Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Thăm thẳm đường về ( 7 )


7.
 
 

N
ó phá bỏ ngôi nhà cũ ba gian lợp ngói, cửa khung tranh, xây tường hậu. Cột kèo thứ bằng xoan ngâm, thứ tre gai già, đinh đóng không vào. Kể ra thì ngôi nhà còn ở được vài chục năm nữa mới hỏng. Chỉ cần vài năm đảo ngói lại một lần. So với nhà cửa trong vùng, ngôi nhà không đến nỗi lụp sụp, tồi tệ. Vì đa phần nhà cửa trong vùng còn lợp rạ, cột bằng xoan non mọt rủn, đòn tay bằng tre tươi mối ăn hết ruột, chỉ còn lớp vỏ bên ngoài. Người ta có thể bóc lớp ngoài cột tre mỏng tanh ra làm đóm hút thuốc lào.
Ông Thước bố nó bảo:
- Ngôi nhà thất cách. Đã mặt quay ra hướng tây lại khuyết hậu, đằng sau có cái ao. Mặt tiền của ngôi nhà lại bị bức tường hậu của nhà hàng xóm án ngữ. Chỉ có người chủ là đàn bà mới dựng nhà như vậy. Tôi đồ rằng ông cả có ý không hay mới cắm hướng nhà cho mẹ con bà ấy như thế. Tôi mua lại cho con tôi, tôi sẽ cho nó làm lại. Ăn ở ngược đời như thế, mẹ con bà ấy bỏ làng đi là phải.
Nó mua gạch, cát, xi măng về quyết thay đổi lại ngôi nhà. Đang lúc cái đói rình rập khắp nơi, tính chuyện xây nhà thì quả là to gan. Trong làng bên đã có hai vợ chồng rang một mẻ ngô, không biết trộn với thứ thuốc gì cùng với ba đứa con trên dưới mười tuổi ăn bữa cuối cùng. Mấy ngày sau, hàng xóm thấy bên nhà vợ chồng này im ắng lạ lùng, mới đẩy cửa bước vào nhà. Năm cái xác đã bốc mùi, ruồi nhặng bu đen mặt mũi hai vợ chồng nhà nọ. Thì ra trong nhà không còn hạt gì ăn sống người, người chồng đau dạ dày kinh niên, người vợ buôn sắn khô đã hết cách chạy ăn cho cả nhà.
Nhiều cảnh cha bỏ con, tớ bỏ thầy, vợ chồng lia lọi nhau chỉ vì miếng cơm manh áo. Làng quê như bị vắt kiệt giọt sống cuối cùng.
Ấy vậy mà nó tính chuyện làm nhà. Nó không có quyền cao chức trọng gì. Nó chỉ đơn giản là anh thương binh về làng, thương tật không lấy làm nặng vì nó chỉ là viên đạn thủng qua phần mềm dưới bụng. Để lại vết sẹo bằng đầu ngón tay. Trong một trận giáp chiến với tàn quân Pôn Pốt ở biên giới phía nam. Một vết thương như thế với người khác chưa chắc đã được hưởng chế độ thương binh. Nhưng vốn lanh lợi, khéo mồn, luồn như lươn, nó từ trại an dưỡng về mang theo cái thẻ thương binh loại 3 trên 4. Trợ cấp thương tật lúc này chưa cao nhưng cũng còn hơn chán vạn những anh phục viên, xuất ngũ về làng chẳng có chế độ gì.
Nó thường tự mãn trước mặt mọi người:
- Đây chẳng là cái ông đếch gì. Nhưng cứ sáng ngày ngủ ra là có vài cân gạo gối đầu giường, không bao giờ đứt bữa hoặc sơi củ chuối!
Kể nó nói cũng phải. Trên trợ cấp tính chia cho mỗi ngày dự sức mua vài cân gạo cho hai vợ chồng và hai đứa con. Ở cái làng này đó là điều mơ ước nhiều người không bao giờ với tới. Ngày đủ hai bữa trưa và tối cơm trắng, canh rau bỏ mì chính thế là mãn nguyện lắm rồi. Còn bữa sáng có khoai thì ăn khoai, không thì cái bắp nướng, củ sắn luộc cũng là đủ.
Việc nó xây được nhà không liên quan gì đến chế độ, lương bổng. Cũng chẳng phải ông bố giàu có cho. Ngoài mảnh vườn và ngôi nhà cũ của bà bác, bố nó mua lại cho nó, ông không cho gì thêm. Vì ông còn đông con, ba trai ba gái nữa sau nó. Với một ông bố lo cho bảy người con thì với nó đã là quá tốt rồi. Nếu ông bố không căn cơ, tính đếm chưa chắc nó đã được chỗ ở như thế này.
Đây là mảnh đất của bà nội nó mua lại của bà Vượng từ hồi chưa khởi nghĩa cho hai người con của bà là bác trai và bố nó.
Bà nội phận làm lẽ lấy chồng đâu có được hương hoả nhà chồng. Ông nội tuy gọi là cụ chánh nhưng hữu danh vô thực, không có của cải gì lo cho bà hai. Sinh bố nó được vài tháng, bà nội nó đã phải lên tỉnh làm vú em chăm con người ta. Bà còn đi làm thuê, làm mướn chẳng thiếu đâu để ki cóp một chút tiền mua miếng đất này. Nó chỉ rộng hơn sào đất ở khuất lấp tít hút mãi trong ngõ nhỏ, lại gần bãi tha ma. Giá trị tiền bạc không đáng là bao, nhưng đó là mồ hôi nước mắt, một phần máu xương của bà nội. Hai anh em bố nó lớn lên trên mảnh đất này. Cả hai vào du kích sau ngày toàn quốc kháng chiến. Người anh bị địch giết trong một trận càn bỏ lại vợ dại, con thơ. Người em là bố nó ra vùng tự do vì vỡ cơ sở, bỏ lại người vợ mới cưới được ít ngày. Bà này đẹp, mắt đen láy, răng đều nhánh đen hạt mướp, lúc nào cũng má hồng hây hây.
Tây đen, tây trắng về làng. Bà bị một thằng tây quân thừng vồ được hãm hiếp đến gần chết. Người nhà nhặt được mang về nhà thuốc thang. Khỏi bệnh, nghĩ hổ ngươi, bà bỏ làng đi đâu biệt tích.
Chiến thắng Điện Biên, bố nó phục viên về làng. Nông hội, phụ nữ xã đứng ra làm đám cưới tập thể cho năm đôi vợ chồng.
Đám cưới chỉ có hái hoa dân chủ, hát bài " Đoàn kết đấu tranh ". Một thúng kẹo bột, gánh nước chè tươi, hai tút thuốc lá. Không một miếng thịt, chén rượu ở nơi liên hoan. Mười giờ đêm, tan đám, ai về nhà nấy. Có cháo gà thì ăn cháo gà. Không có thổi nồi xôi liên hoan cả nhà. Bà nội nó chỉ có nồi khoai lang mật. Thứ khoai để héo lâu ngày, vừa dai, vừa mềm, ngọt như ăn kẹo mạch nhà.
Hai ông bà lấy nhau mà không có nhà ở. Cụ Cử ông ngoại nó nhận cho bố nó ở rể vì cụ sinh con một bề. Hai người gái lớn đã lấy chồng, mẹ nó là con út. Cụ Cử là người chữ nghĩa, cao đạo, nhưng lại xa cách đời sống hàng ngày. Cụ bà ngược lại là người cẩn thận đến thành chi li. Tính nết tinh vi, lại hay để bụng vặt vãnh.
Người ta bảo ở rể là cái anh chó chui gậm trạn. Bố nó lấy được vợ trẻ mà trong lòng không vui. Ông trở nên con người gay gắt, cay nghiệt. Đến cả thương con ông cũng thương khác người. Đánh con lần nào không khỏi mấy đứa không ốm, không sốt. Năm nào thằng em nó trèo cây gẫy tay, bố không ra đỡ, lại vỗ tay: " hoan hô " mặt thản nhiên như không, bỏ vào nhà, làm mẹ nó khóc sưng vù hai mắt.
Nhà bác nó gặp nạn, rồi dậu đổ bìm leo. Bà phải tính đến chuyện bán đất bán nhà dời đi nơi khác. Thủ tục giấy tờ làm xong, người ta chuẩn bị giao tiền thì bố nó đứng ra. Ông bảo ông cũng có phần trong cái hương hoả nhỏ nhoi ấy. Cuối cùng bà bác chỉ nhận được một nửa số tiền và giao lại cho ông đất đai nhà cửa.
Hồi đó làm thủ tục giấy tờ chuyển đi nơi khác đâu phải chuyện dễ? Nào hộ khẩu, hộ tịch. Nào cắt chuyển lương thực, một thứ tiêu chuẩn tượng trưng không có thực tế... Phải hàng tháng, hàng năm mới xong, đủ loại giấy tờ. Trong khi chờ đợi, bà tạm ở lại ngôi nhà cũ. Sợ người chị dâu đánh tháo, hoặc có ý lần khân, ông đánh chuối trồng sát vào cửa nhà, không còn lối ra vào... Bà chị dâu âm thầm bưng nước mắt sang hàng xóm ở nhờ.
Mối lo thường trực trong lòng ông là một ngày nào đó, thằng cháu đích tôn đi tù về sẽ đòi lại đất, đòi lại nhà. Nó có quyền làm như thế vì khi bán mua nó không có mặt. Nó sẽ bác bỏ mọi thoả thuận mà ông ép mẹ nó phải chịu.
Nhiều người trong làng bảo: " À thì ra thằng ấy đi tù không phải không có duyên cớ . Chú nó đứng ra bảo lãnh trong lúc có quyền chức trong tay thì có khó gì? Nhiều việc tày đình người ta còn cho qua, chứ tội lỗi của nó thì không đâu vào đâu. Nhưng nếu thế còn chuyện gì để nói. Làm sao ông ấy có thêm mảnh đất dành phần cho con trai ông sau này ở riêng dễ thế được? ".
Bây giờ nó xây nhà, bố nó không giúp thêm gì được. Ông lo như thế là quá đủ rồi. Nó cũng không trông cậy vào ai, Hỏi thử mấy đám không kết quả. Người có tiền thì chắc như cua gạch. Không mong gì. Người có tình thì sờ đít ba ngày không có cứt. Nhưng nó không lo.
Chẳng biết con sông Hồng đỏ nước phù sa với các nhà thơ, nhạc sĩ họ dào dạt, lãng mạn, thơ ngây đến thế nào. Với nó là dòng sông cụ thể, mang về ý nghĩa thiết thực. Xuôi ngược trên sông là những con tàu chở hàng, những đoàn xà lan đầy ắp than đá chở ngược. Những đoàn xà lan che bạt kín mít chở đường, phân đạm về xuôi. Rất nhiều mặt hàng thiết yếu chiến lược như vải, muối, xăng, dầu chuyên chở dọc sông.
Người khác đứng trên bờ sẽ rất thờ ơ với những đoàn tàu xà lan như thế, với họ "Nhất cận thị, nhị cận giang" chả có ý nghĩa gì. Với nó lại khác. Nó biết trên những con tàu đó là những con người. Họ cũng có những nhu cầu sinh hoạt và quý giá đồng tiền như ai. Quan hệ với những con người như thế không bao giờ thừa. Tàu nào không cần có bến đậu? Nó cất công về tận bến đất Hà Nội, lên bến Hạc Trì lân la làm quen. Cuối cùng nó cũng " Thiết kế " được đường dây làm ăn. Công phu tỉ mỉ chả kém công trình vạch tuyến đường mòn trên biển, mà một lần nó được vinh hạnh từ Đồ Sơn vào vịnh Vũng Rô.
Ông bố vợ nó làm nghề chèo đò ngang. Nó bảo ông lên bờ về nhà nghỉ cho khoẻ để nó và thằng em cậu chèo chống cái thuyền gỗ sứt mũi. Ngày hai anh em ngủ, nửa đêm hai anh em bơi thuyền ra giữa sông. Cứ nhằm hướng có ánh đèn và tiếng máy canô mà lướt. Trên thuyền sắp mấy can rượu Bá giang, mấy bu gà. Chỉ thế thôi cũng không làm được trò trống gì. Trong túi nó còn mấy xấp bạc. Sẽ tuỳ theo số lượng và giá trị hàng hoá sang mạn được mà trang trải. Hôm vài tấn than, hôm vài tạ đường, vài chục xách dầu. Xếp đầy lên thuyền hai anh em thả xuôi dòng, xuống đến Truy Hà, chỗ mấy bụi tre um tùm sát mép nước thì neo thuyền lại. Chỉ cần bấm đèn pin từ xa chớp nháy mấy cái, như kiểu đánh tín hiệu là khi vào đã có người đón hàng. Sau một vài lần, cuộc mua bán trở thành quen, chỉ diễn ra chớp nhoáng. Hai anh em nhận tiền rồi bơi thuyền về. Hôm nào chở than thêm chút việc là phải cọ thuyền, cũng chỉ một loáng là xong, không đáng kể.
Cái trò "đánh quả" ấy chỉ mới chấm dứt gần đây khi ông Thước đã nghỉ hưu và đã có con mắt dòm ngó của một vài người.
Làm gì cũng phải biết điểm dừng và nó đã dừng đúng chỗ, không một sai sót nhỏ. Bây giờ nó sử dụng kết quả của những đêm nào mò mẫm trên sông. Có kẻ tò mò hỏi
- Thời buổi này chú xây nhà, anh chịu chú. Chắc hẳn phải có bí quyết gì?
            Đôi mắt chuột dái của nó hấp háy:
- Bí quyết gì. Bọn em ăn chắt, hà tiện. Không bóc ngắn cắn dài vung tay quá trán thôi! Cũng là cố, các cụ chả bảo của cố là của được đấy ư?
            Rồi nó cười hức hức. Cười gì mà như nhạo, như cù người ta? Gã đến, nó chột dạ. Nó cũng nghĩ như ông Thước bố nó: Thế nào rồi cũng có ngày gã mò về. Một người như gã chắc không bao giờ chịu chôn vùi cuộc đời mình nơi rừng xanh, núi đỏ. Nơi trâu, gõ mõ, chó leo thang xa cách đời sống bình thường. Gã về, biết đâu nơi ăn chốn ở của nó sinh chuyện? Nhưng nó khác hẳn với bố nó. Nó không xưng xưng cái mặt đâm lê ra vẻ đối phó. Làm thế chưa chắc đã hay. Có khi lại kích thích gã điên lên. Một kẻ như gã không việc gì không làm khi quá uất ức. Người ta bảo " Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ bần cùng khố dây ". Cả hai cái đó gã có cả. Có thêm sự không còn gì để mất: Gã không vợ, không nhà, không tiền của, tiền đồ. Gã dám lắm chứ? Nó dại gì trêu vào tổ ong mặt quỷ? Mà người ta bảo khôn không qua lẽ, khoẻ không qua lời. Chi bằng lấy sự mềm mỏng là hơn. Tính cách gã nó biết. Một thằng đầu óc sách vở đến mụ cả người. Chữ nghĩa ám nhiều, gã chẳng giống ai. Được lời là cởi cả tấm lòng không tính thiệt hơn. Đầu óc với ai chứ với gã, nó không lạ gì. Hơn nữa còn chút tình máu mủ. Mình cư xử khéo, biết đâu gã cảm động không nghĩ đến chuyện tranh giành. Mình được tiếng là người tử tế biết anh trên, em dưới.
Trong bụng nó không mong cuộc gặp gỡ này. Ngoài mặt lại làm ra đon đả:
- Bác vào trong lán nghỉ cho mát. Mãi bác mới về, lại đúng hôm em cho thợ đào móng. Thế bà với cháu trên nhà khoẻ cả chứ?
Rồi nó quay ra bảo vợ:
- Mẹ mày cứ bỏ chỗ gạch đấy đã, chốc nữa xếp. Pha ngay cho tao cốc nước cam mang lại cho bác. Bác đi xa về chắc mệt. Anh em lâu ngày lắm mới lại gặp nhau. Số em vất vả như bác, chỗ ăn chỗ ở cứ phải tự tay mình lo. Thế bác về đã đi chơi đâu chưa? Cứ ở đây đã, rượu xong, tối anh em mình mới có điều kiện nói chuyện. Em nhờ người làm nó bận rộn, chật tý bác bỏ qua.
Gã nói:
- Tôi ghé qua một tý. Chú bận việc cứ làm đi. Anh em thiếu gì lúc.
Nó lại hức hức:
- Thế bác thông cảm nhé. Em phải ra xem thợ giác móng thế nào. Bây giờ không xem, lúc làm rồi muốn sửa cũng không được. Xảy một ly đi một dặm mà.
Nói rồi nó lại chỗ mấy người đang chăng dây, lựa đi kéo lại để đóng cọc.
Gã nhớ chỗ đất đang đào móng bây giờ trước là gốc cây bưởi vàng. Thứ bưởi thơm nức, tôm mọng mà ráo, ngọt lừ, vỏ bưởi vàng tươi độ áp tết. Nguồn thu quan trọng hồi gã còn ở nhà. Những bộ quần áo mới, cái cặp tới trường, đôi dép nhựa tiền phong từng được sắm cho gã nhờ cây bưởi này. Gã đảo mắt nhìn quanh, không còn dấu vết gì, kể cả cái lá bưởi khô hay sợi rễ cây. Không biết nó đã triệt phá đi từ khi nào? Cách đó một quãng ngày xưa là khoảng sân trống. Bọn trẻ trong xóm thường kéo đến chơi ô ăn quan. Mẹ gã tính sởi lởi, chẳng khó với ai bao giờ. Thậm trí người ta đi tắt thành hẳn con đường ngang qua vườn nhà, thông giữa ngõ trên ngõ dưới mà bà không nói một câu. Người khác thì đã rào chặn lại hoặc ca cẩm không muốn cho người ngoài đi như thế. Đường đi qua nhà người ta kiêng. Nhưng bà vẫn để thông thống, ai qua lại mặc lòng, tự do như đường cái quan.
Chỗ ấy là nơi anh em gã sưởi nắng khi mùa đông về. Sáng ra cóng buốt, một manh áo mỏng trên người. Anh em ôm nhau sưởi nắng cho đến khi hàm răng không còn va vào nhau lập cập, môi đỡ tái tím mới chạy vào nhà. Rét mướt mà không dám đốt lửa sưởi. Củi đun còn không đủ, lấy đâu củi sưởi?
Có một việc mà gã còn nhớ mãi đến bây giờ. Năm ấy bà nội còn sống, bà vừa ốm dậy lại gặp trận rét kinh người. Người ta bảo sương muối là rét hại lắm. Đám chuối trong vườn lá héo rũ, cây mít cũng trụi hết lá. Ông chú gã ngược bè về. Ông đi cùng với người ta chỉ làm vì, mặc dù vẫn được phần chia nhiều hơn. Nếu không có ông dễ gì họ có đủ thủ tục giấy tờ để qua hàng bao nhiêu trạm từ thượng du về? Mà ai muốn rời làng đi xa đâu phải cứ thích là đi được? Chính quyền không cho phép thì đến bố sống lại bảo đi họ cũng không dám. Ông theo họ chả vất vả gì. Bè về bến lại có người kéo giúp về tận nhà. Củi, nứa của ông xếp đầy vườn, chật cả lối đi ngoài ngõ. Thế mà khi bà nội hỏi:
- Cho mẹ xin vài bó củi sưởi cho đỡ rét, nhà này cháu nó còn nhỏ chưa biết đường kiếm củi. Mẹ nó họp hành tối ngày. Mẹ mắt mũi kém quá, ở với mẹ con nó càng không giúp được việc gì...
Ông chỉ bảo:
- Để xem xem đã, bà cũng vẽ chuyện. Mang từ trên rừng về đến đây, đâu có ít đường đất?
Nói rồi ông đứng lên quay ra cửa. Bà nội uất quá nói không ra tiếng:
- Thồ..ồi... Không phải xe... em... tồ ồi không dám.
Ngay sau lúc đó, bà nội bảo gã chạy sang hàng xóm mượn cái búa, cụ cứ nhằm chiếc hòm gỗ cũ làm bàn thờ mà bổ. Gã còn nhỏ, hỏi thì cụ nói:
- Tao làm củi sưởi.
Tuổi già sức yếu, búa cầm không chắc, bà nội bổ vào chân đau hàng tháng trời...
Nó niềm nở chào hỏi khiến gã cảm thấy đỡ bùi ngùi phần nào. Cái ý nghĩ tìm về, nhìn lại ngôi nhà cũ lần nữa không thành. Nó không còn dấu vết gì, mà đã quay sang hướng mới.
Không biết thằng em họ sẽ xây ngôi nhà to nhỏ như thế nào, nhưng những hình ảnh cũ nơi ăn chốn ở lúc đầu đời, gã không bao giờ còn thấy lại nữa.
Có lẽ nó sẽ xây một ngôi nhà lớn, gạch, vôi, cát sỏi đổ nhiều, lấn cả ra ngoài đường. Một chuyện đã rồi, Gã sẽ phải quên đi như đã quên đi nhiều thứ trong bước đường đời khốn nạn của mình. Cái ý định trở về quê cậy nhờ anh em họ hàng giúp đỡ trong bước đầu khó khăn nơi mới định cư tan như sương sớm. Sẽ không có ai giúp của, giúp công như mẹ gã nói trước lúc gã trở về đây. Đó chẳng qua là thứ tình cảm vồ vập mà mẹ gã tự hình dung ra, không bao giờ có thực. Suốt những năm ở trại không một lời thăm hỏi, không một điếu thuốc hạt gạo của người nhà gửi cho. Giờ gã tự do, nhưng cũng chẳng hơn gì. Không ai muốn dây dưa liên lụy với kẻ từng mang tiếng xấu, không một đồng xu nhổ râu. Thương yêu đùm bọc còn có ý nghĩa là sẻ chia mà lúc này không ai muốn làm.
Dòng họ gã suy đồi, coi rẻ con người hay bản thân gã không ra gì để mất đi sự ưu ái ấy? Hay cuộc sống khó khăn, con người ta chỉ còn khả năng thương lấy bản thân mình, không thể bao dung kẻ khác? " Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ ". Không lẽ con vật còn sống có tình, có nghĩa hơn con người hay sao?
Ôi cái vùng quê xơ xác, đến cả những tình cảm đơn sơ nhất cũng không thể nhú mầm! Gần một năm ở trại tạm giam sau ngày di lý về, duy nhất gã nhận được quà của người nhà. Mấy bao thuốc lá, gói đường và túi quẩy rán mỡ. Người gửi cho gã là ông anh họ đang dạy một trường chuyên nghiệp ngoài Hà Nội. Ông bác thứ hai của gã sinh toàn con gái, nuôi người này từ nhỏ, ông là cán bộ cao cấp nên người anh này được ăn học đầy đủ. Anh ta lại là bạn học với gã suốt thời phổ thông, sách vở, chữ nghĩa, thơ phú gắn bó cả hai với nhau còn hơn ruột thịt. Sau ngày thống nhất anh chuyển vào Nam, đó là người duy nhất cảm thông và quý mến gã trong đại gia đình Nguyễn Kim ở làng này.
Không - Gã không trách ai - Như mẹ gã bảo: "Tất cả tự mình" mình làm mình chịu. Họ hàng không giúp, nhưng cũng không ai làm hại. Thiên hạ bây giờ nhà nào chẳng thế. Mấy nhà còn câu: "Chị ngã em nâng". Thời đế quốc, phong kiến thối nát trước kia đen tối nhiều bề, nhưng ít ra còn chút tình người an ủi. Người ta còn nhường cơm, xẻ áo đùm dúm trong họ trong nhà. Giờ đổi đời, con mắt nhìn nhau ruột thịt như thể người dưng - Có phải quá nhiều nỗi đau, quá nhiều nỗi buồn, quá nhiều khổ cực, đã làm tê liệt tình người. Nó vô cảm như khúc lò so không còn đàn hồi được nữa. Chỉ còn là mẩu sắt rỉ vô dụng vô tình? Gã bứt rứt trong lòng, muốn đứng dậy đi ngay. Nó một mực giữ lại, gã lại đành ngồi xuống bên chiếc bàn phủ đầy bụi gạch, cát rơi vãi.
Vì là buổi khởi công đón tay thợ, vợ chồng gia chủ cũng chuẩn bị tươm tất. Sắp lên mâm đủ lòng lợn, tiết canh, thịt nướng, thịt luộc và đĩa đậu sống. Vào thời buổi này, đó là bữa ăn thịnh soạn, không phải lúc nào cũng bày ra được với túi tiền của nhiều nhà.
Nhưng gã ở lại không phải vì chuyện đó. Ăn đây bữa này, lúc khác ăn đâu? Khổ ải bao năm, gã đã xem miếng ăn là thường, không quan trọng như nhiều kẻ khác. Gã ở lại vì không muốn có ánh mắt nhìn theo của mấy chục con người đang làm giúp việc tại đây. Gã cũng không muốn vợ chồng thằng em nghĩ sai về mình. Chẳng hoá ra mình là kẻ ghen ghét, đố kỵ. Thấy nó xây nhà trên mảnh đất cũ của mình mà thất ý, tủi thân?
Gã định đứng lên hộ vợ chồng nó một việc gì đó như xúc cát khuân gạch chẳng hạn. Thiếu gì việc vào lúc này?
Vừa lúc gã bắt gặp cái nhìn của bà thím. Không biết bà Thước đến tự lúc nào không đánh tiếng nên chẳng ai biết. Bà đứng sau bụi chuối đánh mắt nhìn ra. Cái nhìn khiến hắn lạnh người, y như hồi gã còn sống trong vòng cương tỏa. Một lát, rồi bà lẳng lặng bỏ đi cũng không nói một câu. Chừng nửa tiếng sau thì ông Thước đến. Ông hỏi gã một câu làm gã tím mặt:
- Tôi tưởng anh đi đâu rồi? " Vưỡn " ở đây à?
- Cháu định đi, nhưng em nó bảo cứ ở lại. Đằng nào thì bây giờ cũng không còn xe ngược. Mai nó sẽ đèo cháu ra bến sau.
Ông hừm một tiếng:
- Vẽ việc, vài cây số từ đây ra bến đi bộ một lúc là tới, đưa đón gì. Tôi lên huyện xa gấp đôi mà chả thấy nói đến chuyện đưa đón bao giờ. Nhưng nó đã bảo thế anh cứ ở. Đoạn rồi mai nó đưa..
Ông nói có vẻ miễn cưỡng khiến nó ngại. Lúc người nhà bưng mâm lên ông nhất quyết không ở. Ông bảo:
- Có công có việc, cơm rượu người ta có dự trù. Tôi ở lại làm gì!
Gã tím mặt, gã cũng " Ngoài " sự trù tính của vợ chồng thằng em. Gã kiếm cớ nói ra quán mua bao thuốc. Ông Thước không nói gì, mắt ông để vào đám thợ đang rửa tay ngoài cầu nước.
Thằng em nói:
- Bác cứ ở đấy. Đằng nào nhà em cũng ra quán, cần gì nó sẽ mua, bác không phải đi!
Gã gượng cười:
- Tôi hút nặng, thím không biết loại thuốc nào đâu. Cứ kệ tôi.
Gã đi vội ra ngõ, đường thôn đã xâm xẩm tối. Hai bên hàng xóm le lói ánh đèn. Gã sẽ không trở lại đây vào lúc này mặc dù chưa biết đêm nay mình sẽ đi đâu, ăn đâu, nghỉ đâu. Tất cả những cái đó lúc này không còn ý nghĩa gì khi gã thấy tắc nghẹn ở cổ, miệng đắng khô, mắt mờ nhoà...
Hình như mình sắp khóc. Không, không thể yếu mềm như thế được, gã tự nhủ, đi miết vào đêm tối đang dần ập tới.

ó
ó   ó

Đỗ Đen không ngờ gặp gã vào lúc này. Nếu gã không đằng hắng đánh tiếng thì anh ta đã lao cả cái xe đạp thồ vào gã rồi. Cái xe trần truồng, không phanh, không chuông, hai bánh nặng như bánh xe cải tiến bởi bộ nan hoa đặc biệt to như đũa ăn cơm.
Đỗ bấm đèn pin sáng loá. Đèn ba pin, chuyên dùng để coi cá ngoài đầm Mắt Rồng, anh ta ngớ ra:
- Về bao giờ thế mày?
- Tao vừa về.
- Tối rồi còn định đi đâu?
Gã bảo:
- Tao vào thằng em, nó đang làm nhà, nhà cũ thì dỡ đi rồi. Đang định sang chỗ bà dì út ngủ lại mai ngược.
Đỗ Đen sửng sốt:
- Thế mày không biết gì à? Bà ấy theo đoàn vào Tây Nguyên chuyển hài cốt ông ấy đã về đâu? Giờ chỉ có mấy đứa con gái ở nhà, Đến cũng chẳng có ai tiếp. Thôi ở lại đây với tao. Từ ngày ấy đến giờ anh em mình mới gặp lại nhau. Ở với tao một đêm, mai muốn đi đâu tao không giữ.
- Nhưng mày đang chuẩn bị đi đâu, súng ống thế này, ở nhà nhỡ việc.
Đỗ cười khà khà:
- Nhỡ gì, Tổ bảo vệ những năm người. Tao bận đã có thằng khác trông thay, lo gì! Mấy khi mày mới về, anh em gặp được nhau!
Gã còn chưa quyết, bàn tay to tướng của Đỗ cứ thế nắm tay gã lôi đi.
Nhà Đỗ ở cuối xóm, nền nhà đắp cao như quả đồi, một cách tránh ngập nước vào mùa sông nước to, mưa úng ngày trước. Vợ Đỗ còn đang lạch cạch rửa bát, đã nghe Đỗ oang oang giục vo gạo thổi cơm. Đỗ ấn gã ngồi xuống phản rồi chạy ra ngõ. Một lát anh ta về, trong tay cầm chai rượu trắng. Tay kia bọc gói lá chuối tươi. Gã nhìn căn nhà bạn không đổi thay là mấy. Chỉ có khác nó không còn lợp dạ mà đã lợp ngói. Hai hồi nhà đã thay cột tre vách đất được xây bằng gạch ba banh. Vách phía sau nhà vẫn còn trát đất. ở một góc nhà phía trên treo cây đàn bầu tự tạo. Thân đàn làm bằng tre bưng, bầu đàn bằng lon sữa bò. Không nhìn rõ dây đàn, nhưng gã đoán có thể nó làm bằng một sợi phanh xe đạp. Cạnh đó còn có chiếc mũ phớt mầu huyết dụ.
Chừng ấy năm xa nhau, nếm trải đủ mùi tính cách bạn thay đổi thế nào gã chưa hình dung ra. Nhưng cảm giác gần gũi thân thiện như nói với gã rằng hắn vẫn như xưa. Con người chết đến đít vẫn cười. Chẳng coi chuỵên gì là quá quan trọng.
Đỗ có chân trong đội văn nghệ của xã nhờ giọng hát cải lương hiếm có trong vùng. Anh có thể ca liền mười hai câu vọng cổ mà không cần ngừng lấy hơi. Những thứ đạo cụ linh tinh như phông, màn, sênh, phách anh lại làm rất khéo. Loa đài hỏng hóc chỗ nào Đỗ cũng táy máy, dò dẫm chữa được hết. Đội có cây đèn măng sông. Những đêm không biểu diễn Đỗ được giao mang về nhà. Đám hiếu nào Đỗ cũng có mặt. Anh thổi kèn bát âm và hát chèo đò. Vừa chỉnh kim dầu đèn măng sông Đỗ vừa nói:
- Người sống, kẻ chết ở làng này tớ phục vụ tuốt!
- Thế họ trả thù lao bằng tiền hay ăn công điểm?
Đỗ cau mặt:
- Ông nói chuyện buồn cười. Làm việc nghĩa biết thế nào mà tính công. Phúc chủ, lộc thầy. Nhà người ta khá người ta thù lao không đến nỗi tệ. Người nghèo thì mình làm phúc. Có từng nào nhận từng ấy, không đòi hỏi!
Gã cười:
- Tôi thấy ông vẫn như trước, vẫn vui vẻ vô tư làm như chưa từng xảy ra việc gì! Thần kinh phải khoẻ lắm mới như thế được?
Đỗ kéo hơi thuốc lào, trầm mặt một lát:
- Thế ông bảo vò đầu bứt tóc suy tư thì làm được điều gì? Không thay đổi được những điều không thể thay đổi. Cái gì tính được mới tính. Không tính được cho qua luôn. Sống là chấp nhận, ưu tư lắm mà làm gì?
Gã nghĩ tay này sống thanh thản quá. Có lẽ hắn bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Một căn nhà nhỏ, một trai, một gái một người vợ hiền. Vườn cây trái xum xuê bao quanh, cách biệt với bao nhiêu ồn ã, vật vã bên ngoài.
Gã và hắn chơi thân với nhau từ tấm bé vì cảnh ngộ có những nét giống nhau. Đều nghèo nghèo, khô khổ trong cái xóm chằng chịt ao chuôm này. Hắn bỏ học từ năm cấp II kiếm tiền đỡ mẹ. Thoạt đầu bằng nghề bắt cá, câu lươn. Lớn lên một chút theo người ta làm thợ mộc, cặm cụi đục đẽo suốt ngày. Hắn đi bộ đội được ba năm thì bỏ về vì mẹ hắn ốm thập tử nhất sinh. Từ con người lành hiền chất phác hắn trở thành đối tượng phản giáo dục tại địa phương. Người ta đưa hắn đi công trường lao động, ở đây toàn thành phần đảo ngũ. Anh nào cũng phải viết lên mũ dòng chữ to tướng: " Ai cũng như tôi thì mất nước ". Sau đợt lao động ít ngày hắn được tha về. Vừa chân ướt chân ráo về làng. Hắn rẽ vào bãi chiếu phim. Đúng hôm xảy ra vụ án mạng mà xưa nay trong vùng không hề xảy ra. Hắn đi trại trung ương trước gã vài tháng và về sau được được tha trước gã hai năm. Nhìn con người hắn bây giờ khó tìm ra dấu vết của ngày ấy, nếu hai bắp tay hắn không có dòng xăm trổ " Kiếp nghèo ôm hận ". Nét chữ viết ngệch ngoạc trông cứ như: " Kiếp nghèo ôm lợn ".
Gã bảo:
Ông thắp đèn búp măng là đủ, chơi măng sông làm gì cho tốn dầu. Có ai đâu mà bày vẽ.
Hắn vuốt hàm râu quai nón, điệu bộ như đang trên sân khấu:
- Lúc này không thắp thì thắp vào lúc nào? Này nói thực nhé: Từ cái ngày gặp nạn, mình sợ những chỗ tranh sáng tranh tối. Đến chỗ nào cửa giả bí quá mình cũng hãi. Thành ra ông xem đấy, nhà mình tuy nhỏ nhưng cửa làm rất thoáng. Cửa sổ bỏ luôn chấn song. Hình như vẫn có cái gì ám ảnh khó quên?
Gã hỏi:
- Nghe nói ông được về trước hạn có phải không?
- Phải. Trại ở sát biên giới, bọn bành trướng bất ngờ tập kích. Thầy trò nháo nhào. Mình có nghề lái xe nên được giao vận chuyển phạm đến nơi ở mới. Có mấy thằng bỏ trốn, không kịp xin phép quản giáo, mình chạy đón lõng bắt được chúng mang về. Chính ông chánh giám thị biểu dương khen thưởng mình. Ông còn đề nghị lên trên tha mình về trước hạn. Hôm mình về, còn có cán bộ trại đưa về bàn giao với địa phương khen ngợi mình. Nhờ thế mình về không bị thành kiến, còn được giao làm tổ trưởng bảo vệ, giữ súng ống đàng hoàng. Sau này mình có nghe nói ông trốn trại. Đầu óc tính toán thế nào mà ngu thế không biết? Mình nói ông thông cảm: Trốn đi đâu? Chỗ nào không có tai mắt nhân dân? Cho dù có bị xử lý sai cũng không thể làm thế được. Việc gì trên đời này mà không có sai sót? Sai rồi người ta sẽ sửa. Làm thế đương nhiên là mình trở thành sai rồi! Có đúng thế không? Mà thôi không nhắc chuyện cũ, buồn bỏ mẹ. Ông ra rửa chân tay đi, cơm xong ta chuyện tiếp.
Thấy gã cứ nhìn mãi bức ảnh trên bàn thờ. Hắn nói:
- Mẹ mình số khổ. Bao năm lăn lộn nuôi chồng nuôi con. Bà đã phải bán đến hàng ngàn mẹt bánh đúc gánh đi các chợ. Đến nỗi khô hết khớp, trước ngày mẹ mình mất mấy năm, cụ không đi lại được. Đến khi con cái mở mày mở mặt được một tý, cụ lại về giời...
Anh chàng cao to lộc ngộc này xem ra cũng là người mau nước mắt.
Vợ Đỗ đã bưng mâm lên. Tuy đã ăn cơm tối, Đỗ cũng ngồi vào chiếc chiếu trải trên nền nhà láng xi măng. Đã bao nhiêu lâu rồi cả hai mới lại ngồi lại với nhau. Gã nhớ lại những củ khoai lang người nhà mang xuống trại mà hắn nhờ người chuyển cho gã. Mỗi người ở một phòng giam riêng chỉ nghe thấy tiếng, mà không nhìn thấy mặt. Tự dưng gã nhớ lại một việc đã lâu lắm rồi:
- Ông còn nhớ hồi nhỏ chúng mình chia phe đánh trận giả. Tôi phe du kích, ông phe lính đồn. Bãi ngô cao ngập đầu người. Hai bên cứ vác đất choảng nhau chí mạng. Còn hô xung phong, “ăng lê văng” rầm trời không?
Hắn cười:
- Quên làm sao được. Một lần có người đi chợ về ngang qua bãi ngô, ông tương hòn đất cứng trúng bụng một bà đi chợ. Bà này sắp đến ngày sinh, đứa con trong bụng xẩy mất. Công an về điều tra mãi. Tôi biết mà không nói, sợ người ta bắt ông lúc bấy giờ.
Gã choáng váng, thằng cha nhớ lâu thật. Thế mà bao lâu nay gã cứ phân vân về câu "ở hiền gặp lành". Gã đâu có làm gì thất đức mà đời gặp bao nhiêu trái ngang?
Nếu Đỗ không nói gã đã không nhớ chuyện này. Còn trẻ con, gã là tên đại nghịch, đầu têu không thiếu trò gì . Gã có biết đâu rằng: Người ta rất có thể bị trừng phạt vì những việc vô tình. Vô tâm! Trời cao thăm thẳm, nhưng trời sẽ không bỏ qua bất cứ chuyện gì! Bất giác gã thở dài!
Bữa cơm có cá nướng, thứ cá có người gọi là cá chuối, người bảo cá quả. Nhưng theo gã cá quả là loại lớn hơn, mình đen và đầu to. Cá chuối đầu nhỏ, mình hơi vàng, đuôi có một chấm đen như cá rô. Đỗ bảo:
- Cá này mình cắm cần, mỗi hôm được vài con. Người ta không cấm vì giống này ăn thịt, chuyên ăn cá con. Nuôi trắm cỏ, chép vàng người ta phải trừ bỏ nó.
Câu chuyện lan man sang chuyện làm ăn. Đỗ bảo:
- Ông gặp tôi là may đấy. Trông chờ, nhờ vả vào anh em nhà lúc này với ông quả là khó. Nếu ông có tiền đồ, danh vọng, chức vị mấy nơi ấy người ta đã đến. Còn vừa hết nợ “cơm cân, áo số” mà nhờ vả không mấy ai đoái hoài. Không gì bằng tự mình cứu lấy mình. Tớ sẽ có cách giúp cậu trong lúc này. Tất nhiên là cho cậu cái cần câu chứ không phải cho con cá. Vì rằng tiền bạc mình cũng chẳng có...
Xong bữa, hai người sang bàn uống nước. Đỗ vào nhà lấy ra một hộp gỗ nhỏ và một vài thứ để trong tay nải. Đó là một hộp cuộn thuốc lá và đồ nghề làm kẹo.
- Hồi mình về không có những thứ này thì chết hẳn. Cũng như cậu bây giờ, còn chưa biết xoay sở thế nào để có cuộc sống ổn định. Những trò lặt vặt này đã cứu mình. Con mọt sách như cậu chắc nhớ chuyện ông Thị trưởng Ma-đơ-len trong
" Những người khốn khổ " chứ. Thì đây, chính là cái vòng đeo tai ông ấy nghĩ ra cách làm để trang điểm cho các cô gái Pháp để kiếm tiền...
Đỗ cười ngất, lát sau mới tiếp:
- Cậu biết mình đã làm gì không? Mình đóng cái hộp cuộn thuốc này và nấu mạch nha làm kẹo. Thuốc lá mình đóng trăm một, kẹo thì gói từng chiếc cho vào túi pôtilen. Khắp từ chân núi Ba Vì sang bên  kia Tam Đảo, Vĩnh Phúc Yên là thị trường của mình. Làm không đủ bán phải nhờ thêm người làm. Cả nước đâu đâu hàng hoá sinh hoạt cũng thiếu, lúc nào cũng nóng như than chờ phân phối. Cái trò buôn thất nghiệp mà lãi quan viên này giúp mình vượt qua những ngày đó.
Gã hỏi:
- Sao bây giờ ông không làm?
 Đỗ đáp:
- Bây giờ vợ mình bận chân giữ trẻ ngoài lớp mẫu giáo, mình hợp tác giao cho trông hồ cá. Làm vào lúc nào? Cậu đã từng ở Lạng Sơn, cuộn thuốc chắc cậu không lạ. Còn kẹo thì mình sẽ hướng dẫn qua là làm được. Mình sẽ ghi công thức đẩy đủ cho cậu làm. Tin rằng trên ấy thị trường bán được. Chớ có dại quay về làm ảnh làm gì. Lời lãi chẳng đáng, lại nhiêu khê, có khi nguy hiểm. Những thứ vật liệu này cũng dễ tìm. Cậu cứ về quanh chợ Đồng Xuân, chỗ phố Thuốc Bắc nó bán đầy. Mua một lần làm hàng tháng. Hết lại về lấy.
Gã nghe thằng bạn nói có lý, Lại hợp với hoàn cảnh của mình vào lúc này. Đúng là đi ngày đàng học sàng khôn. Nếu mình cứ ru rú trên rừng chắc gì đã nghĩ ra. Ngày mai về qua Hà Nội mua thử một ít về làm xem sao. Biết đâu nó chẳng là lối thoát vào lúc này. Hãy sống đã, rồi mọi việc sẽ tính sau. ý định ghé vào thăm ông bạn nhà thơ đang sống ở Hà Nội xem ra chưa cần thiết. Thơ ca vào lúc này giúp được gì cho gã đây, ngoài niềm an ủi? Trong lúc tâm tư đang mệt mỏi này? Gã sẽ tìm ông ta vào một dịp khác, không phải là bây giờ.
Trước lúc đi ngủ Đỗ lại làm cho gã thêm một lần bất ngờ. Anh ta lấy từ trong tủ ra một bọc giấy nhỏ. Giở ra bên trong là cái nhẫn vàng một đồng cân. Đỗ đưa gã xem, gã nhận ra ngay đó là chiếc nhẫn của mình. Mặt trong còn có chữ khắc chìm tên gã. Chiếc nhẫn này gã đã trao cho Vân ngày đầu tiên làm đám cưới. Đã lâu gã đã quên nó rồi vì người vợ bạc tình đã chia tay gã gần chục năm trời.
Hai người đã đến toà án một buổi sáng mùa đông. Ngoài cửa phòng xử án dựng một chiếc xe đạp ngoại. Trên ghi đông treo lủng lẳng hai con chim xanh bị bắn chết bởi đạn súng thể thao. ở mỏ chim máu còn đọng thành giọt. Bữa đó cả hai đã nhận giấy trích lục ly hôn...
Nhưng làm sao cái nhẫn lại có mặt ở đây?
Đỗ kể:
- Con bé con nhà mình cháu bị còi xương. Mình đã bắt cho nó bao nhiêu cóc mang về làm ruốc cho nó ăn. Xương thì tán bột cho nó uống. Hồi hôm thấy bà Đởm bưng cái Thúng. Bên trong là một con cóc to đùng. Chưa bao giờ nghe ai nói lại có con cóc to như thế. Bà ta bảo mang đổ ra sông. Mình bèn xin lại, kể ra thì cũng ghê ghê sự kỳ quái của nó, nhưng mình đánh liều, lột da làm thịt. Thịt nó trắng như thịt gà. Kỳ lạ hơn trong dạ dày của nó có vật tròn tròn cưng cứng. Mình moi ra không ngờ là cái nhẫn này... Bây giờ thì mình tạm đoán thế này: Vợ cậu đã trao cho anh chàng bị đâm chết năm ấy cái nhẫn này. Lão Đởm nhặt được mang về tủ cất. Chiếc nhẫn do sơ ý thế nào đó, rơi ra và cóc ta đớp phải. Con cóc bị đột biến mà trở nên kỳ quái... Suy diễn như vậy có được không?
Gã như ma ám, bần thần cả người.
Đỗ vội lảng sang chuyện khác:
- Hoặc là nó diễn biến khác một cách nào đó, nhưng thôi mặc xác, bận tâm làm gì. Theo tớ cậu nên giữ nó làm kỷ niệm. Biết đâu châu về hợp phố, nên chuỵên gì chăng?
Gã nói hắn cứ giữ lấy mà dùng. Một chỉ vàng tuy không lớn, những cũng là tiền.
Đỗ bảo:
- Nếu không phải của mày lại là chuyện khác. Vả lại tao cũng nghiệm ra rằng: Tham thứ không phải của mình thì trời không dung. Kể cả tao có nghèo, tao cũng không ham kia mà.
Gã buộc phải cầm lấy. Từ lúc có chiếc nhẫn bỏ vào túi áo, gã cứ thấy chênh chao thế nào. Giấc ngủ đêm đó chập chờn không yên. Gã thức giấc vài dảo. Ngoài vườn gió bấc lùa như có người dượt đuổi nhau qua những bụi chuối. Làng xóm chìm trong đêm. Tiếng gọi đò văng vẳng phía bờ sông nghe không thực. Như thể tự nơi xa lắm chứ không phải trên mặt đất này.

Ngày mai gã sẽ trở về với một công việc khác, ngoài dự định

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài viết của "Dân Làm Than" phê phán GS TS Nguyễn Đình Cống Và Bài Viết của GS bên dưới, đọc để có cái nhìn đúng đắn:

SỰ ẤU TRĨ CỦA NGUYỄN ĐÌNH CỐNG !


SHADOWLESS
Ngày 28/9/2016, trên trang Danluan.org có đăng tải bài viết “Một số ngụy biện về quan hệ với Trung Quốc” của FB Nguyễn Đình Cống. Nội dung chính của bài viết này là phân tích, xuyên tạc tư tưởng, đường lối chỉ đạo, chủ trương của Đảng ta về quan hệ với Trung Quốc trong giai đoạn gần đây. Bài viết này của Nguyễn Đình Cống tập trung phân tích trên 5 khía cạnh mà dựa vào những khía cạnh đó để ngụy biện về chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta với Trung Quốc. Nguyễn Đình Cống xuyên tạc những chủ trương, đường lối, chính sách đó bằng cách dựa vào ngôn từ xảo trá, lập luận của mình hòng lập lờ đánh lận con đen về mục đích của những chính sách mà Đảng và Nhà nước đã đề ra qua đó nói xấu, vu khống và bôi nhọ Đảng; trực tiếp công kích Đảng ta sử dụng đường lối chính sách có dấu hiệu “đê hèn”, là tay sai của Trung Quốc.
Mặc dù đã tìm mọi cách lập luận hòng dẫn dắt người đọc tin theo những nội dung mà mình muốn truyền tải nhằm đạt được mục đích nhưng Nguyễn Đình Cống vẫn để lộ sự ấu trĩ của mình về kiến thức cũng như nhận định của chính bản thân y qua bài viết đó. Sự ấu trĩ này được thể hiện cụ thể qua chính những khía cạnh mà y đề cập trong bài viết của mình.
Trước hết, với quan điểm “Nước ta bị thế kẹt là ở sát TQ, bị nó khống chế nhiều bề”, y cho rằng ngoài Nga và Ấn Độ là hai nước lớn, những nước láng giềng nhỏ khác đều không bị lệ thuộc vào Trung Quốc vậy cớ sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại có những chính sách “luồn cúi” Trung Quốc như vậy. Y không biết rằng, hiện tại những chính sách đó của Đảng hoàn toàn là đường đi nước bước khéo léo nhằm đưa nước ta phát triển mà không bị lệ thuộc vào bất cứ nước nào, để không là con cờ nằm trên bàn cờ của các nước lớn như thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ trước đây. Hiện tại, Trung Quốc can thiệp rất sâu vào nội bộ đất nước Myanmar, cùng Nga tranh chấp ảnh hưởng với Takjikistan và Kazakstan…
Thứ hai, quan điểm “Nước ta và TQ cùng ý thức hệ cộng sản, cùng chung lý tưởng XHCN”, y cho rằng Đảng ta dựa vào quan điểm này để ngụy biện cho sự “thân mật” với Trung Quốc là hoàn toàn sai lầm. Đúng là giữa Việt Nam và Trung Quốc có cùng ý thức hệ cộng sản, chung lý tưởng XHCN, tuy nhiên con đường đi tới những mục đích trên của hai nước là khác nhau chứ không phải là căn cứ vào đó để cho rằng nước ta với Trung Quốc là một.
Bài viết của Nguyễn Đình Cống đăng trên danluan.org, ảnh chụp màn hình
Thứ ba, y đưa ra việc “truyền thống tổ tiên vẫn thần phục Tàu” nhằm làm mờ đi những chiến lược ngoại giao để vừa đưa đất nước phát triển vừa giữ được độc lập dân tộc của cha ông là không chấp nhận được. Y dẫn chứng rằng: “Chẳng thế mà Trần Huy Liệu (người thay mặt Hồ Chí Minh vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại), vào khoảng năm 1949 có nói một câu nhận xét không tốt về Tàu (coi chừng kẻ thù truyền kiếp của dân tộc) thì bị thất sủng ngay. Năm 1954, Phạm Văn Đồng sau khi ký Hiệp định Genève đã khóc vì bị Chu Ân Lai ép buộc chia cắt đất nước đến vĩ tuyến 17. Năm 1958, được tin TQ muốn độc chiếm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Phạm Văn Đồng ký Công hàm công nhận ngay (ngoài ông Đồng ra hình như không có ai ủng hộ TQ nữa). Năm 1974 Hà nội giữ hoàn toàn im lăng để cho Trung cộng đánh chiếm Hoàng sa do VNCH quản lý. Năm 1988 Lê Đức Anh (bộ trưởng quốc phòng) ra lệnh cho các chiến sĩ đảo Gạc Ma không được chống cự lính Trung cộng, để toàn bộ 64 chiến sĩ bị sát hại, xác bị quăng xuống biển. Năm 1991 Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười sang Thành Đô (TQ không cho đến Bắc Kinh) cầu xin sự che chở và ký mật ước, cố xin gặp Đặng Tiểu Bình nhưng hắn không cho gặp. Năm 2000 Lê Khả Phiêu ký cho Tàu một số đất ở Thác Bản Giốc và Hữu nghị quan. Những chuyện như vậy liệu có bao giờ xấy ra trong lịch sử của tổ tiên. Thế mà ĐCS cứ đưa tổ tiên ra làm bình phong để che đậy” thật sự không có chứng cứ xác thực mà mượn những sự kiện đó để nói xuyên tạc, nói xấu Đảng và những cá nhân nêu trên.
Thứ tư, y đề cập tới luận điều trong giữ gìn hòa bình quốc tế để nói rằng tại sao Việt Nam không dám kiện Trung Quốc giống như Philippines mà không phân tích thêm rằng Philippines được sự hậu thuẫn của Mỹ và sau khi vụ kiện được coi là thắng kiện đó, nước này đang đi về đâu như hiện nay. Cách lập luận như vậy có thể có hai nguyên nhân. Một là y thực sự dốt nát không biết tới. Hai là chính y đang dùng xảo ngôn để lấp liếm mục đích của mình.
Thứ năm là y nói tới sức ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với Việt Nam. Quả thực ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế với Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, không chỉ với Việt Nam mà hầu như các nước khác trên thế giới thậm chí là các nước phát triển như Mỹ hay EU đều mong muốn hợp tác phát triển kinh tế với Trung Quốc và phải hợp tác. Vậy mà y muốn tách Việt Nam ra khỏi quy luật đó thì thật là ấu trĩ. Phụ thuộc và phải chơi với họ là hoàn toàn khác nhau.
Cuối cùng, có thể khẳng định rằng mục đích viết bài trên của Nguyễn Đình Cống là xuyên tạc, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam và những y ngụy biện chỉ lừa được những người không đọc báo bao giờ mà thôi.

MỘT SỐ NGỤY BIỆN VỀ QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC
Vừa qua Câu lạc bộ đọc sách báo của chúng tôi mời được một diễn giả nói chuyện về tình hình thời sự. Ông MĐ là Tổng biên tập một tờ báo lớn, đại biểu HĐND thành phố, ứng cử và được bầu tại Phường chúng tôi. Việc ông dành thời gian gần 2 giờ để nói chuyện, đối với CLB là một vinh dự ít có. Ông nói về một số vấn đề thời sự trong nước và thế giới, trong đó điều làm tôi quan tâm nhất là quan hệ của VN với TQ. Theo ông MĐ, tuy rằng có một vài sự kiện ở biển Đông, nhưng quan hệ VN và TQ đang rất tốt đẹp, đặc biệt sau chuyến thăm TQ của TT Phúc. Ông cho rằng đường lối hòa bình mềm dẻo và tôn trọng Luật pháp quốc tế của Đàng ta là sáng suốt, phù hợp với tình hình quốc tế và truyền thống dân tộc. Ông viện dẫn các sự kiện lịch sử các đời vua của VN vẫn thần phục và triều cống Hoàng đế Tàu, mà sự kiện đáng chú ý là Quang Trung, sau khi đánh tan 20 vạn quân Thanh phải sang Bắc kinh xin thần phục vua Khang Hy ( ! ) nhà Thanh, cho đó là tấm gương cần noi theo.
Đã lâu tôi không được nghe các buổi nói chuyện của các cán bộ tuyên giáo. Trước đây, mỗi lần được nghe như thế tôi chỉ tiếp thu một chiều, làm tôi phấn khởi, được biết thêm nhiều chuyện, được sáng mắt sáng lòng. Nay thì khác, tôi nghe để biết quan điểm của diễn giả và xem “sự ngụy biện” đến đâu.
Kết thúc trong tiếng vỗ tay hoan hô, ông MĐ tỏ ra thỏa mãn, nán lại gặp gỡ và trao đổi thêm với một vài người. Tôi cũng ở lại một chốc, được ông chào và hỏi : “ Bác thấy tôi trình bày thế nào”. Tôi trả lời : “Anh nói hay, cung cấp được một số thông tin có giá trị, đa số bà con tham dự xem ra là thỏa mãn, riêng tôi thấy có vài chỗ anh chỉ mới đề cập đến một phần của sự thật bên ngoài, bỏ mất phần khác quan trọng hơn, riêng các lập luận, có hình thức chặt chẽ nhưng để ý ra thì thấy khoảng một phần ba là sai vì phạm vào lỗi ngụy biện, đặc biệt phần nói về quan hệ Việt Trung, về vua Quang Trung”. Đó là một nhận xét có tính phản biện mà diễn giả không mong đợi. Tôi chờ một câu trả lời đại khái như : “ Xin cám ơn bác, xin bác chỉ cho biết những chỗ mà bác cho là phần quan trọng hơn, là sai vì ngụy biện”. Nhưng không !. Ông ta phản ứng bằng cách chống chế. Tôi biết không thể tiếp tục trao đổi nên xin rút lui để ông đàm đạo với những người khác đang chờ đợi những ý kiến quý báu của ông.
Về quan hệ với TQ, xin vạch ra một số ngụy biện mà Tuyên huấn của Đảng vẫn dùng để lừa nhân dân, mà tiếc thay, một số người vẫn vui vẻ nghe theo ( như tôi trước đây).
1-Nước ta bị thế kẹt là ở sát TQ, bị nó khống chế nhiều bề.
Giáp với TQ không phải chỉ có VN mà còn 13 nước khác như Mông Cổ, Bhutan, Nêpan, Takjikistan, Kazakstan, Nga, Myanmar, Ấn độ v.v. Trừ Nga và Ấn độ, các nước khác đều bé, thế mà họ có chịu khuất phục TQ như VN đâu. Đặc biệt như Bhutan, có biên giới khá dài với TQ mà không có quan hệ ngoại giao. Sự chịu khuất phục do nguyên nhân địa lý chỉ là một phần rất rất nhỏ. Nguyên nhân chính là do đường lối lãnh đạo. Nếu đổ cho nguyên nhân địa lý thì giải thích thế nào về các nước như Bhutan, Nêpan,Takjilistan...đều bé, TQ tuy có phá phách ít nhiều nhưng cơ bản không làm họ khuất phục. Ta giáp với TQ từ khi lập quốc đến giờ mà các đời vua phong kiến trước đây có chịu lép vế một bề như dưới thời CS hay không.
2-Nước ta và TQ cùng ý thức hệ cộng sản, cùng chung lý tưởng XHCN
Đây là lập luận ngụy biện xảo trá. Việc cùng ý thức hệ có phải là tiền định, là Trời bắt phải thế đâu. Đó là do con người lựa chọn. Từng đảng viên cộng sản khi vào Đảng thì có thề trung thành với Đảng nhưng dân tộc này có bao giờ thề lệ thuộc vào TQ đâu. Ừ, mà cùng ý thức hệ tốt đẹp thì cũng tạm được , nhưng ý thức hệ đó đã lạc hậu, đã thối rửa mất rồi thì đeo bám làm gì. Trước đây chúng ta theo Liên xô vì ý thức hệ, thế mà Liên xô sụp đổ rồi, trong lúc TQ cố dựa vào ý thức hệ để thôn tính VN thì vin vào nó mà làm gì ngoài sự lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin. Mà hỏi xem, ngoài một số rất ít còn dựa vào ý thức hệ để trục lợi thì đại đa số dân VN có còn tin gì vào nó nữa đâu. Hơn nữa ĐCS TQ chỉ giữ lại cái tên và tổ chức chứ ý thức hệ CS cũng đã bị vứt bỏ từ lâu, chúng nó chỉ dùng để lừa bịp những người khờ dại trong và ngoài nước. Cũng vì ý thức hệ mà lãnh đạo ĐCS VN đã ký kết mật ước Thành Đô. Nhiều dư luận yêu cầu công khai minh bạch cho toàn dân biết nội dung, thế mà đến nay lãnh đạo ĐCS vẫn giấu kín.
3-Truyền thống tổ tiên vẫn thần phục Tàu.
Đây là lối ngụy biện dùng một phần sự thật để che dấu bản chất. Tổ tiên chúng ta bên ngoài tỏ ra thần phục Tàu chứ chưa bao giờ chịu khuất phục ( trừ bọn Ích Tăc, Chiêu Thống…). Như Nguyễn Trải đã viết : “ Như Đại Việt ta, vốn xưng nền văn hiến đã lâu. Núi sông bờ cõi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác. Trải mấy triều Đinh, Lê, Lý , Trần dựng nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương…” . Xét trong lịch sử, trừ thời nhà Hồ bị nhà Minh cướp nước ( Gần đây vì họ Hồ chính sách nặng phiền, khiến trong nước lòng người oán giận. Quân Minh cuồng bạo thừa dịp hại dân. Đảng nịnh mưu gian rắp tâm bán nước….Tát cạn nước Đông hải khôn rửa sạch tanh hôi. Chẻ hết trúc Nam sơn không đủ ghi tội ác…), thì chưa thấy có triều đại nào chịu khuất phục TQ về mọi mặt một cách nhục nhã như bây giờ. Ngay như Quang Trung, ông cho người đóng thế mình sang bái phục Càn Long ( không phải Khang Hy ) chỉ là cái mẹo sau khi đã đánh tan 20 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị. Đánh thắng rồi mới cầu hòa chứ không phải cúi đầu xin chỉ thị về mọi việc lúc chưa xẩy ra.
Việc nhất nhất thần phục Tàu Cộng đã được cài sẵn vào gène, vào máu của CSVN từ khi mới thành lập năm 1930 trên đất Tàu. Chẳng thế mà Trần Huy Liệu ( người thay mặt Hồ Chí Minh vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại ), vào khoảng năm 1949 có nói một câu nhận xét không tốt về Tàu ( coi chừng kẻ thù truyền kiếp của dân tộc) thì bị thất sủng ngay. Năm 1954, Phạm Văn Đồng sau khi ký Hiệp định Genève đã khóc vì bị Chu Ân Lai ép buộc chia cắt đất nước đến vĩ tuyến 17. Năm 1958, được tin TQ muốn độc chiếm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Phạm Văn Đồng ký Công hàm công nhận ngay ( ngoài ông Đồng ra hình như không có ai ủng hộ TQ nữa). năm 1974 Hà nội giữ hoàn toàn im lăng để cho Trung cộng đánh chiếm Hoàng sa do VNCH quản lý. Năm 1988 Lê Đức Anh ( bộ trưởng quốc phòng) ra lệnh cho các chiến sĩ đảo Gạc Ma không được chống cự lính Trung cộng, để toàn bộ 64 chiến sĩ bị sát hại, xác bị quăng xuống biển. Năm 1991 Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười sang Thành Đô (TQ không cho đến Bắc Kinh ) cầu xin sự che chở và ký mật ước, cố xin gặp Đặng Tiểu Bình nhưng hắn không cho gặp. Năm 2000 Lê Khả Phiêu ký cho Tàu một số đất ở Thác Bản Giốc và Hữu nghị quan. Những chuyện như vậy liệu có bao giờ xấy ra trong lịch sử của tổ tiên. Thế mà ĐCS cứ đưa tổ tiên ra làm bình phong để che đậy.
4-Luận điệu gìn giữ hòa bình, tôn trọng luật pháp Quốc tế.
Cứ mỗi lần TQ có hành động ngang ngược ở biển Đông thì phát ngôn của Bộ Ngoại giao VN lại tuyên bố :” Phản đối, đòi tôn trọng chủ quyền, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, thương lượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không liên kết với nước khác để chống nước thứ ba…”. Nghe quá hóa nhàm. Có những việc lớn, quan trọng mà sao chỉ có đại diện Bộ Ngoại giao, hoặc quá lắm là một cá nhân cấp cao nào đó phát biểu một cách dè dặt, Chính phủ, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước lặng im. Và dân quá bức xúc biểu tình phản đối thì bị đàn áp. Ừ thì tôn trọng hòa bình, ta không chủ động gây chiến, nhưng ai cấm những phát biểu mạnh mẽ phản đối của Chính phủ, sao lại cấm dân biểu tình, sao không dám kiện ra Tòa án quốc tế như Philippin. Luận điệu “ mềm dẻo, hòa bình, tránh xung đột” chẳng qua để che giấu một tâm trạng hèn yếu, không dám tin vào dân, chỉ muốn thần phục để vinh thân phì gia.
5- Luận điểm : Về kinh tế ta phụ thuộc vào Tàu quá nhiều, nếu ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền mà bị Tàu nổi giận cắt đứt mọi giao dịch thương mại thì ta lâm vào khủng hoảng lớn.
Tôi gọi đây là luận điểm chứ không phải luận điệu vì xét ra có phần đúng. Nhưng có phải vì giao lưu hàng hóa mà để cho Tàu vào chiếm cứ các vị trí xung yếu của đất nước, để người Tàu tràn ngập các vùng quan trọng, để họ phá nát môi trường. Những nước như Mỹ, Đức, Nhật, Úc … họ có làm như thế đối với các nước khác đâu. Việc để kinh tế, thương mại, xây dựng của VN quá lệ thuuộc vào Tàu , để cho Tàu thực hiện các dự án lớn làm hủy hoại môi trường là tội của những người lãnh đạo tham và ngu. Bây giờ đã lỡ ra rồi thì không phải cứ cố trượt dài trên con đường sai lầm mà phải tìm cách khắc phục. Tuy vậy việc ngừng giao lưu kinh tế với Tàu khi chúng ta có những đấu tranh mạnh mẽ để bào vệ chủ quyền cũng chỉ mới là suy đoán. Việc giao lưu là có lợi cho cả hai bên. Việc giao lưu với Tàu nếu bị giảm sút , trước mắt kinh tế Việt sẽ gặp khó khăn, đời sống của đân bị ảnh hưởng. Nhưng thử hỏi dân xem họ có vui lòng chấp nhận khó khăn trong thời gian ngắn để loại bỏ mọi xấu xa do Tàu mang đến. Tôi nghĩ rằng được giải thích đa số dân sẽ vui lòng. Hơn nữa dân ta có câu : “ Trong cái khó ló cái khôn”. Trước đây vì nhầm lẫn mà ta ưu tiên thị trường TQ, nhưng nếu vì bảo vệ chủ quyền mà nó bị co lại thì các nhà doanh nghiệp Việt có đủ trí khôn để mở ra các nước khác, chứ làm sao chịu bó tay.
6-Nhận định
Tôi cho rằng những ngụy biện trên đây chỉ nhằm để duy trì chế độ độc tài đảng trị theo đường lối CS, đem nước ta phụ thuộc vào Tàu cộng. Muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này trước hết phải thoát ra khỏi ý thức hệ CS, phải cải cách thể chế theo con đường dân chủ chân chính. Một ngày mà ĐCS VN còn kiên trì đường lối hiện hành thì dân Việt còn chịu cảnh lầm than và đất nước dần dần bị thôn tính.
Để kết thúc xin kể câu chuyện : Ngày xưa bên Tàu, nước Triệu ( Thời U Mục Vương), nhờ có Lý Mục và Tư Mã Thượng là những người tài giỏi, yêu nước mà ngăn chặn được sự xâm lược của nước Tần. Thế nhưng vua Triệu tin dùng tên quan đứng đầu triều đình là Quách Khai, một kẻ tham lam. Gián điệp nước Tần đem biếu Quách khai một số lớn vàng bạc với yêu cầu vu cáo Lý Mục và Tư Mã thượng là bọn phản bội, chống lại nhà vua, để họ bị loại bỏ. Quách Khai nhận vàng bạc, thực hiện âm mưu, xui dục vua giết chết Lý Mục, đuổi được Tư Mã Thưọng. Kết quả quân Tần xâm chiếm nước Triệu một cách dễ dàng. Sau vụ này vua Tần nói : Ta chỉ bỏ ra ít vàng bạc mua được Quách Khai, dùng Khai để chiếm được Triệu, quá rẻ. Quách Khai hý hửng cho rằng đã lập công với Tần nhưng bị Tần đuổi đi, không dùng kẻ phản phúc. Quách Khai về quê, chở theo mấy xe vàng bạc. Giữa đường bị những người nghĩa khí giết hết cả nhà, lấy hết của cải.
Bình luận - Việc này đáng cho nhiều người Việt suy ngẫm. Nhưng những kẻ rắp tâm bán nước nghĩ rằng họ khôn hơn Quách Khai vì đã tuồn nhiều của cải và cho con cháu ra nước ngoài. Không đâu, chúng mày khôn, sẽ có người khôn hơn và trên hết, chúng mày đã gây ra nghiệp chướng, thế nào cũng chịu nghiệp báo. Hãy luôn nhớ rằng của cải do sức lao động và tài năng làm ra mới bền chặt, còn của phi nghĩa do gian lận, tham nhũng, tước đoạt thì chỉ làm giàu tạm thời, không đời chúng mày thì đời con, đời cháu cũng tiêu thành mây khói và chưa biết còn những thảm họa nào nữa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Mao Trạch Đông và Biến cố Thiên An Môn 1976

tiananmen1976

Tác giả: Lưu Á Châu | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Mao Trạch Đông phát động cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, thả lũ ma quỷ ra khỏi chiếc bình của ông nhưng sau đấy không thể nào thu hồi lại chúng. Dân tộc [Trung Hoa] cổ xưa này nhiễm phải một cơn sốt điên cuồng chẳng khác ông già rơi vào lưới tình. Hỡi các bạn trẻ, hãy nghĩ tới tình cảnh bạn bị một bà lão điên cuồng theo đuổi mình. Hãy nhớ lấy đôi mắt cháy bỏng và cặp vú khô đét ấy. Đó là cuộc Đại Cách mạng Văn hóa.
Thời gian biểu ban đầu của Mao Trạch Đông là: sau một đến hai năm thì Đại Cách mạng Văn hóa kết thúc thắng lợi, Lưu Thiếu Kỳ trở thành tù binh, Mao Trạch Đông dẫn toàn Đảng tiếp tục lên đường. Ông tuyệt nhiên không ngờ rằng cuộc cách mạng ấy như con ngựa hoang phi nước đại, ông hoàn toàn chẳng thể điều khiển được nó. Sự phản bội của Lâm Bưu là một cú đánh đẹp giáng vào ông. Mao Trạch Đông tín nhiệm Lâm Bưu đến mức cái gì có thể cho hắn thì đã cho hết, nhưng Lâm Bưu vẫn chưa thỏa mãn. Hiển nhiên hắn còn muốn một thứ quý giá hơn: tính mạng Mao Trạch Đông.
Đúng là cuối cùng Lâm Bưu hoảng hốt bỏ trốn. Nhưng trước khi hắn trốn đi, chẳng phải Mao Trạch Đông cũng hốt hoảng lo hết hồn đấy ư? Trên đường đi thị sát miền Nam trở về, để tránh bị Lâm Bưu phục kích, Mao Trạch Đông thoắt đi thoắt dừng, mỗi ngày mấy lần thay đổi kế hoạch đi đường, khiến mọi người chẳng biết thế nào. Sau khi đến địa phận Bắc Kinh, ông lặng lẽ xuống tàu tại ga Phong Đài. Nhà thống trị mà lại hành động lén lút như vậy trên địa bàn mình thống trị thì quả thật là bi đát.
Sau vụ Lâm Bưu, nhân dân cả nước kinh ngạc chú ý tới một hiện tượng: Mao Trạch Đông già sọm đi một cách không thể nào cưỡng lại. Đem so sánh ảnh chụp tuần này tiếp khách nước ngoài với ảnh chụp tiếp khách tuần trước, nhất định thấy khác nhau. Trên ý nghĩa ấy mà nói thì Lâm Bưu không hoàn toàn thua: rốt cuộc hắn đã làm Chủ tịch Mao tổn thọ. Cú đánh này quả là nặng nề nhưng chưa phải nặng nhất.
Cú đánh nặng nhất đến từ QUẢNG TRƯỜNG THIÊN AN MÔN. Tôi muốn nói về SỰ KIỆN THIÊN AN MÔN NGÀY 5 THÁNG TƯ (năm 1976).
Trung Quốc năm 1976 là Trung Quốc chơi trò thâm trầm.[1] Nhân dân đang suy nghĩ. Mấy chục năm sau phong trào Ngũ Tứ [cuộc nổi dậy ngày 4 tháng 5 năm 1919 của học sinh Bắc Kinh tại Quảng trường Thiên An Môn chống chính phủ phản động và bị chúng đàn áp đẫm máu], dân Trung Quốc không được phép suy nghĩ. Lãnh tụ thay họ nghĩ xong cả rồi.
Nô lệ có suy nghĩ là nô lệ nguy hiểm. Nhìn tổng thể, họ không thích suy nghĩ. Năm 1976, một bộ phận nhân dân hơi động não suy nghĩ một chút, thế là tòi ra “Sự kiện Thiên An Môn ngày 5 tháng Tư”. Sau đấy, khi Hoa Quốc Phong đập tan “Bè Lũ Bốn Tên” thì nhân dân lại không suy nghĩ nữa.
Cách mạng Văn hóa là con hổ giấy, chưa cần nói nó không chịu nổi một cú chọc phá mà nó thậm chí không chịu nổi sự suy nghĩ. Khi [nhân dân] vừa bắt đầu suy nghĩ thì nó đã tan vỡ. Mọi người phát hiện thấy Cách mạng Văn hóa là trò không tưởng. Ê kíp nhà thiết kế đầu tiên trò không tưởng này là những người có tâm. Nhưng hiện nay những người chống không tưởng mới là người có tâm. Tiếp tục tiến hành Cách mạng Văn hóa là điều không thể được – rốt cuộc trò diễn thì vẫn là trò diễn. Nhân dân phản đối Cách mạng Văn hóa, mà phản đối Cách mạng Văn hóa tức là phản đối Mao Trạch Đông.
Đây là linh hồn của “Sự kiện Thiên An Môn ngày 5 tháng Tư”. Thương tiếc Chu Ân Lai là một phát súng giả vờ tấn công, thực ra là để rút lui….. Mọi người đang tìm điểm bùng nổ. Sự qua đời của Chu Ân Lai đến vừa đúng lúc, cuối cùng ông đã đem lại cơ hội cho nhân dân.
Con người ấy chết có chút bi thảm. Chu Ân Lai phối hợp cực kỳ hoàn hảo với Mao Trạch Đông. Đó là do Chu vô cùng thận trọng. Ông thận trọng đến mức thế này: trong lần dự tiệc chiêu đãi Khrushchev thăm Trung Quốc, khi vị khách ấy nâng cốc muốn chạm cốc với Chu Ân Lai, nhưng vì thấy Mao Trạch Đông không nâng cốc nên Chu cũng nhất quyết không nâng cốc.
Nếu Nhà nước làm quốc tang cho Chu Ân Lai, nếu Mao Trạch Đông đến viếng hoặc dự lễ truy điệu Chu Ân Lai thì sẽ chẳng xảy ra chuyện gì sất. Sau khi Chu Ân Lai qua đời, Uông Đông Hưng, Trương Diệu Từ đã điều tra thăm dò xong tuyến đường từ Trung Nam Hải đến Bệnh viện Bắc Kinh, tưởng rằng Mao Trạch Đông sẽ đi [viếng Chu Ân Lai], nhưng rốt cuộc ông không đi. Vì thế mà Uông Đông Hưng có cằn nhằn hai câu. Trương Ngọc Phượng cũng ứa nước mắt khuyên Mao đi, nhưng ông từ chối.
Nói cho công bằng thì Mao Trạch Đông chẳng còn hơi sức đâu mà đi, ông đang ốm sắp chết. Nên phải nói là trong mấy hôm ấy ông chẳng làm sai điều gì. Trừ chuyện đốt pháo khiến người ta có chút khó hiểu ra thì về cơ bản Mao Trạch Đông không có gì phải hổ thẹn.
Chu Ân Lai chết [ngày 8/1/1976] được mấy hôm thì đến Tết Nguyên đán. Đêm giao thừa, cả nước không có một tiếng pháo nào. Tôi dám đánh cuộc là không. Nhưng Mao Trạch Đông lại dặn bọn Trương Ngọc Phượng đi kiếm pháo về rồi đem đốt thả cửa trước cổng bể bơi [về cuối đời, Mao sống ở khu nhà có bể bơi trong Trung Nam Hải]. Lúc ấy Mao đã yếu lắm, phải có người dìu để ông chơi trò đốt pháo nổ hai lần [lần nổ đầu, quả pháo phọt lên cao chừng mươi mét rồi lại nổ lần nữa]. Trước đây ông chưa bao giờ tự mình đốt pháo, thế mà hôm nay ông đã châm lửa đốt pháo. Khuôn mặt sắp chết của ông nở nụ cười thanh thản. Tối hôm ấy Chủ tịch Mao và tốp nhân viên phục vụ ông đốt rất nhiều pháo. Sáng hôm sau, người ta dùng xe tải 301 chở xác pháo đi.
Tóm lại, nhân dân không thể nào chịu đựng được nữa, dù là người biết sự thật hay không biết. Tháng Tư, cuộc chiến đấu quyết tử bắt đầu. Một lần nữa, quảng trường Thiên An Môn lại trở thành ngôi sao sáng. Dường như người dân toàn Trung Quốc đều đã kéo tới quảng trường này. Tại đây, những người ông của họ từng kịch chiến chặn đoàn ngựa của bọn quân phiệt. Những người cha của họ từng tới đây vui mừng chào đón ngày thành lập nước cộng hòa. Bản thân họ từng đến quảng trường này, khóc sướt mướt thề trung thành với Cách mạng Văn hóa. Nhưng bây giờ họ chống lại cuộc cách mạng ấy.
Mấy hôm đó, Mao Trạch Đông chăm chú theo dõi tình hình Quảng trường Thiên An Môn. Ông cùng nhịp thở, chung số phận với Quảng trường. Cho dù ông đã gần đất xa trời nhưng điều đó không ngăn cản ông nắm tình hình Quảng trường. Sau này Hoa Quốc Phong có nói gì đây, rằng Giang Thanh, Mao Viễn Tân che giấu lừa dối Chủ tịch Mao. Hoa Quốc Phong nói thế là có ý đồ riêng mà thôi. Chẳng ai có thể che giấu lừa dối nổi Chủ tịch, trừ Lâm Bưu.
Hồi ấy Mao Trạch Đông có tâm trạng rất nặng nề. Trước đây Quảng trường thuộc về ông. Bây giờ nó không thuộc về ông nữa. Mao buồn bã hiểu được rằng tuần trăng mật của mình với Quảng trường đã chấm dứt, ông không còn là người trong Quảng trường Thiên An Môn. Ông cố sức ở lại, nhưng Quảng trường không còn thu nhận ông nữa. Nó vứt bỏ ông rồi.
Hôm ấy, khi Mao Viễn Tân đọc cho Mao Trạch Đông nghe bài thơ bị Bộ Công an xác định là bài thơ phản cách mạng số 001, mặt ông tái nhợt.
Dục bi văn quỷ khiếu,
Ngã khóc tài lang tiếu,
Sái lệ tế hùng kiệt,
Dương mi kiếm xuất sáo.
Tạm dịch ý: “Muốn buồn nghe quỷ kêu/ Ta khóc, lang sói cười/ Rơi lệ tế hùng kiệt/ Ngước mắt tuốt gươm ra”.[2]
Mao Viễn Tân vừa đọc vừa liếc nhìn ông chú mình, chỉ sợ ông lên cơn thịnh nộ. Nhưng ông không nổi giận mà nặng nề thở một hơi dài rồi gục đầu xuống. Mấy sợi tóc bạc lơ thơ không che nổi cái đầu đã hói nhẵn. Có đến mấy chục phút ông gục đầu như thế không nói một lời. Mao Viễn Tân tưởng chú mình đã ngủ bèn khẽ quay người định đi ra, ai ngờ ông chú bỗng dưng mở miệng: “Rơi lệ hay là rơi máu?” “Rơi lệ.”
Khi viết “Giản báo” [Báo cáo ngắn], Diêu Văn Nguyên [một thành viên trong Bè Lũ Bốn Tên] lập tức sửa câu đó thành “ Rơi máu tế hùng kiệt”.
Đêm khuya ngày 5 tháng Tư, đại binh xuất quân, một trận quét sạch Quảng trường Thiên An Môn. Lại một lần nữa Quảng trường ngập máu tươi. Vương Hồng Văn ngồi trong Đại lễ đường nhân dân chỉ huy cuộc tàn sát này.
Sau khi dọn dẹp xong chiến trường, Vương hớn hở đến Trung Nam Hải gặp Mao Trạch Đông. Chủ tịch mặc quần áo ngủ đang nằm trên giường đọc “Hồng Lâu Mộng”.
Vương Hồng Văn nói: “Thưa Chủ tịch, chúng ta thắng rồi!”
Trái ngược với thần sắc mừng rỡ của Vương Hồng Văn, khuôn mặt Mao Trạch Đông đầy vẻ sầu muộn. Ông đang đọc đến đoạn Bảo Ngọc thành hôn với Bảo Thoa. Lâm Đại Ngọc một mình nằm trên giường lắng nghe tiếng đàn sáo tưng bừng từ phía xa vẳng lại, chắc hẳn cô cũng tưởng tượng ra cảnh tình nhân của mình giờ này đang làm tình với kẻ khác, nghĩ đến chuyện ấy, lòng cô đau như cắt. Vốn là người mềm yếu thấy hoa rụng cũng khóc, thế mà lúc này mắt Đại Ngọc lại ráo hoảnh, cô nói: “Bảo Ngọc, ní hảo……”. Không có đoạn viết tiếp.
Vương Hồng Văn oang oang kể lại trận kịch chiến trên Quảng trường Thiên An Môn, miệng bắn nước bọt tung tóe. Mao Trạch Đông vẫn nằm như cũ, không ngẩng đầu lên. Vương Hồng Văn báo cáo xong, chờ đợi vị Thầy dẫn đường của mình khen ngợi. Chẳng ngờ Mao Trạch Đông nói: “Đại Ngọc nói: ‘Bảo Ngọc, ní hảo [chào anh]……’, hảo cái gì thế? Đây thật là bí ẩn muôn đời. Ní hảo cái lòng lang dạ thú ư? Ní hảo hao [anh gắng mà] chiều Bảo Thoa ư? Anh không trông nom việc nhà ư?……”
Vương Hồng Văn tiu nghỉu. Mao Trạch Đông hoàn toàn chẳng nhìn Vương Hồng Văn, mà tiếp tục lúng búng trong miệng: “Ní hảo hao [anh gắng mà] ngủ ư? Ní hảo [anh thật] khổ ư? Anh thật khổ…… Anh thật khổ? À, đúng rồi, là câu: Anh thật khổ. ……”
Ngày mồng 6 tháng Tư, Bộ Chính trị họp, xác định sự kiện Thiên An Môn là bạo loạn phản cách mạng. Mao Trạch Đông tay run rẩy viết lời phê duyệt: “Sĩ khí hăng hái lớn, tốt! Tốt! Tốt! Một Thủ đô, hai Thiên An Môn, ba đốt đánh, tính chất đã thay đổi rồi.”[3]
Tối hôm ấy ông ốm. Sốt. Ho, đờm có máu. Ông bảo mọi người sĩ khí hăng hái lớn mà sĩ khí của ông thì không gượng dậy nổi. Hôm ấy do tâm trạng chán chường, ông nói nhiều nhất đến cái chết. Vương Hồng Văn đến thăm ông, ông hỏi người kế vị trẻ tuổi này: “Sau khi tôi chết rồi, Trung Quốc sẽ xảy ra chuyện gì?”
Trước đây một năm, ông từng hỏi Vương Hồng Văn và Đặng Tiểu Bình cùng một vấn đề như vậy. Vương trả lời: “Toàn Đảng sẽ tự giác thi hành đường lối cách mạng của Chủ tịch Mao, tiến hành cách mạng đến cùng.” Đặng ồm ồm nói: “Quân phiệt hỗn chiến.” Mao Trạch Đông tán thưởng câu nói của Đặng.
Lúc này Vương Hồng Văn ngớ người ra một lúc, rồi chớp lấy cái khôn lỏi của Đặng Tiểu Bình, Vương khẽ trả lời: “Quân phiệt hỗn chiến”.
Mao Trạch Đông lườm Vương một cái: “Nói bậy nào.”
Trương Ngọc Phượng cho ông uống thuốc. Ông vuốt ve tay cô: “Bác kể cho cháu nghe câu chuyện này. Hôm ấy ở Diên An trời mưa có sấm sét. Ông Chủ tịch huyện bị sét đánh chết. Bà con bảo nhau, sét đánh không chết Mao Trạch Đông. Bác rút ra một kết luận: sét đánh bác không chết nhưng bệnh tật thì có thể đánh chết bác.” Trương Ngọc Phượng đưa thìa thuốc vào miệng ông. Miệng ông run lập cập, thuốc rớt ra ngoài.
Tối hôm ấy Mao Trạch Đông muốn xem phim. Trương Ngọc Phượng lấy từ Văn phòng Trung ương về một bộ phim mới “Cuộc chiến đấu khó quên”. Hôm nay Mao Trạch Đông ốm, cho nên người ngồi bên cạnh ông là cô Y tá trưởng của Phòng khám bệnh Trung Nam Hải. Đoạn mở đầu phim có cảnh Giải phóng quân giải phóng được một thành phố, quân đội xếp hàng tiến vào. Dân chúng tay cầm những lá cờ nhỏ đứng hai bên đường chào đón. Bỗng dưng Y tá trưởng cảm thấy có một luồng hơi ẩm thoảng qua. Cô nhìn Mao Trạch Đông và giật mình. Hai dòng nước mắt lóng lánh hiện lên trên khuôn mặt ông. Mao Chủ tịch khóc rồi! Y tá trưởng để ý thấy nước mắt ông tiếp tục trào ra. “Chủ tịch sao thế ạ?” – cô hỏi.
Trên màn ảnh hiện lên cảnh một đám học trò đem những bọc cơm nhỏ tặng các chiến sĩ Giải phóng quân. Mao Trạch Đông chỉ lên màn ảnh hỏi Y tá trưởng: “Cháu có mặt trong đám học trò này không đấy?” Ông biết rằng hồi mới giải phóng, Y tá trưởng là học sinh Thượng Hải. Đúng là năm ấy cô cũng đứng trong đoàn người ra đường hoan nghênh bộ đội ta. Mao Trạch Đông hỏi thế làm Y tá trưởng bỗng dưng chẳng biết vì sao cảm thấy trong lòng xót xa, nước mắt vỡ òa ứa ra. Cô gật gật đầu: “Thưa vâng, cháu có ở đấy ạ.”
Mao Trạch Đông cũng gật gật đầu. Hơi ẩm từ khuôn mặt ông tỏa ra càng nhiều hơn. Xa một chút vẳng lên tiếng thút thít, đó là Trương Ngọc Phượng. Các nhân viên phục vụ khác cùng khóc theo. Những giọt nước mắt của Mao Trạch Đông đã truyền cảm cho mọi người. Ngược lại, tiếng khóc của họ lại truyền cảm cho ông.
Mao Trạch Đông, bàn tay sắt thống trị Trung Quốc mấy chục năm nay, khi vợ con chết ông đều chưa hề nhỏ một giọt nước mắt, thế mà bây giờ lại thút thít khóc thành tiếng. Mỗi lúc càng không thể kiềm chế mình, ông lấy tay bưng mặt, nước mắt chảy qua kẽ tay rơi xuống. Tiếng khóc vang lên khắp gian phòng. Buổi chiếu phim không thể tiếp tục được nữa. Trương Ngọc Phượng và Y tá trưởng dìu Mao Trạch Đông đi ra…..
Thượng Đế dùng một chữ “sinh” để trưng bày tác phẩm của mình, sau đó dùng một chữ “Tử” thu về tất cả. Nửa năm sau sự kiện Thiên An Môn, Mao Trạch Đông từ giã cõi đời.
Lưu Á Châu sinh 1952, hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc, Ủy viên Trung ương ĐCSTQ khóa XVIII, Thượng tướng, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, con rể cựu chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm, có quan điểm phê phán Khổng Tử và Mao Trạch Đông.
Hình: Người dân tưởng niệm Chu Ân Lai trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1976.
Nguồn: Ba bài viết của Thượng tướng Lưu Á Châu làm rúng động lòng người Trung Quốc: Phác họa chân dung Mao, Lưu, Chu. Bài một:  “Chứng nhân của quảng trường”. 刘亚洲上将令人震撼的三篇文章:写意毛刘周 – 《广场的见证》
—————
[1] Từ Hán-Việt là ngoạn thâm trầm; từ này không có trong từ điển. Tạm hiểu là đùa cợt với sự thâm trầm. Người thâm trầm là người sắc sảo, rất hiểu biết nhưng kín đáo. Kẻ chơi trò thâm trầm là kẻ tư tưởng nông cạn nhưng lại tỏ ra sâu sắc, kém hiểu biết nhưng lại tỏ ra rất hiểu biết. Có học giả Trung Quốc nói thâm trầm là một trong 4 đặc trưng lớn của dân tộc Trung Quốc. Năm 1966, Mao Trạch Đông phát động Cách mạng Văn hóa, tưởng rằng đó là hành động có ý nghĩa thâm sâu, nhưng thực ra là nông nổi, ấu trĩ, ngạo mạn khinh đời.
[2] Dịp tiết Thanh minh 1976, mỗi ngày cả triệu dân kéo đến Quảng trường Thiên An Môn dâng hoa, đọc thơ, dán báo chữ lớn tỏ lòng thương tiếc Chu Ân Lai và chửi rủa chính quyền trong tay “Bè Lũ Bốn Tên” chống Chu Ân Lai. Ngày 5/4/1976, thanh niên Vương Lập Sơn đọc rồi dán thơ này lên Đài Liệt sĩ, dân chúng chép truyền tay nhau. Đại ý: Nhân dân đang đau buồn thương tiếc Thủ Tướng, bỗng nghe thấy “lời ma quỷ kêu” (tức tiếng loa phóng thanh yêu cầu giải tán biểu tình). Dân khóc thương, bọn lang sói Bè Lũ Bốn Tên thì hả hê cười. Dân rơi lệ tưởng niệm người anh hùng hào kiệt Chu Ân Lai. Hãy đứng lên đánh đổ chính quyền này. Câu thơ bị Bè Lũ Bốn Tên dựng thành “Vụ án phản cách mạng số 001”, đưa lên báo Nhân Dân và đài phát thanh, ra lệnh truy nã tác giả. Vương Lập Sơn trốn đi. Sau khi Bè Lũ Bốn Tên bị lật đổ, Vường Lập Sơn  được nêu tên là Thanh niên gương mẫu. Năm 2010 báo Trung Quốc có đăng bài phỏng vấn Vương Lập Sơn.
[3] Liên lạc viên Mao Viễn Tân (cháu ruột Mao Trạch Đông) mang Lời phê do Mao viết đưa cho Bộ Chính trị và giải thích: Chủ tịch Mao chỉ thị: Thủ đô, quảng trường Thiên An Môn đã xảy ra tình trạng [dân chúng biểu tình] đốt phá, đánh [đánh lại lực lượng đàn áp], các hoạt động ở đây đã có tính chất phản cách mạng. Trong bài này Lưu Á Châu muốn nói Mao đồng ý vụ đàn áp đẫm máu này, trái với quan điểm chính thống ở Trung Quốc (tránh phê bình Mao, mọi sai lầm của Cách mạng Văn hóa và vụ đàn áp 5/4/1976 đều đổ tội lên đầu Bè Lũ Bốn Tên).
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/09/28/mao-trach-dong-bien-co-thien-an-mon-1976/#sthash.txU8jmH7.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang