Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Mã Hiểu Hồng, cầu nối quan trọng trong giao dịch ngầm Trung – Triều, đã bị bắt


Mã Hiểu Hồng – Chủ tịch công ty Hồng Tường Liêu Ninh, bởi nghi có dính líu đến buôn lậu vật liệu phát triển vũ khí hạt nhân cho Triều Tiên đã bị bắt, dấy lên sự quan tâm theo dõi của các giới truyền thông cả trong và ngoài nước Trung Quốc.

mã hiểu hồng, hồng tường liêu ninh, Chu Vĩnh Khang,
Mã Hiểu Hồng được coi là cầu nối quan trọng trong các giao dịch ngầm với Triều Tiên. (Ảnh: Internet)
Giới truyền thông Nhật Bản cho hay, Mã Hiểu Hồng có quan hệ mật thiết với ông Jang Sung-taek – nhân vật quan trọng số 2 của Triều Tiên, đã từng là “cầu nối” quan trọng trong giao dịch của ông Jang ở Trung Quốc.
Trang web Yomiuri.co.jp của Nhật Bản ngày 22/9 đã trích dẫn thông tin từ một nhân sĩ thạo tin cho rằng, với tư cách từng là đối tác mậu dịch Trung – Triều của ông Jang Sung-taek ở Trung Quốc, Mã Hiểu Hồng đã không từ thủ đoạn thông qua mua bán than đá mà kiếm được bộn tiền phi nghĩa.
Năm 2013, ông Jang Sung-taek bị người cháu của mình là Kim Jong-un – Ủy viên trưởng đảng Lao động Triều Tiên xử tử, rất nhiều xí nghiệp Trung Quốc đã mất đi con đường mậu dịch với Triều Tiên, nhưng bên phía Triều Tiên vẫn luôn duy trì mối quan hệ thương mại với Mã Hiểu Hồng.
Nhân sĩ thạo tin này còn cho biết, khi phía Mỹ đưa ra chứng cứ liên quan với phía Trung Quốc vào tháng trước, lãnh đạo phía Trung Quốc biểu hiện rõ ràng cơn thịnh nộ, mặt biến sắc tựa như “không còn giọt máu”, lập tức lệnh cho bộ công an bắt giữ Mã Hiểu Hồng. Ngoài ra, Mã Hiểu Hồng còn bị tình nghi theo nghề gián điệp.
Ngày 19/9, Trung tâm nghiên cứu chính sách Á Châu tại Hàn Quốc và Trung tâm nghiên cứu quốc phòng tại Washington công bố một bản báo cáo, từ năm 2011 đến 2015, công ty Hồng Tường và Bắc Triều Tiên đã trao đổi tổng giá trị lên tới 532 triệu USD.
Theo dữ liệu hải quan tổng hợp từ các nhà cung cấp thuộc bên thứ ba, công ty công nghiệp Hồng Tường đã cung cấp cho Bắc Triều Tiên Aluminum oxide. Chỉ trong tháng 9/2015, công ty này đã xuất khẩu sang Triều Tiên lượng aluminum oxide với giá trị hơn 250.000 USD. Vật liệu này được dùng để chế tạo lò quay ly tâm, một bước vô cùng quan trọng để làm giàu Uranium.
Ngày 15/9, trên trang Weibo của cục công an tỉnh Liêu Ninh đăng tải thông tin, các hoạt động thương mại của Hồng Tường trong một thời gian dài bị nghi ngờ là “tội phạm kinh tế nghiêm trọng”và đã bị công an Liêu Ninh tiến hành điều tra. Tài sản của công ty và Mã Hiểu Hồng cùng người thân đã bị đóng băng.
Mã Hiểu Hồng trước đây là một nhân viên tạm thời của một công ty bách hóa, tháng 1/2000 đã thành lập công ty Hồng Tường, từ đây đã bắt đầu 17 năm mậu dịch biên giới Trung – Triều. Về sau xí nghiệp này đã phát triển thành tập đoàn doanh nghiệp Hồng Tường Liêu Ninh, có 6 công ty gia đình, tổng số vốn lên đến trên hàng trăm triệu nhân dân tệ, với hơn 680 nhân viên. Trên trang web của công ty này còn xưng là “cầu nối vàng kết nối Triều Tiên và thế giới”.
Vì vậy, Mã Hiểu Hồng được xem là “người phụ nữ giàu có nhất vùng Đan Đông”. Năm 2013, Mã Hiểu Hồng được bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh Liêu Ninh, tuy nhiên tháng 9/2016, Mã Hiểu Hồng do dính líu vào vụ việc hối lộ mua phiếu bầu nên đã từ chức.
Ông Chu Hiểu Huy – bình luận viên thời sự chính trị, cho rằng với năng lực của xí nghiệp tư nhân của Mã Hiểu Hồng, nếu như không có thế lực lớn mạnh chống lưng đằng sau thì không thể tạo dựng quan hệ với chính phủ và quân đội Triều Tiên, cũng không thể mua và xuất khẩu vật liệu cấm của chính phủ.
Ông cho biết, Chu Vĩnh Khang – cựu Thường ủy phe cánh Giang Trạch Dân, từng nhậm chức chủ nhiệm Ủy ban Chính trị Pháp luật, kiêm bộ trưởng Bộ Công an luôn ủng hộ thế lực nhà họ Kim ở Triều Tiên, đồng thời thông qua “tiếp máu” cho Triều Tiên để giúp họ khiêu khích gây hấn trên chính trường quốc tế, tạo nên cục diện khó khăn cho Tập Cận Bình.
Vì vậy, Chu Vĩnh Khang cùng với tay chân ở Đan Đông, Liêu Ninh rất có khả năng là trợ thủ sau lưng việc xuất khẩu cấm phẩm sang Triều Tiên của công ty Hồng Tường. Vụ việc này giờ đây đã gây chấn động chốn quan trường Liêu Ninh, và có thể khiến chốn quan trường tỉnh Liêu Ninh lại một phen dậy sóng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những ông lớn Nhà nước là “vua tiền mặt” gửi ngân hàng lấy lãi


Tiền mặt là vua khi để phòng vệ nguy cơ bất ổn, nhưng cũng thể hiện sự bế tắc khi nắm giữ dài hạn trong vị thế một doanh nghiệp... BẠCH DƯƠNG Tiền mặt là vua - được cho là một cách ví von nói về sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy tính hai mặt của vấn đề. Hiện rất nhiều doanh nghiệp Việt nắm giữ một khối lượng lớn tiền mặt và được gửi vào ngân hàng lấy lãi định kỳ.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước đem 
lượng tiền lớn gửi ngân hàng, thu lãi lớn. 
Đua đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi
Nếu có cuộc chạy đua nắm giữ tiền mặt trong giới doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) chắc chắn giành vị trí quán quân. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 vừa được công bố, PetroVietnam có gần 102.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó có khoảng 25.273 tỷ đồng tiền mặt không kỳ hạn, 76.343 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngắn hạn hoặc khoản tương đương tiền của PetroVietnam có thời hạn thu hồi gốc kỳ hạn 3 tháng tại các ngân hàng thương mại. 

Nhờ khoản tiền khổng lồ gửi ngân hàng mà năm 2015, lãi tiền gửi, tiền cho vay của Petro Vietnam lên tới gần 7.000 tỷ đồng.

Một trường hợp khác, là một doanh nghiệp sản xuất, tuy nhiên Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang nắm giữ một lượng lớn tài sản là tiền mặt gửi tại các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2016, Sabeco có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 -6,2% một năm. Trong đó, có khoản 1.165 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn trên 3 tháng, hưởng lãi suất 6,2-7,2% một năm.

Nếu so với tổng tài sản 18.130 tỷ đồng, lượng tiền mặt nắm giữ đã vượt 45%. Với lượng tiền mặt lớn, doanh thu tài chính bán niên của công ty đã đạt 678 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận sau thuế của hãng bia lớn nhất Việt Nam này.

Tương tự, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng nắm giữ hơn 3.200 tỷ đồng tiền mặt. Trong đó tiền gửi ngân hàng kỳ hạn và không kỳ hạn gần 2.300 tỷ đồng.

Ở góc nhìn khác, là doanh nghiệp đại diện đi đầu tư vốn cho Nhà nước nhưng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lại đem một lượng tiền lớn gửi ngân hàng lấy lãi. Cụ thể, tính đến 31/12/2015, SCIC có khoảng gần 25.000 tỷ đồng gửi ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, lượng tiền mặt lớn được công ty đem đầu tư vào các trái phiếu, cho vay lại. Khoản tiền gửi ngân hàng lớn này cũng đem lại hơn 1.000 tỷ đồng tiền lãi cho SCIC trong năm 2015.

Tính đến hết tháng 6/2016, lượng tiền mặt gửi ngân hàng của SCIC vẫn ổn định trên mức 25.000 tỷ đồng. Dự kiến, số lãi trong bối cảnh ngân hàng chạy đua lãi suất sẽ được tăng lên. Năm 2016, SCIC vẫn đặt mục tiêu thu lãi tiền gửi ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản tiền mặt nắm giữ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ngày càng có xu hướng tăng. Tính đến cuối tháng 6, VNPT nắm giữ hơn 5.344 tỷ đồng, tăng hơn 121 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi mức tiền mặt của cuối năm 2014 đạt khoảng 4.270 tỷ đồng. Do đó, Tập đoàn ghi nhận doanh thu tài chính bán niên lên tới 415 tỷ đồng.

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tại thời điểm cuối năm 2015, cũng nắm giữ khoảng 2.896 tỷ đồng tiền mặt. Chủ yếu các khoản tiền được gửi tại Vietcombank. Đây chủ yếu là khoản tiền của Quỹ hỗ trợ cổ phần hoá doanh nghiệp để lại để sắp xếp tái cơ cấu tổng công ty. Lãi tiền gửi năm 2015 được ghi nhận là 86 tỷ đồng.

Một số công ty khác trên sàn chứng khoán cũng nắm giữ một lượng tiền mặt lớn. Chẳng hạn như Tập đoàn Bảo Việt (BVH) là một công ty khá linh hoạt trong việc nắm giữ tiền mặt. Ở những thời điểm bất ổn về kinh tế, công ty thường nắm giữ lượng lớn tiền mặt và tăng đầu tư khi thị trường tài chính dần tốt lên.

Tính đến tháng 6/2016, Bảo Việt có khoảng 16.000 tiền mặt và tiền gửi tại các ngân hàng, giảm đáng kể so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Lãi tiền gửi khoảng 532 tỷ đồng, giảm khoảng 90 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tiền mặt là vua hay bế tắc kênh đầu tư?

Việc nắm giữ một lượng lớn tiền mặt giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong các quyết định, chớp lấy thời cơ, giành lợi thế trên thị trường. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế dự báo sẽ còn nhiều biến động, những cú sốc có thể bất ngờ ập đến, nhiều tiền sẽ giúp doanh nghiệp phòng vệ tốt hơn.

Trong một cuộc họp mới đây với VnEconomy, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, cho biết việc các doanh nghiệp nắm giữ lượng lớn tiền mặt thể hiện chiến lược đầu tư của từng công ty. Theo đó, khi người đứng đầu công ty nhận thấy thị trường bất ổn, đem tiền đi đầu tư không thể mang lại lợi nhuận, thậm chí nguy cơ thua lỗ, rủi ro cao nên gửi ngân hàng tạm thời.

Đến khi thị trường bất động sản ấm lại, kênh đầu tư vàng, đôla, chứng khoán…có tín hiệu tốt, lãnh đạo doanh nghiệp có thể đem nguồn tiền đầu tư sinh lời.

Tất nhiên, người lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần có đầu óc, nhanh nhạy nắm bắt chu kỳ của thị trường để đầu tư hiệu quả. Ngay cả lúc thị trường tốt, tài chính sôi động vẫn có những công ty thua lỗ.

''Vua tiền mặt" là khái niệm được nhắc nhiều đến khi thế giới chìm trong nợ nần, thị trường tài chính bất ổn. Điều này thể hiện sự khôn ngoan của giới đầu tư biết lúc nào nên tìm đến nơi trú ẩn là giữ tiền.

Tuy nhiên, việc giữ tiền mặt trong túi cũng đầy rủi ro khi tỷ giá, lạm phát tăng cao… Đặc biệt, việc giữ tiền mặt lớn triền miên năm này qua năm khác lại thể hiện việc bế tắc trong kênh đầu tư mới.

Lãnh đạo một doanh nghiệp nhà nước khi được hỏi về lượng tiền lớn gửi ngân hàng cho biết đây là nguồn tiền nhàn rỗi khi chưa có kênh đầu tư khả thi nên chọn gửi tại một vài ngân hàng thương mại có lãi suất cao. Nguồn tiền này đóng vai trò dự phòng cho doanh nghiệp khi có dự án, cơ hội đầu tư đến có thể triển khai ngay.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng thừa nhận việc đầu tư và làm gia tăng vốn nhà nước ai cũng muốn nhưng nhiều khi không được như mong đợi. Trong bối cảnh để tiền trong túi còn rủi ro thì việc nghiên cứu chiến lược đầu tư mới, đầu tư vào cái gì luôn khiến các lãnh đạo đau đầu nhất.


http://vneconomy.vn/doanh-nhan/nhung-ong-lon-nha-nuoc-la-vua-tien-mat-gui-ngan-hang-lay-lai-2016092605142967.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRẦN TIẾN LÚC KHÔNG NGẪU HỨNG

Thiếu Nhơn
 




Nhạc sĩ Trần Tiến vừa có một cuốn sách. In đẹp, giá bìa 148 ngàn đồng cũng xứng đáng. Trừ hai phần “Đối thoại” và “Viết về Trần Tiến” chỉ mang tính báo chí phụ lục, ba phần “27 khúc ngẫu hứng văn xuôi”, “Du ca” và “Lưu ảnh ký” ít nhiều phác thảo được chân dung Trần Tiến.
Cuộc đời Trần Tiến nhiều phóng túng và nhiều trải nghiệm. Chỉ cần ghi lại chân thật cũng đã đủ hấp dẫn độc giả. Tuy chưa đạt đến tầm sâu sắc hoặc đáo để, nhưng Trần Tiến viết có duyên!
Đáng tiếc, trong “Ngẫu hứng”, Trần Tiến ít chịu đề cập đến giai đoạn cực kỳ quan trọng của anh, đó là thời đổi mới. Khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố "cởi trói" với hiệu lệnh “chống lại sự im lặng đáng sợ”, giới văn chương hưởng ứng nồng nhiệt còn giới âm nhạc thản nhiên như không. Cũng khó trách, giới âm nhạc vốn quen bổng trầm du dương, cốt thỏa mãn những cái lỗ tai luôn thèm thuồng khoái cảm vuốt ve mơn trớn. Trần Tiến là nhạc sĩ duy nhất xuất hiện trong những năm cao trào thức tỉnh ấy, với tác phẩm tiêu biểu “Trần trụi 87”.
Không dừng lại ở quan sát “Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga. Bạn tôi lang thang trên đường phố Mỹ. Bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương”, Trần Tiến giục giã: “Ðừng hát, xin đừng mãi ngợi ca, những lời hát nhàm chán ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh, mà quên đi áo cơm và hoa hồng”.
Đã gần 30 năm trôi qua, “Trần trụi 87” vẫn còn nguyên giá trị: “Tôi đã thấy bạn tôi lao công trên đường phố Nga. Bạn tôi xây bao công trình cho Mỹ. Người Việt tài năng lang thang nơi đâu, xa dấu quê nhà. Anh có đau không?”. Có lẽ nhiều tri thức trùm chăn hôm nay, cũng phải xấu hổ khi nghe tâm tư thuở nào của Trần Tiến: “Hãy quay lại nhìn lại chính mình. Hãy quay lại nhìn rõ chính mình. Hãy quay lại nhìn về quê hương hôm nay. Anh có đau không?”.
Trần Tiến có nhiều ca khúc hay, nhưng khẳng định rõ nét bản lĩnh Trần Tiến chính là “Trần trụi 87”, hoàn toàn không ngẫu hứng mà chìm đắm giữa ngổn ngang âu lo lương thiện của một nghệ sĩ đích thực!
Dẫu chưa hài lòng với Trần Tiến ở chuyện nọ chuyện kia, nhưng chỉ cần nghĩ đến “Trần trụi 87” giăng mắc thao thức “người Việt nào giờ đây lo toan riêng tư, khôn quá hóa hèn”, thì tôi vẫn kính trọng anh như một nhạc sĩ lớn!
Phần nhận xét hiển thị trên trang

ÔI TRỜI!


Báo chí KÁCH MỆNH thời đổi mới !
.
"Clip Đôi nam nữ "mây mưa" ngay trên giường bệnh viện Hưng Yên" (gõ google), bao Báo ào ào đăng ... đàn !
Thảm họa Formosa đẩy hàng triệu dân miền Trung đến bế tắc mưu sinh và bệnh tật; nay 600 người dân Quỳnh Lưu (NA) vượt 200 km đến Kỳ Anh (HT) đưa đơn kiện Formosa một cách phù hợp với pháp luật; nhưng lẻ tẻ mới có Báo đưa tin !!??
Ôi, Báo chí KÁCH MỆNH !
Ôi, cái nghĩa "ĐỒNG BÀO" !
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những con đỉa của nền kinh tế


Nhàn Đàm 

MTG - Sẽ thật khó có thể tập trung hoàn toàn số vốn thu được từ việc bán hết cổ phần các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn để tái đầu tư vào nền kinh tế, khi mà chúng ta vẫn chưa thể có giải pháp triệt để đối với những dự án làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỉ và ngửa tay xin hỗ trợ từ phía Chính phủ như những con đỉa sống bám vào nền kinh tế.

Một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất xung quanh việc chính phủ thoái hết vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn như Vinamilk, Sabeco, Habeco,… là việc số tiền lên tới hàng tỉ USD thu về đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía chính phủ, dù mục tiêu cơ bản được định hình là sẽ được sử dụng để tái đầu tư vào nền kinh tế. Điều này có thể dẫn tới một mặt trái khác của khu vực kinh tế quốc doanh, đó là xu hướng ngày càng có nhiều DNNN thua lỗ và xin hỗ trợ về tài chính và cơ chế từ phía chính phủ để tiếp tục tồn tại. 

Sẽ có không ít người cảm thấy ngỡ ngàng trước khoản tiền mà chính phủ có thể thu về từ việc thoái hết vốn khỏi 10-12 DNNN lớn trong năm nay và đầu năm sau, theo dự kiến có thể lên tới hơn 10 tỉ USD. Nhưng sẽ có không nhiều người biết được rằng hiện có bao nhiêu DNNN và các dự án đầu tư của những doanh nghiệp này đang thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng và ngửa tay xin sự hỗ trợ về tài chính và cơ chế từ phía chính phủ.

Cứ mỗi ngày, mỗi tuần trôi qua cả xã hội lại biết thêm về hàng loạt những con số lên tới cả ngàn tỉ đồng có thể bị mất trắng trong những dự án đầu tư thuộc đủ mọi lĩnh vực của nhiều DNNN. Những trường hợp điển hình nhất có thể kể đến dự án Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy sơ xợi Đình Vũ hay gần đây nhất là dự án Đạm Ninh Bình. Điểm chung của tất cả những dự án này là số tiền đầu tư khủng, nhưng nhanh chóng thua lỗ chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động hoặc thậm chí còn không thể đi vào hoạt động do chưa hoàn tất xây dựng, và giờ đây đều đang nài nỉ sự hỗ trợ từ phía chính phủ về vốn và cơ chế để tiếp tục tồn tại một cách vật vờ.

Chỉ tính riêng những con số thất thoát và thua lỗ tại một vài dự án điển hình kể trên, cũng đã là một số tiền khổng lồ cho hậu quả mà những con đỉa cỡ bự này gây ra. Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO) có vốn đầu tư lên tới 8.100 tỉ đồng hiện vẫn chưa thể đi vào vận hành và có nguy cơ biến thành một đống sắt vụn, Nhà máy sơ xợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương 7.000 tỉ đồng) và tính đến thời điểm giữa tháng 7.2016 thì tổng mức lỗ lũy kế đã lên tới hơn 3.000 tỉ đồng (theo Baodautu).

Điều tương tự cũng diễn ra đối với Nhà máy Đạm Ninh Bình, dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới 667 triệu USD (tương đương gần 15.000 tỉ đồng), nhưng kể từ khi đi vào hoạt động cho đến cuối tháng 6.2016 nhà máy đã lỗ tổng cộng gần 2.700 tỉ đồng, còn nợ tính đến cuối năm 2015 là hơn 8.300 tỉ đồng (theo CafeF). Tổng vốn đầu tư và mức thua lỗ của ba dự án điển hình này cũng đã lên tới trên 1 tỉ USD, chưa kể các khoản nợ lũy kế mà ngân sách vẫn đang phải còng lưng ra trả, do hầu hết các dự án này đều thuộc các DNNN lớn và phần lớn đều nằm trong diện được chính phủ bảo lãnh.

Sự hỗ trợ mà các dự án này muốn xin cũng muôn hình vạn trạng, nhưng đều hướng tới một mục tiêu chung duy nhất, đó là níu kéo sự tồn tại của dự án bằng cách hà hơi tiếp sức về vốn và cơ chế như những liều thuốc tăng lực thay vì nhìn thẳng vào nguyên nhân của sự thất bại và thua lỗ.

Trong trường hợp của Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO), lý do được doanh nghiệp này đưa ra bào chữa cho việc chậm hoàn thành và vốn đầu tư tăng lên so với dự kiến là vì thiếu vốn. Nhưng, ngoài việc xin cấp thêm vốn để hoàn thành dự án, thì doanh nghiệp này cũng không quên xin thêm được miễn giảm một số loại thuế, miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian vay ở các ngân hàng, áp dụng hình thức chỉ định thầu,… (theo Dantri).

Việc một nhà máy vẫn đang trong quá trình thi công và chưa đi vào hoạt động đang phải xin cấp thêm vốn lại đòi hỏi những ưu đãi về miễn giảm thuế có thể xem là một điều bất thường, cho thấy ngay cả doanh nghiệp cũng không tự tin về hiệu quả kinh tế của dự án kể cả khi được tiếp thêm vốn để hoàn tất thi công và đi vào hoạt động.

Điều tương tự cũng diễn ra trong hai dự án đình đám còn lại là Nhà máy xơ sợi Đình Vũ và Đạm Ninh Bình, dù có sự khác biệt nhất định về nội dung xin hỗ trợ. Trong trường hợp xơ sợi Đình Vũ, doanh nghiệp này ngoài yêu cầu được miễn giảm một số loại thuế và chi phí năng lượng, thì còn đòi hỏi buộc các doanh nghiệp dệt may trong nước phải tăng mua sản phẩm của nhà máy, đồng thời đề xuất Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu và hạn ngạch đối với sản phẩm xơ sợi polyester nhập khẩu, dù công ty này cũng thừa nhận rằng những đề xuất như trên hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước (theo Tuoitre).

Trường hợp của Đạm Ninh Bình bớt quá đáng hơn một chút, khi chỉ đề xuất được giãn nợ và được phép áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm Ure nhằm hạn chế nhập khẩu giá rẻ vốn là nguyên nhân trực tiếp gây lỗ lớn cho dự án trong thời gian vừa qua (theo CafeF).

Điểm chung của các dự án thua lỗ ngàn tỉ kể trên là không thể tự mình tồn tại và đều hoạt động do sự yếu kém về công nghệ, tính toán sai lầm về giá cả, phương thức hoạt động, dẫn đến sản phẩm có chất lượng kém nhưng giá thành lại quá cao, không thể cạnh tranh độc lập trên thị trường. Nó dẫn tới việc các dự án này đều đòi hỏi những ưu đãi theo kiểu “không công bằng”, thay vì xin những hỗ trợ cần thiết cải thiện công nghệ và sản xuất để đảm bảo sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh độc lập trên thị trường, thì những dự án này đều xin những ưu đãi về thuế để giảm giá thành sản phẩm của mình theo một cách không lành mạnh, thậm chí xin áp hạn ngạch nhập khẩu để hạn chế bị cạnh tranh.

Nếu không nhanh chóng có những biện pháp loại bỏ những con đỉa khổng lồ này, thì dù nhà nước thu được bao nhiêu tiền từ việc thoái hết vốn khỏi các DNNN lớn cũng sẽ là vô nghĩa. 

Thủ tướng đã kiên quyết không tiếp thêm vốn và hỗ trợ cho dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhưng quan trọng hơn là cần làm điều tương tự với tất cả những dự án thuộc diện ký sinh tương tự trong nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Siêu cổng nhưng để làm gì và sẽ chào đón ai?


Anh Đào

LĐO - Một rơ móc giáo dục từ vỡ lòng cho đến tiến sĩ; một "Siêu cục trưởng" với vợ, 3 em ruột, 2 em vợ, 3 em chú... đều là các “đồng chí” trong ngành và một siêu cổng chào ngót 200 tỉ, thưa bạn đọc, các siêu công dân!

Hết 1.000 tấn thép, chi phí 198 tỷ đồng- Những con số “nức lòng” cho “siêu cổng chào” tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị khánh thành.

Siêu ĐH Hà Tĩnh, sẽ đào tạo cả mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, CĐ, ĐH, thạc sĩ và cả… tiến sĩ.

Siêu Cục trưởng Cục thuế Quảng Bình, vừa được bổ nhiệm ở nhiệm kỳ thứ 3, với vợ, 3 em ruột, 2 em vợ, 3 em chú...đều là các “đồng chí” trong ngành. Tất cả đều đúng quy trình.

Tôi đã đọc thấy tới 3 chữ siêu trong chỉ 1 buổi sáng hôm nay, thưa bạn đọc, thưa các siêu công dân sinh ra sẵn trên đầu 2 chữ “siêu nhẫn”.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thọ cho biết “nguồn giáo viên” của siêu ĐH Hà Tĩnh sẽ lấy giáo viên hiện tại đang giảng dạy đại học ở trường với lập luận “Thày của thày mà không dạy được trò nữa thì…”.

Còn nguồn sinh viên sẽ “tăng mục tiêu tuyển sinh ở ngoài nước để bù đắp cho tuyển sinh trong nước”. Chẳng hạn sinh viên Lào.

Ôi một rơ móc từ vỡ lòng cho đến tiến sĩ. Ôi một tầm cấp mới với những học sinh quốc tế sang một nền giáo dục hàng năm mất đến 3 tỉ USD du học sinh ra nước ngoài.

Chuyển sang “siêu Cục trưởng”. Hôm qua, ông lặp lại “style Hà Giang” rằng “mọi việc đều là đúng quy trình”. Rằng “Chẳng lẽ, anh em ở dưới tín nhiệm, làm quy trình lên mà mình không ký à".

Tôi mà được gặp vị siêu Cục trưởng tôi sẽ hỏi thêm ông có dẫn vợ đến... xin không bổ nhiệm? Ông có “mơ làm thầy giáo chứ có muốn làm quan chức đâu”!

Giờ sang cổng chào với một câu hỏi: Tóm lại, cổng chào có cần không?

Tôi tin ngay cả khách du lịch dừng chân chụp ảnh selfie cũng sẽ bảo rằng “Có cũng được mà không có cũng chẳng sao!”.

Tất nhiên, Quảng Ninh sẽ nói là biểu tượng, là hình ảnh, là xã hội hóa, là cần thiết, là ý nghĩa, là tầm vóc, là abc... Cái nào rồi cũng hợp lý. Quảng Ninh sẽ chống nạnh vì cái thế “top” nộp NSNN.

Nhưng  để tôi cho các bạn thêm một con số: Cuối 2015, Ba Chẽ, một huyện của Quảng Ninh hân hoan ăn mừng “một năm nhiều khởi sắc” với nổi bật là công tác thu ngân sách lần đầu tiên thu ngân sách đạt trên 15,6 tỷ đồng.

Có ai tính hộ, hơn 18.000 dân, với 30,74% hộ nghèo sẽ phải nai lưng trong bao nhiêu năm không ăn không uống mới đủ cho một cái siêu cổng chào như vậy?

Cổng chào ấy để làm gì và sẽ chào đón ai? 

Huống chi cái siêu ấy sẽ như một tiếng gáy để những con gà khác thấy “bực bực”, như một cái cớ để những người khác tin rằng “đâu cũng vậy, ai cũng như mình”.

Hãy cho chúng tôi biết ý kiến của mình, thưa những công dân Quảng Ninh, thưa các phụ huynh Hà Tĩnh, thưa các công chức Quảng Bình, thưa chúng ta, những người đóng thuế!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

DÂN KIỆN FORMOSA VÀ THẾ LƯỠNG NAN CỦA CHÍNH QUYỀN


Ảnh: Người dân Quỳnh Lưu đến nộp đơn kiện tại tòa án Kỳ Anh. FB Người Kỳ Anh.
 

FB Nguyễn Anh Tuấn
27-9-2016

Hôm qua hơn 600 cư dân Quỳnh Lưu, Nghệ An, với sự giúp đỡ của các luật sư đã đệ đơn khởi kiện Formosa ở Tòa án Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, nơi nhà máy của tập đoàn này trú đóng.

Diễn biến này là bước kế kiếp trong tiến trình đấu tranh pháp lý được khởi động từ gần một tuần trước đây với việc hơn 1000 hộ dân ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh gửi đơn kiến nghị trực tiếp đến Chính phủ và Quốc hội đòi được đền bù hơn 2000 tỷ đồng (gần 100 triệu USD) từ số tiền 500 triệu USD bồi thường từ Formosa cho những thiệt hại về vật chất, tinh thần và sức khỏe mà họ đã, đang và sẽ gánh chịu vì thảm họa cá chết hàng loạt mà tập đoàn này gây ra thời gian vừa qua.

Hơn 1000 hộ dân này, trong đơn của mình cũng đã đặt ra cho Chính phủ và Quốc hội thời hạn 2 tuần để giải quyết nguyện vọng của họ, trước khi họ tiến hành khởi kiện Formosa, tương tự như việc 600 cư dân Quỳnh Lưu vừa thực hiện.

Đấu tranh pháp lý không phải là lựa chọn đầu tiên của người dân các tỉnh miền Trung trong vụ việc này, song lại là lựa chọn khả dĩ duy nhất sau khi Chính phủ thất bại trong việc đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm đạt được công lý.

Việc từ bỏ tiến trình tư pháp để lựa chọn giải pháp đàm phán với Formosa dẫn đến con số đền bù vô căn cứ là 500 triệu USD đổi lại việc tập đoàn này được ở lại hoạt động, đang đặt Chính phủ trước tình thế tiến thoái lưỡng nan chưa biết sẽ đối phó như thế nào.

Đồng ý với mức đòi hỏi hỗ trợ của hơn 1000 hộ dân Kỳ Anh thì số tiền 500 triệu USD hẳn chưa đền bù nổi thiệt hại của một huyện ở Hà Tĩnh, chứ nói gì đến cả 4 tỉnh miền Trung.

Nhưng nếu không đồng ý thì người dân sẽ kiện Formosa ra tòa, và họ hoàn toàn có đầy đủ cơ sở pháp lý để làm điều đó.

Khi đó, nếu để tòa án hoạt động độc lập chắc chắn họ sẽ thụ lý đơn của người dân và khả năng rất cao là tuyên Formosa thua kiện, trước những chứng cứ rõ ràng về sai phạm của tập đoàn này thể hiện qua việc họ đã công khai nhận lỗi gây ra thảm họa cá chết.

Một phán quyết như vậy, đến lượt nó, sẽ kéo theo một cơn lũ đơn kiện đến từ hàng triệu người dân miền Trung khác đã, đang và sẽ chịu thiệt hại trực tiếp cũng như gián tiếp từ thảm họa cá chết, không chỉ trong lãnh vực ngư nghiệp mà còn bao gồm các ngành dịch vụ khác như lữ hành, lưu trú, ăn uống.

Khi đó Formosa lấy tiền đầu ra để bồi thường, khi mà chỉ riêng Quảng Bình tạm tính vài thàng vừa qua đã thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng? Bán cả nhà máy chưa chắc đã đủ.

Trái lại, nếu thao túng tòa án để không thụ lý đơn, chính quyền sẽ xuất hiện trước công chúng như một tổ chức bất chấp công lý và sự khốn khổ của người dân để bảo vệ đến cùng Formosa – thủ phạm gây ra chính sự khốn khổ đó.

Điều này không chỉ làm xói mòn tận gốc rễ tính chính danh chế độ mà còn kích động sự giận dữ của quần chúng, đặc biệt là nhân dân 4 tỉnh miền Trung, thứ mà đến lượt nó không biết sẽ dẫn đến chuyện gì.

Thế giải pháp ở đây là gì? Sẽ không thể có giải pháp cho chuyện này nếu chính quyền vẫn coi người dân, các tổ chức xã hội dân sự như kẻ thù lúc nào cũng có ý định ‘diễn biến hòa bình’. Vậy nên thôi không bàn đến giải pháp ở đây làm gì. 
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang