúc vì sự hâm mộ của độc giả. Như mọi tờ báo được bao cấp khác, báo của họ in ra hầu như chỉ để phát, văn chương đăng trên đó không được mấy ai quan tâm ngoài những người sáng tác trong cùng hội văn học nghệ thuật địa phương. Vậy mà nay có độc giả đến đây vì niềm cảm mến sau khi đọc một tác phẩm đăng trên tờ báo của họ, truyện ngắn “Chú bé đi giày một chân”* của nhà văn Biển Việt.
       Biển Việt ngắm nhìn Ba Đào, nguyên mẫu lý tưởng cho một tác phẩm tương lai. Đó là chàng trai trẻ ở độ tuổi đôi mươi, có đôi mắt sáng với ánh nhìn nồng nàn chứa đựng những điều sâu kín. Vóc người thanh, làn da sáng, gương mặt nghiêm nghị của một người nhiều suy nghĩ trước tuổi. Đôi mắt chàng trai rực lên như chiếu tỏa ngọn lửa từ bên trong.
       - Vậy là cậu thấy truyện đó hay ư? – Nhà văn hỏi sau khi rót cho bạn đọc một tách nước trà.
       - Vâng, câu chuyện ấy gợi lên nhiều tâm tư – Giọng Ba Đào xúc động – Hẳn là tác giả đã suy nghĩ rất nhiều…
       “Nhạy cảm quá!” Biển Việt thầm nghĩ.
       Những người không nghĩ nhiều thì tất nhiên không viết văn. Nhưng không phải cứ quẳng ý nghĩ lên mặt giấy là làm thành tác phẩm hay được. Những tư tưởng non trẻ hay già nua không giúp cho tác phẩm của nhà văn sống lâu. Cuộc đời của các tác phẩm văn chương không giống như cuộc đời của thân xác con người. Ở tuổi trung niên, Biển Việt không còn quá nhiều ảo tưởng. Kiếm sống bằng ngòi bút là việc nhọc nhằn. Có lẽ Ba Đào ít được đọc văn nên mới đánh giá cao truyện ngắn của ông đến thế. Trong câu chuyện ấy, dù lòng ông chân thật, nhưng ông độc đoán dùng quyền hư cấu của văn chương để nhồi nhét suy nghĩ của mình vào miệng nhân vật đứa trẻ lang thang thất học một cách thô vụng. Mọi tình tiết trong truyện đều phi lý. Hai thằng bé bụi đời chung nhau đôi giày theo cách mỗi đứa chỉ đi giày bằng một chân thôi, chúng cho là thà cả hai đều được ấm một chân còn hơn để một đứa bị lạnh cả hai chân. Đôi giày vốn là sở hữu riêng của một thằng bé, nhưng nó đã chia cho bạn một nửa trong khi đấy là toàn bộ gia tài của nó. Và bạn nó, thằng bé nhân vật chính trong truyện, phê phán những người lớn rằng họ rất tồi tệ, họ không bao giờ dám chia cho bạn mình một nửa gia tài, nếu cuộc sống không tốt đẹp thì họ luôn đổ lỗi cho nhau, vì thế nó quyết định sẽ không trở thành người lớn. Một ngày mưa lũ, dòng sông chảy qua thành phố dâng nước lên cuồn cuộn, dưới sông có một người đang bị dòng nước hung dữ cuốn trôi, trên bờ có nhiều người lớn đứng nhìn hoảng hốt nhưng không ai dám nhảy xuống sông cứu người bị nạn. Thằng bé đi giày một chân đã dũng cảm nhảy xuống nhưng không cứu được ai và mãi mãi không trở về. Nó không bao giờ trở thành người lớn nữa.
       - Một tác phẩm văn chương làm xúc động lòng người, người đọc sẽ suy nghĩ và muốn sống tốt hơn – Giọng Ba Đào trầm xuống và nhỏ lại, nhưng đôi mắt chàng trai rực sáng hơn, nhìn thẳng vào Biển Việt– Vì điều ấy mà cháu muốn viết văn. Chú sẽ ủng hộ cháu chứ?
       “Đó là động cơ viết của một nhà văn chân chính”. Biển Việt mỉm cười nghĩ. “Nhưng cần phải có tài năng nữa. Phải xem trời có ủng hộ anh không đã, anh bạn trẻ ạ!” Ông khích lệ Ba Đào với giọng hân hoan:
       - Chúng tôi luôn mong chờ những cây bút mới. Cậu hãy viết và đem đến đây, nếu hay chúng tôi sẽ đăng, nếu chưa hay thì chúng tôi sẽ góp ý.
       Ba Đào ra về trong niềm vui pha lẫn chút phấn khích của Biển Việt. Chàng trai đã đem đến những cảm xúc tươi mới cho ông. Ông sẽ chứng kiến và nâng đỡ bước đi chập chững đầu tiên của một nhà văn trẻ. Còn ông, ông là nhà văn trẻ đã quá lâu rồi. Ở đất nước này, giới trí thức vẫn giữ gìn kỹ lưỡng phong tục “kính lão đắc thọ” của cha ông, các văn nghệ sĩ cũng không ngoại lệ. Chừng nào còn có người nhiều tuổi hơn họ, chừng nào còn có người cầm bút trước họ thì họ vẫn là “nhà văn trẻ” trong cách gọi hoặc trong ý thức của chính mình hay của người khác. Năm nay Biển Việt đã ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, ông biết cái mệnh của ông là còn làm “nhà văn trẻ” rất lâu, bởi các bậc cha chú, các bậc đàn anh của ông trong giới cầm bút cỡ tuổi “bát thập” vẫn khá đông đảo mà họ sẽ còn sống lâu hơn nữa. Tuổi tác và cách xưng hô đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra vai vế trong xã hội Việt Nam và gây cho giới văn nghệ sĩ lắm phen bối rối. Ba Đào xưng hô lễ phép với Biển Việt theo một cách không thể khác. Nhiều nhà thơ khi đứng trước một cô gái đẹp đã than: “Em ơi, sao gọi anh bằng chú?” Họ không muốn từ bỏ vai trò cha chú, vai trò đàn anh của mình đồng thời khó chấp nhận sự thật là mình đã nhiều tuổi, vì ở Việt Nam “nhiều tuổi” thường được hiểu đồng nghĩa với “già”, còn “già” thì hay được hiểu là “cũ”. Mâu thuẫn ở chỗ là người ta tỏ ra kính trọng người “già” nhưng lại thích người “mới”. Cách xưng hô phân biệt tỉ mỉ của người Việt Nam không thể hiện được tính chất “vừa già vừa mới” mà những văn nghệ sĩ lãng mạn muốn được nhìn nhận. Nếu cứ như bên các nước phương Tây thì chuyện này chẳng thể là vấn đề, bởi vì họ thường chỉ dùng một từ ở ngôi thứ nhất số ít và một từ ở ngôi thứ hai số ít, không có chuyện phải băn khoăn “uốn lưỡi bẩy lần” trước khi quyết định xưng hô với một người chưa quen như thế nào. Các nhà phê bình cầu toàn hay phàn nàn về chuyện Việt Nam thiếu những nhà văn nhà thơ lớn, họ quên mất rằng người Việt Nam muốn được xem là “lớn” thì đầu tiên phải “già” trước đã. Cứ viết thường xuyên, anh sẽ được gọi là nhà văn nhà thơ, cứ in tác phẩm thật nhiều, anh sẽ được giới thiệu là “nhà văn nổi tiếng”, “nhà thơ nổi tiếng”. Người “nổi tiếng” rất sẵn, còn người “lớn” thì… Cụ Tản Đà, ấy là nhà thơ tài hoa thời trước mà người ta kính trọng nên hay gọi bằng “cụ” như thế, có câu thơ rằng: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn – Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con”. Thời nay số dân của Việt Nam đã tăng gấp mấy lần mà người ta vẫn trích dẫn câu thơ đó mãi. Những người “lớn” thật thì ai còn nghĩ đến tuổi tác của họ chứ! Nhiều nhà văn nhà thơ của thế giới không sống đến tuổi bốn mươi nhưng đã kịp để lại di sản lớn cho nhân loại. Họ trẻ mãi, bất diệt, không ai gọi họ bằng “cụ”.
       Ba Đào đã đem đến tòa soạn hai truyện ngắn đầu tiên. Biển Việt đọc xong thấy hài lòng vì bài viết của chàng trai không có lỗi chính tả, phần ngữ pháp cũng chuẩn mực, câu chuyện giàu cảm xúc. Sinh viên đại học y có khác, rất có triển vọng. Những truyện này của cậu ta đủ trình độ để được đăng trên những tờ báo dành cho tuổi ngây thơ như “Hoa Học Trò” hay “Áo Trắng”. Sau khi khen những ưu điểm để khích lệ, Biển Việt phân tích cho Ba Đào vài chỗ khờ khạo trong xây dựng cấu trúc truyện ngắn mà những người mới vào nghề viết thường mắc phải. Không chỉ người mới vào nghề, những nhà văn lâu năm như Biển Việt cũng vẫn dễ mắc sai lầm như thường, vì khi viết người ta không tỉnh táo được như lúc đọc tác phẩm của người khác, cho nên giới viết lách mới có câu “văn mình vợ người”. Chàng trai ngoan ngoãn lắng nghe một cách chăm chú, nhưng Biển Việt không tin là cậu ta tiếp thu ngay được. Muốn trở thành Lỗ Tấn đâu có dễ!
       Lần thứ hai, Ba Đào lại đem tác phẩm mới viết đến tòa soạn. Biển Việt đọc lướt nhanh rồi chững lại, mặt ông nghệt ra, điếu thuốc đang kẹp hờ giữa hai ngón tay suýt rớt xuống sàn. Ngoài sức tưởng tượng của ông, đây là truyện ngắn hết sức đĩnh đạc, văn phong khác hẳn những truyện lần trước. Không nghi ngờ gì nữa, ông đang đọc tác phẩm của một Sê-khốp trong tương lai. Câu chuyện nhỏ xảy ra trong bệnh viện, giản dị nhưng nhiều tầng ý nghĩa. Biển Việt ngẩng lên, bỏ kính xuống, phấn chấn nói với Ba Đào:
       - Tốt lắm, cậu cứ như thế mà viết! Chúng tôi sẽ đăng trong số báo gần nhất. Cậu quả thật có năng khiếu, tôi xin chúc mừng!
       - Thật vậy ư? Cháu rất cảm ơn chú – Ba Đào thay đổi sắc mặt nhưng không có vẻ vui mừng – Còn những khuyết điểm của tác phẩm, chú sẽ nói chứ?
       - Ồ, tất nhiên - Biển Việt vui vẻ - Tất nhiên là còn phải sửa, vì đó là công việc của tôi, song cũng nhanh thôi. Cậu xem đoạn này nhé…
       Biển Việt chỉ cho Ba Đào một đoạn trong bản thảo:
       - Nhân vật này là một thằng cha khoác lác kiêu ngạo, hãy để anh ta cao giọng lên. Chúng ta sẽ sửa thành “anh ta cao giọng…” Còn chỗ này… chỗ này… - Biển Việt dùng bút khuyên vào từng chỗ trong bản thảo một cách thành thạo, mãn nguyện nhìn Ba Đào với vẻ không còn gì để bàn cãi – Cậu thống nhất thế chứ?
       - Vâng – giọng Ba Đào hơi có vẻ dè dặt – Cháu đồng ý.
       - Khi nào đăng chúng tôi sẽ gửi báo và nhuận bút cho cậu – Biển Việt bắt tay tạm biệt chàng trai, ông thấy vẻ mặt Ba Đào thoáng buồn nhưng không hiểu vì sao.
       Hôm sau, khi Biển Việt đến tòa soạn thì thấy Ba Đào đã chờ sẵn. Ông ngạc nhiên hỏi vồn vã:
       - Cậu đã viết được truyện mới rồi à? Hãy để tôi xem!
       Ba Đào mở to mắt nhìn thẳng Biển Việt, nói chậm rãi nhưng chắc chắn:
       - Xin lỗi chú! Cháu đến để lấy lại bản thảo hôm qua. Cháu đã nghĩ kỹ và thấy là không thể đồng ý với những sửa chữa của chú.
       - Cậu ngồi xuống, ngồi xuống đã! – Biển Việt rút mấy trang bản thảo từ tập giấy trên bàn làm việc, tròn mắt nhìn chàng trai – Hôm qua cậu đã đồng ý…
       - Cháu muốn đồng ý với chú, nhưng nhân vật trong truyện không tầm thường như thế. Không thể như thế được! Chú sửa như vậy là làm tầm thường hóa nhân vật - Ba Đào đột nhiên lạc giọng đi một cách lạ lùng – Với những con người tầm thường thì không còn gì để nói. Nếu nhà văn nhìn thấy con người tầm thường thì còn có thể giúp gì cho họ nữa?
       Vẻ xúc động của chàng trai làm cho Biển Việt bối rối. Tình huống này khiến ông bất ngờ, ông không hiểu Ba Đào đang nói gì. Sao lại không có những nhân vật tầm thường? Các nhân vật phản diện vẫn thường xuyên xuất hiện trong văn học tự cổ chí kim. Cuộc sống không thể thiếu những kẻ xấu xa.
       - Thế này anh bạn ạ! – Biển Việt nhăn mặt nói – Nếu cậu không muốn người ta sửa truyện của mình thì khi gửi bài đến bất kỳ tòa soạn nào hãy ghi thêm bên lề mấy chữ: “Đề nghị không sửa bản thảo!” Ở nước ta đến lúc này mới chỉ có mỗi nhà văn Nguyễn Tuân làm như vậy thôi. Với tài năng của cậu, tôi tin rằng năm năm nữa cậu có thể xử sự như Nguyễn Tuân. Nhưng không phải bây giờ…
       Đến lượt Ba Đào không hiểu Biển Việt đang nói gì, chàng trai trân trân nhìn nhà văn trước mặt mình một cách kinh ngạc. Gương mặt đầy đặn của ông nhuộm màu mệt mỏi, dù thân hình nhỏ nhắn của ông thường di chuyển nhanh nhẹn. Tiếng nói của ông dường như không hoàn toàn thoát khỏi cuống họng, làm cho giọng nghe khàn khàn.
       Ba Đào im lặng. Biển Việt đã bình tĩnh hơn, ông bảo:
       - Thôi thế này, cậu đưa cho tôi đọc truyện khác. Có thể có truyện không cần sửa.
       Ba Đào mở chiếc cặp mang theo, rút một bản thảo khác đưa cho Biển Việt. Ông cầm lấy đọc tức khắc, chăm chú một mạch. Sau đó ông thở dài và bỗng đổi cách xưng hô:
       - Này cháu! Cháu thật sự có tài đấy, chú không nhầm đâu. Truyện rất hay. Với tư cách là bạn đọc thì chú muốn được đọc những tác phẩm như thế, nhưng với tư cách là người biên tập thì chú không thể cho xuất bản được. Truyện này “gai góc” quá, nó sẽ gây đụng chạm.
       Ba Đào không ngạc nhiên thêm nữa nhưng ra chiều suy nghĩ. Mọi học sinh trung học trên đất nước này đều được các giáo viên dạy văn nhắc cho nghe những “kỳ án” của giới văn nghệ sĩ mang chung cái tên “nhân văn giai phẩm”. Đó là lịch sử một thời đã qua, nhưng đến nay nỗi lo sợ bị “chụp mũ” vẫn ám ảnh nhiều thế hệ nhà văn, như chim phải tên sợ làn cây cong.
       - Nếu viết như thế mà sợ đụng chạm thì cháu còn biết viết gì? – Ba Đào thất vọng hỏi.
       - Thiếu gì chuyện để viết! Cứ viết về những thói xấu của dân đen, những bi kịch gia đình vì đạo đức suy đồi, những chuyện tình ái…
       - Nhưng những chuyện ấy đâu có xảy ra trên cung trăng? Ai trong chúng ta có thể vô can tuyệt đối trong các bi kịch? – Ba Đào mím môi bướng bỉnh – Nếu chỉ có thể viết những truyện “lá cải” thì cháu không viết nữa.
       - Không viết cũng không sao cháu ạ! Viết văn chỉ là việc nhỏ thôi – Biển Việt châm điếu thuốc rít một hơi dài – Nghề bác sĩ của cháu kiếm sống tốt hơn nhiều. Chú đâu có vui sướng gì, nhiều người cùng như chú, sách viết ra hầu như chỉ để “đắp chiếu” trong các thư viện hoặc đem tặng. Phải biết sống sao cho yên ổn, vì bây giờ đâu phải là thời “dùng bút làm đòn xoay chế độ”* nữa.
       Ba Đào đứng bật dậy, ánh mắt chàng trai nhìn Biển Việt đầy bi phẫn.
       - Yên ổn ư? Chú nghĩ rằng những tác phẩm của chú không đụng chạm đến ai ư? Nó đụng chạm đến cháu. Chú có hiểu tại sao thằng bé đi giày một chân nhảy xuống dòng nước lũ trong khi ai cũng biết là nó chưa đủ sức không? – Ba Đào run giọng - Nó nhảy xuống để tự tử, để khỏi phải sống trong thế giới của những người lớn như thế.
       Cầm lên tất cả các bản thảo, Ba Đào bước ra khỏi tòa soạn.
       Điếu thuốc trên tay Biển Việt rơi xuống. “Vừa rời khỏi đây chính là Chú Bé Đi Giày Một Chân?” Biển Việt bàng hoàng. Ông chưa từng nghĩ nhân vật trong truyện của ông nhảy xuống dòng nước lũ để tự tử, ông hoàn toàn tin đó là một hành động dũng cảm. Tự tử là trò điên rồ của những kẻ ngốc yếu đuối hoặc của những nhà văn lớn. Nhà văn lớn phải biết đến những đau khổ lớn, lớn đến mức họ tưởng không chịu nổi. Họ không viết vì niềm đam mê, họ viết do trời xô đẩy. Thế giới có được Mac-xim Gooc-ki là nhờ may mắn, lẽ ra ông ta đã chết rồi, vì một phát đạn xuyên thấu ngực – tự sát.
       Biển Việt đã năm mươi tuổi. Có chân trong tòa soạn này là điều may mắn với ông. Ông có thể yên tâm đau những niềm đau nho nhỏ, vui những niềm vui dịu dàng.
       Ba Đào không quay lại tòa soạn lần nào nữa. Biển Việt không biết cậu ta đi đâu. Dù sao, ông cũng không đủ sức để biết quá nhiều.

                                                                           Viết xong ngày 13 – 01 – 2014.

Chú thích:
* “Chú bé đi giày một chân” là một truyện ngắn có thật, tác giả là nhà văn Hồ Thủy Giang. 
* “Dùng bút làm đòn xoay chế độ”: Trong bài thơ “Là thi sĩ” của Sóng Hồng có hai câu nguyên văn như sau:
                   “Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
                     Mỗi vần thơ:  bom đạn phá cường quyền”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trương Ái Linh và câu chuyện đời buồn nhuộm vào văn nghiệp


Hiện lên trong trang văn của Trương Ái Linh là một Trung Quốc khiến người đọc não lòng. Nơi đó có những con người đáng thương bị thời thế làm cho chao đảo.
Trương Ái Linh tên thật là Trương Anh, bà sinh năm 1920 tại Thượng Hải trong một gia đình trâm anh thế phiệt, dòng dõi quan lại. Bà nội của Trương Ái Linh là con gái lớn của đại thần Lý Hồng Chương, người được Từ Hy thái hậu và Hoàng đế Quang Tự trọng dụng trong triều đình Mãn Thanh.
Ông vừa là nhà quân sự, nhà ngoại giao có tài. Chính Lý Hồng Chương đã đứng lên khởi binh dẹp loạn Thái Bình Thiên Quốc và ký hàng loạt hiệp ước giữa triều đình Mãn Thanh và liên quân Anh, Pháp.
Còn mẹ của nữ văn sĩ là Hoàng Tố Quỳnh cháu gái của Đề đốc Hoàng Dực Thăng, người từng làm quan dưới quyền của Lý Hồng Chương. Cha mẹ bà đến với nhau do sự sắp đặt của gia đình và được xem là một trong những đám cưới môn đăng hậu đối. Nhưng cuộc hôn nhân đó sớm đã bộc lộ những rạn nứt.
Sống trong một gia đình nhà nhà Nho thủ cựu và mang nặng tư tưởng phong kiến, lại phong lưu đa tình, Trương Chí Di đã say mê người phụ nữ khác. Ngược lại, từ bé cha của Hoàng Tố Quỳnh đã khuyến khích con gái tiếp xúc với văn minh phương Tây.
Luôn tự hào mình là phụ nữ thế hệ mới, Tố Quỳnh kịch liệt phản đối chế độ “tam thê, tứ thiếp” tồn tại hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Chính vì thế, việc Trương Chí Di cưới vợ bé như đòn chí mạng vào lòng kiêu hãnh của bà.
Vào đầu những năm 1920, Trung Quốc đang lao đao với nạn thuốc phiện, người nghiện thuốc rất nhiều và cha của Trương Ái Linh cùng người vợ bé cũng trở thành “nô lệ” của bàn đèn. Năm 1923, quá chán nản với cuộc hôn nhân không còn lối thoát, Hoàng Tố Quỳnh bỏ sang Anh. Cũng trong năm đó, Trương Chí Di chuyển cả nhà từ Thượng Hải tới Thiên Tân.
Nhà văn Trương Ái Linh. Ảnh: tư liệu.
Mẹ của bà đã hướng con gái tiếp xúc với nền văn minh phương Tây từ rất sớm. Từ nhỏ, Trương Ái Linh đã theo học ở trường trung học Thiên chúa Năm 1927, Hoàng Tố Quỳnh đã trở về Trung Quốc và khuyên nhủ Trương Chí Di. Nhưng người đàn ông cổ hủ đó đã lún sâu vào nghiện ngập và không hề hối cải. Năm 1930, mẹ của Trương Ái Linh quyết định ly hôn. Do mẹ bà không dành quyền nuôi con nên hai chị em Trương Ái Linh sống với cha. Năm 18 tuổi, sau xung đột gay gắt với cha và mẹ kế, Trương Ái Linh chuyển đến sống với mẹ.
Mẹ của bà đã hướng con gái tiếp xúc với nền văn minh phương Tây từ rất sớm. Từ nhỏ, Trương Ái Linh đã theo học ở trường trung học Thiên chúa  St. Mary's Hall, ở đây bà được học cả tiếng Trung và tiếng Anh.
Đến năm 1939, Trương Ái Linh nhận được học bổng của Đại học London nhưng không nhập học vì chiến tranh Trung-Nhật nổ ra. Để tiếp tục giấc mơ học đại học bà đã chọn ngành Văn học Anh tại Đại học Hồng Kông.
Nhưng tới năm 1941, khi chỉ còn một học kỳ nữa là hoàn thành chương trình học, Hồng Kông lại bị quân Nhật chiếm đống. Trương Ái Linh quyết định về Trung Quốc học tiếp nhưng mọi dự định của bà đều không thành vì lý do tài chính.
Cuộc đời của Trương Ái Linh rơi vào bi kịch khi bà kết hôn với người chồng đầu tiên là Hồ Lam Thành, người đàn ông này cũng là mối tình đầu của Trương Ái Linh. Họ gặp nhau vào năm 1943 và kết hôn sau đó một năm với một đám cưới nhỏ, giản dị, không có sự chứng kiến của người thân. Vị khách duy nhất trong hôn lễ là người bạn thân từ thời trung học của cô dâu là Fatima Mohideen.
Những bi kịch đã xảy ra với Hoàng Tố Quỳnh năm xưa lại lặp lại với cô con gái Trương Ái Linh. Sau khi kết hôn, Hồ Lam Thành sớm ngoại tình. Không những thế, người đàn ông này còn là một phần tử thân Nhật và khiến nữ nhà văn gặp không ít rắc rối.
Năm 1945, Hồ Lam Thành trốn tới Triết Giang và sống cùng người phụ nữ khác sau khi quân Nhật đầu hàng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng trong tác phẩm nổi tiếng của Trương Ái Linh là Sắc, Giới (Lust, Caution) có nhiều chi tiết dựa trên cuộc hôn nhân của tác giả và Hồ Lam Thành. Lại có ý kiến khác nói nhà văn đã dựa trên câu chuyện nữ điệp viên Trịnh Đình Như mưu sát tên Hán gian Mạc Đinh Thôn để viết nên tiểu thuyết này.
Hai diễn viên chính Lương Triều Vĩ và Thang Duy trong phim Sắc, Giới của đạo diễn Lý An dựa theo tác phẩm của Trương Ái Linh. 
Do không hòa nhập được với thời cuộc nên trong suốt khoảng thời gian dài, Trương Ái Linh bị xem là nhà văn đối lập ở Trung Quốc đại lục. Mãi cho đến sau cải cách mở cửa, các tác phẩm của bà mới được nhìn nhận lại.Năm 1949, khi Thượng Hải xây dựng chính quyền mới bà đã quay trở lại đây và tham gia vào đoàn đại biểu văn hóa. Chính Trương Ái Linh cũng đã về vùng nông thôn để viết về cải cách ruộng đất nhưng không thành công.
Năm 1955, Trương Ái Linh di cư sang Mỹ. Một năm sau đó bà kết hôn với biên kịch người Mỹ, Ferdinand Reyer . Bất hạnh hôn nhân lại một lần nữa ập đến với Trương Ái Linh khi chồng bà qua đời vào năm 1967 sau một thời gian bệnh nặng. Bà sống cô đơn, không con cái cho đến cuối đời. Trương Ái Linh mất năm 1995 tại căn hộ nhỏ ở Los Angeles. Suốt bốn mươi năm bà không trở về Trung Quốc.
Tập truyện ngắn Chuyện tình giai nhân của Trương Ái Linh. 
Ngoài Sắc, Giới, Trương Ái Linh còn một số truyện ngắn và tiểu thuyết xuất sắc viết về Trung Quốc trong giai đoạn đầu thế kỉ XX như: Chuyện tình giai nhân, Cái gông vàng, Hoa hồng trắng, hoa hồng đỏBán sinh duyên.
Bao trùm lên các tác phẩm của bà là một không gian u tối của thời cuộc. Khi xã hội còn đang mịt mờ giữa cái cũ và cái mới thì cơn lốc chiến tranh đã ập tới. Trong hoàn cảnh ấy con người không thể sống thật với cảm xúc của mình mà buộc phải toan tính đặc biệt là trong tình yêu.
Trong cuộc đời mình, Trương Ái Linh có rất nhiều duyên nợ với Thượng Hải. Phải chăng vì lẽ ấy, nên mảnh đất này hiện lên trong văn bà một cách đầy day dứt và nhiều lưu luyến.
Theo Zing

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sự tiến hóa từ người thành khỉ


CHÚC MỪNG ĐỘI TUYỂN U19 VIỆT NAM ĐƯỢC VÀO CHUNG KẾT 
WORLD CUP U20 THẾ GIỚI NĂM TỚI!

Con người đang tiến hóa thành...


Cách đây khoảng một năm, ghé thăm Facebook, thấy ai đó vẽ cái sơ đồ tiến hóa từ: con khỉ -> con hơi người -> con người -> em cong cong đẹp vô cùng, đến -> con heo, ha..ha..ha…, ‘hắn’ mới nghĩ: ‘tại sao con heo?’, tại vì uống bia nhiều quá nên bụng phệ!, còn tham nhũng nhiều quá nên mặt dày cả tấc!; hắn lại nghĩ thêm: ‘chả phải Chéo Phì muốn… diệt Bá Kiến, thì Bá Kiến ngày đẻ ra càng nhiều đấy sao!’, nên con người ‘hại điện’ ngày nay không tiến hóa thành Lão Trư mới là lạ!
Nhưng không muốn bắt chước, thiết nghĩ con người tiến hóa thành con khỉ thì vui hơn!, vì thế, hắn suy nghĩ từ: 1) Thuyết điều kiện - Conditionalism, 2) Xuất hiện cách đây khoảng 2600 năm, và 3) Hắn đã đủ tiến hóa…, bằng cách kể lại một số chuyện ‘chém gió’ xưa nay trong các lần hắn đi uống cà phê ở Sài Gòn…



1
Thuyết điều kiện - Conditionalism…
Có một cái lý thuyết gọi là ‘Thuyết điều kiện’ hay ‘Chủ nghĩa điều kiện’. Không mất thì giờ để tìm hiểu kỹ là nó xuất hiện từ khi nào, chỉ biết là từ trên có được giới thiệu rất ngắn trong các cuốn ‘Từ điển Phật học’*, ‘Từ điển Thần học’*, trong một số sách nghiên cứu triết của Pháp/Đức, thậm chí là trong một số nghiên cứu có tính chất học thuật của chủ nghĩa Marx (vd, nói về quan điểm ‘di truyền’ của Hippocrat, Aristot, tk 5TCN), suy ra là nó có cách đây trên 2600 năm!... Về mặt ‘thuyết tiến hóa’ thì nó được nhắc khá kỹ vào thời Darwin (1809-1882), Engels (1820-1895); về mặt ‘sinh lý thần kinh’ và thực nghiệm thì từ này xuất hiện mạnh vào thời nhà bác học Pavlov (1849-1936) với các cụm từ mà ta đã khá quen thuộc như ‘phản xạ có điều kiện’, ‘phản xạ vô điều kiện’; cụ thể hơn là vào năm 1960-1975, trong các cuốn giáo trình tiếng Anh (thời Ngô Đình Diệm) hay sau đó là giáo trình ‘English For Today’ có giới thiệu một món ngữ pháp là ‘Mệnh đề IF-WILL’ (nếu…sẽ) mà được gọi là ‘Câu điều kiện’ hay ‘Bàng thái cách’ (Conditional sentences, Subjunctive Mood)… Đặc biệt là theo nghĩa sinh học (‘thuyết di truyền’ của Mendel*, 1822-1884), nghe nói là có các cuộc tranh cãi từ những năm 1930 ở bên Nga của hai trường phái được gọi là duy vật và duy tâm là: ‘cái tự thân là quyết định, hay ‘môi trường là quyết định’?, mà bùng nổ dữ dội vào thời đoạn 1975-1985, đại khái là vậy…
*
Vì cuộc tranh cãi này mà đến khoảng đầu những năm 2000 có xuất một cụm từ rất hay, đó là ‘chủ nghĩa duy ý chí’ hay là ‘chủ nghĩa duy tâm cực đoan’… Qua đây, một số bạn đọc có thể thấy rằng nói về ‘duy tâm’ không hẳn là nói về thần thánh!, mà về cái ‘đại tôi’, như một anh chàng trẻ trâu Paven trong cuốn ‘Thép đã tôi thế đấy’ - tuyên bố với mẹ là 30 năm sau (kể từ 1917) thì chủ nghĩa gì đó sẽ thắng lợi trên hầu hết thế giới, và anh ta có thể đưa mẹ đi nghỉ mát ở vùng núi thiên đường là Alpes của Thụy Sĩ!, hay như chàng Ulyanov trong cuốn ‘Cách mạng khoa học kỹ thuật’ (NXB Sự thật, 1975-80) - tuyên bố rằng 50-60 năm sau (kể từ 1917) thì chủ nghĩa gì đó sẽ thắng lợi trên toàn thế giới!, hay như tay ‘Muyên tảo’ tuyên bố là 15 năm sau (kể từ 1949) thì Tê Cu sẽ vượt qua Anh, và 30 năm sau sẽ vượt qua Mẽo!, nhưng đã 67 năm trôi qua, y cũng chả vượt qua nổi, ha..ha..ha... Trên thực tế thì cái khát vọng ‘duy ý chí’ của anh chàng trẻ trâu nói trên đã dẫn đến cuộc sụp đổ của một đế quốc… vĩ đại vào năm 1991, hay cái khát vọng ‘duy tâm chủ quan’ của tay ‘Muyên tảo’ nói trên đã dẫn đến một đế quốc ‘trỗi dậy phi hòa bình’ mà gần đây có một số người hay gọi đùa là ‘đế quốc Bỗng Điên’ - đang chạy lót tót theo sau cái vụ lên mặt trăng mà Mẽo đã mần từ năm 1969!; chưa nói đến việc hai cái ‘khát vọng’ này đã cực mâu thuẫn mà đã dẫn đến cuộc chiến tranh giữa họ vào năm 1969, trong đó, một bên tuyên bố bên kia là ‘tên Sa-hoàng-mới’, còn bên còn lại tuyên bố là bên tồng chí của miềng là ‘tên Gian-hùng-mới’!, ha..ha..ha…
*
Nói dễ hiểu, ‘thuyết điều kiện’ hay ‘thuyết môi trường’ cho rằng ‘môi trường bên ngoài’ (hay những thứ ‘trùng trùng duyên khởi’, ‘vô lượng kiếp’…) quyết định đến 99% cái mà ta ‘sẽ là’. Cũng cần nói rằng, ‘những cái đã tự có’ như mặt trời, trái đất hay ô-xi…, ví dụ như ‘nếu có đứng trên mặt đất thì ta mới tư duy được’ thì không cần nhắc đến, vì nó đã là ‘điều kiện mặc nhiên’ rồi! Vậy thì ‘thuyết môi trường’ nói trên chỉ xét đến các ‘điều kiện ngẫu nhiên’!, ví dụ như nếu ông cha nhà thờ không ngẫu nhiên bước ra cổng, nghe tiếng khóc ‘oe oe oe’, rồi nhặt được một cậu bé đỏ hỏn hòn hon mà mang vào, thì thế giới sẽ không có nhà toán học Diderot (1713-1784); nếu không có bà vợ Mileva Maric bị bệnh trầm cảm, hay cái em điệp-viên-Nga-cẳng-dài-20-tuổi thì Einstein không nghĩ ra được ‘thuyết tương đối’; nếu Đặng Thái Sơn không qua Nga học nhạc thì sẽ không đạt giải nhất Piano quốc tế (giải Chopin) năm 1980; nếu Ngô Bảo Châu không qua Pháp học thì sẽ không đạt cái giải Toán học quốc tế Fields năm 2010; nếu Nguyễn Thanh Việt không dzọt qua Mẽo (năm 1975) thì anh sẽ không có cái giải Pulitzer 2016; hay lý thú hơn, nếu ông Moha
met không có hứa hẹn là sau khi (đàn ông) ném bom liều chết - nếu chết thì lên thiên đường sẽ được 72 em múp mùm mụp phục vụ từ A đến Z - thì sẽ không có lực lượng Hồi giáo IS!... Và tiếc thay, sau 3 ngày được 72 người đẹp phục vụ thì ai đó sẽ xuống địa ngục liền liền, vì:
-Một em đã chịu nổi chưa mà đòi mần đến 72 em!
Ha..ha..ha…

2
Xuất hiện cách đây khoảng 2600 năm…
Hắn có nước da hơi ngăm đen, tóc hơi quăn, mắt đen và sáng, cặp lông mày hơi sâu róm, tướng thông minh, lanh lẹ, nhưng có điều là hắn rất thật thà - thường nói thật, yêu thật, tình bạn, tình nghĩa hàng xóm/công ty… chung thủy, nói chung là hắn nói từ trong ‘tâm’ nói ra, ‘không nói không, có nói có’, ‘yêu nói yêu, ghét nói ghét’, hắn không biết GATO (ghen ăn tức ở), NATO (chém gió, ‘no actions, talk only’) hay TROLL (dìm hàng), nhất là không biết chửi bới hay ‘ném đá’ là cái giề!:
-Hắn đúng là con người!
*
Hắn đầu thai vào cái thời Napoleon (1808-1873), thời mà người ta đã ‘sáo tạng’ ra cái phong cách quỳ dưới chân người đẹp - với trong tay có đóa hoa hồng hay chiếc nhẫn cưới - để van xin tình yêu, như Napoleon đã từng gửi thư dặn dò kỹ Josephine là ‘em nhớ ba ngày trước khi anh về không được tắm nghen’ và đã từng vô số lần quỳ xì xụp dưới chân nàng để cầu xin được mần… chuyện ấy ấy:
-Con người hiện đại đã chuyển từ tư thế đứng thẳng qua tư thế ‘khom lưng quỳ gối’!
Nay lại đầu thai qua xứ rùa X, mà một hôm xem ti-vi, hắn thấy có vị lãnh đạo X nọ ưỡn ngực giơ một tay ra, còn người dân thì cong lưng khúm núm, dùng hai tay cầm lấy tay y, lắc lắc, nâng lấy nâng để; trông bộ mặt của gã X có vẻ hiu hiu tự đắc, khoan khoái… vô cùng - giống như kẻ ‘trí tệ đỉnh cao’ gặp dân ‘trí tệ đỉnh thấp’ vậy!, hắn thầm nghĩ ‘ủa, tại sao người ta không giáo dục dân khi gặp lãnh đạo thì cứ đứng thẳng người, chỉ cần bắt một tay mà thôi, vì lãnh đạo cũng chỉ là dân, chứ y đâu có đến từ… Sao Hỏa!:
-Con người hiện đại đã chuyển từ tư thế đứng thẳng qua tư thế ‘nâng cần’!
Rồi vi hành qua công viên Hoàng Văn Thụ (Sài Gòn), gần cổng Quân khu 7, từ đường Phổ Quang rẽ về hướng Sân bay Tân Sơn Nhất, bỗng hắn thấy có 2-anh-áo-vàng, đưa cái dùi cui ra chặn, 2-em-sinh-viên hỏi: ‘cái gì thế anh?’, ‘rẽ phải không bật siêu-nhan, không có giấy tờ à!, nhốt xe!’. Nghe thế, một em sản hồn rút ra tờ trăm ngàn xanh lè, anh áo vàng nhận; em còn lại cũng lật đật rút ra tờ trăm ngàn, anh áo vàng nhận; thế là chỉ trong một sát-na, do sáng thức dậy ra cổng gặp đàn bà hay sao ấy, mà 2 thiên thần bé nhỏ của hắn mất tiêu hai trăm ngàn đồng!, tội nghiệp:
-Con người hiện đại đã chuyển từ tư thế đứng thẳng qua tư thế anh hùng Lương Sơn Bạc hành nghề ‘mãi lộ’! (Ha..ha..ha…)
*
Tại một bữa tiệc ‘thôi nôi’, có một anh chàng kể cho hắn nghe:
-Ở bên Campuchia, người dân vẫn còn rất thật thà, không có chuyện ‘nói thách’, ‘lừa đối’… đâu nghen, ở mấy cái chợ ở Pnom Penh, bán giá thế nào thì nói thế đấy, tiệm nào bán giá cũng như nhau… Tôi mới coi một cái phim tư liệu - nói về một nàng Tây xinh đẹp, đi nghiên cứu các đền đài ở quanh khu Angkor Wat, thấy từ người dân, già làng trưởng bản, đến các hướng dẫn viên du lịch… đều rất thành thật, hướng dẫn tận tình, không dụ khị khách du lịch, không đòi tiền thêm bớt nhì nhằng… Còn bên ở Lào ấy à, ai qua đó dựng xe máy mà khóa lại thì bị người dân ở đây coi như là xúc phạm họ, vì ở đó người ta không có ăn cắp, ăn trộm… Ở bên Thái cũng vậy, cấp ‘cơ sở’ còn rất tốt, vd, kẹt xe cả ngàn chiếc, thế mà người dân vẫn bình tĩnh, im lặng, chờ đợi, không có chửi bới ‘đ…má, đ…mẹ’, không có bóp còi inh ỏi...
Còn chuyện ở bên Malaysia, Indonesia, nhất là ở Singapore, thì hắn xin ‘bái phục’, nên hỏi: ‘Singpore thì sao?’, anh ta trả lời:
-Tại một cửa tiệm tạp hóa gọi là ‘seven-eleven’ gì gì đó, đi mua mấy cái sim gọi quốc tế, hai người của tôi cứ xầm xập tiến lên phía trước quầy, lựa đủ thứ, đổi đi đổi lại cả… buổi; nhưng khi quay lại đàng sau lưng, tôi bỗng kinh hoàng khi thấy có 4-5 người đang im lặng xếp hàng - im lặng như những pho tượng Phật, tôi ngạc nhiên tự hỏi: ‘chả lẽ những người dân ở đây là thiền sư hết sao!’...
Qua mấy chuyện này, hắn đã không sai khi ‘Like’ một câu bình luận của Lưu Á Châu về ‘vụ khủng bố ngày 11/9’* (bên Mỹ): ‘Nếu tinh thần một dân tộc không vững vàng tới một mức nhất định nào đó, sẽ không thể có những hành động như kể ở trên được. Khi đối diện với cái chết, vẫn bình tĩnh như không, tuy chưa được là thánh cũng gần tới bậc thánh nhân rồi!’…
*
Ngoài ra, ghé vào một quán cà phê trên hẽm Phan Đình Giót, thấy hai bên đường có nhiều xe ô-tô đắt tiền đậu khá lịch sự, hắn khen ‘có phát triển đấy chứ!’, rồi lại động tâm: ‘thế thì cớ sao lại có nhiều người cằn nhằn?, chắc là phải có một cái gì đó!’…; lúc sau tính tiền, có một em Tàu mặc váy ngắn bước ra, nói tiếng Anh ‘rẹt rẹt’, nói tiếng Việt ‘rét rét’, hắn ghi nhận! Và mới hôm qua ở Chợ Lớn, có một anh chàng cung cấp một lô tiếng Việt ‘đang xài’ ở xứ Quảng (có cách đây trên ngàn năm!), như: cái nà/bùng, cái chồ, cái nớ, ngử đam!, câu mâu, rù rài/thủng thỉnh, qua…* (chưa nói đến mấy chữ lạ như Đắk Wer, Đray Sáp, Cư M’Gar…), rồi hỏi: Đố ông biết ‘mi qua đây qua nói cái ni xíu’ là gì?’, làm tên sư tổ Hán-Việt đứng gần đó bỏ chạy về… Tàu mất!, híc..híc… Nói chung ý anh ta là ‘tiếng Việt đã có rồi’, rồi các nhà nghiên cứu Hán-Nôm, Hán-Việt, Anh-Việt, Pháp-Việt, Nhật-Việt… gì gì đó mới nghiên cứu ngôn ngữ tương đương sau!... Hơn nữa, ngoài cái trống đồng Ngọc Lũ mà ta đã biết, việc mới đào được cái trống đồng Đông Sơn có niên đại 2000-2500 năm ở Thanh Hóa vào ngày 25/9/2016* càng chứng minh điều đó!...
Qua mấy vụ thực tế này, hắn sực nhớ là có tay ‘tí suyễn’ Đoàn Gì Gì Giang bỗng nổ về ‘học tiếng Hán để trong sáng tiếng Việt’ (!), hay cái ‘Bộ dục giáo’ bỗng chảnh về  ‘học tiếng Tàu và nói tùm lum về ‘ngôn ngữ thứ hai, ngoại ngữ thứ nhất’ (!) gì gì đó, làm bàn dân thiên hạ náo động cả lên!..., mà có vô số chuyện vô bổ tương tự của không ít ‘lão đạnh’ trong… mấy chục năm nay, thế thì dân không rất cằn nhằn mới là lạ!
Và để có chuyện mà về chém gió với con-người-thật-sự thời cổ đại, nên tại bữa ‘thôi nôi’ nói trên, hắn mới hỏi: ‘Ở đây có ai biết tiếng Tàu không?’, ‘có’, ‘biết cái gì?’:
-Chỉ biết câu 'hảo sư cù, lăng lủng chẻo'.
Ha..ha..ha…

3
Hắn đã đủ tiến hóa…
Hắn lại nhớ từ gần đến xa, từ vụ bão lụt mới đây ở miền Trung và miền Bắc làm cho cả trăm ngàn ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng, vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung (rồi lan ra cả nước!) làm ảnh hưởng đến mấy triệu dân, đến vụ kẻ lạ chặn dòng sông Mekong làm cho mười mấy triệu dân miền Tây với nạn kiệt nước (và hạn hán)…, rồi dòm lên ti-vi chiếu mấy cảnh này, hắn thấy có ông trên… Sao Hỏa nào đó - phát biểu mà mặt cứ tỉnh bơ như không có gì!; điều này làm hắn nhớ lại có ai đó nói là ‘con người sống quan trọng nhất là có những giọt nước mắt’, vì sao?, vì ‘nước mắt là kết tinh của tình yêu’, thế mà!
Ngoài ra, hắn còn nhớ lại truyện ‘Guilliver du ký’* có nói về 2 dân tộc, vì cãi nhau là phải đập cái trứng phía ‘đầu nhỏ hay đầu to?’, thế nên đánh nhau chí tử, tức là ‘cục đại và cục tiểu’ í mừ, rồi nghĩ về cuộc chiến tranh ở Syria phần nào là do… Nga và Mỹ, té ra ‘ế thức hị’ có nghĩa là thế!, ha..ha..ha…
*
Hắn lại lan man quay về vụ ‘thuyết điều kiện’… ‘Thuyết môi trường’ rất hấp dẫn, vì xem ti-vi, nghe nói cách đây khoảng 40 ngàn năm đã có loài người ở Châu Phi* (African Origin); và khoảng 20 ngàn năm trước, việc tạo thành các vùng đất bồi đắp từ dãy Trường Sơn đã tạo ra ‘nền văn minh lúa nước’ cùng với (các) dân tộc Việt Thường ở miền Bắc VN (từ Lào Cai đến cuối miệt Hà Tĩnh!), việc tạo thành các cánh đồng ‘lúa mì’ bạt ngàn từ các cơn bão cát sa mạc từ phía bắc dãy Himalaya đã tạo ra ‘nền văn minh Hoa Hạ’ (và lưu ý rằng 2 nền văn minh này chả có bà con gì với nhau, mà nếu có thì xác suất cũng bằng 0!, wikipedia)… Càng hấp dẫn hơn khi thuyết này cũng chỉ ra rằng ‘tạo hóa’ quyết định tất cả, vì nó có lập luận rất thuyết phục rằng, do ‘thời thế’ mà nếu không xuất hiện ông Copernic (1473-1543) này thì sẽ xuất hiện ông Copernic khác, nếu không xuất hiện ông Napoleon này thì sẽ xuất hiện ông Napoleon khác, nếu không xuất hiện ông Nguyễn Huệ này thì sẽ xuất hiện ông Nguyễn Huệ khác, nếu không xuất hiện tên Lê Chiêu Thống này thì sẽ xuất hiện tên Lê Chiêu Thống khác, nếu không xuất hiện tên ‘bá chủ Bỗng Điên’ này thì sẽ xuất hiện tên ‘bá chủ Bỗng Điên’ khác…
Và, cái ngụy luận chứng ‘anh hùng tạo thời thế’ sẽ dẫn ra chuyện ‘sùng bái cá nhân’ nếu có ai đó quá cực đoan khi cho rằng ông X nào đó đã làm nên lịch sử! - mà đáng lẽ nên nói là ‘Nhậm Ngã Hành* phải nhớ ơn người dân’ thì y nói ngược lại là ‘người dân phải nhớ ơn Nhậm Ngã Hành’ - kẻ luôn đi đôi với câu ‘muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ’, và là kẻ phong kiến hơn cả phong kiến!, híc..híc… Thật vậy, người Tàu có câu ‘mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’, hay Nguyễn Trãi có câu ‘thời nào cũng có ‘hào kiệt’, quả là chí lý!, vì theo thuyết này - theo các ví dụ trên về Ngô Bảo Châu, Đặng Thái Sơn, Nguyễn Thanh Việt, nhà toán học Diderot - thì chính ‘thời thế mới tạo nên anh hùng’!; và cũng theo nghĩa này thì anh hùng chả tạo nên cái... mịa gì ghê gớm lắm!

…Đang trong cơn mơ suy nghĩ, bỗng nghe vô số tiếng ‘khọt khẹt’, ‘khọt khẹt’, ‘khọt khẹt’…, hắn choàng tỉnh dậy, té ra là dân khỉ đang chạy ra đón và hô vang: ‘Đại vương đã về: đã về!, đã về!, đã về!’, rồi:
-Đại vương muốn nằm!
-Muốn nằm! Muốn nằm! Muốn nằm!
Dòm ra thì hắn thấy mình đang ở Hoa Quả Sơn, Thủy Liêm Động, sao vậy? Vì sau khi làm một chuyến Tôn-Ngộ-Không-vi-hành vào cái xã hội ‘hại điện’, hắn đã đủ tiến hóa!, nên về lại bến xưa.
Hắn về với ‘động cơ gì?’, và ‘để làm gì?’ - MC Tạ Bích Loan hỏi. Không hiểu nên không trả lời!, nhưng hắn thầm nghĩ:
-Về để làm cái con… khỉ.

(HẾT)
---------
Chú dẫn:
  1. Bình luận về ‘vụ khủng bố ngày 11/9’ (Lưu Á Châu), xem thêm: http://nhagomlabang.blogspot.com/2016/08/848-toi-khen-luu-chau-thu-gian.html
  2. Cái nà/bùng = vùng đất bồi thấp/cao ven sông; cái chồ = cái gác; cái nớ = cái kia; ngử đam = kinh phụ nữ; câu mâu = (ăn nói) mâu thuẫn; rù rài, thủng thỉnh = từ từ; qua = tôi…, một cách tương ứng.
  3. Đào được trống đồng Đông Sơn có niên đại 2000-2500 năm: Ngày 25-9, gia đình ông Trịnh Văn Loán… trong lúc đào đất làm móng nhà đã phát hiện một chiếc trống đồng… có đường kính 59cm, chiều cao 43cm. Mặt dưới để trống, mặt trên có trang trí sao 12 cánh đắp nổi, không có tượng cóc trang trí ở rìa mặt trống, các hoa văn, họa tiết vẫn tinh xảo. Qua đó khẳng định là trống đồng Đông Sơn loại I, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm. Khi chiếc trống được đào lên thì một phần bề mặt trống đã bị vỡ, phần chân trống cũng vỡ nhiều chỗ… (baohaiquan.vn)
  4. ‘Định luật Mendel’ hay ‘Quy tắc Mendel’ mô tả quá trình di truyền các đặc tính biểu hiện bên ngoài, được xác định bởi một gen duy nhất. Quy tắc này được đặt theo tên của người phát hiện ra chúng Gregor Mendel… vào năm 1866… Do phát hiện thêm nhiều hiện tượng di truyền khác, thí dụ như hiện tượng liên kết di truyền nên hợp từ ‘định luật Mendel’ dùng trước đây được chuyển thành hợp từ chính xác hơn ‘Quy tắc Mendel’ trong các công bố khoa học và sách giao khoa mới. (vi.wikipedia.org)
  5. ‘Guilliver du ký’, nói về một anh chàng lạc vào một hòn đảo với người tí hon, rồi với người khổng lồ, và anh có tham gia vào cuộc chiến tranh ‘ế thực hị’ ở đó, xem phim: http://xemvtv.net/xem-phim/gulliver-du-ky/56U5WW.html
  6. Nguồn gốc châu Phi gần đây của người hiện đại: Trong ‘Cổ nhân loại học’, nguồn gốc châu Phi gần đây của người hiện đại, hoặc lý thuyết ‘rời khỏi châu Phi’ (OOA, Out Of Africa), là mô hình được chấp nhận rộng rãi nhất về nguồn gốc địa lý và các dòng di cư sớm của loài người hiện đại về giải phẫu. Trên báo chí đại chúng lý thuyết này được gọi là ‘rời khỏi châu Phi’, còn các chuyên gia trong lĩnh vực này gọi là ‘giả thuyết nguồn gốc duy nhất gần đây’ (RSOH, recent single-origin hypothesis), ‘giả thuyết thay thế’, hay ‘mô hình nguồn gốc châu Phi gần đây’ (RAO, Recent African Origin). Ban đầu khái niệm này là suy đoán, và trong những năm 1980 nó được chứng thực bởi các nghiên cứu di truyền mà hiện nay gọi là ADN ty thể, kết hợp với các bằng chứng dựa trên nhân loại học hình thể của các mẫu vật cổ xưa… (vi.wikipedia.org)
  7. Nhậm Ngã Hành (trong truyện ‘Tiếu ngạo giang hồ’ của Kim Dung) là Giáo chủ ma giáo, một tên rất cực đoan ‘cái tôi’ nên được gọi là ‘Ngã Hành’!; y sở hữu môn võ công cực ác ‘Hấp tinh đại pháp’ và món thuốc cực độc ‘Tam thi não thần đan’…
  8. ‘Thuyết điều kiện’ (Từ điển Phật học): Worldly condition: Điều kiện trần thế; Prime condition: Điều kiện tiên khởi; Condition of liberation: Giải Thoát Tướng; Condition beyond disturbance: Không tịch; Condition of visibility: Kiến Tướng; Conditional cause: Nội Duyên; Conditioned/Compounded: Hữu lậu; Conditioned arising: Thuyết Duyên Khởi; Conditioned Bhutatathata: Chân Như Tùy Duyên; Conditioned dharmas: Pháp hữu vi; Conditioned things: Pháp hữu vi; Conditioning power: Năng Duyên; Conditioned world: Thế giới hữu vi... (phapluan.net)
  9. ‘Thuyết điều kiện’ (Từ điển Thần học): Conditional: Với/bao hàm điều kiện; Conditional conferral: ban (bí tích) với điều kiện (đk 845); Conditional immortality: thuyết bất tử với điều kiện (nếu chết lành); Conditionalism: Điều kiện chủ nghĩa; Conditioned reflex: Phản xạ có điều kiện… (thsedessapientiae.net)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

15.420 km2 đất đã biến đi đâu mất vào năm 1999?


Nguyen Chí Tuyen 15.420 km2 đất đã biến đi đâu mất vào năm 1999? Đây là con số công bố của World Bank về diện tích lãnh thổ của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 2 mốc để so sánh là năm 1961 và 2015.
Theo đó, lãnh thổ đất nước Việt Nam năm 1961 là 325.490 km2. Vậy mà đến năm 2015 chỉ còn lại 310.070 km2 (hình 1). Thời điểm diện tích lãnh thổ Việt Nam bị "teo tóp" một cách đột ngột xảy ra là vào năm 1999 (hình 2). Vậy 15.420 km2 kia đã chạy đi đâu mất vào năm 1999 đó ??? ......
Mời bà con vào xem xét.



Đừng bảo thế lực "phản động" xuyên tạc nhé. Nguồn chính thống từ World Bank đó


Tổng tiện tích bị mất của cả thế giới là 87.000 km2 , riêng ông VN chiếm 15.000 km2 trong số đó. 

Có thể nguyên nhân chính là do nhiệt độ trái đất tăng dẫn đến băng tan làm mực nước biển dâng cao. Theo bảng đánh giá của WB thì diện tích đất của Việt Nam giảm rất nhiều, trong khi Trung Cộng và Campuchia gần như không đổi. Diện tích của Nga giảm mạnh(chắc do các nước tách khỏi LB Nga), Ấn Độ, Lào, Mông Cổ không thay đổi. 

Nhưng diện tích thế giới giảm do băng tan sẽ từ từ qua các năm chứ không phải đột ngột như VN năm 1999.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Khốn khổ cái nước tôi

Pity the Nation
(Khalil Gibran)

Bản dịch:
Khốn khổ cái nước tôi
Mê tín thì vô hạn
Tôn giáo thì nông cạn
Khốn khổ cái nước tôi
Mặc áo mình không dệt
Ăn gạo mình không trồng
Uống rượu mình không nấu
Khốn khổ cái nước tôi
Ca ngợi côn đồ là anh hùng
Gọi kẻ xâm lăng là bạn vàng
Khốn khổ cái nước tôi
Trong mơ thì ghét cay ghét đắng
Tỉnh dậy lại đầu hàng
Khốn khổ đất nước tôi
Chỉ dám nói năng khi đưa tang
Chỉ dám khoe khoang di sản hoang tàn
Chỉ dám phản kháng khi đầu sắp lìa khỏi cổ
Khốn khổ cái nước tôi
Chính khách xảo quyệt như loài cáo

Triết gia như nghệ sỹ xiếc tung hứng
Nghệ thuật bắt chước và chắp vá
Khốn khổ cái nước tôi
Kèn loa tưng bừng rước kẻ cai trị mới
Rồi tống cổ chúng bằng la hét phản đối
Rồi lại tưng bừng kèn loa đón kẻ cai trị khác
Khốn khổ đất nước tôi
Vĩ nhân càng nhiều tuổi càng lú
Thánh nhân chờ mãi chưa ra đời
Khốn khổ cái nước tôi
Cứ chia năm xẻ bảy khắp nơi
Nơi nào cũng xưng mình là đất nước

Ghi chú: NSGV có biên tập vài chữ trong bản dịch
Pity the Nation -(Khalil Gibran)
“Pity the nation that is full of beliefs and empty of religion.
Pity the nation that wears a cloth it does not weave
and eats a bread it does not harvest.
Pity the nation that acclaims the bully as hero,
and that deems the glittering conqueror bountiful.
Pity a nation that despises a passion in its dream,
yet submits in its awakening.
Pity the nation that raises not its voice
save when it walks in a funeral,
boasts not except among its ruins,
and will rebel not save when its neck is laid
between the sword and the block.
Pity the nation whose statesman is a fox,
whose philosopher is a juggler,
and whose art is the art of patching and mimicking
Pity the nation that welcomes its new ruler with trumpeting,
and farewells him with hooting,
only to welcome another with trumpeting again.
Pity the nation whose sages are dumb with years
and whose strongmen are yet in the cradle.
Pity the nation divided into fragments,
each fragment deeming itself a nation.”
(The Garden of the Prophet – 1934)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đặc công Việt Nam phá hủy đài radar pháo binh 10 triệu đô của TQ


Radar Cymbeline được đưa vào biên chế trang bị của quân đội Anh và Liên bang Đức từ những năm 70 của thế kỷ 20, dựa trên quỹ đạo bay của đầu đạn, có khả năng xác định toạ độ của đạn cối trong cự ly 10km, đạn pháo 120mm trong phạm vi 14km, đồng thời có thể theo dõi 20 mục tiêu.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khi đó là Casper Weinberger đã trao đổi với phía TQ rằng, loại rada này được rút ra từ trang bị hiện có của quân đội Mỹ, có tính năng ưu việt, và do đó có giá thành khá cao, khoảng trên 10 triệu USD một hệ thống.

FV436 Cymbeline


Hoạt động của radar này đòi hỏi phía TQ phải cung cấp cho phía Mỹ các thông số bản đồ quân sự khu vực tác chiến để nhập vào chương trình của hệ thống. Phía TQ sau khi cân nhắc, đã quyết định cung cấp cho phía Mỹ thông số mật về hệ thống toạ độ khu vực biên giới TQ- VN bao gồm khu vực bố trí sau này thuộc tỉnh Vân Nam và khu vực liên quan trên lãnh thổ VN.

Thời điểm diễn ra trận đánh theo tư liệu phía TQ vẫn còn nhiều mâu thuẫn, có tài liệu nói rằng đó là vào thời điểm ngày 10.6.1984, lực lượng đặc công VN, biên chế 01 tiểu đội, thuộc trung đội 7, tiểu đoàn 406, trung đoàn 821 trực thuộc Bộ tư lệnh đặc công, (tài liệu khác lại cho rằng lực lượng tham gia thuộc trung đoàn 198 đặc công). Vạch kế hoạch cho hoạt động xâm nhập lần này là Phó Trung đoàn trưởng thiếu tá Trần Minh Hưng (sau được phong trung tá, Trung đoàn trưởng). Hoạt động của tiểu đội đặc công diễn ra cùng với thời điểm trấn tiến công của trung đoàn 14 (sư 313) vào điểm cao 662,6. Lực lượng xâm nhập lợi dụng khu vực tiếp giáp giữa đội hình phòng ngự của Sư 40 và trung đoàn 15 biên phòng TQ, đã tấn công vô hiệu hoá trận địa radar, trận địa cối 160 và ban chỉ huy trung đội 9 thuộc trung đoàn 122 bố trí tại Ba Tiêu Bình (Đông Sơn, Bát Lý Hà) phía cánh trái Lão Sơn (tên VN là Núi Đất?). Trận tập kích diễn ra trong khoảng 10 phút.

Tài liệu thứ 2 cho rằng: lúc 23 ngày 04.7.1984, một tiểu đội thuộc trung đội 7, tiểu đoàn 406, đoàn đặc công 821 VN, xâm nhập vào đất TQ qua khu vực gần điểm cao 1134, ngày 05 đã đến địa điểm tập kết là hang núi Bạch Thạch (sau trận tập kích, khi điều tra đã lính TQ đã tìm thấy điểm tập kết này), tiểu đội đã trụ lại thực hiện quan sát trong một ngày đêm. Khoảng 0h30 ngày 06.4, tiểu đội để lại một tổ trụ lại cảnh giới, tiếp ứng, số còn lại chia làm 4 mũi tiếp cận mục tiêu; hướng tiến công thứ nhất: tập kích vào trận địa cối 160, và trận địa của tiểu đội 3, thuộc trung đội 9, trung đoàn 122, sư 41; trên hướng thứ hai: từ cánh trái tập kích vào trận địa rada. Lúc 02h30, hiệp đồng cùng nổ súng, lúc 02h40 trận chiến kết thúc. Phía TQ: chết 10, bị thương 49; phía VN: hy sinh 1, bị thương 10 (?). Đặc công VN sau đó rút lui theo đường cũ. Kết quả điều tra sau này của phía TQ cho thấy, lính TQ hoàn toàn bị động trước đòn tấn công, một phát hiện nữa là trong đêm hôm đó, 1 lính TQ sau khi hết ca gác đã gọi người gác ca sau, người này ậm ừ nhưng lại không dậy gác tiếp, bị trí gác bỏ trống…

TQ cho rằng trong trận tập kích này lực lượng đặc công VN sử dụng vũ khí là lựu đạn, mìn định hướng, tên lửa cá nhân, các trận địa quân TQ gần đó cứ ngỡ rằng tiếng nổ ban đêm là do pháo VN tập kích…Bình luận về trận chiến, phía TQ nhận xét: “Trận tập kích này, từ hoạt động chuẩn bị chiến đấu, chiến thuật vận dụng cho tới sử dụng vũ khí, đáng được gọi là tác phẩm kinh điển về nghệ thuật tập kích, gây thiệt hại nặng cho đối phương, đồng thời đã che giấu được ý đồ tác chiến, đến sáng ngày mồng 6, binh lính ở trận địa bên cạnh vẫn cho là bị VN bắn pháo trong đêm”.

Sau trận tập kích, phía TQ ráo riết tìm cách xác định lực lượng tấn công, từ kết quả chặn thu liên lạc vô tuyến điện của VN, TQ đưa ra kết luận vụ tập kích diễn ra khá tình cờ, minh chứng là trên liên lạc vô tuyến điện phía VN báo cáo lên cấp trên đã phá huỷ một trạm thông tin liên lạc của quân TQ, không biết là đã phá huỷ 1 hệ thống radar hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ.

Một số phản ứng của TQ sau trận tập kích: 
Sau khi hệ thống rada này bị phá huỷ, với mức độ nghiêm trọng của sự vụ, chỉ huy mặt trận đã phải trực tiếp báo cáo lên Đặng Tiểu Bình (Chủ tịch Quân uỷ Trung ương). Kinh ngạc trước khả năng xâm nhập tác chiến của đặc công Việt Nam, Bình "lùn" đã nhấn mạnh với viên chỉ huy mặt trận: Đặc công VN ghê gớm vậy sao ? Vậy đặc công của ta thì sao ? Đặc công của ta thì làm gì? 
Phòng tác chiến Bộ tổng tham mưu ngay trong đêm đã phải bàn bạc, vạch kế hoạch tổ chức lực lượng trinh sát đối phó với đặc công VN. Một số thay đổi sau đó là: 
(1) Rada chỉ thị pháo dự bị được đưa vào thay thế;
(2) Bắt đầu từ tháng 7.1984, TQ chọn lựa lực lượng tinh nhuệ từ quân khu Vũ Hán (sau sát nhập vào quân khu Quảng Châu), quân khu Quảng Châu, QK Thành Đô, QK Tế Nam, lực lượng lính đổ bộ đường không, QK Tân Cương, QK Lan Châu, ĐQK Bắc Kinh, QK Thẩm Dương để thành lập 5 đợt bao gồm tổng cộng 15 đại đội trinh sát cấp trung đoàn đưa lên biên giới Trung- Việt hoạt động, hoạt động của lực lượng này diễn ra liên tục trong 5 năm sau đó. Lực lượng ban đầu tổng số khoảng trên 1000 lính. Trong số này có Tham mưu trưởng đại đội trinh sát thuộc Quân đoàn 54, sau này được phong Trung đoàn trưởng Trung đoàn 483, được cho là có rất nhiều thành tích trên chiến trường VN.


Theo Đơn vị tác chiến điện tử

Phần nhận xét hiển thị trên trang