Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Cuộc chiến giữa trí tuệ và ‘hậu duệ’


(PL)- Không lâu sau ngày Chính phủ mới ra mắt, dư luận đã gay gắt phản ánh và yêu cầu làm rõ hàng loạt dấu hiệu bất thường trong công tác cán bộ tồn tại từ nhiều năm trước.
******************************** 
TIN LIÊN QUAN:
Nổi cộm như vụ luân chuyển cán bộ của ông Trịnh Xuân Thanh và con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ trong hai ngày đầu tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải nắm thật chắc quy trình xử lý công việc của bộ mình, chủ động xử lý khi có tình huống phát sinh. Lắng nghe dư luận thì tốt nhưng không phải chuyện gì cũng chờ dư luận nêu rồi mới chạy theo xử lý. Muốn làm được điều đó, phải chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và tuyển dụng các vị trí trong từng cơ quan.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tổ chức các cuộc thi tuyển là để tìm người tài chứ không phải tìm người nhà”.
Thực trạng bố trí người nhà vào các vị trí quan trọng, một người làm to thì con em cháu chắt cứ thế thăng tiến vù vù không hiếm. Có những người chỉ trong vòng vài năm đã chuyển qua nhiều vị trí công tác theo hướng được đẩy lên, vị trí sau cao hơn vị trí trước, cơ quan sau có bổng lộc, quyền hành hơn cơ quan trước. Điều đó đang biến công vụ thành một thứ “tài nguyên” để họ khai thác thủ lợi. Quyền lực có được bằng sự thăng tiến không minh bạch chắc chắn sẽ góp phần tha hóa những người đó, làm mất cơ hội phát triển và cống hiến của người khác có lý tưởng, có thực tài. Không chỉ thế, để bảo vệ vị trí mình có được không phải do năng lực hay cống hiến, người ta sẽ kết bè kết nhóm lợi ích và sinh ra thủ đoạn. Khi sự trong sáng không còn, công vụ biến thành tư riêng, sự giám sát của bộ máy bị vô hiệu hóa thì quan trường sẽ thành mâm tiệc của quan chức còn nhân dân là người lãnh đủ.
“Tìm người tài chứ không tìm người nhà”, phát biểu của Thủ tướng mạnh mẽ, rõ ràng và khái quát một thực trạng tồn tại từ rất lâu, ai cũng thấy. Thậm chí người dân còn đặt thành ngữ: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ, năm thì… mặc kệ”. Trong cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và cử tri Cần Thơ ngày 5-8, có ý kiến phát biểu: “Cán bộ thế nào, dân nhìn vô biết hết”. Nhưng biểu hiện xấu về phẩm chất, lối sống, sự thăng tiến bất minh không thể qua mặt được người dân, nó làm mất đi nguồn lực con người và xói lở niềm tin của công chúng, nó thách thức sự năng động và hiệu quả của bộ máy chính quyền.
Tuy nhiên, điều Thủ tướng nói sẽ khó có thể trở thành hiện thực nếu thiếu một quyết tâm rà soát, làm rõ và xử lý những trường hợp đang yên vị ở những cái ghế quyền lực nhờ tuyển dụng, bổ nhiệm theo “cơ chế người nhà. Nếu không thì không thể ngăn ngừa sự tiếp diễn của nó trong tương lai. Nếu không xử lý thì họ sẽ tạo thêm những mối quan hệ khác, bổ nhiệm thêm những người không xứng đáng khác theo cơ chế hậu duệ, quan hệ và tiền tệ”.
Và khi bị tấn công, những quan chức được bổ nhiệm theo cơ chế “người nhà” sẽ phản vệ. Có sẵn quyền lực, mối quan hệ và tiền bạc trong tay, họ sẽ mua chuộc cấp trên và vô hiệu hóa, trù dập người đấu tranh bằng nhiều cách. Xóa bỏ “cơ chế người nhà” không nên chỉ được xem như một phát ngôn thông thường, cần phải nhìn thấy và xem nó là một cuộc chiến làm lành mạnh bộ máy công quyền, một cuộc chiến giữa phẩm giá, pháp quyền và những kẻ cơ hội, thủ lợi. Và, có thể có những tổn thất nếu muốn làm đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, nếu không làm thì chúng ta đang quay lưng lại với người tài. Nếu không làm thì quyết tâm của Thủ tướng trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng: “Người tài dù có ở bìa rừng góc núi cũng phải trân trọng” chỉ dừng lại ở một phát ngôn.
ĐỨC HIỂN/ Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

MEN LẠ.



Truyện ngắn  H.G

Năm xưa lưu lạc hải hồ, mình có quen mấy ông trên vùng cao. Một ông người Mèo, một ông Mán và một ông người Thổ. ( Cứ gọi nôm thế cho nó dân dã, thân mật, chả phải văn hoa, kiểu cách H’Mông, Dao diếc gì cả ). Tôn trọng, yêu mến nhau là ở trong lòng, phải đâu cách gọi tên thế này ra thế khác?
Ngày ấy mình khó trăm bề. Có ông anh kết nghĩa cho cái máy ảnh cũ Hiệu Ca non, ca già gì ấy, lâu ngày không còn nhớ nhãn mác, ống kính, độ zum của nó nữa. Ông ấy bảo: “Tao cho mày cái cần câu cơm. Lên vùng cao mà kiếm ăn. Ở đấy đồng bào người dân tộc. Người ta thật thà, tốt bụng và quý người. Vừa kiếm sống vừa tích lũy vốn sống sau này vừa phù hợp với chân mệnh của mày”.
Mình nghĩ ông này kinh, hiểu quá sâu về mình. Ông ấy không định kiến a dua theo dư luận lại còn có ý muốn giúp. Ông nhớ cả câu trong lá số của mình. Rằng là “Ở quê ăn ở chẳng yên, sau này lên núi, lên non mới thành”. Và cũng là “mối tình đầu XÃ NGHĨA”, con người ta sống với nhau. Đời sống còn nhiều khó khăn nhưng tình cảm trong sáng, không vụ lợi hoặc “Ông mất chân giò bà thò chai rượu”, có đi có lại như bây giờ!
 Đang sống ở Hà thành bụi bặm, ngột ngạt, những người là người, lênh bênh như trứng treo trong giỏ. Công việc nay có mai không, ba cọc ba đồng buộc vào cỗ máy nhà nước dăm ba tháng lại chực văng ra ngoài. Nay được ra chỗ rộng rãi, thoáng đãng, môi trường tử tế ai mà không ham? Tâm trạng mình như anh tù vừa được tha, sướng không tả được!
 Mình sắm sửa lên đường ngay. Chỉ định đi một vài năm, rồi “Châu về hợp phố”. Ai ngờ dính với núi với rừng gỡ không ra, mãi cho đến bây giờ!
Bạn trên núi cao một thời coi mình như người trong nhà. Bốn, năm cái “cùng” chứ không chỉ “ba cùng” như mấy ông cán bộ hồi cải cách, hay mấy ông “nằm vùng” ngày nay.
Ấy là mình nghe kể lại và tìm tòi qua sách vở, chứ hồi “cải cách”, mình đã biết “cải cách ”làcáiquáigìđâu?
Còn cái anh “Nằm vùng” hiện tại, quá lắm chỉ một, hai “cùng” thôi. Anh nào bám dân chỉ cùng ở, cùng ăn đã là tốt rồi. Làm gì còn ai cùng làm, “Ba cùng” nữa?
Mình khác. Chẳng những cùng ăn, cùng ở, cùng làm..Còn cùng suy nghĩ và cùng vui, cùng buồn, sướng khổ với các ông ấy. Người ta đối với mình thế nào, mình quý báu lại người ta như thế.
Lâu nay thêm tí danh hão, mình bận công việc như lông lươn, chả lúc nào rảnh.
Lâu lâu mới lên thăm các ông ấy được một lần. Các lần thăm viếng ấy thường không gặp may. Rất ít khi gặp các ông ấy có mặt ở nhà. Hôm thì có ông đi “Cầu làng”, hôm ông đi làm “Ma khô”, hôm vợ chồng cơm nắm lên nương, ở lại đó đến tối mới về. Mình đi tranh thủ, làm sao đợi được đến ngày hôm sau?
Sự thực là thế, nhưng công nhận mình vẫn thiếu quyết tâm, thiếu nhiệt tình. Con người ta muốn tốt với nhau, muốn gặp gỡ ân tình có trở ngại nào ngăn cản được? Chẳng qua mình tự dối lòng, tự an ủi mình thôi. Cái chính vẫn là ngại đi bộ, đường xa. Cái thời mũ lá, măng rừng leo núi, vượt đèo hàng chục cây số “như xưa” mất rồi. Con người ta hơi sướng một tí là quên, sợ ngay cái khổ, dễ hư thân. Mình còn thế huống chi những anh miệng rộng, bụng to, quan liêu, quan cách? Chả trách chủ trương cứ như ở trên giời.   Muốn giúp người vùng cao mà giúp không phải lối.
Định dịp cuối năm, nhân thể “đi thực tế tối tác” có thời gian sẽ ở lại vài ngày. Nướng bắp non, uống rượu hoẵng, chuyện tào phào với các bạn “tồng”.
Chưa kịp đi các ông ấy có việc về tỉnh, ghé nhà chơi. Nào mật ong, mộc nhĩ, gà, gạo lỉnh kỉnh như kiểu đi thăm người ốm.
Lại mừng và nhậu..

**
Bốn thằng mình, tuy là bốn “tông” người khác nhau ngồi theo thế “Tứ trụ trào đình” đang “mở hội tâm hồn” đãi nhau, chứ không phải như bác Chế “đãi núi sông”đâu. Sông núi thì tâm hồn đãi làm sao được? Mà chỉ tâm hồn thôi cũng chưa chắc đã đủ. Sông núi cần thứ khác, cụ thể hơn, mãnh liệt hơn, can đảm, sáng suốt hơn. Tâm hồn suông thì nước mẹ gì?
Rượu rót ra chén, lời thật thà tử tế rót vào lỗ tai. Thằng người Mèo bảo: “Tao xem vườn nhà cái mày rậm quá. Để hôm này tao vác con máy xuống hộ cho một buổi. Để thế này định nuôi chồn à?”
Mình bảo không phải, không phải.
Chẳng qua bận quá, chưa mượn được người. Với lại làm rừng cần phải giữ “thực bì”. Phát sạch cỏ, độ ẩm giảm đi đâu có tốt?
Nó cau mặt: “Đúng là cái mày học cày đường nhựa rồi. Phải phát quang đi cây mới lên được chứ?”
Mình thế á, thế á? Hôm nào xuống giúp tao đi.
Nó chả cần nghĩ lâu, đầu gật như gà mổ thóc! Thằng người Mán bảo: “ Cái gói tao đưa cho mày lúc nãy, đem ngâm rượu ngay đi. Dưng phải để lâu lâu mới uống. Uông lâu không nên đâu!”. Còn anh Thổ chả nói gì, gắp thức ăn cho cả ba: “Ăn tí đi đã. Uống không thế này khác gì rượu nhắm với thịt mình. Chuyện đâu chốc nữa nói”. Ừ thì ăn. Uống..
 Đang vui có người thập thò trước cửa. Con chó Mèo lông xồm chồm ra, người đó kêu ré lên. Mình vội chạy ra:
- Ai đấy? Có việc gì à?
- Tôi đây, có việc mới đến tìm ông. Không có đến làm gì?
Không đợi mình mời người đó gù gù kiểu “bố bản” cứ thể xông vào. Mình điên thật sự. Thằng nào chứ thằng này mình không muốn nó vào nhà tí nào.
Ngày thường mặt nó tôi tối, môi mỏng xám ngoét. Không hiểu sao hôm nay mặt nó đỏ tía lên. Cái trán hói cao như kiểu trán lãnh tụ bóng nhãy mồ hôi. Hai tay nó khuỳnh khuỳnh vòng trước đưa đi đưa lại, như thể chuẩn bị vào “trung bình tấn”, nom rất gây sự. Nó va mình mấy lần, mình đã cho nó nếm mùi đời, cạch mình đã lâu lâu. Hôm nay dáng vẻ khiêu khích thế này, chắc là có chuyện.
Mình đoán thế dù chưa biết có chuyện gì? Mình đâu có vướng mắc hay làm hại gì nó? Thằng “kiêu binh” này muốn gi?
Nếu nhà không có khách mình sẽ từ tốn nói với nó là mình đang bận, hay có việc ngay bây giờ phải đi. Không phải mình hốt hãi, ngại gì thằng đó, chỉ là không muốn nói chuyện với hạng người này.
Nhưng lúc này không lẽ đuổi nó đi? Mấy ông bạn kia sẽ nghĩ thế nào về mình? Dù sao nó cũng là người cùng một dãy nhà với mình. Có một vị láng giềng như thế, chả đáng lấy làm xấu hổ lắm sao?
Đành phải để hắn ngồi xuống ghế. Các ông bạn chân thành của mình vội lấy thêm cái chén, rót rượu cho nó. Mình than thầm, thể nào rồi cũng có chuyện..
Y như rằng! Hắn nhắc lại câu chuyện mấy hôm trước gặp mình ở nhà lão bí thư. Lão ấy cứ hỏi chuyện này, chuyện khác, chỗ nọ xọ chỗ kia.
Lạ nhỉ, người cương vị như lão sao kiến văn eo hẹp thế không biết? Cái gì cũng hỏi? Vui mồm mình kể chuyện mấy ngày rong ruổi trên cao nguyên Đà Lạt. Gặp bà con người Lâm Hà.. Toàn những chuyện chả liên quan gì đến hắn. Không biết hắn nhắc lại hôm đó là sao nhỉ?

**
Đáng lẽ thằng bỏ mẹ này phải cảm ơn mình mới phải. Hồi giải tán hợp tác xã nó mất chân thư ký đội. Từ nay làm thật ăn thật, không thể thăn thiến được của ai.
Dân làng đỡ hơn trước một chút, nhưng nhà nó lại đi xuống.
Nó vẫn hãnh diện với mọi người: Từng là lính lái xe tăng, tàu bò, từng là ‘Dũng sĩ” nọ kia. Nhà nó có tủ gương, giường mô đét, là những của quý lúc bấy giờ. Lại năm gian nhà ngói, vườn rộng hàng mẫu. Cả xã chưa ai biết đi xe máy thì nó đã mua Pốt xoa. Mua để cho oai chứ đâu đã có đường mà đi được? ( Riêng thuê chiếc thuyền chở từ Vật Trì về đã bằng tiền nhà người ta ăn tiêu cả năm. Thế mới kinh! )
Đang ở trên trời như thế, tự nhiên rơi xuống đất. Nó chán, lao vào rượu chè, bài bạc là những thứ mà trước đây nó ghét, nó khinh bỉ.
Của nả trong nhà cứ dần dà đội nón ra đi. Cuối cùng vợ nó ra đi nốt. Riêng về chuyện này không phải lỗi ở thị vợ nó. Dù có nghèo khổ đến đâu, con gái làng này cũng không bao giờ bỏ chồng, bỏ con để sướng một mình.
Thị ra đi vì chuyện khác..
Thằng em trai nó đang ở trên “chốt”. Tình hình biên giới mỗi ngày một căng, tay ấy ít khi về.
Đứa em dâu lại rờ rỡ như hoa hải đường. Nó thèm và đã bước qua hàng rào luân lí!
Mình không rõ chuyện ấy có thực hay không?
Nhưng dân làng bảo là nó có chuyện với đứa em dâu.
Con này sinh ra một thằng bé có đuôi dài độ nửa mét, mắt mũi dính lại với nhau và có đến mấy cái tai!
 Nhà nó họp lại, không dám nuôi, nửa đêm bắt phải đem chôn dấu dân làng ở gốc cây mít.
Nửa tháng sau ông bố đẻ nó vào một đêm tối trời, treo cổ tự vẫn chính cây mít ấy. Khi cả nhà phát hiện ra, người ông đã cứng, lạnh tím tự bao giờ rồi!

Sau chuyện đó, nó dở điên dở khùng, nhưng lúc không rượu lại vẫn nói năng rất văn hoa. Người xa mới gặp ai cũng nghĩ nó là người hiểu biết lịch sự..
Chính khi ấy mình về. Nó chủ động đến chơi, nghe nó nói chuyện mình có chút cảm tình. Ở cái chốn rừng xanh núi đỏ xa cách thế giới này, có một thằng như thế ai lại không muốn? Mình đâu biết quá khứ hay dở thế nào đâu?
Thằng bỏ mẹ kể những ngày oai hùng của nó.
Mình nghe mà thèm.
Nó bảo : “ Thực ra bài hát năm anh em trên một chuyến xe tăng là người ta hát cho có vần. Đúng ra xe tăng ta thời bấy giờ chỉ có bốn người. Vừa lái chính lại phụ, xạ thủ, thợ máy. Dưng mà chả sao, thơ nhạc cũng phải “mô đi phê” đi một tí chứ. Có sao hát vậy thì làm sao mà nghe cho được”.
Mình phục.
Thằng này tài. Biết cả chuyện éo le, bếp núc của văn học nghệ thuật, không phải người thường!
Mình có cô bạn người dưới Phòng trước cùng học một khoa với mình. Chồng nàng lái tàu Vích Ko lớ sớ thế nào lâm vào cảnh lao lí. Nàng bán nhà lên Hà Nội ngồi chè chén ngoài ga Hàng Cỏ, kiếm sống qua ngày. Lại thêm một thằng con trai mới ba bốn tuổi. Mình tình cờ gặp nàng trong một chuyến vi hành.
Người cũ, bạn xưa, oan khiên hiện tại, khiến mình động lòng. Nàng theo mình lên nhà chơi, nhận bà mẹ mình là mẹ nuôi.
Thực ra mẹ mình đâu có nuôi nàng được ngày nào?
Sau này mình cứ ân hận mãi, nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, bạn mình đã không khổ. Hoặc giả mình không gặp chuyện ngang tai trái mắt bỏ nhà đi chừng ấy năm, thì đã không có chuyện.
Hắn lấy được nàng, nghe nói được mấy tháng đầu hạnh phúc lắm. Mình về thăm nhà, vợ chồng hắn đưa con lên chơi mang cả rượu cả gà.. Mình nghĩ vậy là mình đã làm được điều nhân nghĩa, phúc đức. Một thằng mất gần hết tính người gặp được người bơ vơ chân trời góc bể, đấu níu nhau, làm lại cuộc đời.
Qúa tốt rồi còn gì để nói?
***
Ngồi vào bàn nhậu rồi, nó không cần ý tứ. Bạn trên non cao của mình rót chén nào ra, nó không để “long đen” chén ấy. Liên tay gắp cho người, lại gắp cho mình.( Muốn ăn thì gắp cho người cũng chẳng sao). Mình nghĩ thằng này lâu ngay háo chất. Sống một thân một mình, bữa thất bữa thường, Người có gia đình hẳn hoi lúc khó khăn này còn sất bất sang bang, huống chi đơn người, phù phiếm vật vờ như nó? Không thông cảm chiếu cố đến hoàn cảnh của nó thì mình đâu còn là con người.
Chỉ mong cho nó “đến vạch”, đứng lên ra về. Mấy ông bạn trên núi lại càng thật thà chăm sóc..
Ai ngờ cuối bữa, nó nhắc chuyện hôm gặp nhà bí vừa rồi.
Hôm ấy nó cắt ở đâu mấy cành bưởi bảo là giống quý đến nhà bí chơi lần cuối!
Hỏi sao là lần cuối?
Nó bảo: “ Chả thiết ở cái làng này nữa. Sống buồn thế đủ rồi, tôi đến gặp ngài để ngày mai đi..”
Bí đâm hoảng. “ Thằng này có họ xa với mình. Nó định đi đâu? Hay là..? Nhà nó có cái zen tự vẫn. Ngoài ông bố nó còn đứa con trai bảo mà làm, thực ra uống thuốc ngủ chui vào bụi chết. Lại thằng cháu gọi nó là chú ruột. Hay là thằng này định “Theo chân” bố nó?” Vội vàng an ủi, động viên.
Mình cũng góp lời, thôi đi làm gì? Ở đâu cũng đường đất nhà trời. Ở đâu cũng phải làm phải ăn. Chả có chỗ nào ngồi mát mà ăn bát vàng đâu bác ạ!
Nó long mắt gừ mình:
- Mày thì biết sao được nỗi khổ của tao? Hồi ấy mày có nhà đâu? Con cái Quy ( Quy là cô bạn học của mình ) tao quý nó như vàng. Nó nỡ bỏ tao đi mang theo cả giọt máu của tao nữa. Chúng mày tưởng tao đi chết à? Đừng có nhầm. Tao đi tìm vợ con chứ dại gì mà tự vẫn?
Bí mừng ra mặt. Thế là đỡ đi một “vấn đề” phức tạp. Còn mình lại lo.
Ngày mình qua Lâm Đồng, thế nào lại gặp Quy. Đúng là oan gia lối nhỏ! Mình chỉ mong Quy đừng trách giận gì mình:
Nàng bảo chả qua là tại nàng chưa tìm hiểu sâu sát, lấy phải ác ma. Nó đánh nàng lên bờ xuống ruộng. Bắt phải đưa thằng cu con nàng về quê ngoại. Mà quê ngoại nàng đâu còn ai? Không có cách nào thuyết phục cảm hóa nổi con người này. Cuối cùng nàng lại một lần nữa cất bước lên đường. May mà vào đến trong này gặp được người tốt, mới có ngày hôm nay. Nàng gặp mình cốt để hỏi thăm hiện tại chồng cũ là nó đang sống như thế nào? Mình kể qua loa cho nàng nghe.
Nàng lặng người đi một lúc. Nàng dặn mình đừng nói gì với hắn về chuyện này. Cho mình số điện thoại để khi nào nàng cưới con mời mình vào dự đám.

Mình đã giữ lời hứa với nàng không nói gì. Không hiểu sao nó lại biết có cuộc gặp gỡ đó?
Mình nghĩ mãi. Có lẽ hôm đó khỏi nó về một lúc, chả biết cám cảnh về nỗi niềm của nó hay mấy chén rượu ngâm bìm bịp nhà bí mà mình hở chuyện. Quên cả việc nó với bí là chỗ họ hàng. Có lẽ thông tin từ lỗ này dò rỉ ra chăng?

****
Mồm ăn, miệng nói, nó liên thuyên về cái thời ra ngõ gặp anh hùng. Bản thân nó cũng là một “anh hùng chính danh”. Bạn vùng cao của mình cứ trố mắt ra mà nghe. Sao cái thằng xấu xấu, bẩn bẩn này lắm tài thế nhở? Cái gì cũng biết, cái gì cũng hay. Trên đời này chả có cái khó nào mà nó chưa từng trải qua!
Bạn mình phục và nể nó quá!
Bạn người Mèo còn hẹn nó: “Hôm nào lên cái tao chơi”!
Người vùng cao vắng vẻ, thích nghe chuyện và quý người một cách đơn sơ như vậy. Bạn Dao còn xin nó số điện thoại. Thằng bỏ mẹ cười ngượng ngịu: “ Mình quên không mang”.
Thực ra nó nào có dùng? Gọi đi đâu và nghe ai gọi mà dùng điện thoại?
Nó phét thế thây kệ nó.
Mình chỉ mong cho nó đứng lên, kết thúc cuộc gặp bất đắc dĩ này.
Đột nhiên nó quay sang mình:
- Tớ có việc phải về. Nhưng trước khi về cậu cho tớ số của..
- Làm gì có số nào? Ông với bà ấy vợ chồng với nhau bao nhiêu năm còn chả có nữa là tôi?
- Này đừng dấu nhau, lão bí nó bảo cậu biết số của mẹ con cái Quy, cậu giấu tớ làm gì?
- Ông này hay! Tôi dấu làm gì? Nếu ông bí biết thì hỏi ông ta ấy, sao lại hỏi tôi?
- Hay là mày có chuyện gì với nó mà mày dấu?
Tôi nóng hết cả mặt mày, định lôi luôn nó ra cửa, nhưng nghĩ nhà đang có khách, không nên.
Bạn Thổ trên làng Lan đã nóng mắt, lại không bình tĩnh như mình, nói ngay:
- Có, người ta mới cho mày được, không có lấy đâu cho, sao lại nói thế?
Nó nhếch mép cười khẩy:
- Mày biết đéo gì chuyện này mà tham gia? Thích gây với tao hả? Có biết bố mày là ai không?
Bạn thổ giận tím mặt, từ từ đứng lên. Có lẽ bạn ấy tức nó về câu văng tục vừa rồi..Nó ra tay trước, vơ vội cái bát vèo một cái ngang qua mặt mình. Không trúng ai. Cái bát chỉ làm vỡ cái khung ảnh “Gia đình văn hóa”  treo trên tường.
Cuộc đấu không hẹn của hai bên diễn ra ngay trên sân nhà.
Hai kẻ không, quen biết lăn xả vào nhau.
Mọi người chạy đến nhưng không ai làm cách nào ngăn cản được. Đúng là thằng dở có vài miếng của thời “lực lượng đặc biệt”. Anh bạn Thổ cũng không phải tay vừa. Bài “Miêu quyền” giờ được lúc trổ tài, tấn thủ mau lẹ..
Mọi chuyện xảy ra bất ngờ quá, mình lúng túng chưa biết làm sao. Có lẽ tại cái thứ men rượu của bọn người “nước lạ” bán sang đây? Con người ta bỗng chốc trở nên rồ dại, mất bình tĩnh do thần kinh căng thẳng đột ngột. Người bình thường còn có thể chịu đựng được. Nhưng với với kẻ điên sẵn, rồ sẵn, lại có dòng máu mang “zen tự vẫn” như thằng này, không bị điên hẳn, mới lạ!
Hai đấu thủ kẻ thì xưng má, kẻ trều môi vẫn quyết một lòng sống chết lăn lộn vào nhau. Vớ được cái gì liệng về đối phương cái đấy. Vừa may có một người vác đâu cành dong tre gai lùa vào giữa..
Đây là kinh nghiệm khi có hai con trâu cà đánh nhau, thật là hiệu nghiệm! Áo của cả hai “võ sư - võ sĩ” quấn chặt vào mớ gai đó, nhùng nhằng gỡ mãi không ra, cuộc tỉ thí mới tạm dừng. Cũng là lúc người nhà nó nghe tin chạy đến.
Không hiểu sao hôm nay bọn chúng mát tính. Không té nước theo mưa, kéo bè kéo cánh gây thêm sự như ở nơi khác, còn xin lỗi mình, đưa tên bỏ mẹ về nhà!
Bữa rượu thành ra hỏng. Bạn mình trên núi giận dữ bỏ ra về.
Bao lâu mới gặp, chỉ một chuyện không đâu vào đâu, chuyện nọ xọ chuyện kia mà nên nỗi!
Mình buồn, chả biết các anh í có hiểu cho tấm lòng của mình nữa hay không?


==================

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Chiếc bẫy quyền lực của Putin, Tập Cận Bình và Erdogan

xipu

Nguồn: Nina L. Khrushcheva, “The Strongman’s Power Trap”, Project Syndicate, 19/07/2016.
Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đầu năm nay, khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố thành lập lực lượng vệ binh quốc gia với 400.000 nhân sự chỉ chịu trách nhiệm trước ông, nhiều người Nga tự hỏi tại sao nước họ lại cần thêm một quân chủng mới. Sau tất cả, quân đội Nga được xem là đã trở lại: Putin đã trang bị cho quân đội các khí tài mới và thậm chí còn dàn xếp hai cuộc chiến nhỏ – tại Gruzia năm 2008 và tại Ukraine từ năm 2014 – để khẳng định điều này.
Nhưng cuộc đảo chính thất bại chống lại nhà lãnh đạo cứng rắn đồng cấp với Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ – Tổng thống Recep Tayyip Erdogan – đã chỉ ra nguyên nhân quan trọng cho việc thành lập đội vệ binh giống kiểu cận vệ của các hoàng đế La Mã (Praetorian Guard) này. Putin đã làm suy yếu quá nhiều thể chế dân chủ tại Nga nên cách duy nhất để tước quyền của ông hiện nay là phải thông qua một cuộc binh biến.
Putin, Erdogan và cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều có chung nỗi lo lắng hợp lẽ về tương lai chính trị của mình. Trên thực tế, cả ba đều nắm quyền trong các hệ thống hạn chế việc thực thi quyền lực – dù đó là một hệ thống không hề dân chủ hoặc một nền dân chủ non trẻ luôn luôn bị đe dọa từ trong trứng nước. Trong trường hợp của Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ có nền pháp quyền và các thể chế kiểm soát và cân bằng đối với quyền lực hành pháp; còn trong trường hợp của Putin và Tập Cận Bình, đã có nhiều quy định bất thành văn được chấp thuận từ nhiều thập kỉ trước.
Những quy định đó – do Nikita Khruschchev lập ra sau cái chết của Joseph Stalin năm 1953 tại Liên Xô và Đặng Tiểu Bình lập ra tại Trung Quốc sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976 – được đưa ra để loại bỏ việc sát hại giới chóp bu bằng cách đảm bảo rằng một nhà lãnh đạo sẽ không đe dọa tính mạng và sự an toàn của những người tiền nhiệm hoặc các đồng nghiệp của mình. Trong hệ thống này, một quan chức chính phủ có thể bị tước quyền hoặc bị quản thúc tại gia nhưng anh ta và gia đình sẽ không phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ tù hay tổn hại thân thể.
Putin lên nắm quyền năm 1999 một phần là do ông hiểu được, và quan trọng hơn là ông chấp nhận điều này. Boris Yeltsin không chọn Putin làm người kế nhiệm bởi vì khả năng lãnh đạo xuất sắc thiên phú của Putin mà là vì Putin đã cam kết với Yeltsin rằng, nếu ông lên nắm quyền, Yeltsin và gia đình sẽ được bảo vệ khỏi tất cả các trừng phạt về luật pháp cũng như chính trị.
Trong trường hợp của Yetlsin, Putin đã giữ vững cam kết. Tuy nhiên, Putin chẳng hề khoan nhượng với các đối thủ của mình. Ví dụ, đầu sỏ chính trị Boris Berezovsky đã buộc phải lưu vong, liên tục bị theo dõi và quấy rối cho đến khi được phát hiện là đã chết tại nhà vào năm 2013 với kết luận tự tử. Mikhail Khodorkovsky là tỉ phú sở hữu công ty dầu Yukos và là một đối thủ chính trị tiềm tàng của Putin thì tước đoạt công ti, bỏ tù và sau đó cũng phải lưu vong.
Những đối thủ và kẻ thù cấp thấp hơn còn phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt hơn. Lấy một ví dụ tiêu biểu, nhân viên tình báo Nga Alexander Litvinenko đã chết vì nhiễm độc phóng xạ năm 2006 tại Anh sau khi bị đầu độc bằng polonium. Trong vụ án này, một bản điều tra chính thức của Anh đã kết luận rằng có lẽ Putin có biết về âm mưu giết người này; còn trong những bản điều tra khác, khả năng liên can cá nhân của Putin vẫn chưa rõ ràng. Nhưng có một thông điệp rất rõ ràng: Putin không bị ràng buộc bởi quy định gì và “vòi bạch tuộc” hay sự tàn bạo của ông cũng không có giới hạn, mặc cho cho đối thủ của ông có thể từng quyền lực tới đâu tại Nga.
Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình – một người ngưỡng mộ các biện pháp của Putin, đã kế thừa các mưu chước của Putin trong quá trình ông củng cố quyền lực. Từ những năm nắm quyền cuối của Đặng Tiểu Bình – những năm cuối thập niên 1980 – một dạng lãnh đạo tập thể trong nội bộ Đảng Cộng sản đã cai trị Trung Quốc với những điều luật bất thành văn nhằm bảo vệ những người quyền lực nhất  khỏi sự trừng phạt. Tuy nhiên, dưới sự nắm quyền của ông Tập, lãnh đạo tập thể đã bị thay thế bằng hình thức tập trung quyền lực vào một người duy nhất, còn các nguyên tắc bất thành văn kia đã bị xếp xó.
Cũng tương tự như Putin, Tập Cận Bình sử dụng các biện pháp chống tham nhũng để loại trừ các đối thủ và tập trung quyền lực về tay mình, và thậm chí ông còn mạnh tay hơn cả Putin. Hàng trăm các tướng lĩnh cấp cao của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã bị thanh trừng và bỏ tù vì các cáo buộc tham nhũng.
Hơn nữa, ông Tập còn vi phạm quy tắc của Đảng về việc không xử lý các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị trên mức khai trừ họ. Lấy ví dụ trường hợp của Chu Vĩnh Khang, nguyên Bộ trưởng Công an Trung Quốc trong một thời gian dài, đã bị bỏ tù vì các cáo buộc nhận hối lộ, làm suy đồi quyền lực nhà nước (vì được cho là có quá nhiều tình nhân) và làm rò rỉ bí mật quốc gia. Người thân của ông cũng bị bỏ tù.
Vụ ngã ngựa của Chu Vĩnh Khang nối tiếp vụ xét xử và bỏ tù Bạc Hi Lai diễn ra không lâu trước đó. Bạc Hi Lai là ứng cử viên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và có thể đã lên kế hoạch lật đổ Tập Cận Bình. Việc bắt giam hai nhân vật này càng thúc đẩy sự ngã ngựa của một mạng lưới rộng lớn các lãnh đạo cấp cao, bao gồm các chủ tịch tỉnh và người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Vì đã vi phạm quy tắc và những thỏa thuận ngầm của giới lãnh đạo chóp bu, Putin và Tập Cận Bình ngày càng hiểu rõ rằng họ sẽ không bao giờ có thể từ bỏ quyền lực một cách tự nguyện mà không lo ngại về sự an toàn của mình trong tương lai. Vì vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi sau 17 năm cầm quyền, Putin sẽ lại ra tranh cử Tổng thống – trên thực tế là không có đối thủ – vào tháng Ba năm 2018.
Tuy nhiên, Tập Cận Bình lại có một vấn đề. Đến năm 2017, ông sẽ hoàn tất nhiệm kì 5 năm đầu tiên và ông chỉ còn được thêm một nhiệm kì 5 năm nữa. Bởi vì năm trong số bảy ủy viên của Ủy ban Thường vụ sẽ được thay thế vào năm 2017, đây sẽ là lúc để các đối thủ của ông đề cử một người kế nhiệm. Chỉ việc xuất hiện của một nhân vật thay thế tiềm năng thôi cũng có thể là một án tử hình chính trị đối với ông nếu xét thái độ bất mãn lan tràn đối với ông trong nội bộ chính phủ Trung Quốc.
Từ sau vụ đảo chính thất bại tại Thổ Nhĩ Kì, Erdogan đã thẳng tay đàn áp những người bị cáo buộc đứng sau âm mưu này, và đã đưa ra một danh sách bắt giữ đáng ngờ gồm hàng ngàn chính khách, nhân viên quân đội và bộ máy tư pháp, những người bị ông cáo buộc đã đe dọa nền cai trị “dân chủ” của mình. Nhưng hiện nay Erdogan phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: theo chân Putin và Tập Cận Bình vào con đường chuyên chế không lối về, hay quay bước lại con đường dân chủ hiệu quả. Khi ngay cả các đối thủ chính trị cũng ủng hộ ông chống lại cuộc binh biến, thì người dân Thổ Nhĩ Kì đã dường như công bố sự lựa chọn con của mình (đó là ủng hộ nền dân chủ).
Nina L. Khrushcheva, tác giả của các cuốn sách Imagining Nabokow: Russia Between Art and Politics and the Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind, là Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Phó Hiệu trưởng Trường Đại học The New School tại New York. Bà cũng là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Thế giới.

 http://nghiencuuquocte.org/2016/08/09/chiec-bay-quyen-luc-cua-putin-tap-can-binh-va-erdogan/#sthash.ABtkqHi7.dpuf

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ta bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào đâu cả!


FB Võ Nhật Thủ

H1Thành công và thất bại

Đoàn thể thao lần đầu tiên mang huy chương vàng quý giá ở một kỳ thế vận hội về cho nước nhà: Bắn súng hơi cự ly 10m.
Trong khi đó, kỳ vọng vào môn bơi lội của kình ngư số 1 phải dừng chân không vào vòng chung kết.
Phóng viên các báo đài quốc tế, từ tư bản đến XHCN đều muốn săn tin một cách nhanh nhất. Họ đến gặp đoàn thể thao xin phỏng vấn tay ngắm số một.
– Chúc mừng anh lần đầu tiên đem về vinh quang cho đất nước ở đấu trường thể thao thế giới cao nhất. Anh có thể vui lòng cho xin vài phút về cuộc phỏng vấn được không?
– Anh cứ hỏi, chỉ như cuộc trò chuyên thôi nhé!
– Trước phát bắn quyết định để giật huy chương vàng anh thở dài nhưng tại sao ở phát quyết định anh lại bản lĩnh, tự tin bắn trúng vòng 10 để đạt vinh quang. Vậy động cơ dành cho phát cuối cùng là gì?
– À, lúc đó tui nghĩ lời của ngài TT nước tui: Ta bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào đâu cả! Tui thở dài vì lời của ổng nhưng sau đó tui nghĩ, nếu đã quyết tâm bắn thì thứ đếch chi mà bắn không trúng? Bắn hay không là ở bản lĩnh của mình thôi. Bởi vậy tui muốn chứng minh cho ổng thấy nếu quyết tâm thì bắn thằng chó chết mô cũng trúng, chớ cái bia cách 10m nghĩa lý chi.
– Vậy anh có nghĩ ý nghĩa của lần bắn này sẽ là động lực kích thích ngắm trúng, bắn trúng cho cái ngài … của nước anh?
– Việc nớ ông qua phỏng vấn ổng chớ tui thì chịu!
– Răng rứa?
– Nước tui mấy cha hứa lèo tui nghe mà phát ớn rồi!
– Cám ơn anh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.
Quay qua kình ngư số 1.
– Được biết chị là kình ngư số 1 của đất nước chị, chị vui lòng cho được phỏng vấn mấy phút, được chứ?
– Ơ, được, cứ hỏi, tui trả lời.
– Vì răng chị không vào được vòng chung kết? Có phải là cuộc thi bơi ở tầm cao nhất thế giới có quá sức chị hay không?
– Vâng! Cứ cho là vậy! Vì lớp trẻ nước tui trong cuộc sống hằng ngày phải bơi quá nhiều nhưng không vượt qua rào cản nên vào đây đuối sức cũng không có chi là ghê gớm!
– Vậy là thế hệ thanh thiếu niên nước chị luôn xem trọng môn bơi! Ồ, thật tuyệt! vậy rào cản bên chị chắc là đặt ở mục tiêu cao lắm! Mà là môn bơi gì vậy?
– Môn bơi tổng hợp. Sinh viên ra trường bên tui giờ phải tự bơi, bơi tìm việc làm để khỏi thất nghiệp. Còn rào cản à? Bên tui có câu: Nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba mới trí tuệ. Hai cái rào cản trước còn nằm chình ình đó thì các vận động viên trẻ nước tui dù sức lực phơi phới, trí tuệ đầy mình nhưng chịu không thể vượt qua. Nước tui giờ trình độ cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp đại học, thạc sĩ… đầy đường lên đến gần 20 vạn còn phải bơi để tìm việc làm vì hai cái rào cản chết tiệt kia.
– Vậy chị có hi vọng gì ở tương lai?
– Tui hi vọng phát bắn đạt huy chương vàng như đã phỏng vấn sẽ bắn thẳng vô mấy cái đầu nói nhiều trước khi bắn sập các mục tiêu “quan hệ, tiền tệ” để sinh viên, giới trẻ nước tui vượt qua tất cả rào cản bằng chính sức lực và trí tuệ của mình để… khỏi thất nghiệp!
– Cám ơn chị về chuyện… bơi!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

“Sức mạnh” TQ nhìn từ cái nồi cơm điện



Wall Street Journal (3-8-2016) có một bài rất hay khi đặt vấn đề ở góc nhìn ít được để ý: nồi cơm điện trở thành một phép thử cho việc điều chỉnh nền kinh tế Trung Quốc. Từ góc quan sát đó, có thể bổ sung nhiều điều. Nền kinh tế thứ hai thế giới này, với làn sóng đầu tư toàn cầu trị giá hàng tỉ đôla, với sự bùng nổ cơn lốc đi du lịch khắp thế giới, với sự “lớn mạnh” của quân sự…, lại cùng lúc tồn tại nhiều nghịch lý. 
Trung Quốc đang giàu lên. Dân Trung Quốc du lịch ngày càng nhiều và xài tiền vung vít. Tuy nhiên, nhìn lại, kỹ hơn, sẽ thấy một trớ trêu khác. Kinh tế Trung Quốc không thỏa mãn được người tiêu dùng. Nguyên nhân: sản phẩm không được bán “kèm” với niềm tin!

Nồi cơm điện, sản phẩm gia dụng mà Toshiba cho ra mắt từ năm 1955, là một trong những mặt hàng mà khách Trung Quốc xách về nhiều nhất khi họ du lịch sang Nhật! Ở một nước vẫn chưa có công ty nào lọt vào top 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới do Forbes bình chọn thì việc người tiêu dùng nghi ngờ sản phẩm nội địa là có thể hiểu được. Nồi cơm điện nội địa, khoảng 20 USD (so với 500-1.000 USD hàng Nhật mua tại Nhật), dĩ nhiên, cũng nấu được cơm. Tuy nhiên, lâu lâu nó xẹt xẹt, và thỉnh thoảng, nó bốc cháy. “Tại Trung Quốc, hầu hết loại nồi cơm điện được dùng là kỹ thuật trước thập niên 1980” – theo giáo sư Yoshiko Nakano thuộc Đại học Hong Kong.

Cơn sốt mua hàng tiêu dùng sinh hoạt của du khách Trung Quốc bùng nổ đến mức phi trường Narita (Tokyo) phải dựng bảng thông báo yêu cầu xếp hàng trật tự tại các cửa hàng miễn thuế. Năm 2015, các chuyến bay về Trung Quốc từ Tokyo phải bị hoãn vì chờ khách mua hàng! Chi tiêu du lịch của người Trung Quốc năm 2015 lên đến 215 tỷ USD, hơn cả ngân sách quốc phòng! Họ mua đủ thứ, từ kem dưỡng da, sữa, tã em bé, đến thậm chí bồn cầu. Một thăm dò của Nielsen Holdings PLC vào tháng 7-2016 cho biết có đến 67% người Trung Quốc trả lời rằng thương hiệu nước ngoài tốt hơn thương hiệu nội địa.

“Vấn đề” nồi cơm điện tại Trung Quốc trở nên nóng đến mức, năm 2015, đài truyền hình nhà nước thực hiện một chuyên đề bốn kỳ, so sánh các model của Nhật với hàng nội địa, để chứng minh rằng sản phẩm nội địa “không kém hơn hàng nhập khẩu”. Hàng nội địa có thể không kém hơn. Vì, như trường hợp hãng Midea (chiếm 43% doanh số nồi cơm điện thị trường Trung Quốc như họ công bố), đã thuê kỹ sư Hàn Quốc và gửi công nhân đến “tham quan” các nhà máy Nhật. Dù vậy, các bản tin “nồi cơm xẹt lửa” vẫn xuất hiện đều đều. Nồi cơm điện nội địa trở nên nguy hiểm đến mức nó bị cấm dùng trong ký túc xá. Năm 2010, báo chí đăng tin có bốn trẻ em bị thiệt mạng bởi hỏa hoạn do một nồi cơm điện cháy mạch.

Câu chuyện nồi cơm điện cho thấy ý thức và ý chí sáng tạo đóng góp cho kinh tế là một vấn đề rất không nhỏ đối với Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có thể sản xuất sản phẩm tốt hơn nhưng điều đó có nghĩa giá bán cao hơn và sức tiêu thụ kém hơn. Đa số người dân vẫn nghèo. Hàng bèo-giá rẻ vẫn là “công thức” sản xuất chủ yếu. Điều này lại dẫn tiếp đến một “nghịch cảnh” khác: sản phẩm Trung Quốc tiếp tục không tạo ra niềm tin đối với người tiêu dùng. 

Trung Quốc cứ vậy lẩn quẩn trong mâu thuẫn mà chính nó tạo ra. Hậu quả lớn nhất là không mang lại sự phát triển sáng tạo và nghiên cứu nói chung. Kinh tế và xã hội Trung Quốc cứ thế sống trong chụp giật. Kiếm được vài xu lẻ còn hơn không. Có thể nói thêm rằng, nguyên nhân cốt lõi vẫn là chính sách và chủ trương: Trung Quốc vẫn bám vào mô hình kinh tế định hướng XHCN. Không có cạnh tranh sáng tạo đúng nghĩa, không tôn trọng nhân tài và chất xám, đất nước này vẫn quanh quẩn không lối thoát với những vấn đề nhỏ nhặt và linh tinh.

Nguồn Fb
Manh Kim
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cũng chả bao nhiêu!

Lương của Đại tướng trong quân đội Việt Nam là bao nhiêu?

VOV.VN - Lương của Đại tướng là 12.584.000 đồng/tháng; Nâng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và cấp hàm cơ yếu với Đại tướng là 13.310.000 đồng/tháng. Thông tư 77/2016/TT-BQP do Bộ Quốc phòng ban hành tháng 6/2016, hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ NSNN trong cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Theo đó, lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và cấp hàm cơ yếu (Đại tướng là 12.584.000 đồng/tháng, Thượng tướng là 11.858.000 đồng/tháng, Trung tướng 11.132.000 đồng/tháng, Thiếu tướng 10.406.000 đồng/tháng...).

Nâng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và cấp hàm cơ yếu (Đại tướng là 13.310.000 đồng/tháng, Thượng tướng là 12.584.000 đồng/tháng, Trung tướng là 11.858.000 đồng/tháng, Thiếu tướng là 11.132.000 đồng/tháng...).

Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (phụ cấp chức vụ lãnh đạo Quân đội nhân dân và phụ cấp chức vụ lãnh đạo Cơ yếu).

Phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu.

Lương quân nhân chuyên nghiệp và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu.

Đối với công nhân và viên chức quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, có hệ số lương từ 2,34 trở xuống đã được hưởng tiền lương tăng thêm quy định tại Nghị định số 17/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống (sau đây viết gọn là Nghị định số 17/2015/NĐ-CP) nếu tổng tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh cộng các Khoản phụ cấp lương (nếu có) tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng của tháng 5 năm 2016 thấp hơn tổng tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, các Khoản phụ cấp lương (nếu có) và tiền lương tăng thêm theo Nghị định số 17/2015/NĐ-CP tính theo mức lương cơ sở 1.150.000 đồng của tháng 4 năm 2016 thì được hưởng chênh lệch cho bằng tổng tiền lương đã hưởng của tháng 4 năm 2016. Mức hưởng chênh lệch này không dùng để tính đóng hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các loại phụ cấp lương.

Thông tư 77/2016/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 25/7/2016 và các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01/5/2016./.


http://vov.vn/xa-hoi/luong-cua-dai-tuong-trong-quan-doi-viet-nam-la-bao-nhieu-538181.vov

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngày rong chơi


HG 

Vượt thoát những đám mây
luôn thường trực nghi ngờ
Những cọng rêu khôn ngoan
Bám vào hang hốc núi
rừng bạch đàn a dua
ngập tràn giả dối..

ta qua cầu sang sông !

Cần một ngày dong chơi
nắng thơm và rượu nồng
hoà vào dòng người -  không ai biết ai !
không biết luôn ta nữa

Một ánh mắt vô tư
đã là quá đủ !
buồn nữa , có mà ..
dở hơi !

Ngày ngắn nhất thế gian này
là ngày đang vui !
cho dẫu chiều về rỗng không tiền bạc
không cả đố kị , bon chen , bực tức
làm người nghèo chính danh 
cả cười !

Nhưng mà vui ,
yêu chết bỏ ,

khi nào buồn , 
đừng nghĩ nhiều nữa..

đi chơi ! !



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Gửi một người bạn Mĩ

Kết quả hình ảnh cho Ảnh nhà thơ Mỹ bán thơ trên đường?

Giữa phố đông người
Một nhà thơ
Đang vung tay
Cao giọng :
" Chỉ một đô la sẽ thay đổi cuộc đời
Chỉ một đô ,
Bạn có bài thơ hay."

Đó là lời nhà thơ
Đang đứng giữa ngã ba , ngã bảy
Ở một thành phố tự do
Trên thế giới này ..!

Thử hỏi :
Nước Mỹ giàu sang
Mỗi ngày
Tiền tiêu như nước chảy
Sao những nhà thơ như thể lưu đày ?
Hàng ngày phơi mặt ra đường hóng bụi
Đổi thơ ,
Kiếm sống qua ngày  ?

Đất nước mà nhân quyền được xem là trọng  !
Mà thơ thì khản cổ
Rưng rưng ?

Nước chúng tôi không nơi nào làm vậy  !
Thơ không thể nuôi ,
Về làng cũ đi cày !
Không khi nào đứng đường , đứng chợ
Khẩn cầu ai đó nương tay !

Thời của chúng ta
Xem ra..
Thơ ca ở mọi nơi đều bất hạnh !
Mà bỏ đi 
thì day dứt khôn nguôi ..
Mình đã khổ, 
người càng khốn khó
Đường thơ muôn đời ,
Mặn nước mắt rơi !

Thôi hãy về ,
 thơ đừng bán rẻ 
bạn ơi  !

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đĩnh ngộ



Không người xịt lốp xì hơi
Mải lo cơm áo đường đời - người đi
Bơm dài vô dụng có khi
Bon chen người mải say mê,quên cười !
Xoay lưng không lấy một lời
Ta ngồi hóng bụi , xem trời gió bay
Ngộ ra ở thế gian này :

" Ngồi chờ" là cách nực cười - Hỡi ta !!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TS NGUYỄN QUANG A LẠI VỪA BỊ CÂU LƯU



Nguyễn Quang A

6 LẦN BỊ CÂU LƯU TỪ CUỐI THÁNG 3 ĐẾN ĐẦU THÁNG 8

Hôm qua, 5/8/2016 tôi nhận lời mời của Ngài Đại sứ mới của Australia đến dự buổi tiếp tân do ông tổ chức tại tư dinh (do đoàn đối thoại Nhân quyền Úc đi thăm Hà Nam nên tối khuya mới có thể về đến nơi, mà tôi thì không ở muộn được do phải quay về quê cho kịp, nên họ đã yêu cầu tôi gặp họ tối hôm trước 4/8; cuộc này đã diễn ra tốt đẹp tại khách sạn Lotte), Anh Lax Konrad (thay anh Felix ) ở Sứ quán Đức, anh Tim Krap vừa thay nhậm chức ở Sứ quán Vương quóc Hà Lan và ngài Robbie Taylor phó đại sứ Newzealand cũng đều hẹn tôi uống cà phê sáng và chiều 5/8.


Tôi bắt đầu đi lúc 8:20 sáng để 9:00 uống cà phê với anh Konrad, thì ở đầu ngõ có 6 an ninh mặc thường phục bắt cóc lên xe (giống kiểu của các lần trước), xe chở tôi về công an huyện Quế Võ, Bắc Ninh (quê tôi). Họ tước mất điện thoại ngay từ lúc đầu và tống tôi lên phòng họp của CA Quế võ, luôn có 2 cậu an ninh trẻ ngồi canh nhưng chẳng làm gì cả.

Đến gần trưa xuất hiện 2 người của Bộ nói chuyện có vẻ trách công an Hà Nội đã làm việc này và làm ra vẻ giải cứu tôi bằng cách mời đi ăn trưa và thăm đền Ba Vua bên Gia Bình (nơi nghe nói đã xảy ra Hội nghị Diên Hồng, người Bắc Ninh nhưng tôi chưa hề đến đó và đã cảm ơn 2 anh ở Bộ đã giới thiệu đền này).

Họ bảo chở tôi về. Tôi bảo thế vẫn kịp gặp anh Tim (15h) và ông Đại sứ Úc (16-17h); tất nhiên hỏi chỉ để test thôi và họ bảo phải hỏi xem đã (tức là lời trách của họ với CA HN cũng chỉ là nói cho vui thôi, chứ nếu không có lệnh từ Bộ tôi nghĩ họ không dám tự ý làm; và test của tôi cũng khẳng định điều ấy).

Mãi đến 18:30 họ mới trả tôi điện thoại và tôi đi bộ về nhà ở quê luôn.

Tôi kịch liệt lên án sự vi phạm pháp luật và vi phạm nhân quyền của các nhà chức trách; họ là người bôi nhọ hình ảnh Việt Nam; sự vắng mặt của tôi trong các buổi gặp đó nói RẤT NHIỀU về tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng sau Đại hội của ĐCSVN (hơn bất cứ lời nào tôi có thể nói với các vị khách này).

Kính báo để bà con được rõ.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHÔN THI HÀI NHÀ ĐỘC TÀI

Philippines: TÂN TỔNG THỐNG RA LỆNH CHÔN THI HÀI NHÀ ĐỘC TÀI


Chôn cất thi thể cựu Tổng thống Philippines 

BBC tiếng Việt
08-08-2016

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa chuẩn thuận cho chôn cất thi thể của người tiền nhiệm bị thất sủng Ferdinand Marcos trong Nghĩa trang Anh hùng ở Manila.

Xác ướp của ông Marcos hiện đang được trưng bày tại nhà riêng ở thành phố Batac.


Quyết định di chuyển thi thể ông gây tranh luận do quá khứ tham nhũng và lạm quyền.

Tổng thống Duterte nói việc di chuyển thi thể ông Marcos có thể được tiến hành vào tháng tới.

Ông nói cho phép biểu tình chống lại quyết định này nếu như xe máy không làm cản trở giao thông.

Phát ngôn viên quân đội, Đại tá Benjamin Hao, nói đại diện của gia đình ông Marcos đã tới thăm nghĩa trang ở Taguig, trong thành phố Manila, để chọn địa điểm chôn cất và thực hiện những bước chuẩn bị đầu tiên.

Phe cánh tả chỉ trích động thái này, cho rằng việc dùng một nghĩa trang danh dự để chôn cất vị tổng thống phải chịu trách nhiệm cho hàng ngàn vụ giết chóc, tra tấn, bắt bớ quân nhân – mà nhiều vụ tới nay vẫn còn là bí ẩn.

Trong khi đa số nghĩa trang dành cho quân nhân, phóng viên tường thuật rằng luật của quân đội cấm những ai từng bị buộc phải xuất ngũ được mai táng ở nơi này.

Tổng thống Marcos và vợ, bà Imelda, cai trị Philippines trong 20 năm, trước khi bị cả triệu người xuống đường yêu cầu lật đổ, mà sau này gọi là Cách mạng Sức mạnh Nhân dân năm 1986.

Hôm Chủ nhật 07/08, Tổng thống Duterte nói hàng chục cựu chính trị gia, quan chức và quan tòa liên quan tới các hoạt động ma túy trái phép cần ra đầu thú và phải bị điều tra.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông nêu tên những người mà ông đưa ra cáo buộc và yêu cầu rút bỏ bảo vệ an ninh cho họ.

Truyền thông địa phương đưa tin rằng một số người đã bị nêu tên nhầm, nhưng ông Duterte nói ông sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ đối với những ai vô tội.

Ông Duterte tuyên thệ nhậm chức tổng thống hồi tháng Sáu, sau khi giành chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử diễn ra một tháng trước đó.

Ông từng là thị trưởng trong suốt 22 năm của thành phố Davao, lớn thứ ba Philippines, nơi chính sách cứng rắn và những bình luận gây tranh cãi của ông khiến ông được đặt cho biệt danh “Người trừng phạt”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những mánh lới buôn tiền


Theo Hồng Phúc/ TBKTSG 

VNN - Có hay không việc một số doanh nghiệp bắt tay với ngân hàng để buôn tiền?

Theo các chuyên gia làm trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, chúng tôi được biết, với các doanh nghiệp, việc tối ưu hóa nguồn vốn bằng các giao dịch với ngân hàng và đối tác để hưởng chênh lệch giá trị tiền tệ không có gì lạ và trong đó có những hành vi pháp luật không cấm. Song vẫn còn những trường hợp gây ra bất cân bằng về lợi ích, bóp méo thị trường...

Nhóm doanh nghiệp có nhiều cơ hội buôn tiền thường là các công ty có dòng tiền mạnh, nhiều tiền mặt, như các công ty cung cấp dịch vụ, hàng tiêu dùng nhanh, bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, các dịch vụ và hàng hóa thu tiền ngay... như hàng không, thực phẩm, nước giải khát, dịch vụ, du lịch...

Những khe hở đô - đồng

Có một số trường hợp phổ biến các doanh nghiệp hay làm để tận dụng khoảng cách giữa lãi suất tiền đồng và ngoại tệ trên thị trường.

Thứ nhất là khai thác sự chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trong thời gian ngắn. Ví dụ, doanh nghiệp vay ngoại tệ để sản xuất hàng xuất khẩu với lãi suất đô la Mỹ 2%/năm. Sau khi bán hàng, thu tiền đô về, doanh nghiệp bán số đô la đó cho ngân hàng lấy tiền đồng nhưng chưa trả nợ (có thể chưa đến kỳ hạn thu nợ) và lại tiếp tục gửi với lãi suất 5%. Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu buôn tiền theo kiểu này nên doanh thu từ hoạt động tài chính trong những thời kỳ tỷ giá ổn định khá cao.

Với các doanh nghiệp nhập khẩu, họ thường ký hợp đồng trả chậm với khách hàng nước ngoài, thường là 180 ngày. Sau khi nhập khẩu hàng về Việt Nam và bán hết hàng, thu được tiền đồng thì doanh nghiệp sẽ gửi ở ngân hàng để được lãi suất. Vì tiền đồng thường được Ngân hàng Nhà nước cam kết không phá giá quá 3%/năm, nên với lãi suất tiền gửi là 6-7%/năm, thì doanh nghiệp gửi tiền đồng kỳ hạn 6 tháng vẫn được hưởng chênh lệch 3-3,5%.

Thứ hai, doanh nghiệp “hóa trang” để được hưởng chính sách. Ví dụ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có 100 tỉ đồng, họ đem thế chấp ngân hàng để vay ngoại tệ, sau đó bán đi lấy tiền đồng gửi vào ngân hàng, lấy sổ tiết kiệm tiền đồng đó thế chấp vay tiếp ngoại tệ. Bán ngoại tệ đi lấy tiền đồng gửi tiếp ngân hàng... Vì thế nên có hiện tượng nhiều doanh nghiệp không có hoạt động xuất nhập khẩu song đến cuối kỳ gọi một doanh nghiệp khác bảo, ông bán hàng cho tôi, tôi nhận rồi chuyển lại cho đối tác mua hàng của ông, kỳ thực để hàng “chạy” qua công ty để có hoạt động xuất nhập khẩu. Khi làm như vậy, doanh nghiệp và ngân hàng chỉ rủi ro khi tỷ giá tăng.

“Tung hứng” nội tệ

“Buôn tiền trong doanh nghiệp không phải chuyện lạ, doanh nghiệp chỉ cần vài chục tỉ đồng làm mồi là có thể buôn tiền”, lãnh đạo một ngân hàng nói. Thậm chí, với những doanh nghiệp kinh doanh tốt, được ngân hàng xếp hạng A (nhóm I), được nhiều ngân hàng nài nỉ “làm ơn vay giùm” chỉ phải chịu lãi 3%. Vay 3%/năm, đem gửi ngân hàng khác hưởng lãi suất huy động 6-7%/năm nên chẳng làm gì cũng sống khỏe.

Có những doanh nghiệp có doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh cả ngàn tỉ một năm. Những doanh nghiệp có dòng tiền mặt tốt như vậy buôn tiền hưởng chênh lệch kỳ hạn là bình thường. Có 100 tỉ đồng, anh gửi ngân hàng 18 hay 36 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm. Đó là tiền gửi vòng 1. Vòng 2 là doanh nghiệp lấy sổ tiết kiệm đó thế chấp ngân hàng khác để được vay tối đa 98% của số dư gốc trên sổ tiết kiệm (98 tỉ đồng), ví dụ họ chỉ thế chấp sổ đó vay tiền kỳ hạn 1 tháng, lãi suất doanh nghiệp phải trả ngân hàng 6%/năm. 98 tỉ đồng đó gửi tiết kiệm tiếp (ở chính ngân hàng đó hoặc một ngân hàng có thể trả lãi cao hơn 6%, thường là những ngân hàng nhỏ). Rồi tiếp tục, có thể thế chấp sổ rút ra 90 tỉ đồng, vòng 4 rút ra 85 tỉ đồng. Khi ngân hàng để doanh nghiệp làm vài vòng như thế sẽ tạo đòn bẩy đẩy số tiền doanh nghiệp gửi và vay tại ngân hàng lên rất cao so với tiền gốc.

Ở cách này, tất cả kỳ hạn của tiền gửi vào ngân hàng phải là kỳ hạn dài hơn kỳ hạn vay tiền (thường vay với kỳ hạn 1 tháng) vì kỳ hạn dài lãi suất cao và cố định, còn kỳ hạn ngắn lãi suất thấp hơn và hay thay đổi, vì thế mỗi tháng doanh nghiệp phải vay lại một lần. Nếu mặt bằng lãi suất ổn định hoặc giảm thì doanh nghiệp có lợi. Rủi ro là khi lãi suất tăng, doanh nghiệp sẽ bị thiệt nếu không có tiền trả ngay ngân hàng.

Đặc biệt hơn là không loại trừ trường hợp ngân hàng có phiếu nhận tiền nhưng không có tiền gửi vào. Tất nhiên nhân viên ngân hàng chỉ dám làm việc này nếu có sự đồng ý của lãnh đạo hoặc khi... gan quá to. Trong cùng một ngày doanh nghiệp gửi vào ngân hàng 500 tỉ đồng, đồng thời rút ra 500 tỉ đồng thì sổ sách kế toán của ngân hàng sẽ ghi 0 đồng và sổ quỹ cũng ghi 0 đồng. Song nếu ngân hàng ghi phiếu nhận tiền khống mà cho doanh nghiệp rút ra 500 tỉ đồng thì sổ sách kế toán ghi 0 đồng nhưng sổ quỹ sẽ ghi âm 500 tỉ đồng. Và tiếp theo của trường hợp này, doanh nghiệp có thể gửi tiếp 500 tỉ đó vào ngân hàng, lấy sổ tiết kiệm đó thế chấp ngân hàng vay tiếp theo mô hình xoáy ốc khống lên thành tiền ảo. Nên mới có chuyện không biết tiền đó đi đâu.

Cách kiếm lợi thứ hai với tiền đồng là khai thác sự chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa lãi suất áp dụng cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Hiện tượng này rất phổ biến trong mấy năm trước, nhưng hiện nay đã giảm. Ví dụ, lãi suất tiền gửi ngân hàng huy động kỳ hạn 1 tháng với khách hàng cá nhân là 6-8%/năm trong khi với khách hàng doanh nghiệp là 4%/năm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đem tiền của mình cho nhân viên đứng tên cá nhân để gửi ở ngân hàng.

Tuy nhiên, việc này cũng rất rủi ro và trái với nguyên tắc quản trị, kế toán và cũng trái pháp luật nên nó chỉ xảy ra phổ biến ở các công ty TNHH hoặc doanh nghiệp tư nhân, nơi mà ông chủ có quyền quyết định và chịu trách nhiệm chính. Khi chênh lệch lãi suất càng cao thì cách này càng phổ biến, những năm trước, có thời điểm lãi suất huy động tiền gửi cá nhân có khi đến 10%/năm trong khi với doanh nghiệp chỉ có 3-4%.

Tất cả những hành vi trên, ngân hàng có biết không? Tất nhiên là biết nhưng vì môi trường cạnh tranh gay gắt, cần doanh số nên vẫn gật đầu vì nếu mọi việc thuận lợi thực ra ngân hàng vẫn có doanh số tiền gửi và tiền vay và cũng không mất gì, song hệ thống ngân hàng sẽ bị ảo. “Trên thị trường vẫn còn ngân hàng cho làm việc này nhưng có những ngân hàng gần đây đã hạn chế cách này bằng cách hạ tỷ lệ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm xuống thấp hơn 90% và kiểm soát chặt chẽ hơn”, lãnh đạo một ngân hàng tiết lộ.

Ông cho hay: “Tỷ lệ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm các ngân hàng cho phép phổ biến 90-98% song gần đây có những chi nhánh ngân hàng thấy rủi ro nên hạ xuống 90%. Với tỷ lệ này, những người có mục đích buôn tiền sẽ khó kiếm lợi hơn, tức loại được nhóm này còn nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn ở lại với ngân hàng. Vì các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nếu có vay cũng là vay tín chấp nên rủi ro nếu có cũng thấp hơn”.

Một chuyên gia làm trong ngân hàng cũng chia sẻ, dù luật không cấm chuyện này nhưng nếu quy tội lũng đoạn kinh tế cũng không sai. Ở khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, rõ ràng người thực hiện biết đó là hành vi không lành mạnh, ở vùng xám ranh giới giữa đúng và sai, đen và trắng.

Các hành vi như trên cũng có thể vi phạm pháp luật nếu doanh nghiệp sử dụng tiền vay sai mục đích. Ví dụ doanh nghiệp được vay tiền lãi suất thấp để sản xuất kinh doanh nhưng lại đem gửi lòng vòng trong ngân hàng kiếm lời hay mua nhà, mua xe. Nếu có bằng chứng, không những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thực hiện quy định về cho vay mà ngân hàng cũng bị liên đới vì không làm hết trách nhiệm.

Nhìn trên diện rộng, việc doanh nghiệp và người dân lợi dụng kẽ hở của chính sách điều hành để buôn tiền cũng khó trách. “Chẳng ai mang tiền đô đi gửi ở nước ngoài nếu mức lãi suất đô la Mỹ của Việt Nam theo giá thị trường. Chẳng ai muốn tăng vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng lên 3.000 tỉ đồng nếu không phải vì bị bắt buộc và hệ quả thì ai cũng thấy trong khi người gây ra hậu quả thì không chịu trách nhiệm gì”, một vị lãnh đạo ngân hàng nói, “Trước khi trách người kinh doanh lợi dụng kẽ hở luật pháp làm sai thì phải hỏi nếu chính sách không sơ hở thì ai làm sai được? Nhưng người tạo kẽ hở thì không bị hệ lụy gì trong khi đã có những người kinh doanh đi tù”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang