Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

LÀM SAO NGĂN ĐƯỢC ĐÀ SUY THOÁI VỀ VĂN HÓA?

 

Phan Hồng Giang

2-9-2016

Văn hóa đã bắt đầu suy thoái từ rất lâu
Tôi nhớ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi miền Bắc đang “vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”, người dân Tràng An đã than phiền về nạn càn quấy của đám trai trẻ mặc quần ống tuýp, để tóc dài khiến các quý thanh niên “Cờ đỏ” đông nhan nhản ở Bờ Hồ phải thủ sẵn kéo lăm le cắt ống quần, cắt tóc dài để dạy chúng bài học vỡ lòng về … phép ứng xử văn hóa (!).

Tôi nhớ cũng vào những năm đó, nhà văn Nguyễn Khải kể chuyện có lần ông đi xem phim ở rạp Bắc Đô, Hàng Giấy. Khi đèn đã tắt, phim đã bắt đầu chiếu, thấy mấy cậu choai choai ngồi hàng phía trên nói chuyện rào rào, phì phèo thuốc lá, ông bèn khẽ khàng nhắc nhở: “Các cháu tắt thuốc đi nhé!”. Bất ngờ ông nghe thấy giọng nạt nộ: “Này thằng già, liệu mà câm mồm đi!”, và các mẩu thuốc cháy dở tới tấp bay vào người ông. Không một ai lên tiếng bênh vực ông. Ông đành phải câm mồm thật, nếu không muốn bị khủng bố tiếp. Nhà văn ngậm ngùi đúc kết: “Thời nay, cái Thiện đã chịu thua cái Ác!”.

Thời ấy người ta cũng đã từng đâm chém nhau vì va chạm … xe đạp. Các vị cán bộ nhà nước mặc đại cán nghiêm chỉnh cũng đã từng không kiêng dè, to tiếng cãi vã so bì nhau từ lạng chè, bao thuốc đến chiếc vành, chiếc lốp hay chục cái nan hoa mua theo sổ căng-tin cơ quan, chưa nói đến cuộc “đại chiến” vì phiếu mua xe đạp phân phối hay những căn phòng nhà tập thể không khép kín…

Thời ấy đã lan truyền trong dân gian câu khái quát về mối quan hệ người – người còn đúng tới tận giờ: “Nhất thân, nhì thế, tam chế (chế độ), tứ tiêu (tiêu chuẩn), ngũ liều, lục đả (cùng lắm thì dở nắm đấm!)”. Hay câu vè khá thật thà nôm na: “Tiền là tiên là phật / Là sức bật tuổi trẻ / Là sức khỏe tuổi già / Là cái đà tiến thân / Là cán cân công lý / Tiền là hết ý!”.

Vài dòng gọi là “ôn nghèo gợi khổ“, hoài niệm thời bao cấp để cùng nhau từ bỏ ảo tưởng: Khichia đều sự nghèo túng, chúng ta có thể xây dựng được một nền văn hóa đầy ắp tình người. Và đành phải thừa nhận rằng văn hóa chúng ta thực ra đã có dấu hiệu suy thoái từ rất lâu.

***

Thực trạng suy thoái văn hóa hiện nay

Không phải tôi không nhìn thấy những “việc tử tế” trong đời sống chúng ta hiện nay: những tấm gương làm việc hiệu quả, bất chấp hiểm nguy để kiềm chế tội phạm, vượt khó khăn cứu chữa bệnh hiểm nghèo, vật vã mang con chữ lên vùng cao, nhường cơm sẻ áo với người bất hạnh… Tôi vẫn tin trước sau gì thì cái tốt, cái đẹp cũng sẽ trở thành nét chủ đạo trong cuộc sống. Nhưng để sớm đạt tới điều mong muốn đó, chúng ta không thể ru ngủ nhau bằng những lời khen. Hãy đừng vội hài lòng mà cùng hướng sự chú ý đến những mặt tối, dần loại bỏ cái xấu để tự hoàn thiện.

Từ mấy thập niên gần đây, không ai không cảm thấy văn hóa – tôi muốn nói đến văn hóa đạo đức xã hội – đang mỗi năm lại càng thêm lao dốc, chưa hề thấy có điểm dừng. Nhiều người thường nhắc đến những thói xấu dễ nhận thấy ở người Việt như thói ham chuộng hư danh, thói say mê bia rượu, ăn nhậu đánh chén; thói liệt dây thần kinh xấu hổ khi chen lấn xô đẩy nhau, tranh tài lộc, giành nhau miếng ăn; thói quen bắt chước đua đòi, “con gà tức nhau tiếng gáy”… Những nhận xét “bắt bệnh” này đều đúng.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tôi, xin mạo muội tạm nêu ra 4 biểu hiện, theo tôi là rõ rệt hơn cả của tình trạng suy thoái trên. Đó là: Đồng tiền bất chính; Bạo lực lên ngôi; Giả dối thắng thế; Con người vô cảm.

 Đồng tiền bất chính. Đồng tiền không có gì xấu. Bản thân nó là một thành tựu lớn của văn minh nhân loại. Nhưng kiếm tiền bằng cách giẫm đạp lên lợi ích của cộng đồng mới thực sự là đáng chê trách.

 Sống chết mặc bay; tiền thầy bỏ túi”. Lời nhận xét sỗ sàng này đã trở thành phương châm ứng xử của vô số người trong xã hội. Người nuôi heo sẵn sàng tiêm thuốc mê, bơm nước lã để tăng trọng lượng con vật khi bán để kiếm thêm lợi nhuận, bất chấp tác hại. Người nông dân vốn hiền lành bỗng biết dành riêng cho mình khoảnh vườn chè, vườn rau sạch, còn rau bẩn, chè bẩn thì để bán cho các bạn được gọi là “công nông liên minh”(!). Hàng giả, hàng lậu, hàng nhái mặc sức tung hoành; không hải quan, biên phòng nào bắt giữ hết được. Một cơ quan nhà nước ở Tổng cục Thủy sản thu bộn tiền do ngang nhiên bán khống hàng trăm giấy chứng nhận (với giá 5 triệu đồng/cái) kiểm định vật tư ngư nghiệp đạt chuẩn. Nhà giáo, thầy thuốc vốn là nghề cao quý được trọng vọng ngày xưa, nay cũng không nhiều người tránh được sự cám dỗ của đồng tiền. Muốn học bạ có điểm cao ư? Không học thêm lớp của các thầy cô trong trường thì đừng có mơ. Muốn cấp cứu ư? Nộp đủ tiền chưa mà muốn vào phòng mổ?

Tệ hại nhất về kiếm tiền bất chính không ai khác ngoài đám quan chuyên nghề “cướp ngày” (“Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”). Cơ hội chui vào Đảng, lý lịch man khai, bằng thật họcgiả, bỏ vốn ra mua chức, có ghế cao rồi dễ dàng hoàn vốn và thu về lãi khủng.

Không khó biết tham nhũng cụ thể là ai. Nhưng hầu như không mấy ai đủ dũng cảm “vào hang bắt cọp”, để đến nỗi vị quan khả kính nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đưa ra nhận xét để đời: “Tham nhũng vẫn ổn định !”.

Từ năm 1999, Hội nghị TƯ 6 (lần 2, khóa VIII) đã ra Nghị quyết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Gần 15 năm sau, Hội nghị TƯ 4 (khóa XI, năm 2012) lại tiếp tục thông qua Nghị quyết cùng về vấn đề trên, thừa nhận tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống trong Đảng vẫn không thuyên giảm, nếu không nói là còn nghiêm trọng hơn, “đe dọa đến sự tồn vong của chế độ”. “Người ta ăn của dân không từ một thứ gì” (lời nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan). Từ một vài con sâu, tham nhũng đã phát triển thành “cả bầy sâu”! (chữ dùng của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang).

Khi một “bộ phận không nhỏ” các quan “phụ mẫu”, những người được cho là “tinh hoa” dân tộc, là thành viên của “đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân ưu tú nhất” lại đồng thời là kẻ cắp theo nghĩa đen thì quả thật văn hóa đạo đức xã hội đã tụt xuống đáy. Cha ông ta đã dạy: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Tham nhũng là cội nguồn của các bất công, khiến lòng dân không yên. Tham nhũng cũng mở đường cho các suy thoái văn hóa đạo đức ở các tầng lớp khác trong xã hội, trước hết là các thanh niên, khi lớp trẻ mới vào đời thấy các bậc cha chú “đầu têu” hành xử bất chấp đạo đức và pháp luật.

Bạo lực lên ngôi. Có thể là từ trong vô thức, từ tuổi vị thành niên, nhiều người trong chúng ta đã bị ám ảnh bởi các ý tưởng cao siêu, đại loại như: “Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội”; “Đấu tranh giai cấp song hành cùng bạo lực cách mạng”. “Họng súng đẻ ra chính quyền”. “Đấu tranh ôn hòa, bất bạo động là cải lương, là thiếu tinh thần cách mạng triệt để”… Bạo lực tất nhiên khó tránh đổ máu cho cả hai phe. Khi lòng hận thù được nuôi dưỡng, từ “bạo lực cách mạng” đến bạo lực trong đời thường chỉ còn cách vài bước chân… Vô hình trung bạo lực đã được tôn vinh!

Không biết từ bao giờ không ít người Việt Nam chúng ta trở nên hung hãn, gương mặt bặm trợn, lúc nào cũng sẵn sàng nói chuyện bằng dao kiếm. Xe máy va chạm ngoài phố – thay vì ôn tồn xin lỗi nhau rồi đường ai nấy đi, người ta sẵn sàng hùng hổ lao vào giành phần đúng, rồi rút dao, rút kiếm đâm chém nhau. To tiếng khi ăn nhậu, bị coi là “nhìn đểu” – đều có thể đổ máu. Vợ chồng con cái xích mích – ai đó có thể bị tưới xăng đốt. Bảo mẫu túm ngược chân trẻ mười mấy tháng tuổi dúng đầu vào sô nước vì mắc tội … chậm ăn cháo. Cô giáo thẳng tay tát học sinh, bắt học sinh liếm ghế. Nữ sinh xúm vào túm tóc đánh bạn vì những chuyện không đâu…

Đáng lưu tâm nhất là bạo lực không còn hiếm ngay cả với những người được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật mà Nội quy treo trong phòng làm việc ghi rõ “phải kính trọng, lễ phép với dân”. Bao nhiêu người dân, kể cả trẻ vị thành niên, đang khỏe mạnh, sau khi bị tạm giam, đã bất ngờ trở về với tổ tiên (nhiều người vì lý do “chán đời thắt cổ tự vẫn” ở tư thế ngồi?), hoặc may mắn hơn, thì chỉ bị tàn tật.

Nhiều người xuống đường tham gia tụ tập ôn hòa với các biểu ngữ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ chủ quyền biển đảo toàn vẹn đã bị các quý anh mặc trang phục “Thanh niên xung phong” (?) lao vào đấm đá không thương tiếc, không kiêng dè đối với cả phụ nữ và trẻ em vì lý do khó tin là họ đã bị “thế lực thù địch” chưa được phát hiện nào đó “kích động gây rối” (?). Đó quả thật là một hình ảnh không thể xấu hơn trước con mắt của bạn bè quốc tế khi đến thăm Thành phố “Vì hòa bình”!

Bạo lực đẻ ra bạo lực. Chẳng còn mấy người ngạc nhiên khi súng đã nổ, đồng chí đã bắn vào đồng chí ngay trong trụ sở của một Văn phòng Tỉnh ủy…

Giả dối thắng thế. Có lẽ đối với không ít người, giả dối là cách đỡ hao tâm tổn trí nhất để đạt được điều mình muốn. Dốt nát, sợ điểm kém ư? Đã có thể quay cóp bài của bạn hay dấu mang vào phòng thi đủ loại phao bé bằng hai ngón tay. Chưa học hành tử tế để đạt bằng cấp cao ư? Thì đã có vô số trường dởm, thầy dởm, người sẵn sàng thi hộ, viết hộ luận án giúp anh dễ dàng có được tấm bằng để rồi bắt đầu cuộc hành trình leo lên chức này chức nọ. Thích được huân chương hay có danh hiệu anh hùng để lòe thiên hạ ư? Có thể bịa ra các chiến tích để đạt được điều này. Muốn địa phương mình có thành tích vượt trội – nào là mức tăng trưởng kinh tế hai con số, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiêp cao chót vót, nhiều vùng đạt danh hiệu “Nông thôn mới “, số “Gia đình văn hóa” chiếm quá 90%… từ đó để cái gọi là “tài năng lãnh đạo” của mình được cấp trên thừa nhận, cá nhân mình dễ bề tiếp tục leo cao – cách dễ nhất là chỉ đạo thuộc cấp bịa đặt ra các con số đẹp như ý, sẵn sàng vay nợ đầm đìa để đạt bề ngoài phồn vinh. (Xin mở ngoặc nói thêm: Người ta thường phê phán căn bệnh “chạy theo thành tích”; nhưng thử hỏi: Nếu không bày ra chuyện “Thi đua khen thưởng” với cả bộ máy rình rang từ trên xuống dưới thì còn ai phải “chạy theo thành tích”?).

 Trong cuốn “Đagestan của tôi” Rasul Gamzatov đã tưởng tượng ra cuộc đua chinh phục lòng người giữa Giả dối và Sự thật. Và không bất ngờ, Giả dối đã giành phần thắng vì thường hay làm mọi người thấy “dễ chịu thoải mái” dù biết là đang lừa nhau, còn Sự thật chịu thua vì khiến người ta “đau đớn lo âu”! Tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật” những năm đầu Đổi mới có vẻ đã mai một khá nhiều.

Dù thế nào thì người ta vẫn hay nhắc nhau: “Nói thật mất lòng” và nhấn mạnh rằng “thuốc đắng” mới “dã tật”. Một xã hội đề cao Sự thật mới mong được phát triển bền vững. Dối trá trước sau gì cũng dẫn tới đổ bể.

Con người vô cảm. Một người ngã xe bên đường, nằm bất động, nhiều xe đi qua không dừng lại cứu giúp, coi như không thấy. Một chiếc xe khách không may lăn xuống vực, nhiều người lần xuống theo; thay vì cứu chữa người bị nạn thì lại thản nhiên lần mò lấy cắp hành lý, tư trang. Một lái xe taxi đang tâm đẩy nữ hành khách bị vỡ ối xuống vệ đường khi bệnh viện đã ở ngay trước mặt. Một bọn gọi là bảo vệ bệnh viện, để bảo kê cho xe cứu thương của mình, “quyết liệt” ngăn cản xe gia đình thuê đưa đứa bé đang hấp hối thở ôxy trở về nhà. Không hiếm các điều tra viên muốn lập thành tích phá án nhanh đã sẵn sàng dùng nhục hình, bức cung ép người dân lành phải nhận tội, chịu ngồi tù oan hàng chục năm trời, gia đình tan nát. Chỉ cần các điều tra viên, các vị giữ quyền công tố, các thẩm phán cầm cán cân công lý có chút tình thương với bị cáo thì họ sẽ động lòng, thoát khỏi trạng thái vô cảm, và thấy ngay những bất cập trong hồ sơ để rồi hủy án.

Cái vô cảm đáng sợ nhất là vô cảm trước tình cảnh hiểm nghèo của Đất nước. Người ta đua nhau quên hết sự đời, say sưa theo bắt con vật ảo Pokemon. Số đông hình như vẫn “bình chân như vại” không nhìn thấy trước mắt mối nguy lù lù như trái núi: Nợ trong nước, nợ ngoài nước tăng cao, mới nứt mắt chào đời đã mang nợ hàng chục triệu đồng; nợ xấu, nợ công sắp vượt ngưỡng an toàn; thu không đủ chi, bội chi ngân sách năm sau cao hơn năm trước; nhiều dự án lỗ hàng ngàn tỷ đồng đắp chiếu; nhiều dự án hàng ngàn tỷ đồng khác được vẽ ra đang chờ duyệt để xây … tượng đài, xây trung tâm hành chính hoành tráng trong khi trẻ con đi học qua sông phải đu dây hay chui vào túi ni-lông, bệnh nhân phải nằm 2-3 người một giường…Thảm họa môi trường làm cá chết, biển chết, người lao đao. Khi chủ quyền biển đảo trên Biển Đông bị xâm phạm trắng trợn thì tình hình đã rất nghiêm trọng, không thể là bình thường, là “vũ như cẫn” nữa rồi!

Có cảm tưởng rằng, khi trộm cướp đã vào đến trong sân nhà thì hàng xóm gần, hàng xóm xa đua nhau la to giùm, trong khi chủ nhà thì giữ ý, im lặng. Thật là ngược đời!

***

Điều gì có thể ngăn chặn được đà suy thoái về văn hóa?

Trả lời câu hỏi này, nhiều người nghĩ ngay tới sự cần thiết phải cải cách lĩnh vực giáo dục một cách căn bản, toàn diện – từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội. Điều này không sai. Nhưng theo thiển ý của tôi, còn có một việc khác cấp bách hơn, có sức tác động sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn nhiều lần, bao trùm lên mọi lĩnh vực, kể cả giáo dục. Đó là việc cải cách thể chế xã hội; nói khác đi là đổi mới chính trị.

Từ hơn 10 năm trước, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị.Tiếc rằng trên thực tế chúng ta chưa làm được bao nhiêu theo hướng này.

Thể chế xã hội là điều tác động mạnh nhất đến văn hóa nói riêng. Một thể chế phù hợp, đáp ứng được nhu cầu phát triển con người và xã hội một cách bền vững là thể chế trước tiên phải bảo đảm các quyền cơ bản của con người – đó là “quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do dân chủ, quyền mưu cầu hạnh phúc” như Tuyên ngôn độc lâp năm 1776 của nước Mỹ đã khẳng định và Hồ Chủ tịch đã nhắc lại tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9/1945.

Cần đặc biệt lưu ý tới quyền tự do dân chủ. Đây chính là giá trị cốt lõi của một thể chế tốt đẹp nói chung và của văn hóa nói riêng.

 Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã long trọng khẳng định các quyền con người và công dân cơ bản: quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền lập hội, quyền tự do tôn giáo, quyền biểu tình…theo quy định của pháp luật.

 Để những quyền cấp thiết trên đây từ trang giấy còn thơm mùi mực in bước được vào cuộc sống, cần rất nhiều điều luật cụ thể mà Quốc hội và Chính phủ còn mắc nợ nhân dân. Nhiều người tâm đắc với phát biểu rành rẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ ngày 1 tháng 8 vừa qua: “Ở nước ta hiện nay, con đường dài nhất là con đường từ lời nói đếnviệc làm!”.

Chỉ có dân chủ mới tạo điều kiện xác lập được trên thực tế tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Chỉ có dân chủ mới có thể phát huy tính chủ động sáng tạo, tính hướng thiện, tính cộng đồng của người dân thực sự có sở hữu tài sản trên mọi lĩnh vực xã hội, từ đó hình thành nên một thị trường đúng nghĩa, buộc mọi người phải làm ăn tử tế.

Chỉ có dân chủ mới lựa chọn được những người có tài có đức nhất vào bộ máy quản trị xã hội, loại bỏ hoàn toàn những kẻ bất tài, thất đức leo cao vì chạy chức chạy quyền. Chỉ có dân chủ mới có thể đặt quyền lực dưới sự giám sát hiệu quả, nghiêm khắc, khiến không một vị quan nào có thể có điều kiện tham nhũng mà không bị sớm phát giác. Chỉ có dân chủ mới loại bỏ được tham nhũng – giặc nội xâm tàn phá đất nước, tàn phá đạo đức, văn hóa.

Dân chủ là tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người về sự hiểu biết, về niềm tin và quyền lợi. Không áp đặt thô bạo ý kiến của mình với người nghĩ khác mình, lấy đối thoại thay cho đối đầu. “Cầu đồng tồn dị” là phương châm hành xử của mọi người: cố tìm điểm chung, gác lại bất đồng để cùng ghé vai chung sức làm điều hay cho cả cộng đồng. Với tinh thần khoan hòa khoan dung, người ta sẽ loại trừ được bạo lực ra khỏi đời sống. Thói hung hãn tôn sùng nắm đấm sẽ lùi vào dĩ vãng. “Từ đây người biết thương người / Từ đây người biết yêu người…” (Văn Cao). Và đó chính là văn hóa.

Dân chủ gắn liền với Sự thật. “Một nửa cái bánh mỳ là bánh mỳ; một nửa Sự thật không còn là Sự thật”. Dân chủ có nghĩa là Sự thật tròn vẹn, không thể bị che dấu, dù chỉ một phần. Dân chủ đồng nghĩa với minh bạch và công khai. Dưới ánh sáng của minh bạch và công khai, Giả dối sẽ không còn đất sống.

Dân chủ biến mỗi người dân từ thân phận “thần dân” thụ động trở thành công dân tích cực, không phó mặc việc nước chỉ cho một nhóm người khác lo, mà luôn coi việc nước là việc nhà, không ngoảnh mặt làm ngơ trước các hiểm họa cũng như thời cơ hiện ra trước Đất nước. Con người vô cảm đáng trách sẽ không còn lý do tồn tại.

Dân chủ không phải là không có mặt trái. Nhưng phải thừa nhận rằng “dân chủ là lựa chọn ít xấu nhất” để phát huy sức mạnh tích cực của mọi người dân. Dân chủ quả là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn. “ Dễ trăm lần, không dân cũng chịu / Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”(Thanh Tịnh).

Ngăn chặn đà suy thoái về văn hóa, làm nó trở nên tốt đẹp, đáp ứng được vai trò là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững con người và Đất nước quả là một việc “khó vạn lần”.
Con đường đi đến thực thi dân chủ thực sự cũng là một việc “khó vạn lần”, lắm gian nan, nhiều trở ngại do chính hạn chế của dân trí và dân khí, nhất là do các nhóm lợi ich sẽ cảm thấy bị “thiệt thòi” khi quyền lực ngon lành bấy lâu bị kiểm soát từ phía người dân và từ xã hội dân sự.

Dân chủ không thể từ trên trời rơi xuống. Dân chủ không thể là thứ mà ai đó có thể ban phát. Dân chủ phải đồng tâm hiệp lực đấu tranh mới có thể giành lấy được. Và đây là chủ đề của một bàn luận khác.

Nguồn: Viet-Studies ngày 2/9/2016
------------- 
* Tác giả Phan Hồng Giang là Tiến sĩ Khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa). Ông là con trai Nhà phê bình Văn học Hoài Thanh (đồng tác giả Thi nhân Việt Nam).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 1 tháng 9, 2016

Bắc Triều Tiên tăng cường lực lượng tàu ngầm


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sau vụ bắn thử hỏa tiễn từ tàu ngầm. Ảnh của KCNA ngày 25/08/2016.

Hôm thứ Tư 24/08/2016, Bắc Triều Tiên đã cho bắn một hỏa tiễn đạn đạo KN-11 từ căn cứ hải quân Mayangdo ở vùng Sinpo, ở bờ biển phương đông bán đảo. Đây là lần bắn thử thứ 6 hoặc thứ 7 từ một tàu ngầm. Lần thử nghiệm trước vào tháng Bảy dường như đã thất bại, còn lần này hỏa tiễn đã bay được 480 km trước khi rớt xuống Biển Nhật Bản.
Le Figaro nhận xét, vụ bắn thử này chứng tỏ tiến bộ của công nghệ SLBM (submarine-launched ballistic missile) của Bắc Triều Tiên. Theo nhiều chuyên gia, Bình Nhưỡng cũng có những tiến triển trong nỗ lực hoàn chỉnh một hỏa tiễn liên lục địa (ICBM) có thể mang ngọn lửa nguyên tử đến lục địa Mỹ. Năm nay, Bắc Triều Tiên đã tung ra một số hỏa tiễn gồm nhiều loại và hồi tháng Giêng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư kể từ năm 2006.


Antoine Bondaz, nguyên là nhà nghiên cứu của trường đại học Hàn Quốc ở Seoul nhận định : « Chương trình nguyên tử và đạn đạo Bắc Triều Tiên tiếp tục được củng cố ». Một chương trình mang hai tầm vóc : quân sự với các vũ khí phòng vệ để ngăn chận mọi cuộc tấn công, đồng thời mang tính chính trị, với các vũ khí đặc thù để bảo đảm tính chính danh và sự vĩnh cửu của chế độ. Nhưng đối với chuyên gia nắm rõ các vấn đề của quốc gia khép kín này, năng lực về đạn đạo và nguyên tử của Bình Nhưỡng chỉ tương đối.

Ông phân tích : « Câu hỏi chính là khi nào Bắc Triều Tiên có được một chương trình nguyên tử và đạn đạo sẵn sàng hoạt động. Một khi vẫn chưa có, mối đe dọa này là hạn chế ». Theo các chuyên gia Mỹ, việc triển khai năng lực SLBM thực sự còn phải mất nhiều năm, và đối với Viện Mỹ-Hàn của trường đại học John Hopkins ở Washington thì « sớm nhất cũng không thể trước nửa cuối năm 2018 ».
Được Bình Nhưỡng đánh giá là « thành công vĩ đại », vụ thử SLBM mới nhất của Bắc Triều Tiên không thể so sánh với hệ thống của các cường quốc biển. Theo giới chuyên môn, Bắc Triều Tiên có từ 70 đến 80 tàu ngầm, chủ yếu là các « tàu ngầm mini » chạy bằng động cơ diesel, như loại đã tấn công vào chiếc tàu Hàn Quốc hồi tháng 3/2010 làm 46 thủy thủ Hàn Quốc tử nạn. Đội tàu này đã cũ kỹ, làm ô nhiễm đại dương, do Bắc Triều Tiên tự sản xuất hay sử dụng công nghệ xô-viết đã quá lạc hậu.

Theo một chuyên gia, Hải quân Bắc Triều Tiên sở hữu một số tàu ngầm cỡ lớn, chủ yếu là lớp Sinbo (67 mét, 2.000 tấn), nhưng số lượng « chỉ đếm được trên đầu ngón tay ».Một nguồn tin Hàn Quốc cho biết năm 2008, Bình Nhưỡng đã mua của Nga hai chiếc tàu ngầm diesel cũ. Từ năm 2009, đã triển khai được một tàu ngầm 3.000 tấn có thể mang theo bốn hỏa tiễn Pukkuksong-1, và còn có tham vọng sở hữu một tiềm thủy đĩnh nguyên tử 3.500 tấn từ này đến năm 2018.

Hỏa tiễn được bắn đi từ tàu ngầm Bắc Triều Tiên, 25/08/2016.
Hỏa tiễn Bắc Triều Tiên làm thay đổi chính sách trong khu vực

Vụ bắn thử hôm 24/8 có thể thực hiện từ một tàu ngầm đậu tại bến hay chỉ lặn vừa đủ chìm dưới nước, như vậy cũng gần như là bắn từ mặt đất. Sự kiện này ít ý nghĩa về mặt công nghệ hơn là thời điểm tiến hành, thông điệp mà Bắc Triều Tiên muốn đưa ra và tầm vóc chiến lược cũng như chính trị.

Được loan báo vào tháng Bảy, việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ THAAD (Terminal High Altitude Area Defence) tại Hàn Quốc khiến Bình Nhưỡng phản ứng bằng vụ bắn thử nhằm chứng tỏ năng lực của lực lượng tàu ngầm Bắc Triều Tiên, hai ngày sau đó. Một phương thức khác để bắn hỏa tiễn, được cho là để vô hiệu hóa khả năng ngăn chận của « lá chắn » Mỹ. Tương tự, vụ phóng hỏa tiễn hôm 24/8 diễn ra hai ngày sau khi cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn khởi động.

Bắc Kinh cũng như Matxcơva đều cảm thấy bị đụng chạm. Bởi vì nếu THAAD nhắm vào Bắc Triều Tiên, hệ thống lá chắn tên lửa này cũng có thể phát hiện được các hỏa tiễn do Trung Quốc phóng đi. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul – đã nồng ấm lại từ năm 2013 – bỗng chốc lại trở nên căng thẳng. Song song đó, Hàn Quốc lại xích gần với Nhật Bản hơn. Mặc cho những bất đồng sâu sắc về lịch sử, hai nước vừa ký kết một thỏa thuận trao đổi tin tức tình báo.

Đối với Antoine Bondaz, vụ bắn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên đã góp phần làm thay đổi chính sách trong khu vực, một sự « dàn hàng ngang của các hành tinh ». Các quốc gia liên quan đã thỏa thuận được với nhau, trong đó kẻ thiệt thòi nhất là Trung Quốc, và Hoa Kỳ là nước được lợi nhiều nhất, với « mục tiêu tăng cường hệ thống liên minh khu vực với Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời gia tăng phối hợp ba bên Mỹ-Nhật-Hàn ».

Các điều tra viên trước đại sứ quán Trung Quốc ở Kyrgyzstan sau khi bị tấn công tự sát ngày 30/08/2016.
Đại sứ quán tại Kyrgyzstan bị tấn công: Trung Quốc không yên ổn ở Trung Á

Tại vùng Trung Á, Le Monde chú ý đến sự kiện « Tại Kyrgyzstan, đại sứ quán Trung Quốc là mục tiêu của một vụ tấn công tự sát ». Chính quyền Bắc Kinh tố cáo hành động mà họ gọi là « hết sức thô bạo » làm ít nhất ba người bị thương ở Bishkek.

Một chiếc xe tải có gài chất nổ đã lao vào đại sứ quán Trung Quốc tại Kyrgyzstan hôm thứ Ba 30/8, các tấm ảnh của Tân Hoa Xã cho thấy khuôn viên tòa đại sứ đầy những mảnh vỡ. Vụ nổ xảy ra chưa đầy một tuần trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, khiến người ta phải đặt ra câu hỏi về mối đe dọa khủng bố đối với Bắc Kinh và các lợi ích Trung Quốc trên thế giới. Kể từ sau làn sóng khủng bố kinh hoàng năm 2013 và 2014 trên lãnh thổ đến nay, Trung Quốc tương đối không bị khủng bố Hồi giáo nhắm đến.

Bắc Kinh đã làm mọi cách để ngăn cản các nước dọc theo đường biên giới tây bắc, nhất là có sử dụng ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ như Kyrgyzstan và Kazachstan, dung dưỡng các hoạt động chính trị của các nhà ly khai Duy Ngô Nhĩ. Theo nhà bình luận Caleb Weiss, vụ tấn công mới đây có thể là do TIP, một nhánh của phong trào Đông Thổ tiến hành, nhưng cũng có khả năng do các nhóm khác – hoặc Al Qaida, hoặc các tân binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS, Daech) tại Kyrgyzstan.

Máy bay C919 của Trung Quốc muốn cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus 320.
Động cơ máy bay made in China : Lạc hậu 20 năm

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng về kinh tế, Le Monde cho biết « Bắc Kinh muốn có động cơ máy bay do Trung Quốc sản xuất ». Khi thành lập tập đoàn Aero Engine Corporation of China (AECC), Trung Quốc khẳng định tham vọng trong kỹ nghệ hàng không.

Nhưng theo tờ báo, Trung Quốc còn lâu mới thu ngắn được khoảng cách, Airbus và Boeing không có gì phải lo ngại. Về khả năng sản xuất động cơ máy bay, Bắc Kinh đang bị chậm trễ từ 20 đến 30 năm. Các tập đoàn hàng không phương Tây thận trọng không chuyển giao công nghệ cho Bắc Kinh, để không giúp đối thủ tiềm năng đầy nhanh tiến trình. Tập đoàn Safran của Pháp tuy cho sản xuất các phụ tùng tại Trung Quốc, nhưng không hề giao « bất kỳ bộ phận nhạy cảm và công nghệ cao nào ».

Tại một siêu thị ở Trung Quốc, 15/10/2015.
« Công xưởng thế giới » đang trở thành xã hội tiêu thụ

Cũng theo Le Monde, « Trung Quốc đang trở thành một xã hội tiêu thụ ». Quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế dựa trên xuất khẩu sang mô hình dựa vào tiêu thụ nội địa và dịch vụ đang diễn ra, trong đó internet đóng vai trò quan trọng. Tờ báo cho rằng đây là điều tốt cho Trung Quốc và cho nền kinh tế thế giới, nhưng cảnh báo hậu quả đối với các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa trong và ngoài nước.

Trong thời gian đầu, các nước mới nổi đang xuất khẩu nguyên vật liệu sẽ bị thiệt hại vì lệ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc. Mức cầu giảm sẽ khiến giá cả sụt giảm, và các nhà nhập khẩu ngoại quốc có thể sẽ nhận ra rằng các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc thích ứng tốt hơn với người tiêu thụ nội địa.

Bà Aung San Suu Kyi tại hội nghị Panglong, 31/08/2016.
Miến Điện và giấc mơ hòa bình Panglong

Cũng tại châu Á, « Miến Điện tìm kiếm hòa bình với các sắc tộc thiểu số » : hôm qua bà Aung San Suu Kyi đã khai mạc hội nghị Panglong với tham vọng kết thúc sự chia rẽ tại đất nước này.

Tuy nhiên tác giả bài viết trên Le Monde nhận định ít ai ảo tưởng về kết quả hội nghị. Năm 2015, tám nhóm vũ trang đã ký « ngưng bắn toàn quốc », nhưng 13 nhóm khác từ chối, trong đó có nhóm vũ trang quan trọng của Kachin. Tương tự, thủ lãnh du kích của ba tộc người Ta’ang, Kokang và Arakanais tuy cũng muốn tham gia, nhưng quân đội ra một điều kiện mà họ không thể chấp nhận : giao nộp vũ khí.

Hội nghị Panglong diễn ra tại một địa điểm lịch sử, nơi tướng Aung San, cha của bà Suu Kyi đã triệu tập hội nghị liên sắc tộc đầu tiên của Miến Điện năm 1947. Nhưng 69 năm sau, tình hình không thay đổi mấy và « tinh thần Panglong » năm xưa khó thể sống sót.

Tài tử Leonardo DiCaprio và người hâm mộ Paris, tháng 1/2016.
« Sói già Wall Street » dính vào xì-căng-đan tài chính Malaysia

Một xì-căng-đan tài chính ở Malaysia lại dính líu đến « Sói già Wall Street » : diễn viên nổi tiếng Mỹ Leonardo DiCaprio. Hồi tháng Hai, ngôi sao màn bạc Mỹ đã nhận được tượng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. Sáu tháng sau, vinh quang đã thay bằng tai tiếng, anh bị tư pháp Hoa Kỳ nghi ngờ đã sử dụng những đồng tiền bẩn từ quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia.

Tên của tài tử Hollywood xuất hiện nhiều lần theo với đà cuộc điều tra, do quan hệ với hai nghi can chính trong vụ thâm lạm công quỹ, là Jho Low và Rira Aziz. Cả ba cùng đi xem các trận cầu Cúp bóng đá thế giới, là khách quen của câu lạc bộ sang trọng Hakkasan ở Las Vegas, nơi DiCaprio mừng sinh nhật 40 tuổi bằng cách tưới lượng rượu sâm-banh trị giá 1 triệu đô la – theo New York Post.

Câu lạc bộ này có thể nhận được tiền biển thủ từ quỹ 1MDB. Tỉ phú Jho Low của Malaysia được cho là dùng một số tiền khá lớn của quỹ đầu tư công này để tặng cho quỹ nhân đạo của Leonardo DiCaprio. Còn Rira Aziz, con rể của thủ tướng Malaysia đã lấy 100 triệu đô la từ 1MDB để tài trợ bộ phim « Sói già Wall Street », trong đó DiCaprio là đồng sản xuất và diễn viên chính.

Abou Mohammed Al Adnani, phát ngôn viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, vừa bị tiêu diệt.
Ai đã tiêu diệt « tiếng nói » của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ?

Nhân ngày khai trường hôm nay 01/09/2016, vấn đề cải cách giáo dục được nhiều báo Pháp chú ý, bên cạnh đó là việc bộ trưởng Tài chính Emmanuel Macron từ chức, và sự kiện phát ngôn viên IS bị tiêu diệt.

Le Figaro nhận định « Tổ chức Nhà nước Hồi giáo mất đi bộ trưởng Khủng bố ». Việc diệt trừ được Abou Mohammed Al Adnani - phát ngôn viên của Daech, được coi là có khả năng thay thể thủ lãnh Baghdadi – cho thấy các địch thủ đã xâm nhập được vào tổ chức của Daech.

Libération đặt câu hỏi : « Ai đã diệt trừ tiếng nói của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ? », khi Mỹ và Nga đều nhận thắng lợi này về mình. Ban đầu, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook tối thứ Ba 30/8 loan báo lực lượng liên minh quốc tế đã « tiến hành một vụ không kích có chủ đích » ở gần Al Bab, đông bắc Aleppo, « nhắm vào Al Adnani, một trong những thủ lãnh cao cấp nhất của IS ». Charles Lister, chuyên gia về thánh chiến nhận định Hoa Kỳ có thể đã có được nguồn tin tình báo về hoạt động của ban lãnh đạo IS.

Đến thứ Tư, bộ Quốc phòng Nga lại cho biết Al Adnani nằm trong một nhóm khoảng 40 quân thánh chiến bị chết trong vụ Su-34 của Nga không kích vào một làng ở Oum Hoch thuộc Aleppo. Một quan chức quốc phòng Mỹ kịch liệt phản đối, nói rằng tuyên bố của Nga là « một trò đùa ».

Theo Libération, giới tuyến giữa đông Aleppo và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khá phức tạp. Tại đây không chỉ phe nổi dậy Syria đánh nhau với quân thánh chiến IS mà cả dân quân Kurdistan, Thổ Nhĩ Kỳ vừa gởi quân và chiến xa sang, còn trên bầu trời các phi cơ - chủ yếu của Mỹ, nhưng cũng có máy bay Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - tham gia oanh kích.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160901-bac-trieu-tien-tang-cuong-luc-luong-tau-ngam

Phần nhận xét hiển thị trên trang

GIẢI THƯỞNG MINH TRIẾT CHO BÀI THƠ CỦA CÔ GIÁO TRẦN THỊ LAM


Giải thưởng Minh Triết 
cho bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam


Trung Tâm Minh Triết
Hà Nội 2 tháng 9 năm 2016

Kính gửi các quý Anh, Chị,

Trung Tâm Minh triết nhận thấy bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh” của cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh quả thật đã đạt được những phẩm chất “minh triết”:

– Tư tưởng, tình cảm chân thành, sâu sắc và da diết, rất “kim nhật kim thì”.

– Nghệ thuật, ngôn từ bình dị mà có sức lay động lòng người.

Bài thơ đã đạt tới một trình độ nghệ thuật, có thể gọi là “xuất thần”,  sức lan tỏa lớn, đã chạm đến “tâm tình” của hàng triệu con tim người Việt Nam hôm nay. Nhiều nhân sĩ, trí thức cho đó là một dấu ấn nghệ thuật đóng vào không thời gian đầy bi hùng này của chúng ta.

Trung Tâm Minh Triết quyết định trao Giải Thưởng Minh Triết cho tác giả với bài thơ ấy.

Xin các quý Anh Chị tán đồng và hỗ trợ chúng tôi. Xin hãy quyên góp và vận động quyên góp để chúng ta có một khoản “Prix lớn” (giá trị giải thưởng). Mỗi khoản tiền của quý anh chị sẽ như là một lá phiếu khẳng định giải thưởng và cũng là lòng cảm ơn và khen ngợi của tất cả chúng ta đối với tác giả và bài thơ xuất sắc ấy.

Tiền góp vào giải thưởng xin gởi về tài khoản:

Số TK: 050.001.060.000.125. Chủ tài khoản: Trung tâm Minh Triết. Ngân hàng Bắc Á-Chi nhánh Kim Liên TP Hà Nội. Ghi rõ Giải thưởng Trần Thị Lam.

Chúng tôi sẽ kết thúc việc nhận tiền trao giải thưởng vào ngày 15 tháng 10-2016, và sẽ công bố tổng số tiền cùng danh sách trong tháng 10. Giải thưởng sẽ tổ chức trao vào giữa tháng 11 (nhân ngày Nhà giáo) tại Hà Tĩnh.

Kính,
Nguyễn Khắc Mai
GĐ TT Minh Triết
----------- 
.
Ghi chú: 
Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi (chủ tich HĐ), Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, PGSTS văn học Nguyễn Hữu Sơn, PGSTS văn học Lưu Khánh Thơ, PGSTS văn học Trần Thị Băng Thanh, cùng các ủy viên HĐ.

Trưởng ban tổ chức: Nguyễn Khắc Mai, GĐ TT Minh triết.

Kế toán trưởng: Nhà văn nữ Nguyễn Nguyên Bình.

Phụ trách in tập kỷ yếu (Bài thơ, Tiểu sử tác giả. một số bài bình luận chọn lọc, bản nhạc phổ thơ. Bài giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng giải): Nhà báo  Phạm Quang Ái.

Địa chỉ Trung Tâm Minh Triết: 26/40 Phố Kim Hoa, Hà Nội. 
ĐT: 04-38526058. Di động: 0906141259.
Email: maiminhtriet@gmail. com

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Điểm mới từ diễn văn của Chủ tịch VN


BBC
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang nêu quan điểm về an ninh ở Biển Đông trong bài phát biểu tại Viện ISEAS ở Singapore hôm 30/8/2016.
Chủ tịch Việt Nam, ông Trần Đại Quang, đã 'không nói suông' và thông điệp của Việt Nam 'muốn báo động' với một 'nước nào đó càng ngày càng gây hấn' về khả năng Việt Nam 'sẵn sàng tự bảo vệ quyền lợi của mình'.
Đó là một trong những ý kiến trong Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 01/9, nói về bài phát biểu ở Diễn đàn của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) trong chuyến thăm tới Singapore của ông Trần Đại Quang từ ngày 28 tới 30/8/2016.
Từ Đại học Maine của Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà phân tích chính trị quốc tế, nói với Bàn tròn:
"Đây là một diễn văn rất quan trọng, một diễn văn cho thấy chủ động về phía Việt Nam để vận động Asean cũng như thế giới.
"Bởi vì Việt Nam là một nước rất quan trọng trong khu vực Biển Đông, mà nếu Việt Nam thụ động, thì không thể đẩy Asean đi thêm được nữa.
"Việc ông chủ tịch báo động là có thể chiến tranh xảy ra sẽ bất lợi cho tất cả, tôi nghĩ đây không phải là lời nói suông.
"Tôi nghĩ có thể ông biết có một nước nào đó có thể đi đến việc càng ngày càng gây hấn, ông muốn báo động và ông muốn cho biết Việt Nam sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình, nếu nước kia, hay nước nào đó tiếp tục đe dọa an ninh.
"Mặt khác, tôi cũng thấy trong diễn văn này có một điều rất quan trọng là ông nói về vấn đề cần được sự ủng hộ, gia tăng sự ủng hộ của người dân trong nước, không những trong nước Việt Nam thôi mà các nước Asean, để tham gia vào quá trình đẩy mạnh an ninh trong khu vực," học giả Ngô Vĩnh Long nói với Bàn tròn thứ Năm.
Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận thông điệp của Chủ tịch Việt Nam tại Singapore mà theo nhà lãnh đạo Việt Nam nếu xung đột vũ trang nổ ra trên Biển Đông thì sẽ không có ai thắng, mà 'tất cả đều thua'.
"Tôi đặt bối cảnh phát biểu của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong bối cảnh mà ông nói là bối cảnh khu vực Đông Nam Á, của Biển Đông và ở khu vực này chúng ta đều biết Trung Quốc là một nước đang phô trương sức mạnh của mình và họ có lẽ là người chắc mẩm phần thắng khi xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông.
"Tôi cho rằng ý kiến của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm tới đối tượng như thế, tức là nhằm tới Trung Quốc, để nói với họ rằng không nên nghĩ rằng có thể giải quyết các vấn đề bằng vũ trang, bằng bạo lực và nếu xảy ra xung đột vũ trang, thì người tưởng là thắng cũng chưa chắc đã thắng mà là thua, bởi vì khi đó cũng phải trả giá rất đắt cho chiến tranh, chứ không phải là chuyện đơn giản.
"Và ngay cả một cường quốc dù thắng hay dù thua trong một cuộc chiến tranh dai dẳng, thì cường quốc đó cũng có những vết đau không bao giờ có thể khắc phục được, hoặc hết sức khó khắc phục," Giáo sư Thuyết nói với Bàn tròn.

'Sự tàn phá vô cùng lớn'

Phát biểu của ông Trần Đại Quang thực chất nhấn mạnh những yếu tố, nguy cơ xảy ra mất ổn định khu vực và xung đột vũ trang, theo nhà nghiên cứu từ Hà Nội.
Cũng từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện ISEAS về chính trị Việt Nam và khu vực, nói với BBC:
"Ý kiến phát biểu của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thực chất nhằm nhấn mạnh rằng có những yếu tố, có những nguy cơ xảy ra mất ổn định khu vực và xung đột vũ trang.
"Và tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rằng nếu để xảy ra xung đột vũ trang, đặc biệt là chiến tranh, mức cao nhất của xung đột vũ trang là chiến tranh, thì đúng là sự tàn phá vô cùng lớn và không thể xác định được bên nào thắng c
"Đấy là ý mà tôi nghĩ là ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang muốn nói.
"Đồng thời ông muốn nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng lớn là các nước trong khu vực, cũng như các bên liên quan ở trên trường quốc tế, cần phải cùng nhau giữ được ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông.
"Để làm sao giữ được ổn định đã, đừng để xảy ra xung đột vũ trang, đấy là nhấn mạnh của ông.
"Ông cũng nhấn mạnh một câu sau nữa trong bài phát biểu ấy là Việt Nam kiên định đi theo con đường xử lý và giải quyết các xung đột bằng các biện pháp hòa bình," ông Hà Hoàng Hợp nói với Bàn tròn thứ Năm.

Những nước 'chia sẻ giá trị'

TS. Jonathan London cho rằng cách nói của Chủ tịch Việt Nam về chính trị Biển Đông 'đơn giản' nhưng 'rất phù hợp'.
Từ Hà Lan, PGS. TS. Jonathan London, nhà quan sát xã hội Việt Nam và chính trị quốc tế đưa ra bình luận nhân dịp này:
"Chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới, một giai đoạn chúng ta thấy rất rõ những hạn chế của Asean như thế nào, từ trước tới nay đã có nhiều thành viên của Asean, trong đó có Việt Nam, Singapore và các nước khác muốn Asean đóng một vai trò quan trọng, để đề cập những tranh chấp trong Biển Đông.
"Nhưng bây giờ thấy rõ hơn bao giờ hết rằng vị trí của Campuchia không cho phép để khối Asean có một vai trò quyết định và như thế, tôi cũng như nhiều người khác nữa đã nói từ lâu mà tốt nhất là có sự hình thành của một số nước, một nhóm, gọi nó là liên minh thì không cần thiết,
"Chỉ là những nước thực sự có quyền lợi cùng nhau không cho phép một nước như Trung Quốc đô hộ Biển Đông.
"Và như thế, khi ông Trần Đại Quang có nói là có những bài học có thể học được qua kinh nghiệm của Singapore, trong đó không chỉ là mô hình chính trị, kinh tế của Singapore, mà cũng là mô hình hợp tác với Mỹ. Vì như chúng ta biết, sự hợp tác giữa Mỹ và Singapore rất lâu và cũng rất mạnh, nhưng đó không phải là điều mà Singapore nêu ra liên tục, đó chỉ là thực tế, cũng như Việt Nam.
"Và như thế cách nói của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có thể là rất phù hợp, chỉ nói đơn giản thôi, sẽ chẳng có ai thắng, sẽ có những người thua, và tôi tin rằng chúng ta đang trong giai đoạn hình thành của một nhóm các nước thực sự chia sẻ những giá trị cùng nhau," PGS. TS Jonathan London nói với BBC.

'Có thể dọa kiện chủ quyền'

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng bài phát biểu của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang có ba điểm mới đáng lưu ý.
Từ Viện ISEAS, nơi đang là nghiên cứu viên khách mời, GS. Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học George Mason, Mỹ, nói với Bàn tròn về vài điểm mới trong thông điệp của nhà lãnh đạo Việt Nam ở Singapore.
Ông nói: "Ý kiến thứ hai của ông Trần Đại Quang có nói về quy chế đồng thuận của Asean là tốt, nhưng ông đề nghị có quy chế mới, quy chế bổ sung cho đồng thuận cũ để cho hình thức ngoại giao của Asean không bị tê liệt.
"Bởi chính sách đồng thuận này trước kia lợi cho Việt Nam, vì Việt Nam thường thuộc về thế thiểu số, bây giờ có một số 'ông thiểu số' khác nhỏ hơn mà ngáng chân, thì Việt Nam không muốn cơ chế đồng thuận nữa. Bây giờ ông muốn một cơ chế bổ sung kiểu mới.
"Điểm thứ ba là khi ông Trần Đại Quang nói đến giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao và pháp lý, thì chữ pháp lý này có nghĩa là có thể Việt Nam cũng có triển vọng có thể dọa kiện nếu cần.
"Còn điều thứ ba mà các học giả nói chiến tranh ai cũng thiệt, chiến tranh tôi nghĩ nói toạc ra là ông Quang cũng nói là nếu Trung Quốc muốn chiến tranh thì Việt Nam cũng sẵn sàng chấp nhận chiến tranh.
"Điều này do một người khác nói thì không quan trọng, nhưng nó là phát biểu của một ông Chủ tịch Nước, thì điều đó nói lên tầm quan trọng của nó.
"Đó là những điều mà tôi nói về những cái mới của bài diễn văn của ông Trần Đai Quang," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với BBC.
Mời quý vị theo dõi toàn bộ cuộc Tọa đàm Bàn tròn hôm 01/9/2016 về quan điểm của Chủ tịch Việt Nam tại đây.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chỉ có 7 vạn quân, Lý Thường Kiệt vẫn đánh phủ đầu 100 vạn quân Tống



   Trong thế bị dồn vào chân tường, quân đội Đại Việt thời Lý Nhân Tông chuẩn bị làm một việc mà đa phần người Tống khó có thể ngờ được
Trước sự khiêu khích và chuẩn bị xâm lược của Tống, triều đình nước Đại Việt đã ráo riết nghe ngóng và chuẩn bị nhiều biện pháp để đề phòng. Trong thời đại mà thông tin liên lạc còn hạn chế, từ việc xác minh rõ dã tâm của kẻ địch đến việc tìm biện pháp đối phó là không hề đơn giản mà phải dựa trên một nền tảng tình báo, thông tin kịp thời.
Khi đó, vua Lý Nhân Tông còn nhỏ, trọng trách điều hành đất nước nằm trong tay Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng thái hậu và Thái úy Lý Thường Kiệt. Lý Thường Kiệt tuy là người tài danh bậc nhất đương thời và cũng là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất sử Việt nhưng tài năng xuất chúng thiên về quân sự, không phải là người kiệt xuất về kinh tế. Còn về Linh Nhân Hoàng thái hậu là một người thông minh và có tầm nhìn, trước đây khi còn là Ỷ Lan Nguyên Phi dưới triều Lý Thánh Tông đã nổi tiếng về tài trị quốc an dân. Nhưng thực ra công lao đó ngoài tài năng của Ỷ Lan còn có phần trợ giúp đắc lực của một nhân vật mà tài đức cũng được xếp hàng đầu nước Đại Việt thời bấy giờ, đó là Thái sư Lý Đạo Thành. Ông là lão thần giữ chức Thái sư trong suốt thời kỳ trị vì của vua Lý Thánh Tông, nổi tiếng về tài kinh bang tế thế, thường được vua giao trông coi chính sự những lúc vua bận đi đánh dẹp. Uy vọng của Lý Đạo Thành rất lớn. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục triều Nguyễn nhận xét : “Đạo Thành là người thẳng thắn, mỗi khi dâng tấu sớ thì thể nào cũng nói đến sự lợi hay hại ở dân gian. Đối với quan lại nào là người hiền tài, ông đều cất dùng. Đời bấy giờ rất kính trọng ông”.
Trong cuộc đổi ngôi và tranh chấp quyền lực đầu thời vua Lý Nhân Tông, Lý Đạo Thành đã đứng về phía Thượng Dương Hoàng thái hậu vì theo luân lý Nho giáo. Vị Thái sư đã có nhiều động thái trái ý với Linh Nhân Hoàng thái hậu. Vì vậy sau khi Linh Nhân Hoàng thái hậu đắc thắng trong cuộc tranh quyền, bà đã tìm cách loại bỏ Lý Đạo Thành khỏi triều chính bằng cách điều đi trấn giữ ngoài biên. Ngay trong năm 1073, Lý Đạo Thành bị giáng chức làm Tả gián nghị đại phu, tri châu Nghệ An. Bấy giờ tuy lãnh thổ nước Đại Việt đã kéo dài tới châu Ma Linh (Quảng Trị), nhưng vùng được coi là trung châu vẫn chỉ là đồng bằng sông Hồng. Nghệ An vẫn là vùng biên thùy hẻo lánh. Ngoài Lý Đạo Thành còn có nhiều lão thần về phe của Thượng Dương Hoàng thái hậu cũng bị cho hưu trí hoặc giáng chức. Việc Lý Đạo Thành bị giáng chức đã làm cho nội bộ triều đình Đại Việt lục đục nghiêm trọng.
Skip in 6...
Ad finishes in 13 seconds

Tuy thô bạo và đầy mưu mô trong tranh chấp quyền lực, suy cho cùng Linh Nhân Hoàng thái hậu vẫn không đến nỗi là người vô đức. Bà tuy tìm cách loại bỏ các lão thần chống đối nhưng luôn tránh việc giết chóc như nhiều nhà chính trị vẫn làm, chỉ điều đi xa hoặc cho hưu trí, giáng chức, cô lập. Dưới sự điều hành của bà, Đại Việt tiếp tục phát triển ổn định. Sử sách và giai thoại dân gian cho biết rằng về sau Linh Nhân tỏ ra ăn năn với việc giết hại Thượng Dương Hoàng thái hậu cùng 72 tỳ nữ nên cho xây dựng nhiều chùa tháp, thường xuyên lui tới cửa Phật để sám hối, nghe giảng đạo và bỏ nhiều tiền để chuộc thân cho những con gái nhà nghèo bị bán làm nô tỳ.
Dù việc ăn năn này vô nghĩa đối với người đã chết, nhưng cũng cần được ghi nhận. Năm 1074, trước những nguy cơ ngoại xâm đến từ Tống và Chiêm Thành hiện rõ, Linh Nhân Hoàng thái hậu đã cho triệu hồi Lý Đạo Thành về kinh, phong chức Thái phó Bình chương quốc quân trọng sự. Chức danh này là chức Tể tướng thời Lý, đứng đầu hàng quan văn, phụ trách toàn bộ về nội trị (trừ quân đội). Đây là hành động vừa mang tính thiết thực, chọn đúng người đúng việc vừa mang tính hòa giải của Linh Nhân Hoàng thái hậu. Ngoài ra, bà còn xuống chiếu trọng dụng trở lại các vị lão thần trái ý lúc trước. Động thái hòa giải của Linh Nhân đã được Lý Đạo Thành đáp lại. Ông đã hết lòng phò tá nhà vua mới. Vậy là bộ ba quyền lực bao gồm Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng thái hậu, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái phó Lý Đạo Thành đã đồng lòng phò tá vị vua nhỏ Lý Nhân Tông. Nhờ sự hòa giải quan trọng này, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc trước những thử thách lớn.
Tình hình ở biên cương phía bắc ngày một nghiêm trọng. Quan lại nước Tống hết sức dùng tiền bạc, lời lẽ dụ dỗ các tù trưởng ở biên giới phía Đại Việt theo Tống. Năm 1073, tù trưởng châu Ân Tình (thuộc Bắc Cạn ngày nay) tên là Nùng Thiện Mỹ nghe lời dụ dỗ của tri châu Thẩm Khởi nước Tống, đem 6.000 người theo Tống. Thẩm Khởi lại chiêu dụ cả tù trưởng Lưu Kỷ ở châu Quảng Nguyên, một người nắm giữ quân lực mạnh và đóng giữ vị trí trọng yếu. Trong năm 1073, Lưu Kỷ suýt nữa đã theo hàng nước Tống nhưng vua Tống Thần Tông không dám nhận.
Lý do là bởi vì Tống tuy muốn đánh nước ta nhưng vẫn chưa chuẩn bị được lực lượng, lại vướng phải những rắc rối ở biên thùy phía bắc với nước Liêu, chiến tranh Tống – Thổ Phồn vẫn chưa dứt. Vua Tống biết Lưu Kỷ là viên quan sát của Đại Việt ở biên thùy, đóng giữ vị trí trọng yếu. Nhận Lưu Kỷ chẳng khác nào tuyên chiến với Đại Việt. Thẩm Khởi hành động quá lộ liễu nên bị vua Tống bãi chức. Lưu Di lên thay làm Kinh lược sứ Quảng Tây. Vua Tống che mắt Đại Việt bằng việc cách chức vị viên quan hiếu chiến nhưng lại thay thế bằng một viên quan hiếu chiến khác.
Năm 1073, nước Đại Việt chưa thể nhận diện rõ dã tâm xâm lược của Tống. Triều đình Đại Việt vẫn gởi những thư từ ngoại giao phàn nàn về việc cắt đứt thông thương đến vua Tống nhưng các quan chức biên giới Tống không thèm chuyển thư. Lưu Di vẫn làm những việc đóng chiến thuyền, trưng thu thuyền buôn vào thủy quân, cấm dân hai nước buôn bán. Từ năm 1073 đến 1075, đã có nhiều tin tức và đồn đoán về việc nước Tống có ý định tấn công Đại Việt.Nhất là việc các thành trì phía nam nước Tống tích cực mộ binh và huấn luyện. Có người Tống là Tư Bá Trường vì tư lợi mà ngầm viết thư cho vua Lý Nhân Tông tố giác ý định xâm lược, xui quân Đại Việt đánh trước và xin làm nội ứng.Những việc đó đã làm cho phía Đại Việt càng cảm nhận rõ hơn về chiến tranh đang đến gần.
Đại Việt cho tăng cường quân đội ở gần biên giới để đề phòng. Đầu năm 1075, triều đình Đại Việt sai người vượt biển đưa thư cho vua Tống (vì các quan lại biên giới trên bộ không chuyển thư nên phải đi vòng đường biển để đưa thư) đòi trả bọn Nùng Thiện Mỹ và những người phản Việt theo Tống, vua Tống không trả lời. Phía ta lại tiếp tục gởi một số thư từ nữa những Lưu Di dấu thư không thèm chuyển đi, y lại càng thả sức dụ dỗ dân chúng vùng biên giới.Bằng những dữ liệu như vậy cùng với các tin tức thám báo, phía Đại Việt đã không còn nghi ngờ gì nữa về âm mưu xâm lược của nước Tống.
Nhận biết rõ ý đồ của nước Tống, Thái úy Lý Thường Kiệt đã tâu lên triều đình:“Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Lời tâu của ông nhận được sự tán thành của vua và các triều thần.Năm 1075, ngay sau khi đi tuần biên giới phía nam chống quân Chiêm Thành trở về, Lý Thường Kiệt bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cuộc Bắc chinh. Lý Thường Kiệt lĩnh chức Đại nguyên soái, thống lĩnh quân đội chuẩn bị một cuộc tấn công phủ đầu quy mô lớn đánh vào nội địa nước Tống. Thời bấy giờ, tổng quân số thường trực nước Tống khoảng chừng 100 vạn quân, còn quân đội thường trực nước Đại Việt có khoảng 7 vạn quân. Trong thế bị dồn vào chân tường, quân đội Đại Việt thời Lý Nhân Tông chuẩn bị làm một việc mà đa phần người Tống khó có thể ngờ được: Một đất nước nhỏ bé dám chủ động tấn công một đế chế đông dân, có lãnh thổ lớn hơn gấp hàng chục lần và quân đội thường trực cũng đông hơn mười mấy lần.
Quốc Huy
Các kỳ tiếp theo
Kỳ 5: Lý Thường Kiệt phạt Tống, tấn công toàn biên giới, chém tướng phá đồn
Kỳ 6: Lý Thường Kiệt vượt Thập Vạn đại sơn, bắt sống hàng ngàn tù binh Tống
Kỳ 7: Lý Thường Kiệt dùng tượng binh, máy bắn đá công phá Ung châu 
Kỳ 8: Lý Thường Kiệt hạ thành Ung châu, xác quân Tống chất cao như núi
Kỳ 9: Bị Lý Thường Kiệt phá Ung châu, triều Tống mang vũ khí tối tân nhất đối phó Đại Việt
Kỳ 10: Lý Thường Kiệt dùng lính thủy đánh bộ chống quân Tống
Kỳ 11: Lý Thường Kiệt dùng gián điệp, vua Tống hoang mang
Kỳ 12: Tượng binh Đại Việt đối đầu với chiến thuật 'biển người' của nhà Tống
Kỳ 13: Lý Thường Kiệt và cuộc đại khai sát giới quân Tống trước cửa Bạch Đằng
Kỳ 14: Lý Thường Kiệt bày hiểm trận, nhà Tống quyết nướng quân
Kỳ 15: Sử Tống kể chuyện quân Tống bị làm thịt khi sang xâm phạm Đại Việt
Kỳ 16: Lý Thường Kiệt siết vòng vây, hàng vạn quân Tống chôn chân chờ chết
Kỳ 17: Việt - Tống nghị hòa, lân bang kinh hãi
Kỳ 18: Thua trận, nhà Tống còn đòi bắt Lý Thường Kiệt như tội phạm chiến tranh​

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bà Nguyễn Thị Hải Vân tái khẳng định mất biển đi khuân vác tức là 'không thất nghiệp'



   Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Thị Hải Vân khẳng định mình "không vô cảm" khi có ý rằng dù biển chết nhưng người dân miền Trung "thất nghiệp không nhiều". Tuy nhiên, bà vẫn khẳng định lại, dù ngư dân phải bỏ đi làm phu khuân vác thì tức là "đã có việc làm".
Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới vừa có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hải Vân, người đã có phát ngôn gây sốc dư luận rằng Người Việt không ngồi một chỗ nên biển chết vẫn "thất nghiệp không nhiều".
- Trong hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản do Bộ NN-PTNT tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế sáng 27.8, bài phát biểu của bà gây phản ứng từ dư luận với 2 ý là người dân 4 tỉnh miền Trung "thất nghiệp không cao", "thiệt hại vừa phải" sau khi biển chết bởi Formosa xả thải. Nhiều người bình luận bà vô cảm với thiệt hại của dân.
- Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Phải ở trong ngữ cảnh mới hiểu tôi nói ý gì. Đây là hội thảo về báo cáo tiến độ nên tất cả những gì tôi muốn nói đều nhằm mục đích về tiến độ của Bộ LĐ-TB-XH. 3 địa phương (Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình) người ta thu thập thông tin cơ bản đấy rồi; tỷ lệ thất nghiệp đến thời điểm này là có tăng nhưng không phải hoàn toàn là thất nghiệp.
Còn tôi nói ý "thiệt hại vừa phải" nghĩa là người dân khai vừa phải (mức thu nhập trước và sau khi xảy ra thảm họa Formosa xả thải ra biển) chứ không phải khai vống lên mà cũng không quá nọ kia. Số liệu họ khai đáng tin tưởng được nên chúng tôi có ngay để hoàn thiện đề án trình lên Chính phủ phê duyệt để người dân được bồi thường hỗ trợ ngay.
Nếu tôi vô cảm thì không bao giờ tôi vào trong ấy để làm. Tôi tận tâm đến mức mà anh thấy bộ NN-PTNT đã làm xong đánh giá thiệt hại đâu mà bộ LĐ-TB-XH chúng tôi đã làm xong rồi.
Chúng tôi đang tích cực đề nghị tách riêng đề án (đền bù, hỗ trợ sau thảm họa) cho người lao động ra để đẩy đi trước. Còn bên kia (Bộ NN-PTNT, xây dựng đề án đền bù, hỗ trợ những người chủ bị thiệt hại) thì khi nào đánh giá thiệt hại xong người ta xây dựng đề án sau cũng được.
Skip in 7...
Ad finishes in 01 seconds

(Như vậy) thì anh  phải thấy lòng nhiệt tình, tâm huyết của chúng tôi như thế nào; nên tôi buồn khi thấy dư luận đưa ra những lời đánh giá như thế, buồn lắm ấy.
Người dân Thừa Thiên-Huế buồn dọn lồng bè vì cá đã chết bởi nước nhiễm độc từ Formosa - Ảnh: Lê Đình Dũng.
- Vậy tại sao bà nói tỷ lệ thất nghiệp không nhiều?
- Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Tôi đánh giá theo thực trạng người dân khai thôi, không phải bọn tôi sáng tác ra.
Trước khi có sự cố thì người ta có việc làm, bây giờ người ta có việc làm rồi hay là đang thất nghiệp thì chúng tôi đưa ra so sánh.
Ví dụ trước đây (tỷ lệ thất nghiệp) 3,3%, bây giờ 5,5%; vậy thì tỷ lệ thất nghiệp nó cao lên nhưng nó không cao đến mức như mình nghĩ là có thể 100% là không phải, mà nó có tăng.
Như Quảng Bình vì chạy dọc theo bờ biển, và việc làm của người ta là bám biển nên chuyển đổi nghề là rất khó thì tỷ lệ thất nghiệp của Quảng Bình tăng rất nhiều, là 16,4%. Còn ở những tỉnh kia, phần ven biển ít hơn nên người ta chuyển đổi nghề nghiệp dễ hơn thì tỷ lệ (thất nghiệp) có tăng nhưng không nhiều, cũng tăng một số phần trăm nào đó thôi.
Tôi đánh giá rằng người dân mình rất năng động nên khi xảy ra chuyện biển chết thì người ta cũng vẫn đi tìm việc làm để có thu nhập ổn định cuộc sống của người ta chứ không phải chờ nhà nước hay là ai đó hỗ trợ. Tôi đánh giá bản chất của người dân Việt Nam tốt ở chỗ ấy, chứ không phải đánh giá kiểu biển bị vậy mà không sao đâu. Nếu tôi đánh giá theo kiểu như mọi người đang nghĩ thì không bao giờ tôi nhấn mạnh việc tách đề án cho người dân trước để trình Chính phủ, và tôi còn phê bình ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tại chỗ (vì Hà Tĩnh chậm khảo sát thiệt hại của người dân).
Tôi không vô cảm như bị đánh giá, nếu tôi vô cảm thì tôi không bao giờ có những bức xúc như vậy.
Biển chết - Ảnh: Lê Đình Dũng.
- Người Việt cần cù là một chuyện. Nhưng vì biển chết buộc họ phải đi kiếm đủ thứ khác để mưu sinh, kiếm ăn; như vậy họ không còn được làm những công việc liên quan đến biển cố hữu bao đời, như vậy thì có coi là thất nghiệp?
- Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Không thể coi là thất nghiệp được, vì khái niệm việc làm của mình là người ta có việc nghĩa là người ta có việc làm.
Còn bây giờ nếu đền bù hay hỗ trợ cho họ thì phải đánh giá thiệt hại. Ví dụ trước đây họ thu nhập khoảng 7 triệu đồng, bây giờ họ thu nhập khoảng 2 triệu thì rõ ràng là thu nhập của họ giảm đi; vậy thì mình phải hỗ trợ.
Người thất nghiệp thì có mức hỗ trợ khác, người giảm thu nhập có mức hỗ trợ khác, còn những người không ra khơi được nữa thì Bộ LĐ-TB-XH có thể đưa đi xuất khẩu lao động ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… những nơi có nghề đánh bắt xa, gần bờ. Đưa họ đi như vậy để làm đúng nghề của họ, sau này biển sạch thì họ quay lại vẫn tiếp tục nghề được.
- Ví dụ, một người dân đi biển một tháng thu nhập 7 triệu, giờ biển mất họ phải đi tìm việc khác để mưu sinh như làm thợ nề, phu khuân vác được 3-4 triệu, vậy họ có thất nghiệp không?
- Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Không. Họ không phải thất nghiệp bởi vì họ vẫn có việc làm, nhưng thu nhập của họ bị giảm đi thì mình cũng phải hỗ trợ cho họ.
Tại vì khái niệm thất nghiệp của mình là anh phải không có việc làm cơ. Nhưng không chỉ những người thất nghiệp mới được hỗ trợ mà cả những người có việc làm mà giảm thu nhập cũng được hỗ trợ, hoặc có những người có thu nhập bằng trước kia nhưng không hài lòng thì có quyền xin đi học nghề, vay vốn, đi xuất khẩu lao động… Bộ vẫn hỗ trợ. Ở đây hỗ trợ cả 4 tỉnh miền Trung chứ không chỉ hỗ trợ những người mất việc làm.
- Bà vẫn giữ quan điểm rằng người miền Trung thất nghiệp không nhiều do họ vẫn tìm được việc làm sau khi biển chết. Vậy bà có sợ đứng trước ngư dân miền Trung khi nói điều này, ‘sợ sẽ mệt mỏi’ vì họ không?
- Bà Nguyễn Thị Hải Vân: Tôi có vấn đề gì đâu. Thất nghiệp là gì? Thất nghiệp phải là người không có việc làm. Trong Bộ luật Lao động, việc làm là gì, việc làm là tất cả những công việc mà pháp luật không ngăn cấm tạo ra thu nhập thì là có việc làm.
- Cảm ơn bà!
Lê Đình Dũng (thực hiện)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chỉ có người tài mới chọn được người tài…



VNN - Ngày xưa, tiên sinh Gia Cát Lượng bên Trung Hoa có “07 cách để hiểu lòng người”, thì bây giờ, “lý thuyết nhân tài 3C” (3C Talent Formula) của giáo sư Dave Ulrich ở Hoa Kỳ cũng rất phổ biến, được nhiều tổ chức, quốc gia áp dụng. Điều đó cho thấy, cách thức tìm ra “người tài” không thiếu.

Như một định mệnh, lịch sử mấy ngàn năm đã minh chứng Việt Nam ta trong những thời khắc binh lửa chiến tranh luôn xuất hiện những vị tướng tài, thậm chí nổi danh thế giới. Thế nhưng mấy chục năm hòa bình qua, đất nước vẫn chậm phát triển, thậm chí, nhiều ngành vẫn thua láng giềng và thế giới. Có nhiều nguyên nhân để giải thích hiện tượng trên, nhưng nguyên nhân cốt lõi nhất vẫn là yếu tố con người, những con người của một thời hòa bình.

Người tài chọn người tài

Chỉ cần click nhẹ trên trang tìm kiếm của Google, có thể nhìn thấy hàng loạt các phương pháp, dấu hiệu nhận biết “người tài” của các bậc hiền nhân thuở trước hay của các nhà khoa học, giáo sư nổi danh hàng đầu hiện nay.

Nếu như ngày xưa, tiên sinh Gia Cát Lượng bên Trung Hoa có “07 cách để hiểu lòng người”, thì bây giờ, “lý thuyết nhân tài 3C” (3C Talent Formula) của giáo sư Dave Ulrich ở Hoa Kỳ cũng đang rất phổ biến, được nhiều tổ chức, quốc gia áp dụng. Điều đó cho thấy rằng, cách thức tìm ra “người tài” không thiếu, vấn đề còn lại là vận dụng cách thức đó như thế nào cho thực chất, hữu dụng nhất và ai, tổ chức nào sẽ đứng ra chọn lựa “người tài”?

Câu trả lời cũng thật đơn giản! Chỉ có người tài mới nhận ra người tài.

Chỉ có những tổ chức mà hoạt động thực tiễn của họ đạt hiệu quả cao, đem lại những giá trị đích thực cho xã hội, có những phát kiến đột phá khai sáng cho nhân loại mới có khả năng chọn ra được những cộng sự, những đồng nghiệp hữu dụng, xuất sắc. Một ông chủ giỏi, một doanh nghiệp thành đạt, phát triển bền vững bao giờ cũng muốn có một đội ngũ nhân viên, tầng lớp kế thừa giỏi hơn mình hoặc chí ít là… bằng mình.

Công tác nhân sự nước ta hiện nay, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn phải tiếp tục đổi mới. Báo đài thường xuyên phản ánh hiện tượng tiêu cực liên quan đến nhân sự từ cơ sở địa phương lên tới tận cả trung ương. Việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh mới đây là một vụ nghiêm trọng điển hình, qua đó, dư luận có quyền lo lắng, hoài nghi rằng còn có bao nhiêu “ông Trịnh Xuân Thanh”… chưa bị lộ. Mà có những ông quan nếu thực chất chỉ là một nhân tài “dỏm” tìm cách chui lọt vào hệ thống, đồng nghĩa với việc một nhân tài thứ thiệt bị ra rìa. Đồng nghĩa với việc lãng phí, mà lãng phí nhân sự là thứ lãng phí lớn nhất, gây thiệt hại cho đất nước nhiều nhất.

Sự lỗi nhịp của cơ chế tuyển dụng

Từ lâu, các nhà phân tích đã chi rõ sự lỗi thời của cơ chế đánh giá, thẩm định, tuyển chọn nhân sự, quá thiên về lý lịch, lại thêm căn bệnh "con ông cháu cha", vấn nạn "đồng hương đồng khói", vì thế, Việt Nam đến bây giờ cứ mãi “thắp đuốc” đi tìm nhân tài. Nền kinh tế thị trường vẫn chưa hoàn thiện, luật còn quá nhiều khe hở tạo nên những nhóm lợi ích sân sau thao túng, chạy theo đồng tiền, chạy chức, chạy quyền diễn ra khắp nơi… khiến nhân tài vốn như “lá mùa thu” lại càng thêm rơi rụng.

Một chính quyền muốn có được những nhân tài thật sự phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, tiếp đó là môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ xứng đáng. Và một nhân tài chân chính cũng vậy, phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. Người Việt ta không thiếu người tài, cả trong nước lẫn nước ngoài, có người đã nổi danh, có người thì “tàng long, ngọa hổ”, vấn đề là làm sao có cơ chế thích hợp nhất để họ không “tàng” không “ngọa” mà tỏa sáng.

Khi đã đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, khái niệm trong Đảng ngoài Đảng đối với một quan chức sẽ trở nên nhẹ nhàng, bình thường. Nhiều người đã “chặc lưỡi” cho là không tưởng khi đề cập đến ngôi vị Bộ trưởng hay những chức danh cao hơn mà không phải đảng viên. Sao không nhớ lại năm 1946, khi Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước, một người ngoài Đảng được cử làm quyền Chủ tịch nước, và cụ đã hoàn thành rất tốt trọng trách công việc được giao.

Đất nước đang đối mặt với rất nhiều thách thức khó khăn, cả vấn đề đối nội lẫn đối ngoại, cải cách thể chế là cấp thiết, việc trọng dụng nhân tài để vực dậy, khai sáng, khai phóng bước đi của dân tộc là điều tối quan trọng, thiết thực nhất. Nhắc lại lời người xưa, nhà bác học Lê Quý Đôn từng nhận định rằng “nếu để xảy ra tình trạng trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt thì xã hội sẽ rối loạn, suyđồi, đổ vỡ”.

Lời cảnh báo đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

MP

Phần nhận xét hiển thị trên trang